Sunday, April 28, 2019

QUÂN KHU 4 TRONG CHIẾN CUỘC NĂM 1972 (Phần 1)

QUÂN KHU 4 TRONG CHIẾN CUỘC NĂM 1972







nguyễn đức phương

(Tiếp theo Phần 1)

        2.1.2.3.  Lực lượng

        Báo cáo trong phiên họp ngày 26/6/1972 của Bộ Chính trị, Trung tướng Trần Văn Quang, nguyên là Tư lệnh quân khu 4 của quân đội CSBV lúc bấy giờ (trong tài liệu được Nga giải mật năm 1993); xác nhận trong cuộc TCK năm 1972, họ có 14 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn trừ bị, 6 trung đoàn biệt lập. Trong đó, 8 sư đoàn tham chiến tại miền Nam, được phân bố như sau[1] :

  • 2 sư đoàn và 2 trung đoàn BB biệt lập trong khu vực Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng.
  • 1 sư đoàn BB trên Tây Nguyên.
  • 1 sư đoàn và 2 trung đoàn BB biệt lập tại khu vực đồng bằng quân khu 5, giữa Quảng Ngãi, Nha Trang và Phú Yên.
  • 2 sư đoàn và 2 trung đoàn BB biệt lập trong khu vực phía bắc Sài Gòn, giữa Lộc Ninh và Tây Ninh.
  • 2 sư đoàn BB sau cùng hoạt động trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữa Gia Định ở phía bắc, Cà Mau tại phía nam và biên giới Việt Miên.

        Tài liệu thống kê của CS đưa ra những con số về công tác yểm trợ hậu cần đầu năm 1972, qua đó người ta có thể biết được lực lượng của quân CS tại mặt trận B2 lúc bấy giờ[2] :

"4 sư đoàn, 29 trung đoàn, 105 tiểu đoàn bộ binh, cộng 23 tiểu đoàn pháo, 27 tiểu đoàn đặc công và 2 tiểu đoàn thiết giáp với tổng quân số là 248 900 người (trong đó bộ đội chủ lực có 15 vạn, bộ đội địa phương có 3.67 vạn, dân quân du kích có 6.62 vạn)". 

        Các lực lượng CS có mặt tại lãnh thổ của quân khu 4 trong năm 1972 được trình bày trong Bảng 3 (xem Phụ Lục). Trong đó, cột đầu tiên (có thể là chi tiết do tình báo của quân đoàn IV/QLVNCH thu thập) nhận dạng các trung đoàn quân CSBV và VC cũng như địa bàn hoạt động của những đơn vị này vào đầu năm 1972, được Trung tướng Ngô Quang Trưởng ghi lại trong quyển sách của ông. Có tất cả 11 trung đoàn VC hiện diện tại đây vào đầu tháng 4/1972. Số trung đoàn của VC tăng lên 16 khi mùa hè đỏ lửa chấm dứt. Danh số và vị trí của những đơn vị này được ghi lại trong cột thứ nhì của Bảng 3.

        Ngoài những đơn vị trong cột 2, hai tài liệu của Mỹ cung cấp một số chi tiết khác. Tài liệu đầu tiên ghi nhận thêm ba trung đoàn VC là 215, 218, 275[3] bị phát giác tại Định Tường trong tháng 7/1972. Có thể đây là 3 trung đoàn của sư đoàn 5, xâm nhập vào tỉnh Định Tường sau trận Long Khốt. Tài liệu thứ nhì của một sĩ quan tình báo thuộc Cơ quan Tùy viên Quốc phòng (DAO), cho biết có 13 trung đoàn VC bị phát giác trong lãnh thổ của quân khu 4 vào cuối năm 1972. Chỉ danh của các trung đoàn này và vị trí bị phát giác được ghi trong cột 3.

        Cột sau cùng là tổng kết từ những tài liệu của CS, được xuất bản sau khi chiến tranh kết thúc. Tổng số trung đoàn trong cột này là 16, đúng như con số mà tình báo của QLVNCH nhận dạng được (cột 2) ! Tuy nhiên hầu hết danh hiệu đã bị thay đổi và việc thay đổi này được thành công chứng tỏ tình báo của QLVNCH và đồng minh đã gặp khó khăn trong công tác theo dõi và nhận dạng đối phương. Nói một cách khác là VC rất giỏi về kỹ thuật ngụy trang. Mặt khác, sự kiện này cũng cho thấy người lính QLVNCH rất thiện chiến, tình báo sai lầm nhưng họ vẫn thắng trong tác chiến. Ở đây, người ta có thể đặt câu hỏi là nếu tình báo của QLVNCH tốt hơn thì kết quả của cuộc chiến có khác đi không ? Nên nhớ rằng, QLVNCH đã đánh thắng hầu hết các trận đánh trong chiến tranh mặc dù Tôn Tử đã dạy[4] :

  • Biết địch và biết ta thì dẫu cho có trăm trận đánh không bao giờ ta bị thất bại.
  • Không biết địch mà chỉ biết có ta thì cơ hội thắng hay bại sẽ bằng nhau.
  • Không biết được cả địch lẫn ta thì chắc chắc mọi trận đánh đều bị hiểm nguy.

        Cũng cần nên phân biệt giữa những đơn vị thuộc chủ lực Miền và chủ lực của quân khu. Hầu hết các trung đoàn trong cột 4 của Bảng 2 là lực lượng chủ lực của hai quân khu 8 và 9. Chủ lực Miền được BTL Miền điều động trong khi chủ lực quân khu có thể là đơn vị thuộc chủ lực Miền được tăng phái cho quân khu hay do BTL quân khu trực tiếp chỉ huy. Thí dụ như sư đoàn 5 (gồm 3 trung đoàn 1, 2 và 3[5]) và đoàn C30b (gồm 3 trung đoàn 24, 207 và 271[6]) đều là lực lượng chủ lực Miền nhưng sư đoàn 5 được tăng phái cho quân khu 8 sau trận An Lộc với mục tiêu thọc sâu, phá thủng vòng đai bảo vệ QL-4 của QLVNCH. C30b là đơn vị cấp sư đoàn, được CS tổ chức tạm thời (chiến đoàn theo thuật ngữ của QLVNCH), có nhiệm vụ đánh nghi binh dọc theo QL-22[7]. Một sĩ quan cao cấp, lúc bấy giờ là đại tá phó chính ủy BTL Miền của VC cũng xác nhận nhiệm vụ của đơn vị này dọc theo QL-22[8]. Sau đó, hai trung đoàn được BTL quân khu 8 điều động đến Kampông Trach để bao vây căn cứ tại đây và đánh chiếm quận lỵ này sau khi QLVNCH lui binh. Trung đoàn còn lại xâm nhập vào Long An để lôi kéo QLVNCH đưa bớt lực lượng ra khỏi mặt trận An Lộc. Trong khi đó, sư đoàn 1 (gồm 3 trung đoàn 95C, 209 và 101C) trực thuộc thẳng Bộ TTL quân đội CSBV tại Hà Nội.

        Năm 1973, VC cho thành lập sư đoàn 3 trực thuộc BTL Miền, sư đoàn 4 thuộc quân khu 9 và sư đoàn 6 thuộc quân khu 7[9]. Tháng 10/1974, sư đoàn 8 được thành lập gồm 3 trung đoàn 24, 207 và 320[10]. Tình báo Mỹ lại cho rằng đây là sư đoàn 6. 

        Lưu ý là sư đoàn 5 chủ lực miền, lực lượng chủ lực của hai quân khu 8 và 9 đều có trung đoàn 1 nhưng ba trung đoàn này hoàn toàn khác nhau.

        Báo cáo của tình báo Mỹ một lần nữa xác nhận sự hiện diện của các trung đoàn quân CS tại quân khu 4 đồng thời cho thấy sai lầm trong việc nhận dạng các đơn vị này[11]. Bảng 4 gồm hai cột chính. Mỗi cột cũng gồm hai chi tiết là chỉ danh của mỗi trung đoàn và vị trí trung đoàn bị phát giác. Cột đầu tiên là trích ngang cột 4 của Bảng 3, từ tin tức tình báo của năm 1972 trong khi cột thứ nhì là tin tức cập nhật tình báo của năm 1975. Lưu ý là sư đoàn 1 và đơn vị C30b không còn nữa. Ngoại trừ cùng tên còn nếu khác tên thì không bắt buộc phải là đơn vị cũ đổi tên mà có thể là một đơn vị khác.

        Số trung đoàn BB gia tăng từ 16 trong năm 1972 lên 18 trong năm 1975, chưa kể trung đoàn 4 Pháo binh với quân số 800 tại Kiến Tường và đoàn 6 Pháo binh với quân số 400 (không rõ địa bàn hoạt động).

BẢNG 4 - CÁC TRUNG ĐOÀN CS HIỆN DIỆN TẠI QUÂN KHU 4

        2.1.2.4. Quân khu 8 VC         

        Trong khi chiến dịch Nguyễn Huệ (An Lộc, Bình Long) vẫn còn đang tiếp diễn thì BTL Miền với chỉ đạo của quân khu ủy Miền đặt ra chiến dịch tiến công tổng hợp cho hai quân khu 8 và 9. Riêng tại quân khu 8, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiến công tổng hợp quân khu 8 được thành lập. Thành phần gồm các sĩ quan của BTL quân khu 8 và cán bộ cao cấp của quân khu ủy khu 8 :

  • Trưởng ban: Hoàng Văn Thái (Mười Khang), Phó Bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh quân giải phóng miền Nam
  • Phó ban : Nguyễn Văn Mùi (Sáu Đường), Bí thư Khu ủy Khu 8
  • Các ủy viên gồm : Đồng Văn Cống (Chín Hồng), Ủy viên Quân ủy Miền, Phó Chính ủy quân giải phóng miền Nam; Lê Văn Tưởng (Hai Lê), Ủy viên Quân ủy Miền, Phó Chính ủy quân giải phóng miền Nam; Tư Việt Thắng, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 8; Lê Quốc Sản (Tám Phương), Thường vụ Khu ủy kiêm Tư lệnh Khu 8; Bảy Hiệp, Chuyên biên Ban nghiên cứu Thường vụ Trung ương Cục.

        Đồng thời, thường trực Ban Chỉ đạo cũng được thành lập, gồm : Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Mùi, Lê Văn Tưởng và Dương Cự Tẩm (Năm Thanh), Chính ủy Quân khu 8.

        Mục tiêu của chiến dịch là[13] (xem Sơ đồ 7) :

"Sử dụng một bộ phận chủ lực Miền bất ngờ thọc sâu chọc thủng tuyến ngăn chặn biên giới và phá vỡ tuyến ngăn chặn trung tâm Đồng Tháp Mười, bảo đảm hành lang vận chuyển từ sau ra trước, nhanh chóng thọc sâu xuống đường 4 cùng với lực lượng vũ trang quân khu diệt địch, cắt đường 4, dứt điểm quận lỵ, chi khu làm đòn xeo phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt, giải phóng phần lớn tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường và một phần tỉnh Kiến Phong, giành phần lớn nhân dân về ta trong vòng tháng 6 và tháng 7, sau đó phát triển mở vùng Gò Công, Bến Tre".

        Lực lượng tham dự chiến dịch, không kể các thành phần chính trị và địch vận, gồm có[14] :

  • Sư đoàn 5
  • Đoàn C30b
  • 3 trung đoàn chủ lực quân khu (1, 88 và 320)
  • Trung đoàn 28 pháo binh[15], 2 tiểu đoàn pháo binh biệt lập, 1 tiểu đoàn công binh, 3 tiểu đoàn đặc công
  • 7 tiểu đoàn của các tỉnh Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong và 1 đại đội của tỉnh Gò Công.

        Chiến dịch của quân khu 8 được chia ra làm ba đợt :

  1. Đợt 1 (10-20/6/1972): gồm hai hướng. Hướng chủ yếu do sư đoàn 5 và trung đoàn 271 phụ trách tấn công Long Khốt và khu vực Bình Thành Thôn, tỉnh Mộc Hóa, thọc sâu phá vỡ tuyến phòng thủ biên giới Việt-Miên. Hướng thứ yếu, sau trận Long Khốt, đoàn C30b để lại trung đoàn 207 đánh nghi binh trong vùng Thông Bình, Cá Vàng[16], vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường, cũng là đường xâm nhập 1A để tiến xuống kinh Dương Văn Dương (Kinh Cùng hay kinh Ông Lang) hợp đồng với hai trung đoàn 1 và 88 đang lẫn khuất tại đây để uy hiếp Ba Dừa, Cai Lậy, đe dọa QL-4. Hai trung đoàn 10 và 11 thuộc sư đoàn 7 BB cùng với ba liên đội 15, 73, 98 ĐPQ và hai chi đoàn TVX đã đẩy lui được các cuộc tấn công này. Hướng phối hợp Bến Tre và Kiến Phong, VC không tạo được kết quả nào đáng kể.
  2. Đợt 2 (3-31/7): hướng chủ yếu do năm trung đoàn 1, 3, 24, 88 và 320 phụ trách tấn công các đồn bót nam và bắc QL-4. Hướng thứ yếu do trung đoàn 271 và sư đoàn 5(-) hoạt động vùng Kampông Rồ (Kampong Rou) và Gò Bốc để chia cắt lực lượng. Hướng phối hợp là Kiến Hòa và Gò Công do trung đoàn Đồng Khởi mới thành lập, đánh phá bình định. Liên đội 74, 75 ĐPQ, chiến đoàn A ĐPQ của tỉnh Kiến Hòa, liên đoàn 41 BĐQ, trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 7 BB, trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 BB và thiết đoàn 6 đã giải tỏa hoàn toàn kinh Nguyễn Văn Tiếp.
  3. Đợt 3 (6/8-10/9): cũng giống như trong đợt hai, hướng chủ yếu do các trung đoàn 88, 320 và sư đoàn 5 (-) phụ trách, tấn công các đồn bót phía nam và bắc QL-4. Hướng thứ yếu do trung đoàn 2, 207 và 271 cùng với 3 tiểu đoàn Khmer đỏ hoạt động dọc theo QL-1 của Campuchia để chia cắt lực lượng. Hướng phối hợp là Kiến Hòa và Gò Công. Kiến Hòa do hai trung đoàn Đồng Tháp và Đồng Khởi phụ trách trong khi trung đoàn 24 đánh phá bình định tại Gò Công. ĐPQ và trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 BB đã đẩy lui các cuộc tấn công này.

        Như vậy trận Long Khốt nằm trong đợt 1 trong khi trận Kampông Trabek thuộc đợt 3 chiến dịch tổng hợp của quân khu 8 VC.

        2.1.2.5. Quân khu 9 VC

        Chiến dịch tổng hợp của quân khu 9 được chia thành 6 cao điểm, kéo dài từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8/1972. Tháng đầu tiên có 2 cao điểm, mỗi tháng còn lại có một cao điểm. Trong mỗi cao điểm còn chia thành hai hướng (trọng điểm). Trọng điểm 1 là vùng U Minh thuộc tỉnh An Xuyên và tỉnh Chương Thiện. Trọng điểm 2 là hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình[17].

  1. Cao điểm 1 (7-13/4/1972): trên hướng chủ yếu, trung đoàn 2 tấn công chi khu Ngan Dừa, tỉnh Bạc Liêu nhưng bị trung đoàn 16 sư đoàn 9 và trung đoàn 31 sư đoàn 21 BB đẩy lui. Trung đoàn 1 phối hợp với bộ đội địa phương và du kích đánh các đồn bót tại Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện. Trung đoàn 15, sư đoàn 9 trực thăng vận xuống dẹp tan mũi tấn công này. Trung đoàn 10 bị trung đoàn 33 sư đoàn 21 BB đẩy lui khi tấn công hai căn cứ Bà Thày và Nổng Cạn trong tỉnh Kiên Giang. Trung đoàn 20 đụng độ với trung đoàn 16, sư đoàn 9 BB tại An Biên, tỉnh Kiên Giang. Tại trọng điểm 2, trung đoàn 3 tập kích yếu khu Thày Phó, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Bình. QLVNCH sử dụng 4 tiểu đoàn ĐPQ phản công. VC rút lui.
  2. Cao điểm 2 (20-30/4): trung đoàn 1 đánh các đồn tại Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện. Trung đoàn 2 tấn công các đồn tại Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trung đoàn 20 tấn công căn cứ Bình Minh, tỉnh Vĩnh Bình. Hai tiểu đoàn đặc công của trung đoàn 10 đụng độ với trung đoàn 16, sư đoàn 9 tại An Biên, tỉnh Kiên Giang.
  3. Cao điểm 3 (8-30/5): trung đoàn 10 tấn công chi khu Vĩnh Thuận không thành công phải rút lui. Trung đoàn 1 hoạt động phá rối các đồn bót tại Chương Thiện. Trung đoàn 20 đánh đồn bót tại Rạch Giá. Không đạt được kết quả khả quan, quân khu 9 rút các đơn vị về hoạt động chung quanh vùng U Minh cho đến khi chấm dứt cao điểm.
  4. Cao điểm 4 (9-30/6): trung đoàn 10 tấn công chi khu Thới Bình, tỉnh An Xuyên nhưng không đánh được do hệ thống phòng thủ kiên cố. Trung đoàn 2 cũng không dứt điểm được chi khu Phước Long, tỉnh Bạc Liêu do viện binh đến đúng lúc. Trung đoàn 1 ém quân tại phía tây Ngã Năm, tỉnh Ba Xuyên định đánh vị trí này thì bị trúng bom B-52 nên phải rút chạy. Trung đoàn 20 hoạt động tại Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nhưng không có kết quả.
  5. Cao điểm 5 (8-30/7): trung đoàn trưởng trung đoàn 10 không nắm vững tình hình khiến trận tập kích chi khu Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang bị thất bại. Trung đoàn 1 phối hợp hoạt động trong vùng nhưng bị trung đoàn 16, sư đoàn 9 BB cản trở. Phi cơ đến yểm trợ dội bom trúng đội hình trung đoàn. Trung đoàn 2 hoạt động tại xã Vĩnh Tuy, quận Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trung đoàn 20 đụng độ với trung đoàn 14, sư đoàn 9 BB tại Hỏa Lựu, tỉnh Chương Thiện. VC không đạt được kết quả quan trọng nào trong cao điểm này.
  6. Cao điểm 6 (11-30/8): trung đoàn 10 tấn công căn cứ Rạng Đông và chi khu Hiếu Lễ, tỉnh Kiên Giang để thông hành lang U Minh Thượng - U Minh Hạ nhưng bị đẩy lui. Trung đoàn 2 đánh các đồn bót dọc theo mé rừng U Minh Thượng do trung đoàn 16, sư đoàn 9 BB di chuyển hành quân. Trung đoàn 20 hoạt động tại Thúy Liễu, quận Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trung đoàn 3 hoạt động tại hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình không báo cáo kết quả nào quan trọng.

        Quân khu 9 kết thúc chiến dịch tổng hợp ngày 25/9/1972. Trận đánh chiếm nhà máy xi-măng Hà Tiên tại Kiên Lương nằm trong đợt 3 nhưng không được chính sử CS ghi nhận. Có hai lý do để giải thích cho sự thiếu sót này. Đầu tiên là một trận đánh nhỏ lại bị thất bại nên dĩ nhiên không nên ghi lại. Lý do thứ nhì là sư đoàn 1 là một đại đơn vị do Bộ TTL quân đội CSBV chỉ huy trực tiếp chứ không thống thuộc các quân khu 8 hay 9. Đây là sư đoàn yếu kém nhất và cũng không đạt được thành tích đáng kể nào trong chiến tranh. Tài liệu của CS sau chiến tranh gần như không nhắc lại sự hiện hữu của sư đoàn này. Một bài phóng sự gần đây về tìm mộ liệt sĩ xác nhận khu vực Tà Keo, Kampốt, Kampông Speu và Koh Kong là vị trí đóng quân cũ của các trung đoàn 26, 40, 41, 101 và sư đoàn 1 CSBV trong những năm 1970-1973 và là nơi quân đội CSBV bị thiệt mạng nhiều nhất[18].

        2.1.2.6. Chiến dịch tiến công tổng hợp

        Tất cả các hoạt động chiến tranh trong lãnh thổ quân khu 4 của VNCH cũng như trên khu vực biên giới Việt-Miên trong năm 1972 bao gồm trong chiến dịch tiến công tổng hợp của VC.

        Nghệ thuật chiến dịch của quân đội CSBV gồm có ba loại hình chính là [19] :

  • NTCD tiến công để tiêu diệt địch và mở rộng căn cứ hậu phương. Hầu hết các trận đánh của VC tại quân khu 4 trong năm 1972 đều có tính cách của NTCD tiến công. Tuy nhiên một NTCD mới hơn được hình thành là NTCD tiến công tổng hợp trong đó hình thức tiến công vẫn là phần chủ yếu.
  • NTCD phản công để tiêu diệt địch và bảo vệ căn cứ, cơ quan, kho tàng. Phản ứng của VC trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 là một thí dụ điển hình của NTCD phản công.
  • NTCD tác chiến phòng ngự[20] để bảo vệ những địa bàn chiến lược quan trọng, làm tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều địch, làm suy yếu khả năng tiến công của đối phương, tạo điều kiện để chuyển sang tiến công hoặc phản công. Thí dụ rõ nét nhất của tác chiến phòng ngự là bố trí của VC dọc theo sông Thạch Hãn, kéo dài từ phía đông Trường Sơn ra đến tận Cửa Việt để sau cùng đưa đến trận phản kích tại đây năm 1973. Trong năm 1972, quân đội hoàng gia Lào và Thái Lan tổ chức hành quân tái chiếm cánh đồng Chum. VC và quân tả phái Lào sử dụng NTCD phòng ngự từ tháng 5 đến giữa tháng 11/1972 để giữ vững địa bàn chiến lược này.

        Để đối phó với kế hoạch VNHCT của Mỹ, một loại hình NTCD mới được VC phát triển để áp dụng tại lãnh thổ quân khu 4 của VNCH, đó là chiến dịch tiến công tổng hợp[21]. NTCD này đã được một sĩ quan cao cấp của CS phân tích[22] :

"Trên chiến trường miền Nam nước ta, nhất là chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, ta phải vận dụng ngày càng phổ biến chiến dịch tiến công tổng hợp để phá kế hoạch "bình định nông thôn" của địch. Nếu việc kết hợp tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công là thế mạnh đặc biệt của chiến trường đồng bằng thì chiến dịch tiến công tổng hợp là một phương thức có hiệu lực để tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ của nhân dân, có thể phát huy hiệu quả cao nhất của chiến dịch để thực hiện thắng lợi yêu cầu và nhiệm vụ chiến lược thường xuyên là chống phá "bình định" của địch, tiến lên đánh thắng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam". 

        Quân đội Liên hiệp Pháp đã đối diện với hình thái chiến tranh tương tự. Tướng Salan trong hai năm 1952-1953 đã cho thiết lập các đoàn Quân thứ Lưu động (Groupements Administra-tifs Mobiles Opérationnels hay GAMO) và các tiểu đoàn khinh quân (TDKQ) để thử nghiệm chống lại NTCD tiến công tổng hợp này của Việt Minh tại đồng bằng Bắc Kỳ. Pháp cho là đúng nhưng thi hành quá muộn[23]. Trên thực tế, thất bại chỉ vì quân đội Pháp không biết được NTCD mà thôi. Chưa kể đến yếu tố thiếu chính nghĩa vì chiến tranh thuộc địa và những bất đồng chính kiến giữa Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt và Thủ tướng Nguyễn Phan Long.

        Hầu hết các trận đánh quân đội Lon-Nol và QLVNCH của VC trên đất Miên đều là NTCD phản công. VC đánh trả cuộc hành quân Angkor Chey trong hai tuần đầu của tháng 8/1972 là một thí dụ của NTCD phản công. Tuy nhiên trận Kampông Trach được xếp vào chiến dịch tiến công tổng hợp mà không là phản công vì một trong những nguyên tắc của NTCD tiến công là cấp chỉ huy chiến dịch phải vận dụng sáng tạo cách đánh trong chiến dịch. Hiểu theo thuật ngữ của quân đội CSBV là bao vây, chia cắt vì bao vây, chia cắt về chiến dịch giữ vai trò đặc biệt quan trọng[24]. Sự thụ động của QLVNCH tại đây đã khiến chiến đoàn bị rơi hoàn toàn vào thế chiến dịch của đối phương.

        Như vậy NTCD ảnh hưởng như thế nào đến chiến cuộc tại quân khu 4 của VNCH trong năm 1972 ?

        Đọc đến đây, người đọc có thể cho rằng biết hay không biết NTCD của đối phương có lẽ không cần thiết. QLVNCH vẫn phản ứng như đã làm. VC đánh phá bình định thì QLVNCH sẽ đưa quân đến tảo thanh, càn quét. Vấn đề không đơn giản như vậy nếu nghiên cứu từng cấp độ của nghệ thuật quân sự. Đúng ra thì Bộ TTM và các BTL quân đoàn phải nghiên cứu và thực hành NTCD để có thể đối phó một cách hữu hiệu với đối phương. Không làm được như vậy thì không bao giờ quân đội ở thế tiên phong, chỉ phản ứng thụ động, hành quân sẽ không đánh trúng trọng tâm, kết quả chiến tranh sẽ kéo dài, không có đoạn kết (xem tiểu mục về NTCD ở phần sau). Hậu quả sẽ trầm trọng hơn trong hai năm 1974-1975 khi VC thành lập cấp quân đoàn[25] với mục đích đánh tiêu diệt những đại đơn vị. QLVNCH vẫn không sẵn sàng lực lượng để đối phó, nhất là ở trong tình trạng yếu kém về hỏa lực yểm trợ của không quân và thiếu thốn về quân dụng, nhiên liệu sau hiệp định Paris, khi Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam VN. Chủ trương "4 Không"[26] của Tổng thống Thiệu rõ ràng là một sai lầm NTCD & chiến lược. Một số sĩ quan cao cấp nước ngoài làm cố vấn cho chính phủ VNCH đã khuyên ông bỏ đất và lui binh chiến thuật nhưng không được ông chấp thuận cho đến khi quá muộn.

        2.2. Những trận đánh       

        2.2.1. Căn cứ Kampông Trach[27], tỉnh Kampốt, Cộng Hòa Khmer

        Kampốt[28] là một tỉnh tọa lạc phía tây-nam của nước Cao Miên (Kampuchia). Tỉnh lỵ là Kampốt nằm dưới chân dãy núi Tượng và gần trung tâm nghỉ dưỡng trên đồi Bokor, được người Pháp thiết lập trong thập niên 20 của thế kỷ trước. Từ tỉnh lỵ Kampốt, du khách chỉ đi khoảng 37 km là lên đến đĩnh đồi, tuy nhiên khoảng đường nhựa này lại là khoảng đường xấu nhất của xứ Chùa Tháp vì đã bị bỏ hoang phế từ lâu. Trên đĩnh đồi có một nhà thờ công giáo và một khách sạn cũ của người Pháp có tên là Bokor Palace cùng với một số nhà cửa đã bị đỗ nát từ thập niên 40 của thế kỷ 20 do chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh. Vị trí lại bị hoang tàn lần thứ nhì từ năm 1972 khi Khmer đỏ ngự trị vùng này. Năm 1979, quân đội CSVN tấn công Khmer đỏ và chiếm giữ Bokor. Dấu vết doanh trại của Khmer đỏ lẫn của quân đội CSVN vẫn còn quan sát được trên đồi. Năm 1994, Khmer đỏ còn lẩn khuất trong vùng đã phục kích một chuyến xe lửa chạy ngang Kampông Trach đi Kampông Som và thảm sát nhiều hành khách là dân bản địa và bắt giữ ba du khách người nước ngoài rồi sau đó thủ tiêu họ. An ninh chỉ trở lại năm 1998, khá lâu sau khi Khmer đỏ đã bị tiêu diệt (xem Sơ đồ 8-9 và Hình 13-19).

        Điều kiện thổ nhưỡng giàu khoáng chất sắt và magnésium khiến quận Kampông Trach của tỉnh Kampốt nổi tiếng về trồng tiêu[29] (xem Hình 20-22). Tỉnh còn là nơi duy nhất có ruộng muối của Miên. Mùa thu hoạch mỗi năm từ tháng 10 đến tháng 4. Hiện tại sản lượng mỗi năm là 80 000 tấn.

        Hiện tại, tỉnh Kampốt có 8 quận (Angkor Chey, Banteay Meas, Chhuk, Chum Kiri, Dang Tong, Kampông Trach, Kampốt, Teouk Chhou); 92 làng và 477 xã. Dân số gồm 585 110 người theo thống kê năm 2000. Bảng 5 ghi khoảng cách giữa các quận của tỉnh Kampốt [30].

 BẢNG 5 : KHOẢNG CÁCH TỪ TỈNH LỴ ĐẾN CÁC QUẬN CỦA TỈNH KAMPÔT

QUẬN

KHOANG CÁCH [km]

 

Angkor Chey

70

Banteay Meas

52

Chhuk

42

Chum Kiri

54

Dang Tong

51

Kampông Trach

35

Teouk Chhou

6

Kampôt

0

 

        Tỉnh Kampốt nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mỗi năm có 2 mùa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ba tháng nóng nhất trong năm là 3-5. Nhiệt độ nóng nhất (28.5°C) trong tháng 4. Mát nhất (26°C) trong tháng chạp và tháng giêng. Mưa nhiều nhất trong hai tháng 7 và 8. Mưa ít nhất trong tháng chạp, tháng giêng và tháng 2. Mỗi năm trung bình có 103 ngày mưa. Vũ lượng trung bình hàng năm là 1976 mm. Ẩm độ trung bình hàng năm là 79%.

        Cảnh quan nổi bật của thị trấn Kampông Trach là dãy núi đá vôi cùng với những chùa chiền chung quanh. Quận nằm trên giao tuyến giữa hai quốc lộ 16 và 17 của CPC. Từ Kampông Trach theo QL-16 đi về phía tây sẽ đến Kep[31], một bãi biển nổi tiếng đẹp và hải cảng Kampông Som (Sihanoukville), hải cảng quan trọng nhất của xứ chùa tháp[32]. Nếu đi ngược lên phía đông-bắc sẽ gặp thị trấn Tà Keo (Takeo). Nếu rẽ sang phía đông sẽ đến quận Vĩnh Gia thuộc tỉnh Kiên Giang của VN. Trở về phía nam là biên giới Việt - Miên và có thể đi về Hà Tiên, Rạch Giá (xem Sơ đồ 10-12).

        Quân khu 4 của VNCH có cùng biên giới với hai quân khu 1 & 2 của Cộng hòa Miên. Quân khu 1 của Cộng hòa Miên bao gồm 4 tỉnh là Kampông Chàm, Prey Veng, Xoài Riêng và Kan Dal; quân khu 2 bao gồm 5 tỉnh là Kampông Speu, Kampôt, Takeo, Kampông Som và Koh Kông. Trong khi đó, Khmer đỏ cũng phân chia lãnh thổ Miên thành các quân khu. Ba quân khu có liên quan đến sự can thiệp của QLVNCH trong giai đoạn này là quân khu 405, 607 và 203. Quân khu 405 gồm hai tỉnh Tà Keo và Kampốt. Tỉnh Tà Keo được gọi là vùng 13 trong khi tỉnh Kampốt là vùng 35. Mỗi quận cũng được đánh số thay vì dùng tên, thí dụ quận Kampông Trách mang số 77, quận Túc Mía là 78. Quân khu 607 bao gồm tỉnh Kandal (vùng 25[33]) kể cả Nam Vang và vùng phụ cận. Quân khu 203 gồm hai tỉnh Prey Veng và Xoài Riêng. Tỉnh Xoài Riêng là vùng 23 trong khi tỉnh Prey Veng là vùng 24[34]. Năm 1972 cũng là năm đánh dấu thời điểm Khmer đỏ bắt đầu loại trừ những cán bộ CS Miên tập kết từ miền Bắc VN trở về. Các sĩ quan KBTG của QLVNCH không tìm thấy VC nhưng chỉ thỉnh thoảng thấy Khmer đỏ chung quanh Kampông Trach vì đây là thời điểm mà các đơn vị VC phải tách rời hoàn toàn khỏi lực lượng Khmer đỏ[35]. Trong khi đó, người ta vẫn còn thấy Khmer đỏ và cán binh VC cùng đánh với FANK hay QLVNCH dọc theo QL-1 của Miên. Kampông Trach thuộc quân khu 405 trong khi Kampông Trabek thuộc quân khu 203 của Khmer đỏ và chính sách loại trừ ảnh hưởng duồn (VN) ra khỏi lực lượng Khmer đỏ chưa áp dụng đồng bộ ngay tức thời. Cũng trong khoảng thời gian này, Khmer đỏ trong hai khu vực đông và tây sông Cửu Long (vùng 25 nằm trong khu vực phía tây) bắt đầu xung đột nhau mặc dù cùng chung trách nhiệm đánh phá QL-1 của Cộng hòa Khmer. Lực lượng Khmer đỏ này gồm hai trung đoàn của khu vực phía đông phối hợp với trung đoàn 267 của vùng 25[36].

        Từ năm 1971, thiết đoàn 12[37] KB hành quân lục soát dọc theo biên giới từ Ton Hon (đối diện Giang Thành của VN) đến Hà Tiên. Mục đích để ngăn chận VC xâm nhập vào theo hướng tây-nam của quân khu 4, đồng thời yểm trợ cho Quân đội Quốc gia Miên (FANK) giữ an ninh khu vực từ tỉnh lỵ Kampôt đến Tà Keo. Thiết giáp hoạt động đơn phương, không có bộ binh tùng thiết. Đôi khi hành quân chung với quân đội Miên của tỉnh này.

        Các chi đoàn thuộc thiết đoàn 12 được phân bố như sau :

  • Chi đoàn 1/12 TK đóng tại Pong Tuk cùng với một tiểu đoàn Miên (TĐT là Thiếu tá Kim Sol nguyên là một thượng sĩ LLĐB/QLVNCH) thuộc lữ đoàn 27 (LĐT là Đại tá Ieng Seang, một sĩ quan đã tốt nghiệp Trường Võ bị Saint Cyr của Pháp) và hành quân theo yêu cầu của Chuẩn tướng Ung Nhot, Tỉnh trưởng tỉnh Kampôt. Chi đoàn 1/12 thường mở đường và giữ an ninh trục lộ từ Kampôt đến Túc Mía cho các đoàn xe tiếp tế cho tỉnh lỵ Kampôt.
  • Thiết đoàn 12 TK (-) gồm hai chi đoàn 2/12 và 3/12 được tăng phái một đại đội công binh, một trung đội pháo binh 105 ly và khoảng hai đại đội thuộc tiểu đoàn 66 BĐQ đóng tại căn cứ Kampông Trach, nằm trên đường từ Hà Tiên đi Kampông Trach.

        Khoảng giữa tháng 3/1972, liên đoàn 42 CT/BĐQ gồm ba tiểu đoàn 66, 93 và 94 do Trung tá Trần Kim Đại làm LĐT, được tăng phái chi đoàn 2/12 TK đang hành quân tại phía bắc Kampong Trach thì tiểu đoàn 94 BĐQ bất ngờ đụng độ với một đơn vị chính quy của VC tại một địa điểm nằm cách Kampông Trach 6 cây số về hướng bắc, cách Túc Mía khoảng 1 cây số về hướng nam. Theo lời kể lại của Trung tá Đại thì thiệt hại cả hai bên đều không đáng kể. CĐT chi đoàn 2/12 TK liền báo cáo ngay về Trung tá ThĐT thiết đoàn 12 tại Kampông Trach. Trung tá Đại cũng báo cáo về BTL Tiền phương của BK 44 tại Thất Sơn. Vì khoảng một thời gian dài không có dấu vết của quân CSBV, thỉnh thoảng mới có một vài hoạt động của Khmer đỏ. Sự kiện này cho thấy một biến cố quan trọng có thể sắp xảy ra.

        Cũng đồng lúc này thì ThĐT thiết đoàn 12 được lệnh dẫn chi đoàn 3/12 TK trở về VN. Chi đoàn 1/12 TK phải rời vị trí đóng quân tại Pong Tuk, trở về Kampông Trach để bảo vệ BCH/HQ. Căn cứ Kampông Trach được phòng thủ ba mặt bắc, đông và nam. Hướng tây tiếp giáp với quận lỵ của Miên (xem Hình 23-24).

        Chi đoàn 1/12 vừa thiết lập xong hệ thống phòng thủ thì ngay trong đêm, 4 tiểu đoàn VC tấn công căn cứ với chiến thuật tiền pháo hậu xung từ hai hướng bắc và đông-bắc. Vị trí pháo binh bị địch quân tràn ngập nên Thiếu tá Lâm, CĐT chi đoàn 1/12 kiêm luôn chức vụ chỉ huy phòng thủ quyết định cho TVX bắn phá hủy hai khẩu đại bác 105 ly. Ông không liên lạc được với BCH/HQ cũng như các đơn vị bạn trong căn cứ. Ông có điện về BTL lữ đoàn 4 KB tại Hà Tiên nhưng không nhận được quyết định nào của Đại tá Vũ Quốc Gia, Tư lệnh lữ đoàn. Trận đánh kéo dài đến khoảng 4 giờ sáng thì phi cơ từ hạm đội Mỹ bay vào yểm trợ. Khoảng một giờ sau thì VC rút lui. Có 4 TVX bị bắn cháy và một số binh sĩ của chi đoàn 1/12 bị thương vong. Các đơn vị khác hoàn toàn vô sự vì đã kịp thời di tản vào trại lính Miên đóng ở kế cận.

        Sáng cùng ngày, ThĐT thiết đoàn 12 từ Cần Thơ trở lên căn cứ và ra lệnh cho chi đoàn 1/12 đưa một chi đội gồm 5 TVX/M-113 do Thiếu úy Đức làm chi đội trưởng, yểm trợ toán phát lương ra Ton Hon để đón BCH nhẹ và phát lương cho phần còn lại của tiểu đoàn 66 BĐQ đang đóng tại đây. Trên đường trở về, chi đội bị địch phục kích tại Phum Tuol Thnong. Chi đội trưởng vội ra lệnh cho chi đội rời lộ, băng đồng về căn cứ. Nhưng không ngờ khi di chuyển ngang qua một ngôi làng của Miên thì bị cả tiểu đoàn VC phục sẵn đổ ra tấn công tới tấp. Phi cơ Mỹ từ ngoài biển bay vào yểm trợ nhưng không hữu hiệu do hai bên đã trộn lẫn nhau. Cuối cùng chỉ có một TVX của chi đội trưởng thoát khỏi vòng phục kích. Chi đoàn 1/12 mất thêm 4 TVX và 12 quân nhân bị tử thương. Thiệt hại của địch không kiểm chứng được.

        Khoảng 11 giờ trưa ngày 23/3, Trung tướng Trưởng dùng trực thăng bay đến căn cứ để thị sát chiến trường. Ông trực tiếp hỏi Thiếu tá Lâm, người đã chỉ huy cuộc phản công khuya ngày hôm trước (Trung tướng Trưởng đã biết ông Lâm khi hai người cùng phục vụ ngoài vùng giới tuyến khoảng 1968-69). Sau khi nghe thuyết trình chi tiết về trận đánh, Trung tướng Trưởng có hỏi vì sao biết được địch quân sử dụng hỏa tiển 122 ly và pháo 130 ly thì được Thiếu tá Lâm trình bày là trong căn cứ còn một trái đạn 130 ly chưa nổ và những đuôi của hỏa tiển 122 ly. Trung tướng Trưởng nhận xét tình hình nghiêm trọng nên hứa cho tăng viện cũng như sẽ gửi thay thế ngay 8 xe TVX đã bị thiệt hại[38].

        Ngày hôm sau, Đại tá Phạm Duy Tất, CHT/BĐQ quân khu 4, Đại tá Nguyễn Văn Của, Tư lệnh phó lữ đoàn 4 KB, Trung tá Trần Kim Đại, Liên đoàn trưởng liên đoàn 42 CT/BĐQ, tiểu đoàn 94 BĐQ cùng với 8 TVX/M-113 và đồ tiếp tế đến tăng cường cho căn cứ Kampông Trach. Một BCH/HQ được thành lập tại căn cứ. CHT là Đại tá Tất, CHP là Đại tá Của. Trong khi đó, BTL Tiền phương quân đoàn IV đặt tại Tô Châu, Hà Tiên. Pháo binh đóng tại Thạch Động, Hà Tiên.

        3 giờ chiều ngày 24/3, chi đoàn 1/16[39] TK do Đại úy Nguyễn Văn Răng làm chi đoàn trưởng cùng với tiểu đoàn 93 BĐQ được lệnh từ Thất Sơn, Châu Đốc đến tăng viện[40]. Tiểu đoàn 94 BĐQ được bố trí lên đóng tại phía bắc Kampông Trach. TĐT tiểu đoàn 94 BĐQ là Thiếu tá Ngọc; Đại úy Lâm, TĐP bị tử trận trong khi lui binh.

        Sáng ngày hôm sau, Trung tướng Trưởng lại dùng trực thăng lên thăm căn cứ. Chuyến viếng thăm đã được CĐT chi đoàn 1/16 kể lại[41] :

“Khoảng 10 giờ, Trực thăng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trên đường từ Hà Tiên đến báo sẽ đáp xuống thăm. BCH/HQ  vội vã cùng ban tham mưu sắp hàng chờ đón. Chi đoàn 1/16 TK trên vị trí phòng thủ bảo vệ BCH trong đêm nên mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi cho một M.113 hạ cầu dốc dự liệu bị pháo kích để Trung tướng Trưởng vào trú.

Tôi ra lệnh cho anh mang máy truyền tin thả trái khói màu xong thì theo sát bên tôi. Trực thăng vừa lượn ngang thì VC tập trung pháo kích, Tướng Trưỏng vẫn cho trực thăng đáp xuống. Tôi chạy đến đón ông và ông đã kéo tay tôi đi một vòng xem vòng đai bố trí phòng thủ, trong khi toàn bộ tham mưu hành quân chạy tán loạn vào hầm trú pháo kích. Khi qua một vòng, ông quay trở qua cửa BCH/HQ nói gì đó với Đại tá Tất mấy câu xong kéo máy truyền tin PRC-25 của người hiệu thính viên mang theo tôi, gọi trực thăng trở lại đón ông. Trực thăng vừa đáp xuống lại bị một loạt đạn pháo kích tung bụi mù chung quanh trực thăng. Ông đập mạnh vào vai tôi khi tôi đang đứng thế nghiêm chào và quay sang bước lên trực thăng bên những tiếng nổ của đạn pháo kích bao quanh. Nét khắc khổ của Tướng Trưởng giờ vẫn ăn sâu vào trí não của tôi. Ông không nói lời nào, chỉ biểu lộ cử chỉ. Khi hướng dẫn ông đi quanh bên trong vòng đai, thỉnh thoảng ông dừng lại khoảnh khắc, rồi đi tìếp cho đên khi lên lại trực thăng, không tỏ vẻ gì nóng giận, nhưng không giấu được nỗi buồn lắng sâu trong ông khi trực thăng  đáp xuống mà toàn ban tham mưu  đang đón ông, nghe pháo kích chạy cả vào trong hầm trú ẩn. Tôi còn mặc chiếc áo giáp đở đạn, còn ông thì chỉ bộ treilli cùng với chiếc nón sắt và vẫn đứng thẳng người, bước xuống trực thăng, kéo tay tôi cùng đi với ông trong khi những tiếng nổ chát chúa của đạn pháo chung quanh. Nỗi buồn đó đã khiến ông không vào để nghe thuyết trình mà chỉ hỏi vài câu rồi quay ra tự gọi trực thăng đáp xuống để rời căn cứ”.

        CĐT chi đoàn 1/16 viết tiếp những gì xảy ra sau đó (xem Hình 25-28):

"Chiều lại chi đoàn tôi và 1/12 TK được lệnh tấn công đám VC đứng lãng vãng tại phía đông căn cứ. VC thấy chúng tôi nai nịch lên xe và nổ máy thì chúng bắt đầu nã pháo đủ loại vào đơn vị. Chúng tôi đánh mạnh và thằng vào tuyến hướng đông. Hai khẩu 106  không giật của chi đoàn đã đánh sập một góc hầm và ủi tung một căn nhà trú ẩn của chúng, bắt được hai tên VC, chúng khai đúng là Công trường 1 di chuyển vào khu này hai tuần nay, thu được một súng K-54.

… Đây có lẽ là một bộ phận truyền tin nên trong tài liệu ghi gửi đi đâu đó (mã số) đại khái là đơn vị đã vào đúng vị trí, nhiều thành quả, sẽ giữ chặc chúng. 

Nhiều người xem qua nhưng có lẽ không mấy ai tin vào tài liệu này …

Ngày hôm sau chi đoàn 3/12 TK do Đại úy Nguyễn Ngọc Xưng, chi đoàn trưởng từ Cần Thơ đến nhập cùng thiết đoàn 12 KB.

Sáng ngày thứ năm, chi đoàn 3/12 TK nhận được lệnh lục soát ngoài vòng đai phòng thủ về phía đông thị trấn Kompông Trach. Chi đoàn 1/16 hành quân về phía tây thị trấn. Cả hai cùng lúc đụng độ nặng với các đơn vị không dưới một trung đoàn quân CSBV.

Chỉ 15 phút sau, chi đoàn 3/12 TK báo cáo có 5 TVX/M.113 bị bắn cháy[42]. Chi đoàn 1/16 TK chúng tôi vừa qua khỏi chợ Kompông Trach thì thấy dân chúng Miên lũ lượt từ bên trong chạy ra và báo cho biết VC rất đông trong ấy. Tôi biết chắc là sẽ đụng lớn với bọn nó, nên cho chi đoàn qua khỏi khu dân cư và bắt đầu vượt ngang đường sắt từ hải cảng Kompông Som qua và ra lệnh ngay cho chi đội yểm trợ 5 chiếc với 3 khẩu súng cối 81 ly và 2 khẩu đại bác không giật 106 ly bố trí lại phía sau kềm giữ hai bên đường sắt không cho chúng đánh vận động tập kích và khóa mặt hậu, vì đường sắt rất cao ngang cả thành xe. Vào sâu thêm trên 100 m nữa tôi cho khẩu phóng lựu đạn tự động Mark 19 có thể phóng ra từng dây 50 viên đạn M.79 bố trí giữa khoảng đất tương đối trống trải để có thể bắn rải yểm trợ bốn mặt. Chi đoàn tiến sâu vào khoảng 300 m nữa và khi còn cách bìa rừng chồi không hơn 100 m thì cho BĐQ tùng thiết đổ xuống. Chỉ mấy phút sau, VC từ ba phía tràn ra dùng vận động đánh cả ba mặt. Các chi đội tha hồ bắn. Tôi cho lệnh BĐQ trở lại xe. Nhờ khẩu Mark-19 bắn chặn và quật ngã hầu hết các đơn vị VC bọc hậu, xác địch nằm chết tràn lan giữa cánh đồng trống trải chỉ cách ngọn núi hơn 300 m đã làm chúng khựng lại ý định tiêu diệt chi đoàn 1/16 chúng tôi. Sơn pháo từ trên núi bắn xuống, pháo chúng dồn dập xuống đầu chi đoàn, sau nửa giờ giao chiến với địch, quân số gấp mấy lần và không được yểm trợ, tôi mới đưa chi đoàn ra khỏi trận địa và cũng không thể nào tiến sát hơn để thu chiến lợi phẩm được.

Sáng ngày thứ sáu, BCH thiết đoàn 16 KB do Trung Tá Huỳnh Kiêm Mậu cùng chi đoàn 2/16 TK do Trung úy Nhan Văn Mụ, Chi đoàn trưởng di chuyển từ QL-4 ở miền Tây đến tăng cường và chi đoàn 2/12 TK sau đó cũng đến”.

        Tình hình tạm lắng dịu. VC chỉ pháo kích một cách lẻ tẻ. Các đoàn xe tiếp tế vẫn có thể từ Hà Tiên lên xuống căn cứ Kampông Trach an toàn trong những ngày kế tiếp và khoảng thời gian sau đó. Căn cứ cho tái phối trí lực lượng. Chi đoàn 2/12 từ Túc Mía di chuyển về để cùng với chi đoàn 1/12 phòng thủ căn cứ. Thiết đoàn 16 (-) giữ hai mặt bắc và tây của thị trấn Kampông Trach. Trực thăng đến tải thương và tiếp tế thuốc men được mấy ngày thì VC đưa vào trận địa nhiều súng phòng không. Hỏa lực phòng không đã bắn hạ một trực thăng[43] khiến công tác bị gián đoạn. BCH/HQ đề nghị tiếp tế bằng dù nhưng khoảng phân nữa số dù bay lạc ra xa vòng đai phòng thủ, không thể thu nhặt được dưới áp lực của địch.

        Tối ngày 26/3, thiết đoàn 9 do Trung tá Phạm Minh Xuân[44] làm ThĐT từ Chương Thiện đến tăng viện. Khi vừa đến nơi, Trung tá Xuân có đề nghị vào vùng hành quân vào sáng ngày hôm sau nhưng không được BCH/HQ chấp thuận. Thiết đoàn 9 rời tỉnh lộ 16 theo con đường mòn dẫn vào chợ giải phóng (xã Damnak Kantuot Khang Tboung của quận Kampông Trach) để đi vào căn cứ. CĐT chi đoàn 1/16 ghi lại chi tiết mà ông nghe được qua hệ thống truyền tin:

"Hơn 9 giờ đêm, nghe tiếng thiết đoàn 9 Kỵ binh di chuyển đến, tôi gọi anh HSQ hành quân đến mở máy theo dõi coi đã đến đâu. Tôi nghe tiếng Trung tá Phạm Minh Xuân gọi Đại tá Của vang trong máy :

- Cải cách[45], Cải cách, đây Xung phong[46], tôi đã đến nơi, cho biết vị trí để chúng tôi vào.

- Không có Cải cách hay Xung phong gì hết, mà là: 801, biết chưa. Cho toàn thể đi ngay vào vị trí này.

Ông Xuân bảo hơn 10 giờ đêm rồi, tối quá, xin tạm đóng quân bên ngoài nhưng Đại tá Của không đồng ý và bắt buộc phải vào vị trí ngay. Không nghe tiếng của Đại tá Tất, đang là Tư lệnh mặt trận.

Tôi bảo người HSQ hành quân mở bản đồ ra xem tọa độ nơi thiết đoàn 9 KB phải đi vào. Tôi thật sự bị kích động vì lệnh này, nhưng không làm gì được. Vì đây là khu vực vườn tiêu của người Miên trồng. Họ xây dựng từng cụm ô vuông đất, cạnh khoảng 5 m, cao không dưới 1.5 m, mỗi  ô vuông đất cách nhau chừng 3 m, bên trên trồng 9 trụ cây to cho dây tiêu leo. Đây sẽ là tử địa cho thiết đoàn 9 KB, nếu vào hết cả thiết đoàn trong đó vào giờ này, chỉ có tan nát và chưa chắc trở ra được xe nào. Khu vườn tiêu này chi đoàn tôi mỗi lần vào hành quân thì tôi chỉ cho bộ binh và một chi đội là cùng vào lục soát thôi. M.113 vào đây thì không thể nào xoay xở, chỉ di chuyển được theo đường ô vuông mà thôi.

Cũng may thiết đoàn 9 KB (-) chưa vào hết bên trong đã bị VC phản ứng đánh trả ngay lúc vừa vào trong chỉ một phần. Chỉ trong vòng 15 phút, tôi theo dõi trên máy đã nghe tiếng thiết đoàn 9 kêu cứu nhưng giữa đêm, BCH/HQ có lẽ chẳng ai dám cho lệnh đơn vị nào đi tiếp cứu cả, và đã bỏ mặc cho Trung tá Xuân xoay xở, rút ra khỏi trận địa.

Sáng hôm sau, tôi dùng M.113 đi sang thăm thiết đoàn 9 và gặp ông Xuân, vẻ buồn thảm, thất chí của ông thấy thật tội nghiệp, tuy nhiên ông nói : mày lại đây ngồi với tao, ông đưa tôi một cốc rượu bảo uống đi. Tôi đi một vòng đếm qua chỉ còn 21 xe, còn ít hơn chi đoàn của tôi nữa, tôi không có hỏi qua về tôn thất, e rằng ông đau lòng. Sau đó thiết đoàn  9 có lệnh về lại hậu cứ Chương Thiện, và di chuyển yên lành về đến Hà Tiên chẳng thấy tên VC nào ra làm khó dễ trên đường đi cả. Sau đó táí bổ xung để lên mặt trận An Lộc".

        CĐT chi đoàn 1/16 kể tiếp những sự việc sau đó (xem Hình 29-32) :

"Khoảng gần cuối tháng 4/1972, BCH/HQ mới có được quyết định, hạ lệnh cho thiết-đoàn 16 KB (-) chúng tôi hành quân mở rộng về phía nam qua biên giới, đưa được toàn bộ thương binh về lại biên giới Hà Tiên yên lành, đồng thời lấy tiếp tế nhiên liệu, đan dược, thuốc men và lương thực. Ba giờ chiều cùng ngày quay trở lên có thêm CĐ 3/16 TK từ Neak Luong Kampuchea được quân đoàn điều động về nhâp vào. Khoảng một trung đoàn quân CSBV  tập kích, chận đánh đoàn quân ngay chính ngôi chùa giữa đường Kampong Trach - Hà Tiên. Chúng tấn công mặt đông đường tỉnh lộ dẫn lên  Kampong Trach. Chúng bố trí nhiều loại đại liên 12,8 ly bắn mạnh vào sườn chi đoàn 2/16 TK trên có chở gần 200  quân nhân lên bổ sung cho các đơn vị BĐQ, gây cho ta một số thiệt hại. Chúng dùng một lực lượng cấp tiểu đoàn vận động đánh tập hậu vào phía trái đoàn quân, cắt CĐ 3/16 TK ở phía sau, bắn cháy 1 M.113 khiến chi đoàn phải quay trở lại Hà Tiên. Chi đoàn 1/16 TK chúng tôi đi phía tây, địa thế khá bất lợi vì quá nhiều gò mối liền nhau với nhiều cây cối cao và khá  rậm rạp, tôi phải cho phóng mấy thủng hơi ngạt E-7 mới đuổi được bọn chúng ra xa, tuy nhiên cũng đã bị bắn cháy mất một xe súng cối M.125.

Sau khi đánh bật được đơn vị này của cộng-quân, đẩy chúng tháo chạy xa về hướng đông, thiết đoàn 16 (-) có lệnh đóng quân đêm lại nơi đây và chẳng bị một sự quấy rối nào của địch trong đêm, hôm sau toàn bộ lên lại vùng hành quân, bố trí phía nam căn cứ Kampong Trach.

BCH/HQ có lẽ lo sợ sư đoàn 1 BV đánh mạnh,  nên mấy hôm sau đó đã xin thiết đoàn 2 KB, lúc bấy giờ đang hoạt động trong tỉnh Rạch Giá lên tăng cường chống lại ý đồ ấy của địch".

        Được khoảng hơn 3 tuần thì tình hình của căn cứ Kampông Trach có vẻ nguy kịch vì địch quân pháo kích, đóng chốt, cắt đường tiếp tế và tản thương khiến quân đoàn IV phải gửi thiết đoàn 2[47], đơn vị trừ bị cuối cùng của quân đoàn để giải tỏa đường từ Hà Tiên lên. Thiết đoàn 2 được lệnh về tập trung tại Tô Châu, nơi đặt BTL Tiền phương quân đoàn IV để đón tiểu đoàn 58[48] BĐQ sẽ là lực lượng tùng thiết. Trung tướng Trưởng có đến để tiễn đoàn quân ra trận.

        Thiết đoàn rời tuyến xuất phát khoảng nửa ngày thì đụng trận. CĐT chi đoàn 3/2 kể lại[49] :

"Đến trưa thì chạm súng, phải đến chiều hôm đó mới thanh toán xong những ổ kháng cự. Rồi hai ngày sau đó, chúng tôi bị cầm chân ở khu vực gần ngôi chùa nằm cách Kompông Trach khoảng 5 cây số, vì cộng quân gài chốt ở khắp nơi. Đến ngày thứ 6 thì chúng tôi bám sát được ngôi chùa. Đại Úy Hà Văn Ron, Chi Đoàn Trưởng chi đoàn 1/2 TK bên cánh trái, và Đại úy Ngô Văn Cứ, CĐT chi đoàn 2/2 TK phía sau, cứ thế chúng tôi cùng với BĐQ tùng thiết tiến dần về hướng bắc.

Hôm đó, trong khi yểm trợ cho BĐQ thanh toán ngôi chùa nằm sát con lộ, tự nhiên tôi linh cảm một cái gì hắc ám từ cánh đồng trống mênh mông bên phải, nhìn về hướng Thất Sơn. Đó là cánh đồng lầy ngút ngàn trông như biển khơi, tôi liền điều động một chi đội cùng với Nghê Thành Thân án ngữ về hướng đó. Khoảng một giờ sau, có lẽ tức quá, vì trong khi anh em đang chạm súng rầm rầm mà tôi lại bố trí Thân và một chi đội hướng ra đồng trống, Thân bỏ xe đi bộ tới gặp tôi:

- Ở đó trống quá có gì đâu Đông Phương[50] ?

Tôi giải thích:

- Anh nằm ngoài đó án ngữ rồi quan sát về phía bắc dùm để trong này được yên tâm, chứ ở đây rậm quá …

Thân quay trở lại xe, khoảng nửa giờ sau thì y như rằng, một tiếng nổ ầm ngay ngoài đồng trống (họ đánh kiểu “đội mồ”) bắn trúng xe của Nghê Thành Thân. Không còn nghe tiếng Thân trên hệ thống truyền tin nữa, tôi lập tức lệnh cho chi đội của Thiếu úy Hạnh bỏ vị trí, đến tiếp cứu Thân. Chỉ trong khoảnh khắc, ổ B-41 đó bị diệt. Thân vô sự, nhưng phải dùng xe của chi đội khinh kỵ vì xe của Thân đã bị tê liệt!

Và ngay sau đó, trận đánh quyết liệt nhất bắt đầu, khi từ những cụm vườn ở hướng Tây Bắc, cộng quân lùa những đàn bò chạy về phía chúng tôi, rồi họ chạy theo sau với mục đích dùng biển người để cướp sống xe, trong khi đạn pháo của họ bắn chận phía sau chúng tôi. Mấy chục khẩu pháo gần Thạch Động được chúng tôi điều chỉnh bắn thật gần, và bắn tối đa. Ngay sau khi chúng tôi trụ lại được trước sức tiến công của địch quân, thì không quân VNCH được lệnh xuất kích. Tướng Trưởng đã điều động rất hay ở điểm này, vì khi đó địch quân đã lộ diện, việc dội bom sẽ rất chính xác dù hơi nguy hiểm vì phải dội bom quá sát những đơn vị bạn đang tham chiến, có một đợt bom dội vào ngay giữa đơn vị tôi, nhưng chúng tôi vô sự. Những chiếc phản lực cơ đánh thật đẹp, vừa nghe tiếng gầm thét là họ bỗng xuất hiện, bay thật thấp và dội đủ loại bom từ bom Napalm cho đến bom CPU… Chúng tôi không cần phải liên lạc vô tuyến để điều chỉnh, mà chúng tôi chỉ cần thả những trái khói màu tại chỗ để đánh dấu đơn vị bạn, và không quân VNCH sẽ dội bom về hướng bắc của những trái khói màu đó khoảng 300 mét trở lên là được. Ngay sau đợt oanh kích cuối cùng, chúng tôi lập tức tung ra đợt phản công, tràn lên chiếm giữ những nơi vừa bị đánh bom còn đang bốc khói … Dĩ nhiên là Cộng quân phải rút lui chứ bọn chúng cũng không dại gì mà làm những con thiêu thân trước những con chiến mã đang nộ khí xung thiên gầm thét, giáng sấm sét lên đầu bọn VC hung tàn đó.

Anh em bên Biệt Động Quân có vẻ nhụt chí, khiến cho Nghê Thành Thân tức giận nhảy xuống khỏi xe, rồi cùng với một Đại Đội Trưởng của họ là Trung úy Gia xông thẳng vào phòng tuyến địch để họ phải tiến lên theo … Thật ra Thân không phải rời xe để đánh như bộ binh như vậy, nhưng trong cơn cuồng nộ của bom đạn, Thân đã quên mình, quên cả tượng Phật.

Hôm đó chi đoàn tôi tịch thu được 6 máy truyền tin, 4 khẩu đại liên, một số B-40, B-41 và AK. Buồn cười cho ông ThĐT của tôi là Trung tá Nguyễn Hữu An, ông lấy máy chụp ảnh ra bảo Đại úy Trạng chụp ảnh tôi và ông đang đứng trước đống chiến lợi phẩm, sau trận đánh mới biết cái máy ảnh không có phim trong đó.

Trong số những chiến lợi phẩm tịch thu được, có những quyển nhật ký. Qua những quyển nhật ký đó chúng tôi biết được họ thuộc Công Trường 9 CSBV, cộng với 2 trung đoàn 51 và 52 Đặc Công, có một thành phần của sư đoàn 320 mà họ tự nhận là “Sư đoàn Thép” (Vào thời điểm đó, sư đoàn 320 CSBV đang tham chiến ở mặt trận Kom Tum ngoài vùng II). Có những câu nhật ký mà tôi còn nhớ rõ qua cách đọc rất tếu của Thiếu úy Hùng : “Đoàn xe bọc thép của quân ngụy Sài Gòn mang hình đầu ngựa phun lửa, trong ba ngày đầu đã tỏ ra hung hăng tàn ác … Nhưng những chiến sĩ anh hùng của ta quyết giáng cho chúng những đòn trừng trị đích đáng …”, rồi Hùng kết luận “Sắt thép gì gặp mình cũng thành chuột lắt hết!”. Cũng vui.

Hôm sau lại chạm súng lớn, chúng tôi bị tổn thất khá nặng. Phải rút về biên giới để tái tiếp tế, tái trang bị.

Nhìn những anh em bị thương nằm ngồi la liệt để chờ tản thương, bắt dầu là Đại úy Măng - TĐT tiểu đoàn 58 BĐQ, rồi Đại úy Ron - CĐT chi đoàn 1/2 TK. Riêng chi đoàn tôi đã bỏ 2 xe, phải đôn khinh kỵ lên làm xạ thủ đại liên, lính BĐQ thì trở thành khinh kỵ. Cũng được tăng cường thêm một số tân binh đang thụ huấn ở Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng.

Hôm sau lại tiến vào vùng lửa đạn, lại bị cầm chân. Có những cảnh tôi không quên được, như khi hay tin Chuẩn úy Kỳ, một thiếu sinh quân tài hoa vừa bị thương, tôi chạy đến để gặp Kỳ thì nhìn thấy cảnh Kỳ đang nghiến răng dùng lưởi lê tự chặt vào phần xương dưới ống quyển còn dính lại để cho bàn chân rời hẳn đi cho đỡ khó chịu. Lúc đó lại nhận được tin người anh cả, Tướng Ngô Quang Trưởng vừa lên đường ra đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I với mặt trận Quảng Trị. Hôm sau thì Trung tá An, Thiết đoàn trưởng, rời đơn vị và Thiếu tá Nguyễn Văn Việt Tân lên thay thế".

        Cái gì phải đến đã đến, cuộc rút lui khỏi căn cứ Kampông Trach đã được CĐT chi đoàn 1/12 kể lại[51]:

“Hôm đó Đại tá Tất và Đại tá Của gọi tôi lên BCH và hỏi tôi bây giờ đánh ra phía Nam rút về Hà Tiên thì tôi có ý kiến gì. Tôi trả lời là nên phá vòng vây ra phía nam và rút hẵn về Hà Tiên thì mình chuẩn bị sẵn sàng ủi ra theo con lộ chính, tác xạ phủ đầu bằng mọi loại vũ khí sẵn có trên xe và dùng ống phóng EE8 (một loại hơi cay làm ngạt thở và chảy nước mắt) vào các nơi có bụi rậm mà mình nghi ngờ có VC ẩn nấp. Xe nào bị hư thì bỏ lại, chỉ bốc những quân nhân của các xe đó mà thôi. Không có thời gian dừng lại để kéo các xe hư được. Tuy nhiên khi địch biết ta phá vòng vây mở đường ra thì thế nào chúng cũng pháo kích tối đa. Do đó tài xế phải vững tay lái và tăng tốc độ tối đa. Như vậy tôi bảo đảm mình sẽ phá thủng vòng vây và rút về Hà Tiên an toàn. Tuy nhiên nếu thi hành theo phương cách này thì chỉ chi đoàn đi đầu là an toàn thôi, các chi đoàn còn lại thế nào cũng bị địch pháo kích mạnh. Cho nên các đơn vị này cũng phải di chuyển thật nhanh. Hai ông đại tá hội ý với nhau và đồng ý ra lệnh cho chi đoàn của tôi mở vòng vây rút về phía nam, chở theo hai ông đại tá. Lực lượng địch chống lại không mạnh. Có lẽ chúng đã rút đi vì sợ hỏa lực yểm trợ của không quân Mỹ. Khi đến gần chùa Miên (khoảng 5 km về phía nam Kampông Trach trên con đường đi Hà Tiên) tôi gặp Đại úy Răng, Chi đoàn trưởng chi đoàn 1/16 và Trung tá Mậu, Thiết đoàn trưởng thiết đoàn 16. Khi tôi vừa rút ra khỏi căn cứ thì địch bắt đầu pháo kích vào căn cứ một cách dữ dội nhưng cuối cùng cũng đều rút ra được hết. Chỉ có tiểu đoàn 94 BĐQ Biên phòng là bị kẹt ở trong quận lỵ vì tình trạng xôi đậu".

        Trong và sau khi lui binh[52], không ai nghe được kế hoạch lui binh có đề cập đến chi tiết về phản công để đề phòng địch quân truy kích. Chỉ đơn giản là làm thế nào rời khỏi căn cứ càng nhanh càng tốt mà thôi. Đây là một điểm đáng ngạc nhiên vì các binh thuyết gia phương Tây như Clausewitz[53] hay Bá tước de Jomini[54] đều cho rằng phải tổ chức phản công trong khi lui binh để tránh thất bại hoàn toàn, hậu quả của cuộc lui binh hỗn loạn có thể xảy ra.

        Trước khi chấm dứt phần viết về trận chiến tại Kampông Trach, có lẽ nên tóm tắt lại thời điểm và chi tiết những gì xảy ra tại đây, theo một tài liệu của Mỹ[55], xem Bảng 6. Lưu ý là sau các cuộc hành quân vượt biên năm 1970, quân đội Mỹ không được quyền tháp tùng các đơn vị của QLVNCH sang Lào và Campuchia nữa[56]. Do đó những số liệu ghi chú trong Bảng này có thể từ hai BTL biệt khu 44 hay BTL quân đoàn IV, qua các cố vấn Mỹ phục vụ tại đây. Ngày quân CS bắt đầu tấn công Kampông Trach không được đồng ý bởi người trong cuộc[57]. Trung tướng Trưởng ra nhận bàn giao chức vụ Tư lệnh quân đoàn I ngày 3/5/1972 nhưng cuộc lui binh khỏi căn cứ Kampông Trach lại được cho rằng đã xảy ra khoảng một tuần sau, tức là ngày 10/5/1972[58]. Chiếc trực thăng duy nhất bị VC bắn rơi được ghi nhận vào ngày 16/4, nghĩa là công tác chuyển vận bằng trực thăng chỉ bị ngưng sau ngày này[59].

BẢNG 6 : CĂN CỨ KAMPÔNG TRACH - NHỮNG DẤU MỐC THỜI GIAN

THỜI ĐIỂM

SỰ KIỆN

5/4/1972

QLVNCH phá vỡ áp lực chung quanh căn cứ  với thiệt hại của QLVNCH là 16 tử trận, 64 người bị thương, mất 63 vũ khí các loại

7/4

Một tiểu đoàn BĐQ đụng độ với VC gần căn cứ và hạ được 50 trong khi có 4 binh sĩ tử trận, 16 người bị thương và 40 binh sĩ mất tích, mất 44 vũ khí các loại

12/4

Bốn tiểu đoàn quân CS thuộc đơn vị C30b tấn công căn cứ. Kết quả 163 địch quân bị hạ, quân phòng thủ có 8 binh sĩ tử trận và 42 người bị thương. Cũng từ bấy giờ, trực thăng tiếp tế bị đình hoãn vì hỏa lực phòng không địch, do đó phải thả dù hàng hóa tiếp tế cho căn cứ

16/4

Một tiểu đoàn của quân đội Quốc gia Miên bắt tay với lực lượng phòng thủ

25/4

Thiết đoàn 2 bắt tay được với lực lượng phỏng thủ

28/4

Hai phi tuần B-52 oanh tạc vùng phụ cận Kampông Trach

30/4/1972

Căn cứ được lệnh di tản

 

        2.2.2. Nhà máy xi măng Hà Tiên tại Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, VNCH

        Từ năm 1757, Kiên Giang là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích lập nên. Năm 1808 (Gia Long năm thứ 7), đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An. 5 trấn của thành được chia lại thành 6 tỉnh (lục tỉnh) là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Kiên Giang thuộc phủ An Biên của tỉnh Hà Tiên. Sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp xóa bỏ hệ thống hành chánh cũ của nhà Nguyễn. Ngày 15/6/1867, tỉnh Hà Tiên được đổi thành hạt thanh tra Kiên Giang. Ngày 16/8/1967, đổi tên một lần nữa thành hạt Kiên Giang, thuộc tỉnh Rạch Giá.

        Năm 1956, theo sắc lệnh số 143-NV của chính phủ VNCH, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành và Phú Quốc được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5/1965, tỉnh Hà Tiên được tái lập.

        Năm 1957, chính phủ VNCH lại ra nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên và Phú Quốc, 7 tổng và 58 xã. Chính phủ lại ban hành nghị định số 368-BNV/HC/NĐ ngày 27/12/1957 và được bổ túc bởi nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định lại các đơn vị hành chánh của tỉnh Kiên Giang. Điều 1 của Nghị định này nêu rõ, quận Kiên An gồm thêm xã Vĩnh Tuy. Ngày 13/6/1958, chính phủ VNCH ban hành nghị định số 314-BNV/HC/NĐ về việc sửa đổi đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang. Điều 1 của nghị định này quy định tách quận Kiên Bình thành 2 quận là Kiên Bình và Kiên Hưng. Theo niên giám hành chính của VNCH năm 1971 thì tỉnh Kiên Giang gồm có 7 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc với 42 xã và 247 ấp.

        Năm 1973, tỉnh Kiên Giang có 8 quận là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc và Hiếu Lễ. Tỉnh lỵ là thị xã Rạch Giá, cách Sài Gòn khoảng 250 km về phía tây-nam (xem Sơ đồ 13-16).

        Tỉnh Kiên Giang giáp với hai tỉnh Châu Đốc và An Giang phía đông-bắc; phía đông giáp tỉnh Phong Dinh; tỉnh Chương Thiện ở phía đông-nam và tỉnh An Xuyên ở phía Nam; có cùng biên giới với nước CPC tại phía bắc, với đường biên giới dài 54 km và vịnh Thái Lan ở phía tây với bờ biển dài hơn 200 km. Sau năm 1975, chính quyền CS cho sáp nhập hai tỉnh Kiên Giang và Chương Thiện thành tỉnh Kiên Giang mới, tỉnh lỵ vẫn đặt tại Rạch Giá.

        Ngày nay, tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chánh gồm thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và 13 huyện  là  An Biên, An Minh, Châu Thành, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Tỉnh còn bao gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ ngoài khơi như hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chòng, Hòn Rái, hòn Nam Du, v.v. Tỉnh Kiên Giang có diện tích 6.346.27 km2. Dân số tỉnh Kiên Giang gồm 1.683.149 người (theo thống kê năm 2009).

        Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên tỉnh Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới đại dương, đặc điểm chung là nóng ẩm và mưa nhiều theo mùa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, có nhiều năm mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn hơn các khu vực khác của đồng bằng sông Cửu Long. Mưa nhiều nhất trong tháng 8, lượng mưa trong tháng này có thể đạt 300 - 500 mm. Lượng mưa trung bình 2 118 mm/năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27-28°C, tháng lạnh nhất là tháng giêng và tháng chạp (25-26°C); hai tháng nóng nhất trong năm là tháng 4-5 (28-29°C). Độ ẩm tương đối trung bình là 82%.

        Khi nói đến Hà Tiên, người ta sẽ nghĩ ngay đến lăng Mạc Cửu[60], thắng cảnh hòn Phụ Tử [61] và nhà máy xi-măng Hà Tiên[62] (xem Hình 33-34).

        Nhà máy xi măng Hà Tiên là một trong những phát triển công nghiệp đầu tiên của chính phủ Ngô Đình Diệm, trong kế hoạch ngủ niên lần thứ nhì. Một hãnh diện về những thành tựu xây dựng và công nghiệp hóa của một nước cộng hòa non trẻ, vừa mới giành lại được độc lập. Dĩ nhiên sẽ trở thành mục tiêu khi chiến tranh phá hoại phát triển và đối phương tìm được cơ hội. Nhà máy đã bị quân CS tấn công nhiều lần[63].

        Ngày 18/5/1972, VC tấn công nhà máy xi-măng Hà Tiên tại Kiên Lương. Tin tức tình báo của QLVNCH cho biết lực lượng tấn công là hai trung đoàn 52 đặc công và 101D thuộc sư đoàn 1. Vì tính cách nghiêm trọng trên cả hai phương diện chiến thuật và kinh tế, QLVNCH tổ chức đánh lấy lại. Trận đánh đã được một sĩ quan cao cấp của QLVNCH kể lại như sau[64] :

"Thấy quân ta rút lui, SĐ 1 CSBV tuy đã yếu thế nhưng cố vớt vát tiến chiếm Kiên Lương, cơ sở Xi Măng Hà Tiên. LĐ 42 BĐQ/CT vừa trở về chưa được dưỡng quân thì lập tức nhận lệnh tăng phái cho Sư đoàn 9 Bộ Binh dưới quyền Tướng Trần Bá Di, rồi được điều động đến Kiên Lương để giải tỏa khu vực này. Trung tá Trần Kim Đại cùng với LĐ nhanh chóng đến Kiên Lương để lâm trận. Bản thân tôi và Bộ Chỉ huy nhẹ không còn trách nhiệm gì trên mặt trận này, trở về Bộ Chỉ huy Hành quân ở Thất Sơn với trách nhiệm, nhiệm vụ cũ trước đây. Có lẽ Tướng Di hiểu quá rõ khả năng và sở trường của Biệt Động Quân Biên phòng nên đã ra một lệnh cho Trung tá Đại vô cùng khắc nghiệt tưởng chừng như khó thực hiện được, hay ít nhất cũng phải chấp nhận một tổn thất cao. Ấy thế mà Trung tá Đại thì bình tĩnh lắm, tự tin là khác. Lệnh ban ra là: BĐQ phải tái chiếm hãng Xi Măng Hà Tiên nguyên vẹn không được làm hư hại bất cứ thứ gì, có nghĩa là Trung tá Đại không được xử dụng Pháo binh, không được gọi Không quân yểm trợ, không được xử dụng vũ khí nặng[65]. Ấy vậy mà Trung tá Đại và LĐ 42 BĐQ/CT tạo được một chiến công “thần kỳ” thứ hai. Chỉ vỏn vẹn trong vài ngày ngắn ngủi, LĐ 42 BĐQ/CT đã chiếm lại hoàn toàn cơ sở Xi Măng Hà Tiên, đánh tan lực lượng CS khiến họ phải tháo chạy về biên giới. Thật ra các Tiểu đoàn BĐQ/BP còn thiếu kinh nghiệm về lối đánh trận địa chiến nhưng có quá nhiều kinh nghiệm về đánh đêm, đánh biệt kích. Chính đó là sở trường của họ mà Tướng Di đã phát huy. Trung tá Đại đã hoàn thành mệnh lệnh của Tướng Di thật hoàn hảo, xuất sắc. Tuy tôi không có trách nhiệm trong trận chiến này nhưng vùng biên giới vốn là trách nhiệm thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua nên địa hình, địa vật trong khu vực này tôi quen thuộc lắm. Sau khi Trung tá Đại nhận lệnh từ Tướng Di, liền cấp tốc báo cáo cho tôi. Trung tá Đại thì có vẻ tự tin nhưng tôi không thể không lo cho quân của mình dù đã tăng phái. Phản ứng thật nhanh, tôi yêu cầu SĐ 9 BB chấp thuận cho tôi điều động Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP thuộc trại Bình Thạnh Thôn do Thiếu tá Tạ Thành Lộc chỉ huy thuộc LĐ 41 BĐQ/CT đóng tại Mộc Hóa trực thăng vận chớp nhoáng vào chiếm lĩnh núi Hòn Cọp. Gọi là núi nhưng thật sự là một ngọn đồi thấp nằm chận giữa con đường Kiên Lương đến Hà Tiên. Nơi đây là cơ sở chỉ huy, trạm xá tiền phương, tiếp vận, giao liên, con đường tiến thoái của đối phương. Cuộc đổ quân thật bất ngờ và táo bạo của TĐ 86 BĐQ/BP, Thiếu tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và quân của ông ta chỉ xoãi có chục bước đã chiếm lĩnh ngay ngọn đồi này, đánh tan tành quân CS. Cũng phải nói thêm, Trung tá Đại, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực của “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và TĐ 86 BĐQ/BP, đã kết thúc hoàn toàn trận chiến Kampông Trach [sic] một cách nhanh chóng vẻ vang".

        Trận chiến tại đây kéo dài đến ngày 28/5 mới chấm dứt[66].

        Tài liệu mô tả trận đánh trên cho thấy một sai lầm về tình báo vì trên thực tế VC chỉ có hai đại đội của trung đoàn 52 thuộc sư đoàn 1 tấn công nhà máy xi-măng và khu dân cư [67]. Dĩ nhiên các đơn vị chủ lực thường được tăng cường bởi các đơn vị địa phương và du kích dẫn đường. QLVNCH trên thực tế sử dụng ba tiểu đoàn BĐQ (66, 93 thuộc liên đoàn 42 CT/BĐQ và 58 thuộc liên đoàn 41 CT/BĐQ), thiết đoàn 2 KB và ba tiểu đoàn ĐPQ (414, 527 và một tiểu đoàn ĐPQ được tăng phái từ tiểu khu An Giang). BCH/HQ đặt gần cầu Vàm Rày, cách Kiên Lương 14 km. Đại tá Huỳnh Văn Chính, TKT tiểu khu Kiên Giang dùng trực thăng bay điều động cuộc tái chiếm đã bị hỏa lực của VC bắn hạ gần kính Tám Ngàn. Cố vấn tiểu khu đã gọi trực thăng của Mỹ đến tiếp cứu ông và phi hành đoàn. Một chi đoàn trưởng tham dự trận tái chiếm ngay từ giờ phút đầu, cho rằng mức độ tác chiến không đáng kể để có thể cho là một trận đánh ! 

        Tài liệu của CS cho biết Hiếu, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 của K6 (mật danh của trung đoàn 52) ra hồi chánh đã cung khai với QLVNCH kế hoạch của cuộc tấn công sắp xảy ra. Trong khi phản công, QLVNCH đánh trúng trạm xá của trung đoàn[68]. Tuy nhiên tin tức này không khả tín vì nếu biết trước thì tại sao Thiếu tá Nguyễn Đình Phúc, CKT Kiên Lương và tiểu đoàn ĐPQ được tăng phái từ tiểu khu An Giang, có nhiệm vụ bảo vệ nhà máy xi-măng, lại để xảy ra sự cố này ?

        Trận đánh tuy nhỏ nhưng cho thấy mục đích ngăn chận quân CS xâm nhập vào quân khu 4 qua việc thiết lập căn cứ Kampông Trach là vô ích. Cũng có ý kiến cho rằng vì QLVNCH đã lui binh khỏi Kampông Trach, mở đường cho VC xuống tấn công Kiên Lương. Điều này chỉ đúng khi cả hai nơi đều có sự tham dự của sư đoàn 1. Tài liệu sau chiến tranh cho thấy không phải như vậy. Trên thực tế, QLVNCH không bao giờ ngăn chận được đường xâm nhập 1C từ Túc Mía, Lục Sơn vào mật khu Trà Tiên trước khi xuôi nam để đi vào U Minh[69]. Ngoài ra hai trung đoàn của C30b bao vây Kampông Trach là để cầm chân QLVNCH trong khi sư đoàn 1 cố gắng mở đường xâm nhập VN là hai sự kiện độc lập. Sư đoàn 1 do Bộ TTL quân đội CSBV điều động trực tiếp do đó không nằm trong chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu 9. Trong khi đó, các đơn vị tấn công Kampông Trach được biệt phái cho quân khu này. Sai lầm về tình báo đã đưa đến việc phí phạm lực lượng.

        Chi đoàn 3 của thiết đoàn 2, đang đóng quân dọc theo kinh Tám Ngàn được lệnh đến giải tỏa. CĐT 3/2 đã ghi lại những gì ông nhìn thấy khi mới đến vùng hành quân như sau[70] :

“Tôi còn nhớ cảnh dân chúng ở trong quận mới bắt đầu tản cư ra khỏi Kiên Lương khi chúng tôi vừa đến, như cảnh một chiếc đò máy chở đầy người (khoảng 100 người) khi đến ngang chỗ tôi đang đứng là vòng đai ngoài cùng của Kiên Lương, thì một quả đạn pháo rơi xuống lòng kinh ngay bên hông phải của chiếc đò khoảng 1 mét và nổ tung dưới nước, tôi đứng nhìn theo cho đến khi chiếc đò máy đi khuất về hướng Rạch Giá mà không bị mảnh đạn nào làm chìm”.

        Chi đoàn 3/2 đánh chiếm lại chi khu và khu cư xá công nhân của nhà máy xi-măng Hà Tiên. Sau đó chi đoàn được lệnh rút ra để trở lại vùng đóng quân cũ khi BCH thiết đoàn và phần còn lại của thiết đoàn đến Kiên Lương. Ngay trong đêm, một xe súng cối 107 ly (M-106) của chi đoàn bị VC đột kích bắn nổ tung tại vị trí đóng quân, ngay ngoài vành đai quận Kiên Lương. Thiếu úy Phát đã chết mà xác không còn một mảnh nào cả (xem Hình 35-36).

        CĐT chi đoàn 3/2 viết tiếp khi đơn vị của ông được lệnh trở lại khu nhà máy xi-măng :

"Vài ngày sau tôi lại được lệnh trở ra Kiên Lương, chính mắt tôi nhìn thấy khoảng 5 du kích địa phương, tay cầm bản đồ giống như mình vậy, lom khom chạy dưới con kinh ngang về hướng Đông để tháo chạy. Tụi nó cởi trần mặc quần đùi như thường lệ mỗi khi lên đợt đánh chiếm đồn bót, quận lỵ vậy !

Thú thật tôi không hề thấy một bộ đội chính quy CSBV nào trong trận giải tỏa Kiên Lương và nhà máy Xi Măng Hà Tiên như nhiều người viết!".

        Mặc dù đã chiếm được thị trấn Kiên Lương và nhà máy xi-măng Hà Tiên nhưng tài liệu của CS khi nói về những hoạt động của quân khu 9 trong thời gian này hoàn toàn không đề cập đến trận đánh, xảy ra trong khoảng thời gian của cao điểm 3 (8/5-8/6/1972) trong chiến dịch tổng hợp năm 1972, để phối hợp với chiến trường toàn miền[71]. Sau chiến tranh, thân nhân của các cán binh thuộc sư đoàn 1 bị thiệt mạng tại Kiên Lương cho biết gặp khó khăn trong khi truy tìm tung tích mộ phần vì lúc bấy giờ, sư đoàn 1 được Bộ TTL quân đội CSBV điều động trực tiếp chứ không thuộc B2[72].

        2.2.3. Chi khu Tuyên Bình (Long Khốt), tỉnh Kiến Tường, VNCH

        Theo sắc lệnh số 143/NV ngày 22/10/1956, tỉnh Mộc Hóa (được thành lập từ tháng 2/1956) được đổi tên thành tỉnh Kiến Tường gồm 3 quận là Châu Thành, Tuyên Bình và Ấp Bắc. Sau đó quận Ấp Bắc được đổi tên thành quận Kiến Bình. Ngày 13/9/1958, quận Kiến Bình được tách ra thành 2 quận là Kiến Bình và Tuyên Nhơn. Sau khi chiếm miền Nam, CS cho sáp nhập hai tỉnh Long An, Kiến Tường và một phần của tỉnh Hậu Nghĩa cũ thành tỉnh Long An mới vào tháng 2/1976.

        Không như các tỉnh khác, tại Kiến Tường VC không tổ chức hệ thống huyện "ngầm" song hành với hệ thống hành chánh của chính phủ VNCH. Tỉnh Kiến Tường được VC tổ chức thành 4 vùng thay vì huyện. Mỗi vùng có đảng bộ nhưng lại có ban cán sự thay vì đảng ủy. Bốn vùng 2, 4[73], 6 và 8 tương đương với 4 quận của  tỉnh Kiến Tường của VNCH là Châu Thành, Kiến Bình, Tuyên Nhơn và Tuyên Bình (xem Sơ đồ 17-20).

        Tỉnh Kiến Tường thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mỗi năm gồm có hai mùa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với gió mùa tây-nam. Mưa nhiều nhất trong tháng 5. Mùa khô từ tháng chạp đến tháng 4 năm sau, có gió mùa đông-bắc. Trời nắng kéo dài trung bình 7.3 đến 9.9 giờ/ngày. Chỉ còn khoảng 5.5 đến 7.3 giờ/ngày có nắng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 28ºC, với biến thiên giữa các tháng khoảng 4ºC. Hai tháng nóng nhất là 4-5 với nhiệt độ trung bình lần lượt là 29.5ºC và 29.3ºC. Tháng chạp và tháng giêng tương đối mát với nhiệt độ lần lượt là 26.4ºC và 26.0ºC. Độ ẩm trung bình hàng năm là 79.2%. Độ ẩm tối đa trong tháng 8 (82.5%) và tối thiểu vào tháng 4 (74.1%).

        Tại quân khu 4, LLĐB Mỹ có BCH/C4 chỉ huy 5 toán B. Mỗi toán B gồm có nhiều trại LLĐB. Riêng toán B-41 đóng tại Mộc Hóa chỉ huy 8 trại LLĐB, trong đó có trại Bình Thành Thôn. Cuối năm 1964, toán LLĐB Mỹ đến đặt căn cứ tại chi khu Long Khốt để chờ thiết lập trại LLĐB này. Trại được thiết lập trên một ngọn đồi nhỏ mà mà công binh Mỹ đã san bằng, VC gọi là đồi Măng-Đa. Tháng giêng năm 1965, toán A-424 LLĐB Mỹ do Đại úy R Allen chỉ huy di chuyển sang trại mới với hai nhiệm vụ là tuần phòng vùng biên giới và bình định khu vực địa phương. Trại được chuyển thành BĐQ Biên phòng ngày 31/10/1970[74].

        Chi khu Tuyên Bình đặt cách biên giới Việt-Miên khoảng 700 mét trên vùng đất bằng phẳng. Chung quanh có rải rác 14 ấp, nằm dọc theo rạch Long Khốt và sông Vàm Cỏ Tây. Tỉnh lỵ Mộc Hóa cách chi khu 22 km về phía đông-nam. Trại LLĐB Bình Thành Thôn nằm cách chi khu 6 km về phía tây-nam. Chi khu gồm hai khu cách nhau khoảng 200 mét. Tòa nhà chính có kích thước 100 x 125 m là quận đường. Chung quanh có mô đất cao 2-3 m và hàng rào kẽm gai bao bọc. Lực lượng trú phòng gồm 1 đại đội ĐPQ có quân số 80-90 người, 4 trung đội nghĩa quân và đơn vị trinh sát tỉnh[75].

        Tài liệu của CS phác họa một cách tổng quát vai trò của vị trí Long Khốt[76]:

"Mộc Hóa là một trong những vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng đối với lực lượng cách mạng ở Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh thuộc Trung Nam Bộ, vì đây là trung tâm, Đồng Tháp Mười, có đường biên giới Việt Nam - Campuchia dài 98,5 kilômét, nằm trên đường hành lang chiến lược từ miền Đông sang miền Tây Nam Bộ và từ biên giới xuống các tỉnh Trung Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây nổi danh trong cả nước là địa bàn căn cứ hoạt động của Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc. Nơi đây đã khai sinh các đơn vị vũ trang của Nam Bộ. Trong những năm 1954 - 1956, lại trở thành nơi hội tụ của lực lượng cách mạng chống các thủ đoạn đánh phá tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chính vì vậy đầu năm 1956, Mỹ - Diệm tách quận Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An và lập tỉnh Kiến Tường, một trong những ''đặc khu chống cộng” ở Nam Bộ".

        Trận tấn công Long Khốt đầu tiên và qui mô nhất đã được ghi lại như sau[77] :

“Đầu tháng 12 năm 1969, trung đoàn 88 chủ lực Miền được tăng cường cho quân khu 8, khi về đến biên giới Kiến Tường được sự chỉ đạo của quân khu phối hợp với các đơn vị vũ trang Kiến Tường đánh căn cứ Long Khốt (chi khu Tuyên Bình) của địch. Đây là một căn cứ khá vững chắc của địch ở vùng biên giới, ta đã đánh nhiều lần nhưng chưa lần nào dứt điểm được. Đêm 2 rạng 3 tháng 12 năm 1969, ta nổ súng tấn công, nhưng ta chỉ chiếm được các bót bên ngoài, khu chợ, bót cảnh sát, công sở xã Thái Bình Trung, không chiếm được căn cứ. Trời sáng rõ, địch tăng cường lực lượng cả phi cơ và tàu chiến lên giải tỏa. Lực lượng Trung đoàn 88 và các đơn vị của Kiến Tường phải lùi qua biên giới Campuchia. Trận đánh không giành được thắng lợi, lực lượng ta thương vong hơn 100 đồng chí. Đây là một tổn thất lớn ở Kiến Tường từ sau Mậu Thân (1968)”.

        Với vị trí then chốt như vậy, dĩ nhiên chi khu đã nhiều lần bị quân CS tấn công hay tạo áp lực. Tháng 10/1971, tiểu đoàn 33 thuộc liên đoàn 5 BĐQ đã đụng độ khi truy lùng tung tích của sư đoàn 5 VC gần Long Khốt[78]. Ngày 27/4/1974, cũng trung đoàn 275 và tiểu đoàn 25 đặc công thuộc sư đoàn 5 VC được yểm trợ bởi TVX/M-113 và đại bác 105 ly chiếm được của QLVNCH lại tấn công Long Khốt. Với yểm trợ hữu hiệu của không quân, căn cứ Long Khốt đã đẩy lui được địch quân[79]. Tháng 12/1974, Long Khốt lại bị quân CS tấn công lần nữa nhưng vẫn bị QLVNCH đẩy lui. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn IV được cho biết đã đến thanh sát trung đoàn 12, sư đoàn 7 đang giao tranh với VC[80].

        Trở lại khoảng thời gian trong chiến tranh quốc cộng, Long Khốt là một vị trí thuận lợi để xâm nhập vào lãnh thổ VNCH. Có hai lý do để giải thích sự kiện quân CS thường xâm nhập vào lãnh thổ VNCH qua Long Khốt :

  • Về địa thế, tỉnh Xoài Riêng của CPC có hai vùng ăn sâu vào đất VNCH, một phía đông là vùng Cánh Tiên giáp ranh hai tỉnh Hậu Nghĩa - Tây Ninh. Bên phía tây là vùng Chân Tượng kế cận chi khu Long Khốt của tỉnh Kiến Tường. Long Khốt lại nằm gần đường xâm nhập 1B của VC nên dĩ nhiên thuận lợi cho sự tiếp cận của bộ binh địch.
  • Trên mức độ nghệ thuật chiến dịch và chiến lược, quân CS thường đánh phá Long Khốt để tạo thành hành lang với mật khu Trí Pháp, nối liền miền đông với miền Tây[81].

        Nhiệm vụ của các đơn vị VC tỉnh Kiến Tường trong chiến dịch tiến công tổng hợp (1972) là phối hợp với chiến trường trên toàn khu và toàn miền, đẩy mạnh đánh phá bình định, mở lõm (tấn công đánh chiếm các xã) ở vùng 4, vùng 8; bảo đảm hành lang vận chuyển thông suốt từ biên giới đến các vùng và ngược lại; bảo đảm công tác hậu cần cho các lực lượng của tỉnh và các đơn vị chủ lực của miền hay khu, hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

        Chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định trên chiến trường quân khu 8 được chia ra làm hai bước[82] :

  • Bước 1 (7-28/4/1972) là bước hoạt động của khu do Khu ủy và BTL quân khu đảm trách. Lực lượng tham dự là hai trung đoàn 1 và 88. Tuyến đánh phá dọc theo kinh Dương Văn Dương (Kiến Tường) và kinh Nguyễn Văn Tiếp (Mỹ Tho).
  • Bước 2 (1/6-tháng 9/1972) do BTL miền tổ chức và chỉ đạo, có lực lượng của quân khu. Trong bước này, chiến dịch tiến công tổng hợp mới chính thức bắt đầu và còn có tên là chiến dịch Nguyễn Huệ II. Trận đánh tại Long Khốt nằm trong bước 2 này.

        Đầu tháng 6/1972, sư đoàn 5[83] VC được lệnh di chuyển xuống miền Tây (quân khu 8 của VC) để tham dự chiến dịch tiến công tổng hợp, bắt đầu ngày 10/6/1972[84].

        Đêm 9/6/1972, hai trung đoàn 1 và 2 thuộc sư đoàn 5 tấn công Long Khốt và pháo kích Trại LLĐB Bình Thành Thôn [85]. Thám báo của chi khu Long Khốt phát hiện được quân CS nên gọi pháo binh từ Bình Thành Thôn và phi cơ của sư đoàn 4 không quân đến yểm trợ, gây thiệt hại nặng cho đại đội 1, tiểu đoàn 6, trung đoàn 2 của sư đoàn 5. Bùi Thanh Vân, Tư lệnh sư đoàn phải ra lệnh rút trung đoàn 2 ra để chấn chỉnh lại đội hình. Sáng ngày 11/6, sư đoàn 5 trở lại tấn công Long Khốt lần thứ nhì.

        Cuộc hành quân giải tỏa chi khu Long Khốt bắt đầu khi đại đội 12 TS được trực thăng vận xuống tái chiếm trại LLĐB và giải tỏa khu vực Bình Thạnh Thôn. Tiểu đoàn 2/12 tiến quân lên từ Mộc Hóa giải tỏa khu vực chung quanh chi khu Long Khốt. Cuộc hành quân hoàn tất sau 5 ngày. Trong khi đó, trung đoàn 10 được trực thăng vận lên Kampông Rou để càn quét VC. Trong khi bay điều khiển cuộc hành quân, Đại tá Đỗ Văn An, TrĐT trung đoàn 10 bị tử trận khi trực thăng chở ông trúng hỏa tiển SA-7 của địch quân. Ngày 14/6, sư đoàn 5 phải rút lui, không chiếm được Long Khốt.

        Mục đích của trận Long Khốt là tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ biên giới hầu có thể đưa quân xâm nhập sâu xuống địa phận tỉnh Kiến Tường[86] :

"Chi khu Long Khốt được coi như là cánh cửa của biên giới thuộc tỉnh Kiến Tường, vì vậy trận tiến công Long Khốt là trận đánh mở màn có tính chất then chốt. Trung đoàn 2 sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh chi khu Long Khốt. Sáng ngày 10 tháng 6, đơn vị bắt đầu nổ súng tiến công. Do công tác chuẩn bị và tổ chức chỉ huy hợp đồng không tốt nên đến hết ngày 12 ta vẫn không làm chù được chi khu, chỉ làm thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an, diệt 250 tên, phá hủy 2 pháo 105mm. Ngày 13 tháng 6, địch dùng máy bay trực thăng cơ động lực lượng của 2 trung đoàn 10 và 12 thuộc sư đoàn 7 lên khu vực gò Măng Đa cùng 2 tiểu đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe thiết giáp M113 tổ chức phản kích hòng giải vây cho Long Khốt. Trước tình hình đó, sư đoàn 5 phải lui ra, chỉ để lại một bộ phận cùng địa phương vây ép căn cứ gò Măng Đa và tiến hành một số trận tập kích, vận động tiến công, làm thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn ngụy ở Kom Phong Rồ".

        Tài liệu của CS đã chi tiết hóa trận đánh đồng thời phân tích những khuyết điểm đưa đến thất trận như sau[87] :

"Một trận đánh gây nhiều vấn đề bàn cãi và để lại ấn tượng một thời gian dài về sau, nên xin nói vài nét về sư đoàn này. Sư đoàn 5 ra đời sau sư đoàn 9 và 7 của miền, từng bám trụ vùng sâu Bà Rịa, Biên Hòa, một chiến trường rừng núi gian khổ khắc nghiệt. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ được điều về tham gia giải phóng chi khu Lộc Ninh, từ 13 đến 15-5. Ngày 16-5, chỉ thị từ Bộ chính trị, ngày 18-5 quyết định từ Trung ương cục, ngày 28-5 Tư lệnh quân khu 8 trở xuống chiến trường, ngày 29-5 sư đoàn bắt đầu hành quân từ núi Gió đi Xơ-nun theo đường 7 xuống đường 1, vào khu vực tập kết chiến dịch, ngày 6-6, chỉ bốn ngày sau, ngày 10-6 trung đoàn 2 của sư đoàn bước vào chiến đấu. Thời gian cấp tốc như vậy đối với một đơn vị từng quen chiến đấu rừng núi, đùng một cái thọc xuống đồng bằng thì dù có đặt vấn đề chuẩn bị, huấn luyện cũng không còn thời gian. Lúc bấy giờ đang mùa mưa, địa hình Đồng Tháp Mười nước dâng mênh mông, nhưng đi xuống thì chưa được. Dấu vết hành quân lội nước để lại trên đồng trống đã là một sơ hở nguy hiểm. Quen chỉ huy chiến đấu chính quy bằng điện thoại, việc thông tin rải dây là sơ hở nguy hiểm nữa. Hành quân mặc dù có người dẫn, nhưng hễ bức đội hình chừng trăm mét, bị lạc là lạc luôn. Càng xuống sâu, càng lộ, địch bám sát đã đành; khó khăn lớn trong di chuyển đội hình là bị vướng lưới chiến tranh du kích: hầm chông, lựu đạn gài, chính của ta làm thương vong ta tới càng đau, hành quân 1 km tới sáu giờ đồng hồ, nên sư đoàn 5 đòi dẹp lưới chiến tranh du kích chiến tranh đi.

Bởi vậy, trung đoàn 2 sư đoàn 5 đánh chi khu Long Khốt không dứt điểm được, không phải là đáng trách, trái lại thật đáng tiếc là phải trả một giá quá đắt, mà sau này khi nói lại với nhau người ta cay đắng dùng chữ "trả vé" hoặc "phơi áo" để chỉ trận thua đau này, sau năm ngày vây lấn phải lùi về củng cố".

        Sĩ quan hành quân của tiểu đoàn 1/10, thuộc sư đoàn 7 BB nêu lên một trường hợp cụ thể đã xảy ra trên đường xâm nhập 1A, tại vùng giáp ranh hai tỉnh Kiến Tường và Long An, mà tài liệu của CS đã nhắc lại ở trên[88] :

"Một buổi chiều mùa nước nổi năm 1973, VC dùng xuồng ba lá xâm nhập địa phận Long An vào ban đêm mà không kịp nên chém vè trên cánh đồng lúa Tháp Mười. Trên trực thăng nhìn xuống, tôi thấy đống lúa chín vàng như một tấm thảm trải rộng, xuồng di chuyển trên lúa vạch thành những đường cong queo như những con trùn bò trên bãi sình. Theo vết bò, tôi khám phá ra điểm cuối xuồng ngừng lại tạo ra một đống cỏ nhỏ. Bay quanh một vòng, tôi đếm được không những 1 đống cỏ nhỏ, mà 2, 3 rồi đến vài chục đống cỏ nằm rải rác tại vùng đó. Tôi cũng thấy dấu nhiều đường xuồng lủi vào rừng tràm. Trung tá Mạnh[89], từ trên trực thăng gọi máy liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn xin cho hai chiếc gunship tấn công vào những đống cỏ, mục tiêu địch ẩn nấp đó. Rocket, đại liên nhả đạn liên tục vào những đống cỏ bên dưới ngoài đồng trống. Bắn hết đạn, hai chiếc gunship bay về phi trường Mộc Hóa lấy thêm đạn dược rồi trở lại bắn tiếp. Hai chiếc gunship bay đi bay lại 4, 5 lần như con thoi về Mộc Hóa lấy thêm đạn và hỏa tiển rồi mới ngưng. Quan sát bằng ống nhòm từ trên trực thăng, tôi thấy những mục tiêu bị bắn máu đỏ hòa trong nước loang khắp mọi vùng. Trên cao nhìn xuống, màu lúa vàng, nước xanh, máu đỏ trông giống hệt như chiếc mền thêu bông. Sau đó, các chiến sĩ thuộc Đại Đội Trinh Sát 10 do Trung Úy Thúy hay Trung Úy Bông chỉ huy (tôi không nhớ rõ) được đổ xuống vùng vừa bị gunship xạ kích để thu dọn chiến trường. Đại Đội Trinh Sát lục soát khắp vùng thấy dưới lớp cỏ phủ thành đống là những nhóm xuồng tụ tập lại, trên xuồng xác địch ngổn ngang. Các chiến sĩ bên ta lặn hụp dưới nước thâu lượm chiến lợi phẩm, kết quả có trên 50 vũ khí đủ loại tìm được".

        Thời điểm này, Trung tướng Trưởng đã rời khỏi chức vụ Tư lệnh quân đoàn IV nên ông chỉ nói sơ qua trận chiến kéo dài khoảng 20 ngày tại đây. Cũng theo ông thì sư đoàn 7 BB hoàn toàn kiểm soát được tình hình sau đó. Ông cũng ghi nhận đây là lần đầu tiên VC sử dụng hỏa tiển tầm nhiệt chống phi cơ SA-7 tại quân khu 4[90]. Sau 20 ngày tác chiến kéo dài lên tận đất Cao Miên, quân CS hoàn toàn rút lui khỏi chiến trường ngày 30/6.

        Sau chiến tranh quốc cộng, chính quyền CS cho cải biến chi khu Long Khốt thành đồn 773 thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là đơn vị 885), thuộc Bộ Tư lệnh biên phòng tỉnh Long An ngày 10/8/1975. Đồn phụ trách đoạn biên giới Việt - Miên dài 25 km qua hai xã Thái Trị và Thái Bình của tỉnh[91]. Ngày 14/1/1978, một trung đoàn quân Pôn-Pốt tấn công đồn. Trận đánh kéo dài suốt 43 ngày đêm và chấm dứt khi quân Khmer đỏ rút lui qua biên giới. Do vị trí lưu giữ những biến cố lịch sử trong cả hai cuộc chiến tranh quốc cộng lẫn chiến tranh bảo vệ biên giới phía tây-nam, chánh phủ CSVN đã ra quyết định số 500/QĐ.UB, xếp hạng đồn Long Khốt là di tích lịch sử[92].

        2.2.4. Quận Kampông Trabek, tỉnh Prey Veng, Cộng hòa Khmer

        Tỉnh Prey Veng nằm trên tả ngạn sông Cửu Long là một tỉnh khá đông dân. Theo tiếng Miên thì chữ Prey Veng có nghỉa là rừng rậm. Tỉnh nằm trên QL-1 của CPC, giữa bến phà Neak Luong đi Nam Vang và thành phố Kampông Chàm. Tỉnh cách thủ đô Nam Vang khoảng 90 km về phía đông. Phía bắc giáp với tỉnh Kampông Chàm, phía tây giáp tỉnh Kandal, phía đông giáp tỉnh Xoài Riêng và phía nam có chung đường biên giới với VN. Người ta có thể dùng đường bộ để đi từ Sài Gòn đến Prey Veng, mất khoảng 3 giờ và từ Prey Veng đi Nam Vang, mất 2.5 giờ.

        Tỉnh có diện tích là 4 883 km2, chiếm 2.7% tổng diện tích của nước CPC (181 035 km2). Dân số gồm 947 357 người (theo thống kê năm 2008). Ngày hôm nay, Prey Veng có 13 quận là Ba Phnum, Kamchay Mear, Kampông Trabaek, Kanhchriech, Me Sang, Peam Chor, Peam Ro, Pea Reang, Prah Sdach, Prey Veng, Kampong Leav, Sithor Kandal và Svay Antor.

        Tỉnh Prey Veng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 27ºC. Tháng 4 là tháng nóng nhất trong năm trong khi hai tháng mát là tháng chạp và tháng giêng. Hai nông sản chính của tỉnh Prey Veng là lúa và khoai mì, lâm sản không còn nữa vì rừng đã bị khai thác để lấy đất canh tác từ những năm sau chiến tranh.

        Trong khi chiến trận tại Long Khốt vửa tàn lụn thì tin tình báo lại cho biết VC tập trung tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng thời cùng với Khmer đỏ uy hiếp QL-1 của Cao Miên. Giữa tháng 6, CS chiếm được thị trấn Kampông Trabek và đến đầu tháng 7, chỉ thị trấn Neak Luong và tỉnh lỵ Xoài Riêng còn nằm trong tay Quân đội Quốc gia Miên[93]

        Ngày 4/7, FANK và QLVNCH tổ chức cuộc hành quân phối hợp mang tên Sorya để giải tỏa QL-1. QLVNCH tái chiếm Kampông Trabek ngày 24/7 và bàn giao lại cho quân đội Cộng hòa Miên ngay sau đó. Chuẩn tướng Kong Chhaith, Tỉnh trưởng tỉnh Tà Keo bị tử trận trong cuộc hành quân này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, VC đánh lấy lại (xem Sơ đồ 21-22).

        Ngày 31/7, nhiều đơn vị của QLVNCH gồm BB và BĐQ với tổng số quân lên đến 3000 người trở lại đất Miên để tái chiếm thị trấn Kampông Trabek và khai thông QL-1 nối liền Nam Vang với tỉnh Xoài Riêng.

        Ngày 6/8, quân khu 8 VC phát động đợt 3 của chiến dịch tổng hợp. Hướng chủ yếu là Đồng Tháp Mười, hướng thứ yếu là QL-1 của Miên. FANK ghi nhận có 31 xe thiết giáp các loại của CS bị phá hủy tính đến ngày 24/8[94]. Kampông Trabek lại rơi vào tay quân CSBV ngày 8/9. QL-1 nằm dưới sự kiểm soát của quân CS cho đến khi chấm dứt chiến tranh. QLVNCH do áp lực của VC tại Định Tường, không còn đủ lực lượng để giúp Cộng hòa Khmer lần nữa.

        Cuộc tấn công của trung đoàn 271 quân đội CSBV vào căn cứ Kampông Trabek của Quân đội Quốc gia Khmer, được mô tả lại như sau[95]:

"Đêm 31 tháng 9 năm 1972.

Các đơn vị bí mật tiếp cận mục tiêu theo phương án đã định. Đại đội 25 (đặc công) và tiểu đoàn 9 sẽ đánh vào hướng chủ yếu. Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 dự bị, sẵn sáng chi viện cho đơn vị bạn lúc cần thiết. Đến giờ G (13 giờ 30), các đơn vị đã ém gọn theo các vị trí định sẵn chỉ chờ hiệu lệnh là đồng loạt công kích giải phóng căn cứ này. Đại đội 25 chịu trách nhiệm phát hỏa trận đánh.

13 giờ 30 phút ngày 01 tháng 10 năm 1972, những tiếng nổ dậy đất của mìn ĐH10 (loại mìn định hướng, 10kg) do đặc công bò vào đặt dưới các chân rào bùng nhùng, cũi lợn, mái nhà ... thổi bay tất cả các loại hàng rào ấy, khai thông một lối vào căn cứ để cùng bộ binh lọt vào tung thâm, tiêu diệt các lô cốt đầu cầu cùng những ổ đề kháng và hỏa lực mạnh của địch.

Anh Nguyễn Đình Diệu, quê Sơn Tiến, Hương Sơn, cũng là lính đặc công đại đội 25 ngày ấy, nay là Đại tá, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cũng tham gia một mũi thọc sâu đánh vào tung thâm. Bây giờ, thỉnh thoảng anh em chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm về trận đánh lịch sử năm ấy.

Bộ binh của tiểu đoàn 9 tràn lên, đánh chiếm căn cứ. Trong vòng chưa đầy 40 phút, chúng tôi đã giải quyết xong trận đánh. Dưới ánh hỏa châu, bộ đội ta bắt tù binh, thu vũ khí rồi chất thành mấy đống lớn, dùng bạt che lại để chuẩn bị sáng mai chuyển đi. Thắng lợi đến nhanh hơn cả dự định. Thương vong không đáng kể. Mọi người đang hân hoan với chiến thắng.

Bỗng đại liên, 12,7 li, M79, M72, súng bộ binh, rồi cối 81 li dồn dập trút đạn về phía chúng tôi. Bất ngờ nên nhiều anh em hy sinh tại chỗ. Được thế, bọn địch xung phong, tấn công dồn dập. Chúng tôi trở tay không kịp vì không có phương án dự phòng. Trời đã tảng sáng. Đại liên địch bắn như mưa vào chúng tôi. Cối 81 li nổ chát chúa. Nhiều người gục xuống. Trời sáng dần. Đây là lợi thế của địch vì chúng nắm hoàn toàn thế chủ động và quan sát rất rõ. Cũng còn may là ở chiến trường Campuchia nên địch không có trực thăng như chiến trường miền Nam của quân ngụy Sài Gòn. Nếu không, chúng tôi sẽ chẳng còn một ai sống sót. Hoặc, nếu ai may mắn thoát chết, sẽ bị trực thăng đổ chụp bắt làm tù binh hết. Tiểu đoàn 9 thương vong nặng nề nhất, gần như mất hẳn sức chiến đấu. Số chết, số bị thương nằm la liệt trên cánh đồng Công Pông Tra Béc. Số còn lại cố thoát ra khỏi làn mưa đạn của các loại hỏa lực, hy vọng vượt qua quốc lộ 1 trước mặt (đường nối từ Gò Dầu lên Phnôm Pênh). Nếu qua được bên kia đường sẽ có cơ thoát chết. Đoạn đường này cao hơn mặt ruộng khoảng 1,5 mét. Nó chắn hết các loại đạn bắn thẳng. Biết ta cố sức vượt qua đường, bọn địch tập trung đại liên và 12,7 li rà sát mặt đường. Đạn cày trên mặt đường tóe lửa như trong lò gang. Nhiều đồng chí hy sinh ngay tại chỗ. Chúng tôi ở trong thế bị dồn đến chân tường. Trước mặt, trên đường thì đạn thẳng. Sau lưng là các loại hỏa lực khác như M79, M72, cối 81 ... Tôi không giải thích nổi là làm sao mình cùng một số rất ít anh em, cơ may nào mà vượt qua được bên kia đường trong làn hỏa lực khủng khiếp ấy. Tôi cũng không hiểu sao anh Diệu và một số đặc công hôm ấy, cũng may mắn thoát được sang bên kia đường ?! ...

Thất bại nào cũng có nguyên cớ của nó!

Đó là ... quá trình điều nghiên, cánh trinh sát đặc công không phát hiện ra được tuyến hầm ngầm phòng thủ của địch. Tình báo của ta và bạn đều không nắm được sự bố phòng bí mật ấy. Do vậy, không dự kiến hết tình huống, nên đã dẫn đến kết cục thất bại thảm hại và cay đắng đó. Nếu trước đây, tiểu đoàn 7 gần như bị xóa xổ bởi B52 ở rừng Tây Ninh[96] thì giờ đây, tiểu đoàn 9 đã bị lính Lon Nol cho "phơi áo" gần hết trên đất Campuchia. Các tiểu đoàn 7, 8 và các đơn vị trực thuộc cũng bị thương vong, tổn thất rất nặng nề. Chúng tôi thua bọn lính Lon Nol, một đội quân có trình độ tác chiến vào loại tồi. Quả là cay đắng và nhục nhã!".

        CĐT chi đoàn 3/2 đã ghi lại một trong những trận đánh giải tỏa Kampông Trabek của QLVNCH như sau[97] (xem Hình 37-40) :

"Từ sông Cái Cái, chúng tôi vượt sông Sở Hạ (sông ranh giới Việt-Miên từ Hồng Ngự về hướng Mộc Hóa) rồi vượt qua những cánh đồng, xóm làng … thẳng hướng Kompong Trabek. Sau khi vượt qua rặng cây cuối cùng, thị trấn Kompong Trabek sừng sững hiện ra trong nắng, ngay sát bên kia quốc lộ 1. Khi còn cách thị trấn khoảng 700 mét, chúng tôi dừng lại bố trí. Xe tôi nằm ngay dưới một cây đa to nên đã gặp phải một chuyện buồn cười: Vì chúng tôi đến quá nhanh, một anh bộ đội có nhiệm vụ quan sát còn đang kẹt ở trên cây đa mà chúng tôi không thấy! Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau anh ta tuột xuống. Anh chàng này rất mồm mép, chúng tôi chưa hỏi thì anh đã khai tùm lum, hình như anh ta có nói anh ta là thiếu úy, nhưng tôi không quan tâm ! Rồi anh ta còn bảo chúng tôi đưa bản đồ ra để anh ta chỉ những nơi đơn vị anh đang bố trí nữa! Tôi không thích những người mồm mép quá nên bảo anh em trói tay anh ta lại rồi bỏ đó.

Khoảng 2 giờ sau, phía Biệt Động Quân đề nghị chúng tôi dùng hỏa lực yểm trợ cho họ tiến chiếm thị trấn một lần chót, nếu họ vẫn không chiếm được thì sẽ giao cho chúng tôi thanh toán ! Nhiệm vụ yểm trợ đó được giao cho chi đoàn của anh Ngô Văn Cứ, còn tôi thì án ngữ mặt sau. Khi 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân bám được bên này bờ quốc lộ phía trước, thì từ ven làng phía sau mà chúng tôi đã vượt qua để nhìn thấy Kompong Trabek, Cộng quân bắn một quả đạn chống tăng vào một xe của chúng tôi, nhưng quả đạn chạm vào bờ mẫu và nổ tung.

Tôi đứng lên nhìn về ven cây rậm rạp nơi xuất phát quả đạn, quan sát địa thế và cân nhắc tình hình thật nhanh, nghĩ rằng như vậy là chúng tôi đang bị bao vây ! Khi đối phương có ý định bao vây hoặc khóa đuôi chúng tôi là một lực lượng gồm 3 tiểu đoàn BĐQ và 1 thiết đoàn (-) ngay giữa ban ngày như thế, thì chắc họ phải dùng đến một lực lượng đáng kể, tôi quyết định sử dụng toàn lực để xung phong thanh toán mục tiêu. Ngay sau đó tôi nói với cả đơn vị ý nghĩ của tôi : “Nó muốn khóa đuôi như ở Kompong Trạch ! Gặp Bạch Mã (Đơn vị tôi có phù hiệu hình đầu ngựa trắng đang phun lửa) mà mày muốn khóa đuôi là coi như mày đi nạp mạng rồi !”. Lập tức chi đoàn phó của tôi là Nghê Thành Thân lên tiếng : “Ngon ăn quá Đông Phương!”. Cùng lúc đó BĐQ đề nghị cho họ tăng cường một đại đội để tùng thiết, tôi từ chối vì mục tiêu quả thật rất ngon ăn !

Tôi điều động chi đội súng cối 107 ly và phân đội xe phun lửa vừa mượn của thiết đoàn án ngử bên phải, 5 chiếc của chi đội yểm trợ án ngử bên trái, còn lại 15 chiếc của 3 chi đội khinh kỵ thì tôi dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong. Khi 3 khẩu súng cối vừa rót đạn vào mục tiêu, thì lập tức 15 con cua sắt gầm rú lên xông tới. Khi còn cách mục tiêu khoảng 300 mét tôi ra lệnh khai hỏa … 45 khẩu đại liên trên 15 chiếc xe khinh kỵ đồng loạt nhả đạn. Địch bắt đầu bắn trả bằng một quả B-41, một quả hỏa tiễn chống tăng AT-3[98], cả hai đều chạm vào bờ mẫu phía trước và phát nổ chứ không trúng xe nào cả (Hỏa tiễn AT-3 sẽ không có hiệu quả đối với mục tiêu ở gần hơn nửa cây số vì chưa thể điều chỉnh đạn đạo được, còn B-41 mà ở tầm 300 mét thì chẳng ăn nhằm gì), tiếp theo là một loạt đại liên từ cụm cây bên phải bắn ra. Tôi liền điều động khẩu đại bác không giật 106 ly cho một quả vào đó, thế là khẩu đại liên im bặt. Với hỏa lực dày đặc của 45 khẩu đại liên, toàn bộ mục tiêu chìm trong khói bụi mịt mù. Và chúng tôi đã bám được mục tiêu. Lập tức tôi ra lệnh cho khinh kỵ hạ chiến trong khi những khẩu đại liên vẫn tiếp tục giăng lưới lửa.

Gần 10 phút sau, trong cơn cuồng nộ của những con ngựa sắt đang gieo sấm sét hung tàn, thì từ trong sâu, phía sau của vườn cây có 3 chiếc áo được đưa lên cao bằng cây tre quơ qua quơ lại… Họ đã đầu hàng !".

        Chiến trận ở phía nam và gần biên giới Việt - Campuchia, trong vùng Chân Tượng vào cuối tháng 7/1972 đã được một cán binh của trung đoàn 271 ghi lại như sau[99] :

"Tôi tham gia trận đánh ở Công Pông Rồ (gần Mộc Hóa, Kiến Tường). Hôm ấy, sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn cùng các tiểu đoàn bảo an phối hợp với quân ngụy Lon Nol, mở đợt phản kích chiếm lại khu Mỏ Vẹt. Trên 100 xe tăng và xe bọc thép M113 rầm rộ tiến sang đất Campuchia. Trung đoàn đã lên phương án tác chiến, dự kiến mọi tình huống khả dĩ xảy ra. Nhưng chúng đã không đi đúng ý đồ chiến thuật của ta mà xộc ngay vào trung đoàn bộ. Một tình huống nằm ngoài dự kiến. Chiến xa địch lổm ngổm như cua giữa cánh đồng trống trải hàng mấy dặm vuông. Phía sau là bộ binh theo sát. Trên đầu, trực thăng quần đảo. trung đoàn lệnh cho các tiểu đoàn phải bằng mọi giá đẩy lùi xe tăng địch ra khỏi vị trí. Địa hình trống trải và rộng nên hỏa lực ta phát huy được xung lực tối đa. Đồng thời, có sự phối hợp của đơn vị bạn sử dụng B72 (một loại vũ khí chống tăng mới, bắn tầm xa) nên xe tăng, xe bọc thép của địch bị cháy mười mấy chiếc. Đây là địa phận giáp giới Campuchia nên việc tiếp vận thuận lợi hơn. Do vậy, ta có đủ tiềm năng hỏa lực để đối phó với địch. Bất ngờ, bị thiêu cháy nhiều xe tăng, địch vội rút lui về hướng Kiến Tường, gọi phi pháo đánh vào các vùng nghi ngờ có lực lượng ta. Trước đó đã có một số trận giao chiến giữa ta và địch. lần này chúng tổ chức một cuộc hành quân lớn có sự phối hợp với ngụy Lon Nol hòng tiêu diệt lực lượng ta. Cuộc hành quân thất bại, kế hoạch của chúng bị phá sản. Đó là những ngày cuối tháng 7 năm 1972".

        Cường độ chiến tranh cũng đã được một sĩ quan thuộc sư đoàn 7 BB xác nhận[100] :

"Sáng ra, Tiểu Đoàn 1/10[101] được chia thành nhiều toán lên trực thăng nhảy vào Compongrou. Tiểu đoàn hành quân theo đội hình tam giác đáy đi trước, Đại Đội 1 và 4 đi cánh trái, Đại đội 2 cánh phải, giữa là Đại Đội Chỉ Huy, sau cùng là Đại Đội 3. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Compongrou rộng mênh mông, ít cây cối, tầm quan sát rất xa, vài cây thốt nốt cao lêu nghêu, vài căn nhà nhỏ lụp xụp núp trong những chòm tre nhỏ. Tóm lại, đây là bãi đất trống, đổ quân xuống không chạm địch, độ 10 phút sau, các đại đội báo cáo thấy nhiều đường dây điện thoại mắc ngoài đồng, bên ta lấy được nhiều đạn súng cối. Lệnh Tiểu Đoàn Trưởng tiếp tục tiến lên lục soát, đơn vị hành quân bây giờ bung ra rất rộng. Tôi hăm hở vào xóm Miên, thấy nhà cửa bỏ trống, cả xóm không có một bóng người nào. Cánh đồng khô cạn, không giếng nước, ruộng không có bờ chia vùng như ở Việt Nam và cũng khô queo. Chung quanh nhà Miên có nhiều cây gậy, đồ dùng cá nhân khắc hình đầu con rắn, con chim, v.v. Tôi nhặt vài món nho nhỏ bỏ vào ba-lô làm vật kỷ niệm về một chuyến đi Kampuchea!

Hướng trước mặt xa mút tầm mắt, chúng tôi thấy một đoàn người, dù chỉ thấy những dáng người lờ mờ, nho nhỏ nhưng tôi biết họ mặc đồ quân đội, mang ba-lô đi nhanh qua và đang di chuyển về sườn trái bọc hông Đại Đội 1 và 4. Trung úy Ta, Trưởng Ban Hành Quân gọi về BCH/TrĐ yêu cầu xác định nhóm người đó là địch hay bạn. BCH/TrĐ cho biết đó là đơn vị bạn (thật ra đó là địch và họ đang bao vây tiểu đoàn tôi). Độ 30 phút sau, phần cuối đoàn người này dừng lại và quay lại tiến về hướng tiểu đoàn tôi, cách bộ chỉ huy tiểu đoàn độ 1 cây số, bất thần đại liên 12 ly 8 nổ phủ đầu về hướng tôi, tiếng nổ vang rền, đạn lửa bay đỏ trời mặc dù khoảng 3 giờ chiều, tiếp theo là đạn pháo kích của địch rót tới tấp".

        3. HẬU QUẢ

        Tài liệu của Mỹ ghi nhận thị trấn Kampông Trach bị 1500 quân CS chiếm sau 17 ngày vây hãm[102]. Yếu tố thời gian này không chính xác và đã được trình bày ở phần trên.

        Bảng 7 ghi nhận những thiệt hại về quân dụng của QLVNCH trong trận Kampông Trach.

BẢNG 7 : THIỆT HẠI VỀ QUÂN DỤNG TRONG TRẬN KP TRACH

THỜI ĐIỂM

CHI ĐOÀN /

THIẾT ĐOÀN

 

THIỆT HẠI

 

ĐỊA ĐIỂM

21-22/3/1972

1/12

4 TVX M-113169

2 đại bác 105 ly[103]

2 xe vận tải 2.5 tấn GMC M-135 6x6 169

Căn cứ Kampông Trach

 

 

22/3

1/12

4 TVX M-113169 Ton Hon

24/3

3/12

5 TVX M-113[104] Kh Damnak Kantuot

26/3

9

23 TVX M-113[105] Kh Damnak Kantuot

đầu tháng 4

-

1 phi cơ quan sát L-19169

1 trực thăng UH-1169

cách căn cứ Kampông Trach khoảng 2 cây số về phía nam

giữa tháng 4

1/16

1 TVX M-125169 giữa KP Trach - Hà Tiên

 

3/16

1 TVX M-113169

 

cuối tháng 4

2/2

1 TVX M-113[106] phía nam căn cứ KP Trach

3/2

2 TVX M-113172

 

TỔNG CỘNG

 

 

41 TVX

2 đại bác 105 ly

2 xe vận tải M-135

1 phi cơ quan sát L-19

1 trực thăng UH-1

 

 

        Như vậy có 41 TVX bị phá hủy theo các nhân chứng, là các chi đoàn trưởng đã tham chiến. Đây là con số chính xác nhất so với những tài liệu hiện có. Trong khi đó, cố vấn trưởng BK 44 báo cáo có hơn 60 TVX bị phá hủy và hư hại[107]. Một tài liệu quân sử của Mỹ ghi lại kết quả của trận Kampông Trach gồm 1160 địch quân bị hạ. QLVNCH có 224 người bị tử trận, 153 binh sĩ mất tích và 1031 người khác bị thương, tịch thu được 324 vũ khí các loại. Số TVX bị phá hủy và hư hại là 56 chiếc[108].

        4. NHẬN XÉT

        4.1. Chiến thuật

        Khả năng tác chiến cũng như tinh thần chiến đấu của QLVNCH được đánh giá cao trong trận chiến này. Cũng nhờ vào hai yếu tố vừa kể, các đơn vị tham chiến đã biến những sai lầm trên hai mức độ chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch thành chiến thắng.

        Một điểm khá quan trọng cần đề cập ở đây là nguyên nhân thiết lập và giá trị của căn cứ Kampông Trach.

        Trung tướng Trưởng cho rằng mục đích thiết lập căn cứ Kampông Trach là để ngăn chận quân CS tiến về vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Hầu hết các sĩ quan đã tham chiến cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên việc rút bỏ căn cứ một cách gấp rút cũng như việc quân CS tấn công và chiếm giữ nhà máy xi-măng Hà Tiên sau đó khiến người ta phải đặt dấu hỏi về sự hữu hiệu của căn cứ này. 

        Dĩ nhiên là trước khi thiết lập một căn cứ thì cấp chỉ huy phải nghĩ đến triển vọng có thể bị địch quân bao vây và những hệ lụy tiếp theo như tinh thần binh sĩ cũng như phương tiện tiếp tế, tản thương và vấn đề tiếp vận. Những gì xảy ra trong suốt tháng 4 năm 1972 cho thấy BTL/BK 44 và BTL quân đoàn IV có thể đã lượng định sai hay không nghĩ đến những điểm nói trên.

        4.1.1. Vị trí chiến thuật

        Căn cứ Kampông Trach đã được quân đội Pháp thiết lập trong chiến tranh Đông Dương. Sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, căn cứ trở thành quận đường của chính quyền Miên. Khi QLVNCH hành quân vượt biên trong những năm 1970-71 thì thiết kỵ thường dựng lều vải khi đóng quân trong vùng này. QLVNCH đã thiết lập thành một căn cứ cố định vào đầu năm 1972. Vị trí cách ngã ba chợ Kampông Trach khoảng 200 m. Công binh thiết lập một hầm nổi bằng bao cát để BCH/HQ làm nơi thuyết trình và trú ẩn, kế bên là hai ụ dành cho đại bác 105 ly. Chung quanh có mấy hàng rào kẽm gai concertina. Chu vi phòng thủ này có đường kính khoảng 200 m. Về địa thế thì phía bắc căn cứ khoảng 2 cây số có dãy núi cao 300 m, từ đây địch quân có thể quan sát mọi hoạt động trong căn cứ. Phía tây là rừng và đất lầy. Vườn tiêu nằm ở phía tây-bắc. Phía đông và nam căn cứ có nhiều cánh đồng lớn[109].

        Sau chiến tranh, khi hồi tưởng lại, CĐT chi đoàn 1/16 viết[110] :

"Nên biết thêm là điểm đặt căn cứ nầy đúng ra là nơi thường xuyên trước kia BCH nhẹ thiết đoàn 12 và 16 di chuyển đến tạm đóng, để chỉ huy và theo dõi các chi đoàn hoạt động.giữ an ninh xa ngoài lãnh thổ VNCH, khi không có các đơn vị lớn nào của cộng quân hoạt động. Vị trí này rất bất lợi khi trở thành căn cứ chính cho BCH/HQ của một chiến đoàn, vì nơi này nằm gần thị trấn Kampông Trach, cách khoảng hơn 500 m về hướng nam; về hướng đông-bắc chừng 500 m là một khu gò mối lớn (nơi CĐ 3/12 TK bị đánh cháy 5 M.113). Vị trí BCH /HQ cũng chỉ nằm cách đầu dãy núi ở hướng Bắc khoảng hơn 2 cây số. Từ trên núi, VC nhìn xuống thấy rõ mồn một mọi di chuyển trong căn cứ và sơn pháo bắn trực xạ xuống một cách tự do. Khu vực này là khu vực của hai thiết đoàn 12 và 16 thay phiên nhau thường xuyên có mặt nơi đây từ giữa năm 1971, chứ không phải là căn cứ do các đơn vị BĐQ trấn giữ. Nó chỉ là khoảnh đất trống nhỏ, chỉ mới được đại đội công binh lập nên cho trung đội pháo binh 105 mm dùng làm nơi trú ẩn và đài tác xạ và thiết đoàn KB đặt BCH tạm.

Vị trí bất lợi như vậy, chẳng hiểu cấp chỉ huy nào lại cho lập một căn cứ hỏa lực nhỏ tại đây, nhất là lại đặt BCH/HQ của một chiến đoàn như thế. Nếu đặt như vậy thì ít nhất cũng phải có một đơn vị cấp tiểu đoàn chiếm lấy chân núi lẫn các đỉnh cao trên núi, đàng này không có đơn vị nào của ta đến được gần chân núi. Và nếu nói là để chặn  đường vận chuyển này của địch từ tây sang đông thay vì cho bố trí nơi đây một thiết đoàn và BB tùng thiết chiếm giữ những đìểm thuận lợi kềm giữ chúng, lại đặt cái BCH/HQ nặng nề này, phải kéo theo cả hai thiết đoàn hành quân lẩn quẩn bao quanh và chịu pháo của địch. Riêng 3 tiểu đoàn BĐQ đã phải sử dụng tiểu đoàn 94 bố trí giữ khu chung quanh và thị trấn Kampông Trach, nếu không BCH/HQ dễ gì được yên".

        BTL/QĐ IV cho thiết lập và duy trì căn cứ này với hai mục đích :

  • Ngăn cản VC tiến quân vào lãnh thổ quân khu 4 của VNCH.
  • Ngăn chận đường xâm nhập 1C của VC vào tỉnh Kiên Giang trước khi đi xuống U Minh.

        CĐT chi đoàn 1/16 cho rằng trong suốt thời gian từ giữa năm 1971 đến đầu năm 1972, ông thường hành quân trong vùng nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy bằng chứng nào về chuyển vận hàng hóa hay đồ tiếp liệu của quân CS. Trong khi đó, chi đoàn 3/2 lại đang thiết lập hàng rào kẽm gai dọc theo kinh Tám Ngàn từ Vàm Rày (giữa khoảng đường Hà Tiên - Rạch Giá) vào đến Ba Chúc, quận Tri Tôn và vùng Thất Sơn của tỉnh Châu Đốc để ngăn chận đường xâm nhập này trước khi nhận được lệnh lên Kampông Trach[111]. CĐT chi đoàn 3/2 cũng xác nhận rằng khó chận đứng được sự xâm nhập của đường 1C[112] :

"Chính vì đường dây xâm nhập này mà Tướng Trần Bá Di cho chi đoàn tôi đóng ở kinh Tám Ngàn gần Kiên Lương (chạy từ đó đến quận Tri Tôn của tỉnh Châu Đốc) với nhiệm vụ ngăn chận đường dây xâm nhập này !

Việc làm như trò chơi trẻ con, vì địa thế sình lầy, M113 không thể di chuyển thẳng từ con đường Rạch Giá - Hà Tiên để theo dọc con kinh Tám Ngàn mà đến Tri Tôn được (rừng tràm thì chúng tôi có thể cán lên mà đi được, nhưng nếu gặp những “con trấp” thì không thể ! Con trấp là những con sông nhỏ nằm ngầm dưới mặt đất nên mình không thấy nó, nhưng với sức nặng của xe M113 khi đi ngang qua nó thì bị lún xuống, có lần tôi chặt cả ngàn cây tràm bỏ xuống để xe đi qua cũng chẳng ăn thua !), lại không có đơn vị nào tùng thiết để đặt những toán tiền đồn thì làm sao ngăn chận. Nó muốn xâm nhập thì chỉ cần tránh xa chúng tôi vài cây số là tự do đi thôi !

Chúng tôi đã dùng lao công đào binh để dựng hàng rào cọc sắt kẽm gai dọc suốt bờ kinh Tám Ngàn. Với loại hàng rào như thế, nó muốn đi qua thì chỉ cần dùng kềm cắt vài cái là xong!".

        Một cựu sĩ quan tình báo thuộc phòng 2 sư đoàn 21 BB xác nhận sự xâm nhập của VC vào quân khu 4. Bắt đầu từ mật khu Ba Thu, VC xâm nhập vào mật khu Trí Pháp qua hai đường 1A và 1B. Sau đó tiếp tục theo QL-1 của Miên lên Túc Mía rồi qua đường 1C đi vào khu rừng tràm Trà Tiên qua Giang Thành[113]. Nguyên chi khu trưởng chi khu Hà Tiên một lần nữa xác nhận chi tiết này[114]. Đây là lý do tại sao các thiết đoàn KB hành quân chung quang Kampông Trach không tìm thấy dấu vết của VC. Trách nhiệm vùng hành quân của các đơn vị KBTG chỉ bao gồm đến phía tây của kinh Steeng Tonhon (kinh chảy từ Túc Mía xuống Tonhon - Giang Thành) trong khi vùng phía đông của con kinh (hay phía bắc của mật khu Trà Tiên trên phần đất VN) mới là nơi VC xâm nhập.

        Sau chiến tranh, tài liệu của CS ghi lại chi tiết về con đường 1C này[115] :

“Đoàn 195 do Quân khu IX thuộc miền Tây Nam Bộ tổ chức từ năm 1966, sau khi tuyến vận tải của Đoàn 125 trên biển gặp khó khăn do sự kiện Vũng Rô. Nhiệm vụ của Đoàn 195 là tiếp nhận vũ khí từ biên giới Campuchia đưa về miền Tây. Trưởng đoàn không phải ai khác mà là một trong những cán bộ rất thông thạo công việc này, đó là ông Phan Văn Nhờ tức Tư Mau[116]. Chính ủy của đoàn là ông Trương Tấn Lộc, tức Bảy Lúa. Trụ sở của đoàn đóng tại huyện lị huyện Túc Mía, thuộc tỉnh Cam Pốt, Campuchia. Địa điểm này cách biên giới Việt Nam khoảng 30 km.

Tại huyện lị Túc Mía có con sông Túc Mía chảy qua và xuôi dòng xuyên biên giới chảy vào kênh Vĩnh Tế ở sát biên giới Việt - Miên. Đó là một thuận lợi rất lớn. Hàng do Đoàn 17 chuyển giao được đưa về bến Lò Vôi ngay tại đoạn sông Tắc Mít tại Túc Mía, sau đó được chở bằng thuyền của tổ chức Việt kiều do ông Tư Chức đứng đầu.

Các tàu này chở hàng xuôi con sông Túc Mía xuống một địa điểm sát biên giới là Sóc Chuốc. Tại đó có đặt một kho hàng hóa để chuẩn bị đưa vào nội địa. Kho này có sức chứa khoảng 300 tấn, mật danh là trạm 95, tức tổng trạm của Đoàn 195.

Từ trạm 95 về tới địa điểm cuối cùng thuộc căn cứ hậu cần Quân khu IX có tất cả 6 trạm: từ trạm 95 qua kênh Vĩnh Tế có trạm 90. Vượt qua con kênh 8.000 có trạm 85. Về tới huyện Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang có trạm 80. Đi tiếp đến rừng Tràm Dưỡng là trạm 70. Qua lộ Cái Sắn đến rừng tràm Thanh Bình là trạm 60. Qua Tân Hiệp đến Ba Đình là tổng trạm 50, tức căn cứ của hậu cần Khu IX”.

        Tài liệu của CS xác nhận mục đích kềm giữ đa số lực lượng trừ bị và có khả năng lưu động của quân đoàn IV tại chỗ, không tiếp viện, ngăn trở chiến dịch trên QL-13 hay yểm trợ phản công những đánh phá bình định trên khắp lãnh thổ của quân khu 4 [117] :

“Chiến dịch Nguyễn Huệ là chiến dịch tiến công trên hướng phối hợp quan trọng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên phía bắc Sài Gòn, giải phóng khu vực có ý nghĩa chiến lược ở miền Đông Nam Bộ, tạo thế đứng chân, đưa chủ lực Miền từ ngoài biên giới về Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu ở Trị Thiên, thu hút, ghìm chân chủ lực ngụy, tạo điều kiện cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nổi dậy đánh phá bình định".

        Một sĩ quan QLVNCH đã nhìn thấy những động thái khác thường của VC chung quanh Kampông Trach, ngay khi vừa mới vào trận [118] :

        "Bên này anh em binh sĩ nấu nướng ăn uống thì bên kia bọn VC cũng đi ngờ ngờ đun nấu thức ăn nhìn nhau, khói lửa, người đi rõ ràng, như rằng đã có mật ước ngầm với nhau, không ai phá đám nhau cả".

        Và tình trạng này vẫn tiếp tục nhiều ngày sau đó :

"Một tối khi được lệnh sang bố trí đóng quân đêm về phía nam căn cứ của BCH/HQ, trời vừa xẩm tối, những toán BĐQ đi tiền đồn ra vị trí chỉ định. Một toán nọ vừa tới nơi đã chạm mặt một toán VC đang ở tại đó, chắc cũng là tiền đồn của địch, đã chạy ngược trở vào hổn hển báo cáo lại, và cho biết toán VC này cũng tháo chạy mà chẳng bên nảo bắn nhau cả. Sáng ngày, bọn nó cũng đứng lảng vảng bên tuyến bố phòng của chúng đun nấu như chúng tôi ở bên này một cách yên lành không giống như các chiến trường khác mà tôi gặp qua, dễ gì được bình thản như vậy, đây cũng là một chiến thuật khác lạ của địch nơi đây".

        Để kết luận về mức độ chiến dịch của địch mà cấp chỉ huy của ông đã bỏ qua hay không để ý đến :

"Rõ ràng là khi bọn Bắc Việt mở mặt trận trên An Lộc là chúng muốn chúng ta không còn nguồn viện binh, nên chúng đưa một đơn vị lớn đến đây làm áp lực như muốn đánh chiếm quận lỵ Hà-Tiên, để ta đưa cả lực lượng trừ bị QĐ IV qua lãnh thổ Miên để nhốt chúng ta bên đó. Ta mở mặt trận này là ta đã thua trí bọn chúng. Tại sao chúng ta phải luôn thua trí VC mãi như thế, tướng lãnh ta thiếu mưu lược chăng ! Tôi không có ý phê phán, nhưng tôi nghĩ trên dưới chúng ta chỉ biết nghĩ rất ngắn trong khi kẻ địch lại có con đường xa hơn. Nếu nói là thua chúng về mưu trí cũng không sai và suýt nữa cả về mặt chìến lược, nếu như An Lộc thất thủ".

        Khoảng 40 năm sau, có lẽ ông đã có câu trả lời xác đáng hơn, nhưng tiếc thay là không ai được xóa bàn để làm lại cả.

        Trận đánh Kampông Trach do đó có thể xem là mô hình thu nhỏ của trận Điện Biên Phủ năm 1954. Tướng Navarre cho thiết lập tập đoàn cứ điểm ĐBP để lôi cuốn Việt Minh xa địa bàn Hà Nội đồng thởi cản họ tiến quân qua vùng Thượng Lào, có thể đưa đến sự thất thủ của đế đô Luang Prabang[119]. Quân Pháp tiếp tục đổ thêm quân vào lòng chão ĐBP, từ 6 tiểu đoàn nhảy dù khi bắt đầu cuộc hành quân Castor đã lên đến 21 tiểu đoàn (khoảng 15 000 quân) khi căn cứ bị thất thủ. QLVNCH tăng quân tại Kampông Trach từ một chi đoàn và một tiểu đoàn BĐQ (-) lên đến bốn thiết đoàn và bốn  tiểu đoàn BĐQ lúc lui binh. Tuy nhiên ĐBP là mặt trận chính trong khi Kampông Trach lại không. Lý do này sẽ được bàn luận trong phần nghệ thuật chiến dịch tiếp theo. Rồi cũng như ở ĐBP, pháo kích gây thiệt hại về tâm lý nhiều hơn là các cuộc tấn công. Quân CS sử dụng rất hiệu quả các đại bác đặt trên núi đá vôi bắn thẳng vào căn cứ. Họ biết rõ hiệu quả này vì từ bấy giờ, nếu có cơ hội thì từ các cao điểm họ sử dụng sơn pháo với tác dụng tối đa. Quân CS gọi các đại bác 75 ly[120] là "hoàng tử lưng gù" do cấu trúc có dạng lồi lên ở giữa. Các sơn pháo này tuy cũ nhưng có thể tháo rời từng phần để mang lên các điểm cao. Có thể áp lực từ chiến thuật tập kích hỏa lực này đã khiến BCH/HQ báo cáo về Tư lệnh quân đoàn IV đưa đến quyết định cho lui binh.

        Cũng nằm trong chiến thuật tập kích hỏa lực, VC bắt đầu sử dụng rộng rãi các đại liên phòng không DShK 12.7[121] ly để chống bộ binh. Thiết đoàn 16 trong một chuyến tiếp tế khi trở lại căn cứ Kampông Trach vào đầu tháng 5/1972, đã bị thiệt hại vì hỏa lực mạnh mẽ này[122]. Không lâu sau đó, tiểu đoàn 1/10 thuộc sư đoàn 7 BB trong khi hành quân qua Miên cũng đã bị thiệt hại bởi đại liên 12.7 ly[123]. Cả một đại đội BĐQ bị cầm chân bởi khẩu đại liên phòng không tại cảng Sa Huỳnh vào đầu năm 1973[124]. Càng gần đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến thì hỏa lực địch càng mạnh. Đại liên phòng không 12.7 ly được thay thế bởi đại bác phòng không 37 ly với hậu quả trầm trọng hơn. Ngày 20/7/1974, căn cứ Nông Sơn bị thất thủ sau hai ngày bị VC tấn công với hỏa lực của các đại bác bắn thẳng này[125]. Thưc ra việc sử dụng vũ khí phòng không để chống bộ binh đã được cả hai phía Đức và Nga áp dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong chiến tranh VN, VC chỉ sử dụng nhiều khoảng trước khi hiệp định Paris được ký kết cho thấy mức độ đạn dược được tiếp tế dư thừa của đối phương, hậu quả trực tiếp từ việc Mỹ rút khỏi miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh không còn bị ngăn chận như trước nữa.

        Người ta cũng có thể cho rằng lệnh rút bỏ căn cứ Kampông Trach vì nó đã mất giá trị về chiến thuật sau khi mặt trận An Lộc bùng nổ? Cuộc lui binh quá gấp rút tại Kampông Trach chứng tỏ giả thuyết này không đứng vững. Không thể bỏ căn cứ ngăn chận VC xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long với bất cứ lý do nào theo quan niệm phòng thủ tuyến của QLVNCH. Ngoài ra cũng nên biết rằng có hai hình thức lui binh, đó là tự ý lui binh hay bị bắt buộc phải lui binh. Lui binh bằng bất cứ phương cách nào cũng phải tổ chức phản kích để tránh sự truy đuổi của địch quân, hầu tránh thất bại hoàn toàn. Không cứu được tiểu đoàn 94 BĐQ thì làm thế nào có thể nghĩ đến việc phản công ? Hoặc đảo ngược mệnh đề là nếu có tổ chức phản công thì tiểu đoàn BĐQ đã không bị bỏ rơi.

        Nhận xét này lại đưa đến một vấn đề mâu thuẩn. Tại sao địch quân không truy kích trong khi QLVNCH lui binh trong khẩn cấp ? Chỉ có một lý do để có thể giải thích cho câu hỏi này. Tình hình mặt trận có thể khác xa với những gì được báo cáo về BTL/BK 44 hay cao hơn là BTL/QĐ IV. Cảm tưởng bị bao vây đã khiến BCH/HQ mất tinh thần nên một khi được lệnh lui binh thì phải thực hiện nhanh chóng. Tình thế tương tự của các BTL quân đoàn I & II trong biến cố năm 1975 cho thấy tâm lý này. Cuộc pháo kích của VC vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn dù tại đồn điền Ông Thinh, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 1964, cho thấy tâm lý của ngưòi lính, ngồi đếm pháo địch sẽ sợ hơn là tác chiến[126]. Trung tướng Trưởng có lẽ cũng đã đoán được tinh thần các thuộc cấp của ông nên đã căn dặn các phi công trực thăng không được chở bất cứ sĩ quan cấp tá nào ra khỏi căn cứ này, khi họ bay vào để rước phi hành đoàn trực thăng bị bắn rơi, còn kẹt trong căn cứ đồng thời mang theo thuốc men và tiếp liệu[127].

        Ai đó đã cho rằng có sự tái ngộ kỳ thú[128] giữa Trung tướng Trưởng, Đại tá Đại (BĐQ) và Đại tá Gia (TG) trên cùng chiến trường quân khu 1 sau đó (tại Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, năm 1973[129]) thì có lẽ cũng nên nhắc lại sự trùng hợp ngẫu nhiên của Trung tướng Trưởng khi chỉ huy cuộc lui binh của quân đoàn I[130]-[131] và Chuẩn tướng Tất (BĐQ), người sẽ chỉ huy cuộc lui binh trên liên tỉnh lộ 7B năm 1975, nhưng với tầm mức và hậu quả to tát hơn nhiều.

        CĐT chi đoàn 3/2 quan sát cường độ hỏa lực địch khá mãnh liệt khi phi cơ C-130 đến thả dù tiếp tế cho căn cứ Kampông Trach trước khi căn cứ bắt đầu lui binh cho thấy VC vẫn còn hiện diện đông đảo trong vùng. Do đó việc địch quân không truy kích khi QLVNCH lui binh tại Kampông Trach lại càng khẳng định hơn nữa mục đích của họ chỉ là để cầm chân QLVNCH tại đây mà thôi. Với sự hiện diện của lực lượng thiết giáp mạnh thì dĩ nhiên truy kích là hoàn toàn bất lợi.

        Một chi tiết có thể đưa đến tranh luận là căn cứ Kampông Trach, trên thực tế có bị bao vây hay không ? Câu trả lời phải tùy theo thời điểm và phản ứng của cả hai bên tham chiến. Sai lầm chiến thuật khiến QLVNCH tự đặt mình vào thế bị động. Phân tích các phương pháp tác chiến mà VC gọi là thủ đoạn tiến công thì người ta có thể trả lời cho sự tranh luận, nếu có. Thật ra thì VC có 5 chiến thuật chính, dịch ra từ binh pháp phương Tây và sửa đổi để phù hợp với chiến trường VN, tùy thuộc vào quân số của họ và nhất là để đối phó với QLVNCH được trang bị những quân cụ tối tân :

  1. Đột phá (tiềm nhập)

Vị trí : phía tấn công tập trung mọi nỗ lực vào điểm yếu trong trận địa phòng ngự của đối phương nhằm phá vỡ thế phòng ngự, mở cửa đưa lực lượng chủ yếu vào sâu trong trung tâm phòng ngự của đối phương.

Thời gian : thường xảy ra ở giai đoạn đầu của trận đánh.

Điều kiện : nếu điều kiện địa hình cho phép thì triển khai đột phá hai bên sườn. Nếu điều kiện địa hình không cho phép thì tổ chức tấn công chính diện, lực lượng đột phá mạnh hơn hẳn đối phương ở điểm đột phá.

Thành phần tham gia : nhị thức bộ binh - thiết giáp với yểm trợ của pháo binh. Sau khi mở được cửa, điểm đột phá thường chọn nơi địa hình thuận lợi cơ động cho xe tăng, thiết giáp tiến công liên tục, mãnh liệt nhiều lần.

  1. Vu hồi : phối hợp với các phương pháp tác chiến khác để nhanh chóng chia cắt lực lượng và ngăn chặn các lực lượng đối phương từ phía sau di chuyển lên.

Điều kiện : triển khai cùng lực lượng đột phá.

  1. Thọc sâu (thâm nhập) : nhằm nhanh chóng đưa lực lượng vào sâu trong tuyến phòng ngự chiều sâu của đối phương, để đánh chiếm mục tiêu chủ yếu và chia cắt lực lượng đối phương.

Điều kiện : triển khai cơ động trong đội hình đột phá.

Thời cơ : khi lực lượng mở cửa đánh chiếm tạo bàn đạp đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng : như chiến thuật vu hồi.

  1. Bao vây : là phương pháp tấn công vào chính diện phòng ngự của đối phương đồng thời cô lập, không cho đối phương rút chạy hoặc ngăn cản lực lượng ứng cứu giải tỏa của đối phương.
  2. Tấn công chính diện : đánh vào trận địa của đối phương trên một tuyến có nhiều đường tiếp cận, điều kiện địa hình cho phép hoặc lực lượng đối phương tan rã.

        Như vậy, VC đã áp dụng chiến thuật vu hồi khi để lực lượng trú phòng tại Kampông Trach rút lui. Mục đích kềm giữ lực lượng QLVNCH tại đây là chủ yếu.

        Khá lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, Đại tướng Hoàng Văn Thái trong bài phát biểu ý kiến về chiến trường Campuchia của mặt trận B2 trong những năm tháng cũ, đã viết[132] :

"Ta cũng đã xác nhận ở chiến trường Campuchia là một "mắt xích" yếu nhất của Mỹ trên chiến trường Đông Dương, vậy thì ta điều chủ lực lên đánh địch ở chiến trường Campuchia trong thời gian ấy là rất đúng, vừa căng được địch ra, kềm chân địch lại, diệt được nhiều sinh lực địch, hỗ trợ trực tiếp được cho đánh phá bình định ở chiến trường miền Nam và vừa giúp được cách mạng Campuchia phát triển nhảy vọt, lại vừa giải quyết được rất nhiều khó khăn do địch gây cho ta bằng phong tỏa kinh tế, đẩy ta ra xa ngoài biên giới rồi cấu kết với bọn phản động Lonnon - Sirik Matak hòng diệt ta trên đất thánh".

        Ngoài những thất lợi về mặt chiến thuật, việc thiết lập căn cứ Kampông Trach còn là một điều sai trái trên phương diện ngoại giao. Trong cuộc thăm viếng chính thức của một phái đoàn do Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Bộ trưởng quốc phòng VNCH hướng dẫn, đến Nam Vang vào tháng 5/1970, chính phủ hai nước Việt và Miên thỏa thuận thiết lập một vùng đất có bề sâu 15 km dọc theo hai bên đường biên giới giữa hai nước. Chính quyền sở tại cấp tỉnh và quận được toàn quyền điều động lực lượng quân sự qua lại để bảo vệ an ninh diện địa mà không cần được sự cho phép trước của chính quyền trung ương của cả hai nước. Ngoài ra Cộng hòa Miên còn đồng ý để QLVNCH thiết lập một căn cứ quân sự tại Neak Luong. Khoảng một tháng sau thỏa thuận này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sang thăm căn cứ và được sự đón tiếp trọng thể của Quốc trưởng Cheng Heng, Tướng Lon-Nol và Hoàng thân Trung tướng Sirik Matak[133].

        Nói như vậy để hiểu rằng BTL quân đoàn IV đã làm sai nguyên tắc ngoại giao, khi cho thiết lập một căn cứ thứ nhì. Trung tướng TMT Quân đội Quốc gia Miên biết điều này nên khi ghi lại trận Kampông Trach thì chỉ nói rằng QLVNCH hành quân trong vùng chứ không nhắc đến một căn cứ cố định. Có lẽ cũng không ai nghĩ đến thất lợi trên phương diện chiến tranh chính trị, tâm lý dân chúng địa phương khi Khmer đỏ lợi dụng để tuyên truyền về sự hiện hữu một căn cứ của quân đội "ngoại xâm" với thỏa thuận của "ngụy quyền" Nam Vang.

        Cũng có thể biện luận cho chiến tranh vượt biên là một điều cần thiết, như một học giả Trung quốc là Từ Quang Dụ với bài viết "Theo đuổi biên giới chiến lược không gian ba chiều hợp lý", đăng trong báo Giải Phóng Quân Trung Quốc ngày 13/4/1987. Ông Từ viết : "Biên giới địa lý lấy lãnh thổ, lãnh hải, lãnh không; được quốc tế công nhận làm chuẩn, còn biên giới chiến lược không chịu sự giới hạn của lãnh thổ, lãnh hải, lãnh không. Biên giới chiến lược quyết định không gian sinh tồn[134] của một dân tộc, một quốc gia, cho nên cần tìm mọi cách để đẩy chiến trường từ biên giới địa lý ra biên giới chiến lược". Tuy nhiên sẽ không là một hữu lý nào về chiến thuật và NTCD nếu cứ đánh và rút và sau cùng là không đủ mạnh để tái chiếm một vị trí chỉ có tính cách chiến thuật mà không thỏa mãn được mục tiêu của chiến dịch. May mắn là QLVNCH không rơi vào lỗi lầm như các nhà lập thuyết Trung quốc trong cuộc chiến Trung - Việt năm 1979; là sau khi lui binh khỏi Kampông Trach thì cho rằng "Đã dạy cho Khmer đỏ một bài học", nhưng khi xét lại thì mình lại bị thiệt hại nặng hơn đứa học trò ngỗ ngáo của mình.

        4.1.2. Tiếp liệu và Tản thương

        Điểm thứ nhì rất thông thường trong chiến tranh là không lượng định đúng được khả năng tiếp vận và tản thương. Đây chính là sai lầm của Hitler trong trận Stalingrad (một thành phố ở hướng tây-nam nước Nga) cũng như Tướng Navarre trong trận ĐBP (Việt Minh gọi là thung lũng Mường Thanh, nằm ở phía tây-bắc Bắc Việt). Tại Stalingrad trong mùa đông năm 1942, không quân Đức không tiếp tế đầy đủ cho chiến trường đúng như Thống chế Goering đã hứa với Hitler. Do không lượng định được khả năng phòng không của Việt Minh, căn cứ ĐBP không nhận được tiếp tế đầy đủ cũng như không tản thương được từ tháng 3/1954. Tại Kampông Trach, không quân Mỹ phải thả dù khiến một phần tiếp tế rơi vào tay đối phương.

        Đường bộ từ Hà Tiên cũng khá xa và dễ bị VC đóng chốt. Nên lưu ý đóng chốt sẽ khác với bao vây nghĩa là nếu lực lượng mạnh hay di chuyển bất ngờ thì sẽ lưu thông được giữa Kampông Trach và Hà Tiên. Đây cũng là một chi tiết cần nói thêm. Trung tướng Trưởng dặn dò CĐT chi đoàn 3/2 rằng họ lên Kampông Trach để khai thông đường tiếp tế, giải tỏa sự bao vây. Tuy nhiên ông lại không đề cập đến chiến thuật mà các sĩ quan đã từng chiến đấu trong hàng ngũ của quân đội Pháp thường đề cập là "élément de receuil", nghĩa là sử dụng một lực lượng mạnh để yểm trợ cho một cuộc lui binh. Thí dụ như lữ đoàn 173 Dù của Mỹ yểm trợ cuộc lui binh tại Đức Cơ năm 1965 hay sư đoàn 5 BB đón BĐQ lui binh từ Chơn Thành năm 1975[135]. Nếu đúng như vậy thì cũng có nghĩa là Trung tướng Trưởng đã có quyết định cho lui binh ngay từ lúc đó.

        Nói đến khoảng cách thì phải đề cập một thiếu sót nghiêm trọng nữa trong việc thiết lập căn cứ cố định tại Kampông Trach. Trong các cuộc hành quân tại biên giới Việt - Miên, khi KBTG hoạt động với các sư đoàn bộ binh thì nhận được sự yểm trợ của pháo binh sư đoàn. Nhưng khi được điều động bởi BK 44 thì không có pháo binh yểm trợ. Tuy nhiên khi cho thiết lập một căn cứ cố định thì lại là một việc khác. Căn cứ Kampông Trach do đó hoàn toàn không có pháo binh yểm trợ sau khi hai đại bác 105 ly cơ hữu đã phải phá hủy từ những ngày đầu. Có bốn đơn vị pháo binh trong vùng, một đặt tại Giang Thành cùng với BCH Tiền phương của BK 44, trung đội thứ nhì đóng tại Vĩnh Gia, phía đông Giang Thành. Trung đội pháo binh tại Giang Thành có nhiệm vụ yểm trợ các cuộc hành quân viễn thám của BĐQ gần về hướng Giang Thành hơn là để yểm trợ cho căn cứ Kampông Trach. Trung đội thứ ba đặt tại thành Hà Tiên và trung đội cuối cùng tại Lục Sơn. Đường bán kính Lục Sơn - Kampông Trach là 13 km, Giang Thành - Kampông Trach là 15 km trong khi Hà Tiên - Kampông Trach là 19 km. Vĩnh Gia càng xa hơn nữa, khoảng gần 50 km. Trong khi tầm tác xạ của đại bác 105 ly là 11.2 km, của 155 ly là 14.6 km. Không dấu hiệu nào cho thấy có sự hiện diện của pháo binh 155 ly. Các sĩ quan trong căn cứ Kampông Trach cũng cho biết rằng họ không được sự yểm trợ của pháo binh trong suốt thời gian tồn tại của căn cứ này. Sơ sót này là trách nhiệm từ đầu của người cho thiết lập căn cứ. Trên nguyên tắc, pháo binh chính xác hơn và có khả năng yểm trợ trong mọi thời tiết trong khi trực thăng hay phi cơ thì không được như vậy. Lại càng nguy hiểm hơn khi dựa vào sự yểm trợ của không quân Mỹ. Như đã biết, yểm trợ không quân Mỹ trong tình trạng nhỏ giọt và bất thường vì đang dồn hết nỗ lực cho mặt trận An Lộc.

        4.1.3. Cuộc lui binh đúng nghĩa ?

        Điểm thứ ba là lệnh lui binh khỏi căn cứ Kampông Trach quá khẩn cấp khiến tiểu đoàn 94 BĐQ bị kẹt lại. Có hai giả thuyết được đặt ra cho vấn đề này.

        Đây có thể là sai lầm của BCH tiểu đoàn BĐQ để địch quân trộn lẫn khi đóng quân lâu tại địa phương. Tuy nhiên cũng có thể là kỵ binh rút lui quá nhanh chóng khiến ngay cả TĐT hay BCH của tiểu đoàn không lên kịp các thiết vận xa, trong khi địch quân đang áp sát tuyến phòng thủ. Thế nhưng tại sao BCH/HQ không tìm cách tiếp cứu đơn vị bị bỏ lại sau khi lui binh. Sau chiến tranh, Liên đoàn trưởng liên đoàn 42 CT/BĐQ chỉ xác nhận là Thiếu tá TĐT tiểu đoàn 94 BĐQ có nhận đươc lệnh lui binh. Tuy nhiên ông lại không nhắc đến trách nhiệm của chính ông khi bỏ lại một đơn vị thuộc quyền. Vì vấn đề trách nhiệm và khó khăn của cuộc lui binh, BCH/HQ có thể phải ở lại sau cùng và rút lui với đơn vị chót. Thiếu tướng Phạm Văn Phú cũng đã không làm như vậy khi quân đoàn II rút khỏi Plei Ku - Kon Tum năm 1975. Hành động này được cho là một trong những nguyên nhân đưa đến hỗn loạn và thất bại. Nói "có thể" là vì trong quân sử không hiếm có những trường hợp người chỉ huy cao cấp di tản trước ! Một thí dụ tiêu biểu là khi Corregidor sắp bị quân đội Nhật chiếm đóng vào tháng 3/1942, Đại tướng MacArthur đã xuống tàu, giao quyền chỉ huy lại cho thuộc cấp, thoát được số phận tù binh. Điều đáng đề cập hơn nữa là ngày 1/4/1942, bảy ngày sau khi lực lượng Mỹ tại Phi đầu hàng và Tướng Mac Athur đã ung dung tại Úc, Tổng thống lại ban thưởng cho ông Danh dự Bội tinh (Congressional Medal of Honor), huy chương cao quý nhất của nước Mỹ. Cuộc lui binh nổi tiếng Dunkerque năm 1940 cũng cho thấy không ai nhắc đến Tướng Gort, Tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh (BEF) xuống tàu lúc nào, chỉ biết là nhiều sư đoàn trong nhiệm vụ đoạn hậu bị kẹt lại nhưng không có ông trong số này. Mặc dù được cho đây là cuộc lui binh thành công nhất trong quân sử thế giới, Tướng Gort không được Thủ tướng Churchill giao chức vụ chỉ huy nào nữa cho đến khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt. Các sĩ quan Anh cao cấp được thủy phi cơ cứu thoát trước tại đảo Crete trong chiến tranh thế giới thứ II được cho là đã tạo ra hỗn loạn, thất bại cho cuộc lui binh bằng đường biển này (28-31/5/1940). Có lẽ đáng đề cập nhất là trường hợp của Trung tướng H G Bennett (1887-1962), nguyên là Thiếu tướng Tư lệnh sư đoàn 8 Quân đội Hoàng gia Úc (AIF), đã giao quyền chỉ huy lại cho Chuẩn tướng C A Callaghan rồi tự động bỏ đơn vị, đào thoát khi Singapore thất thủ ngày 15/2/1942. Chính phủ Úc đã cố gắng che dấu sự thật trong chiến tranh nhưng nội vụ ra ánh sáng sau khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt. Năm 1945, một ủy ban điều tra quân sự được thiết lập và kết luận rằng ông đã đào ngũ.

        Một cuộc lui binh phải được tổ chức thành ba thành phần : bảo vệ, đoạn hậu và cánh quân rút lui chính[136]. Một bằng chứng nữa về cuộc rút lui hỗn loạn tại căn cứ Kampông Trach khi trình tự lui binh không được tuân thủ. Không khó để trả lời cho câu hỏi hậu quả gì sẽ xảy ra nếu quân CS ngăn chận và tấn công ngay khi cuộc lui binh bắt đầu.

        4.1.4. Thiệt hại không cần thiết của thiết đoàn 9

        Điểm thứ tư là thiệt hại của thiết đoàn 9 khi được lệnh vào vùng hành quân ngay khi vừa đến Kampông Trach và trời đã tối. Tất cả các tài liệu hiện có lại không phân tích về chi tiết này mặc dù thiệt hại khá nặng về nhân mạng và quân dụng. Cũng có hai giả thuyết cho vấn đề này.

        Đầu tiên là ý kiến cho rằng có hiềm khích trước giữa Đại tá Của, TLP mặt trận Kampông Trach và Trung tá Xuân, Thiết đoàn trưởng thiết đoàn 9[137]; bắt nguồn từ việc xưng danh 801 thay vì Cải Cách của ông Của, có vẻ muốn chứng tỏ uy quyền khi ra lệnh cho ông Xuân cũng như không đồng ý trì hoãn sự di chuyển đến sáng ngày hôm sau, trong khi tình hình Kampông Trach không có gì quá khẩn cấp. Hậu quả là ông Của bắt buộc ông Xuân phải đi vào sạn đạo.

        Giả thuyết thứ nhì là bản đồ hành quân thông thường có tỉ lệ 1:50 000, trong đó dĩ nhiên không ghi rõ các vườn tiêu. BCH/HQ cũng như thiết đoàn trưởng thiết đoàn 9 có thể chỉ biết địa thế trên bản đồ nhưng không rành thực địa. Binh chủng kỵ binh có thiết lập bản đồ bình địa với các đặc tính thế đất cho vùng hành quân. Tuy nhiên bình đồ chỉ hiện hữu khi hành quân trong lãnh thổ VNCH nhưng không có khi hành quân ngoại biên. CĐT chi đoàn 1/12, một cấp chỉ huy đã từng hành quân khá lâu tại Kampông Trach viết[138] :

"Địa thế bên Miên khác xa với địa thế của VNCH vì Miên là vùng đất Lục Chân Lạp còn lãnh thổ quân khu 4 của VNCH là Thủy Chân Lạp. Phải hành quân một thời gian dài ở bên Miên mới có thể có được nhận định như vậy. Hai ông Đại tá, theo tôi nghĩ thì không ông nào đã từng đặt chân đi bộ trên vùng đất này nên không thể nào có một nhận định chính xác về địa thế khi hai ông ra lệnh cho Thiết Đoàn 9. Khu tây-bắc quận lỵ Kampong Trach là một khu mà trên bản đồ vẽ khiến người ta cứ tưởng là những ruộng lúa nhưng thực tế đó là một khu toàn các cây nhỏ lúp xúp cao chừng 70 cm tới hơn một thước mà thôi. Dân Miên đã đắp những ụ cao khoảng một thước rưỡi để trồng tiêu. Mỗi ụ cách nhau chừng 50 mét. Đây là vị trí lý tưởng cho địch đặt súng B-40, B-41 hoặc AT-3. Trung tá Xuân cũng như hai vị Đại tá không rõ địa thế vùng tây-bắc Kampong Trach nên đã nhào vào ổ phục kích cấp tiểu đoàn của địch".

        Hướng tiếp cận khu vực hành quân cũng như nguyên nhân bị thiệt hại của thiết đoàn 9 đã được ông ghi lại như sau[139] :

"Phía bắc nơi Trung tá Xuân bị đánh là khu vực mà Việt Cộng gọi là khu chợ giải phóng. Hai ông đại tá có lẽ vì e ngại Việt Cộng sẽ tấn công căn cứ từ hướng tây-bắc vì đây là con đường tiếp cận rất thuận tiện cho quân CS khi chúng muốn tấn công căn cứ. Do đó mới có quyết định đưa đơn vị của ông Xuân vào vị trí này để ngăn chận hướng tấn công của địch, nhưng hai ông lại không biết rõ địa hình nơi này, cứ tưởng nơi đây là cánh đồng ruộng lúa như hướng phía đông căn cứ. Ông Xuân cũng vậy, thành ra khi tiến quân vào khu vực này ông đã điều động đơn vị di chuyển theo hàng dọc. Khi bị địch tấn công không xoay trở được. Tôi đã ở đó lâu, mỗi lần vào khu vực chợ giải phóng, tôi đều đi theo đội hình chi đội hàng ngang vì như vậy mới kiểm soát bao quát được cả khu vực".

        4.1.5. Phòng thủ căn cứ dã chiến

        Điểm thứ năm là sự cần thiết của căn cứ Kampông Trach. Như đã phân tích ở phần trên, Trung tướng Trưởng định sử dụng căn cứ Kampông Trach làm điểm tựa để ngăn giữ quân CS không xâm nhập xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cả hai phương diện quân số (sư đoàn 1 VC) và tiếp vận (đường 1C). Tuy nhiên BTL/QĐ IV hay BCH/BK 44 lại không tiên đoán được cuộc bao vây hay đóng chốt của quân CS tất yếu sẽ xảy ra và những hệ lụy sau đó.

        Đây có thể là hội chứng trại LLĐB của Mỹ trong thập niên 60. Quân đội Mỹ thiết lập các trại LLĐB dọc theo biên giới VNCH với hai nước láng giềng Lào và Cao Miên. Mục tiêu của các căn cứ này là theo dõi và ghi nhận những xâm nhập lén lút qua biên giới. Tuy nhiên khi đường mòn HCM được mở rộng và quân đội CSBV xâm nhập cấp trung đoàn thì tính chất thiết yếu của các trại LLĐB không còn nữa. QLVNCH tác chiến theo lối Mỹ với phương tiện chiến tranh của Mỹ nên vẫn giữ thói quen cố hữu (the ink dies hard), thành ra Trung tướng Trưởng bay lên Kampông Trach hàng ngày nhưng ông vẫn cho phép duy trì một căn cứ cố định. Những toán thám sát, tuần tiễu lại không được thường xuyên và liên tục gửi ra bên ngoài hay tổ chức những cuộc hành quân mở rộng chu vi phòng thủ đồng thời thu thập tin tức về đường xâm nhập 1C. Tình trạng kéo dài cho đến khi quân CS bao vây rồi phải rút lui. Tính chất chiến thuật của căn cứ Kampông Trach gần như không đạt được gì cả trên cả hai mục tiêu để thiết lập căn cứ này.

        Thay vào đó, cũng với 4 thiết đoàn và liên đoàn 42 CT/BĐQ có sẵn trong tay, quân đoàn IV tổ chức những cuộc hành quân di động để phá hủy hậu cần trên khắp vùng biên giới thì có lẽ hiệu quả hơn. Trên nguyên tắc, căn cứ hỏa lực có tính cách thụ động, phòng thủ nhưng kết hợp với bộ binh là để yểm trợ cho bộ binh hành quân tìm và diệt địch, có tính cách chủ động, tiến công[140]. Ngoài ra nguồn cung cấp do thu mua trên đất Miên trước khi chuyển xuống đường 1C có khối lượng rất lớn và ngay cả sau khi Lon-Nol lên nắm quyền, đóng cửa hải cảng Kampông Som với các tàu hàng của CSBV. Các sĩ quan KBTG cũng đều cho rằng thế đất vùng này rất thuận tiện cho các cuộc hành quân thiết giáp. Do đó không khai thác sở trường (di động tính cao và hỏa lực mạnh) mà lại sử dụng sở đoản (dùng thiết giáp làm pháo đài phòng thủ) là một điểm khó giải thích về mặt chiến thuật. Tiền nhân ta đã biết thắng địch nhờ biết cách khai thác khiến địch quân phải sử dụng sở đoản thay vì sở trường. Cuối năm 1076, quân Tống tiến về phòng tuyến sông Như Nguyệt, tuyến phòng thủ cuối cùng của hoàng thành Thăng Long. Lý Thường Kiệt biết quân của Tướng Tống Quách Quỳ không quen thủy chiến nên đã ngầm sai Lý Kế Nguyên chặn đánh thủy quân Tống tại Đông Kênh. Không có thủy quân giúp qua sông, lục quân Tống hai lần vượt sông đều bị quân nhà Lý đẩy lui. Đợi đến năm sau, khi quân địch hao mòn vì không quen thời tiết, Lý Thường Kiệt đang đêm cho quân vượt sông tấn công, quân Tống bị thiệt hại nặng. Giữ thế tiên phong, ông giảng hòa, mở đường cho quân giặc lui binh về nước.

        Một đạo quân di chuyển bằng cái dạ dày hay chén canh tạo nên người lính[141] cho thấy tầm quan trọng của kho tàng, tiếp liệu đối với quân CS. Cuộc bao vây Kampông Trach kéo dài thì họ phải dự trữ sẵn thực phẩm và đạn dược. Nếu QLVNCH tổ chức hành quân càn quét để tịch thu hay phá hủy những vị trí tồn trữ thì có thể quân CS phải rút lui. Quan niệm hành quân như vừa nói cũng đã được áp dụng thành công với ba thiết đoàn ngày 28/4/1974[142].

        Lúc bấy giờ, có lẽ quá sớm để BTL quân đoàn IV đọc được những lời phê bình của một sĩ quan thiết giáp Mỹ đã từng chiến đấu tại VN, khi QLVNCH sử dụng thiết giáp trong thế phòng ngự [143] : "Kinh nghiệm của tháng 4 năm 1972 cho thấy một cách hiển nhiên và nhanh chóng rằng thiết giáp sử dụng trong vị trí cố định thì những ưu điểm về hỏa lực, di động, áp đảo sẽ không được khai thác khiến từng đơn vị lần lượt bị tiêu diệt".

        4.1.6. Lui binh

        Điểm sau cùng cần đề cập là khuyết điểm của cuộc lui binh. Lui binh có rất nhiều nguyên nhân :

  • Lừa địch (đánh lạc hướng) để tổ chức các cuộc hành quân khác
  • Điều chỉnh lại hệ thống phòng thủ trong kế hoạch hành quân
  • Phối trí lại lực lượng, căn cứ trên tình trạng hiện tại cũng như dự phóng cho tương lai khi cần tái vũ trang, bổ sung lực lượng, v.v.
  • Rút ngắn đường tiếp vận (Lines Of Communication hay LOC)
  • Di chuyển lực lượng đến một vị trí thuận lợi hơn
  • Bảo tồn lực lượng, tránh tổn thất vì không có cơ hội thắng trận
  • Kéo dài thời gian cần thiết, tránh một cuộc giao tranh lớn
  • Bắt buộc đối phương ở vào thế bất lợi để ta có thể nắm được thế tiên phong (thí dụ tổ chức phục kích địch quân truy kích)
  • Bắt buộc đối phương phải kéo dài đường tiếp vận hoặc gây thêm tổn thất cho địch.

        Sau khi thẩm định các nguyên nhân trên và quyết định phải lui binh thì cấp chỉ huy sẽ có 4 phương cách :

  • Di tản chiến thuật (Tactical withdrawal) là loại hình lui binh hữu hiệu nhất. Di tản chiến thuật giúp cải thiện thế chiến thuật hoặc tạo ra lợi điểm hơn so với đối phương hay di chuyển đến một địa thế thuận lợi hơn. Thông thường nhất là kéo dài thời gian để chờ đợi viện binh.
  • Đoạn chiến (Disengagement) là lui binh nhưng vẫn phải trì hoãn chiến với địch quân.
  • Phá vòng vây (Breakout) là lui binh trong trường hợp khẩn cấp, có thể phải hy sinh một số đơn vị.
  • Bỏ chạy (Rout) là lui binh trong hỗn loạn, xảy ra khi bị bao vây hay yếu kém về quân số, tinh thần chiến đấu, v.v.

        Trên lý thuyết, cuộc lui binh tại Kampông Trach có thể giúp tái phối trí lực lượng vì tình hình tổng quát của cả quân khu lúc bấy giờ cũng như để tái lập sẵn sàng một lực lượng trừ bị. Đúng ra cuộc lui binh chỉ thuộc hình thức đoạn chiến nhưng vì các lỗi lầm chiến thuật đã đề cập ở trên nên đã trở thành hỗn loạn.

        4.2. Nghệ thuật chiến dịch

        4.2.1. Ai Chỉ Huy ?

        Vấn đề lãnh đạo & chỉ huy được đặt ra ở đây vì người ta thấy Trung tướng Trưởng bay trực thăng lên Kampông Trach gần như hàng ngày trong khi căn cứ lại án binh bất động. Đại tá Hoàng Đức Ninh, Tư lệnh BK 44 gần như là một bóng mờ tại mặt trận này. Việc Đại tá Gia không có mặt để chỉ huy lữ đoàn 4 KB của ông cũng đã có người thắc mắc[144]. Vậy ai là người chỉ huy mặt trận ? Đúng ra thì Trung tướng Trưởng không nên bao biện công việc này mặc dù theo ông thì đây là mặt trận chính. Có đúng đây là mặt trận chủ yếu hay không cũng đã được phân tích ở trên. Năm 1972, QLVNCH tại quân khu 4 mạnh hơn đối phương nhưng chiến tranh tại đây phức tạp hơn do VC áp dụng NTCD tổng hợp, không giống NTCD tiến công như tại các quân khu khác.

        Xét trên bình diện chiến dịch thì CS sẽ đánh khắp nơi tại quân khu 4, tư lệnh quân đoàn nên để cho tư lệnh biệt khu hay người chỉ huy mặt trận xử trí từng nơi. Đến khi căn cứ Kampông Trach bị áp lực nặng thì ông lại xen vào hệ thống quân giai, ra lệnh trực tiếp cho phi công trực thăng không thông qua hệ thống chỉ huy. Công việc thiết yếu hơn là tìm ra trọng tâm của địch quân trong chiến dịch do đó đã không có ai phụ trách. Trong khi ông lại bỏ thời gian đi thăm bếp ăn của từng binh sĩ và ngồi dẫn đầu đoàn xe chở quân ra trận hay bay trực thăng hàng ngày trên bầu trời Kampông Trach, tạo ra hiểm nguy không cần thiết cho tư lệnh quân đoàn. Thực tế là trong những chuyến bay mạo hiểm này, trực thăng chở ông đã bị hỏa lực VC bắn rơi gần Lục Sơn nhưng tin tức này được giữ kín để giữ vững tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp tại Kampông Trach. Hình ảnh Tướng Patton xuống chân đồi cột lại dây giày cho một binh sĩ Mỹ chỉ có trong phim ảnh của Hollywood mà thôi. Ông đang là tư lệnh quân đoàn, ông chỉ nên điều động hay lập kế hoạch ở cấp quân đoàn. Sự thanh liêm, trong sạch, chăm sóc thuộc cấp vẫn chưa đủ để chiến thắng quân thù. Trình độ của Trường CH&TM Fort Leavenworth thiếu vắng tại đây và trong lúc cần thiết nhất. Người ta có thể kết luận như vậy vì trong nghệ thuật quân sự, phải áp dụng đủ ba cấp độ chiến lược, NTCD và chiến thuật. Cấp quân đoàn có thể không liên quan nhiều đến chiến lược nhưng hai cấp độ còn lại giúp người chỉ huy sắp xếp một cách luận lý các cuộc hành quân, phân phối nguồn nhân, vật lực và chỉ định đúng vị trí cấp chỉ huy trong hành quân[145]. Việc Trung tướng Trưởng bao biện mọi việc tại mặt trận Kampông Trach là một khuyết điểm. Bây giờ thử căn cứ trên binh thư để xem nếu áp dụng NTCD thì cấp chỉ huy phải hành động như thế nào, đặt những xử trí tại Kampông Trach vào đúng vị trí của nó.

        NTCD đòi hỏi cấp chỉ huy phải thỏa mãn 4 câu hỏi về mục tiêu (ends), phương cách (ways), phương tiện (means) và những bất trắc có thể xảy ra (risk)[146]:

  1. Mục tiêu (ends) của căn cứ Kampông Trach trong kế hoạch của BTL quân đoàn IV là ngăn cản sư đoàn 1 VC tràn vảo lãnh thổ của quân khu. Sư đoàn 1 VC đánh Kiên Lương chứng tỏ mục tiêu không đạt được. Mục tiêu của địch quân là cầm chân QLVNCH không tăng viện được cho mặt trận khác cũng không được xét đến.
  2. Phương cách thi hành (ways) để đạt được mục tiêu đã định là sử dụng các đơn vị kỵ binh và BĐQ nhưng lại để các đơn vị rơi vào tình thế bị bao vây cho thấy cấp chỉ huy không nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề thứ nhì.
  3. Việc sử dụng nhiều đơn vị cho thấy quân đoàn IV có đầy đủ phương tiện trong tay. Nhưng ...
  4. Việc sử dụng thiết đoàn 2, đơn vị trừ bị cuối cùng cho thấy xác xuất bất trắc đã không được cứu xét. Không đặt giả thuyết có thể bị địch quân bao vây, đóng chốt, lệ thuộc quá nhiều vào không quân Mỹ là những bất trắc khác mà BTL quân đoàn IV đã không cho là quan trọng.

        Như vậy chỉ 1 trong 4 điều kiện đòi hỏi ở cấp độ NTCD được thỏa mãn cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu NTCD.

        4.2.2. Sai lầm về tình báo

        Tình báo của QLVNCH gần như hoàn toàn sai lầm khi nhận dạng các đơn vị của CS cũng như không tìm hiểu được NTCD của đối phương đã khiến chiến trường thêm đẫm máu. Mặc dù đánh thắng đối phương nhưng có lẽ không phải trả giá cao nếu đã phán đoán đúng. Sai lầm về tình báo trong chiến tranh thường đưa đến những hậu quả trầm trọng. Mặc dù sai lầm chiến lược trong trận hải chiến Midway (4-7/6/1942) là Mỹ đã đọc được mật mã của Nhật nhưng sai lầm chiến thuật là thám thính cơ của hải quân Nhật đã định vị sai hạm đội của Mỹ đưa đến quyết định sai lầm của Đô đốc Nagumo. Hậu quả dĩ nhiên là Nhật mất 4 hàng không mẫu hạm. Hải quân Nhật không bao giờ hồi phục được sau trận hải chiến này. Cũng trong chiến tranh thế giới thứ II, không ảnh cũng như gián điệp Đức đã báo cáo sai lầm số lượng chiến đấu cơ do nền công nghiệp Anh chế tạo mỗi tháng khiến không quân Đức bị thất bại trong chiến dịch oanh tạc nước Anh (Battle of Britain) bước đầu đưa đến thất bại sau cùng của chế độ phát xít.

        Bảng 3 trên cho thấy trong số 16 trung đoàn VC hiện diện trong lãnh thổ quân khu 4 năm 1972, thì tình báo của QLVNCH chỉ nhận dạng được một vài đơn vị mà thôi. Sai lầm lớn nhất là hoàn toàn không biết được hai trung đoàn bao vây căn cứ Kampông Trach là của đoàn C30b. Đơn vị này sau khi hoàn tất công tác đánh nghi binh cho mặt trận An Lộc đã được lệnh di chuyển lên đất Campuchia nên QLVNCH lại cho đó là sư đoàn 1 của CS. Khi sư đoàn 1 sử dụng chỉ có hai đại đội đánh chiếm nhà máy xi-măng Hà Tiên thì cho rằng cả sư đoàn tham dự. Hậu quả là BTL quân đoàn IV tung ra một lực lượng quá lớn để phản công, vi phạm nguyên tắc lực lượng kiệm ước trong tác chiến[147].

        Do đó ngay cả khi tin tức tình báo chính xác thì cũng không mấy ai tin. Tình báo Mỹ đã báo trước chiến dịch Quảng Trị của quân đội CSBV nhưng tin tức này đã không được các cấp chỉ huy Việt Mỹ tại quân khu 1 lưu ý[148]. Ngày 30/3/1972, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai vẫn cho hai trung đoàn 2 và 56 của sư đoàn 3 BB hoán đổi vị trí đóng quân khi CS bắt đầu cuộc TCK. QLVNCH tại quân khu 1 đã hoàn toàn bất ngờ vì không sử dụng tin tức tình báo ! Trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/7/2011 tại California, cựu Chuẩn tướng Giai xác nhận BTL sư đoàn 3 BB hoàn toàn bị bất ngờ khi VC bắt đầu tấn công ngày 29/3/1972. Tuy nhiên ông lại cho rằng ông không nhận được tin tức tình báo nào về các hoạt động di chuyển quân của CS[149].

        Chiến tranh thường kéo theo sự may rũi. Lực lượng tham dự để giải tỏa và chiếm lại nhà máy xi-măng Hà Tiên đông gấp nhiều lần quân số VC tham chiến đã khiến BTL sư đoàn 1 nhận thấy ngay tử địa nếu đưa đại đơn vị này xâm nhập theo kế hoạch. Chiến thuật sử dụng quá nhiều lực lượng này cũng xuất xứ từ CS. Mao Trạch Đông gọi đó là dùng dao mổ bò để giết gà. Đó cũng là phương cách mà quân đội CSBV đã áp dụng tại Ban Mê Thuột năm 1975, sử dụng 6 sư đoàn tấn công áp đảo trung đoàn 53, sư đoàn 23 BB. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lại cho rằng[150] : "Như thế là Tây Nguyên có bốn sư đoàn và bốn trung đoàn độc lập, lại có Sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 phối hợp. Tây Nguyên trở thành một tập đoàn rất mạnh, có tới sáu sư đoàn, mạnh hơn một quân đoàn. Đó là cái nút của thắng lợi. Đó là sự sáng suốt, nhìn xa trông rộng của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu. Ta vừa có thế, vừa có lực lượng mạnh, nên ta làm được mọi nhiệm vụ, yêu cầu của một chiến dịch lớn". Tỉ số về quân số 18:1 khiến người ta có thể đặt câu hỏi là ông có nghĩ gì về nguyên tắc kiệm ước trong tác chiến để tự hào cho đó là sáng suốt hay nhìn xa trông rộng ?

        Cũng cần nên biết thêm rằng BTL quân khu 9 của VC đã nhiều lần đề nghị đưa một sư đoàn BB xâm nhập vào lãnh thổ quân khu 4 của VNCH nhưng đều bị BTL Miền từ chối. Lý do là từ năm 1969, mỗi năm VC cho một trung đoàn xâm nhập xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đều bị QLVNCH tiêu diệt[151]. Năm 1972, sư đoàn 1 của VC thử thời cơ tại Kiên Lương nhưng phản ứng quá mạnh mẽ của QLVNCH đã làm họ chùn bước. VC thay đổi hướng xâm nhập bằng cách đưa sư đoàn 5 vào Kiến Tường với hậu quả càng nặng nề hơn nữa. Tuy nhiên phải hiểu là tất cả đều nằm trong chiến dịch của VC.

        4.2.3. Thất bại nghệ thuật chiến dịch

        Nghệ thuật chiến dịch (NTCD) đã được giải thích trước đây[152]-[153]. Tuy nhiên một số chi tiết tổng quát được lập lại ở đây để dễ dàng cho người đọc và nhất là trận Kampông Trach là một thí dụ điển hình của sai sót khi QLVNCH không nghiên cứu NTCD của đối phương.

        NTCD là bước trung gian giữa chiến lược và chiến thuật, được các binh thuyết gia Nga như Kamenev, Isserson, Varfolomeev, Svechin, Triandafilov, Tukhachevsky nghiên cứu và tìm ra trong thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 để giải quyết tình trạng kéo dài, bất phân thắng bại trên chiến trường. Điển hình là chiến tranh hao mòn trong chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918) hay trong cuộc nội chiến Nga (1917-1923). Quân đội Đức sử dụng chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng để tiêu diệt đối phương, thỏa mãn mục tiêu của chiến dịch[154]. Tương tự như vậy, hồng quân Nga phát triển chiến thuật thọc sâu và bao vây chia cắt để có thể đạt được mục tiêu NTCD.

Binh thư của CS giải thích nguồn gốc cũng như thời điểm bắt đầu áp dụng NTCD trên chiến trường VN[155]:

“Chiến dịch ra đời khi các phương tiện vận chuyển đã cho phép bộ đội cơ động trên quy mô lớn, các phương tiện truyền tin đã bảo đảm cho người chỉ huy điều hành nhiều trận đánh trên phạm vi rộng.

Cho đến nay, nghệ thuật chiến dịch với tư cách là lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành các loại chiến dịch được công nhận là một bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự. Ở Việt Nam, khái niệm đó mới dùng từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp”.

        Nói một cách tổng quát, chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn hay những đơn vị nhỏ hơn áp dụng chiến thuật (tactics) để đối phó với địch quân trong khu chiến (combat zone) hầu chu toàn mục tiêu NTCD (operational art) hay mục tiêu của chiến dịch (theatre of operation). Chỉ huy cấp sư đoàn hay cao hơn dùng NTCD điều động tác chiến trong một chiến dịch để đạt mục tiêu chiến lược. Chiến lược (strategy) được phân thành hai loại là chiến lược chính trị và chiến lược quân sự. Chiến lược chính trị do nguyên thủ quốc gia hay chủ tịch hội đồng liên quốc gia quyết định trong khi chiến lược quân sự do Tổng TMT hay TMT điều hành các cuộc hành quân trên chiến trường (theatre of war) hầu đạt được mục tiêu chính trị. Nói một cách nôm na thì chiến thuật dùng khi quan sát được để đánh địch còn NTCD chỉ nghe và điều động tác chiến trên bản đồ. Chiến lược thì dùng bản đồ và kế hoạch vì ngoài quân sự còn bao gồm nhiều lãnh vực khác như chính trị, kinh tế, tâm lý dân chúng, v.v.

        Thí dụ điển hình của thất bại NTCD trên chiến trường VN là quân đội Mỹ gần như thắng trong các trận đánh với VC nhưng không thể biến các thành công chiến thuật này thành chiến thắng chiến lược do thiếu bước chuyển tiếp quan trọng[156]. Chiến tranh cần những học thuyết (doctrine). Áp dụng học thuyết qua những cấp độ chiến lược, NTCD và chiến thuật. QLVNCH theo học thuyết chiến tranh của Mỹ, thiếu một học thuyết chiến tranh cho riêng mình nên đã bị rơi vào tình trạng tương tự.

        Chiến trận năm 1972 tại quân khu 4 của VNCH sẽ được phân tích qua 14 yếu tố NTCD như sau[157] :

  1. Động năng để tấn công khả năng tác chiến của địch trên cả hai phương diện thể lực lẫn tinh thần. Theo binh pháp Tôn Tử  thì động năng chính là binh thế. Người chỉ đạo chiến tranh căn cứ vào phương thức tác chiến mà biến đổi và sử dụng lực lượng một cách linh hoạt để tạo nên tình thế có lợi. Việc hoán chuyển sư đoàn 21 BB và trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 BB lên mặt trận An Lộc cho thấy QLVNCH đã thỏa mãn yếu tố đầu tiên của NTCD. Hai quân khu 8 và 9 của VC do binh lực yếu kém đã không khai thác được yếu điểm này.
  2. Đồng loạt & chiều sâu để khai thác tối đa cả không gian ba chiều[158] và yếu tố thời gian trên chiến trường. QLVNCH do không nghiên cứu NTCD của đối phương nên đã ở thế bị động, để VC giữ thế tiên phong trong tác chiến, tự do lựa chọn địa bàn (thọc sâu tại Kiên Lương và Kiến Tường) cũng như thời điểm tác chiến (từng chiến dịch, cả phủ đầu lẫn nối tiếp).
  3. Tiên liệu để khai thác cơ hội và tránh sự bất ngờ. Tính cách thụ động khiến QLVNCH hoàn toàn bị bất ngờ trước mọi sự di chuyển tái phối trí lực lượng của đối phương. Căn cứ Kampông Trach là một thí dụ điển hình. Việc không tổ chức hành quân ra xa và liên tục đã khiến căn cứ không đạt được một ý nghĩa chiến thuật nào cả mà còn trở thành một gánh nặng về tiếp vận và sau cùng phải lui binh trong hốt hoãng.
  4. Duy trì khả năng tác chiến để có thể tự do hành động và phản ứng linh hoạt. BTL BK 44 hay BTL quân đoàn IV thiếu sự linh hoạt trong tác chiến khiến căn cứ Kampông Trach có nguy cơ bị bao vây (phải thả dù quân dụng tiếp tế), chia cắt của địch quân (tiểu đoàn 94 BĐQ không lối thoát).
  5. Cân bằng lực lượng để có thể bảo đảm yểm trợ hổ tương, điều phối lực lượng trong cả 2 loại hình tác chiến đối xứng và bất đối xứng và duy trì thế tiên phong. Không thấu hiểu được NTCD của đối phương khiến QLVNCH đã đánh mất thế tiên phong về chiến thuật.
  6. Thời gian & nhịp độ là kiểm soát mức độ nhanh hay chậm của cường độ tác chiến. QLVNCH đã có được yếu tố này, nhất là sự yểm trợ của B-52 khiến hầu hết các cuộc tấn công của VC bị thất bại.
  7. Khoảng cách & hướng hành quân bao gồm hai yếu tố riêng lẽ :

· Khoảng cách tùy thuộc vào địa hình, vị trí đơn vị, yểm trợ, căn cứ tiếp vận, tầm tác xạ của các loại vũ khí, phương tiện chuyển vận, hệ thống giao thông, yếu tố chính trị và ngoại giao, v.v.

· Tuyến hành quân gồm có hai loại :

Nội tuyến khi lực lượng bạn có ưu thế về di động, phân tán để tấn công địch. Việc cố thủ thay vì di động khiến QLVNCH tại Kampông Trach không khai thác được nhị thức bộ binh - thiết giáp trên một chiến trường rất thích hợp, làm lỡ mất cơ may chiến thắng.

Ngoại tuyến khi lực lượng bạn tập trung để đánh địch trong trường hợp địch quân ít hơn và kém khả năng di động.

Đúng ra đây không phải là khuyết điểm của QLVNCH vì là những điều kiện ắt có và đủ của hệ thống chỉ huy một quân đội tân tiến. Có thể nói ở thời điểm khá muộn này của chiến tranh (năm 1972), khuyết điểm này không phải có ở cấp quân đoàn. Sau trận đánh tại Kampông Trach, Trung tướng Trưởng mới nhận ra rằng căn cứ này nằm cách khá xa trung tâm tiếp liệu tại Cần Thơ. Đó là chưa kể ông đã không tiên liệu được khi phải dùng đến yểm trợ (hỏa lực cũng như tiếp vận) của không quân Mỹ và cũng không chú ý là căn cứ nằm ngoài tầm yểm trợ của pháo binh. Yếu tố này sẽ trầm trọng hơn nếu lượng định khả năng của QLVNCH trên tiến trình VNHCT và khả năng cũng như kinh nghiệm về phòng không của đối phương.

  1. Cấp chỉ huy phải tìm hiểu về lực lượng & phối trí của địch để có thể mở rộng tối đa tuyến chạm địch, tiêu diệt lực lượng hay phối trí của địch hoặc cả hai. Phối trí của địch gồm hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2), tiếp liệu, phòng không, v.v. Yếu kém về tình báo của QLVNCH khiến yếu tố này không có được dù cho cấp chỉ huy có ý muốn. Trận đánh giải tỏa Kampông Trabek cho thấy hậu quả trầm trọng khi không nghiên cứu NTCD của đối phương. Việc tái chiếm nhiều lần và cuối cùng thì bỏ cuộc từ nhận định sai lầm của BTL quân đoàn IV/QLVNCH, giữa hai hướng chủ yếu và thứ yếu trong đợt 3 chiến dịch tổng hợp của quân khu 8 VC. Dĩ nhiên QL-1 của Campuchia luôn luôn ám ảnh các cấp chỉ huy của QLVNCH do vị trí quan trọng về mặt chiến thuật. Tỉnh Xoài Riêng lấn sâu vào lãnh thổ của VNCH tại Mỏ Vẹt. Từ thành phố Xoài Riêng đi theo QL-1 về phía đông khoảng 10 km sẽ đến thị trấn Prasôt. Tại đây có hai ngã rẽ đi xuống biên giới. Rẽ trái là hai hương lộ 1011 và nối tiếp bởi HL-93 để đi Kampông Rou, chỉ cách biên giới khoảng 300 mét. Nếu rẽ phải là HL-1010 và HL-94 dẫn đến Long Khốt và vùng Chân Tượng. Đây chính là hệ thống giao thông để chuyển quân và quân dụng xâm nhập vào VNCH. Tuy nhiên nếu tấn công một vị trí nhiều lần nhưng không chiếm giữ được thì những hy sinh xương máu và tốn hao quân dụng là không cần thiết. Căn cứ tại Long Khốt có thể đóng giữ vai trò ngăn chận này.

9.      Phối trí hành quân có liên quan đến vấn đề tiếp vận. Ngoài ra các giai đoạn hành quân có thể nối tiếp, đồng loạt hay trùng lập nhau. Một giai đoạn hành quân được định nghĩa là thời gian trong đó phần lớn lực lượng liên quan trực tiếp hoặc yểm trợ tác chiến.

Trận Kampông Trách cho thấy BTL quân đoàn IV hoàn toàn đặt nhẹ vấn đề tiếp vận khi cho thiết lập một căn cứ cố định trên đất Campuchia, đưa đến những hệ lụy sau đó. Cũng tương tự như tại Kampông Trach, căn cứ Neak Luong trên thực tế không thực hiện được mục tiêu ngăn chận địch từ xa. Quân CSBV và Khmer đỏ cắt QL-1 của Campuchia thường xuyên và liên tục khiến QLVNCH cứ phải hành quân lên xuống giải tỏa nhiều lần nhưng không có kết quả thực tế về chiến thuật. Quân đội đồng minh (FANK) không đủ mạnh để chiếm và giữ.

  1. Trọng tâm là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật quân sự. Theo định nghĩa của cơ học chất rắn (Mechanics of Solids), trọng tâm là điểm tập trung khối lượng của một vật thể. Nếu vì một lý do nào đó, trọng tâm đi lệch ra khỏi mặt chân đế thì vật thể có thể bị sụp đổ một cách dễ dàng, dưới tác dụng của chính trọng lượng hoặc của một lực đẩy ngang tương đối nhỏ. Trong vũ thuật, đây là vị trí cân bằng vững chắc nhất. Thế đứng tấn của người luyện võ chính là để củng cố trọng tâm của mình. Đặt căn bản trên cơ học Newton và dựa vào kết quả từ những trận đánh tiêu diệt của Nã-Phá-Luân, Clausewitz đã định nghĩa : Trọng tâm là cái nôi của mọi sức mạnh và chuyển dịch mà từ đó tất cả sự vật lệ thuộc. Đó là điểm mà tất cả năng lượng phải hướng vào[159]. Cũng theo Clausewitz thì trọng tâm có ý nghĩa rất tổng quát, có khi đó là quân đội địch, hoặc thủ đô của đối phương hay là tâm lý dân chúng vùng địch hậu. Thí dụ trong cuộc TCK tết Mậu Thân năm 1968 thì trọng tâm là dư luận của quần chúng Mỹ. Lúc khác, khi đối đầu với một liên minh thì trọng tâm phải là đồng minh mạnh nhất. Khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" của VC chính là xác định đối tượng để tác chiến theo nguyên tắc của Clausewitz. Chiến tranh lạnh chấm dứt, nhưng lại được tiếp nối bởi những cuộc xung đột vũ trang vì chủng tộc, tôn giáo, v.v. khiến ngày hôm nay trọng tâm được định nghĩa một cách rõ ràng hơn nữa. Học thuyết của lục quân Pháp xác nhận : Dân chúng luôn luôn là trọng tâm của các cuộc xung đột[160]. Gần đây quân đội Mỹ cũng xác nhận như vậy[161]. Trên lý thuyết, phá hủy được trọng tâm của đối phương là đạt được chiến thắng. Tuy nhiên khác với cơ học; trong lý thuyết quân sự, rất khó xác định được trọng tâm và trọng tâm lại có thể thay đổi theo thời gian. Một thí dụ tiêu biểu cho thấy trọng tâm là hàm số của thời gian là chiến dịch Barbarossa của quân đội phát xít Đức tấn công Nga trong chiến tranh thế giới thứ II. Chỉ thị số 21 của Hitler ban hành vào cuối tháng chạp năm 1940 cho các đơn vị sắp hành quân là tiêu diệt hồng quân Nga chứ không phải chiếm một vị trí quan trọng hay để đạt được một mục tiêu chính trị nào. Năm 1941, sau khi gặp sự đối kháng dai dẳng của quân Nga thì Đức mới xác định lại trọng tâm là thủ đô Mạc-Tư-Khoa với hy vọng có thể đạt được một chiến thắng nhanh chóng hơn[162].

Trong trận Somme của chiến tranh thế giới thứ I, trọng tâm là hàng rào kẽm gai của quân đội Đức. Thất bại của quân đội Anh vì không xác định được trọng tâm được cho là tác chiến không đặt căn bản trên học thuyết quân sự (force without concept)[163].

Tại Cửa Việt năm 1974, trọng tâm là lực lượng quân CS trong vùng chứ không phải là căn cứ Cửa Việt. Quân sử một lần nữa cho thấy rằng xác định trọng tâm sai, dĩ nhiên sẽ đưa đến thất bại.

Do tính cách quan trọng của trọng tâm, mưu kế thường được sử dụng để đánh lừa đối phương đoán sai trọng tâm. Đó là trường hợp của trận đánh chiếm thị trấn Meiktila bên dòng sông Sittang nước Miến Điện, trong chiến tranh thế giới thứ II. Tháng giêng năm 1945, Trung tướng W Slim giả vờ cho quân Anh tổ chức hành quân hướng về cố đô Mandalay khiến quân Nhật tưởng lầm. Trung tướng Nhật Kimura Hyotoro nhận định rằng Mandalay mang giá trị tinh thần của người dân Miến. Việc cố đô thất thủ không những có ảnh hưởng rất lớn trên phương diện chính trị mà còn làm chia cắt 2 tập đoàn quân 15 và 33 của Nhật đồng thời sẽ làm hõng luôn kế hoạch cắt đường tiếp vận của quân đội đồng minh giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Trên thực tế, trọng tâm của kế hoạch đánh chiếm Meiktila là để tiêu diệt quân Nhật chứ không phải để chiếm Mandalay. Đoán sai trọng tâm, quân đội Nhật thất trận. Chiến thắng Meiktila của quân đội Anh là bước đầu để tiến về đồng bằng đưa đến cuộc giải phóng nước Miến Điện sau này[164].

BTL quân đoàn IV không nhìn thấy được NTCD của đối phương (BTL Miền hay mặt trận B2 của VC) và do đó không xác định được trọng tâm trong từng chiến dịch của CS. Trung tướng Trưởng đã đoán sai khi cho rằng trọng tâm tại quân khu 4 là Kampông Trach khi nói chuyện với ban chỉ huy của chi đoàn 3/2[165]. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, hướng chủ yếu là QL-13 trong khi QL-22 chỉ là nghi binh. Chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định, gối đầu sau đó cũng không được phát giác và giải quyết đúng mức. Tại QK 8 của VC thì hướng chủ yếu là đường xâm nhập 1B, Đồng Tháp Mười xuống cắt đứt QL-4. Hướng thứ yếu là qua đường xâm nhập 1A xuống Thông Bình, Cà Vàng ở ranh giới hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường. Trong khi đó, tại quân khu 9 thì hướng chủ yếu là U Minh, Chương Thiện; hướng thứ yếu là hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình. Không biết rõ địch mà vẫn thắng là do thiện chiến trong chiến thuật. Mục tiêu của chiến dịch đạt được là do VC quá kém. Thông thường đánh thắng trận đánh là một chiến thắng chiến thuật nhưng không chắc sẽ đạt được chiến thắng trên hai cấp độ NTCD và chiến lược. Chiến thắng do đó chỉ có tính cách tương đối theo tầm nhìn ở từng cấp độ. S Hussein đã cho rằng ông ta thắng trận sau chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất (2/8/1990-28/2/1991) với lý do tuy bị thất bại về chiến thuật và NTCD nhưng chế độ của ông vẫn tồn tại (chiến lược). Tương tự như vậy, Tướng Westmoreland nghĩ rằng ông thắng trận tại VN khi quân Mỹ luôn luôn đánh thắng VC trong các cuộc hành quân tìm và diệt (chiến thuật). Đây là điểm rất rõ ràng vì thất bại NTCD khiến QLVNCH hầu như luôn luôn thắng trong các trận đánh nhưng lại không đưa được cuộc chiến tranh đến kết thúc, nghĩa là không bao giờ đạt được mục tiêu chiến lược.

  1. Tác chiến trực tiếp hay gián tiếp. Trên lý thuyết thì nên tấn công trực tiếp. Tuy nhiên khi trọng tâm là lực lượng địch thì nên đánh theo lối gián tiếp. Phương pháp thông thường là tách rời hệ thống chỉ huy và kiểm soát, cắt đứt các tuyến hành quân, triệt tiêu khả năng phòng không và yểm trợ hỏa lực của địch. Không xác định được trọng tâm nên QLVNCH chỉ có một phương cách duy nhất là tấn công trực tiếp, dĩ nhiên với tổn thất lớn cho cả hai bên[166].
  2. Điểm quyết định thường là những vị trí trên địa hình như hải lộ, một ngọn đồi, thị trấn hay căn cứ không quân. Điểm quyết định là những điểm then chốt bảo vệ trọng tâm. Giống như trên, do không xác định được trọng tâm nên không tìm được điểm quyết định.
  3. Thời điểm tới hạn (TĐTH) được định nghĩa tùy theo thế tấn công hay phòng thủ. Trong thế công, TĐTH là thời điểm khi khả năng tác chiến của phía tấn công không còn cao hơn phía phòng thủ. Trong thế thủ thì TĐTH là thời điểm khi phía phòng thủ không còn khả năng phản công hay tự vệ. Chỉ xét riêng chiến trường Kampông Trach thì QLVNCH đã vô hình chung biến thế công thành thế thủ. Yếu kém về chỉ huy khiến cuộc di tản chiến thuật bị thất bại.
  4. Kết thúc một chiến dịch rất quan trọng nhất là khi mặt trận có giới hạn quốc tế, ảnh hưởng đến tôn giáo, sắc tộc, v.v. Cấp chỉ huy còn phải nghĩ đến việc tổ chức hành quân bình định, các hoạt động cứu tế, nhân đạo và tái phối trí lực lượng sau một cuộc xung đột vũ trang. Yếu kém về chỉ huy khiến căn cứ Kampông Trach phải di tản chiến thuật. Cuộc di tản đã trở thành hỗn loạn do yếu tố tinh thần. Dân chúng của quận Kampông Trach bị thất thủ sau đó dĩ nhiên không trở thành một vấn đề đáng quan tâm.

        Một sĩ quan cao cấp của quân đội Do Thái cho rằng[167] : “Trong NTCD, lực lượng địch là một hệ thống phức tạp mà mỗi phần tử độc lập sẽ liên kết với nhau để tạo thành sức chiến đấu chung, mạnh hơn sức mạnh của từng phần tử riêng rẽ. Do đó, để đánh bại đối phương thì không cần phải tác chiến trực tiếp mà nên đánh vào liên kết những phần tử này lại với nhau; tạo ra một cú sốc cho tổng thể, chia cắt thành từng phần và tiêu diệt từng phần một”. Áp dụng cho chiến cuộc mùa hè năm 1972 tại quân khu 4 thì phải biết đâu là hướng chính và hướng phụ. Rõ ràng địch quân cần cả hướng chính lẫn hướng phụ để tạo ra sức mạnh tổng hợp, tác dụng sẽ mạnh hơn một hướng duy nhất. Theo Mao Trạch Đông thì trong trường hợp như vậy, phải đánh vào cánh mạnh nhất của địch. Như vậy nếu đập tan được hướng tấn công chính thì sẽ phá vỡ được chiến dịch tổng hợp.

        Quân đội CSBV, do áp dụng học thuyết quân sự của Nga, đã áp dụng NTCD này trong chiến tranh. Theo Thượng tướng Thảo thì nghệ thuật chia cắt chiến dịch là một trong 6 NTCD mà CS đã áp dụng trong chiến tranh quốc cộng. Ông phân tích, dù không đúng cho tình hình Huế và mặt trận Xuân Lộc, cũng được ghi lại ở đây[168] :

"Chia cắt chiến dịch là một vấn đề rất cần thiết để chia cắt địch ra, cô lập địch mà đánh. Đó là vấn đề tạo thế của chiến dịch. Nếu không chia cắt địch ra thành nhiều mảnh, phá thế liên hoàn của địch, để địch co cụm lại hoặc có mối liên hệ với nhau, để địch hỗ trợ được cho nhau thì rất khó đánh. Vấn đề này không những ảnh hưởng đến thế trận, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của địch. Trong các chiến dịch, ta đều có thế chia cắt. Chiến dịch Tây Nguyên, đánh Buôn Ma Thuột, đánh chiếm đường 14 nối liền Plâyku với Buôn Ma Thuột, làm cho Buôn Ma Thuột bị cô lập. Tiếp đó đánh chiếm đường 21 nối liền Buôn Ma Thuột với Nha Trang, làm cho Buôn Ma Thuột càng thêm cô lập. Cuối cùng, đánh chiếm đường 19 nối liền Plâyku với Quy Nhơn, làm cho cả Tây Nguyên cô lập với đồng bằng, cắt đứt nguồn tiếp tế chính của Tây Nguyên.

Sau khi dàn và bày một vế của thế trận chia cắt tất yếu địch đâm ra hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đánh địch. Quả nhiên sau khi ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, địch không đi ứng cứu, phản kích bằng đường bộ được, mà phải phản kích bằng máy bay lên thẳng vì đường bộ đã bị ta chiếm cắt.

Địch phản kích bằng máy bay lên thẳng làm cho ta dễ đánh hơn, vì không có xe tăng, xe bọc thép. Đó là do ngay từ đầu, ta đã gạn lọc tình huống. Ta chặn cắt đường bộ, buộc địch phải đi bằng đường không. Địch đi đường không, ta có khả năng thuận lợi hơn trong việc truy kich chúng.

Trong trận Huế cũng thế, ta chia cắt Huế với Đà Nẵng, quân địch ở Huế hoang mang mất tinh thần, không còn hy vọng quân ở Đà Nẵng đến cứu giúp, nên phải rút chạy ra biển, sau khi bị ta tiến công. Và trong cuộc tháo chạy đó, địch bị tiêu diệt, tiêu hao rất lớn [sic].

Trong trận đánh Xuân Lộc, ta đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt được mối liên hệ giữa Xuân Lộc với Biên Hòa. Địch không còn con đường chi viện, nên phải rút chạy khỏi Xuân Lộc, sau đó đã bị tiêu diệt nặng nề [sic].

Chia cắt chiến dịch là một nghệ thuật chiến dịch hay. Quân địch đông, nhiều, đóng dày đặc thì bao giờ cũng phải chia cắt, để tiêu diệt từng nhóm, từng cụm, để đi đến tiêu diệt hoàn toàn nếu có điều kiện".

        Viết lại về kinh nghiệm cho Nha Quân sử Mỹ sau chiến tranh, một sĩ quan cao cấp của QLVNCH chỉ phân tích chiến lược và chiến thuật của CS cho thấy khiếm khuyết lớn trong việc chỉ đạo chiến tranh của QLVNCH. Ông có nhắc đến một lần cụm từ “chiến lược, chiến dịch và chiến thuật” [169] nhưng sự trộn lẫn từ ngữ này cho thấy ông đã lầm lộn giữa chiến dịch và NTCD. Tương tự như vậy, do thiếu hiểu biết về NTCD của đối phương đã khiến Trung tướng Trưởng cho rằng CS phạm phải sai lầm khi mở ba mặt trận riêng rẽ thay vì tập trung vào một mặt trận duy nhất trong năm 1972[170]. Tuy nhiên ông lại không tự đặt câu hỏi là tại sao CS lại thành công khi mở ba mặt trận tương tự năm 1975.

        Những khuyết điểm chiến thuật khiến QLVNCH đã đánh thắng đối phương trong hoàn cảnh nguy hiểm, không phải có. Mức độ NTCD không được nghiên cứu, học hỏi bởi cấp chỉ huy gây khó khăn thêm cho người chiến binh. Thiếu sót này khiến chiến tranh kéo dài bất tận. Chỉ có tinh thần dũng cảm và sự thiện chiến mới giúp được người lính QLVNCH thắng trên một chiến trường đã được đối phương bày binh, bố trận sẵn. Nếu không thắng được cuộc chiến tranh thì ít ra xương máu có thể đã được tiết kiệm nhiều hơn nữa nếu những yếu điểm này được khắc phục ngay từ đầu cuộc chiến.

        4.3. Chiến lược

        Tháng 6/1971, Quân ủy Trung ương họp bàn thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị[171]. Tại hội nghị này, sau khi tổng hợp, phân tích tình hình tại chiến trường Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên và Trị - Thiên, Quân ủy Trung ương dự kiến, trong năm 1972 : “Hướng chủ yếu số 1 là chiến trường biên giới Campuchia và miền Đông Nam Bộ, hướng chủ yếu số 2 là chiến trường Tây Nguyên; hướng phối hợp quan trọng là miền núi tây Trị - Thiên. Trị - Thiên tuy là hướng phối hợp quan trọng, nhưng lại gần miền Bắc, có điều kiện bảo đảm hậu cần, vì vậy phải gấp rút chuẩn bị để có thể đánh lớn khi cần thiết hoặc có lợi”.

        Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị họp để nghe Thường vụ Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình quân sự và công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Bộ Chính trị đồng ý với phương án mà Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chọn. Quảng Trị sẽ là hướng tiến công chiến lược chủ yếu.

        Bộ TTM/QLVNCH đã nhận ra mục tiêu chính của CS. Tái phối trí các đơn vị ra miền hỏa tuyến đã đánh bại được địch quân. Mục tiêu của CS nhằm chứng tỏ sự thất bại của kế hoạch VNHCT đã không thành công. Như vậy trên bình diện chiến lược quân sự, QLVNCH đã đúng tại thời điểm này. Nhưng điểm quan trọng nhất cần phải xét là hầu như ở bất cứ chiến trường nào, chính hay phụ, yểm trợ hỏa lực của Mỹ đều là yếu tố then chốt. Tất cả các chiến dịch của CS kể cả những chiến dịch tại quân khu 4 năm 1972 đã bị thất bại khiến ít ai đánh giá đúng mức được rằng công thức: VNHCT = QLVNCH + hỏa lực Mỹ, sẽ mất cân bằng khi hỏa lực yểm trợ của Mỹ không còn nữa[172]. Năm 1975, hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ không còn nữa khiến các chiến dịch của CS thành công. Chiến dịch là để đạt được mục tiêu chiến lược và mục tiêu chiến lược là cưỡng chiếm miền Nam. Trên bình diện chiến lược chính trị, hiệp định Paris đã lật ngược thế cờ, biến chiến thắng của QLVNCH thành thất bại. Đây lại là một vấn đề khác, có liên quan đến VNCH chứ không riêng quân khu 4 nên sẽ không được bàn luận xa hơn vì đã ra khỏi phạm vi của bài viết này.

        Tháng 11/1788, quân Mãn Thanh gồm 4 đạo tràn sang xâm lược VN. Trước thế mạnh của giặc, Ngô Văn Sở theo chiến thuật của Ngô Thì Nhậm và được sự chấp thuận của vua Quang Trung, đã từ biên giới lui binh về Hà Nội rồi tiếp tục lui về Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình để lập phòng tuyến ngăn giặc, chờ viện binh. Nhận được tin cấp báo, Nguyễn Huệ đã phán: “Các ông đã biết nín nhục để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra ngăn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy rất đúng”.

        Tương tự như vậy, năm 1972, QLVNCH phải tạm thời lui binh về lập phòng tuyến bên bờ sông Mỹ Chánh để chờ viện binh. Những gì xảy ra sau đó cho thấy lịch sử đã được lập lại. Chiến thắng mùa xuân năm Kỹ Dậu 1789 là một trong những chiến thắng chống ngoại xâm to tát nhất của quân sử VN. Các cấp lãnh đạo quân đội CSBV đã mong muốn lập lại chiến thắng này nên mới đặt tên cho một trong những chiến dịch của cuộc TCK năm 1972 là chiến dịch Nguyễn Huệ. Tuy nhiên họ lại quên rằng đây là chiến thắng quân xâm lược Bắc phương và bây giờ đây, họ cũng ở vào vị trí từ miền Bắc tràn vào miền Nam nước Việt. Cầu phao trên sông Hồng đã đánh dấu sự thảm bại của đoàn quân Tôn Sĩ Nghị thì dòng sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị cũng đã chấm dứt cuộc xâm lăng của quân đội CSBV trong mùa hè năm Nhâm Tý.

        Nguyễn Đức Phương
   
   Viết xong tại Anh-Cát-Lợi
        Xuân Nhâm Thìn (2012)


[1] General Staff of the Armed Forces of the USSR Main Intelligent Directorate, Report by the Deputy Chief of the General Staff of VNA, General Tran Van Quang "On the Results of the Offensive Actions in South Vietnam and Challenges of Future Armed Struggle" to a sesion of the Politburo CK Partiya Trudovo Vietnama on June 26, 1972, trang 10. Trong khi đó, tình báo Mỹ cho rằng khi hiệp định Paris được ký kết, CS có tất cả 15 sư đoàn với quân số tổng cộng là 219 000 người  tại miền Nam (Col. W E Le Gro, Vietnam from Cease Fire to Capitulation, tài liệu đã dẫn trước, trang 30).

[2] Thượng tá Trần Phấn Trấn & Trung tá PTS Đinh Thu Xuân, Lịch Sử Quân Giới Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (1954-1975), trang 338; nxb QĐND, Hà Nội, 1998.

[3] General 1972-3 MAC-V CMD History, trang 97; item No. 168300010829, http:// www.virtual-archive.vietnam.ttu.edu /starweb /virtual /vva /servlet.starweb, 19/2/2012.

[4] S Tzu, The Art of War, trang 84; S B Griffith dịch thuật, Oxford University Press, 1963.

[5] General 1972-3 MAC-V CMD History, tài liệu đã dẫn trước, trang 64, 97 & 100. Tình báo Mỹ sai lầm khi cho rằng sư đoàn 5 gồm có 3 trung đoàn là 6, 174 và 275 (Col. W E Le Gro, Vietnam from Cease Fire to Capitulation, tài liệu đã dẫn trước, trang 30).

[6] Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phương & Đại tá Nguyễn Văn Minh, Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 11 - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, nxb CTQG, Hà Nội, 2005.

[7] Thượng tướng Hoàng Cầm, Chặng đường Mười Nghìn Ngày, trang 266; nxb QĐND, Hà Nội, 2001.

[8] Trung tướng Lê Văn Tưởng, Con Đường Tôi Đã Chọn, trang 250; nxb QĐND, Hà Nội, 2006.

[9] Thượng tá Trần Phấn Trấn & Trung tá PTS Đinh Thu Xuân, Lịch Sử Quân Giới Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (1954-1975), tài liệu đã dẫn trước, trang 363.

[10] Đại tá Trần Bá Điền, Chủ biên, Lịch Sử Sư Đoàn Bộ Binh 8 Quân Khu 9 (1974-2000), trang 16; nxb QĐND, Hà Nội, 2002.

[11] W E Legro Collection, Units, Strengths, and Locations in Military Regions (07 January 1975; Item No. 13370146001, http:// www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu /starweb /virtual /vva /servlet.starweb, 4/4/2012.

[12] Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, Hồi Ức, Đại tướng Lê Đức Anh, Trên Chiến trường Đánh Cho Mỹ Cút, Đánh Cho Ngụy Nhào, tài liệu đã dẫn trước, trang 226.

[13] Đại tá, thạc sĩ Phạm Vĩnh Phúc & nhiều người khác, Tóm Tắt Các Chiến Dịch Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước (1954-1975), trang 339-340; nxb QĐND, Hà Nội, 2001.

[14] Đại tá, thạc sĩ Phạm Vĩnh Phúc & nhiều người khác, Tóm Tắt Các Chiến Dịch Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước (1954-1975), Tiểu chú 1, trang 339, tài liệu đã dẫn trước.

[15] Một trung đoàn pháo binh của CS có khoảng 16 đại liên phòng không DShK 12.7 ly và 14.5 ly, 27 đại bác 37 ly.

[16] Trong chiến tranh, tên ấp Cá Vàng thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong được cả hai phía sử dụng do bản đồ của Mỹ in sai. Ngày hôm nay, tên đúng là ấp Cà Vàng, huyện Tân Hồng thuộc tỉnh Đồng Tháp.

[17] Ban Chỉ Đạo và Ban Biên Tập Truyền Thống Tây Nam Bộ, Tây Nam Bộ 30 Năm Kháng Chiến (1945-1975), trang 676-693, TP/HCM, tháng 12/2000.

[18] Phóng sự - Ký sự, Người lính già đi tìm đồng đội; http:// nhantimdongdoi.org /?mod=chitiet&sub cate=25&id=3730, 1/4/2012.

[19] Đại Tướng Hoàng văn Thái, Mấy Vấn Đề Chỉ Đạo và Chỉ Huy Chiến Dịch, trang 590; Đại tá Kiều Bách Tuấn & Trung úy Bùi Thu Hương, Đại Tướng Hoàng Văn Thái Tổng Tập, nxb QĐND, Hà Nội, 2007.

[20] Đại Tướng Lê Trọng Tấn, Mấy Vấn Đề về Tác Chiến Phòng Ngự, trang 350-362; Đại tá Kiều Bách Tuấn & Trung úy Bùi Thu Hương, Đại Tướng Lê Trọng Tấn Tổng Tập, nxb QĐND, Hà Nội, 2007.

[21] Trận đánh được coi là tiền đề của loại hình chiến dịch tổng hợp là trận đánh căn cứ Đak-Hà (Toumorong) thuộc quận Đak-Tô, tỉnh Kon Tum, kéo dài từ ngày 30/8 đến ngày 2/9/1961. Đây là trận đánh điểm diệt viện của tiểu đoàn bộ binh 90, đại đội đặc công 406 và phân đội học viên trường quân chính quân khu 5 VC. Căn cứ cách Đak-Tô khoảng 14 km, nằm ở cuối TL-610 từ ngã ba Kon Bring trên QL-14 đi vào Đak-Hà, phía bắc thị xã Kon Tum, do một đại đội ĐPQ trấn giữ. Ngày 2/9, VC phục kích hai tiểu đoàn QLVNCH từ Đak-Tô đến cứu viện. Được xem là tổng hợp vì có mục đích hỗ trợ phá ấp chiến lược và khu dinh điền trên địa bàn của 28 ấp trong vùng Đak-Hà, Măng Đen (quận Kon-Plong bây giờ), Măng Buk (tại ranh giới giữa hai quận Kon-Tum thuộc tỉnh Kon-Tum và quận Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi) và Gia Vực.

[22] Đại Tướng Hoàng văn Thái, Mấy Vấn Đề Chỉ Đạo và Chỉ Huy Chiến Dịch, tài liệu đã dẫn trước, trang 590-591.

[23] Jean-Marc Le Page, Le Tonkin, laboratoire de la «pacification» en Indochine ?, trang 116-125; số 248, Revue historique des armées, 2007.

[24] Đại Tướng Lê Trọng Tấn, Mấy Vấn Đề về Nghệ Thuật Chiến Dịch Tiến Công, tài liệu đã dẫn trước, trang 327.

[25] Quân đoàn đầu tiên là quân đoàn 1 hay binh đoàn Quyết Thắng được quân đội CSBV cho thành lập theo quyết định số 124/QĐ-QP ngày 24/10/1973.

[26] Một ngày sau khi hiệp định Paris được ký kết, Tổng thống Thiệu tuyên bố tại Sài Gòn, quan điểm của chính phủ VNCH gồm 4 điểm :

· Không liên hiệp với CS

·  Không thương lượng với CS

· Không được hoạt động cho CS

· Không nhường đất cho CS.

[27] Tỉnh Xoài Riêng của Campuchia cũng có thị trấn (Phum) cùng tên Kampông Trach, nằm cách biên giới Việt - Campuchia khoảng 9 km về phía tây, quận Phước Ninh của tỉnh Tây Ninh và cách tỉnh lỵ Xoài Riêng 9 cây số về phía bắc.

[28] Thời Pháp thuộc, tỉnh Kampốt gồm có 4 quận là Kampot, Kompong Som, Trang và Kong Pisey. Tỉnh lỵ lúc bấy giờ chỉ có 2 500 dân. Những thị trấn có tập trung dân đông đúc lúc bấy giờ là Kompông Trach, Tonhon, Tani, Túc Mía và Kép. Kompông Trach nằm trên một dòng sông nhỏ và do người Trung Hoa thành lập trước khi Pháp xâm chiếm nước Cao Miên. Họ canh tác tiêu và nơi đây trở thành một trung tâm mua bán nông sản này. Tonhon cũng là một thị trường mua bán tiêu, nằm cách Kompông Trach khoảng vài km về phía đông, trên giao lưu của sông Potassy và rạch Giang Thành. Rạch Giang Thành chảy vào kinh Vĩnh Tế, nối liền Hà Tiên và Châu Đốc. Dân chúng Tonhon gồm người Hoa làm nghề đánh bắt thủy sản và người Việt buôn bán. Túc Mía là quận lỵ của quận Banteay Meas. Tani cũng là một thị trấn mà dân cư trú đa số là người Hoa, trồng tiêu trong vùng chung quanh. Lúc bấy giờ, Kép chỉ là một cảng nhỏ, từ đây các phu khuân vác người Hoa chuyển vận tiêu từ các vựa xuống tàu.

Việt Nam cai trị Kampôt cho đến năm 1840 nhưng để cho người Miên vùng Kompông Som được tự trị. Cũng chính người Việt xây dựng con đường dẫn từ Hà Tiên đến làng Svai, gần Kompông Som đi ngang qua Kampôt.

Năm 1841, 3 000 người Miên do Oknha Mau lãnh đạo nổi dậy tại Kampôt. 200 quân VN tại Hà Tiên bị bao vây trong khoảng 45 ngày và sau cùng phải lui binh về Châu Đốc vì không có viện binh, chấm dứt sự đô hộ từ đó (Kitigawa Takako, Kampot of the Belle Époque: From the Outlet of Cambodia to a Colonial Resort, trang 394-416; Southeast Asean Studies, tập 42, số 4, March 2005).

[29] Một nhà thám hiểm người Trung Hoa tên Tchéou Ta Kouan đã ghi nhận người Cao Miên trồng tiêu từ thế kỷ 13. Tuy nhiên việc canh tác chỉ phát triển nhiều thời vương triều Aceh của Indonesia (1873-1908). Người Nam Dương đã phá hủy các vườn tiêu để khỏi lọt vào tay thực dân Hòa Lan trong hai năm 1873-1874 và di chuyển các vườn tiêu đến địa phận Kampôt. Khoảng đầu thế kỷ 20, mỗi năm sản lượng tiêu là 8000 tấn và hương vị tiêu được xem là tốt nhất thế giới. Một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp là G Maspéro trong quyển sách có tựa đề là "Đông Dương - Đế Chế Thuộc Địa Pháp" (Un Empire Colonial Francais, l'Indochine), được nxb G Van Oest ấn hành năm 1929, cho biết lúc ban đầu tiêu được trồng tại Hà Tiên và Kampôt nhưng dần dần về sau chỉ còn tồn tại trên đất Miên. Phẩm chất tốt của tiêu khiến hiện nay có nhiều hãng sản xuất tiêu giả nhản hiệu tiêu xuất xứ từ Kampôt. Từ năm 1975 cho đến cuối thế kỷ 20, việc trồng tiêu bị gián đoạn và canh tác chỉ bắt đầu trở lại từ đầu thế kỷ 21 khi giá tiêu trên thế giới tăng mạnh. Nhà hàng Olivier Roellinger nổi tiếng của Pháp đã quảng cáo thương hiệu tiêu Kampôt và bán sản phẫm trực tuyến trên trang nhà của họ. Michael Laskionis đã chế ra kem tiêu Kampôt cho nhà hàng Le Bernadin tại Nữu Ước. Tại Anh, Rick Stein của nhà hàng hải sản nổi tiếng vùng Padstow khen ngợi tiêu Kampôt.

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...