Sunday, March 17, 2019

MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG VÀ KHÓI SÚNG

 


MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG VÀ KHÓI SÚNG
(Vương Mộng Long - K20)

 

pic

 

Mấy hôm nay tuyết bắt đầu rơi, mùa Winter 2006 – Bắc Mỹ đã tới. Tôi nhủ thầm, “Như thế là Xuân đang về nơi quê mẹ!” Quê mẹ Việt-Nam của tôi nằm bên kia biển Thái Bình Dương, xa lắm!


Ðầu năm Dương Lịch, tôi có một tuần được nghỉ bù cho những ngày làm việc phụ trội mùa Giáng-Sinh. Tôi lên nhà đứa con gái thứ nhì, chơi với thằng cháu ngoại Maxwell hai tuổi. Bố mẹ nó đi làm tới tối mới về. Tuổi cháu Maxwell bây giờ bằng tuổi mẹ nó ngày ông ngoại nó thua trận năm xưa, ngày Sài-Gòn thất thủ, tháng tư 1975.


Thằng bé bập bẹ:


— “Ong… ong… ong ngại…”


Tôi vuốt tóc nó. Nó toét miệng ra cười. Nụ cười của thằng bé thật là trong sáng, hồn nhiên. Mùa Xuân đời nó mới bắt đầu…


Tôi ôm thằng cháu ngoại vào lòng. Bồi hồi nhớ lại những mùa Xuân đã qua trong cuộc đời mình.


Thuở ấu thơ, Xuân về, tôi chỉ thấy buồn nhiều hơn vui: vì tôi là một đứa trẻ mồ côi cha khi chưa đầy sáu tuổi.


Tuổi hai mươi, tôi vào Trường Võ-Bị. Ra trường, tôi lặn ngụp trong chiến trận mười năm, tiếp theo là mười ba năm khổ nhục trong lao tù Cộng-Sản. Giờ đây tôi đang bước sang năm thứ mười ba của kiếp sống tha phương nơi đất lạ quê người.


Tới mùa Xuân 2006 này là chẵn bốn mươi năm kể từ ngày tôi trình diện đơn vị.


Tới mùa Xuân này là chẵn bốn mươi năm sau ngày tôi tham dự trận đánh lớn đầu tiên.


Trận đánh này tôi xem như bài khảo hạch thực tế quá khắt khe và quá phũ phàng đối với một sĩ quan trẻ vừa rời quân trường. Nó đã ghi sâu trong lòng tôi một kỷ niệm rất buồn, khó quên. Nó cũng là một bài học quý giá giúp tôi thành công những năm sau, trên cương vị một người chỉ huy, sống và chiến đấu sát vai với thuộc cấp của mình.


o O o

 

Mùng Mười Tết năm Bính-Ngọ 1966, tôi mãn phép ra trường. Vài ngày sau đó tôi trình diện Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Chuẩn tướng Nhuận bắt tay tôi, chúc cho tôi một đời binh nghiệp thành công.

Lòng phơi phới, hân hoan tôi rời Sài-Gòn với cái sự vụ lệnh bổ sung quân số cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đồn trú ở Phú-Lộc, Ðà-Nẵng.

Ðoạn đường ngắn ngủi từ Ban Ðại-Diện Biệt Ðộng Quân Quân Khu 1 ở gần cầu Trịnh Minh Thế, tới hậu cứ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân ở xã Hòa-Khánh ngoại ô Ðà-Nẵng, cũng chiếm vài ngày, vì thủ tục giấy tờ nhiêu khê.

Thiếu úy Nguyễn Giáp, sĩ quan quân số của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nói với tôi rằng ông Ðại úy Tiểu đoàn trưởng đang hành quân ở Hội-An. Tôi có thể đi tìm ông ta bằng phương tiện tự túc.

Hạ tuần tháng Giêng Âm-Lịch, hơi hướm Tết còn vương. Vào Xuân, đường phố Hội-An rực rỡ. Những đóa hoa mai nở vàng sau vườn. Những câu đối đỏ còn đong đưa trên nêu tre trong phố cổ.

Trong nắng ấm, phấp phới những tà áo màu sặc sỡ. Phố hẹp, người đông. Người dân Hội-An đang sống trong một không khí thanh bình tạm bợ. Khói lửa chiến tranh vẫn ngùn ngụt nơi vùng quê. Từ ngoại ô, tiếng đại bác vẫn ì ầm vọng về…

Khoảng mười giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1966 tôi rời nhà, lên phố tìm ông tiểu đoàn trưởng để trình diện.

Từ chùa Âm-Bổn, tôi thả bộ theo đường Nguyễn Duy Hiệu, vừa đi vừa ngắm cảnh phố phường.

Khi tôi tới cổng trường Trung học Tư thục Diên-Hồng thì sau lưng tôi có một chiếc xe GMC từ hướng Ðế-Võng chạy lên. Thấy trên xe có cái quan tài phủ quốc kỳ Việt- Nam Cộng- Hòa, tôi dừng lại, đứng nghiêm, giơ tay chào vĩnh biệt người chiến sĩ vừa tử trận.

Bốn anh Biệt Ðộng Quân hộ tống xe tang ngồi hai bên quan tài, dõi mắt quan sát khách qua đường. Khi nhận ra tôi cũng là một Biệt Ðộng Quân, với bông mai vàng trên ve áo, họ giơ tay chào. Tôi tò mò,

– Ai đó mấy chú?

Một anh lính nghẹn ngào,

– Thiếu úy Gia, Thiếu úy Gia Ðại Ðội 2 đó Thiếu úy!

Tôi chột dạ, hỏi thêm,

– Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Gia khóa 19 Ðà-Lạt phải không?

– Dạ phải!

Tim tôi nhoi nhói đau. Khóa 19 Ðà-Lạt ra trường trước khóa 20 Ðà-Lạt của tôi vừa tròn một năm. Tôi đứng lặng nhìn theo chiếc GMC chạy về hướng chợ.

Chiếc xe từ từ lăn bánh giữa hai hàng cây xanh. Những cành phượng vỹ mềm mại trĩu xuống, vướng vào mui xe, quệt trên lá cờ vàng ba sọc đỏ, như níu, như kéo. Khi chiếc xe đi qua, những cành cây bật qua, bật lại trông như những cánh tay vẫy chào biệt ly…

Tới đầu chợ Hội-An, tôi gặp một toán quân nhân Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đang tụ tập chờ xe đón về đơn vị. Tôi hỏi thăm họ nơi nào ông tiểu đoàn trưởng đóng quân, thì họ nói ông Ðại úy ngày nào cũng loanh quanh ở mấy quán cà phê đâu đó gần chùa Cầu.

Tôi tìm được Ðại úy tiểu đoàn trưởng trước cửa tiệm chụp ảnh Huỳnh Sỏ. Ông Ðại úy và đoàn tùy tùng của ông đang ngồi xẹp, tán dóc giữa đường Nguyễn Thái Học. Ông không cần đọc cái sự vụ lệnh của tôi. Ông nheo mắt quan sát tôi một phút rồi phán,

– Còn sữa quá! Làm ban 3 tiểu đoàn!

Tôi đứng nghiêm. Nhìn thẳng vào mặt ông tiểu đoàn trưởng, tôi dõng dạc,

– Thưa Ðại úy, tôi muốn ra đại đội tác chiến!

Ông tiểu đoàn trưởng nhìn sững tôi một giây, rồi phá lên cười,

– Ð! M! Chứ ban 3 tiểu đoàn không tác chiến sao? Oui! Toa về Ðại Ðội 3 thay Thiếu úy Vinh. Thằng Vinh lên làm ban 3.

Khi nói chuyện, Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân thường chêm tiếng Tây; sau này tôi biết ông xuất thân từ quân đội Tây. (Oui! = Ðược rồi!)

Xế trưa hôm đó, tôi quá giang xe đò tới xã Thanh-Quýt, quận Ðiện-Bàn, để giữ chức Ðại Ðội Phó kiêm Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1/Ðại Ðội 3/ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Sĩ quan Ðại Ðội Trưởng 3/11 là Trung úy Lê Bá Ngọ đi chơi vắng. Người tiếp tôi là Chuẩn úy Nguyễn Văn Vinh, sĩ quan trực đại đội, anh cũng là người sẽ bàn giao Trung Ðội 1 cho tôi.

Khi bàn giao trung đội cho tôi, Vinh cười,

– Sao mày ngu quá? Làm ban 3 có xe Jeep lại không chịu. Chịu làm trung đội trưởng, để đi bộ.

Chuẩn úy Nguyễn Văn Vinh là con bác Bạo, y tá của Bệnh Viện Hội-An. Anh Vinh là bạn học cùng lớp Trung học Trần Quí Cáp của tôi. Vinh đi khóa 17 Thủ-Ðức. Khóa 17 Thủ Ðức nhập trường sau khóa 20 Ðà-Lạt vài ngày, ra trường trước khóa 20 Ðà-Lạt hơn một năm.

Ngày tiếp nhận sự vụ lệnh của tôi, Thiếu úy Giáp còn cho tôi biết khóa 20 Ðà-Lạt có ba người được bổ sung quân số cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nhưng chỉ có mình tôi tới đơn vị đúng ngày, hai người kia thì chưa thấy đâu.

Hồi đó tôi còn thư sinh, trắng trẻo lắm, binh sĩ trong đơn vị cứ lầm tôi với Thiếu úy Hồng Dũ Thiều, khóa 19 Ðà-Lạt, cấp chỉ huy cũ của họ. Tôi thấy họ tỏ ra rất tin tưởng, vâng lời và thương yêu những sĩ quan xuất thân từ Ðà-Lạt.

Ðã có nhiều niên trưởng của tôi phục vụ đơn vị này trước khi tôi ra trường. Nhưng cùng với đà khốc liệt của chiến tranh tăng nhanh, sĩ quan Ðà-Lạt ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân cũng hao hụt nhanh. Trừ Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Giám (K19) còn sống sót, nhưng đang là thương binh loại 2, những niên trưởng khác của tôi đều tử trận cả rồi.

Thiếu úy Hồng Dũ Thiều (K19) và Trung úy Nguyễn Văn Hùng (K18) chết trong trận Việt-An, Quảng-Ngãi khi tôi đang tập dượt lễ mãn khóa 20 trong Trường Võ-Bị. Thiếu úy Nguyễn Vĩnh Gia (K19) chết ở Cẩm-Kim, Hội-An, ngày tôi trình diện tiểu đoàn.

Vì thế đầu Xuân 1966, ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, nhìn tới, ngó lui, chỉ có một bông mai vàng Ðà-Lạt cô đơn, đó là tôi.

Thời gian này Quân Ðoàn I đang trong chiến dịch “Hỏa Tuyến Vùng Lên”. Ðơn vị tôi thường xuyên đi hành quân tảo thanh quanh thị xã Hội-An và vùng ven biển Quảng-Nam.

Tôi là cựu học sinh Trung học Trần Quí Cáp. Tôi không lạ gì hai con chó đá và hai con khỉ đá Chùa Cầu. Tôi cũng rất quen những địa danh Cẩm-Kim, Xuyên-Quang, Phước-Trạch, Thu-Bồn, Cửa-Ðợi, Câu-Lâu… vân vân.

Mỗi khi hành quân về, đại đội tôi lại đóng quân ở nghĩa trang Triều-Châu, gần miếu Ông Cọp, ngoại ô thị xã Hội-An.

Căn lều của ban chỉ huy Trung Ðội 1 dựng gần mộ nhạc sĩ La Hối, tác giả bài “Xuân và Tuổi Trẻ”. Ông La Hối là người của thành phố Fai-Foo, tên xưa của Hội-An.

Căn lều ấy chứa năm thầy trò chúng tôi. Gồm có tôi (Thiếu úy Vương Mộng Long), Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong, người nấu cơm cho trung đội trưởng, Binh nhất Lý Thí, người mang đồ ngủ, lều võng cho trung đội trưởng, Binh nhất Mai Ðăng Vinh, hiệu thính viên của Trung Ðội 1, và Hạ sĩ nhất Nguyễn Mầu, xạ thủ trung liên BAR, hỏa lực chính của Trung Ðội 1.

Mặc dù gia đình tôi ở ngay trong phố Nguyễn Duy Hiệu, Hội-An, nhưng tôi thích sống tại đơn vị, gần gũi với những quân nhân dưới quyền.

Những buổi trở trời, mưa phùn bay mênh mang trên những đụn cát xa xa, Binh nhất Lý Thí lại mò ra đầu xóm, rinh về một đĩa lòng heo luộc và một bi-đông rượu trắng. Thầy trò tôi ngồi tán dóc chuyện dưới biển, trên trời.

Khi men cay đã thấm, ông Mầu và thằng Thí gân cổ, vụng về ca những câu vọng cổ chẳng đâu vào đâu, làm cho thằng Vinh lăn bò ra cười. Khi nó cười, miệng nó óng ánh hai cái răng vàng quê ơi là quê!

Vào những chiều mưa buồn như thế, đám đàn em của tôi thường nài nỉ tôi cụng ly với họ.

Sau mỗi lần tôi chịu “dzô!” một ly, thế nào họ cũng bắt tôi kể cho họ nghe một câu chuyện văn chương hay lịch sử.

Không biết họ có hiểu ý nghĩa của những câu chuyện tôi kể, thơ tôi ngâm hay không, nhưng tôi thấy họ ngây người nghệt mặt, miệng há tròn như chữ “O”, họ nhìn tôi với ánh mắt đầy cảm kích.

“Sĩ quan Ðà-Lạt, văn võ kiêm toàn!”

Thằng Thí chỉ biết gục gặc cái đầu, tán tụng một câu như vậy, mỗi khi tôi ngừng đọc một bài Ðường Thi, hay kết thúc một chuyện tình của Nã Phá Luân Ðại-Ðế.

o O o

Mờ sáng 22 tháng 2 năm 1966 đại đội tôi được thiết vận xa chở từ Hội-An lên Vĩnh-Ðiện để cùng với Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội 4 đi giải vây cho đồn Kỳ-Ngọc, Ðiện-Bàn. Vì Ðại Ðội 2/11 của Trung úy Tôn Thất Trực đang tăng cường cho chi khu Quế-Sơn, nên lần hành quân này Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân chỉ tham chiến với ba đại đội.

Vừa rời ngã ba Quốc Lộ 1 được một đỗi, đơn vị tôi bị khựng lại vì đoàn người chạy loạn ngược chiều cản đường. Ðồng bào bồng bế dắt díu nhau ùn ùn dồn về thị trấn Vĩnh-Ðiện để lánh nạn chiến tranh.

Gần tới tháp Bằng-An, tôi gặp Trung úy Nguyễn Ngại, đại đội trưởng đơn vị Ðịa Phương Quân phụ trách vùng Tây Vĩnh-Ðiện. Trung úy Ngại xin gặp Trung úy Ngọ. Hai ông đại đội trưởng trao đổi tin tức cùng nhau vài phút. Sau đó, tôi được lệnh triển khai đội hình một hàng dọc, theo lộ tiến về hướng Tây.

Trung Ðội 1 do tôi dẫn đầu vừa qua khỏi tháp Bằng-An thì đằng sau có tin báo, khẩu súng Colt của Trung úy đại đội trưởng bị “cướp cò” khiến cho một viên đạn “dính” vào cẳng ông. Ông Trung úy đã được y tá khiêng lên xe cứu thương chở đi mất rồi!

Hạ sĩ Phụng, hiệu thính viên đại đội chạy hộc tốc từ hậu quân lên tìm tôi để đưa cái ống liên hợp máy PRC10 cho tôi,

– Thiếu úy! Ðại Bàng muốn nói chuyện với Thiếu úy!

Ðây là lần đầu trong đời lính, tôi có dịp đàm thoại với “Ðại Bàng” trên máy PRC10.

Buổi ấy là thời cực thịnh của những danh xưng truyền tin dữ dằn, đầy hơi hướm giang hồ hảo hớn như “Sơn Vương”, “Phi Hổ” ,”Mãnh Sư”, “Ðại Bàng”…

Mãi về sau, khi bọn thư sinh hào hoa may mắn sống sót, ngoi lên được những vị trí chỉ huy chiến trận, thì tên của những nữ minh tinh, ca sĩ thủ đô mới được “trực thăng vận” ra chiến trường. Từ đó, bất cứ chốn nào có súng nổ, đạn bay, thì các nàng Thái Thanh, Kiều Chinh, Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy… lại gọi nhau ơi ới.

Trận này chỉ có một “Ðại Bàng” Mũ Nâu, Nguyễn Thừa Dzu. Còn “Ðại Bàng” Mũ Ðen Nguyễn Văn Của, Chi Ðoàn Trưởng Thiết Kỵ thì vắng mặt. Người chỉ huy đơn vị thiết kỵ ngày hôm đó là Trung úy Lào, Chi Ðoàn Phó.

Ông Ðại úy tiểu đoàn trưởng cho lệnh tôi đảm đương chức vụ Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 3/ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, vì đại đội tôi chỉ còn hai sĩ quan là tôi và Chuẩn úy Ðạt.

Từ phút đó, trên máy truyền tin, tôi không còn là “Giới Chức 1” nữa mà tôi được quyền xưng danh là “Thẩm Quyền 3”.

“Ðại Bàng! Ðây Thẩm Quyền 3 tôi nghe!”

Tôi chưa ổn định được đội hình đại đội thì Ðại úy đã thúc hối,

– A lê! Tiến lên cho kịp mấy con cua sắt! Ð! M! Cứ lù đù như gà mắc dây thun thì đến tối cũng chưa tới mục tiêu!

Quả thực, từ lúc khởi hành cho tới giờ đó, tôi có biết mục tiêu ở chỗ nào đâu! Trung úy ra đi không để lại một lời! Ðại úy ở chỗ nào tôi cũng chẳng hay! Tôi chỉ nghe được tiếng nói của người trên máy. Tôi định xin Ðại úy chỉ cho tôi mục tiêu ở chỗ nào, và nhiệm vụ của đại đội tôi làm gì, nhưng tôi lại sợ Ðại úy nổi giận!

Thấy đoàn M113 đang hàng dọc bò chầm chậm theo con lộ, tôi vội vàng ra lệnh cho quân mình dàn hàng ngang hai bên đường tiến lên phía trước đoàn xe.

Những tia nắng mai bắt đầu lóng lánh trên mặt nước đồng chiêm. Nếu không có những tiếng động cơ M113 rú lên từng chập trên con đường đá dăm gập ghềnh, thì toàn vùng đồng không mông quạnh này sẽ im ắng như tờ. Không cả tiếng chó sủa, mèo kêu. Tôi cảm thấy lạnh lưng, rùng mình trước cái im lặng ghê rợn ấy.

Tôi sử dụng đội hình “Tam Giác Mũi Trước”; ban chỉ huy đại đội đi sau Trung Ðội 2 bên trái đội hình. Tôi cẩn thận cho một toán tiền thám ba người đi dò đường một đoạn khá xa phía trước.

Khi chúng tôi đến gần một con dốc, nơi có cái miếu thổ địa bên đường, thì anh trưởng toán tiền thám là Binh nhất Trần Quy chạy ngược lại, hớt hải,

– Hướng Nam con lộ có rất nhiều người cài lá ngụy trang đang di chuyển ngược chiều quân bạn!

Tôi cho lệnh đại đội ngừng lại bố trí sẵn sàng. Tôi báo cáo sự việc cho Ðại Bàng.

Ông Ðại úy cằn nhằn,

– Ð! M! “Toa” cứ theo mấy con cua! Nó ngừng, “toa” ngừng. Nó tiến, “toa” tiến. Ðừng có lôi thôi!

Tôi thận trọng tiến lên cùng toán tiền sát để thăm dò tình hình. Tôi đã thấy những cành lá ngụy trang đang di chuyển từ Tây sang Ðông.



MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG VÀ KHÓI SÚNG (Vương Mộng Long -K20)

Chúng ẩn hiện sau những bờ đất hướng Nam con lộ. Tôi ra dấu cho Chuẩn úy Ðạt, Trung Ðội 3, và Thượng sĩ nhất Huỳnh, Trung Ðội 2, sẵn sàng chiến đấu.

Thế rồi…

“Ðùng! Ðùng! Oàng! Oàng! Chiu! Chíu!…” mìn nổ, đạn bay…địch khai hỏa!

Ðạn địch, trung liên, đại liên, AK47 từ trên dốc và khu ruộng khô bên trái lộ bắn xối xả về hướng đại đội tôi và đoàn xe sau lưng tôi.

Vậy là, chỉ mười hai ngày sau khi đáo nhậm đơn vị, tôi có dịp nếm mùi “Công Ðồn Ðả Viện”.

Mới mở màn mà trận này đã có vẻ sẽ là một trận lớn!

Cũng may, địch đang vận động lực lượng, mà chưa sẵn sàng! Tôi vào trận không đến nỗi bất ngờ lắm, vì tôi đã kịp thời thấy rõ tuyến dàn quân của địch. Tôi biết mình phải làm gì khi bị rơi vào một tuyến phục kích.

Lần đầu chạm địch với cương vị một đại đội trưởng, tôi cảm thấy hơi khớp. Nhưng những con mắt thuộc cấp nhìn tôi đầy tin tưởng đã khiến tôi vững tâm hơn.

Tôi nhủ thầm:

“Ta là Ðà-Lạt! Ta là một cấp chỉ huy!”

Tôi la lớn:

“Phục kích bên trái đường! Hai bên trái, Ba bên phải, xung phong!”

Những người lính già còn sót lại từ thời Chiến Tranh Ðông-Dương (1945-1954) như Thượng sĩ Huỳnh và Hạ sĩ Mầu đã chứng tỏ sự lợi hại của họ trong những tình huống hiểm nghèo như thế này!

Ông Huỳnh và ông Mầu cùng hô to:

“Xung phong bên trái!”

Nhưng ông Mầu thì kẹp khẩu trung liên BAR vừa bắn, vừa tiến lên trước mở đường, miệng ông oang oang,

– Theo tui! Theo tui! Biệt Ðộng! Sát! Biệt Ðộng! Sát!

Còn Thượng sĩ Huỳnh, thì xoay ngang khẩu Carbine ngáng sau lưng những anh lính trẻ đang bàng hoàng chần chừ, để đẩy họ chạy lên xung phong. Ông hạ sĩ quan già không ngần ngại xách cổ áo, đá đít những Biệt Ðộng Quân nhát gan đang nằm úp mặt, núp mình bên vệ đường. Ông lùa họ chạy theo đồng đội.

Thoáng chốc, trên cánh đồng mênh mông, từng cụm khói bốc cao, tiếng súng đã vang rền, hòa cùng những tiếng thét “Biệt Ðộng! Sát! Biệt Ðộng!Sát!…” kinh hoàng.

Tôi cùng Trung Ðội 2 vừa kiểm soát xong khu gò đất hướng Nam và cái miếu thổ địa thì Trung Ðội 3 của Chuẩn úy Ðạt cũng hoàn tất nhiệm vụ làm chủ con dốc hướng Tây.

Sau đó, tôi xua quân nhanh chân chạy lên chiếm giữ khoảng bờ đất cao tới ngực phân chia hai vùng ruộng khô và ruộng nước.

Thế là, chỉ vài phút sau, chúng tôi đã có một địa thế vô cùng thuận lợi để chiến đấu.

Ðoàn xe M113 vừa qua khỏi giai đoạn lúng túng ban đầu, cũng đã bình tĩnh trở lại. Họ xoay thành hình cánh cung sau lưng chúng tôi. Họ bắt đầu tác xạ tiếp tay cho Biệt Ðộng Quân.

Nép mình sau miếu thổ thần, tôi nhận định trận địa.

Khu ruộng thấp trồng lúa trải dài, cặp hai bên con lộ, theo hướng Ðông, Tây. Ruộng cao chạy song song với ruộng nước từ chân tháp Bằng-An tới ga Kỳ-Lam.

Khu ruộng cao trồng đậu phọng, khoai lang, hoặc thuốc lá.

Hết ruộng cao, xa về hướng Nam, là khu nhà dân với vườn phi lao và bãi mía um tùm.

Ðầu xóm là ngôi trường học cũ. Tường bao quanh trường, chỗ còn, chỗ sập. Từ bờ rào ngôi trường, và khu rừng phi lao, đạn địch đủ loại bắn ra đường tới tấp như mưa…

Rõ ràng địch đang vận động một cánh quân lớn từ hướng Tây qua hướng Ðông trường học để đánh bọc sườn Nam của lực lượng bạn.

Trước mắt tôi, những cán binh Việt-Cộng di chuyển thật lộ liễu nơi khoảng trống giữa hai bức tường đổ. Những cái bia sống cài lá ngụy trang, ẩn hiện chậm chạp hơn những cái bia “B” ở Trường Sình Lầy, Dục-Mỹ.

Chúng ẩn hiện sau những bờ đất hướng Nam con lộ. Tôi ra dấu cho Chuẩn úy Ðạt, Trung Ðội 3, và Thượng sĩ nhất Huỳnh, Trung Ðội 2, sẵn sàng chiến đấu.

Thế rồi…

“Ðùng! Ðùng! Oàng! Oàng! Chiu! Chíu!…” mìn nổ, đạn bay…địch khai hỏa!

Ðạn địch, trung liên, đại liên, AK47 từ trên dốc và khu ruộng khô bên trái lộ bắn xối xả về hướng đại đội tôi và đoàn xe sau lưng tôi.

Vậy là, chỉ mười hai ngày sau khi đáo nhậm đơn vị, tôi có dịp nếm mùi “Công Ðồn Ðả Viện”.

Mới mở màn mà trận này đã có vẻ sẽ là một trận lớn!

Cũng may, địch đang vận động lực lượng, mà chưa sẵn sàng! Tôi vào trận không đến nỗi bất ngờ lắm, vì tôi đã kịp thời thấy rõ tuyến dàn quân của địch. Tôi biết mình phải làm gì khi bị rơi vào một tuyến phục kích.

Lần đầu chạm địch với cương vị một đại đội trưởng, tôi cảm thấy hơi khớp. Nhưng những con mắt thuộc cấp nhìn tôi đầy tin tưởng đã khiến tôi vững tâm hơn.

Tôi nhủ thầm:

“Ta là Ðà-Lạt! Ta là một cấp chỉ huy!”

Tôi la lớn:

“Phục kích bên trái đường! Hai bên trái, Ba bên phải, xung phong!”

Những người lính già còn sót lại từ thời Chiến Tranh Ðông-Dương (1945-1954) như Thượng sĩ Huỳnh và Hạ sĩ Mầu đã chứng tỏ sự lợi hại của họ trong những tình huống hiểm nghèo như thế này!

Ông Huỳnh và ông Mầu cùng hô to:

“Xung phong bên trái!”

Nhưng ông Mầu thì kẹp khẩu trung liên BAR vừa bắn, vừa tiến lên trước mở đường, miệng ông oang oang,

– Theo tui! Theo tui! Biệt Ðộng! Sát! Biệt Ðộng! Sát!

Còn Thượng sĩ Huỳnh, thì xoay ngang khẩu Carbine ngáng sau lưng những anh lính trẻ đang bàng hoàng chần chừ, để đẩy họ chạy lên xung phong. Ông hạ sĩ quan già không ngần ngại xách cổ áo, đá đít những Biệt Ðộng Quân nhát gan đang nằm úp mặt, núp mình bên vệ đường. Ông lùa họ chạy theo đồng đội.

Thoáng chốc, trên cánh đồng mênh mông, từng cụm khói bốc cao, tiếng súng đã vang rền, hòa cùng những tiếng thét “Biệt Ðộng! Sát! Biệt Ðộng!Sát!…” kinh hoàng.

Tôi cùng Trung Ðội 2 vừa kiểm soát xong khu gò đất hướng Nam và cái miếu thổ địa thì Trung Ðội 3 của Chuẩn úy Ðạt cũng hoàn tất nhiệm vụ làm chủ con dốc hướng Tây.

Sau đó, tôi xua quân nhanh chân chạy lên chiếm giữ khoảng bờ đất cao tới ngực phân chia hai vùng ruộng khô và ruộng nước.

Thế là, chỉ vài phút sau, chúng tôi đã có một địa thế vô cùng thuận lợi để chiến đấu.

Ðoàn xe M113 vừa qua khỏi giai đoạn lúng túng ban đầu, cũng đã bình tĩnh trở lại. Họ xoay thành hình cánh cung sau lưng chúng tôi. Họ bắt đầu tác xạ tiếp tay cho Biệt Ðộng Quân.

Nép mình sau miếu thổ thần, tôi nhận định trận địa.

Khu ruộng thấp trồng lúa trải dài, cặp hai bên con lộ, theo hướng Ðông, Tây. Ruộng cao chạy song song với ruộng nước từ chân tháp Bằng-An tới ga Kỳ-Lam.

Khu ruộng cao trồng đậu phộng, khoai lang, hoặc thuốc lá.

Hết ruộng cao, xa về hướng Nam, là khu nhà dân với vườn phi lao và bãi mía um tùm.

Ðầu xóm là ngôi trường học cũ. Tường bao quanh trường, chỗ còn, chỗ sập. Từ bờ rào ngôi trường, và khu rừng phi lao, đạn địch đủ loại bắn ra đường tới tấp như mưa…

Rõ ràng địch đang vận động một cánh quân lớn từ hướng Tây qua hướng Ðông trường học để đánh bọc sườn Nam của lực lượng bạn.

Trước mắt tôi, những cán binh Việt-Cộng di chuyển thật lộ liễu nơi khoảng trống giữa hai bức tường đổ. Những cái bia sống cài lá ngụy trang, ẩn hiện chậm chạp hơn những cái bia “B” ở Trường Sình Lầy, Dục-Mỹ.

Từ tuyến dàn quân, chúng tôi dồn hỏa lực cắt ngang trục tiến quân của địch.

Hồi còn học trong trường Võ- Bị, tôi cũng được lãnh bằng thiện xạ. Hôm tôi đeo cái bằng đó trên túi áo vào chợ Ðà-Lạt, chị Chúc vừa nhìn thấy nó đã khen ngay,

– Thằng em của chị bắn giỏi quá nhỉ?

Chị Chúc bán tạp hóa trong chợ Ðà-Lạt. Chị thương chúng tôi lắm. Chị có rất nhiều em là sinh viên sĩ quan. Ðứa em nào cũng có tên trong sổ nợ của chị.

Nghe chị tôi khen, tôi vênh mặt lên, cứ tưởng mình là tay súng bá vàng John Wayne! Thực ra, tôi bắn Garand không giỏi lắm đâu! Khóa tôi còn khối người có bằng thiện xạ!

Thấy địch đi ngời ngời trước mắt ngon quá, tôi giành khẩu Garand M1 trên tay Binh nhì Nguyễn Truyền. Chú Truyền thành người nạp đạn cho tôi.

Giờ này là lúc tôi chứng tỏ bản lãnh của một Sinh Viên Sĩ Quan Ðà-Lạt có bằng thiện xạ!

Khi chạm trận, tôi mới phát huy được những gì thầy Khuê, thầy Cung, thầy Thạch đã dạy cho. Tôi điều chỉnh đường ngắm: Từ lỗ chiếu môn… qua đỉnh đầu ruồi … rồi tới … đầu thằng Việt Cộng!

Xạ trường nằm giữa hai bức tường đổ. Bờ đất cao tới ngực tôi là chỗ tỳ tay.

“Kẹp đạn tám viên nạp đạn! Thế bắn đứng có tỳ, thủ thế!”- “Bắn!”

Một thằng giặc gục, thằng thứ hai, thằng thứ ba… mỗi viên một đứa! Cứ tám tên, một kẹp đạn!

“Coong!”

Kẹp đạn rỗng văng ra khỏi buồng đạn. Binh nhì Truyền lại vội trao cho “Thiếu úy Sữa” kẹp đạn khác.

Không có hiệu lệnh, “Bên trái sẵn sàng! Bên phải sẵn sàng!” của sĩ quan giám xạ. Thầy trò tôi mạnh ai nấy bắn. Tiếng đại liên 30 của ban chỉ huy đại đội, hòa tấu với tiếng trung liên BAR của ba trung đội. Góp vui là những trái cối 60 ly và những quả phóng lựu từ súng Garand M1.

Thời này, vũ khí của Biệt Ðộng Quân còn hủ lậu lắm, đi sau vũ khí địch một bước khá dài. Chúng tôi có đủ loại súng. Trẻ nhất là khẩu Carbine M2. Cổ lỗ già nua nhất là khẩu Thompson 45. Có khi mới bắn được vài chục viên Thompson thì nòng súng đã nóng đỏ, dãn nở, làm cho đạn không thèm bay, mà rơi ngay trước mặt xạ thủ. Lựu đạn M26 còn rất hiếm hoi, mỗi khi trang bị cho ai, tôi phải đắn đo. Lựu đạn có khía, loại MK2 có tuổi đời già hơn tuổi tôi thì ê hề! Bao nhiêu cũng có! MK2 vừa nặng, vừa chậm nổ so với M26. Hình dạng nó cũng… xấu xí hơn.

Tiền quân của địch đã quấy động được phần đuôi của lực lượng hành quân, nơi Ðại Ðội 1 của Thiếu úy Lý Phát Tân đang bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Chú Binh nhất hiệu thính viên Mai Ðăng Vinh giao cái ống liên hợp cho tôi. Trong máy, ông Ðại úy ra lệnh,

– “Toa” nhào lên bẻ cổ con gà mổ nhanh cho “moa”!

Tôi ớ ra, chẳng biết “con gà mổ nhanh” là cái gì!

Ðại úy lại hối,

-Ð!M! Tao bảo nhào lên! Bất cứ giá nào! A lê! Vít! Vít! (A lê! Vít! Vít!= Ði! Mau lên! Mau lên!)

Tôi hỏi Vinh,

– Con gà mổ nhanh là cái gì vậy Vinh?

– Dạ, con gà mổ nhanh là khẩu “đum đum” đó Thiếu úy!

Tôi đoán khẩu “đum đum” chắc là khẩu 12.7 ly?

Rõ khổ! Trong trường, tôi đã học ám danh đàm thoại nhuần nhuyễn hai năm ròng, mà đến khi hữu sự lại cứ như thằng ngố! Ám danh đàm thoại ở ngoài đơn vị quả là ngộ!

Nhận lệnh, tôi gọi Chuẩn úy Ðạt lại dặn dò anh bảo vệ hông phải và phía sau đại đội. Tôi để lại cho Trung Ðội 3 của Ðạt khẩu cối 60 ly và khẩu đại liên 30. Tôi cùng hai Trung Ðội 1 và 2 xung phong lên mục tiêu.

Tiếng kèn xung phong của bộ chỉ huy tiểu đoàn từ rặng tre ngoài đường phía sau xa, vọng tới nghe đứt quãng. Có lẽ anh Ngữ, lính kèn, bị đạn Việt-Cộng bắn dữ quá nên không kịp hít hơi cho đầy phổi để thổi kèn cũng nên?

Tiếng kèn cứ “Pèm pẹp! Pèm pẹp!” như tiếng kèn xe ngựa đi, về, giữa chợ Ðà-Lạt và ấp Thái-Phiên.

Giờ này, sao tôi thấy thèm tiếng kèn xung phong của anh lính “kà” trường Võ-Bị quá đi!

Ngày đó, vào giờ học chiến thuật, trong rừng thông Ðà-Lạt, tiếng kèn xung phong âm vang, lanh lảnh, dội đi, dội lại, trong vách núi. Tiếng kèn làm người nghe lạnh gáy.

“Te! Te tí! Te tò! Tò! Tò! Te tí!…Tí!Tí! Tí!…Tí! …Tí!…”

Tiếng kèn ấy đã khiến khẩu trung liên BAR trên tay tôi nhẹ hẳn đi, khi tôi xung phong lên đồi 1441 sau miếu Thần Hổ, dưới chân núi Lap Bé Nord, Ðà-Lạt, trong những lần thực tập.

Tôi xung phong nhanh đến nỗi anh tải đạn Nguyễn Văn Cơ, cùng là sinh viên sĩ quan của Trung Ðội 6, Ðại Ðội B với tôi, phải vứt cả thùng đạn xuống đường mà theo chân tôi vẫn không kịp. Tiếng kèn thúc quân ma quái ấy thúc đít chúng tôi tiến ào ào lên đồi thông để tiêu diệt ổ đại liên bắn đạn …mã tử của mấy anh lính “kà” giả địch.

“Khói súng và kèn, còi xung phong, cũng chiếm một phần quan trọng trong các cuộc hành quân.”

Ðó là lời thầy Nguyễn Cửu Nhòng mới từ mặt trận Quân Khu 1 trở về trường năm 1965, làm phụ tá huấn luyện viên chiến thuật. Thầy nói rất đúng!

Khoảng trống hai trăm mét đồng cao trồng đậu phộng và khoai lang từ bìa ruộng nước tới bìa làng quả là đáng sợ. Chẳng có sách vở nào dạy rằng tuyến xung phong lại cách xa mục tiêu tới mấy trăm mét. Không đào đâu ra một điểm che giấu cho tôi tiến quân từ bờ ruộng tới khu xóm nhà có cái trường học, và khẩu đại liên 12.7 ly. Khẩu 12.7 ly này lại không bắn đạn mã tử!

Trời nắng, đồng trống. Mặt ruộng bằng phẳng. Lác đác đó đây có vài cái mả, trên mặt mả là dây lang. Ðạn địch đan lưới trước mặt. Ðạn cày đất bụi mịt mù. Mấy người lính có đạo làm dấu thánh giá. Những khuôn mặt đanh lại. Những đôi mắt rực lên, long lanh. Họ nhìn tôi chờ đợi.

Tôi sực nhớ bài thực tập phản phục kích vừa học xong tháng trước trên đồi Rọ-Tượng, Dục-Mỹ trong Khóa 23 Rừng Núi Sình Lầy mà tôi đóng vai đại đội trưởng.

Tôi xin Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn cho pháo binh đánh bốn trái khói ngay trên cái trường học. Ông tiểu đoàn trưởng lấy làm lạ tại sao tôi xin tới bốn trái khói thay vì chỉ cần một trái thôi? Ông chỉ thuận cho tôi một trái.

Tôi nài nỉ anh đề-lô, hắn cũng là người Hội-An, đi khóa 10 Thủ-Ðức, vì tình riêng, anh ta cho tôi bốn trái.

Chờ cho màn khói vừa phủ mục tiêu, tôi đứng dậy, leo lên trên một gò mả, mặt hướng về phía địch, tay trái phất cao, tay phải kẹp khẩu Carbine M2, bóp cò.

Miệng tôi hét lớn:

“Xung phong!… Xung phong!…”

Tiếng súng Carbine lẹp bẹp khiêm nhường, nghe thật lép vế so với tiếng trung liên, đại liên, và Bazooka 57 ly của Việt-Cộng.

Tiếng súng lệnh của tôi loãng nhanh trong tiếng 106 ly trên M113 của ta, và tiếng đại bác 105 ly, 155 ly của Mỹ đang nổ đùng đùng tứ phía.

Nhưng những chiến sĩ dưới quyền tôi chỉ chờ có thế.

Thấy tôi đứng hiên ngang hô xung phong, họ hăng hái hẳn lên.

Họ bắn. Họ la hét. Họ ném lựu đạn. Họ chạy ào ào trên ruộng khô. Họ tràn lên những bờ ruộng nơi những chùm lá ngụy trang đang nhúc nhích. Họ nhào vào khu khói trắng,

“Biệt Ðộng! Sát!…Biệt Ðộng! Sát!…”

Mục tiêu trước mắt là cái trường học có khẩu phòng không cài lá ngụy trang. Khẩu phòng không đang ngóc lên ngóc xuống. Tôi cố gắng phóng lên cho ngang với những người lính tiên phong của Trung Ðội 1.

Chạy trước tôi là Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong, người nấu cơm cho tôi. Chạy sau tôi là Hạ sĩ Nguyễn Mầu, xạ thủ trung liên BAR của Trung Ðội 1.

Chúng tôi đã lướt qua năm sáu cái gò mả. Cả chục xác Việt- Cộng nằm phơi trên đó. Chúng tôi đạp đầu giặc mà tiến! Khí thế bừng bừng, chúng tôi đuổi theo quân thù đang rút chạy.

Tôi theo sát gót thuộc cấp. Họ biết tôi đang ở bên cạnh họ. Không ai ngoảnh cổ lại đàng sau.

Anh hiệu thính viên Mai Ðăng Vinh cũng móc cái ống nghe bên hông ba lô, lượm vội một khẩu AK 47 bên xác giặc, chạy theo tôi bén gót (Vinh chỉ có súng Colt 45).

Bên trái tôi, một Biệt Ðộng Quân la thất thanh, “Ối cha!” rồi té nằm xoài bên luống khoai.

Trước mặt tôi, một Biệt Ðộng Quân vừa trúng đạn; viên đạn đẩy anh ngã ngửa về phía sau. Người đó đội béret đỏ.

Tôi thót ruột:

“Chắc là thằng Thí?”

Binh nhất Lý Thí là người đồ đệ mang đồ ngủ cho tôi. Nhưng tôi không thể ngừng lại để săn sóc cho nó. Ngừng lại là chết ngay! Tôi chỉ có một việc phải làm, bắt buộc! Ðó là vừa bắn, vừa lao tới khẩu phòng không khốn kiếp!

Bom Mỹ đánh vùi trước mặt. Trực thăng võ trang, Phantom, F.5, Sky-Raider chúi xuống, ngóc lên; tiếng động cơ rú điếc tai; khói bụi mù trời. Tai tôi đã “O!…O!…” vì tiếng nổ của bom đạn quá gần. Tôi chỉ nhìn thấy miệng khẩu phòng không chớp chớp, phà khói trắng.

Một trái lựu đạn hất khẩu 12.7 ly lăn quay. Chúng tôi tràn vào sân trường học. Những chiếc nón cối cài lá xanh vỡ toang. Óc người văng trên mặt sân, thoáng chốc đã trở màu ngà ngà như đậu hủ pha tương ớt.

Một tràng AK quét sát hông tôi, làm tung bức tường vôi lớp học trước mặt tôi. Từ dãy lớp hướng Tây, một tên địch đã nhắm bắn tôi nhưng không trúng.

Hạ sĩ Mầu ria một tràng trung liên BAR vào nơi phát ra tiếng súng. Tiếp theo là hai quả M26. Có nhiều tiếng rên la thảm thiết đồng loạt trong căn phòng đó. Ông Mầu bóp cò tiếp khẩu trung liên BAR. Chú Phong bồi một quả M26 nữa. Căn phòng đổ sụp.

Phong nhanh như con sóc; chỉ ba bước nhảy, chú đã tới bên lớp học. Chú bắn cạn ba mươi viên Carbine M2 rồi lăn sang núp sau một cây rơm. Phong vội vàng trở đầu băng đạn đôi. (Hai băng đạn nối ngược chiều nhau bằng băng keo. Mỗi lần nhồi đạn, có sáu chục viên sẵn sàng).

Căn lớp vừa đổ là nơi chứa thương binh của địch. Có khoảng trên dưới hai mươi thương binh địch trong căn nhà đó. Chúng vừa chết hết. Nơi góc nhà có mười mấy khẩu súng, vừa B40, vừa AK. Những cục cơm vắt văng trên nền gạch. Máu đỏ thấm ướt những hạt cơm vãi tung toé đó đây…

Khi Hạ sĩ Phong bận thay băng đạn khác thì B1 Vinh ngồi thủ thế khẩu AK 47 bảo vệ an ninh cho bạn.

Nghe có tiếng Ðại úy lè xè trong máy, tôi gỡ cái ống liên hợp, áp nó vào tai. Tôi nghe Ðại úy giận dữ,

-Ð!M! Anh là Ðà-Lạt! Anh không lên, tôi lột lon anh!

Nản quá, tôi không muốn nói chuyện với Ðại úy. Tôi đưa ống nghe cho Vinh,

– Em báo cho ổng biết rằng mình đang lục soát cái trường học.

Vinh nhìn tôi áy náy,

– Cứ chạm trận là Ðại úy lại chửi thề “Ð!M!” quen rồi! Thiếu úy đừng để bụng làm gì cho mệt!

Tôi bố quân theo hình chữ “L”. Trung Ðội 1 giữ mặt Nam, Trung Ðội 2 giữ mặt Tây trường học.

Tôi gọi Chuẩn úy Ðạt cho Trung Ðội 3 của anh tiến lên. Trên đường, Trung Ðội 3 có nhiệm vụ thu nhặt chiến lợi phẩm, chuyển những người bị thương và chết ra đường.

Bãi cỏ có cái miếu thổ địa bên đường đã thành nơi tập trung thương binh và chiến lợi phẩm của đại đội tôi. Tôi giao cho Trung sĩ Vũ, y tá đại đội, chỉ huy cái trạm này.

Trung sĩ Vũ báo cho tôi biết, tính tới giờ đó, trạm cứu thương của anh có hai chục áo vàng (bị thương) và năm áo đỏ (chết). Tôi hỏi Vũ về tình trạng của Binh nhất Lý Thí.

Vũ nghẹn ngào,

– Thằng Thí mặc áo đỏ rồi! Thẩm Quyền ơi!

Tôi lặng người, cúp máy, không hỏi thêm.

Mới chiều hôm trước, khi chiếc xe Dodge của tôi từ phố về ngang miếu Ông Cọp, Hội-An, thì Binh nhất Lý Thí (quê quán Miếu-Bông), đang đứng chờ tôi trước cửa quán cháo lòng. Tôi nhận ra nó ngay, vì lúc nào nó cũng đội cái béret đỏ chói.

Nó chận đầu xe tôi lại. Giọng nó lè nhè hơi men,

-Thiếu úy ơi! Vào đây cụng với em một ly! Ngày mai ra trận. Biết đâu em không về!

Tôi đã đậu xe dưới gốc cây đa bên cạnh miếu Ông Cọp.

Tôi đã “dzô!” với đồ đệ của mình một ly. Lúc ấy tôi không hề nghĩ tới chuyện ngày mai nó không về. Bởi vì chiều qua, từ Phòng 3 Tiểu Khu Quảng-Nam ra, trên tay tôi có cái phóng đồ hành quân tùng thiết vùng ven biển Phước-Trạch, Cửa-Ðợi. Cuộc hành quân đó dự trù sáng đi, chiều về. Tôi nói với Thí rằng, sáng mai em không cần mang theo đồ ngủ cho anh. Chúng mình sẽ chỉ sáng đi… chiều về!

Tôi không ngờ hỏa châu rơi suốt đêm. Mờ sáng, lệnh đổi hướng hành quân. Ðoàn thiết vận xa M113 đã không đưa chúng tôi ra bãi biển, mà nhắm hướng Tây, đi về vùng núi. Mờ sáng, thầy trò tôi cùng ra đi. Tới chiều… đồ đệ của tôi đã không về!




 

Photo:
Hinh: Vương Mộng Long

MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG VÀ KHÓI SÚNG (Vương Mộng Long -K20)



Sau khi báo cáo sơ lược thành quả vừa thu lượm được cho Trung úy Trung, tiểu đoàn phó, tôi giao nhiệm vụ củng cố mục tiêu cho Chuẩn úy Ðạt và ông thường vụ đại đội.

Chiếc L.19 lướt sát nóc trường học. Chiếc đầm già lắc cánh về trái và về phải hai cái để gửi cho chúng tôi lời chúc mừng của phi công. Tôi đề nghị với sĩ quan điều không cho không yểm di chuyển xa về hướng Tây Nam nơi những rừng mía um tùm rậm rạp. Tôi đoán địch đang rút lui hướng đó.

Không yểm đã di chuyển. Tôi cần pháo binh yểm trợ gần để tảo thanh khu vực hướng Tây trường học. Tôi liên lạc thẳng với sĩ quan đề-lô của tiểu đoàn để đơn xin được thỏa mãn kịp thời. Áp dụng kinh nghiệm hiếm hoi học hỏi được từ Ðà-Lạt và Dục-Mỹ, tôi thực hành nghề chọi pháo.

Cầm tấm bản đồ Kỳ-Lam và quyển “Cẩm Nang Ða Hiệu” trên tay, tôi vững tâm đánh những quả đạn 155 ly trên từng gò mả, từng gốc đa. Tôi điều chỉnh tầm đạn từ 100 mét, rồi 50 mét. Sau cùng, tôi dám chỉnh độ chính xác tới 20 mét trên mục tiêu. Những quả delay chui xuống hầm moi xác địch lên mặt đất. Những quả nổ cao chặn đầu chúng không cho chạy thoát thân về những đồi sim hướng Tây.

Tôi đã hoàn toàn làm chủ tình hình mặt Tây Nam của trận địa. Tôi định cho anh em lấy cơm vắt ra ăn thì bên hướng Bắc con lộ, pháo nổ ầm ầm. Thiếu úy Bửu Chuyển và Ðại Ðội 4 của anh đang bị địch tấn công từ hướng Bắc xuống. Ðịch bám trụ bên kia cái đầm cói rộng. Cái đầm nuôi cá vuông vức, mỗi chiều cỡ trăm thước, có bờ đất cao bao quanh. Ðầm nước nằm cách con lộ chừng ba, bốn trăm thước về hướng Bắc.

Ðại úy tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Ðại Ðội 1 từ phía sau di chuyển thật nhanh lên trám chỗ cho đơn vị tôi. Tiếp đó, ông ra lệnh cho đại đội tôi lui ra con đường lộ để tiếp viện cho anh Chuyển.

Khi tôi lội ngược ra tới đường thì đại đội của Chuyển và những chiếc thiết quân vận đang bám sát bìa đường chịu trận những đợt pháo ào ào của địch.

Vừa gặp nhau, Thiếu úy Bửu Chuyển đã dúi vội vào tay tôi tấm bản đồ có vẽ sẵn sơ đồ mục tiêu và ranh giới hành quân của tiểu đoàn. Tấm bản đồ tôi đang dùng là của cấp trung đội, không có những chi tiết trên.

Anh Chuyển cầm tay tôi ân cần,

– Cẩn thận nghe em!

Rồi anh hối hả lui quân; vì Ðại úy đã ra lệnh cho anh rút về bảo vệ bộ chỉ huy.

Ðại Ðội 4 chưa đi hết, Ðại úy đã ra lệnh cho tôi cùng một thành phần của chi đoàn thiết quân vận đánh thẳng lên hướng Bắc tiến chiếm khu gò mả và thôn xóm đằng sau đầm cá.

Lệnh của Ðại úy thật rõ ràng,

– Thẩm Quyền 3! Ðây là Ðại Bàng! Tôi ra lệnh cho anh nhào lên thanh toán cái xóm nhà bên kia hồ cá! Nghe rõ chưa?

Tôi ngạc nhiên vì quyết định của ông Ðại úy.

Tại sao ông phải chuyển Ðại Ðội 1 lên thay tôi trấn giữ khu trường học tôi vừa vất vả chiếm xong?

Tại sao Ðại úy phải lôi đại đội tôi từ Nam lên Bắc để theo chân M113 đánh vào cái hồ cá? Anh Chuyển và Ðại Ðội 4 của anh đang ở sẵn nơi đây cùng với đoàn xe kia mà?

Tôi im lặng thi hành lệnh, nhưng tôi biết thuộc cấp của tôi không vui…

Tôi nghe tiếng máy gọi nhau oang oang từ các thiết vận xa; rồi đoàn M113 bắt đầu nhúc nhích. Chúng tôi bì bõm tiến sau lưng M113.

Lúa cao tới nách tôi. Và nước thì cao tới háng tôi.

Bên kia cái đầm nước là nơi những ổ đại liên, trung liên đang khạc lửa. Khói từ khẩu 57 ly của Việt-Cộng lúc thì phụt ra ở đầu xóm, lúc cuối xóm. Phải công nhận tụi xạ thủ 57ly của Việt-Cộng chuyển dịch vị trí rất nhanh!

Một chiếc M113 vừa trúng đạn! Nó bị bắn đứt xích! Chiếc xe nằm bất động giữa ruộng lúa. Viên trưởng xa và xạ thủ đại bác đang lo gỡ khẩu 106 ly để chuyển sang chiếc xe khác. Từ bờ hồ, địch cài lá ngụy trang ào ạt xông về hướng đoàn xe. Chúng tính chuyện bắt sống chiếc M113 bị thương!

Ðạn 57ly và B40 nổ ùng oàng tứ phía. Vũ khí chống tank của địch thật là đáng sợ! Chúng bắn nà quá khiến đoàn thiết quân vận chùn bước, phải lui về phía sau.

Một chiếc M113 giật lùi để tránh B40 đã đè Hạ sĩ Nguyễn Mầu xẹp xuống bùn trong ruộng lúa. Tôi bị xe cán hụt.

Tôi kéo ông Mầu từ dưới bùn lên, rồi vội vàng vuốt bùn trên mặt cho người lính già.

Tôi thấy miệng ông mấp máy. Phải ghé tai sát mặt ông, tôi mới nghe được tiếng ông thều thào,

– Thiếu úy ơi! Em đi!

Máu miệng ông trào ra. Ðầu ông ngoẹo trên ruộng nước…

Ðoàn cơ giới tụt lại đằng sau. Chúng tôi lòi ra phía trước. Ðạn rơi “chủm! chủm!” trên ruộng lúa nước trước mặt.

Trong lúc tôi đang phân vân không biết làm cách nào vượt qua cái đầm nước rộng, thì ống liên hợp truyền tin lại xè xè tiếng của Ðại úy,

– Ð!M! Nhào lên! Bộ tụi mi ngủ sao? Nhào lên!

Tôi phóng nhanh sang phía Trung Ðội 1, bên trái tuyến xung phong. Tôi tránh đánh trực diện với tổ hỏa lực địch. Tôi và Trung đội 1 của Trung sĩ 1 Nguyễn Khê (vốn là trung đội phó của tôi) chạy thục mạng lên chiếm xóm nhà hướng Tây cái đầm. Ðại đội trừ (-) thì nằm sát mép đường chờ tôi lập đầu cầu.

Tôi có người bạn khóa 17 Thủ-Ðức là Chuẩn úy Dương Quang Tú, chi đội trưởng của chi đoàn thiết kỵ đang tham chiến sát cánh với tôi. Tôi nhờ Tú bắn tối đa vào khu nhà bên hướng Bắc hồ nước để chia lửa cho tôi. Ðầu cầu lập xong, vài Biệt Ðộng Quân chết và bị thương.

Khi quả khói vàng bốc lên nơi đám sầu đông đầu xóm, thì trực thăng võ trang can thiệp. Dưới hỏa lực yểm trợ hùng hậu của trực thăng võ trang, chúng tôi ào ào chạy lên chiếm những ụ đất nơi rặng tre. Tôi ra dấu cho chi đội thiết kỵ tiến lên để quân tôi theo sau. Hai Trung Ðội 2 và 3 dàn hàng ngang cùng M113 tiến lên tiếp tay Trung Ðội 1.

Ðạn bay khắp hướng. Không phân biệt được đạn của ta, hay của địch.

Chiếc thiết quân vận của Chuẩn úy Tú vừa đè sập một cái chuồng trâu thì hai quả B 40 bay sượt qua đuôi xe, nổ tung trong bụi chuối. Chiếc xe lùi vội ra ngoài ruộng lúa. Hai khẩu đại liên 30 và đại liên 50 trên xe bắn ào ào vào căn nhà lợp lá dừa, vách ván giữa xóm. Tôi và anh Binh nhì Truyền nấp sau cây rơm đàng trước căn nhà lá dừa, vách ván đó.

Tôi vừa ra sức ném được quả M26 qua nóc nhà để nó rơi nổ hướng sau nhà thì Truyền la to,

- Thiếu úy ơi! Súng em kẹt đạn rồi!

Tôi sợ địch nghe được tiếng anh ta la hoảng, vội đưa tay bịt miệng anh lại.

Cái vụ kẹt đạn thì tôi đã gặp nhiều lần trong hai năm còn thụ huấn trong trường. Khốn nỗi, khẩu Garand của Truyền không có lưỡi lê, biết lấy cái gì để cạy vỏ đạn khỏi cơ bẩm bây giờ?

Tôi chợt nhớ ra trong túi mình có cái bấm móng tay. Tôi giao khẩu Carbine cho Truyền để anh quan sát gác giặc. Chưa đầy một phút sau khẩu Garand lại tốt trở lại.

Tôi ném thêm một quả M26 nữa qua mái nhà. Hai thầy trò tôi nhào vào nấp sau cái cối xay lúa nơi đầu hiên. Có tiếng người rên bên hiên sau. Tôi thấy một khẩu trung liên nồi RPD nằm chỏng gọng trên nền đất. Hai cán binh Việt-Cộng mình mẩy bê bết máu đang cố lần lưng tìm kiếm cái gì đó. Tôi nhắm ngay đầu chúng, ria qua ria lại một băng M2.

Trung Ðội 2 của Thượng sĩ Huỳnh cũng vừa ào tới. Chúng tôi hàng ngang tiến sang khu mấy cái chòi nuôi vịt trên bờ Tây của cái đầm nước. Ðoàn thiết vận xa theo sát bên yểm trợ.

Chúng tôi giờ này đang ở sau lưng những tên Việt-Cộng bám trụ quanh hồ. Chúng ngụp lặn xuống nước giấu mình. Những khẩu đại liên trên xe bắn tung xác chúng. Những thân hình rũ xuống như những trái chuối nát. Nước hồ trở thành màu đỏ, thẫm dần, thẫm dần…

Chúng tôi còn phải tiếp tục thanh toán cái xóm nhà bên hướng Bắc cái đầm. Ðạn réo tứ tung. Khói súng, khói bom, khói lựu đạn, khói nhà cháy mù mịt.

Chú Hạ sĩ Phong, người nấu cơm của tôi, bị thất lạc từ lúc khởi đầu cuộc xung phong qua đường, giờ này mới tìm gặp lại được ông thầy.

Tôi và chú Phong nhảy vào một nhà có những cái lu bằng sành thật to dựng sát vách dùng để chứa lúa giống. Có mấy khẩu AK vứt trên sàn nhà. Dấu chân ướt bùn còn rất mới in trên mặt cái sập gỗ nơi góc nhà, cạnh một cái cót chứa lúa.

Hai khẩu Carbine M2 nổ giòn, những cái lu bể. Tôi rợn tóc gáy khi thấy từ trong vài cái lu chưa vỡ có người nhảy ra!

Tôi bị trượt chân té ngửa giữa sàn.

Tôi nằm ngửa bóp cò. Những người áo đen tay cầm AK trúng đạn gục xuống. Có vài cái xác đè ập trên người tôi.

Trong khi đó, chú Phong bắn ào ào vào căn phòng gỗ cửa đóng kín mít.

Vì nằm ngửa, tôi nhìn thấy một thanh mã tấu sáng loáng quơ lên từ cót chứa lúa nơi góc nhà sau lưng chú Phong. Tôi la thất thanh,

– Phong! Ðằng sau!

Thanh mã tấu hạ xuống! Phong chỉ kịp dang hai tay đưa khẩu súng Carbine lên đỡ nhát chém. Chú khuỵu xuống vì nhát chém quá mạnh. Người chém chú mất đà, lộn cổ xuống đất.

Phong hoàn hồn, nện một đế súng vào đầu kẻ địch.

“Bốp!”

Cái đầu vỡ sụm. Óc pha máu phọt ra, văng lên ngực Phong. Phong la lớn,

– Chạy thôi! Thiếu úy!

Tôi hoảng quá, bắn cạn băng đạn rồi lăn tròn ra hướng sân. Chú Phong theo sát bên.

Ra tới sân, chú Phong ném với vào kho một trái M26. Hai thầy trò tôi ù té chạy ngược ra bờ ruộng.

Hai chiếc M113 án ngữ dưới ruộng từ nãy tới giờ không dám can thiệp sợ bắn lầm quân bạn, nay thấy thầy trò tôi chạy ra, thế là họ tưới đạn trùm lên cái nhà kho.

Một quả lựu đạn lân tinh khiến cái nhà kho bốc cháy.

Chuẩn úy Tú nhảy xuống xe, giọng anh lạc đi,

– Long ơi! Toa bị thương có nặng không?

Tôi cúi nhìn quần áo mình. Áo quần tôi đầy máu!

Tôi đưa tay xoa mặt, mặt tôi cũng có máu! Máu đỏ cả cái thẻ bài, ướt đẫm cả cuốn Lăng Nghiêm Chú nhỏ xíu tôi đeo trước ngực.

Tôi dang tay sờ khắp người; chẳng có chỗ nào đau. Hóa ra máu trên người tôi là máu địch! Khi bị bắn hạ, xác chúng đè lên người tôi trong sàn kho lúa.

Giờ này bộ chỉ huy tiểu đoàn và một thành phần của Ðại Ðội 4 đã tiến lên hỗ trợ mặt sau cho đơn vị tôi. Tôi nhìn thấy Ðại úy đang cầm gậy chỉ trỏ ra lệnh cho anh Bửu Chuyển bố quân trên các gò đất dọc theo hai bên đường.

Người lính thổi kèn của tiểu đoàn sau khi chạy như bay qua hai vạt ruộng, vừa thở, vừa níu áo tôi,

– Ðại Bàng ra lệnh cho em đi theo Thiếu úy!

Nơi cuối thôn còn một mục tiêu cần thanh toán gấp trước khi địch có thể tái tụ hội, tái phối trí.

Bây giờ là lúc tôi dùng tới lực lượng trừ bị của đại đội. Từ đầu trận tới giờ, Trung Ðội 3 của Chuẩn úy Ðạt là ít bị tôi sử dụng nhất. Tôi phải phòng hờ một sĩ quan để thay thế mình, nếu mình có mệnh hệ gì.

“Dù ít, dù nhiều, phải có trừ bị” (huấn luyện viên chiến thuật, Ðại úy Mỹ và Trung úy Ðức căn dặn như thế!)

Tôi gọi Chuẩn úy Ðạt lên, giao cho anh nhiệm vụ thanh toán nốt mục tiêu cuối cùng.

Lúc này gió thổi từ Nam lên Bắc. Tôi biết M113 của Tú có đem theo nhiều lựu đạn lân tinh. Tôi nhờ Tú làm cho Ðạt một màn khói che để quân của Ðạt an toàn áp sát mục tiêu. Sau đó, Tú và tôi dồn hết hỏa lực bắn yểm trợ hông trái cho Trung Ðội 3.

Vậy mà những ổ kháng cự của địch vẫn còn rất mạnh. Cánh quân của Chuẩn úy Ðạt bị cầm chân nơi vườn chuối phía trước xóm nhà lá có những cây cau và bể chứa nước mưa. Ðạt gọi tôi xin tiếp tay.

Tôi dàn quân hàng ngang, ào lên bên trái chòm nhà mà Trung Ðội 3 đang giành giựt với địch.

“Biệt Ðộng! Sát!… Biệt Ðộng ! Sát!…”

Quân tôi xung phong lên khu mả lạng.

Tới đây thì Hạ sĩ Ngữ, lính kèn, tách ra khỏi hàng. Anh leo lên trên một gò đất, đứng dang hai chân, ưỡn ngực, ra sức thúc quân:

“Te! Te! Te! Tí! Tí! Te!Te!…”

Theo gió, tiếng kèn xung phong sắc như nước, cuồn cuộn, lanh lảnh, xé không gian. Chúng tôi cưỡi lên tiếng kèn mà phóng mình tới trước!

Nhưng chỉ một phút sau tiếng kèn bỗng tắc tị! Quay đầu nhìn lại, tôi thấy Ngữ đang ôm bụng, quằn quại trên mặt đất, một tay anh ôm vết thương đang phun máu, tay kia còn cố giữ cây kèn đồng không chịu buông.

Ngữ không có súng, cây kèn đồng buộc lá quốc kỳ đuôi nheo nho nhỏ là vũ khí của anh. Giờ đây, cả cây kèn lẫn lá quốc kỳ đều đã ướt đẫm máu đào.

Chi đội M 113 của Chuẩn úy Tú không thể vượt qua lớp rào bằng tre đực của Ấp Chiến Lược nên đành phải dừng lại ngoài ruộng khoai. Cũng may có nhiều lỗ trâu, bò chui qua rào, nên Biệt Ðộng Quân tiến sát mục tiêu không đến nỗi khó khăn lắm.

Căn nhà có những cây cau cao có vẻ là chỉ huy sở hành quân của Việt-Cộng, vì có nhiều đường dây điện thoại và chòi gác bao quanh. Xung quanh chòm nhà này là vườn tược, với hệ thống giao thông hào chằng chịt. Khu này được địch bảo vệ bằng những tổ tam tam. Mỗi tổ tam tam có hai AK47 và một B40.

Chúng tôi phải dùng lựu đạn cay xen kẽ với lựu đạn miểng MK2 để thanh toán từng mắt lưới giao thông hào. Chiếm được đoạn giao thông hào nào, chúng tôi phải chia người bám trụ, sợ địch phản công giành lại.

Tôi phải vào tần số không lục của chiếc L19 trên trời để xin không yểm tiếp cận. Sĩ quan điều không tiền tuyến hôm ấy là Thiếu úy Thành, gốc Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Quảng-Nam; anh quen với gia đình tôi.

Trực thăng võ trang yểm trợ tiếp cận thật hữu hiệu. Chúng tôi tiến chiếm từng thước đất một sau những tràng đạn trải xuống từ trên không. Cuộc giao tranh giằng co, kéo dài khoảng hơn nửa giờ mà vẫn chưa ngã ngũ. Có lúc gió bất chợt đổi chiều, quân bạn cũng khổ vì hơi lựu đạn cay.

Khi cánh quân của tôi vào tới giữa vườn thuốc lá thì tiếng kèn xung phong của Việt Cộng bỗng nổi lên lanh lảnh từ cuối thôn hướng Tây. Rồi tôi nghe súng địch rộ lên đồng loạt khắp mọi hướng. Tôi ra lệnh cho đại đội ngừng lại bố trí tại chỗ, cảnh giác chờ đợi một cuộc phản công của địch.

Mấy phút sau súng địch thưa dần, rồi ngừng hẳn. Tôi chợt nghiệm ra, tiếng kèn xung phong của Việt-Cộng lại là hiệu lệnh rút lui của chúng!

Tôi yêu cầu máy bay di chuyển tác xạ về những mục tiêu xa hơn, hướng Tây Bắc.

Khoảng xế trưa, đại đội tôi hoàn toàn kiểm soát được lằn ranh Bắc trên bản đồ hành quân.

Hướng Bắc đại đội tôi là vùng trách nhiệm của Thủy Quân Lục Chiến Hoa-Kỳ.

Chúng tôi lấy được khá nhiều vũ khí, cả trăm súng AK, và B40. Trung Ðội 3 tịch thu được một máy truyền tin Trung Cộng, một khẩu đại liên 12.7 ly, và một khẩu 57 ly không giật mà địch đã vùi vội trong đống rơm trước khi tháo chạy.

Việc cấp bách phải làm của tôi lúc đó là tản thương quân bạn. Tôi nhờ Chuẩn úy Tú cho một xe M113 chuyển vận giùm những Biệt Ðộng Quân chết và bị thương ra ngoài đường. Chiếc xe liên tục đi về như con thoi.

Tôi nhìn quanh, kiếm cái máy truyền tin đại đội để báo cáo kết quả xung phong cho Ðại úy tiểu đoàn trưởng. Tôi không thấy Binh 1 Mai Ðăng Vinh đâu cả.

Hạ sĩ Phong nước mắt dầm dề, cầm tay tôi, kéo tôi lui về khu vườn trồng đậu đũa. Thi thể Mai Ðăng Vinh nằm vắt ngang trên lối mòn. Ðầu của Vinh mất một mảnh sọ bằng bàn tay. Óc Vinh văng vãi trên đất. Ruồi nhặng bu đen hút máu người chết. Hai mắt Vinh mở trừng trừng. Miệng Vinh há hốc. Tôi nhìn rõ hai cái răng vàng óng ánh. Ngực Vinh cũng đầy máu.

Cái ống liên hợp của chiếc máy truyền tin PRC10 bị bắn văng đâu mất. Vì thế suốt giai đoạn chót của cuộc tấn công, tôi không nghe tiếng Ðại úy chửi thề.

Chuẩn úy Tú gỡ cái băng ca bên hông xe xuống. Tôi và Tú khiêng xác người đồ đệ của tôi lên thiết vận xa. Tình thầy trò giữa tôi và Vinh chỉ kéo dài có mười hai ngày. Tôi còn nhớ mãi tiếng nói, tiếng cười của Vinh cho tới ngày hôm nay.

Bốn mươi năm rồi, anh không quên hai cái răng vàng của em, lúc em cười. Vinh ơi!

Bên luống đậu, tôi ngồi thẫn thờ, hồi tưởng lại những lần chấm dứt hành quân trước đây, thầy trò tôi về quây quần trong căn lều nhỏ ngoài ngoại ô Hội-An.

Có lần tôi đã ngâm bài từ “Lương Châu” của Vương Hàn cho đàn em của mình nghe. Qua lời bình giải của tôi, những người lính Biệt Ðộng Quân ấy đã thấy trong ý thơ, cuộc đời của chính họ:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Vương Hàn)

Dịch:

“Trên chiến địa, ta say mèm, mặc người cười chê.
Vì xưa nay ra trận mấy ai về?”

Chiếc M113 vừa rời điểm tải thương; chiếc xe đem đi những cái poncho; những cái poncho cuốn gọn những thuộc cấp của tôi vừa nằm xuống…

Trên đồng lúa chiêm xuân, khói vẫn còn mịt mù, nhưng tiếng súng đã dứt. Tàn quân của địch đang rút chạy về hướng Kỳ-Lam. Có hai cánh quân, một của Thủy Quân Lục Chiến Hoa-Kỳ, một của Trung Ðoàn 51 Biệt-Lập đang truy lùng chúng.

Tôi kiểm lại quân số, thấy đại đội mình hụt đi quá nửa.

Trận này, cả Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân có 17 người chết, đại đội tôi chiếm 13. Số người bị thương của đại đội, vì lâu quá rồi, trong trí tôi chỉ còn mang máng giữa hai con số 46, hay 64 (?) – Riêng anh Ngữ, lính kèn, thì bị Việt-Cộng bắn lòi ruột. Sau khi xuất viện, anh không còn thổi kèn được nữa, nên được giao cho nhiệm vụ giữ kho xăng của tiểu đoàn. Năm 1973 anh Ngữ giải ngũ với cấp bậc trung sĩ nhất.

Tôi nhủ thầm:

“Ðây mới chỉ là trận đầu tiên trong đời một sĩ quan hiện dịch!”

Chúng tôi được lệnh rút ra đường, chờ đón phái đoàn từ trên xuống thị sát chiến trường.

Ðại tá Ðàm Quang Yêu, Tư Lệnh Biệt Khu tới thăm trận địa. Ðại tá xuống vài phút, nói vài lời, rồi Ðại tá bay đi.

Chúng tôi lại chờ Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Khu tới thăm trận địa. Trung tướng cũng xuống vài phút, nói vài lời, rồi Trung tướng bay đi.

Khi bắt tay tôi trước lúc lên tàu, Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn nhìn sững quân phục của tôi. Chắc ông thấy lạ? Áo quần tôi bê bết bùn và máu. Hai ống quần của tôi tả tơi; chú Phong phải lấy ba, bốn cái kim băng cứu thương gài nó lại, nếu không, sẽ rất khó coi.

Tôi nghĩ, chắc có phép mầu nào đó che chở cho tôi. Hoặc linh hồn các niên trưởng của tôi đã khôn thiêng phù hộ cho tôi. Nếu không, tôi khó sống sót qua trận này.

o O o



not-thang-tram

VML - 1958





Vương Mộng Long và cháu ngoại Maxwell năm 2006
(nguồn: http://baotreonline.com/)



Bốn mươi năm sau ngày đó, ở một nơi rất xa Hội-An, tôi ngồi nhìn mưa tuyết rơi chầm chậm. Một khúc phim đời mình đang quay lại rõ nét, từ từ…

Một mùa Xuân có mai vàng, nêu cao, đối đỏ. Một mùa Xuân quê hương khói súng mịt mù. Một cánh đồng lúa nước, và những đợt xung phong. Bên tai tôi như còn nghe những tiếng thét “Biệt Ðộng ! Sát!” vang rền…

Thằng cháu ngoại choàng tay qua cổ tôi. Nó đòi ẵm.

Tay trái nó vô tình chạm vào cạnh sườn phải của tôi. Tôi giật mình. Nơi cháu tôi chạm tay là chỗ viên đạn AK đã chui vào, nằm cách trái tim tôi chừng một đốt tay. Viên đạn nằm đấy đã ba mươi tám năm, kể từ trưa Mùng Một Tết Mậu-Thân. Một cảm giác tê tê, nhột nhột nơi vết thương cũ khiến tôi bật cười.

Thấy tôi cười, cháu tôi cũng toét miệng cười theo.

Thằng bé bập bẹ:

— “Ong… ong… ong ngại…”

Nụ cười của nó thật là trong sáng, hồn nhiên.

Tôi cầu mong ơn Trời ban cho cháu tôi những mùa Xuân bình yên…

Vương Mộng Long- K20
Xuân Bính-Tuất (2006)
Seattle




Thằng cháu ngoại choàng tay qua cổ tôi. Nó đòi ẵm.
Tay trái nó vô tình chạm vào cạnh sườn phải của tôi. Tôi giật mình. Nơi cháu tôi chạm tay là chỗ viên đạn AK đã chui vào, nằm cách trái tim tôi chừng một đốt tay. Viên đạn nằm đấy đã ba mươi tám năm, kể từ trưa Mùng Một Tết Mậu-Thân. Một cảm giác tê tê, nhột nhột nơi vết thương cũ khiến tôi bật cười. Thấy tôi cười, cháu tôi cũng toét miệng cười theo.
— “Ong… ong… ong ngại…”
...................................................................................................



Photo:

 

Hồi ký Viên Ngọc Nát
- Vương Mộng Long
VBTCC Viên Ngọc Nát Phần 1
https://youtu.be/hX3z1i6iGJE


^^^

VBTCC Viên Ngọc Nát Phần 2
https://youtu.be/lMQbewXyLr4


=================================================================

 



Cuối Đường

- Truyện ngắn của Vương Mộng Long
| Nghe Truyện Xưa


 

Cuối Đường
Truyện ngắn của Vương Mộng Long




https://youtu.be/cLQ-DmqUSfA





 

..............................................................................................................................

 

CUỐI ĐƯỜNG




"Vinh quang một đời của người cầm quân là một món nợ.
Nợ với tổ quốc, với đồng bào, và với thuộc cấp của mình!"...
(Vương Mộng Long)


Bảy giờ sáng ngày Ba Mươi tháng Tư 1975, tôi dừng quân trên một tọa độ cách thủ đô Sài-Gòn hơn hai chục cây số. Nơi đây là đoạn cuối của Quốc Lộ 1. Chỉ còn một quãng đường ngắn ngủi nữa thôi, Quốc Lộ 1 sẽ chấm dứt.

Xuất Quân - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
http://youtu.be/rcmewCwA8mc
Tối qua, 29 tháng Tư chúng tôi rút về tới Long-Bình thì Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân đã di chuyển đi đâu mất rồi. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của tôi như con gà con lạc đàn. Tôi vào máy gọi Liên Đoàn 24 BĐQ, gọi Tiểu Đoàn 81 BĐQ, gọi Tiểu Đoàn 63 BĐQ, và gọi cả Sư Đoàn 18 BB/HQ trên tần số riêng. Tần số nào cũng rối loạn. Tôi không bắt liên lạc được với ai. Nửa đêm, thình lình máy vô tuyến đưa lệnh, chẳng hiểu của giới chức nào, chỉ vắn tắt một câu:

— "Các đơn vị cấp tốc rút về phòng thủ Sài-Gòn!"

Mờ sáng Ba Mươi tháng Tư, chúng tôi bỏ Long-Bình, rồi từng bước, rút về hướng thủ đô, để "phòng thủ thủ đô". Cuối cùng, lết bộ tới Cầu Hang (Biên-Hòa) thì mỏi mệt quá, tôi cho quân dừng lại nghỉ. Trên Quốc Lộ 1, cách Cầu Hang chừng hai trăm mét, hơn sáu chục người lính sống sót cuối cùng của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân bơ vơ.

Vào giờ này, quân số Tiểu Đoàn 82 BĐQ bách thắng của Quân Khu 2 còn lại chừng nửa đại đội, với bốn sĩ quan là tôi (Thiếu Tá Vương Mộng Long), Thiếu Úy Thủy, Trung Úy Trâm, Chuẩn Úy Thiều cùng hơn sáu mươi binh sĩ. Ông Đại Úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu Đoàn Phó chết đêm 28 tháng Tư. Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Phước và Trung Úy Đăng mất tích. Thiếu Úy Châu đi thụ huấn chưa về. Thiếu Úy Học, Thiếu Úy Hoàng vắng mặt từ chiều 27 tháng Tư, trước khi tiểu đoàn vào vùng. Chuẩn Úy Gấm, Chuẩn Úy Trung, Chuẩn Úy Lê Văn Phước (Ban 3) cùng Trung Úy Trần Văn Phước thất lạc trên đường rút lui từ Hố-Nai về Long-Bình ngày hôm qua.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa


Từ nửa khuya, những đơn vị đồn trú ở Long-Bình đã bắt đầu theo cơ giới rút đi. Lúc tôi tới Cầu Hang thì những vị tu hành áo vàng của ngôi chùa Theravada bên kia lộ đang lên xe chạy về hướng Sài-Gòn. Giờ này họ đã quay trở lại. Họ trở lại chùa, vào phòng, khóa chặt cổng ngoài. Có một điều lạ lùng, khác với những lần rút lui từ Quảng-Đức và từ Long-Khánh, đó là, trong lần rút bỏ Biên-Hòa này, tôi không thấy dân chúng bồng bế nhau chạy theo quân đội.

Chiếc xe nhà binh sau cùng di chuyển qua Cầu Hang đã khuất bóng từ lâu. Khoảng tám giờ sáng thì không còn ai đi sau chúng tôi nữa. Sau lưng chúng tôi, thành phố Biên-Hòa có lẽ đã rơi vào tay Cộng Quân.

Trước mắt chúng tôi là Quốc Lộ 1, dài mút mắt, hướng Sài-Gòn. Cuối trời hướng tây có từng cột khói đen cuồn cuộn bốc lên. Trong vài túp lá, quán cóc bên đường xe lửa, xác những người bạn Nhảy Dù chết cách đó một vài ngày còn nằm trên sạp tre. Họ đã hy sinh khi nhổ chốt địch để lấy lại đoạn đường quanh Cầu Hang. Tôi không còn tâm trí đâu mà lo chôn cất cho những người bạn đã kiêu dũng nằm xuống này. Chính tôi cũng không rõ số phận chúng tôi sẽ như thế nào trong vài giờ sắp tới.

arvnsoldier51 Mười giờ sáng Ba Mươi tháng Tư năm 1975. Tôi thẫn thờ rời cái quán cóc bên đường. Chiếc xe Jeep của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB đã khuất dạng nơi khúc quanh có vườn cây xanh, về hướng Thủ-Đức. Tư lệnh đã quay lại tìm tôi, nhưng giây phút cuối cùng, chúng tôi không kịp gặp nhau.

Vào giờ phút này, trên máy thu thanh, ông Dương Văn Minh đang oang oang ra lệnh cho chúng tôi buông súng. Ông Dương Văn Minh gọi kẻ thù của chúng tôi là "những người anh em" Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, buổi sáng Ba Mươi tháng Tư năm 1975, cuộc chiến tranh Việt-Nam hai mươi năm đi vào trang chót. Đứng trên đường tà vẹt, tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng tự hỏi,

— "Có phải ta đang trong cơn ác mộng hay không?"

— "Sao chiến tranh lại có thể kết thúc một cách đột ngột, vô lý, và thê thảm như thế này?"

Chua xót thay! Tôi không mơ. Tôi đang sống với thực tế phũ phàng. Thằng Y Don Near nắm chặt sợi dây ba chạc của tôi, nó khóc sướt mướt,

Quân Lực VNCH

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

— "Thiếu Tá ơi! Sao lại thế này? Thiếu Tá ơi! Hu... hu... hu..."

Từ chiếc máy PRC 25, trên lưng nó, trong tần số liên đoàn, có nhiều giọng đàm thoại lạ. Những hiệu đài không quen, gọi nhau, chửi thề, quát tháo, than van...

Trước mắt tôi, bên kia đường, lá cờ ngũ sắc trong sân chùa bay phất phới. Hai bên quốc lộ, những bộ rằn ri còn bố trí, thế tác chiến sẵn sàng. Những người lính Biệt Động đang chăm chú nhìn cấp chỉ huy của họ. Họ nhìn tôi với ánh mắt của những đứa con nhỏ đang nép mình trong lòng mẹ, vào những buổi ngoài trời dông bão, mịt mù sấm sét. Cảnh này quen thuộc lắm. Những khi tình hình nghiêm trọng, thuộc cấp của tôi thường chờ đợi quyết định của tôi với những cái nhìn kính cẩn, tin tưởng và thương yêu như thế này.

Trong mười năm chiến trận, đã có đôi lần tôi bị bỏ lại đàng sau. Đôi lần đơn vị tôi bị dồn vào tình trạng vô cùng nguy khốn, thập tử nhứt sinh, nhưng thấy con chim đầu đàn còn hiện diện, những người lính dưới quyền tôi vẫn không xiêu lòng, không bỏ vị trí. Nhưng sáng nay, trước mắt họ, người chỉ huy của họ đã trở thành một hình nhân, bất động.

Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân - Quân Khu 2

Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Khu 2 ngày 30 tháng 4 năm 1975

Thực sự, tôi không biết phải làm gì bây giờ. Radio chỉ có một chiều; tôi chỉ nghe được; không trả lời được; không hỏi lại được. Có ai cho tôi biết ông Dương Văn Minh lên chức tổng thống lúc nào đâu? Tôi biết hỏi ai rằng ông tổng thống này là thiệt hay giả?

Theo tôi biết, ông tướng này, sau khi giết cụ Diệm để tiếm chức, đã bị các nhóm khác hất cẳng về vườn lâu rồi. Sao tự nhiên ông ta trở thành Tổng Thống Việt-Nam Cộng-Hòa được nhỉ?

Sao một thường dân có thể lên làm tổng thống dễ dàng thế nhỉ? Đùng một cái, sáng nay, ông ta ra lệnh cho tôi buông súng. Đầu hàng? Đầu hàng cách nào? Đầu hàng ở đâu? Đầu hàng với ai? Giữa đồng không, tôi đứng chết trân. Mặt trời lên, thày trò chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau. Những bàn tay đen đủi Bana, Jarai, Rhadé đưa lên quyệt nước mắt.

Hướng Tân-Uyên có tiếng trống múa lân thùng! thùng!... thùng... thùng... nghe lớn dần... lớn dần. Tới Cầu Hang, đoàn múa lân quẹo phải, về tây. Tôi thấy một cán binh Cộng-Sản vai quàng AK, vác lá cờ Mặt Trận Giải-Phóng Miền-Nam đi đầu, tiếp đó là cái đầu lân nhảy múa, rồi một đoàn người điên cuồng, la hét, hoan hô, đả đảo, nối theo sau. Tiếng loa vang vang,

— "Hoan Hô Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam!"

— "Hoan hô!... Hoan hô!"

Thùng!... Thùng!... Hoan hô!... Hoan hô!... Thùng!... Thùng!... Tiếng loa và tiếng trống lân dập dồn theo gió; lá cờ Giải-Phóng khổng lồ, xanh đỏ, uốn éo trong gió.

— "Đù má tụi mi! Tụi mi chọc giận ông phải không?"

Chửi thề xong, ông Hạ Sĩ Phi xả hết một dây đạn M60 về hướng đoàn múa lân. Chỉ là bắn dọa! Đạn bay cao. Đoàn múa lân như ong vỡ tổ, chạy tán loạn. Chiếc đầu lân bị vứt chỏng chơ giữa đường. Thằng VC vác cờ cũng quăng cờ, bò lê, bò càng tìm chỗ tránh đạn.

— "Thôi! Ta đi!" Tôi ra lệnh cho những người lính cuối cùng của đơn vị.

— "Mình đi đâu bây giờ, Thiếu Tá?" Thiếu Úy Thủy băn khoăn hỏi.

— "Thì cứ đi về hướng Sài-Gòn, tìm xem có ai ở đâu đó, mình nhập vào với họ."

Tôi trả lời Thủy. Mà chính tôi cũng chẳng biết mình sẽ dẫn đơn vị đi về đâu! Không mục tiêu, chúng tôi đi rất chậm.

— "Thùng!... Thùng!... Hoan hô!... Hoan hô!", chúng tôi đi được chừng nửa cây số thì đoàn múa lân lại tiếp tục theo sau lưng.

— "Hoan hô! Hoan hô cái mả cha tụi mi!" Hạ Sĩ Phi lại đổ quạu.

— "Cành! Cành! Cành!... Cành!... Cành! Cành!" Một dây đạn đại liên M60 lại quét ngược về đàng sau. Vẫn chỉ là bắn dọa! Đạn bay cao. Thằng VC vác cờ lại vội quăng cờ núp đạn. Cái đầu lân lại bị ném chỏng chơ trên mặt đường. Đoàn múa lân lại tán loạn chạy chết.

Chúng tôi tiếp tục lê gót theo đường, về hướng Sài-Gòn. Cứ đi được vài trăm mét, lại dừng chân nghỉ mệt. Có mục tiêu nào cho chúng tôi tìm tới đâu mà phải vội vàng? Khi đi ngang khu núi đá vôi Bửu-Long thì thằng Don đưa ống nghe cho tôi,

— "Có Hai Lẻ Bảy (207) gọi Thái Sơn!"

Tôi nghe tiếng Trung Tá Hoàng Kim Thanh, Liên Đoàn Trưởng LĐ24/BĐQ,

— "Thái Sơn! Đây Hai Lẻ Bảy! Anh cho hai chiếc xe tới đón chú và con cái về Đường-Sơn Quán. Các đơn vị đang tập trung ở đây chờ lệnh!"

Giọng anh Thanh vẫn bình tĩnh, từ tốn, không có vẻ gì là lo lắng.

Nghe ba tiếng "Đường-Sơn Quán", tôi chợt nhớ thời 1971-1973, ở BCH/BĐQ/QK2 có một biệt đội Biên-Vụ (Viễn Thám) do tôi thành lập, huấn luyện, và trực tiếp chỉ huy. Sáu toán Biên-Vụ trang bị AK, dép râu, nón tai bèo, nghênh ngang, xuôi ngược trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, dọc theo biên giới Việt, Miên, Lào, trong căn cứ địa 609, 613, 701, 702, 740. Những cú nổ mìn phá ống dẫn dầu, phá xe tải, bắt cóc cán binh, dọc Trường-Sơn Đông, phá Ngầm 24 trên sông Sé San là một mối đe dọa kinh hoàng hàng ngày đối với đoàn quân xâm lăng vào từ phương Bắc.

Chuyện chúng tôi xuất, nhập các mật khu, huấn khu địch, xảy ra như cơm bữa. Những tay súng dưới quyền tôi cũng yêng hùng, ngang tàng như các hiệp sĩ trong phim Hồng-Kông. Họ quen gọi tôi là "Anh Hai". Bất cứ giờ nào, dù đang lội trong rừng gai mây Plei-Trap Valley hay trong rừng khọt Nam Lyr (Cam bốt), họ vẫn nghe được tiếng "Anh Hai" của họ, từ một đỉnh núi cao nào gần đó. Thỉnh thoảng, "Anh Hai" lội rừng chung với họ để thi hành những nhiệm vụ gay go do Quân-Đoàn II giao phó. Tôi và họ, thương nhau như anh em cùng mẹ, cùng cha. Khi cuốn phim "Đường-Sơn Đại-Huynh" được chiếu trên màn ảnh các rạp Diệp-Kính, Diên-Hồng, Thanh-Bình, ở Pleiku, thì đàn em của tôi gán cho tôi biệt danh "Đường-Sơn Đại-Huynh" chỉ vì tôi có cái tên Long, trùng với tên ông Lý Tiểu Long, tài tử chính của phim này.

Sau khi "Anh Hai" vào Plei-Me nhận Tiểu Đoàn 82/BĐQ/BP, đơn vị này bắt đầu đánh giặc với cái phong thái "Đường-Sơn" khiến quân thù vừa nghe tên đã khiếp vía. Tôi ở Cao-Nguyên mút mùa, làm sao biết được ở Sài-Gòn cũng có cái quán được đặt tên như trong phim võ hiệp của Tàu? Tôi mở miệng định hỏi anh Thanh tọa độ của Đường-Sơn Quán thì máy liên đoàn đã cúp. Tôi đành cho anh em ngừng lại bên đường, chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, hai chiếc xe be từ hướng Thủ-Đức chạy lên. Xe ngừng, ông tài xế ló đầu ra lớn tiếng hỏi:

— "Có phải Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đó không?"

— "Phải rồi! 82 đây!"

— "Lên xe đi! Tôi chở các ông về Đường-Sơn Quán!"

— "Có ai ở đó không?"

— "Đông lắm! Có lẽ các ông là những người tới sau cùng."

Xe trở đầu, chúng tôi lên xe. Tôi, Trung Úy Trâm và thằng Don ngồi trên cabin chiếc xe đi đầu. Chú Thủy và chú Thiều đi xe sau. Thành xe be thấp hơn thành xe GMC, không có thế để đứng, những người lính đành phải ngồi chồm hổm. Ông tài xế xe be, cười rất tươi,

— "Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Hết đánh nhau rồi các anh ơi!"

Tôi là một người lính nhà nghề, nên dù cho "hòa bình" có ở ngay trước mắt, hiệu lệnh phản phục kích xe vẫn được tôi ân cần nhắc nhở cho thuộc cấp. Hai khẩu M60, một của Hạ Sĩ Phi, một của Trung Sĩ Tài, được đặt trên nóc buồng lái của hai chiếc xe be.

Xe đang bon bon trên con lộ vắng thì khựng lại, bò từ từ. Trên mặt lộ, đàng xa, có người dang tay phất phất lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, ra hiệu cho xe chạy chậm lại. Tới gần, tôi nhận ra một du kích Việt-Cộng, quân phục xanh, mũ tai bèo, dép râu. Tên du kích cột lá cờ trên cánh tay phải, cờ phất lia, phất lịa. Tay trái nó dương họng khẩu AK 47 hướng vào đầu xe của tôi. Xe vừa ngừng thì hai bên đường có tiếng la:

— "Bắn! Bắn!... Không cho đứa nào chạy thoát!"

Rồi thì tiếng súng đủ loại rộ lên. Những người lính Việt-Nam Cộng-Hòa trên hai chiếc xe be vừa ngừng trên mặt quốc lộ trở thành những cái bia sống. "Hòa bình" rồi, tại sao người ta nỡ đang tay giết chúng tôi, khi chúng tôi đang trên đường về điểm tập trung để buông súng?

— "Choác! Choác!.... Choác!"

Tôi tối tăm mặt mũi vì loạt đạn bất ngờ. Tấm kiếng che gió của chiếc xe tôi đang ngồi lãnh cả chục viên AK của loạt đạn đầu tiên. Mảnh thủy tinh văng rào rào trên đầu, cổ, mặt mũi tôi. Ông tài xế gục trên vô lăng. Thùng nước xe bể, hơi nước phun "phì... phì..." che kín đầu xe. Tôi phóng nhanh xuống đường. Sau một cái lạng mình, tôi đã ở đàng sau thành xe. Tôi rút khẩu Colt 45, vẩy một viên về hướng thằng du kích. Viên đạn trật mục tiêu. Một Biệt Động Quân vừa nhảy khỏi xe, té trên mặt đường. Hình như anh ta bị trúng đạn, không ngồi dậy được. Tôi giựt khẩu M16 trên tay anh,

— "Đưa tao!"


Tôi kéo cơ bẩm. Đạn tuôn ra khỏi nòng. Tên du kích giãy giụa trên vũng máu. Lá cờ Mặt-Trận phủ trên mình thằng du kích.

Tôi ghếch mũi súng về lề phải con đường, nơi hàng chục họng AK và B40 đang đua nhau nã đạn vào hai chiếc xe be.

— "Oành!"

Một trái B40 nổ ngay trước mặt tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nhiều mảnh B40 và đá, sỏi đã ghim vào cẳng mình. Chủ nhân khẩu M16 mà tôi đang xử dụng bị bay mất cái đầu; máu từ cổ anh xịt thành vòi; phần thân thể còn lại của anh giựt giựt trên mặt lộ.

Khẩu B40 cách tôi chỉ vài sải tay, ngay bên kia đường. Tôi nhắm đầu thằng xạ thủ B40 quạt một tràng M16. Ngón tay tôi tiếp tục siết cò. Địch đông lắm. Chúng đứng lố nhố trong vườn có những luống đậu, dây leo. Một băng đạn ria đại vào đây cũng có thể hạ gục cả chục tên.

Chúng tôi không dự trù sẽ vướng vào một cuộc giao tranh vừa bất ngờ vừa điên cuồng này. Chúng tôi ở vào cái thế không biết xoay trở cách nào để phản công. Thôi, đành liều mạng! Ai đang ở đâu nằm tại đó, chống trả. Cũng may, đêm qua, ở Long-Bình, chúng tôi có cả kho đạn lận lưng cho ngày hôm nay.

Đạn địch từ hai bên đường trước mặt tôi tưới như mưa vào những người lính còn đứng trên xe. Những thân hình rằn ri rơi rụng xuống mặt lộ. Có người chân vừa chạm đất, đã lăn ra chết. Có đôi người vừa nhảy ra khỏi sàn xe, còn lơ lửng trên không, tay đã bóp cò, nã đạn về hướng địch. Hầu như ai cũng lo bóp cò. Không ai để ý đến thân thể mình đã trúng thương nơi đâu.

Hạ Sĩ Đinh Lít nằm nghiêng dưới gầm xe, tay trái anh đã trúng đạn, xuội lơ, tay phải ôm cứng khẩu M16. Anh nằm trên vũng máu, mặt anh tỉnh như không. Mặc cho đạn địch cài dày dặc xung quanh. Với một tay còn lại, anh liên tục bắn hết băng đạn này, tới băng đạn khác. Lựu đạn miểng, lựu đạn nổ, lựu đạn cay, B40, M72, chớp nhóa,

— "Cành! Cành!..."

— "Choác! Choác!..."

— "Xoẹt! Xoẹt!..."

— "Oành! Oành!..." Hai bên đường, địch vẫn tiếp tục ào ra. Xác Việt-Cộng đè lên nhau từng lớp, ngổn ngang.

— "Cành! Cành! Cành!..." Trên xe, Hạ Sĩ Phi vừa rải từng tràng M60 về phía quân thù, vừa la rú như người mất trí,

— "Đù má tụi mi! Chết cùng chết! Ông chết! Tụi mi cũng chết!"

Trưa Ba Mươi tháng Tư, trên đoạn cuối của Quốc Lộ 1, một cuộc hỗn chiến loạn đả xà bần đã diễn ra giữa thanh thiên, bạch nhựt. Dân chúng tràn ra đường, xem hai bên đánh nhau. Có đôi ba người dân thường, liều mạng chạy vào khu giao tranh, mang vác những Biệt Động Quân bị thương đem đi cứu cấp. Khẩu đại liên của Trung Sĩ Tài trên xe thứ nhì đã được di chuyển xuống lề đường. Điều lạ là, hai phụ xạ thủ của Tài lại là hai em bé trai, tuổi khoảng mười hai, mười ba. Như vậy có nghĩa là, người phụ xạ thủ và tải đạn của Tài đã bị loại ra ngoài vòng chiến.

 photo HQPD_1371785289-2.jpg
Đạn nổ rền trời. Đạn bay qua. Đạn bay lại. Việt-Cộng chết. Biệt Động Quân chết. Dân chúng cũng chết! Những người lính Biệt Động cuối cùng của Plei-Me, Vùng 2, ruột đổ lòng thòng vẫn ôm súng bắn như khùng, như điên. Hết đạn, những con cọp giãy chết đành dùng tất cả những gì cha mẹ ban cho để tự vệ: Nắm đấm, gót chân, đầu gối, khuỷu tay và cả... răng cũng được xử dụng. Trong phút giây tuyệt vọng, những chiến sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa lăn xả vào địch, la hét, vật lộn, đấm đá, cào cấu, cắn xé... Binh Nhứt Liêu Chí Cường (gốc Chợ-Lớn) trước khi chết, còn cố ôm cứng một thằng địch để cắn vào mặt nó. Tôi biết chắc người đó là chú Cường, vì cái khăn len xanh cố hữu, bốn mùa quấn trên cổ chú (cái khăn của người tình phụ).

Tôi đã bắn hết số đạn mang theo trên lưng người lính nằm chết dưới chân tôi. Tôi vừa rướn người, quơ quào được một băng M16 trên sàn xe thì đạn 12,7 ly của địch từ xa ào ào bắn tới. Có tiếng Trung Úy Trâm thét lên, bên hông trái xe,

— "Thái Sơn ơi! Hình như tank tới!"

— "Làm gì có tank! Chỉ có 12,7 ly thôi!"

Đạn phòng không của Việt-Cộng quét sát mặt đường nhựa, tóe lửa khi nổ lần thứ hai. Những viên 12,7 ly nổ "đúp" (hai lần), chui qua thân người bị đạn, hất thân mình người đó lên khỏi mặt đất, đục những lỗ to như bàn tay trên thân thể nạn nhân. Trên mặt lộ là cả chục xác Biệt Động Quân không toàn thây. Khẩu M60 của Hạ sĩ Phi đã gãy nát. Hạ Sĩ Phi vỡ óc. Hạ Sĩ Đinh Lít cũng vỡ óc. Sáu bánh xe be xẹp lép. Chiếc xe nằm bẹp xuống mặt đường. Trên sàn xe, trên mặt lộ, chỗ nào cũng ngập máu. Máu đọng thành vũng, máu chảy tràn xuống ruộng.

Bên tôi, không còn khẩu M16 nào hoạt động. Những Biệt Động Quân đi trên xe thứ nhứt có lẽ đã chết gần hết. Những người đi trên xe thứ nhì đang là mục tiêu cho khẩu 12,7 ly. Tôi thấy họ rút chạy vào ruộng mía bên phải quốc lộ. Đám dân đứng xem đánh nhau, bị trúng đạn cũng nhiều.

Súng của tôi lại hết đạn rồi. Tôi trườn ra giữa đường để nhặt khẩu AK và giây đạn của tên du kích. Khẩu đại liên của Trung Sĩ Tài đã gãy làm đôi. Hai em bé tải đạn cho Tài đều chết vì trúng đạn 12,7 ly. Trung Sĩ Tài đang lăn lộn trên vũng máu. Tôi lăn mình vài vòng, tới bên Tài. Tài nhìn tôi, thều thào,

— "Chạy đi!... Ông thày... chạy đi!..."

Tôi định xốc Tài lên để dìu anh vào lề đường thì hai mắt anh đã lạc. Đạn bay xém bên mình tôi, nổ "toang toác!" trên mặt lộ. Chợt ai đó nắm sợi dây ba chạc sau lưng tôi, lôi tôi chạy về bờ ruộng bên trái quốc lộ.

— "Anh em chết hết rồi. Chạy đi, thày ơi!" đó là tiếng Trung Úy Trâm.

— "Toác!Toác!"

— "Chíu! Chíu!"

Đạn địch đuổi theo. Tôi cắm đầu chạy. Chạy được một đỗi thì tôi đuối sức, lảo đảo. Trâm bèn ghé vai, vác tôi lên lưng. Trâm khỏe như một đô vật. Trâm cõng tôi, nhanh chân lẩn vào rặng dừa bên trái lộ. Hết vạt dừa, Trâm đặt tôi xuống đất.

Quân Lực VNCH

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Chúng tôi lội trên mảnh ruộng vừa gặt xong. Chân tôi vướng gốc rạ. Tôi ngã bổ nhào trên mặt ruộng. Trên mặt ruộng có những đồ chơi của trẻ con vương vãi đó đây. Một con búp bê bằng nhựa, một cái xe hơi bằng nhựa, những chén bát nhỏ tí, cũng bằng nhựa, màu mè xanh đỏ. Tôi chợt nhớ tới gia đình vợ con tôi ngoài Ban-Mê-Thuột. Chắc vợ con tôi đã chết hết. Tôi nghĩ tới đất nước tôi. Đất nước tôi đã mất. Đơn vị tôi đã tan tác. Một phút bất thần, phẫn uất, tôi rú lên như con thú,

— "Ôi!... Ôi!... Ông Trời ơi!... Ông Trời ơi!... ơi... ơi..."

Tôi rút khẩu súng Colt ra, kê nòng súng vào mang tai mình, bóp cò. Bàn tay như sắt nguội của Trung Úy Trâm phạt ngang một cú Karaté. Viên đạn bay lên trời. Khẩu Colt văng trên mặt ruộng.

— "Trâm ơi! Làm ơn!... Cho anh chết! Trâm ơi!..."

Nước mắt dàn dụa, tôi thất vọng, van lơn. Chẳng nói chẳng rằng, Trung Úy Trâm lầm lì, xốc vai tôi bước đi. Ngoài lộ vẫn còn lác đác tiếng đạn bắn qua, bắn lại và tiếng lựu đạn nổ. Trâm lột sợi dây ba chạc của tôi, của anh, mũ sắt của tôi, của anh, vứt trên một gò mả. Trâm từng bước dìu tôi về hướng xóm làng gần đó. Giờ đó tôi như con sên yếu đuối, mặc cho chú Trâm tha lôi đi đâu thì đi. Chúng tôi vừa đụng đầu một con lộ đất thì một nông dân đạp xe tới chặn đường:

— "Ông Thiếu Tá bị thương hả?"

Thói quen, ngược đời, đi trận tôi thường đeo lon trắng. Về nhà tôi lại đeo lon đen. Người dân đã nhìn thấy cặp lon trắng của tôi. Ông cụ có vẻ động lòng,

— "Ông Trung Úy lấy xe này đưa Thiếu Tá chạy đi! Luẩn quẩn ở đây lâu không tốt đâu!"

— "Cám ơn cụ!"

Trâm lanh tay nhận chiếc xe đạp thồ từ tay người dân tốt bụng.

Con lộ đất dẫn tới một văn phòng Hội Đồng Xã, cửa đóng, khóa ngoài. Rồi con lộ đất dẫn vào một ngôi nhà thờ xứ đạo. Trong sân nhà thờ, lố nhố nhiều người đang tập trung. Một cái rờ-moọc xe GMC chất đầy súng ống nằm ngay giữa sân. Đó đây, từng đống quân trang, quân phục VNCH vừa bị cởi bỏ. Trâm dựng cái xe đạp ngay giữa sân. Chú đứng quan sát một phút, rồi thở dài,

— "Cởi quân phục vứt đi thì chỉ còn cái áo mayor với cái quần xà-lỏn. Mình làm sao đây, Thái Sơn?"

Tôi rờ rẫm những khẩu M16 trên chiếc rờ-moọc, "Lên đạn. Dựng khẩu súng thẳng đứng. Đưa nòng súng vào dưới cằm. Lách ngón chân vào cò súng. Nhấn ngón chân xuống. Thế là xong!"

Tôi đang suy nghĩ, sắp thử một cú tự giải thoát nữa, thì chú Trâm van lơn:

— "Thày ơi! Thôi đi thày ơi! Đừng bỏ em, thày ơi!"

Trung Úy Trâm ôm chặt vai tôi, khóc nức nở như một đứa bé. Thày trò tôi ôm nhau. "Hu ... hu... hu...."

Những người đứng gần đó, bị nỗi đau đớn chung lôi cuốn, cũng ôm mặt khóc theo. Như giữa đám ma, cả một khu sân nhà thờ xứ đạo vang lên tiếng khóc. Một đám ma không có người chết, mà những người đang đứng đây, chẳng có họ hàng gì với nhau, nhìn nhau, ôm nhau, cầm tay nhau, chúng tôi khóc vùi.

Một thanh niên cưỡi chiếc Honda 90 từ hướng Quốc Lộ 1 phóng tới. Anh kè sát bên tôi, nói nhỏ,

— "Thiếu Tá lên xe, em chở đi trốn."

Trâm đẩy tôi lên yên sau xe, chú leo lên theo.

— "Chúng nó (VC) chết nhiều lắm! Chúng nó bắt được mấy anh lính bị thương, tra khảo họ xem cấp chỉ huy của họ là ai, đâu rồi? Họ khai có ông Thiếu Tá, chắc chết rồi. Chúng kiểm xác chết. Không có xác Thiếu Tá. Chúng đang túa đi lùng. Em sẽ đưa Thiếu Tá đi dấu. Không để cho chúng nó bắt."

Xe chạy trong đường làng quanh co một đỗi thì ngừng. Anh thanh niên dựng xe, đập cửa một căn nhà gỗ, mái dừa.

— "Mẹ ơi! Con đây! Hải đây! Mẹ mở cửa cho con!"

Cánh cửa hé mở, một bà già, tiếng Bắc Di-Cư,

— "Đánh nhau, súng nổ ầm ầm mà mày cứ nhơn nhởn ra đường. Về nhà đóng cửa lại cho tao đỡ lo!"

— "Vâng con về ngay. Mẹ cho con gửi hai anh này. Có ai hỏi, mẹ cứ nhận là hai con của mẹ. Anh Cả, anh Hai đi lính vắng nhà lâu rồi, chòm xóm không nhớ mặt đâu! Mẹ làm ơn, làm phúc. Con đi một chút nữa con về ngay. Mẹ đừng lo!"

Bà mẹ nhìn tôi và Trâm, bà biết ngay hai đứa chúng tôi là sĩ quan QLVNCH đang bị truy đuổi. Bà cụ không dài dòng hỏi han. Cụ đưa tay chỉ cho tôi cái tủ đứng góc nhà,

— "Hai đứa lấy quần áo 'si-vin' của thằng Hải mà mặc vào ngay đi! Đưa quần áo nhà binh cho tao đi giấu!"

Thoáng chốc, tôi và Trâm thành hai anh dân sự. Bà cụ Bắc Kỳ đã chôn hai bộ rằn ri dưới bùn ruộng muống sau nhà. Trước sân, anh thanh niên (Hải) con bà cụ đang bơm lốp xe. Tôi và Trâm ngồi uống nước vối nóng, nghe ngóng động tĩnh. Chợt, ngoài đường có tiếng đối đáp,

— "Anh kia! Anh có thấy hai thằng lính rằn ri Ngụy chạy qua đây không?"
Một giọng Nghệ-Tĩnh gặng hỏi.

— "Có! Chúng nó chạy thẳng sang hướng Thủ-Đức. Đấy! Con đường quẹo phải! Chổ cây dừa nghiêng..."

Tên Việt-Cộng chỉ huy liếc mắt vào trong nhà. Thấy tôi và Trâm, nó hỏi trống không,

— "Chứ hai anh kia làm chi rứa?"

— "Anh Cả và anh Hai của tôi đó!" Hải nhanh miệng.

— "Thưa ông, hai thằng con tôi đi lính ngoài miền Trung. Tụi nó mới đào ngũ về nhà được mấy tuần. Xóm này ai cũng biềt."
Bà cụ phân trần. Thằng Việt-Cộng hết nghi, quay sang đồng bọn, nó ra lệnh:

— "Nhanh lên! Đuổi theo chúng nó nhanh lên! Hướng cây dừa nghiêng. Đừng cho chúng nó chạy thoát! Các đồng chí cẩn thận đấy! Tụi nó có súng!"

Rồi tiếng chân người huỳnh huỵch chạy đi, xa dần. Bà già lấy khoai lang luộc đưa cho chúng tôi ăn đỡ lòng. Anh Hải rồ máy xe. Nửa giờ sau anh trở về,

— "Thiếu Tá đi được rồi! Quân của chúng nó đi hết rồi."

— "Hai con có còn tiền để đi xe về quê không? Nếu không mẹ cho!" bà cụ ân cần.

— "Cám ơn bác. Chúng cháu còn tiền đây. Chúng cháu mới lãnh lương. Mải lo đánh nhau, chưa tiêu đồng nào." Tôi cảm động nói không nên lời. Bà già nhìn chúng tôi, ánh mắt bà chứa ẩn một tấm tình thương xót bao la.

— "Thưa Mẹ! Con đi!"

— "Thưa Mẹ! Con đi!"

— "Anh đi nhé, Hải! Cám ơn Mẹ và em vô cùng!"

Lần đầu tôi gọi một người không sinh ra tôi là Mẹ. Tôi gọi bà là Mẹ, không ngại ngùng, như thể bà đã là Mẹ tôi, đã sinh ra tôi. Tôi và chú Trâm bước ra vườn sau, theo bờ ruộng rau muống, leo lên con lộ đá đi về hướng Thủ-Đức. Tôi biết sau lưng tôi, Mẹ và chú Hải còn trông theo.

Hai đứa tôi nhanh chân nhập vào dòng người hướng về Thủ-Đức. Chợt sau lưng tôi có tiếng gọi,

— "Thái Sơn ơi! Trâm ơi!"

Thì ra người gọi chúng tôi là Thiếu Úy Trần Văn Thủy. Ba thày trò tôi không dám lớn tiếng hỏi han nhau về những gì đã trải qua. Chúng tôi đi như những người dân chạy loạn đang tìm đường về nhà, sau khi im tiếng súng. Chúng tôi vào Thủ-Đức. Nhà nhà, cửa đóng kín mít. Vài chiếc xe Cảnh-Sát cháy dở dang. Vài tiệm buôn bị đốt phá. Trong phố đã xảy ra cướp bóc, hôi của. Cổng Trung-Tâm Cải-Huấn Thủ-Đức mở toang. Sân nhà lao vắng tanh. Tội phạm mới ra khỏi khám đang lộng hành (?) Nhiều người tay mang băng đỏ chở nhau trên Honda, trên xe Ford Cảnh-Sát. Xe chạy nhanh như bay, qua lại nhiều lần trên đường phố.

Tới chợ Thủ-Đức, chúng tôi may mắn đón được chiếc xe Lamb chạy đường Thủ-Đức, Thị-Nghè, giá sáu trăm đồng một người. Chiếc xe Lamb bò ì ạch vì quá tải. Xe chúng tôi qua mặt từng đoàn người bận quần đùi, áo thun, chân đất, đang chen vai nhau, đi về hướng thủ đô. Tôi nhận ra, trong đoàn người áo thun, quần xà lỏn đang đi dưới đường, có Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 81 Biệt Động Quân. Có lẽ anh ta cởi bỏ quân phục nơi Đường-Sơn Quán(?)

Còn cách ngã ba xa lộ Đại-Hàn chừng hơn trăm mét, chúng tôi phải xuống xe đi bộ vòng qua một khu ao cá và ruộng nước bên trái quốc lộ, vì giữa đường có một chiếc tank T54 đang cháy. Có vài cán binh Cộng-Sản Bắc-Việt ôm AK chặn không cho bộ hành và xe cộ qua lại đoạn đường này. Lội hết vạt ruộng thì thày trò tôi tới xa lộ Đại-Hàn. Lúc này, trên xa lộ, tank T54 và xe chuyển quân của CSBV đang nối đuôi nhau hướng về Sài-Gòn. Sau khi cuốc bộ một đỗi, chúng tôi tới cây cầu đúc. Qua cầu, chúng tôi lẫn trong biển người xuôi ngược.

Chúng tôi về tới Thị-Nghè thì mặt trời xế bóng. Giữa cầu Thị-Nghè là một chiếc M41 đứt xích vì B40. Chiếc chiến xa nằm bẹp, bụng xe đè sát mặt cầu. Trên pháo tháp, có vết máu đã khô, nhưng không thấy xác người chết. Bên cạnh đó, vương vãi vài bộ quân phục Việt-Nam Cộng-Hòa, dây đạn, nón sắt, ba lô...

Tôi không dám về nhà mẹ tôi, sợ trong lúc tình hình lộn xộn, chòm xóm biết mình là sĩ quan QLVNCH, sinh chuyện không hay. Để hai người đàn em chờ trên cầu, tôi đi kiếm nhà người quen, xin cho chúng tôi tá túc. Nhà anh bạn Nguyễn Gia Hân của tôi nằm ngay chân cầu. Bạn tôi là sĩ quan Cảnh-Sát, Trưởng Đoàn Phòng Vệ Tòa Đại-Sứ Hoa-Kỳ. Nhà khóa cửa. Có lẽ gia đình bạn tôi đã di tản rồi. Tôi trở lại cùng Trâm và Thủy.

Qua cầu, chúng tôi tiếp tục đi. Bây giờ, trong phố, người qua lại nườm nượp. Bên lề đường, sát tường rào Sở Thú, những người đi hôi của đang bày bán đủ thứ, chăn màn, quần áo, chén bát, sách truyện, tranh ảnh, rượu bia...

Quên đời? Chỉ còn cách uống rượu. Năm trăm đồng một chai Hennessy. Ba thày trò tôi kẹp nách mỗi người một chai. Tôi vẫy tay chận một chiếc xích lô máy để vào Chợ-Lớn, về nhà Trung Úy Trần Văn Phước; vừa có nơi lạ để nghỉ qua đêm; xóm giềng không biết mình là ai; vừa tìm xem chú Phước còn hay mất.

Chiều rồi, nhưng nhà chú Phước còn mở cửa. Trước nhà là cái bảng hiệu "Chiêm-Tinh Gia Trần-Cẩm, Chuyên Bói Bài, Coi Chỉ Tay, Đoán Vận-Mệnh". Bác Cẩm là thân sinh của chú Phước. Xe ngừng, tôi vừa bước xuống đất thì Phước từ trong nhà ào ra ôm chầm lấy tôi,

— "Ôi! Anh Hai! Anh Hai! Mừng quá! Anh Hai ơi!"

Thì ra trong cuộc lui binh dưới mưa pháo ngày 29 tháng Tư, Phước bị tụt lại đàng sau, mất liên lạc với tiểu đoàn. Phước không biết chúng tôi rẽ vào Long-Bình. Phước đi thẳng một lèo, theo xa lộ về tới Sài-Gòn.

Cởi áo chiến binh

Tháng Tư, nhớ tháng Tư nào,
Rưng rưng cởi áo, nghẹn ngào rưng rưng. (Cao Tần?)
Đêm 30 tháng Tư bốn anh em tôi ngồi bên nhau, cạn ba chai rượu. Chú Thủy cho tôi biết rằng, ngay đợt tấn kích đầu của địch, chiếc xe thứ nhì đã bị thương và chết khá nhiều. Nhiều BĐQ bị thương đã được dân chúng di tản đi cứu cấp. Thiếu Úy Thủy đã cố gắng mở một mũi bọc hông phải để giải tỏa áp lực địch nhưng không thành công, vì địch quá đông. Đến lúc khẩu phòng không 12,7 ly của địch tham chiến thì Thủy cho anh em phân tán chạy vào nhà dân. Sau đó Thủy được dân chúng cưu mang, cho quần áo cải trang rút chạy. Chú Thủy nói, hình như chú Thiều bị thương ngay từ phút đầu, không rõ số mệnh ra sao. Sáng Mồng Một tháng Năm 1975, tôi cho Thủy và Trâm một số tiền để làm lộ phí về quê. Từ dạo ấy, anh em chúng tôi không còn dịp gặp lại nhau nữa.

Thời gian trôi...
Mười ba năm sau, cũng vào ngày Ba Mươi tháng Tư, đầu làng, cuối xóm, rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Nơi nơi, loa vang vang, bài ca "Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh". Có một anh Bắc-Kỳ, tuổi lửng lơ, nửa già, nửa trẻ, đạp xe thồ, đèo theo một cái giỏ, đi rao bán cá khô trong khu ngoại ô Thủ-Đức. Tới căn nhà gỗ, mái dừa, anh bán cá khô vừa mở miệng hỏi thăm, một bà người Xứ Quảng đã mau mắn trả lời,

— "Đi rồi! Bán nhà, vượt biên. Năm, sáu năm rồi!"

— "Xin cám ơn bà. Xin cám ơn Trời!" anh Bắc-Kỳ mừng rỡ.

Bà chủ nhà nghệch mặt, giương mắt nhìn anh chăm chăm, mà chẳng hiểu ý anh.

Anh bán cá khô lên xe, đạp từ từ theo con lộ đất. Xe tới cổng nhà thờ. Gác chuông lặng câm. Sân nhà thờ vắng ngắt. Trên thánh giá, Chúa cúi đầu. Không biết Chúa có còn nhận ra anh không?

Qua văn phòng Ủy-Ban Nhân-Dân Xã, đến Quốc Lộ 1, anh quẹo phải, ngừng lại bên đường ngồi nghỉ. Nơi đây chỉ cách Đường-Sơn Quán vài cây số. Cũng ngày này, mười ba năm trước, các chiến sĩ của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã tả xung hữu đột trong trận đánh đẫm máu bi hùng cuối cùng. Những người nằm xuống đã sang thế giới bên kia trong quân phục rằn ri, với cái huy hiệu đầu beo, phía trên phù hiệu đó là một bệt tím có chữ số "82" màu vàng. Trưa nay, có lẽ dân chúng trong vùng còn nhớ tới họ, nên cắm vội bên đường đôi bó nhang, hương khói. Anh bán cá khô ngồi xẹp trên lề cỏ, rưng rưng,

— "Các chú tha lỗi cho anh..."

Hai bên quốc lộ là rừng bạch đàn. Những cây bạch đàn lớn lên từ lòng đất từng thấm đẫm máu của những anh hùng Plei-Me. Hình như trong gió, thoảng như ru, có tiếng ai, thiết tha, não nuột:

— "Thày ơi! Chạy đi!... Thày ơi!..."

Ngồi bên bìa rừng, đôi mắt Đường-Sơn Đại-Huynh đẫm lệ...


Vương Mộng Long
(Hồi ký của Vương Mộng Long - k20)

28/04/2009

https://ongvove.wordpress.com/tag/v%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BB%99ng-long/

 

-------------------------
-------------------------

 



Chư Pao

Hồi ký Vương Mộng Long.

Mộng Long

Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, tôi đã lành vết thương, xuất viện trở về đơn vị. Trung úy Phạm Văn Lương (k20VB) trả lại Đại Đội 1/TĐ11/BĐQ cho tôi. Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Đại úy Hồ Khắc Đàm (k16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Huân (bị thương) giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ-11 BĐQ. Trong thời gian hơn nửa năm, chúng tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Đà-Lạt, Bảo-Lộc, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Đức và Bình-Thuận. Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu Đoàn 11/BĐQ được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ. Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 49.

Sáng sớm ngày N, xe quân vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Đặc-Biệt Lý Thái Lợi, Plei M'rong. Trưởng trại LLĐB Lý Thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, Đại-úy Huỳnh Châu Báo (k17). Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong khi chúng tôi đợi chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng. Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung Đoàn E 24 Mặt Trận B3 Cộng Sản Bắc Việt trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô. Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên. Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy. Ngày N, lành lạnh, cuối đông. Từ bãi bốc Plei M'rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh. Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M'rong chừng năm cây số.

Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị "tiên phuông" và theo chân Đại Đội 1/11 BĐQ của tôi vẫn là Đại Đội 3/11 BĐQ. Dưới triều đại Hoàng Mai (Hồ Khắc Đàm) đoàn hùng binh TĐ11/BĐQ luôn luôn được chia làm hai cánh. Cánh A là Liên Đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương mộng Long) chỉ huy, cánh B là Liên Đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy. Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã "hover" trên ngọn tranh. Miệng hô "go! go!" chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi. Cỏ cao quá đầu người. Chúng tôi nhắm mắt lao xuống. Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết. Những trái rocket làm rừng cỏ tranh bốc cháy. Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui! Thế là miệng hô, "Nhào lên! Bà con ơi!" chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao. Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt. Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây "bành ky" này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành. Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Đại Đội 3/11 của Trung úy Phan Ngọc Quí còn ngồi trên HU1D. Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn. Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng. An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho ĐĐ3/11/BĐQ xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay. Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và Liên Đội B cũng theo chân Đại Đội 3/11 xuống bãi này. Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.

Có tiếng Hoàng-Mai gọi:

— "Thái-Sơn đây Hoàng Mai! Sẵn sàng chưa?"

Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi. Tôi trả lời,

— "Sẵn sàng trăm phần trăm. Đợi!"

— "Target số một! Zu lu!"

— "Nhận Hoàng Mai 5!"

Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh. Tôi gọi cho Trung úy Quí (ĐĐT 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi. Tôi dặn anh nhớ bám sát. Mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước. Tiến theo hướng bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng tây đông. Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1. Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về tây.

Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc. Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ. Một toán dò tin tức được gởi đi. Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương. Tôi cho qua chuyện này.

Đêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc. Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục. Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc. Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung. Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang. Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt. Đi trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu. Đi được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai. Tiếng người lần này giọng Bắc. Trung đội đi đầu của Thiếu úy Đinh Quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay. Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác. Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che giấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ. Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm. Hai cán binh vừa bị hạ thuộc C 17 Trinh Sát của E 24 Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn).

Sáng N+1, chúng tôi tiếp tục đổ dốc. Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng tây đông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ. Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa. Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che giấu sự chết chóc. Đại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi. Đường bắt đầu ẩm ướt. Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước. Vậy mà nước rì rào, róc rách. Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù. Một lối mòn vắt ngang đường voi đi. Lối mòn chạy song song với con thông thủy. Lối mòn cũng theo hướng bắc nam. Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới.

Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn Văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong. Trung Đội 2 của anh chuẩn úy lính mới tò te lần đầu vào trận vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16. Kế đó, Trung Đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy. Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh Sát E 24/B3. Trong balô có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò có kẻ ô, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ có cạnh cắt răng cưa. Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ. Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên. Nước ảnh còn sáng. Màu giấy thư chưa vàng. Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa.

Chúng tôi tiến rất chậm. Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn. Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau. Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng đông Lệ-Chí đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến. Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11/BĐQ cũng có con lộ cắt ngang. Một cán binh VC đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi. Cả ông tiểu đoàn trưởng BĐQ và tên VC đều giật mình phát hoảng. Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng BĐQ không mang súng dài. Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng. Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao. Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng BĐQ vụt vụt loạn xạ cây gậy tre trước mặt thằng VC. Miệng ông hét lớn, "Á!…Á!…Á!…" Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng VC đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân. Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang. Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy. Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông. Nó tính bắn vào đầu ông! Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng VC. Mắt nó liếc tránh ra hướng khác. Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng. Rồi ngón tay đó siết vào cò. Ông hoa hai mắt. "Choác! Choác! Choác!" Ông ù hai tai. Đạn tém sát thái dương ông đại úy. Đạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu. Có lẽ thằng VC run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy.

Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng VC quay đầu chạy bán sống bán chết. Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn. Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng VC đã khuất dạng. Lúc đó những BĐQ cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường. Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe "choác! choác!" tiếng AK liên thanh? Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch, "Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!" Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là xếp của họ đã đi đoong! Gỡ sĩ diện, họ reo hò, "Biệt Động! Sát!" "Biệt Động! Sát! Tiến lên!" Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía. Đạn M16 ròn rã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên VC đã "chạy mẹ nó mất rồi!"

Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước. Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Đàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến. Đoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống. Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Đàm cười hí hí, "Hôm nay ta hơi quýnh một chút. Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng VC này rồi đó! Nó gầy tong teo à!" Tôi cũng phụ họa theo, "Đúng là thằng VC này còn hên! Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!" Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn. Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia. "Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn! Ta nói có sai đâu?" Lần nào cũng thế, "có ăn" là anh Đàm lại dài dòng kể lể công lao "phát minh" ra chiến thuật "chặn nút". Hôm nay nút chặn của tôi "có ăn" thế nào anh Đàm cũng vui lắm. Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Đàm thuyết giảng chiến thuật.

Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật. Đất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan. Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước. Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn. Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính. Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ. Đặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng. Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây. Đã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung. Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy.

Đường bắt đầu đi lên. Bi đông chàng nào cũng đầy nước. Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai. Hai bên yên ngựa là vực sâu. Gió hú ù ù. Trời lạnh lắm. Càng lên cao càng lạnh. Mục tiêu 1 ở trên kia. Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu. Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần, chân, triền và đỉnh. Anh Đàm có lẽ đã tới con thông thủy. Tôi nghe anh ra lệnh, "Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?" "Nhận 5!" Tôi tự nhủ: "Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước. Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!"

Đêm đó hai Đại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1. Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều. Quí là sĩ quan khóa đặc biệt. Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm. Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững. Hai đứa tôi khá thân. Đêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm-Lịch anh ta sẽ cưới vợ. Vị hôn thê của Quí đang học Đệ Nhị Trung học Bồ-Đề, Pleiku. Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường. Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn. Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy (ĐĐT 2/11) sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22/BĐQ. Còn anh đại đội trưởng Đại đội 4/11 Nguyễn-Lạn thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Đà-Lạt. Sắp Tết rồi! Đám cưới! Vui quá đi thôi! Tha hồ mà nhậu! Thời buổi được mùa! Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11/BĐQ đắt đào ghê! Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai mới không vận được một cô sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Đà-Lạt về cư xá sĩ quan TĐ11/BĐQ làm áp trại phu nhân. Nay đến phiên ba ông đại đội trưởng, Kỳ-Sơn (ĐĐT2/11), Trường -Sơn (ĐĐT3/11) và Lam-Sơn (ĐĐT4/11) sắp giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire). Như vậy là sau Tết này, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ mình tôi (Thái Sơn) còn lênh đênh như con thuyền vô duyên của nhạc sĩ Đặng thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện "nớ" thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều. Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi, "Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu. Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!" Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào "thị trường" của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này. Nhưng mỗi khi chạm mặt "đối phương tóc dài" thì tôi lại lờ quờ. Đôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do "thời thế" mà ra.

Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Đại đội 3/TĐ11/ BĐQ ở Đà-Nẵng; vài bà bạn Bắc- Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng "siết chặt dây thân ái" (VB Hành Khúc) với mẹ tôi, hi vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Đại úy Nguyễn thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng, dẫn quân theo ông Nguyễn chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn cao Kỳ. Thời gian này Tiểu đoàn 11/BĐQ chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Đà-Nẵng), riêng Đại đội 2/11 của Trung úy Tôn thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn. Đảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt. Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ. Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát. Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ. Kết cuộc, Tiểu đoàn 11/BĐQ bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21/BĐQ từ Pleiku, được chuyển ra Đà-Nẵng. Tôi bị quất tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm. Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon. Đời tôi đi vào khúc quanh "lắc lư con tầu đi". Thời gian này mẹ tôi buồn lắm. Những bà bạn của mẹ tôi, thì không ngần ngại cắt đứt ngay sợi "dây thân ái" với mẹ tôi.

Ở Liên đoàn 2 Biệt Động Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn đức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm văn Toán liên đoàn phó, Đại úy Nguyễn văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ khắc Đàm ban 2. Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp. Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món "kén vợ". Anh Huân giảng giải, "Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết! Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về. Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó 'nhong! nhong!' Rồi nó đẻ cho chú một bầy con. Nó đánh mắng con chú. Đến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú. Ba đời nhà chú nằm trong tay nó. Hết đường cục cựa!" Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ. Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình. Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên. Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói. Tôi chỉ toét miệng cười. Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng. Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ "Je t'aime" là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè. Các cô chờ tôi. Tôi cứ đánh trống lảng. Hai nhân vật ngồi nhìn nhau. Nhìn nhau mãi bắt chán! Thời gian qua đi vèo vèo. Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi "mà lòng thì chưa hề yêu ai" (T.T.Thanh) Trong lều, đôi bạn tâm sự. Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn. Đêm đông, trong núi, lạnh kinh hồn.

Sáng N+2, sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A. Đường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi. Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới. Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Địch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn. Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên VC, tịch thu một AK báng xếp. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa! Từ khi Thiếu úy Đặng hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Đinh quang Biện (khóa 25 TĐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi. Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi "sô lô" một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku. Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận. Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay. Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận. Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần. Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng. Tên VC này là trung úy thủ trưởng của C17 Trinh Sát/E 24. Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Đại đội C17 Trinh Sát/ E 24 để phòng 2 quân đoàn cho người xuống lấy. Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên VC bị Đại đội 1/11 BĐQ loại ra ngoài vòng chiến. Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng.

Mộng Long 2

Ngày N+3, tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3. Mục tiêu 3 nằm về hướng bắc của chúng tôi. Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét. Tên ngọn núi này là Chư Pa. Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ. Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương. Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo. Đường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao. Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi. Ngọn đồi nào cũng vĩ đại. Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời. Địa thế hoàn toàn không đúng với bản đồ. Địa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ. Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ. Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu. Đại đội tôi đi đơn độc. Đại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước. Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng tây nam. Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn. Tôi xin anh Đàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm. Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối. Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao. Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ.

Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh. Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh. Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét. Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế. Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây:TA LÀ VUA (dòng đầu), Trung Úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì), ĐĐT/ĐĐ1/TĐ11/BĐQ (dòng chót). Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ "nhìn" những con chiên dễ thương của Chúa đi dự lễ sáng Chủ Nhật. Trong sân nhà thờ có bức tượng Chúa Kitô với dòng chữ "TA LÀ VUA" dưới chân ông. Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc "TA LÀ VUA" ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi "VƯƠNG MỘNG LONG". Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên. Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới, tôi chinh phục được nó, tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi! Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này. Đầu năm 1971 tôi đã đổ bộ TĐ 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa. Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng). Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm năm ngày trên vị trí này để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của binh nhất Mok (Viễn Thám / Phòng 2/BCH/BĐQ / QK2). Những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó.

Vương Mộng Long.

Comment

1.

Levan November 7, 2018 at 9:23 PM
Bài viết hay cảm động, thiếu uý mang con rắn là sĩ quan trợ y? Năm 1963 chưa có cấp số sĩ quan trợ y trong các Tiểu đoàn, sau năm 1968 bộ TTM mới trưng tập các cán sự y tế vào trường quân y huấn luyện ngắn hạn một năm chuyên môn 4 tuân hành chánh quân y và 5 tuân huấn luyện quân sự, bổ xung cho các đơn vị tác chiến và bệnh viện dã chiến, ngày đó Anh Long học y khoa thì biết đâu hôm nay tà tà đếm Tiền trên Đất Mỹ, thật ra sinh viên y khoa nam thứ 4 mới được miễn dịch, còn không vẫn bị động viên không biết thời gian đó như thế nào? Chứ sau nầy qua Trường Quân y hết.

Anh viết Văn hay lắm cố thu thập in thành sách. Anh không đi tu và làm bác sĩ được, cặp chân mày anh là Tướng, nhưng không sát Quân, nếu còn chiến tranh hôm nay anh cũng có hai sao trên ve áo ./

Reply

o

LV November 10, 2018 at 2:45 PM

Tôi tốt nghiệp K20 Võ Bị cuối năm 1965.
Tháng 1 năm 1966 tôi trình diện TĐ11 BĐQ thì đơn vị này đã có một ông Sĩ quan Trợ y, đó là Thiếu Úy Nguyễn Văn Lẹ.

VML

Reply

2.

Levan November 10, 2018 at 8:01 PM

Tôi có hỏi bác sỉ Trần xuân Dũng Trưong khối huấn luyện trường Quân y năm 1974 hiện đang ở Úc thì ông ta nói Sỉ quan trợ y được hình thành trong năm 1968, trước đó thì ông không biết vì lúc đó ông đang ở TQLC, mà thôi khi đọc bài viết anh viết có ông Thiếu úy đeo con rắn nên tôi viết lại thôi, vì trong ngành quân y chúng tôi có hai con rắn Rắn vàng là Chuyên môn rắn Trắng là Hành chánh, nhưng sau này rắn đen thui, rắn ngụy trang, cám ơn anh dành thời gian trả lời

Reply

o

LV November 11, 2018 at 3:40 PM

Cám ơn Bác sĩ Vanle,
Nếu Bác sĩ Trần xuân Dũng nói Sĩ quan trợ y được hình thành trong năm 1968 thì thắc mắc của Bác sĩ Vanle là rất đúng.
Như vậy năm 1966, ông Thiếu úy Lẹ ở TĐ11 BĐQ là Sĩ quan Trưởng ban Quân y Tiểu Đoàn 11 BĐQ chứ không phải trợ y.

Hồi đó tôi ở dưới đại đội tác chiến còn ông Th/úy Lẹ ở trên tiểu đoàn, chưa có dịp tiếp xúc với nhau, nên tôi không biết ông ấy đeo con rắn vàng hay con rắn trắng.
Ít lâu sau thì ông Lẹ và ông tiểu đoàn trưởng đi theo Đại tá Nguyễn Ngọc Loan về Cảnh Sát khi xảy ra vụ “Phật Giáo Miền Trung”.

Còn tôi đi theo “Phản loạn” nên bị tù, bóc lon, giáng cấp xuống trung sĩ một thời gian.
Mãi tới năm 1973 tôi mới ngoi lên được thiếu tá.
Khi tôi làm tới chức tiểu đoàn trưởng (1971) thì các tiểu đoàn tôi chỉ huy đều có sĩ quan trợ y. Truyện xảy ra đã 50, 60 năm trước, nên nhiều khi kể lại không hoàn toàn chính xác, có ý kiến bổ sung của người đọc tôi mừng và rất cám ơn.
Vả lại, truyện của tôi chỉ là “Truyện cổ tích” của Thế Kỷ thứ 20, có người chịu khó theo dõi và cho ý kiến là tôi vui lắm rồi!
Cám ơn anh và chúc anh vui vẻ, an khang.
VML

Reply
3.

Levan November 11, 2018 at 8:57 PM

Ok anh Long thế là anh biết rõ vể vụ Thiếu uý Trần Đại Thức bị Mỹ bắn Chết? Vụ biến đọng Miền trung Ông Liên thành viết vu không nhiều quá. sau nầy tôi đọc Trí quang tự truyện mới biết đây là vụ dàn dựng do ông Kỳ tạo ra để dứt điểm mấy ông Tướng thân Ấn quang, kể cả Đài phát thanh giả danh của cộng sản đặt trong căn cứ Mỹ, và Mỹ đem phi cơ chở TQLC ra dẹp loạn. Anh cũng gan cùng mình, may là anh được trả lon lại.

Tôi đọc không sót bài viết nào của anh rất mến anh, bọn mình già rồi kỷ niệm nào cũng tốt, viết lại cho con cháu nó đọc, tôi không có khiếu viết như anh vì chuyện bịnh viện chỉ có máu và mùi tẩy trùng, không oanh liệt như các anh, cố gắng thu thập lại và in sách. Tôi ủng hộ Anh, bỏ không in uổng lắm, Anh long. Chúc anh và gia đinh vạn sự như ý.

Reply
o
LV November 12, 2018 at 12:41 AM

Bác sĩ Levan ơi,
Vụ Trần Đại Thức xảy ra ngoài Huế, tôi không thấy tận mắt nên không có ý kiến.
Tại Đà Nẵng thì tôi bị dính vào từ ngày đầu tới ngày chấm dứt.
Tôi là người đã bắn 6 quả đạn súng cối 81 ly vào phi trường Đà Nẵng, bắn lật nhào chiếc xe Jeep của Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/ QLVNCH và đã ra lệnh cho hàng trăm khẩu súng Biệt Động Quân bắn lên hai chiếc Skyraider của Không Quân khi hai chiếc máy bay này oanh kích vào lực lượng Phật Tử ở Ngã Ba Cây Lan, Đà Nẵng.

Hậu trường chính trị có nhiều điều xấu lắm BS Levan ơi!
Nhưng khi kể lại cho lớp hậu sinh, mình phải nói thật, không che giấu, để từ đó con cháu chúng ta biết vì sao chúng ta mất nước, chúng ta thành người lưu vong.

Những sự kiện lịch sử khi viết lại phải do người đã chính mắt nhìn thấy mới tin được.
Nếu viết mà chỉ dựa vào tin đồn, dựa vào chuyện truyền miệng thì lịch sử sẽ bị sai lạc ngay.

Hy vọng khi thuận tiện, tôi sẽ nhờ Báo “Trẻ” báo cáo lại tường tận cho đồng bào hay từng ngày vai trò của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân ở Đà Nẵng trong suốt thời gian xáo trộn này. Thân ái, VML

Reply

4.

Levan November 12, 2018 at 9:09 PM

Kool anh Long xin anh vì lớp trẻ mà viết lên sự thật , nhiều bài viết bôi nhọ vu khống của những người viết không có công tâm đứng về một phía không suy nghĩ tràn lan, trên mạng con tôi nó đọc nó đau đầu không biết đâu là sự thật, nó đang làm luận án về những năm cuối cùng về VNCH vì nó theo môn sử học Đông Nam Á, vào thư viện nó tìm sách đem về đối chiếu Anh Việt, các cuốn Trí Quang thiên tài hay tội đồ của dân tộc, bài của Liên Thành đọc xong tôi bị tẩu hỏa nhập ma, tôi khuyên con nên chú ý đến các tác giả ngoại quốc nhưng rồi cũng chẳng tin được, hàng chục cuốn sách của các ông Lâm Lễ Trinh. Nguyễn Văn Chức, Bùi Anh Trinh, Nguyễn Văn Lục... viết lộn tùng phèo, nhất là ông Liên Thành với cuốn Biến Động Miền Trung, còn Lê Xuân Nhuận với cuốn Biến Loạn Miền Trung viết, tin được có đảng chứng tại liệu không biết hoang đường, anh cố gắng viết lại vụ nầy tại Đà Nẵng đi Anh. Chúc anh, gia đình an khang.

Reply

5.

Levan November 12, 2018 at 9:33 PM

Đúng rồi mấy ông Tướng tranh quyền, họ kêu gọi dân chúng đoàn kết sau lưng họ, nhưng họ không muốn tổ chức bầu cử để có một chánh quyền Dân Sự lên cầm quyền đương đầu với cộng sản. Và người Mỹ thì cho Phật giáo chống Mỹ, nhưng họ không hiểu ‘chống Mỹ’ và ‘bài Mỹ’ khác nhau. Chống Mỹ là chống những sai trái của chính sách của Mỹ; còn bài Mỹ là không thích người Mỹ, kỳ thị Mỹ. Chính vì vậy người Mỹ họ mới ủng hộ ông Kỳ đem TQLC và cảnh Sát Dã Chiến ra Đà Nẵng để triệt các anh BĐQ và bắt ông Trí Quang về giam lỏng.

Tóm lại. anh rất can đảm chơi cối 81 vào phi trường trúng xe ông chỉ huy trưởng BĐQ Quân Khu 1, may mà họ không đưa anh ra tòa án Mặt Trận, có nhiều quân nhân chạy theo Việt cộng sau vụ nầy đúng không anh? Hậu trường chánh trị nước nào cũng vậy kể cả Mỹ, tôi cứ tìm bài của anh đọc vui, khi biết anh có biệt danh là Vọi mà mấy con Ma nữ trong lớp anh trêu chọc, bỗng nhớ về thời trung học. Tôi cũng có biệt hiệu vì to đen và là dân Phan Thiết khi vào Sài Gòn học tôi rất ngờ nghệch như Vọi trong Trống Mái của Khái Hưng, bị trêu chọc còn hơn anh, đến nỗi tôi bỏ học về lại Phan Thiết học hết trung học.
Mong đọc thêm bài của anh, thân chúc gia đình anh an khang ./

Nguồn: http://baotreonline.com/duong-len-hien-len-giang/


-----------------------------------------------

 

Photo: Hồi ký Chiến Trường Chư Pa 1/2
- Vương Mộng Long
| Giọng đọc Lam Sơn 719 | Vietlove https://youtu.be/4uHKeRqttoM

 

 



Photo:

Hồi Ký Chiến Trường Chư Pa 2/2
- Vương Mộng Long | Giọng đọc Lam Sơn 719 | Vietlove https://youtu.be/SM-gRfdLpNk

 

 

 

Sao Hôm Sao Mai
- Vương Mộng Long
| Kiều Loan & Đoàn Trọng Hiếu diễn đọc | Vietlove https://youtu.be/NMjojFf8WHQ

 



 

Thời Thế, Thiện, Ác và... Con Người
- Tác giả Vương Mộng Long

https://youtu.be/Fn9v27hqG14


----------------------------------------------------------






42 Mùa Quốc Hận, Việt Nam Cộng Hòa vẫn Sống!
- Tác giả: Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
https://youtu.be/La_s5M4v2Mk

 



 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...