LÀN RANH QUỐC - CỘNG
LÀN RANH QUỐC - CỘNG
Gần cuối năm 1991, sau gần bảy năm đi làm ăn ở xa, từ thành phố nhỏ Katanning, gia đình tôi dời về thành phố Perth, thủ phủ sầm uất của tiểu bang miền Viễn Tây của nước Úc Đại Lợi, nằm cạnh con sông Swan, cách chỗ ở cũ chừng 300 cây số. Những ngày tháng đầu tiên chưa quen đường xá, may mắn mướn được một căn nhà vùng Belmont, cách trung tâm phố khoảng 7 cây số, tạm yên ổn cuộc sống và đi tìm việc làm trong tương lai để quân bình cuộc sống. Những ngày cận Giáng Sinh rất bận rộn đối với người dân các nước Tây Phương theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, hay bất cứ những sắc dân nào đến đây định cư cũng bị lôi cuốn vào cái không khí lễ hội lớn nhất trong năm, đúng như câu "nhập gia tùy tục"; nên các khu thương mại nào đông đúc như nhau, các cửa hàng tấp nập người ra vào, do đó việc tìm được một chỗ đậu xe khá vất vả. Vào buổi sáng hôm ấy, đang đứng chờ vợ tôi mua vài món đồ trong siêu thị địa phương Super Value, thình lình có một người đàn ông da trắng, tướng cao lớn dền dàng, đầu rụng khá nhiều tóc, ăn mặc đơn giản, quần xà lỏn áo thun đến chào hỏi vài câu và vui vẻ giới thiệu tên, đoạn kéo tay bà vợ người Phi Luật Tân làm quen, sau khi nghe tôi tự giới thiệu là người Việt Nam.
Nước Úc đang vào mùa hè, đàn ông, phụ nữ hay mặc áo thun, quần ngắn đi phố rất bình thường, đây là thời trang của người Úc vào mùa Giáng Sinh; lý do là nước Úc nằm ở Nam Bán Cầu, nên thời tiết trái ngược với các vùng Bắc bán Cầu. Thay vì mùa Giáng Sinh lạnh lẽo, có ông già Noel, tuyết phủ như bài ca: "Đêm đông, lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời, Chúa Sinh ra đời, nằm trong hang đá, nơi máng lừa..." thì nước Úc lọt vào mùa hè vô cùng khắc nghiệt hàng năm, cao điểm những ngày nóng bức có khi hơn 40 độ Bách Phân, nhất là vào buổi trưa, gió nóng từ sa mạc thổi vào rất khó chịu, nên người ta thường trốn trong nhà, mở máy điều hòa không khí, hay những người không có phương tiện vào các khu siêu thị để tránh nóng, vì hệ thống điều hòa ở đây rất tốt, hoàn toàn miễn phí. Tội nghiệp cho những người đàn ông có việc làm FATHER CHRISTMAS, thường được chủ nhân các siêu thị mướn với tiêu chuẩn đầu tiên là "không mập phì, không có bụng lớn thì không phải là ông già Noel", mặc bộ đồ đỏ dầy như mền nỉ có viền trắng ở tay, cổ, lại mang thêm bộ râu xồm xoàn phủ đến ngực, mặt phủ râu, thêm đôi kiếng trắng... đứng trước cửa các siêu thị, miệng luôn có câu" HÔ, HÔ HÔ!", chắc chắc là mấy ông già Noel nầy không HAPPY với cái khí hậu vô cùng nóng bức, như câu thơ của Trần Tế Xương:
“Bức sốt nhưng mình vẫn áo lông.
Tưởng rằng ốm dậy, hóa ra không".
Thoạt đầu, nhìn vợ chồng người lạ với cách ăn mặc đơn giản có vẻ bụi đời, tôi không chú ý lắm, nghĩ là xã giao thông thường mỗi khi gặp người Úc. Nhưng sau khi nói vài câu thông cảm, tôi mới biết đó là ông Bill Heinz, một cựu quân nhân trong lực lượng Hoàng Gia Hải Quân Úc, từng tham chiến tại Việt Nam. Ông ta cũng có vẻ thích thú khi biết tôi là một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển tìm tự do, ông tỏ ra rất thông cảm khi nghe tôi nói bị tù đài 6 năm sau ngày miền Nam thất thủ, Cộng Sản chiếm và hành hạ những người chiến đấu vì lý tưởng tự do. Chúng tôi trao đổi những câu chuyện về cuộc chiến vừa qua một cách ngắn gọn trong buổi sơ giao, đoạn cho địa chỉ, điện thoại lẫn nhau để liên lạc. Thì ra nhà ông Bill ở cách nhà tôi chừng 10 phút đi bộ, sau đó vợ tôi cũng nói chuyện thông cảm nhau rồi giả từ để tránh cái nóng sắp tới. Tối hôm ấy, ông Bill gọi điện thoại, mời tôi dự buổi barbecue tại nhà ông để mừng Giáng Sinh năm 1991; dĩ nhiên là tôi nào từ chối, ở khu nầy ít người Việt, lại không quen nhiều người Úc, phần mới từ vùng thôn quê trở về thành phố, cảm thấy cô đơn. Sau Giáng Sinh, tôi mời vợ chồng ông đến nhà tôi ăn tết Tây cho cũng vui và cũng để trả lễ theo phong cách người Việt, ông nhận lời ngay và còn nhắc nhở phải có món chả giò Việt Nam, là món cả gia đình ông ưa thích nhất. Qua điện thoại, tôi hỏi ông có ăn món chả giò ở nhà hàng không? Ông cười hô hố và cho biết món chả giò chỉ có người Việt Nam làm mới ngon, còn nhà hàng Tàu làm không đúng hương vị đặc biệt.
Từ dạo ấy, chúng tôi trở thành thân thiết, nên hay qua lại chơi, thỉnh thoảng ngồi uống cà phê, trà, nước ngọt, nói chuyện, vì ông Bill không uống bia, rượu, cũng không hút thuốc, đó là điều hơi lạ với nhiều người Úc. Được biết ông Bill cùng lứa tuổi với tôi, tham gia lực lượng Hải Quân Hoàng Gia, chiến hạm của ông không trực tiếp tham chiến trên bờ, nhưng là hỏa lực hải pháo yểm trợ hữu hiệu cho các đơn vị bộ binh tham chiếm. Đơn vị của ông từng tham dự những chuyến hải hành dọc theo một số vùng trách nhiệm thuộc bờ biển miền Nam Việt Nam từ năm 1969 và năm 1971, thỉnh thoảng ghé các thành phố ven biển, và sau khi hết nhiệm vụ, trở về nước, thời gian hơn hai năm phục vụ trong quân ngũ, nghiệp vụ trong đội ngũ bắn đại bác, tôi được ông cho xem những tấm hình chụp trong thời quân ngũ với nhiều quyển Album. Một điều làm tôi ngạc nhiên: Ông là người lịch sự, nói chuyện rất vui, nhưng khi nhắc đến Việt Cộng, hay Vi Si, ông nổi nóng thình lình, kèm theo câu chửi thề của Úc và tiếp theo là câu:" BLOODY COMMUNIST". Tôi hỏi thì ông cho biết VIỆT CỘNG LÀ SÚC VẬT (Communist is animal) đoạn nói về sự tàn ác của Lenin, Salin... Tôi hỏi về Hồ Chí Minh, thì ông dùng câu" Pig" hay" Bloody Pig" hay là" bloody hell"... Có lần tò mò, tôi hỏi về gia đình, ông buồn buồn kể về cuộc đời bất hạnh thời niên thiếu: cha mẹ mất sớm vì tai nạn giao thông, ông và người chị sống với người bảo trợ là bà ngoại. Rồi năm lên 18, tình nguyện đi lính, tham gia chiến trường Việt Nam. Ông tự hào mang ra khoe với tôi xâu huy chương được chính phủ Úc và Việt ban cấp, trong đó có tấm huy chương do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với lá cờ màng vàng ba sọc đỏ, nhìn tấm huy chương có lá cờ tổ quốc thân yêu, tôi rất xúc động. Ông cho biết sau khi đi lính vài tháng, bà chị ruột có chồng là một đảng viên Cộng Sản (nói đến đây, ông không quên đệm câu" Bloody Communist"), nên bà cũng theo đảng nầy và trở thành người tích cực hoạt động chống chiến tranh Việt Nam một cách mù quáng, ông cho là Crazy, rồi Stupid... Ông tức giận đưa một tờ báo cũ, phai màu từ hàng chục năm lưu trữ, là tờ The West Australian cho tôi xem để làm bằng chứng; trang đầu tờ báo có số đọc giả đông nhất tiểu bang có hình đoàn biểu tình phản chiến do tổ chức Công Đoàn, đảng Cộng Sản Úc ( CPA: Communist- Party-Australia) và đảng Lao Động ủng hộ, họ xuống đường phản đối cuộc chiến Việt Nam, đòi đồng minh rút quân vô điều kiện, rút quân tức khắc, ông chỉ một người phụ nữ, tay cầm biểu ngữ, đoạn nói với giọng hậm hực:
-My Bloody Sister there!
Ông cho biết trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, bà chị ruột đã đâm sau lưng ông và các đồng đội, những người lính Úc chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do và trong đó có cả nước an ninh của Úc, ông giận những kẻ quá vô tình, ngây thơ, bị Cộng Sản giựt dây, lợi dụng... tôi hỏi chị ông ở đâu? Thì ông cho biết là có nhà ở vùng Bay Water, chỉ cách nhà chúng tôi không đầy 10 phút lái xe, qua một cây cầu Garath là đến. Thế mà ông không bao giờ đến thăm bà chị kể từ khi về nước, đó là điều lạ lùng, tôi tìm hiểu thì ông chỉ chửi " Bloody Communist" và cho biết là không gọi điện thoại thăm nhau, hay gởi cạc (card) chúc mừng Giáng Sinh, Tết như tập quán của người Úc đối với người thân trong gia đình. Ông Bill Heinz trở thành bạn thân của gia đình tôi, hàng năm đi diễn hàng vào ngày Anzac 25 tháng 4, ông thường hỏi những người Việt Nam về nguồn gốc trong khu vực, khi nghe nói là dân miền Bắc là ông không ưa, thậm chí một số tiệm deli nhỏ, biết là người Bắc là ông không đến mua bất cứ thứ gì. Tôi giải thích người Bắc di cư 54 cũng là người bị Cộng Sản bức hại và người Bắc 1975, đáng ngại là đám con cháu cán bộ sang du lịch, du học... Sau nầy, ông Bill dời nhà qua tiểu bang Queensland, mãi đến năm 2003 mới về Perth. Ông ly dị vợ là và Gail, nhưng 2 đứa con sống chung với cha; dù ở xa, thỉnh thoảng ông cũng gọi điện thoại hỏi thăm, luôn mở đầu bằng câu:" HOY, HOY, HOY..." là tôi biết ai gọi. Nay hai đứa con của ông đã lớn, đứa con trai 17, con gái 16, nhưng ông vẫn không liên lạc với bà chị communist, làn ranh Quốc - Cộng thật rõ ràng như thế. Trước đây dù ở cách nhau có một cây cầu, không có ngăn cách bởi đồn canh, lính gác hai phía như dòng sông Bến Hải năm xưa tại Việt Nam, nhưng ông Bill đã xác định rõ ràng chánh - tà; hiện đang sống ở thị trấn Bunbury, cách xa hơn 200 cây số, thỉnh thoảng ông có liên lạc với tôi, đôi khi lên Perth có vài công việc, ông ghé thăm tôi, chứ không bao giờ ghé nhà bà chị ruột.
Tôi cũng có vài người bạn thân, từng là cựu chiến binh trong quân đội Hoàng Gia Úc, là những người bạn đồng minh, như gia đình ông Kim Murphy (năm 2004, 2006 hai đứa con trai của ông trở thành Australia Idol, hạng 3 và 4, nổi tiếng trên ti vi Úc), các con của ông kêu tôi bằng Uncle Hòa một cách thân mật khi gặp nhau. Ông Ray Well, nguyên là giáo sư dạy Anh ngữ trường đại học Edit Cowan, ông Well có viết tập thơ tựa đề là "Úc Đại Lợi Number One" có phần dịch ra tiếng Việt, nói về sự hào hùng của người quân nhân Úc trong cuộc chiến Việt Nam; trong lần ra mắt sách năm 1998 tại nhà hàng Golden Swan với cộng đồng người Việt địa phương, vợ ông là bà Elizeberth, một giáo sư dạy hội họa đã rớt nước mắt, nghẹn ngào khi nhắc lại những năm tháng khổ sở lúc ông Ray Well mới về từ chiến trường Việt Nam trước hiệp định Paris vài tháng; những kẻ phản chiến đầu độc truyền thông, nên dân Úc nhìn những chiến binh Úc như tội phạm chiến tranh, họ cho những tên khủng bố Việt Cộng miền Nam và Cộng Sản Bắc Việt là thường dân vô tội bị giết, quân đội Hoàng Gia Úc tàn ác như quân của Hitler thời đệ nhị thế chiến. Hơn 50 ngàn chiến binh và gia đình họ đã bị phong trào khuynh tả giết dần mòn bằng quả bom thời gian, không thua gì thứ Vũ Khí Sát Thương hàng loạt ngày nay (Weapon Mass Destruction) từ khi họ về nước đến vài thập niên sau nầy. Nhiều cựu chiến binh Việt Nam cho biết là họ không dám đến hội Cựu Chiến Binh (R.S.L) để sinh hoạt với các chiến binh từ 2 thế chiến, Bắc Hàn... Cũng may là sau nầy danh dự phục hồi, nhất là sau ngày 30-4-1975, thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã làm sáng mắt những kẻ" ăn cơm tự do, đội mo Cộng Sản" nên ảnh hưởng phong trào phản chiến tàn lụi dần, tổ chức giải thể đầu tiên là đảng Cộng Sản Úc, bị "thoái trào" trong thập niên 1990, tàn dư của hội gia nhập vào cánh tả của đảng Lao Động Úc, họ không dám nhận là người Cộng Sản nếu được đảng đề cử làm ứng viên dân biểu, nghị sĩ tiểu bang lẫn liên bang. Ngày nay tình hình đã thay đổi, chánh thắng tà, nên hầu hết các hội R.S.L từ địa phương đến trung ương đều do các cựu chiến binh Việt Nam nắm giữ những chức vụ quan trọng điều hành và những cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng được hưởng quyền lợi hưu bổng theo đạo luật 1986 Entitlement Act, hàng năm đi diễn hành ngày Anzac và hầu hết các tiểu bang đều dựng tượng đài chiến sĩ Úc -Việt tại các thắng cảnh. Dù sứ quán Cộng Sản tìm các ngăn chận, gây áp lực, nhưng họ không thể đảo ngược tình thế, như Nam Dương, Mã Lai đã cho đập phá hai tấm bản kỷ niệm thuyền nhân tỵ nạn do Văn Khố Thuyền Nhân thực hiện. Tại nước Úc, các hội cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và quân nhân Úc tham chiến tại Việt Nam với tên gọi "Vietnam Veteran" gắng bó với nhau " side by side" như ngày nào trên chiến trường chống Cộng: "Thế gian dù có đổi thay, tình ta vẫn đẹp như ngày đầu tiên".
Trên các đường phố, thỉnh thoảng có những chiếc xe nhà, phía sau có dán tấm huy chương với lá cờ Vàng ba sọc đỏ, nhìn là biết ngay những người từng tham chiến tại Việt Nam. Năm 2000, tôi được biết và kết bạn thêm một nữ y tá từng tham chiến nhiều năm ở Việt Nam, là bà Cherrish Johnson, bà tham dự suốt gần 3 tuần lễ cuộc biểu tình cùng với người Việt Nam tại Hyde Park vào dịp Tết âm lịch, chống đoàn văn công Múa Rối Nước Thăng Long. Bà làm "thất điên bát đảo" đám Văn Công, ban tổ chức người Úc và người đi xem múa rối: lợi dụng trong Park có nhiều lò nướng Barbecue công cộng, chọn một lò trên chiều gió, bà đốt lửa, đổ nước mắm với ớt bột, sau cùng bị cảnh sát bắt và ra tòa cùng với tôi. Vào những năm cuối cùng của thiên niên kỷ một số người Úc muốn thay đổi, được những người khuynh tả, đảng khuynh tả phát động phong trào Cộng Hòa hóa nước Úc, gây nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Họ đi xa hơn là đòi thay đổi lá cờ, kêu gọi người dân vẽ lá cờ để lựa chọn, đương nhiên là hội cựu Chiến Binh Úc (R.S.L) phản ứng rất mạnh, họ tranh đấu tới cùng để bảo vệ biểu tượng hồn thiêng sông núi, niềm hãnh diện quốc gia, từng chứng kiến máu của những chiến sĩ kiên cường trong nhiều cuộc xung đột thế giới.
Riêng Ông Bill Heinz là người biểu lộ một cách thẳng thắng, dứt khoát làn ranh Quốc - Cộng, trước sau như một, dù người bên kia là bà chị ruột thân mến. Tôi biết ông không qua Việt Nam du lịch qua hình thức đi tour của các công ty như quảng cáo, mời gọi, ông cho biết là không muốn nhìn " Bloody Communist" trước mắt. Chắc chắn là gia đình ông Bill không bị đấu tố địa chủ, bị đánh tư sản, bị lùa vào vùng kinh tế mới, không đi tù cải tạo, chưa bao giờ sống dưới chế độ Cộng Sản dù chỉ một ngày thôi, nhưng ông có thái độ dứt khoát như thế; trong khi trong hàng ngũ tỵ nạn, nhiều người chối bỏ tư cách tỵ nạn chính trị sau khi "no cơm ấm cật", bắt tay với Cộng Sản, đem tiền về đầu tư, mua nhà, về du hý, du dâm, trở thành "tư bản Việt Kiều" nhí nha với tư thái "áo gấm về làng"....và tệ hơn là tại Úc có một số người từng là quân nhân quân lực V.N.C.H, bị tù đày... thế mà họ chai mặt, lãnh cấp dưỡng hưu bổng của bộ Cựu Chiến Binh Úc và rồi trở về Việt Nam cặp kè với cán ngố, cúi mặt chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng, chân dung tên hung thần Hồ Chí Minh... nhiều người chỉ ở Úc vài tháng mỗi năm, đa số thời giờ ở Việt Nam. Chính những người Việt tỵ nạn mau quên ấy đã giúp cho đảng Cộng Sản có thêm phương tiện để duy trì chế độ độc tài, một số người vì ngại bị Việt Cộng làm khó để về thăm quê hương đã làm lơ trước những thống khổ của đồng bào trong nước, hay trở thành những" người Việt tỵ nạn thầm lặng"... trong khi đảng Cộng Sản vẫn coi những người Việt hải ngoại là thù nghịch, dù miệng luôn kêu gọi hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận thù... bên cạnh đó có nhiều người không bao giờ quên những tội ác tày trời của đảng Cộng Sản và Hồ Chí Minh, cũng như thế giới không bao giờ quên chế độ Tam Reich của Hitler thời đệ nhị thế chiến, nhất là dân Do Thái. Nhờ những người nhớ dai ấy nên ngày nay lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tại nhiều cường quốc đương đại và công cuộc đấu tranh vì tự do cho dân Việt Nam vẫn tiếp tục đến khi thành công.
TRƯƠNG MINH HÒA.
No comments:
Post a Comment