https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/275-hu-da-n-ng-nh-ng-ngay-tan-cu-c-chi-n-phan-van-phuc
https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/275-hu-da-n-ng-nh-ng-ngay-tan-cu-c-chi-n-phan-van-phuc
Chúng tôi gồm 2 chiếc Trực-thăng thuộc Phi-đoàn 253 được biệt phái cho Bộ Tư-lệnh Tiền-phương Quân-đoàn I nằm tại căn cứ Mang-cá trong thành nội Huế.
Suốt mấy ngày mất ăn mất ngủ vì bị pháo kích liên tục, cuối cùng chúng tôi được lệnh phải dời biệt đội ra cửa Thuận-An để tránh pháo-kích nhưng vẫn bị pháo. Mỗi lần nghe tiếng pháo chúng tôi phải chạy ra phi-cơ cất cánh vừa để tránh đạn, vừa bay tìm ổ pháo địch. Một hôm mấy anh TQLC bắt được 2 tên VC đề-lô đang điều chỉnh pháo, đem ra trói tay bịt mắt, bắt quỳ bên nhau và hù dọa, nếu không khai sẽ bắn bỏ, dứt lời bắn mấy phát xuống đát bên cạnh làm chúng tè ra ướt cả quần.
Chiến sự vùng địa đầu hỏa tuyến lúc nầy đã trở nên sôi bỏng hơn bao giờ hết, có lúc tôi phải bay đi dọn nhà cho Tr/tướng tư lệnh Lâm-quang-Thi về Đà-nẵng, hỏi ra thì được ông cho biết là cứ yên chí, mình sẽ nằm trong "vùng trái độn giữa hai miền Nam-Bắc".Chúng tôi chịu trận mãi đến ngày 24 tháng 3 năm1975, lúc trời gần tối thì chiếc Chinook của Tr/tá Mai đáp khẩn cấp xuống phi đạo ban lịnh: „Tất cả đều di tản về Đà-nẵng trừ hai chiếc Trực-thăng phải dời qua bãi đáp Hải-Quân để tránh pháo kích và chờ chở Bộ-chỉ-huy về sau“.
Tình trạng hỗn loạn tạị phi đạo đã diễn ra, nhiều binh lính đủ sắc phục ồ-ạt chạy dồn lên phi cơ của tôi, có cả xe Honda, hối thúc cất cánh bay về Đà-nẵng. Tôi cố hết lời phân trần là đươc lịnh chỉ dời sang bãi đáp an toàn, nhưng tất cả đều không nghe và có một người chĩa mũi súng trường vào đầu bắt tôi phải cất cánh bay về Đà-nẵng.
Trên đường bay về trong đêm tối, tôi gọi báo tình trạng bị uy hiếp với đài kiểm-báo và phòng Hành-quân-chiến-cuộc Không Đoàn 51 Chiến thuật. Chúng tôi bay về tới phi-trường nhưng chưa được lệnh đáp, phải bay nhiều vòng chờ đến khi đèn đỏ báo hiệu sắp hết xăng tôi xin lệnh đáp khẩn-cấp thì đài kiểm báo chỉ cho đáp ngoài vòng đai, tuyệt đối không được vào đáp trong phi-đaọ vì cho là chúng tôi bị" Không-tặc". Trong đêm tối, chúng tôi phải lên xuống nhiều lần tránh dây điện mới đặt được phi-cơ xuống đất, chưa kịp tắt máy thì thấy đèn pha từ các nơi chiếu sáng và rất nhiều Quân-cảnh ùa vào bắt trói tất cả đưa lên xe. Riêng tôi và Đ/úy Học được chở về trình-diện Đ/tá Phước KĐT. Chúng tôi bị khiển-trách khá nặng-nề, lúc ấy tôi rất bất mãn và tỏ thái-độ bất kính với vị KĐT mà lâu nay giữa tôi và ông đã từng tín nhiệm nhau và đã đảm trách biết bao phi-vụ nguy-hiểm nhất. Cũng may là có T/tá Phố Phi- đoàn-trưởng bên cạnh, ngỏ lời an-ủi: "Thôi đừng buồn, sau nầy sẽ biết".
Tôi theo ông về phi-đoàn nhưng lòng vẫn còn uất ức không muốn về nhà, nằm lại phòng ngủ phi-đoàn. Quá nửa đêm tôi thấy Đ/úy Tứ, Phi hành đoàn đang bay cho Tướng Điềm SĐ I bộ-binh đến gặp tôi với bộ mặt đưa đám kể lại anh ta đã bị thất lạc ông Tướng, chắc là gặp chuyện chẳng lành? Co-pilot, cơ-phi, xạ-thủ đều không thấy đâu cả, không khéo sẽ ở tù cả đám.Tôi đang buồn và đề nghị sáng mai tao sẽ bay với mầy ra tìm mấy chiếc Jeep có cần câu antenes liên-lạc may ra tìm được ông ấy.
Sáng sớm ngày 25-3-1975, chúng tôi bay ra dọc theo bờ biển, thấy lính từ Huế di chuyển về đen cả vùng cát trắng. Chúng tôi gọi máy liên tục và bay quần trên không nhưng chẳng thấy được xe cần câu nào cả. Bay sâu trở ra đến thành phố Huế thì bị hỏa lực địch bắn lên, lại còn phải né tránh những vùng hai bên đang đụng nhau, đạn khói mù trời. Cuối cùng chúng tôi phải bay về và lên đáp trên đài kiểm báo Sơn-chà nhờ liên-lạc.
Được biết ông Tướng đã nhờ mấy ông Đại-tá thuê gọ đưa lên được chiếc tàu Hải Quân số 10 đang chạy về Tiên-Sa, chúng tôi đến đón ông bay về Quân-đoàn, chờ độ nửa tiếng thì ông cùng 2 ông Tá trở ra vừa gặm bánh mì vừa hối hả bảo tôi bay trở lên đàì kiểm-báo bốc thêm 2 ông Tá khác, dự định bay ra liên-lạc hướng dẫn cho tàu vào Đầm-Cầu-Hai, giúp chuyển rất nhiều binh lính bị kẹt không qua Đầm Cầu-Hai được. Tôi phải bay sát bãi cát để ông Tướng vừa cho binh lính thấy mặt vừa khoát tay liên tục chỉ hướng về Đà Nẵng. Bất thình-lình tôi thấy hai tên vừa bỏ chạy vô lùm vừa quay lại bắn một tràng AK trúng tàu bể nát cả bầu kính trước mặt, gió lùa ào ào, đèn đỏ bình xăng báo hiệu bị thủng mùi hơi xăng nồng-nặc, chân tôi bị thương máu bay lên tung-tóe. Tôi vội quẹo phải bay sát mặt biển hướng về chiếc tàu tôi thoáng thấy được ngoài khơi. Tôi và Tứ vừa bay vừa thay phiên nhau cởi giày, báo cho mọi người cùng tháo giày chuẩn bị lội vì máy bay có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào vì bình xăng đã bị bắn thủng.
Tôi gọi báo tình trạng khẩn cấp về đài kiểm-báo và cũng rất may là Tr/úy Giác thuộc PHĐ bay cho Tướng Bùi Thế Lân Sư-đoàn TQLC nghe được trên tần số lúc anh đang bay tiếp tế cho TQLC tại cửa Thuận-An, tôi cho biết tọa-độ và nhờ anh khi nào nhìn thấy thì báo, tôi sẽ bay trở vào đáp khuất sâu trong mấy hàng dương, anh sẽ đáp theo vì nếu đáp phía ngoài binh lính sẽ đeo tàu khó mà cất cánh được. Nhờ Trời chúng tôi đã vượt qua được từng giây tử thần đưa được con tàu đến nơi an toàn, phi cơ vừa đáp thì thấy chiếc trực thăng của bạn Giác đã đáp ngay phía sau. Khóa vội tần-số liên lạc, chúng tôi cùng nhau chạy ùa lên phi-cơ của Giác cất cánh bay về Đà-Nẵng, bỏ lại chiếc phi-cơ của Tướng Điềm có lẽ cũng sắp tắt máy vì hết xăng. Tôi chỉ bị thương nhẹ ở bắp đùi rách cả áo bay được đưa vào bịnh viện băng bó, hôm sau vào trực bay tiếp, nghe đâu sau đó tướng Điềm về làm Tư lệnh Quân-khu, đến ngày di-tản lại bị rớt máy bay trên đường chạy loạn.
Riêng tôi ở lại đến đêm 28-3-1975 thì nghe VC pháo kích vào phi-trường rất nhiều, sáng sớm 29-3 tôi và Tứ rủ nhau vào phi-trường thì được biết đêm qua hầu như tất cả phi cơ trực-thăng đều được bay đi gần hết, tôi tìm được một chiếc check lại đều OK nhưng không có bình battery. Sau tìm được bình lắp vào, quay máy định cất cánh lại bị số người quá đông không lên phi-cơ hết được, số còn lại dưới đất gần 20 người, họ lại bắn bể cả cánh quạt. Tôi tắt máy và thuyết phục tất cả ra sân vận-động tôi sẽ cố bay qua phi trường Non-Nước tìm nhờ mấy chiếc khác bay về rước sau. Tất cả xuống tàu nhưng khi tôi mở máy lại thì tất cả đều nhảy lên tàu trở lại tình trạng cũ, tôi đành tắt máy rời phi-trường cùng Tứ chạy xe qua Non-Nước. nhìn thấy mấy chiếc hạm ngoài khơi, tôi cởi áo bay định lội ra tàu nhưng vì quá xa đuối sức phải bơi vào bờ lại thì tìm chẳng ra chiếc Vespa của Tứ đã bị lấy mất!
Tôi chở Tứ chạy qua Tiên-Sa định tìm tàu di tản nhưng nửa đường gặp hai bên bắn nhau đạn bay tứ phía, tôi đành quay về nhà nằm chờ ngày trình diện vào tù.
Mãi gần 10 năm sau mới được đi tỵ-nạn chính-trị năm 1991 đến nay, âu cũng là số mạng!
KQ Phan-văn-Phúc
Ý kiến bạn đọc xin nhấn vào đây => (Huế, Đà-Nẵng Những Ngày Tàn Cuộc Chiến)
Tôi thường được biệt phái bay C&C với ông Đại-tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 11 Biêt-động-Quân đóng tại Quảng-Ngãi, lần cuối cùng chúng tôi bay quần trên bầu trời chi khu Gia-vực suốt cả ngày, cứ đáp lấy xăng, ăn vội rồi lên vùng ngay vì tiểu đoàn của ông đang bị Cộng quân vây đánh khắp nơi. Cuối cùng tôi nghe ông ban lịnh: "Hủy bỏ các tiền đồn rút về cố thủ tại Chi khu". Tôi về đáp trả ông lại đơn vị và bay đi trong bóng đêm, lòng cảm thấy thương cảm cho vị chỉ huy và bao chiến hữu, không biết có giữ vững được phòng tuyến hay không? Chi khu Gia Vực nằm sâu trong dãy Trường Sơn mà phía ngoài là chi khu Minh-Long đã bị Cộng quân chiếm đóng khá lâu nên vào vùng chúng tôi phải bay cao để tránh phòng không địch.
Sau một thời gian khá lâu, Biệt đội chúng tôi đang biệt phái tại căn cứ Chu-Lai, trong khi tất cả đang còn say ngủ thì anh trực máy gọi tôi đến nhận lịnh từ phòng hành quân chiến cuộc Đà-Nẵng: "Tất cả lấy xăng đầy đủ bay vào đáp phi-trường Quảng-Ngãi gấp“.
Chúng tôi đến phi trường thì thêm 4 chiếc từ Đà-Nẵng cũng vừa đến nơi đáp vào hợp đoàn dọc theo phi đạo. Loay hoay chưa rời khỏi phi cơ thì Đại tá Phước KĐT lôi xuống, bảo chạy đến leo lên chiếc O-1 do anh Đại úy Đức bay vào vùng chỉ điểm cho tôi nhận diện mục tiêu. Từ độ cao trên 7,000 bộ tôi nhìn thấy một tấm Penal màu cam đánh dấu trên một ngọn đồi cao nằm sâu vào phía Tây gần biên giới Lào-Việt. Tôi báo anh Đức bay về và qua anh tôi được biết Chi khu đã bị " over run " gần một tháng nay rồi, tất cả máy bay vào vùng đều bị phòng không bắn nên việc dò tìm tung tích những anh em quân nhân thất lạc bị trở ngại rất nhiều. Được biết hầu hết những toán đi ngược ra Quảng-Ngãi đều bị chận đường tiêu diệt gần hết, riêng toán nầy may nhờ được một người Thượng hướng dẫn đi ngược lên núi mới tránh khỏi bị chận đánh và kéo nhau lên núi, lấy penal trải báo hiệu nên máy bay trinh sát trông thấy.
Kế hoạch hành quân cấp cứu là xuất phát thật sớm, lợi dụng lúc mây còn che phủ, những khẩu phòng không địch không trông thấy nên vừa về lại phi trường Quảng Ngãi, tôi liền lên phi cơ hướng dẫn hợp đoàn bay vào mục tiêu trên cao độ 7,000 bộ, gần đến nơi tôi cho phi cơ rơi thật nhanh vào bãi đáp. Trên đường bay cận tuyến, trông thấy một tên VC đang ngồi đánh răng cạnh khe suối và một toán đang đánh voley, tôi báo cho 2 chiếc guns thanh toán. Phi cơ vừa đáp thì toán quân nhân thất lạc trong đó có cả đàn bà và trẻ nhỏ ào ạt trèo lên đầy ắp, phi cơ cất cánh không muốn lên nổi nên tôi phải bay là là sát ngọn cây, nhờ hai chiếc gunships bắn dọn đường trở về. Cả hợp đoàn phía sau cũng được lệnh quay về vì tất cả đã lên hết trên tàu, tôi đếm lại đến 27 người trên chiếc trực thăng mỏng manh UH-1. Trở lại phi trường, lúc nầy trời đã sáng hẳn và rất đông người trên phi đạo chạy đến bu quanh phi cơ, nhiều người ôm chầm lấy tôi cám ơn rối rích. Chúng tôi cất cánh rời phi trường, nhìn lại hai bên phi đạo, nhiều người đang bò lăn kêu gào thảm thiết vì không thấy có người thân, lòng mình cũng thấy quặn đau khó tả.
Một tuần sau Quân Đoàn 1 tổ chức buổi lễ vinh danh và tặng huy chương kèm vòng hoa chiến thắng tại trường Trung học Sao Mai Đà-Nẵng, buổi lễ rất trang nghiêm trong khúc nhạc quân hành “Trong đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu“, các quân nhân lần lượt được các em nữ sinh Sao-Mai xinh như mộng choàng vòng hoa chiến thắng, trong tràng vỗ tay vang dội cả hội trường. Đặc biệt thay vì vòng hoa, tôi được người yêu trang trọng choàng cho một khăng choàng màu tím chính tự tay nàng thêu tặng, và cũng chính chiếc khăn nầy đã cột chặt cuộc đời chúng tôi với nhau suốt 47 năm qua, dù đã phải trãi qua biết bao thăng trầm tù tội. Cũng rất đặc biệt là chiếc khăn nầy luôn được Ly-Lan, người vợ thương yêu của tôi cất giữ nguyên vẹn mãi đến ngày nay, nàng thường muốn được tự tay choàng vào cổ mỗi lần tôi mặc áo bay đi dự hội.
KQ Phan-văn-Phúc 219-253
Từ thành phố Đà-Nẵng lên đèo Hải-Vân nhìn về hướng Tây-Bắc sẽ thấy núi Bạch-Mã, cao gần 5,000 bộ và thường bị mây trắng che phủ trông giống như một con ngựa trắng nằm trong dãy Trường Sơn, đỉnh núi trước đây là một căn cứ nghỉ mát thời Pháp thuộc, được xây cất với nhiều tòa nhà rất nguy nga tráng lệ. Qua bao năm chiến tranh tàn phá, cảnh vật thay đổi, tuyến đường độc đạo duy nhất lên đỉnh đã bất khả dụng suốt cả một thời gian dài.
Sau hiệp định chia đôi đất nước, bọn giặc phương Bắc tiếp tục tiến chiếm miền Nam, chiến sự bùng phát khắp nơi, đỉnh núi Bạch-Mã trở thành một cứ điểm quân sự rất quan-trọng vì có thể quan sát và kiểm soát được cả một vùng rất rộng lớn, nhất là đường mòn HCM nằm cạnh chân núi phía Tây trong dãy Trường-sơn. Xa xa nhìn lên đỉnh núi như một cái yên ngựa, hai điểm cao do một đơn vị Địa-phương-Quân và một đơn vị thuộc Nha-kỹ-Thuật trấn giữ, mọi liên-lạc và tiếp tế chỉ bằng Trực-thăng. Đặc biệt, bọn VC đã lợi dụng hiệp định ngưng bắn lên tiến chiếm được một phần phía Tây trên đỉnh núi, thường xuyên phóng loa đả kích và có đôi lần chạm trán gây thương tích lẫn nhau vì hai bên đều dùng chung một cái giếng nước.
Tôi thường hay biệt phái cho đơn vị NKT trên cứ điểm nầy, rồi chiến sự bùng nổ khắp vùng địa đầu giới tuyến, biệt đội chúng tôi phải luân chuyễn khắp vùng. Một hôm biệt đội đang biệt phái tại căn cứ Phú-Bài, vừa thức giấc thì được lệnh từ Đại Tá Đặng Văn Phước, Không Đoàn Trưởng KĐ51, đem cả biệt đội gồm 2 chiếc Slick và 2 chiếc Gunship bay về đáp tại núi Đá-Bạc cạnh quốc lộ I nằm về phía Đông núi Bạch-Mã chờ lệnh hành quân. Ngay sau đó có 3 chiếc slick khác từ Đà-Nẵng bay ra đáp chờ hợp đoàn, tất cả phi cơ slick được load đầy lương thực, riêng chiếc của tôi chở đầy 10 bao gạo 50 ký. Tr/Tướng Lâm-quang-Thi, Tư Lệnh Tiền-phương vùng I chiến thuật phối hợp cùng Bộ Tư Lệnh KQ đích thân chỉ huy hợp đoàn tiếp tế rất quan trọng nầy.
Đầu tiên một chiếc L-19 dùng loa phóng thanh bay trên vùng kêu gọi quân Bắc-Việt nên tôn trọng lệnh ngưng bắn để chúng tôi bay vào tiếp tế lương thực, tuyệt đối không được khai hỏa, nếu không tuân hành chúng tôi sẽ cho oanh-tạc nát vùng quanh núi… Nhiều phi vụ trước đây lên vùng đều bị hỏa lực phòng không của địch rất nặng, không thể lên tiếp tế khiến cho hầu hết binh sĩ đều bị kiệt sức sau một thời gian khá dài.
Vừa dứt lời phóng thanh nhiều lần thì thấy hai phi-tuần A-37 và cả F-5 từ phi-trường Đà- Nẵng ồ ạt bay ra thị uy gầm thét cả bầu trời quanh vùng. Khi những phi-tuần thị uy rời vùng, tôi cất cánh cùng hai chiếc Guns hộ tống lên vùng thử lửa đầu tiên vì chưa tin được bọn VC. Vì biết có phòng-không nên tôi lái sát ngọn cây bay trườn lên đỉnh núi, khi gần đến đỉnh, thình lình tôi nghe một loạt AK, phi cơ bị lãnh trọn, đèn và âm thanh báo hiệu nổi lên đầy khắp nơi, hệ thống liên lạc bị gián đoạn, đạn lửa phía trước mặt bên kia triền núi bắn lên đỏ trời, tôi cố gắng đưa tàu đến đỉnh, cho đạp vội hết 10 bao gạo khi phi cơ chưa chạm đất. Tôi nghĩ ở lại cũng chết nên quay đầu bay lạng qua lạng lại sát ngọn cây, nhờ 2 chiếc Guns kèm sát đưa về đến nơi an toàn. Sau khi kiểm lại, phi cơ bị bắn thủng tất cả 18 lỗ, may mắn không ai bị thương, thật hú hồn như chết đi vừa sống lại. Tất cả Phi hành đoàn chưa hoàn hồn thì thấy mấy phi tuần phản lực bay ra dội bom quanh sườn núi, khói mù che cả đỉnh núi. Phi tuần oanh tạc rời vùng thì hợp đoàn còn lại gồm 6 chiếc do Đ/úy Thọ hướng dẫn cất cánh lên vùng tiếp tục nhưng phòng không địch bắn lên đỏ trời không thể thực hiện đành phải hủy bỏ phi vụ, tất cả đều hướng nhìn lên đỉnh núi mà bùi ngùi xót thương cho số phận của biết bao chiến hữu thân thương, không biết sẽ phải ra sao trong hoàn cảnh oan nghiệt nầy!
Mãi sau nầy trên đất khách quê người, trong kiếp sống lưu-vong tôi có được cơ may gặp anh T/úy Hậu, người chỉ huy đơn vị NKT trên đỉnh Bạch-Mã năm nào nhờ sự giới thiệu của anh T/úy Phạm-Hòa nhân dịp anh về tham dự Đại hội NKT tại Dallas. Chúng tôi ôm nhau hội ngộ trong niềm vui khó tả, anh bùi ngùi kể lại: „Chính nhờ 10 bao gạo mà anh đã liều chết xông vào đạn lửa cho chúng tôi như một điều cứu tinh mầu nhiệm, chúng tôi chia nhau ăn hồi sức dần và tìm cách băng rừng tìm về đơn vị gần đầy đủ sau môt thời gian khá dài. Đúng là quả đất tròn và nhờ ơn trên phù hộ nên chúng ta mới còn được như ngày nay. Xin tạ ơn.“
KQ Phan-văn-Phúc 219+253
Một trong những phi vụ mà các Hoa Tiêu TT vùng hỏa tuyến thường phải thực hiện cho đến tháng 3 năm 1975 là đổ toán Lôi Hổ và bốc toán. Đơn vị Lôi Hổ vùng 1 đóng trên sườn núi Sơn Trà, mỗi lần thực hiện phi vụ, phi hành đoàn phải đáp ở đây để tham dự briefing và sau đó chở toán đi đổ hay chuẩn bị để đi bốc toán trở về. Các chiến sĩ Lôi Hổ ngụy trang thành VC từ đầu đến chân, khi chở toán đi đổ thì đã quen mắt nên ít ớn nhưng khi đi bốc toán thì trăm sự chỉ còn nhờ vào anh Sĩ Quan Lôi Hổ đi theo tàu để liên lạc với toán, vì khi tàu đáp xuống thì lù lù trong bụi mấy chú VC tay xách AK chạy ra phóng lên tàu trông phát khiếp, đó là toán Lôi Hổ vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về mà chỉ có anh SQ liên lạc mới nhận ra. Địa điểm đổ toán thường sâu bên trong phía Tây Nam quận Thường Đức (Elephant Valley) hay sâu vào phía Tây dưới chân đèo Hải Vân (Happy Valley). Cũng tại nơi đây (dưới chân phía Nam đèo Hải Vân), bạn Trần Tiến Lộc, 72H, Khóa 3 HTTT, thuộc phi đoàn 239 Hoàng Ưng đã tử nạn trong một phi vụ bốc toán Lôi Hổ do tàu chặt vào cây. Dọc theo chân dãi núi về phía Nam từ đèo Hải Vân chạy sâu vào hướng Tây là một con suối cạn, hai bên cây cối che rậm rạp nhưng giửa suối là một khỏang trống trực thăng có thể bay. Đường bay nguy hiểm vì chật chội nhưng các phi vụ đổ và bốc tóan thường xảy ra ở đây vì mục tiêu kín đáo an tòan, địch không thể quan sát được từ trên cao. Thỉnh thỏang dọc theo con suối là những "lổ" trống tàu có thể chui vào hoặc bay ra. Chiếc trực thăng lâm nạn đã bốc tóan xong và bay ra, có lẽ chở nặng tàu hơi vướng vấp khi lấy cao độ bay ra nên bị vướng vào cây. Tàu bị lật ngược và treo trên ngọn cây, khi toán cấp cứu đến nơi và đem được hai pilot xuống thì đã mất hàng giờ, hai anh đã tắt thở từ lâu. Các thành viên khác trên tàu bị văng ra ngoài không rõ tình trạng.
HQPD xin trân trọng giới thiệu bài viết "Bốc Viễn Thám" của Niên Trưởng Songchuy11, Phi Đội Trưởng gunship PĐ 213, viết về một trong những phi vụ nguy hiểm nhất của cuộc đời trực thăng. Xin chân thành cám ơn NT Songchuy11.
Bốc viễn thám
Song Chùy 11
Thả viễn thám là một trong những phi vụ khó khăn và nguy hiểm nhất cuả những phi đoàn trưc thăng vùng hỏa tuyến. Vì nơi hiểm địa chúng tôi phải xâm nhập vào nơi không có bạn mà chỉ có thù và cũng không có tin tức tình báo gì xác thực, chẳng khác nào người đi thầm lặng trong đêm tối phập phòng lo sợ bóng ma.
Những phi vụ ấy chúng tôi chỉ còn mỗi cách duy nhất là thận trọng chọn lựa bãi đáp như thế nào để sau khi thả toán xuống chúng tôi còn có thể quay lại bảo vệ hay tiếp cứu, bốc trở lên lại nếu toán nhảy vào „ổ kiến lửa“ và chạm địch ngay khi vừa xuống đất. Dĩ nhiên phi hành đoàn phải là những phi công lão luyện đầy kinh nghiệm cùng với hai chiếc trực thăng võ trang theo hộ tống
Thả toán nguy hiểm như vậy thì bốc toán laị càng nguy hiểm hơn, vi toán viễn thám nhảy xuống lần mò theo dấu địch để kiểm chứng tình báo, lượng giá khả năng đơn vị địch trong vùng thì ngược lại, họ cũng có thể bị địch phát giác, thay vì là thợ săn họ trở thành con mồi bị săn đuổi. Nếu họ bị làm thịt hết thì không có gì để nói mà điều đáng sợ là họ bị bắt làm con tin, khai thác tình báo, nhất là bị khống chế bắt buộc toán phải khai ra mật mã và đánh tín hiệu truyền tin yêu cầu chúng tôi bốc để hốt trọn ổ, hoặc đối phương âm thầm theo dõi để khi chúng tôi đáp xuống họ mới ra tay ‘nhất tiển xạ song điêu‘ cho gọn gàng. Nếu may mắn toán biết bị đối phương theo dõi, săn đuổi thì chúng tôi có thể tìm cách đánh giải vây đuổi hổ về rừng và hướng dẫn toán đến nơi an toàn, hoặc toán tự tìm cách trở về „đầu thú“ với quân bạn, bởi vì họ trang bị toàn AK và y phục ngụy trang như VC.
Bỏ rơi họ không có nghiã là chúng tôi thiếu trách nhiệm, vì nhiều trường hợp, thượng cấp che dấu tất cả mọi sự thật trước khi xuất phát để rồi khi lâm trận chúng tôi bị hy sinh vô lý một cách đau thương đầy cay đắng mà danh từ thông dụng là ‘ nướng quân‘. Toán viễn thám cũng vì muốn được cứu cũng không nói thật tình trang của họ và không thể trách vì ai cũng muốn sống. Có khi trên chiến trường người chiến sĩ tự giải quyết lấy bằng tình cãm, danh dự và trách nhiệm chính con người họ, nên có những lúc lệnh triệt thoái ban ra họ vẩn cứ tiến, hoặc đồng đội gục ngã trước hỏa lực địch họ vẫn tíến hoặc bò lên lấy thây bạn bất chấp mọi hiểm nguy trước làn đạn đối phương ,mặc dù vị chỉ huy ngăn cản. Có khi đơn vị bị tràn ngập biển người họ chấp nhận hy sinh, gọi pháo binh hay không quân dập lên đầu để tính lời lổ trên xác quân thù. Tất cã những sự hy sinh cao cả ấy vượt ra ngoài các bài học nơi quân trường, lời ca ngợi, điếu văn hay những bản hùng ca vì không có lời nào đủ nghĩa nói lên được caí chất, cái hồn, cái tình ‘ lính ‘ cũa người chiến sĩ VNCH thành văn bản được trong những trường hợp đó.
Vào lúc hai giờ trưa tr /u Tr-T- Sơn làm leader đoàn trực thăng đi bốc toán gồm có một slick và hai chiếc gunship do trung úy Ng. Văn Lập và th / úy Ng. văn Hào yễm trợ. Là sĩ quan Phi đội trưởng tuần trực của phi đoàn chiu trách nhiệm theo dõi các cuộc hành quân của đơn vị trong tuần lễ nhiệm chức, giải quyết những khó khăn cũng như tổ chức cấp cứu kịp thời khi nguy biến, tôi đặc biệt theo dõi cuộc hành quân nầy qua làn sóng vô tuyến và được biết có vấn đề khó khăn xảy ra, có thể toán bị kềm chế hoặc bị săn đuổi như những trường hợp kể trên và như vậy phi vụ có thể bị hủy bỏ .Tôi chợt nhớ trong toán viễn thám nầy có người em họ, con của cô ruột tham dự nên lại càng lo âu nếu toán bị bỏ rơi trên chiến trường. Tôi yêu cầu anh Tr-T-Sơn ở lại trên vùng chờ đợi và vội vã lấy phi hành đoàn chiếc Gunship trực của phi đoàn thường dùng để tăng cường thêm cho những phi vụ hành quân hoặc cấp cứu, bay thẳng vô quận Thường Đức, là trấn biên thùy cuối cùng phiá tây tỉnh Quảng Nam giáp với biên giới Ai Lao. Khi đến nơi chúng tôi gặp nhau trên vòm trời quận lỵ và hội ý với nhau tìm giải pháp khả dĩ làm thế nào có thể giải cứu toán.
Tôi bắt đầu liên lạc với toán và nhận ra chính đứá em tôi trả lời trên làn sóng truyền tin trong tình trạng bấn loạn càng khiến tôi bối rối vô cùng nên không thể nào chọn lựa được giải pháp vô tư, mà quyết định phải cứu thằng em ấy bằng hết khả năng, nếu không làm sao tôi có thể tránh né được lương tri mình suốt đời ray rứt nếu nó có mệnh hệ nào. Tự nhiên tôi có ý nghĩ xữ dụng lối xưng hô trong gia đình người Nam trong trường hợp nầy xem như là một thứ mật mã để đo lường phản ứng sự đối đáp với nhau, nhờ đó cho phép chúng tôi xác định một cách tương đối tình trạng bên dưới.
Tôi hỏi:
- Hiễn biết ai đây không? và nhận được trả lời ngay lập tức
- Em nè anh ba ơi, cứu em với!
Lời kêu cứu thảm thiết của thằng em khiến tôi phải rùng mình yên lặng một hồi lâu. Tôi cũng biết rằng mọi sự quyết định liều lĩnh trong lúc nầy chính là đem tính mạng tôi và phi hành đoàn ra thử thách, đùa với lửa nhưng không còn cách nào chọn lựa.
Xét theo cách trả lời nhanh chóng với phản ứng tự nhiên ấy tôi đoán chừng toán có thể còn ngoài vòng kềm toả cuả đối phương, chưa bị khống chế toàn diện trong tay địch. Bây giờ tôi xắp xếp và phân công lại nhiệm vụ mỗi phi hành đoàn. Chính tôi tự đáp xuống bốc toán với chiếc gunship tôi đang bay vì có hai khẩu minigun tự bảo vệ và chống trả nếu bị đối phương tấn công khi tôi đáp xuống đất, vì nhịp tác xạ của mỗi khẩu là 4000 viên đạn mỗi phút vẫn vững tâm hơn, còn anh Sơn làm nhiệm vụ quan sát và cấp cứu, hai chiếc gunship cuả anh Lập, anh Hào yễm trợ. Có điều cần nói thêm anh Lập leader hai chiếc gunship hôm nay cũng là phi đội phó phi đội trưc thăng võ trang, một con diều hâu nặng ký với sở trường tuyệt kỷ đánh rocket vô cùng chính xác và nhất là rải hàng ngang nên có biệt hiêu là „Hận bách hoa“, muốn hiểu hoa hồng cũng không sai nhưng hoa sao vàng phải ôm hận, cho tôi một sự tin tưởng và yên tâm hơn khi lấy quyết định.
Sau khi tất cả đồng ý với nhau chúng tôi tíến tới điểm hẹn. Tôi điện đàm với toán viễn thám bằng bạch văn để tránh mọi sự lầm lẫn:
- Hotel, đây alpha. Tình trạng như thế nào?
- Chạm trán mấy ngày trước, bậy giờ đang tìm kiếm lẩn nhau. Thất lạc một.
- Có thể ra bàn billard được chưa?
- Tuị em đang quanh khu vực nhưng trống trải quá chưa dám ra.
- O K cứ phòng thủ và làm tín hiệu
- Nhận rõ năm trên năm.
Vài phút sau ba chiếc gunship chúng tôi đến nơi, bay thật thấp vượt qua bãi đáp, thấy tín hiệu của Toán đang ẫn núp nơi bià rừng và đếm đủ số người. Khá an tâm tôi xắp xếp laị đội hình sao cho ba chiếc vừa dọn bãi đáp và vừa bảo vệ bên dưới . Anh Lập nhắc nhở tôi:
- Gun một đây hai, nếu thấy quá nguy hiểm thì đánh dạt mấy con heo rừng đó đi xa để họ tự tìm đường về.
Tôi trả lời:
- Tôi tin tưỡng tài thiện xạ rocket của anh, chỉ cần anh bảo vệ chặt chẽ cho tôi thì không đến đổi nào.
- OK
Ba chiếc gunship bắt đầu thay nhau liên tục dập bãi đáp và đánh vào tạt tất cả khu vực chung quanh, cùng đánh vòng quanh toán để bão vệ họ. Sau khi dọn bãi xong là phút quyết định, tôi gọi toán chaỵ nhanh ra giửa bãi đáp là vùng đất trống, cỏ tranh cao khuất đầu che dấu họ cũng bớt đi phần nào sự lộ thiên vô cùng nguy hiểm trong lúc nầy, tôi cũng không quên nhắc họ quấn băng đỏ kính đáo tên đầu mỗi người để chúng tôi dễ nhận diện mà khỏi đánh lầm ,vì những khẩu minigun đánh cách toán chỉ chừng hai mươi thước, ngoài những chấm đỏ đó tất cả mọi sinh vật nào khác di động đều bị loại trừ.
Khi toán rời bìa rừng chúng tôi đánh chận ngay phiá sau ngăn cản đối phương đuổi theo và chờ đợi toán vào vị trí chỉ định. Khi toán ra đến giửa bãi đáp tôi đánh hết tất cã số rocket còn lại cho tàu nhẹ bớt rồi vòng lại đáp xuống ngay phía sau họ còn hai chiếc gunship kia vẫn tiếp tục đánh bảo vệ chung quanh tôi. Tất cả đều diễn ra như dự tính, vài giây sau con tàu chạm đất và toán viễn thám vừa thoát lên tàu, họ vừa tung lựu đạn vừa quay súng bắn như mưa bấc xuống như còn trong nỗi kinh hoàng. Khi tôi cất cánh trở lại con tàu nặng nề la đà trên ngọn cỏ thì chợt nghe tiếng anh Lập vang lên trong nón bay :
- Một, coi chừng.
Cùng lúc ấy, tàu rùng mình lên vì trúng đạn theo tràng AK nổ dòn từ phiá trái; Tôi nhìn qua, họ nhanh chóng làm mồi cho rocket chống biển người của anh Lập vạch hai làn khói đỏ lao tới dập ngay lập tức.
Con tàu như chưa biết chuyện gì vừa xảy ra với nó, vẫn còn tà tà trên ngọn cỏ. .Khi lên cao ngoài vòng nguy hiểm, hai chiếc gunship còn đang trút những trái rocket cuối cùng.
Song Chùy 11
Huỳnh Hữu Nghị
Tháng 12 năm 2004
Ý kiến bạn đọc xin nhấn vào đây => (Bốc Viễn Thám)
Một Thời Để Nhớ - (Những Ngày Cuối - Tháng 3/75)
Tháng 3/75, không ngờ đó là những ngày tháng cuối cùng của các chiến sĩ vùng I Chiến Thuật, miền Địa Đầu Giới Tuyến, còn được mệnh danh là Vùng Hỏa Tuyến, một danh xưng nẩy lửa xuất hiện từ thời tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư Lệnh Quân Đoàn I.
Trong giờ thứ 25 của cuộc triệt thoái lịch sử khỏi Vùng I Chiến Thuật, Sư Đoàn I KQ nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trước tình thế lúc bấy giờ " Còn SĐ I KQ, Còn phi trường Đà Nẵng thì Còn Vùng I Chiến Thuật "!
Đà Nẵng là thành trì cuối cùng dưới con mắt người dân Vùng I Chiến Thuật. Mất phi trường Đà Nẵng, thành phố cũng mất theo; tất cả dân quân thuộc Quân Khu I từ các nơi kéo về Đà Nẵng coi như không còn đường thoát... Phương tiện eo hẹp của Hải Quân Vùng I Duyên Hải được dành ưu tiên cho hai đơn vị Dù & TQLC. Quốc lộ I từ Đà Nẵng vô Nam đã bế tắc hoàn toàn sau khi các
tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và căn cứ Chu Lai bị overun trước Đà Nẵng một tuần. Cộng quân coi như trọn quyền làm chủ toàn thể lãnh thổ Vùng I Chiến Thuật ngay buổi chiều 29/3/75, sau khi tiếp thu xong Phi Trường và Thị Xã Đà Nẵng.
Hơn 5 giờ chiều 29/3/75, còn một chiếc trực thăng cuối cùng mang số -107- cất cánh rời kho dầu ở cuối đường Trưng Nữ Vương (Chợ Mới), chấm dứt hoàn toàn sự hiện hữu của SĐ I KQ trên Vùng Trời Hỏa Tuyến, bỏ lại sau lưng thành phố thân yêu đang âm thầm đi vào bóng đêm của hận thù, kinh hoàng và sợ hãi... Tội nghiệp cho những người còn kẹt lại ! Dọc theo con đường biển từ hướng Hội An về , dân chúng hân hoan (?) đón mừng " đám lính mới " có lẽ vừa chui ra từ những mật khu rậm rạp trong vùng Trường Sơn. Từng đoàn người, với cờ xí tung bay phất phới, dẫn đường cho mấy chiếc Motolova chầm chậm theo sau... đang tiến về Đà Năng; đánh dấu sự sụp đổ toàn bộ Quân Đoàn I / QLVNCH ! Bóng tối như đồng lõa cùng tội lỗi, màn đêm buông sớm hơn mọi ngày; bầu Trời u ám đầy khói mù từ phi trường thổi ra giăng đầy mặt biển xa mãi ngoài khơi vịnh Sơn Chà và Cù Lao Chàm.
Cộng quân đã khôn khéo phối hợp hai yếu tố tâm lý và chiến lược để dứt điểm Quân Đoàn I bằng trận Đại Pháo khốc liệt với hàng loạt hỏa tiễn 130 ly liên tục rót vào phi trường Đà Nẵng từ 8 giờ tối 28/3 cho đến gần sáng ngày 29/3/75. Phi trường trở nên tê liệt hoàn toàn ! Phi đạo, kho đạn, kho xăng... phá hủy rồi phi cơ cũng thành vô dụng. Không cấp chỉ huy thẩm quyền nào dám trực tiếp ban lệnh rút lui nên khi pháo kích tới mọi người tự động coi đó là hiệu lệnh cuối cùng, mạnh ai nấy cất cánh mà đi!
Qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Chí Thức, một người bạn Không Quân lâu năm, hiện cư ngụ tại Delahey, Victoria, Úc Đại Lợi, tôi được hân hạnh biết anh Phạm Công Khanh, Liên Hội Trưởng, Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH, Úc Châu.
Anh Khanh là một thành viên trong Ban Thực Hiện Quân Sử Không Quân.
Do cơ duyên trên, tôi nhận lời anh Khanh, sẽ đóng góp dữ liệu liên hệ tới sự thành lập, tồ chức và hoạt động của Phi Đoàn II Khu Trục, đơn vị tôi đã phục vụ từ khi thành lập, cho cuốn Quân Sử Không Quân sẽ phát hành vào tháng 7 năm 2005.
Để giữ lời hứa với anh Khanh và các bạn trong Ban Thực Hiện Quân Sử Không Quân, tôi đã cố gắng ghi chép lại những dữ liệu tồn trữ trong “bộ nhớ” của chính mình. Nhưng sau hơn bốn thập niên, tôi e rằng “bộ nhớ” bị quá tải của tôi có thể đã tự động xóa bỏ một số dữ kiện quan trọng của Phi Đoàn II Khu Trục. Do đó, tôi đã liên lạc với nhiều Niên Trưởng và Cựu Phi Hổ để xin giúp đỡ và đã được đáp ứng nồng nhiệt.
Tôi cảm ơn anh Khanh và các anh trong Ban Thực Hiện đã cho tôi cơ hội đóng góp một phần nhỏ trong cuốn Quân Sử Không Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.Thêm nữa, nếu không có sự giúp đỡ tích cực và quý hóa của quý vị Niên Trưởng và các Cựu Phi Hổ, tập tài liệu về Phi Đoàn II Khu Trục không thể thành tựu. Tôi trân trọng cảm tạ quý vị Niên Trưởng, các Cựu Phi Hổ có tên dưới đây: Tiếp tục đọc thêm, và ý kiến xin nhấn vào đây => (Phi Đoàn II Khu Trục)
Để tưởng nhớ TRẦN VĂN HÒA Hoa tiêu Chinook CH47 Phi đoàn 249 Cần Thơ, hy sinh 1974 ở Mộc Hoá.
*******
Qua khỏi khu vực phi đạo, rẽ phải, là đường đi về phòng họp của các Phi đoàn, và của đơn vị tôi, Phi Đội Tản Thương 259H. Con đường chỉ dài chừng 500 thước sao thấy bải hoải, không muốn cất bước. Rời khu vĩ sắt, chân tôi giẫm lên bãi cỏ để tìm chút yên bình, căng thẳng quá bước chân khập khễnh trên nền phi đạo cứng cũng làm mình mỏi mệt. Trước mặt, bên kia đường là quán Hồng Điểu của Đại úy Út, tôi định bước qua tìm cái ghế ngồi, kiếm chút đồ ăn may ra dằn xuống được cái bụng đang trạo trực vì đói và cũng vì đang lắc lư với cảm giác bàng hoàng lúc ban chiều nhưng chợt nhớ là quán Hồng Điểu giờ này đâu còn gì ăn nữa, hoạ chăng là chỉ có trà đá nước chanh vì hầu như là quán chỉ bán đồ ăn sáng cho các phi hành đoàn ghé qua trước khi ra tàu. Thôi thì đành phải về phòng họp Phi Đội, ký vào Sổ phi lệnh đã rồi tính sau, thế là tôi cất bước chân nặng nề rời bãi cỏ, đưa cái túi helmet lên vai, chậm chạp hướng về Phòng họp.
Trong bóng tối chập choạng, thấy có mấy người đi ngược chiều phía bên kia đuờng nên tôi nán giữ lề bên nay, định chờ họ qua khỏi để tránh cho họ khỏi phải ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi thịt khét, máu me và bùn sình trên bộ áo bay của mình . Nhưng ngạc nhiên thay, họ bắt đầu băng qua đường, hướng thẳng về phía mình, níu kéo nhau, có tiếng kêu khóc văng vẳng, tôi không nghĩ là họ muốn gặp mình nên bước lần ra phía đường định băng qua bên kia thì có tiếng kêu: “Anh ơi… Anh ơi…” và đám đông tiến lại gần, một thiếu phụ trẻ trong bộ đồ mặc ở nhà, níu lấy áo tôi, giọng thất thanh , hụp hưởi :
“Anh ơi… anh ơi… anh đi bay về có gặp chồng tui không anh… chồng tui đó anh…”
Thì ra đây là một người thân của phi hành đoàn Chinook vừa mới rớt chiều nay, tôi không biết chồng chị là ai, mà cũng không dám hỏi, và ngay cả cũng không biết phi hành đoàn nầy gồm những ai , chỉ nghe nói có vị Phi đoàn trưởng mới về nhậm chức và hôm nay ông bay chuyến đầu tiên làm quen vùng, thường gọi là Orientation. Bây giờ trước mắt tôi, người thiếu phụ đau đớn hoảng loạn, đang bấu víu vào tôi như bấu víu vào một cái phao hy vọng nào đó, trông chờ phép lạ xảy ra, và những người đi theo chị chắc là thân nhân hoặc các anh chị ở kế cận trong cư xá, họ đi theo để khuyên lơn an ủi chị mà chắc cũng để tìm xem có thêm tin tức gì nữa về tai nạn hay không. Sau một thời gian làm pilot tản thương, đã chở biết bao nhiêu thương binh, tử sĩ, tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh như hiện tại, những cha mẹ, vợ con họ người thì kêu gào than khóc, họ lăn lộn bên xác người thân, bên quan tài, người thì sững sờ, tê liệt, mắt ráo hoảnh như cứ nhìn vào hư không… nhưng chưa có ai bấu víu vào tôi như lúc nầy làm tôi rất lýnh quýnh, không dám nói thiệt mà cũng không biết nói láo ra sao, tôi biết mình không phải là cái phao của chị rồi, nhưng cũng không đành dứt áo bỏ đi.
Mấy người đi theo chắc họ tỉnh táo hơn nên tìm cách khuyên can, đại để là : “Anh nầy cũng mới đi bay về, có biết gì hơn mình đâu…thôi để vô Phi đoàn hỏi thăm nghen…” nhờ đó tôi mới nghĩ ra một câu nói láo rất vô duyên: “Dạ, tôi cũng không biết gì hơn mấy anh chị, tôi đi bay ở hướng nầy mà…” và tôi chỉ về hướng ngược lại với nơi xảy ra tai nạn.
Chị không nghe câu nói của tôi, mà chắc chị cũng không nghe ai nói gì chung quanh cả nên chị cứ tiếp tục lắp bắp:
“Anh ơi…anh ơi, họ tìm ra ảnh chưa anh, chồng tui đó anh, anh Hoà đó anh…”
Đến lượt tôi rụng rời tay chân, vì Hoà bạn tôi đang ở Phi đoàn Chinook nầy . Hoà đang là phi đội trưởng hay phi đội phó chi đó, và theo tôi đưọc biết từ trên tần số chiều nay thì tân Phi đoàn trưởng bay chung với một người trong “ staff ”, không ngờ lại là Hòa, vậy là Trần văn Hòa, bạn tôi, về từ Phi đoàn 229, bay chuyến đầu tiên với tân Phi đoàn trưởng, Thiếu tá Trung. Tôi bàng hoàng vì chiến trường lúc nầy không có gì hot lắm, vả lại Chinook cũng được xem là khá an toàn, pilot trực thăng mà lái Chinook thì xem như chữ thọ chắc hơn so với UH , vậy mà không những Chinook rớt mà người chết lại bạn mình nên tôi khá rúng động, không còn giữ được bình tĩnh, sáng suốt nữa, do đó khi chị hỏi tìm ra Hòa chưa thì tôi lúng túng: “ …hình như họ tìm thấy rồi”, chắc chị nghe được nên hỏi tới dồn dập: Tìm ra rồi hả anh, ảnh có sao không anh, chở ảnh về chưa, ảnh đâu rồi anh ….một loạt các câu hỏi mà tôi không dám trả lời, đành phải từ từ gỡ tay chị ra với sự giúp đỡ của những người đi theo rồi xách nón dọt lẹ qua bên kia đường. Quay lại thấy chị vẫn trì kéo đi tới, mấy người kia cố gắng giữ lại, kéo lui, để rồi tôi đau đớn thấy chị rủ xuống trong tay họ, miệng vẫn kêu nài, lắp bắp. Một bóng người khác đang đi tới, chắc là một người nữa trong phi hành đoàn của tôi, cũng bị níu lại hỏi han…
Trả lời với chị như thế nào bây giờ, khi cách đây chỉ mới 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi rời vùng thì xác của 2 phi công và ngay cả của cái cockpit vẫn chưa tìm ra. Trời đã tối và xác người vung vãi trên một diện tích quá lớn, đơn vị Bộ Binh phải ngưng công việc tìm kiếm tử thi và phi hành đoàn để lo bao vùng phòng thủ vì chắc chắn rằng Việt Cộng sẽ mò vô đêm nay lục lạo
**************
Trần văn Hòa, bóng hình như hiện ra trước mắt, chúng tôi gặp nhau rất thường, hắn lúc nào cũng vui vẻ, khoái chí vì 2 việc mà hắn mơ ước đều thành hiện thực, qua bay Chinook, và về vùng 4 Chiến thuật, sau này khi hắn đưa vợ con về Cần Thơ chúng tôi ít có dịp ăn uống, cà phê cà pháo với nhau nhưng cũng gặp thường ngoài phi đạo, trên đường ra check tàu mỗi sáng.
Ngày còn ở Pleiku, là vào thời gian Phi đoàn tân lập của chúng tôi đang vừa hành quân vừa huấn luyện, chiến trường cũng vẫn đang êm ả, bay bổng rất vui, chiều tối về còn ở lại Phòng hành quân Phi đoàn đấu láo vì đa số còn độc thân, chưa có xe đi, từ phi trường ra ngoài phố Pleiku rất xa, lên núi xuống đèo mấy lần, mà thiệt ra cũng không biết đi đâu nơi cái xứ phố núi đi năm phút đã về chốn cũ nầy.
Lúc đó Hòa đang được dợt để check out Hoa tiêu chánh hành quân nên hắn hơi lo, tuy vậy lúc nào cũng thổ lộ với tôi mơ ước chuyển qua bay Chinook, rồi xin về vùng 4. Hắn thường xuýt xoa: Đã lắm, mầy dzề dzùng 4 bay ê.ê..m lắm, hổng có núi non như dzầy đâu. Còn nhậu nhẹt… thôi…hết biết, tôm cua rùa rắn cua đinh cần đước, muốn con gì cũng có, gái Cần Thơ thì ...chậc...chậc...hết xẩy, hết xẩy luôn, hổng có như ở đây đâu...lần nào nói chuyện hắn đều miên man “tán” về cái vùng 4 mà hắn mơ ước làm tôi nghe riết cũng bắt phát thèm, lúc đó chưa biết cái “ở đây” mà cũng chưa biết cái Cần Thơ ra sao nên còn rạo rực lắm, nghe hắn tán riết tôi cũng đâm ra có ý tưởng nơi thuyên chuyển kế tiếp sẽ là Cần Thơ, và rồi nhờ có số phận đưa đẩy, sau đó tôi và hắn đều chuyển về Cần Thơ. Trần văn Hoà được cho đi học bay Chinook như nguyện vọng, và chuyển về Phi đoàn 249 Mãnh Long, còn tôi rời Pleiku đầu 1974 sau 3 năm biên trấn, về Phi đoàn 217, hành quân khoảng nửa năm, được cho đi học lái Chinook, đang làm thủ tục xuất ngoại thì có lệnh hủy bỏ khóa học vì không có ngân khoản viện trợ , mà BTL/KQ thì không chịu đài thọ nên các SQ khoá sinh đuợc trả về đơn vị gốc, Phi đoàn 217 không muốn cưu mang tôi nữa nên chuyển qua Phi đội Tản thương 259H, và trở thành pilot “Dust-off” từ đó. Vì vậy tôi và Hòa tuy khác đơn vị, nhưng cùng ở chung một phi trường, đó là Căn Cứ 40 Chiến Thuật Không Quân, thường được gọi là phi trường Cần Thơ, vì ở gần thành phố Cần Thơ, để phân biệt với phi trường Bình Thủy, có phi đạo dài hơn cho L19, khu trục, A37 và là BTL của SĐ4KQ.
****************
Trở lại cái ngày định mệnh, đó là một phi vụ chuyển quân, mà lâu quá tôi đã quên tên đơn vị cũng như địa danh, chỉ nhớ vùng đó là khu Tứ giác Dinh điền Phước Xuyên, nằm giữa phía nam của Mộc Hóa và phía bắc của Cai Lậy, Định Tường, tình hình trong khu tứ giác sôi động nên số lượng quân trấn đóng chung quanh luôn được bổ sung đầy đủ và thường hoán chuyển để họ không bị căng thẳng, VC cũng hay quấy rối giữ chân quân ta hầu dễ dàng phá phách những chỗ khác, nơi đây ghi nhận có SA7, một loại hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay để chống phi cơ vì KQVN phải yểm trợ vùng nầy hằng ngày với máy bay đủ loại.
Hoạt động ở đây chúng tôi rất cẩn thận, vì bay thấp thì bị đạn súng cá nhân, tàu bị bắn thủng lỗ là chuyện thường, còn bay thì cao coi chừng SA7, hỏa tiễn tầm nhiệt. Như tên gọi, SA7 hoạt động theo nguyên tắc dò tìm hơi nóng thoát ra từ exhaust phi cơ, nhất là những động cơ phản lực nhiệt độ exhaust cao rất dễ cho SA7 định hướng, dù là vùng đồng bằng nhưng SA7 cũng không bắn ngang hoặc với góc độ thấp được vì vướng cây cối hoặc chướng ngại vật nên thường được bắn với góc độ phải từ trên 30, 45 độ, vừa khai hỏa và còn ở dưới cao độ 3000ft, hoả tiễn bay chậm để tự điều chỉnh hướng, đàng sau đuôi vẫn còn một vùng lửa màu da cam do đó nếu canh chừng kỹ lưỡng có thể thấy được để tránh né, còn khi đã lên cao vùng lửa đỏ không còn nữa và hoả tiễn cũng vụt lên tốc độ rất nhanh, đến giai đoạn nầy thì đã trễ. Đối với UH-1, SA7 cũng “ dễ trị”, biết mình bị bắn, liền cúp ga đưa engine xuống idle để giảm hơi nóng, cơ phi xạ thủ tung ra vài trái sáng tay (được trang bị nếu hoạt động trong vùng có SA7), pilot chúi đầu xuống giảm cao độ tức khắc và quẹo tàu lại 180 độ , hỏa tiễn sẽ đuổi theo hơi nóng của mấy trái hỏa châu và nổ ở đó, hoặc mất phương hướng, bay thẳng lên và nổ đâu đó trên cao luôn. Nguyên tắc tránh né là như vậy, và sẽ thoát nạn nếu thấy được sớm, không biết vị thế của cơ phi, xạ thủ và áp tải Chinook ngồi ra sao, còn trên UH1 họ ngồi nhìn xuống 2 bên nên việc quan sát không khó, vấn đề là khi tránh SA7 đảo xuống thấp thì sẽ đối đầu với những hỏa lực phòng không khác nữa, tránh vỏ dưa rồi sẽ gặp vỏ dừa.
Ngày hôm đó phi đội tôi hết ca nghỉ, một phi cơ ở Cần Thơ đưa những bạn xuống ca về Sài Gòn, đáp tàu ở W7, chúng tôi từ SG sẽ bay chiếc nầy về Cần Thơ để ngày mai bắt đầu 5 ngày làm việc. Cất cánh lúc 3 rưởi hay 4 giờ gì đó, sau khi rời tần số phi trường qua Kiểm báo Paris (Sài Gòn) báo cáo phi vụ, lộ trình… thì vài phút sau, khi vừa qua khỏi Long An, Paris gọi lại, bảo liên lạc với Paddy (Cần Thơ) trên cùng tần số, Paddy chuyển lệnh của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc KĐ64CT:
“ Hồng Điểu ### bạn đáp phi trường Mộc Hóa, thả hết hành khách xuống đó, lên lạc với Tiểu khu Kiến Tường và ALO đang có mặt để nhận phi vụ tản thương khẩn cấp, giới chức ra lệnh là :….”
Chúng tôi nhìn nhau, phi vụ khẩn cấp là chuyện thường xảy ra, có thể bị điều động bất cứ giờ phút nào, nhưng lần nầy phải thả hành khách xuống một phi trường nhỏ và thỉnh thoảng bị pháo kích là việc khác, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì rắc rối lắm, nhưng giới chức ra lệnh là KĐT ( hay Tư lệnh SĐ, tôi không còn nhớ) nên hẳn là việc quan trọng, thôi thì cứ đáp xem tình hình rồi tính sau. Dĩ nhiên là hành khách nghe tin có vẻ bất mãn lắm. Một anh càu nhàu: Đi Cần Thơ mà bỏ xuống Mộc Hoá là sao? Chúng tôi cũng đành lắc đầu.
Đáp Mộc Hóa, nghe tin dữ, một Chinook PĐ249 chuyển quân bị SA7 bắn rớt, PHĐ và nguyên một trung đội Bộ binh tử nạn, hiện đang điều động thêm phi cơ thả lính xuống bảo vệ khu vực rớt tàu và gom góp xác chết lại vì phi cơ nổ trên trời, xác văng tung tóe khắp nơi. Chúng tôi cũng bị chấn động vì sự thiệt hại lớn quá, không có lựa chọn bàn cãi gì nữa, tất cả hành khách, gồm phần lớn là nhân viên của Phi đội hết ca nghỉ, một vài anh bạn của đơn vị khác quá giang, kể cả vài người bạn Bộ binh, đều phải xuống tại phi trường, chúng tôi gỡ hết ghế để trống sàn tàu, rồi cất cánh lên vùng.
Giữ vòng bay phía bắc khu tứ giác, ở cao độ 1000ft để quan sát, một quang cảnh hãi hùng hiện ra, thân chiếc Chinook chỉ còn thấy được phần sau nám đen, rách te tua như bị xé, nằm không xa bờ kinh Ấp Bắc là mấy, chắc lộ trình của họ là bay dọc bờ kinh, nơi được xem là an toàn nhất, còn xác chết thì ôi thôi, nằm vương vãi khắp nơi, trên một diện tích quá lớn, dù đã được các sĩ quan Tiểu khu thuyết trình lúc nãy, chúng tôi vẫn thấy bàng hoàng vì cảnh tượng trước mắt, thật là thảm thương, như thế nầy, không ai có hy vọng sống sót.
Lực lượng lính vừa tăng cường lo gom xác lại, cả vùng nước ngập lúp xúp, cỏ năng cỏ lác mọc cao ngập đầu người, xác chết dễ thấy từ trên cao, nhưng càng xuống thấp càng khó thấy, nhiều chỗ nước sâu, xác nằm dập dình nửa trên nửa dưới đi sát bên cạnh đám cỏ rậm rạp chưa chắc đã nhìn thấy được, công việc của những người lính thu nhặt xác chết quả là gian nan, và chắc chắn là kéo dài, mà giờ đó trời đã về chiều, chỉ vài giờ nữa thôi mặt trời sẽ lặn, họ sẽ làm sao đây?
Những xác thu gom được, trong đó có người của phi hành đoàn, đã được xếp nằm trên bờ đê, nơi chúng tôi sẽ xuống bốc, mấy tiếng đồng hồ vừa qua, họ đã gom được khoảng trên 2,30 xác, và vẫn đang lùng xục trong đám “rừng” cỏ để tìm kiếm, hơn nữa, phần đầu phi cơ với 2 pilot vẫn chưa được tìm thấy nên công cuộc tìm kiếm chắc khó thể chấm dứt đêm nay.
Chúng tôi đáp xuống bờ đê, xác chết được tuần tự khiêng lên, nhìn gần mới thấy kinh hãi, tàu phát nổ nên nhiệt độ và áp suất quá lớn, phần lớn thi thể đều bị cháy đen, nứt nẻ, đa số cũng bị bể bụng, ruột gan lòng thòng ra ngoài, xác nào cũng ướt sũng máu và nước ruộng, nhiều xác bị sức ép mạnh quá bay mất quần áo, có xác chỉ còn lại chiếc dây nịt và dây thẻ bài. Một pilot tản thương đã nhìn thấy bao nhiêu xác chết mà tôi cũng còn thấy rúng động. Thật là thảm khốc. Thi thể một người trong PHĐ còn lại được một phần áo, trên tay vẫn còn phù hiệu SD4KQ, khuôn mặt ướt đẫm, đầu gục xuống vai, đằng sau họ là cả đống ba lô bèo nhèo tơi tả, gia tài của những người lính, và xa hơn chút nữa là mớ vũ khí thu nhặt lại được. Xác chết lần lượt được chở về sân bay Mộc Hóa, từ đó có xe Hồng thập tự đưa về nhà xác lo phần việc kế tiếp. Sau mấy chuyến đầu đơn độc, chúng tôi được tăng cường thêm nhiều phi cơ nữa, nhưng lúc đó thì việc nhặt xác bị chậm lại , vì chỉ còn những xác chết rớt sâu bên trong khu vực, cần đổ thêm quân và Trực thăng võ trang để bảo vệ họ, và bảo vệ vùng phi cơ rớt để tiếp tục tìm phần đầu và 2 pilot của chiếc phi cơ xấu số.
Lúc chúng tôi rời vùng để về Cần Thơ, trời đã tối mịt, quay trở lại Mộc Hóa đón hành khách của mình theo lời hứa ban chiều thì không còn thấy ai nữa, họ đã theo những chiếc khác về hết rồi, nhìn lại tàu của mình, chở ai được nữa đây khi tàu không ghế, sàn tàu ướt sũng những máu, nước, bùn sình và hôi mùi khét lẹt, chúng tôi cũng không khá hơn gì con tàu, cũng dính đầy máu, nước, bùn sình và mùi thịt cháy khét lẹt trên quần áo, là những bộ đồ đẹp nhất để mặc những ngày về phép .
Trên đường bay về Cần Thơ, chúng tôi im lặng, thương cho số phận các bạn mặc dù chưa biết họ, ai cũng ngậm ngùi nghĩ đến chữ Phi hành đoàn: đơn giản, nhưng lại gắn bó, một tai nạn xảy ra là cả PHĐ đều theo nhau vĩnh biệt.
Dường như chưa đủ thấm thía, số phận lại éo le hơn nữa khi vài hôm sau, tôi lại lái một trong hai chiếc đưa xác PHĐ Chinook bị nạn về Tân Sơn Nhất. Vì là một Phi đoàn trưởng, Cố Trung tá Trung được đưa tiễn bằng một nghi lễ từ giã của Bộ chỉ huy Căn cứ 40 và các Sĩ quan đồng đẳng cấp, chúng tôi đưa tàu đến dưới chân Đài kiểm soát Không lưu chờ đợi, và rồi thì sau cùng, 2 chiếc UH-1 cất cánh đưa thi hài các tử sĩ vĩnh viễn lìa khỏi chiến trường để về nơi an nghỉ. Trong nắng mai, 2 chiếc phi cơ lần lượt vượt qua sông Hậu Giang, lấy cao độ, bỏ lại sau lưng thuyền ghe ngược xuôi dập dềnh trên sông nước, bến phà Cần Thơ vẫn lao xao chen chúc bóng người, đó chắc là hình ảnh mà Trần văn Hòa hằng mong ước được thấy như đã từng tâm sự. Nhìn lại xác bạn đàng sau, tôi nói với hắn lần cuối:
Hòa ơi, mầy mong về vùng 4, về được rồi sao không chịu ở mà lại bỏ đi ...
cổ họng tôi nghèn nghẹn, mắt thấy cay cay.
Mây trắng vẫn lững lờ trôi, trời vùng 4 vẫn trong xanh, nắng vùng 4 vẫn rực rỡ. Hai chiếc phi cơ im lặng theo nhau. Không xa, hướng 10 giờ dưới thấp là Dinh điền Phước Xuyên, nơi trái SA7 hôm đó đã nổ.
*************
Hơn 30 năm sau, trong một lần mò mẫm trên internet, tôi tình cờ lọt vào một website liệt kê các phi cơ mà quân đội Mỹ đã xử dụng, trong danh mục phi cơ trực thăng Chinook, có giòng chữ vô tri như sau:
Chinook CH47A(?) sn19010 crashed MocHoa, Vietnam by SA7 12/12/74. 50 killed.
30 năm sau , tất cả chỉ còn có vậy. Hòa ơi.
Vĩnh Toàn
Trời vừa hừng sáng, tôi và anh Nguyễn Q. Minh cùng gia đình từ khu main compound vội vã lên Phi Đoàn. Vừa bước vào cửa, cả hai chợt bàng hoàng vì khung cảnh hỗn độn trước mặt. Trời đất. Đồ đạc trong phòng đổ ngổn ngang, vài chiếc áo bay ai đó cởi ra ném giữa hành lang Phi Đoàn. Không một bóng người. Tôi vội gõ cửa phòng Tr/t Phi Đoàn Trưởng theo thói quen trước khi trình diện, không nghe có tiếng trả lời, tôi đẩy cửa bước vào và không còn tin vào mắt mình: dưới đất là chiếc áo bay của ai đó, vật dụng văn phòng nằm vương vãi khắp nơi.
Tôi trở ra tìm anh Minh, anh và người vợ sắp cưới cùng mấy người em vợ đứng trước phòng trực Phi đoàn sững sờ.
- Mình lên trễ rồi anh Minh ơi...
Anh Minh nhìn quanh rồi bất chợt nói như ra lệnh:
- Thôi đi ra ngoài phi đạo tìm tàu đi.
Cả bọn vội vã băng qua sân trống trước cổng PĐ213 dẫn vào bãi đậu trực thăng. Cũng không một bóng người. Đây đó rải rác vài ba chiếc trực thăng nằm cô đơn. Tôi và anh Minh chia nhau xem xét tàu, toàn là những chiếc bất khả dụng bị bỏ lại đêm qua...
Đêm 28 rạng 29 tháng 3 năm1975.....
Một đêm kinh hoàng nhất và cũng là cuối cùng của SĐ1KQ. Tôi vừa qua ca SQ trực Phi Đoàn hôm trước nên hôm nay được nghỉ, anh Minh đem gia đình bên vợ vào khu cư xá SQ, định sáng mai sẽ đưa lên Phi Đoàn tìm phương tiện di tản về Nam theo như chỉ thị của Đ/u Tuấn, SQ Hành Quân. Phòng anh Minh thuộc dạng độc thân nên anh „gởi“ tôi 2 người em trai bên vợ để nghỉ nhờ, phòng nằm đối diện với phòng anh trong dãy nhà số 1, trước đây của Tr/u Hiến IP chuyển sang PD 233 nên để lại, sát cổng ra vào khu cư xá, nhìn ra ngoài là cổng gác của Quân Cảnh với người gác cổng đêm ngày thường trực. Trời vừa tối, Việt cộng bắt đầu pháo kích, càng lúc càng nhiều hơn so với mấy đêm trước. Tiếng nổ chát chúa từng hồi, bọn tôi chạy ra khỏi phòng ngồi núp dưới cầu thang xi măng dẫn lên tầng trên của nhà số 1. Bỗng dưng mấy tiếng rít kinh hồn xé tai rồi ngay sau đó, những tiếng nổ thật gần, âm thanh đổ nát rợn người gần sát bên tai. Bên kia đường là kho chứa nhiên liệu, bị trúng pháo bốc cháy dữ dội, cả khu main compound sáng rực. Một ít người tò mò ra đứng xem rồi bất chợt nằm xuống khi nghe tiếng rít tiếp theo của hỏa tiễn bay tới. Đêm trước một trái rơi vào phòng tài vụ của cư xá nầy phá huỷ mặt trước nhà, may mắn không ai hề hấn gì. Tôi còn đang băn khoăn không biết tháng nầy lãnh lương được không vì cũng đã gần cuối tháng. Chịu đựng qua một đêm không ngủ như thế, sáng sớm ai nấy đều bơ phờ vì mệt mỏi, đã vội vã đùm túm chạy lên Phi đoàn nhưng hỡi ơi đã trễ...
Đang lúc bị pháo kích, chúng tôi nghe tiếng máy bay cất cánh ào ạt nhưng không để ý, một phần vì đã quen với tiếng phi cơ bay trực đêm, một phần đó cũng là tiêu lệnh của đơn vị khi bị pháo, một số hoa tiêu trực có bổn phận cất cánh di tản tàu tạm thời để tránh bị thiệt hại. Đêm nay các pilot trực thăng, chiếc trước chiếc sau cất cánh rời phi đạo, có ai biết đó là lần cuối cùng và vĩnh viễn không trở lại....
Đứng trên parking trực thăng một mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn và trống vắng đến như thế. Cảm giác chim lạc đàn chắc cũng thê lương đến như thế là cùng, có điều tôi không thể cất tiếng kêu não nuột được như loài chim. Từ khi về trình diện Phi Đoàn, gần 1 năm sống với đơn vị, Phi Đoàn tôi giống như một gia đình thứ hai mà người gia trưởng là vị PĐT khả kính, đã cùng với đàn anh chia ngọt xẻ bùi, tung hoành khắp nẻo từ Sa Huỳnh Quảng Ngãi ra đến Quảng Trị, dọc ngang theo chân các đại đơn vị Dù, TQLC, cùng các SĐ Bộ Binh, cùng với các anh em HSQ Cơ Khí Viên, Xạ thủ phi hành kết gắn với nhau tình như thủ túc. Giờ tất cả đang ở đâu? Tôi như đang chết ngợp trong cảm giác bị bỏ rơi...
Có tiếng anh Minh gọi:
- Mình sang phi đạo 253 xem coi còn chiếc nào không?
Vội vã tôi cùng anh Minh lùng sục ngoài parking, vào trong các hangar tìm kiếm, một số chiếc nằm trong hangar có vẻ còn tốt nhưng khi check lại thì cũng bất khả dụng. Loay quay cho đến gần trưa mà vẫn chưa tìm ra một lối thoái, bỗng có tiếng máy bay Boeing lượn trên bầu trời, một chút hy vọng lóe lên trong ánh mắt cả bọn. Ô kìa quả thật chiếc phi cơ dân sự đang đáp xuống từ hướng Bắc sau khi đánh một vòng trong vịnh Nam Ô. Chúng tôi cả bọn vội chạy ra taxiway nhìn sang runway phía Tây nơi chiếc Boeing 727 của World Airway đang đáp xuống. Chiếc phi cơ dân sự cuối cùng từ Saigon ra, vừa chạm bánh thì bỗng dưng có tiếng pháo kích, hỏa tiễn địch rơi ngay trên phi đạo. Bên trong Taxiway phía Tây, một đoàn người, đa số là lính, có lẽ là các đơn vị SĐ3BB, từ cổng Phước Tường ùa ra phi đạo rượt theo chiếc phi cơ đang taxi chầm chậm, cửa sau đuôi từ từ hạ xuống, mặc cho pháo kích nổ om trời. Một số người nhanh nhẹn bám theo được phi cơ, một số cố đuổi theo tạo nên một chiếc đuôi dài bất bận trên phi đạo. Có lẽ Phi hành Đoàn cũng nhận thấy sư nguy hiểm do pháo kích và có thể bị tràn ngập bởi khối người nên không dám dừng lại, đoàn người cứ đuổi theo, đuổi theo... Phi cơ taxi đến cuối phi đạo thì quẹo vào taxiway phía đông (có lẽ vì runway đang bị pháo kích nên không thể cất cánh), tôi và anh Minh mừng quá định chạy ra chận đầu để leo lên thì từ đầu taxiway, phi cơ tăng tốc độ, tiếng máy phản lực gầm rú rền trời rồi lạnh lùng cất cánh trên taxiway về hướng Bắc khi cửa đuôi chưa kịp đóng lại, một vài người chưa kịp vào trong đã bị rớt lại trên phi đạo.... Bánh đáp không cần xếp lại, chiếc phi cơ đảo một vòng ra hướng biển, lấy cao độ và nhỏ đần trên bầu trời sớm mai xanh ngát, giống như hy vọng tắt dần trong lòng mỗi người chúng tôi. Chắc hẳn trong lòng anh Minh còn nôn nóng hơn khi nhìn thấy dáng dấp tuyệt vọng của người thân, mấy đứa em đang đứng lặng yên chịu đựng.
Quay tới vòng lui ngoài parking phi đạo, nhìn sang phía Tây, phi trường giờ như đã bỏ ngõ, dòng người gồm lính tráng lẫn dân sự tràn vào mỗi lúc một đông và đang túa ra phi đạo, có lẽ không lâu nữa sẽ sang đến chỗ chúng tôi. Thôi hết rồi, sự sợ hãi bắt đầu nhen nhúm, nhất phi nhì pháo, nếu mà chúng nó „tóm“ được bọn tôi thì chỉ còn nước... chết. Anh Minh đi tới đi lui một cách mất kiên nhẫn.
Chợt có tiếng máy trực thăng đang start đâu đó, ôi tiếng hú thân quen của UH làm chúng tôi choàng tỉnh. Từ phi đạo 253 một chiếc trực thăng đang lê về hướng chúng tôi đang đứng, parking của 213. Trên tàu đã đầy người nhưng Pilot dường như muốn hốt luôn cả chúng tôi nên từ từ ngừng lại. Bỗng nhiên một đám người từ đâu cũng nhào tới leo lên tàu, bọn tôi cũng chạy lại, anh Minh đỡ chị cùng các em lên vào cửa bên trái, tàu chật cứng rồi, anh cố chui vào, tôi đứng bên cạnh ngần ngừ, chỗ đâu nữa mà leo lên, là dân pilot, tôi biết sức con tàu. Đang loay hoay định tìm chỗ leo lên thì chiếc trực thăng nhúc nhích như muốn di chuyển mà không được, tiếng pilot la lớn phía trước:
- Xuống bớt, xuống bớt... không cất cánh được.
Tiếng máy trực thăng hú to, cánh quạt quay vùn vụt nhưng tàu vẫn nằm yên, trên tàu không một ai nhích nhích. Thấy cảnh tượng như thế thì không còn muốn leo lên nữa, tôi với tay đưa túi xách với một ít đồ dùng cá nhân (chiếc túi đựng helmet) cho anh Minh nhờ anh đem về trước giùm và từ biệt:
- Thôi anh Minh cùng chị đi trước đi, tôi tìm cách khác..
Đột nhiên một người từ trên tàu nhảy xuống, tay cầm khẩu M16 chĩa vào những người ngồi trên tàu la lớn bằng giọng Huế:
- Đ.M. có chịu xuống không? Không xuống tao bắn chết hết bây giờ...
Giọng nghe quen quá, tôi xoay qua nhìn và thảng thốt. Trời ơi, thượng sĩ C, con chim đầu đàn của anh em Cơ Phi Xạ Thủ 213 đây mà. Có lẽ kinh nghiệm chiến trường đã dạy anh cách xử sự trong những tình huống như thế. Tuy nhiên tôi hơi bị xốc khi chứng kiến tận mắt cảnh chĩa súng vào đồng đội để tìm đường mưu sinh như vậy. Gia đình anh đang ngồi trên tàu, có lẽ anh không còn cách nào khác nếu muốn cứu họ cũng như cứu cả đám người ngồi trên đó. Một phút căng thẳng trôi qua, th/s C la hét thêm đôi ba lần nữa. Tôi thấy trên tàu lao nhao rồi 3 anh lính trẻ mặc đồ bay nhảy xuống hai bên tàu. Đó là mấy anh em Cơ Phi Xạ Thủ thuộc 253. Tàu nhúc nhích, anh C vội vàng quăng khẩu M16 xuống đất và phóng lên tàu. Chiếc trực thăng bắt đầu lết từng chút tới trước rồi từ từ trượt trên sân đáp 213 một đoạn khá xa trước khi rời khỏi mặt đất...
Thế là hết. Thôi, cầu mong cho tàu vượt thoát được bình an, thà bỏ lại năm ba người còn hơn là ở lại tất cả, nhất là khi nhóm người bên phía Tây phi trường đang tràn qua gần tới. Nhìn theo chiếc tàu thân yêu cuối cùng đang cuối đầu xuôi về phương Nam, lòng tôi đau thắt, các anh em kia ngồi bệt xuông đất, khuôn mặt thật ê chề, tuyệt vọng.
Thẫn thờ như những kẻ mất hồn, trời đã trưa, nhìn ra phi đạo, bên phía Tây người đổ vào phi trường ngày càng nhiều, tôi nghĩ chắc không bao lâu nữa vc cũng sẽ vào từ cổng này. Nghĩ đến đây, tôi như chợt tỉnh, phải tìm cách thoát ra khỏi phi trường trước khi quá trễ. Nhìn những anh em còn ở lại, tôi tự giới thiệu:
- Tôi là bạn cùng khóa bay với anh Hạo, anh Phồi, anh Đại... thuộc Phi đoàn của mấy anh. Bây giờ thì chẳng còn tìm đâu ra tàu để bay nữa, thôi anh em mình tìm cách khác đi...
Chúng tôi bàn tính một hồi rồi quyết định chạy sang bãi biển Mỹ Khê tìm chút hy vọng bằng đường biển. Một người cúi xuống lượm khẩu súng của th/s C quăng lại rồi uể oải kéo vào PĐ213. Chúng tôi lục lọi tìm mấy bộ đồ dân sự trong các túi xách còn bỏ lại nằm vương vãi khắp trong nhà và thay vội.
Cả bọn bốn người đi bộ ra cổng chính của phi trường. Cổng bít kín, chỉ còn một lối nhỏ bên phía trạm kiểm soát nhưng không còn ai canh gác, phía ngoài nằm ngổn ngang đủ các loại xe vô chủ của những người vào phi trường bỏ lại. Chúng tôi chọn một chiếc xe jeep mui trần, một anh nhảy lên nổ máy, may mắn quá, chiếc xe vẫn còn tốt, cả bọn vui mừng leo lên chạy về hướng cầu Trịnh Minh Thế và tiến về phía bờ biển Mỹ Khê.
Dọc dường, từng đoàn người nhốn nháo ngược xuôi, cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong thành phố Đà Nẵng êm đềm thân yêu ngày nào. Tôi yêu Đà Nẵng vì như một Sài gòn thu nhỏ, Đà Nẵng hiện đại mà trang nhã trong kiến trúc, kèm theo phong cảnh đẹp nên thơ của phố biển với những thắng cảnh nổi tiếng...Những ngày tháng học bay rồi được phục vụ tại đây, chúng tôi như thuộc lòng từng con đường góc phố, lang thang cuối tuần khắp lối với bao nhiêu kỷ niệm chất chồng... Đà Nẵng giờ đang trăn trở với nỗi đau của dòng người tị nạn từ mọi nơi đổ về để tìm sự che chở cuối cùng.
Qua khỏi cầu quẹo trái, chúng tôi đổ về hướng Mỹ Khê, chạy thêm một đỗi thì không thể tiếp tục được vì xe cộ nằm ngổn ngang trên đường, kể cả các xe thiết vận xa. Quăng xe một bên đường, bọn tôi đi bộ ra hướng biển, trời đã xế chiều... Trời đất, người đâu mà đông nghẹt, đa số là quân nhân, có người còn cả vũ khí, trải dài suốt theo chiều dài vòng cung của bãi biển. Nhìn ra biển xa xa là những chiếc tàu Hải Quân đang đậu ngoài khơi, xa tầm pháo kích, một vài chiếc ghe nhỏ đang chạy tới lui từ phía núi Sơn Chà, có lẽ đang chuyên chở khách ra tàu. Với số người trên bãi biển dù hàng ngàn chiếc ghe như thế chưa chắc đã bốc hết huống chi chỉ một vài chiếc và ở tận góc núi cách chúng tôi hàng mấy cây số... Sự tuyệt vọng hằn lên gương mặt của mỗi con người. Làm sao để lên được các chiếc tàu HQ đang đậu ngoài kia, đó là lối thoát duy nhất của mọi người trong lúc này....
Xa xa, cách bờ biển khoảng trăm mét là một số tàu đánh cá đang bỏ neo, lắc lư theo cơn sóng và vô chủ. Tôi chợt nghĩ nếu chúng tôi lên được một trong những chiếc ấy thì chắc có cơ hội chạy ra tàu Hải Quân được, nhưng với một khoảng cách xa như thế thì người thường làm sao có thể bơi tới. Trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng, chúng tôi lê lết đôi chân không còn sức lực sau gần một ngày không ăn uống, trước mặt là một xóm nhà chài lưới, bên cạnh có một chiếc xuồng nhỏ đang úp phơi trên cát. Tôi bỗng nghĩ ra cách, và như thế là cả bọn xúm lại lật xuồng lên, kéo xuống biển chẳng cần biết chủ nhân là ai, một anh xạ thủ ôm súng theo canh chừng, vài ba người đứng gần thấy vậy cũng nhào vô giúp một tay. Hì hục một hồi, chiếc xuồng nhỏ cũng xuống được tới nước, chúng tôi leo lên chiếc xuồng mỏng manh rồi cố dùng đôi tay bơi ra hướng chiếc ghe đánh cá đang bỏ neo vì không có dụng cụ chèo chống... Xuồng nhỏ chở nhiều người nên di chuyển nặng nề, cứ vừa nhếch ra được vài thước thì một làn sóng lớn đẩy xuồng trở lại vào bờ. Bao nhiêu lần đều như thế, nước biển lại tràn vào xuồng xấp xỉ gần chìm, chúng tôi phải leo xuống tát nước ra rồi tiếp tục bơi. Một số người thấy khó ăn đã bỏ cuộc lên bờ. Tôi cố thuyết phục anh em ráng sức bơi nhân lúc yên sóng, chỉ cần thoát ra được khỏi đường ranh sóng đập vào bờ thì tới vùng nước sâu và không còn bị sóng giật trở lại nữa. Có lẽ nhờ một số người bỏ cuộc nên xuồng nhẹ hơn trước, chúng tôi chậm chạp thoát ra được làn sóng giật và bắt đầu hướng ra biển. Với tất cả sức lực còn lại sau gần một ngày mệt nhoài, chúng tôi đã đến được chiếc ghe đánh cá đang bỏ neo gần nhất. Kiểm điểm lại nhân số trên nghe, ngoài bọn tôi bốn người còn có thêm một phụ nữ và vài ba người nữa. Tôi đi một vòng ghe xem xét, ghe đánh cá trên biển nên trang bị khá đầy đủ, máy ghe 1 block của Ấn Độ mà tôi đã có dịp sử dụng lúc còn trẻ theo người thân lênh đênh trên sông rạch miền Nam, cũng không tệ, lại có cả tay quay máy trong khoang nên tự tin mình có thể thoát được. Các anh em nhìn nhau nghi ngờ vì không biết làm sao có thể điều khiển chiếc ghe chạy được. Tôi trấn an :
- Đừng lo, tôi biết lái. Trên ghe lại có sẵn hai thùng phi dầu đầy, nếu mình không thể lên tàu HQ thì chúng ta vẫn có thể chạy về tới Vũng Tàu dư sức. Chuyện bây giờ là làm sao cho máy nổ và một người phải ôm súng canh chừng các người lạ trên tàu.
Thế rồi tôi thử vào phòng máy và bắt đầu quay máy. Một lần, hai lần, ba lần... máy vẫn nằm yên không nổ. Tôi kiệt sức, một người khác vào quay tiếp... Lần lượt xoay hết bao nhiêu vòng, ai nấy đều mệt nhoài mà máy vẫn không nổ. Cả bọn bắt đầu sốt ruột. Bỗng nhiên từ phía bờ, dáng một người đang bơi về phía chúng tôi. Quả thật là dân biển, anh ta bơi tới ghe và leo lên một cách dễ dàng:
- Các anh để em quay cho, đây là ghe của em.
Tôi hơi ngượng:
- Xin lỗi, chúng tôi chỉ muốn ra tàu HQ ngoài kia. Nhờ anh giúp chúng tôi, sau đó anh có thể lái ghe trở vào.
- Dạ được...
Anh lòn tay vào bên dưới động cơ mở khóa gì đó, sau đó nhẹ quay vài vòng, động cơ giật giật vài cái rồi phát nổ. Thì ra máy còn có một khóa điện phụ được chủ ghe dấu kín bên dưới máy. Cả bọn reo lên mừng rỡ như vừa chết đi sống lại. Tôi vội chạy ra phía sau chụp tay lái và cho ghe hướng ra khơi. Một người kéo neo lên, anh chủ ghe thì ngồi trong phòng máy canh tới canh lui. Tôi nghĩ có lẽ từ trong bờ nhìn ra thấy bọn tôi leo lên ghe, anh vội vã bơi ra để giữ ghe, khi thấy những khuôn mặt „cô hồn“ chúng tôi thì cũng hơi ngại. Cả bọn vui mừng chưa được bao lâu, chiếc ghe vừa lấy được hướng ra khơi thì bỗng dưng phía trước ghe chúng tôi có tiếng nổ bụp bụp cùng với các cột nước văng tung tóe xung quanh. Có tiếng la lên:
- M79, mình bị bắn...
Ai nấy đều hoảng. Thì ra các bạn ta từ trên bờ thấy ghe chạy được nên muốn buộc chúng tôi quay đầu lại bốc họ. Nếu quay lại thì chỉ có con đường chết vì ghe sẽ bị tràn ngập. Tôi đánh liều tiếp tục, vừa lái ghe vừa mọp xuống như để „né“ lằn đạn trong khi mọi người đã nằm sát xuống lòng ghe. Thêm một loạt tiếng nổ chận đầu ghe, cũng may, đầu đạn nổ dưới nước nên chúng tôi không bị miểng phang trúng, tôi vội bẻ tay lái đưa ghe chạy theo đường chữ „Z“ để „tránh né“ và nhắm hướng các chiếc tàu HQ đang đậu ngoài khơi trực chỉ. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ các bạn ta trên bờ chỉ muốn dọa chúng tôi nên bắn chận đầu ghe thôi, chứ nếu muốn bắn chết thì làm sao chúng tôi thoát được. Chốc sau thì thoát ra khỏi tầm bắn, hú hồn hú vía cả bọn... mọi người thở phào và mặc dù mệt mỏi, vẫn nghe tiếng reo hò vui vẻ xôn xao om trời...
Trước mặt chúng tôi có it nhất là 3 chiếc tàu lớn của Hải Quân Việt Nam đang đậu, tôi chưa biết chạy đến chiếc nào thì chợt thấy trên boong một chiếc tàu có một phi cơ trực thăng đang đậu. Tôi quyết định lái về chiếc đó, ít nhất cũng có người của phe ta.
Chúng tôi tiến gần đến đến tàu và quăng tất cả vũ khí xuống biển trước khi cập vào tàu lớn. Ban đầu họ chĩa súng ra dấu không cho chúng tôi sáp gần lại và sau một hồi quan sát, thủy thủ trên tàu làm dấu cho chúng tôi cập vào bên hông. Với sự giúp đỡ của các thủy thủ tất cả chúng tôi lần lượt leo lên tàu, anh chủ ghe còn lại vội vã lái chiếc ghe nhỏ tách ra và chạy trở vào đất liền.
Đây là một Dương Vận Hạm HQ...tôi không nhớ số, trên tàu là Lữ Đoàn TQLC Tân Lập 468 vừa được bốc ra từ Hải Vân và đang chờ khởi hành. Các binh sĩ TQLC nằm chật cả boong tàu, chính giữa là chiếc trực thăng của Hoàng Ưng 239. Chúng tôi lòn lách qua khối người nằm ngang dọc khắp nơi, khá vất vả mới đến được chiếc trực thăng đang nằm. Gặp Ngụy Hùng, copilot, là bạn cùng khóa với tôi. Mừng quá, cả bọn nhập chung với phi hành đoàn thành một nhóm KQ trên tàu, Hùng giới thiệu tôi với anh trưởng phi cơ, một Trung Úy pilot của PĐ 239 gốc người Huế. Nghe kể vị Lữ Đoàn Trưởng muốn trưng dụng chiếc trực thăng nầy cho nhu cầu công vụ nên phi hành đoàn rất được biệt đãi.
Hoàng hôn đã xuống. Mặt trời đang từ từ chìm xuống phía sau dãy núi phía Tây Đà Nẵng... Đứng trên boong tàu nhìn vào Đà Nẵng mờ khuất dưới làn sương chiều lòng tôi quặn thắt. Chỉ gần hai năm sống ở đây nhưng Đà Nẵng trong tôi với biết bao kỷ niệm. Nhìn lên vòm trời bao la, xa xa là viền núi xanh chập chùng, nơi chúng tôi hàng ngày bay lượn, cùng các đàn anh chia mồ hôi và lửa đạn. Tôi chợt nhớ tới anh Minh và gia đình không biết bây giờ đang ở đâu, hành trình có suôn sẻ không, hay phải hạ cánh ở một nơi nào đó trên đường xuôi Nam vì tàu quá tải, trục trặc hay vướng phải đạn thù. Quảng Ngãi nằm trên lộ trình về Nam đã bị mất, đường đã bị cắt, mấy hôm trước chúng tôi còn lãnh nhiệm vụ đi bốc các viên chức hành chánh ở Chu Lai nhưng không thành công vì sự hỗn loạn của đoàn người di tản đổ về đây. Tôi nhớ anh Minh với những chuyến bay di tản thương binh Dù từ dãy núi Sơn Gà phía Tây về bệnh viện Đà Nẵng vừa mới hôm nào. Sau khi quận Thường Đức thất thủ, một cửa ngõ từ vùng núi Trường Sơn xuống đồng bằng, Việt cộng lần lượt chiếm các cao điểm Tây Đà Nẵng và pháo kích hằng đêm vào thành phố. BTL Dù chuyển về phi trường Non Nước, các tiểu đoàn Dù trải thành một cánh cung từ đèo Hải Vân về tới mỏm núi Sơn Gà và vòng đai ngày càng bung rộng ra, những người lính dù can trường đã anh dũng chiến đấu trên những mỏm núi, giành giật từng thước núi, từng hang hốc trên dãy núi cao. Tôi và anh Minh đã bay nhiều phi vụ tản thương và tiếp tế cho các đơn vị nầy, sáng sớm bay qua phi trường Non Nước, vào BTL dã chiến Dù đặt trong một hangar cũ, tấm bản đồ hành quân trải rộng trên bàn. Nhận lệnh xong, chúng tôi cùng một anh SQ Dù đi theo, nhận tiếp tế và bay vào vùng núi Sơn Gà theo sự hướng dẫn và liên lạc của anh, bỏ hàng xuống, bốc thương binh trở ra, người bị thương nhẹ thì đưa vào bệnh xá dã chiến của Dù cũng tại Non Nước, nặng thì về bệnh viện Đà Nẵng. Các cao điểm bị địch chiếm để pháo kích vào Đà Nẵng lần lượt được các chiến sĩ Dù tái chiếm, mang lại bình yên cho dân thành phố một thời gian dài cho đến khi các lực lượng Dù và TQLC rút đi. Giờ thì thành phố xem như đã bỏ ngỏ chờ địch. Tôi biết rằng sẽ không bao giờ còn có dịp nhìn lại Đà Nẵng thân yêu nữa....
Chúng tôi cùng phi hành đoàn chiếc trực thăng trên tàu HQ chia nhau chút đồ ăn của tàu phân phối rồi tìm chỗ nghỉ lưng bên trong và phía dưới bụng phi cơ. Tối đến, các chiếc tàu cùng nhổ neo và trực chỉ Cam Ranh. Các binh sĩ TQLC có lẽ cũng đã quá mệt mỏi sau những ngày gian khổ, hầu hết đã ngủ yên nên dù đông người, trên tàu chỉ còn nghe rì rào của gió và sóng biển. Dù mệt mỏi, tôi vẫn không thể chợp mắt được. Bao nhiêu biến cố xảy ra trong ngày như một cơn mơ, nhanh quá, bất ngờ quá, tàn nhẫn quá... Tôi đã thoát nạn nhưng số phận của bao nhiêu người thân còn ở lại sẽ ra sao? Tôi không dám nghĩ tiếp...
Gần trưa hôm sau thì tàu cập bến Cam Ranh. Tất cả binh lính trên tàu được lệnh xuống tàu nghỉ ngơi trong khi chờ tàu làm vệ sinh và nhận tiếp liệu. Chiếc trực thăng cũng được lệnh phải bay ra đáp xuống sân quân cảng bên cạnh. Anh TPC (PĐ 239, tôi không nhớ tên) bảo bọn chúng tôi xuống tàu trước đến bãi bên cạnh chờ, phi cơ sẽ bay xuống sau. Ngụy Hùng trước đó đưa cho tôi một ít tiền để „phòng thân“, tôi không ngờ đó là một cách từ biệt kín đáo. Chúng tôi đến một bãi trống nơi trực thăng „dự định“ sẽ đáp. Chiếc trực thăng nổ máy, từ từ cất cao khỏi boong tàu, mũi chúi xuống vào hướng đất liền rồi... bay vút. Ôi... cánh chim sổ lồng thì làm sao để giữ. Mấy anh TQLC ngó theo chửi mấy câu nhưng khi thấy bọn chúng tôi đang lớ ngớ dở khóc dở cười chắc cũng động lòng... thương hại bèn an ủi một câu nghe „trớt quớt“:
- Chắc mấy ổng bay về căn cứ Phan Rang, thôi mấy anh chịu khó đến đó rồi gặp nhau chứ gì...
Đúng là một cách đuổi khéo, chắc là trách cả nhóm chúng tôi vô tình vô nghĩa. Trời ạ, biết Phan Rang ở đâu mà tìm, hơn nữa cả bọn không còn một miếng giấy lộn tùy thân, đến đó ai cho vô căn cứ. Thôi, đã lỡ „ướt cánh“ rồi thì phải dùng đôi chân vậy. Chúng tôi lặng lẽ kéo nhau ra khỏi cảng, tìm đường ra quốc lộ 1. Có được chút ít tiền của Hùng, chúng tôi chia nhau lót dạ một ít, còn một ít dành trả tiền xe. Tôi đề nghị với mọi người:
- Phi đoàn tôi (213) có một phi đội đang biệt phái ngoài Nha Trang, mình trở ra đó tìm và tháp tùng về Sài Gòn, nếu bất đắc dĩ không gặp thì tôi còn một số người quen ngoài đó sẽ nhờ giúp phương tiện về.
Một người góp ý:
- Bây giờ mọi người đều chạy vào, mình lại trở ra coi chừng nguy hiểm.
Tôi quyết định:
- Thôi bây giờ đã tạm yên rồi, anh em muốn đi hướng nào thì cứ đi. Riêng tôi sẽ ngược ra Nha Trang tìm đường về.
Có 2 người theo tôi, một người nhất định xuôi nam. Tôi chia đều tiền cho mỗi người rồi ra quốc lộ đón xe ngược về Nha Trang. Một chiếc ngừng lại, tiền không đủ cho 3 đứa, chúng tôi thương lượng với chủ xe và ca bài con cá. Xe chạy vào thì chiếc nào cũng đầy người nhưng xe trở ra thì trống trơn nên chủ xe sau một chốc suy nghĩ bèn đồng ý. Có chút ít còn hơn chạy xe không…
Trở ra Nha Trang, không một tờ giấy lộn tùy thân, không nơi cư ngụ, tôi tìm về ngôi nhà trọ trước đây khi đi thụ huấn khóa 1 Sĩ Quan Bổ Túc QS lúc trước, có mấy thằng bạn cùng khóa bay đang theo học khóa 2 ở đây. Lúc nầy Nha Trang đã hỗn loạn, khóa học bổ túc QS đã ngừng và các khóa sinh tự động tìm đường thoát. Tôi và thằng bạn cùng khóa, Quang Volley (PĐ 239) đi sang hậu trạm SĐ2KQ tìm đường về SG. Vì không giấy tờ tùy thân, tôi nhờ Quang đứng ra bảo chứng khi qua cổng gác và được cho vào hậu trạm chờ phương tiện. Mặc dù thành phố đang hỗn loạn, tình hình tại Phi Trường Nha Trang vẫn còn trật tự, chúng tôi được chia thành từng nhóm ngồi tại ụ phi cơ chờ C130 lần lượt bốc đi. Đến phiên nhóm chúng tôi lên tàu, như con chim bị thương một lần, tôi vẫn không tin mình có thể lên được phi cơ. Tôi nhớ trước đây ở Đà Nẵng cũng có chương trình di tản bằng phi cơ C130 nhưng phút cuối đành phải „bơi“, giờ cảnh cũ lại tái diễn. Cho đến khi được ngồi yên ổn trong lòng phi cơ thì bao nhiêu lo lắng mới từ từ tan biến. Về đến Sài Gòn, vừa bước xuống phi cơ thì chợt choáng ngợp trước cảnh an bình tự tại của thủ đô. Trên đường vào hậu trạm, hai hàng nữ sinh áo dài trắng đang đứng „dàn chào“ dòng người di tản, mỗi người được mời một ly nước mát lạnh tẩy trần như để quên đi những cơ cực trùng trùng trên đường vượt thoát. Sài Gòn còn thật yên bình vào những ngày đầu tháng Tư, ít ra là so với các tỉnh miền Trung.
Đầu tháng Tư 1975, trình diện tại phòng Quản Trị BTLKQ, quân số Phi Đoàn chẳng còn bao nhiêu, anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, anh Minh cùng gia đình bạn gái cũng đã về đến Sài Gòn bình an. Còn bao nhiêu người kẹt lại hay rơi rớt trên đường bay về Nam? Một số người gốc miền Trung thì lo âu cho số phận của người thân trong gia đình còn kẹt lại, trong đó có vị PĐT khả kính của chúng tôi, ông cũng phải vất vả và nhiều may mắn mới thoát, rơm rớm nước mắt khi gặp lại anh em và kể về gia đình đang còn kẹt lại không biết giờ ra sao. Dù là dân bay nhưng không ít người đã phải vượt thoát khỏi Đà Nẵng bằng đường biển như những cánh chim trời ướt cánh (trong đó có Đ/u Phi Đội Trưởng của tôi, bơi được ra đến tàu Hải Quân thì ngất xỉu luôn).
Giữa tháng Tư tôi theo Phi Đoàn về „tái phối trí“ tại Cần Thơ, như những đứa con ghẻ èo uột, co cụm một góc để rồi đến ngày 30 tháng 4, không phương tiện, không thế lực, lại thêm một lần „ướt cánh“. Khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi như con chim bị tên đã kiệt lực sau hai lần vượt thoát khỏi Đà Nẵng, Nha Trang và lần nầy thì đành buông xuôi cho số phận trong các trại tù mang danh „cải tạo“ tại vùng 4.
Sau hơn 30 năm xa rời tổ ấm Phi Đoàn, bao nhọc nhằn đè nặng lên cuộc sống của từng cá nhân, kẻ còn người mất. Giờ nhớ lại chuyến di tản đinh mệnh từ Đà Nẵng, hai lần bên cạnh phương tiện vượt thoát khỏi lằn lửa đạn, một ở Đà Nẵng và một ở Cam Ranh, tôi đều để vuột mất nhưng chẳng chút hối tiếc, tôi tin có ơn trên phò hộ nên đã về đến bến bờ bình an. Tôi thuộc dạng người vụng về, chơn chất, an phận nhưng có lẽ như người xưa nói „lù khù có ông Gù độ mạng“ nên qua bao nhiêu gian truân bầm dập, tôi đều vượt qua được, lại còn được cơ hội quen biết và học hỏi từ biết bao đàn anh, những anh hùng hảo hán QLVNCH trong ngục tù cs mà chỉ qua lúc sa cơ thất thế mới biết được.
Viết lên những dòng chữ nầy không phải để trách cứ điều gì vì theo thời gian mọi sân si đều tan biến, còn lại chăng là khối tình chiến hữu keo sơn, là chút hy vọng có thể gặp lại bạn bè chiến hữu ngày xưa, nhất là những người anh em 253 cùng chia “nước” với tôi trong chuyến “vượt biên” lần thứ nhất nầy, nếu tình cờ có đọc được các dòng nầy và còn có dịp gặp lại, chắc không còn gì vui hơn. Kế tiếp là để thật lòng cám ơn những chiến hữu Hải Quân đã cưu mang chúng tôi trong đoạn đường về Nam gian khổ. Cũng còn thiếu sót nếu không cám ơn người bạn cùng khóa Ngụy Hùng PĐ239 đã cho mượn một ít tiền mà nhờ có nó chúng tôi mới có thể ấm bụng và có phương tiện trở về đơn vị. Món nợ ấy vẫn còn đeo đuổi tôi cho đến hôm nay •
Tiểu Chùy
Đơn vị mà tôi hãnh diện được chỉ huy luôn đoạt phần thưởng xuất sắc về đủ mọi phương diện: an phi, kỷ luật, chiến tích, phi diễn v...v....
Nói về kỷ luật cao, thì đâu thấy ai bắt được nhân viên nào của PĐ514 vi phạm kỷ luật gì đâu, để mà thưa với gởi (tôi muốn nói là ít nhất trong thời gian tôi chỉ huy, từ cuối 69 đến đầu 74). Hể không nói thì thôi, đâu ai biết gì mà làm bậy.
Không biết anh em còn nhớ, sau thời gian Mỹ rút quân, mấy phi công khu trục có lệnh là không được mang bom đạn bay ngang vùng Thiện Ngôn hoặc múc miết trên đồn điền cao su ở vùng Trảng Bom. Thiện Ngôn là nơi VC đồn trú trong thời gian có liên hợp hai bên/bốn bên; còn Trảng Bom là chổ Dương văn Minh hợp. Sau khi có lệnh cấm trên, thì mấy phi công khu trục, cứ mỗi lần hành quân mà không có giải tỏa, thì lén lỏn lên Thiện Ngôn mà free strike, cho hả dạ. Nhưng có chết thằng Tây nào đâu !!!
Chỉ trên phương diện chánh trị mà nói, hành động vô kỷ luật này là vi phạm những qui ước; mà như vậy thì sẽ gây rắc rối cho phe ta trên bàn hội nghị. Nhưng vì không chết thằng Tây nào hết, nên phía VC làm ngơ, không đếm xỉa gì đến chuyện này cả. Anh em không tin thì cứ tìm Sáu Nghĩa hay Tướng Phan Hòa Hiệp mà hỏi xem, có phải vậy không. Còn cái ba gai của tôi là như thế này:
Sau khi Phượng Hoàng số 2 bị SA-7 hạ không bao lâu, tôi có một phi vụ huấn luyện checkout hành quân cho Tr/úy Trương Vĩnh Tân (hiện đang ở Houston, TX). Trên đường về rảnh rang nên mới táy máy tần số FM chơi, không ngờ có tiếng mếu máo kêu cầu cứu: „Đại Bàng nào đang bay trên vùng trời Rạch Bắp/Bến Cát xin cầu cứu ! xin cầu cứu ! Chúng tôi đã cạn đạn dược và lương thực nhiều ngày rồi; vợ con chúng tôi chỉ còn ba trái lựu đạn để tự sát và hiện giờ thì địch đang hô xung phong“.
Đang ở 2000 bộ vì sắp vào initial 1000 bộ, nhìn xuống thì tôi thấy cánh đồng, sau mùa gặt, sao mà xanh lè và dợn sóng như thế này. Nhìn kỹ lại thì thấy toàn là VC đang chạy nhanh về hướng cái đồn địa phương quân hình tam giác ở phía trước.
- „Diamond 2, bốn mươi, hai ngàn sáu, quan sát SA-7“, tôi vừa ra lệnh cho số 2 và đồng thời liên lạc trên FM với đồn: „Cầu cứu Đại Bàng, anh cho mọi người xuống hầm, đậy nấp kín lại, không cho mưa dột, rõ không ?“
- „ Rõ, năm trên năm“ „ VC đang trèo thang để đột nhập vào đồn đó“.
Không hiểu lúc bấy giờ có cái gì Linh Thiêng đã thúc đẩy tôi lấy quyết định rất nhanh và sáng suốt nữa (ít ra là tôi nghĩ như vậy). Nếu không thì VC đã nuốt trọn Rạch Bắp, qua sông Sài Gòn cách đó có 2km, vào Củ Chi rồi
tiến thẳng vào Sài Gòn trước 30 tháng 4 rồi. Và đâu còn Rạch Bắp nữa đâu mà ăn mừng chiến thắng.
Rạch Bắp nằm giữa Bến Cát và Củ Chi, xin xem bản đồ.
Vì đã có kinh nghiệm Thanh ngố và Phượng Hoàng 02 bị SA-7 hạ trong vùng này nên tôi phải rất cẩn thận mới được. Rủi như chính địch giả mạo gọi cấp cứu thì sao.... Ngay cả đàm thoại với đồn cũng vậy, phải ngắn gọn và dù địch có bắt được tần số này đi chăng nữa, không để cho họ hiểu được ý định của mình làm gì.
- „Diamond 2 giữ cao độ này (9000 bộ, vì SA-9 lên tới 11000 bộ lận), theo dõi tôi nhưng đừng theo tôi nhe. Có gì thì Biên Hòa ở hướng 8 giờ của 2 đó“.
Rồi một lần nữa tôi áp dụng chiến thuật truy kích mà tôi đã học được trong khóa Phi Tuần Phó khu trục, cách đó chín năm. Lần thứ nhất là lúc đi Bắc Phạt (1965).
Cái đồn hình tam giác đều. Tôi vẽ một đường ảo thẳng góc với đáy qua đỉnh của tam giác, kéo dài ra khoảng 5km, lấy đó làm điểm xuất phát. Rồi set collimateur cho napalm. Tôi phải spiral down vì quá cao (9000 bộ) mà napalm thì sát đất (rase-mottes), chấp cho thiện xạ VC nào hạ được PH Kim Cương. Trong lúc xuống cao độ thì cho armament ON. Gió mùa này lại giúp cho Kim Cương nữa. Đỉnh tam giác cũng hướng vào gió. Có Thiên thời, Đia lợi, Nhân hòa, còn gì nữa mà không hạ được địch đây. Khi xuống tới cách mặt đất khoảng 50-100 ft rồi thì tôi lấy hướng tới đỉnh tam giác của đồn. Aim short khoảng 25m, bấm trái bom đầu tiên. Rồi tới cột cờ
giữa sân đồn, giật tay salvo trái bom thứ hai. Vì sợ bom không rớt nên mới salvo cho chắc ăn. Anh em có biết không? Lửa của trái bom đầu tiên nhờ gió mạnh thổi tới đỉnh của tam giác và tiếp tục chạy dọc theo và bao phủ cả hai cạnh của đồn. Còn trái bom thứ nhì thì chạm vào phía trong của đáy tam giác, lửa tỏa ra hai bên bao phủ cả cạnh đáy của đồn. Mấy đứa đã đột nhập được vào trong đồn thì bị trái bom thứ hai này thiêu rụi.
Còn mấy đứa đang leo lên vách thành thì rụng như mấy con thiêu thân vào ngọn lửa đèn vậy đó. Địch bị ba mặt hỏa công chết ráo trụi như ở trận Xích Bích trong truyện Tam Quốc vậy.
Tôi tiếp tục bay rase-mottes thẳng về phía trước chừng một phút, rồi kéo mũi phi cơ thẳng đứng lên và tiếp tục lấy cao độ theo vòng xoáy ốc để dễ quan sát SA-7.
- „Diamond 2 còn thấy tôi không? Về đáp!“
Tôi đã lên tới 2000 bộ, vừa lắc cánh cho số 2 vào hợp đoàn sát cánh, vừa lấy hướng về Biên Hòa đáp. Trước khi gọi đài để xin chỉ thị đáp, tôi liên lạc với đồn để lên hốt xác VC. Cái đồn chỉ còn mấy làn khói trắng mịt mờ che phủ.
- „Xin Đại Bàng cho biết số phi vụ“.
- „Thiên Sứ đã sai tôi đến cứu anh em đó, làm gì có số phi vụ. Hãy cầu nguyện Ơn Trên đi. VC đã nướng trọn đơn vị chính của họ vào trong đồn này rồi, không còn khả năng để quấy rầy anh em nữa đâu. An tâm chờ tiếp viện nhe. Chúc An Lành.“ Tôi trả lời đùa với họ để họ lấy lại tinh thần, rồi đổi sang tần số đài về đáp.
Sau khi debrief cho Tr/úy Tân, tôi dặn dò kỹ không cho Tân nói gì hết, mà thật sự Tân cũng chẳng biết gì hết, chỉ theo dõi thấy tôi biểu diễn lả lướt đường bom napalm, mà mục tiêu là cái đồn quân bạn, vì tôi không cho Tân tần số FM mà tôi liên lạc với đồn.
Chổ ba gai của tôi là trong phi vụ huấn luyện mà mang bom thật và dám sử dụng bom đạn vào một nơi không có frag order chỉ định. Chắc anh em cũng có thể dư biết được tội này phải xử như thế nào rồi. Một tuần lễ sau, trên đường Thống Nhất, ngay trước Dinh Độc Lập, dân chúng ăn mừng chiến thắng Rạch Bắp. Tổng Thống đích thân ra thăm hỏi và ủy lạo chiến sĩ các đơn vị đã tham chiến.
Cho đến giờ phút này cũng không nghe ai có thắc mắc gì về chiến thắng Rạch Bắp cả. Và tôi cũng không biết tin tức gì của mấy người đã chết đi sống lại ở trại Rạch Bắp này ra sao nữa.
PhượngHoàng KimCương
Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...
No comments:
Post a Comment