Tuesday, April 2, 2019

Tờ Khai Sanh Oan Nghiệt



https://youtu.be/88VxkZII7NY

Tờ Khai Sanh Oan Nghiệt

Tác giả Phan

Tờ Khai Sanh Oan Nghiệt


Chương 1

Lời Tòa Soạn Việt Báo - Tác giả là một nhà báo, người phụ trách một cột mục trên tạp chí Ca Dao tại Dallas, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Sau đây là hồi kết bài viết mới của ông, với lời ghi:
“Gởi chút niềm riêng...”

1.

…Cha tôi đánh mẹ tôi như cơm bữa, lần cuối cùng, năm tôi 6 tuổi.

Hôm đó, cha về nhà với người đàn bà son phấn chứ không xoàng xĩnh như mẹ tôi.

Sáu tuổi đầu nhưng tôi đã linh cảm được đại sự xảy ra! Thay vì chạy trốn đòn như mọi lần cha về thì tôi chạy xuống bếp với mẹ để nhớ đời về trận đòn kinh khủng mà mẹ tôi phải gánh chịu.

Cha đuổi mẹ ra khỏi nhà bằng những câu chửi tục tằn, những hành vi ghê sợ.

Người đàn bà kia đứng khoanh tay nhìn cha tôi đá cái lò củi đang cháy mà trên đó là nồi cơm chiều đang sôi. Có lẽ do nước cơm đang sôi làm phỏng chân vì cha đi dép chứ không phải giày nên ông nóng giận hơn bình thường và đã trút cơn thịnh nộ lên mẹ tôi một trận đòn kinh khủng.

Ông đá mẹ tôi liên miên đến không đứng dậy nổi, cuối cùng là nắm tóc và giập đầu mẹ vô vách đến khi dòng máu đỏ chảy dài xuống mặt thì người đàn bà kia can ra, không cho đánh nữa. Bà ta mở bóp đầm, lấy ra cái khăn tay để hỉ mũi… chứ không phải lau máu cho mẹ tôi.

Mẹ nắm tay tôi, lom khom vì đau đến không đứng thẳng người lên được, trở lên nhà trên, mẹ xốc thằng em tôi đang ngủ dúi ở góc nhà. Mẹ vác nó lên vai, cố tha lưng nó cho đừng khóc nữa.

Chúng tôi ra khỏi nhà trong bóng chiều chạng vạng. Người đàn bà kia đứng lặng nhìn theo… tương lai của bà. Con chó phân bua vài tiếng sủa, rồi quyết định chạy theo những kẻ khốn cùng.

Chúng tôi đi bộ thật gần để sang nhà bà nội. Mẹ tôi gởi chị em tôi cho bà nội để đến nhà ông y tá trong xóm băng bó vết thương vì máu chảy đầm đìa.

Nội xua đuổi chúng tôi làm om xòm cả xóm.

Chú Tư tôi ngoài quán nhậu, nghe chuyện trở về nhà.

Ông ra lệnh cho bà nội giữ đứa con trai, (năm đó, em tôi 4 tuổi) và ra lệnh cho mẹ dẫn tôi đi đâu thì đi, đừng về nhà nữa, đừng đến đây nữa.

Mẹ tôi miễn cưỡng gởi lại thằng em tôi cho bà nội, nhưng nó khóc la, không chịu rời mẹ tôi. Chú Tư táng nó một bạt tai đến sặc máu mũi, chửi tới ba đời nhà nó.

Mẹ tôi không cho đánh nó nữa bằng cách ôm nó vào lòng mẹ.

Chú Tư trút giận lên mẹ tôi còn tàn nhẫn hơn cha tôi.

Chú đánh mẹ tôi như đánh chó. Đá lăn lông lốc trên sân…

Tôi không còn khóc la nổi nữa, chỉ đứng há hốc miệng ra nhìn. Thằng em tôi thôi khóc, máu mũi nó chảy xuống đỏ cả ngực áo nó lẫn áo tôi, nó vùng ra khỏi tay tôi đang ôm nó trong lo sợ, nó dõng dạc chỉ mặt chú Tư!

– "Đụ má mày chú Tư."

Ông, cho nó một đá văng ra ngõ, nó giẫy đành đạch như con cá lóc bị đập đầu.

Mẹ tôi bò ra ngõ, lôi thằng em tôi và gọi tôi: Chạy! Con chó chạy theo…

Đêm đó, chúng tôi ngủ sạp ngoài chợ Chồm hổm là ngôi chợ tự phát, mọc lên sau "giải phóng". Bờ sông bãi rác trước đây nhưng có lợi thế trên bờ dưới bến, thuận tiện cho việc mua bán của ghe thương hồ. Đêm xuống, mấy chiếc ghe thương hồ leo lét đèn bão và tiếng hát lời ca vang lên cùng tiếng đàn vọng cổ. Tôi quá lạnh, sợ và đói nên không ngủ được, rúc vô mẹ tôi thì thằng em không nhường hơi ấm, nó xô tôi ra. Tôi ôm con chó, khóc thút thít… rồi lịm đi.

Khuya, mấy người Phường đội, du kích, công an… đi bắt vượt biên làm náo động mấy chiếc ghe thương hồ đã yên giấc.

Họ bắt chúng tôi chung với những người lạ, những người vượt biên lớ ngớ không biết chạy đi đâu. Tất cả những người bị bắt, được giải về Công an Phường. Sáng hôm sau, công an nhận mặt ba mẹ con tôi là người địa phương nên thả ra chứ không đưa đi trại giam.

Mẹ dẫn chị em tôi xuống cuối chợ, mua cho mỗi đứa một trái bắp luộc và dặn ngồi ngoan ở đó để mẹ đi xin việc làm. Con chó cũng kêu đói ăng ẳng đòi phần, mẹ nhường cho nó củ khoai lang luộc là phần của mẹ. Bây giờ, tôi mới thấy trên đầu mẹ tôi được buộc lại như đeo tang, máu khô còn đầy ở mang tai và gương mặt tím bầm nhiều chỗ. Chúng tôi ăn xong, ngồi ngoan một chỗ để mẹ đi gánh nước và rửa tô cho hàng hủ tiếu. Con chó lẽo đẽo theo mẹ đi gánh nước…

Từ đó, chúng tôi sống ngoài chợ. Tối ngủ coi đồ cho hàng hủ tiếu khỏi dọn bàn ghế về nhà như trước đây.

Gia đình tôi cũng quen được ông bà Mười làm nghề thương hồ. Ông bà lên hàng là cả ghe cá mắm tới rau trái, dừa khô, khoai lang, bí đỏ… Họ mua bán trao đổi không hết hàng thì để lại cho mẹ tôi bán chợ chiều vì công việc phụ hàng hủ tiếu chỉ bán chợ sáng. Những ngày tháng ấy, tôi thấy mẹ tôi cười khi chợ vắng tanh về tối và thằng em tôi chơi với con chó nhiều hơn chơi với chị.

Chuyện, ba mẹ con tôi sống ngoài chợ được đồn đến tai cha tôi và chú Tư cũng đồng nghĩa với hết yên ổn từ hôm bà nội đi chợ. Bà ngồi ăn bún thịt nướng chả giò thơm lừng. Tôi không giữ nổi thằng em như lời mẹ tôi dặn dò, nó vùng khỏi tay tôi để chạy đến bà nội xin ăn vì thịt nướng thơm lắm! Bà nội hất nguyên tô bún vô mặt nó. Bảo lượm lấy mà ăn! Chửi ba đời chín kiếp nhà nó. Nó không lượm thịt nướng chả giò dưới đất mà chỉ thẳng vào mặt bà nội!

– "Đụ má mày bà nội".

Người dưng cười hả hê bao nhiêu thì mẹ tôi bị chú Tư ra chợ đánh cho một trận còn thê thảm hơn thế. Chiều tối hôm sau, tới phiên cha tôi ghé chợ, đánh cho mẹ tôi một trận nữa, đánh tới gẫy xương sườn.

Từ đó về sau, thằng em tôi chỉ nói một câu: "Đụ má". Ai hỏi nó ăn hôn? Chơi hôn? Ngủ hôn? Đi đái hôn?... nó chỉ trả lời…! Người kẻ chợ gọi nó là "thằng Đụ má".

Chị em tôi sống nhờ cơm ông Mười nấu dưới ghe, bà Mười đưa mẹ tôi đi nhà thương chưa về. Dì Hường (cháu gọi bà hủ tiếu bằng dì, là người làm công việc gánh nước, rửa tô với mẹ tôi). Dì mua cho chúng tôi hai bộ đồ mới… là tất cả những gì tôi còn nhớ được tới hôm nay.

Ông ngoại (ông Mười) bỏ chị em tôi xuống ghe, con chó đã bị người ta bắt trộm làm thịt trong hôm mẹ tôi đi nhà thương. Chúng tôi khóc con chó quá mức nên quên khóc cho mẹ dở sống dở chết nơi đâu chúng tôi cũng không biết!

Ông ngoại đưa chị em tôi về nhà ngoại ở dưới quê. Bà ngoại ở bệnh viện chờ bác sĩ "hàn xương sườn" cho mẹ tôi. Ông ngoại nói với chị em tôi như thế.

Chúng tôi được ở nhà ngoại với dì Hai, (dì bị té sông hồi nhỏ nên tâm thần lãng đãng). Nhưng dì biết nấu cơm cho chúng tôi ăn, dì biết ca vọng cổ, hay lắm! Không nhớ bao lâu thì mẹ tôi cũng được ông bà ngoại đưa về quê. Từ đó, mẹ tôi làm người đi trao đổi hàng hóa từ thành phố về, thu mua đặc sản trong xóm, sắp sẵn cho ông bà ngoại về tới là lên hàng và xuống hàng, đi liền. Ông bà ngoại không phải ở lại xóm một hai hôm để mua bán, trao đổi hàng hóa với xóm làng vì đã có mẹ tôi lo.

Thương vụ của ông bà ngoại phát đạt nhờ có mẹ tiếp sức. Ông bà ngoại tôi tin là mẹ tôi đã đem may mắn đến gia đình có bốn người con gái nên làm ăn ạch đụi hoài! Từ hồi có mẹ tôi thì gia đình ông bà ngoại đã đủ Ngũ Long Công Chúa nên ai cũng ăn nên làm ra. Trừ dì Hai bị tâm thần nên không lập gia đình, còn lại các dì kế đều tự nhiên làm ăn được nên khá lên.

Cả nhà ngoại thương mến mẹ con tôi đến độ ông bà ngoại gả chồng cho mẹ tôi với người đàn ông trong xóm, cũng làm nghề thương hồ và vợ chết khi sanh đứa con thứ hai cho ông. Mẹ tôi chưa đồng ý chuyện cưới hỏi thì chú Tư đã xuống tới nơi, tố cáo với công an địa phương là ông bà ngoại tổ chức vượt biên nên mẹ con tôi bị bắt lần nữa.

Ông bà ngoại xạt nghiệp lần đó, phương tiện làm ăn chỉ là cái ghe thương hồ mà bị cấm hoạt động vì tội đưa người; chứa người vượt biên thì còn gì để sống! Ngoại bán ghe để chạy chọt cho họ thả chúng tôi ra.

Dì dượng ba của tôi đã âm thầm chuẩn bị cho chúng tôi ra khỏi trại giam với lệnh phải trở về Sài gòn trong ngày. Nhưng dì dượng đón chúng tôi khi xe đò rời Vĩnh Long không xa và đưa chúng tôi đi trốn trong gò mả - ngoài đồng hoang cả tuần tới hôm đi vượt biên.

2.

Chúng tôi đến đảo như mọi người vượt biên khác và khác người là ba mẹ con thui thủi, không biết có được đi định cư ở nước thứ ba vì hoàn toàn không có thân nhân ở ngoại quốc. Cơ may bất ngờ là có một gia đình vượt biên như chúng tôi, họ có thư của thân nhân ở Pháp gởi tới trại...

Trong thư có mấy câu tiếng Pháp do đứa cháu nội của ông già vượt biên viết hỏi thăm ông nội, nhưng ông không biết đọc tiếng Pháp. Mẹ tôi dịch được sang tiếng Việt cho ông hiểu. Nhờ đó, mẹ tôi quen chú Thành. Chú giỏi tiếng Anh và làm việc cho ban lãnh đạo trại để giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, chứ chú đi Mỹ lúc nào cũng được vì gia đình chú đã sang Mỹ từ lâu.

Ngày tháng, những gia đình vượt biên cùng chuyến đã đi định cư, chỉ còn gia đình tôi ở miết vì không người bảo lãnh đi nước thứ ba; cũng không phái đoàn nào nhận chúng tôi đi bất cứ đâu để khỏi bị cưỡng bức hồi hương. Chú Thành quyết định làm đám cưới với mẹ tôi ngay bên trại tỵ nạn. Đám cưới được Ban lãnh đạo trại tổ chức cho và có mấy phái đoàn ngoại quốc dự đám cưới nữa nên gia đình tôi đi Mỹ với chú Thành, khá dễ dàng.

Tôi không tưởng tượng được sự giàu sang của gia đình chú Thành, khi tôi tới Mỹ. Nhưng tôi không được sống trong căn nhà lộng lẫy, gọi bà cụ hiền khô là bà nội. Chúng tôi sống riêng ở một căn aparterment. Cuối tuần, chú Thành ghé thăm.

Mẹ tôi, một lần nữa lăn xả vào cuộc sống mới vì hai đứa con nhỏ. Ai cũng khen mẹ tôi giỏi giang vì tới Mỹ mấy ngày thôi đã lội tuyết đi làm cho tiệm fast-food Mỹ. Đêm, ngồi may tới khuya lơ để kiếm tiền. Từ khi mua được chiếc xe hơi cũ, cuối tuần nào mẹ cũng chở chúng tôi đến thăm bà… với quà bánh cho bà rất hậu.

Cuộc sống chúng tôi ổn định dần thì bà bị trợt té gẫy chân, phải nằm bệnh viện lâu vì giập lá lách nữa. Mẹ chú Thành có bốn người con trai thì ba người con dâu trước đây không công nhận mẹ tôi là em dâu út, nhưng bây giờ cần người vô bệnh viện với mẹ chồng thì gọi vợ Ut Thành! (Tôi đã bắt đầu biết suy nghĩ về gia cảnh của mình và hoàn cảnh của mẹ vì tôi đến Mỹ năm 10 tuổi, bây giờ đã sắp 13).

Mẹ tôi nói với chú Thành là mẹ xin nghỉ vacation, sau đó nghỉ không ăn lương để có thể chăm sóc cho bà. Nhưng mẹ nói với tôi:

— "Chú Thành đã cứu chúng ta, bây giờ mẹ phải giúp chú ấy. Mẹ bị buộc thôi việc vì nghỉ nhiều quá, nên không có tiền lương nữa. Cũng không có thời giờ may để kiếm tiền trả tiền thuê aparterment…"

Mẹ dạy tôi may và tôi đã ngủ gục trên bàn may nhiều lần để có tiền trả aparterment, năm tôi 13 tuổi.

Khi bà được xuất viện về nhà, mẹ tôi vẫn chăm sóc bà thêm mấy tháng. Khi bà tự nói: Bà đã có thể tự túc một mình, mẹ tôi nên đi làm lại để nuôi con. Bà cho mẹ tôi một số tiền lớn lắm, có thể mua được căn nhà để ở. Nhưng mẹ tôi không lấy và trình ra giấy ly dị với chú Thành mà mẹ đã ký sẵn để trả lại tự do cho chú Thành như thỏa thuận của mẹ với chú Thành từ hồi làm đám cưới bất đắc dĩ bên đảo.

Tôi với thằng em, phản đối vì chúng tôi đã thân quen với chú Thành như con với cha, dù chú không ăn ở với mẹ tôi. Tôi nhớ lần cuối đến thăm bà vào ngày cuối tuần vì mẹ tôi quyết định dời đi tiểu bang khác sinh sống. Mẹ không giải thích lý do nhưng tôi lờ mờ hiểu là mẹ muốn xa bà và chú Thành.

Hôm đó thật buồn, bà ngồi trên ghế bành và khóc. Cuối cùng, bà tuốt cái nhẫn trên tay bà mà bà nói là quà cưới của bà. Bà trịnh trọng trao cho mẹ tôi:

— "Bác không có con gái để trao lại cái nhẫn này nên bác cho cháu. Về chuyện của cháu với thằng Thành, nó là người tín nghĩa trong việc giúp cháu qua được Mỹ, hai đứa phải mang danh nghĩa vợ chồng trên giấy tờ mà nó thì sống độc thân mấy năm nay. Nó chờ cháu đó! Cháu cứ nhận cái nhẫn gia bảo này như cháu là người xứng đáng được bác trao lại kỷ vật của gia đình. Nếu cháu nhận thêm ý nghĩa thứ hai - là cái nhẫn đính hôn cho con trai của bác thì bác cảm ơn cháu thật nhiều."

Mẹ tôi khóc, chị em tôi cũng khóc, mẹ đưa tay cho bà đeo nhẫn vào.

Chúng tôi trở về aparterment của chúng tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ về tình cảm của người lớn! Tôi ước gì chú Thành đến tặng hoa cho mẹ tôi vì nhẫn đính hôn thì bà đã trao rồi. Tôi hỏi thằng em:

— "Mày có muốn chú Thành làm ba của mình hôn?"

Nó trả lời tôi bằng cái ôm chị hai thật lâu. (Nó là người khô khan tình cảm tới lạnh lùng, nó không thích nói và chỉ thích đánh lộn.) Không ngờ, mẹ tôi khóc sau lưng chúng tôi - hôm đó là thứ bảy. Sáng hôm sau, chú Thành ghé aparterment chở chúng tôi đi chơi như chú hứa. Hai chị em tôi xin qua cây xăng - sát bên aparterment mua kẹo để mang theo ăn. Mẹ tôi đang chuẩn bị đi làm, mẹ tôi đi làm liên tu bất tận…

Lần đầu tiên, chúng tôi nói dối mẹ với chú Thành vì chúng tôi băng qua chợ Mỹ, mua một bó hoa hồng rẻ nhất (loại người ta đã bỏ ra ngoài tủ lạnh chưng hoa với bảng giá 50% off, vì tiền chúng tôi có tới đó thôi!) Chúng tôi mang về, dúi vô tay chú Thành và hai đứa đứng yên. Chú nhìn chúng tôi thật lâu sau lớp kính cận rất dày của chú… chỉ có nước mắt chảy ra. Cuối cùng, chú cũng tiến đến mẹ tôi để trao bó hoa, chú trao luôn ra cái hộp bé xíu mà xinh xắn đến tuyệt vời…

Ba mẹ tôi đã ôm nhau thật lâu - trước mặt chị em tôi - để vài năm sau - tôi có thêm đứa em cùng mẹ khác cha. Lần đầu tiên từ khi đến Mỹ, mẹ tôi bỏ việc không làm để đi chơi. Ngày chủ nhật đầu tiên trong đời chị em tôi được đi chơi với cha mẹ. Chiều về, ăn nhà hàng sang trọng để hai chị em tranh nhau cái toilet mà ói vì đứa nào cũng không quen với cao lương mỹ vị.

3.

Hai năm trước, tôi ghé thăm ba mẹ nhằm hôm ba đi câu với thằng em khác cha của tôi. Mẹ đưa tôi lá thư viết tay có dấu Bưu Điện Sài Gòn chứ không phải Vĩnh Long. Tôi bình tĩnh theo phản xạ của người trưởng thành dị biệt. Tôi ngồi nghĩ về ngôi chợ Chồm Hổm ở bờ sông Dương Bá Trạc…

…Nhớ ba lần về Việt Nam, gia đình tôi đều thuê xe về thẳng Vĩnh Long. Lần đầu về thăm ông bà ngoại và các dì; lần sau về xây mộ cho ông ngoại; lần cuối về xây mộ bà ngoại. Mẹ tôi về một mình trong lần thứ tư để chôn cất dì Hai đã mãn phần vì chứng tâm thần từ nhỏ của dì nên dì kém thọ. Không biết lần về một mình, mẹ tôi có ghé thăm bên nội?! Tôi không nghĩ mẹ tôi còn ghé bờ sông Dương Bá Trạc làm gì! Nhưng bằng cách nào mà bên nội biết được địa chỉ của mẹ? Tôi không hỏi, cũng không đọc thư dù phong bì đã xé. Tôi ngồi lặng thinh, ký ức trở về năm lên sáu tuổi của mình với lòng oán hận tới ứa nước mắt. Mẹ tôi nói:

— "Vì lá thư có liên quan tới con nên mẹ phải đưa cho con."

Tôi ngước lên nhìn mái tóc bạc sớm của mẹ, đôi vai gầy và đôi mắt sâu… làm tôi không nói được lời oán trách nào hết! Mẹ ngồi xuống bên tôi như đêm đầu ngủ chợ, vết thương trên mang tai mẹ chỉ còn vết sẹo lu mờ, máu khô nâu đã sạch nhờ ơn chú Thành chùi rửa!
Không biết mẹ có biết vết thương trong lòng tôi với em tôi không bao giờ khép miệng!

Một tuần trôi qua, tôi mất ngủ hoàn toàn vì tò mò muốn đọc lá thơ nhưng lại tự lòng không cho mình đọc. Tôi không muốn xát muối lên vết sẹo còn mưng mủ trong lòng em tôi. Tôi không muốn làm tổn thương chú Thành khi ơn chú chưa trả mảy may! Vì ở vai trò người cha kế, chú xử tệ với chị em tôi thì đã sao? Ngược lại, chú thương tôi bằng vất vả, hy sinh, chia sẻ… cho đứa con gái nhiều mặc cảm về gia đình và xuất xứ bản thân.

Chú khổ sở với tánh tình hung bạo, hận thù tất cả, không tin ai ở đời… của thằng em bất trị của tôi. Không ít lần nó làm cho chú suýt vô tù, mất việc, tiền bạc tiêu tan trong những lần phải bồi thường cho những người mà nó gây hại cho người ta. (Nó đánh người vô cớ khi chợt nhớ về thù hận đâu đâu trong tuổi thơ của nó.) Nó quên tiếng Việt đến 99%! Phần trăm còn lại là câu "Đụ má".
Mỗi lần nhìn mẹ tôi cắn răng chịu đựng những cơn đau nội tạng bị tổn thương khi trở trời. Nó chửi thề tiếng Việt ỏm tỏi, mắt long lên giận dữ như con chó điên! Những lúc ấy, tôi an ủi, vỗ về nó để nó đừng ra đường đánh đại - bất cứ ai mà nó thấy mặt. Chú Thành lặng lẽ săn sóc mẹ tôi hết khăn nóng tới khăn lạnh. Chú nói chơi mà tôi khóc thiệt:

– "Lau mòn da cũng không hết cái đau bên trong! Tụi con ngoan ngoãn nghe lời, cố gắng vươn lên… mới là cái khăn lông lau được nhức nhối trong lòng của mẹ con. Hai đứa ráng lên…"

Tôi đến nhà em tôi sau cú điện thoại nó gọi, tôi đoán được việc nó đã thu xếp trước với anh rể vì chồng tôi ít khi để tôi đi đâu một mình trong ngày nghỉ cuối tuần. Tôi đến một mình và người vợ mới cưới của nó cũng vắng nhà vô cớ để chỉ có hai chị em tôi gặp nhau. Tôi ngồi chưa nóng ghế thì ba tôi đến - chú Thành ở trại tỵ nạn năm xưa - nay đã già, qua hai tròng kính cận thật dày, đôi mắt nhân từ độ lượng của ông vẫn như xưa - người đàn ông khuôn mẫu trong quyết định của tôi khi lập gia đình vì chồng tôi giống chú đến 90%, mười phần trăm còn lại là khoảng cách tuổi tác của hai người.

Ba chúng tôi không vào chuyện được khi chai rượu vang đã gần cạn. Chú Thành hỏi tôi:

– "Con đã đọc lá thư của ba con chưa?"

Tôi trả lời:

– "Dạ chưa"!

Chú nói:

– "Không cần đọc nữa! Vì mẹ con đã đưa chú đọc. Chính chú nói: Cứ đưa cho con để con quyết định. Nội dung bức thư do cha con viết, chỉ một yêu cầu: Con bảo lãnh ông ấy sang Mỹ vì thằng Thắng (em tôi) không có giấy khai sanh. Con thì có. Cha con cũng không có giấy kết hôn với mẹ con, nên chỉ mình con có tư cách bảo lãnh ông ấy sang Mỹ. Mẹ các con nhờ chú suy nghĩ giúp vì bà không lường được hậu quả chuyện này. Với lòng tin mà mẹ các con đã gởi gắm nơi chú! Chú tin mình có thể vượt qua những khó khăn của gia đình chú. Nhưng, hai con đã trưởng thành nhiều, chú muốn chính chúng con giải quyết việc riêng của gia đình riêng của các con…"

Thằng em tôi nổi giận, mắt nó long lên! Chửi thề văng tục… nó thề giết cha tôi, giết hết bên nội… rồi tới đâu thì tới nếu tôi bảo lãnh ông ấy sang đây.

Tôi biết không bàn tính được gì với em tôi, tôi với chú Thành và chồng tôi lại ngồi xuống với nhau. Hai người đàn ông đã gầy dựng lại cuộc đời tôi từ đổ nát… cũng không ai cho tôi được quyết định cuối cùng vì mỗi mình tôi có liên hệ pháp luật với quá khứ! Tôi có tờ khai sanh oan nghiệt.

4.

Tôi đi gặp mẹ để đi đến quyết định cuối cùng cho chuyện có bảo lãnh cha tôi hay không? Mẹ tôi biết trước cuộc gặp này nên có lẽ mẹ đã chuẩn bị chu đáo cho một lần nói hết với con. Tôi như người bạn của mẹ tôi nơi một góc nhà hàng xa lạ, hai người phụ nữ Việt Nam lạc lõng trong cái nhà hàng Mỹ như đôi bạn dạt trôi đến nơi này từ địa ngục trần gian. Mẹ tôi ăn mặc đẹp, nét đẹp trời cho… rồi tiếc! Nên ông ấy ganh tỵ với mẹ tôi hoài. Lâu lắm rồi, tôi mới nhìn kỹ mẹ mình bằng con mắt khách quan để hiểu thêm vì sao mẹ khổ!

Người đàn bà nào không ham nhan sắc! Và đó là nguồn gốc của bất hạnh bản thân cùng những liên lụy đến đời sau… những nghĩ suy miên man trong đầu tôi không trốn chạy được ánh mắt mệt mỏi của mẹ mình. Mẹ tôi dở lại từng trang đời cho đứa con nghe như nước đã qua cầu! Cầu bao nhiêu nhịp lòng sầu bấy nhiêu…

Mẹ tôi nói:

– "…Mẹ không trả lời những câu hỏi của con, khi con còn quá nhỏ. Đến khi nói được với con thì tự con thấy không nên hỏi mẹ nữa! Cảm ơn con đã xử sự với mẹ bằng sự chia sẻ thầm lặng đó! Nhưng hôm nay, mẹ nói hết một lần với con về xuất xứ của con và cả xuất xứ của mẹ nữa, khi định mệnh đã không buông tha mình…

Biến cố 1975 đã liệng mẹ ra khỏi Viện mồ côi với tuổi đời 16, thân xác trưởng thành hơn đồng lứa, có lẽ hai người sinh ra mẹ cũng khá đẹp đôi. Mẹ không biết đi về đâu, làm gì để sống?... Khi trong tay chỉ có vốn tiếng Pháp ở trình độ biết đọc, biết viết mà các dì Phước đã dạy cho mẹ; một chút tài may vá, thêu thùa học được trong Viện mồ côi. Mẹ với người bạn thân trong Viện đã đói khát nhiều ngày mới xin được việc ở đợ cho một gia đình mà trước mặt tiền đường là tiệm may. Người bạn của mẹ phải ở nhà dưới lo cơm nước, giặt giũ. Mẹ biết cắt may nên được bà chủ may mặc cho dễ coi để đứng tiệm ở nhà trên, dù thời ấy cũng chẳng ai may mặc gì nhiều.

Tưởng cuộc đời có ăn có mặc được yên thân, ai dè ông bà chủ bảo coi nhà cho gia đình họ đi chơi Đà lạt dăm hôm. Họ không trở về nữa. Họ đã vượt biên.

Công an đến niêm phong nhà cửa, tịch thu tài sản. Mẹ với người bạn bị bắt đưa về Phường để điều tra! Thuở ấy, hai đứa trẻ mồ côi đâu biết được cạm bẫy ngoài đời.

Đó chỉ là cái cớ cho họ đưa hai đứa con gái mồ côi ngờ nghệch về hành lạc, chứ ai đi bắt đám con ở làm gì!

Cả hai đứa bị hãm hiếp tập thể trên tầng ba của ngôi nhà lầu, bất kể ngày đêm… Hai (chị em) mẹ quyết định tự tử. Cô chị nhảy lầu trong hoàn cảnh không mảnh vải che thân. Mẹ nhảy theo không thoát vì bị níu lại. Người chị chết thảm trên lề đường đêm khuya, chắc cũng không được chôn cất gì đâu. Sáng hôm sau, họ giải mẹ lên công an quận để xóa dấu cái chết đêm qua của bạn mẹ. Từ quận giải đi tiếp đến đâu thì mẹ không biết! Chỉ biết trên xe có chú Tư của con.

Dọc đường, đồng bọn của chú Tư giải cứu, cướp tù. Họ bắn nhau với công an. Trong hỗn loạn tiếng súng, chú Tư nói mẹ chạy theo chú chứ ở lại thì họ xử bắn mẹ. Mẹ chạy theo chú Tư… để ân hận suốt đời.

Chú, đưa mẹ về nhà bà nội con, rồi đi biến đến mấy tháng. Mẹ không có khái niệm về một gia đình vì nhỏ lớn ở trong Viện mồ côi. Mẹ chỉ biết so sánh gia đình bà nội với gia đình tiệm may và thấy khác xa, thế thôi. (Con cứ nhớ lại năm con 16 tuổi và sự khờ khạo của mình thì mẹ khờ gấp đôi con vì mẹ ở trong Viện mồ côi nhỏ lớn. Không biết gì về đời sống bên ngoài). Có bà hàng xóm với bà nội, xúi mẹ trốn đi vì bà nội là người hành nghề chứa chấp mãi dâm, đó. Nhưng mẹ biết trốn đi đâu, khi miếng băng vệ sinh, mẹ cũng phải xin bà nội vì mẹ đâu có đồng nào trong túi để tự mua.

Mẹ ở nhà nội như con ở, trong tủi nhục cũng có cái mừng là mình không bị có thai với đám công an. Mẹ bắt đầu hiểu biết về chuyện đó từ bà hàng xóm của bà nội. Mấy dì Phước chỉ dạy mẹ phải giữ gìn vệ sinh thật kỹ, hàng tháng thôi. Các dì không dạy chuyện hơn.

Nhưng ông nội con đã hãm hiếp mẹ đến có thai. Lần ông đang hãm hiếp mẹ thì chú Tư đột ngột về nhà, vô phòng. Chú, rút dao găm và đâm chết ông nội ngay trên người mẹ. Chú kéo xác ông xuống gầm giường vì đang trưa.
Đến đêm, chú Tư với bác Hai của con đưa xác đi đâu thì mẹ không biết. Mẹ lên cơn sốt vì khủng hoảng tinh thần triền miên mấy ngày.

Bà nội cho uống thuốc bắc, đối xử tử tế ra mà mẹ không biết? Khi biết thì mẹ đã thành kẻ giết người vì thuốc đó là thuốc trục thai. Mẹ nhớ suốt đời chỗ bờ sông mà bà nội đã ném cái thai xuống dòng nước… trôi đi.

Sau đó, mẹ lại có thai vì chú Tư hãm hiếp. Tiếp theo, chú Tư đi tù bất ngờ vì chú là người đâm thuê chém mướn. Tới bác Hai ra tù, (anh em họ vào tù ra khám như đi chợ). Bác Hai về nhà cũng bất thường như chú Tư, bác Hai cũng hãm hiếp mẹ như chú Tư. Mẹ biết mình đã có thai với chú Tư nhưng không nói ra vì sợ bà nội cho uống thuốc nữa. Mẹ không muốn giết người. Con hiểu!
Khi bụng mẹ lớn rồi, mà vẫn chưa có tiền và có cách để trốn đi thì bà nội bắt uống thuốc phá thai như lần trước. Mẹ đã biết gian ngoa, nói dối từ cuộc sống dạy mình. Mẹ cầu cạnh bác Hai che chở và nói dối với bác: Cái thai trong bụng mẹ là con của bác Hai.
Con ra đời như thế đó!"


(Tôi điếng người khi hình dung ra gương mặt chú Tư… lờ mờ trong trí nhớ! Gương mặt mà những khi thằng Thắng ngủ khò trên sofa… tôi nhìn mặt nó rồi nổi da gà vì vừa thương vừa giận mà tôi không bao giờ hiểu được vì sao? Tôi giải thích cho mình không thỏa đáng khi nghĩ thương vì là chị em; giận vì nó gieo tai họa cho gia đình nghiêm trọng. Nó không biết thương chú Thành chút nào hết! Tôi giận nó để rồi thương trong vòng lẩn quẩn. Sao nó lại giống người đàn ông mà tôi ghê sợ nhất là chú Tư! Cha tôi là chú Tư. Còn gì cay đắng hơn trong đời tôi?!)

Qua cơn xúc động nhất thời, tôi không muốn nghe thêm về gia đình bên nội tôi nữa! Nhưng tôi nghe vì thương mẹ tôi. Tôi hiểu lòng người đàn bà được nói ra những khổ tâm sẽ dễ chịu lắm! Nên mẹ tôi nói tiếp:

– "Bác Hai thích mẹ thì đúng hơn thương. Những người nhà nội mà biết thương ai! Mẹ cũng không hiểu vì sao họ thích khi trong tay họ biết bao nhiêu cô gái trẻ. Bác Hai làm khai sanh cho con để phòng khi chú Tư ra tù thì không tranh chấp nữa vì mẹ đã như là vợ bác Hai. Bác đưa mẹ qua sống ở căn nhà mà mình đã từ đó ra đi…

Khi chú Tư ra tù (vượt ngục hay được thả thì mẹ không biết). Chú Tư lầm lì tới đáng sợ! Lui tới nhà mình khi bác Hai vắng nhà và hãm hiếp mẹ. Sự chống đối của mẹ hoàn toàn không có vì chỉ thiệt thân với những trận đòn không tả nổi. Mẹ thật sự không biết thằng Thắng là con bác Hai hay con chú Tư. Chỉ sau này, căn cứ vô tính tình của nó thì mẹ đoán nó là con chú Tư. Phần bác Hai con, là người nghiện rượu, xì-ke ma túy. Nên mẹ càng tin là thằng Thắng con chú Tư. Mẹ đối phó với hoàn cảnh mình là gian ngoa, nói dối… với chú Tư để bảo vệ cái thai thằng Thắng vì mẹ không muốn giết người - dù mới là phôi thai. Trong hoàn cảnh của mẹ lúc ấy, không có chọn lựa!

Chú Tư đánh bác Hai suýt chết vì bác Hai cướp mẹ trên tay chú Tư, bác Hai trở mặt tố cáo chú Tư giết ông nội tại nhà. (Sau này mẹ biết ra, ông nội cũng không phải là chồng bà nội. Ông có gia đình và chỉ lui tới với bà nội theo lối già nhân ngãi non vợ chồng.

Ông là cán bộ, đã che chở cho bà nội làm ăn phi pháp. Nên chính bà nội cũng nổi ghen với mẹ vì bị ông bỏ rơi.) Trong tình thế gia đình tranh giành bát nháo đó, họ thi nhau trút giận lên mẹ là vậy!

Mẹ hiểu chú Tư có tình cảm với mẹ hơn nhưng kẹt người anh tán tận, người mẹ bất nhân. Mẹ không muốn chú Tư giết bác Hai vì mình - dù họ tàn ác như nhau, nhưng là chuyện của họ! Không nên xui anh em người ta giết nhau để mình mang tội. Người ta có tàn nhẫn với mình thì để bề trên xét xử.

Sau khi thằng Thắng ra đời, bác Hai không làm khai sanh cho nó vì nghe lời người ngoài, bà nội… rồi tin nó là con chú Tư. Bác trở nên tàn độc với mẹ hơn, những lúc không tiền uống rượu, chích xì-ke, bác Hai bắt mẹ tiếp khách tại nhà để ông lấy tiền uống rượu và chích.

Giai đoạn này thì mẹ đã học được cách tránh thai từ những cô gái trong nhà chứa của bà nội. Chú Tư thù bác Hai về việc bắt mẹ tiếp khách, điều đó thì mẹ biết! Nhưng chú bị người ta đâm lòi ruột trong những tranh chấp ngoài đường, cũng là việc làm ăn của chú. Chú về nhà nội nằm dưỡng thương mấy tháng.

Giai đoạn đó, mẹ chỉ muốn tự tử vì tủi nhục.

Nhưng hai con mình ai nuôi? Mẹ rối trí dữ lắm!

Mẹ nhớ những người khách hiền lành, họ thật sự có nhu cầu giải quyết sinh lý đơn thuần. Họ thương cảm những cô gái điếm bằng những đồng tiền dấm dúi cho riêng trong khi hành lạc vì họ dư biết số tiền trả cho ông/bà tú thì bản thân người gái đĩ đâu có bao nhiêu, thậm chí không được đồng nào trong những hoàn cảnh bị khống chế.

Mẹ chắt chiu tiền đó để chờ cơ hội dẫn tụi con trốn đi nơi khác, sống.

Mẹ có mua cho chú Tư gói thuốc lá, tô hủ tiếu… không phải vì tình cảm của mẹ với chú, mà đơn giản - chú là cha của tụi con. Mẹ phải có trách nhiệm với ông ấy cho tới khi tụi con trưởng thành. Suy nghĩ của mẹ lúc ấy là như thế.

Khi chú bình phục lại thì nói mẹ dẫn tụi con lên Long Khánh sinh sống. Chú sẽ giúp đỡ về tài chánh và sẽ sinh sống với mẹ như vợ chồng. Nhưng mẹ tưởng tượng ra tương lai của tụi con… thì trốn đi làm chi?

Mẹ có mưu đồ trốn chạy nhưng với hai con thôi.

Đó là căn nguyên của những trận đòn tàn tạ mà bác Hai với chú Tư đã trút lên mẹ.

Chuyện người đàn bà son phấn xuất hiện ở nhà mình để bắt đầu một cuộc ra đi của ba mẹ con mình, mẹ vẫn tin là Ơn Trên đã cho mình một lối thoát.

Bên ngoài cửa kính của nhà hàng, lá thu bay xào xạc về đâu? Những chiếc lá tụ ở một góc parking thì mục rữa theo thời gian.

Tôi theo chiếc lá bay một mình trên parking mênh mông - vô định! Không còn tập trung nổi để nghe mẹ tôi nói, nhưng mẹ cứ nói như không còn cách nào dừng lại được!

Từ khi ngủ chợ thì con biết rồi. Những lần về Việt Nam thì con cũng đã có trí nhớ.

Hôm nay, mẹ chỉ nói về lần mẹ về một mình. Sau khi xây mộ cho dì Hai, (là các dì muốn mẹ về chơi chứ không ai cần tiền của mẹ.)
Lần đó, chú Thành đã chuyển về cho dượng Ba hai chục ngàn đô la, nên khi mẹ về tới là có hai chục ngàn và năm ngàn trong bóp tay của mẹ. Mẹ rời Vĩnh Long với tiền bạc còn nguyên vì không dì nào cho mẹ chi trả gì hết. Mẹ lên Sài Gòn với tâm nguyện thực hiện những điều mình đã nghĩ trước đó. Mẹ tìm lại xóm xưa để thăm dì Hường, (Dì bây giờ khổ lắm! Con cái cũng nghèo nên không nhờ được gì. Người chồng thì y như bác Hai - xì-ke, nghiện rượu. Thiệt là khổ cho dì. Mẹ cho dì mười ngàn đô la để sửa sang lại ngôi nhà đã mục nát tới hết cỡ.

Bỏ nhà bank cho dì mười ngàn đô la để dì có thể sống bằng tiền lời từ nhà bank, chứ tuổi tác chưa già nhưng sức khỏe yếu kém của dì thì chắc chắn khổ tới chết. Mẹ có đến bờ sông để thắp cây nhang xin lỗi người anh/ chị của con, mẹ đã bỏ nó mấy chục năm trời lạnh lẽo ngoài bờ sông - dù mới là phôi thai nhưng nó đã có linh hồn.

Không ngờ dì Hường là người chị em mà Ơn Trên đã ban cho mẹ. Dì nghèo vậy mà cũng đã xin lễ cầu siêu cho nó, rước vong linh nó vô Chùa để cầu siêu theo tín ngưỡng của dì. Mẹ nhớ hoài về hai bộ quần áo mà dì đã mua cho tụi con - hôm tụi con theo ngoại về quê - là tiền giành dụm của một đứa rửa tô ngoài chợ. Hôm mẹ xuất viện, ông bà ngoại phải lén đưa mẹ xuống ghe (sợ gia đình nội biết được thì không biết điều gì xảy ra cho mẹ). Vậy mà trước lúc ông ngoại nhổ sào cho ghe đi, dì Hường có mặt kịp thời. Dì đặt chồng tô đi thu gom từ những bạn hàng ở chợ xuống đất, dì xuống ghe và ôm mẹ khóc hết nước mắt. Khi ghe đã đi rồi, mẹ mới biết được dì đã lén đút hết cuộn tiền đi thu tiền hủ tiếu vô túi áo mẹ. Nghe bà ngoại nói, dì bị đòn cũng tan xương nát thịt vì tội ăn cắp số tiền đó.) Bao năm nay, mẹ cứ tâm niệm là mẹ còn thiếu người chị em một trận đòn, thiếu dì Hường cái tình nghĩa người dưng mà hơn cả ruột thịt.

Mẹ không ghé thăm bà nội hay bác Hai, vì chẳng có gì cho mẹ thăm.

Nhưng dì Hường có cho mẹ hay là chú Tư đang ở tù vì vận chuyển xì-ke ma túy, chờ ngày ra pháp trường chứ không phải tù ngồi một thời gian như những lần trước.

Mẹ suy nghĩ thật kỹ và tự đi thăm ông.

Lúc đối mặt nhau ở nhà tù, ông nói:

— "Ông đã cầu nguyện cho được gặp lại mẹ một lần. Và ông đã mãn nguyện".

Những câu xin lỗi của một người ăn năn thật hay giả thì mẹ không quan tâm, Mẹ chỉ nói với ông:

— "Tôi, không đến đây để thăm ông. Tôi đến đây chỉ để nói với ông: Những gì ông đã gây ra cho tôi thì tôi bỏ qua! Những gì gọi là giúp đỡ tôi lúc khốn khổ thì tôi trả ơn ông bằng cách cho ông biết -- Hai đứa con tôi đã nên người…"

Mẹ không muốn nói thêm nên ra về.

Vì mẹ không yên tâm lắm về cuộc sống của dì Hường nên đã để lại địa chỉ cho dì Hường liên lạc khi túng thiếu và cần mẹ giúp đỡ. Theo dì Hường cho biết qua thư thì người chồng của dì đã ăn cướp hết tiền sửa nhà (nên nhà cũng chưa sửa được gì mà tiền thì đã hết).

Phần tiền trong nhà bank thì ông không lấy ra được nhưng đánh đập dì mỗi tháng khi lấy ra tiền lời nhưng không đưa cho ông.

Tóm lại, mẹ cũng không giúp được dì sướng hơn mà làm cho dì còn khổ hơn không có tiền. Thật là đau khổ!

Dì cũng cho mẹ biết: Sau lần mẹ vô thăm chú Tư trong tù thì ông đã tự tử chứ không đợi ngày bị đưa ra pháp trường.
Mẹ không ăn năn, hối hận gì về việc đó! Biết ông là cha của tụi con, và mẹ nghĩ ông ấy đã để lại một chút con người cho con cái không quá xấu hổ về người cha - như thế cũng tốt!

Chuyện ông chồng của dì Hường đã đánh cắp địa chỉ của mẹ để đưa cho bác Hai với thỏa thuận gì giữa họ thì mẹ không biết. Mẹ chỉ trình bày hết sự thật cho con quyết định có bảo lãnh bác Hai sang đây hay không? Cho con hiểu rõ hết những điều mà bao năm qua mẹ đã không nói! Con thương hay oán trách mẹ thì mẹ cam chịu khi không thể làm gì hơn được…"

Vậy là bức màn u uất về bản thân tôi đã được vén lên rõ ràng. Xét về mọi mặt… thì tôi không nên bảo lãnh bác Hai sang đây làm gì! Nhưng lòng riêng tôi cứ muốn đưa ông sang đây để ông tận mắt thấy được hạnh phúc mà mẹ tôi đang có. Để ông thấm thía tội ác mà ông đã gieo cho người vô tội thì về sau: Người hiền vẫn được trời thương, người ác vẫn bị trừng phạt.
Tôi muốn ông sống thật lâu để chết mòn trong bơ vơ và đau khổ ở xứ người, hơn là để ông chết với một cơn say thuốc phiện quá liều bằng cách gởi tiền về cho ông ăn hút ngập mặt; chết vô thừa nhận như một kẻ vô lại.

Những thù oán xưa cũ đã cho tôi nghị lực để hoàn thành ý nguyện từ mỗi miếng giấp khai sanh - xét ra chẳng có giá trị gì! Tờ khai sanh như tờ giấy lộn với cái mộc đỏ của cấp Phường, là đơn vị hành chánh cấp địa phương, vừa vô nghĩa, vừa nực cười… Nhưng lòng riêng đã quyết nên tôi không ngại tốn kém. Tôi thực hiện bằng được một cuộc trả thù xứng đáng cho những gì mẹ con tôi đã chịu đựng từ mấy mươi năm qua và tới hết đời chúng tôi không chừng!

Tánh tình em tôi có dịu lại từ khi Ơn Trên đã sai phái người vợ hiền ngoan của nó đến giúp nó làm lại cuộc đời. Nhưng tôi biết trong lòng nó chẳng bao giờ có bình an - nhất là những lúc mẹ tôi đau đớn với nội tạng hư hao vì bị hành hạ xưa kia…

Ngày, vợ chồng tôi ra phi trường đón bác Hai - với danh nghĩa cha tôi. Tôi thề không khoan nhượng trong cuộc trả thù này. Nhưng bề trên không muốn cho tôi trở thành một người độc ác.
Người đàn ông răng hô, da trắng xanh đến bệnh hoạn, nói giọng Bắc đặc… thì chắc chắn không phải bác Hai tôi vì gia đình nội tôi người miền Nam.
Tôi chưng hửng, không biết đối phó ra làm sao trong trường hợp mà mình không lường trước được. May là chồng tôi tỉnh táo, anh nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh và dùng toàn tiếng lóng vì không biết ông Bắc này có biết tiếng Anh không? Chồng tôi đã bình tĩnh để suy xét:

– "… Ba em (bác Hai) đã khôn hơn em tưởng! Ông qua đây làm gì cho em trả thù?

Ông đã nhường chuyến xuất ngoại này cho một tội phạm trong nước hay cán bộ bị truy nã vì lý do gì đó, thì anh không cần biết!
Bác Hai ôm một đống tiền, tha hồ ăn hút ở Việt Nam, không sướng hơn sang đây cho em trả thù?

Ông này (người đàn ông răng hô) đủ tiền mua một chuyến xuất ngoại và qua mặt chính quyền thì ông ấy là tay ghê gớm bên Việt Nam. Anh nghĩ, ra khỏi phi trường, ông ta sẽ bỏ trốn mình. Chuyện còn lại là chúng ta đối mặt với luật pháp -- ở đây là không khai báo khi đón nhận thân nhân giả mạo…"

– "…. Em hết biết tính sao rồi! Anh tính toán giùm em."

Chồng tôi cho biết:

– "Nếu mình tố cáo ông ấy ngay trong phi trường thì mình vô tội.
Ông ấy, không phải người tốt cho mình áy náy hay hối hận gì đâu!
Phần bác Hai của em bên Việt Nam cũng không yên nếu ông này không trót lọt bên đây!
Có thể, tay chân ông này sẽ đòi lại tiền bằng máu của bác Hai.
Nhưng những người không đáng giúp này thì rất cần trừng trị…"

Tôi đồng ý với chồng tôi, nên anh giả vờ đi vô toilet để gọi cảnh sát.

Ông Bắc kỳ răng hô đúng như chồng tôi tiên đoán, ông cũng giả đi toilet, nhưng để trốn chạy!

Ông ta là tội phạm cỡ nào bên Việt Nam thì tôi thật tình không biết!

Chồng tôi đã giúp tôi qua được những rắc rối điên đầu với cảnh sát cho tới khi họ tóm được thủ phạm của một vụ lừa đảo sở Di Trú Hoa Kỳ.

Nhiều lần ngồi nhớ lại chuyện ân oán này. Tôi hiểu biết hơn về lòng mình với những ân oán của con người.

Tôi nghĩ… Hãy để bề trên phán quyết thay ta.

Phan

* Lời người viết.

Cảm ơn nhân vật "tôi" trong bài ghi chép của Phan. Cảm ơn bạn đã cho nhiều người suy nghĩ về tình yêu và hận thù trong những hoàn cảnh tương tự với bạn. Lớn hơn là suy nghĩ về tình yêu và hận thù trong thời đại chúng ta.

Cảm ơn nhân vật "mẹ" đã đồng ý cho phổ biến trên trang báo về cuộc đời không may nhưng kết thúc khá có hậu của bà.
- Như một thông điệp chia sẻ cùng bạn đọc: Ở hiền gặp lành không bị ảnh hưởng gì từ văn minh và khoa học kỹ thuật.
Con người muôn đời - gieo gió gặt bão - ở hiền gặp lành.


Chân thành cảm ơn Quý vị


Người ghi chép

Phan



Nguồn:
https://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-to-khai-sanh-oan-nghiet-b6678/chuong-1-ti1


===========================

 



Tờ Khai Sanh Oan Nghiệt




 

***********************************************************

 



PHƯƠNG NGỮ THỪA THIÊN HUẾ - Thổ Ngữ Huế

Image result for thổ ngữ huế

Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy O Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừabiết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ. Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, tiếng nói thuần chất của Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ "giớ" (nhớ), cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều. Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó. Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ, còn thương mài mại, để gọi là khơi lại chút thanh âm của những ngày xưa cũ.

Phương ngữ Huế đã đưa vào câu hò chào, hò mời là hò đối đáp, còn gọi là hò vay trả:

Nữ:
Cây chi trên rừng không lá,
Cá chi dưới biển không xương.
Trai nam nhơn đối đặng,
Thiếp xin kết nghĩa tào khương với cùng.

Nam:
Cây xương rồng trên rừng không lá,
Cá sứa dưới biển không xương.
Anh đà đối đặng, em phải kết nghĩa cương thường với anh.

Nam:
Thùng bánh nhiều răng em kêu thùng bánh ít?
Quả trầu đầy răng em bảo quả trầu không?
Ai xui em ăn ở hai lòng,
Nói xuôi cũng được mà nói ngược dòng cũng hay.

Nữ:
Đá không chưn, răng anh gọi là đá nhảy?
Cát không miệng, răng anh bảo cát gầm?
Ở xa không biết nên lầm,
Khoai lang xắt lát em cứ ngỡ sâm bên tàu.

Sau những câu đố, trêu chọc thử tài, dần dần phát sinh tình cảm nên cuối cùng là hát hò ân tình

Nữ xướng:
Hơ hơ hơ khoan mời bạn ta lại hò khoan.
Nam xô: Hơ hơ hơ …hơ
Nữ xướng:
Hơ.. hơ Thiếp gặp chàng như rồng mây kia mà gặp hội,
Chàng mà gặp thiếp như chim phụng hoàng mà gặp cội ngô với cành ngô.
Nam xô : Hơ hơ hơ …hơ
Nữ xướng:
Mấy lâu ni kẻ Hán người Hồ,
Bữa ni thiên tri lý ngộ, quyết phân phô cho tận tình.
Nữ:
Con sao hôm đã lặn,
Con sao mai đã mọc bên tê tề.
Anh ơi anh có điều chi phân đi nói lại cho em về kẻo khuya.
Nam:
Mình về răng được mà về,
Câu thơ chưa gởi, lời thề chưa trao.

 Image result for gái huế miền quê anh giả gạo
Phương ngữ Thừa Thiên Huế không phải chỉ đơn giản "mô tê răng rứa" như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người của xứ Huế; Thật ra, tiếng nói từng vùng, miền, thôn làng còn rối rắm nhức đầu, phức tạp, nhiều lắm, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, sự thanh tao qua cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; cũng rắc rối khó hiểu khôn lường.
Đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai O đang tuổi lấy chồng:
 
- “Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba... en đẩn. Mi quai chướng khôn?”.

Ý muốn nói như sau: 

“Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh... Mày coi có kỳ không ?”.
 
Chữ "đẩn" hay "quất" ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên, còn có nghĩa như ăn:

- “Đẩn cho bưa rồi đi nghể”. (Ăn cho no rồi đi ngắm gái).

Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn:

- “Đẩn cho hắn một chặp!” (Đục cho hắn một hồi!).

Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại:

- "Được mùa thì chê cơm hẩm
Mất mùa thì đẩn cơm thiu"

- "Rứa thì anh có biết vụ hai đứa con ông Bảy bựa qua ngầy lộn chắc rồi lôi giau từ trong chờn ra trữa cươi đập chắc, một đứa bễ mỏ, một đứa u trốt. Mạ hắn can không được, đứng trữa cươi la làng như ”quạ quạ bẻ bắp”
bựa qua: hôm qua
lôi giau: lôi nhau
ngầy lộn: gây gổ
chắc: với nhau
chờn: cái giường
– trữa cươi: giữa sân
bể mõ: vỡ mồm, giập miệng
u trốt: u đầu

Thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt phương ngữ của Huế, mà nếu không có người thông dịch gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà đã thông cho được:

- “Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê ! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui”.

(Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui)

Phương ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút gì đã mất và ôn lại những gì đang còn tồn tại.
Để cho ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn:

- “Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!” (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai).

O mô mà lỡ mang cái nhãn "rượn đực", chắc phải ở giá "mốt trọ" (suốt đời) hoặc chọn kiếp tha hương may ra mới kiếm được tấm dôn (chồng).
Chữ "rượn" gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém. Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế. Vì thế, gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bẩy xa xôi rằng con đó nó "ngựa" lắm, nhưng thâm thúy hơn nhiều.

Mấy O nớ thường hay rũ nhau hát đối đáp. 

Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Đoái nhìn sông Hương nước chảy xinh xinh,
Rứa chừ sông bao nhiêu nước
Sông bao nhiêu nước dạ em si tình nhiêu bấy nhiêu

Biết đâu là cầu Ô Thước,
Mênh mông nguyện ước dưới nước trên trờ.i
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng.

Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nhớ thương

- “Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại.!” (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại).

Chữ "lưa" cũng còn có nghĩa là còn đó như trong hai câu trong bài ca dao Huế:

Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)
Con đò đã khác năm xưa tê rồi

"Này lại" (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại. Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm.

- "Đập chắc lỗ đầu, vại máu!" (Đánh nhau bể đầu, toé máu!)

- "Thương bọ mạ để mô? Để côi trốt!".
 
Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: “Thương bố mẹ để đâu? Để trên đầu!” Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán.

- "Tra trắn rứa mà còn ở lỗ!" (Chững chạc, già đầu vậy mà còn ở truồng).

Ở lỗ cũng xuất hiện trong câu phương ngôn “ăn lông ở lỗ” hoặc “con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau!”

- "Lên côi độn mà coi" (Lên trên núi mà xem)

Chữ "coi" về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác.

- "Mự đừng có làm đày!" (Mợ đừng có lắm lời, thày lay). 

Riêng chữ "cụ mự" thường là dùng cho cậu mợ. Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông. Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày “an trí” ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế, khi nói đến cụ Phan:

Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

- "Chộ chưa? Nỏ chộ!" (Thấy chưa? Không thấy!)

"Nỏ" là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào!

- "Hắn mô rồi? Nỏ biết!" Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu! Tục ngữ Huế:

- "Có vỏ mà nỏ có ruột".
- "Khóc lảy đảy, không biết ốt dột!" (Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!).

- "En dòm tui, tui dị òm!" (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá!)

Chữ "òm" người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không? Dở òm!

- "O nớ răng mà không biết hổ ngươi.!" (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ!)

"Hổ ngươi" cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ. Cũng như "xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi" có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng.

- "Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn!": Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới.
- "Mời ôn mệ thời cơm": Mời ông bà dùng cơm .
- "Mệ tra rồi mệ chướng": Bà ấy già nên sinh tật.

Chữ "chướng", người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua.

- "Ăn bụ cua cho hết đái mế": Ăn vú cua cho hết đái dầm.

Chữ "bụ" cũng dành cho người và các loài có vú khác.

- "Bụ mạ" là vú mẹ, "bọp bụ" là bóp vú .
- "Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn!" (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn!).

Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê! hoặc khủng khiếp quá!, mà còn có nghĩa,

ví dụ: "Con nớ đẹp dễ sợ!": Con bé đó đẹp quá trời.!
- "Răng mà cú tráu rứa tê?": Sao mà cộc cằn quá vậy?
 
Chữ "cú tráu" nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa.

Huế nói trại:
"Nói trại" là nói sai giọng, không đúng âm theo giọng viết, nói trại đôi khi cũng dùng trong trường hợp “nói khác đi, nói cách khác”. Cách nói bị biến âm này rất phổ thông ở Huế, nhất là dân cư vùng biển. Nói trại làm cho âm thanh nặng hơn, khó hiểu hơn.

- "Con tâu tắng ăn ngoài bụi te" tức là con (trâu trắng ăn ngoài bụi tre). "Tời tong tẻo, nước tong veo": Trời trong trẻo, nước trong veo.

- Hầu hết những từ bắt đầu bằng “nh” đều được người Huế nói trại thành “gi”: già (nhà).

"Giớ già giớ vợ ở già": Nhớ nhà nhớ (luôn) vợ ở nhà!

- Những từ bắt đầu bằng “s” thì nói trại ra thành “th”:

"Ăn thung mặc thướng": Ăn sung mặc sướng hoặc "Thầy gòn" là Sài gòn, hoặc nữa: "Noái năng thòng phẳng": nói cho sòng phẳng, rõ ràng.

- Lối phát âm của người Huế không xác định được âm cuối là “n” hay “ng”:
Con thằng lằng chép miệng thở thang!: Con thằn lằn chép miệng thở than!

- Những chữ có âm “o” thường nói trại ra “oa”: "Xa voài voại, noái khôn tới, với khôn được, ngó khôn chộ": Xa vòi vọi, nói không tới, với không được, nhìn không thấy!
Hoặc nữa: "Đi coai boái, thầy boái noái đi coai cái voài voai" Đi coi bói, thầy bói nói đi coi cái vòi voi.

- Những chữ có âm “ô”, người Huế thường nói trại thành âm “u”: "Thúi trong thúi ra": Thối từ trong ra ngoài. "Túi lửa tắt đèn": Tối lửa tắt đèn.

- "Nậy rồi mà mũi rãi thò lò!": Lớn đầu mà mũi rãi lòng thòng! Chữ "thò lò" cũng đã góp mặt trong ca dao Huế:
 
Học trò thò lò mũi xanh
Cầm cái bánh đúc chạy quanh nhà thầy!

- "Vô rú mà đốn săng": Vào rừng mà đẵn gỗ.
Săng cũng đã góp mặt trong mấy câu hò giã gạo với lối đối đáp rất “văn hóa” của Huế:
Bên nữ:
Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
Bỏ vô lửa đỏ than lại thành than
Trai nam nhân chàng mà đối đặng
Thiếp xin kết nghĩa tào khang trọn đời

Nghĩa: Cây củi gỗ chẻ ra văng (Văn) vỏ (Võ), thảy vô lửa đỏ thì thành than.

Bên Nam:
Tâu ăn giữa vạc ló lỗ
Đã ngụy chưa tề!
Nam nhân chàng đã đối đặng
Thiếp đã chịu theo chàng hay chưa?

Nghĩa: Con Tâu (Trâu) ăn giữa vạt ló (Lúa) lỗ (Trổ), sao kỳ quá vậy? Ý ư, cũng điển tích như ai: Trâu, Lỗ, Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân thu Chiến Quốc cũng ở bên Tàu luôn.

- "En trên rầm thượng bổ xuống, nằm ngay đơ cán cuốc, phải địu đi nhà thương!": Anh ấy té trên rầm thượng té xuống, nằm cứng như cán cuốc, phải bồng, cõng đi nhà thương!

"Rầm thượng" là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà ở Huế, rầm thượng không phải là chỗ ngủ nghỉ mà là nơi chứa những đồ gia dụng đáng giá nhưng phải cỡ nhỏ, vì không có lối lên. Muốn lên rầm thượng, phải bắc thang; rầm
thượng để cất giữ những đồ cổ vừa phải, không qúy lắm. Còn nếu qúy nữa thì bỏ vào rương xe, một thứ tủ thấp đóng bằng gỗ thật dày, có nắp đậy, có luôn 4 bánh xe để đẩy vì khiêng không nổi, nặng quá mà! Mặt bằng của rương xe là cái đi-văng, tối tối cứ trải chiếu nằm ngủ trên đó là khỏi lo trộm đạo

- "Nước mắt chặm hoài không khô, răng khổ ri nì trời!": Nước mắt lau, thấm hoài không khô, sao khổ vậy nè trời.!

Chữ "chặm" cũng đã lãng đãng trong mấy câu hò giã gạo, mà vì não nùng ai oán quá, nghe hò xong e phải bỏ chày luôn:

Hai hàng nước mắt như mưa
Cái khăn lau không ráo
Cái áo chặm không khô
Công anh đổ xuống ao hồ
Quì thưa bẩm dạ thuở mô đến chừ
!

- "Mặt mày chạu bạu, ai chịu cho thấu!": Mặt mày một đống, ai chịu cho nổi!

Chữ "thấu" cũng có nghĩa là tới: "Kêu tời không thấu": Kêu không tới trời; "Vô thấu trong Thầy gòn": Vô tuốt trong Sài gòn. "Mả cha cái thằng vô hậu": Tiên sư cái thằng đoảng

- "Ăn tầu cơi thiếc": Ăn trầu (để) trong khay thiếc, quả bằng thiếc. 

Cái "cơi thiếc" cũng đã đi vào tục ngữ Huế: Uống nước chè tàu, ăn trầu cơi thiếc.

“Mả cha mi” là tiếng chửi, lời nhiếc mắng rất thông dụng ở Huế, đồng nghĩa với “mồ cha mày”. Lối chửi này ít thông dụng ở những địa phương khác.

- "Đi xe hay đi chưn xuống rứa?": Đi xe hay đi bộ xuống đây vậy?

- "Túi thùi thui, có chộ chi mô!": Tối quá, không thấy gì hết!
- "Rạt gáo rồi mà còn làm le làm gió!": Cạn túi rồi mà còn làm, làm sang!
- "Ăn đoại cơm hến, uống đoại nước chè": Ăn tô cơm hến, uống bát nước chè (xanh).

Tục ngữ Huế: "Ăn lưng đoại, làm đoại lưng" (làm muốn gãy lưng).

Cơm hến, chẳng có chi cầu kỳ, nhưng nhiều mùi vị với lưng bát cơm nguội, rau sống, thân chuối non, rau thơm, xắt nhuyễn, nước luộc hến chan vô, cho chút xíu ruốc, bỏ chút ít hến xào, thêm vài trái ớt, đúng với cái ít ỏi của Huế.

- "Bữa ni đi kéo ghế": Hôm nay đi ăn nhà hàng.

Người Huế, nhất là ở thôn quê, thường dọn cơm trên phản, trên tấm ngựa. Không dọn trên bàn nên khỏi có cái vụ kéo cái ghế mà ngồi vào bàn. Vì thế, mỗi khi được dịp đi ăn ở quán, ở nhà hàng thì gọi là đi kéo ghế.

Huế làm đày làm láo, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài. Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê!
Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm.

Người Huế ít khi dùng chữ "lắm" hay chữ "quá" mà dùng điệp ngữ: "Cái con nớ, lanh cha lanh chanh"! 
Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị hay em chồng, mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: "Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè!": Sao mà nó vô phép quá vậy!

Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi lùi, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt).

Bởi, "đồ cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn": Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm chồng.

Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: "Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai".

Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cả mô-ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình:

- "Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa. Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình. Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan!"

Cái thông điệp cho thằng em trai thì:
- "Năm tể năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò, chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép. Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho được".

Mấy ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình:
- "Đó, mi thấy đó. Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn. Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ!


=======================================
Người Việt ở Nam Hàn


MÓN ĂN CUA SỐNG, BẠCHTUỘT ĐANG NGO NGOE



Nam Hàn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú. Tuy nhiên, nhiều món ăn của xứ kim chi lại khiến du khách nước ngoài cảm thấy khiếp sợ vì khác thường và kinh dị, thêm vào đó với mùi vị quá nồng.

GEJANG: (cua sống ngâm nước tương) là món khá kén người ăn tại Nam Hàn. Món này tốn nhiều thời gian và phải trải qua các giai đoạn lặp lại trước khi “ra lò”. Cách làm chủ yếu là ướp cua tươi vào nước tương nhiều lần để món ăn có vị mặn. Du khách nước ngoài sợ món này vì cua trước khi ướp vẫn sống. Cách ăn gejang khá phức tạp nên chúng ta đừng ngại khi nhờ nhân viên nhà hàng hướng dẫn.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

HAEMULTANG: là món lẩu hải sản độc đáo của người Nam Hàn. Họ xử dụng những nguyên liệu sống để bảo đảm độ tươi ngon cho thực khách. Hải sản khi được đem lên bàn ăn vẫn ngọ nguậy. Ngpời ăn chỉ cần làm chín chúng bằng cách bỏ vào nồi lẩu, mùi vị tự nhiên, vì Họ không xử dụng quá nhiều gia vị nên cảm giác rất thật. Giá một nồi lẩu khoảng 30.000-50.000 won (từ 25 - 50 đô hay 600.000 - 1 triệu đồng vn) cho 3 người ăn.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

DOTORIMUK: (thạch hạt sồi) món ăn nầy khiến nhiều thực khách nước ngoài không dám ăn thử bởi sợ nhiễm độc. Theo nghiên cứu, khi tiếp xúc với cây sồi, bạn có thể bị phát ban, ngứa ngáy từ 1-3 tuần. Tuy nhiên, người Nam Hàn có cách riêng để tách phần chất độc trước khi chế biến. Món này có vị đắng nhẹ, thường ăn kèm với nước tương cay. Dotorimuk xuất hiện trên bàn ăn của người Đại Hàn nhiều nhất vào mùa xuân hoặc hè.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

HOGEO: (cá Đuối lên men) được xem như nỗi ám ảnh với du khách nước ngoài vì nặng mùi kinh khủng. Nhiều người từng ăn nhận xét món này có mùi khai đặc biệt. Để làm hongeo, người Hàn phải ướp cá suốt một tháng. Sau đó, họ thái lát mỏng và ăn sống. Món này sẽ ngon hơn nếu ăn kèm với thịt heo luộc, tôm muối, tỏi sống, muối ớt hay kim chi.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

BEONDEGI: là tập hợp chung của các món Nhộng ở Nam Hàn. Chúng xuất hiện nhiều ở các khu phố ẩm thực và được xem như loại thức ăn đường phố phổ biến bậc nhất xứ kim chi. Beondegi có nguyên liệu chính là nhộng được luộc, xông khói. Sau đó, tùy theo khẩu vị, họ chế biến món này theo nhiều cách khác nhau như xào khô, hầm rau củ… Beondegi có mùi hăng và hình thức không mấy bắt mắt. Người thích ăn lại chú ý đến lớp vỏ giòn, bùi và béo.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

GAEBUL: gọi là cá Dương Vật (cũng còn gọi là Trùn biển). Tuy nhiên, nhiều du khách nhận xét món này nằm trong top phải thử khi tới Nam Hàn. Gaebul có sẵn quanh năm nhưng nếu muốn nếm mùi vị ngon nhất, ta cần đợi tới khoảng tháng 10. Trùn biển thường được ăn kèm với sốt chogochujang hoặc kim chi. Món gaebul tẩm ướp muối, hạt tiêu, dầu mè rồi đem nướng cũng rất nổi tiếng.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

SANNAKJI: Món ăn nầy đã quá quen thuộc với những người thích xem các show truyền hình thực tế ở Nam Hàn. Món bạch tuộc sống này được biết đến nhiều hơn vì độ “kinh dị” thay vì mùi vị thơm ngon. Thực khách sẽ phải ăn con bạch tuộc còn sống, ngọ ngoe trên đĩa. Chỉ cần bỏ qua cảm giác sợ hãi, chấm con bạch tuộc vào nước sốt rồi cho thẳng vào miệng.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

 






Photo:

Photo:

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được.


 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...