Sunday, February 24, 2019

Chuyện Phủ Cờ

Chuyện Phủ Cờ

H1

(ĐS Phượng Hoàng Xuân Kỷ Hợi 2019)

Người lính trẻ của Việt Nam Cộng Hòa nhập ngũ vào đầu năm 1975 trước khi miền Nam sụp đổ nếu còn sống sót đến hôm nay chắc chắn đã trở thành những người lính già trên xứ tạm dung. Những người lính già một thời trai trẻ ấy nay hầu hết đã và đang bước vào tuổi cổ lai hy mà theo quy luật của đời người, họ đang đi dần đến chặng cuối của vòng sinh lão bệnh tử. Hàng ngày, nhìn vào những trang cáo phó, phân ưu, lòng không khỏi chùng xuống khi đọc tới tên những người quá cố phần lớn là tên của những chiến hữu mà tuổi thọ cũng chỉ vừa trên dưới độ tuổi được cho là cổ lai hy này.

Những người lính trẻ năm xưa đó một số không nhỏ đã và đang bước đến chặng ga cuối của cuộc đời nói gì đến những người lính cũ có số thâm niên quân ngũ hay công vụ nhiều hơn trước họ. Nhưng không chỉ những người lính cũ mà cả những người ‘di tản buồn’ năm nào cũng không vượt thoát ra khỏi số phận. Chuyện tử sinh là lẽ thường tình của thế gian, nhưng điều đáng nói là, nhiều người trong số họ trước khi xuôi tay về bên kia thế giới rất muốn hình hài họ được ấp ủ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa mà một thời họ đã từng phục vụ và chiến đấu vì nó. Thế nhưng ước nguyện ấy, việc làm ấy nhiều khi đã không được đáp ứng chỉ vì đã có những sự chỉ trích, dèm pha bị cho là lạm dụng, thậm chí mỉa mai là làm thân chiến bại lạc loài nơi đất khách còn vinh dự gì để được phủ lá quốc kỳ.

Trong năm vừa qua, một chiến hữu trong Ban Chấp Hành Hội CSQG Nam Cali, anh PVC* bỗng đột ngột từ trần. Sự ra đi của anh đã để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè và người thân. Anh là một chiến hữu rất tích cực trong nhiều sinh hoạt cũng như công tác của Hội. Trước năm 1975, anh từng là một sĩ quan CSQG tốt nghiệp Học Viện CSQG, rất tận tụy với công vụ, và trong nhiệm vụ bảo quốc an dân anh đã có nhiều đóng góp đáng kể vào những thành quả của ngành CSQG tại địa phương nơi anh phục vụ. Sau năm 1975, cũng như bao quân dân cán chính khác, anh đã bị 7 năm tù cộng sản, và suốt trong thời gian bị tù đày trải qua nhiều trại tù từ Nam ra Bắc, qua các bạn tù kể lại, anh vẫn giữ vững khí tiết của một người sĩ quan CSQG, không làm điều gì hổ thẹn cho mầu cờ sắc áo.

Sau khi nghe tin anh PVC qua đời, người viết đã liên lạc với vợ của anh, để hỏi thêm một vài chi tiết liên quan đến cái chết của anh để Hội có những sự giúp đỡ tương trợ cần thiết. Qua điện thoại, chị N., vợ anh đã nói trong nước mắt rằng, anh C. là một người rất trân quý lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lúc còn sinh tiền, Anh đã từng nhiều lần thổ lộ với chị rằng, nếu một mai anh chết đi, anh ước nguyện được ấp ủ dưới lá cờ thân yêu của tổ quốc VNCH. Do đó, chị thỉnh cầu Hội hãy giúp chị thực hiện ý nguyện của anh bằng một lễ phủ cờ trong tang lễ của anh.

Người viết cũng thực sự xúc động khi nghe chị N nhắc lại ước nguyện của anh PVC. Sau đó, chúng tôi đã truyền đạt lại lời thỉnh cầu của chị N. tới quý anh trong Hội CSQG Nam CA và Tổng Hội CSQG. Nghe xong, mọi người đều đồng ý sẽ thực hiện di nguyện của anh vì anh xứng đáng được hưởng cái vinh dự này. Thế nhưng thật đáng tiếc, sau khi tang lễ anh C. đã hoàn mãn, vẫn có lời ong tiếng ve, người nói ra kẻ nói vào một việc làm đầy ý nghĩa này.

Thật ra, đã từ lâu việc phủ cờ trên quan tài một người vừa nằm xuống tại hải ngoại vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Việc tranh luận về việc phủ hay không phủ Cờ Vàng lên quan tài người cựu chiến sĩ hay người tị nạn qúa cố có lẽ sẽ còn là đề tài gây tranh luận kéo dài không bao giờ chấm dứt. Bên nào cũng có những lý lẽ hợp lý theo ý chủ quan của họ. Tuy nhiên, có nên qúa khắt khe đối với việc phủ cờ này hay không?

Theo thiển ý của người viết, việc phủ cờ hôm nay ở hải ngoại chỉ là một hình thức để vinh danh những người đã từng phục vụ cho Tổ quốc (VNCH). Những cống hiến của họ, trước năm 1975, không nhiều thì ít, đã góp phần vào công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam trước sự xâm lăng và phá hoại của cộng sản; nhưng tiếc thay, họ chưa được vinh danh thì miền Nam đã rơi vào tay cộng sản. Vì vậy, ngày nay, khi họ nằm xuống, nếu có vinh danh họ (muộn màng) bằng một lá cờ vàng thì cũng nào có gì quá đáng. Dĩ nhiên, việc phủ cờ này sẽ không dành cho những người đã phản bội tổ quốc bằng cách này hay cách khác, như hợp tác với kẻ thù xưa cộng sản, hay phá hoại sự đoàn kết của người Việt quốc gia tại hải ngoại. Chính vì có những trường hợp lạm dụng việc phủ cờ một cách bừa bãi và đôi khi bất xứng (như trường hợp ông tướng NCK ngày nào) đã làm mất đi ý nghĩa và gía trị cao quý của lá cờ vàng, biểu tượng thiêng liêng của người Việt tự do tại hải ngoại. Đối với những người Việt lưu vong tại hải ngọai hôm nay, nếu họ đã có một thời tận hiến, đã từng chiến đấu, phục vụ cho nền Cộng Hòa Việt Nam, dù họ không thành công bảo vệ được Tổ quốc trước sự xâm lăng của cộng sản, thiết tưởng họ vẫn xứng đáng để được phủ lá cờ mà họ đã thương yêu, đã từng sống và chiến đấu vì nó.

Nhiều người lầm tưởng rằng việc phủ cờ chỉ áp dụng cho những quân nhân đã hy sinh ngoài mặt trận; tuy nhiên, nó cũng có thể áp dụng cho cả những người dân sự, công chức đã hy sinh vì công vụ vì cái chết của họ cũng là phục vụ cho tổ quốc. Riêng tại hải ngoại, đó là cách để xác định căn cước tị nạn của người vừa nằm xuống. Bởi họ đã từng là công dân của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và đã từng phục vụ và chiến đấu dưới lá cờ vàng này.

Có lần, người viết được một hậu duệ là con của một thân hữu nguyên là một cựu quân nhân Quân Lực VNCH báo tin thân phụ anh vừa qua đời. Anh khẩn khoản nhờ tôi giúp cho thân phụ anh có được một lễ phủ lá cờ vàng theo nguyện vọng của người cha trước phút lâm chung. Khi người viết nêu vấn đề này ra với hội đoàn mà thân phụ anh từng sinh hoạt, nhiều người ngần ngại tỏ ý không tán thành vì sợ rằng họ sẽ bị phê phán là lạm dụng. Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến tranh luận, mọi người cuối cùng cũng đã đồng ý rằng việc thực hiện theo nguyện vọng của người đã khuất không phải là một sự lạm dụng mà là để xác định người quá cố đã từng là một chiến sĩ quốc gia VNCH đã từng chiến đấu dưới lá cờ này. Sự phủ lá cờ thiêng của tổ quốc chẳng khác gì người chiến sĩ ấy đã nằm lại trên quê hương Việt Nam, mặc dù người ấy đã bỏ thân xác ở hải ngoại. Nhờ có lá cờ thiêng mà vong linh người ấy luôn luôn được ấp ủ bởi hồn thiêng của sông núi Tổ quốc VNCH. Khi nghe được quyết định ấy, người con của người chiến sĩ vừa nằm xuống đã không giấu được niềm xúc động, lệ đã tràn trên khoé mắt anh vì anh đã thực hiện được lời ước nguyện cuối cùng của người cha quá cố.

Người Mỹ khi nói về ý nghĩa của việc phủ cờ, họ đã giải thích rằng đó là việc để “Honoring Those Who Served”, nghĩa là vinh danh những người đã từng phục vụ cho đất nước. Sự phục vụ phải hiểu theo một nghĩa rộng rãi, không chỉ dành riêng cho các quân nhân tử trận hay hy sinh vì công vụ, mà còn dành cho cả những viên chức ngoài quân đội đã hy sinh. Việc phủ quốc kỳ trên quan tài người quá cố là một hành động để vinh danh và ghi công về những việc làm hay những đóng góp của người quá cố đối với quốc gia.

Nếu hiểu như vậy thì tại sao chúng ta không bao dung áp dụng việc phủ cờ cho những người đã một thời từng phục vụ cho tổ quốc Việt Nam Cộng Hoà. Tại sao chúng ta cứ qúa câu nệ và có những đòi hỏi khắt khe đối với việc phủ cờ cho những người đã từng sống, chiến đấu và phục vụ dưới lá Cờ Vàng nếu họ không làm điều gì sai trái hổ thẹn với tổ quốc?

Cuối cùng, người viết xin mượn vài câu thơ mang ý nghĩa “mai tôi chết Cờ Vàng xin được phủ” lượm lặt được trên ‘net’ xin phổ biến lại thay cho một lời kết:

<>

“…Mai tôi chết Cờ Vàng xin được phủ,

Để xác thân ấp ủ với sơn hà,

Để hồn tôi trọn nghĩa với Quốc gia,

Để sống thác được hoài mang lý tưởng.

Trước vận nước gieo neo,

Vững tay chèo định hướng.

Dù nhiễu nhương che lấp khắp nẻo đường,

Dù thân mình có lắm nỗi tang thương,

Ta cũng quyết không lùi một bước…” (Thơ Lê Chân)

Hay :

“…Khi tôi chết xin Cờ Vàng che phủ
Như một lời nhắn nhủ với quê hương
Với Cộng nô tôi quyết chẳng chung đường
Tôi khinh bỉ vô cùng phường bán nước…”

(Thơ Nguyễn Đạt)

TOÀN NHƯ

*PVC là C/H Phạm Văn Cư, cựu SVSQ K1/HVCSQG, nguyên Phó Nội Vụ HAH/CSQG Nam CA.

https://khoa1hocviencsqg.com/2019/02/22/24500/

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...