Cessna O-1 Bird Dog, South Vietnam, 1969 -
As seen at the Binh Duc airfield east of My Tho, Dinh Tuong Province, in South Vietnam's Mekong Delta aka IV Corps during the Vietnam War in early 1969.
Cessna O-1 Bird Dog, South Vietnam, 1969 -- VN004 As seen at the Binh Duc airfield east of My Tho, Dinh Tuong Province, in South Vietnam's Mekong Delta aka IV Corps during the Vietnam War in early 1969.
Đời “Ốp-xẹc”
Lê-Văn-Sùng Giấc mộng trở thành phi công đã ăn sâu vào tim óc tôi lúc nào không biết, có lẽ nhân vật Phượng của Toàn-Phong đã quyến rũ tôi khi tôi còn mài đũng quần ở trường trung học Sa-Đéc. Một cậu bé nhà quê, sau khi đọc cuốn “Đời Phi-Công” lại mơ trở thành phi-công, mà phải lái máy bay khu-trục mới hách. Nên khi vừa giật được mãnh bằng tú-tài, tôi cùng thằng bạn nối khố tình nguyện vào Không-Quân ngay. Nó cũng mê được lái máy bay như tôi vậy. Thằng bạn tôi vào khám sức khỏe một lèo, trót lọt hết, vào khóa 65D. Đi du học Hoa-Kỳ về lái máy bay vận-tải. Giấc mộng phi-công của nó đã thành hiện thực thật trọn vẹn. Cuộc đời bay bổng của nó thăng hoa tột đỉnh, trưởng biệt đội AC119. Đó là SVSQ Nguyễn-thành-Ấm, có nickname là “Ấm sứt vòi”. Còn tôi, cao 1m76, nặng 68kg, quá lý tưởng cho tiêu chuẩn một phi công, nên tôi vào phòng cân đo rất tự tin. Tôi thấy tội nghiệp cho một vài người bạn khám chung toán, trước khi vào cân phải ăn vội cả ổ bánh mì, nốc một bụng nước cho đủ 50kg. Có đứa không đủ chiều cao, lấy cục nhựa đường gắn lên đỉnh đầu, phủ mái tóc dầy lên cho đủ 1m60. Tiếp theo vào đến khám mắt, đọc đến hàng 9A thì tôi không còn phân biệt được chữ O hay chữ C, chữ E hay chữ F… nên bị trung-sĩ Giỏi loại ngay. Từ đó tôi tái khám đi, tái khám lại mãi cũng không vào Không-Quân được. Cuối cùng tôi phải chạy “pít-tông” từ Bộ Tư Lệnh mới được vào khoá 65F Quan sát viên. Nhận được giấy gia nhập Quan sát viên, không là hoa-tiêu như các bạn khác, tôi cầm giấy lại hỏi một vị Thiếu-Úy, mặc đồ bay rất đẹp trai, mang bảng tên “KIỂM”: – Thưa Thiếu úy, tôi được học Quan Sát Viên là sao hả Thiếu Úy? Ông đáp ngay: – Đó là “ốp xẹc”! “Ốp xẹc” thì nham nhở lắm, ráng bay nhiều giờ để được chuyển sang hoa tiêu. Hơn gần năm mươi năm qua tôi vẫn nhớ nguyên văn lời Thiếu úy Kiểm. Từ đó tôi rất dị ứng với từ “ốp xẹc”. Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây, Thiếu úy Kiểm mà tôi gặp lần đầu ấy, là anh ruột của Phạm hữu Ân khoá 65E (bạn đồng niên khóa chúng tôi). Sau này, tôi nghe lời ông, khi ra trường, năm 1967, ráng bay thật nhiều giờ, liều mạng kiếm được rất nhiều huy chương, nhưng mãi đến năm 1972, trên 4000 giờ bay, phải vượt qua mặt rất nhiều đàn anh để đi học khóa hoa tiêu đặc biệt. Cơ duyên run rủi, đúng Thiếu úy Kiểm ngày xưa, nay là Thiếu Tá Huấn luyện viên, và tôi-thằng lính mới “ốp xẹc” ngày xưa, nay là Đại úy Quan sát viên, dày dạn lửa đạn chiến trường, về Trung tâm huấn luyện Không quân Nha-Trang làm một trong những học trò của ông, khi mãn khóa được Tướng Chỉ huy trưởng Trung tâm gắn cánh bay thủ-khoa, chắc cũng làm ông hãnh-diện. Trong cuộc đời làm Quan Sát Viên, biết bao kỷ niệm, vinh-quang cũng có mà đắng cay cũng nhiều. Hai lần được Bộ-Tư-Lệnh Không-Quân chọn làm chiến-sĩ xuất-sắc, được tưởng thưởng cho đi du-hành ngoại-quốc, đổi lại biết bao nhiêu lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, cuối cùng cái giá phải trả là 8 năm lao động khổ sai ở miền thượng du Bắc Việt, cộng thêm 5 năm tù vượt biên, mà trong đó hơn ba năm rưỡi bị nhốt trong phòng kỷ-luật, chân bị cùm, ăn uống, vệ sinh tại chỗ, mỗi tuần được tắm 5 phút. Tôi có ước nguyện khi về hưu, tôi sẽ viết về những ngày tháng khó quên này. Trong khuôn khổ hạn hẹp của quyển Đặc san, tôi xin ghi lại vài trang kỷ niệm, kỷ-niệm những lần chiến bại (bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng). Những lần chiến bại đau thương nầy đã ăn sâu vào ký ức tôi, tôi luôn sống trong quá khứ, tôi tiếc nuối thời gian tôi ngày ngày được ve vuốt, được ấp yêu chiếc L19 nhỏ bé thuộc Phi-Đoàn 116 Quan-Sát. “Bất hứa nhân-gian kiến bạch đầu” Tháng Hai năm 1968, tôi được cắt đi biệt-phái Kiên-Giang (tỉnh Rạch-Giá) với Trung-Úy Nguyễn-văn-Thành (khóa 63 D). Anh Thành có nickname “Chú Tư Cầu” vì trước nhà anh ở trong cư-xá Thanh-Điệp có trồng một hàng cây trâm bầu cho mát, anh đem ván gỗ về đóng mấy cái bàn thấp, để cuối tháng anh em biệt phái các nơi bay về Cần-Thơ họp. Chúng tôi, những bạn thân của anh họp ở phòng Hành-Quân xong là tập trung xuống nhà anh, chúng tôi thường mua những món đặc-sản của nơi mình biệt phái mang về, anh Thành sẽ đích thân chế biến, nấu nướng những món nhậu thật ngon hết sẩy. Những bạn nào không có đặc-sản mang về thì lên Câu-lạc-bộ mua bia xuống, anh em quay quần uống bia tán gẩu thật vui sau những ngày bay biệt phái hành quân căng thẳng. Chúng tôi gọi nơi đây là “Rặng Trâm Bầu”, nên chủ nhà phải mang tên “Chú Tư Cầu” cho đúng với nhân-vật của nhà-văn Lê-Xuyên. Anh Thành vui tánh, hay nói chuyện tếu rất có duyên. Đến ngày mất nước, anh mang cấp bậc Thiếu-Tá đã lâu, anh phải đi tù miền Bắc, khi được thả về không bao lâu thì anh mất, chúng tôi rất đau buồn, bây giờ mỗi lần họp mặt Phi-Đoàn, chúng tôi thường nhắc đến những kỷ-niệm ở “Rặng Trâm Bầu” đầy nhớ nhung luyến tiếc. Nhắc lại chuyện đi biệt phái Rạch-Giá với anh, cũng là một kỷ-niệm lớn trong đời tôi. Chúng tôi đi biệt phái thường Tiểu-khu-Trưởng cho chúng tôi ở trong cư-xá Tiểu-Khu, hoặc có những nơi cho chúng tôi ở khách-sạn như Bạc-Liêu, Vĩnh-Bình v.v…Đặc biệt, phi-hành-đoàn biệt phái Rạch-Giá lại được ở nhà Bác Tám. Bác trai là một đại-điền-chủ ngày xưa, bây giờ Bác là Dân-Biểu, làm việc trong tòa nhà Quốc-Hội ở Sài Gòn, Bác gái vẫn ở lại Rạch-Giá, gìn giữ cơ ngơi của Ông Bà để lại. Bác gái rất vui-vẻ, tử-tế, nhà Bác là một lâu-đài đồ-sộ, tôi không biết phi-đoàn 116 gắn bó với gia-đình bác tự thuở nào, mà sao bác lại thương chúng tôi như con, ăn ở nhà bác, chẳng bao giờ bác lấy tiền đứa nào. Bác nấu cơm tháng cho hàng nhiều chục người đến ăn. Không biết vì cơm bác nấu ngon, hay vì ba cô con gái bác đẹp, xinh mà đông thực khách? Cô chị lớn góa chồng, hai cô em còn đang đi học trường Trung Học Nguyễn-trung-Trực. Cô nào cũng xinh như mộng, cư-xử với chúng tôi như anh em trong nhà. Anh Thành có vợ con, và có nhà trong cư-xá Không-Đoàn, khi bay xong, chiều nào anh cũng bay về Cần-Thơ, lấy lý do phi-cơ đậu lại phi-trường Lạc-Hồng ban đêm không an-toàn. Mấy ngày đầu, chiều nào tôi cũng theo anh Thành về Cần Thơ, để đêm đêm chạy ra hầm trú ẩn, vì lúc ấy Việt cộng pháo kích phi-trường dữ dội lắm. Bác Tám gái bảo tôi: – Thằng Thành (vì bác coi chúng tôi như con cái trong nhà, nên thường gọi chúng tôi bằng “thằng” như gọi con của bác vậy) có vợ, nó về Cần-Thơ là phải, con về làm chi cho bị pháo-kích, ở ngủ lại đây đi, nhà rộng quá mà ít người, mấy em con nó sợ. Bác bảo người nhà dọn một phòng cho tôi ngủ trên lầu, cạnh hai phòng của hai cô tiểu thư nhà bác. Chiều chiều Thành bay về Cần-Thơ, tôi ở lại một mình cũng buồn, nên hai cô, khi thì rủ tôi chở hai cô chạy vòng vòng chơi ngoài phố, hoặc chở hai cô ra phi-trường Rạch-Sỏi tập bắn súng. Thú thật lúc đó tôi chưa có người yêu, nên có hơi xao-xuyến với cô em, vì cô có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt đen lay láy giống một nàng thơ của tôi, thuở tôi mới bắt đầu biết mơ mộng. Ngủ lại Rạch-Giá chỉ được vài ba đêm, tôi lại nhớ bạn-bè ở Phi-Đoàn, nhất là nhớ “mạt-chược” (còn gọi là bài chim của Tàu, chơi rất thú-vị) không sao chịu được, nên mỗi chiều tôi lại về Cần-Thơ. Sau lần biệt-phái ấy, trong phi-đoàn nhiều người nghĩ tôi đã phải lòng cô em, vì tháng sau tôi lại tình-nguyện xin đi biệt phái Rạch-Giá nữa. Họ đâu có biết rằng tôi xin đi Rạch-Giá để được ăn cơm “free”, vì lương tháng vừa lãnh ra, đã nướng sạch sau một đêm kéo phé cùng Nguyễn-văn-Hưởng (khóa 65 B) và Nguyễn-lãng-Uy (khóa 65 E). Lần đi biệt-phái nầy chúng tôi phải bay liên-tục, vì có nhiều cuộc hành-quân lớn của Liên-Đoàn Biệt-Động-Quân do Đại-Tá Sơn-Thương chỉ-huy. Anh Cao-minh-Rạng khóa 63 D, bay cùng tôi mệt quá nên miệng cứ “địt cụ” hoài vì mới vừa đáp xuống đổ xăng là có lịnh bay tiếp yểm-trợ cho quân bạn đang chạm địch. Nhiều phi-hành-đoàn trực thăng thuộc phi-đoàn 211 xuống Rạch-Giá đổ quân. Chúng tôi cũng đưa những anh em 211 nầy vào nhà Bác Tám ăn cơm, Không-Quân thì bác vẫn không nhận tiền. Trong ấy có vài anh vừa gặp cô em là bị hớp hồn ngay, trong đó có anh Th., anh Th. thú thật với tôi: – Moa vừa gặp cô ấy là bị coup de foudre ngay đó Toa, phải cô ấy là bồ của Toa không? Thật xứng đôi vừa lứa quá. Đáng tội nghiệp nhất là Trần-quốc-Trung (Khóa 65 D), Trung cứ theo tôi hỏi mãi: – Mầy có thật sự muốn cưới cô em không? Nếu là bồ mầy, mầy chưa có ý định cưới thì nhường cho tao nhé, tao giới thiệu em gái tao cho mầy, em gái tao đẹp lắm, hoa-khôi của Trưng-Vương đấy. Tôi nói thật với Trung: – Tao chỉ mới có cảm tình thôi, phi-đoàn tao có vài tên đang rắp ranh bắn sẻ đấy, nhưng tụi nó còn đang “nhợn” tao, nếu mầy thương dữ dội thì cứ tấn công đi, còn ngượng gì nữa, tao sẽ rút lui. Nhớ đừng quên cho tao làm em rể nhé. Trung mừng quá, tấn công tới tấp, khoảng một tháng sau, Trung gặp tôi ở câu lạc bộ Sư-Đoàn, Trung đưa ngón tay cái lên: – Xong rồi, cám ơn mầy, tao đã làm đơn xin cưới nàng, mầy làm rể phụ giúp tao nhé. Tôi nói: – Chúc mừng cho mầy. Nhưng hỡi ơi! Hạnh-phúc chưa được mấy ngày, thì Trung bị bắn rớt ở Sóc-Trăng trong một phi-vụ tải thương đêm, Trung chết ngay trong phòng lái. Tội nghiệp thay, một thằng bạn đẹp trai, vui-vẻ, dễ thương của khóa 65 D. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” Thuở ấy mặt trận Bình-Long càng ngày càng khốc liệt. Quân ta, dưới sự chỉ huy anh dũng của Chuẩn Tướng Lê văn Hưng, nhất định tử thủ An Lộc, thà chết không đầu hàng. Cộng Sản Bắc Việt dồn hết lực lượng, chia thành nhiều mũi tấn công, chúng hạ quyết tâm bằng mọi giá, phải dứt điểm An Lộc. Sau một thời gian dài, chúng đã gây cho quân ta tổn thất nặng nề. Bao nhiêu tử sĩ hy sinh không được chôn cất, bao nhiêu thương binh không được đưa về Quân y viện chăm sóc. Bị thương dù nặng hay nhẹ, cũng chỉ được y tá và các chiến hữu chăm sóc tại chỗ, với phương tiện cứu thương eo hẹp dần. Nguy khốn cho quân ta nhất là vũ khí, đạn dược cạn kiệt không được tiếp tế hữu hiệu, lương thực đã đến mức báo động từ lâu. Phải tử thủ trong tình trạng tuyệt vọng như thế, mỗi phút trôi qua là một phút mỏi mòn chờ cứu viện. Bộ Tổng Tham Mưu đã quyết định cứu An Lộc, giải tỏa Bình Long, nên đã tung nhiều đơn vị thiện chiến vào chiến trường: Sư đoàn 5 Bộ Binh, Biệt Động Quân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và tăng cường thêm hai Sư Đoàn lừng danh của vùng Bốn Chiến Thuật, đó là Sư Đoàn 21 và Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Phi đoàn 116 của chúng tôi ở Cần Thơ, cũng được tăng cường cho Phi Đoàn 112 Biên Hòa ba phi hành đoàn, để hằng ngày thi hành một số phi vụ do Phi Đoàn 112 sắp xếp, hầu hết là được giao cho những phi vụ bay cho mặt trận Bình Long, thỉnh thoảng được một ngày “xả hơi” là yểm trợ cho các Tiểu khu khác như: Long Khánh, Long An, Phước Long…, thuộc Vùng Ba Chiến Thuật. Phi đoàn 116 của chúng tôi xưa nay có truyền thống đi biệt phái xa thường cắt những hoa tiêu nhiều kinh nghiệm, và những quan sát viên dày dạn chiến trường, không bao giờ đưa những cánh chim non vào các vùng đầy phòng không 37 ly và SA7 ấy. Tôi còn nhớ rõ, ngày 15 tháng 5 năm 1972, tôi đi Biên Hòa biệt phái cùng Thiếu tá Trần công Thành (64B) và hai phi hành đoàn khác tôi không nhớ rõ tên. Nhưng tôi chắc chắn một điều không có ai là Trung úy, chỉ có Đại úy và Thiếu tá. Đến Biên Hòa, chúng tôi vào trình diện Trưởng phòng hành quân của phi đoàn 112 là Thiếu tá Lê tấn Phương. Anh là bạn thân của tôi, lúc trước anh từ miền Trung đổi về Phi đoàn 116, anh và tôi thường đi biệt phái chung với nhau như cặp bài trùng. Vừa gặp chúng tôi, Phương cười ngất hỏi: – Phi đoàn 116 sao lại đưa toàn cù lũ chĩa lên tăng phái vậy? Thành đáp: – Biệt phái cho các anh, chúng tôi phải tuyển toàn gà chiến đó. Phương nói: – Ưu tiên cho mấy ông. Ngày mai ai muốn bay cho Tiểu khu nào tùy ý chọn. Tôi đáp: – Chúng tôi biệt phái lên đây tùy mấy “sếp” cắt đâu bay đó thôi. Phương cười nói: – Vậy là Bình Long mút chỉ đó! Lúc ấy tôi không biết anh nói đùa hay nói thật. Đến hết kỳ biệt phái, tôi mới biết là anh không đùa. Chúng tôi được đưa đến một “trailer” không máy lạnh, kiếng cửa sổ đã mất. Cũng may tôi có mang theo mùng, không thì tối hôm đó muỗi Biên Hòa tha hồ hút máu dân Cần Thơ mới lên. Chiều hôm ấy trời thật ảm đạm, chưa kịp thả xuống mấy cái quán ở khu gia binh ăn cơm, thì trời đổ mưa lớn. Đến nhá nhem tối trời mới bắt đầu tạnh dần. Ngồi nhìn mưa rơi rả rít ngoài trời, tôi chợt nhớ đến vợ tôi, nàng đang mang thai đứa con đầu lòng sắp đến ngày sanh. Tự nhiên tôi có cảm giác rờn rợn, lo sợ vẩn vơ. Vì trong Không Quân, những đứa thường kề cận cái chết như chúng tôi, thường tin có điềm xui cho những thằng mới lấy vợ, hoặc vợ sắp sanh mà phải đi biệt phái xa như tôi. Mai đây tôi lại phải bay vào nơi dầu sôi lửa bỏng nầy, tự nhiên tôi thấy “lạnh cẳng”. Nếu có ai đó biết được tâm trạng lo sợ của tôi lúc ấy mà gọi tôi bằng nickname “S. combat”, chắc tôi quê lắm. Đang ngồi mơ màng tư lự, chợt trước cửa “trailer” có một người bất ngờ xuất hiện. Người nầy mặc áo mưa, có mũ trùm đầu cẩn thận. Tôi hơi giật mình vì sự xuất hiện đột ngột của anh ta, anh ấy đi vào đề ngay: – Mấy anh ở Cần Thơ lên, có anh nào thích xoa mạt chược không? Câu hỏi đúng ngay chỗ ngứa của tôi. Tôi mừng quá đáp ngay: – Tôi, nhưng xoa ở đâu? Anh ấy đáp: – Chơi ở nhà tôi, bên kia, tôi là Thiếu tá Minh. Anh đưa tay chỉ ngôi nhà có bức tường lớn, xa xa, tôi thấy mờ mờ trong mưa. Tôi đáp: – Tôi chưa ăn cơm, để tôi và bạn tôi đi ăn cơm về rồi sẽ qua. Anh Minh giục: – Qua nhà tôi ăn cơm, mời bạn anh luôn. Anh ấy biết chơi mạt chược không? Thành vì không chơi mạt chược nên từ chối và bảo tôi đi chơi đi, anh sẽ xuống tiệm ăn cơm và về ngủ sớm, mai đi bay. Tôi đi với anh Minh và hỏi thăm còn những ai xoa với tôi nữa, anh đáp: – Có Trung tá Nhã và Thiếu tá Vũ đang sẳn sàng, lúc nào cũng có ba anh em chúng tôi, còn mấy tay khác tối về Sài Gòn hết. Trên nầy khó kiếm đủ bốn tay lắm. Đến nhà anh, mới bước chân vào phòng khách, tôi đã thấy ngay bàn mạt chược nằm chình ình ra đó. (Tôi thường ngầm cám ơn các chú Ba Tàu đã ban cho tôi trò chơi lý thú nầy, ngoài dáng ngồi chơi thật sang trọng, thoải mái, còn là nghề tay trái của tôi để kiếm cơm, sau những lần bị 52 lá bài Tây quật cho cháy túi). Anh Minh hối người nhà dọn cơm cho tôi ăn, và hối hả quay điện thoại gọi hai anh Nhã và Vũ đến. Anh nói luôn cho tôi biết, anh Nhã là Tham Mưu phó Hành Quân Sư Đoàn 3 KQ, và anh Vũ là Phi Đoàn trưởng phi đoàn phản lực F5. Từ ấy, cứ mỗi chiều tối tôi đi bay về, là anh Minh gọi tôi qua nhà anh hoặc sang nhà anh Vũ ăn cơm, và xoa hai hội, đến mấy giờ cùng phải nghỉ. Chúng tôi giao ước với nhau giới hạn chỉ hai hội thôi, vì ngày mai ai cũng phải đi bay. Trở lại việc biệt phái Biên Hoà, đúng như lời anh Phương trưởng phòng hành quân phi đoàn 112 đã nói, chúng tôi “được” bay cho Bình Long mút chỉ. Ngày nào cũng cất cánh trực chỉ Lai Khê, nhận lịnh và bay thẳng lên An Lộc. Khi thì hướng dẫn khu trục oanh tạc mục tiêu, khi thì điều chỉnh pháo binh, khi phải đi tìm một vài cánh quân thất lạc không biết vị trí. Bay ở vùng nầy khó nhận định vị trí chính xác lắm, toàn là rừng cao su, mà địch và ta có khi ở thế cài răng lược, đánh lạng quạng vào quân bạn là “ủ tờ” như chơi! Mặt khác, vị trí quân bạn lại rất khó tìm. Họ chỉ trải panô màu cho phi cơ nhận điểm đứng của họ, tuyệt đối họ không bao giờ thả khói màu như những chiến trường khác, vì ở đây, khói màu sẽ là mục tiêu cho Việt cộng pháo kích, mà VC mỗi lần pháo là hằng trăm hằng ngàn quả chứ không ít! Riêng về phi cơ quan sát của chúng tôi thì VC ít dám bắn, vì chúng sợ lộ mục tiêu. Nhưng khi phi tuần khu trục đến rồi, một trái khói được chúng tôi bắn xuống đánh dấu mục tiêu nơi oanh kích, thì phòng không bắn lên như mưa. Những viên đạn 37 ly nổ bụp bụp trên không xung quanh chúng tôi, thấy nhột nhột lành lạnh xương sống. Ở vùng Bốn, chúng tôi khi bay hành quân cao độ lý tưởng là từ 1500 đến 2000 bộ, những khi cần khám phá những hầm hố của VC, chúng tôi thường xuống thấp hơn, có khi phải nhử cho VC bắn, cho phi cơ lao xuống thật thấp, làm low-pass sát ngọn cây dọc theo sông rạch, hoặc bay sát mặt nước theo những con kinh thẳng tắp, quan sát viên ngồi phía sau, bỏ helmet ra, thò hai tay đã cầm sẵn hai quả lựu đạn khói màu ra hai bên cửa sổ, khi nghe tiếng đạn VC bắn nổ chát chúa sát bên tai, là thả lựu đạn khói, xong chúng tôi cho phi cơ vút thẳng lên cao. Sau đó những thằng VC bắn phi cơ ấy sẽ được đáp lễ bằng những bom dập, pháo vùi. Tôi học lối nhử Việt cộng nầy từ chú Tư Cầu (nickname của Nguyễn Văn Thành khóa 63D), khi đi biệt phái cùng chú hồi Tết Mậu Thân ở Rạch Giá. Sau nầy tôi truyền nghề lại cho Ngô Minh Trải, Dương Hồng Vệ, Trần Hữu An, Liêu Văn Điều… những hoa tiêu trẻ, vì những hoa tiêu trẻ mới chịu nghe theo lời xúi bậy của mấy lão “ốp xẹc” già, chứ hoa tiêu già đâu có dại mà đùa với tử thần như thế. Bây giờ ngồi viết lại những dòng nầy, tôi mới nghĩ, tại sao lúc ấy mình lại hăng say đến độ ngu ngốc đến thế. Có lẽ vì tôi tin tưởng ở số mạng. Tôi có người cậu ruột, là một nghệ sĩ tài hoa lại là một nhà tướng số nổi tiếng, (Nguyễn Thành Ấm biết ông ấy). Ông cho tôi biết “Đời mầy nhiều gian truân nhưng thọ lắm.” Quả đúng như thế, đến nay đã trên sáu bó, qua khỏi tuổi hưởng dương rồi. Vì trong không quân ta dễ “chết non” lắm. Tướng Tư Lệnh nói “Phi công chúng mình tuổi đời thì ít mà tuổi thọ thì dài” vì hằng ngày đùa với cái chết, mà vẫn còn sống tới tuổi nầy coi như đã thọ lắm rồi. Trở lại bài học nhử cho VC bắn, phi đoàn chúng tôi có Đại Úy Nguyễn Tấn Trào, chỉ huy phó phi đoàn đã bị bắn chết ở Cà Mau, Trần Văn Sơn (65D) và Trần Hoa Văn (1/66 QS) đã bị bắn chết ở Vĩnh Bình. Thê thảm nhất là một đàn em thân yêu của tôi: Liêu Văn Điều. Anh đã hy sinh ở Sầm Giang (tỉnh Định Tường-Mỹ Tho), cùng với Nguyễn Ngọc Đạm (3/65 QS). Hai anh đã bay sát ngọn cây ở sông Sầm Giang để nhử VC, không may cho hai anh, gặp phải thằng bắn đại liên “chó ngáp phải ruồi”, nó bắn rớt hai anh đúng vào ngày ký Hiệp Định Paris. Bọn Việt cộng ở đây chúng áp dụng phương châm: Cồng cộc (khu trục) lên thẳng (trực thăng) còn tha, Bà Già (quan sát) giết hết lột da, chặt đầu. Chúng chặt đầu hai anh, dùng hai cây tre cắm đầu hai anh ngoài cửa sông, dưới treo tấm bảng “Hai tên giặc lái đã đền tội” (đúng là dã man hơn thời Trung cổ). Không biết xác anh Đạm có bị lột da không? Còn xác anh Điều được gia đình, nhờ người môi giới nạp cho chúng một số tiền chuộc rất lớn, chúng mới để cho gia đình mang về chôn cất, còn cái đầu chúng vẩn không trả lại. Trở lại việc đi bay ở An Lộc, làm sao dám bay thấp như ở Vùng Bốn, bay cao bốn, năm ngàn bộ, có khi phòng không bắn rát quá, phải lên cao hơn. Có một hôm, tôi được bay đánh tại thị trấn An Lộc, gần nơi tử thủ của Tướng Hưng. Ông liên lạc trực tiếp với tôi để chỉ điểm những mục tiêu phải đánh. Tôi báo cho ông biết, chúng tôi là Phi đoàn 116 ở Cần Thơ lên. Ông rất mừng khi gặp lại chúng tôi trên máy, vì lúc ông làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 31 Bộ Binh đóng tại Vị Thanh, ông rất thương chúng tôi. Phi hành đoàn nào biệt phái cho ông cũng được ông đãi ăn cơm cùng với ông ở Câu Lạc Bộ trung đoàn. Ngoài ra mỗi em còn được một gói thuốc lá bỏ túi nữa. Hôm đó ông yêu cầu được đánh rất gần hầm chỉ huy của ông. Việt cộng đã bám sát bên ông rồi! Tôi trấn an ông: – Alpha yên chí, rất nhiều đơn vị thiện chiến của mình đã đến gần Alpha, họ sắp bắt tay được với Alpha rồi đó. Ông rất vui, ông hứa ngày gặp lại ông sẽ có quà cho chúng tôi. Quả nhiên sau nầy, ông vẫn còn nhớ lời hứa hôm đó, tặng chúng tôi mỗi đứa một sợi dây đeo súng làm kỷ niệm. Lần biệt phái nầy để lại tôi một kỷ niệm vô cùng đau buồn. Một hôm, chúng tôi đã thi hành xong phi vụ ở phía Nam An Lộc, tôi đã dẫn đánh bốn phi tuần, Thành đã bắn hết 6 quả rocket khói đánh dấu mục tiêu rồi, phi cơ chúng tôi phải bay thẳng về Cần Thơ kiểm kỳ, đổi máy bay khác. Trên đường Thành bay về, phải chi tôi điềm nhiên tận hưởng cái khoan khoái của người quan sát viên là tha hồ ngủ hoặc nghe nhạc trên đường hoa tiêu bay về, dưỡng sức để tối nay còn xuống nhà Quan Bịnh (63D), xoa mạt chược thì đã yên rồi, chuyện đau buồn này sẽ không xảy ra. Không hiểu sao hôm đó tôi lại không ngủ, tôi lại thò đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống Quốc Lộ 13, đếm thử xem, có bao nhiêu chiếc xe của ta và của dân thường đã bị địch bắn cháy, nằm dài theo tử lộ kinh hoàng ấy. Trong nghề quan sát, thường chúng tôi hay nhìn sau đuôi phi cơ, vì địch mỗi khi thấy phi cơ chúng thường nấp xuống, chờ phi cơ bay qua khỏi rồi mới di chuyển hoặc chạy, hoặc bò. Quả nhiên tôi nhìn ra phía sau, bổng phát hiện mấy chiếc thiết giáp, chạy chui xuống gầm cầu đường rầy xe lửa. Tôi vội bảo Thành: – Anh Thành buông cần lái cho tôi vòng lại đây một chút! Thành hỏi: – Gì đó? Tôi bay vòng lại và đáp: – Có mấy chiếc thiết vận xa. Thành nói: – Kế bên Tân Khai, chắc là quân bạn. Tôi đáp: – Quân bạn sao nó thấy mình lại chui xuống gầm cầu. Để tôi liên lạc hỏi thử xem. Tôi liên lạc được Trung đoàn đóng tại Tân Khai, xin tầng số cánh quân đầu phía Nam của họ. Đó là một Tiểu đoàn của Sư đoàn 21 bộ binh. Tôi xin gặp Alpha của tiểu đoàn, tôi đọc tọa độ chiến xa xuất hiện để anh xác định. Anh ta thét lên: – Việt cộng đó, tụi nó đến gần tôi vậy sao? Anh làm ơn gọi phi tuần đánh giúp tôi, không thì tối nay chúng nó sẽ tấn công bọn tôi ngay. Con cái tôi bị ghẻ lở nhiều quá rồi (ý nói lính của anh đã bị thương nhiều rồi), mấy hôm nay chưa tản (tức tản thương) được. (Tản thương, lúc ấy trực thăng tản thương rất khó đáp, vừa đáp là VC pháo kích liên hồi, hoặc vừa sà xuống thấp là phòng không bắn như mưa, trực thăng rớt trên ấy nhiều lắm). Tôi nghe xót xa trong lòng và quyết định diệt mấy chiếc tăng nầy mới được. Tôi gọi ngay Bộ chỉ huy báo cáo tình hình và xin phi tuần đển đánh. Thành nói: – Mình gần hết xăng rồi anh, mà còn phải về Cần Thơ nữa! Tôi nói: – Không sao, mình đánh vài phi tuần rồi về Mộc Hóa đáp đổ xăng cũng được. (Bay lên trời hoặc vào vùng hành quân quyền đánh hay không là do quan sát viên quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm). Tôi gọi Trung tâm Hành quân Không trợ 3 (ASOC3) xin phi tuần ngay, trong khi chờ kết quả, tôi gọi pháo binh ở Tân Khai, chấm tọa độ mục tiêu bắn liền. Tôi chấm thêm ba tọa độ, gọi quân bạn cho biết, nếu đêm có bị tấn công hoặc có gì nghi ngờ thì bắn vào ba hỏa tập ấy. Tôi mới bắn được vài chục quả 105 ly, đã nghe trên tầng số UHF có tiếng khu trục gọi đúng danh hiệu tôi, cùng lúc đó ASOC3 cũng gọi cho tôi biết tôi có hai phi tuần. Phi tuần thứ nhất, danh hiệu Phoenix 51, số phi vụ… đang có trên tầng số, và phi tuần thứ hai, danh hiệu Phoenix 61, số phi vụ…. còn 10 phút nữa sẽ cất cánh, tôi đáp: – Cám ơn bạn tôi đã nghe Phoenix 51 đang gọi tôi. Có lẽ nghe rõ cuộc liên lạc giữa tôi và ASOC 3, nên khu trục gọi tôi ngay: – Sơn Ca 23, bạn cho tôi biết tọa độ mục tiêu. Tôi đáp nhanh: – Phía Nam An Lộc khoảng 10 km. Tôi đang đợi bạn trên mục tiêu. Xin cho tôi biết số phi vụ và trang bị của bạn. – Chúng tôi có hai phi cơ A1, số phi vụ…, trang bị gồm 16 bom nổ 500 và đại bác 20 mm, 10 phút nữa sẽ đến bạn. – Xin cho biết thời gian bạn có thể ở trên vùng? – Khoảng 30 phút. Thì ra phi tuần nầy được điều động đi đánh chỗ khác, với F.A.C Mỹ nhưng vì F.A.C gần hết xăng không đánh được, đang tìm mục tiêu giải tõa bom đạn trước khi về đáp, thời may gặp tôi đang xin, nên bay đến ngay, thật khoái vô cùng. A1 mang bom nhiều lại đánh rất chính xác. Tôi bắt đầu làm việc theo phương thức: – Mục tiêu của bạn là mấy chiếc tăng tôi vừa phát hiện. Quân bạn gần nhất ở về hướng Bắc khoảng 1 km, mỗi chiếc mang 8 trái, các anh đánh giùm tôi 4 pass, được không? – O.K. Bốn pass. Tôi nghĩ thầm, phi tuần nầy chịu chơi, đánh mỗi lần hai quả, A1 ở lâu trên vùng mà không nhột. Có những phi tuần xin đánh hai pass thôi, có khi “hot” quá, xin salvo một lần là hết bom. Tôi nói tiếp: - Trục đánh từ Tây sang Đông, break trái, về hướng Bắc có quân bạn, khẩn cấp anh có thể nhảy dù xuống đó. - Số 1, tôi nghe rõ, số 2 có nghe được FAC không? - 2 chỉ nghe được số 1 mà không nghe được FAC. (forward air control). - Sơn Ca 23 anh có nghe được số 2 của tôi không? - Tôi nghe số 2 rõ 5/5. - Số 2 không nghe được anh, nhưng không sao, tôi sẽ rờ-leo. (Đây cũng là một điểm son của khu trục Việt Nam, nếu hướng dẫn phi tuần Mỹ, hoặc đồng-minh, một trong những chiếc của phi tuần không nghe được F.A.C. thì họ không bao giờ chịu đánh). Sau khi số 1 nói xong, anh lặp lại cho số 2 những gì tôi đã thuyết cho anh, có lẽ anh đã dùng bút mỡ viết lên kiếng, nên không sai một chi tiết nào. Tôi nói tiếp: - Tôi sẽ hold phía Nam, nơi nầy ghi nhận có nhiều phòng không, thường bắn rớt trực thăng tản thương. Số 1 đáp: - Nghe rõ, và anh lặp lại cho số 2, số 2 cũng đáp nghe rõ. Tôi nói tiếp: - Gió Đông Nam từ 10 đến 15, elevation khoảng 40 feet, phi trường giải tỏa gần nhất là Lai Khê, hiện giờ tôi đang bắn pháo binh. - Roger! Xong số 1 lặp lại cho số 2. Tôi nhìn bên cánh phải thấy xa xa có 2 chiếc A1 đang bay tới. Tôi nói: - Phoenix 51, bạn gần tới mục tiêu rồi đó. Tôi đang ở hướng 11 giờ, thấp của bạn. Để tôi bắn một tràng pháo binh nữa cho bạn thấy mục tiêu rồi tôi cho chấm dứt tác xạ, mục tiêu đang ở hướng 12 giờ của bạn. Tôi gọi pháo binh: - Yếu tố cũ 20 quả, chấm dứt tác xạ. Trả lời. Pháo binh trả lời: - Yếu tố cũ 20 quả chấm dứt tác xạ. Hết. Chắc đã nhìn thấy những quả pháo đang nổ, số 1 nói: - Tôi thấy mục tiêu rồi, có phải chỗ pháo binh bắn nổ ở đường sắt đó không? Tôi đáp: - Đúng rồi. Chổ đó là cây cầu bắt qua suối cạn, có mấy chiếc tăng vừa trốn dưới đó. Bạn đánh ngay chỗ pháo binh nổ đi, có cần tôi bắn trái khói không? - Tôi thấy rõ, không cần rocket khói. Tôi nói tiếp: - Quân bạn nằm trên quốc lộ 13, hướng Bắc mục tiêu 1km, bạn có cần quân bạn thả khói màu không? Anh đáp ngay: - Không cần, số 2 chuẩn bị vào đội hình oanh kích, số 1 “in-hot”. Số 1 đã vào trục tấn công. Tôi hồi hộp theo dõi, thấy anh bổ nhào xuống quá thấp, thấp nữa… thấp nữa. Tôi thấy hai quả bom rơi. Tôi báo: - Hai quả đã rơi. Mấy giây sau, “Ầm!”một phát, hai quả trúng ngay mục tiêu. Tôi khoái quá la lớn: - Trúng rồi! số 2 vào đánh ngay bom số 1. Số 2 sau khi nghe số 1 lập lại lời tôi “số 2 đánh ngay bom số 1” Số 2 cũng báo: - Số 2 “in-hot”. Số hai vào, cũng đánh rất thấp như số một, nhưng hai quả bom dài hơn khoảng 100m. Nơi hai quả bom của số 2 nổ, là một khoảnh rừng cao su, chắc cũng có nhiều Việt cộng chết trong ấy. Tôi gọi: - Số 1, đánh ngay hai quả trước của anh. Hai quả sau của số 1 cũng rơi rất chính xác. Vì muốn hủy diệt hoàn toàn mấy chiếc tăng, tôi thét lên: - Số 2, đánh ngay bom vừa nổ. Số 1 lặp lại công điện cho số 2. Số 2 vào lần nầy đánh trúng ngay bom số 1. Thật hết xẩy! Tôi la lớn: - Số 2, number one! Số 2 vừa kéo lên break trái, một làn khói trắng dài bay phụt lên, đầu làn khói ấy là một chấm đen, đang quẹo vòng lại đuổi theo phi cơ số 2. Tôi thét lớn: - SA7! Số 2 nhảy dù! Số 2 nhảy dù mau! Không kịp rồi, làn khói đã tới phi cơ anh rồi, tôi nghe đùng một tiếng thật lớn giữa không trung. Phi cơ anh đã bốc cháy, nhưng đang còn bay lên, tôi thấy một vật đen bay ra khỏi phi cơ, may quá! Anh đã nhảy dù ra được rồi. Số 1 gọi hỏi tôi: - Sơn Ca, anh thấy số 2 có nhảy dù được không? - Nhảy dù được rồi tôi đang theo dõi… Tôi gọi ngay cánh quân bạn phía Bắc: - Phi cơ bị bắn cháy. Phi công đã nhảy dù. Nhờ bạn tìm cứu đem về giùm. Quân bạn đáp: - Chúng tôi nghe rõ. Tôi theo dõi mãi, không thấy dù bung ra, số 1 cũng đang theo dõi, chắc anh cũng không thấy dù bung ra như tôi, nhưng anh còn vớt vát hòi tôi: - Sơn Ca có thấy dù mở ra không? Tôi hoàn toàn thất vọng đáp: - Không thấy. - Bây giờ tôi còn bốn quả, đánh ở đâu? Tôi đang lo điều động quân bạn tìm số 2, lòng dạ nào còn muốn đánh nữa, tôi nói: - Ngay hai quả bom đầu của số 2, anh salvo hết đi. Việt cộng từ đám rừng đó bắn phi cơ đấy. Số 1 đánh xong, còn làm đúng thủ tục oanh kích, gọi tôi: - Sơn Ca, anh cho biết kết quả? - Phá hủy hai chiếc tăng, tiêu diệt nhân mạng không rõ. Bất chợt quân bạn gọi lên báo cáo với tôi: - Chúng tôi đã tìm được xác phi công (may quá có lẽ anh rớt gần quân bạn), mang cấp bậc Đại úy, bảng tên là Hùng. Tôi gọi hỏi số 1: - Có phải số 2 của anh là Đại úy Hùng không? Hùng nào vậy? (trong Không Quân ta, mỗi người còn có nickname đi kèm). - Nó là HÙNG Sữa đó (thì ra nickname Hùng Sữa là Nguyễn-Cao-Hùng khóa 65A) còn tôi là Nguyễn thế Qui. Tôi hỏi ngay: - Số 1 có phải Qui Lùn 65D không? Hèn chi đánh đâu trúng đó. Anh nói: - Đúng rồi. Còn ai bay bên đó? Xin anh cho tôi biết tên để tôi làm báo cáo. Tôi báo cáo tên họ, khóa 65F, phi đoàn 116 rõ ràng như lúc ở quân trường trình diện niên trưởng, chỉ thiếu không đọc số quân. Không biết niên trưởng Qui lúc đó có còn nhớ mặt thằng khóa đàn em nầy không? chứ tôi thì tôi biết anh rất rõ, vì anh cùng khóa với thằng bạn nối khố của tôi là Ấm Sứt Vòi. Anh hơi thấp người (chớ không đến đổi Lùn như nickname), đẹp trai, hiền lành, (vì ít phạt đàn em). Anh thấp người nhưng tài cao. Anh là một trong những chiến sĩ xuất sắc nhất của Không Quân. Khi còn mang cấp bậc Trung úy anh đã là Phi tuần trưởng khu trục rồi. Lúc phi đoàn 520 và 526 ở Cần Thơ đi Mỹ học A37, Qui thường xuyên dẫn biệt đội khu trục xuống Cần Thơ để yễm trợ cho vùng Bốn. Tôi đã nhiều lần hướng dẫn anh đánh, nên biết anh đánh rất chính xác, có những lần phải đánh tiếp cận, (ta và địch sát bên nhau) tôi đã gọi toán quân đầu đội nón sắt hai lớp, tôi điều chỉnh cho Qui đánh bom nổ cách quân bạn chỉ 50m, làm cho Ngô minh Trải bay với tôi sợ xanh mặt. Qui gọi tôi nhờ theo dõi xác số 2 đem về đâu, anh báo anh đã gần hết xăng anh phải rời vùng. Mới đây thôi, cùng cất cánh hai chiếc. Bây giờ bay về chỉ một mình, chắc Qui thấy xót xa, buồn bã biết chừng nào! Phi tuần thứ hai đã đến. Máu nóng nỗi lên, tôi đánh tan nát đám rừng cao su ấy. Tiếp theo, tôi còn dập hàng ngàn quả pháo binh vào chung quanh đó, để trả thù cho Hùng. Bắn mãi đến lúc Thành báo: - Gần hết xăng mình về Mộc Hóa đáp lấy xăng. Tôi O.K., nhưng trên đường về, tôi vẫn còn điều chỉnh pháo binh dội tiếp, tôi gọi bắn sang trái, sang phải, dài, ngắn, mỗi lần chỉnh 50m, (vì quân bạn ở xa, nên không sợ bắn vào quân bạn), tôi bắn như thế cho đến khi gần đáp xuống Mộc Hóa tôi mới chấm dứt tác xạ. Tôi hỏi thăm xác của Hùng, quân bạn cho biết đã khiêng anh về tiền cứ của Tiểu đoàn. Hùng chết vì lý do cánh dù không bung ra được, không biết vì lỗi kỹ thuật hay vì dù đã bị cháy? Nếu Hùng nghe được tôi, nhảy dù liền may ra còn kịp. Nhưng vì máy vô tuyến của anh không nghe được tôi, phải chờ Qui chuyển công điện, nên chậm mất mấy giây chăng? Nếu như hôm ấy tôi ngủ đi, hoa tiêu bay luôn về Cần Thơ, thì Hùng sẽ không phải hy sinh. Hoặc khi tôi phát hiện xe tăng, chỉ báo cho Bộ chỉ huy hành quân rồi bay đi luôn vì đã hết nhiệm vụ, chuyện đau buồn đó sẽ không xảy ra. Ôi! Cũng vì cái tánh “cà xóc”của tôi mà Không Quân ta mất đi một chiến hữu, gia đình anh mất đi một người con (cũng may anh chưa lập gia đình) Tổ Quốc mất đi một anh hùng. Tôi hối hận tại sao tôi đã ở lại, thi hành tích cực một phi vụ không phải của mình, dù có đánh diệt được hai chiếc tăng đó thì VC cũng sẽ được chi viện thêm 20 chiếc, 200 chiếc khác thay thế. Còn Cộng Sản Bắc Việt đánh đến bao giờ cho hết, vì trong đoàn thanh niên Cộng sản H.C.M, những mái đầu xanh mới 14, 15 tuổi đã được khích động tình nguyện vào Nam “chống Mỹ cứu nước rồi”. Những oan hồn uổng tử ấy, chết đói trên đường mòn Trường Sơn, chết thảm trong rừng sâu nước độc. Giờ đây những oan hồn ấy, chắc uất hận lắm, khi thấy bọn người xúi giục họ đi chiến đấu chết thay con cái chúng, giờ đang sống huy hoàng sung sướng ở VN, cá độ đá banh hằng triệu đô la, tài sản nhà đất phải tính hằng triệu, hằng tỷ Mỹ kim. Con cháu cán bộ cao cấp đi du học ngoại quốc tiêu xài sang hơn cả các tiểu vương dầu hỏa. Ngẫm lại, chỉ có những người lính là thiệt thòi, bên nầy cũng như bên kia, chúng ta đều bị ngoại bang giật giây cho lãnh đạo, lãnh đạo đã lợi dụng xương máu của chúng ta… Cách đây không lâu, Âm Sứt Vòi cho tôi biết số điện thoại của Qui ở Hawai, tôi gọi thăm anh, anh rất mừng. Hai đứa chúng tôi ôn lại chuyện cũ mà nhớ thương Nguyễn cao Hùng, hai đứa đều sụt sùi. Qui kể cho tôi biết, lúc đi du học ở Mỹ, Hùng đã từng can đảm nhảy xuống biển để cứu một em bé Mỹ sắp chết đuối ở Florida. Anh được cả Thành phố vinh danh và trao tặng anh Nhân Dũng Bội Tinh. Qui kể tiếp, vào ngày Hùng chết, Qui đang dẫn biệt đội biệt phái Sài Gòn. Hôm đó là ngày 20 tháng 5 năm 1972. Phi tuần Phoenix 51 do Qui bay số 1 và Thống (66A) bay số 2, đang túc trực chờ bay. Chợt Qui thấy Hùng vào, Qui mới hỏi: - Mầy đang nghỉ phép vào đây làm gì Hùng? Hùng đáp: - Ở nhà buồn quá, nhớ tụi bây, muốn vào bay với mầy hôm nay. Qui đáp: - Được, vậy để gọi kỹ thuật chuẩn bị một chiếc nữa, Thống bay số 2, mầy bay số 3. Thống chợt lên tiếng: - Anh Qui, để anh Hùng bay thế tôi đi. Hôm nay tôi cũng có chút việc nhà. Qui đáp: - Cũng được. Thôi Thống về đi. Hùng, mầy đi ăn với tao, có lẽ mình cũng sắp đi bay rồi đó. Hùng từ chối: - Mầy đi ăn đi, hôm nay lễ Phật Đản, tao ăn chay, mầy mua cho tao gói xôi bắp được rồi. Qui lặp lại nguyên văn mẫu đối thoại sau cùng với người bạn xấu số. Ngay buổi chiều sau ngày Hùng mất, Qui được báo, có phi cơ vừa chở xác một pilot khu trục về, Qui vội chạy đến kéo fermeture (zipper) của bọc nylon dựng xác để nhìn mặt Hùng. Nhưng không phải là xác của Hùng, mà là xác của anh hùng Phạm văn Thặng (Thặng Fulro), từ Pleiku chở về. Qui đứng lặng người. Lại thêm một đàn anh đáng kính của ngành khu trục đã ra đi lúc nào mà Qui không hay biết. (Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây kể chuyện về anh Thặng; Phi cơ của Trung- tá Thặng bị bắn cháy khi còn mang nhiều bom đạn trên cánh, nếu anh bỏ phi cơ nhảy dù phi cơ sẽ rớt xuống, bom sẽ nổ tại khu đông người, không biết bao nhiêu người vô tội sẽ chết, anh nhất định không chịu nhảy dù theo lời kêu gọi của phi tuần viên, anh cố gắng bay xa thành phố, một mình đáp khẩn cấp với chiếc phi cơ đầy bom, có lẽ trên Bảng Phong Thần đã có tên anh là:THẦN NHÂN ÁI- vị Phúc Thần xã thân mình cứu người). Chuyện bên lề Sau khi mang xác Hùng về Tiểu đoàn ấy, thuộc Sư Đoàn 21 bộ binh, ngày hôm sau, bốn trực thăng võ trang, yễm trợ cho một chiếc tản thương đáp khẩn cấp xuống để bốc xác Hùng về, trực thăng vừa đáp xuống thì thương binh đã ào lên đầy phi cơ, đạn VC pháo vào tới tấp, trực thăng phải bay về, không chở được xác Hùng mà chở được 14 thương binh về. Buổi chiều lại cũng như thế. Qua ngày hôm sau phi cơ vừa đáp có lẽ VC đã sẳn sàng hỏa tập, nên chúng pháo tưng bừng, lại cũng chở được một số thương binh về. Thương binh nặng tại sao lại tranh được lên phi cơ? Bộ Chỉ Huy Hành Quân nhận xét, rõ ràng có tổ chức hẳn hoi. Thì ra Tiểu đoàn trưởng xin tản thương không được, không cho đem xác Hùng ra sẳn ở bãi đáp như lịnh trên, mà chỉ khiêng thương binh của ông ra chờ sẳn, trực thăng đáp xuống là thương binh được đồng đội mạnh khỏe đẩy lên cho đầy phi cơ. Liên tục ba, bốn ngày như thế, Tướng Tư Lệnh Hành Quân nhận một chỉ thị trực tiếp từ Tổng Thống Phủ: - Bằng mọi giá phải đem được xác viên phi công ấy về ngay ngày hôm nay! Tướng Tư Lệnh thét xuống Đại Tá Trung đoàn trưởng: - Ngay ngày hôm nay, không đem được xác phi công ấy về, thì đích thân anh về trình diện tôi. Đại tá thét xuống Tiểu đoàn trưởng: - Ngay chuyến tản thương nầy, không đưa được xác phi công ấy về, mày cút đi đừng gặp mặt tao. Vì sao mà có những lệnh gắt gao như thế? Thì ra, thân phụ của Hùng là một Thượng nghị sĩ danh tiếng, nằm trong một liên danh mà Tông Tông đang gờm. Ông xin vào gặp và năn nỉ Tông Tông: - Đứa con yêu quý của chúng tôi đã hy sinh vì Tổ Quốc, xác đang nằm trong tay quân bạn, thế mà không được đem về chôn cất, hỏi còn ai dám hy sinh chiến đấu nữa? Tông Tông phần thì thông cảm cho gia đình; phần thì rất gờm ông thượng nghị sĩ, nên mới ra lệnh khẩn cấp như thế. Nhưng lệnh là lệnh, vị Tiểu đoàn trưởng không vì lệnh mà nhẩn tâm đứng nhìn những đứa em bị thương rên la thảm thiết, nếu không tản thương là chết, nên ông bình tỉnh cho tản hết những thương binh nặng của ông về. Đã một tuần qua đi. Tướng Tư Lệnh giận quá, hằng ngày bị ở trên chửi xuống, ông bèn gọi gặp thẳng Tiểu đoàn trưởng, ra lệnh vị nầy giao tiểu đoàn lại cho Tiểu đoàn phó, về Bộ Tư Lệnh trình diện ngay lập tức. Đây là quân lệnh! Ngay chuyến tản thương ấy, Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Đ., một Tiểu đoàn trưởng lừng danh của Sét Miền Tây, biệt danh của Sư đoàn 21 BB, mà tôi cũng đã từng quen biết anh. Anh về cùng một số thương binh nhẹ còn sót lại và xác của Hùng, được để vào bọc nylon cẩn thận. Hai quân cảnh được lệnh ra tận máy bay “hộ tống” Thiếu tá Đ. Vào gặp Tướng Tư Lệnh. Tóc anh gần chấm đến vai, râu ria xồm xàm, mặt mũi hồc hác. Đó là hình ảnh của những chiến sĩ ngày đêm đương đầu trực diện với địch quân ngoài trận mạc. Không biết bao nhiêu lâu rồi anh chưa được tắm, có chăng là ngồi nấp dưới hố hoặc giao thông hào ướt đẫm vào những lúc trời mưa. Vào đến nơi, anh nghiêm chỉnh chào trình diện Tư Lệnh. Tư Lệnh vỗ bàn thét lớn: - Anh muốn làm loạn hả? Kỷ luật Quân đội dạy anh như thế hả? Dường như có chuẩn bị tinh thần sẳn, anh dõng dạc trả lời: - Thưa Tư Lệnh, tôi phạm kỷ luật Tư Lệnh cứ cho vào quân lao. Nhưng xin Tư Lệnh cho tôi được trình bày. Cố Thiếu tá Không quân Hùng đã đền nợ nước. Tôi kính trọng và cảm phục gương hy sinh anh dũng của ông ấy. Tôi đã cho đem xác ông về hậu cứ chờ đưa về chôn cất. Nhưng dù sao đi nữa, thì ông ấy cũng đã chết rồi. Còn em út tôi, bị thương nằm la liệt, không tản thương được, lâu ngày có những đứa vì vậy mà chết. Dù ở cấp bậc nào cũng là chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những người thương binh nầy sau khi điều trị lành rồi, họ còn tiếp tục ra chiến đấu được nữa, nên tôi phải cãi lịnh trên mà cho di tản họ về, còn người đã chết như cố Thiếu tá Hùng, đem về dù sớm hay muộn gì cũng chỉ để chôn cất mà thôi. Thiếu tá Đ. ngừng lại một giây, đợi phản ứng của ông Tướng, rồi nói tiếp: - Mấy ông Không quân, bạn bè mấy ổng chết, bằng mọi giá mấy ông ấy cũng liều mình đáp xuống lấy xác về, còn em út tôi bị thương, đáp xuống để tản thương mà bị pháo kích hay bị phòng không bắn, là mấy ông ấy bốc máy bay lên ngay, không chịu đáp. (Điều nầy, hắn nói oan cho Không quân chúng ta quá, phải không quý anh trực thăng?) Tướng Tư Lệnh hơi dịu giọng: - Anh đã biết “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội”. Lịnh là anh phải thi hành. Thôi, anh hãy ra ngoài đi, việc của anh tôi sẽ có quyết định sau. Có lẽ Tướng suy nghĩ thương tình, nên sau nầy Tướng đã cho Thiếu tá Đ. về làm Chi khu trưởng (tức Quận Trưởng) của một quận ở vùng Bốn Chiến Thuật, chắc chắn anh thương dân cũng như đã thương lính của anh vậy. Thay lời kết Thưa các bạn, chúng ta sinh ra cùng thời và trưởng thành cùng lúc với cuộc chiến Việt-Nam ngày càng đi vào những giai đoạn ác liệt và tàn khốc nhất. Chúng ta hầu hết phải rời bỏ mái gia đình êm ấm, phải rời bỏ mái trường thân yêu, phải rời bỏ các phân khoa Đại Học đầy tươi sáng cho tương lai, để cùng nhau vào quân ngũ, cùng học chung quân trường, cùng khóa 65 Không quân. Trong chúng ta đã có quá nhiều bạn bè cùng khóa đã hy sinh trên chiến trường, đã gởi phần thể xác mình cho miền Nam tự do, ôi những người bạn thật hiền lành, thật tốt bụng, thật dễ thương đã trở thành những anh hùng bất tử như: Trần thế Vinh, Phan quang Tuấn, Trương công Thành, Trần quốc Trung, Vũ Tùng, Trưong đông Đình, Hoàng quốc Huấn, Huỳnh Lô, Trần văn Bời… và… còn nhiều… nhiều lắm, không sao kể hết và còn một người bạn nữa của chúng ta đang là anh hùng: Lý-Tống. (tức Lê văn Tống 65A). Nhưng riêng cái chết của Nguyễn cao Hùng đã làm tôi ân hận mãi. Nhưng biết đâu, với cái chết anh hùng ấy, anh được lên miền cực lạc. Biết đâu giờ nầy anh đang sung sướng, chiều chiều ngồi vắt chân chữ ngũ nơi tiên cảnh, nhắp rượu bồ đào, nhâm nhi mấy quả đào tiên, đêm trăng vào cung Quảng xem Hằng Nga, cùng một bầy tiên nữ múa vũ khúc Nghê Thường. Nếu anh còn sống thêm ba năm nữa đến ngày mất nước, phải vắt giò lên cổ bỏ cả gia đình mà chạy, thoát được qua đây cũng phải đi cày hộc xì dầu để sống. Còn không may mắn ở lại, phải chịu cảnh tù đày khổ sở, đói khát, lao động khổ sai. Rẻ lắm cũng gở năm, bảy cuốn lịch. Một bên là anh chết được lên miền cực lạc, một bên là anh sống trong địa ngục trần gian, chắc là anh chọn cái chết. Bây giờ có lẽ anh không giận tôi, mà anh đang cám ơn tôi, phải không Niên trưởng Hùng Sữa 65A? Lê-văn-Sùng DH3QS2015December 1, 2014 at 9:31 AM Thay mặt BTC/ĐH3QS, chúng tôi chân thành cám ơn tình cảm của anh Bằng qua bức paneau trình bày logo Observation Squadrons 8 Phi Đoàn QS & 1 Phi đoàn Huấn luyện 918 Phi Yến cùng chiếc L19, biểu tượng cho Ngành Quan Sát/KLVNCH. Trân trong, KQ Võ Ý NHUNG CHUYEN BAY http://thaiduong530.tripod.com/id42.html https://hoiquanphidung.com/showthread.php?18955-Phi-V%E1%BB%A5-Rescue-Ti%E1%BB%85n-nhau-ng%C3%A0n-d%E1%BA%B7m-c%C5%A9ng-chia-ph%C3%B4i |
============================
|
Cha Yêu
Cha của tôi một thời ngang dọc,
Súng trên vai thẳng nhắm quân thù.
Chiếc nón sắt bạc màu túi vải,
Mang cả lời thề theo những cánh chim bay
Trong những ngày lửa loạn gian lao
Mà cái chết luôn cận kề họng súng
Dưới màn đêm bom rơi dữ dội
Khói tung trời theo những đóm quả châu
Mang cả tình yêu theo những gót giày
Đường hành quân dài nắng nung, gió rét
Lội suối băng rừng xông pha lửa đạn
Hay trên bầu trời lơ lửng áo nhà binh
Rồi những đêm trằn trọc không nguôi
Cái chớp mắt cũng sợ mình đi ngủ
Đôi mắt suy tư thâm quầng màu khói thuốc
Cha vẫn giữ bên mình những bức tình thư
Người vợ trẻ mới cưới hôm nao
Đã bao năm ra đi chưa lần nào về phép
Thư đến muộn cũng như chưa kịp viết
Cha chưa về vì gánh nặng non sông
Nay đất nước độc lập tây đông
Thì người của cha cũng đầy mảnh đạn
Đánh đập tù đày nhiều năm rách đói
Nhưng khí khái ngoan cường há chịu bầm gan
Và hôm nay đất nước đã sang trang
Cái khí phách vẫn còn trong mắt
Cuộc sống vất vả cha chưa từng khóc
Khi cha cười thì móm mém vết nhăn
Con quay trở về gặp cha bên túp lều tranh
Có giàn mướp xanh vi vu gió thổi
Dòng sông xanh hai bờ Lao che lối
Có chiếc xuồng con độc mộc trưa hè
Có đàn vịt trắng bên giếng nước le te
Hàng Dừa xanh soi mình trên bến nước
Đu đủ, chuối thơm ngày ngày chăm sóc
Có khi một mình chưa trọn bát cơm ngon
Cha bảo không về nhà ở lại chăm nom
Trồng trọt chăn nuôi làm nên vui thú
Đôi tay nhăn nheo tóc màu tiêu muối
Hai má hóp sâu lại nở nụ cười
Con thấy buồn buồn lắm cha ơi
Tuổi trẻ hiên ngang một thời lừng lẫy
Dáng người gầy gò da đen nắng cháy
Một thuở chiến chinh phải chịu tật nguyền
Cũng bởi gót bùn nên đâu sợ gì quen
Cha vẫn hay cọc cằn nóng nảy
Gần Bảy mươi tuổi đời mà vẫn vậy,
Nhiều lần cha kể chuyện lại của ngày xưa.
Viết tặng cha một lá thơ dài,
Khi mọi người chìm trong giấc ngủ,
Cha trong lòng con còn chưa đủ,
Con muốn viết ra lời gửi đến cha yêu.
HXT
2013
No comments:
Post a Comment