Monday, April 29, 2019

 

– Tâm Tư Khi In Lại THÉP ĐEN –






Năm 1985, tôi viết xong hai tập hồi ký Thép Đen I & II. Hai năm sau mới tìm được nhà in và phát hành. Năm năm sau Thép Đen tập III mới ra đời. Từ khi Thép Đen I & II được in đến nay đã 15 năm. Trong thời gian đó phần vì sức khoẻ, phần vì gánh nặng gia đình, tôi hầu như không viết lách gì, cũng không sinh hoạt báo chí gì cả. Nhưng thật ngạc nhiên, cứ thỉnh thoảng tôi nhận được một lá thư độc giả nói về Thép Đen. Cả thảy có hơn 300 lá thư. Đài phát thanh Việt Ngữ Quê Hương ở Bắc Cali, Đài Sống Trên Đất Mỹ ở Nam Cali… cho đọc Thép Đen. Có cả những đài cho đọc mà tôi không được biết, chỉ biết do thính giả quen. Bây giờ thì ngoài sách Thép Đen, còn có cả băng audio và đĩa CD Thép Đen nữa.

http://viteuu.blogspot.com/2014/03/hoi-ky-thep-en-ang-chi-binh-phan-13.html

Trong hân hạnh ấy, tôi tự hỏi làm sao mà Thép Đen được đón nhận như vậy? Trước và sau Thép Đen có biết bao hồi ký về lao tù và thời cuộc. Có nhiều bí mật chính trị được phanh phui. Bao nhiêu vị tướng lãnh thuật lại những giai đoạn gay go của đất nước. Bao nhiêu nhà văn tên tuổi ghi lại những cảnh sống tù đầy mà nếu không có văn chương tài năng, khó có thể nói lên những trạng huống cũng như cảm xúc day dứt và cùng cực. Trong khi đó tôi chỉ là một điệp viên không tên tuổi, thi hành một công tác giới hạn, hầu như bị bịt mặt trước thời cuộc, cũng chưa bao giờ viết văn, và ngoài Thép Đen cũng chưa viết gì đáng kể. Hỏi bạn bè, mỗi người cho một ý kiến. Cuối cùng tôi đoán rằng, ngoài một số yếu tố về văn mà Thép Đen cùng góp phần với các tác phẩm khác, có lẽ tính xác thực một cách mộc mạc của Thép Đen đã lôi cuốn độc giả suốt mười mấy năm nay chăng? Có độc giả gửi thư sửa cho tôi số nhà ở phố Hàng Bạc. Có người nhận là vợ của một trung tá cho tôi biết rõ nhiều chi tiết của sự việc ngày ấy v.v… Nhiều độc giả hỏi cô Vân bây giờ ra sao?

Nếu các độc giả muốn biết về cô Vân ra sao một phần, thì tôi muốn biết đến một trăm phần, và không phải chỉ có cô ấy mà là tất cả cảnh cũ người xưa của 40 năm trước. Tôi mơ ước có một ngày được về rờ những bức tường xà lim, cái cùm chân và cùm mồm. Tôi khát khao được nhìn thấy cô Vân để tìm xem cô còn những nét gì ngày xưa, và cô còn nhớ tôi không. Tôi muốn được tay bắt mặt mừng với những bạn tù, nếu họ còn sống, để ôn lại những ngày bị đầy đọa trong kiểu tù đầy chắc chỉ còn sót lại cuối cùng trong bước tiến hóa của con người nhân tính từ thế kỷ này.

Đã gần 20 năm, tôi chưa về được. Nhưng may cho tôi, có một vị linh mục trẻ và một bạn trẻ độc giả đã lần theo giai đoạn của Thép Đen để đến tận nơi, ghi lại bằng hình ảnh, và quí nhất một anh chị bạn đã gặp “người muôn năm cũ”, của đất Hưng Yên nhiều mầu mỡ, còn thu vào băng hình video mang về cho tôi. Xin quý vị tha lỗi, nếu tôi nói rằng, không ai có thể hiểu hết được tôi sung sướng đến mức độ nào! Có đến vài tháng trời, tôi như sống trở lại những ngày xưa ấy, chỉ trừ không có cái xà lim và không có cùm.

Cho nên, một phần để đáp lại sự đón nhận của độc giả, một phần Thép Đen những lần in trước đã không còn, tôi quyết định cho tái bản với sự bổ sung nhiều hình ảnh mới có được. Một điều ngạc nhiên cho chính tôi là, cũng như viết văn, tôi chưa hề vẽ bao giờ, vậy mà chỉ bằng trí nhớ, tôi vẽ được cái cùm mồm, cùm chân, xà lim… trong khi viết Thép Đen gần giống như cái hình chụp bây giờ, cả về hình dáng cũng như kích thước. Vậy, chính vì tính xác thực tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục cho Thép Đen thì lần tái bản này, tôi hy vọng có thể góp thêm vào sự xác thực ấy.

Sau hết, tôi xin cảm tạ vị linh mục trẻ, anh chị bạn thân và một độc giả thanh niên nhiều nghĩa tình. Đã giúp tôi giải tỏa được phần nào nỗi niềm trong lòng tôi.

Boston ngày 29 tháng 10 năm 2002.


Đặng Chí Bình

– Tựa –



Trong xà lim Hỏa Lò của Việt Cộng, người tù bị cùm hai chân trên bệ xi măng, bề ngang chừng 65 phân. Cùm sắt dầy và lạnh, được đóng đai kiên cố để nghiến chặt cổ chân của nạn nhân. Hai tay bị xiềng ngược ra sau, nên tù nhân phải nằm nghiêng. Và dịch, lết ra mép sàn xi măng để giải quyết nhu cầu vệ sinh, phân rơi vãi tung toé ra khỏi mặt bô đặt dưới đất. Ngày này qua ngày khác, nạn nhận bị liệt cả hai chân, và sống trong hôi thối ẩm mốc của xà lim như một con thú.

Nhưng nạn nhân còn cái mồm, nghĩa là còn được một chút tự do có giới hạn của những tiếng thều thào, những lời rên xiết, hay những tiếng la hét chưởi rủa.

Và khi đó, một vật dụng kỳ quái tượng trưng cho nền dân chủ ưu việt của chế độ Cộng Sản mới được đem ra áp dụng. Đó là cái cùm mồm. Bằng sắt, có bắt đinh ốc và lò xo, để khóa cứng hàm nạn nhân. Để người tù không thể chửi chế độ, chưởi lảnh tụ hay la hét gì được nữa. Người tù đã nêu đích danh Hồ Chí Minh ra chửi, ngay giữa Hỏa Lò Hà Nội, để mong được giết, hoặc được bắn, để sớm chấm dứt cảnh dở sống dở chết của mình. Nhưng Việt Cộng, chúng không nóng ruột hấp tấp như vậy, chúng đã phát minh ra cái cùm… mồm.

Không có gì quý hơn độc lập tự do. Câu nói mới thấm thía và khốn nạn làm sao!

*

Trong dãy xà lim, tù nhân được một con chuột nhắt, gầy bé như ngón tay, chui vào thăm.

Trong tù, ngoài đá, mồ hôi và máu kết đen trên nền xi măng, còn có gì để quyến rũ một con chuột? Vậy mà con chuột đã chui vào, bị bắt, chạy thoát, rồi ít bữa sau lại bò vào. Vì ở bên ngoài, trong vùng tự do của súc vật, nó đói. Trong nhà tù, nó con hy vọng mong manh là tranh hạt cơm với người tù bị xiềng, bị liệt.

Mỗi ngày, người tù để dành vài hạt cơm cho người bạn bốn chân này. Đấy là cõi giải thoát của người tù, một chút tình cảm san xẻ với một con vật xấu số, để thấy là mình vẫn còn sống.

Con chuột nhắt này cũng có tội, nó đã bị tên công an quản giáo lấy chân di chết. Trong Hỏa Lò tù nhân không có một sự giải thoát nào, dù chỉ bằng cách kết bạn với một con chuột nhắt đã bị bẻ răng.

Không có gì quí hơn độc lập tự do. Câu nói mới hiểm độc và ghê khiếp chừng nào.

*

Cũng trong Hỏa Lò, tù nhân được biết đến một người đã có hình ảnh nổi tiếng thế giới. Người anh hùng Điện Biên, trong Đại đội năm xưa đã hồ hởi cắm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Bộ Chỉ Huy của de Castrie. Anh đã kết thúc cuộc đời vẻ vang của anh trong Hỏa Lò, như một tù chính trị. Tội của anh là đã lầm tưởng những điều Việt cộng nói là sự thật. Không, điều đó chưa phải là một cái tội. Tội của anh là đã nêu lên câu hỏi về sự thật đó. Người bộ đội gốc tiểu tư sản yêu nước này, là một điển hình của biết bao người khác đã vỡ mộng và chết kẹt, giữa những điều đảng nói và những điều đảng làm. Bị nghiền nát không âm vang.

Trong Hỏa Lò, điều ghê rợn nhất chính là sự im lặng. Đời sống im lặng và cái chết im lặng. Tất cả đều âm u một mùi tử khí của nghĩa địa. Và, khác biệt giữa sự sống và cái chết có khi chỉ là một tiếng thở nhẹ trong xà lim số 7, không ai hay biết. Làm sao con người có thể nghe thấy cái chết khi bị bao vây giữa đám quỷ sống.

Cũng vì vậy, dù chẳng được ai nói, chỉ qua những dấu vết còn ghi trên mặt đá, người tù cũng được biết nơi đây đã có thời cùm hãm Thụy An. Nhà văn nữ một thời nổi tiếng vì cái chết tức tưởi của nhà cách mạng Đỗ Đình Đạo. Cũng tưởng là mình có công với chế độ.

Trong Hỏa Lò Hà Nội, có rất nhiều người đã tưởng lầm như vậy. Họ là cán bộ, là đảng viên, là thường dân, là trí thức… Họ là chiếu rọi của xã hội bên ngoài, với những điển hình kinh hãi như dưới một ống kính hiển vi. Chỉ vì tưởng lầm.

*

Tác giả thì không nhầm lẫn về bản chất chế độ. Ông là người đã di cư vào Nam thời Genève. Ông được huấn luyện bởi Cục Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, để tung ra Bắc hoạt động. Ông là một điệp viên, một trong những chiến sĩ của bóng tối, đã tìm ra tới Hà Nội, để thi hành những điệp vụ, cho đến nay vẫn còn được giữ bí mật.. Công tác vừa hoàn tất, thì ông bị bắt. Năm đó là năm 1962, thời mà miền Nam chúng ta vẫn còn mù mờ về thực trạng miền Bắc. Mười tám năm tù đã cho ông một kinh nghiệm hiếm có.

Ông đã sống, và đã thấy tận mắt với cái nhìn tỉ mỉ, những cảnh tượng, tưởng chỉ có thể xảy ra trong trí não một người bất bình thường. Một cuốn phim kinh dị được dựng lên bởi nhiều tên đạo diễn bịnh hoạn. Toàn thể chế độ Việt cộng, và trong đáy sâu của Hỏa Lò, đời sống lao tù Việt cộng, và kết quả những phát minh ghê khiếp nhất.

Nếu sự thực có vượt khỏi trí tưởng tượng của chúng ta, chỉ vì chúng ta đánh giá sai chế độ Cộng Sản, đánh giá sai cái bệnh quỷ quái của chúng.

Điều đáng nói ở đây, tác giả Đặng Chí Bình, bút hiệu hay bí danh điều đó thực không quan trọng, đã không đi vào một cuộc thi đua kinh tởm. Nghĩa là không phải nhớ lại, hay nặn ra những chi tiết ghê người nhất. Sự thật bình thường vốn đã đủ làm ta khiếp hãi…

Tác giả Đặng Chí Bình không phải là một nhà văn. Ông chưa khi nào cầm bút viết văn. Và, chính như ông tâm sự “Trước sau gì tôi cũng chỉ là một kẻ bất tài, thất bại, chẳng có gì đáng kể lại cho người khác”.

Ông chỉ bị thúc giục phải thực hiện một bản di chúc sống cho những người hiện vẫn kéo lê kiếp sống trong lao tù Việt cộng. Ông phải viết để nhắc nhở mọi người là dưới ánh mặt trời, vẫn còn một cõi mờ mịt u tối của chế độ Việt cộng phi nhân. Ông muốn thắp một ngọn nến nhỏ để soi vùng quỷ dữ, để vuốt mắt những người đã gục ngã vì đại nghĩa dân tộc, để vuốt ngực cho những người đang ứa máu bầm gan trong gông cùm Việt cộng.

Chính vì ông không muốn làm văn chương, mà chỉ viết theo ký ức được lần giở như tháo dần một cuộn chỉ từ đầu tới cuối, hồi ký của ông mới làm ta khiếp sợ. Tất cả ngôn ngữ ông dùng, lối nhìn lối nói, và cả cách đem chính mình ra hồn nhiên châm biếm. Tất cả bút pháp của ông đều phản ảnh một điều: Ông nghĩ sao, và nhớ thế nào thì viết ra như vậy. Có cái gì đó làm ta muốn run bắn lên trong cách ông thản nhiên kể lại câu chuyện.

Hơn hai mươi năm đã qua rồi. Ông bình thản lần giở cuộn chỉ của đời mình trong tù… Những tiếng rên xiết, tiếng người tra tấn người, tiếng xích lê trên sàn đá, và cả sự yên lặng cuồng nộ vẫn vang lên từng nhịp, theo giòng chỉ kéo dài từ những ngày tháng âm u của cõi chết.

Ông không làm văn chương, nhưng khi văn của ông mới làm ta rùng mình.

*

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất trong hồi ký vẫn chưa phải là những mô tả về vùng đất của quỷ. Điều làm ta sững sờ nhất cũng không phải là sự sống trong cõi chết âm u, mặc dù sức phấn đấu của con người vẫn làm ta bàng hoàng theo từng trang sách.

Điều đáng nói, và đây là sự kỳ diệu nhất của tập hồi ký, chính là sự trỗi dậy của tình người trong thế giới của loài thú.

Ngay trong Hỏa Lò, đêm đêm tù nhân vẫn biết là có ai đó kín đáo qua lại giúp đỡ họ. Nhiều khi chỉ là một câu hỏi thăm ngắn gọn, lạc giọng, hoặc một tiếng thở dài thông cảm. Hay một mẩu thuốc lào được luồn qua kẽ cửa, để giúp người tù cầm máu… Vào giờ đó, chỉ có quản giáo canh giữ Hỏa Lò mới được đi lại bên ngoài. Người đó là ai? Tù nhân không biết, chỉ biết là trong đám quản giáo, vẫn còn có người có được một chút nhân tính, và lặng lẽ làm cử chỉ của con người. Lặng lẽ thôi, nếu không, chính họ sẽ bị đổi vị trí, từ ngoài vào trong xà lim.

Việt cộng muốn biến con người thành loài thú. Nơi chúng có thể thành công nhất, chắc phải Hỏa Lò Hà Nội. Nhưng, cũng tại nơi đây, tác giả đã sống và đã thấy sự chiến thắng của loài người. “Cộng sản không thể nhuộm đỏ được hết tâm hồn loài người”. Ông kết luận như vậy.

Và ông đã nhìn ra rất đúng. Vì công tác của ông chỉ có thể hoàn tất, khi ở miền Bắc có những người vẫn tiếp tục chiến đấu, từ những năm 1960. Một vị linh mục, một người bác sĩ, một thiếu nữ áo nâu quần ka ki… Và biết bao nhiêu người anh hùng vô danh khác. Ngay cả những người nông dân hồn hậu, những nạn nhân hàng đầu của chế độ Việt cộng, họ sống chật vật trong cảnh tăm tối mà vẫn có những hành động chói sáng tình người…

Sự kiện Đặng Chí Bình đã trải qua tuổi thanh xuân trong một thế giới thú vật, và đã trở lại nguyên vẹn cùng chúng ta, với những mô tả tinh nghịch, những lời nói thành thật về những lầm lẫn của chính mình, với những phê phán rất bình thản và độ lượng về thói xấu của con người, sự kiện đó cũng chẳng là một điều kỳ diệu sao?….

Ông là người đã đội mồ sống dậy, và cái sống nhất trong tác phẩm của ông, chính là cái chất “người” mà nhiều khi ông đã sợ mất, nhiều khi ông đã thấy mất ở nơi khác…

Cũng vì vậy, Thép Đen là một tác phẩm lớn. Không chỉ ở nội dung, tình tiết, mà còn ở ý nghĩa rất nhân bản của tác giả. Xin cảm ơn Đặng Chí Bình, đã tranh đấu để tồn tại, để vượt thoát, và để ghi lại cho chúng ta sự thắng thế của loài người trên loài quỷ.

(Lời tựa của nhà xuất bản Đồng Tiến, năm 1987)



– Tâm Sự Người Viết –



Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới lại có một ngày ngồi viết câu chuyện của đời tôi. Từ bối cảnh của đất nước, do những xô đẩy của giòng đời, tôi đã nhận một nhiệm vụ nhỏ bé để xâm nhập vào đất địch, và tôi đã rơi vào tay kẻ thù. Như vậy, trước sau gì tôi cũng chỉ là một kẻ bất tài, thất bại, chẳng có gì đáng kể lại cho người khác. Hơn nữa, một số bạn bè thân quen còn ngăn cản tôi đừng viết.

“Anh hãy lo cho cuộc đời của anh trước đã, đời anh đã khổ nhiều rồi. Vả lại, dù anh có cặm cụi viết ra, tác phẩm của anh rồi cũng chung số phận như bao nhiêu tác phẩm khác, của những người đã đi tù về viết lại. Người ta thờ ơ, không thèm đọc. Trên xứ người, lớp trẻ còn phải lo học hành, lớp lớn phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày và lo cho tương lai, họ đâu còn quan tâm đến những chuyện đã qua của quê hương dân tộc. Anh nên đi tìm một công việc làm nào đó, là thực tế nhất.”

Nhìn vào thực tế, rồi nghĩ lại hoàn cảnh tỵ nạn của mình, tôi thừa nhận những lời khuyên của bạn bè là xác đáng, và tôi đã xông vào cuộc đời mưu sinh. Nhưng rồi nhiều đêm nằm khắc khoải, tâm sự trĩu nặng, vơi đầy với bao niềm quặn thắt vẫn thấp thỏm không yên về quê hương đất nước và đời sống, bao nỗi giằng co vò xé, gậm nhấm cõi lòng. Những tiếng kẻng của nhà tù Cộng Sản, đi theo gần hết cả cuộc đời, vẫn như ám ảnh, quấn chặt hồn tôi:

Thoảng nghe “phôn” réo bên tai,
Giật mình tưởng kẻng sớm mai nhà tù!

Hình ảnh những bộ xương vẫn còn di động trên chốn lao trường, những nấm mồ hoang lạnh giữa rừng sâu; dư âm những tiếng thở dài lê thê xen lẫn những tiếng rên xiết quằn quại trong đêm dài tăm tối… Và những cặp mắt khát khao nhắn nhủ ngày tôi chia tay, vẫn lảng vảng vấn vít trong hồn; tất cả như đang khẩn nài, gào thét, đòi hỏi tôi phải thực hiện “bản di chúc sống” của họ.

Tôi biết, dù mình sức hèn tài mọn, nhưng vẫn còn may mắn hơn biết bao các bạn bất hạnh còn lại trong tù. Cho nên, tôi tự cảm thấy mình đang khoác lấy một trách nhiệm, mang một bổn phận – nếu có thể được phép nói như vậy – để vuốt mắt cho những người đang uất hận, ứa máu bầm gan trong gông cùm xiềng xích của bè lũ cộng nô Hà Nội.

Tôi ước mong tập hồi ký nhỏ mọn này, sẽ là một ngọn nến nhỏ trong trăm ngàn ngọn nến to lớn khác, được thắp lên trong mờ mịt u tối của chế độ phi nhân Việt cộng. Nếu đốt được ngọn nến đó. Dù leo lét, tôi cũng cảm thấy vui sướng đã thể hiện được phần nào trách nhiệm của mình đối với “bản di chúc sống” kể trên.

Lời chót, tôi chỉ biết lần lượt tường thuật lại sự việc, như tháo dần một cuộn chỉ ra từ đầu đến cuối. Và, vì vấn đề an ninh cùa năm, bẩy người đặc biệt, nên tôi bắt buộc phải đổi tên và địa điểm sống ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Cũng từ ý thức tôn trọng sự thật, kính mong quý vị thông cảm và tha thứ.

Đặng Chí Bình

Tập I: chương 1…10



https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/01/17/thep-den-dang-chi-binh



https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/01/17/thep-den-dang-chi-binh

 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...