Monday, April 1, 2019

Trận Đánh Đầu Tiên Của Đại Đội 243 Mike Force, Lực Lượng Đặc Biệt

 

Trận Đánh Đầu Tiên Của Đại Đội 243 Mike Force, Lực Lượng Đặc Biệt

Nguyễn Tiến Qua

https://dongsongcu.files.wordpress.com/2018/06/4c2ab-green_beret_vietnam.jpg?w=1191&h=920

Trước khi kể chuyện trận đánh, tôi xin được sơ lược về đơn vị Mike Force 243.
ĐĐ243 Mike Force trực thuộc Tiểu Đoàn 4 Lực Lượng Tiếp Ứng B17/C2/LLĐB (Lực Lượng Đặc Biệt). Quân Khu II, vùng Hai Chiến Thuật năm 1965 có 4 Tiểu Đoàn Tiếp Ứng Mike Force do Thiếu Tá Tôn Thất Thuận chỉ huy. Tiểu Đoàn 1, 2 và 3 được thành lập năm 1964. Quân số nhận từ các trại biên phòng Dakto, Plei morong, Plei kleng. Tiểu đoàn 4 được thành lập từ ngày 1/1/1965. Quân số nhận từ các trại Carak, Vân Canh, Phú Túc, Cũng Sơn. Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Úy Nguyễn Công Khánh. Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Úy Bùi Văn Chính. (gốc Thiếu Sinh Quân). Đại Úy John Swan trước kia là cố vấn trại Vân Canh làm cố vấn trưởng Tiểu Đoàn. Tôi là Đại Đội Trưởng ĐĐ 243. Cố vấn ĐĐ là Thượng Sĩ Smith. Tiền sát viên ĐĐ là Trung Sĩ Mỹ Bnoi.


Đại Đội 243 có Tr/Sĩ I Nguyễn Văn Bé và Tr/Sĩ I Hồ Văn Tịnh. Thông dịch viên là Nguyễn Bình người Bình Định và Trần Thanh Tịnh người Huế (hiện định cư tại California Hoa Kỳ). Ông này có vợ người Bình Định quê tôi. Cha vợ là ông Dăn, thầy thuốc Bắc. Một tuần lễ sau khi thành lập, Tiểu Đoàn 4 được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Địa Phương Quân, Nghĩa Quân Phù Cát để được huấn luyện căn bản quân sự và thực tập tác xạ, và học nhảy dù. Học nhảy dù do toán LLĐB A-174 Việt Nam và toán LLĐB Mỹ huấn luyện lý thuyết cách nhảy dù, xếp dù. Tiểu Đoàn được huấn luyện một tháng; đến ngày 4/2/1965 được đưa vế Pleiku chuẩn bị nhảy dù thật. Đại Đội 241 nhảy dù thật vào ngày 5/2/1965. Hai ngày tiếp sau đó là ĐĐ-242 và 243 Nhảy dù thật. Ngày 7/2/1965 ĐĐ243 nhảy dù thật.
 photo locirci h_zpsnhcelfcq.png
Hôm đó ĐĐ được chở ra phi trường Cù Hanh Pleiku. Một chiếc Caribu chờ sẵn. Trời Pleiku lành lạnh, từng trung đội xếp hàng dọc để chuẩn bị lên máy bay. Tôi đi với trung đội viễn thám. Tất cả đã mang dù sẵn sàng; sau lưng một dù, trước bụng một dù. Dù trước bụng gọi là dù bụng màu cam. Sau thủ lệnh của nhân viên phi hành, chúng tôi lên máy bay, ngồi vào hai hàng ghế dọc theo thân tàu. Máy bay rời phi đạo, bay vòng quanh thành phố. Từ trên nhìn xuống thấy quả khói xanh bốc lên bay về hướng 6 giờ. Tàu bay lấy hướng ngược chiều gió và cửa sau phía đuôi tàu được mở ra. Tiếng còi hiệu nổi lên, tất cả ĐĐ theo thủ lệnh đứng lên, mặt nhìn về phía cửa đuôi tàu; tay trái nắm vào dây cáp, tay phải cầm móc dù cài vào dây cáp. Tôi lên sau cùng nên là người nhảy ra trước. Tôi đi tới, viên Trung Sĩ vỗ nhẹ vào người tôi rồi chỉ xuống sân bãi. Tôi nhảy ra. Trời! Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên được bay bổng lên không.

Nhảy ra khoảng 1 giây dù mới bọc gió. Khi học lý thuyết, huấn luyện viên dặn khi khi dù bọc gió, phải điều chỉnh dù đến mục tiêu. Mục tiêu là quả khói màu và cái pa nô hình chữ thập màu đỏ. Gần xuống đất hai chân chụm lại trong tư thế lò xo. Tôi xuống trước, xong bấm nút để rời dù.

Rất hên, tôi đáp cũng lọt vào vòng tròn mục tiêu đường kính khoảng 15m. Sau đó xếp dù, bỏ vào bao dù. Lúc này mới biết mình nhảy vào khu đồi trọc gần Plei Ruh. Trên đồi nhìn xuống phía Tây Nam thấy căn cứ pháo binh của tiểu đoàn 63 của Đ/Úy Tuấn người có biệt danh “Tuấn Râu”. Ngày đó nhảy ba saut.

● 1 nhảy không,
● 1 nhảy với súng đạn,
● 1 nhảy với súng đạn và vũ khí nặng.

Ngày hôm sau tập họp nhận bằng dù do Mỹ cấp. Nhận bằng dù xong nghỉ hai ngày tại trại Mike Force đối diện với BCH/C2/LLĐB. Lính được ra phố chơi. Nào Diệp Kính, Hoa Lư, Trà Bá… toàn lính rằn ri.


https://i0.wp.com/sofrep.com/wp-content/uploads/2015/06/ST-Idaho-1.jpeg


Tuy có bằng dù nhưng Mike Force thường nhảy bằng trực thăng UH-34. Chỉ có một lần nhảy bằng dù xuống giải cứu trại biên phòng Buprang vùng Quảng Đức. Nhảy dù thật xuống trận địa khó hơn nhảy dù thực tập. Cả giờ sau mới tập họp kiểm điểm xong quân số. Đó là nhờ có địa bàn và súng light gun giống như cây bút máy. Viên đạn bắn ra màu đỏ, các toán quan sát và tìm tới. Trại biên phòng Buprang chung quanh toàn đồi tranh nên Việt cộng rút quân nhanh. Hành quân cả tuần không tìm thấy địch.

Ngày 9/2/1965 khoảng cuối năm âm lịch, Việt cộng vùng Bình Định xách động dân chúng biểu tình chống chính phủ, do đó có lệnh hành quân đưa ĐĐ234 xuống giải tán. Sở dĩ đưa ĐĐ234 đi vì phân nửa ĐĐ là người Kinh, ĐĐT người Kinh, trung đội viễn thám cũng người Kinh, tất cả truyền tin cũng người Kinh. Trung Đội Trưởng Viễn Thám:

— Trịnh Quang Hoàng Tr/Đ Trưởng Tr/Đ 2: Mang Phan (gốc Chàm).

— Tr/Đ Trưởng Tr/Đ 3: Thám Sát Đinh Ghim (gốc Hà Rê).

Tôi là ĐĐ/Trưởng.

Đi hành quân bằng ba chiếc xe GMC quân vận. Các binh sĩ nhận gạo sấy và thịt hộp cho một ngày hành quân. Đặc biệt mỗi quân nhân nhận 7 cục C4; mỗi cục có ba miếng nhỏ để nấu nước. Bất kỳ thời tiết nào, dầu mưa gió, chỉ cần che poncho là nấu được, không cần củi. Ba chiếc GMC chở ĐĐ ra phi trường Cù Hanh. Chiếc C130 chờ sẵn. Không đầy một giờ sau, máy bay đáp xuống sân bay Thiết Đính ở Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi cho ĐĐ nằm rải dọc theo phi đạo và ra lệnh cơm nước trong một giờ. Liền đó, một chiếc xe Jeep mui cao từ đầu phi trường chạy lại tìm ông ĐĐT Biệt Kích. Tôi nói:

— “Tôi đây. Xin lỗi ông là ai”.

(Người này bận quân phục nhưng khoác bên ngoài áo field Jacket nên tôi không nhìn được cấp bậc). Ông trả lời:

— “Tôi là Nguyễn Lạc, Quận Trưởng Quận Hoài Nhơn”.

Nghe vậy tôi chào ông Quận Trưởng và dẫn ông lại gặp Th/Sĩ Smith và thông dịch viên Nguyễn Văn Bé. Theo sau ông Quận Trưởng là một Th/úy; ông này cầm theo bản đồ hành quân. Ông Quận Trưởng cho lệnh đi giải tán đám biểu tình ở Bồng Sơn. Tình hình sôi động nên Quân địa phương đã được điều động đi giữ các cầu, tiền đồn và các khu vực Việt cộng thường xâm nhập. Tôi nhận bốn tấm bản đồ, cho gọi ba vị Tr/Đ Trưởng lại để giao bản đồ và xác nhận điểm đứng đồng thời ban lệnh hành quân. Từ phi trường xuống quốc lộ 1 gần 3 cây số, quân len lỏi theo các đường mòn mất cả giờ vì nhiều hàng rào của xóm nhà. Lính Mike Force đi dẹp biểu tình mang mặt nạ mini chống hơi cay, loại này gọn nhẹ. Dân đi biểu tình không biết đây là lính gì. Quân phục ngụy trang rằn ri, mang bằng dù, phù hiệu con rồng bay trước lá cờ VNCH, trước ngực ngang túi áo mang hình con cọp há miệng, trên đầu cọp có cái dù. Dân Bồng Sơn chưa bao giờ thấy. Chúng tôi dùng khói cay và bắn dọa trên cao để giải tán đám biểu tình do Việt cộng trà trộn khuấy rối. Sau khi dẹp xong biểu tình, tôi cho quân rút về đóng tại chùa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Bồng Sơn. Bốn giờ chiều hôm đó, tôi nhận lệnh rút về phi trường Thiết Đính. Chúng tôi về lại sân bay ứng chiến 100%. Năm đó, ĐĐ 243 ăn tết ở sân bay Thiết Đính.


Biệt Kích MikeForce - bằng dù - Phù hiệu con rồng bay trước lá cờ VNCH

Hằng đêm, tôi cho lệnh một tiểu đội đi phục kích dưới những vùng ven phi trường, ban ngày ĐĐ bung rộng ra ban đêm rút về. Cứ thế trong một tuần lễ. Ngày mồng hai Tết, tức ngày 15/2/1965, vừa cơm nước xong, Th/sĩ Smith nói:

– “Anh chuẩn bị cho trung đội Viễn Thám hành quân cấp tốc”.

Hai trung đội còn lại ứng chiến trừ bị. Tôi hỏi lại phía Mỹ ai theo viễn thám. Smith nói chính ông sẽ theo. Tôi bảo để Tr/sĩ Bnoi theo để gọi pháo binh còn ông nên ở nhà để theo dõi có gì còn lo tiếp cứu. Bên LLĐB/VN tôi cho Tr/Sĩ Nguyễn Văn Bé theo trung đội viễn thám để thông dịch hành quân. Tôi nói với Smith tôi cũng cùng đi với Viễn Thám cuộc hành quân này. Smith cười và đồng ý. Năm đó tôi vừa tròn 20 tuổi. Cái tuổi ngựa non háo đá, thích làm người hùng. Chừng mười phút sau, cũng chiếc xe Jeep hôm nọ, cũng ông Th/úy ban ba quận Bồng Sơn mang đến cho chúng tôi hai tấm bản đồ hành quân. Tôi gọi anh Hoàng lệnh cho Tr/Đ Viễn Thám chuẩn bị hành quân. Hành quân cấp Tr/đ chỉ mang theo một máy truyền tin PRC-25 để liên lạc với ĐĐ. Về vũ khí thì ngoài súng Carbin M2 bá xếp, mang theo 3 M79 và một Kalipđu. (1) Liền sau đó, cả trung đội nhanh nhẹn lên chiếc máy bay “sâu đo” hai chong chóng. Máy bay trực chỉ Nha Phái Viên An lão. (Quận An Lão)


Khi máy bay đáp xuống thôn An Hòa, Xã An Trung thì phía Xuân Phong, núi Một phát ra ba tiếng súng. Tôi biết đó là VC bắn báo động nên thay vì ra Hưng Long, Hưng Nhơn, tôi dẫn quân qua phía Tây Nam để xuống Vạn Khánh, Vạn Long để đánh lạc hướng. Trên đường đi không thấy bóng dáng người dân nào cả. Trung đội đóng quân đêm trong một rẫy bắp ở thôn Vạn Xuân. Sáng sớm hôm sau, một cụ già cầm cái rựa và đứa cháu gái khoảng 18, 19 tuổi đi thăm rẫy. Tôi gọi lại hỏi tên gì? Đi đâu sớm vậy? Ông cho biết có con trai đi lính đóng ở Bồng Sơn, VC chiếm An Lão mấ y tháng nay, chúng cứ bắt ông phải đi Bồng Sơn gọi con về. Ông có hai người con gái chúng không cho đi gọi anh vì sợ mấy người này đi Bồng Sơn rồi ở luôn không về lại. Con trai ông tên Danh, gác ở lô cốt phía Nam cầu Bồng Sơn. Ông cho hay, chiều hôm qua có máy bay sâu đo đáp nên xóm trưởng và tay du kích bảo ông ra khu rẫy này để xem động tịnh rồi về báo cáo. Ông nói ông sợ nên dẫn con gái theo. Tôi hỏi cô gái tên gì. Cô trả lời tên Dự và cô cho biết cô không phải du kích, gia đình cô thuộc diện gia đình “ngụy quân”.

Tôi hỏi tụi bộ đội bắc Việt có gần đây không thì cô cho biết ngày 30 và mồng một Tết, tụi nó về rất đông; nghe nói tiểu đoàn Tây Sơn ăn Tết làm lễ xuất quân về đồng bằng. Hôm qua, sáng mồng hai đã đi rồi. Tôi hỏi đi hướng nào Dự nói đi về Long Khánh, Hưng Long, Hưng Nhơn ngã về Đá Bàng, đồng Duông. Hiện ở đây chỉ còn một du kích và một xóm trưởng. Việt cộng bắt dân đi “cải tạo”, một số thoát về vùng Quốc Gia, một số theo VC. Tôi dặn về ai hỏi gì cứ nói không thấy gì cả. Tôi nói với ông, giờ chúng tôi chỉ có ba người, sẽ đi về Bắc Hưng Nhơn. Đó là tôi nói lạc hướng vì khi hai người đi rồi, tôi cho Tr/Đ tiến nhanh về Tân Xuân. Đây là một thôn nằm gần suối Bà Nhỏ. Nơi đây có tên là “Suối Bà Nhỏ bỏ mình”. Gần xuống suối Bà Nhỏ, địa hình hiểm trở, bên trái là sông An Lão, nước chảy xiết và vực sâu, con đường đá lâu đời lồi lõm; bên phải là núi đồi và rừng chồi. Tôi nghĩ thế nào cũng có du kích gác khu vực này để chận người dân chạy về phía Quốc Gia cũng như để phát giác quân đội mình bất chợt hành quân lên.

Tôi cho trung đội thay quân phục màu vàng lợt xanh, đội nón vải màu xanh gần giống nón tai bèo như lính chính qui cộng sản; gài lá cây ngụy trang và ẩn trốn phía đồi núi trong khe suối. (Lính Mike Force có ba bộ đồ, một bộ đồ đen như Xây Dựng Nông Thôn, Một bộ đồ rằn ri như TQLC và một bộ giống như lính CSBV). Một tổ ba người mang theo hai carbin M2 và một calip du. (súng này bắn đạn chì và hãm thanh, ĐĐ tôi được cấp ba cây). Sáng sớm mồng 4 Tết, một du kích Việt cộng từ An Hòa xuống, mang khẩu súng trường nòng dài bá đỏ K44. Trên đồi suối Bà Nhỏ, tôi cho toán kích từ từ đi ra. Không hiểu tay du kích có thấy lính biệt kích không hay thấy mà tưởng bộ đội bắc Việt nên cứ đi ngạo nghễ. Y như tôi căn dặn, nếu thấy đông thì rút, thấy ít thì phơ bằng súng hãm thanh; tổ trưởng Mâu bắn một phát calipdu, tên du kích chết ngay. Cả toán mang xác tên địch vứt xuống vực suối sâu rồi mang khẩu súng K-44 và bốn gắp đạn về với trung đội.

Chúng tôi tiếp tục ẩn mình chờ đợi vì tôi nghĩ thế nào cũng có người đi tìm tên du kích. Mãi tới 5 giờ chiều không có động tĩnh, tôi nghĩ ông cụ già nói đúng, chỉ còn một du kích, quân cộng sản dời đi hết rồi. Tôi dẫn Tr/ đội lần xuống eo suối Bà Nhỏ. Trên đường di chuyển, chúng tôi phát giác một hang động ở lưng chừng đồi ngang mặt đường; có thể trú quân cấp trung đội. Nhiều dấu hiệu chứng tỏ địch đã đóng quân ở đây rất lâu vì có chỗ giăng võng cũng như có chỗ bằng phẳng mòn lĩn. Từ đường cái lớn đi thẳng lên đồi chỉ có một độc đạo.

Từ Gò Bà giáo lên đây, bên phải là sông sâu sát đường, bên trái là hang động này. Địch quân đặt một tổ đại liên nơi đây thì rất khó cho quân ta tiến lên. Hang động này chỉ có bên kia sông khu vực Bình Hòa là có thể bắn tới nhưng bên kia sông là đồi mít Việt cộng đã chiếm, hơn nữa con sông rộng cả cây số rất khó tác xạ. Đêm mùng 5 rạng mùng 6 nghe tiếng súng liên hồi suốt đêm từ hướng quân Hoài Nhơn. Th/Sĩ Smith gọi thông dịch viên Bình cho biết -- các xã vùng biển mất rồi chỉ còn Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Hương. Tôi nhận lịnh cho Tr/đội Viễn Thám về gấp bằng đường bộ.

Cánh quân từ cầu Bến Muồn lên Gò Bà Giáo, An Lão sẽ gặp tôi trong vòng 2 hay 3 giờ sau, tại Gò Bà Giáo. Tôi gọi Tr/Đ Trưởng Trịnh Quang Hoàng và ba tiểu đội trưởng lại. Tôi nói với họ, các xã bắc Hoài Nhơn mất rồi, chúng ta rút quân gấp. Từ đây về Thiết Đính không xa nếu chúng ta đi đường tắt. Khu vực này không có VC vì chúng đã kéo đi tấn công Hoài Nhơn rồi. Chúng tôi chuẩn bị di chuyển. Tôi chụp hình cây súng K44 chiến lợi phẩm rồi tháo rời vất đi. Tôi dự định dẫn quân đi trong rừng chứ không ra mặt đường; vẫn mặc quân phục của VC; vẫn cài lá cây ngụy trang. Chúng tôi chạy nhanh xuống Gò Bà Giáo. Khi bắt tay quân tiếp ứng của đại đội, tôi sẽ qua cầu Bến Muồn, đâm thẳng dốc Bà Đội là đến sân bay Thiết Đính. Khi đó, đứng trên suối Bà Nhỏ đặt ống dòm nhìn xuống Gò Bà Giáo để quan sát, tôi thấy một đoàn người gồng gánh như kiểu đi dân công. Hai ba cán binh Việt cộng đi đầu, vai mang súng CKC theo sau là những người dân thường lưng đeo gùi. Tôi cho trung đội phục kích. Cả trung đội nằm chờ trong rẫy bắp sát lộ. Tôi ra lệnh chỉ bắn hai cán binh mang súng khi họ đi tới tuyến phục kích chứ không bắn dân. Khi trung đội khai hỏa, hai cán binh gục chết ngay, toán người còn lại bỏ gùi chạy tứ tán. Lính nhặt được mấy tấm dù bông quấn cổ và tịch thu hai khẩu CKC. Tôi ra lịnh cố gắng mang súng về làm chiến lợi phẩm. Về tới sân bay Thiết Đính lúc 5 giờ chiều. Anh em đại đội ra mừng, Tr/Đội Trưởng Hoàng và tôi, mỗi người cầm một cây CKC đưa lên. Đêm đó, như thường lệ, vẫn cho các toán phục kích đêm. Sáng hôm sau, mùng 6 Tết, toàn đại đội lên máy bay về lại thành phố Pleiku.

Cuộc hành quân tổng cộng 12 ngày, làm được hai việc: Giải tán đám biểu tình quấy rối và giết được ba VC thu được vũ khí.

Đại Đội 243 Mike Force B17-C2-LLĐB

(1): Súng hai nòng, tầm sát hại từ 50m tới 100m. Đạn chì khi bắn ra có nhiều viên nhỏ như đạn súng shotgun

https://hoiquanphidung.com/showthread.php?26786-Tr%E1%BA%ADn-%C4%90%C3%A1nh-%C4%90%E1%BA%A7u-Ti%C3%AAn-C%E1%BB%A7a-%C4%90%E1%BA%A1i-%C4%90%E1%BB%99i-243-Mike-Force

 

0000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

 

Trận Đánh Thứ Hai Của Đại Đội 243 Mike Fore, Lực Lượng Đặc Biệt

 


Nguyễn Tiến Qua

Sau trận đánh đầu tiên vào An Lão, suối Bà Nhỏ, sáng ngày mùng sáu tết âm lịch, Đại Đội 243 ra sân bay Tiết Đính về lại Pleiku. Chưa tới 1 giờ bay chiếc C130 đáp xuống phi trường Cù Hanh Pleiku. Tại đây, ĐĐ được 3 chiếc GMC cơ hữu của trại đưa về Bộ Chỉ Huy Mike Force. Chúng tôi về đến trại đúng 12 giờ trưa trong ngày. Tôi chỉ thị Thường Vụ ĐĐ Mai Văn Thu cho ĐĐ tập họp. Tôi nhắc mọi người lau chùi vũ khí, ngày mai khám súng.

Tôi chỉ thị tiếp liệu trang bị đạn dược đầy đủ cấp số. Ngay sau đó, tôi cho thư ký ĐĐ làm giấy phép ba ngày cho các quân nhân trực thuộc. Sáu ngày sau, ngày 12 tháng giêng âm lịch, tức ngày 25 tháng 2 năm 1965 ĐĐ nhận lệnh hành quân. Tôi đến gặp Th/Sĩ Smith yêu cầu cho quân nhân lãnh lương sớm trước 3 ngày để anh em đi hành quân vui vẻ và vợ con lính có tiền đi chợ; những quân nhân độc thân có tiền trả nợ cho các quán xá. Th/Sĩ Smith đồng ý ngay.

Tám giờ sáng hôm sau, tôi đến gặp Đ/Úy Swan cố vấn Tiểu Đoàn 4 Mike Force. Tôi cho mời Tr/Sĩ Nhất Nguyễn Văn Bé cùng Tr/Sĩ Hồ Văn Tịnh bên Lực Lượng Đặc Biệt thuộc toán A174 cùng đến phòng hành quân tiểu đoàn. Bé và Tịnh là cố vấn của ĐĐ 243. Tại đây, Đ/Úy Swan cho biết ĐĐ 243 có lệnh hành quân về Bình Định lần nữa. Tôi hỏi có phải về Bồng Sơn không thì ông cho biết lần này ĐĐ về Vân Canh, phía Nam Bình Định. Tại khu vực này có trại Biệt Kích Vân Canh trực thuộc B11 do Tr. Úy Ninh làm truởng trại. Bộ Chỉ Huy B11 đóng tại khu 2 đường Nguyễn Huệ, do Đ/Úy Từ Vấn làm chỉ huy trưởng. Vân Canh cũng là tên của Đặc Khu Nha Phái Viên hành chánh. Đây là một xã thuộc quân Tuy Phước. Quận Tuy Phước có các xã Canh Hà, Canh Lãnh, Canh Giao, Canh Thành, Canh Thịnh và Quang Hiển.

Tôi nhận bản đồ hành quân. Thường Vụ ĐĐ cho lãnh 7 ngày lương khô và cho quân nhân lên các quân xa GMC.

Theo kế hoạch hành quân, ĐĐ243 sẽ di chuyển bằng quân xa theo quốc lộ 19 xuống đến Quốc Lộ 1 thì theo đường này vào Diêu Trì. Lên đến Phước Thành xuống xe, di chuyển đến Vân Canh.

Thế nhưng ngay lúc đó Tr/Úy Ninh trưởng trại Vân Canh cho biết từ Phước Thành lên Vân Canh phải qua cầu Suối Bụt gần vườn mít. Cầu này đã bị VC giật mìn phá sập hôm qua ngày 24/1. Do vậy tôi mới có ý định điều quân theo cách khác. Đ/Úy Swan hỏi hành quân bằng cách nào khác? Hay là đổ bộ bằng trực thăng? Tôi nói đổ bộ bằng trực thăng địch sẽ biết và do vậy Đại Đội dễ bị địch phục kích. Tôi chỉ vào bản đồ hành quân và đề nghị ĐĐ243 sẽ được quân xa đưa về Bình Định bằng quốc lộ 19 băng qua đèo Mang Giang xuống An Khê rồi Phú Phong sau đó đổ quân tại ngã ba Đồng Phó. Từ đây, di chuyển bộ theo con lộ dẫn vào An Trường rồi theo đường mòn xuống Hòn Ông. Khoảng 6 giờ chiều đóng quân tại chân núi Hòn Ông. Sáng sớm di chuyển băng qua Canh hà đến Quang Hiển. Ý định hành quân này được Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 4 chấp thuận.

Sỡ dĩ tôi có ý định hành quân đường bộ vì tin tưởng vào Tr/Đội Trưởng Thám Sát 2 Mang Phan cùng Tr/Đ Phó Mang Chiền. Hai người này thuộc sắc tộc Chăm sinh quán ở Vân Canh và rất rành đường đi nước bước vùng hành quân.

Theo đúng ý định hành quân, ngay ngày hôm đó, lúc 3 giờ chiều, quân xa dừng tại ngã ba Đồng Phó, ĐĐ mau mắn xuống xe và ngay tức thì bắt đầu di chuyển bộ. Tôi cho lệnh Tr/đội 2 thám sát đi đầu, viễn thám đi kế tiếp và Tr/đội 3 đi sau cùng. Khi vào tới ngã ba An Trường, tôi cho dừng quân 1 tiếng đồng hồ để dùng cơm chiều. Sau đó, di chuyển theo phương giác thẳng đến chân núi Hòn Ông. Đến chân núi trời cũng vừa chập choạng tối. Tôi cho một quân nhân viễn thám trèo lên cây cao để gióng địa bàn đo phương giác về hướng hai làng Quang Hiển và Canh Hà; sau đó tôi đặt bản đồ xuống đất, lấy tụ điểm phản hồi để xác định tọa độ đóng quân. Ngay sau đó, tôi cho lệnh truyền tin dùng mã khóa KDC để thông báo cho Trại Vân Canh biết điểm đóng quân đêm.

Năm giờ sáng hôm sau, tôi cho lệnh không được lên lửa nấu nướng gì cả, ăn sáng bằng lương khô và di hành ngay. Đi được khoảng 1 giờ thì toán trinh sát đi đầu báo cáo còn khoảng 500 thước nữa là tới nhà ga Quang Hiển. Tôi cho dừng quân và liên lạc truyền tin với trại Vân Canh. Phụ tá ban ba trại là Tr/Sĩ Phương đã trình lên Trung Úy Ninh tọa độ của 243. Tọa độ này gần cây cầu Suối Bụt bị VC giật mìn, cách trại Vân Canh 3 khoảng cây số.

Khoảng 30 phút sau, Tr/Đội Trưởng trinh sát trại là anh K.Lay dẫn 1 tiểu đội ra bắt tay với 243. Tôi cùng ba trung đội trưởng và Tr/Sĩ Bé thuộc Lực Lượng đặc Biệt Toán A174 đi theo K. Lay vào trại Vân Canh cũ. ĐĐ/phó Puih Kra cùng các Trung đội phó và Th/Sĩ Smith ở lại vị trí đóng quân.

Vào quận Vân Canh cũ tôi nhận thấy chu vi phòng thủ rất kiên cố. Bốn góc là 4 lô cốt bê tông. Có 1 trung đội Biệt Kích đóng quân phòng thủ. Gần bên là một cái nhà đề bảng Chi Cảnh Sát Vân Canh. Bên kia hàng rào là trường tiểu học. Đa số là đồng bào thiểu số và một ít người Kinh.

Chừng 30 phút sau, một chiếc xe Jeep mui trần từ bên trại biệt kích Vân Canh chạy vào. Trên xe, tôi thấy Tr/Úy Ninh, một người mang máy truyền tin PRC25, một người cận vệ, tài xế và một trung sĩ. Ông trung sĩ cầm trên tay bản đồ. Tất cả thuộc Lực Lượng Đặc Biệt VNCH. Tr/Úy Ninh mời mọi người vào hội trường họp.

Ông Ninh nói:

— “Xin chào quí anh Lực Lượng Tiếp Ứng Mike Force B17. Sau đó ông cho biết, ở Vân Canh có 3 đại đội Lực Lượng Đặc Biệt. Quân số tổng cộng khoảng 250. Tuần rồi, Việt cộng quấy nhiễu bên trại mới và pháo kích hằng ngày.

► Mang Chiếu là ĐĐ/trưởng ĐĐ1.
► Từ Ngò là ĐĐ/trưởng ĐĐ2
► Hoàng Vũ là ĐĐ/trưởng ĐĐ3.
► Trung đội trưởng trinh sát là K. Lay.

Ở đây, các đại đội luân phiên. 3 đại đội hành quân vòng ngoài, giữ các điểm then chốt và các cây cầu; 1 đại đội tuần tiểu chung quanh trại mới.

Ông Ninh cho biết ông đã đề nghị lên Đại Úy Từ Vấn chỉ huy trưởng B11 xin C2 Lực Lượng Đặc Biệt tăng phái 1 tiểu đoàn tiếp ứng nhưng hôm nay chỉ có 1 đại đội. Vậy chỉ có thể hành quân cấp đại đội vào những điểm mà các biệt kích quân trại Vân Canh chưa hành quân đến.

Tr/Úy Ninh đặt bản đồ lên bàn và chỉ thị hành quân. Tuyến xuất phát là Quang Hiển, qua sông nhỏ, theo đường mòn đến Canh Giao đóng quân. Những mục tiêu kế tiếp là Đa Lộc, rồi theo phương giác tiến đến Mục Thịnh, Canh Lãnh, Canh Thành rồi về lại trại Vân Canh. Thời gian 7 ngày..”



Ông nói tiếp:

— “Nói là 7 ngày nhưng còn tùy có chạm địch hay không chứ ông biết tiếp ứng Mike Force có thể hành quân cả tháng trong rừng.”

Sau khi nhận lệnh hành quân, chúng tôi được ông Ninh mời vào quán bên đường ăn bún riêu và uống cà phê sữa. Ăn xong, ông Ninh về trại mới, chúng tôi được K.Lay đưa về vị trí đóng quân của ĐĐ243. Tại đây, tôi chỉ thị dùng cơm trưa và chuẩn bị một bịch cơm gạo sấy sẵn cho buổi chiều. Đúng 12 giờ trưa, tôi cho lệnh xuất quân.


Thường thường, viễn thám đi đầu nhưng lần này tôi cho Trung đội 2 đi đầu vì ngoại trừ nhân viên truyền tin là người Kinh còn lại trung đội trưởng, trung đội phó và hầu hết quân nhân trong trung đội là người làng Vân Canh. Trung đội này rất rành đường di nước bước vùng hành quân này.

Chúng tôi theo kế hoạch hành quân, qua sông nhỏ, theo đường mòn đến Canh Giao. Đây là con đường đã bỏ từ lâu nên di chuyển không bị địch phục kích. Đêm đó đóng quân tại Canh Giao. Tôi nghĩ đến đường hành quân. Nếu vào sâu trong Đa Lộc rồi vòng ra Canh Lãnh, Canh Thịnh rồi mới trở ra bằng đèo Mục Thịnh thì rất dễ bị địch chận đường về. Tôi cho mời ba trung đội trưởng họp để có thêm ý kiến. Theo ý Tr/Đội Trưởng Mang Phan, nếu đúng theo kế hoạch, vào thẳng Đa Lộc rồi chuyển qua Phước Cảnh thì rất dễ bị địch phục kích chận đường về tại đèo Mục Thịnh.

Phan còn cho biết, tại làng Phước Lãnh thuộc xã Canh Lãnh có đường từ La Hai đi Kiều Lộ, Sông Hinh. Đây là con đường chuyển tiếp liệu của VC. Tôi quyết định không vào ngay Đa Lộc mà chuyển hướng, băng rừng thưa về đèo Mục Thịnh đóng quân. Tôi tách đại đội ra làm hai và cho đóng quân cách đường mòn 50 mét, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không hầm hố lều chõng gì cả.

Sáu giờ sáng, tôi ra lệnh trung đội viễn thám xâm nhập làng Phước Lãnh, xã Canh Lãnh. Liền sau đó nhiều tràng súng nổ, Tr/đội trưởng viễn thám Hoàng báo cáo hạ ba tên VC, tại một quán gần chợ, thu ba cây súng. Khi tiến đến, viễn thám thấy có sáu cái võng. Như vậy là có ba tên đã trốn thoát. Viễn thám bắt giữ thanh niên chủ nhà và đưa về vị trí đóng quân. (Sau này về trại, giao cho ban 2 khai thác thì chủ nhà tên Thạnh cho hay du kích xã vẫn thường về nhà y ngủ vì trong nhà có hầm xây xi măng đủ chỗ cho 10 người).

Trong khi viễn thám trên đường quay về vị trí, tôi đặt ống dòm nhìn về phía xã Canh Thành thấy một toán VC đang tiến mau về hướng đèo Mục Thịnh để chận đường lui quân của Mike Force. VC không hế biết nơi chúng muốn phục kích chính là nơi chúng tôi đang đóng quân. Tôi liền cho quân phục kích phía bên trái đường. Khi toán du kích vào khu vực phục kích, đại liên M60, M79 cùng súng trường M2 đồng loạt nổ rền. Sáu VC chết tại chỗ. Chúng tôi thu sáu cây súng và cắt vụn những ba lô của địch. Một vài người lính tịch thu mấy cái võng và những tấm dù bông. Ngay sau đó tôi cho đại đội di chuyển về tiền đồn Hòn Lúp rồi trở vào trại Vân Canh. Trong cuộc hành quân ngắn hạn này, chúng tôi hạ chín tên VC, thu chín cây súng và giải về trại một người thanh niên bị tình nghi theo VC. Nói thêm về người thanh niên này cũng là một kỷ niệm. Anh này tên là Lê Văn Thạnh.

Tháng 3 Năm 1966, đại đội tôi hành quân Ben Hét, Dak Seang. Trung đội phó Mang Chiền thám sát 2 tử trận. Khi đại đội trở về Pleiku dưỡng quân, tôi xin Đ/Úy Swan tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 4 Mike Force để được đưa linh cửu Mang Chiền về quê anh là Vân Canh.

Ngày hôm sau tài xế GMC Nguyễn Văn Trí và một toán 6 người hộ tống cùng tôi về Vân Canh dự đám tang. Sau tang lễ, tất cả về Qui Nhơn. Sau khi gửi vũ khí cho quân trấn, tôi cho Trí lái xe về Tuy Hòa chơi ba ngày. Tôi dẫn sáu người lính hộ tống ra bến Bạch Đằng chơi vì mấy anh lính Thượng này từ bé đến lớn chưa bao giờ biết, chưa bao giờ thấy tàu bè, ca nô.

Trên đường đi từ đường Gia Long quẹo phải ra đường Đặng Đức Siêu có trường tàu Sùng Nhơn. Đi tới vài chục mét, gần trụ điện, tôi thấy một cái nhỏ như túp lều, vách là gỗ của những thùng đạn pháo binh, mái lợp tôn số nhà là 11/1. Bỗng nhiên từ trong nhà, một thanh niên nhào ra như mừng rỡ chào hỏi. Anh chàng này hỏi tôi,

— “Anh có phải là biệt kích dù Pleiku không?”.

Tôi mau lẹ lùi lại và rút cây P38 ra. Anh thanh niên cười nói tiếp:

— “Anh không nhận ra em hả?”.

Tôi nói:

— “Không!”.

Anh ta liền nói:

— “Em là Thạnh đây, Thạnh ở làng Phước Lãnh em của anh Lê Văn Ba.”

Tôi hỏi:

— “Có phải Thạnh hồi năm 1965 bị lính tôi bắt không?”

Anh nói:

— “Đúng rồi.”

Thạnh kể tiếp:

— “Khi đó ông Tr/Sĩ Ngọ chở ra ty cảnh sát. Họ xem hồ sơ lý lịch; biết là em của Đ/úy Lê Văn Ba đang làm huấn luyện viên ở trường Thiếu Sinh Quân Pleiku. Họ liền phóng thích”.

Thế là Thạnh không dám về quê mà ra Quy Nhơn tìm đất sống. Thạnh sống bằng nghề bán cà rem dạo.

Sau này, vào năm 1974, khi coi đại đội thám kích liên đoàn 21 BĐQ, tôi có dịp vào trường Thiếu Sinh Quân Pleiku. Tại đây tôi gặp Đại Úy Huấn Luyện Viên Lê Văn Ba. Tôi hỏi:

— “Anh có người em tên Lê Văn Thạnh phải không?”

Anh Ba trả lời:

— “Đúng rồi. Ngày nay Thạnh là trung sĩ trung đoàn 41 sư đoàn 2. Đang đóng quân ở vùng Bồng Sơn”.

Lúc đó vì không có thì giờ chuyện trò nên chúng tôi hẹn gặp lại nói chuyện sau. Thế rồi đến khi thất bại năm 1975, tôi bị chuyển qua 5 trại tù. Trại cuối là A30. Tôi gặp lại Đại Úy Ba trong trại này. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Ba trong thời gian bị giam giữ ở A30.

Quả là trái đất tròn thiệt nên tôi mới gặp lại những người tưởng chừng chẳng bao giờ gặp lại.



Mike Force, Lực Lượng Đặc Biệt

 

 

https://hoiquanphidung.com/showthread.php?26786-Tr%E1%BA%ADn-%C4%90%C3%A1nh-%C4%90%E1%BA%A7u-Ti%C3%AAn-C%E1%BB%A7a-%C4%90%E1%BA%A1i-%C4%90%E1%BB%99i-243-Mike-Force

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...