Giao Chỉ và Tượng Quận
Trần Việt Bắc
Những sự kiện thành văn, ĐVSKTT một phần lớn đã tham khảo từ các sử sách của Trung Quốc. Tuy nhiên đây là những văn bản đầy thành kiến, theo quan niệm của một quốc gia thống trị viết về một quốc gia bị trị, thí dụ như Hậu Hán Thư quyển 116 chép về văn hóa của người Lạc Việt như sau: “Người Giao Chỉ không phân biệt trưởng ấu… Không biết lễ giá thú, chỉ theo dâm hiếu mà không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng, …” (trích từ Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn). Đây là những câu viết của người có quan niệm thống trị, tác giả là Phạm Việp. Ông ta không hiểu phong tục người Việt xứ Âu Lạc, cũng như không tìm hiểu thêm; để viết về một dân tộc có văn hoá và truyền thống khác hẳn Trung Quốc, nhận định theo quan điểm riêng, thiếu sự khách quan của một người viết sử.
Bởi thế, sau khi tham khảo chúng ta chỉ nên lấy những sự kiện – sự kiện mà thôi -của các sử gia Trung quốc cho thời khuyết sử của tộc Việt. Sau đó phải so sánh các sự kiện này với sự kiện khác, kiểm chứng và rút tỉa ra những điều không bị cảm tính chi phối, may ra chúng ta mới biết được đâu là sự thật của quá khứ đã được ngoại bang ghi chép. Vì thế chúng ta phải rất thận trọng khi tham khảo cổ sử của Trung Quốc để tìm hiểu về sử nước nhà. Từ những tham khảo này, bộ ĐVSKTT [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư] đã dựng nên một quá khứ của tộc Việt cho thời khuyết sử mà một phần lớn đã tham khảo từ sử liệu của Trung Quốc. Điều này đã gây nên nhiều nghi vấn cho hậu thế!
Hậu thế chúng ta may mắn có được những phương tiện truyền thông tân tiến. Tham khảo sử liệu qua “internet” là một việc hết sức dễ dàng – nếu chúng ta muốn làm – ai cũng có thể tra cứu những tài liệu, mà ngày xưa, tiền nhân mong muốn nhưng không tìm được. Bằng chứng là rất nhiều người đang bàn thảo về sử Việt trong các diễn đàn ở các “Web site” khác nhau. Người viết cũng chỉ là một trong những người đang làm việc này, hoàn toàn làm theo sở thích và vì sự tò mò, với mong muốn được hiểu biết thêm về sử Việt. Biết đâu có thể góp ý cho những bạn đọc cùng sở thích, và đặc biệt là có thể cống hiến cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu về sử Việt.
Dù sự hiểu biết về sử rất giới hạn và cũng không biết lượng sức (hiểu biết về Hán học của người viết rất là thô thiển!), nhưng cũng cố gắng tìm câu trả lời để mong biết đâu là sự thật (!) cho những câu hỏi về nguồn gốc của mình, (với sự trợ giúp của các nhu liệu thông dịch (1) cũng như bộ tự điển Hán Nôm của Thiều Chửu và những “chức năng” (function) của “Word”).
Mong mỏi được học hỏi thêm từ các học giả thông hiểu về sử học cũng như Hán học.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử của nước Việt, được viết lại với nhiều truyền thuyết của nhân gian và những tham khảo từ cổ sử của Trung Quốc cho thời gian khuyết sử của nước Việt, như Sử Ký của Tư Mã Thiên, Hán Thư của Ban Cố, Hậu Hán Thư của Phạm Việp cùng các bộ sử khác; tuy nhiên, ĐVSKTT đã có nhiều vấn đề khi tham khảo từ những sử liệu này. Như sử liệu bị chi phối vì hoàn cảnh và cảm tính của các sử gia, cùng những sự kiện đôi khi mâu thuẫn đã được nêu lên trong cổ sử của Trung Quốc. Việc này đã gây nên những tham khảo vòng quanh và sự suy đoán theo những chiều hướng khác nhau đầy hoang mang của hậu thế. Rồi những giả thuyết được đưa ra những tranh luận triền miên.
Bài viết này, người viết xin nêu lên vấn đề tương quan giữa Giao Chỉ, tức là cổ Việt và Tượng Quận thời Tần để mong có sự góp ý của các bậc thức giả, ngõ hầu chúng ta có thể hiểu biết thêm về vấn đề nan giải này trong sử Việt.
ĐVSKTT: Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương (2), đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận (tức là An Nam); …”.
Sau đó là An Nam Chí Lược của Lê Tắc (Trắc), 1335, được in bởi Viện Đại Học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt nam, 1961. Được chuyển qua ấn bản điện tử bởi các ông Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc năm 2001: “QUYỂN ĐỆ NHẤT, Tống Tự. Nhà Tần (246-207 trước công nguyên) lấy Giao Chỉ làm Tượng-Quận;…”.
Theo như trích dẫn trên thì An Nam (cổ Việt gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) là Tượng Quận thời Tần. Câu viết này đã nêu lên một số nghi vấn cho các sử gia. Rồi từ nghi vấn này dẫn đến những nghi vấn khác cùng với các giả thuyết khác nhau. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn cho sự tìm hiểu về sử Việt cho hậu thế – mà người viết là một.
1- Quan tâm của các sử gia về vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận.
Đại Việt Sử Cương (ĐVSC) của sử gia Trần Gia Phụng, tập 1, trang 74:
“1. Trung Hoa xâm chiếm cổ Việt. …. Năm 214 TCN (đinh hợi), Tần Thủy Hoàng Đế (Ch’in Shih Huang-ti, trị vì 221-210 TCN) sai Đồ Thư và Sử Lộc cầm quân tiến xuống phía nam, vượt sông Dương Tử, chiếm vùng đất mà người Trung Hoa gọi là vùng Bách Việt, lập ra ba quận là Quế Lâm (Kueilin, nay là vùng bắc và đông Quảng Tây), Nam Hải (Nanhai, tức Quảng Đông) và Tượng Quận (Hsiang, vùng Bắc Việt ngày nay)“ .
Mặc dù ông Trần Gia Phụng viết là quân Tần xâm chiếm cổ Việt vì Tượng Quận là vùng Bắc Việt ngày nay, nhưng trong ghi chú số 27, trang 65, ông đã nêu lên vấn đề như sau:
[i]” Toàn Thư cũng như các bộ sử khác, kể cả Cương Mục chép theo các bộ sử Trung Hoa việc tướng nhà Tần đã chiếm đất Lĩnh nam và đặt ra các quận Quế Lâm (nay là vùng bắc và đông bắc Quảng Tây), quận Nam Hải (nay là Quảng Đông) và Tượng Quận (vùng cổ Việt) năm 2q14 TCN. Sau đó toàn thư và các bộ sử cũ của nước ta lại viết thêm (tvb: do tác giả tô đậm) rằng: Lúc đó, tại cổ Việt có triều đại An Dương Vương (trị vì 257-208 TCN). Về các sự kiện liên quan đến triều đại An Dương Vương, các câu hỏi được đặt ra là: Thục Phán, người nước Ba Thục ở tận Tứ Xuyên (Sichuan), Trung Hoa, sao có thể qua tới cổ Việt để đánh Hùng Vương? Phía bắc của Bắc Việt là hai tỉnh Vân nam (Yunnan) ở tây bắc và Quảng Tây (Giangxi) ở đông bắc. Phía bắc hai tỉnh này mới là Tứ Xuyên. Chuyện nỏ thần có thể là lịch sử hay không? Cuối cùng, nếu năm 214 TCN cổ Việt bị quân Hán chiếm và đổi thành Tượng Quận rồi, thì cần gì Triệu Đà phải đánh lần nữa vào các năm 210 TCN và 208 TCN? Vậy phải chăng chuyện An Dương Vương chỉ là truyền thuyết“.
Một lần nữa, trong ghi chú số 5, trang 100, ông lại nêu lên sự quan tâm của mình:
[i]” …. . Ở đây có một điểm trong các sách sử cũ cần cẩn án:
1) Nếu theo các bộ sử cũ, năm 214 TCN, Đồ Thư và Sử Lộc chiếm đất Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh) lập ra ba quận Quế Lâm, Nam hải và Tượng Quận, mà Tượng Quận bao gồm cả cổ Việt, thì tại sao các bộ sử cũ còn chép rằng Triệu Đà hai lần đánh cổ Việt, năm 210 TCN và năm 208 TCN? Nếu Triệu Đà phải đem quân đi đánh cổ Việt,[b] có nghĩa là lúc đó người Trung Hoa chưa chiếm được cổ Việt.[/b]
2) Thứ nhì, nếu cổ Việt đã rơi vào tay Đồ Thư từ năm 214 TCN, thì chuyện An Dương Vương dùng nỏ thần để chống cự với Triệu Đà chỉ là chuyện truyền thuyết không có thật”. [/i]
Vậy nếu Tượng quận gồm cổ Việt thì sử liệu nói về An Dương Vương chỉ là truyền thuyết!
Việt Nam Sử Lược (VNSL) của sử gia Trần Trọng Kim, ấn bản đầu tiên năm 1921, được in lại bởi nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 1999, trang 29:
”
3. Nhà Tần Ðánh Bách Việt.
Khi An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua Thủy Hoàng nhà Tần, đã nhất thống thiên hạ. Ðến năm đinh hợi (214 trước Tây lịch). Thủy Hoàng sai tướng là ÐồThư đem quân đi đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Ðông và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà Tần.Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam Hải (Quảng Ðông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt
(2)).
Người bản xứ ở đất Bách Việt không chịu để người Tàu cai trị, trốn vào rừng ở. Ðược ít lâu quân của Ðồ Thư, vốn là người ở phương bắc, không chịu được thủy thổ, phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ người Bách Việt thừa thế nổi lên giết được Ðồ Thư”.
Theo sử gia Trần Trọng Kim; thì Bắc Việt (cổ Việt) là Tượng quận thời nhà Tần.
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt (NGMLCDTV) 1971, được in lại bởi nhà xuất bản Xuân Thu, Los Alamitos California. Tác giả là nhà văn và cũng là học giả Bình Nguyên Lộc. Đây là một bộ sách khá dầy, nặng phần khảo cứu về ngữ pháp, gần 900 trang (khổ nhỏ). Tác giả đã viết một đoạn khá dài (từ trang 221 đến trang 287) trong chương 2.
” Những sai lầm”, tiết mục D: “NƯỚC TÂY ÂU MƠ HỒ VÀ TƯỢNG QUẬN BÍ MẬT”, để nói về sự phản tương quan giữa cổ Việt và Tượng Quận. Ông đã đưa ra những nhận xét (với cách hành văn châm biếm và đôi khi hài hước của một văn sĩ, cùng với những kiến thức của một học giả uyên bác về ngữ học, phê bình về những sử liệu mà theo ông là ngụy tạo, đây là một điều rất hào hứng cho người viết!) để nói lên những sai lầm về giả thuyết của các học giả như: L. Aurousseau, H. Maspéro, Trần Kinh Hòa, Nguyễn Phương,…. Sau đó ông dùng “ bốn bằng chứng”, đặc biệt là bằng chứng thứ bốn, đã được coi là bằng chứng “quyết định” để ông có thể đi đến những kết luận như sau:
Trang 283:
” Với câu sử của Tư Mã Thiên và Lưu An (3) và những gì chúng tôi đưa ra để bác bỏ các thuyết, ta đã làm sáng tỏ được:
1.
- Tần không hề đánh xuống khỏi Hạ-chí - Tuyến Bắc, tức Tây Âu không là cổ Việt.
2.
- Tâu Âu Lạc là một địa danh hoàn toàn không có.
3.
- Huyện Tây Vu không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
4.
- Thượng du tả ngạn Nhĩ Hà không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
5.- Trạch Hu Tống là vua của Tây Âu, theo Lưu An chép. Khi Tây Âu không là Bắc Kỳ, không là Thượng du Bắc Việt thì Trạch Hu Tống (4) chẳng dính líu gì tới cổ Việt hết.
6.
-Tượng Quận không hề là Bắc Kỳ, vì Tần Thỉ Hoàng không có chiếm Tượng Quận.
7.
- Không có chánh sách trồng người tại cổ Việt Nam để đẩy dân Việt nam vào thế thiểu số.”
Đặc biệt là trong chương này ông cũng đã đưa ra một giả thuyết khá lý thú về nguồn gốc của An Dương Vương, tuy nhiên đây không phải là trọng tâm của đề tài, nên người viết hy vọng có thể sẽ trình bày vấn đề này trong một bài viết khác trong tương lai.
Việt Sử Toàn Thư (VSTT) của sử gia Phạm văn Sơn, ấn bản đầu tiên năm Canh Tí (1960), tái bản bởi nhà xuất bản Đại Nam, tủ sách sử học, trang 50:
” Về Tượng Quận, Việt Nam Sử Lược chép là Bắc Việt. Chúng tôi không đồng ý vì Bắc Việt khi đó là Âu Lạc đã thành Tượng Quận thì sau nầy đâu có sự kiêm tính của Triệu Ðà bằng binh đao, chúng tôi cũng không thấy sách nào nói như Việt Nam Sử Lược rằng An Dương Vương đầu phục nhà Tần để quyết định rằng vì sự thần phục nầy mà Âu Lạc biến thành Tượng Quận. Tóm lại ảnh hưởng của nhà Tần bấy giờ chỉ mới đến địa phận Tây Âu là tỉnh Quảng Tây và miền Uất Lâm cùng Nam Hải. Sau đó Tần triều phái 50 vạn người tù đầy đến chiếm đóng các nơi đã cướp được để bảo vệ bộ máy cai trị vừa mới thiết lập”.
Ông Phạm Văn Sơn cũng đưa ra thêm ghi chú ở cuối trang 50 này như sau:
“Theo Trúc Khê tiên sinh: Sử ta nói Tượng Quận nhà Tần là đất Bắc Kỳ. Trung Kỳ bây giờ, song so sánh địa lý và dẫn chứng với các sách thì Tượng Quận chính thuộc về một phần đất của tỉnh Quảng Tây nước Tần ngày nay. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim nói Tượng Quận là đất Bắc Kỳ có thể không đúng..
Sử gia Phạm Văn Sơn đã không đồng ý Giao Chỉ là Tượng quận, tuy nhiên ông không đưa ra những chứng minh qua sử liệu để phản bác vấn đề Giao Chỉ là Tượng quận thời Tần
Vậy qua sử sách hiện đại và cận đại, chúng ta thấy vẫn đang có những sự mâu thuẫn. Sự việc đã dẫn tới nghi vấn lớn và khó hiểu hơn nữa là xuất xứ của An Dương Vương. Nhiều giả thuyết đã nêu lên về vấn đề này, tác giả ĐVSKTT - ông Lê Văn Hưu và sau đó là ông Ngô Sỹ Liên cùng các sử gia khác trong các thời sau – đã đặt làm một thời kỳ riêng là “Kỷ nhà Thục, An Dương Vương” trong sử Việt. Điều này làm cho hậu thế hoang mang, vì không biết đâu là sự thật của lịch sử!
2- Giao Chỉ và Tượng quận qua thư tịch cổ (5) của nước Việt
Ngược dòng thời gian, người viết xin trích dẫn những tài liệu trong thư tịch có liên quan đến vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận.
Phương Đình Địa Dư Chí (PĐĐDC)của Nguyễn Văn Siêu (6), “lần đầu in bằng chữ Hán vào năm Canh Tý (1900), niên hiệu Thành Thái thứ 12“, tái bản bởi nhà xuất bản Văn Hoá – Thông Tin, trang 28: “Nhật Nam thái thú: Vua Hán Vũ đế đổi Tượng quận nhà Tần là Nhật Nam. Nhà Ngô lại đặt là quận Cửu Đức. …“.
Ông Nguyễn Văn Siêu cho là Nhật Nam thuộc về Tượng quận (Nhật Nam ở xa hơn về về phía nam so với Cửu Chân và Giao Chỉ).
Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hóa, khi viết về các tỉnh miền trung châu Bắc Việt đã viết như sau (thí dụ điển hình là tỉnh Bắc Ninh)”:
“Dựng đặt và diên cách. Đời Hùng Vương xưa là bộ Vũ Ninh, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, tức là đất hai huyện Luy Lâu và Long Biên, ….”.
Các sử quan triều Nguyễn vẫn coi Bắc Việt (cổ Việt) là Tượng quận đời Tần.
Vân Đài Loại Ngữ (VĐLN) của Quế Đường Lê Quí Đôn do Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản bởi nhà sách Tự Lực, trang 167:
“ Đời An Dương Vương, quân nhà Tần sang đánh cướp lấy miền đất Lục-lương của Nam Việt (người Lĩnh-nam phần nhiều ở vào khoảng đất núi, tính người cương cường nên gọi là Lục Lương), đặt ra các quận: Quế -lâm; Nam hải; Tượng-quận (Quế-lâm nay là Quảng-tây; Nam-hải nay là Quảng-đông; Tượng-quận nay là nước ta).
Qua trích dẫn trên, ông Lê Quí Đôn cũng đã viết Tượng quận là cổ Việt.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KKĐCSTGCM hay Cương Mục). Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch (1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998. Trong quyển 1: đề tài “Hùng Vương dựng nước” viết như sau:
” Năm Đinh Hợi (214 tr.c.ng.) (Thục An Dương Vương năm thứ 44; Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần sai Đồ Thư và Sử Lộc sang lấy đất Lĩnh Nam, đặt ra Tượng quận.
Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu úy Đồ Thư.
Lời chua: …. Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận: Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi nhà Tống, ba quận ấy là đất Bách Việt ngày trước, từ Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, mở núi dọn đường, cướp lấy đất Dương, Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần.“.
Các sử quan triều Nguyễn nói cổ Việt là Tượng quận thời Tần.
Việt Sử Tiêu Án, soạn giả: Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ 1775. Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu 1960. Nhà xuất bản: Văn Sử 1991. Chuyển sang ấn bản điện tử bởi: Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc 2001. Kỷ: Ngoại Thuộc: Nhà Triệu, Triệu Đà .
“Nhà Tần cho là nước Việt ta nhiều châu báu, muốn chia nước ta ra làm quận huyện, sai Hiệu úy là Đồ Thư mang quân vào sâu mãi Lĩnh Nam lấy đất Lục Lương đặt ra Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận 1. Người Việt ta đều chạy trốn vào trong rừng rậm, không chịu để cho nhà Tần dùng, ngầm đặt Kiệt Tuấn làm tướng, đương đêm đánh Đồ Thư, nhà Tần bèn mang 500 vạn dân phát vãng đi đày sang ở đó, cử Nhâm Ngao làm quan Úy ở Nam Hải, Triệu Đà là quan lệnh Long Xuyên”.
Không thấy ông Ngô Thời Sỹ nói rõ về việc Giao Chỉ là một phần của Tượng quận, nhưng chữ “nước Việt ta” và “người Việt ta” đã nói lên việc quân Tần đã tấn công cổ Việt.
Khi nói về thời Triệu Đà ông viết như sau:
“Xét sử cũ: An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to bốn chữ: “Triệu Kỷ Vũ Đế”. Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta”.
Qua câu viết này, dù không trực tiếp viết ra, nhưng người viết cho là ông cũng đã gián tiếp công nhận Giao Chỉ nằm trong Tượng quận.
Ở cuối trang, dịch giả viết trong ghi chú 1 như sau: “1 Tượng Quận. Quận do nhà Tần đặt, song chỉ có tên, chưa có đất và chưa có bộ máy hành chính cấp quận. Xưa nay nhiều người lầm Tượng Quận bao gồm cả đất Việt Nam ngày nay.“
Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của ông (Ngô Thời Sỹ) cũng viết: “Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam”. Người viết xin đặt câu hỏi về đoạn văn này.
[b]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[/b] (ĐVSKTT quyển 1, trang 138) viết như sau (với ghi chú số 2 và 3, của người dịch):
[i]Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể [8b] người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất [b]Lục Dương [/b] (2) (7) , đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam) ; cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh sĩ phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta.
(Chuế tế: con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ nên gọi là chuế tế [ở gửi rể] như cái bướu ở mình người ta, là vật thừa. Lục Lương là người Lĩnh Nam phần nhiều ở chỗ núi rừng, trên cạn (lục), tính người mạnh tợn (cường lương) nên gọi là[b] Lục Lương [/b]). [/i]
Câu hỏi được đặt ra: Tượng Quận bao gồm cổ Việt hay ở ngoài cổ Việt? Đâu là sự thật của lịch sử?
3- Tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề.
Chúng ta cũng biết rằng, thư tịch hay các sách về sử của nước Việt chỉ được viết ra từ thời Lý. Đầu tiên là Sử Ký của Đỗ Thiện (8), Việt Chí của Trần Chu Phổ (9), Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu (10)(những sách này đã bị thất lạc), Đại Việt Sử Lược của tác giả Khuyết Danh (11), ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên, v.v…. Những sách này đã tham khảo và lấy những sử liệu từ những bộ sử của Trung Hoa như sách Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An (trình cho Hán Vũ Đế năm 139 TCN), Sử Ký của Tư Mã Thiên (năm 97 TCN), Hán Thư của Ban Cố (khoảng năm 92, là năm ông này bị chết trong ngục, bộ sử này sau đó đã được hoàn tất bởi cô em gái là Ban Chiêu), Hậu Hán Thư của Phạm Việp (khoảng trước năm 445 là năm ông này bị giết) v.v…. Tuy nhiên khi tham khảo những sử liệu được viết từ một quốc gia “thống trị”; để viết sử cho một quốc gia đã qua một thời gian “bị trị”, các sử gia phải vô cùng cẩn thận, từ việc so sánh các sử liệu về việc đồng nhất của các sự kiện, còn phải phân tách, phán đoán, giải thích để tìm hiểu sự thật của lịch sử. Vì các sử gia của quốc gia thống trị đã viết sử theo quan niệm của họ, nhiều khi đến độ sai lầm vì nhiều lý do khác nhau. Nếu những tham khảo được lấy từ những điều chủ quan hay sai lầm để viết sử nước nhà, hậu thế sẽ đọc được những sự việc trong quá khứ với đầy nghi vấn và hoang mang với câu hỏi đâu là sự thật?
Sử gia Phạm Văn Sơn đã nêu ra vấn đề là cổ Việt (hay Giao Chỉ và Cửu Chân) không phải là Tượng Quận thời Tần, dù trong các thư tịch và cổ sử của nước Việt cũng như cận và hiện đại đều nói như thế.
Người viết đã trích dẫn đoạn văn của ĐVSKTT nói về Tượng Quận: “… đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây) 30, Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam) (3) “.
Đoạn văn với cước chú số (3) trang 138, tập 1 viết như sau:
“3 Tượng Quận: tên quận đời Tần mà trước đây nhiều sách sử của ta và của Trung Quốc đều chú giải là quận Nhật Nam, hay bao gồm cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Hán, tức đất An Nam. Thuyết đó là dựa vào một câu cước chú của Hán Thư (q.28 hạ, tr. 11a) về quận Nhật Nam thời Hán: “Quận Nhật Nam – quận Tượng thời Tần ngày trước“. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, thuyết đó đã bị phê phán. Chính Hán thư phần Bản Kỷ (q.7 tr.9a) chép rõ rằng: “Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phương (76 TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất“.
Dù đây chỉ là cước chú (12) trong ĐVSKTT, nhưng tài liệu này đã chỉ ra manh mối cho người viết, đã giúp rất nhiều cho việc tìm hiểu về cội nguồn của vấn đề.
Hán Thư, quyển 28 (13) “Địa lý chí đệ bát hạ” viết về quận Nhật Nam như sau : “Quận Nhật Nam, là Tượng Quận cũ thời Tần …. . Thuộc Giao Châu“
Hán Thư, quyển 7 (14) ” Thiệu Đế kỷ đệ thất” viết về việc bãi bỏ Tượng quận và chia quận này làm hai, sát nhập vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha : “Mùa thu, bãì bỏ Tượng Quận, chia và sáp nhập vào Uất Lâm, Tường Kha“.
Hai quận Uất Lâm và Tường Kha ở phía đông bắc tỉnh Quảng Tây và một phần của Tứ Xuyên, rất xa quận Nhật Nam, nên khó có thể nghĩ rằng Nhật Nam là Tượng Quận thời Tần. Vì thế người viết nhận thấy vấn đề về “Giao Chỉ và Tượng quận” bắt nguồn từ việc tham khảo sử liệu trong Hán Thư của Ban Cố. Bộ sử này; hai quyển 7 và 28 đã nêu lên mâu thuẫn về vấn đề Tượng Quận và Giao Chỉ. Vì chỗ tọa lạc của hai địa danh này ở quá xa nhau.
Câu hỏi được đặt ra:
– Tượng Quận thời Tần nằm ở đâu? Ở phía tây bắc Quảng Tây ngày nay; hay kéo dài xuống phía nam tới tận quận Nhật Nam, và bao gồm cả Giao Chỉ là nước Việt cổ?
– Giao Chỉ có bị quân Tần đánh và chiếm đóng không?
Bởi vì nếu Giao Chỉ là Tượng Quận hay nằm trong Tượng Quận thì Giao Chỉ đã bị quân Tần đánh và chiếm đóng. Còn như nếu Giao Chỉ nằm ngoài Tượng Quận thì Giao Chỉ không bị quân Tần xâm lăng, vì chỉ có thể chiếm đóng sau khi đã thành công trong việc dùng võ lực để xâm lăng.
Theo thiển ý, để hiểu rõ về một biến cố xảy ra, chúng ta cần ba yếu tố chính. Đó là nhân vật, thời gian và không gian (địa điểm). Các sử liệu đã đưa ra tên của nhân vật, thời gian, và địa điểm – nơi đã xảy ra những diễn biến này. Tuy nhiên tên những địa điểm nơi xảy ra biến cố đã bị biến đổi theo thời gian; cũng như qua các triều đại. Vì vậy, hậu thế rất khó có thể mường tượng được những nơi liên quan đến biến cố này nếu không có họa đồ để tham khảo.
1. “HanoConv1.0”, “Hanosoft”. Xin thành thật cám ơn các quý vị trong hội Hán Nôm đã thiết lập nên những nhu liệu này và cho phép xử dụng miễn phí. Không có các nhu liệu này thì bài viết này sẽ không thể hoàn tất!.
2. Trong ấn bản điện tử hiện đang lưu hành trên internet ghi là “Tượng Quận (Bách Việt)”. Tuy nhiên người viết thấy trong bản chính (sách), ông Trần Trọng Kim viết là ” Tượng Quận (Bắc Việ)t”
. 3. Lưu An viết sách Hoài Nam Tử. Người viết sẽ viết thêm về nhân vật này trong phần sau của bài viết. 4. Nhiều sách viết là Dịch Hu Tống. Người viết sẽ dùng tên này. 5. Người viết mạn phép gọi là “thư tịch cổ” cho những tài liệu từ thời nhà Nguyễn trở về trước là những thư tịch viết bằng Hán tự. 6. Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỷ Mùi (1799), tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình, người làng Lủ (Kim Lũ), huyện Thanh Trì, Hà Nội. Văn nhân nổi tiếng cùng thời với Cao Bá Quát với câu đối khen tặng của vua Tự Đức:
“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”Tùng: Tùng Thiện vương. Tuy: Tuy Lý Vương. 7. (2) ĐVSKTT: Đây viết là Lục Dương, cuối câu viết là Lục Lương.
Sử Ký của Tư Mã Thiên trong “Nam Việt Úy Đà liệt truyện viết là Dương Việt. Cũng trong Sử Ký, phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ viết là Lục Lương. Vậy theo thiển ý, tác giả ĐVSKTT gồm hai chữ Lục Lương và Dương Việt thành chữ Lục Dương ở đây.
8. Sử Ký của Đỗ Thiện được viết sau năm 1135, khoảng dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175).
9. Quyển sử này được viết trước sách Đại Việt Sử Ký (1272) của Lê Văn Hưu.
10. Đại Việt Sử Ký (ĐVSK) của Lê Văn Hưu, gồm 30 quyển, hoàn tất năm 1272.
11. Đầu thời nhà Trần, người viết phỏng đoán là sách này được viết trong khoảng thời gian từ 1234 đến 1258.
12. Trang mở đầu của bộ ĐVSKTT : ” ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ. Bản in Nội các quan bản. MỘC BẢN KHẮC NĂM CHÍNH HÒA THỨ 18 (1697). tập 1. Lời giới thiệu: Giáo sư Viện sĩ: Nguyễn Khánh Toàn. Khảo cứu về tác gỉa, văn bản và tác phẩm: Giáo sư Phan Huy Lê. Dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ. Hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn. NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI, HÀ NỘI – 1998
13.http://www.chinaknowledge.de/Literature/Historiography/hanshu.html
“Nhật Nam quận, cố Tần Tượng quận, Vũ Đế Nguyên Đỉnh lục niên khai, cánh danh. Hữu tiểu thuỷ thập lục, tịnh hành tam thiên nhất bách bát thập lí (3110 dặm). Thuộc Giao Châu”.14. Hán Thư quyển thất. Thiệu Đế kỷ đệ thất : “thu, bãi Tượng quận, phân thuộc Uất Lâm, Tường Kha”. Hán thư của Ban Cố, quyển 7 viết:[i] “Thu, bãi Tượng Quận, phân thuộc Uất Lâm, Tường Kha [/i]
4- Quân Tần mang quân đi đánh Bách Việt từ lúc nào?
Sau khi gồm thâu sáu nước để thống nhất Trung Hoa năm 221 BC, Tần Thủy hoàng muốn mở rộng đế quốc. Về hướng nam Trung Hoa, Thủy hoàng đã ra lệnh cho Đồ Thư mang quân đi chinh phục Lĩnh Nam.
Như đã trích dẫn trong ĐVSKTT trong phần trên cùng với sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ, dịch giả Nhữ Thành: “Năm thứ 33 (214TCN), Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương,lập thành Quế Lâm,Tượng Quận,Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ”(1).
Qua đoạn sử liệu trên chúng ta chỉ biết là năm 214 TCN, nhà Tần coi như đã chiếm được một vùng đất ở Lĩnh Nam, đặt làm 3 quận. Tuy nhiên sử liệu này đã không nói là quân Tần bắt đầu mang quân vào Lĩnh Nam từ lúc nào.
Để biết lúc nào quân Tần bắt đầu xâm lăng, “Nam Việt Úy Đà liệt truyện” (Sử Ký) viết: “… Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải”.
Câu dịch “Như thế đã mười ba năm” rất khó hiểu, vì câu viết có tính cách tương đối, 13 năm so với thời điểm nào? Vì việc này, người viết xin trích dẫn sách Sử Ký với tam gia chú- quyển 113- Nam Việt Úy Đà liệt truyện: “Tập giải Từ Quảng viết :“Tần tịnh thiên hạ, chí Nhị Thế nguyên niên (209 TCN) thập tam niên. Tịnh thiên hạ bát tuế (8 năm), nãi bình Việt địa, chí Nhị Thế nguyên niên lục niên (214 TCN) nhĩ“.
Qua lời chú này, chúng ta thấy là khi nhà Tần chiếm xong 6 nước kể từ năm Nhị Thế nguyên niên (209 TCN) là 13 năm: 209 +(13-1)(2) = 221 TCN. Phù hợp với việc “biên niên” trong chính sử Trung Quốc.
Nhà Tần “bình Việt địa” trong 8 năm, tới năm thứ sáu thời Nhị Thế là năm 214 TCN. Vậy nhà Tần bắt đầu chuẩn bị sự bành trướng đế quốc nhà Tần là: 214 + (8 -1) = 221 TCN. Tuy nhiên người viết nhận thấy là khi vừa chiếm xong sáu nước, Thủy Hoàng đế phải có một thời gian để chuẩn bị quân đội, như việc “bắt lính” từ các nước vừa chiếm như “đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn” (ĐVSKTT) cũng như lương thực cho đạo quân nam chinh này.
Vì thế, người viết nghĩ là một năm sau, đó là năm 220 TCN, thời điểm này quân Tần mới có đủ thời gian để mang quân đi xâm lăng Bách Việt
5- Địa điểm đóng quân của quân Tần
Quân Tần đóng quân ở chỗ nào?
Không thấy các bộ chính sử nói rõ về việc này, chỉ viết vắn tắt là Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang 500 ngàn quân vượt Ngũ Lĩnh (?) để xâm chiếm Lĩnh Nam (?).
ĐVSKTT: “Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương…
…đem những quân binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh”.
a. Sách Hoài Nam Tử (3)
Tuy nhiên có một tài liệu khá lý thú đã nói về nơi chốn quân Tần đồn trú, cũng như những biến cố trong chiến dịch này, dù rất sơ lược, nhưng rất là quý giá. Đó là sách Hoài Nam Tử của Lưu An, quyển 18, chương “Nhân Gian Huấn”, có đoạn đã viết về việc này như sau (4):
Kiến kỳ truyện viết: “Vong Tần giả, hồ dã “. Nhân phát tốt ngũ thập vạn, sử Mông công – Tương ông tử tướng, trúc tu thành, tây thuộc Lưu Sa, bắc kích Liêu thuỷ, đông kết Triều Tiên, Trung quốc nội quận vãn xa nhi hướng chi. Hựu lợi Việt chi tê giác – tượng xỉ -phỉ thuý – châu cơ, nãi sử uý Đồ Tuy (Nôm: Thư) phát tốt ngũ thập vạn, vi ngũ quân, nhất quân tái Đàm Thành chi lĩnh, nhất quân thủ Cửu Nghi chi tái, nhất quân xử (xứ) Phiên Ngu (Phiên Ngung) chi đô, nhất quân thủ Nam Dã chi giới, nhất quân kết Dư Can chi thuỷ, tam niên bất giải giáp trì nỗ. Sử Giám Lộc vô dĩ chuyển hướng, hựu dĩ tốt tạc cừ nhi thông lương đạo, dĩ dữ Việt nhân chiến, sát Tây Ẩu (Nôm: Âu) quân Dịch Hu Tống. Nhi Việt nhân giai nhập tùng bạc trung, dữ cầm thú xứ, mạc khẳng vi Tần lỗ. Tương trí kiệt tuấn dĩ vi tướng, nhi dạ công Tần nhân, đại phá chi, sát uý Đồ Tuy (Nôm: Thư), phục thi lưu huyết số thập vạn.
Tạm dịch (5):
…
Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến.
Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc (6) không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ kén chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn.
Địa danh và sự việc đã được sách Hoài Nam Tử nói qua, những điều này, người viết xin lần lượt trình bày qua những tham khảo, suy luận cùng những phỏng đoán của cá nhân trong phần sau.
Trước khi tìm hiểu về những địa danh và sự kiện được nêu lên trong tài liệu này, người viết xin nói sơ lược về tiểu sử tác giả sách Hoài Nam Tử, hầu chúng ta có thể biết thêm về thời điểm lúc quyển sách này ra đời.
Tác giả sách Hoài Nam Tử là Hoài Nam Vương Lưu An, ông là cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang (gọi Lưu Bang bằng ông), con của Lưu Trường, em họ (?) của Hán Cảnh Đế Lưu Khải (156 TCN – 141 TCN) và là chú họ (?) của Hán Vũ Đế Lưu Triệt (140 TCN – 87 TCN). Được phong làm Hoài Nam Vương ở vùng sông Hoài (7) (tỉnh An Huy ngày nay). Ông sinh năm 179 TCN, ông tự sát năm 122 TCN (hay 123 TCN?) vì có ý định mưu phản Hán Vũ đế, nhưng sự việc bị tiết lộ. Lưu An là người đã dâng biểu can Hán Vũ đế về việc nhà Hán định đánh Mân Việt khi Triệu Văn Vương của nước Nam Việt là Triệu Hồ (con Trọng Thủy, cháu Triệu Đà) trình cho Hán Vũ đế biết việc Mân Việt mang quân đánh Nam Việt (135 TCN).
Sách Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo gia, được viết bởi tám học giả ở vùng Hoài Nam gọi là Hoài Nam bát tiên, dưới sự chỉ đạo của Hoài Nam Vương Lưu An. Sách này được trình cho Hán Vũ Đế xem năm 139 TCN. Sách này ra đời trước cả bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên (145 TCN – 93 TCN, đây là bộ chính sử sớm nhất của Trung quốc, hoàn tất năm 97 TCN). Nhà Tần đặt Lĩnh Nam thành quận huyện năm 214 TCN, sách Hoài Nam Tử hoàn tất năm 139 TCN, được viết sau biến cố này 75 năm, tương đối khá ngắn so với chiều dài của lịch sử, nên người viết nhận thấy sự khả tín khá cao, hơn nữa có lẽ đây là sách duy nhất nói về việc này còn lưu truyền. Vì thế sự tìm hiểu về việc tiến quân của quân Tần được đặt căn bản theo đoạn văn đã trích dẫn ở trên của sách Hoài Nam Tử.
Qua sử liệu, chúng ta biết quân Tần vượt Ngũ Lĩnh để xâm chiếm Lĩnh Nam. Câu hỏi được đặt ra là Ngũ Lĩnh và Lĩnh Nam ở đâu so với địa danh ngày nay.
b. Ngũ Lĩnh và Lĩnh Nam
Ngũ Lĩnh
Là rặng Nam Lĩnh ngày nay, gồm 5 rặng núi nằm kế nhau theo hướng đông bắc, từ phía tây qua đông theo thứ tự như sau:
Việt Thành lĩnh (Yuechengling)
Đô Bàng lĩnh (Dupangling)
Minh Chử lĩnh (Mengzhuling)
Kỵ Điền lĩnh (Qitianling)
Đại Du (Dữu) lĩnh (Dayuling)
Rặng Ngũ Lĩnh kéo dài từ phía bắc tỉnh Quảng Tây sang đến một phần phía bắc tỉnh Quảng Đông. Ngũ Lĩnh phân chia ranh giới các tỉnh Hồ Nam – Quảng Tây, Hồ Nam – Giang Tây – Quảng Đông, thành hai vùng địa lý khác biệt.
Phía bắc Ngũ Lĩnh, tỉnh Hồ Nam có sông Tương theo hướng nam- bắc chảy vào hồ Động Đình và sông Dương Tử. Sông Cám (hay Cống giang) cũng theo hướng nam – bắc chảy vào hồ Bá Dương.
Phía nam, ở tỉnh Quảng Tây có sông Li theo hướng bắc – nam chảy vào sông Chu. Quảng Đông có sông Bắc cũng theo hướng bắc – nam chảy vào sông Tây (Tây giang).
Rặng Ngũ lĩnh không cao, trung bình từ 1000 tới 1500 mét (khoảng 3300 tới 5000 feet). Tuy nhiên rất hiểm trở và khó vượt qua bằng đường bộ.
Những quan ải tại Ngũ Lĩnh:
Sử Ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện: ” (Nhâm) Ngao chết, Đà lập tức truyền hịch bảo các cửa quan Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàng Khê rằng: Quân giặc sắp đến, phải chặn ngay đường, tụ tập quân sĩ để tự bảo vệ”.
Hoành Phổ quan, là Mai quan ngày nay (Meiguan) (8). Đây là một cửa ải quan trọng bậc nhất trên rặng Ngũ Lĩnh từ Hoa hạ đến Lĩnh Nam. Ngày nay tại đây vẫn còn một thị xã nhỏ sát ranh giới Giang Tây và Quảng Đông mang tên này. Từ Mai quan tới thị xã Nam Hùng tỉnh Quảng Đông khoảng 30 km (19 dặm). Thời Tần có tên là Hoành Phổ quan, cửa quan này nằm trên Đại Du (Dữu) lĩnh là một trong Ngũ Lĩnh, rất hiểm trở khó qua lại. Thời Đường gọi là Tần quan. Năm 716, Tể tướng Trương Cửu Linh (9) mở rộng thêm bằng cách đục đá xuyên qua núi bên dưới lối đi cũ để bớt độ dốc và lát gạch cho dễ qua lại. Phía bắc cửa ải có khắc hàng chữ “Nam Việt Hùng quan”, phía nam có khắc hàng chữ “Lĩnh Nam Đệ Nhất quan”.
Dương Sơn quan (10) ở phía đông nam Kỵ Điền lĩnh, gần Liên giang (Lian jiang). Ngày nay thuộc huyện Dương Sơn (Yangshan), Thanh Viễn thị, góc tây bắc tỉnh Quảng Đông.
Hoàng Khê quan ở phía nam Kỵ Điền lĩnh, gần núi Hoạt Thạch, chỗ ba con sông hợp lại là:
- Bắc Giang (Beijiang),
- Liên giang (Lianjiang) và
- Ống giang (Wengjiang).
Ngày nay thuộc huyện Anh Đức (Yingde), Thanh Viễn thị (Qingyuan), phía bắc đô thị Quảng Châu.
Ngoài những ải trên được ghi lại trong Sử Ký, còn có Ly Thủy quan là chỗ Sử Lộc đào kinh Linh Cừ thông thủy đạo từ Tương giang nối với Ly giang để chuyển lương trong chiến dịch xâm chiếm Lĩnh Nam.
Lĩnh Nam.
Địa thế: Lĩnh Nam là vùng đất phía nam của rặng Ngũ Lĩnh. Tùy theo sự giải đoán của từng người hay nói chung là tùy theo quan niệm của từng dân tộc. Người Trung Quốc gọi vùng Lĩnh Nam là đất của người Bách Việt gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến và phía nam của Chiết Giang (vùng đất của các nước cổ thời là Mân Việt và Đông Việt). Người Việt Nam gọi Lĩnh Nam là vùng đất gồm Quảng Tây, Quảng Đông và Cổ Việt là Bắc Việt ngày nay, vì trong cổ sử của nước Việt nói về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng như sau: ĐVSKTT:” Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:… Cho nên Trưng Nữ Vương tuy đánh lấy được đất Lĩnh Nam, nhưng không giữ được nơi hiểm yếu ở Ngũ Lĩnh, rốt cuộc đến bại vong” cũng như truyện “Lĩnh Nam Chích Quái”của Trần Thế Pháp. Trong khi đó học giả Tây Phương (11) nói Lĩnh Nam chỉ gồm có hai tỉnh là Quảng Tây và Quảng Đông. Tuy nhiên, nếu hiểu một cách phổ quát thì Lĩnh Nam là vùng đất phía nam của Ngũ Lĩnh, gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, đảo Hải nam, phía nam Chiết Giang và Bắc Việt Nam ngày nay. Vùng đất có các sắc dân không thuộc Hán tộc, khác hẳn về ngôn ngữ, phong tục và văn hoá với dân vùng Hoa Bắc và Hoa Nam thời cổ.
Phía tây Lĩnh Nam là vùng cao nguyên của hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu, cũng là phía tây của tỉnh Quảng Tây với rặng Ô Mông sơn (Wumeng shan) và Lục Chiếu sơn (Liuzhao shan (sát với biên giới Việt Nam- Vân Nam và Quảng Tây). Đây là những rặng núi tương đối khá cao để có thể phân biệt về ranh giới thời cổ. Phía đông bắc Lĩnh Nam là các rặng núi Vũ Di sơn, Tải Vân Sơn và Liên Hoa Sơn, phân chia hai vùng Lĩnh Nam và Dương Việt (huyện Mân Trung thời Tần). Phía đông và phía nam của Lĩnh Nam giáp biển Nam Hải.
Vùng Lĩnh Nam có sông lớn thứ ba của Trung Quốc là Tây Giang sau Hoàng Hà và Dương Tử (Trường giang), Đây là thủy đạo chính của vùng Lĩnh Nam. Sông này tùy từng đoạn đã được đặt bằng những tên khác nhau. Các đoạn sông này nối tiếp với nhau từ tây qua đông theo thứ tự sau: Nam Bàn giang (tên cổ thời là sông Tường Kha) – Hồng Thủy hà, Tây giang và Chu giang là đoạn nối với biển Nam Hải.
Sông Tây giang có những chi lưu chính ở phía bắc như Bắc Bàn giang, Liêu giang, Li giang, Bắc giang và Đông giang. Những chi lưu ở phía nam như Hữu giang và Tả giang (phát nguyện từ bắc Việt Nam) hợp lại là Uất giang, chảy vào Tây giang.
Khí hậu Lĩnh Nam khác hẳn với khí hậu Hoa hạ. Phía bắc Ngũ Lĩnh lạnh và khô, nhiều khi mùa đông có tuyết, nhưng phía nam Ngũ Lĩnh – Lĩnh Nam- thì ấm áp quanh năm, đây là vùng khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ thay đổi từ 10°C (tháng 11, 12, 1, 2) đến 30°C (tháng 5, 6, 7, 8). Thời gian trồng cấy từ 250 đến 320 ngày trong một năm (nhiệt độ tối thiểu để có thể cấy lúa là 10°C). Lĩnh Nam có nhiều mưa, tháng 5, 6, 7, 8 là mùa mưa, cao điểm là tháng 6, vũ lượng lên tới 25cm (10 inches). Vũ lượng cho cả năm khá cao, 170 cm (67 inches) tại Quảng Châu, 200 cm (80 inches) tại Hồng Kông, 180 cm (71 inches) tại Hà Nội.
Lịch sử: Trước khi quân Tần theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đi mở rộng đế quốc nhà Tần về phía nam, Lĩnh Nam không có những liên hệ nào đáng kể với vùng Hoa Hạ, ngoại trừ những việc giao thương rất lẻ tẻ qua những vùng có thể đi bằng đường bộ (12). Sự qua lại cực kỳ chật vật vì phải vượt qua những đường đèo hiểm trở tại rặng Ngũ Lĩnh. Văn hóa của Trung Quốc chưa xâm nhập vào vùng Lĩnh Nam. Về phía đông bắc, sau khi nước Sở và Tề xâu xé nước Việt của Câu Tiễn (13) năm 333 TCN, hậu duệ của vua Việt và một số dân Việt chạy về phía nam là hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến. Tại đây hai nước nhỏ được lập nên là Đông Việt và Mân Việt, vùng này được gọi chung là Dương Việt. Phía tây bắc của Lĩnh Nam có nước Dạ Lang thuộc tỉnh Quý Châu, phía tây Lĩnh Nam có nước Điền ở vùng hồ Điền Trì sát đô thị Côn Minh, tỉnh Vân Nam ngày nay. Mới đây các nhà khảo cổ đã khai quật được 118 di chỉ của nước Điền, từ những di chỉ này, chúng ta biết dân nước Điền rất điêu luyện về cách đúc đồng thau (bronze) (14) lúc cổ thời. Tại trung tâm của Lĩnh Nam có nước Tây Âu là một nước khá lớn, nước này đã chống trả lại đội quân nam chinh của Tần Thủy Hoàng một cách kịch liệt. Phía cực nam của Ngũ Lĩnh là nước Âu Lạc tức là Giao Chỉ hay nước Việt Nam thời cổ.
Các sắc tộc: Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây và cổ Việt) gồm nhiều sắc tộc, người Hán gọi chung là người Bách Việt, gồm nhiều bộ tộc đã định cư ở đây từ lâu đời. Cổ thời, trước khi nhà Tần mang quân xâm chiếm, Lĩnh Nam có hai sắc tộc chính thuộc chủng tộc Thái là Tráng (15) (Zhuang) ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông, Lê (16) (Li) ở vùng bán đảo Lôi Châu (Leizhou) và ven đảo Hải Nam (17). Xa về phía nam là chủng tộc Lạc Việt tại vùng Âu Lạc. Sau này lại có các sắc tộc thiểu số khác di dân đến đây sinh sống như người H’Mông(18), người Dư (19), Di tộc (Lô Lô) (20), người Dao (21) v.v…
Dân số Lĩnh Nam:
Theo như Hán Thư, Địa Lý chí của Ban Cố thì các quận:
Nam Hải,
Uất Lâm,
Thương Ngô,
Hợp Phố,
Giao Chỉ,
Cửu Chân và
Nhật Nam,
cộng lại được 215,448 nhà dân, và số nhân khẩu là 1,272,390 (22)
người. Đây là dân số Lĩnh Nam theo thống kê thời Tiền Hán (206 TCN – 9).
Nước cổ Việt (Âu Lạc) gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam tổng cộng là 143643 nhà dân và 981,835 người.
Vùng Quảng Tây và Quảng Đông gồm bốn quận:
Nam Hải, Hợp Phố, Thương Ngô và Uất Lâm là 71,805 nhà dân và 390,555 người.
Tỷ lệ dân số cổ Việt nhiều hơn 2.5 lần so với dân số hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây
Tuy nhiên, không phải tất cả dân chúng tham gia kiểm kê, nên người viết phỏng đoán là dân số Lĩnh Nam ở đầu thế kỷ thứ nhất có khoảng 2 triệu người. Ngược lại hai thế kỷ, trước khi nhà Tần sang xâm chiếm, người viết phỏng đoán dân số tại Lĩnh Nam có khoảng 1.5 triệu người: 500 ngàn tại vùng Quảng Tây và Quảng Đông (23), 1 triệu người tại cổ Việt.
c. Những địa điểm đóng quân
Sau vài nét đại cương về Ngũ Lĩnh và Lĩnh Nam, người viết xin trình bày từng địa điểm đồn trú của quân Tần, mà sách Hoài Nam Tử đã viết. Những vị trí này được truy tầm qua các tài liệu cổ của Trung Quốc như: Sử Ký, (Tiền) Hán thư, Hậu Hán thư, Tấn thư, Thủy Kinh chú, Thủy Kinh chú sớ, cùng với bản đồ của Trung Quốc và các phương tiện truyền thông tinh vi ngày nay như “Internet và “”Google Earth”. Sau đó sẽ phỏng đoán đường hành quân đặt căn bản qua các tài liệu trên, để chúng ta có một khái niệm tổng quát về chiến dịch xâm lăng Bách Việt của quân Tần.
Đàm Thành
Theo Hậu Hán thư của Phạm Việp, “Chí đệ thập nhị”, “Quận quốc tứ” (24) thì Đàm Thành là một huyện của quận Vũ Lăng thời Hán (quận Kiềm Trung thời Tần). Thời Hậu Hán, Hán Quang Vũ chia quận này ra làm 6 huyện. Đàm Thành là một trong 6 huyện, tọa lạc tại phía tây nam của quận Vũ Lăng.
Sách Thủy Kinh chú (bản dịch trong “Thủy Kinh Chú Sớ” của ông Nguyễn Bá Mão, quyển 37, trang 483): “Sông Ngân Thủy ra từ khe Nguyên Thủy ở biên giới phía bắc huyện Tầm Thành (25) (nv: Đàm Thành, xin coi ghi chú) quận Vũ Lăng“.
Quận Vũ Lăng, theo Hán Thư của Ban Cố, “Địa lý chí”, quyển 28 hạ (26), thì Vũ Lăng là một trong các quận của nước Sở ngày trước.
Theo như bản đồ ngày nay thì quận lỵ của Vũ Lăng là Hoài Hóa thị ở phía tây tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, phía nam rặng núi Vũ Lăng. Hoài Hóa thị có sông khá lớn là Nguyên giang (27) chảy qua. Sông này bắt nguồn từ ranh giới Quý Châu, Quảng Tây và Hồ Nam, chảy về hướng đông-bắc đổ nước vào vùng hồ Động Đình.
Đàm Thành tọa lạc tại Tịnh huyện (Tịnh châu Miêu tộc đồng tộc tự trị huyện), thuộc Hoài Hóa thị (Huaihua), phía tây nam tỉnh Hồ Nam, là một trong 12 thành của quận Vũ Lăng thời Hán (quận Kiềm Trung thời Tần).
Người viết phỏng đoán thành này nằm trên bờ sông Nguyên, là thị trấn Tịnh Châu (Jing Zhou) của tỉnh Hồ Nam ngày nay. Vì đây là một vùng phẳng duy nhất để có thể đủ chỗ cho 100 ngàn quân trú đóng và tiện việc vận chuyển quân lương bằng đường thủy.
Cửu Nghi
Theo Hậu Hán thư của Phạm Việp, “Chí đệ thập nhị”, “Quận quốc tứ” (28) thì Cửu Nghi là một vùng núi ở quận Linh Lăng.
Sách Thủy Kinh chú (bản dịch trong “Thủy Kinh Chú Sớ” của ông Nguyễn Bá Mão, quyển 38, trang 519) (29): “… Lại chảy về phía đông bắc, qua phía tây huyện Tuyền Lăng. Sông Doanh Thủy ra từ núi Lưu Sơn ở phía nam huyện Linh Đạo quận Doang Dương, chảy về phía tây đi qua dưới núi Cửu Nghi, chân núi uốn khúc khắp đồng Thương Ngô, ngọn núi mọc cao vút trong khoảng mấy quận. Núi bày ra chín ngọn, một ngọn dẫn một con suối, núi khe hiểm trở, núi tuy khác nhau, nhưng hình thế giống nhau, làm cho du khách nghi hoặc, cho nên gọi là núi Cửu Nghi. ”
Cửu Nghi Sơn: Địa danh này ngày nay vẫn còn. Tọa lạc Vĩnh Châu thị (Yongzhou), cách huyện Ninh Viễn (Ningyuan) khoảng 15 km (chừng 10 miles) về phía nam, nằm gần cực nam tỉnh Hồ Nam, một trong những núi thuộc Minh Chử lĩnh (sát ranh giới Hồ Nam – Quảng Đông). Đỉnh cao nhất là núi Phấn Cơ (Fenji -1959m). Phía bắc chân núi này vẫn còn một thị xã nhỏ có tên là Cửu Nghi.
Phía đông núi Cửu Nghi có sông Xuân Lăng, sông này thông với Tương giang ở phía bắc tại thị trấn Hành Dương (Hengyang-tỉnh lớn thứ nhì của tỉnh Hồ Nam sau Trường Sa).
Bên bờ sông Xuân Lăng ngày nay có thị trấn Lam Sơn (Lanshan) tương đối khá phẳng Người viết phỏng đoán là một đạo quân Tần đã đóng ở đây để tìm cách vượt Ngũ Lĩnh.
Phiên Ngung
Địa danh này đã được nói tới trong Sử Ký của Tư Mã Thiên – “NamViệt Úy Đà liệt truyện” ba lần. Đây là kinh đô của nước Nam Việt thời Triệu Đà. Khi quân nhà Hán mang quân sang đánh Nam Việt (thời Triệu Ai vương là vua chót của nhà Triệu -112 TCN). Sử Ký, bản dịch của Nhữ Thành: ” Sau quân Việt mở thẳng đường, mang lương thực người Việt đem quân đánh bọn Thiên Thu, diệt được họ cách Phiên Ngung bốn mươi dặm,…Năm thứ năm niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 112 trước Công nguyên….. đưa quân từ đất Dạ Lang xuống đường sông Tường Kha. Các quân ấy đều gặp nhau ở Phiên Ngung…. Năm thứ sáu niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 111 trước Công nguyên), mùa đông….. Phục Ba cùng quân của Lâu thuyền họp lại mới có được hơn nghìn người, bèn cùng tiến. Quân của Lâu thuyền đi trước đến Phiên Ngung, Kiến Đức cùng Gia đều giữ thành.
Tuy nhiên, trong các cổ sử của Trung Quốc, nếu phiên dịch ra Hán Nôm thì đều gọi là Phiên Ngu. Như đã trích dẫn trong sách Sử Ký, quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận được thành lập thời Tần. Sau khi Hán Vũ đế chiếm Nam Việt (111 TCN), đặt Nam Hải là một quận của Giao châu.
Hán thư của Ban Cố viết: Nam Hải là một trong 7 quận thời Tiền Hán (30) thuộc Giao châu, đất của Triệu Đà, Phiên Ngung là thủ đô. Giao châu gồm các quận: Thương Ngô – Uất lâm – Hợp Phố – Giao Chỉ – Cửu Chân – Nam Hải – Nhật Nam. Nam Hải là đất của người (Bách) Việt. Sau đó (cũng năm 111 TCN) đã đặt thêm hai quận là Đam Nhĩ và Chu Nhai (31) ở đảo Hải Nam.
Hậu Hán thư của Phạm Việp viết là Phiên Ngung thuộc quận Nam Hải (32), là một trong những quận thuộc Giao châu thời Hán.
Theo Tấn thư, Phiên Ngung (Ngu) là một trong 6 huyện của quận Nam Hải. Quận Nam Hải gồm có Phiên Ngung, Tứ Hội, Tăng Thành, Bác La, Long Xuyên và Bình Di (33).
Qua những trích dẫn trên, chúng ta biết là Phiên Ngung nằm ở thị trấn Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay, tại đây đã tìm được mộ phần của Nam Việt Văn Vương Triệu Hồ (137 TCN - 125 TCN).
Phiên Ngung (Ngu) ngày nay vẫn còn tên và là một chi khu trong đô thị Quảng Châu. Nếu tra cứu trong bản đồ thì Phiên Ngung (Panyu) là một trong 12 đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Châu, phía đông nam, kế cận với xa lộ vòng quanh đô thị này.
Một trong 5 đạo quân Tần (mà người viết phỏng đoán là dưới sự lãnh đạo của Nhâm Ngao) đã vượt Ngũ Lĩnh đến đây chiếm đóng. Đạo quân không gặp sức kháng cự nào đáng kể của dân Bách Việt.
Nam Dã
Hậu Hán thư của Phạm Việp, “Chí đệ thập nhị”, “Quận quốc tứ” viết (34): Nam Dã là một huyện của quận Dự Chương. Huyện này được đặt ra từ thời Cao đế nhà Tiền Hán (Hán Cao Tổ Lưu Bang, 206 TCN – 195 TCN).
Quận Dự Chương có những huyện: Nam Xương, Kiến Thành, Tân can, Nghi Xuân, Lư Lăng, Cám (hay Cống), Vu Đô, Nam Dã, Nam Thành, Bá Dương, Lịch Lăng, Dư Hãn, Bành Trạch, Bành Lãi, Thạch Dương, Lâm Nhữ, Kiến Xương, Sài Tang, Ngải, Hải Hôn hầu quốc, Bình Đô hầu quốc.
Tấn thư viết Nam Dã là một huyện của quận Lư Lăng. Quận này do nhà Ngô dựng lên thời Tam Quốc (35) (220 – 280)
Sách Thủy Kinh chú (bản dịch trong “Thủy Kinh Chú Sớ” của ông Nguyễn Bá Mão, quyển 39, trang 655) (36): ” Sông Cống (Cám) Thũy ra từ phía tây huyện Nam Dã quận Dự Chương, chảy về phía bắc qua phía đông huyện Cống.
Ban Cố gọi là huyện Nam Dã, nơi sông Bành Thủy chảy ra, chảy vào phía đông vào sông Hồ Hán….. Lưu Trừng Chi nói:… Sông Dự Chương dẫn nguồn chảy về phía đông bắc, đi qua phía bắc huyện. Nam Dã“
Sông Dự Chương mà Ban Cố viết là Cám (Cống) giang ngày nay.
Huyện Nam Dã quận Dự Chương thời Tần ở về phía cực nam tỉnh Giang Tây, thuộc Tráng (Cám) Châu thị (Ganzhou shi), thị trấn Tráng (Cám) Châu, phía đông bắc của Mai quan (thời Tần là Hoành Phổ quan) thuộc Dại Du lĩnh, tọa lạc trên bờ đông nam của Cám (Cống) giang. Sông này là thủy lộ chính theo hướng bắc-nam của tỉnh Giang Tây.
Một đạo quân khác đến đồn trú tại Nam Dã, sau khi đạo quân trước đã tiến vào Lĩnh Nam và chiếm đóng Phiên Ngung.
Dư Can
Trước khi tìm hiểu về vị trí của địa danh này, người viết xin trình bày một vấn đề về từ ngữ có liên quan đến chữ “can“, vì chữ này đã gây trở ngại rất nhiều cho người viết trong việc tra cứu.
餘干 phiên dịch là “ Dư Can“, bản sao lại là chữ Hán phồn thể, nên chỉ có thể dịch là “Dư Can“. Nếu chữ 干 là giản thể thì có thể dịch là “Dư Can” hay “Dư Hãn”. Nếu chữ 干 thêm bộ “thủy” thành chữ 汗 thì có thể phiên dịch chữ Hán phồn thể là “can” hay “hãn”
Các bộ cổ sử như Hậu Hán thư, Tấn thư viết là: 餘 汗, có thể phiên dịch là “Dư Can” hay “Dư Hãn”. Dù cổ sử được viết như thế, nhưng người viết không thể phỏng đoán một cách vô căn cứ là sách Hoài Nam Tử viết chữ “can” thiếu bộ “thủy”, để có thể đọc là “hãn” cho phù hợp với cổ sử. Trở ngại này do khả năng Hán học của người viết quá thô thiển.
Sự tra cứu tưởng như phải ngưng ở đây vì chữ “can“, vì người viết nghi ngờ chữ “can” có thể phiên dịch là “can, hãn”, vì nghĩ là đã bị ghi sai khi chuyển lên ấn bản điện tử. May mắn thay! Sự việc đã không như thế, sách “Thủy Kinh Chú sớ” của hai học giả Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh (37)
đã giải thích về chữ “can” và “hãn” khá rõ ràng như sau:
Bản dịch: Nguyễn Bá Mão dịch từ “Thủy Kinh Chú Sớ“, (quyển 33 đến quyển 40).
Trang 684: “ Sông Cống Thủy lại chảy về phía bắc, đi qua huyện Nghiêu Dương (38), Thủ Kính chú: thời Hán, huyện thuộc quận Dự Chương, thời Hậu Hán y theo, thời Ngô thuộc quận Bà Dương, thời Tấn y theo, thời Tống bớt. Huyện ở phía tây bắc huyện Bà Dương ngày nay 120 dặm(39), là huyện Dự Chương thời Vương Mãng. Có sông Dư Thủy chảy vào. Sông Dư Thủy ra về phía đông ở huyện Dư Hãn, thời Vương Mãng gọi là Trị Can. Sông Dư Thủy chảy về phía bắc đến huyện Nghiêu Dương chảy vào sông Cống Thủy. Thủ Kính chú: “Hán chí”, “Tấn chí” viết chữ “hãn” là “mồ hôi”, “Tống chí” và “Tề chí” viết chữ “can” là “liên can”. Thời Hán, huyện Dư Hãn thuộc quận Dự Chương, thời Hậu Hán y theo, thời Ngô thuộc là quận Bà Dương, các thời Tấn, Tống, Tề, Lương y theo. Huyện ở phía đông bắc huyện Dư Can ngày nay“.
Vậy nếu theo như giải thích của học giả Dương Thủ Kính thì chữ “Dư Hãn” trong “Hán Chí” (Hậu Hán thư, Chí) và “Tấn chí” (Tấn thư, Chí) cũng là chữ “Dư Can” như trong sách Hoài Nam Tử, nhưng đã bị thay đổi theo thời gian. Vậy cũng có thể hiểu “Dư Can” thời Tần cũng là “Dư Hãn” thời Hán; như đã viết trong sách Hoài Nam Tử.
Hậu Hán thư của Phạm Việp, “Chí đệ thập nhị”, “Quận quốc tứ” viết Dư Hãn là một huyện của quân Dự Chương (xin đọc trong trích dẫn nói về huyện Nam Dã).
Tấn Thư
viết Dư Hãn là một huyện của quận Bá (Bà) Dương (Poyang) thời Ngô (40)
Qua những trích dẫn trên, ta có thể biết được là “Dư Can” trong sách Hoài Nam Tử tọa lại tại huyện Dư Can tỉnh Giang Tây ngày nay. Huyện lỵ là thị xã Dư Can ở sát phía bắc của sông Tín (Xin jiang).
Dư Can thủy
Địa danh Dư Can đã được biết qua dẫn chứng trên, tuy nhiên vị trí sông Dư Can vẫn chưa biết rõ. Qua câu phiên dịch sách “Thủy Kinh Chú sớ”: “Sông Dư Thủy ra về phía đông ở huyện Dư Hãn” (Thủy đông xuất Dư Hãn huyện). Ta có thể biết rằng sông Dư Thủy nói ở đây là sông Dư Hãn, cũng là Tín giang (Xin jiang) ngày nay. Sông này bắt nguồn từ rặng Vũ Di sơn (Wuyi shan) chảy về phía tây, hợp với một nhánh của sông Cám đổ vào hệ thống sông ngòi phức tạp quanh vùng hồ Bá Dương.
Một đạo quân Tần đã dùng thủy đạo đến đóng tại thượng lưu Dư Hãn thủy (Tín giang), gần ranh giới phía đông bắc tỉnh Giang Tây và tây bắc tỉnh Phúc Kiến, để chuẩn bị vượt Vũ Di Sơn tiến vào Mân Việt. Người viết phỏng đoán quân Tần đã đóng gần thị xã Ưng Đàm (Yingtan) ngày nay, vì tại đây có đường xe lửa cũng như xa lộ băng qua Vũ Di Sơn tới Nam Bình (Nanping) và Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến (Mân Việt thời Tần) là hai thị trấn lớn. Điều này ám chỉ là ngày xưa có thể có đường bộ băng qua vùng núi này. Hơn nữa khi vừa băng qua Vũ Di sơn là có sông Phú Đồn (nối với sông Mân. Đây là thủy lộ thuận tiện nối Nam Bình với Phú Châu).
Vậy là chúng ta đã biết được 5 địa điểm đóng quân của 500 ngàn quân Tần trong chiến dịch xâm lăng Bách Việt. Những địa điểm này được ghi lại trong bản đồ đính kèm dưới đây:
(1) Phiên âm Hán Nôm: “Tam thập tam niên , phát chư thường bô vong nhân, chuế tế, cổ (giả) nhân lược thủ Lục Lương địa , vi Quế Lâm,Tượng quận, Nam Hải , dĩ thích khiển thú”.
2)” 209 +(13-1) = 221 TCN”: năm thứ 1 là 209 TCN, đếm thêm 12 (thứ 13) là 221 TCN
(3) Độc giả có thể sao lại nguyên bản bằng chữ Hán tại: http://www.geocities.com/fengshui_clasicos/HuaiNanZi.html
(4) Nguyên bản:
(5) Đương nhiên là người viết có thể có những thiếu sót và sai lầm trong đoạn phiên dịch này, xin các bậc tinh thông Hán học chỉ bảo.
(6) Người viết dùng tên Sử Lộc như trong sách “Việt Sử Toàn Thư “, của sử gia Phạm Văn Sơn, trang 56
(7) Lưu An được phong Hoài Nam Vương (164BC). Ông không nhập bọn theo “loạn 7 nước năm 154 TCN” thời Hán Cảnh Đế, nên được triệu về Trường An để tham chính.
Nguồn: Hán Thư của Ban Cố quyển 44, ” Hoài Nam Hành Sơn Tế Bắc vương liệt truyện”(8) Tham khảo từ sách “Tigers, Rice, Silk & Silt” của Robert B. Marks, trang 21-24, và trong http://en.wikipedia.org/wiki/Mei_Pass
(9) Trương Cửu Linh (Zhang Jiuling 678-740, thời Đường Huyền Tông 712-756). Ông này quê ở Thiều Quan (Shaoguan), phía tây nam Mai quan, nên hăng hái mở đường thông thương giữa Hoa Hạ và Lĩnh nam
(10)Sử Ký: Tam gia chú Dương Sơn, Linh Tác ẩn diêu thị án:Địa Lý chí vân Yết Dương hữu Dương Sơn huyện. Kim thử huyện thượng lưu bách dư lý hữu Kỵ Điền lĩnh, đương thị Dương Sơn quan.
(11) Robert B. Marks: “Tigers, Rice, Silk & Silt- Environment and Economy in Late Imperial South China”, Cambridge University Press, 1998
(12) Hidden Trade Routes of The South: http://www.uglychinese.org/vietnamese.htm
(13) Lúc này vua nước Việt là Việt Vương Vô Cương 337 TCN-333 TCN
(14) Độc giả có thể xem những di chỉ này tại: http://news.gov.hk/en/citylife/041109/html/041109en20004.htm#
(15) Ngày nay, Quảng Tây là Tráng tộc tự trị khu (Guangxi Zhuang Autonomous Region). Tổng số dân tộc Tráng khoảng 18 triệu người.
(16) Lê tộc ngày nay có khoảng 1.3 triệu người, hầu hết định cư tại đảo Hải nam.
17) Robert B. Marks: “Tigers, Rice, Silk & Silt- Environment and Economy in Late Imperial South China”, Cambridge University Press, 1998, trang 54.
(18) H’Mong (Miao), tên cũ để gọi dân tộc thời xưa là Miêu tộc, tiếng Việt gọi là người Mèo. Đây là một sắc tộc rất lớn, dân số lên tới 7.5 triệu người. Dân tộc H’Mông định cư tại các tỉnh của Trung Quốc như Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Hải Nam. Tại Việt Nam có khoảng có khoảng 800 ngàn người. Tại Hoa Kỳ có khoảng 275 ngàn người.
(19) Dư tộc (She) khoảng trên 600 ngàn người, định cư tại các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây và Quảng Đông
(20) Di tộc (Yi) tiếng Việt gọi sắc tộc này là Lô Lô. Đây là sắc tộc lớn khoảng 6.5 triệu người, định cư tại các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Việt Nam có khoảng hơn ba ngàn người Lô Lô tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Cao Bằng.
(21) Người Dao (Yao) khoảng trên 2 triệu người, định cư tại các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc. Việt Nam có khoảng nửa triệu người Dao.
(22) Quận Nam Hải: 19613 nhà, 94253 người. Quận Uất Lâm: 12415 nhà, 71162 người. Quận Thương Ngô: 24379 nhà, 146160 người. Quận Hợp Phố: 15398 nhà, 78980 người. Quận Giao Chỉ: 92440 nhà, 746237 người. Quận Cửu Chân: 35743 nhà, 166113 người. Quận Nhật Nam: 15460 nhà, 69458 người .
(23) Theo tác giả Robert B. Marks: “Tigers, Rice, Silk & Silt- Environment and Economy in Late Imperial South China”, Cambridge University Press, 1998, trang 55, Lĩnh Nam gồm Quảng Đông và Quảng Tây (năm 206 TCN đến 200 TCN) có khoảng 72,000 nhà và từ 350,000 tới 400,000 người
(24) Hậu Hán thư của Phạm Việp, “Chí đệ thập nhị”, phiên dịch Hán Nôm: “Vũ Lăng quận Tần Chiêu Vương trí, danh Kiềm Trung quận, Cao Đế ngũ niên cánh danh. Lạc Dương nam nhị thiên nhất bách lý. Thập nhị thành, hộ tứ vạn lục thiên lục bách thất thập nhị (46672), khẩu nhị thập ngũ vạn cửu bách nhất thập tam (250913)…… Lâm Nguyên Hán thọ cố tác, Dương gia tam niên cánh danh, thứ sử trị. Sàn (sán) Lăng, Linh Dương, Sung, Nguyên Lăng tiên hữu Hồ Đầu sơn. Thần Dương, Dậu Dương, Thiên Lăng, Đàm Thành, Nguyên Nam, Kiến Vũ nhị thập lục niên (36AD) trí.
(25) Thủy Kinh Chú quyển tam thập thất : “Ngân Thủy xuất Vũ Lăng Đàm Thành huyện bắc giới Nguyên thủy cốc”.
(26) Phiên dịch Hán Nôm: “ Sở địa, dực – chẩn chi phân dã. Kim chi Nam quận – Giang Hạ – Linh Lăng – Quế Dương – Vũ Lăng – Trường Sa cập Hán trung – Nhữ Nam quận, tận Sở phân dã”.
(27) Nguyên giang chảy qua Hồ Nam khác với Nguyên giang tại Vân Nam. Nguyên giang ở Vân Nam là thượng nguồn sông Hồng của Việt Nam.
(28) Linh Lăng quận Vũ Đế trí. Lạc Dương nam tam thiên tam bách lý. Thập tam thành, hộ nhị thập nhất vạn nhị thiên nhị bách bát thập tứ (21,284), khẩu bách vạn nhất thiên ngũ bách thất thập bát (1,001,578). Tuyền Lăng, Linh Lăng, Dương Sóc sơn Tương thủy xuất. Doanh đạo nam hữu Cửu Nghi sơn. Doanh Phổ linh đạo, Thao Dương, Đô Lương hữu Lộ sơn., Phù Di hầu quốc (cố thuộc Trường Sa). Thủy An hầu quốc. Trọng An hầu quốc, cố Chung Vũ, Vĩnh Kiến tam niên (422AD) cánh danh. Tương hương, Chiêu (Thiệu) Dương hầu quốc. Chưng Dương hầu quốc, cố thuộc Trường Sa.
(29) Nguyên bản:
Phiên âm Hán Nôm: “…Hựu đông bắc quá Tuyền Lăng huyện tây. Doanh Thủy xuất Doanh Dương linh đạo huyện nam lưu xuất. Tây lưu kính Cửu Nghi sơn hạ, bàn cơ Thương Ngô chi dã, phong tú số quận chi dản (gian, nhàn). La nham cửu cử, các đạo nhất khê, tụ hác phụ trở, dị lĩnh đồng thế, du giả nghi yên, cố viết Cửu Nghi sơn”.
(30) Phiên âm Hán Nôm: Hán thư, Địa lý chí, quyển 28:
” Nam Hải quận, Tần trí Tần bại, Úy Đà vương thử địa. Vũ đế Nguyên Đỉnh lục niên (111 BC) khai. Thuộc Giao Châu. Hộ vạn cửu thiên lục bách nhất thập tam (19613), khẩu cửu vạn tứ thiên nhị bách ngũ thập tam (94253). Hữu Bổ (Phố) Tu quan. Huyện lục: Phiên Ngu, Úy Đà đô. Hữu Diêm quan. Bác La, Trung Túc, hữu Khuông Phổ quan. Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương.
Việt địa, khiên ngưu – vụ nhữ (nữ) chi phân dã. Kim chi Thương Ngô – Uất lâm – Hợp Phố – Giao Chỉ – Cửu Chân – Nam Hải – Nhật Nam, giai Việt phân dã”.
(31) Phiên âm Hán Nôm :Hán thư, Địa lý chí, quyển 28: “Vũ Đế nguyên phong nguyên niên (111BC) lược dĩ vi Đạm nhĩ – Châu Nhai quận”.
(32) Phiên âm Hán Nôm: Hậu Hán thư, Chí đệ nhị thập nhị, quận quốc tứ: “Nam Hải quận Vũ Đế trí. Lạc Dương nam thất thiên nhất bách lý. Thất thành, hộ thất vạn nhất thiên tứ bách thất thập thất (71,477), khẩu nhị thập ngũ vạn nhị bách bát thập nhị (250,282). Phiên Ngung (Ngu), Bác La, Trung Túc, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương, Tăng Thành hữu Lao Linh sơn”.
(33) Phiên âm Hán Nôm: Tấn thư, quyển thập ngũ, chí đệ ngũ: ” Giao Châu: …. Nam Hải quận Tần trí. Thống huyện lục, hộ cửu thiên ngũ bách. Phiên Ngung (Ngu), Tứ Hội, Tăng Thành, Bác La, Long Xuyên, Bình Di”.
(34) Phiên âm Hán Nôm:
“ Dự Chương quận Cao Đế trí. Lạc Dương nam nhị thiên thất bách lý. Nhị thập nhất thành, hộ tứ thập vạn lục thiên tứ bách cửu thập lục (406,496), khẩu bách lục thập lục vạn bát thiên cửu bách lục (1,668,906).
Nam Xương, Kiến Thành, Tân Cam, Nghi Xuân, Lư Lăng, Cám (Cống) hữu Dự Chương thủy. Vu Đô, Nam Dã hữu đài Linh (Lãnh) sơn., Nam Thành, Bá Dương hữu Bá thủy. Hoàng kim thái (thải). Lịch Lăng hữu Phó Dương sơn. Dư Hãn, Bá Dương, Bành Trạch, Bành Lãi trạch tại tây. Sài Tang, Ngải Hải Hôn hầu quốc. Bình Đô hầu quốc, cố An Bình., Thạch Dương, Lâm Nhữ, Vĩnh Nguyên bát niên (97) trí., Kiến Xương, Vĩnh Nguyên thập lục niên (105) phân Hải Hôn trí”.
(35) Phiên âm Hán Nôm: Tấn thư quyển thập ngũ, chí đệ ngũ: “Lư Lăng quận Ngô trí. Thống huyện thập, hộ nhất vạn nhị thiên nhị bách (12200). Tây Xương, Cao Xương, Thạch Dương, Ba Khâu, Nam Dã, Đông Xương, Toại Hưng, Cát Dương, Hưng Bình, Dương Phong”.
(36) Phiên âm Hán Nôm:
Thủy Kinh chú quyển tam thập cửu (39): “Cám (Cống) thủy xuất Dự Chương Nam Dã huyện tây, bắc quá Cám (Cống) huyện đông. …
Ban Cố xưng Nam Dã huyện, Bành thuỷ sở phát, đông nhập Hồ Hán thủy.
Lưu Trừng Chi viết:…. Dự Chương thủy đạo nguyên đông bắc lưu, kính Nam Dã huyện bắc”.
(37) Nguyễn Bá Mão, người biên dịch sách “Thủy Kinh Chú sớ”: Đến thời cận đại, vào đầu thế kỷ 20, hai nhà học giả gồm thầy là Dương Thủ Kính (1839-1915) và trò là Hùng Hội Trinh (?-1936), trên cơ sở sách “Thủy kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên, đã bỏ ra toàn lực trong mấy chục năm trời, thu thập rộng rãi trong các thư tịch, gom góp lại lời của nhiều học giả, để sớ, nghĩa là chú thích kỹ hơn sách “Thủy kinh chú” hợp lại soạn thành bộ sách “thủy kinh chú sớ” cũng gồm 40 quyển, với hơn 1, 510, 000 chữ, nhiều gấp năm lần sách “Thủy kinh chú”, và gấp 100 lần sách gốc “Thủy kinh”.
(38) Những chữ in đậm là phiên dịch từ “Thủy Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên.
Phiên dịch Hán Nôm: ” Cám (Cống) thủy hựu bắc kính Nghiêu Dương huyện, Vương Mãng chi Dự Chương huyện dã. Dư Thủy chú chi. Thủy đông xuất Dư Hãn huyện, Vương Mãng danh chi viết Trị Can dã. Dư Thủy bắc chí Nghiêu Dương huyện chú Cám (Cống) thuỷ”.(39) Đây là dặm của Trung Quốc, một dặm = 0.56 Km, không phải dặm Anh (1.6 km)(40) Phiên âm Hán Nôm :
“Tấn thư quyển thập ngũ, chí đệ ngũ: Bá Dương quận Ngô trí. Thống huyện bát, hộ lục thiên nhất bách (6100).
Quảng Tấn, Bá Dương, Lạc (Nhạc) An, Dư Hãn Nghiêu Dương, Lịch Lăng, Cát Dương, Tấn Hưng”
6- Đường hành quân của quân Tần cùng các diễn biến
Nửa triệu quân Tần chia là năm đạo đóng tại 5 địa điểm để xâm lăng Bách Việt, phỏng đoán là mỗi đạo có 100 ngàn quân.
Nhận xét qua những địa điểm quân Tần đóng: chỉ có bốn đạo quân tiến vào Lĩnh Nam là các đạo Nam Dã, Phiên Ngung, Cửu Nghi và Đàm Thành. Đạo Dư Can tiến vào Mân Việt là Phúc Kiến ngày nay. Quân Tần đóng sát các thủy lộ chính, điều này cho thấy họ đã dùng thuyền để chuyển quân cũng như lương thảo. Tuy nhiên không thể băng qua núi bằng đường sông, nên phải đào kinh để vận chuyển, họ đã dùng rất nhiều nhân công và thời gian để đào Kinh Linh Cừ, khởi công đào từ năm 219 TCN do thiết kế của giám quan Sử Lộc. Đạo quân nam chinh của Tần Thủy Hoàng đã đào núi làm sông để chuyển lương. Người viết phỏng đoán là việc đào kinh này tốn khoảng ba năm (hoàn tất năm 216 TCN).
Đạo quân ở Dư Can
Đạo Dư Can vượt Vũ Di Sơn để tấn công vào Phúc Kiến là đất của người Mân Việt và Đông Việt: Quân Tần từ hồ Bá Dương ngược dòng sông Dư Can lên đóng tại thượng nguồn. Sau đó đã theo một nhánh của sông Dư Can (Tín giang) đi về phía nam là nơi có đường đèo để vượt qua Vũ Di sơn đến sông Mân, rồi theo sông này đến Phúc Châu để chinh phục Mân Việt. Thấy quân Tần tiến sang quá đông đảo, vua Mân Việt bỏ chạy. Vùng này rơi vào tay quân Tần. Quân Tần đã chiếm đóng vùng này tới khi bị Hán diệt. Đạo quân Tần này đã thành công trong việc xâm chiếm Mân Việt và Đông Việt, hai nước này bị đặt là quận Mân Trung, gồm tỉnh Phúc Kiến và phía nam tỉnh Chiết Giang ngày nay.
Đạo quân của Nhâm Ngao ở Phiên Ngung: phỏng đoán là một đạo quân Tần từ vùng hồ Bá Dương, theo sông Cám tiến về phía nam, đến đóng gần Hoành Phổ quan, là Mai quan ngày nay, rồi vượt Đại Du lĩnh để tiến vào Lĩnh Nam. Sau khi vượt ải, đạo quân tiến vào Phiên Ngung bằng một chi nhánh chính của Bắc giang. Quân cũng như lương thảo theo thủy lộ này nhập vào Chu giang đến Phiên Ngung là Quảng Châu ngày nay.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao đạo quân Tần chiếm Phiên Ngung không gặp bất cứ trở ngại nào (theo như cổ sử Trung quốc)? Sử Ký, Nam Việt úy Đà liệt truyện có một câu đáng chú ý: “Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi”. Nếu căn cứ vào sử liệu này; thì Triệu Đà đã hiện diện ở Lĩnh Nam 49 năm, tức là năm 228 TCN (179 TCN + 49 =
228 TCN), năm nước Triệu bị Tần diệt. Nếu căn cứ vào sử liệu này thì Triệu Đà đã không theo đám quân Tần tiến vào Lĩnh Nam, vì ông đã ở đây từ trước. Triệu Đà đã đến Lĩnh Nam từ năm 228 TCN khi quân Tần xâm lăng nước Triệu. Khi Nhâm Ngao mang quân đến Phiên Ngung, ông được phong làm huyện lệnh ở Long Xuyên là một trong bảy huyện ở quận Nam Hải. Đạo quân Tần tiến vào Phiên Ngung đã thành công trong việc xâm lăng. Nhà Tần đặt vùng này làm quận Nam Hải, dưới quyền cai trị của quan úy là Nhâm Ngao. Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay thế.
Đạo quân của Đồ Thư tại Nam Dã, Cửu Nghi và Đàm Thành
Ghi chú: chữ màu đào là các quận được thành lập thời Tần ( ngoại trừ Dạ Lang là một nước chưa bị quân Tần chiếm đóng)
Khoảng năm 216 TCN, sau khi đào xong kinh Linh Cừ, đạo quân (khoảng 300 ngàn người) dưới sự lãnh đạo của Lâu thuyền tướng quân là quan Úy Đồ Thư theo Ly giang tiến vào Tây Âu. Khi tiến đến vùng hợp lưu của sáu con sông lớn: nước Tây Âu, các đạo quân này chia quân ngược dòng các thủy đạo thiên nhiên để đánh chiếm đất của người Bách Việt tuy nhiên đã gặp sự chống trả mãnh liệt của người Bách Việt.
7- Nước Tây Âu
Nước Tây Âu ở đâu? Đã có nhiều giả thuyết nói đến Tây Âu qua các bài viết tham khảo khác nhau, mỗi tác giả có một nhận định khác biệt. Người viết không tìm thấy sử liệu cổ nào (hay chưa!) nói qua về địa lý của nước này cũng như vị lãnh đạo của nước này, ngoại trừ danh xưng Tây Âu được viết trong sách Hoài Nam Tử của Lưu An: “Giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống” và trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện: “Cao Hậu mất, liền bãi binh. Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình”
Dân bản địa vùng này là dân tộc Tráng, họ đã định cư tại phía nam Ngũ Lĩnh từ lâu đời, trước thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Nơi cư ngụ là những thung lũng của các dòng sông tương đối lớn tại Lĩnh Nam, để có một diện tích canh tác thích hợp. Những hợp lưu chính của Tây giang là những sông Ly giang, Quế giang, Hồng Thủy hà, Liễu giang, Hữu giang, Tả giang và Uất giang. Đây là những nơi cư ngụ của dân tộc Tráng. Do sự định cư tương đối gần nhau, cùng một thể thức canh tác để có thực phẩm chính là lúa và kê, nuôi gia súc và săn bắn, cũng như các thực phẩm phụ thuộc như cá, tôm, nghêu, sò từ các dòng sông. Các bộ tộc người Tráng đã tạo nên một xã hội chung. Từ đây, một thể chế chính trị được thành lập tại vùng này. Đây là nước Tây Âu – vùng hợp lưu của các sông nối với Tây giang – với vị vua tên là Dịch Hu Tống đã được nhắc tới trong cổ sử, mặc dù cương vực của nước Tây Âu chỉ là phỏng đoán.
Dân số Tây Âu khoảng bao nhiêu?
Chúng ta không biết rõ! Tuy nhiên người viết phỏng đoán là dân số Tây Âu khoảng
nửa triệu hay hơn, khi ba đạo quân Tần với nhân số khoảng 300 ngàn người kéo đến.
Cách chiến đấu của người Tây Âu như thế nào?
Khi vừa kéo đến Tây giang, với số quân đông đảo, quân Tần ở thế chủ động, tấn công vào các vùng trung tâm về chính trị của nước Tây Âu, giết vua của người Tráng là Dịch Hu Tống và bắt dân Tráng làm tù binh. Nhưng họ đã ” vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ kén chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần,” (Sách Hoài Nam Tử).
Sau khi đồn trú tại các nơi đã chiếm đóng một thời gian tại Tây Âu, quân Tần đã trở nên bị động, vì những trận phục kích bất ngờ của người Tráng, đặc biệt là về ban đêm. Như sách Hoài Nam Tử đã viết: người Tráng tại Tây Âu đã “đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn (Hán Nôm: đại phá chi, sát úy Đồ Tuy (Nôm: Thư), phục thi lưu huyết số thập vạn. “, đấy là không kể những người chết về bệnh tật.
Quân Tần đã bị “sa lầy” một cách trầm trọng tại Tây Âu như Sử Ký viết: ” quân đội trấn giữ ở vùng đất vô dụng, tiến không xong, lui chẳng được. Hơn mười năm trời, nam thì phải mang giáp, nữ thì phải lo vận chuyển, khổ sở khó mà sống (khổ bất liêu sanh”)……
Phía đông của nước Tây Âu, đạo quân Tần do Nhâm Ngao lãnh đạo đã đạt được thắng lợi và đã chiếm đóng vùng này – Phiên Ngung hay Quảng Châu ngày nay.
Phía đông bắc của Lĩnh Nam đã chiếm xong nước Mân Việt và Đông Việt để lập thành quận Mân Trung – Phúc Kiến và phía nam Chiết Giang ngày nay.
Tuy nhiên, về phía nam và tây nam nước Tây Âu, quân Tần đã bị bức trường thành của người bản xứ là dân tộc Tráng ngăn chặn.
Vậy nếu muốn bành trướng thêm lãnh thổ, quân Tần chỉ còn một hướng để tiến quân và chiếm đóng là phía tây và tây bắc của nước Tây Âu. Quân Tần đã làm được việc này. Dù số quân bị chết “cả chục vạn”, các đạo quân Tần vẫn còn “lâu thuyền” để có thể tiến xa thêm về phía tây và tây bắc vì có các thủy đạo thuận lợi và gần như không có sự phản
kháng của người bản xứ.
Vùng tây bắc Quảng Tây và nam Quý Châu là vùng rất thưa thớt dân bản địa. Hai sông Nam Bàn giang và Hồng Thủy hà cùng những chi lưu chảy giữa những khe núi khá cao. Hai bên bờ sông không có những bãi đất bồi của phù sa. Tộc Tráng gần như không định cư ở vùng này vì không có đất đai để canh tác. Vì thế quân Tần chiếm đóng vùng này dễ dàng.
Đây là vùng đất mà nhà Tần đặt làm Tượng quận, vùng này ở phía tây bắc tỉnh Quảng Đông và một phần đất phía tây nam tỉnh Quý Châu ngày nay.
8- Nước Âu Lạc
Sử liệu cổ của Việt Nam, An Nam Chí Lược của Lê Tắc cũng như Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên không nhắc đến tên Âu Lạc. Đại Việt Sử Lược của tác giả Khuyết Danh, có nói đến chuyện “An Dương Vương và nhắc đến tên Âu Lạc một lần. Lĩnh Nam Chích Quái nói đến tên Âu Lạc hai lần trong “Truyện rùa vàng”. ĐVSKTT nhắc đến chữ Âu Lạc hai lần.
Cổ sử của Trung Quốc đã nói đến nước Âu Lạc ra sao?
Sử ký của Tư Mã Thiên – Nam Việt Úy Đà liệt truyện đã nhắc tới tên nước Âu Lạc ba lần và chữ “Tây Âu Lạc” một lần.
Chữ Âu Lạc để chỉ nước cổ Việt của dân Lạc Việt thời An Dương Vương (đã có nhiều giả thuyết nói sự hiện hữu của An Dương vương chỉ là truyền thuyết!). Tuy nhiên chữ “Tây Âu Lạc” - được dùng một lần duy nhất trong Sử Ký cũng như Hán Thư (chép lại từ Sử Ký) – đã gây nên nhiều tranh luận. Các học giả Trung Quốc trong bản Hán văn của “Sử Ký Tam
gia chú” đã tách ra là “Tây Âu – Lạc”, là hai nước khác nhau: Tây Âu và Lạc Việt. Hán thư, quyển 95 – Tây Nam di lưỡng Việt Triều Tiên truyện đệ lục thập ngũ cũng đã nói đến Tây Âu – Lạc và Âu Lạc, dù sao chép lại gần như nguyên văn từ Sử Ký. Hán thư, quyển 17, “Công Thần biểu” đệ ngũ cũng đã nhắc đến tên Âu Lạc hai lần.
Vậy nước Âu Lạc đã được nói rõ ràng trong Sử Ký cũng như Hán Thư, tên nước này còn hiện hữu đến thời nhà Hán, dù Âu Lạc đã bị lệ thuộc vào Nam Việt.
Tuy nhiên Sử Ký cũng như Hán Thư nói về nước Âu Lạc, nhưng lại không viết về vua của nước này, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết đây là An Dương Vương và đặt riêng làm một “kỷ” cho triều đại này, cũng như nói đến chiến tranh hai lần giữa An Dương Vương và Triệu Đà và cuối cùng Triệu Đà đã chiếm Âu Lạc.
Nhà Tần bị diệt năm 207 TCN (thời Tần Nhị Thế), “Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương” (Sử Ký). Theo như sử liệu này thì Triệu Đà đã chiếm đất của quân Tần đang chiếm đóng là hai quận Quế Lâm và Tượng quận. Tuy nhiên nước Tây Âu chưa bị quân Tần chiếm đóng hoàn toàn (Quân Tần đã không chiếm đóng được vùng hợp lưu của Tây giang trở về phía nam tới biển Nam Hải). Sử liệu không nói đến việc Triệu Đà đánh chiếm phần còn lại của nước Tây Âu. Vậy nếu theo cách tách chữ “Tây Âu – Lạc” của “Sử Ký tam gia chú” thì Tây Âu và Lạc Việt không có chiến tranh với Nam Việt. Tây Âu và Lạc Việt chỉ “lệ thuộc” vào Nam Việt bằng đường lối “ngoại giao” và Âu Lạc vẫn còn tên cho đến thời tiền Hán.
Nhưng Sử Ký cũng viết: ” Thái sử công nói: … Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt”. Câu “Âu Lạc đánh nhau” thì Âu Lạc đã có chiến tranh, nhưng với nước nào? Chiến tranh Âu Lạc - Tây Âu tại sao lại có thể làm “rung động nước Nam Việt”! Ngoại trừ Âu Lạc và Nam Việt có chiến tranh?
Khó có thể nói là Tư Mã Thiên đã không biết về nước Tây Âu trong khi ông đã viết trong Sử Ký, quyển 112 ” Bình Tân hầu Chủ Phụ liệt truyện đệ ngũ thập nhị”: “….Mất nhiều ngày chờ đợi, lương thực bị hết, rồi bị người (Bách) Việt phản công, quân Tần thua trận….”. Trong khi đó lại nhắc đến tên Âu Lạc ba lần.
Mặc dù như vậy, tên Âu Lạc vẫn còn tồn tại, Sử Ký và Hán Thư nhắc đến lúc cuối thời nhà Triệu và đầu đời tây Hán. Vậy sử liệu đã nói rõ về sự tồn tại của nước Âu Lạc sau thời Tần (207 TCN), và quân Tần không chiếm đóng Cổ Việt (nước Âu Lạc).
Vua nước Âu Lạc là An Dương Vương?
Có nước Âu Lạc thì Âu Lạc phải có vua, hay một người lãnh đạo. Tuy nhiên không thấy Sử Ký và Hán Thư là những bộ sách cổ nhất của Trung Quốc nói đến vị vua này, khi viết về nước Âu Lạc. Lĩnh Nam Chích Quái đã nhiều lần nói đến An Dương Vương trong truyện “Lý Ông Trọng”, “Thần Kim Quy” v. v… ĐVSKTT có nguyên một kỷ là “Kỷ Nhà Thục 257 TCN – 207 TCN” để nói vị vua này. Tuy nhiên nhiều giả thuyết nói đây chỉ là truyền thuyết và không có thật. Vì những tài liệu này được viết từ thế kỷ 13 hay sau đó!
Dù Sử Ký hay Hán Thư không nói về An Dương Vương, nhưng sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (năm 466 hoặc 472-527) đã ghi lại các câu viết (107) của “Giao Châu Ngoại Vực ký” và “Tấn Thái Khang chí” liên quan đến tên An Dương Vương (9 lần)”.
Sách “Thủy Kinh Chú sớ“, học giả Dương Thủ Kính đưa ra những dẫn chứng: “Thủ Kính chú: theo “Quảng Châu ký” An Dương Vương đóng đô ở huyện Phong Khê, cho nên họ Lịch dẫn “Giao Châu ngoại vực ký” ở chỗ này”. Qua những cổ thư được học giả Dương Thủ Kính tham khảo, chúng ta thấy có một điểm chung là An Dương Vương đóng đô ở Giao Chỉ (thuộc nước Âu Lạc). Vậy vua của Âu Lạc có thật trong lịch sử chứ không phải là truyền thuyết.
Ngoài ra, sách “The Birth of Vietnam”, trang 316, Appendix F, “The Legend of the Turtle Claw” của tác giả Keith Taylor cũng đã nêu ra tên bốn tài liệu nói về An Dương Vương: “Nhật Nam truyện”, “Tấn Thái Khang địa chí”, “Tấn Lưu Hân Kỳ Giao Châu ký” và “Giao Châu Ngoại Vực ký” như học giả Dương Thủ Kính đã nói đến.
An Dương Vương là ai? Từ đâu tới?
Người viết xin dời lại vấn đề, vì đây là một đề tài rất phức tạp. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin trích dẫn những sử liệu cổ nói đến tên ông để có thể dẫn chứng là: Nước Âu Lạc hay cổ Việt đã không bị quân Tần chiếm đóng. Vua nước Âu Lạc là An Dương Vương. Nước Âu Lạc đã có chiến tranh với Nam Việt, thất trận và bị “lệ thuộc” vào Nam Việt như một nước chư hầu.
Ghi chú: màu xanh (lá cây) là các quận thời Tần (214 TCN), màu nâu là các quận thời Tiền Hán. Dạ Lang và Tây Âu trong hình bầu dục (ellipse) chưa bị quân Tần xâm chiếm hoàn toàn, vẫn còn hiện hữu đến thời Tiền Hán.
Nhìn lại về vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận
Như đã trình bày trong phần đầu của bài viết, vấn đề Giao Chỉ và Tượng quận được đặt ra vì câu viết trong Hán Thư của Ban Cố: “Hán Thư, quyển 28 “Địa lý chí đệ bát hạ” viết về quận Nhật Nam như sau: “Quận Nhật Nam, là Tượng Quận cũ thời Tần….. Thuộc Giao Châu”. Từ câu viết này, các sử gia đời sau, đặc biệt là các sử gia và học giả của Trung Quốc, cho là quận Nhật Nam ở phía cực nam của Cổ Việt (nước Âu Lạc thời An Dương Vương) thuộc về Tượng quận, nếu thế thì hai quận phía bắc của quận này là Giao Chỉ và Cửu Chân cũng thuộc Tượng quận!?
Đây là một sử liệu mâu thuẫn trong Hán Thư, vì câu viết này ngược lại với các sử liệu khác cùng trong một bộ sách. Hán Thư, quyển 7 “Thiệu Đế kỷ đệ thất” viết về việc bãi bỏ Tượng quận và chia quận này làm hai, sát nhập vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha: “Mùa thu, bảì bỏ Tượng Quận, chia và sát nhập vào Uất Lâm, Tường Kha”. Thời Tiền
Hán, Uất Lâm nằm phía bắc Quảng Tây (ngày nay) và Tường Kha ở phía nam Quý Châu (ngày nay).
9- Kết luận
Qua những điều đã trình bày đặt căn bản trên sử liệu, người viết xin tóm tắt về việc quân Tần xâm chiếm Lĩnh Nam như sau:
Năm 221 TCN, Tần vương Doanh Chính hoàn tất việc gồm thâu 6 nước là Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề, kết thúc thời Chiến Quốc và dựng nên một đế quốc thống nhất. Để tự vinh danh, Tần vương xưng là (Tần) Thủy Hoàng Đế. Dù đã gồm thâu sáu nước, Thủy Hoàng vẫn không ngừng tham vọng mở rộng thêm lãnh thổ cho đế quốc của mình. Phía bắc thì đánh Hung Nô, phía nam thì xâm lăng Bách Việt.
Để đánh chiếm Bách Việt, nhà Tần huy động một đoàn quân khổng lồ là 500 ngàn người, gồm có các lính của nhà Tần, các kẻ bị ép buộc tòng quân và lao dịch (gồm những người trốn tránh, những kẻ đi ở rể, những người đi buôn) vào xâm chiếm đất Bách Việt. Đoàn quân này chia làm năm đạo:
Một đạo quân đến đóng ở Dư Can trên Vũ Di sơn, sau đó vượt rặng núi này để tiến chiếm Mân Việt và Đông Âu. Đạo quân này đã không gặp trở ngại nào đáng kể, nên đã chiếm đóng vùng này, đặt là quận Mân Trung – phía nam tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến ngày nay.
Một đạo quân khác do Nhâm Ngao lãnh đạo đã vượt Ngũ Lĩnh tiến thẳng đến Phiên Ngung chiếm đóng vùng này và đặt là quận Nam Hải – tỉnh Quảng Đông ngày nay.
Ba đạo quân còn lại do quan úy Đồ Thư làm Lâu thuyền tướng quân lãnh đạo, đến đồn trú tại các địa điểm trên Ngũ Lĩnh như Đàm Thành, Cửu Nghi và Nam Dã. Sau đó vượt Ngũ Lĩnh đánh chiếm vùng đất kế bên phía nam Ngũ Lĩnh, đặt vùng này là quận Quế Lâm – phía bắc tỉnh Quảng Tây ngày nay.
Để có thể có đủ lương thực và tiếp liệu cho một cuộc viễn chinh lâu dài, các đạo quân đóng tại quận mới chiếm là Quế Lâm đã đào kinh Linh Cừ nối thượng nguồn của Tương giang với Ly giang, dưới sự điều hành và giám sát của Sử Lộc. Nhờ có thủy đạo này, tiếp vận có thể chuyển từ phía bắc đến phía nam của Ngũ Lĩnh. Khi có lương thực tiếp tế, các đạo quân của Đồ Thư lãnh tiến đánh dân Bách Việt ở phía nam là nước Tây Âu, bắt dân bản địa làm tù binh, sát hại vua nước này là Dịch Hu Tống. Dù tạm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó quân Tần đã gặp sự chống trả mãnh liệt của dân Tây Âu. Không đủ nhân lực để chống cự trong những trận chiến lớn, dân bản địa đã dùng du kích chiến, chiến cuộc trở nên lâu dài, Đồ Thư bị giết, nhân mạng bị tổn thất nặng nề, cả trăm ngàn
người bị tử thương cũng như bị chết vì bệnh tật. Quân Tần đã không tiến xa hơn được về phía nam, nên đã theo những thủy đạo thiên nhiên, tiến về phía tây, xâm chiếm vùng này, đặt vùng này là Tượng quận – phía nam tỉnh Quý Châu và phía tây bắc tỉnh Quảng tây ngày nay.
Từ những dẫn chứng bằng sử liệu cũng như tìm hiểu về chỗ đóng quân và đường hành quân của quân Tần, người viết đi đến kết luận là quân Tần chưa hề đánh vào Giao Chỉ, chứ chưa nói đến phần đất xa hơn về phía nam là Cửu Chân và Nhật Nam. Nước Âu Lạc hay cổ Việt thời vua An Dương không hề bị quân Tần xâm chiếm, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam không phải là Tượng quận thời Tần.
Nhà Tần gồm thâu sáu nước, dựng nên một quốc gia thống nhất. Các sử gia và học giả Trung Quốc muốn Cổ Việt (Âu Lạc) cũng là một phần đất của hoàng đế nhà Tần, nhưng quân Tần đã không làm được điều này. Lạc Việt vẫn còn đó. Vùng đất phía nam của dân Lạc Việt là cái gai trong mắt của Trung Quốc, không xâm chiếm được bằng quân lực thì “vơ lấy” bằng văn hóa, lợi dụng mâu thuẫn của sử liệu để ngụy tạo. Bao nhiêu tộc Việt thuộc Bách Việt đã bị Hán hóa? Còn lại duy nhất là Lạc Việt! Hán hóa vùng đất này. Đây là một âm mưu truyền kiếp của Hoa tộc!
Nam California,
Ngày 23, tháng 6, năm 2007
Tham Khảo
– Đại Việt Sử Lược, soạn giả: Khuyết danh, dịch giả: Nguyễn Gia Tường, 1972. Ấn bản điện tử: Công Đệ, Lê Bắc.
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nhà xuất bản Khoa
Học Xã Hội, Hà Nội 1998.
– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch
(1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998.
– An Nam Chí Lược, Lê Tắc, dịch giả: Ủy ban dịch sử liệu Việt Nam, nhà xuất bản: Viện Đại Học Huế, ấn bản điện tử:
Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc.
– Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên, bản dịch của Lê Hữu Mục, cơ sở xuất bản Đại Nam
– Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, nguồn từ Internet: http://www.dunglac.net/thuvien/linhnam-00-ml.htm
-Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn do Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản bởi nhà sách Tự Lực
– Phương Đình Địa Dư chí của Nguyễn Văn Siêu, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin
– Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hoá
– Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim- Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin-1999.
– Việt Sử Tân Biên- Phạm Văn Sơn-Nhà xuất bản Đại Nam
– Việt Sử Toàn thư- Phạm Văn Sơn-Nhà xuất bản Đại Nam
– Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Ngô Thời Sỹ, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1997.
– Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sỹ, dịch giả: Hội Việt nam nghiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu, nhà xuất bản Văn Sử. Ấn bản
điện tử : Công Đệ, Doãn Vượng, Lê Bắc.
– Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt 1971, được in lại bởi nhà xuất bản Xuân Thu, Los Alamitos California
– Đại Việt Sử Cương của Trần Gia Phụng, Nhà xuất bản Non Nước, Toronto 2004
– Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, nguồn từ Internet: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?
tid=2qtqv3m3237n2n1n4nqn31n343tq83a3q3m3237nvn
– Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm của Lâm Hán Đạt và Tào Dự Chương,dịch giả Trần Ngọc Thuận, nhà xuất bản Trẻ.
– Hoài Nam Tử của Lưu An,nguồn từ Internet: http://www.geocities.com/fengshui_clasicos/HuaiNanZi.html
– Sử Ký của Tư Mã Thiên, nguồn từ Internet: http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
– Hán Thư của Ban Cố, nguồn từ Internet http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
– Hậu Hán Thư của Phạm Việp, nguồn từ Internet http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
– Tấn Thư, nguồn từ Internet http://www.chinapage.com/big5/big5-history.html
– Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên, nguồn từ Internet: http://www.workgroup.cn/dir.aspx?45
– Thủy Kinh Chú Sớ của Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh, dịch giả Nguyễn Bá Mão, nhà xuất bản Thuận Hoá, 2005
– Từ Điển Văn Học Cổ Điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan sưu tập tư liệu và biên dịch, nhà xuất bản Văn Nghệ
– The Birth of Vietnam của Keith Weller Taylor, Uiversity of California Press
– Tigers, Rice, Silk & Silt của Robert B. Marks, Cambridge University Press
– Các bài viết của Dr. Rafe de Crespigny, Faculty of Asian Studies, Australian National University trong http://www.anu.
edu.au/asianstudies/decrespigny/south_china.html
– Các bài viết trong http://www.chinaknowledge.de/History/Myth/prehistory-map.html
– The Atlas of China Knowledge, Xi’aqn Cartographic Publising House, SinoMaps press in 2002
– Historical Atlas of South-East Asia của Jan M. Pluvier, nhà xuất bản E.J.Brill, Netherland 1995
– The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture by Jeffrey Barlow,
http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/index.html
– Bản đồ từ các bài viết của Dr. Rafe de Crespigny, Faculty of Asian Studies, Australian National
Giao Chỉ và Tượng quận – Phụ chú:
Đọc “Tần Hán Tượng quận biện tích” của học giả Lý Long Chương - Trần Việt Bắc
Tượng quận tọa lạc tại đâu theo ông Lý Long Chương? Học giả họ Lý đã tham khảo rất nhiều để dẫn chứng cũng như phản biện. Bài viết này đã nêu lên đầy đủ những tài liệu cổ, giúp cho sự biện luận của ông, để đưa ra kết luận về nơi tọa lạc của Tượng Quận thời Tần theo địa lý ngày nay.
Trong phần mở đầu, học giả họ Lý đã nêu lên nguồn gốc của sự tranh luận từ câu viết trong Hán thư, Địa lý chí: ““cố Tần Tượng quận, Vũ đế Nguyên Đỉnh lục niên (111BC) khai”
Trong phần hai, ông Lý đưa ra những tài liệu đã gây nên vấn đề mâu thuẫn trong sử liệu, mà ông gọi là “Thuyết Nhật Nam”
Sau khi đã nêu lên những sai lầm trong “thuyết Nhật Nam”, trong phần ba ông Lý đưa ra “Thuyết Uất Lâm” để phản biện, cũng như những chứng minh bằng dẫn giải.
Trong những đề mục trên, họ Lý đã đưa ra những dẫn chứng từ sách địa lý thời cổ là “Sơn Hải kinh”, sách này đã viết về Tượng quận (mục 1 và 2). Sau đó ông đưa ra mâu thuẫn để phản biện. Vị trí của Tượng quận theo kết luận của ông Lý được vẽ lại theo những địa danh nêu trên trong bản đồ dưới đây:
Vậy theo như ông Lý Long Chương thì Tượng quận không bao gồm phần đất nào của Giao Chỉ, như Ban Cố đã viết lầm về quận Nhật Nam: “cố Tần Tượng quận, Vũ đế Nguyện Đỉnh lục niên khai (111BC) khai”.
Vì không có nhiều tài liệu cổ cũng như không đọc được Hán văn trực tiếp, mà chỉ có thể đọc được bản chuyển âm Hán Việt (qua HannoConv 1.0) với tự điển của Thiều Chửu, nên người viết đã phải dùng cách khác, là theo đường tiến quân của quân Tần, tìm hiểu những nơi đội quân này đã chiếm đóng để truy cập vị trí của Tượng quận.
Mặc dù là cách tìm hiểu khác nhau, nhưng đã đi đến kết luận tương đương về vị trí của quận Tượng, đã được nói tới trong bài viết “Giao Chỉ và Tượng quận” như sau: “Từ những dẫn chứng bằng sử liệu cũng như tìm hiểu về chỗ đóng quân và đường hành quân của quân Tần, người viết đi đến kết luận là quân Tần chưa hề đánh vào Giao Chỉ, chứ chưa nói đến phần đất xa hơn về phía nam là Cửu Chân và Nhật Nam. Nước Âu Lạc hay cổ Việt thời vua An Dương không hề bị quân Tần xâm chiếm, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam không phải là Tượng quận thời Tần”.
6 thoughts on “Giao Chỉ và Tượng Quận”
史記 卷六 ‧ 秦始皇本紀第六
秦始皇帝者,秦莊襄王子也。【索隱】莊襄王者,孝文王之中子,昭襄王之孫也,名子楚。按:戰國策本名子異,後為華陽夫人嗣,夫人楚人,因改名子楚也。莊襄王為秦質子於趙,【正義】質音致。國彊欲待弱之來相事,故遣子及貴臣為質,如上音。國弱懼其侵伐,令子及貴臣往為質,音直實反。又二國敵亦為交質,音致。左傳云周鄭交質,王子狐為質於鄭,鄭公子忽為質於周是也。見呂不韋姬,悅而取之,【索隱】按:不韋傳云不韋,陽翟大賈也。其姬邯鄲豪家女,善歌舞,有娠而獻於子楚。生始皇。以秦昭王四十八年正月生於邯鄲。及生,名為政,姓趙氏。【集解】徐廣曰:「一作『正』。」宋忠云:「以正月旦生,故名正。」 【索隱】系本作「政」,又生於趙,故曰趙政。一曰秦與趙同祖,以趙城為榮,故姓趙氏。 【正義】正音政,「周正建子」之「正」也。始皇以正月旦生於趙,因為政,後以始皇諱,故音征。年十三歲,莊襄王死,政代立為秦王。當是之時,秦地已并巴、蜀、漢中,越宛有郢,置南郡矣;北收上郡以東,有河東、太原、上黨郡;東至滎陽,滅二周,置三川郡。呂不韋為相,封十萬戶,號曰文信侯。招致賔客游士,欲以并天下。李斯為舍人。【集解】文穎曰:「主廄內小吏官名。或曰待從賓客謂之舍人也。」蒙驁、王齮、【集解】徐廣曰:「一作『齕』。」 【索隱】蒙驁,齊人,蒙武之父,蒙恬之祖。王齮即王齕,昭王四十九年代大夫陵伐趙者。 【正義】齮,魚綺反。劉伯莊云音綺。後同。麃公等為將軍。【集解】應劭曰:「麃,秦邑。」 【索隱】麃公蓋麃邑公,史失其姓名。 【正義】麃,彼苗反,蓋秦之縣邑。大夫稱公,若楚制。王年少,初即位,委國事大臣。
晉陽反,元年,將軍蒙驁擊定之。
二年,麃公將卒攻卷,【正義】將,子匠反。卒,子必反。卷,丘員反。斬首三萬。
三年,蒙驁攻韓,取十三城。王齮死。十月,將軍蒙驁攻魏氏畼、有詭。【集解】徐廣曰:「畼音場。」 【索隱】音暢,魏之邑名。歲大飢。
四年,拔畼、有詭。三月,軍罷。秦質子歸自趙,趙太子出歸國。十月庚寅,蝗蟲從東方來,蔽天。天下疫。百姓內粟千石,拜爵一級。
五年,將軍驁攻魏,定酸棗、【集解】地理志陳留有酸棗縣。 【正義】括地志云:「酸棗故城在滑州酸棗縣北十五里古酸棗縣南。」燕、虛、長平、【集解】徐廣曰:「一作『千』。」駰案:地理志汝南有長平縣也。 【索隱】二邑名。春秋桓十二年「會于虛」,又戰國策曰「拔燕酸棗、虛、桃人」,桃人亦魏邑,虛地今闕,蓋與諸縣相近。按:今東郡燕縣東三十里有故桃城,則亦非遠。 【正義】燕,烏田反。括地志云:「南燕城,古燕國也,滑州胙城縣是也。姚虛在濮州雷澤縣東十三里。孝經援神契云帝舜生於姚墟,即東郡也。長平故城在陳州宛丘縣西六十六里。」雍丘、山陽城,【集解】地理志陳留有雍丘縣,河內有山陽縣。 【正義】雍,於用反,汴州縣。皆拔之,取二十城。初置東郡。冬雷。
History Volume 6 -
Qin Shihuang Benji Sixth
Qin Shi Emperor, Qin Zhuangxuan Prince also. The king of Zhuang, the son of the king of Xiaowen, the grandson of the king of Zhaoyu, the famous son Chu. Press: The war state policy of the original name, after Mrs. Huayang, Mrs. Chu people, because of the name of Chu also. Zhuang Wei Wang is Qin Proton Yu Zhao, the quality of the "justice" tone. The country's strong desire to wait for the weak to come to the same thing, so the son and the nobles for the quality, such as the upper tone. The weak of the country fear edging its invasion, so that the son and the nobles to the quality, sound straight and true. And the enemies of the two countries are also quality, tone. Left Chuanyun Zhou Zheng quality, prince fox for the quality of Zheng, Zheng Gongzi suddenly for the quality of the week is also. See Lu Weiji, please take it, "So-hidden" press: not Wei Chuanyun not Wei, Yang Yu DaJia also. Its Ji-Hao family girl, good song and dance, there is a tribute and donated to the son Chu. Born emperor. The 48-year-old Qin Zhao wang was born in The Moon. He sheng, named Zheng, surnamed Zhao's. Xu Guangxuan:
- "A positive work."
Song Zhongyun:
- "To the moon, so the name is positive."
So-yin is the original "politics", and was born in Zhao, so Zhao Zheng. Qin and Zhao Tongzu, to Zhaocheng proud, so the surname zhao's. "Justice" Zhengyin politics, "Zhou Zhengjianzi" "positive" also. The emperor was born in Zhao, because of the government, after the beginning of the emperor, so the tone of the sign. At the age of thirteen, Zhuang Wei wang died, and the political dynasty was established as The Qin King. When it is the time, Qindi has been and Ba, Yao, Hanzhong, the more like a south county, the north to the east of the county, there is the east of the river, Taiyuan, upper party county; Lu Wei for phase, sealed 100,000 households, the number of WenxinHou. Invite guests to the tour, want to do it all over the world. Lees is a sheist. Wen Yingxuan: "The name of the small official in the main sister-in-law." or wait ingress from the guest's bereaveen also. "Meng Wei, Wang Wei, and Xu Guangxuan, "One" "So-yin" Meng Yu, Qi people, the father of Meng Wu, the ancestor of Meng Yu. Wang Wei is Wang Wei, Zhao Wang in the forty-nine years of the doctor's mausoleum. "Justice", fish against. Liu Bozhuang Yunyin. after the same. He is a general. The collection should be:
- "Yu, Qin Qi."
So-yin, the public cover, the name of the public. "Justice", The Other Miao counter, Gai Qin County. The doctor said public, if chu system.
Wang young, the first in office, the Minister of State.
Jinyang anti, the New Year, the general meng yu hit it. In two years, gong will be the attack volume, "justice" will, the villain counter. Pawn, son will be the opposite. rolls, hillier sat.
Behead thirty thousand. Three years, The Monson attacked Korea, took the thirteen cities. Wang Yu died. In October, the general attacked Wei's swashes and was tricky. Xu Guangxuan: "The sound field." So-yin, Wei's name.
Years old, hungry. Four years, pull, sly. In March, the army was out. Qin protons were returned from Zhao, and Prince Zhao returned home. In October, locusts come from the east, and the sky is covered. The world is epidemic.
The people within a thousand stones, the first level of the bar. Five years, the general attack Wei, set acid, "set" geography Chen left acid county. "Justice" sinuth Zhiyun: "The old city of acid in the north of the sili an acid county of the ancient acid sour city south." Yan, Virtual, Changping, And "Set" Xu Guangxuan: "A thousand." The case: Geography Zhiyin an south has Changping County also. The name of the second name. The 12 years of the Spring and Autumn Festival "will be in the void", and the Warring States policy "pull the swallow sour dough, the false, the peach people", the peach people are also WeiWei, the false present, cover and the county is similar. Press: This east county Yan County east thirty there is the old Peach City, it is not far. "Justice" Yan, Utian counter. Including Zhiyun: "South Yancheng, ancient Yanguo also, Sliding County is also." Yao Issu is in the east 13 miles of Reze County, Luzhou. Filial aid to the god Oftheemperor Qiyun Emperor was born in Yao market, that is, The East County is also. Changping City is sixty-six miles west of Wanqiu County, Chenzhou. Yuqiu, Shanyang City, "Collected" geography Chen left Yuqiu County, Hanoi has Shanyang County. "Justice", in the use of anti-use, Luzhou County. All of them, take twenty cities. First in East County.
Winter thunder.
Source: http://www.漢川草廬.tw/a/a01/006.htm
http://www.xn--5rtnx620bw5s.tw/a/a01/006.htm
Xin jới thiệu với tác jả blog của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Nhật (NQN) để bổ sung fản biện với nghiên cứu của tác jả:
https://huvi.wordpress.com/category/su%CC%89-hung-vie%CC%A3t/
Xin nói thêm về jả thuyết của mình về Tượng wận ở đâu, thì theo chính là ở Vân Nam. Còn dấu tích của của tên Tượng wận chính là dòng Lan Thương, xin đừng hiểu “lan thương” theo nghĩa Hán, hãy dụng cách fát âm Lạn-xạng theo tiếng Thái – Lào (vốn là chủ nhân của tên Lan Thương kia) có nghĩa là Vạn Tượng. Mà theo cổ dịch (dịch học) thì “tượng, tịnh”, “khương, khang” là những từ ngữ định nghĩa fương “Tây”. Sông Mê-kông hay Mễ khương hiểu nôm na tiếng ta là sông cái Tây, Vạn Tượng vốn chỉ hàm nghĩa là vạn voi, triệu voi nhưng chính nghĩa vùng đất Tây núi non trùng điệp, theo xưa thì fương Tây vốn là vùng nhiều núi.
Tượng quận nằm ở đâu? Vấn đề này tưởng khó nhưng lại không.
Hán thư chép: Năm thứ 5 niên hiệu Nguyên Phượng thời Hán Chiêu Đế (76 TCN), quận Tượng bị bãi bỏ, chia cắt vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha.
Quận Uất Lâm thuộc Quảng Tây, quận Tường Kha ở phía tây Uất Lâm và gồm một phần Quý Châu. Như vậy quận Tượng cũ của nhà Tần (bị bỏ thời Hán) là ở phía tây Quảng Tây và một phần Quý châu.
Trị sở của quận Tượng, theo Mậu Lăng thư do Hán thư dẫn tại phần chú, là đất Lâm Trần ở phía tây Nam Ninh, thuộc huyện Tân Dương, tỉnh Quảng Tây.
Như vậy đã rõ, Tượng quận là vùng đất nằm giữa 2 quận Uất Lâm và Tường Kha, tức nằm trong tỉnh Quảng Tây ngày nay.
Thế thì tại sao Ban Cố lạ chép: Nhật Nam cố Tần Tượng quận? Có mâu thuẫn rất lớn với đoạn chép cũng của chính ông ở trên kia chăng?
Thật ra thì không hề mâu thuẫn. Trước khi đưa quân xâm chiếm Bách Việt thì thông qua bọn lái buôn, nhà Tần đã biết vùng đất có nhiều voi rừng (Hoài Nam tử – Nhân gian huấn chép: Nhà Tần lại ham sừng tê, ngà voi, ngọc cơ… nên phát binh xâm lược Bách Việt). Trong tâm thức của nhà Tần thì vùng đất mà họ gọi là Tượng quận gồm tỉnh Quảng Tây, Bắc và Bắc Trung Việt, có thể gồm một phần của Lào và Vân Nam ngày nay nữa và họ đã gồm cả những vùng đất ấy thành một quận (quận khống, chưa chiếm được) gọi là Tượng quận. Nhưng thực tế khi Đồ thư tiến quân xâm lược Bách Việt đã bị chặn lại bởi nước Tây Âu ở phía nam Quảng Tây và không chiếm được hết phần đất họ mong muốn. Dù vậy, họ vẫn gọi phần đất mới chiếm được ấy là Tượng quận và cố thủ, chờ viện binh để tiến tiếp. Nếu năm 210 TCN, Thủy Hoàng không mất thì có lẽ nhà Tần sẽ tiếp tục hành quân xuống phương Nam và sẽ có một Tượng quận như những gì họ đã vẽ ra trước cuộc xâm lược.
Tóm lại: Tượng quận gồm có 2 phần: Phần do nhà Tần vẽ ra trước cuộc xâm lược và phần thực tế chiếm được sau khi xâm lược. Phần nhà Tần vẽ ra trước khi xâm lược gồm cả quận Nhật Nam thời Hán và phần thực tế chiếm được chỉ giới hạn đến phía Nam tỉnh Quảng Tây ngày nay mà thôi.
Không có tiền lệ thời Tần Hán đặt ra quận khống (ảo). Chỉ có thời Nam bắc triều, Trung Quốc bị Ngũ Hồ xâm chiếm, dời về Dương Châu, có đặt tên châu quận cũ ở đấy để nhớ đất cũ ở Trung Nguyên mà thôi.
Tượng Quận thời Tần Hán ở giữa hai quận Uất Lâm và Tang Kha là chính xác, phù hợp với lịch sử. Nhà Tần lược định đất Dương Việt đặt ra ba quận Quế Lâm, Nam Hải Và Tượng Quận, đem lính thú đến giữ, sau Nam Hải Úy là Triệu Đà cát cứ ba quận ấy xưng vương, rồi đem quâm xâm lược Âu Lạc. Sang thời Hán bắt đầu đặt ra ba quận mới là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Đời sau nhầm lẫn Tượng Quận thời Tần là quận Nhật Nam thời Hán là vì quận Nhật Nam có huyện Tượng Lâm nên suy đoán như thế.
Lâu quá mới gặp bác Tích Dã. Chúc bác sức khõe.
Theo bác thì vì quận Tượng Lâm có chữ Tượng nên Ban Cố nhầm lẫn cho rằng nó là Tượng quận cũ của nhà Tần. Nếu bác nghĩ thế thì e rằng bác đánh giá Ban Cố thấp quá.
Khi Ban cố viết Hán thư thì Tượng quận đã bị chia và có lẽ quận Nhật Nam mới thành lập (Nếu Hán thư bảo quận Nhật Nam lập vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 thì có lẽ là lập quận ảo mà thôi). Điều này Ban Cố hiển nhiên là biết. Thế tại sao ông lại chép Nhật Nam cố Tần Tượng quận? Là một sử gia, Ban Cố không thể chép nhăng chép cuội như thế được bác ạ!
Hán thư do Ban Cố biên soạn chép Tượng Quận bị bãi bỏ và chia nhập vào các quận Uất Lâm-Tang Kha nên không thể lẫn với huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam để suy ra quận Nhật Nam thời Hán là Tượng Quận thời Tần. Mà đó là người thời Tam quốc là Vi Chiêu chú giải, từ đó người đọc sách cứ cho Tượng Quận là quận Nhật Nam.
Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỉ (người thời Lưu Tống tập dải dẫn lời người thời Tam quốc là Vi Chiêu) nói rằng: 象郡、【集解】韋昭曰:「今日南。」Tượng Quận, Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là quận Nhật Nam ngày nay.”
Sử ký -Tần Thủy Hoàng bản kỉ http://www.xn--5rtnx620bw5s.tw/a/a01/006.htm
6 phản hồi <
https://nghiencuulichsu.com/2019/01/17/giao-chi-va-tuong-quan/