Tuesday, March 19, 2019

Con Mén



Con Mén




Tác giả: Tiểu Tử
Người đọc: Cẩm Thu
https://archive.org/embed/con-men-tieu-tu




Nguồn: https://www.youtube.com/embed/2QEJuJFzElA

***

Con Mén

 

         Trong khai sanh nó tên là Loan. Ở nhà gọi nó là con Mén, vì hồi sanh nó ra nó chỉ cân được có hai kí lô tư. Bà nội nó bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười văng cốt trầu:

– "Đu họ nó! Thứ gì mà như con chí mén!"

Từ đó, gọi nó là con Mén luôn.

         Nó bú sữa mẹ, nhưng vì nhà nghèo nên má nó không đủ sữa, dặm thêm cho nó bằng nước cháo, cho nên nó không mụ mẫm như phần đông các trẻ nít khác. Nó cứ đèo đèo, lớn chậm và ốm tong ốm teo.

         Bà nội nó cưng nó lắm. Bởi vì ba má nó chỉ sanh có con trai, một dọc ba đứa, phá phách đánh lộn tối ngày. Bà nội nó thèm có một đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo hơn. Bà thường nói:

– "Có đứa cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ trầu".

Một ước mơ rất tầm thường nói lên nét bình dị mộc mạc của tâm hồn các bà mẹ quê. Giống như mái nhà tranh chỉ cần có bụi chuối sau hè, có ao bèo trước ngõ… Giống như con rạch nhỏ, chỉ cần đều đặn có nước lớn nước ròng…

         Con Mén có thân hình óm o xấu xí nhưng lại có đôi mắt sáng, linh động, với cái miệng nhỏ chu-chu cũng dễ thương. Bà nội nó nói:

– "Cái ngữ này lớn lên rồi phải biết. Nó hỗn dàng trời!".

Nói như vậy chớ bà ưa nhìn nó ngủ sau khi bú, nhả vú ra rồi mà miệng vẫn còn nút nút.

         Quê con Mén ở miệt Hậu giang một làng nhỏ nằm xa tỉnh lỵ, xẻ đôi bởi một con kinh đào. Vùng này chưa có đường xe chạy, nhưng có nhiều sông rạch nên thiên hạ đi lại bằng ghe to xuồng nhỏ. Hoặc đi bộ dọc theo bờ nước hay băng ngang đồng vào mùa ruộng khô. Xa xa, có những chiếc cầu gỗ bắc ngang kinh rạch, nối xóm này qua xóm nọ. Cầu gỗ cao lêu-nghêu, chân dài cắm sâu vào lòng nước như sợ nước lên làm ướt thân cầu. Người ta qua lại không cần lan can.

         Xóm con Mén tên là xóm Cầu Ngang, một cái tên nghe rất thật thà, làm như trên đời này còn có những cái cầu dọc vậy ! Xóm nhỏ đó cũng có chợ nhà lồng lợp tôn đơn-sơ. Vây quanh chợ là quán cà phê, tiệm chạp-phô, tạp hóa, hàng vải… và một tiệm sách, gọi là tiệm sách nhưng chỉ chuyên cho thuê tiểu thuyết, truyện tàu.

         Con Mén sanh ra ở đó. Khi nó biết đi biết chạy, bà nội nó lúc nào cũng kè một bên, sợ nó té sông. Vậy mà chẳng mấy lâu sau, nó biết lội hồi nào bà nó cũng không hay, nó học lội với ai bà nó cũng không biết. Mãi đến một hôm, trời nóng bức, con Mén nhảy ùm xuống kinh làm bà nội nó la làng chói-lói. Đến khi nhìn lại thấy nó lội như rái, bà mừng chảy nước mắt. Lòng bà vui lắm nhưng bà cũng chưởi đổng : "Mồ tổ cha mày !". Từ đó, con Mén đi đâu một mình bà cũng yên tâm. Bà nói : "Nó giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ".

         Lớn lên một chút, con Mén lúc nào cũng ở trần, đi chân đất, chỉ mặc có cái quần xà-lỏn ka ki. Nó vẫn ốm tong ốm teo, nhưng không thấy nó bịnh bao giờ. Nó chơi với lũ trẻ hàng xóm, chơi trò con trai như con trai. Vậy mà bà nội nó vẫn ưa nó hơn là ba thằng anh của nó, bởi vì đêm nào nó cũng chui vào ngủ với bà. Bà thích vuốt tóc cho nó ngủ và thích nghe mùi thơm hơi thở của con Mén, như ngày xưa, hồi còn trẻ, bà thích nghe mùi thơm của lúa chín, gió ruộng đưa thoang thoảng vào nhà về đêm…  

         Má con Mén mua đầu chợ bán cuối chợ. Kiếm đủ nuôi mấy miệng ăn. Nghèo nhưng không đói. Ba nó trốn lính một dạo, nhưng rồi cũng bị bắt. Đi quân dịch, làm binh nhì, rồi đi luôn không biết chừng nào giải-ngũ!

         Ba nó đóng ở đâu miệt Sài-Gòn. Lâu lâu về phép, ở nhà được vài hôm. Những hôm  đó, con Mén khoái lắm, bởi vì ba nó cũng cưng nó như bà nội nó vậy. Sáng nào, ba nó cũng cõng nó ra tiệm cà-phê. Nó ngồi trên ghế đẩu cạnh ba nó, đôi mắt chỉ cao hơn mặt bàn một chút. Người lớn hay vò đầu nó, làm rối bồng mái tóc bom-bê. Lúc nào nó cũng được ba nó gọi riêng cho một tách sữa nhỏ. Sợ sữa nóng, ba nó thường sớt ra dĩa cho mau nguội. Nó kê miệng vào thành dĩa, hớp từng hớp nhỏ. Hai bên mép, sữa đóng thành hai đường trắng hếu, nhưng mắt nó ngời lên sung sướng. Những lúc đó, con Mén đong đưa hai chân như người ta đuổi ruồi…

         Rồi một hôm, Việt Cộng về xóm Cầu Ngang, bắn phá tơi bời suốt một đêm, sáng bữa sau rút đi mất. Thiên hạ bắt đầu bàn tán. Trời vừa sụp tối đã đóng cửa cài then. Đêm đêm nằm ngủ phập phồng. Sáng ra nhìn nhau lơ-láo. Nét thanh bình xóm nhỏ làng quê mất dạng lần lần. Người ta bắt đầu tản cư…    

         Ba nó về, đưa mẹ con nó lên Sài-Gòn. Bà nội nó ở lại. Bà nói:

– "Tao già rồi, đi đâu chi? Tụi bây lo cho sắp nhỏ đi, đừng lo cho tao".

Bà nói cứng như vậy chớ lòng bà đau như dao cắt. Bà biết : bầy vịt nhỏ và mấy gốc mận gốc xoài không giúp được bà thường xuyên lên thăm bầy cháu. Nhứt là con Mén, rứt nó đi y như là cắt đi một núm ruột của bà. Hôm đó, bà nội con Mén ăn trầu nhiều hơn mọi ngày, hết miếng này là têm ngay miếng nọ, mắt nhìn mãi bờ kinh, không nói. Đến khi đưa bầy cháu xuống ghe, bà ôm con Mén vào lòng, hôn nó mà bà khóc ngất. Bà dúi vào tay nó tờ giấy năm chục đồng xếp nhỏ, nói trong nước mắt : "Nội cho con lên trển mua bánh ăn". Nó nghe nồng lên mùi cốt trầu, mùi bà nội nó, cái mùi mà nó đã quen thở đêm đêm khi gối đầu lên tay bà để đi vào giấc ngủ. Nó ôm bà mà khóc như mưa…

         Ghe đã đi xa, ghe máy nên đi nhanh hơn ghe chèo. Bà nội con Mén còn đứng ở bờ kinh, mắt rõi theo ghe mà nghe như người bà bị tê dại. Kinh đào dài tun hút. Ghe đã mất dạng từ lâu mà bà vẫn nhìn mãi về phía đầu kinh. Tuốt ở đầu kinh - xa lắm  - có một lằn dài gạch ngang, người ta gọi là chân trời…

 

--oOo--

 

         Ba con Mén hốt hụi vay nợ mua một căn nhà nhỏ vách ván lợp tôn ở xóm Bộng, bên kia sông Khánh Hội. Gọi là xóm Bộng bởi vì ở đó có cái ống cống thật to để nước ruộng vào ra khi nước lớn nước ròng. Dân nghèo tứ xứ tản cư về đây, ngày một nhiều, nhà nho nhỏ cất dọc cất ngang, mọc lên như nấm. Cứ có chỗ trống là cất chen vào. Ngoài mặt lộ hết đất, họ cất tràn ra ruộng. Nhà này tựa vào nhà kia như sợ ngã, sát nhau đến độ không còn chỗ để làm đường đi ! Muốn vào xóm, có đoạn đi trên bờ đê – gọi là đê nhưng là bờ ruộng cũ bây giờ người ta bồi rộng ra thêm một chút – có đoạn đi trên mấy tấm ván gập gềnh bắc ngang đường nước, có đoạn phải bước hẳn vào nhà người ta để đi qua. Nhà lụp-xụp thấp lè-tè nên cứ phải cúi lom-khom, có khi bước cạnh vợ chồng người ta đang nằm ngủ trong nhà, dưới đất !

         Mái nhà con Mén thuộc vào hạng cũng khá cao trong xóm. Ba nó phải đưa tay thẳng lên mới đụng. Nhà nó được lót gạch bông phần nền đất, còn nửa phần sau là đóng cừ lót ván. Ông chủ cũ nói với ba con Mén : "Làm tới đó tôi hết tiền. Thôi thì tạm một khúc nhà sàn, chừng nào cậu muốn, cậu đắp nền thêm". Rồi ông đứng trên sàn nhún-nhún : "Ván còn tốt, còn chịu được năm ba mùa lận". Năm ba mùa đây có nghĩa là năm ba mùa nước ngập. Những hôm mưa nhiều, nước không chảy kịp ra sông, nước lên lé-đé mặt sàn. Có nơi nước tràn vào nhà, ngập mấy hôm mới rút. Những hôm đó, người ta treo hết đồ lên nóc, treo vài cái võng để ngủ tòn ten giữa vời…

         Nhà con Mén không có đồ đạc gì nhiều : một vài cái rương chất trong một góc, một cái tủ nhỏ kê sát vào vách, quần áo máng trên mấy cây đinh đóng trên vách đối diện, bếp dầu hôi sóng chén dồn vào một góc phía sau. Cái gì cũng tấn vào vách vào góc để chừa khoảng trống giữa nhà dùng làm chỗ ăn chỗ ngủ. Phía sau nhà là sàn nước lộ thiên. Nước chứa trong hai thùng phi nhà binh màu cứt ngựa mà ba con Mén xin từ đơn vị đem về. Tắm rửa giặt giũ ở đó, và về đêm, phóng uế cũng ở đó luôn.

         Khu này không có điện nước. Cho nên nhà nào cũng có vài cây đèn dầu hôi và đôi ba thùng phi. Mỗi ngày, có xe xi-tẹt đến bán nước- người ta gọi là "đổi nước" – Họ kéo ống cao-su nhỏ bằng cườm tay, chắp nối thật nhiều khúc mới đủ dài để vào sâu trong xóm. Tiếng máy bơm của họ kêu thật lớn, xành xạch xành xạch điếc tai. Nhưng cũng nhờ nó mà người trong xóm biết là xi-tẹt nước đến rồi ! Xi-tẹt nước chỉ  "làm ăn" trong mùa nắng thôi…

         Về đây, con Mén ngủ với ba nó, ngủ trên võng. Má nó và ba thằng con trai ngủ dưới gạch. Đêm đầu, con Mén không chịu ngủ, cứ đòi về bà nội. Nó ngồi bẹp dưới đất, khóc ư-ử. Lâu lâu gọi một cách thảm não : "Bà nội ơi !" Tiếng "ơi" của nó kéo dài ra, làm má nó cũng nhớ nhà nhớ đất, nước mắt chảy quanh. Ba nó thổi tắt đèn, vói tay ôm nó vào lòng, nằm trên võng đong đưa dỗ : "Nín đi con, nín. Ngủ với ba cũng giống như ngủ với bà nội chớ gì. Rồi mai mốt bà nội con lên ở với con nghen". Tiếng "nghen" bỗng nghẹn ngang nơi cổ, ba nó kềm lắm mới khỏi phải nấc lên. Tuy nhiên, trong bóng đêm, nước mắt cũng âm thầm chảy dài trên má…

 

--oOo--

 

         Mỗi ngày, ba con Mén đi làm trong đơn vị, sáng đi chiều về, đi bằng xe buýt. Má nó chưa quen nước quen cái nên ở nhà vá áo nấu cơm. Anh em tụi nó lân la làm quen lũ nhỏ trong xóm. Dù ở giữa lòng thành phố, trò chơi của tụi nó vẫn mộc-mạc thô-sơ như thuở còn dưới ruộng : bắn bi, búng dây thun, lấy nút khoén làm mề-đai hay in cát giả làm bánh.

         Ít lâu sau, má con Mén được người hàng xóm giới thiệu vào làm phu trong nhà máy ve chai bên kia sông. Mới đầu còn bỡ ngỡ, làm sai làm trật. Chiều nào về, má nó cũng buồn thiu, ra ngồi trên sàn nước, nhìn khoảng trời mở ngỏ trên cao, lâu lâu thở dài. Nhưng lần hồi má nó cũng quen tay, thêm tánh siêng-năng cần-cù, nên mấy thầy giám thị cũng thương tình nâng đỡ. Nhờ vậy má nó mới vững lòng tin ở ngày mai. Ngày mai, đối với ba má con Mén, thật là giản dị : "Chừng yên, mình về dưới bà nội tụi nhỏ, lảnh mấy công ruộng mà làm cũng dư sống". Cái hình ảnh của ngày mai đó, người tản cư nào cũng nghĩ giống như nhau : yên rồi về quê làm lại cuộc đời. Họ đã rời làng bỏ xóm ra đi, đi để còn sống mà trở về, nhưng họ vẫn mang theo trong lòng gốc dừa cây cau chậu kiểng. Họ không bám được đất, nhưng họ không để mất được gốc. Chính tình cảm quê hương sâu đậm đó đã giúp họ can-đảm nhận chịu cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay. Ngày qua ngày, họ mớm niềm tin bằng hy vọng. Và ngày qua ngày họ nuôi hy vọng bằng niềm tin ! Cứ lẩn-quẩn loanh-quanh như vậy cho đến một ngày nào đó - chưa phải là cái ngày mai chờ đợi - người già tắt thở với niềm tin và trẻ con lớn lên không biết phải hy vọng ở cái gì… Chỉ còn thế hệ của ba má con Mén là lây lất sống trong lòng đô thị, ví mình như cây chùm gởi, còn biết thế nào là niềm đau quê hương nhưng vẫn mỏi mòn chờ đợi : "Ngày mai… Ngày mai, rồi trời sẽ lại sáng".

 

--oOo--

 

         Mấy anh con Mén đều được đi học, chỉ có nó là chưa. Có lẽ tại vì nó gầy còm nhỏ thó nên ba má nó quên tuổi thật của nó đi, cứ nghĩ : "Sang năm là đến phiên con Mén". Nhưng rồi nó vẫn còi-còi như vậy hoài, có lẽ còn lâu mới đi học !

         Buổi sáng, ăn cháo xong là cả nhà đi hết. Con Mén ở lại coi nhà. Tiếng là coi nhà chớ lúc nào cũng thấy nó la-cà ở hàng xóm, làm bánh giả, búng dây thun. Nó búng dây thun giỏi nhứt xóm. Đã khéo tay lại biết tính toán nên ngày nào nó cũng ăn của trẻ con cùng lứa rất nhiều dây thun. Về nhà, nó cho vào túi ni-long cất kỹ, bởi vì vòng dây thun là "tiền" của tụi nhỏ. Năm vòng thun "mua" được cái nút khoén lô-canh (la-ve, nước ngọt) mười vòng thun một nút khoén ngoại quốc (các loại chai nhập cảng) và phải tới hai chục vòng thun mới có được lon cô-ca không, thật hấp dẫn với nền đỏ tươi in chữ trắng… Vòng thun có giá trị như vậy cho nên đứa nào cũng ráng kiếm cho thật nhiều. Rồi cũng giấu kỹ. Rồi cũng đếm tới đếm lui, y như người lớn đếm tiền thật.

         Một buổi mai, con Mén mang bọc dây thun ra đầu ngõ tìm bạn. Ở đây, có một quán cà-phê hủ tiếu và vài hàng quà bánh điểm tâm. Một bà già bán xôi thấy bọc ni-long dây thun con Mén nhét tòn ten ở lưng quần, bèn hỏi :"Dây thun đâu nhiều vậy cháu ?". Nó trả lời là dây thun của nó. Bà ta cười hiền hòa : "Vậy hà. Chớ cháu có bán dây thun hôn, bà mua cho. Để cột mấy bọc xôi ý mà". Ở đây, mấy người đi làm sớm không có thì giờ ăn sáng, ghé qua mua gói xôi mang theo để lúc nào tiện thì mở ra ăn. Xôi vẫn được gói bằng lá chuối, nhưng sau đó được cho vào bọc ni-long có sợi thun thắt lại. Vừa sạch vừa gọn.

         Nghe hỏi, con Mén phân vân. Tới tuổi này, nó chưa biết đi mua một cái gì  bằng tiền thiệt hết. Huống chi nói đến chuyện bán ! Nó chỉ biết giả mua giả bán nút khoén, hộp lon, trong thế giới trẻ con nhiều  tưởng tượng của nó thôi. Tiền thiệt thì nó chỉ biết có tờ giấy năm chục đồng mà bà nội nó cho nó hồi đó. Nó đưa má nó cất rồi nó quên luôn tới giờ. Thật ra, nó chỉ biết tờ giấy đó là tiền nhưng chẳng biết giá trị là bao nhiêu và cũng không biết dùng tiền đó để làm gì. Bởi vì, trong xã hội trẻ con của nó, chỉ có dây thun là có giá !

         Thấy nó đứng ngớ ra mà miệng cười mỉm mỉm, bà bán xôi hiểu ngay, nên đề nghị : "Như vầy nghen : cháu cho bà túi dây thun, bà cho cháu cục xôi bự này nè". Nó nhìn theo tay bà chỉ : mèng ơi ! cục xôi bằng "bắp đùi" nằm trong lá chuối xanh láng mướt, ló ra hai đầu vàng hực có mấy miếng dừa lòi ra trắng hếu. Nó nuốt nước miếng, gật đầu. Vậy là lần đầu tiên con Mén biết thế nào là buôn bán trong xã hội của người lớn .

         Từ đó, nó thường đem túi ni-long dây thun ra ngõ "mua" xôi. Bà bán xôi thương nó lắm, bởi vì lần nào nó mở hàng bà cũng đều bán đắt. Nhiều hôm vắng nó bà cũng nhớ. Những hôm đó, con Mén "hết tiền". Nhưng thèm xôi, có khi nó cũng mò ra đầu ngõ, đứng xa xa nhìn thau xôi của bà lão. Thau xôi được phủ kín lá chuối, nhưng trong tưởng tượng nó cũng thấy được màu xôi vàng hực ! Thấy tội nghiệp, một hôm bà bán xôi gọi nó lại, đưa nó tờ giấy bạc : "Nè ! Lấy tiền này mua xôi mở hàng cho bà đi cháu". Nó làm theo như cái máy. Bà bán xôi cảm động, kéo nó ngồi xuống cạnh bà. Nó ăn xôi, mắt ngời lên sung sướng. Nó ốm nhom nhưng gương mặt nó thật kháu khỉnh. Mái tóc bom-bê cắt ngắn làm cho cổ nó dài ra. Bà vuốt tóc nó, nghĩ : "Con nhà ai mà dễ thương quá !". Được bàn tay khẳng khiu của bà già vuốt tóc, bỗng nhiên con Mén nghe nhơ-nhớ một cái gì. Một cái gì không rõ lắm nhưng là một cái gì thật quen thuộc. Hình như là một cảm giác êm êm, khoái khoái, một cảm giác mà từ lâu- rất lâu - nó không nghe thấy nữa. Nó mang máng nhớ một cái gì xa thật xa, một hình ảnh, một cái tên, một người… Nó ngừng nhai, miếng xôi trong miệng đội phồng một bên má. Nó nhìn lên mặt bà bán xôi : má hóp, trán nhăn, tóc lưa thưa bạc. Đúng lúc đó, từ tiềm thức của nó bật lên hình ảnh của bà nội nó. Chỉ trong có một giây mà nó nhớ lại hết : từ bàn tay vuốt tóc, từ cánh tay gối đầu, từ mùi cốt trầu hăng-hăng mà nó ghiền thở đêm đêm để ngủ. Nó nghe nghẹn ở ngực. Nó nghe như muốn khóc. Môi dưới nó trề ra. Miệng nó méo xệch. Nó buông cục xôi, đứng lên chạy ù vào ngõ. Vừa chạy, vừa kêu từng tiếng thật rã-rời : "Bà…nội…ơi… !" Tiếng "ơi " của nó kéo dài ra trong xóm, nức nở như một đường cày trên mặt ruộng…

 

 --oOo--

 

         Việt Cộng về chiếm hết mấy làng, trong đó có xóm Cầu Ngang của con Mén. Ít lâu sau, có tin bà nội nó chết. Ba má nó không dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền, phần vì sợ Việt Cộng. Ba nó lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một chén gạo và hai cây đèn cầy. Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo, xong, ba má nó vừa lạy vừa khóc. Lần đầu tiên con Mén thấy ba nó khóc. Không biết gì, nhưng sao nó cũng muốn khóc theo. Mấy thằng anh nó ngồi xếp bằng một hàng, im thin thít. Sau đó, ba nó ôm nó vào lòng, ngồi nhìn khói nhan và hoa đèn lâu thật lâu. Nó hết nhìn cái rương lại nhìn mặt ba nó.Tự nhiên nó thấy thương ba nó vô cùng.

         Mãi sau này con Mén mới biết cái rương đó là bàn thờ  bà nội nó.

 

--oOo-- 

 

         Bây giờ, con Mén cũng được đi học. Bây giờ, ba nó cũng sắm được chiếc xe đạp để đi làm. Má nó thì vẫn đi đò ngang để qua nhà máy ve chai. Mấy anh nó, vì trường cũ hết lớp phải qua trường khác xa hơn, vẫn đi bộ.

         Má nó đã lên cấp thợ, nhờ vậy mà trong nhà thấy dễ thở hơn, sắm thêm một số đồ đạc và má nó có đeo một sợi dây chuyền… Chớ ba nó thì vẫn còn lẹt-đẹt ở cấp binh nhì, loại binh nhì dùng sai vặt trong văn phòng, đơn vị.

         Nhờ đi học, con Mén mới biết nó tên thật là Loan. Hôm đưa nó vào trường, ba nó dặn : " Khi nào cô giáo điểm danh, kêu Lê-thị-Loan thì con hô lớn lên có mặt. Nghe con ! "Nó ngạc nhiên : "Ủa ? Con tên là Mén mà !" Ba nó phải giải nghĩa rằng Loan là tên trong còn Mén là tên ngoài, ra đường mình lấy tên ngoài chớ vào trường là phải lấy tên trong vân vân… Đối với nó, ngoài trong gì lộn xộn quá. Nó chỉ biết rằng tên Loan nghe thật dễ thương nhưng lạ hoắc, còn Mén thì thật là quen tai. Tuy nhiên, có cái tên dễ thương, nó cũng nghe lòng phơi-phới.

         Nhờ đi học, con Mén hết ở trần, hết đi chân đất, nhưng tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó đội nón vải có bo như tai bèo, mặc áo trắng tay phùng quần dài đen, chân mang dép Nhựt. Bây giờ, thật sự nó mới có nét con gái ! Ba nó nhìn nó trìu mến : "Mẹ họ ! Con gái của ba coi cũng đặng ớn !" Rồi ba nó hôn nó đầy mặt. Nó rút cổ lại vì nhột, cười khúc-khích. Tình thương đâu đó bỗng trào dâng miên man. Giống như nước triều lên ôm xóm Bộng, âm-thầm nhưng thật là chan-chứa.

         Con Mén càng lớn, ba nó càng cưng nó nhiều. Bởi vì nó thông minh, học giỏi. Và bởi vì nó mang nhiều nét của bà nội nó. Ba nó thường nhìn nó, nói : "Thứ gì mà giống bà nội như in !" Điều mà ba nó không để ý là con Mén còn giống bà nội nó ở chỗ hay chửi đổng "Mồ tổ cha nó !" mỗi khi nó bực mình chuyện gì. Có lẽ tại vì nó chửi lầm-bầm nên ba nó không nghe.

         Mấy anh con Mén đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều. Thành ra lúc nào trong nhà cũng có đứa  học ê a, đứa nằm sấp xuống gạch nắn-nót làm bài. Hầu hết tụi nhỏ trong xóm đều học chung một trường, nên đi và về cùng một lúc, đứa trước đứa sau đi thành một hàng dài. Đến khi tụi nó học bài cũng nghe uềnh-oang như tiếng ễnh-ương vào mùa nước nổi.

         Trưa, con Mén cuốc bộ đi học. Chiều ba nó đi làm về, đạp xe ghé ngang trường rước nó. Những lúc đó nó thấy hãnh-diện vô-cùng. Ngồi trên bọt-ba-ga, cặp táp đeo lủng lẳng ở cổ, hai bàn tay nhỏ nắm lấy dây nịt của ba nó để giữ thăng-bằng, nó nói chuyện huyên-thuyên, hỏi ba nó đủ thứ. Ba nó lúc nào cũng có câu trả lời, cũng góp vào câu chuyện rất hào hứng chớ không phải ậm-à ậm-ừ. Cho nên, đối với nó, trên đời này chỉ có ba nó là nhứt !

         Vậy mà thời gian sau này, ba nó bị cấm-trại liên-miên. Nó đành đi học một mình và về một mình. Tối, nó ngủ một mình ên trên võng. Bây giờ nó lớn, nên không gào khóc như  thuở nó mới xa bà nội nó. Nó biết xấu hổ, nên úp mặt vào chiếc áo nhà binh của ba nó âm thầm khóc rấm-rứt. Rồi một lúc nó cũng ngủ thiếp đi, ôm chiếc áo như ôm lưng ba nó vậy.

 

--oOo--

                                                                          

         Việt Cộng tràn về chiếm hết miền Nam. Mấy ngày cuối cùng của tháng tư 75 thật là kinh hoàng. Thiên hạ rần-rần, nhốn-nha nhốn-nháo. Ba con Mén chạy bộ về đến nhà, mồ hôi mồ kê, mặt xanh như tàu lá, chỉ mặc có cái quần đùi. Ba nó hổn-hển nói với má nó : "Mẹ họ ! Trong khi lộn-xộn, thằng nào nó đớp cha nó chiếc xe đạp của anh, làm anh chạy bộ về muốn tắt thở ". Má nó lo lắng : "Còn quần áo của anh đâu ?" Ba nó nhăn nhó : "Cởi liệng cha nó rồi. Mặc để Việt Cộng nó bắn thấy tiên tổ à !". Rồi ba nó phun nước miếng cái phụt như phun một cái gì thật đắng. Má nó vội đưa cho ly nước, ba nó cầm lấy, uống ừng-ực như người bị mắc xương, mắt lồi ra căm phẫn. Không biết Việt Cộng ra sao, nhưng thấy ba nó tả-tơi như vậy con Mén cũng phát tức. Nó lầm-bầm chưởi đổng : "Mồ tổ cha nó !"

 

--oOo--

 

         Ít lâu sau, con Mén đã biết Việt Cộng là gì. Nó cũng bắt chước người lớn, gọi trổng là "họ", chớ không hiểu rằng tiếng "họ" mà người lớn dùng có ý nghĩa mỉa-mai cay đắng, bởi vì bây giờ mới thấy giữa "họ" và "mình" có quá nhiều dị-biệt.

         "Họ" bây giờ tên là "cách-mạng". Ba con Mén bây giờ bị "họ" gọi là "ngụy quân". Má con Mén bây giờ lúc nào cũng tự xưng là "vợ ngụy" mặc dù thuộc thành phần công nhân lao động.

         Xóm Bộng bây giờ cũng đổi thay bề mặt. Vựa gạo của chú Chành -người Tàu- bị tịch thu để biến thành trụ sở "Ủy ban nhân dân". Người lạ ở đâu về đó làm chủ tịch, thơ-ký. Chú Năm hớt tóc đầu ngõ bỗng thành ông "tổ trưởng", còn bác Bảy thợ hồ được thiên hạ gọi bằng "tổ phó an ninh". Chỉ có dân trong xóm vẫn còn là dân trong xóm ! Thiên hạ "nhong nhóng" đợi một thời gian coi tình hình ra sao, nhưng rồi ít lâu sau cũng chẳng thấy ai rục rịch dọn về quê về làng. Mong ước bình dị "yên rồi, về quê sanh sống" - một mong ước được chắt chiu nuôi dưỡng từ bao nhiêu năm - bây giờ giống như bọt nước bờ sông từ từ tan rã. Cái "Ngày mai trời lại sáng" bây giờ thật sự chỉ là một giấc mộng ! Thiên hạ thường chép miệng : "Ở dưới quê họ cũng tịch thâu hết rồi. Về làm cái khỉ gì ? Ở đâu cũng vậy thôi !". Dân tản cư bỗng thấy mình như bị mồ côi, vĩnh-viễn bị cắt đứt với gốc dừa cây cau chậu kiểng. Từ thân chùm gởi họ đã trở thành đám lục-bình. Xóm Bộng mặc-nhiên thành điểm tựa để đám lục bình bám vào đó làm một quê hương , đất đứng.

         Người trong xóm bây giờ thấy gần gũi nhau hơn. Làm như là không phải dân tứ xứ đến đây, mà như là tất cả đều sanh trưởng ở xóm Bộng. Bây giờ họ mới nhận thấy rằng họ giống nhau từ suy-tư đến nếp sống, từ cách ăn mặc đến lời lẽ nói năng. Họ không biết rằng biến thiên của thời cuộc đã cho họ có một đối tượng - thế giới cộng sản và con người cộng sản - để nhận-xét và so-sánh. Đối tượng đó bây giờ thật rõ nét, không còn được ngụy-trang bởi những mỹ-từ. Cho nên họ nhìn thấy không điểm nào giống họ hết, từ con người đến phong tục tập quán. Tự nhiên, họ cùng đứng về một phía và họ còn thấy cần tựa vào nhau để sinh tồn. Cũng giống như nhà của họ ở : phải xây cất bám vào nhau, kèo cột câu vào nhau, phên vách nối vào nhau để đứng vững. Xóm Bộng chưa bao giờ biết bão lụt, nhưng trong nội tâm người xóm Bộng bây giờ đang bão lụt tơi-bời…

 

--oOo--

 

         Ba con Mén đi học tập ba hôm rồi về nằm nhà gác tay lên trán. Má nó vẫn đi làm. Anh em nó vẫn đi học.

         Thời gian sau, ba nó cũng kiếm được việc làm ở bến tàu Khánh-Hội, sáng đi chiều về. Đêm đêm, ba má nó thay phiên nhau đi họp phường hoặc họp tổ. Lâu lâu, thằng anh lớn của nó đại-diện ba má ra phòng họp ngồi cho có mặt. Những lúc đó, thấy nó mang theo hoặc quyển sách hoặc cuốn tập để thừa dịp có đèn sáng mà học bài cho ngày hôm sau…

         Bỗng một đêm, công an khu-vực cầm đèn bấm đưa bộ đội đến bắt ba con Mén dẫn đi. Cả xóm nhốn-nháo trong bóng tối. Má nó chạy theo kêu khóc, trợt bờ đê té lên té xuống. Đến đầu ngõ có đèn sáng, ba nó nói với má nó : "Chắc họ bắt lầm, chớ anh không có làm gì hết. Em yên tâm."

         Ở nhà, mấy anh em nó thắp đèn rồi ngồi nhìn nhau mếu-máo. Hàng xóm thay nhau đến ngồi với tụi nó cho đến khi má nó trở về, đầu cổ bơ phờ quần áo lấm lem bùn đất. Họ an ủi má nó, xì-xầm bàn-tán cho tới khuya mới ra về.

         Đóng cửa tắt đèn từ lâu mà con Mén nằm trên võng còn nghe má nó khóc thút-thít. Nó cảm thấy thương má nó, thương ba nó. Rồi nó đâm tức giận mấy thằng công-an bộ-đội. Kềm không được, nó buột miệng chửi lớn :"Mồ tổ cha nó !". Tiếng của nó lanh-l&##7843;nh, sắc bén, rạch bóng đêm như một lưỡi dao lam. Má nó giật mình, ngừng khóc, vói tay mò-mẫm rờ đầu nó. Nó nắm lấy bàn tay áp vào một bên má như muốn chia sớt niềm đau. Má nó bỗng nghe bàn tay mình ươn-ướt.

         Mấy hôm sau, vẫn không thấy ba nó về. Trái lại, công an khu vực đến thăm má nó thường hơn. Và lần nào cũng khuyên : "Chị cứ yên tâm. Nếu nhà nước xét thấy anh ấy không có nợ máu với nhân-dân, anh ấy sẽ được thả về thôi. Ta sáng suốt chớ không ác-ôn như ngụy đâu, chị ạ !"

         Ít lâu sau, có tin ba con Mén bị đưa đi học tập cải-tạo ở đâu ngoài Trung. Má nó khóc hết nước mắt. Tên công-an khu-vực lại đến nhà khuyên : "Đi học tập chớ đi tù đâu mà chị sợ. Cứ học tập tốt là được về ngay thôi. Yên chí !" Thoáng nghe như vậy, con Mén tức cành hông. Nó nhìn tên công-an chỉ có nửa con mắt !

 

--oOo--

 

         Má con Mén bị "họ" cho nghỉ việc. Gọn như liệng một món đồ vô dụng vào sọt rát ! Tên thủ-trưởng gọi má nó vào văn phòng, nói bằng một giọng trắng nhách như vôi : "Tập thể đã nhất trí cho chị nghỉ việc ngay từ bây giờ, bởi vì chị không còn đủ điều-kiện để phục-vụ nhân-dân nữa. Chị lấy hết đồ đạc của chị rồi đi về đi."Đồ đạc là cái áo, cái khăn lông, cái nón lá và đôi dép cao su đúc. Một tên an-ninh đi theo đến cổng, dặn : "Chị đừng trở lại đây làm gì nữa. Không tốt đâu". Má nó lầm lủi đi, chẳng nói chẳng rằng. Cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt. Bởi vì má nó đã chuẩn bị tinh thần từ ngày biết tin ba nó đi học tập cải tạo. Dưới chế-độ cộng-sản, đã là vợ con của "ngụy " là phải biết dọn mình chịu đựng sự kỳ-thị của kẻ cầm quyền…

         Khi má con Mén về đến nhà thì tụi nhỏ đã đi hết, đứa đi học, đứa đi lao-động trong trường. Má nó bèn dọn dẹp đồ đạc rồi nấu cơm một cách thản nhiên như chẳng có gì xảy ra hết. Bình thường, má nó không về giờ này, nên hàng xóm để ý. Vài người chạy sang hỏi han như trong gia đình : "Bộ có chuyện gì sao mà má con Mén về nhà giờ này vậy ?" Hỏi, nhưng trong lòng họ đã đoán ra câu trả lời hết chín  phần mười. Má nó cũng nghe an-ủi : "Dạ thì họ đuổi chớ sao ! Ngụy mà ! Kể số gì ?" Rồi má nó cười thật mỉa mai. Một bà già phát tức, phun cốt trầu cái phẹt : "Hứ! Cái giống gì mà thiệt vô nhân đạo. Người ta đã nghèo, một thân một mình làm nuôi bầy con mà cũng đuổi cho đành !" Một bà khác thêm vào : "Thôi đi ! Nói gì cái thứ đó !  Mồ ông mả cha của tụi nó mà tụi nó còn coi không ra gì thì nói chi tới bà con mình". Nghe mấy tiếng "bà con mình" bỗng nhiên má con Mén mủi lòng, chảy nước mắt. Từ ngày bỏ xóm Cầu Ngang tạm cư ở xóm Bộng này, mặc dù có chồng con ở một bên, má nó vẫn nghe bơ-vơ lạ-lùng. Má nó thấy thiếu con kinh đào bờ đê thẳng tấp, thiếu chiếc cầu gỗ nhón cao chân dài, thiếu màu vàng ruộng lúa, thiếu mùi thơm bông cau, thiếu họ-hàng ruột thịt… Những thứ mà má nó đã thở từ những hơi thở đầu đời. Những thứ mà má nó đã nhìn từ khi nụ nhìn biết phân biệt. Tất cả, tất cả đã trở thành nhịp sống của chính bản thân của má con Mén. Mất đi những thứ đó, má nó cảm thấy như bị tách biệt ra khỏi cuộc đời này… Xóm Bộng tuy hiền, nhưng trước đây người cùng xóm đối xử với nhau còn nhiều dè-dặt, ít qua lại với nhau, gặp nhau chào hỏi xã-giao lấy lệ. Do đó, mặc dù sống trong xóm nhỏ đông người, má con Mén vẫn thấy như mình sống lẻ loi giữa đồng giữa ruộng. Niềm đau đó má nó dìm sâu trong nội tâm từ bao lâu nay, bây giờ mấy tiếng "bà con mình" thật chất-phác nhưng thật gần gũi, thật đậm đà tình lân lý, đã mở ngỏ khơi nguồn. Má nó khóc mà nghe lòng thật ấm-cúng và cũng thật là thênh thang trải rộng. Giống như ruộng lúa xóm Cầu Ngang được ươm vàng dưới nắng, cuối mùa mưa…

 

--oOo--

 

         Biết thân phận mình không làm sao tìm được việc làm ổn định, dù làm phu quét đường đổ phẩn, má con Mén cầm thế  một mớ nữ trang quần áo rồi đi buôn đầu chợ bán cuối chợ. Tưởng giống như ngày xưa ở dưới quê, té ra thật là chật vật. Ở đây và bây giờ, có một trăm người bán nhưng không có một vạn người mua. Quá nhiều người bán bởi vì những người này một số không chịu đi làm cho chế độ, một số bị chế độ sa thải đành buôn bán lắt nhắt để kiếm sống. Quá ít người mua bởi vì thiên hạ không còn tiền…

         Anh em con Mén cũng đã nghỉ học, ở nhà giúp má tụi nó bằng cách đi bươi đống rác lượm ve chai, giấy vụn, bao ni lông… Má con Mén cắt bao bố tời may lại thành túi nhỏ cỡ bằng ba giỏ đi chợ, có hai quai để tụi nó mang vào vai vào cổ. Mấy đứa lớn mang ba túi mỗi đứa, mấy đứa nhỏ tùy bữa mà đeo khi một khi hai. Đứa nào cũng cầm một que sắt đầu uốn cong như cái móc. Thằng lớn hay đùa : "Tụi mình bây giờ thành Cái Bang hết. Tao là trưởng lão ba túi, còn tụi bây là đệ tử. Mỗi ngày tủa ra đi hành hiệp trên mấy đống rác thành phố Hồ Chí Minh quang vinh !" Rồi tụi nó cười vui như chẳng biết phiền lụy là gì.

         Má con Mén thì khác. Ưu tư nằm ngay trong ánh mắt nụ cười. Những đêm trằn trọc đã đào sâu đôi má. Càng ngày, con người càng héo hon. Tuy nhiên, chẳng bao giờ nghe má nó mở miệng than một lời. Thấy tội nghiệp, hàng xóm thừơng qua thăm mẹ con con Mén để phụ tụi nhỏ lựa ra và xếp riêng thành đống miểng chai theo miểng chai, ni long theo ni long, giấy theo giấy v.v… Lâu lâu họ cũng mang cho vài khúc mía, trái dừa hoặc mấy nhúm tôm khô. Có gì cho nấy, không còn nề hà dở ngon hay nhiều ít. Má con Mén đều nhận hết, không bao giờ từ chối đẩy đưa. Bây giờ, làm như là người ta sống thật tình với nhau hơn hồi trước. Làm như là thiên hạ cần có nhau như hơi thở cần cho cuộc đời. Có lẽ bởi vì họ đã mất tất cả những gì họ đã có, bây giờ họ chỉ còn lại có nhau thôi…

         Lần hồi rồi má con Mén cũng phải bán đi chút đỉnh đồ đạc trong nhà để đủ có miếng ăn cho lũ nhỏ. Lúc này tụi nó lớn thấy rõ, mặc dù ăn uống kham khổ. Mấy bà hàng xóm thường nói: "Trời sanh, trời nuôi". Mà thật, tới con Mén cũng cao lên, tuy vẫn còn gầy. Tay chân hơi ghẻ lở nhưng gương mặt vẫn kháu khỉnh nhờ mái tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó không chịu để tóc dài. Mỗi lần má nó đề nghị "Để tóc dài đi con cho nó thành con gái" nó lắc đầu nguầy nguậy, tóc bom-bê xòe ra như rẻ quạt : "Nực thấy mồ…" Mấy hôm đầu đi bươi rác, nó còn mang dép Nhựt. Sau đó, nó lượm một mớ giày Bata rách mũi, chọn được hai chiếc vừa chân thì một xanh một vàng. Nó mang vào, hí hửng : "Kệ nó! Khác màu như vậy khỏi sợ chúng nó ăn cắp". Rồi nó đem đôi dép Nhựt rửa sạch, cất kỹ. Không ai hỏi, nhưng nó vẫn giải thích: "Để giành mai mốt có  đi học lại, có mà mang" Nghe nó nói, thằng anh hai nó nhìn nó rất lâu, bồi hồi xúc động. Anh nó nhận thấy con Mén không còn là con nít nữa.

 

--oOo--

 

         Má con Mén có một người chị ruột tên Ánh -Nguyễn Thị Ánh- hồi đó nấu bếp cho vợ chồng một ông Tây. Khi gia đình ông này dọn về xứ, chị Ánh cũng đi theo họ rồi ở luôn bên đó. Ít lâu sau, có tin chỉ lấy chồng người Pháp rồi hai vợ chồng đưa nhau qua làm ăn ở Phi-Châu. Chỉ cũng đã vào quốc tịch Pháp và đổi tên là Anne – bà Anne Brioude.

         Khi má con Mén bắt đầu cạy gạch bông nền nhà lên bán để độ nhựt – thằng  anh con Mén nói "hết ăn tủ tới ăn rương, bây giờ tụi mình ăn tới gạch !" thì chị Ánh ở bên tây về kiếm thăm. Ông chồng khuyên không nên về sợ gặp khó khăn, nhưng chỉ vẩn quyết định: "Tôi phải về kiếm tụi nó coi ra sao. Nghe nói bây giờ bên Việt Nam dân chúng đói khổ lắm". Rồi chị mua thật nhiều hàng vải quà cáp làm như gia đình chị bên nhà còn rất đông. Thật ra, chị Ánh chỉ còn có má con Mén là ruột thịt, nhưng mười mấy năm xa cách đã làm cho tình thương trong lòng chị thật mênh-mông, không bờ không bến, đến độ chị không đo lường được nữa không phân biệt được nữa đâu là tình thương em đâu là tình thương quê hương…

         Về Sàigòn – chị Ánh vẫn gọi là Sàigòn vì thói quen – chị ở khách sạn Hữu-Nghị. Ngày ngày chị đi dò hỏi tin tức má con Mén, từ những người quen xa xa chỉ qua những người cùng gốc ở Cầu Ngang nhưng đã lên làm ăn ở thành thị từ trước… Cứ phăn lần phăn lần rồi chị Ánh cũng tìm ra xóm Bộng. Đến đây, chị gặp một trở ngại lớn : người trong xóm không biết ai tên là Nguyễn thị Hoa hết. Chị giải thích dài dài : "Nó nhỏ nhỏ con, người tròn trịa trắng trẻo, năm nay chừng băm mấy chớ chưa già lắm" Chị tả hình dáng của người em gái cách đây đã mười mấy năm, cái thời mà hai chị em còn ở dưới quê, trưa trưa hay ra ngồi trên cây dừa bắt ngang đường nước, thọc chân trong nước mát, đong đưa kể chuyện tâm tình… Hình ảnh đó, chị đã mang đi và giữ vẹn cho đến bây giờ, quên mất là thời gian đã đi qua và nét đời đã bị bôi đi vẽ lại ! Không ngã lòng, chị tìm cách nói với mấy bà già trong xóm: "Cháu tên là Nguyễn thị Ánh, con em cháu tên Nguyễn thị Hoa. Tụi cháu dân ở Cầu Ngang, miệt dưới…" Địa danh Cầu Ngang đã giúp mấy bà nghĩ ra má con Mén. Một bà hỏi: "Có phải cô đó có bốn đứa con không ?" Chị Ánh mừng rỡ: "Đúng rồi! Người ta nói nó có bốn đứa con, ba trai một gái!" Bà già gật đầu: "Vậy là má con Mén rồi!" Trước khi chỉ đường, bà trách nhẹ: "Kiếm má con Mén thì nói kiếm má con Mén! Cô cứ nói Nguyễn thị Hoa hoài, ai mà biết ai !"

         Vậy là hai chị em gặp nhau. Gặp nhau thật là ngỡ-ngàng. Quá nhiều thay đổi để nhìn ra nhau ngay và xa cách đã quá lâu nên tình cảm bị chìm sâu trong tìm thức. Phải một vài giây im lặng để tìm lại những nét cũ trên gương mặt bây giờ và để những tình cảm bị bỏ quên từ ngày xưa được trả về với hiện tại. Sau phút ngỡ ngàng hai chị em ôm chầm lấy nhau, khóc nức-nở.

 

--oOo--

 

         Chị Ánh đã quyết định: gia đình con Mén phải qua Phi Châu ở với chỉ. Nhìn tay chân ghẻ lở của bầy cháu, nhìn gương mặt già trước tuổi của đứa em, chị nghe bất nhẫn vô cùng. Chị nói : "Không được! Ở lại đây tụi bây cùi luôn, ngu luôn. Qua bển tao lo cho hết. Còn ba tụi bây, từ từ rồi tính sau“ Rồi chị sắp đặt: ”Chị để lại một mớ tiền, em lo liệu cho mấy đứa nhỏ và đi thăm nuôi chồng em. Chừng chị về bên đó, chị sẽ gởi tiếp thêm để em chạy lo giấy tờ. Tốn bao nhiêu thì tốn, nhưng phải đi khỏi xứ này gấp”. Má con Mén như người không biết lội vừa chìm xuống nước ngoi lên ôm được cái phao, nhìn trời cao lồng lộng bên trên mà cảm nhận cuộc sống này vẫn còn có lối thoát.

         Chị Ánh trở về Pháp. Tụi nhỏ vẫn tiếp tục bươi đống rác ngày ngày để đừng ai để ý. Má con Mén chạy chọt dò dẫm rồi cũng tìm ra trại học tập của chồng.

         Lần đi thăm nuôi đầu tiên, con Mén có đi theo. Thấy ba nó gầy nhom, nó rớt nước mắt. Má nó kể chuyện dì Ánh cho ba nó nghe, ba nó vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Nhưng khi nghe hỏi ý kiến về vụ cho mấy đứa nhỏ sang Phi Châu, ba nó bỗng im lặng nhìn ra bìa rừng làm như câu trả lời nằm ở đâu ngoài đó. Một lúc sau, ba nó nói, thật trầm tĩnh : ”Ờ… tính như vậy cũng được. Cho mấy đứa nhỏ nó có tương lai…” Rồi ba nó cầm lấy hai bàn tay nhỏ của nó, vừa bóp nhẹ vừa nhìn nó thật lâu. Nó cũng nhìn ba nó: chưa đầy một năm mà ba nó già đi nhiều, mắt sâu xuống, gò má nhô lên, râu tóc rối bời… Ba nó đã làm tội tình gì mà “tụi nó”đày đọa ba nó ra như vậy ? Rồi nó nhìn ra mấy thằng bộ đội đứng lớ-ngớ ngoài kia, môi nó mím lại,mắt nó lồi ra: nó muốn lấy que sắt cào bươi  "tụi nó” tả tơi như nó nó đã cào bươi mấy đống rác! Từ đó, con Mén biết thế nào là hận thù…

 

--oOo--

 

         Dì Ánh đã gởi về đầy đủ giấy tờ, má con Mén cũng đã nạp hồ sơ xin xuất cảnh qua Côte d’Ivoire (Phi Châu). Nhờ có tiền gởi về, má nó chạy chọt đút lót nên cũng không gặp nhiều khó khăn. Cho đến ba con Mén bây giờ cũng được các cán bộ dành nhiều dễ-dãi.

         Thời gian qua mau, mới đó mà đã hai năm mấy. Khi ba con Mén được thả về thì mẹ con tụi nó chỉ còn chờ ngày lên máy bay. Ba nó về mà có cảm tưởng như được đặc-cách cho về để đưa vợ con đi vậy. Bởi vì, sau đó, ba nó vẫn sẽ phải sống chật-vật một mình trong một vùng kinh-tế mới nào đó, và tuy không còn ở trong trại nhưng vẫn ở lại trong xứ thì cũng giống như bị giam trong một trại tập trung khổng-lồ.

         Ngày ba nó trở về, căn nhà nhỏ bỗng trở nên quá nhỏ để tiếp những người hàng xóm. Ai cũng mừng cho gia đình con Mén, mừng thật sự, bởi vì đối với họ, ba con Mén là người của đại gia đình xóm Bộng. Vậy mà cái đại gia đình đó vẫn chưa ai hay rằng tụi con Mén sẽ bay đi tìm sống tự do ở một chân trời khác. Bởi vì má con nó luôn luôn giữ kín chuyện này, cũng như mọi người đang lo xuất cảnh hay toan tính vượt biên, chẳng một ai dám hé răng.

         Bây giờ con Mén lớn rồi, nên nó để cái võng cho ba nó nằm. Nó săn sóc ba nó từng chút : lấy khăn lông nhúng nước cho ba nó lau mặt, nấu trà cho ba nó uống, bới cơm cho ba nó ăn. Mẹ con nó ngồi dưới đất vây quanh võng để nghe ba nó kể chuyện cải tạo đầy khổ nhục. Ba nó bây giờ hút thuốc rê như ống khói. Ba nó thấy bầy nhỏ nhìn mình châm-chú, nên mỉm cười phân trần như tự bào chữa : “Hồi đó ba đâu biết hút thuốc. Rồi trong trại, phần vì lạnh, phần vì buồn, bạn tù chia nhau điếu thuốc rê. Riết rồi ghiền luôn, bỏ không được”. Con Mén nghe thương ba nó vô cùng. Nó muốn nhào lại ôm ba nó để chia sớt ngần đó tháng năm chồng chất bằng đói lạnh buồn đau. Nó muốn nhào lại cầm tay ba nó đặt lên một bên má của nó, rồi an ủi ba nó bằng những lời lẽ thật là dịu thật là ngọt. Nó muốn… nó muốn… Nhưng, không hiểu sao nó vẫn ngồi yên nhìn ba nó mà nghẹn-ngào chảy nước mắt. Có lẽ nó tự nhận thấy bây giờ nó không còn là con nít nữa.

 

--oOo--

 

         Bữa đi phi-trường thật là tội nghiệp. Cả nhà len-lén đi, không dám chào ai hết. Gọi là đi chánh-thức nhưng giống như là đi trốn, đi chui. Má con Mén dặn dò mấy đứa nhỏ thật kỹ lưỡng, rồi kết luận : “Sợ bà con biết rồi ba con buồn, hiểu chưa ?”

        Nếu bà con biết thì có lẽ bà con sẽ buồn thật. Không phải chỉ buồn vì xa tụi con Mén, mà còn buồn vì số phận hẩm hiu của mình, bởi vì không phải ai cũng được may mắn như gia đình con Mén. Điều mà má nó không nói ra là trong thâm tâm má nó rất ái nái khi phải bỏ xóm Bộng ra đi. Má nó thấy mình giống như lính đào ngủ trong khi bạn đồng đội đang gan lỳ chịu đựng. Ngồi trên xe đi phi trường mà má con Mén cứ lâu lâu lại thở dài…

         Phi-trường đông thật đông, Người đi không có bao nhiêu mà người tiễn đưa thì thật là nhiều. Kẻ đi người tiễn nào mắt cũng mọng đỏ. Họ đã khóc đâu từ hồi còn ở nhà hay từ hồi còn trên xe, đến đây còn thấy có người khóc tiếp. Dĩ nhiên buổi tiễn đưa nào cũng buồn, nhưng tiễn đưa mà biết rằng vĩnh viễn không gặp lại nhau nữa thì buổi tiễn đưa đó mới thật là đau đớn. Nó cũng giống như đi chôn người thân, cho nên có nhiều người ôm nhau khóc thật thảm thiết. Người đi cũng như kẻ ở đều chết điếng trong lòng. Lời nói chỉ còn là nước mắt.

         Mấy anh em con Mén lần lượt ôm ba tụi nó, khóc như mưa bấc. Con Mén được ba nó ôm sau cùng, ôm thật lâu… Ba nó siết chặt nó vào lòng mà nghe như có cái gì trạo trực từ lồng ngực đưa lên cổ. Ba nó nhắm nghiền mắt lại, nuốt xuống  như nuốt liều thuốc đắng.

         Đến khi ba nó hôn nó lần cuối thì nước mắt ở đâu bỗng trào ra như suối. Trong một khoảnh khắc, người đàn ông quê mùa cục mịch đó bỗng nghe thân xác của mình tan ra thành nước, bỗng thấy tất cả đều nhòe nhoẹt tối đen mà mình thì đã chết đi, chết hẳn. Thời gian như ngừng lại rất lâu…

         Rồi cũng phải buông rời nhau ra để thực sự nhìn nhau lần cuối. Những người tiễn đứng thành hàng dài, còn rán chồm qua hàng rào ngăn cách để núm níu người đi. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi đó, tất cả đau thương cô đọng lại thành tiếng nấc, rồi người ta khóc to lên không còn cần giữ ý tứ gì nữa. Giống như lúc liệng nắm đất lên mặt quan tài nằm sâu dưới huyệt. Ở đây, đúng là “người đi” đi vào một thế giới khác.

         Ba con Mén nhìn theo vợ con bước vào bên trong, khoảng cách không có bao nhiêu nhưng sao thấy xa mút như đầu con kinh đào ở xóm Cầu Ngang. Con kinh đào mà thuở ấu thơ ba nó đã từng nô đùa tắm mát bây giờ cũng xa lắm nhưng còn có ngày ba nó nhìn thấy lại, chớ vợ con thì… Ba nó ngừng suy tư ở đó để vẫy tay lần cuối trước khi vợ con bước qua khuôn cửa kiếng. Cánh cửa đóng lại khô khan như gương mặt mấy thằng công an đứng gần quanh đó, dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra ! Trong phòng đợi, con Mén lẩm nhẩm đánh vần khẫu hiệu được vẽ to trên tường bằng sơn đỏ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

 

--oOo--

 

         Tôi quen con Mén ở Abidjan, thủ đô xứ Côte d’Ivoire. Má nó đưa anh em nó lại để học Pháp văn với tôi, cùng với những đứa con của mấy gia đình tỵ nạn khác.

         Con Mén bây giờ không còn “mén” nữa. Nó tròn-trịa ra, đôi má phinh-phính hồng. Tóc bây giờ đã để dài chấm vai, đuôi tóc quớt quớt.

         Khi đã quen thân, con Mén tỉ-tê kể cho tôi nghe từng mẫu chuyện nhỏ trong cuộc đời của nó, nhớ đâu kể đó, không thứ tự lớp lang. Nhưng phần lớn, chính má nó kể lại, tỉ mỉ hơn, nhứt là đoạn nó còn nhỏ.

         Những lúc con Mén kể chuyện, mặt nó tươi ra, rạng rỡ, mắt nó ngời lên tinh-anh. Và khi nó nói về ba nó, nó không thiếu một chi tiết. Lâu lâu nó ngừng lại để chêm vào : “Cũng tại tụi Việt Cộng hết!” Đến những đoạn bi-thảm của ba nó, có khi nó ngừng kể, mắt nó đầy căm thù, tiếng nó bị nghiến lại trong răng. Tôi đoán nó đang chửi thầm: “Mồ tổ cha nó!”

         Một hôm, nó nói với tôi:

         - Bác Hai nè! Bác đừng nói với ai hết nghen. Con muốn nhờ bác dạy con chữ quốc-ngữ nữa. Hồi đó con mới học hết lớp một rồi nghỉ học luôn tới giờ nên con còn dốt lắm!

         Rồi nó chớp chớp mắt, giọng nói bỗng trở nên trìu mến:


         - Con muốn học quốc ngữ để con viết thơ cho ba con…


         Câu nói đó đã làm tôi xúc động đến ứa nước mắt!

         Từ bao lâu nay, người tỵ nạn chỉ nhờ tôi dạy Anh văn hay Pháp văn. Đây là lần đầu tiên trong đời lưu vong, tôi được người nhờ dạy quốc-ngữ. Lại là một cô gái nhỏ. Và cô học chỉ để viết thơ về cho cha cô ở Việt Nam ! Giản dị như vậy. Vậy mà sao tôi có cảm tưởng như tôi vừa được nhắc đến quê hương, nhắc bằng chữ i, chữ tờ… Và được thấy lại một nét quê hương qua hình ảnh người con muốn viết thơ về cho cha vì vẫn không muốn cắt lìa cuống rún!

         Tôi nhìn con Mén mà thấy thương thấy quí nó vô cùng. Nó không hiểu cái nhìn của tôi nên gật gật đầu, lập lại:

         - Con muốn viết thơ cho ba con.

         Tôi cầm hai bàn tay nó bóp nhẹ:

         - Ờ… Bác sẽ dạy con… Bác sẽ dạy con…

         Trên gương mặt phinh phính của con Mén, nở ra một nụ cười rạng rỡ. Chắc nó đang nghĩ đến ba nó, đến cái ngày mà nó có đủ chữ đủ câu để nắn nót viết cho ba nó những bức thơ dài…

         Ở Abidjan không có sách giáo khoa Việt Nam. Tôi phải nhờ một người bạn ở Paris mua gởi sang. Từ đó, ngày ngày tôi dạy riêng con Mén mà có cảm tưởng như chính tôi đang đi học lại.

         Bây giờ, tôi thấy quí vô cùng những chữ la-tinh mang móc câu, để trở thành chữ ư chữ ơ, đội nón úp nón ngửa để trở thành chữ â chữ ă, kéo theo mấy dấu lăn quăn nằm dưới nằm trên… Bởi vì nhờ có chúng nó mà cha con con Mén vẫn thấy được gần nhau mặc dầu ở xa nhau cách nửa địa cầu. Bởi vì nhờ có chúng nó mà tôi đã khám phá ra con Mén: một đứa gái nhỏ tuy tỵ nạn bao năm ở xứ người mà trong lòng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của xóm Bộng, của Sài Gòn, của Việt Nam

T iểu Tử



http://www.taberd75.com/linh%20tinh/TieuTu/ConMen.htm





=========================================================



Truyện ngắn của Tiểu Tử:





Tiểu Tử, tức Võ Hoài Nam, đã vượt thoát khỏi Thiên đàng cộng sản vào năm 1978. Tiểu Tử là ngòi bút của kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp.


33. Tấm vạc giường
14. Cái loa
12. Thèm
11. Con Mén
9. Nội
5. Xíu
------------------------------

Tiểu sử của tác gỉả:

Họ tên: Võ Hoài Nam
Sanh: 1930
Nguyên quán: Gò Dầu Hạ (Tây Ninh)
Bút hiệu: Tiểu Tử

- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy Lý Hóa trung học Pétrus Ký: 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Ðịnh cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của nhà nước Côte d' Ivoire (Phi Châu):
1979/ 1982.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d'Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn "Trò Ðời" của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện "Những Mảnh Vụn" (Làng Văn Toronto xuất bản) là tập truyện đầu tay.


Chuyện di tản 1975

 

  • 26.07.2008

Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết!

Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…

 

Chuyện 1

Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !

Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp. 

Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con  cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của bà  trong chuỗi  ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử  chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu ?... Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…

 

Chuyện 2

Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !

Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…

Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…

 

Chuyện 3

Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ - chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới  bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy - người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.

Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…

Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội.

Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….

Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm !

 

Chuyện 4

Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !

Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói: «Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt!

Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi -- ở đâu Cha con nó có gặp lại nhau không? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…

 

Tiểu Tử





***********************************************************

 

Bát Bún Riêu



- Truyện ngắn của Lê Thị Bảo Trân
https://youtu.be/BM8QAsi9SP0





Bát bún riêu

Bát bún riêu – Lê Bảo Trân

image

Từ Auclair, theo đường Liên Tỉnh 53, ngược lên mạn Bắc là Salon Springs thì rẽ phải theo Hương Lộ “P” nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lăn mình giữa những khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp, tiếp tục thêm vào dăm vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nivagamond, Louisiana, trạm đặc khu của người da đỏ.
Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu. Hơn nửa giờ lái xe, không một bóng người ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô sào sạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào 1 hành tinh xa lạ không sinh vật. Đồi lại đồi liền liền tiếp nối nhau sau cùng tới Nivagamond. Nơi đây có Viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình thì mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.
Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh nhưng tuyệt đối không. Ngoài rừng phong đỏ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời. Trung Tâm An Dưỡng Lakeview như tên gọi ẩn mình dưới tàng cây rợp bóng trên khu đất rộng.
Quay lưng vô rừng thông nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương, tôi ngẫm nghĩ, nơi đây có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lãng, còn chọn làm viện dưỡng lão thì hơi tàn nhẫn.
Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá, y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai, người nào cũng bận bù đầu, rảnh rỗi đâu mà tán gẫu với những người già. Nhất là sau buổi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều đã về nhà thì bóng đêm chắc phải thật dài.
Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang dàn chào. Trên mỗi xe là 1 lão ông hoặc lão bà độ bảy, tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kính. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh khác. Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhất tới đây chăng? Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi bèn nhoẻn miệng cười:
– Ông ngạc nhiên lắm sao?
Tôi ngập ngừng:
– Bộ họ biết hôm nay tôi đến đây nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt tôi.
Cô y tá khẽ lắc đầu:
– Mỗi ngày đều như vậy, sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ.
– Chờ thân nhân tới đón?
– Dạ thưa không.
– Vậy hay là chờ bạn bè đến thăm?
Cô y tá phì cười pha trò:
– Ông nghĩ già ngần ấy tuổi mà còn hẹn bạn gái sao?
– Không, ý tôi là bạn thông thường đấy.
– Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó thôi, rồi ngậm ngùi họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong ký ức.
Rồi cô khẽ thở dài:
– Tôi làm việc ở đây hơn 10 năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh, tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.
– Chắc ít nhiều, lòng cô cũng có phần nào xao xuyến, phải không cô?
– Thật tình mà nói lúc đầu thì có đấy, nhưng mà bây giờ tôi đã quen rồi.
– Tôi nghĩ là cô rất mẫn cảm?
– Chỉ là do tập luyện thôi chứ bằng không thì sẽ ngã quỵ đó ông!
Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên, một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo.. Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:
– Ông đi lên thang máy hay là đi xuống?
Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:
– Đi... đi xuống, rồi đi.. đi lên, rồi đi.. đi xuống, đi lên.
Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đang hướng về phương trời vô định. Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng này, cô y tá thản nhiên nói:
– Vậy thì xin ông bước ra chờ chuyến sau sẽ có người đi với, chúng tôi đang bận.
Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa. Tôi thắc mắc: – Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao cô?
– Chúng tôi đã lượng trước được điều ấy cho nên tất cả nút cắt điện trong viện đều gắn rất cao người già không thể với tới.
– À thì ra vậy!
Công tác xong trời cũng về chiều, tôi từ giã, cô y tá tiễn tôi ra cửa. Đoàn xe lăn vẫn còn dàn chào.
Chợt trông thấy trong góc tối 1 ông lão độ trên dưới 80 đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hoà nhập vào toán dàn chào. Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ loà xoà trên trán, vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân da đỏ. Hiếu kỳ tôi hỏi cô y tá:
– Và vị dưỡng lão này cũng là người Indian hở cô? Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính phủ liên bang chứ?
Cô ta ngạc nhiên:
– Ủa sao ông lại hỏi vậy?
Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn:
– Vậy không phải Indian là gì?
Cô y tá phì cười:
– Ông ta là người Á Đông đó ông ạ.
Tôi giật mình:
– Người Á Đông?
– Dạ phải, dường như là Việt Nam đó.
Thêm một lần kinh ngạc, tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo này cũng có người Việt cư trú.. Tôi bèn hỏi dồn:
– Sao cô biết ông ta là người Việt.
– Dạ thưa ông hồ sơ có ghi đó ông ạ.

Rồi cô khẽ lắc đầu:
– Tội nghiệp, ông ta rất hiền lành dễ thương ai cũng quý mến cả. Nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh cho nên suốt ngày cứ thui thủi một mình không có bạn.
– Vậy thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm ông ấy không?
– Một lần cách đây lâu lắm, hẳn có uẩn khúc gì đây.
Không cam tâm làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu tôi cũng là người Việt Nam. Cô ta trố mắt:
– Ồ thế mà tôi cứ đinh ninh ông là người Trung Hoa.
Tôi cười:
– Trong mắt người Tây Phương, thì bất cứ ai da vàng cũng là người Tàu.
Cô ta pha trò:
– Cũng đâu phải lạ, nhiều anh Tàu nhan nhản khắp nơi. Ngay trong xóm da đỏ hẻo lánh tít mù trên miền Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò vừa ngon vừa rẻ nhưng phải cái là…..
Tôi nhoẻn miệng cười:
– Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều phải không cô?
Cô ta cười xòa:
– Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy, có khi còn thặng dư là khác.
Tôi quay lại vấn đề:
– Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để mà chào hỏi làm quen, có thể ông ấy cũng đang cần nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.
Cô y tá mừng rỡ:
– Hay lắm, đó cũng là điều tôi mong muốn. Vùng này hẻo lánh quá nên không tìm ra người thông dịch, nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng không?
– Vâng, tôi sẽ cố gắng làm điều đó cô.

Thấy tôi đi tới ông lão ngước lên, nhíu đôi mắt hom hem nhìn chầm chập, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng. Tôi gật đầu chào:
– Dạ thưa chào cụ ạ.
Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:
– Dạ chào, chào thầy, thầy người Việt à?
Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông.
– Thưa cụ cháu cũng là người Việt như cụ đấy ạ.
Ông lại nghẹn ngào:
– Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Mẹ Từ Bi đã cho tôi gặp được ông.
Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.
– Thưa cụ, vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay là do Thiên Chúa và Đức Mẹ sắp đặt.
– Tại đêm nào tôi cũng cầu nguyện ơn trên cho tôi gặp được người đồng hương.
– Có chuyện gì khẩn cấp không thưa cụ?
– Để được nói chuyện bằng tiếng Việt mình thôi.
Cụ thở dài:
– Lâu lắm rồi tôi chưa được nói hay là nghe tiếng mẹ đẻ.
Nhức trong tim, tôi bùi ngùi thương cảm, một ước mơ thật đơn giản mà sao quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:
“Tên tôi là Tỉnh, Nguyễn Văn Tỉnh, trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá. Tuy không giàu, nhưng cuộc sống cũng sung túc. Tôi có vợ, 3 con trai, đứa lớn nhất còn sống thì giờ này cũng đã gần 50. Năm 75, Cộng Sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn, sẵn phương tiện trong tay tôi chở vợ con vượt thoát, nhưng chẳng may là sau 3 ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn tàu chìm. Tôi và đứa con út lên 6 được may mắn đã gặp tàu Mỹ nó vớt, còn vợ và 2 đứa con lớn thì mất tích thầy ạ. Sau đó thì tôi được bảo trợ về Louisiana, nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tôi bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước là để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại của tôi. Tôi ước mong thằng bé sẽ theo cha mà học nghề biển nhưng nó thì không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ, kỹ sư ngồi nhà mát thôi chứ không chịu dãi nắng dầm mưa như bố, thế nên thầy biết không, vừa xong trung học là nó quyết chọn trường xa để mà tiếp tục theo đại học”.
Ông ngừng lại một chút để dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:
“Tôi chỉ có mình nó, không thể sống xa con, nên quyết định là bán hết tài sản để mà dọn theo, bạn bè ai cũng ngăn cản thầy ạ, nhưng tôi quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến cái tiểu bang này mua 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn chút ít thì gửi vào trong quỹ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng chẳng nhẹ nhàng. Tuổi ngày một già thì sức khỏe càng yếu, năm ấy trời mưa đá, tôi bị ngã gẫy chân thầy ạ. Bác sĩ cho biết xương già thì không có lành được và phải vĩnh viễn ngồi trên xe lăn. Thằng Út ra trường có việc làm ở Nữu Ước.
Tự biết là khó có thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó nên tôi xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước thầy ạ cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tôi làm thủ tục và hứa là khi nào làm ăn yên ổn nó sẽ đón tôi về. Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ, may thay trong lúc đang bối rối thì có anh bạn học người da đỏ quen Út mách cho tôi nơi này. Thấy con tôi buồn tôi bèn an ủi nó: nơi nào cũng là quê người, cũng giống nhau thôi, thỉnh thoảng con về thăm bố là bố vui rồi. Thế là cả ngôi nhà lẫn tiền dành dụm phải trao hết cho viện dưỡng lão, dĩ nhiên là tôi được nhận.”
Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang soải cánh ông chép miệng:
– Chà nhanh quá, mới đó đã 10 năm rồi.
– Thưa cụ, thời gian qua chắc là anh Út vẫn thường xuyên về thăm cụ chứ?
– Ừ, một năm thì nó cũng trở lại, nó khoe tôi hình cô gái Mỹ và nó nói, dâu tương lai của bố đó. Rồi thầy biết không, từ đó biệt tăm luôn.
– Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy sao?
– Không, mà thật tình tôi cũng không muốn biết nữa.
– Tại sao, anh ấy là con trai duy nhất của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy nhé?
Ông lão rơm rớm nước mắt:
– Tôi sợ lắm, thầy ơi, thà biền biệt như thế mà tôi vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở một nơi nào đó trên quả đất còn hơn là biết tin buồn. Quả tình tôi không kham nổi.
Tôi nghẹn lời nói không được, lát sau qua cơn xúc động, tôi bèn hỏi:
– Giờ đây cụ có còn ước nguyện gì thì cụ cho cháu biết, cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng của mình thưa cụ.
Ông lão thở dài:
– Già rồi còn được mấy năm trước mặt hở thầy?
Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:
– À, mà tôi thèm một bát bún riêu quá.
Hai tuần sau vào ngày Chủ Nhật, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm 2 bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi còn đặc biệt có thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem vào viện dưỡng lão Lakeview. Mất hơn 4 giờ, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng.
Bất ngờ trông thấy tôi ông mừng rỡ kêu lên:
– Ồ kìa thầy, thầy lại về đây công tác hở thầy?
Tôi chạy tới nắm tay ông:
– Dạ thưa lần này thì cháu chỉ đến đây thăm cụ và cháu có một món quà đặc biệt mang biếu cụ đây.
Lộ vẻ cảm động ông cụ nhoẻn cười đôi mắt nhăn nheo:
– Bày vẽ làm chi hở thầy, đến thăm tôi là quý rồi thầy ơi.
Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo 1 lọ cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi bỏ bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, chan nước dùng nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm trên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt. Nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba trái ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt. Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:
– Cám ơn thầy, không ngờ hôm nay tôi còn được ăn bát riêu cua. Mời thầy cùng ăn cho vui ạ.
– Cám ơn cụ, cháu đã ăn xong ở nhà, xin cụ dùng tự nhiên, bún riêu còn nhiều, hết tô này cháu sẽ hâm tô khác.
Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon, chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn miệng khen tấm tắc:
– Trời ơi, bún riêu ngon quá mà mắm ruốc thơm quá thầy ơi.
Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:
– Thưa nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út và thường xuyên thăm viếng cụ nhé..
Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má hóp:
– Trời ơi, sao tôi có được diễm phúc như vậy sao trời!
Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân, và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi. Năm sau, còn một ngày nữa là Tết, tôi đã chuẩn bị xong quà cáp có cả trà thơm, mứt ngọt dự định sáng hôm sau Mồng Một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ. Đang ngon giấc, chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu dây tiếng cô y tá trực của viện dưỡng lão Lakeview:
– Dạ thưa hỏi, có phải ông là ông Trần không?
– Dạ vâng ạ, là chính tôi đây .
– Dạ thưa ông, cụ Tỉnh đau nặng.
– Tình trạng thế nào có nguy không cô?
– À, đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện ở thành phố đó thưa ông.
– Cám ơn cô rất nhiều, ngày mai tôi sẽ đến cụ.
– À ông nên đi sớm hơn đi là vì sợ không còn dịp nữa.
Tôi rụng rời, ngoài trời tuyết rơi càng lúc càng nhiều, trời trở lạnh, gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kính nghe rào rào như vãi cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xoá một màu, tuyết phủ lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố. Sau cùng cũng tới được bệnh viện Hayward.
Cô y tá nhìn tôi ái ngại:
– Thưa ông, suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó. Không biết có phải là ông không ạ..
– Cô còn nhớ là ông gọi tên gì không?
– Chỉ một tiếng duy nhất, dường như là Work hay Út gì đó.
Tôi đã hiểu là thằng Út.
Tôi hé cửa lách vào trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường, người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào.. Út.. Út.
Nước mắt chực trào ra, giờ phút nầy tôi phải làm một điều gì để ông được mỉm cười khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay gầy guộc và nghẹn ngào:


– Thưa cha, con đã về đây thưa cha.
Mi mắt ông động đậy, cố nhướng nhìn lên. Rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:
– Út.. Út, Út con.
– Phải thưa cha, con là Út đây cha. Con là đứa con bất hiếu đã quay về bên cha để xin cha tha thứ cho con.
Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cử động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.
Gia tài ông để lại là một bọc vải nhỏ trong ấy có một tượng chúa Giê-Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.
******
Những năm sau, mỗi lần có dịp lên mạn Bắc, tôi đều ghé nghĩa trang thăm ông.


Hôm nay, trời vào Thu!
Nghĩa trang chiều hoang vắng quá!
Lá vàng từng chiếc rơi trên mộ.
Tôi lặng người nghe khóe mắt rưng rưng...


Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai...
Lê Bảo Trân


Bát Bún Riêu

http://nghetruyenxua.com/bat-bun-rieu-tac-gia-le-bao-tran-nghe-truyen-ngan/


Nguồn: https://sites.google.com/site/datutieuvuparis/giai-tri/--thu-gian/bat-bun-rieu




******************************************************************************



Lá Thư Gửi Cho Con Cháu
- Giáo sư Nguyễn Văn Phú | Thanh Phương diễn đọc
Chương trình: Vietlove

https://youtu.be/3OmxWL_VuA0



Thư gửi con cháu

* Nguyễn Văn Phú

LTS: Nhân tác giả mới qua đời, hưởng thọ 86 tuổi, chúng tôi cho đăng lại bài viết này như một nhắc nhở đến lời tâm huyết, tuy giản dị đơn sơ nhưng chân tình và phán đoán đúng đắn, nói lên nhân cách một đời nhà giáo của tác giả.

Các con thân yêu,

Nay, bố mẹ tuổi đã 80, thế cũng là khá thọ so với các thế hệ trước bố mẹ. Bố mẹ đã nhiều lần nói chuyện với các con về một số vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ các con cùng nghe.


Hình: Cố GS Nguyễn Văn Phú (1927-2013) Nguyên hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Hưng Ðạo Sài Gòn, giáo sư Toán và là tác giả nhiều sách Toán bậc Tú Tài trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.

Hơn nữa, không chắc các con đã nhớ hết những lời nói của bố mẹ. Vì thế mới có lá thư này để tóm tắt những ý kiến chính mà bố mẹ muốn gửi đến các con. Còn các cháu thì chỉ nói mà ít đọc được tiếng Việt, nên các con hãy liệu cách truyền đạt lại ý của bố mẹ và giảng giải cho các cháu biết, chẳng những biết mà phải hiểu kỹ những điều bố mẹ viết ra đây ngày hôm nay.

Biết ơn

Các con ạ, trên đường tỵ nạn cộng sản, tìm tự do, chúng ta đã bỏ lại tất cả, tài sản, bàn thờ và mồ mả tổ tiên. Khi đến định cư nơi quê hương thứ hai này, chúng ta đã được chính quyền và dân chúng đón tiếp và giúp đỡ. Hiện nay, đời sống của chúng ta đã ổn định. Chúng ta phải biết ơn đất nước này và hãy tìm cách góp phần làm cho đất nước này tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn để đền đáp phần nào cái ơn đó.

Lý do tỵ nạn

Các con cần giảng rõ cho các cháu biết lý do nào đã khiến cho gia đình chúng ta tới đây cùng với hàng vạn gia đình khác, đó là: chúng ta tỵ nạn cộng sản, đi tìm tự do. Các cháu được sống trong một xã hội dân chủ, tự do từ lúc mới sinh ra nên không thể tưởng tượng nổi tính dối trá và các thủ đoạn nham hiểm của cộng sản. Các cháu khó có thể tin được tại sao con người đối với nhau mà lại tàn ác như vậy. (Có thể cho các cháu coi phim Journey from the Fall-Vượt Sóng, do Trần Hàm đạo diễn, khởi chiếu 30-4-2005). Cộng sản hành động rất ác nhưng nói rất khéo và che đậy rất giỏi! Vì thế phải giải thích cho các cháu hiểu, không phải để hận thù mà là để biết sự thật. Có một câu mà nhiều người hay nhắc: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Quê Cha Ðất Tổ

Dù công việc bận rộn đến mấy, các con hãy dành thì giờ nghiền ngẫm những trang lịch sử và địa lý Việt Nam, để biết nguồn gốc dân tộc, sự hình thành đất nước, những bước thăng trầm, những nỗi vinh nhục, những khôn ngoan và lầm lỗi của ông cha ta. Và từ đó chúng ta rút ra những bài học. Có những trang sử oai hùng, mà cũng có những trang sử đẫm nước mắt. Có khi nước ta bị đô hộ khổ nhục cả ngàn năm, mà cũng nhiều khi dân ta anh dũng vùng lên phá xiềng xích, giành tự chủ. Lại cũng có khi người mình đi xâm chiếm tàn phá nhiều nước khác, thí dụ gần đây nhất là mười năm tàn phá Cao Mên, gây nên căm hờn của nước láng giềng và để lại cái nghiệp nặng mà các thế hệ sau sẽ còn phải gánh chịu!

Lịch sử gần đây

Nước ta bị Pháp đô hộ từ cuối thế kỷ 19. Khoảng 1940, đại chiến thế giới bùng nổ. Ở nước ta, Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3, 1945. Vua Bảo Ðại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp, rồi giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Phe Trục gồm Ðức, Ý, Nhật thua Ðồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa.

Ngày 19 tháng 8, 1945, Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng không được bao lâu, Pháp tìm cách quay lại. Cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bắt đầu ngày 19 tháng 12, 1946. Khi phe Việt Minh lộ rõ bản chất cộng sản, các đảng phái quốc gia trước nguy cơ bị họ tiêu diệt dần, đã trở về vùng quốc gia là nơi đã thiết lập một chính quyền khác với chính quyền vùng kháng chiến mà thực chất là cộng sản.

Sau trận Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước: miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Miền Bắc công khai theo khối cộng sản, tiến hành xâm lăng miền Nam bằng võ lực và che mắt thế giới bằng con bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Miền Nam được Hoa Kỳ và đồng minh của khối tự do ủng hộ để ngăn sự bành trướng của cộng sản. Khi quân xâm lăng mạnh lên thì Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam, bắt đầu vào 1960, và chiến tranh trở nên khốc liệt.

Năm 1972, sau khi Liên Xô và Trung Quốc trở thành đối nghịch thì Tổng Thống Nixon đến Trung Quốc ký Thỏa hiệp Thượng Hải. Hoa Kỳ không cần đến “tiền đồn chống Cộng” nữa nên bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa! (Soạn phẩm Khi Ðồng Minh Tháo Chạy của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết những sự thật phũ phàng về sự bội ước và tháo chạy của Mỹ.) Theo Hiệp định Paris 1973: Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, chỉ để lại một số cố vấn mà thôi, còn quân Bắc Việt vẫn ở lại! Cộng sản Bắc Việt tiếp tục xâm lăng miền Nam với nhiều viện trợ của cộng sản quốc tế. Việt Nam Cộng Hòa dù tự vệ can trường đến mấy, mà không đủ vũ khí, xăng dầu thì chắc chắn là kém thế. Ngày 30 tháng 4, 1975, thủ đô Sài Gòn thất thủ. Cuộc di cư tỵ nạn Cộng sản, tìm tự do bắt đầu. Từ đây trở đi, chính các con biết khá nhiều chi tiết.

Suy xét thông tin và sử liệu

Thời buổi này, thông tin rất nhiều, quá nhiều. Người ta viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam nhiều lắm, có cả phim ảnh nữa, nhưng trung thực thì chẳng được bao nhiêu. Có người viết trung thực nhưng chỉ nhìn được một khía cạnh của vấn đề, hệt như “những anh mù sờ voi.” Có người cố ý bẻ cong sự thật, nhằm đạt mục đích riêng của mình. Có người – kể cả nhà tu – còn bịa đặt thêm chuyện để vu khống người khác! Tệ nhất là khi kẻ cầm quyền hay tay sai của họ viết sử. Nhà văn Alex Haley đã viết ở dòng cuối tác phẩm Roots (Nguồn cội): “Rốt cuộc, chính kẻ chiến thắng là kẻ viết sử.”

Cho nên, bố mẹ ân cần dặn các con và nhất là các cháu rằng khi đọc tài liệu, sách vở và coi phim về Việt Nam thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dù là của tác giả nào, kể cả Âu-Mỹ, cũng phải hết sức thận trọng và suy xét thông minh.

Theo bố mẹ thì cuộc chiến 1954-1975 ở nước ta là chiến tranh Nam Bắc, là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, là đối đầu giữa hai khối cộng sản và tự do; khí giới nước ngoài, máu dân Việt mình. Ðối với người miền Nam, đó là chiến tranh tự vệ. Còn cộng sản Bắc Việt thì tuyên truyền và giáo dục quần chúng rằng đó là chiến tranh chống Mỹ-Ngụy và thống nhất đất nước. Kẻ thắng kiêu ngạo và tàn ác, người thua uất hận trong tủi nhục. Mấu chốt của sự chia rẽ trầm trọng trong dân tộc ta nằm ở điểm ấy (kể ra thì dân tộc ta còn nhiều sự chia rẽ khác nữa). Chưa thay đổi được hai cách nghĩ đó thì chưa nói tới hòa hợp dân tộc được! Hàng triệu người đã chết, tuy đất nước được thống nhất mà lòng người đến nay vẫn còn chia rẽ.

Về thăm Việt Nam

Có vài vị hỏi bố mẹ đã về thăm Việt Nam chưa. Câu trả lời là chưa; vì lý do sức khỏe. Ðã có rất nhiều người về Việt Nam, mỗi người một lý do, mỗi người một mục đích, mỗi người một cách nhìn!

Về để chăm sóc cha già mẹ yếu, thăm nuôi người thân, về để sửa sang phần mộ tổ tiên, về để giảng dạy cho sinh viên, để nhìn lại quê hương, những điều ấy là chính đáng.

Về để cứu trợ nạn nhân của các thiên tai hay giúp đỡ đồng bào nghèo túng mà không vì danh vì lợi, cũng là việc tốt.

Về để ăn chơi, để du lịch rẻ tiền, để cầu danh lợi, để xin vài tấm bằng khen, thì không nên.

Sau này, khi trong nước thay đổi thật sự, các con có thể đưa các cháu về thăm quê hương. Bố mẹ biết trước rằng các cháu sẽ không xúc động lắm đâu vì con người ta phải có kỷ niệm, phải có gắn bó thì mới xúc động được. Các con hãy cố hướng dẫn cho các cháu yêu đất nước, dân tộc và đồng bào Việt Nam, đừng để cho các cháu chỉ là những khách du lịch bình thường. Còn việc các con hay các cháu sẽ về làm ăn sinh sống tại Việt Nam thì bố mẹ nghĩ rằng điều đó rất khó xẩy ra.

Hiện tình đất nước

Nếu có ai nói rằng Việt Nam nay đã tiến bộ (đa số người dân nay đã được ăn cơm thay vì cơm trộn bo bo, có nhiều xe gắn máy và xe hơi thay cho xe đạp… chẳng lẽ sau 30 năm im tiếng súng mà không có tiến bộ!) thì đó là một vài tiến bộ so với chính Việt Nam chứ nếu đem so sánh Việt Nam với các nước láng giềng thì đáng xấu hổ về nhiều mặt (như Cao Mên mà cũng còn có đảng đối lập).

Muốn biết những sự thật ở Việt Nam đằng sau những “bin đinh” cao ngất, những “ô tô con” bóng loáng, những khách sạn năm sao, những sân “gôn” tân kỳ, thì phải theo dõi tin tức trong nước để thấy sự băng hoại trầm trọng về nhiều phương diện (nhất là về giáo dục), sự hiện diện của tư bản đỏ, của quốc nạn tham nhũng, sự phung phí tài nguyên quốc gia, và phải đích thân đến thăm đồng bào nơi các vùng xa xôi nghèo khó. Chúng ta cần biết sự thật, không tô hồng mà cũng chẳng bôi đen!

Ðể tạm hiểu hiện trạng nước ta, các con tìm đọc bài nói của Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Trung Ương Hà Nội. Ông ta thuyết trình các sự thật cho các cán bộ cao cấp nhất của cộng sản Việt Nam nghe. Bài nói này gần đây mới được tiết lộ ra ngoài. Bài giới thiệu viết:


“Mọi người phải chú ý tới những con số cho thấy sự thật phũ phàng về nền kinh tế Việt Nam. Ông Doanh cho thấy cả tình trạng yếu kém của nền kinh tế lẫn tính chất phi dân chủ của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Từ đó ông dám nói thẳng cả cơ cấu chính trị cũng hỏng, phải thay đổi”, 2005).

Ông Doanh kể lại rằng một chuyên viên tài chánh quốc tế đã đặt câu hỏi với ông như sau:
“Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến thế, là thế nào? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng đi ăn xin nữa, có được không?”

Thật là một mối nhục chung cho cả nước! Nước ta đâu có hèn kém, dân ta đâu có lười biếng. Do đâu mà khổ nhục đến thế? Do độc tài đảng trị!

Thái độ chính trị

Không những đồng bào hải ngoại đòi bãi bỏ độc đảng, thiết lập đa nguyên đa đảng, mà ngay cả những đảng viên cộng sản cùng các phần tử tiến bộ ở trong nước cũng đòi như vậy. Cần hiểu rằng: chống độc tài, độc đảng, chống tham nhũng, chống đường lối sai lầm của cộng sản, không phải là chống nước Việt Nam mà là mong cho nước Việt Nam khá hơn, tiến hơn.

Nếu có ai nghĩ rằng cộng sản Việt Nam ngày nay đã “đổi mới” một chút thì nên biết rằng do sự sụp đổ của cộng sản Ðông Âu, do sự đấu tranh ở trong và ngoài nước, do áp lực quốc tế và do nguy cơ tan rã của đảng nên cộng sản Việt Nam bắt buộc phải đổi mới về kinh tế(mà không chịu đổi mới về chính trị)! Tuy mình không làm chính trị nhưng mình phải có thái độ chính trị, mình phải tiếp tục ủng hộ các cuộc đấu tranh sao cho đất nước có dân chủ tự do thật sự.

Tổng bí thư của cộng sản Việt Nam đã nhận rằng cộng sản Việt Nam co Ô “phạm nhiều sai lầm.” Chúng ta hỏi: sai lầm sao không sửa, sao không công khai xin lỗi quốc dân, sao không trả lại ruộng đất nhà cửa cho các tư nhân và các giáo hội, sao không bồi thường cho các nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất, của vụ Nhân Văn Giai Phẩm, của các đợt cải tạo công thương nghiệp, sao không bồi thường và xin lỗi những người bị bắt đi tù “học tập cải tạo”?

Sự thực thì ai ai cũng muốn xóa bỏ hận thù, nhưng cộng sản Việt Nam cần phải hành động cụ thể cho nhân dân trông thấy. Nói “xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” suông thôi thì ích gì? Nói “đại đoàn kết” mà lại do đảng lãnh đạo (điều 4 hiến pháp cộng sản) thì ai mà tin được!


 

Chuyện trong gia đình

Bây giờ, nói chuyện trong nhà. Bố mẹ thuộc thế hệ trước, nuôi nấng các con theo quan niệm thời bố mẹ, cũng như ông bà nuôi nấng bố mẹ thời ông bà. Một vài lúc nào đó, có thể các con nghĩ rằng bố mẹ đã quá khắt khe với các con. Thời buổi ấy là như vậy. Mong các con quên đi những gì mà bố mẹ đã vô tình làm các con buồn lòng. Hãy nhớ rằng bố mẹ không đua đòi ăn chơi, không chi tiêu hoang phí, lúc nào cũng giữ một đời sống mực thước, và bố mẹ đã cố gắng làm việc và dành dụm để các con được sống đầy đủ, được học hành cẩn thận, dưới mái ấm của gia đình.


Vì tài sản của bố mẹ đã bị CS cướp hết rồi nên khi sang tới đất mới này, đời sống của chúng ta khá khó khăn. Bố mẹ đã nhận làm những công việc thật mệt nhọc. Các con đã chịu khó đi làm vất vả trong các dịp hè, và đã cố gắng học hành chăm chỉ, đến nay thì “đâu vào đấy”cả. Các con không bao giờ được tự mãn, nghĩ rằng mình tài, mình giỏi. Hãy nhớ: “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình.” Cái tài, cái giỏi nếu có thì chỉ là một phần thôi, còn các phần khác là nhờ các thuận duyên, nhờ âm đức của tổ tiên và của chính mình, từ các kiếp trước và kiếp này. Các con phải luôn luôn sống đạo đức để bồi đắp cho cái nghiệp lành của mình, hệt như người dùng xe hơi phải lo “sạc điện” cho cái bình ắc-quy vậy. Gieo nhân lành thì sẽ hái quả lành. Luật nhân quả là một luật của trời đất, không sai được!


Trong gia đình riêng của các con, bố mẹ khuyên: vợ chồng phải cư xử với nhau trong sự tương kính, phải nhường nhịn lẫn nhau. Không thể tránh được vài đụng chạm đâu, hãy khéo léo và bình tĩnh mà giải quyết mọi việc. Nóng giận là hỏng.


Còn đối với con cái, hãy thương yêu nhưng không được nuông chiều. Cần phải kiểm soát bạn bè của các cháu và phải liên lạc với cha mẹ của bạn bè các cháu để tìm hiểu cho chắc chắn; hư hỏng vì bè bạn trong xã hội này là một sự kiện rất phổ biến! Tivi, “ghêm”, “chat”… phải hạn chế, còn thể dục thể thao thì nên khuyến khích.


Bản thân các con phải lo xếp thì giờ tập thể dục, sống một cuộc sống thăng bằng. Hãy rút kinh nghiệm của bố: lúc trẻ, bố miệt mài làm việc nhiều quá cho nên nay về già, bị cơ thể “hỏi tội,” đau lên đau xuống hoài!


Trong đời sống hàng ngày, phải luôn luôn tiết kiệm và bảo vệ môi trường sinh hoạt vì tài nguyên thế giới chỉ có hạn, chúng ta cần nghĩ đến các thế hệ mai sau. Dùng thứ gì cũng không được phí phạm, kể từ tờ giấy lau tay! Thỉnh thoảng, hãy cho các cháu coi hình chụp hay phim ảnh những trẻ em đói rét và cho các cháu biết rằng trên trái đất này còn rất nhiều người khổ cực.


Khi anh chị em cư xử với nhau, phải nhớ kỹ mấy câu “anh em như thể tay chân,” “chị ngã em nâng,” “một giọt máu đào hơn ao nước lã,” “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.” Bí quyết là áp dụng chữ xả. Hãy bỏ qua hết mọi khuyết điểm của anh chị em mình. Các con mà chia rẽ thì bố mẹ sẽ đau khổ vô cùng.

Trong xã hội này, vì bận rộn quá, người ta chỉ đủ thì giờ lo cho gia đình riêng nên có khi lơ là với đại gia đình, dù thâm tâm không muốn như vậy. Các con hãy đề cao tình đoàn kết trong đại gia đình. Với các con gái và con dâu, bố mẹ nhắc: các con hãy giúp chồng giữ liên lạc tốt đẹp với anh chị em và họ hàng nội ngoại.

Tiếng Việt tại nước ngoài


Có vài điều đáng bàn. Các cháu là công dân nước này, với mọi bổn phận và quyền lợi của một công dân. Cuộc sống thực tế trong trường học cũng như ngoài xã hội bắt buộc các cháu phải nói Anh hay Pháp ngữ, và phải nói và viết thật giỏi, nếu không thì sẽ khó hòa đồng, bị lạc lõng và bị thua kém! Ði học, các cháu nói tiếng Anh hay tiếng Pháp (hoặc cả hai). Về nhà, các cháu thường nói với nhau bằng hai thứ tiếng ấy. Tuy các con thường bắt các cháu nói tiếng Việt trong gia đình, bố mẹ vẫn cảm thấy tiếng Việt của các cháu hãy còn kém. Nói tiếng Việt đã yếu, viết câu tiếng Việt còn tệ hơn, vì các cháu có tập đọc và viết chữ Việt thường xuyên đâu! Một vài giờ tiếng Việt vào cuối tuần ở trung tâm Việt ngữ với các cô giáo rất tận tâm cũng chưa đủ làm cho các cháu khá lên. Chỉ riêng việc học cách xưng hô theo tiếng Việt đã là khó nhất thế giới rồi!

Ðồng bào ta ở hải ngoại luôn luôn nhắc đến việc bảo tồn tiếng Việt. Bố mẹ cũng nghĩ như vậy. Nhưng xét cho cùng, một đứa trẻ không thể kể là hai đứa trẻ (Việt & Canada hay Việt & Mỹ) nhập làm một được! Nếu ép quá thì sức của chúng chịu không nổi. Còn thể thao, còn âm nhạc nữa chứ. Vậy ta phải khéo chọn đúng liều lượng, đừng biến đứa trẻ thành “cái máy học”! Các cháu sẽ phải vươn lên ở đất nước này. Các con cần chuẩn bị sao cho chúng sống thích hợp với môi trường và sống thoải mái tại đây.

Xã Hội Âu-Mỹ

Xã hội này là một xã hội tiêu thụ quá mức. Các con không nên để mình bị lôi cuốn dễ dàng vào các trò tiếp thị khéo léo nhằm xúi giục chúng ta mua hàng thả giàn. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng của quảng cáo, ngay cả trong khi chúng ta đang bị các nhà băng và các hãng bảo hiểm bao vây, chi phối. Các con cần “thiểu dục, tri túc” tức là “ít ham, biết đủ,” chỉ mua thứ cần thiết, không có không được mà thôi! Nhà, xe cũng vậy; an toàn và đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày là được rồi. Tránh nợ nhiều. Thảnh thơi thì hơn! Bố mẹ không nói lý thuyết xuông đâu, xã hội bây giờ xuống dốc về đạo đức, về tâm linh, chỉ vì hướng ngoại nhiều quá, lo về vật chất nhiều quá, ích kỷ quá, chẳng tìm thấy hạnh phúc ở đâu cả! Bớt ích kỷ, hãy nghĩ đến đồng loại, phải biết chia sẻ với đồng loại.

 

Riêng phần bố mẹ

Già thì sẽ bệnh, bệnh rồi sẽ… ra đi! Quy luật tự nhiên là vậy. Ðến ngày ấy, các con hãy lo thu xếp tổ chức tang lễ cho bố mẹ được trang nghiêm nhưng đơn giản. Nếu chôn cất bố mẹ ở một nghĩa trang thì, sau này, khi phải đi làm ăn nơi khác, các con sẽ thắc mắc vì ở xa không trông nom được phần mộ! Bố mẹ chọn cách hỏa táng, thuận tiện hơn; mà khỏi phải chiếm đất, vì đất rất cần thiết cho các thế hệ sau. Có thể đem trải tro của bố mẹ lên núi hay xuống sông, xuống biển. Cát bụi trở về cát bụi, có gì đâu! Thay vì đãi đằng ăn uống, các con nên dành tiền bạc góp vào các việc có ích lợi chung. Ðừng e thiên hạ chê cười, mọi người sẽ hiểu và sẽ tán thành.

Có một chi tiết như thế này: nếu chẳng may, bố hay mẹ ngã bệnh mà phải chịu một “đời sống thực vật,” các con hãy can đảm chọn giải pháp rút các ống trợ sinh; kéo dài làm chi, chỉ gây khổ cho mọi người!

Bàn thờ gia đình

Trong hoàn cảnh ngày nay, khó lập bàn thờ ngay trong nhà. Nhớ đến tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, các con có thể bày ảnh nơi trang trọng nhất ở trong nhà để tỏ lòng tôn kính và để tự hứa không bao giờ làm tổn hại gia phong. Ðến ngày giỗ, xếp một bàn nhỏ, bày một chén nước trong, vài bông hoa thơm, mấy trái cây tươi và một nén nhang (nhang điện cũng được) là đủ, vì lòng thành của các con và các cháu mới là quý. Bố mẹ nói “các cháu” là có ý nhắc các con cần cho các cháu biết ý nghĩa ngày giỗ của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày giỗ, các con hãy nghĩ thiện, làm lành nhiều hơn các ngày khác, hãy chia sẻ chút đỉnh cho người nghèo, hãy gom quần áo dư để dành cho các hội từ thiện. Nếu anh chị em nhân ngày giỗ mà về họp mặt ở một nơi thì thật là tốt vì tình thân gia đình sẽ nhờ đó mà tăng lên.

Mong các con đọc kỹ thư này, suy nghĩ đến nơi và cố gắng thực hành những lời dặn của bố mẹ.

Bố mẹ cám ơn tất cả các con đã luôn luôn tận tâm săn sóc bố mẹ từ bao nhiêu năm nay và đã lo toan đầy đủ để cho bố mẹ được thoải mái, vui hưởng tuổi già.

Hôn các con thật lâu!

Hôn các cháu thật lâu!

Bố Mẹ.




~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Lá thư dịch ra tiếng Anh:
Letter to my children and grandchildren

Nguyễn Văn Phú

Translated by Minh Châu

Dear old friend,

While waiting for our children to pick us up from our monthly meeting at the Seniors’ Association, you and I had, on several occasions, the opportunity to discuss and to agree on a number of important points. You urged to me to put our thoughts on paper to share with our descendants because, as you said, your hands tremble so much these days that you are having difficulty holding the pen. Moreover, this year marks the 30th anniversary of our self-exile as refugees and we both thought it would be useful to transmit a clear message to our children and especially our grandchildren. During these last few months, I endeavored to accomplish the task you assigned. Today, my work may be considered complete. For ease of presentation, I wrote this article in the form of a letter by a father to his children. Please review it at your convenience. I would very much appreciate any corrections and improvements.

****

My beloved children,

Your mother and I are both in our eighties now, longevity virtually unknown to the earlier generations. Over the years, we have had many occasions to talk to you about a number of important subjects, but you were often not all present at the same time to share the same conversations. Moreover, you may not have entirely retained our message. Hence, this letter to summarize the key points that your mother and I wish to impart to you. For your children who speak Vietnamese but do not read it very well, we ask that you find the best way to communicate our thoughts to them and offer them the necessary explanations. It is not enough to merely take note of what we put today in writing for you. Please make an effort to really grasp the fundamental meaning of our message.

Gratefulness — My beloved children, in fleeing the communist regime in search of freedom, we had to leave everything behind: our properties, our ancestral shrine, as well as our ancestors’ final resting place. The authorities and the people of this adopted land opened their arms and their hearts to help us rebuild our lives. Now that we are relatively well established, we should be grateful and show it by doing our best to help make this nation even greater, stronger and more prosperous.

The cause of our exodus — You must be sure to explain clearly to your children the reasons which pushed our family as well as hundreds of thousands of others to choose a life of selfexiled immigrants in a foreign country: we fled communism, in search of freedom. Your children have the great fortune of living in a democratic society. Having known nothing but freedom since they were born, they would never imagine the full extent of the duplicity and the cruelty exerted by the communists. They would find it difficult to believe the atrocities to which men can submit men. (In due time, you may let them watch the movie Journey from the Fall, directed by Tran Ham, which premiered on April 30, 2005.) The communists are cruel in action, but very cunning in words and especially skilled in the art of concealment! Hence the need to really explain things to your children to ensure they have a full understanding of our background, not to incite hatred in them, but so they can be aware of the truth. We often repeat this saying amongst ourselves: “Don’t listen to what the communists say, just examine what they do.”

Our native land — Regardless of how busy you are, take the time to reflect on the history and the geography of Viet-Nam in order to understand the origin of our people and the creation of our homeland. Learn about the vicissitudes that our people experienced, including the moments of glory and the times of humiliation. Appreciate the wisdom and accomplishments of our forefathers as well as their mistakes. These are all lessons that we should learn and communicate to our descendants. The pages of our history books are alternatively filled with glorious achievements and painful tears. There was a time when our country had to bear the humiliation of Chinese occupation during a thousand years. Then, our heroic people rose to break the subversive bonds of domination and reclaimed our independence. Our past also included periods when we invaded and destroyed other countries. The most recent incident is the destructive ten-year occupation of Kampuchia, which incited the hatred of a neighboring country and created unwholesome karma, the fruits of which future generations will have to bear.

Recent historical events — Our country became a French colony around the end of the 19th century. In 1940, a World War erupted. In Vieät-Nam, on March 9, 1945, the Japanese overturned the French in a military coup. Emperor Bảo Đại enacted the abolition of the treaty of protectorate concluded with France and entrusted to Mr. Traàn Troïng Kim the formation of the first government of the independent state of Viet Nam. On the global scene, the countries of the axis — Germany, Italy and Japan — were overcome by the Allies — England, France, the United States, the USSR and China. In our country, on August 19, 1945, the Viet Minh revolutionary forces seized the power held by the Tran Trong Kim government and proclaimed the creation of the Democratic Republic of Vieät Nam. As France sought to restore its domination, on December 19, 1946, a war of national resistance was declared in view of defending our independence. At that time, the Vieät Minh revealed its true communist nature and initiated a campaign to eliminate the nationalist groups. Faced with the danger of being gradually eradicated, the nationalist parties pulled back into special zones controlled by another non-communist government..

After the battle of Điện Biên Phủ, the Geneva agreement of 1954 divided our country into two: the North became the Democratic Republic and the South, the Republic of Vieät-Nam. The North pledged open allegiance to the communist bloc and immediately launched the process of conquering the South by force, an act which it dissimulated to the eyes of the world by operating behind an organization of its creation, called the Front of Liberation of the South. At 3 that time, South Vieät-Nam accepted the support of the United States and the allied forces of the free world created to stop the expansion of communism. In the 1960s, as the invading forces from the North grew in numbers and in strength, the United States started pouring their own troops into the South, and the war intensified.

In 1972, after the rupture of relations between the USSR and China, President Nixon went to China and signed the Shanghai agreement. Consequently, no longer needing an “outpost in the fight against communism”, the United States dropped their support of the Republic of Viet Nam! [The book “Khi Đồng Minh Tháo Chạy (When the Allies Ran Away)” by Dr. Ngưyễn Tiến Hưng reveals the disappointing truths about the betrayal of the Americans in their shameful flight.] According to the Paris agreement signed in 1973, the United States was to withdraw their troops from South Viet-Nam and only leave in place a number of military advisers, while the North Vietnamese troops remained fully stationed in the South! The Communists of North Viet-Nam were therefore free to continue their unabated invasion of the South with the considerable assistance of the international communist bloc. Despite the courage shown in its war of self-defense, because of the serious lack of ammunition and fuel, South Viet-Nam was pushed into an untenable situation. On April 30, 1975, Saigon, the capital of the South, fell. In the months and years following that date, the world witnessed the exodus of the Vietnamese men, women and children fleeing communism, in search of freedom. I trust you already know the next chapters of our story with sufficient details.

Historical data and information — We live in an era of information and we are indeed swamped by a glut of data about everything. Much has been written about Vieät-Nam and the Vieät-Nam War, including photos and movies, but we found a serious shortage of books and films that are objective and truthful. There are of course a few authors who did try to provide an honest account of the war. Unfortunately, each of them only succeeded in relating one particular aspect of the truth, in the manner of the blind men in the ancient fable who tried to describe an elephant by each touching a part of its body. Moreover, many authors knowingly bend the truth to fit their personal justification or neurosis about the war. Still others, including certain monastic figures, make up stories for the purpose of slandering. The worst misrepresentations are found when those in power or their scribes engage in History writing. Alex Haley wrote in the last lines of his book Roots: “… preponderantly the histories have been written by the winners”. This is why we insist that you, and especially your children, should be extremely cautious and discerning in reading the books or viewing the films about Viet-Nam produced in the end of the 20th and the beginning of the 21st century, regardless of the authors and their nationalities.

From your parents’ perspective, the conflict that took place in our country from 1954 to 1975 was a war that opposed the North to the South, a civil war, a war by proxy resulting from the confrontation between the communist bloc and the free world, a war delivered with the weapons of the foreign countries and the blood of the Vietnamese people. For the South Vietnamese, it was a war of self-defense. Meanwhile, in the North, through propaganda and education of the masses, the communists portrayed it as a war delivered against the American puppet regime to reunify the country. The Northern winners had been arrogant and cruel; the defeated Southerners swallowed their pain and their anger, and bowed their heads in humiliation. There lies the heart of the deep chasm dividing our people (even though in all truth, there are many other reasons for the division). As long as one does not succeed in changing these two opposing views, it would be useless to speak about national reconciliation! Millions of dead people, a reunified country, but the Vietnamese people still remain deeply divided in their heart.

Visiting Viet-Nam — Many people asked us whether we had returned to Viet-Nam. Our response has always been: “Not yet, because of our health.” Many have returned to Viet-Nam, each for their own particular reasons. Needless to say, we all long to be reunited with our homeland, but everyone has a personal view about the pros and cons of the matter! Returning to the country to care for one’s aging or sick parents, to help one’s family, to restore one’s ancestral tombs, to teach young students, to visit one’s country, these are valid reasons to go. Returning to the country to bring solace to victims of natural disasters, to selflessly help compatriots in need, these are also commendable motives. But returning to enjoy sensual pleasures, to take advantage of cheap tourism, or to seek monetary gains and official distinctions, then it is better to abstain.

Later, if the country has shown some real improvements, you may want to bring your children to visit our homeland. But we predict that they will not be particularly moved — one may not feel any emotion if there are no memories which associate one with something. Thus, in raising your children, please try to provide guidance and help them appreciate our native land, our people, our compatriots, and make sure they do not behave as vulgar tourists. As for the probability of your returning to live in Vieät-Nam, we do not expect the prospects to be very positive.

The real situation in the country — If somebody tells you that the country has made progress — that the majority of the population are now able to eat rice with every meal, compared to the mix of rice and oats of the post-1975 era; that motorbikes and cars have mostly replaced bicycles — know that in truth, such progress only reflects the normal evolution of any country (after all, it would be unthinkable that after thirty years of peace, no growth or progress were achieved!). However, in terms of real democratic progress, if we compare Vieät-Nam to its neighbors, we cannot help feeling shame for the country’s failure in many aspects (even Kampuchea has an opposition party!).

If you want to know the real Viet-Nam beyond the tall buildings, the shiny cars, the luxurious five-star hotels, the modern golf courses, then seek information from inside the country to see the extensive breakdown in many sectors (education, in articular), the excesses of “red capitalism”, the plague of widespread corruption, and the waste of our nation’s natural resources. And don’t forget to visit our compatriots who live in desolate poor regions in the back country.. We need to look objectively at the actual situation without any make-up, that which is painted neither in pink nor in black.

For a clear view of the situation in our country, refer to a speech by Dr. Lê Đăng Doanh, former Director of the Central Institute of Research on Management in Haø-Noäi. In this speech, Dr. Doanh voiced the whole truth to the highest communist leaders. This document recently made its way abroad. In a presentation which is made of this text, one can read: “We should all pay attention to the numbers that point to the sad reality of the economic situation in Viet-Nam. Mr.. Doanh underlines the weaknesses of the economy and the antidemocratic nature of the communist regime in Viet-Nam. He affirms unequivocally that the political infrastructure is obsolete and should be changed.” (Ngo Nhân Dung, in Nguoi Viet Daily, March 30, 2005).

Mr. Doanh relates the following story. An expert in international finances asked him the following question: “Clever as you claim to be, how come your country is still poor after such a long period? With your intelligence and your proud tradition, why do you beg all the time? Why don’t you give yourself a goal in time after which you will resolve to stop asking for alms? Is this possible?” How humiliating for us all! Our country is not populated only by incompetents; our people are not lazy; why this utter misery? It is all due to the dictatorship of the Party!

Having a political attitude — Our fellow expatriates are not the only ones who demand the abolition of the unique-party regime; some members of the Communist Party and progressive elements in the country are also clamoring for the same. Understand this: the fight against dictatorship, against a single party regime, against corruption, against the erroneous policies of the Communists, is not a fight against Vieät-Nam; it is, quite to the contrary, an effort to move forward so that the country can improve and grow.

Some may say that the Vietnamese Communists did implement some change with the “đổi mới” or modernization program. Know that whatever modest change there was, it was the consequence of the collapse of communism in Eastern Europe, of the fight against oppression by the Vietnamese people inside the country and abroad, and of international pressure. It was the threat of the disintegration of the Party which drove the Communists to institute economic modernization (with no modernization whatsoever on the political level). Even though we do not “do politics”, we must nevertheless adopt a political attitude; we must continue to support the effort to bring about effective democracy and freedom to our country.

The Secretary General of the Communist Party recognized that the Vietnamese Communists “committed several serious errors.” The question that begs to be asked is this: if errors have been made, then why not correct them? Why not offer to the people a public apology? Why not return the wrongfully taken land and properties to their individual owners and religious institutions? Why not compensate the victims of the land reform, of the repression against the intellectuals and artists in the Nhan Van Giai Pham period, and of the waves of reforms in the industry and commerce sectors? Why not redress the harm done to those sent to the so-called “reeducation camps” and beg their forgiveness? In truth, everyone wishes to put aside hatred and resentments, but it is up to the Communists to demonstrate some constructive behavior that would convince the people of their good-will. It is utterly useless to simply say “let us erase hatred and resentments, let us forget the past and look towards the future” without doing anything concrete to turn the idea into policy and practice. To call for Ñaïi Ñoaøn Keát or Great Union on the one hand, and to place the proposed reconciliation under the stewardship of a unique, all controlling Party (Constitution, article 4) on the other hand – how would you expect anyone to trust such empty words?

Our family — Let’s now talk about our family. Your mother and I belong to an older generation. We raised you in accordance with the standards of our generation, just like your grandparents raised us according to the standards of their time.
You must have at times found us too strict. We simply followed the norm of our times. We hope that you will forget any unhappiness that, unaware, we may have inflicted upon you. Know that we did not seek an extravagant lifestyle, that we were never wasteful and that we lived well within the ethical and moral guidelines of our culture. We worked hard and saved every penny to provide for our family so that you could have a relatively comfortable life, a good education and a warm and happy home.

Because we had been despoiled of all our assets by the Communists, we experienced a rather difficult beginning on arrival in this country. Your mother and I had to accept very harsh working conditions. And you also, you had to work hard and diligently during your holidays in order to complete your studies. Today, everything seems to have fallen in place quite nicely. You should try never to be self-satisfied or to think of yourself as the best. Remember this: “When you look up, you will find that everyone is better, when you look down, you will see that everyone is worse.” Your personal talent, if any, counts only to some extent, the remainder results from the combination of favorable circumstances and the intangible benefits inherited from your ancestors and from your own actions in former lives and in this life. Always cultivate a virtuous life in order to improve your karma, in the same manner as a motorist must recharge the battery of his car. One reaps what one sows. Such is the universal law of cause and effect which leaves no one untouched!

Regarding your small family unit, here is our advice: between husband and wife, it is important to respect one another, to share and to compromise. Frictions are inevitable; resolve problems with patience, calm and wisdom. Anger is bad council, avoid it at all cost.

With respect to your children, love them without spoiling them. Be sure to keep an eye on their social circles. Establish contacts with the parents of their friends in order to obtain a fuller and deeper understanding of who they are. In our society today, bad peer influence is such a widespread phenomenon! The time spent watching television, playing video games or “chatting” on the Internet should be limited. On the other hand, it is important to encourage the practice of some physical activities and sports. This also applies to you personally. Be sure to include physical exercise in your routine in order to balance your activities. Let your father’s health condition be an inspiration to you. In my youth, I spent countless hours tied to my work. As a consequence, today, in my old age, my body “demands justice”, and I am frequently ill.

In your daily life, be thrifty (but not miserly). Make an effort to protect the environment because the resources of the world are limited; we must think of the future generations of our descendants. Do not waste anything, not even the Kleenex that you use to clean your hands. From time to time, let your children view the photographs and the films showing little children who are suffering terribly from hunger and cold; this will help them learn that in this world, a great many still live in misery.

Between brothers and sisters, keep in mind the following Vietnamese proverbs: “Brothers and sisters should be linked like hands and feet”; “when an elder sister falls, the little sister must help her up”; “a drop of blood is more valuable than a pond of water”; “when a horse is sick, the whole stable stops feeding”. The secret to maintaining good relationships between brothers and sisters may be found in one word: “forgiveness”. Do not hold rigor with your brothers and sisters for their defects. Any discord between you would be extremely painful to us.

In this society, as everyone seems to be short of time and can barely take care of his own immediate family, the extended family is somewhat neglected, much to our regret. Please make an effort to emphasize the tight relationship and unity in the extended family. To our daughters and daughters-in-law, we have a special request: help your husbands to maintain good relations between your brothers and sisters, as well as with all relatives on both the paternal and the maternal sides of the family.

Speaking Vietnamese — Some points need to be mentioned here. Your children have grown up as citizens of our host country with all the related rights and duties. Their daily life at school and in society forces them to speak and to write English and/or French impeccably, or they would run the risk of not being able to fully integrate in their social environment, of being insulated and missing out on opportunities for success and growth. They communicate with each other quite fluently in the two languages. Even though you do encourage them to speak Vietnamese at home, we feel their command of our language is rather weak. Their conversation skills are lacking, and their writing skills are even worse.. This is understandable because they never dedicated enough time practicing reading and writing in Vietnamese! To help your children acquire any meaningful command of our language, it is simply not enough to spend a few hours each weekend at the language school with a teacher, as dedicated as she may be. Just think: in Vietnamese, the nomenclature, the hierarchy and the forms of address for various members of the family are one of the most complicated in the world!

Our fellow expatriates often point out the need for maintaining the use of the Vietnamese language. We agree with them. But to really think about it, a child cannot be the fusion of two children (Vietnamese and Canadian, or Vietnamese and American.) If too much pressure is exerted, the children will not bear it. In addition, we have to make time for their other interests such as sports, music, etc. Therefore we must make intelligent choices and establish a proper balance to avoid transforming your children into “studying machines”. Your children will be making progressive achievements in this country. Help them be prepared and adapted to their environment in order to ensure a satisfactory quality of life.

The Western society — We live in a society of excessive consumption. Don’t let yourself be caught by skilful marketing techniques which encourage you to consume without control. Surrounded by wants and needs, we become the easy preys of publicity; at the same time we are being conditioned and influenced by the banks and the insurance companies. Practice this motto: “Minimize your wants, be content with little.” Buy only what you need. This rule is also applicable to the houses and cars you buy; these should be well within your means and should provide the security and the basic functionality needed in your daily life. That’s enough. Avoid too much debt. This will lead to a much better worry-free life. Please understand that our advice is not mere theory. Today’s society is slipping lower and lower in many moral and spiritual aspects. The reason, in our opinion, is that when people are so focused on the appearances, they become egoistic, attached to material possessions, and cannot find happiness anywhere. To be truly happy, one needs to be less selfish. One must think of fellow human beings and learn to share with others.

Your old parents — With old age comes illness, and then one day, the old and the sick must depart… for good! That’s the universal law of life! When this day arrives for us, please make sure that our funerals are solemn but simple. Burying us in a cemetery may pose some problems for you, should you be required in the future to move away for your work. It would be difficult and impractical to take care of our tombs in this city. We prefer the cremation solution, which is more practical and does not require our bodies to be entombed. We believe future generations will need the land more than us. You could disperse our ashes on the mountain, in a river, or even in the ocean. We will return to dust, that’s all! Instead of spending on a funeral reception, please save the money to contribute to some worthy causes of collective interest. Do not be concerned that you would be criticized for this untraditional funeral. In time, people will understand and will approve.

One more important point: if, by misfortune, we should be sick and require life support in a vegetative state, please have the courage to remove our artificial life support system. Why prolong such a state which can only be a major burden to everyone?

The family shrine — Given today’s limited living space, it is not very easy to install a family shrine at home. To keep the memory of your ancestors, of your grandparents, both paternal and maternal, and of your parents, you may display photographs in the most suitable place of your house to show your respect and to reaffirm your commitment to never dishonor your ancestral tradition. On the anniversary of our death, prepare a small table on which you will lay out a cup of pure water, some scented flowers, fresh fruits and an incense rod (an electric rod would do as well). This would be sufficient. It is the expression of your love and that of your children that would be most meaningful and valuable to us on that day. We did mention “your children” to point out the need to make sure they understand the significance that we, Vietnamese, ascribe to the celebration of the anniversary of death of members of the family. During these special days, concentrate on good thoughts, do a few more acts of kindness compared to other regular days, give charity to the poor, donate clothes or food to charitable organizations. On these occasions, it would be wonderful if all brothers and sisters get together to renew and strengthen our family bonds. Please make an effort to organize such family reunions.

We hope that you will read this letter carefully, that you will meditate on it and that you will try to carry out our recommendations. We thank you all for having always taken good care of us for so many years, and to have done all that’s required so that we can enjoy our old age in serenity.

With much love to you all, our beloved children and grandchildren, and a thousand kisses.

Father and Mother

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Lá thư dịch ra tiếng Pháp:
Lettre à mes enfants et petits enfants
Nguyễn văn Phú
Traduit par Nguyễn Ngọc Quỳ
Cher vieil ami,

Lors des conversations que nous avons eues ensemble à notre siège, en attendant que nos enfants viennent nous chercher, nous nous sommes mis d’accord sur un certain nombre de points. Vous m’avez instamment demandé de les coucher sur le papier à l’intention de nos descendants car, disiez-vous, vous souffriez du tremblement des mains au point de ne plus pouvoir tenir la plume.. Qui plus est, cette année marque le 30ème anniversaire de notre exil comme réfugiés, et il nous a paru utile à tous deux, de clarifier, pour nos enfants et surtout pour nos petits enfants, un certain nombre de points. Durant ces derniers mois, je me suis efforcé de me conformer à vos objurgations, si bien qu’aujourd’hui, mon travail peut être considéré comme à peu près achevé. Dans un souci didactique, je me propose de présenter les choses sous forme de lettre de parents adressée à leurs enfants. Je vous invite à l’examiner à loisir et vous remercie des corrections et compléments que vous voudrez bien y apporter.
*****
Mes enfants bien aimés,

Maman et Papa sommes maintenant octogénaires, atteignant ainsi une longévité appréciable par rapport aux générations qui nous ont précédés. Nous vous avons, à maintes occasions, entretenus d’un certain nombre de sujets, mais vous n’étiez pas souvent tous réunis pour nous écouter. De plus, il n’est pas certain que vous ayez retenu tous nos propos. Aussi, cette lettre a-t-elle été rédigée pour résumer les principales idées que nous souhaitions vous faire parvenir. Pour vos enfants qui parlent le vietnamien mais ne le lisent pas très bien, nous vous demandons de trouver la meilleure façon de leur transmettre nos pensées et de leur donner toutes les explications utiles. Il ne s’agit pas seulement de prendre connaissance de ce que nous mettons aujourd’hui par écrit pour vous, mais encore d’en bien pénétrer le sens.

De la gratitude. – Mes enfants, en fuyant le communisme pour rechercher la liberté, nous avons dû tout laisser derrière nous : nos biens, l’autel et les tombes de nos ancêtres. Dans cette deuxième patrie, les autorités et la population nous ont bien accueillis et nous ont aidés à nous installer. Maintenant que notre situation s’est bien stabilisée, nous devons être reconnaissants envers ce pays et nous efforcer de contribuer à le rendre encore plus rayonnant, plus prospère et plus puissant, témoignant ainsi quelque peu de notre gratitude.

Des raisons de notre exode. – Vous devez expliquer clairement à vos enfants les raisons qui ont poussé notre famille ainsi que des dizaines de milliers d’autres à venir nous installer ici : nous fuyions le communisme, à la recherche de la liberté. Vos enfants ont la chance de vivre dans une société démocratique. Goûtant à la liberté dès leur naissance, ils ne pourraient jamais s’imaginer jusqu’où peuvent aller la duplicité et la cruauté des communistes. Ils auraient du mal à croire que des hommes puissent être aussi féroces envers d’autres hommes (On peut leur faire voir le film « Voyage sur l’océan », réalisé par Trần Hàm et qui est sorti en salle le 30-4-2005.) Les communistes sont très cruels en acte mais très habiles en parole et excellent dans l’art de la dissimulation ! D’où la nécessité de bien faire comprendre les choses à vos enfants, non pas tant pour susciter la haine que pour leur faire connaître la réalité. On se répète souvent cette phrase : « N’écoutez pas ce que disent les communistes, regardez bien ce qu’ils font. »

Du pays de nos ancêtres.- Si occupés que vous soyez, prenez le temps de méditer sur l’histoire et la géographie du Việt Nam, afin de connaître les origines de notre peuple, la formation de notre nation, nos vicissitudes, nos moments de gloire comme nos heures d’humiliation, les actes de sagesse de nos pères comme leurs forfaits. Il convient d’en tirer toutes les leçons.

Les pages de notre histoire sont remplies alternativement de gloire et de larmes. A certaine époque, notre pays a dû subir le joug d’une occupation humiliante durant mille ans; à d’autre moment notre peuple a su se soulever héroïquement pour briser ses chaînes et reconquérir son indépendance. Il nous est arrivé de nous lancer dans la conquête et la destruction d’autres pays; l’exemple le plus récent en est l’occupation destructrice du Cambodge pendant dix ans, provoquant la haine d’un pays voisin et laissant ainsi un poids très lourd dans notre karma, que les générations futures auront à assumer.

De l’Histoire récente.- Notre pays a été colonisé par la France à la fin du 19ème siècle. Vers 1940, éclata une guerre mondiale. Dans notre pays, les Japonais renversèrent les Français, par un coup d’Etat, le 9-3-1945. L’empereur Bảo Đại décréta l’abolition du traité de protectorat conclu avec la France et confia à M. Trần Trọng Kim la formation du premier gouvernement du Việt Nam indépendant. En définitive, les pays de l’Axe, Allemagne, Italie et Japon, furent vaincus par les Alliés, Angleterre, France, Etats-unis, URSS, Chine. Le 19-8-1945, le Việt Minh s’empara du pouvoir détenu par le gouvernement Trần Trọng Kim et proclama la création de la République démocratique du Việt Nam. Mais peu de temps après, la France cherchait à rétablir sa domination. Le 19-12-1946 une guerre de résistance nationale se déclara contre les Français. Mais lorsque le Việt Minh révéla sa vraie nature communiste, les partis nationalistes, face au danger de se faire progressivement anéantir, se replièrent vers la zone nationaliste contrôlée par un gouvernement différent de celui de la zone de résistance, d’essence communiste. Après la bataille de Điện Biên Phủ, les Accords de Genève de 1954 ont partitionné le pays en deux : le Nord devenait la République Démocratique et le Sud, la République du Việt Nam. Le Nord se réclamait ouvertement du bloc communiste et entama sans tarder le processus de conquête du Sud par la force, qu’il dissimulait aux yeux du monde entier, derrière sa créature que fut le Front National de Libération du Sud. Le Sud Việtnam reçut l’appui des Etats-unis et des alliés du monde libre pour faire pièce à l’expansion du communisme. Lorsque les troupes d’invasion du Nord prenaient trop d’ampleur, les Etats-unis firent débarquer leurs soldats dans le Sud. A partir de 1965, la guerre s’intensifia. En 1972, après la rupture consommée entre l’URSS et la Chine, le Président Nixon se rendit en Chine et y signa les Accords de Shanghai. Dès lors, les Etats-unis n’ayant plus besoin de leur avant-poste contre le communisme, laissèrent tomber la République du Việt Nam ! (L’ouvrage « Lorsque les Alliés s’enfuient » du Dr. Nguyễn Tiến Hưng révèle des réalités affligeantes sur la trahison et la fuite des Américains.) Selon les Accords de Paris de 1973, les Etats-unis devaient retirer leurs troupes du Sud Việt Nam, et ne pouvaient laisser sur place qu’un certain nombre de conseillers militaires alors que les troupes Nord việtnamiennes elles, restaient stationnées au Sud ! Les communistes du Nord pouvaient ainsi poursuivre leur invasion du Sud avec l’aide considérable du bloc communiste international. Le Sud Việt Nam, quel que soit le courage avec lequel il livrait sa guerre d’autodéfense, s’est trouvé acculé, en raison du rationnement de munitions et de carburants, dans une situation intenable. Le 30-4-1975, Sàigòn, la capitale, tomba. Commençait alors l’exode des réfugiés fuyant le communisme, à la recherche de la liberté. La suite, vous la connaissez avec suffisamment de détails.

De l’analyse des informations et des documents historiques.- De nos jours, il y a pléthore d’informations. On a écrit énormément sur le Việt Nam, sur la guerre du Việt Nam avec en plus des photos, des films. Mais peu d’ouvrages ou de réalisations vraiment rigoureux.. Des auteurs honnêtes existent mais qui n’arrivent à rendre compte que d’un aspect de la réalité, tels les aveugles de la fable bouddhiste qui cherchent à décrire l’éléphant en le palpant. D’autres déforment sciemment la vérité pour des visées personnelles. D’autres encore, – des religieux de surcroît -, affabulent dans le but de calomnier. Le pire, c’est lorsque les tenants du pouvoir ou leurs sbires se mettent à écrire l’Histoire. Alex Haley l’a écrit dans les dernières lignes de son ouvrage « Racines » : « En fin de compte, l’Histoire est écrite par les vainqueurs. » C’est pourquoi, nous vous demandons instamment à vous et surtout à vos enfants, d’observer une extrême prudence et d’exercer une intelligence vigilante lorsque vous abordez les documents écrits ou les films sur le Việt Nam au 20ème siècle et au début du 21ème siècle, et ce, quels qu’en soient les auteurs, même européens ou américains. Pour nous, vos parents, le conflit qui a eu lieu dans notre pays, de 1954 à 1975, fut une guerre entre le Nord et le Sud, une guerre civile, une guerre par procuration résultant de l’affrontement entre le bloc communiste et le monde libre, une guerre livrée avec les armes des pays étrangers et le sang du peuple việtnamien. Pour les populations du Sud, c’était une guerre d’autodéfense. Pour les communistes du Nord, conditionnés par la propagande et le dressage des masses, c’était une guerre livrée contre la clique Américano-fantoche pour réunifier le pays. Les vainqueurs s’étaient montrés arrogants et cruels, les vaincus eux, ravalaient leur sourde haine et leur humiliation. Là gît le cœur des divisions profondes de notre peuple (à vrai dire, il existe d’autres motifs de division.) Tant qu’on n’arrive pas à faire changer ces deux façons de percevoir les choses, il serait vain de parler de réconciliation nationale ! Des millions de morts, un pays réunifié, mais les Việtnamiens restent encore profondément divisés dans leur cœur.

Des visites au Việt Nam.- Certaines personnes nous ont demandé si nous étions déjà rentrés au Việt Nam. Notre réponse a été : « pas encore, et pour des raisons de santé. » Beaucoup de monde sont rentrés au pays, chacun y va de sa raison personnelle, de son but, de sa façon de voir les choses! Retourner au pays pour prendre soin de ses parents âgés ou malades, pour s’occuper de ses proches, pour entretenir les tombes de ses ancêtres, pour donner des cours aux étudiants, pour revoir son pays, voilà des motifs légitimes. Rentrer pour porter secours aux victimes des catastrophes naturelles ou pour aider des compatriotes dans le besoin, de façon désintéressée, voilà une bonne action. Mais rentrer pour festoyer ou pour s’amuser, pour faire du tourisme à bon marché, pour rechercher honneur ou avantage voire pour quémander quelque distinction officielle, alors il vaut mieux s’en abstenir. Plus tard, si le pays changeait effectivement, vous pourriez ramener vos enfants visiter notre patrie. Mais nous pouvons vous dire à l’avance qu’ils ne seront pas particulièrement émus, – on ne saurait éprouver une quelconque émotion si l’on n’a pas de souvenirs qui vous attachent à quelque chose. Tâchez d’amener vos enfants à aimer notre pays, notre peuple, nos compatriotes, et faites en sorte qu’ils ne se comportent pas en vulgaires touristes. Quant à l’éventualité de vous voir vous installer et vivre au Việt Nam, nous pensons qu’elle est peu probable.

De l’état actuel du pays.- Si quelqu’un vous dit que le pays a fait des progrès (la majorité de la population arrivent maintenant à se procurer du riz pour leurs repas, au lieu du misérable mélange de riz et d’avoine; les motos et les voitures remplacent les vélos … ; c’est quand même impensable qu’après trente années de paix, il n’y ait aucun progrès !), sachez qu’il s’agit, en vérité, d’un constat de l’évolution du pays sur sa propre trajectoire. Car si l’on compare le Việt Nam avec les pays voisins, on doit avoir honte sur de nombreux sujets (même le Cambodge a un parti d’opposition !). Si vous voulez connaître la réalité du Việt Nam qui se cache derrière les buildings, les voitures rutilantes, les palaces cinq étoiles, les terrains de golf dernier cri, informez-vous sur la situation à l’intérieur du pays. Pour vous rendre compte de la déliquescence avancée de multiples secteurs (en particulier l’éducation), de l’existence d’un capitalisme rouge, de la corruption comme fléau national, de la gabegie des ressources de la nation. Et rendez donc visite aux compatriotes vivant dans des régions reculées et misérables. Nous avons besoin de connaître la vérité sans fard, celle qui n’est peinte ni en rose ni en noir. Pour vous faire une idée précise de la situation de notre pays, procurez-vous l’exposé du Dr. Lê Đăng Doanh, ancien directeur de l’Institut Central de Recherche sur la Gestion à Hà Nội. Il a dit la vérité aux plus hauts dirigeants communistes. Ce document vient de parvenir à l’étranger. Dans une présentation qui est faite de ce texte, on peut lire : « Chacun doit prêter attention aux chiffres qui rendent compte de la triste réalité de l’économie việtnamienne. M. Doanh pointe du doigt les faiblesses de l’économie et la nature antidémocratique du régime communiste au Việt Nam. Partant de là, il affirme sans détour que les structures politiques sont obsolètes, qu’il faut les changer » (Ngô Nhân Dụng, in quotidien Người Việt du 30-3-2005). M. Doanh rapporte une anecdote : un expert des finances internationales lui a posé la question suivante: « Doués comme vous êtes, comment se fait-il que vous êtes restés pauvres pendant si longtemps ? Avec une telle intelligence, une telle tradition, pourquoi mendiez-vous tout le temps ? Fixez-vous donc une date limite à partir de laquelle vous cesserez de demander l’aumône. Est-ce possible ? » Quelle humiliation pour nous tous ! Notre pays n’a pas que des incapables, notre peuple n’est pas fainéant; pourquoi cette misère innommable ? Eh bien ! c’est à cause de la dictature du Parti!

De l’attitude politique.- Non seulement les compatriotes à l’étranger exigent l’abolition du Parti unique, mais des membres du parti communiste mêmes, ainsi que les éléments progressistes dans le pays la réclament. Comprenez bien : lutter contre la dictature, contre le parti unique, contre la corruption, contre la ligne erronée des communistes ce n’est point se dresser contre le Việt Nam, c’est, bien au contraire, plaider pour que le pays puisse s’améliorer, progresser.

Certains pensent que les communistes việtnamiens ont changé pour un peu de « renouveau ». Il faut savoir que c’est la conséquence de l’effondrement du communisme en Europe de l’Est, de la lutte des Vietnamiens à l’intérieur et à l’extérieur du pays, de la pression internationale; c’est la menace de désagrégation du Parti qui a acculé les communistes à des changements économiques (sans changer, pour autant, sur le plan politique). Même si nous ne faisons pas de politique, nous devons néanmoins avoir une attitude politique, nous devons continuer à soutenir les luttes en vue d’instaurer dans notre pays une démocratie et une liberté effectives. Le Secrétaire Général du parti communiste a reconnu que les communistes việtnamiens « avaient commis de nombreuses erreurs. » Nous posons la question : si erreurs il y a eu, pourquoi ne pas les corriger, pourquoi ne pas demander publiquement pardon au peuple, pourquoi ne pas restituer les terres et les propriétés bâties aux particuliers et aux institutions religieuses; pourquoi ne pas indemniser les victimes de la réforme agraire, celles de la répression contre les intellectuels et artistes dans l’affaire Nhân Văn-Giai Phẩm, celles des vagues de réforme de l’industrie, de l’artisanat et du commerce ? Pourquoi ne pas accorder réparation à ceux qui ont été envoyés en « camps dits de rééducation » et leur demander pardon ? En vérité, tout le monde souhaite jeter haine et rancunes à la rivière, mais il appartient aux communistes d’accomplir des actes concrets pour que le peuple puisse les constater de visu. Clamer : « effaçons haine et rancunes, tournons la page du passé, regardons vers l’avenir » sans rien faire de concret ne rime à rien. Appeler à la « Grande Union» et la placer sous l’égide du Parti (article 4 de la Constitutiơn.): à qui donc veut-on de la sorte inspirer confiance?

Des affaires familiales.- Parlons maintenant de nos affaires de famille. Nous, vos parents, appartenons à une génération antérieure et nous vous avons élevés suivant les normes de cette génération, tout comme vos grands-parents nous avaient élevés d’après les normes de leur époque. Parfois, il vous arrive sûrement de penser que nous avons été trop sévères. Mais, c’était normal en ce temps-là. Nous espérons que vous oublierez les peines, qu’à notre insu, nous avions pu vous infliger. Gardez bien présent à l’esprit que nous n’avons pas cherché à mener la grande vie, que nous n’avons rien gaspillé, que nous avons mené une existence faite de mesure et de raison, que nous nous sommes efforcés de travailler et d’économiser pour vous permettre de ne manquer de rien, de poursuivre des études sérieuses, dans une atmosphère familiale chaleureuse. Parce que nous avions été spoliés de tous nos biens par les communistes, nous avions vécu un début fort difficile à l’arrivée dans ce pays; nous avions dû accepter des emplois vraiment pénibles. Et vous aussi, vous aviez travaillé dur pendant vos vacances et fait de sérieux efforts pour vos études. A l’heure actuelle, tout paraît s’arranger, par la grâce du Ciel, de Bouddha et de nos ancêtres. Ne cultivez jamais l’autosatisfaction. Ne vous considérez jamais comme supérieurs et talentueux. Rappelez-vous : « Si l’on regarde au-dessus de soi, on se voit minable ; si l’on regarde au-dessous de soi, on constate que personne n’est à sa hauteur ». Votre talent personnel, s’il existe, ne compte que pour partie, le reste résulte d’heureux concours de circonstances, des bienfaits intangibles hérités de vos ancêtres et de vos vies antérieures voire de votre vie actuelle. Cultivez en permanence une vie vertueuse afin d’améliorer votre karma, à l’instar de l’automobiliste qui doit penser à recharger la batterie de sa voiture. Qui sème le bon grain récolte de bons fruits. Telle est la loi de la causalité universelle qui ne souffre d’aucune erreur ! En ce qui concerne votre petite famille, voici nos conseils: entre époux, il faut vous respecter l’un l’autre, savoir faire des concessions mutuelles. Des frictions sont inévitables; réglez les problèmes avec calme et souplesse. La colère est de mauvais conseil, évitez la. Vis-à-vis de vos enfants, il faut les aimer sans les gâter. Il faut surveiller leurs fréquentations, vous rapprocher des parents de leurs amis pour vous assurer de les connaître plus complètement; se faire entraîner dans de mauvaises dérives par des amis est un phénomène tellement répandu dans notre société ! Les séances de télé, de jeux vidéo et de « chats » sont à limiter; par contre, il faut encourager la pratique de la gymnastique et des sports. En ce qui vous concerne plus personnellement, il faut inclure l’éducation physique dans vos occupations afin d’équilibrer vos activités. Inspirez-vous de l’expérience de votre père : dans ma jeunesse, je m’étais dépensé sans compter au travail, ce qui fait qu’aujourd’hui dans mes vieux jours, mon corps « réclame justice », et je suis fréquemment patraque. Dans la vie de tous les jours, soyez économes ( mais non avares); pensez à la défense de l’environnement car les ressources du monde sont limitées; nous nous devons de penser aux générations suivantes. Pas de gaspillage, ne serait-ce qu’un kleenex pour vous nettoyer les mains. De temps en temps, faites voir à vos enfants des photos et des films qui montrent des gosses souffrant de faim et de froid afin qu’ils sachent qu’en ce bas monde, beaucoup de gens sont encore dans la misère. Entre frères et sœurs, retenez bien les adages suivants : « prendre soin de son frère comme de sa main ou de son pied»; « quand la sœur aînée tombe, la cadette doit la relever »; « une goutte de sang a plus de valeur qu’une mare de flotte »; « qu’un cheval tombe malade, et toute l’écurie arrête de s’alimenter. » Le secret réside dans l’application du mot xả ( NDT : abandonner, sacrifier, pardonner). Ne tenez pas rigueur à vos frères et sœurs pour leurs défauts. La déchirure entre vous nous ferait de la peine, énormément. Dans cette société, chacun est si préoccupé par sa propre famille qu’il lui arrive, à son corps défendant, de négliger la grande famille. Mettez à l’honneur les sentiments de solidarité au sein de la grande famille. A vous, nos filles et belles-filles, nous vous enjoignons d’aider vos époux respectifs à maintenir des relations d’affection avec vos frères et sœurs, de même qu’avec les collatéraux, tant du côté paternel que du côté maternel.

De la pratique de la langue việtnamienne à l’étranger.- Quelques points méritent d’être discutés. Vos enfants, qui sont citoyens du pays d’accueil, y grandissent avec tous les droits et devoirs afférents. L’existence quotidienne à l’école ainsi qu’en société les oblige à parler Anglais et/ou Français, à les parler et à les écrire impeccablement, faute de quoi, ils courraient le risque d’une mauvaise intégration, d’être isolés et d’être mal considérés. Une fois chez vous, ils communiquent entre eux avec ces deux langues. Bien que vous les obligiez à parler Việtnamien en famille, nous avons l’impression que leur Việtnamien laisse à désirer. Ne le parlant pas très bien, ils l’écrivent encore pire, parce qu’ils ne s’exercent pas fréquemment à la lecture ou à l’écriture. Quelques heures.

Hội Người Việt Cao Niên Newmexico

https://nguoivietcaoniennewmexico.wordpress.com/2012/09/08/gs-nguyen-van-phu-thu-gui-con-chau/


(Nguồn: [email protected] )







--------------------------------------



Tác phẩm: Người Lính Không Có Số Quân
Tác giả: Trần Như Xuyên
Diễn đọc:



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tác phẩm: Túi Gạo Của Mẹ
Tác giả:
Diễn đọc: Thy Lan



https://archive.org/embed/tui-gao-cua-me


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tác phẩm: Người Mang Máu Đen
Tác giả: Nguyễn Ý Thuần
Người đọc: Nam Phong


 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~



Con Mén Con Mén
https://vuonlenmai.blogspot.com/2019/03/truyen-ngan-cua-tieu-tu-tieu-tu-tuc-vo.html

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...