Sunday, October 13, 2019

 

GIÓ BỤI MỘT THỜI

South Vietnamese soldiers march in 1973 in the Mekong Delta in Vietnam.
Photo by David Hume Kennerly/Getty Images

Tôi rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại. Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế. Thế nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật. Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v. v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xẩy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn.


Một hôm, ngồi một mình trên chiếc ghế kê sát vỉa hè của quán Thanh Bạch, tôi gặp Cường đang đi trên hè phố, mặc bộ đồ lính của Trinh Sát Trung Đoàn 51, lon Trung Úy màu đen trên cổ áo. Bộ đồ lính thân quen với tôi, đến khi tôi bị bỏ cuộc tại chiến trường, mới rời nó. Tôi đứng dậy gọi Cường. Cường đứng lại nhìn tôi rồi chạy lại ôm tôi. Hai đứa ràn rụa nước mắt, không ngờ rốt cuộc hai đứa lại gặp nhau tại Sài Gòn. Cường không ngờ rằng tôi vào được Sài Gòn giữa lúc tình thế hổn loạn như thế nầy, với tấm thân tật nguyền của tôi, chứ Cường không biết tôi đã vào trước. Còn tôi không nghĩ gặp lại Cường vì đơn vị của Cường lúc đó đang trấn thủ tại địa đầu giới tuyến, không cách nào thoát được. Cường cùng một khóa với tôi ở quân trường Thủ Đức, hai đứa ra cùng một đơn vị đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 51/ Biệt Lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi tôi bị thương trong Mùa-Hè-Đỏ-Lửa 1972 thì đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1. Sư Đoàn 3 vào Quảng Nam thay chỗ của Trung Đoàn 51 cũ.

Tôi nhớ lại lúc mới ra trường, Cường với tôi làm trưởng toán viễn thám. Lúc nào nhảy viễn thám thì đi riêng theo toán của mình, còn lúc nào hành quân diện địa thì đi chung với nhau. Cường bao giờ cũng mang đầy đủ đồ đạc trong ba lô nặng trĩu khi đi hành quân, còn tôi sợ mang nặng nên đồ đạc mang theo đại khái. Trời lạnh tôi hay rúc vào chăn của Cường, hay khi dừng quân ăn cơm Cường bao giờ cũng chia cho tôi những đồ ăn mang theo. Tội nghiệp con bồ của nó ở Sài Gòn lấy chồng khác, làm cho nó mất ăn mất ngủ mấy tháng. Nó nói với tôi là tụi nó yêu nhau khi còn đi học hơn hai năm rồi, ăn nằm với nhau như vợ chồng thế mà vẫn chia tay dễ dàng. Tôi nói đùa với nó là bởi vì mầy ăn nằm với con nhỏ thường xuyên, bây giờ mầy ở xa làm sao nó chịu nổi. Chẳng lẽ đêm nào cũng nằm chàng hảng chờ mầy sao? Đâu được, phải kiếm ngay một thằng khác để làm chuyện đó chứ. Con gái như vậy mới thực dụng, yêu mấy thằng tác chiến làm gì cho khổ, trước sau gì cũng chết, rồi chít khăn tang, rồi cô nhi quả phụ, đủ thứ lỉnh kỉnh, rắc rối cuộc đời. Lấy một thằng lính kiểng ở Sài Gòn khỏe re, đêm nào cũng bắt nó làm tình cho bỏ ghét. Cái lý luận cùn của tôi coi vậy mà thằng Cường tin phong phóc. Sau khi ăn cơm chiều, 5 thằng sĩ quan viễn thám ra ngồi trước hiên hút thuốc. Cường nói với tôi là ‘tau nghĩ đi nghĩ lại mấy ngày nay, mầy phân tích đúng, thôi thì để cho nó lấy chồng cho rồi chứ chờ mình biết khi nào mới xong’. Mấy thằng ngồi quanh cười hể hả bắt tay Cường như chia sẻ một chút đắng cay.

Chúng tôi ngồi trước quán Thanh Bạch mấy tiếng đồng hồ, kể cho nhau nghe về chuyện của đơn vị, chuyện riêng tư, chuyện thiên hạ. Nghĩa là nhớ đâu kể đó, nhớ đâu hỏi đó. Tôi hỏi Cường về Sài Gòn có gặp lại con bồ cũ của nó không? Nó cười cười khoái chí: “Em nghe tau về có qua thăm, em khóc dữ lắm. Em bảo là gia đình của em bắt em phải lấy thằng đó cho an toàn. Còn tau ở tận ngoài Vùng I, chỗ khỉ ho cò gáy, chết sống mong manh. Chờ làm chi cho uổng đời con gái. Có một điều lạ, là khi gặp lại em, trong lòng tau dửng dưng hết sức. Em bảo là muốn có với tau một đứa con, nên tau chìu ý em. Sau khi thằng chồng đi làm là em qua nhà tau ở tới chiều, ngày nào cũng vậy. Thôi thì mình cũng làm ơn, làm phước một lần”. Nghe cái giọng đểu cáng của nó, làm cho tôi khựng lại. Một thằng khi mới ra đơn vị hiền lành, ngô nghê, bị mấy thằng lính chọc quê. Thế mà trong vòng mấy năm chiến trường trui rèn cho nó trở thành một con người cứng cỏi, lọc lừa như vậy.

Cường kể cho tôi nghe về chuyện bỏ Huế ra đi, nó không ngờ tan hàng nhanh quá trong lúc các đơn vị vẫn còn đóng quân tại chỗ. Đài phát thanh Huế kêu gọi các đơn vị tử thủ để giữ Huế. Trên máy truyền tin cấp chỉ huy ra lệnh không được di chuyển đơn vị, nằm yên tại chỗ chờ lệnh. Chờ dài cổ không có lệnh lạc gì cả, gọi lại Phòng 3 trung đoàn, sư đoàn, thì không liên lạc được vì nơi đó tắt máy yên lặng. 7 giờ tối nghe BBC mới biết Huế sắp mất. “Quần Thần lơ láo” mạnh ai nấy chạy. Cường hỏi tôi:

– “Mầy còn nhớ thằng Thẻo không?”

Tôi gật đầu. Thẻo là hạ sĩ mang trung liên của Trung Đội Viễn Thám, nhà ở Cầu Hai, gia đình làm nghề đánh cá. Thẻo dẫn Cường chạy theo nó về nhà ở Cầu Hai rồi lấy ghe đưa Cường vào Lăng Cô, để nhập vào đoàn người chạy loạn vượt đèo Hải Vân vô Đà Nẵng. Từ đó Cường may mắn leo được lên tàu hải quân vào Vũng Tàu.
Trong những ngày gần cuối tháng 4 năm 75 tụi tôi sáng nào cũng đi uống café, chiều thì làm vài xị đế, nói chuyện đủ thứ trên đời, vui buồn, cười đùa, hằn học v. v… phần nhiều nói về đơn vị cũ. Sau nầy có một thằng bạn của Cường phục vụ tại tiểu khu Quảng Nam cấp bậc thiếu úy, chạy thục mạng, qua bao nhiêu gian truân mới vào được tới Sài Gòn. Nhập bọn với tụi tôi. Nó biết tôi là dân Đà Nẵng, nên cay đắng kể cho tôi nghe về những giờ phút hấp hối của Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3. Nó khinh tởm kể về những cấp chỉ huy hèn mạt của nó: Ngồi trên tàu cùng với vợ con chuẩn bị chạy vào Sài Gòn, mà vẫn ra lệnh trên máy truyền tin cho các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến giờ phút cuối mà còn lường gạt thuộc cấp của mình một cách hèn hạ như vậy, thì thử hỏi làm sao đất nước không rơi vào tay cộng sản nhanh chóng được. Tụi tôi những thằng sĩ quan cấp bậc tép riu, chỉ huy những đơn vị nhỏ, trấn giữ các tiền đồn heo hút làm sao chạy kịp. Khi đã biết mình bị bỏ rơi, thì liều mạng mở đường máu. Còn nếu không còn cách nào khác thì cùng với anh em, bắn tới viên đạn cuối cùng rồi tự tử. Tôi ngồi nghe mà thấm đau. Những nhọc nhằn, nghiệt ngã đối với anh em chúng tôi trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, nó giống như những vở kịch mà người ta mang những mặt nạ cho thích nghi với cuộc sống, thay lên đổi xuống không ngượng ngập. Đầu óc của anh em chúng tôi trong veo, cả tin và chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thượng cấp. Ngồi kể cho nhau nghe mà lòng của tụi tôi đầy ngán ngẫm, mọi thần tượng trong quân đội trước đây tụi tôi rất kính trọng, bây giờ đều sụp đổ.

*

Một lần ngồi uống rượu ngà ngà, Cường hỏi tôi có còn nhớ lần nhảy viễn thám ở quận Đức Dục không? Nghe nhắc lại tôi tỉnh người ngay. Làm sao tôi quên được một kỷ niệm khó quên. Lúc đó tôi và Cường mới về đơn vị. Trung đội tôi được chia thành ba toán để đi nhảy viễn thám. Tôi, Cường và Sơn (Sơn ra đơn vị trước tụi tôi ba tháng) là toán trưởng của ba toán đó. Toán của tôi nhảy đầu, tôi vừa từ trực thăng nhảy xuống thì nghe tiếng hô “xung phong” vang dội núi rừng. Thằng lính truyền tin chỉ kịp bấm vào ống liên hợp của máy PRC25, báo cho đại đội biết là toán đã bị phát hiện, rồi tháo máy vất lại đó bỏ chạy. Sau nầy tôi được Cường cho biết là toán của tôi bị phát hiện nên hai toán còn lại rút về ngay, chứ không nhảy viễn thám bữa đó. Trong 5 thằng tụi tôi trên người chỉ còn lại bộ đồ đang mặc còn tất cả vất hết. Vì phải lo thoát thân ra khỏi vùng bị phát hiện nên không biết địa hình và phương hướng. Từ sáng chạy tới chiều, mọi người mệt lả mới tìm chỗ nghỉ chân. Khi tỉnh người lại tôi mới thất kinh, bây giờ tôi làm sao định hình để tìm điểm đứng của mình hiện tại, núi rừng trùng trùng điệp điệp trên tay không có máy tuyền tin, súng ống, bản đồ, la bàn v.v… Chuẩn úy mới ra lò, kinh nghiệm chiến trường không có, mà lại cầm mạng sống của năm thằng lính ngu ngơ như mình. Tôi không biết phải tính sao với cái vốn liếng chiến trường là con số không nầy, chỉ biết ngữa mặt lên trời phó thác cho số mạng. Lúc nầy tôi mới thấy sợ, đang ở trong vùng địch đóng mà trên tay không có một tấc sắt hộ thân, chỉ biết trông cậy vào đôi chân “chạy” của mình. Những bài học về “Mưu Sinh Thoát Hiểm” ở quân trường Thủ Đức sợ quá bay đi đâu mất. Trong đầu cũng chẳng còn một chút xíu nào trang bị cho một người lính khi gặp hiểm nguy. Tôi tự trách mình, khi học ở quân trường xem thường các bài học về chiến thuật, cứ ngủ gà ngủ gật, đêm ngày cứ lo viết thư tình cho mấy con bồ, không để tâm trí cho cái chuyện “làm quan” của mình, cái chuyện chết sống của đời mình. Tôi nghĩ trong đầu, nếu có dịp trở về Thủ Đức để học lại, hay tu nghiệp tôi sẽ không bao giờ bỏ sót một tiết học nào. Thế nhưng bây giờ thì quá muộn.

Ngồi nghỉ chừng một tiếng đồng hồ, tôi hỏi chung chung:

– “Bây giờ mình đi, hay ngồi nghỉ ở đây?”

Hợi (trung sĩ, toán phó) trả lời:

– “Chạy từ sáng tới giờ, chân tay bủn rủn đứng không nổi thì làm sao mà đi được. Để anh em nghỉ đêm ở đây rồi mai tính sau, Thiếu úy ạ”

Thường thường trong các đơn vị quân đội, các thuộc hạ hay gọi chỉ huy của mình lên một cấp bậc. Nghe nó gọi mình là “Thiếu úy”, trước đây thì không sao, nhưng bây giờ tôi thấy nó mỉa mai quá. Một thằng sĩ quan ngu ngơ, mặt mày búng ra sữa mà chỉ huy bốn thằng kinh nghiệm đầy mình trên trận mạc. Tự nhiên sao tôi cảm thấy thẹn quá. Để đỡ bớt chút thẹn thùng nầy, tôi nói:

– “Thôi được, mình di chuyển vào phía trong, tránh đường mòn xa xa để họ khỏi phát hiện. Tìm một lùm cây, anh em mình nằm chung với nhau, sống thì sống hết, còn chết thì cũng vậy cho có bạn”.

Thằng Hải Con (sau nầy nó làm tài lọt cho tôi) xoay qua tôi:

– “Đi hành quân, đừng nói chuyện “chết”, xui lắm Thiếu úy ơi!”.

Tôi làm thinh, cùng với anh em đi tìm chỗ nghỉ. Tôi không tài nào ngủ được, một tiếng động nhỏ cũng làm cho tôi hết hồn. Nhìn qua bên cạnh, tôi thấy mọi người đều ngủ say, hình như họ quen với chuyện hiểm nguy, nên cứ tỉnh bơ. Còn tôi lần đầu tiên gặp hoàn cảnh nguy kịch nầy, sợ hãi và lo lắng không làm cho tôi chợp mắt được. Tôi ngồi dậy bò ra bên ngoài dựa lưng vào gốc cây, lấy nón lưỡi trai che kín để hút thuốc vừa canh chừng cho anh em ngủ. Hít một hơi thuốc thật dài, tôi thấy nó “đã” làm sao đâu, một hơi thuốc mà cả ngày không đụng tới, không thấy thèm, không nghĩ tới nó vì vừa sợ, vừa chạy. Còn bây giờ được ngồi yên một chỗ, định thần trở lại, bụng đói meo nhưng điếu thuốc cần hơn. Lật đồng hồ trên tay, bây giờ mới 5 giờ chiều mà núi rừng đã tối mò, còn một đêm dài dằng dặc phải nghĩ ra cách thoát khỏi nơi đây. Nhớ lại cái thời Đông Châu, nghĩ cái chuyện thoát thân thôi mà Ngũ Tử Tư sau một đêm đầu bạc trắng. Còn tôi bây giờ không biết có được may mắn như ông không? Sau một đêm phờ phạc, chẳng nghĩ ra được cách thoát thân, hay sớ rớ bị họ tóm cổ. Tôi thông cảm tâm trạng của người trong tư thế cùng đường, vì chính tụi tôi đang ở trong tình huống nầy. Sau nầy qua Mỹ, tôi có làm một bài thơ về nhân vật nầy:

"Ngài vượt qua cửa ải thoát thân,
Ta cũng trốn chạy năm lần bảy lượt,
Cái nguy của ta Ngài đâu sánh được,
Rừng thẳm bể sâu tan xác như chơi.

Ta mạc kiếp kẻ bất phùng thời,
Sống chết trong đường tơ kẻ tóc,
Thân rời rã, hồn xiêu phách lạc,
Mê man mù tịt cõi đi về".

Nửa đêm, tất cả đều thức dậy thầm thì bàn chuyện thoát thân. Tôi đề nghị, phải tìm cho ra một con suối rồi men theo bờ suối đi xuống đất liền. Để giải quyết tình trạng”khát nước” của tất cả anh em, còn “đói” có thể chịu đựng được vài ngày. “Còn tới được đất liền, thì đi đâu?”, một thằng toán viên làm khó tôi? Hỏi một câu mà tôi chưa nghĩ ra được cách trả lời. Tôi buộc miệng:

– “Nhắm hướng mặt trời mọc mà đi”.

Trời ơi, sao tôi thông minh quá vậy. Bài học ngày xưa thời tiểu học mà không biết đấng vô hình nào nhắc cho tôi nhớ lại. Miền Trung của tôi phía tây giáp núi, phía đông giáp biển. Cứ theo hướng đông mà đi thế nào cũng gặp Quốc Lộ I, con đường xuyên Việt nầy là cái xương sống của đất nước, bao giờ cũng được lính Quốc Gia bảo vệ. Từ toán Phó cho tới toán viên mới bắt đầu tin tưởng vào tôi, thằng chuẩn úy non sữa nầy cũng còn có chút thông minh, đáng tin cậy được. Tôi nói với trung sĩ Hợi ‘áp tai xuống đất nghe xem có tiếng nước chảy gần đây không?’ Hợi làm theo lời tôi và nói ‘có nghe nhưng chắc còn xa lắm, vì tiếng kêu quá nhỏ’. Tôi bảo ‘cứ 15 phút thì áp tai một lần, nếu không nghe tức là mình đi trật hướng, còn nếu nghe tiếng nước rõ hơn, tức là mình đi đúng hướng’. Thế mà tìm ra được con suối chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ. Tới nơi, việc đầu tiên là uống một bụng nước, tắm rửa nghỉ ngơi, sáng hôm sau đi tiếp. Đường trên núi thì chúng tôi ngày đi đêm nghỉ, còn dưới đồng bằng thì ngược lại ngày nghỉ đêm đi. Thật tình thì chúng tôi di chuyển rất chậm, đường trên rừng núi phải luồn lách để vượt qua và giữ cự ly với con suối để giải quyết tình trạng khát nước của anh em.

Một lần chúng tôi đi gần vào chỗ đóng quân của quân ‘giải phóng’ (tôi đoán như vậy). Vì chúng tôi thấy họ tắm giặt dưới suối. Tìm một bụi cây rậm rạp, cách con suối 50 mét chúng tôi nằm yên bất động, để chờ không còn người nào thì chúng tôi mới di chuyển tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi mới chạm mặt với những con người của ‘giải phóng quân’. Buồn cười nhất, có một người vắt cái khăn trên vai, vừa đi vừa nghêu ngao hát “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao. Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”. Bản nhạc Duyên Kiếp của Lam Phương, bản nhạc mà tụi tôi sau nầy hay đùa là nó cũng đã vượt lằn ranh của thù hận, tụi tôi nhìn nhau mĩm cười. Người anh em bên kia chiến tuyến cũng tình tứ quá đi chứ. Sau lớp đàn ông tắm xong, thì tới lớp đàn bà tắm. Con mắt mấy thằng tụi tôi muốn nổ tung, vì cái cảnh thay áo quần của họ.

Gần ba ngày sau, chúng tôi mới xuống được đất liền. Sức khỏe của anh em rất bệ rạc. Tôi bảo với trung sĩ Hợi là leo lên cây thật cao để quan sát tình hình chung quanh, đến chạng vạng tối là tụi tôi di chuyển thật nhanh. Đêm hôm sau vào lúc 1 giờ sáng chúng tôi tới được một khu nhà tranh cách một cái đồi chừng 500 mét. Đói quá không còn chịu nổi, chúng tôi mò vào nhà bếp của một trong những căn nhà đó để tìm cơm nguội. Không ngờ một ông cụ trong nhà phát hiện. Ông nằm trên nhà nói vọng xuống bếp:

– “Mấy ông là Quốc Gia hay Giải Phóng?”.

Thằng Hải bò lên gần cửa nhà trên, trả lời nho nhỏ:

– “Quốc Gia”.

Ông thắp đèn dầu đi xuống bếp, rồi cũng nói nho nhỏ cho chúng tôi đủ nghe:

– “Đi khỏi đây nhanh lên, căn cứ West đóng trên ngọn đồi đã mất cách đây mấy ngày”.

Thằng Hải nói:

– “Đói quá bác ơi, năm ngày ni không có hạt cơm bỏ bụng, làm sao đi nổi. Bác làm ơn cho tụi con một chén cơm được không?”.

Ông già gật đầu, bảo tụi tôi lên nhà trên ngồi ở đó rồi ông nấu cho một nồi cơm, rang một lon đậu phụng, xong mang chén đũa lên nhà trên cho tụi tôi ăn trong bóng tối. Ông chỉ cho tụi tôi chạy theo đường mòn trước nhà, chừng 5 cây số sẽ thấy một cái đồn nghĩa quân. Chúng tôi không ngờ gặp được một người tốt như vậy. Quốc gia hay cộng sản đối với người dân vùng nầy lúc đó chẳng có gì quan trọng, miễn sao để cho họ yên thân, còn bên nào cũng được. Tôi hứa trong lòng có dịp trở lại vùng nầy, tôi sẽ tìm gặp ông, cám ơn ông thật nhiều mà trong lúc nguy biến gấp quá, chúng tôi không nói gì được. Làm sao phải trả lại ông một món nợ vô cùng to lớn mà ông đã giúp cho chúng tôi trên con đường sinh tử của chiến tranh. Nghĩ vậy nhưng không bao giờ có một dịp gặp lại ông lão ấy. Một điều lạ, sau khi ăn uống xong trong người thấy phục hồi ngay, có lẽ vì quá sợ sẽ bị bắt nếu chần chờ trễ nãi, vì vậy đứa nào cũng cảm thấy đủ sức chạy đường dài. Chạy đến 5 giờ sáng chúng tôi mới nhìn thấy đồn nghĩa quân hiện ra giữa cánh đồng mờ mờ, bao bọc chung quanh nhiều lớp concertina.

Dừng lại giữa đường, tôi nói với tất cả anh em là mình ra nằm ngoài bờ ruộng, vì đứng lại trên đường rất nguy hiểm. Một phần sợ nghĩa quân trong đồn bắn ra, một phần sợ du kích phát hiện, chúng tôi cùng nhau bò ra bờ ruộng để chờ trời sáng, nằm trong tư thế yên lặng. Khi mặt trời bắt đầu lên, mọi vật đều trông thấy rõ ràng, tôi giơ cao áo thun trắng cho lính gác trong đồn trông thấy, chúng tôi đứng trên bờ ruộng chờ đợi. Tôi thấy anh em nghĩa quân chạy ra giao thông hào trong tư thế sẳn sàng tác chiến, mọi họng súng chỉa đến chúng tôi. Một người lính trên vọng gác ra lịnh cho tụi tôi chỉ một người đến gần hàng rào nói chuyện, còn mấy người kia đứng yên tại chỗ. Tôi bước đến trước nói chuyện với một người chỉ huy trong đồn (tụi tôi sau nầy mới biết đó là Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân). Tôi cho anh biết tên đơn vị của chúng tôi, nhảy viễn thám bị Việt cộng phát hiện nên phải chạy thoát. Bây giờ nhờ anh liên lạc giùm để cho trực thăng đến đón chúng tôi. Anh vào trong trại gọi máy chừng nửa giờ rồi bước ra báo cho tôi biết một giờ sau trực thăng sẽ tới. Anh ra lệnh cho anh em trong đồn ra mở cổng cho tụi tôi vào bên trong. Khi vào trong đồn lúc ấy tụi tôi mới chắc chắn mình còn giữ được mạng sống. Anh nấu nước mời chúng tôi uống và hỏi chuyện đủ thứ. Trong lời nói chuyện anh rất nể nang chúng tôi, vì anh nghĩ hai chữ “Trinh Sát” của tụi tôi đang mang là thuộc loại lính thứ dữ, chứ anh đâu biết bây giờ tụi tôi chỉ là những con “thỏ đế” run sợ trước mọi thứ. Tôi thầm khâm phục tinh thần của anh em nghĩa quân, sự chiến đấu dũng cảm của họ giữa cái đồn heo hút, súng ống không đầy đủ, lương bổng chẳng bao nhiêu và mọi thứ đều thiếu thốn, thế mà họ là mối khiếp sợ của du kích trong vùng đó. Sức chiến đấu gan lì của họ không thua gì các đơn vị chủ lực.

Anh lính Nghĩa Quân gác ngoài cổng gọi vào cho biết, có ba chiếc trực thăng trên bầu trời. Tụi tôi mừng quá chạy ra bên ngoài nhìn lên, tất cả đưa tay vẫy. Tôi nói với anh Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân cho tôi xin một trái lựu đạn khói, rồi bảo một người lính của tụi tôi chạy ra tìm một bãi trống ném trái khói ra đó để trực thăng đáp. Chúng tôi lần lượt bắt tay từng người lính Nghĩa Quân và nói lời cám ơn, rồi ra bãi chờ trực thăng bốc. Một chiếc sà xuống bãi để bốc chúng tôi, còn hai chiếc gunship bay phía trên làm nhiệm vụ yểm trợ. Leo lên được máy bay chúng tôi đưa tay vẫy chào các anh Nghĩa Quân trong đồn. Khi máy bay lên cao độ nhìn xuống tôi mới biết cái đồn nghĩa quân nầy heo hút thật. Tội nghiệp những con người chiếu đấu âm thầm không một lời than thở!
Bay chừng nửa giờ, chúng tôi nhìn xuống thấy phi trường trực thăng của trung đoàn phía dưới, phi trường thân quen mà chúng tôi từng đi hành quân viễn thám hay diều hâu bằng trực thăng. Trông thấy lính đứng lố nhố dưới sân bay, tôi biết anh em trong đại đội trinh sát ra đón chúng tôi, tâm trạng buồn bã của mọi người trong 5 ngày mất tích của tụi tôi, như “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Họ mừng biết mấy thấy chúng tôi trở về, tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ thương nhau lắm.


Chúng tôi bước xuống máy bay, cả đại đội ào ra ôm lấy tụi tôi. Mừng mừng, tủi tủi như người chết đi sống lại. Đại Úy Điệp, đại đội trưởng của tụi tôi đến bắt tay rồi ôm tôi, ông nói những lời khen tôi sẽ là một sĩ quan giỏi sau nầy. Tôi không có dịp thể hiện bài học Lãnh Đạo Chỉ Huy mà trong quân trường đã dạy, không ra một mệnh lệnh nào để cả toán chúng tôi tránh được sự truy lùng của Việt cộng. Chỉ biết chạy và trong cái may mắn đó là trên con đường di chuyển chúng tôi không đối mặt với họ. Thế thì tôi không biết làm thế nào tôi trở thành một sĩ quan tác chiến giỏi được. Tôi cúi mặt cảm thấy thẹn thùng với lời khen tặng đó. Trong trung đội viễn thám của tụi tôi các sĩ quan ở chung một phòng. Trung đội trưởng là Thiếu Úy Âu (khóa 24 sĩ quan Đà Lạt, Âu cũng học một lớp với tôi thời trung học), trung đội phó là Thiếu Úy Nguyên. Sơn, Cường và tôi chuẩn úy làm trưởng toán. 8 giờ tối ngày hôm đó, mệt quá tôi lo đi ngủ trước, còn những người khác ngồi đánh domino. Đang thiu thiu thì Sơn dựng tôi dậy bảo là Đại Úy bồi dưỡng cho mầy, ngồi dậy ăn. Tôi nhìn trên bàn có một dĩa thịt gà lớn và một soong cháo. Thằng lính làm ở Câu Lạc Bộ mang đồ ăn cho tụi tôi. Sơn nói với nó là xuống lấy 1 lít đế lên, ghi sổ cho Thiếu Úy Âu thiếu chịu. Âu hỏi Sơn ‘tại sao lại ghi chịu cho tau’. Sơn giải thích là ‘Đại Đội Trưởng bồi dưỡng thức ăn thì Trung Đội Trưởng phải bồi dưỡng rượu chứ. Âu gật gù bảo với thằng lính còn đứng đó, mang cho tau 3 lít, để tau cho tụi nầy chết đêm nay. Thế là anh em tụi tôi ngồi uống tới sáng.

*

Tuổi trẻ của tụi tôi thế đó, được trui rèn và trưởng thành trong chiến tranh. Ngụp lặn giữa một biển lửa ngùn ngụt thiêu hủy tất cả. Sống sót được đó là một phép lạ. Tôi nhìn Cường ngồi gật gù trên ghế, mới có sáu năm trong chiến trường, mới có 27 tuổi đầu trông như một ông cụ non. Cái hồn nhiên không có trong tuổi trẻ của chúng tôi, mà hạt mầm nầy nó đã chai cằn và lụi tàn trong bệnh hoạn. Những gì nhớ lại đã trải qua trong thời chinh chiến, nó giống như một cơn lốc cuốn phăng tất cả chỉ còn để lại hoang tàn đổ nát cho một đất nước điêu linh, lòng người tan vỡ.

Dallas, 30 tháng 7 năm 2007

Phan xuân Sinh

* (Bài thơ nầy trong tập “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, so sánh cái hiểm nguy của Ngũ-Tử-Tư và cái nguy hiểm của tôi khi tìm đường thoát thân ra khỏi đất nước. Ông thì ra khỏi đất nước nuôi chí lớn rất thành công. Còn tôi thì nuôi chí nhỏ lụn bại suốt cả cuộc đời. Khi viết bút ký nầy tôi thấy cái tình huống tương đối giống nhau nên tôi để mấy câu thơ vào.).

http://saigontimesusa.com/bai/vanchuong/1411b.shtml

Bút Ký PHAN XUÂN SINH

http://saigontimesusa.com/bai/vanchuong/1411b.shtml

Bút Ký PHAN XUÂN SINH

 



Những Mùa Xuân Ghi Dấ T hời gian không dừng lại, cuộc đời trải qua bao nỗi thăng trầm. Mỗi độ Xuân về nơi xứ người làm cho tôi thêm ray rức. Ở đây làm sao có Xuân để đón. Khi Mùa Xuân về trên quê hương thì nơi tôi định cư là vào mùa Đông. Tuyết trắng phủ khắp không gian, trời rất lạnh. Nhiệt độ âm, khoảng - 5 cho đến -15 độ Celcius. Đôi khi, hệ thống lưu thông có phần tắt nghẽn. Với những phút suy tư về cuộc đời, về thời cuộc, tôi ghi lại đôi giòng những cảm nghĩ liên quan đến những mùa Xuân được ghi dấu trong tôi.

Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789:
   Hôm nay là ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Tỵ, 2013, đánh dấu Mùa Xuân Chiến Thắng cách đây 224 năm nhằm ngày 30 tháng 1 năm 1789 tức là ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu mà toàn dân Việt Nam luôn ghi nhớ.

Vua Quang Trung Nguyen Hue nam 1789
Quang Trung Hoàng Đế

   Khi vua Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh, lúc đó vua Thanh là Càn Long. Vua Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị lấy cớ phò vua Lê Chiêu Thống trở lại Đại Việt, đem 20 vạn quân qua xâm lăng và chiếm đóng Thăng Long năm Mậu Thân, 1788. Được tin đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân, tiến quân ra Bắc Hà.  

   Trận Gò Đống Đa, đồn Ngọc Hồi vào đầu năm 1789 do Hoàng Đế Quang Trung lãnh đạo, chỉ huy khoảng 10 vạn quân Đại Việt  đánh bại 20 vạn quân Thanh để mang lại thái bình cho đất nước. Đó là mùa Xuân Chiến Thắng Kỷ Dậu huy hoàng của dân tộc Việt

Mùa Xuân Mậu Thân - Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 tại Huế:  

  
Khi gia nhập vào quân đội, tôi mới được nghe những bạn bè ở Thừa Thiên kể chuyện về Tết Mậu Thân 1968 tại Huế thật khủng khiếp quá. Với hoà ước ngưng chiến giữa cộng quân Bắc Việt và quân đội VNCH vào dịp Xuân về, toàn dân miền Nam hân hoan đón mừng Năm Mới. Trong khi mọi người ăn Tết an vui thái bình vào ngày mùng một thì rạng sáng ngày mùng hai, cộng quân phản bội hoà ước, bắt đầu tổng tấn công vào nhiều thành phố và xóm làng tại miền . Riêng tại Huế, nhiều ngàn người bị giết chết bằng đủ kiểu cách, bị giết cá nhân cũng như bị giết tập thể. Thời điểm đó, quê hương tôi trận chiến cũng xảy ra nhưng ở mức độ không ác liệt như ở Huế. Năm 1968 tôi còn là một học sinh nên cũng chẳng để ý nhiều về cuộc chiến. Tôi chỉ nghe tin tức trên đài phát thanh nhiều hơn là đọc báo. Do đó nhiều hình ảnh tang thương của quê hương, cũng như cảnh chết chóc của đồng bào tại Huế tôi khó mà mường tượng. Khi lập gia đình, vợ tôi là người Huế và có 2 người chú ruột cũng bị cộng quân giết chết vào Tết Mậu Thân nên tôi mới hiểu nhiều hơn. Ra hải ngoại đọc thêm nhiều hồi ký, nhiều sách truyện của những tác giả là chứng nhân đã viết như “Giải Khăn Sô cho Huế” của Nhã Ca, tôi mới thấy được một cuộc chiến quá dã man, nhiều kiểu giết người không gớm tay.  

Mùa Xuân Quý Sửu - "Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hoà Bình Ở Việt Nam" tại Paris năm 1973:
   Rồi một mùa Xuân nữa lại trở về trong niềm hân hoan chờ đón của toàn dân miền Nam Việt Nam, mặc dù hình ảnh Tết Mậu Thân 5 năm về trước vẫn còn ấn tượng cho người dân Huế. Nhưng đối với các thành phố khác, không khí tiết Xuân đã làm cho lòng người hân hoan đón chào sau một năm dài vất vả với công ăn việc làm. Đặc biệt vào mùa Xuân năm ấy, dân tộc mình còn gì vui hơn khi được tin "Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hoà Bình Ở Việt Nam" vừa được ký kết vào ngày 27.1.1973 tức là ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Tý tại Paris. Tạm gọi ngắn gọn là "Hiệp Định Paris 1973". Tin tức về "Hiệp Định Paris 1973" được truyền đi nhanh chóng trên những phương tiện truyền thông. Chiến tranh tại Việt Nam được chấm dứt. Lúc đó tôi nghĩ ngợi mông lung. Có lẽ tôi cũng cùng tâm trạng như mỗi chiến sĩ quân lực VNCH trên khắp mọi nẻo đường đất nước, như mỗi tân binh, như mỗi sinh viên sĩ quan, ai ai cũng vui mừng khôn tả rằng hoà bình đến với quê hương Việt Nam. Mỗi người có thể dệt ước mơ cho mình một cuộc sống thanh bình thời hậu chiến.  

   Riêng tôi thì mong ước tiếp tục cuộc đời sinh viên thuần tuý mà mình đã đến và đã xếp bút nghiên ra đi tòng quân cứu nước:
“Trả lại em yêu khung trời Đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”
 

   Bây giờ tôi sẽ trở lại con đường xưa yêu dấu, cố gắng học thành tài và mong rằng góp phần xây dựng quê hương thời hậu chiến. Một trời ước mơ đến với tôi ! Bạn bè tôi cũng vậy. Đứa nào cũng có văn bằng tối thiểu là tú tài 2 để được tuyển chọn vào quân chủng Hải quân Quân lực VNCH. Có bạn đã vào đại học được một, vài, ba năm trước khi bị động viên vào lính. Giờ đây, đất nước thái bình thì sẽ tiếp tục việc học trở lại để trở thành những chuyên gia với kiến năng đa hiệu, sẽ giúp ích cho xã hội, góp phần tái thiết quê hương - một quê hương  đã phải gánh chịu bao cảnh tang thương, ruộng vườn nhà cửa… bị tàn phá qua những năm dài chinh chiến. Thật là một tầng lớp nhân tài, những chuyên viên ưu tú của đất nước thời hậu chiến.  

  

[*] Tác giả cùng 14 bạn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân được gởi đi Thụ Huấn Căn Bản Quân Sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung từ 11.1970 - 01.1971. 

SVSQ Nguyen van Phay nam 1972-1973 tai truong SQHQ Nha TrangLúc bấy giờ, vào đầu tháng 02 năm 1973, tôi đang thụ huấn giai đoạn 2 tại trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Trước khi tôi được thuyên chuyển từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân Sài Gòn ra Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang thụ huấn, [*] chúng tôi đã được huấn luyện căn bản quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kéo dài 3 tháng. Tiếp theo là đi thực tập trên các chiến hạm của Hải Quân VNCH. Riêng tôi cũng đã được phân phối đi thực tập trên Hoả Vận Hạm HQ471 (2 tháng) và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 (7 tháng) để làm quen với biển cả cũng như học hỏi về hải nghiệp.

   Đi tàu biển tôi mới hiểu được từ ng “cho cá ăn chè” hoặc “ôm sô”. Trên chiến hạm Nhật Tảo HQ10, nhóm SVSQ chúng tôi gồm có 10 bạn và được chia làm 3 ca (quart), còn gọi là phiên. Tôi trực thuộc một ca. Trưởng ca là HQ Thiếu Uý Lê văn Từ, thủ khoa Khoá 19 SQHQNT ngành Chỉ huy. Trong thời gian đi thực tập trên chiến hạm, tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích về hải nghiệp với sự chỉ dẫn tận tình của sĩ quan trưởng ca.
  
Tôi còn nhớ vào một hôm biển động mạnh, trời mưa, tôi hết ca từ đài chỉ huy HQ10 đi xuống phòng ngủ, mặt mày hơi tái xanh vì khá mệt. Bạn bè hỏi thăm tôi rằng có “cho cá ăn chè” không?. Tôi không hiểu và hỏi: Hôm nay nhà bếp có nấu chè sao? Các bạn cười rộ. Một bạn thốt lên: Tụi nó hỏi mầy rằng biển động như vậy mầy có bị “mửa” không đó. Từ đó tôi mới hiểu cụm từ “cho cá ăn chè”. 
  
Trước khi gia nhập vào Hải quân tôi cũng thường nghe nhạc phẩm Hoa Biển của nhạc sĩ Hải quân Anh Thy. Khi đi thực tập trên chiến hạm ngoài biển khơi hàng tuần, tôi mới hiểu được hoa biển trong văn chương. Khi sóng nhẹ, hoa biển xuất hiện trên mặt biển dưới bóng trăng đêm với vẻ đẹp nên thơ, nhưng khi trùng dương dậy sóng, hoa biển được bắn tung toé lên đài chỉ huy của chiến hạm, nơi đâu cũng thấy toàn là hoa biển thì mới thấm thía về cuộc đời “thuỷ thủ và biển cả”. Nhưng đổi lại, đó là lúc tập luyện “sự nhẫn nại của con người và chắc chắn sẽ hữu ích cho cuộc đời” và cuộc đời tôi đã chứng minh và đã trải qua.

 Là sinh viên sĩ quan (SVSQ), vào mùa Xuân Quý Sửu chúng tôi đang mang cấp bậc tương đương Chuẩn Uý (dấu hiệu Alpha Omega). Khoá đào tạo Sĩ Quan Hải Quân của chúng tôi kéo dài 2 năm. Chúng tôi được tiếp tục đào tạo chuyên môn gần 9 tháng nữa mới tốt nghiệp. Việc học hành nơi quân trường cũng khá gian nan. Những môn học như toán bậc đại học để ứng dụng vào lãnh vực điện tử, môn điện kỹ nghệ, môn điện tử, môn thiên văn học, quản trị học, lãnh đạo chỉ huy, nhiên liệu, cơ khí, hàng hải, Anh văn v.v. đủ làm cho mỗi sinh viên chúng tôi đừ người. Mỗi ngày có từ 6 đến 8 giờ học ở giảng đường. Ngoài ra còn có thêm thời gian luân phiên đi thăm viếng và thực tập trên các chiến hạm. Ngoài giờ ở phòng học, chiều về chúng tôi còn phải tập diễn hành nơi sân vận động của quân trường để chuẩn bị cho cuộc diễn hành mừng ngày Quân Lực 19.6.1973 tại Sài Gòn.

Vào ban đêm, SVSQ chúng tôi lại phải vào giảng đường để ôn bài cho tới khuya, chuẩn bị cho những kỳ thi sau mỗi thời gian học. Tinh thần học tập của SVSQ cũng khá căng thẳng vì SVSQ nào cũng sợ thi bị rớt, nhất là vào kỳ thi tốt nghiệp. Đối với những SVSQ thi rớt ở giai đoạn 1 (sau 1 năm thụ huấn đầu tiên) thì cũng phải bị đưa ra đơn vị và mang cấp bậc Trung sĩ. SVSQ đó cũng phải chờ 2 năm, cách 1 khóa kế tiếp mới được về học lại từ đầu. Còn đối với SVSQ thi rớt ở kỳ thi tốt nghiệp thuộc giai đoạn 2 thì cũng phải bị đưa ra đơn vị với cấp bậc Chuẩn Uý. Lẽ tất nhiên Chuẩn Uý sẽ không được thăng cấp tự động mà phải chờ đợi khoá thứ 2 kế tiếp mới được trở về học lại 1 năm, rồi thi tốt nghiệp trở lại.

Quan cang Hai Quan o Chut. Biet Dien Bao Dai. Hai Hoc Vien Nha Trang. Ke ben HHVNT huong ra bien la Cau Da, Thuong Cang Nha Trang
Quan cang Hai Quan o Chut. Biet Dien Bao Dai. Hai Hoc Vien Nha Trang. Ke ben HHVNT huong ra bien la Cau Da, Thuong Cang Nha Trang.



THÂN CHIẾN QUỐC, PHẬN LƯU VONG

Bấm vào đây để in ra giấy(Print) Tôi gặp ông lần đầu vào giữa tháng 2 năm 1974. Lúc đó Liên Đoàn 12 BĐQ đang chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ tại vùng cực bắc của tỉnh Quảng Tín. Có lẽ vì mới vào Xuân nên tình hình chiến sự trên toàn lãnh thổ của Quân Đoàn 1 & Quân Khu 1 nói chung và riêng tại vùng hoạt động của Liên Đoàn 12 BĐQ bỗng trở nên khá yên tĩnh. Tháng 2! Trời se lạnh vào sáng sớm, ấm áp khi vào trưa để rồi lại chớm lạnh lúc về chiều. Buổi chiều bình yên mang màu nắng thật hiền hòa trải lên khoảng sân bóng chuyền của căn cứ Hương An, nằm trong quận Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Tín, nơi có trận đấu giao hữu giữa Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ và quân nhân các cấp thuộc Tiểu Đoàn 37 BĐQ- là đơn vị đang làm trừ bị- đóng chung với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn và để bảo vệ cho căn cứ. Trận thư hùng tuy không quyết liệt nhưng rất hào hứng cho dù không có ai trong những người ra sân đã từng là một đấu thủ bóng chuyền. Kết quả sau hai trận đấu là đôi bên huề nhau 1-1 mặc dù bên Liên Đoàn có ông là người nâng và đập bóng cừ khôi nhứt. Nếu không được Đại Đội Trưởng của tôi nói trước, thì tôi không thể biết ông là vị Liên Đoàn Trưởng, là “Cọp đầu đàn” của một lực lượng tổng trừ bị trong toàn lãnh thổ của Quân Khu I. Với khổ người dong dỏng cao, nước da sậm màu, nụ cười thật hồn nhiên mỗi lần đón hụt banh hay đập hư một quả khi lên lưới, cộng thêm giọng nói Sài Gòn chánh hiệu, ông có vẻ như một công chức nghiêm nghị nhưng bình dị và thân thiện. Chiều hôm đó là một ngày khó quên với không khí thoải mái và thân tình của một buổi thể thao để hưởng tạm phút giây yên bình rất hiếm hoi của đời lính trận. Dù lần đầu gặp ông chỉ là những nụ cười và cái bắt tay lịch sự sau cuộc “thư hùng” nhưng cũng đủ để cho một Cọp “nhí” như tôi thấy lời kể về ông trong đơn vị quả không sai: ông từ tốn và đơn giản nhưng cân nhắc trong ngôn từ, thái độ lẫn hành động. Bộ Chỉ Huy/HQ Liên Đoàn 12 BĐQ tại xã Đức Lương, Quận Mộ Đúc (Quảng Ngãi) tháng 4/1974. Từ trái qua phải: Đại úy Hòe (Ban 3), Đại úy Vũ (ban 2), Đại úy BS Nguyễn Trung Tín, Đại úy Châu (Truyền Tin),
Đại tá Trần Kim Đại và Thiếu tá Nguyễn Văn Gio, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 37/LĐ12BĐQ) Tháng 10 năm đó, trước khi nhận sự vụ lệnh về Huấn Khu Thủ Đức học khóa Tiếp Liệu Binh Đoàn, tôi mới gặp lại ông tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12BĐQ/Hành Quân đặt tại Chi Khu Đại Lộc- thuộc tỉnh Quảng Nam. Lần này, vì nhằm lúc trận chiến tại vùng Nông Sơn-Đức Dục đang gay cấn trở lại (lần đầu Liên Đoàn 12 BĐQ cự địch tại đây là cuối tháng 7/1974) và Liên Đoàn cũng khá vất vả trong việc bảo vệ cạnh sườn của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại vùng đồng bằng Hà Nha của quận Đại Lộc, nên tôi và anh bạn cùng đi học khóa Tiếp Liệu Binh Đoàn chỉ vào trình diện ông, nhận vài câu khích lệ là theo xe của vị Y sĩ Trưởng, Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, về hậu cứ ngay trưa hôm đó. Cái “duyên” gặp ông lúc còn trong đơn vị chỉ có hai lần đó mà thôi vì đầu tháng 2/1975, khi tôi trở về đơn vị thì ông đã rời Liên Đoàn để theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp ở Long Bình. Người được Bộ Chỉ Huy BĐQ/Trung Ương điều động từ miền Nam ra thay thế ông là Trung tá Nguyễn Văn An, nguyên là Liên Đoàn Phó/LĐ33BĐQ tại Quân Khu 3. Trung tá An, thay vì trả tôi về TĐ 37BĐQ để làm Chỉ Huy Hậu Cứ, đã đưa tôi ra Ban 4/Hành Quân của Liên Đoàn để phụ giúp cho Đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng ban 4/LĐ, vì một mình anh Quỳnh không thể cáng đáng cả hai nơi: hậu cứ lẫn hành quân (người phụ tá của anh: Đại úy Thông vừa thăng cấp là đi học ngay khóa Bộ Binh Cao Cấp ở Thủ Đức).

Phụ tá Ban 4/Hành Quân cũng có nghĩa là ngoài việc phân phối tiếp liệu phẩm các loại thì còn kiêm nhiệm thêm vai trò làm “xếp” của các quân nhân tại hậu trạm của 3 Tiểu Đoàn trực thuộc. Dù thời gian tôi gánh vác trách nhiệm tại ban 4/LĐ không lâu, nhưng cũng đủ để nghe quân nhân các cấp- ở hậu trạm hành quân cũng như tại hậu cứ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn- kể những gì họ biết về ông. Trong số những người đó, thì ngoài Đại úy Quỳnh, Trưởng ban 4 và những quân nhân trực thuộc, còn có Y sĩ Trưởng là Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, Trung úy Tôn Thất Minh, Quân Tiếp Vụ và Trung úy Huỳnh Long, SQ/CTCT là những vị tôi thường gặp gỡ. Từ những vị huynh trưởng đó, tôi có dịp kiểm chứng lại những gì đã nghe đồng đội các cấp nói về ông lúc tôi còn là một trung đội trưởng ở Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 37BĐQ. Mọi người đều có những nhận định tương tự như nhau về vị Liên Đoàn Trưởng của mình: có tài thao lược, cương nghị và cẩn trọng trong việc điều hành nhân sự và trầm tĩnh khi điều binh lâm trận. Công bằng và thanh liêm đến mức khắc khổ là hai đức tính khác mà tôi đã được nghe người “đệ tử” thân cận của ông- một hạ sĩ quan ban 4/LĐ kể cho nghe và sau đó được chính người thân của ông xác nhận qua những mẩu chuyện về cuộc sống và hoàn cảnh của vợ chồng ông trong thời chiến và lúc ông còn “trả nợ quỷ thần” ở đâu đó bên kia vĩ tuyến 17. Người đó là cháu gọi ông bằng cậu, quen thân với tôi sau cuộc đổi đời và qua một mối duyên văn nghệ. Nhưng mãi đến cuối năm 2004, sau hơn 7 năm tìm kiếm, hỏi thăm, nhắn tin khắp nơi, tôi mới liên lạc được với vài Niên Trưởng trong Liên Đoàn 12 BĐQ thuở xưa và sau đó mới liên lạc được với ông. Có lẽ do phong thái cởi mở, hòa đồng của ông và cũng có thể vì tôi là bạn thân của cháu ông, nên chỉ sau một thời gian ngắn gọi thăm, thì sự liên lạc với ông ngày càng thêm mật thiết. Dù vậy, phải đến tháng 7/ 2014 tôi mới gặp lại ông trong một buổi tối hàn huyên cùng với các niên trưởng và huynh trưởng đã từng phục vụ trong Liên Đoàn 1&12BĐQ. Cho đến lúc gần đây, khi ông và người thứ nữ niềm nỡ đón tiếp chúng tôi tại tư gia trong suốt hai tuần vào dịp gia đình tôi qua Quận Cam mùa hè vừa qua, thì tôi mới có dịp gần gũi hơn và hiểu biết thêm về vị chỉ huy khả kính của Liên Đoàn 1BĐQ (đến năm 1973 thì đổi danh xưng thành Liên Đoàn 12BĐQ). Chỉ khi được hỏi thì ông mới trả lời. Có thắc mắc thì ông mới giải bày cho nghe. Tuyệt nhiên, không bao giờ ông bắt chuyện trước để nói về chính mình hay những sự việc mà ông có liên quan. Do đó, những gì ông tâm tình đều chỉ để nói tới chuyện vui thú điền viên và thời gian phục trong quân ngũ, phần lớn là tại các quân trường ở Thủ Đức, Nha Trang và cả Đà Lạt.

Chí cả bị đóng khung suốt 14 năm trong bốn bức tường thành có lô cốt của các quân trường. Tài thao lược chỉ loay hoay trên các sa bàn trợ huấn của môn Địa Hình khi huấn luyện, nên có thể nói là ông không gặp thời trên bước đường binh nghiệp. Lúc ông vào Lính (Khóa 3 Phụ- Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tháng 9/1953) thì chiến tranh chưa tràn lan. Trong 9 năm “thanh bình” của nền Đệ I Cộng Hòa thì việc thăng cấp cho các quân nhân thường rất chậm chạp. Ông lên Trung úy năm 1954 nhưng mãi tới 1963 mới mang cấp bậc Đại úy. Thêm 3 năm nữa, nhờ vào sự can thiệp và đề nghị của chính các đồng khóa đang tùng sự tại Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu, ông mới rời Thủ Đức để về Lực Lượng Đặc Biệt, bản doanh đặt tại Nha Trang và phục vụ trong đơn vị Mike Force khi thăng cấp Thiếu tá sau đó không lâu. Bằng vào thời gian huấn luyện cỡ... lão làng kể trên (Huấn Luyện Viên các Khóa Địa Hình, Trưởng Phòng Kế Hoạch và Chương Trình khi còn ở Thủ Đức, từ 1957 được cải danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức) ông là quân nhân đầu tiên được nhận Huấn Vụ Bội Tinh (mà ông gọi đùa là “Huy Chương Huấn Nhục”) của QLVNCH. Kể từ năm đó (1966) trở về sau dấu giày của ông lần lượt in trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Từ những lần giải vây cho các trại LLĐB tại Thất Sơn, Katum, Đức Lập, Cồn Tiên, Khe Sanh, v.v. đến lúc làm phụ tá Hành Quân cho Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QK4 (thời của Đại tá Phạm Duy Tất) rồi Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 42 Chiến Thuật (Vùng 4 Chiến Thuật, năm 1970-1972), nơi đâu ông cũng làm tròn bổn phận một cách xuất sắc. Vì vậy, vào tháng 4/1972 khi tướng Ngô Quang Trưởng cấp tốc rời Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4 để thay thế trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I, thì tướng Trưởng- ngoài Ban Tham Mưu thân cận của mình- chỉ đưa vị sĩ quan tác chiến duy nhứt là Trung tá Trần Kim Đại theo ra Đà Nẵng để giao nhiệm vụ làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1BĐQ và góp phần phản công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trung tá Trần Kim Đại đã không phụ lòng kỳ vọng của tướng Trưởng. Liên Đoàn 1BĐQ thật sự khởi sắc sau khi bị “lu mờ” vì cuộc hành quân Lam Sơn 719. Sự thành công trong việc tái chiếm cổ thành Quảng Trị đã có sự góp phần không nhỏ của LĐ1BĐQ sau khi lần lượt tăng phái cho các đại đơn vị Nhảy Dù rồi Thủy Quân Luc Chiến suốt từ tháng 5/1972 đến tháng 9 năm đó.

Ông thăng cấp Đại tá ngay sau trận Quảng Trị và chỉ vài tháng sau, ngay khi Hiệp Định Paris có hiệu lực vào ngày 27/1/1973, thì ông đã cùng Liên Đoàn 1BĐQ có mặt tại Sa Huỳnh (quận Đức Phổ-Quảng Ngãi) để, một lần nữa, khẳng định khả năng điều binh thần tốc và hiệu quả của ông trong việc tái chiếm phần đất ven biển, đồng thời bẻ gãy âm mưu lấn đất, dành dân cũng như chia cắt lãnh thổ của cộng sản ngay ranh giới QKI và QKII tại vùng duyên hải. Mặc dù vai trò chính yếu của LĐ1BĐQ bị bỏ quên trên mặt truyền thông và báo chí, nhưng trong lòng dân chúng Quảng Ngãi và nhứt là trong phần đánh giá của vị tướng Tư Lệnh QĐI & QKI cũng như của chính vị tư lệnh SĐ2BB lúc đó, đã không thể phủ nhận công lao của các chiến sĩ Mũ Nâu tại mặt trận Sa Huỳnh. Qua năm 1974, Liên Đoàn 1BĐQ (lúc đó đã cải danh thành LĐ12BĐQ) còn được thêm hai lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội sau khi cầm chân rồi đẩy lui các đại đơn vị CSBV tại Tiên Phước, Quảng Tín (tháng 5/1974) rồi Nông Sơn-Đức Dục (lần đầu là tháng 7 và lần thứ nhì là vào tháng 10/1974). Quà của ông để lại cho Quân Sử của Quân Đoàn I và Quân Khu I (cũng như của Binh chủng Biệt Động Quân) trước khi về Sài Gòn theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp (như đã nói trên) là một quận Đức Dục còn nguyên vẹn và khu Kỹ Nghệ An Hòa (đã đổ nát và hoang phế từ 1965) vững vàng như một thành trì sau khi đã quyết liệt cự địch dù với quân số chỉ bằng 1/3 so với CSBV trong suốt 4 tháng trường và sau những đợt xa luân chiến của địch quân.

Đời binh nghiệp của ông - và của toàn thể quân nhân QLVNCH- chấm dứt khi toàn miền Nam Việt Nam rơi vào tay Hà Nội. Những gì xảy ra sau đó là hệ lụy tất yếu của một định phận oan nghiệt. Nhưng cảnh khổ sai chung thân trong cái gọi là “trại cải tạo” đã không làm ông nhụt chí và hạnh phúc nội tại chính là được cùng các đồng liêu và đồng cảnh chia nhau phần khốn khó khi bị kẻ thắng cuộc đọa đày về cả thể xác lẫn tinh thần. Một trong những niềm vui và cũng là liều thuốc mang lại hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng cũng đủ ấm lòng đó, là nguồn tin nhận được từ một bạn tù. Vị sĩ quan này làm ở phòng Tổng Quản Trị của Quân Đoàn I & Quân Khu I nên đã thấy Quyết Định bổ nhiệm ông vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QĐI & QKI, một chức vụ tuy nặng về hành chánh và tham mưu nhưng lại là nấc thang tất yếu trên đà thăng tiến của một sĩ quan cao cấp trong binh chủng Biệt Động Quân. Rất tiếc là sự đề bạt của tướng Trưởng đã đến quá trễ, bằng không thì chỉ sau một thời gian ngắn nữa thôi, QLVNCH sẽ có thêm một vị tướng mẫn cán và hết lòng vì Quân Đội và Tổ Quốc.

 

Người lão niên ở quận Cam- California (Ảnh chụp tháng 6/2017) Rồi cũng qua những chuỗi ngày đen tối trong ngục tù bao la của chế độ cộng sản. Sau hơn 12 năm “trả nợ quỷ thần” và thêm vài năm chờ đợi, thì ông và gia đình được qua Mỹ năm 1992 theo diện HO13. Đây vốn là một hình thức chuộc tội của chính phủ Mỹ với người quân nhân QLVNCH sau khi đã bán đứng đồng minh nhỏ bé của mình cho khối cộng sản Âu-Á. Ngày nay, mặc dù tuổi cao, nhưng sức khỏe thì rất khả quan nhờ ông thường xuyên tập thể dục và giữ vững tinh thần trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào: trong lúc còn là một quân nhân và ngay cả khị bị đày đọa trong lao tù cộng sản. Hình ảnh của một quân nhân trong thời chiến đã không còn. Sau 43 năm, không ai nhận ra tính cách võ biền ở nơi ông. Thay vào đó là hình ảnh của một lão niên bình dị trong mọi sinh hoạt đời thường tại nơi xứ lạ quê người: vui vầy với con, cháu và nếu không du lịch đó đây, hay theo các phó nhòm đi săn ảnh nghệ thuật thì ông luôn tất bật với những sở thích có thể nói là rất phù hợp với biệt danh mà người dân vùng châu thổ và đồng đội các cấp đặt cho lúc ông còn là Liên Đoàn Trưởng LĐ 42 Chiến Thuật: “Ông Năm Ruộng”- khi sáng, chiều mải mê chăm sóc cho mảnh vườn với khá nhiều rau quả và cây trái không khác gì một khu vườn nơi quê nhà Vĩnh Long của ông.

Người quân nhân của thời binh lửa đã không còn. Thay vào đó là hình ảnh của một người dân bình thường đang sinh sống tại Quận Cam, California: “thủ đô của người Việt quốc gia lưu vong” trên đất Hoa Kỳ. Tại phòng tập thể dục gần nhà, người ta chỉ biết ông là một lão niên mỗi ngày hai tiếng hoạt động cho cơ thể được khỏe khoắn. Trong tâm tư của người đã từng chỉ huy những đơn vị thiện chiến của QLVNCH- từ Chỉ huy trưởng toán B22 gồm 6 Đại Đội Biệt Kích Quân tức 2 tiểu đoàn Mike Force) đến liên đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng vùng IV rồi một liên đoàn BĐQ Tiếp Ứng/Tổng Trừ Bị cho Quân Đoàn I- thì những gì ông đã làm đều là vì bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân chân chính. Ông khiêm nhường không nhận bất cứ lời khen tặng hay thành quả nào cho riêng mình, nhưng trong thâm tâm, ông luôn tự hào về khoảng thời gian ông chỉ huy hai tiểu đoàn Mike Force, bản doanh đặt tại Nha Trang-Khánh Hòa (1966-1970). Có thể nói đây là đơn vị “tổng trừ bị” của Lực Lượng Đặc Biệt/VN vì mỗi khi có tin một trại biên phòng nào đó (của Dân Sự Chiến Đấu, từ Bến Hải tới tận cùng châu thổ sông Cửu Long) bị địch tấn công hay cô lập thì đơn vị của ông được trực thăng vận tới giải vây ngay lập tức. Đây cũng là một đơn vị khá đặc biệt vì mỗi tiểu đoàn của ông tuy chỉ có 3 Đại Đội nhưng mỗi đại đội đều có tới 200 tay súng! Đặc biệt hơn nữa là 6 đại đội này bao gồm 6 sắc dân khác nhau: Rha-đê, K’Ho (Cơ-Ho), Sê-đăng, Chàm, Nùng và Kinh. Việc điều động đơn vị thì phải cần tới thông dịch viên nhưng liên lạc nội bộ trong từng đại đội thì... mạnh ai nấy nói tiếng sắc tộc của mình! Công việc chỉ huy tưởng như rất khó khăn nhưng lại vô cùng suông sẻ và có hiệu quả cao là nhờ khả năng lãnh đạo của ông, nhưng thành tích đạt được phần lớn là nhờ vào tinh thần phục vụ, kỷ luật nghiêm minh và khả năng chiến đấu thật dũng cảm của cả đơn vị. Có thể nói những tiểu đoàn Mike Force của B22 này đã góp phần tạo nên truyền thống và danh tiếng lẫy lừng của Lực Lượng Đặc Biệt nói chung và nói riêng là của những đơn vị thoát thai từ binh chủng này như Biệt Kích Dù, Biệt Kích 81... về sau này. Nhắc tới cuộc chiến đã qua và về những thành tích của mình, ông chỉ mỉm cười rồi thở dài:

-”... Là công sức của toàn thể quân nhân các cấp trong đơn vị đó thôi!... Mình đã tận nhân lực. Như vậy cũng đủ để gọi là góp chút gì đó cho đất nước...”

Nói về ông, Trung tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ12BĐQ cho biết như sau:

“Ông rất mực thanh liêm, hết lòng cho đơn vị và là người chỉ huy tài đức nhất mà tôi đã từng phục vụ qua suốt mấy trào Liên Đoàn Trưởng!”

Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, Y sĩ Trưởng của Liên Đoàn 12 BĐQ cũng nhận thấy:

“... Về mặt y tế, ông rất thương lính và luôn quan tâm đến thương binh. Ông kín đáo theo dõi và giải quyết những khó khăn của Quân Y tại chiến trường, như ra lệnh cho tôi thành lập một bệnh xá dã chiến với một số giường ngay tại mặt trận. Mặt khác, ông cũng cho xây một nhà Hộ Sinh để phục vụ cho gia đình Binh sĩ trong trại gia binh tại thôn Phú Lộc ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Đây là những thành quả mà tôi rất mãn nguyện trong suốt 5 năm ở với LĐ12BĐQ dù rằng đã có tên đi về Vĩnh Long trong miền nam để làm y sĩ trưởng một Dân Quân Y viện, lúc đó có thể làm phòng mạch để kiếm tiền...”

Riêng Đại úy Trần Văn Vương, ĐĐT/ĐĐ3/TĐ37BĐQ thì cụ thể hơn khi cho rằng:

“... Ông xứng đáng là một vị lãnh đạo ngoài chiến trận, ở ông có cả tài lẫn đức: một tấm gương cho thuộc cấp. Liêm khiết như Trung tướng Ngô Quang Trưởng, với chiến thuật và thị sát ngay dưới làn mưa đạn... Một nét son!.”
Phong Châu và tác giả.
Ảnh chụp ngày 02/07/2017

 

Trong quân sử hào hùng, ông là một Đại tá như hàng trăm Đại tá khác của Quân Lực VNCH, nhưng trong lòng người Lính của đơn vị sau cùng là Liên Đoànn 1 BĐQ (trước 1973) tức Liên Đoàn 12 BĐQ sau này, ông vẫn là Đại tá Trần Kim Đại, là Phong Châu: mãnh hổ đầu đàn của chúng tôi thuở xưa! HUY VĂN (HVC)



Bộ Chỉ Huy/HQ Liên Đoàn 12BĐQ tại xã Đức Lương, Quận Mộ Đúc (Quảng Ngãi) tháng 4/1974. Từ trái qua phải: Đại úy Hòe (Ban 3), Đại úy Vũ (ban 2), Đại úy BS Nguyễn Trung Tín, Đại úy Châu (Truyền Tin), Đại tá Trần Kim Đại và Thiếu tá Nguyễn Văn Gio, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 37/LĐ12BĐQ)

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...