Monday, March 18, 2019

Bộ Đồ Lính

Tác phẩm: Người Lính Không Có Số Quân
Tác giả: Trần Như Xuyên
Diễn đọc: Thanh Phương




Tự nhiên bà Tá trở thành một khán giả bất đắc dĩ. Ngồi trong góc nhà nhìn ông chồng già “súng sính” trong bộ đồ Lính cũ đi tới đi lui mà bà cảm thấy sao sao. Chính bộ quần áo đó mới ngày nào làm tăng thêm vẻ hào hùng, oai dũng, hiên ngang của một người “Trai thời loạn”, đã làm xao xuyến tâm hồn người thiếu nữ trẻ, mỗi lần người Lính xuất hiện ở cổng rào.

Thời đó có Ông nhạc sĩ (hay Bà?) đã viết lên bài hát:

Sáng chủ nhật rồi Anh đi Lính không tới nhà thăm Em, chắc là Em mong lắm phải không khi vắng bóng người yêu. Rồi đây trong những ngày Anh vắng bóng Em có còn đi nữa không. Đường đông nhưng mà Anh đâu có để rồi Em khoe áo hồng?”

Đối với bà và những người con gái sống trong thành phố này, bài hát bỗng trở thành… trật lấc. Thành phố nơi bà ở là “Thành phố Lính” mà. Sáng chủ nhật mới chính là ngày của Lính. Lính đi đầy đường phố, lính trong nhà, lính ngoài ngõ. Lính trên trời, Lính dưới biển. Lính chuyên bắn súng cà nông. Lính chuyên tác chiến ở chốn sình lầy... Ôi thôi Lính ơi là Lính!

Thành phố sống hùng sống mạnh, thành phố đẹp đẽ nên thơ, tình tứ cũng nhờ những bộ quân phục đủ mọi Quân-Binh Chủng Lính góp phần. Ngoài việc tăng thêm an ninh cho Thành phố, chính những bộ Quân phục và những người mặc nó, dù bất cứ vì một lý do gì, đã nói lên được lòng dũng cảm, tính can đảm của một người trai thời loạn, biết xả thân góp sức để chống bọn cộng sản xâm lược từ miền Bắc, oai nghi và hùng tráng cỡ nào. Từ đó đã làm rung động biết bao con tim của những người con gái trẻ (Chắc cũng có nhiều bà chị lớn tuổi?), họ đã hồi hộp chờ đợi, chờ đợi một sáng chủ nhật đẹp trời, chàng oai nghi trong bộ Quân phục Quân trường, trên vai đeo dây biểu chương, dưới chân đôi giày… láng coóng. Hay bộ đồ xanh nước biển còn đượm mùi muối mặn sau một chuyến hải hành. Hoặc khi hoàng hôn xuống, người lính trở về trong bộ đồ bay còn vương mùi thuốc súng, mùi tử thi lẩn quất sau một ngày hành quân tiếp tế, tản thương….còn nhiều và nhiều lắm, nhưng tất cả đã xa rồi, và qua thật lâu rồi.

Với cuộc chiến kéo dài gần một phần tư thế kỷ, có biết bao nhiêu người trai khoác chiến bào ra ngoài mặt trận. Bà Tá đây thuộc thành phần dở dở ươn ươn, già chưa qua mà trẻ cũng không dừng lại, nên tuổi trưởng thành cũng phải…anh dũng hiên ngang mà làm quen với lính, và hãnh diện làm người tình của... lính trận miền xa là ông Tá già đây. Nhìn ông lúc này bà nửa muốn cười to mà nửa muốn rơi nước mắt. Ai đời ông mặc bộ đồ lính, đội mũ lính trận mà đi vào chân đôi giày đi… ăn cưới, trông nó sao sao ấy. Bà không biết ở xứ sở này có thể nào tìm lại cho ông đôi “bốt-đờ-sô”?, chứ nếu xỏ vào đôi giày “boot” của chàng cao bồi Tếch-xịt lại càng thảm não, chẳng lẽ phải mang đôi giày thể thao hàng ngày? Có lẽ đó là điều mà ông chồng bà vẫn ngần ngại không muốn mặc lại bộ đồ lính trận để ra ngoài hay tham dự những buổi lễ?

Càng nhìn ông, bà lại càng thương cảm, xót xa. Chính bộ đồ này bà đã sửa cho ông mặc thật vừa vặn ngày nào, bây giờ thì rộng trên, rộng dưới, đã rộng thì chiều dài càng dài thêm, hay là người ông đã rút ngắn lại?. Bộ đồ trận màu xanh còn lại dấu vết của những… chiếc lon trên vai áo, phản lại mái tóc màu muối tiêu. Ông Tá đã già thật rồi!

Bà Tá lặng lẽ thở dài cùng lúc ông cởi bộ đồ lính ra, xếp gọn gàng và đưa lên ngực ôm trọn trong đôi vòng tay. Ông nâng niu, vuốt ve như đang âu yếm một người tình. Phải! Ông âu yếm nâng niu bộ đồ là lẽ đương nhiên. Suốt bao nhiêu năm chinh chiến ông còn lại gì, ngoài bộ đồ lính mà chính tay bà đã hì hục đào một hố nhỏ sau vườn nhà, chôn dấu nó trong một thùng đựng dầu lửa vừa được khoét nắp.

Trong những ngày hỗn loạn đó, Bà đã đón ông về nhà trong trạng thái thất thần, hoảng loạn, hoang mang bức rứt, lẫn lo âu sợ sệt. Một thân xác tiều tụy với bộ đồ bà ba đen xin được của ai đó trên đường về…. Bà nhìn ông thương cảm xót xa, vợ chồng thiếu điều ôm nhau mà khóc, may mà trong nhà còn giữ lại bộ đồ cũ ông để khi nào về thành phố bị kẹt thì có mà mặc, và bà đã đem chôn giấu.

“Rồi có một ngày , có một này chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao. Xin trả lại đây, trả lại đây thép gai giăng với luỹ hào sâu, lỗ châu mai với những địa lôi… có con trâu, có nương dâu…. thiên đường này mơ ước bao lâu…”.

Những lời trong bài ca: “Một mai giã từ vũ khí” của Nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn được phát đều đều trên làn sóng của đài phát thanh. Lời hát đẹp đẽ, thơ mộng biết bao, và là điều ao ước của mọi người, bỗng chốc biến thành cơn ác mộng. Bao nhiêu tháng ngày đi chinh chiến, cái chết luôn kề cận, vậy mà ngày…giã từ vũ khí lại là ngày thảm hại nhất... Sự thật quá phũ phàng. Người lính trở về nhà phải trốn chui, trốn nhủi lầm lũi mà đi. Người lính chịu biết bao nỗi uất ức, ngậm ngùi, cay đắng lẫn xót xa, tủi nhục. Kèm thêm nỗi sợ hãi cho chính mình và liên luỵ đến gia đình người thân, đến “Bộ đồ Lính” đang mặc trên người cũng không thể giữ. Ôi còn đau đớn nào hơn!

Bộ đồ Lính đâu phải ai cũng có thể mua về để mặc, (Ngoại trừ những người làm nghệ thuật trình diễn sân khấu). Muốn mặc vào người, ít nhất phải có ba tháng quân trường cho một người binh sĩ, và tối thiểu chín tháng cho một Cấp chỉ huy. Cũng có những người phải chịu tập luyện dằng dặc suốt bốn năm trời với bộ đồ lính mới được ra trường đi chiến đấu. Và rồi bộ đồ lính đã gắn chặt với cái nón sắt, đôi giày sô cùng cái ba-lô, cây súng trận cho người lính bộ từ năm này qua tháng khác. Dù màu áo có khác nhau, kiểu quần áo có khác nhau, cái nón có đổi màu vì khác Quân-Binh chủng, bộ đồ lính vẫn đi theo người lính trên khắp bốn vùng chiến thuật, có khi cái “quần” người lính bộ Vùng IV không thể nào khô nổi một ngày vì phải hành quân vùng nước nổi. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nghỉ phép dài hạn tận vùng năm chiến thuật, hay gửi lại những phần máu thịt ngoài chiến trường, bộ đồ lính mới chịu rời xa người mặc nó. Vậy mà đùng một cái, họ phải trút bỏ tất cả, trút bỏ như phủi sạch một món nợ trần? Ngay cả những người vượt thoát đến được vịnh Subic của nước Phi Luật Tân ngày đó, cũng đã bị ông tổng thống nước này ra lệnh… lột bỏ hết, vì họ không muốn sự hiện hữu của bộ đồ lính (VNCH) trên quê hương của họ. Thảm thương thay!

Bà Tá lại gần đặt tay lên vai chồng, làm ông giật mình ngó lại:

- Mình đang nghĩ gì vậy?

- Hồi tưởng lại những ngày được hiên ngang mặc bộ đồ Lính.

- Ở đây em vẫn thấy nhiều người mặc trong những dịp lễ lạc, hội hè... nếu mình muốn…

Trầm ngâm một lát, ông thở dài:

- Nhiều lúc ngắm nhìn lại, tôi thấy rộn ràng, xao xuyến lắm, cũng muốn mặc vào để đi dự lễ lạc với anh em đồng đội năm xưa, ít ra cũng góp phần nói lên được tinh thần Quốc gia còn sót lại (Trong khi những đồng đội trong nước rất muốn mà không thể nào thực hiện được). Nhưng nghĩ đến những ngày tháng năm xưa, mình đã tụt bỏ nó để chạy, mà bây giờ lại hiên ngang mặc vào để đi chỗ nọ chỗ kia, tôi thấy nó làm sao sao ấy bà à!

- Thì đó là ý riêng của mình. Nhưng theo em, xét cho cùng đâu phải lỗi tại mình. Có chăng là lệnh trên ban xuống, người lính chỉ có bổn phận thi hành trước… khiếu nại sau. Nhưng khiếu nại ai bây giờ? Chẳng lẽ tìm tới mấy ông Tướng lãnh đạo để hỏi.

- Bà nói cũng chưa đúng. Tướng cũng có người hèn, kẻ dũng! Có những ông Tướng thà chết chớ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Họ đã tuẫn tiết hy sinh trước khi cộng quân tiến chiếm doanh trại! Anh dũng thay!

- Bởi vậy nên hằng năm, những người Việt Quốc Gia tị nạn cộng sản vẫn làm lễ tưởng niệm những người “Chiến sĩ Bất Tử” đó. Và mới đây đã có điêu khắc gia Phạm Thế Trung ở CANADA đã khắc tượng những ông Tướng đó đặt ở đài tưởng niệm bên đó.

- Có mặc đồ lính không?

- Có đủ Quân Phục, cấp bậc, mũ nón và Huy Hiệu Quân Binh Chủng nữa đó. Ông ấy khắc rất tinh xảo từng nét đặc thù trên khuôn mặt, trên màu áo… của mỗi vị Tướng.

- Chút nữa bà chỉ cho tôi xem, không chừng nay mai tôi đi tìm đôi giày, rồi tôi cũng sẽ mặc lại bộ đồ Lính này trong dịp lễ tới. Cảm ơn “Người yêu của Lính năm xưa!” nhờ bà gìn giữ kín đáo mà tôi còn lại bộ đồ Lính này, phải mặc lại nó, dù sao thì mình cũng từng là… NGƯỜI LÍNH!!

Lê Thị Hoài Niệm

https://hoiquanphidung.com/showthread.php?10257

--------------------------------

Lá Thư Gửi Cho Con Cháu

- Giáo sư Nguyễn Văn Phú

| Thanh Phương | Vietlove
https://youtu.be/3OmxWL_VuA0



Lời tựa: Giáo sư Nguyễn Văn Phú dạy Toán học trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn là Chu Văn An. Ông cũng là Hiệu Trưởng của trường tư thục Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn và đã dậy tư Toán nổi tiếng cho rất nhiều học sinh thời ’60 và ’70 và hầu như tất cả các giới trẻ thời đó ai cũng biết đến và kính mến. Tác giả định cư tại Montreal, Canada.

Thư này tuy là viết cho con cháu của Ông, nhưng theo chúng tôi cũng có thể gửi đến tất cả mọi thanh niên VN hiện nay đang ở hải ngoại để hiểu rõ về nguồn gốc của mình, lý do của người VN phải vượt biên tỵ nạn, và những vấn đề liên quan đến cuộc sống trong hiện tại cũng như tương lai.


***

Thư gởi các con,

Mong các con đọc kỹ thư này, suy nghĩ đến nơi và cố gắng thực hành những lời dặn.
Các con thân yêu,

Nay, bố mẹ tuổi đã 80, thế cũng là khá thọ so với các thế hệ trước bố mẹ. Bố mẹ đã nhiều lần nói chuyện với các con về một số vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ các con cùng nghe. Hơn nữa, không chắc các con đã nhớ hết những lời nói của bố mẹ. Vì thế mới có lá thư này để tóm tắt những ý kiến chính mà bố mẹ muốn gửi đến các con. Còn các cháu thì chỉ nói mà ít đọc được tiếng Việt, nên các con hãy liệu cách truyền đạt lại ý của bố mẹ và giảng giải cho các cháu biết, chẳng những biết mà phải hiểu kỹ những điều bố mẹ viết ra đây ngày hôm nay.

Biết Ơn.

Các con ạ, trên đường tỵ nạn cộng sản, tìm tự do, chúng ta đã bỏ lại tất cả, tài sản, bàn thờ và mồ mả tổ tiên. Khi đến định cư nơi quê hương thứ hai này, chúng ta đã được chính quyền và dân chúng đón tiếp và giúp đỡ. Hiện nay, đời sống của chúng ta đã ổn định. Chúng ta phải biết ơn đất nước này và hãy tìm cách góp phần làm cho đất nước này tươi đẹp hơn, giầu mạnh hơn để đền đáp phần nào cái ơn đó.

Lý Do Tỵ Nạn

Các con cần giảng rõ cho các cháu biết lý do nào đã khiến cho gia đình chúng ta tới đây cùng với hàng vạn gia đình khác, đó là: chúng ta tỵ nạn Cộng sản, đi tìm Tự Do. Các cháu được sống trong xã hội dân chủ, tự do từ lúc sinh ra nên không thể tưởng tượng nổi tính dối trá và các thủ đoạn nham hiểm của Cộng sản. Các cháu khó có thể tin được tại sao con người đối với nhau mà lại tàn ác như vậy (có thể cho các cháu coi phim "Journey from the Fall - Vượt Sóng", do Trần Hàm đạo diễn, khởi chiếu 30-4-2005). Cộng sản hành động rất ác nhưng nói rất khéo và che đậy rất giỏi! Vì thế phải giải thích cho các cháu hiểu, không phải để hận thù mà là để biết sự thật. Có một câu mà nhiều người hay nhắc: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm.”

Quê Cha Đất Tổ

Dù công việc bận rộn đến mấy, các con hãy dành thì giờ nghiền ngẫm những trang lịch sử và địa lý Việt Nam, để biết nguồn gốc dân tộc, sự hình thành đất nước, những bước thăng trầm, những nỗi vinh nhục, những khôn ngoan và lầm lỗi của ông cha ta. Và từ đó chúng ta rút ra những bài học. Có những trang lịch sử oai hùng, mà cũng có những trang lịch sử đẫm nước mắt. Có khi nước ta bị đô hộ khổ nhục cả ngàn năm, mà cũng nhiều khi dân ta anh dũng vùng lên phá xiềng xích, giành tự chủ. Lại cũng có khi người mình đi xâm chiếm tàn phá nhiều nước khác, thí dụ gần đây nhất là mười năm tàn phá Cao Miên, gây nên căm hờn của nước láng giềng và để lại cái nghiệp nặng mà các thế hệ sau sẽ còn phải gánh chịu!

Lịch Sử Gần Đây

Nước ta bị Pháp đô hộ từ cuối thế kỷ 19. Khoảng 1940, đại chiến thế giới bùng nổ. Ở nước ta, Nhật đảo chánh Pháp 9-3-45. Vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp, rồi giao cho Ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ đâu tiên của nước Việt Nam độc lập. Phe Trục gồm Đức, Ý, Nhật thua Đồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa. Ngày 19-8-45, Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Nhưng không được bao lâu, Pháp tìm cách quay lại. Cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bắt đầu ngày 19 tháng 12, 1946. Khi phe Việt Minh lộ rõ bản chất Cộng sản, các đảng phái quốc gia trước nguy cơ bị họ tiêu diệt dần, đã trở về vùng quốc gia là nơi đã thiết lập một chính quyền khác với chính quyền vùng kháng chiến mà thực chất là cộng sản. Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước: miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Miền Bắc công khai theo khối Cộng sản, tiến hành xâm lăng miền Nam bằng võ lực và che mắt thế giới bằng con bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Miền Nam được Hoa Kỳ và đồng minh của khối tự do ủng hộ đê ngăn sự bành trướng của Cộng sản. Khi quân xâm lăng mạnh thì Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam, bắt đầu vào 1960, và chiến tranh trở nên khốc liệt.

Năm 1972, sau khi Liên Xô và Trung Quốc trở thành đối nghịch thì Tổng Thống Nixon đến Trung Quốc ký Thỏa hiệp Thượng Hải. Hoa Kỳ không cần đến “tiền đồn chống Cộng” nữa nên bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa! (Soạn phẩm khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết những sự thật phũ phàng về sự bội ước và tháo chạy của Mỹ.) Theo Hiệp định Paris 1973: Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, chỉ để lại một số cố vấn mà thôi, còn quân Bắc Việt vẫn ở lại! Cộng sản Bắc Việt tiếp tục xâm lăng miền Nam với nhiều viện trợ của cộng sản quốc tế. Việt Nam Cộng hoà dù tự vệ can trường đến mấy, mà không đủ vũ khí, xăng dầu... thì chắc chắn là kém thế. Ngày 30 tháng tư 1975, thủ đô Sài Gòn thất thủ. Cuộc di cư tỵ nạn cộng sản, tìm Tự Do bắt đầu.
Từ đây trở đi, chính các con biết khá nhiều chi tiết.

Suy Xét Thông Tin và Sử Liệu

Thời buổi này, thông tin rất nhiều, quá nhiều. Người ta viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam nhiều lắm, có cả phim ảnh nữa, nhưng trung thực thì chẳng được bao nhiêu. Có người viết trung thực nhưng chỉ nhìn được một khía cạnh của vấn đề, hệt như “những anh mù sờ voi”. Có người cố ý bẻ cong sự thật, nhằm đạt mục đích riêng của mình. Có người - kể cả nhà tu - còn bịa đặt thêm chuyện để vu khống người khác! Tệ nhất là khi kẻ cầm quyền hay tay sai của họ viết sử. Nhà văn Alex Haley đã viết ở dòng cuối tác phẩm "Roots" (Nguồn Cội): “Rốt cuộc, chính kẻ chiến thắng là kẻ viết sử.” Cho nên, bố mẹ ân cần dặn các con và nhất là các cháu rằng khi đọc tài liệu, sách vở và coi phim về Việt Nam thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dù là của tác giả nào, kể cả Âu-Mỹ, cũng phải hết sức thận trọng và suy sét thông minh.

Theo bố mẹ thì cuộc chiến 1954-1975 ở nước ta là chiến tranh Nam Bắc, là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, là đối đầu giữa hai khối Cộng sản và Tự do; khí giới nước ngoài, máu dân Việt mình. Đối với người việt nam, đó là chiến tranh tự vệ. Còn cộng sản Bắc Việt thì tuyên truyền và giáo dục quần chúng rằng đó là chiến tranh chống Mỹ-Ngụy và thống nhất đất nước. Kẻ thắng kiêu ngạo và tàn ác, người thua uất hận trong tủi nhục. Mấu chốt của sự chia rẽ trầm trọng trong dân tộc ta nằm ở điểm ấy (kể ra thì dân tộc ta còn nhiều sự chia rẽ khác nữa). Chưa thay đổi được hai cách nghĩ đó thì chưa nói tới hòa hợp dân tộc được! Hàng triệu người đã chết, tuy đất nước được thống nhất mà lòng người đến nay vẫn còn chia rẽ.

Về Thăm Việt Nam

Có vài vị hỏi bố mẹ đã về thăm Việt Nam chưa. Câu trả lời là chưa, vì lý do sức khoẻ. Đã có rất nhiều người về Việt Nam, mỗi người một lý do, mỗi người một mục đích, mỗi người một cách nhìn! Về để chăm sóc cha già mẹ yếu, thăm nuôi người thân, về để sửa sang phần mộ tổ tiên, về để giảng dạy cho sinh viên, để nhìn lại quê hương, những điều ấy là chính đáng. Về để cứu trợ nạn dân của các thiên tai hay giúp đỡ đồng bào nghèo túng mà không vì danh vì lợi, cũng là việc tốt. Về để ăn chơi, để du lịch rẻ tiền, để cầu danh lợi, để xin vài tấm bằng khen, thì không nên.

Sau này, khi trong nước thay đổi thật sự, các con có thể đưa các cháu về thăm quê hương. Bố mẹ biết trước rằng các cháu sẽ không xúc động lắm đâu vì con người ta phải có kỷ niệm, phải có gắn bó thì mới xúc động được. Các con hãy cố hướng dẫn các cháu yêu đất nước, dân tộc và đồng bào Việt Nam, đừng để cho các cháu chỉ là những khách du lịch bình thường. Còn việc các con hay các cháu sẽ về làm ăn sinh sống tại Việt Nam thì bố mẹ nghĩ rằng điều đó khó xảy ra.

Hiện tình đất nước. Nếu có ai nói rằng Việt Nam nay đã tiến bộ (đa số người dân nay đã được ăn cơm thay vì ăn cơm trộn bo bo, có nhiều xe gắn máy và xe hơi thay cho xe đạp... chẳng lẽ sau 30 năm im tiếng súng mà không có tiến bộ!) thì đó là một vài tiến bộ so với chính Việt Nam chứ nếu đem so sánh Việt Nam với các nước láng giềng thì đáng xấu hổ về nhiều mặt (như Cao Miên mà cũng còn có đảng đối lập). Muốn biết sự thật ở Việt Nam đằng sau những "binh đinh" cao ngất, những "ô-tô con" bóng loáng, những khách sạn năm sao, những sân "gôn" tân kỳ, thì phải theo dõi tin tức trong nước để thấy sự băng hoại trầm trọng về nhiều phương diện (nhất là về giáo dục), sự hiện diện của Tư Bản đỏ, của quốc nạn tham nhũng, sự phung phí tài nguyên quốc gia, và phải đích thân đến thăm đồng bào nơi các vùng xa xôi nghèo khó. Chúng ta cần biết sự thật, không tô hồng mà cũng chẳng bôi đen!

Để tạm hiểu hiện trạng nước ta, các con tìm đọc bài nói của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Trung ương Hà Nội. Ông ta thuyết trình các sự thật cho các cán bộ cao cấp nhất của cộng sản Việt nam nghe. Bài nói này gần đây mới được tiết lộ ra ngoài. Bài giới thiệu viết: "Mọi người phải chú ý tới những con số cho thấy sự thật phũ phàng về nền kinh tế Việt Nam. Ông Doanh cho thấy cả tình trạng yếu kém của nền kinh tế lẫn tính chất phi dân chủ của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Từ đó ông dám nói thẳng cả cơ cấu chính trị cũng hỏng, phải thay đổi". (Ngô Nhân Dụng, nhật báo Người Việt, ngày 30-3-2005).

Ông Doanh kể lại rằng một chuyên viên tài chánh quốc tế đã đặt câu hỏi với ông như sau: "Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến thế, là thế nào? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Chúng mày cứ đề ra mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng đi ăn xin nữa, có được không?" Thật là mối nhục chung cho cả nước! Nước ta đâu có hèn kém, dân ta đâu có lười biếng. Do đâu mà khổ nhục đến thế? Do độc tài đảng trị!

Thái Độ Chính Trị

Không những đồng bào hải ngoại đòi bãi bỏ độc đảng, thiết lập đa nguyên đa đảng, mà ngay cả những đảng viên cùng những phần tử tiến bộ ở trong nước cũng đòi như vậy. Cần hiểu rằng: chống độc tài, độc đảng, chống tham nhũng, chống đường lối sai lầm của cộng sản, không phải là chống nước Việt Nam mà là mong cho nước Việt Nam khá hơn, tiến hơn.

Nếu ai có nghĩ rằng cộng sản ngày nay đã "đổi mới" một chút thì nên biết rằng do sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu, do sự đấu tranh ở trong và ngoài nước, do áp lực quốc tế và do nguy cơ tan rã của đảng nên cộng sản Việt Nam bắt buộc phải đổi mới về kinh tế (mà không đổi mới về chính trị)! Tuy mình không làm chính trị nhưng mình phải có thái độ chính trị, mình phải tiếp tục ủng hộ các cuộc đấu tranh sao cho đất nước có dân chủ Tự Do thật sự.

Tổng bí thư của cộng sản Việt Nam đã nhận rằng cộng sản Việt Nam có "phạm nhiều sai lầm". Chúng ta hỏi: sai lầm sao không sửa, sao không công khai xin lỗi các quốc dân, sao không trả lại ruộng đất nhà cửa cho các tư nhân và các giáo hội, sao không bồi thường cho các nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất, của vụ Nhân Văn Giai Phẩm, của các đợt cải tạo công thương nghiệp, sao không bồi thường và xin lỗi những người bị bắt đi tù "học tập cải tạo"? Sự thực thì ai ai cũng muốn xóa bỏ hận thù, nhưng cộng sản Việt Nam cần phải hành động cụ thể cho nhân dân trông thấy. Nói "xoá bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai" xuông thôi thì ích gì? Nói "đại đoàn kết" mà lại do đảng lãnh đạo (điều 4 hiến pháp Cộng sản) thì ai mà tin được!

Chuyện trong gia đình.

Bây giờ, nói chuyện trong nhà. Bố mẹ thuộc thế hệ trước, nuôi nấng các con theo quan niệm thời bố mẹ, cũng như ông bà nuôi nấng bố mẹ thời ông bà. Một vài lúc nào đó, các con có thể nghĩ rằng bố mẹ đã quá khắc khe với các con.

Thời buổi ấy là như vậy. Mong các con quên đi những gì mà bố mẹ đã vô tình làm các con buồn lòng. Hãy nhớ rằng bố mẹ không đua đòi ăn chơi, không chi tiêu hoang phí, lúc nào cũng giữ đời sống mực thước, và bố mẹ đã cố gắng làm việc và dành dụm để các con được sống đầy đủ, được học hành cẩn thận, dưới mái ấm của gia đình.

Vì tài sản bố mẹ đã bị CS cướp hết rồi nên khi sang tới đất mới này, đời sống của chúng ta khá khó khăn. Bố mẹ đã nhận làm những công việc thật mệt nhọc. Các con đã chịu khó đi làm vất vả trong các dịp hè, và đã cố gắng học hành chăm chỉ, đến nay thì "đâu vào đấy" cả. Các con không bao giờ được tự mãn, nghĩ rằng mình tài, mình giỏi. Cái tài, cái giỏi nếu có chỉ là một phần thôi, còn các phần khác là nhờ các thuận duyên, nhờ âm đức của tổ tiên và của chính mình, từ các kiếp trước và kiếp này. Các con phải luôn luôn sống đạo đức để bồi đắp cho cái nghiệp lành của mình, hệt như người dùng xe hơi phải lo "sạc điện" cho cái bình ắc-quy vậy. Gieo nhân lành thì sẽ hái quả lành. Luật nhân quả là một luật của trời đất, không sai được!

Trong gia đình riêng của các con, bố mẹ khuyên: vợ chồng phải cư xử với nhau trong sự tương kính, phải nhường nhịn lẫn nhau. Không thể tránh được vài đụng chạm đâu, hãy khéo léo và bình tĩnh mà giải quyết mọi việc. Nóng giận là hỏng.

Còn đối với con phải thương yêu nhưng không được nuông chiều. Cần phải kiểm soát bạn bè của các cháu và phải liên lạc với cha mẹ của bạn bè các cháu để tìm hiểu cho chắc chắn: hư hỏng vì bạn bè trong xã hội này là một sự kiện rất phổ biến ! Tivi, game, chat... phải hạn chế, còn thể dục thể thao thì nên khuyến khích. Bản thân các con phải lo xếp thì giờ tập thể dục, sống một cuộc sống thăng bằng. Hãy rút kinh nghiệm của bố: lúc trẻ, bố miệt mài làm việc nhiều quá nên nay về già, bị cơ thể "hỏi tội," đau lên đau xuống hoài.

Trong đời sống hàng ngày, phải luôn tiết kiệm và bảo vệ môi trường sinh hoạt vì tài nguyên thế giới chỉ có hạn, chúng ta cần nghĩ đến thế hệ mai sau. Dùng thứ gì cũng không được phí phạm, kể từ tờ giấy lau tay! Thỉnh thoảng, hãy cho các cháu coi hình chụp hay phim ảnh những trẻ em đói rét và cho các cháu biết rằng trên trái đất này còn rất nhiều người cực khổ.

Khi anh chị em cư xử với nhau, phải nhớ kỹ mấy câu "anh em như thể tay chân", "chị ngã em nâng", "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ". Bí quyết áp dụng chữ "xả." Hãy bỏ qua hết mọi khuyết điểm của anh chị em mình. Các con mà chia rẽ thì bố mẹ sẽ đau khổ vô cùng.

Trong xã hội này, vì bận rộn quá, người ta chỉ đủ thời giờ lo cho gia đình riêng nên có khi lơ là với đại gia đình, dù thâm tâm không muốn như vậy. Các con hãy đề cao tình đoàn kết trong đại gia đình. Với các con gái và con dâu, bố mẹ nhắc: các con hãy giúp chồng giữ liên lạc tốt đẹp với anh chị em và họ hàng nội ngoại. Tiếng Việt tại nước ngoài.

Có vài điều đáng bàn. Các cháu là công dân nước này, với mọi bổn phận và quyền lợi của một công dân. Cuộc sống thực tế trong trường học cũng như ngoài xã hội bắt buộc các cháu phải nói Anh hay Pháp ngữ, và phải nói và viết thật giỏi, nếu không thì sẽ khó hoà đồng, bị lạc lõng và bị thua kém! Đi học, các cháu nói tiếng Anh hay tiếng Pháp (hay cả hai). Về nhà, các cháu thường nói với nhau bằng hai thứ tiếng ấy. Tuy các con thường bắt các cháu nói tiếng Việt trong gia đình, bố mẹ vẫn cảm thấy tiếng Việt các cháu hãy còn kém. Nói tiếng Việt đã yếu, viết tiếng Việt còn tệ hơn, vì các cháu có tập đọc và viết chữ Việt thường xuyên đâu! Một vài giờ tiếng Việt vào cuối tuần ở trung tâm Việt ngữ với các cô giáo rất tận tâm chưa đủ các cháu khá hơn. Chỉ riêng việc học cách xưng hô theo tiếng Việt đã là khó nhất thế giới rồi!

Đồng bào ta ở hải ngoại luôn luôn nhắc đến việc bảo tồn tiếng Việt. Bố mẹ cũng nghĩ như vậy. Nhưng xét cho cùng, một đứa trẻ không thể kể là hai đứa trẻ (Việt & Canada hay Việt & Mỹ) nhập lại làm một được! Nếu ép quá thì sức của chúng chịu không nổi. Còn thể thao, còn âm nhạc nữa chứ. Vậy ta phải khéo chọn đúng liều lượng, đừng biến đứa trẻ thành "cái máy học"! Các cháu sẽ phải vươn lên ở đất nước này. Các con cần phải chuẩn bị sao cho chúng sống thích hợp với môi trường và sống thoải mái tại đây.

Xã Hội Âu Mỹ

Xã hội này là một xã hội tiêu thụ quá mức. Các con không nên để mình bị lôi cuốn dễ dàng vào các trò tiếp thị khéo léo nhằm xúi giục chúng ta mua hàng thả dàn. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng của quảng cáo, ngay cả trong khi chúng ta đang bị các nhà băng và các hãng bảo hiểm bao vây, chi phối. Các con cần "thiểu dục, tri túc" tức là "ít ham, biết đủ", chỉ mua thứ cần thiết, không có không được mà thôi! Nhà, xe cũng vậy: an toàn và đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày là được rồi. Tránh nợ nhiều. Thảnh thơi thì hơn! Bố mẹ không nói lý thuyết xuông đâu, xã hội bây giờ xuống dốc về đạo đức, về tâm linh, chỉ vì hướng ngoại nhiều quá, lo về vật chất nhiều quá, ích kỷ quá, chẳng tìm thấy hạnh phúc ở đâu cả! Bớt ích kỷ, hãy nghĩ đến đồng loại, phải biết chia sẻ với đồng loại.

Riêng Phần Bố Mẹ. Già thì bệnh, bệnh rồi sẽ... ra đi! Quy luật tự nhiên là vậy. Đến ngày ấy, các con hãy lo tổ chức tang lễ cho bố mẹ được trang nghiêm nhưng đơn giản. Nếu chôn cất mẹ ở một nghĩa trang thì sau này, khi phải đi làm ăn nơi khác, các con sẽ thắc mắc vì ở xa không trông nom được phần mộ. Bố mẹ chọn cách hỏa táng, thuận tiện hơn, mà khỏi phải chiếm đất, vì đất rất cần thiết cho các thế hệ sau. Có thể đem rải tro của bố mẹ lên núi hay xuống sông, xuống biển. Cát bụi trở về cát bụi, có gì đâu! Thay vì đãi đằng ăn uống, các con hãy dùng tiền bạc đóng góp vào việc có ích lợi chung. Đừng e thẹn thiên hạ chê cười; mọi người sẽ hiểu và tán thành. Có một chi tiết như thế này, nếu chẳng may, bố mẹ ngã bệnh và phải chịu một "đời sống thực vật," các con hãy can đảm chọn giải pháp rút ống trợ sinh; kéo dài làm chi, chỉ gây khổ cho mọi người!

Bàn thờ gia đình.

Trong hoàn cảnh ngày nay, khó lập bàn thờ ngay trong nhà. Nhớ đến tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, các con có thể bày nơi trang trọng nhất ở trong nhà để tỏ lòng tôn kính và để tự hứa không bao giờ tổn hại gia phong. Đến ngày giỗ, xếp một bàn nhỏ, bày một chén nước trong, vài bông hoa thơm, mấy trái cây tươi và một nén nhang (nhang điện cũng được) là đủ, vì lòng thành các con, các cháu mới là quý. Bố mẹ nói "các cháu" là có ý nhắc các con cần cho các cháu biết ý nghĩa ngày giỗ của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày giỗ, các con hãy nghĩ thiện, làm lành nhiều hơn các ngày khác, hãy chia sẻ chút đỉnh cho người nghèo, hãy gom quần áo dư để dành cho các hội từ thiện. Nếu anh chị em nhân ngày giỗ mà về họp mặt một nơi thì thật là tốt vì tình thân gia đình sẽ nhờ đó mà tăng lên.

Mong các con đọc kỹ thư này, suy nghĩ đến nơi và cố gắng thực hành những lời dặn.

Hôn các con của bố mẹ!

Bố mẹ cám ơn các con đã luôn luôn tận tâm săn sóc bố mẹ từ bao nhiêu năm nay và đã lo toan đầy đủ để cho bố mẹ được thoải mái, vui hưởng tuổi già.

Hôn các cháu thật lâu!

Bố mẹ!

Nguyễn Văn Phú

https://www.bacaytruc.com/index.php/2941-chuc-th-c-a-giao-s-nguy-n-van-phu-vi-t-cho-con-chau-ngu-n-h-i-quan-phi-dung


No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...