Trong dịp nầy Đốc Thỉnh và Tư Minh, nhỏ hơn Thỉnh hơn một con giáp song là bạn vong niên gần gũi mến mộ nhau.
Tư Minh còn tục danh Minh ruồi do có nốt ruồi dưới càm. Một thể hình đề đạm, săn gân bắp; phong thái linh hoạt trí lự với vầng trán vuông và rộng với đôi mắt hiền và sáng. Làm việc ở Tòa Bố, nhưng Tư Minh chán ngán nghề công chức trẻ, đam mê hoạt động thể thao, tham gia câu lạc bộ bơi thuyền (Périssoire), do chánh án tòa án tỉnh thành lập. Do đó Tư Minh kết thân với Huỳnh Kỳ Thanh, cán bộ “bí mật”, lớn hơn Tư Minh nhiều tuổi, trước làm ở hãng phim Đông Dương (Indochine Film).
Để chuẩn bị thi đấu với Vĩnh Long, hai anh em thường đi tập bơi với chiếc thuyền hai chỗ ngồi trên sông Bến Tre ra vàm sông Hàm Luông.
Tin cậy nhau, Hai Thanh cho Tư Minh mượn cuốn “Tìm hiểu Chủ nghĩa Cộng Sản” bằng tiếng Pháp của tác giả Politzer. Cùng với vài nguồn tìm hiểu khác về Đảng Cộng Sản, Tư Minh tâm tình bộc bạch những điều bí mật với Đốc Thỉnh:
– Anh Tư có biết Nguyễn Ái Quốc là ai chưa?
– Làm sao mà biết được?
– Là lãnh tụ Đông Dương Cộng Sản Đảng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ảnh Người.
– Chuyện quốc cấm! Ảnh ở đâu có chú cho mình coi với?
– Coi lén! Hôm phiên trực chủ nhật, tôi mở tủ tài liệu mật, gặp ba cuốn sách tiếng Pháp của Sở mật thám; tài liệu về Đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc Dân đảng và các đảng phái chánh trị khác. Tôi đọc tài liệu và coi ảnh Nguyễn Ái Quốc trong đó rồi cất lại chỗ cũ. Đây là một chính Đảng đấu tranh cho dân tộc, cho giai cấp cần lao. Anh sao, chớ tôi mong gặp Đảng quá!
Lòng mừng thầm, Thỉnh nghĩ Tư Minh dám nói với mình điều đó tất có thể có cơ sở để bắt liên lạc hoạt động cách mạng, ướm hẹn:
– Nếu chừng nào gặp Đảng, chú cho tôi hay với!
– Anh Tư còn phải dặn!
Thư ký Tòa Bố, Tư Minh có nhiệm vụ thống kê, nhận thấy nền giáo dục của tỉnh Bến Tre phát triển khá nhanh, anh thầm trọng nể công lao đầy trách nhiệm của đốc học Ca Văn Thỉnh và cô giáo Lê Thị Tài…
Qua Tư Minh, dẫn chứng vài con số:
Cả tỉnh gồm 92 làng, có 104 trường sơ cấp công lập, phân bổ làng nào cũng có trường, từ một đến hai, ba lớp.
Như trường Chợ Xép - Tân Thành Bình có đến năm lớp (từ Enfantin đến Supérieur).
Ngoài ra còn 11 trường tiểu học và ba trường dạy nghề tại thị xã, có lớp dạy nữ công gia chánh. Môn nầy có công lao của cô giáo Lê Thị Tài.
Về tư thục có 41 trường của các tôn giáo, năm trường của Hoa kiều, hai trường trung học và 92 lớp truyền bá Quốc ngữ. Cả công lập và tư thục gồm 165 trường lớn nhỏ.
Vì vậy thầy cô giáo rất đông, tinh thần yêu nước rất cao; nơi nào cũng có tổ chức Thanh niên học đường. (Nhờ cơ sở, môi trường thuận lợi nầy, về sau,
Đốc Thỉnh và Tư Minh hoạt động phong trào Thanh niên Tiền phong sôi nổi…).
Ngoài những thống kê về con số, Tư Minh còn cảm nhận Đốc Thỉnh lấy Đức dạy học trò, khéo lồng vào bài giảng những câu chuyện về truyền thống yêu nước, về những tấm gương các vị hiền thần tiền bối trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh…. Đó là tính cách, cũng như “giáo đức” được kế thừa từ người thầy đầu tiên là Võ Văn Thơm. Cho đến việc giáo dục con cháu trong gia đình, Đốc Thỉnh cũng lấy Đức làm trọng. Ông là người cha rất nghiêm, không hề đánh con, chỉ trừng mắt thôi là các con đủ sợ. Hồi nầy ông bà đã sinh được năm con: Ca Lê, Ca Lê Du (gái), Ca Lê Thuần (trai), Ca Lê Hồng (gái), Ca Lê Hiến (trai mới mấy tháng tuổi).
Cho đến khi trưởng thành, các con hằng ghi lòng tạc dạ những câu mà Ca Lê Thuần khái quát đặc sắc về cha mình:
“Dù làm gì làm, dù tài gì tài, phải lấy đạo đức làm gốc.Cái ĐỨC còn là nhân cách sống; phải có trên có dưới, có trước có sau. Anh chị em, vợ chồng phải đoàn kết yêu thương nhau. Cố gắng giữ sao đừng để họ CA mình bị mang điều tiếng. Dù đi đâu, dù chọn nghề gì, các con tự do phát triển, nhưng phải giữ truyền thống Nam Bộ, truyền thống quê hương Bến Tre mình. Làm sao nêu được đặc trưng của một vùng đất mới của cả nước; hay nói cách khác là cái Hào khí Đồng Nai - mà bấy giờ người ta ít biết đến, trái lại còn xuyên tạc gọi “Nam - Kỳ - Quốc!” theo mưu đồ chia để trị của thực dân Pháp.”…
Quan hệ tình bạn vong niên với Tư Minh, tạo môi trường thuận lợi cho Đốc Thỉnh tiếp cận với chủ thuyết cộng sản
qua tài liệu và sách; bắt liên lạc với cán bộ bí mật của Đảng; kiến thức được nâng lên, lý tưởng cách mạng được củng cố.
Sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời, tỉnh đến các huyện và một số xã có tổ chức Chi bộ Đảng, trong đó có xã Tân Thành Bình, Thỉnh mừng lắm, báo với Kim rằng sẽ có cơ hội gần Đảng.
Nhớ lại thầy giáo Võ Văn Thơm từng nêu cao truyền thống yêu nước chống Pháp của xã Tân Thành Bình; bản thân thầy đã sớm tham gia cách mạng. Được sự khuyến khích của thầy, các học trò cũ như Ngô Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Diệp, cũng như con gái thầy là Võ Thị Vân đã gia nhập Đảng Cộng Sản. Nguyễn Văn Diệp là chắt ngoại của nghĩa quân Trần Văn Đinh, dân quen gọi là Hương Đinh.
Nhân một vài lần về thăm trường Chợ Xép, Đốc Thỉnh đến hầu chuyện ông Hương Đinh, tuổi đã gần chín mươi, râu tóc bạc trắng mà vẫn còn khỏe mạnh…
Đảng lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ một số điểm thành công, nhưng toàn cục diễn ra thất bại. Giặc Pháp ném bom cù lao Năm Thôn và Chợ Giữa - Vĩnh Kim. Chú ruột của Lê Thị Tài là Lê Văn Của tham gia khởi nghĩa ở đây, bị giặc Pháp bắt tra tấn đến chết. Chứng kiến cảnh bắt bớ, tù đày, sát hại dã man, gây ấn tượng mạnh đối với Thỉnh và Tư Minh. Lòng tha thiết muốn gặp Đảng càng thôi thúc. Kịp thời (1941) Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt Việt Minh ra đời; hai anh em tìm tổ chức, gia nhập hoạt động phong trào Thanh Niên Tiền phong…
☛ Vào cuối 1944, Bến Tre đã thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm đại biểu các quận do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư.
☛ Đến đầu 1945 tại thị xã lại thành lập một Tỉnh ủy lâm thời nữa, do Đỗ Văn Khuyến từ nhà tù Bà Rá trở về làm Bí thư.
☛ Tháng 4 - 1945, hai Tỉnh ủy lâm thời được hợp nhứt do Nguyễn Tẩu làm Bí thư.
Bến Tre chịu ảnh hưởng mật thiết từ Sài Gòn qua các phong trào sinh viên yêu nước, hiểu biết nhau cùng thời hoạt động ở các trường:
Pétrus Ký, Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh và cả trường nữ Áo Tím…
Tư Minh trẻ trai, dân thể thao giỏi đạp xe thường xuyên lên Sài Gòn bắt liên lạc, về báo tình hình: Sinh viên Sài Gòn bấy giờ dấy lên với các hình thức: lập đoàn ca hát, đoàn cắm trại và các câu lạc bộ… Hiệu quả hoạt động sôi nổi.
Xứ ủy công nhận tổ chức Thanh Niên Tiền Phong nằm trong Mặt trận Việt Minh, cử ra một Đảng đoàn phụ trách, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Bí thư, Huỳnh Văn Tiểng và Nguyễn Văn Thủ làm Ủy viên.
Thanh Niên Tiền Phong chính thức ra đời vào tháng 5 năm 1945; với một Hội đồng quản trị gồm có các Ban chuyên môn, liên danh những trí thức tên tuổi như:
nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,
nhạc sĩ Trần Văn Khê,
dược sĩ Trần Kim Quang,
kỹ sư Kha Vạn Cân,
họa sĩ Hồ Văn Lái,
kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát…
Chủ tịch Hội đồng là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Đoàn kỳ là cờ vàng, sao đỏ.
Đoàn ca là bài Lên Đàng của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng. Đồng phục: quần sort xanh, áo sơ-mi trắng cụt tay, dép cao su quai chéo, mũ bàng rộng vành.
Vũ trang: dao găm và cuộn dây thừng mang thắt lưng.
(Về sau, khi chuẩn bị khởi nghĩa mới trang bị tầm vông vạt nhọn).
Trụ sở đặt tại số 14 đường Charner (nay là Nguyễn Huệ). Trung tâm huấn luyện lấy cơ sở của Jeunes Campeur ở đường Pellerin.
Thanh niên Tiền phong Bến Tre ngấm ngầm hoạt động theo hình mẫu Sài Gòn. Có mấy lần Hai Thanh và Võ Tấn Nhứt (là Tỉnh ủy viên), trong tổ chuyên trách công tác Thanh niên Tiền phong cùng Tư Minh vầy đoàn xe đạp lên Sài Gòn gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong Miền Nam, phản ảnh các mặt tình hình chánh quyền, thái độ quân Nhật, kết quả vận động tập hợp các đoàn thể quần chúng và xin ý kiến cho ra đời lực lượng Thanh niên Tiền phong tỉnh Bến Tre. Sau đó Tư Minh được kết nạp đảng viên Đảng Cộng Sản do Hai Thanh và Hai Nhứt giới thiệu. Tư Minh không quên lời hứa với Đốc Thỉnh, gợi ý với Hai Thanh, được trả lời rồi sẽ tiếp xúc đối tượng phát triển.
Đến tháng 6 -1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng kỹ sư Kha Vạn Cân xuống Bến Tre, liên lạc với lãnh đạo Tỉnh ủy, hợp nhất tổ chức Thanh niên Tiền phong và đề cử Đốc học Ca Văn Thỉnh làm Thủ lĩnh. Trong nội ô thị xã tổ chức nhiều “Cụm”… dưới sự chỉ huy của Tráng trưởng. Tư Minh làm Tráng trưởng, cùng với các Tráng trưởng khác lãnh đạo các cụm trong nội ô thị xã. Nhiệm vụ cấp thời là phát động cuộc mết tinh ra mắt Thanh niên Tiền phong.
Buổi mết tinh diễn ra tại sân vận động của thị xã, đông nghẹt hằng ngàn người. Trên hàng ghế Chủ tịch đoàn có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạn Cân cùng cán bộ tỉnh là Tiến sĩ Phạm Văn Bạch, Võ Tấn Nhứt, Nguyễn Văn Cái… Tư Minh được Thủ lĩnh Ca Văn Thỉnh phân công thay mặt lực lượng lên phát biểu. Trước đám đông ngợp người, Tư Minh run quá, nhưng nói một hồi bắt trớn giọng rất hùng hồn và lời lẽ có phần bồng bột.
Cùng với Sài Gòn, ngày 25 tháng 8 năm 1945, Thanh niên Tiền phong Bến Tre đã phối hợp các lực lượng cách mạng Mặt trận Việt Minh nổi dậy cướp chánh quyền trong toàn tỉnh.
Tiến sĩ Luật - Cử nhân văn học Phạm Văn Bạch, nguyên Chánh án Tòa án tỉnh Bến Tre được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Cái, Phó chủ tịch; Ca Văn Thỉnh ủy viên… Tư Minh làm Tổng thư ký, nhưng anh xin được tiếp tục công tác thanh niên.
Ngày 26 - 8 - 1945 Ủy ban Nhân dân tỉnh - chánh quyền cách mạng đầu tiên ra mắt đồng bào.
Ca Văn Thỉnh - Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm thủ lĩnh Thanh Niên Tiền Phong cùng với Tráng trưởng Tư Minh chỉ huy lực lượng Thanh niên Tiền phong thị xã bung ra mạnh mẽ, đảm nhận canh gác, giữ gìn an ninh trật tự; thay thế cảnh sát cũ biến mất trong lúc quân Nhật co cụm nơi trú đóng. Huy hiệu Thanh niên Tiền phong:
vòng tròn vàng - sao đỏ được phóng đại treo lên đầu nhà lồng chợ Bến Tre.
_____________________________________
[1]
Phạm Văn Bách sinh 1910, quê Trà Vinh, du học Pháp, đậu tiến sĩ luật và cử nhân văn học; hoạt động trong đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp, ủng hộ Cách mạng tháng 10 Nga; Chủ tịch tỉnh Bến Tre đến 10.1945 là Chủ
tịch UBHC miền nam đầu tiên.
[2] Tư Minh, sau tên Mười Phi rồi Thăng Long, qua nhiều chức vụ:
- Tráng trưởng Thanh Niên Tiền Phong,
- Phó Giám Đốc trường Quân Chính Đồ Chiểu,
- Cán bộ UBKC/HC tỉnh.
Tư Minh cùng Ca Văn Thỉnh vượt biển ra Bắc. Tư Minh ốm nặng nằm lại dọc đường.
[3] Hòa Bình là Thứ Trưởng Bộ Ngoại Thương…
No comments:
Post a Comment