Tuesday, March 5, 2019

Người Phi Công VNCH

Người Phi Công

- Huy Sơn


Người Phi Công - Huy Sơn
Muốn trở thành một phi công trong Quân Đội V.N.C.H. thì điều kiện đầu tiên là phải có sức khỏe tốt.

Chữ tốt ở đây có nghĩa là mắt phải nhìn được 20/20, tai phải nghe được 100/100, răng phải đủ và không bị sâu, cao tối thiểu một thước sáu mươi hai, nặng tối thiểu 48 ký và nội tạng gồm tim, gan, phèo, phổi đều tốt cả. Ngoài những yếu tố đó, người phi công còn phải có một vóc dáng dễ coi.

Khách quan mà nói Thượng Đế đã ban cho những tác phẩm của ngài vào lúc này, ở trong tình trạng thật là hoàn hảo mà người đời dẫu có tiền rừng bạc bể, khi cần cũng không mua được. nguyên do của sự đòi hỏi khó khăn này cũng dễ hiểu, vì rằng nếu thân thể có khỏe mạnh thì trí óc mới minh mẫn, để có được những quyết định sáng suốt và chính xác cho việc hoàn thành tốt mỗi phi vụ.
Chẳng hạn như người phi công lái máy bay vận tải, ngoài nhiệm vụ của họ là điều khiển những chiếc máy bay giá trị hàng trăm triệu đô la, họ còn chịu trách nhiệm về sự an toàn cho nhiều hành khách. Thêm vào đó, họ luôn tuân theo luật lệ nghiêm ngặt của ngành hàng không, hầu tránh được các tai nạn.

Còn về phi công tác chiến thì khỏi nói, ngoài sự việc cao cả là sẵn sàng hy sinh mạng sống của chính mình, để bảo vệ sự an toàn cho lãnh thổ mỗi khi có giặc xâm lăng, chính phủ còn tin vào khả năng của họ, để giao phó điều khiển những chiếc máy bay rất quý giá.


Chương trình đào tạo các phi công rất tốn kém, nó bao gồm các chi phí về huấn luyện lý thuyết lẫn thực hành. Lý thuyết gồm có:

• Cách cấu tạo của phi cơ,
• Khí tượng và
• Cách thức điều khiển máy bay.

Thực hành là lúc học trò được thầy chỉ dẫn cách thức bay bổng ở trên không. Hình ảnh này cũng hơi giống con chim mẹ dìu dắt chim con tập bay khi nó mới ra ràng.

Chương trình này thường kéo dài từ một đến hai năm. Đa số các Phi công của miền Nam Việt Nam đã tốt nghiệp từ các trường dạy lái máy bay nổi tiếng tại Pháp hay Hoa Kỳ, thời gian cho mỗi khóa học kéo dài từ một đến hai năm. Tại quốc nội, căn cứ Không Quân Nha Trang có trường đào tạo ra những Phi Công Quan Sát và đến năm 1973, thì có thêm khóa đào tạo phi công Trực Thăng, sau này căn cứ Không Quân Phan Rang cũng mở trường dạy bay T-37.

Trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Việt Cộng, dân tộc Việt Nam đã mất đi nhiều anh hùng Không Quân tên tuổi. Một trong những anh hùng đó là phi công Phạm Phú Quốc, anh tốt nghiệp khóa phi công bên Pháp, về nước anh phục vụ trong một Phi Đoàn Khu Trục A-1, Skyraider, anh đã bị bắn và mất tích trong một phi vụ Bắc Phạt vào năm 1965. Để thương tiếc anh, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài ca "Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc", rất nổi tiếng được nhiều người ưa thích, qua tiếng hát truyền cảm của nam danh ca Duy Khánh. Bài hát này cũng đã đi sâu vào lòng người nhiều luyến tiếc cho một người phi công thời chiến, một lần cất cánh bay đi và không bao giờ về lại...

Một người anh hùng Không Quân khác tên là Đại Úy Trần Thế Vinh, anh là phi công A-1 thuộc Phi Đoàn 518, danh hiệu Phi Long. Anh đã anh dũng hy sinh trong một phi vụ chận đứng hàng loạt những xe tăng, ồ ạt từ miền Bắc xâm nhập miền Nam vào mùa Hè Đỏ Lửa, năm 1972. Để vinh danh anh, một bài hát rất cảm động "Vòng Hoa cho Trẩn Thế Vinh" do danh ca Thanh Tuyền hát, đã được nhớ mãi trong lòng mọi người, về sự can đảm của một người phi công gan dạ, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho tổ quốc.

Cuối năm 1971, Tôi mãn khóa học bay tại Hoa Kỳ, về nước và được bổ nhiệm phục vụ Phi Đoàn Tác Chiến 520, danh hiệu Thần Báo, phi đoàn đồn trú tại căn cứ Không Quân Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần Thơ. Những ngày đầu ở phi đoàn, tôi còn đang chân ướt chân ráo, may thay tôi được một Đại Úy phi công trẻ tên là Nguyễn Minh Sơn, trùng tên với tôi và phòng của anh ở ngay cạnh phòng của tôi trong cư xá Sĩ Quan Độc Thân. Anh đã tận tình giúp đỡ tôi từng đường đi, lối bước, cho tôi chóng thích hợp với đời sống ở nơi Tây Đô dễ thương này.

Đến năm 1972 tôi phải chia tay anh để đi đến phục vụ phi đoàn tân lập 532, danh hiệu Gấu Đen, đồn trú tại căn cứ Không Quân Phù Cát, thuộc tỉnh Bình Định. Bẵng đi ba năm, tôi tình cờ gặp lại anh vào một buổi sáng tại Tân Sơn Nhất, khi các Phi Đoàn A-37 tụ tập tại đây trong tháng cuối của cuộc chiến. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, hứa hẹn với nhau đủ thứ cho những ngày sắp tới. Trước khi chia tay, tôi hỏi anh đã lập gia đình chưa, anh cho biết là anh sắp làm đám cưới với cô xướng ngôn viên của đài Truyền Hình Cần Thơ và chắc chắn tôi sẽ có tên trong danh sách khách mời. Sang ngày kế tiếp, bất chợt tôi được thông báo là anh đã đền nợ nước trong một phi vụ vừa mới được điều động, đánh tại Quận Thủ Thừa Tỉnh Long An. Nghe xong chân tay tôi bủn rủn như người mất hồn, cổ họng bị nghẹn như có vật gì chấn ngang, hai mắt thấy nhòa đi bởi những giọt nước từ từ lăn dài trên má, có lẽ tôi đang khóc...


Cái cảm giác phải mất đi một người anh, một người đồng nghiệp thân thương, ôi! nó đau đớn vô vàn, nhưng nếu đem so sánh với cái nỗi khổ đau của những người thiếu nữ có người yêu hay chồng là những phi công và nếu không may có một ngày, người yêu hay chồng của họ bị gẫy cánh trên chiến trường, không gian đã ấp ủ hình hài, thì chắc chắn cái nỗi đau đó sẽ còn to lớn hơn nhiều... Tôi thầm cầu mong Thượng Đế, xin Ngài luôn ban cho những người thiếu nữ kém may mắn này nhiều phước lành cho quãng đời còn lại của họ.

Huy Sơn

Ý kiến bạn đọc xin nhấn vào đây => (người Phi Công) Bốc Viễn Thám - Song Chùy Huỳnh Hữu Nghị

Một trong những phi vụ mà các Hoa Tiêu TT vùng hỏa tuyến thường phải thực hiện cho đến tháng 3 năm 1975 là đổ toán Lôi Hổ và bốc toán. Đơn vị Lôi Hổ vùng 1 đóng trên sườn núi Sơn Trà, mỗi lần thực hiện phi vụ, phi hành đoàn phải đáp ở đây để tham dự briefing và sau đó chở toán đi đổ hay chuẩn bị để đi bốc toán trở về. Các chiến sĩ Lôi Hổ ngụy trang thành Việt cộng từ đầu đến chân, khi chở toán đi đổ thì đã quen mắt nên ít ớn nhưng khi đi bốc toán thì trăm sự chỉ còn nhờ vào anh Sĩ Quan Lôi Hổ đi theo tàu để liên lạc với toán, vì khi tàu đáp xuống thì lù lù trong bụi mấy chú VC tay xách AK chạy ra phóng lên tàu trông phát khiếp, đó là toán Lôi Hổ vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về mà chỉ có anh Sĩ Quan Liên Lạc mới nhận ra. Địa điểm đổ toán thường sâu bên trong phía Tây Nam quận Thường Đức (Elephant Valley) hay sâu vào phía Tây dưới chân đèo Hải Vân (Happy Valley).

Cũng tại nơi đây (dưới chân phía Nam đèo Hải Vân), bạn Trần Tiến Lộc, 72H, Khóa 3 HTTT, thuộc Phi Đoàn 239 Hoàng Ưng đã tử nạn trong một phi vụ bốc toán Lôi Hổ do tàu chặt vào cây. Dọc theo chân dãy núi về phía Nam từ đèo Hải Vân chạy sâu vào hướng Tây là một con suối cạn, hai bên cây cối che rậm rạp nhưng giữa suối là một khoảng trống trực thăng có thể bay. Đường bay nguy hiểm vì chật chội nhưng các phi vụ đổ và bốc toán thường xảy ra ở đây vì mục tiêu kín đáo an toàn, địch không thể quan sát được từ trên cao. Thỉnh thoảng dọc theo con suối là những "lỗ" trống tàu có thể chui vào hoặc bay ra. Chiếc trực thăng lâm nạn đã bốc toán xong và bay ra, có lẽ chở nặng tàu hơi vướng vấp khi lấy cao độ bay ra nên bị vướng vào cây. Tàu bị lật ngược và treo trên ngọn cây, khi toán cấp cứu đến nơi và đem được hai pilot xuống thì đã mất hàng giờ, hai anh đã tắt thở từ lâu. Các thành viên khác trên tàu bị văng ra ngoài không rõ tình trạng.

HQPD xin trân trọng giới thiệu bài viết "Bốc Viễn Thám" của Niên Trưởng Songchuy11, Phi Đội Trưởng gunship PĐ 213, viết về một trong những phi vụ nguy hiểm nhất của cuộc đời trực thăng. Xin chân thành cám ơn Niên Trưởng Songchuy11.


https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/257-ngu-i-phi-cong-huy-son

Bốc Viễn Thám

Song Chùy 11

Thả viễn thám là một trong những phi vụ khó khăn và nguy hiểm nhất của những phi đoàn trực thăng vùng hỏa tuyến. Vì nơi hiểm địa, chúng tôi phải xâm nhập vào nơi không có bạn mà chỉ có thù và cũng không có tin tức tình báo gì xác thực, chẳng khác nào người đi thầm lặng trong đêm tối phập phòng lo sợ bóng ma.

Những phi vụ ấy chúng tôi chỉ còn mỗi cách duy nhất là thận trọng chọn lựa bãi đáp như thế nào để sau khi thả toán xuống chúng tôi còn có thể quay lại bảo vệ hay tiếp cứu, bốc trở lên lại nếu toán nhảy vào “ổ kiến lửa và chạm địch ngay khi vừa xuống đất. Dĩ nhiên phi hành đoàn phải là những phi công lão luyện đầy kinh nghiệm cùng với hai chiếc trực thăng võ trang theo hộ tống.

Thả toán nguy hiểm như vậy thì bốc toán lại càng nguy hiểm hơn, vi toán viễn thám nhảy xuống lần mò theo dấu địch để kiểm chứng tình báo, lượng giá khả năng đơn vị địch trong vùng; thì ngược lại, họ cũng có thể bị địch phát giác, thay vì là thợ săn họ trở thành con mồi bị săn đuổi. Nếu họ bị làm thịt hết thì không có gì để nói mà điều đáng sợ là họ bị bắt làm con tin, khai thác tình báo, nhất là bị khống chế bắt buộc toán phải khai ra mật mã và đánh tín hiệu truyền tin yêu cầu chúng tôi bốc để hốt trọn ổ, hoặc đối phương âm thầm theo dõi để khi chúng tôi đáp xuống họ mới ra tay ‘nhất tiễn xạ song điêu‘ cho gọn gàng. Nếu may mắn toán biết bị đối phương theo dõi, săn đuổi thì chúng tôi có thể tìm cách đánh giải vây đuổi hổ về rừng và hướng dẫn toán đến nơi an toàn, hoặc toán tự tìm cách trở về “đầu thú với quân bạn, bởi vì họ trang bị toàn AK và y phục ngụy trang như VC.

Bỏ rơi họ không có nghĩa là chúng tôi thiếu trách nhiệm, vì nhiều trường hợp, thượng cấp che giấu tất cả mọi sự thật trước khi xuất phát để rồi khi lâm trận chúng tôi bị hy sinh vô lý một cách đau thương đầy cay đắng mà danh từ thông dụng là ‘nướng quân‘. Toán viễn thám cũng vì muốn được cứu cũng không nói thật tình trạng của họ và không thể trách vì ai cũng muốn sống. Có khi trên chiến trường người chiến sĩ tự giải quyết lấy bằng tình cảm, danh dự và trách nhiệm chính con người họ, nên có những lúc lệnh triệt thoái ban ra họ vẫn cứ tiến, hoặc đồng đội gục ngã trước hỏa lực địch họ vẫn tiến hoặc bò lên lấy thây bạn bất chấp mọi hiểm nguy trước làn đạn đối phương, mặc dù vị chỉ huy ngăn cản. Có khi đơn vị bị tràn ngập biển người họ chấp nhận hy sinh, gọi pháo binh hay không quân dập lên đầu để tính lời lỗ trên xác quân thù. Tất cả những sự hy sinh cao cả ấy vượt ra ngoài các bài học nơi quân trường, lời ca ngợi, điếu văn hay những bản hùng ca vì không có lời nào đủ nghĩa nói lên được cái chất, cái hồn, cái tình ‘lính‘ của người chiến sĩ VNCH thành văn bản được trong những trường hợp đó.


Vào lúc hai giờ trưa tr /u Tr -T- Sơn làm leader đoàn trực thăng đi bốc toán gồm có một slick và hai chiếc gunship do trung úy Nguyễn Văn Lập và th/úy Nguyễn Văn Hào yễm trợ. Là sĩ quan phi đội trưởng tuần trực của phi đoàn chịu trách nhiệm theo dõi các cuộc hành quân của đơn vị trong tuần lễ nhiệm chức, giải quyết những khó khăn cũng như tổ chức cấp cứu kịp thời khi nguy biến, tôi đặc biệt theo dõi cuộc hành quân nầy qua làn sóng vô tuyến và được biết có vấn đề khó khăn xảy ra, có thể toán bị kềm chế hoặc bị săn đuổi như những trường hợp kể trên và như vậy phi vụ có thể bị hủy bỏ. Tôi chợt nhớ trong toán viễn thám nầy có người em họ, con của cô ruột tham dự nên lại càng lo âu nếu toán bị bỏ rơi trên chiến trường. Tôi yêu cầu anh Tr-T-Sơn ở lại trên vùng chờ đợi và vội vã lấy phi hành đoàn chiếc Gunship trực của phi đoàn thường dùng để tăng cường thêm cho những phi vụ hành quân hoặc cấp cứu, bay thẳng vô quận Thường Đức, là trấn biên thùy cuối cùng phía tây tỉnh Quảng Nam giáp với biên giới Ai Lao. Khi đến nơi chúng tôi gặp nhau trên vòm trời quận lỵ và hội ý với nhau tìm giải pháp khả dĩ làm thế nào có thể giải cứu toán.

Tôi bắt đầu liên lạc với toán và nhận ra chính đứa em tôi trả lời trên làn sóng truyền tin trong tình trạng bấn loạn càng khiến tôi bối rối vô cùng nên không thể nào chọn lựa được giải pháp vô tư, mà quyết định phải cứu thằng em ấy bằng hết khả năng, nếu không làm sao tôi có thể tránh né được lương tri mình suốt đời ray rứt nếu nó có mệnh hệ nào. Tự nhiên tôi có ý nghĩ sữ dụng lối xưng hô trong gia đình người Nam trong trường hợp nầy xem như là một thứ mật mã để đo lường phản ứng sự đối đáp với nhau, nhờ đó cho phép chúng tôi xác định một cách tương đối tình trạng bên dưới.

Tôi hỏi:

– Hiển biết ai đây không?

Và nhận được trả lời ngay lập tức:

– Em nè anh ba ơi, cứu em với!

Lời kêu cứu thảm thiết của thằng em khiến tôi phải rùng mình yên lặng một hồi lâu. Tôi cũng biết rằng mọi sự quyết định liều lĩnh trong lúc nầy chính là đem tính mạng tôi và phi hành đoàn ra thử thách, đùa với lửa nhưng không còn cách nào chọn lựa.

Xét theo cách trả lời nhanh chóng với phản ứng tự nhiên ấy tôi đoán chừng toán có thể còn ngoài vòng kềm tỏa của đối phương, chưa bị khống chế toàn diện trong tay địch. Bây giờ tôi sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ mỗi phi hành đoàn. Chính tôi tự đáp xuống bốc toán với chiếc gunship tôi đang bay vì có hai khẩu minigun tự bảo vệ và chống trả nếu bị đối phương tấn công khi tôi đáp xuống đất, vì nhịp tác xạ của mỗi khẩu là 4000 viên đạn mỗi phút vẫn vững tâm hơn, còn anh Sơn làm nhiệm vụ quan sátcấp cứu, hai chiếc gunship của anh Lập, anh Hào yễm trợ.

Có điều cần nói thêm -- anh Lập leader hai chiếc gunship hôm nay cũng là phi đội phó phi đội trực thăng võ trang, một con diều hâu nặng ký với sở trường tuyệt kỷ: đánh rocket vô cùng chính xác và nhất là rãi hàng ngang nên có biệt hiệu là “Hận bách hoa, muốn hiểu hoa hồng cũng không sai nhưng hoa sao vàng phải ôm hận, cho tôi một sự tin tưởng và yên tâm hơn khi lấy quyết định.

Sau khi tất cả đồng ý với nhau chúng tôi tiến tới điểm hẹn. Tôi điện đàm với toán viễn thám bằng bạch văn để tránh mọi sự lầm lẫn:

– Hotel, đây alpha. Tình trạng như thế nào?

– Chạm trán mấy ngày trước, bây giờ đang tìm kiếm lẫn nhau. Thất lạc một.

– Có thể ra bàn billard được chưa?

– Tụi em đang quanh khu vực nhưng trống trải quá chưa dám ra.

– O K cứ phòng thủ và làm tín hiệu.

– Nhận rõ năm trên năm.

Vài phút sau ba chiếc gunship chúng tôi đến nơi, bay thật thấp vượt qua bãi đáp, thấy tín hiệu của Toán đang ẩn núp nơi bìa rừng và đếm đủ số người. Khá an tâm tôi sắp xếp lại đội hình sao cho ba chiếc vừa dọn bãi đáp và vừa bảo vệ bên dưới. Anh Lập nhắc nhở tôi:

– Gun một đây hai, nếu thấy quá nguy hiểm thì đánh dạt mấy con heo rừng đó đi xa để họ tự tìm đường về.

Tôi trả lời:

– Tôi tin tưởng tài thiện xạ rocket của anh, chỉ cần anh bảo vệ chặt chẽ cho tôi thì không đến đổi nào.

– OK!

Ba chiếc gunship bắt đầu thay nhau liên tục dập bãi đáp và đánh vào tạt tất cả khu vực chung quanh, cùng đánh vòng quanh toán để bảo vệ họ. Sau khi dọn bãi xong là phút quyết định, tôi gọi toán chạỵ nhanh ra giữa bãi đáp là vùng đất trống, cỏ tranh cao khuất đầu che giấu họ cũng bớt đi phần nào sự lộ thiên vô cùng nguy hiểm trong lúc nầy, tôi cũng không quên nhắc họ quấn băng đỏ kín đáo tên đầu mỗi người để chúng tôi dễ nhận diện mà khỏi đánh lầm, vì những khẩu minigun đánh cách toán chỉ chừng hai mươi thước, ngoài những chấm đỏ đó tất cả mọi sinh vật nào khác di động đều bị loại trừ.

Khi toán rời bìa rừng chúng tôi đánh chận ngay phía sau ngăn cản đối phương đuổi theo và chờ đợi toán vào vị trí chỉ định. Khi toán ra đến giữa bãi đáp tôi đánh hết tất cả số rocket còn lại cho tàu nhẹ bớt rồi vòng lại đáp xuống ngay phía sau họ còn hai chiếc gunship kia vẫn tiếp tục đánh bảo vệ chung quanh tôi. Tất cả đều diễn ra như dự tính, vài giây sau con tàu chạm đất và toán viễn thám vừa thoát lên tàu, họ vừa tung lựu đạn vừa quay súng bắn như mưa bấc xuống như còn trong nỗi kinh hoàng. Khi tôi cất cánh trở lại con tàu nặng nề la đà trên ngọn cỏ thì chợt nghe tiếng anh Lập vang lên trong nón bay:

– Một, coi chừng.

Cùng lúc ấy, tàu rùng mình lên vì trúng đạn theo tràng AK nổ dòn từ phía trái; Tôi nhìn qua, họ nhanh chóng làm mồi cho rocket chống biển người của anh Lập vạch hai làn khói đỏ lao tới dập ngay lập tức.

Con tàu như chưa biết chuyện gì vừa xảy ra với nó, vẫn còn tà tà trên ngọn cỏ. Khi lên cao ngoài vòng nguy hiểm, hai chiếc gunship còn đang trút những trái rocket cuối cùng.

Song Chùy 11

Huỳnh Hữu Nghị

Tháng 12 năm 2004

https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/247-b-c-vi-n-tham-song-chuy-huynh-h-u-ngh

 



*****Quân Sử Không Quân VNCH


Chân dung người phi công VNCH


 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...