Chuyên Nghiệp
Một trong những bài học mà nước Mỹ làm tôi nhìn nhận rõ ràng hơn là tính chuyên nghiệp.
Xã hội này không có nhiều chỗ cho những anh bạn làng nhàng cái gì cũng biết mà tóm lại chả giỏi gì cả. Dù là anh công nhân, anh nông dân, hay ông trí thức, ông chính trị gia đều rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực mà họ lựa chọn.
Khi mới sang tôi cũng hay vung vẫy với những đề tài rộng lớn khái quát quy mô tổng hợp. Giờ đây tôi thấy nếu mình chỉ làng nhàng chung chung như vậy thì sẽ không đạt được cái gì. Các đề tài của tôi càng ngày càng thu hẹp để phù hợp với khả năng và trình độ của mình hơn.
Tôi thích liên tưởng xã hội như một trò chơi xếp hình một bức tranh từ nhiều mảnh ghép nhỏ cá nhân. Mỗi con người chuyên nghiệp tạo ra một mảnh ghép hoàn hảo, xuất sắc, không thể thay thế trong một bức tranh xã hội đẹp.
Xã hội Việt Nam tôi có cảm giác đòi hỏi một người quá nhiều kỹ năng ngoài chuyên môn để tồn tại và vươn lên. Ai cũng muốn mình làm nên bức tranh lớn mà chả ai chú tâm thực sự vào mảnh ghép chuyên môn nhỏ của mình.
Xã hội Việt Nam đẻ ra một tầng lớp chuyên nói phét ăn tiền mà chả có thực chất gì cả (không chuyên nghiệp). Lãnh đạo xã hội là các chính trị gia thì mua bằng cấp leo lên bằng ô dù, đút lót, lên rồi thì lo tham nhũng, lo bè phái để giữ ghế, giữ ổn định xã hội bằng cách tô hồng những chỉ số thống kê, bịt mồm những ý kiến trái chiều. Tầng lớp trung lưu có của ăn của để cũng tập trung ở các nghề mang tính chất trung gian môi giới (đất đai, chứng khoán, buôn bán...) ít tạo ra giá trị cho xã hội.
Ngay cả cái anh làm chuyên môn là loại hớt váng nghèo nhất xã hội cũng chỉ mong ký được hợp đồng để đi thuê lại thằng khác làm, ăn % chênh lệch chứ chả muốn làm việc thực chất. Tóm lại là thằng làm thật thì ít mà thằng bóc lột thì nhiều chả giống cái xã hội chủ nghĩa Marx tả gì cả.
Nói riêng ngành tôi, khi xưa làm nhà nước thỉnh thoảng tôi vẫn phải ký khống vài khoản tiền một vài chục triệu để rồi nhận về vài đồng bạc thiết kế phí ít ỏi. Thế cái chênh lệch kia nó đi đâu?
Có một qui luật bất thành văn là tiền công trình về con số kế toán rõ ràng cứ việc trừ đi 40 - 60% chi phí bôi trơn vận hành bộ máy công quyền. Đây hoàn toàn không tính đến các nghĩa vụ chính thức đã đóng góp cho nhà nước mà chỉ tính các loại chi phí sau: karaoke, bia, rượu, gái, phong bì cho các sếp.
Nếu cho nó là một kỹ năng cần thiết như một mảnh ghép thì ai cũng tranh nhau cái mảnh ghép béo bở này. Có lẽ nó quan trọng vì nó là mảnh ghép cuối cùng để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh chăng?
Thế nào cũng có bạn so sánh rằng ở Mỹ cũng thế, rằng các trường đại học Mỹ thừa nhận rằng phát triển chỉ số EQ (Emotional quotient) quan trọng hơn IQ (Intellegence quotient). Ờ, nhưng tôi đang nói về tính chuyên nghiệp bạn nhá.
Người ta định lượng được rõ ràng và thừa nhận lobby như một nghề nghiệp thực sự và họ cũng phải học hành bài bản để có những kỹ năng chuyên nghiệp. Ta thì sao, chả ai thừa nhận nó là nghề nghiệp mà rồi ai cũng phải học nó không ít thì nhiều để mà tồn tại.
Học thì lại chả có trường lớp đàng hoàng, không được định hướng một cách tích cực, xã hội nó thế nào thì cứ thế mà học, trắng cũng học mà đen cũng tiếp thu tuốt. Thế nên ngay cả làm lobby ở Việt Nam (cò mồi, trung gian, chủ đầu tư, nhà đầu cơ...) cũng chả chuyên nghiệp tí quái nào cả.
Mảnh ghép chuyên môn đã méo mó mà cái mảnh ghép cuối cùng này cũng méo mó nốt làm sao mà có được một bức tranh nên hồn.
Thursday April 10, 2008 - 12:10pm (HST)
No comments:
Post a Comment