Sunday, March 31, 2019

Cuối Đường - Truyện ngắn của BĐQ Vương Mộng Long



Cuối Đường
- Truyện ngắn của Vương Mộng Long
Audio | Nghe Truyện Xưa





Truyện ngắn của Vương Mộng Long




Hình: Người lính VNCH nả đạn vào xe tăng Việt cộng khi chúng vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng ngay sau đó ông D V Minh đã kêu gọi QLVNCH buông súng vô điều kiện, ngụy cớ: an toàn cho người dân.


https://youtu.be/cLQ-DmqUSfA

 

..........................................................................................................................................

 

CUỐI ĐƯỜNG


"Vinh quang một đời của người cầm quân là một món nợ.
Nợ với tổ quốc, với đồng bào, và với thuộc cấp của mình!"...
(Vương Mộng Long)


Bảy giờ sáng ngày Ba Mươi tháng Tư 1975, tôi dừng quân trên một tọa độ cách thủ đô Sài-Gòn hơn hai chục cây số. Nơi đây là đoạn cuối của Quốc Lộ 1. Chỉ còn một quãng đường ngắn ngủi nữa thôi, Quốc Lộ 1 sẽ chấm dứt.

Xuất Quân - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
http://youtu.be/rcmewCwA8mc
Tối qua, 29 tháng Tư chúng tôi rút về tới Long-Bình thì Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân đã di chuyển đi đâu mất rồi. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của tôi như con gà con lạc đàn. Tôi vào máy gọi Liên Đoàn 24 BĐQ, gọi Tiểu Đoàn 81 BĐQ, gọi Tiểu Đoàn 63 BĐQ, và gọi cả Sư Đoàn 18 BB/HQ trên tần số riêng. Tần số nào cũng rối loạn. Tôi không bắt liên lạc được với ai. Nửa đêm, thình lình máy vô tuyến đưa lệnh, chẳng hiểu của giới chức nào, chỉ vắn tắt một câu:

— "Các đơn vị cấp tốc rút về phòng thủ Sài-Gòn!"

Mờ sáng Ba Mươi tháng Tư, chúng tôi bỏ Long-Bình, rồi từng bước, rút về hướng thủ đô, để "phòng thủ thủ đô". Cuối cùng, lết bộ tới Cầu Hang (Biên-Hòa) thì mỏi mệt quá, tôi cho quân dừng lại nghỉ. Trên Quốc Lộ 1, cách Cầu Hang chừng hai trăm mét, hơn sáu chục người lính sống sót cuối cùng của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân bơ vơ.

Vào giờ này, quân số Tiểu Đoàn 82 BĐQ bách thắng của Quân Khu 2 còn lại chừng nửa đại đội, với bốn sĩ quan là tôi (Thiếu Tá Vương Mộng Long), Thiếu Úy Thủy, Trung Úy Trâm, Chuẩn Úy Thiều cùng hơn sáu mươi binh sĩ. Ông Đại Úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu Đoàn Phó chết đêm 28 tháng Tư. Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Phước và Trung Úy Đăng mất tích. Thiếu Úy Châu đi thụ huấn chưa về. Thiếu Úy Học, Thiếu Úy Hoàng vắng mặt từ chiều 27 tháng Tư, trước khi tiểu đoàn vào vùng. Chuẩn Úy Gấm, Chuẩn Úy Trung, Chuẩn Úy Lê Văn Phước (Ban 3) cùng Trung Úy Trần Văn Phước thất lạc trên đường rút lui từ Hố-Nai về Long-Bình ngày hôm qua.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa


Từ nửa khuya, những đơn vị đồn trú ở Long-Bình đã bắt đầu theo cơ giới rút đi. Lúc tôi tới Cầu Hang thì những vị tu hành áo vàng của ngôi chùa Theravada bên kia lộ đang lên xe chạy về hướng Sài-Gòn. Giờ này họ đã quay trở lại. Họ trở lại chùa, vào phòng, khóa chặt cổng ngoài. Có một điều lạ lùng, khác với những lần rút lui từ Quảng-Đức và từ Long-Khánh, đó là, trong lần rút bỏ Biên-Hòa này, tôi không thấy dân chúng bồng bế nhau chạy theo quân đội.

Chiếc xe nhà binh sau cùng di chuyển qua Cầu Hang đã khuất bóng từ lâu. Khoảng tám giờ sáng thì không còn ai đi sau chúng tôi nữa. Sau lưng chúng tôi, thành phố Biên-Hòa có lẽ đã rơi vào tay Cộng Quân.

Trước mắt chúng tôi là Quốc Lộ 1, dài mút mắt, hướng Sài-Gòn. Cuối trời hướng tây có từng cột khói đen cuồn cuộn bốc lên. Trong vài túp lá, quán cóc bên đường xe lửa, xác những người bạn Nhảy Dù chết cách đó một vài ngày còn nằm trên sạp tre. Họ đã hy sinh khi nhổ chốt địch để lấy lại đoạn đường quanh Cầu Hang. Tôi không còn tâm trí đâu mà lo chôn cất cho những người bạn đã kiêu dũng nằm xuống này. Chính tôi cũng không rõ số phận chúng tôi sẽ như thế nào trong vài giờ sắp tới.

arvnsoldier51 Mười giờ sáng Ba Mươi tháng Tư năm 1975. Tôi thẫn thờ rời cái quán cóc bên đường. Chiếc xe Jeep của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB đã khuất dạng nơi khúc quanh có vườn cây xanh, về hướng Thủ-Đức. Tư lệnh đã quay lại tìm tôi, nhưng giây phút cuối cùng, chúng tôi không kịp gặp nhau.

Vào giờ phút này, trên máy thu thanh, ông Dương Văn Minh đang oang oang ra lệnh cho chúng tôi buông súng. Ông Dương Văn Minh gọi kẻ thù của chúng tôi là "những người anh em" Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, buổi sáng Ba Mươi tháng Tư năm 1975, cuộc chiến tranh Việt-Nam hai mươi năm đi vào trang chót. Đứng trên đường tà vẹt, tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng tự hỏi,

— "Có phải ta đang trong cơn ác mộng hay không?"

— "Sao chiến tranh lại có thể kết thúc một cách đột ngột, vô lý, và thê thảm như thế này?"

Chua xót thay! Tôi không mơ. Tôi đang sống với thực tế phũ phàng. Thằng Y Don Near nắm chặt sợi dây ba chạc của tôi, nó khóc sướt mướt,

Quân Lực VNCH

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

— "Thiếu Tá ơi! Sao lại thế này? Thiếu Tá ơi! Hu... hu... hu..."

Từ chiếc máy PRC 25, trên lưng nó, trong tần số liên đoàn, có nhiều giọng đàm thoại lạ. Những hiệu đài không quen, gọi nhau, chửi thề, quát tháo, than van...

Trước mắt tôi, bên kia đường, lá cờ ngũ sắc trong sân chùa bay phất phới. Hai bên quốc lộ, những bộ rằn ri còn bố trí, thế tác chiến sẵn sàng. Những người lính Biệt Động đang chăm chú nhìn cấp chỉ huy của họ. Họ nhìn tôi với ánh mắt của những đứa con nhỏ đang nép mình trong lòng mẹ, vào những buổi ngoài trời dông bão, mịt mù sấm sét. Cảnh này quen thuộc lắm. Những khi tình hình nghiêm trọng, thuộc cấp của tôi thường chờ đợi quyết định của tôi với những cái nhìn kính cẩn, tin tưởng và thương yêu như thế này.

Trong mười năm chiến trận, đã có đôi lần tôi bị bỏ lại đàng sau. Đôi lần đơn vị tôi bị dồn vào tình trạng vô cùng nguy khốn, thập tử nhứt sinh, nhưng thấy con chim đầu đàn còn hiện diện, những người lính dưới quyền tôi vẫn không xiêu lòng, không bỏ vị trí. Nhưng sáng nay, trước mắt họ, người chỉ huy của họ đã trở thành một hình nhân, bất động.

Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân - Quân Khu 2

Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Khu 2 ngày 30 tháng 4 năm 1975

Thực sự, tôi không biết phải làm gì bây giờ. Radio chỉ có một chiều; tôi chỉ nghe được; không trả lời được; không hỏi lại được. Có ai cho tôi biết ông Dương Văn Minh lên chức tổng thống lúc nào đâu? Tôi biết hỏi ai rằng ông tổng thống này là thiệt hay giả?

Theo tôi biết, ông tướng này, sau khi giết cụ Diệm để tiếm chức, đã bị các nhóm khác hất cẳng về vườn lâu rồi. Sao tự nhiên ông ta trở thành Tổng Thống Việt-Nam Cộng-Hòa được nhỉ?

Sao một thường dân có thể lên làm tổng thống dễ dàng thế nhỉ? Đùng một cái, sáng nay, ông ta ra lệnh cho tôi buông súng. Đầu hàng? Đầu hàng cách nào? Đầu hàng ở đâu? Đầu hàng với ai? Giữa đồng không, tôi đứng chết trân. Mặt trời lên, thày trò chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau. Những bàn tay đen đủi Bana, Jarai, Rhadé đưa lên quyệt nước mắt.

Hướng Tân-Uyên có tiếng trống múa lân thùng! thùng!... thùng... thùng... nghe lớn dần... lớn dần. Tới Cầu Hang, đoàn múa lân quẹo phải, về tây. Tôi thấy một cán binh Cộng-Sản vai quàng AK, vác lá cờ Mặt Trận Giải-Phóng Miền-Nam đi đầu, tiếp đó là cái đầu lân nhảy múa, rồi một đoàn người điên cuồng, la hét, hoan hô, đả đảo, nối theo sau. Tiếng loa vang vang,

— "Hoan Hô Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam!"

— "Hoan hô!... Hoan hô!"

Thùng!... Thùng!... Hoan hô!... Hoan hô!... Thùng!... Thùng!... Tiếng loa và tiếng trống lân dập dồn theo gió; lá cờ Giải-Phóng khổng lồ, xanh đỏ, uốn éo trong gió.

— "Đù má tụi mi! Tụi mi chọc giận ông phải không?"

Chửi thề xong, ông Hạ Sĩ Phi xả hết một dây đạn M60 về hướng đoàn múa lân. Chỉ là bắn dọa! Đạn bay cao. Đoàn múa lân như ong vỡ tổ, chạy tán loạn. Chiếc đầu lân bị vứt chỏng chơ giữa đường. Thằng VC vác cờ cũng quăng cờ, bò lê, bò càng tìm chỗ tránh đạn.

— "Thôi! Ta đi!" Tôi ra lệnh cho những người lính cuối cùng của đơn vị.

— "Mình đi đâu bây giờ, Thiếu Tá?" Thiếu Úy Thủy băn khoăn hỏi.

— "Thì cứ đi về hướng Sài-Gòn, tìm xem có ai ở đâu đó, mình nhập vào với họ."

Tôi trả lời Thủy. Mà chính tôi cũng chẳng biết mình sẽ dẫn đơn vị đi về đâu! Không mục tiêu, chúng tôi đi rất chậm.

— "Thùng!... Thùng!... Hoan hô!... Hoan hô!", chúng tôi đi được chừng nửa cây số thì đoàn múa lân lại tiếp tục theo sau lưng.

— "Hoan hô! Hoan hô cái mả cha tụi mi!" Hạ Sĩ Phi lại đổ quạu.

— "Cành! Cành! Cành!... Cành!... Cành! Cành!" Một dây đạn đại liên M60 lại quét ngược về đàng sau. Vẫn chỉ là bắn dọa! Đạn bay cao. Thằng VC vác cờ lại vội quăng cờ núp đạn. Cái đầu lân lại bị ném chỏng chơ trên mặt đường. Đoàn múa lân lại tán loạn chạy chết.

Chúng tôi tiếp tục lê gót theo đường, về hướng Sài-Gòn. Cứ đi được vài trăm mét, lại dừng chân nghỉ mệt. Có mục tiêu nào cho chúng tôi tìm tới đâu mà phải vội vàng? Khi đi ngang khu núi đá vôi Bửu-Long thì thằng Don đưa ống nghe cho tôi,

— "Có Hai Lẻ Bảy (207) gọi Thái Sơn!"

Tôi nghe tiếng Trung Tá Hoàng Kim Thanh, Liên Đoàn Trưởng LĐ24/BĐQ,

— "Thái Sơn! Đây Hai Lẻ Bảy! Anh cho hai chiếc xe tới đón chú và con cái về Đường-Sơn Quán. Các đơn vị đang tập trung ở đây chờ lệnh!"

Giọng anh Thanh vẫn bình tĩnh, từ tốn, không có vẻ gì là lo lắng.

Nghe ba tiếng "Đường-Sơn Quán", tôi chợt nhớ thời 1971-1973, ở BCH/BĐQ/QK2 có một biệt đội Biên-Vụ (Viễn Thám) do tôi thành lập, huấn luyện, và trực tiếp chỉ huy. Sáu toán Biên-Vụ trang bị AK, dép râu, nón tai bèo, nghênh ngang, xuôi ngược trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, dọc theo biên giới Việt, Miên, Lào, trong căn cứ địa 609, 613, 701, 702, 740. Những cú nổ mìn phá ống dẫn dầu, phá xe tải, bắt cóc cán binh, dọc Trường-Sơn Đông, phá Ngầm 24 trên sông Sé San là một mối đe dọa kinh hoàng hàng ngày đối với đoàn quân xâm lăng vào từ phương Bắc.

Chuyện chúng tôi xuất, nhập các mật khu, huấn khu địch, xảy ra như cơm bữa. Những tay súng dưới quyền tôi cũng yêng hùng, ngang tàng như các hiệp sĩ trong phim Hồng-Kông. Họ quen gọi tôi là "Anh Hai". Bất cứ giờ nào, dù đang lội trong rừng gai mây Plei-Trap Valley hay trong rừng khọt Nam Lyr (Cam bốt), họ vẫn nghe được tiếng "Anh Hai" của họ, từ một đỉnh núi cao nào gần đó. Thỉnh thoảng, "Anh Hai" lội rừng chung với họ để thi hành những nhiệm vụ gay go do Quân-Đoàn II giao phó. Tôi và họ, thương nhau như anh em cùng mẹ, cùng cha. Khi cuốn phim "Đường-Sơn Đại-Huynh" được chiếu trên màn ảnh các rạp Diệp-Kính, Diên-Hồng, Thanh-Bình, ở Pleiku, thì đàn em của tôi gán cho tôi biệt danh "Đường-Sơn Đại-Huynh" chỉ vì tôi có cái tên Long, trùng với tên ông Lý Tiểu Long, tài tử chính của phim này.

Sau khi "Anh Hai" vào Plei-Me nhận Tiểu Đoàn 82/BĐQ/BP, đơn vị này bắt đầu đánh giặc với cái phong thái "Đường-Sơn" khiến quân thù vừa nghe tên đã khiếp vía. Tôi ở Cao-Nguyên mút mùa, làm sao biết được ở Sài-Gòn cũng có cái quán được đặt tên như trong phim võ hiệp của Tàu? Tôi mở miệng định hỏi anh Thanh tọa độ của Đường-Sơn Quán thì máy liên đoàn đã cúp. Tôi đành cho anh em ngừng lại bên đường, chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, hai chiếc xe be từ hướng Thủ-Đức chạy lên. Xe ngừng, ông tài xế ló đầu ra lớn tiếng hỏi:

— "Có phải Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đó không?"

— "Phải rồi! 82 đây!"

— "Lên xe đi! Tôi chở các ông về Đường-Sơn Quán!"

— "Có ai ở đó không?"

— "Đông lắm! Có lẽ các ông là những người tới sau cùng."

Xe trở đầu, chúng tôi lên xe. Tôi, Trung Úy Trâm và thằng Don ngồi trên cabin chiếc xe đi đầu. Chú Thủy và chú Thiều đi xe sau. Thành xe be thấp hơn thành xe GMC, không có thế để đứng, những người lính đành phải ngồi chồm hổm. Ông tài xế xe be, cười rất tươi,

— "Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Hết đánh nhau rồi các anh ơi!"

Tôi là một người lính nhà nghề, nên dù cho "hòa bình" có ở ngay trước mắt, hiệu lệnh phản phục kích xe vẫn được tôi ân cần nhắc nhở cho thuộc cấp. Hai khẩu M60, một của Hạ Sĩ Phi, một của Trung Sĩ Tài, được đặt trên nóc buồng lái của hai chiếc xe be.

Xe đang bon bon trên con lộ vắng thì khựng lại, bò từ từ. Trên mặt lộ, đàng xa, có người dang tay phất phất lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, ra hiệu cho xe chạy chậm lại. Tới gần, tôi nhận ra một du kích Việt-Cộng, quân phục xanh, mũ tai bèo, dép râu. Tên du kích cột lá cờ trên cánh tay phải, cờ phất lia, phất lịa. Tay trái nó dương họng khẩu AK 47 hướng vào đầu xe của tôi. Xe vừa ngừng thì hai bên đường có tiếng la:

— "Bắn! Bắn!... Không cho đứa nào chạy thoát!"

Rồi thì tiếng súng đủ loại rộ lên. Những người lính Việt-Nam Cộng-Hòa trên hai chiếc xe be vừa ngừng trên mặt quốc lộ trở thành những cái bia sống. "Hòa bình" rồi, tại sao người ta nỡ đang tay giết chúng tôi, khi chúng tôi đang trên đường về điểm tập trung để buông súng?

— "Choác! Choác!.... Choác!"

Tôi tối tăm mặt mũi vì loạt đạn bất ngờ. Tấm kiếng che gió của chiếc xe tôi đang ngồi lãnh cả chục viên AK của loạt đạn đầu tiên. Mảnh thủy tinh văng rào rào trên đầu, cổ, mặt mũi tôi. Ông tài xế gục trên vô lăng. Thùng nước xe bể, hơi nước phun "phì... phì..." che kín đầu xe. Tôi phóng nhanh xuống đường. Sau một cái lạng mình, tôi đã ở đàng sau thành xe. Tôi rút khẩu Colt 45, vẩy một viên về hướng thằng du kích. Viên đạn trật mục tiêu. Một Biệt Động Quân vừa nhảy khỏi xe, té trên mặt đường. Hình như anh ta bị trúng đạn, không ngồi dậy được. Tôi giựt khẩu M16 trên tay anh,

— "Đưa tao!"


Tôi kéo cơ bẩm. Đạn tuôn ra khỏi nòng. Tên du kích giãy giụa trên vũng máu. Lá cờ Mặt-Trận phủ trên mình thằng du kích.

Tôi ghếch mũi súng về lề phải con đường, nơi hàng chục họng AK và B40 đang đua nhau nã đạn vào hai chiếc xe be.

— "Oành!"

Một trái B40 nổ ngay trước mặt tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nhiều mảnh B40 và đá, sỏi đã ghim vào cẳng mình. Chủ nhân khẩu M16 mà tôi đang xử dụng bị bay mất cái đầu; máu từ cổ anh xịt thành vòi; phần thân thể còn lại của anh giựt giựt trên mặt lộ.

Khẩu B40 cách tôi chỉ vài sải tay, ngay bên kia đường. Tôi nhắm đầu thằng xạ thủ B40 quạt một tràng M16. Ngón tay tôi tiếp tục siết cò. Địch đông lắm. Chúng đứng lố nhố trong vườn có những luống đậu, dây leo. Một băng đạn ria đại vào đây cũng có thể hạ gục cả chục tên.

Chúng tôi không dự trù sẽ vướng vào một cuộc giao tranh vừa bất ngờ vừa điên cuồng này. Chúng tôi ở vào cái thế không biết xoay trở cách nào để phản công. Thôi, đành liều mạng! Ai đang ở đâu nằm tại đó, chống trả. Cũng may, đêm qua, ở Long-Bình, chúng tôi có cả kho đạn lận lưng cho ngày hôm nay.

Đạn địch từ hai bên đường trước mặt tôi tưới như mưa vào những người lính còn đứng trên xe. Những thân hình rằn ri rơi rụng xuống mặt lộ. Có người chân vừa chạm đất, đã lăn ra chết. Có đôi người vừa nhảy ra khỏi sàn xe, còn lơ lửng trên không, tay đã bóp cò, nã đạn về hướng địch. Hầu như ai cũng lo bóp cò. Không ai để ý đến thân thể mình đã trúng thương nơi đâu.

Hạ Sĩ Đinh Lít nằm nghiêng dưới gầm xe, tay trái anh đã trúng đạn, xuội lơ, tay phải ôm cứng khẩu M16. Anh nằm trên vũng máu, mặt anh tỉnh như không. Mặc cho đạn địch cài dày dặc xung quanh. Với một tay còn lại, anh liên tục bắn hết băng đạn này, tới băng đạn khác. Lựu đạn miểng, lựu đạn nổ, lựu đạn cay, B40, M72, chớp nhóa,

— "Cành! Cành!..."

— "Choác! Choác!..."

— "Xoẹt! Xoẹt!..."

— "Oành! Oành!..." Hai bên đường, địch vẫn tiếp tục ào ra. Xác Việt-Cộng đè lên nhau từng lớp, ngổn ngang.

— "Cành! Cành! Cành!..." Trên xe, Hạ Sĩ Phi vừa rải từng tràng M60 về phía quân thù, vừa la rú như người mất trí,

— "Đù má tụi mi! Chết cùng chết! Ông chết! Tụi mi cũng chết!"

Trưa Ba Mươi tháng Tư, trên đoạn cuối của Quốc Lộ 1, một cuộc hỗn chiến loạn đả xà bần đã diễn ra giữa thanh thiên, bạch nhựt. Dân chúng tràn ra đường, xem hai bên đánh nhau. Có đôi ba người dân thường, liều mạng chạy vào khu giao tranh, mang vác những Biệt Động Quân bị thương đem đi cứu cấp. Khẩu đại liên của Trung Sĩ Tài trên xe thứ nhì đã được di chuyển xuống lề đường. Điều lạ là, hai phụ xạ thủ của Tài lại là hai em bé trai, tuổi khoảng mười hai, mười ba. Như vậy có nghĩa là, người phụ xạ thủ và tải đạn của Tài đã bị loại ra ngoài vòng chiến.

 photo HQPD_1371785289-2.jpg
Đạn nổ rền trời. Đạn bay qua. Đạn bay lại. Việt-Cộng chết. Biệt Động Quân chết. Dân chúng cũng chết! Những người lính Biệt Động cuối cùng của Plei-Me, Vùng 2, ruột đổ lòng thòng vẫn ôm súng bắn như khùng, như điên. Hết đạn, những con cọp giãy chết đành dùng tất cả những gì cha mẹ ban cho để tự vệ: Nắm đấm, gót chân, đầu gối, khuỷu tay và cả... răng cũng được xử dụng. Trong phút giây tuyệt vọng, những chiến sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa lăn xả vào địch, la hét, vật lộn, đấm đá, cào cấu, cắn xé... Binh Nhứt Liêu Chí Cường (gốc Chợ-Lớn) trước khi chết, còn cố ôm cứng một thằng địch để cắn vào mặt nó. Tôi biết chắc người đó là chú Cường, vì cái khăn len xanh cố hữu, bốn mùa quấn trên cổ chú (cái khăn của người tình phụ).

Tôi đã bắn hết số đạn mang theo trên lưng người lính nằm chết dưới chân tôi. Tôi vừa rướn người, quơ quào được một băng M16 trên sàn xe thì đạn 12,7 ly của địch từ xa ào ào bắn tới. Có tiếng Trung Úy Trâm thét lên, bên hông trái xe,

— "Thái Sơn ơi! Hình như tank tới!"

— "Làm gì có tank! Chỉ có 12,7 ly thôi!"

Đạn phòng không của Việt-Cộng quét sát mặt đường nhựa, tóe lửa khi nổ lần thứ hai. Những viên 12,7 ly nổ "đúp" (hai lần), chui qua thân người bị đạn, hất thân mình người đó lên khỏi mặt đất, đục những lỗ to như bàn tay trên thân thể nạn nhân. Trên mặt lộ là cả chục xác Biệt Động Quân không toàn thây. Khẩu M60 của Hạ sĩ Phi đã gãy nát. Hạ Sĩ Phi vỡ óc. Hạ Sĩ Đinh Lít cũng vỡ óc. Sáu bánh xe be xẹp lép. Chiếc xe nằm bẹp xuống mặt đường. Trên sàn xe, trên mặt lộ, chỗ nào cũng ngập máu. Máu đọng thành vũng, máu chảy tràn xuống ruộng.

Bên tôi, không còn khẩu M16 nào hoạt động. Những Biệt Động Quân đi trên xe thứ nhứt có lẽ đã chết gần hết. Những người đi trên xe thứ nhì đang là mục tiêu cho khẩu 12,7 ly. Tôi thấy họ rút chạy vào ruộng mía bên phải quốc lộ. Đám dân đứng xem đánh nhau, bị trúng đạn cũng nhiều.

Súng của tôi lại hết đạn rồi. Tôi trườn ra giữa đường để nhặt khẩu AK và giây đạn của tên du kích. Khẩu đại liên của Trung Sĩ Tài đã gãy làm đôi. Hai em bé tải đạn cho Tài đều chết vì trúng đạn 12,7 ly. Trung Sĩ Tài đang lăn lộn trên vũng máu. Tôi lăn mình vài vòng, tới bên Tài. Tài nhìn tôi, thều thào,

— "Chạy đi!... Ông thày... chạy đi!..."

Tôi định xốc Tài lên để dìu anh vào lề đường thì hai mắt anh đã lạc. Đạn bay xém bên mình tôi, nổ "toang toác!" trên mặt lộ. Chợt ai đó nắm sợi dây ba chạc sau lưng tôi, lôi tôi chạy về bờ ruộng bên trái quốc lộ.

— "Anh em chết hết rồi. Chạy đi, thày ơi!" đó là tiếng Trung Úy Trâm.

— "Toác!Toác!"

— "Chíu! Chíu!"

Đạn địch đuổi theo. Tôi cắm đầu chạy. Chạy được một đỗi thì tôi đuối sức, lảo đảo. Trâm bèn ghé vai, vác tôi lên lưng. Trâm khỏe như một đô vật. Trâm cõng tôi, nhanh chân lẩn vào rặng dừa bên trái lộ. Hết vạt dừa, Trâm đặt tôi xuống đất.

Quân Lực VNCH

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Chúng tôi lội trên mảnh ruộng vừa gặt xong. Chân tôi vướng gốc rạ. Tôi ngã bổ nhào trên mặt ruộng. Trên mặt ruộng có những đồ chơi của trẻ con vương vãi đó đây. Một con búp bê bằng nhựa, một cái xe hơi bằng nhựa, những chén bát nhỏ tí, cũng bằng nhựa, màu mè xanh đỏ. Tôi chợt nhớ tới gia đình vợ con tôi ngoài Ban-Mê-Thuột. Chắc vợ con tôi đã chết hết. Tôi nghĩ tới đất nước tôi. Đất nước tôi đã mất. Đơn vị tôi đã tan tác. Một phút bất thần, phẫn uất, tôi rú lên như con thú,

— "Ôi!... Ôi!... Ông Trời ơi!... Ông Trời ơi!... ơi... ơi..."

Tôi rút khẩu súng Colt ra, kê nòng súng vào mang tai mình, bóp cò. Bàn tay như sắt nguội của Trung Úy Trâm phạt ngang một cú Karaté. Viên đạn bay lên trời. Khẩu Colt văng trên mặt ruộng.

— "Trâm ơi! Làm ơn!... Cho anh chết! Trâm ơi!..."

Nước mắt dàn dụa, tôi thất vọng, van lơn. Chẳng nói chẳng rằng, Trung Úy Trâm lầm lì, xốc vai tôi bước đi. Ngoài lộ vẫn còn lác đác tiếng đạn bắn qua, bắn lại và tiếng lựu đạn nổ. Trâm lột sợi dây ba chạc của tôi, của anh, mũ sắt của tôi, của anh, vứt trên một gò mả. Trâm từng bước dìu tôi về hướng xóm làng gần đó. Giờ đó tôi như con sên yếu đuối, mặc cho chú Trâm tha lôi đi đâu thì đi. Chúng tôi vừa đụng đầu một con lộ đất thì một nông dân đạp xe tới chặn đường:

— "Ông Thiếu Tá bị thương hả?"

Thói quen, ngược đời, đi trận tôi thường đeo lon trắng. Về nhà tôi lại đeo lon đen. Người dân đã nhìn thấy cặp lon trắng của tôi. Ông cụ có vẻ động lòng,

— "Ông Trung Úy lấy xe này đưa Thiếu Tá chạy đi! Luẩn quẩn ở đây lâu không tốt đâu!"

— "Cám ơn cụ!"

Trâm lanh tay nhận chiếc xe đạp thồ từ tay người dân tốt bụng.

Con lộ đất dẫn tới một văn phòng Hội Đồng Xã, cửa đóng, khóa ngoài. Rồi con lộ đất dẫn vào một ngôi nhà thờ xứ đạo. Trong sân nhà thờ, lố nhố nhiều người đang tập trung. Một cái rờ-moọc xe GMC chất đầy súng ống nằm ngay giữa sân. Đó đây, từng đống quân trang, quân phục VNCH vừa bị cởi bỏ. Trâm dựng cái xe đạp ngay giữa sân. Chú đứng quan sát một phút, rồi thở dài,

— "Cởi quân phục vứt đi thì chỉ còn cái áo mayor với cái quần xà-lỏn. Mình làm sao đây, Thái Sơn?"

Tôi rờ rẫm những khẩu M16 trên chiếc rờ-moọc, "Lên đạn. Dựng khẩu súng thẳng đứng. Đưa nòng súng vào dưới cằm. Lách ngón chân vào cò súng. Nhấn ngón chân xuống. Thế là xong!"

Tôi đang suy nghĩ, sắp thử một cú tự giải thoát nữa, thì chú Trâm van lơn:

— "Thày ơi! Thôi đi thày ơi! Đừng bỏ em, thày ơi!"

Trung Úy Trâm ôm chặt vai tôi, khóc nức nở như một đứa bé. Thày trò tôi ôm nhau. "Hu ... hu... hu...."

Những người đứng gần đó, bị nỗi đau đớn chung lôi cuốn, cũng ôm mặt khóc theo. Như giữa đám ma, cả một khu sân nhà thờ xứ đạo vang lên tiếng khóc. Một đám ma không có người chết, mà những người đang đứng đây, chẳng có họ hàng gì với nhau, nhìn nhau, ôm nhau, cầm tay nhau, chúng tôi khóc vùi.

Một thanh niên cưỡi chiếc Honda 90 từ hướng Quốc Lộ 1 phóng tới. Anh kè sát bên tôi, nói nhỏ,

— "Thiếu Tá lên xe, em chở đi trốn."

Trâm đẩy tôi lên yên sau xe, chú leo lên theo.

— "Chúng nó (VC) chết nhiều lắm! Chúng nó bắt được mấy anh lính bị thương, tra khảo họ xem cấp chỉ huy của họ là ai, đâu rồi? Họ khai có ông Thiếu Tá, chắc chết rồi. Chúng kiểm xác chết. Không có xác Thiếu Tá. Chúng đang túa đi lùng. Em sẽ đưa Thiếu Tá đi dấu. Không để cho chúng nó bắt."

Xe chạy trong đường làng quanh co một đỗi thì ngừng. Anh thanh niên dựng xe, đập cửa một căn nhà gỗ, mái dừa.

— "Mẹ ơi! Con đây! Hải đây! Mẹ mở cửa cho con!"

Cánh cửa hé mở, một bà già, tiếng Bắc Di-Cư,

— "Đánh nhau, súng nổ ầm ầm mà mày cứ nhơn nhởn ra đường. Về nhà đóng cửa lại cho tao đỡ lo!"

— "Vâng con về ngay. Mẹ cho con gửi hai anh này. Có ai hỏi, mẹ cứ nhận là hai con của mẹ. Anh Cả, anh Hai đi lính vắng nhà lâu rồi, chòm xóm không nhớ mặt đâu! Mẹ làm ơn, làm phúc. Con đi một chút nữa con về ngay. Mẹ đừng lo!"

Bà mẹ nhìn tôi và Trâm, bà biết ngay hai đứa chúng tôi là sĩ quan QLVNCH đang bị truy đuổi. Bà cụ không dài dòng hỏi han. Cụ đưa tay chỉ cho tôi cái tủ đứng góc nhà,

— "Hai đứa lấy quần áo 'si-vin' của thằng Hải mà mặc vào ngay đi! Đưa quần áo nhà binh cho tao đi giấu!"

Thoáng chốc, tôi và Trâm thành hai anh dân sự. Bà cụ Bắc Kỳ đã chôn hai bộ rằn ri dưới bùn ruộng muống sau nhà. Trước sân, anh thanh niên (Hải) con bà cụ đang bơm lốp xe. Tôi và Trâm ngồi uống nước vối nóng, nghe ngóng động tĩnh. Chợt, ngoài đường có tiếng đối đáp,

— "Anh kia! Anh có thấy hai thằng lính rằn ri Ngụy chạy qua đây không?"
Một giọng Nghệ-Tĩnh gặng hỏi.

— "Có! Chúng nó chạy thẳng sang hướng Thủ-Đức. Đấy! Con đường quẹo phải! Chổ cây dừa nghiêng..."

Tên Việt-Cộng chỉ huy liếc mắt vào trong nhà. Thấy tôi và Trâm, nó hỏi trống không,

— "Chứ hai anh kia làm chi rứa?"

— "Anh Cả và anh Hai của tôi đó!" Hải nhanh miệng.

— "Thưa ông, hai thằng con tôi đi lính ngoài miền Trung. Tụi nó mới đào ngũ về nhà được mấy tuần. Xóm này ai cũng biềt."
Bà cụ phân trần. Thằng Việt-Cộng hết nghi, quay sang đồng bọn, nó ra lệnh:

— "Nhanh lên! Đuổi theo chúng nó nhanh lên! Hướng cây dừa nghiêng. Đừng cho chúng nó chạy thoát! Các đồng chí cẩn thận đấy! Tụi nó có súng!"

Rồi tiếng chân người huỳnh huỵch chạy đi, xa dần. Bà già lấy khoai lang luộc đưa cho chúng tôi ăn đỡ lòng. Anh Hải rồ máy xe. Nửa giờ sau anh trở về,

— "Thiếu Tá đi được rồi! Quân của chúng nó đi hết rồi."

— "Hai con có còn tiền để đi xe về quê không? Nếu không mẹ cho!" bà cụ ân cần.

— "Cám ơn bác. Chúng cháu còn tiền đây. Chúng cháu mới lãnh lương. Mải lo đánh nhau, chưa tiêu đồng nào." Tôi cảm động nói không nên lời. Bà già nhìn chúng tôi, ánh mắt bà chứa ẩn một tấm tình thương xót bao la.

— "Thưa Mẹ! Con đi!"

— "Thưa Mẹ! Con đi!"

— "Anh đi nhé, Hải! Cám ơn Mẹ và em vô cùng!"

Lần đầu tôi gọi một người không sinh ra tôi là Mẹ. Tôi gọi bà là Mẹ, không ngại ngùng, như thể bà đã là Mẹ tôi, đã sinh ra tôi. Tôi và chú Trâm bước ra vườn sau, theo bờ ruộng rau muống, leo lên con lộ đá đi về hướng Thủ-Đức. Tôi biết sau lưng tôi, Mẹ và chú Hải còn trông theo.

Hai đứa tôi nhanh chân nhập vào dòng người hướng về Thủ-Đức. Chợt sau lưng tôi có tiếng gọi,

— "Thái Sơn ơi! Trâm ơi!"

Thì ra người gọi chúng tôi là Thiếu Úy Trần Văn Thủy. Ba thày trò tôi không dám lớn tiếng hỏi han nhau về những gì đã trải qua. Chúng tôi đi như những người dân chạy loạn đang tìm đường về nhà, sau khi im tiếng súng. Chúng tôi vào Thủ-Đức. Nhà nhà, cửa đóng kín mít. Vài chiếc xe Cảnh-Sát cháy dở dang. Vài tiệm buôn bị đốt phá. Trong phố đã xảy ra cướp bóc, hôi của. Cổng Trung-Tâm Cải-Huấn Thủ-Đức mở toang. Sân nhà lao vắng tanh. Tội phạm mới ra khỏi khám đang lộng hành (?) Nhiều người tay mang băng đỏ chở nhau trên Honda, trên xe Ford Cảnh-Sát. Xe chạy nhanh như bay, qua lại nhiều lần trên đường phố.

Tới chợ Thủ-Đức, chúng tôi may mắn đón được chiếc xe Lamb chạy đường Thủ-Đức, Thị-Nghè, giá sáu trăm đồng một người. Chiếc xe Lamb bò ì ạch vì quá tải. Xe chúng tôi qua mặt từng đoàn người bận quần đùi, áo thun, chân đất, đang chen vai nhau, đi về hướng thủ đô. Tôi nhận ra, trong đoàn người áo thun, quần xà lỏn đang đi dưới đường, có Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 81 Biệt Động Quân. Có lẽ anh ta cởi bỏ quân phục nơi Đường-Sơn Quán(?)

Còn cách ngã ba xa lộ Đại-Hàn chừng hơn trăm mét, chúng tôi phải xuống xe đi bộ vòng qua một khu ao cá và ruộng nước bên trái quốc lộ, vì giữa đường có một chiếc tank T54 đang cháy. Có vài cán binh Cộng-Sản Bắc-Việt ôm AK chặn không cho bộ hành và xe cộ qua lại đoạn đường này. Lội hết vạt ruộng thì thày trò tôi tới xa lộ Đại-Hàn. Lúc này, trên xa lộ, tank T54 và xe chuyển quân của CSBV đang nối đuôi nhau hướng về Sài-Gòn. Sau khi cuốc bộ một đỗi, chúng tôi tới cây cầu đúc. Qua cầu, chúng tôi lẫn trong biển người xuôi ngược.

Chúng tôi về tới Thị-Nghè thì mặt trời xế bóng. Giữa cầu Thị-Nghè là một chiếc M41 đứt xích vì B40. Chiếc chiến xa nằm bẹp, bụng xe đè sát mặt cầu. Trên pháo tháp, có vết máu đã khô, nhưng không thấy xác người chết. Bên cạnh đó, vương vãi vài bộ quân phục Việt-Nam Cộng-Hòa, dây đạn, nón sắt, ba lô...

Tôi không dám về nhà mẹ tôi, sợ trong lúc tình hình lộn xộn, chòm xóm biết mình là sĩ quan QLVNCH, sinh chuyện không hay. Để hai người đàn em chờ trên cầu, tôi đi kiếm nhà người quen, xin cho chúng tôi tá túc. Nhà anh bạn Nguyễn Gia Hân của tôi nằm ngay chân cầu. Bạn tôi là sĩ quan Cảnh-Sát, Trưởng Đoàn Phòng Vệ Tòa Đại-Sứ Hoa-Kỳ. Nhà khóa cửa. Có lẽ gia đình bạn tôi đã di tản rồi. Tôi trở lại cùng Trâm và Thủy.

Qua cầu, chúng tôi tiếp tục đi. Bây giờ, trong phố, người qua lại nườm nượp. Bên lề đường, sát tường rào Sở Thú, những người đi hôi của đang bày bán đủ thứ, chăn màn, quần áo, chén bát, sách truyện, tranh ảnh, rượu bia...

Quên đời? Chỉ còn cách uống rượu. Năm trăm đồng một chai Hennessy. Ba thày trò tôi kẹp nách mỗi người một chai. Tôi vẫy tay chận một chiếc xích lô máy để vào Chợ-Lớn, về nhà Trung Úy Trần Văn Phước; vừa có nơi lạ để nghỉ qua đêm; xóm giềng không biết mình là ai; vừa tìm xem chú Phước còn hay mất.

Chiều rồi, nhưng nhà chú Phước còn mở cửa. Trước nhà là cái bảng hiệu "Chiêm-Tinh Gia Trần-Cẩm, Chuyên Bói Bài, Coi Chỉ Tay, Đoán Vận-Mệnh". Bác Cẩm là thân sinh của chú Phước. Xe ngừng, tôi vừa bước xuống đất thì Phước từ trong nhà ào ra ôm chầm lấy tôi,

— "Ôi! Anh Hai! Anh Hai! Mừng quá! Anh Hai ơi!"

Thì ra trong cuộc lui binh dưới mưa pháo ngày 29 tháng Tư, Phước bị tụt lại đàng sau, mất liên lạc với tiểu đoàn. Phước không biết chúng tôi rẽ vào Long-Bình. Phước đi thẳng một lèo, theo xa lộ về tới Sài-Gòn.

Cởi áo chiến binh

Tháng Tư, nhớ tháng Tư nào,
Rưng rưng cởi áo, nghẹn ngào rưng rưng. (Cao Tần?)

Đêm 30 tháng Tư bốn anh em tôi ngồi bên nhau, cạn ba chai rượu. Chú Thủy cho tôi biết rằng, ngay đợt tấn kích đầu của địch, chiếc xe thứ nhì đã bị thương và chết khá nhiều. Nhiều BĐQ bị thương đã được dân chúng di tản đi cứu cấp. Thiếu Úy Thủy đã cố gắng mở một mũi bọc hông phải để giải tỏa áp lực địch nhưng không thành công, vì địch quá đông. Đến lúc khẩu phòng không 12,7 ly của địch tham chiến thì Thủy cho anh em phân tán chạy vào nhà dân. Sau đó Thủy được dân chúng cưu mang, cho quần áo cải trang rút chạy. Chú Thủy nói, hình như chú Thiều bị thương ngay từ phút đầu, không rõ số mệnh ra sao. Sáng Mồng Một tháng Năm 1975, tôi cho Thủy và Trâm một số tiền để làm lộ phí về quê. Từ dạo ấy, anh em chúng tôi không còn dịp gặp lại nhau nữa.

Thời gian trôi...
Mười ba năm sau, cũng vào ngày Ba Mươi tháng Tư, đầu làng, cuối xóm, rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Nơi nơi, loa vang vang, bài ca "Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh". Có một anh Bắc-Kỳ, tuổi lửng lơ, nửa già, nửa trẻ, đạp xe thồ, đèo theo một cái giỏ, đi rao bán cá khô trong khu ngoại ô Thủ-Đức. Tới căn nhà gỗ, mái dừa, anh bán cá khô vừa mở miệng hỏi thăm, một bà người Xứ Quảng đã mau mắn trả lời,

— "Đi rồi! Bán nhà, vượt biên. Năm, sáu năm rồi!"

— "Xin cám ơn bà. Xin cám ơn Trời!"

Anh Bắc-Kỳ mừng rỡ.

Bà chủ nhà nghệch mặt, giương mắt nhìn anh chăm chăm, mà chẳng hiểu ý anh.

Anh bán cá khô lên xe, đạp từ từ theo con lộ đất. Xe tới cổng nhà thờ. Gác chuông lặng câm. Sân nhà thờ vắng ngắt. Trên thánh giá, Chúa cúi đầu. Không biết Chúa có còn nhận ra anh không?

Qua văn phòng Ủy-Ban Nhân-Dân Xã, đến Quốc Lộ 1, anh quẹo phải, ngừng lại bên đường ngồi nghỉ. Nơi đây chỉ cách Đường-Sơn Quán vài cây số. Cũng ngày này, mười ba năm trước, các chiến sĩ của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã tả xung hữu đột trong trận đánh đẫm máu bi hùng cuối cùng. Những người nằm xuống đã sang thế giới bên kia trong quân phục rằn ri, với cái huy hiệu đầu beo, phía trên phù hiệu đó là một bệt tím có chữ số "82" màu vàng. Trưa nay, có lẽ dân chúng trong vùng còn nhớ tới họ, nên cắm vội bên đường đôi bó nhang, hương khói.
Anh bán cá khô ngồi xẹp trên lề cỏ, rưng rưng,

— "Các chú tha lỗi cho anh..."

Hai bên quốc lộ là rừng bạch đàn. Những cây bạch đàn lớn lên từ lòng đất từng thấm đẫm máu của những anh hùng Plei-Me. Hình như trong gió, thoảng như ru, có tiếng ai, thiết tha, não nuột:

— "Thày ơi! Chạy đi!... Thày ơi!..."

Ngồi bên bìa rừng, đôi mắt Đường-Sơn Đại-Huynh đẫm lệ...


Vương Mộng Long
(Hồi ký của Vương Mộng Long - k20)

28/04/2009

https://ongvove.wordpress.com/tag/v%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BB%99ng-long/

 

-------------------------
-------------------------

 



Chư Pao

Hồi ký Vương Mộng Long.

Mộng Long

Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, tôi đã lành vết thương, xuất viện trở về đơn vị. Trung úy Phạm Văn Lương (k20VB) trả lại Đại Đội 1/TĐ11/BĐQ cho tôi. Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Đại úy Hồ Khắc Đàm (k16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Huân (bị thương) giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ-11 BĐQ. Trong thời gian hơn nửa năm, chúng tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Đà-Lạt, Bảo-Lộc, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Đức và Bình-Thuận. Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu Đoàn 11/BĐQ được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ. Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 49.

Sáng sớm ngày N, xe quân vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Đặc-Biệt Lý Thái Lợi, Plei M'rong. Trưởng trại LLĐB Lý Thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, Đại-úy Huỳnh Châu Báo (k17). Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong khi chúng tôi đợi chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng. Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung Đoàn E 24 Mặt Trận B3 Cộng Sản Bắc Việt trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô. Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên. Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy. Ngày N, lành lạnh, cuối đông. Từ bãi bốc Plei M'rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh. Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M'rong chừng năm cây số.

Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị "tiên phuông" và theo chân Đại Đội 1/11 BĐQ của tôi vẫn là Đại Đội 3/11 BĐQ. Dưới triều đại Hoàng Mai (Hồ Khắc Đàm) đoàn hùng binh TĐ11/BĐQ luôn luôn được chia làm hai cánh. Cánh A là Liên Đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương mộng Long) chỉ huy, cánh B là Liên Đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy. Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã "hover" trên ngọn tranh. Miệng hô "go! go!" chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi. Cỏ cao quá đầu người. Chúng tôi nhắm mắt lao xuống. Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết. Những trái rocket làm rừng cỏ tranh bốc cháy. Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui! Thế là miệng hô, "Nhào lên! Bà con ơi!" chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao. Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt. Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây "bành ky" này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành. Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Đại Đội 3/11 của Trung úy Phan Ngọc Quí còn ngồi trên HU1D. Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn. Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng. An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho ĐĐ3/11/BĐQ xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay. Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và Liên Đội B cũng theo chân Đại Đội 3/11 xuống bãi này. Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.

Có tiếng Hoàng-Mai gọi:

— "Thái-Sơn đây Hoàng Mai! Sẵn sàng chưa?"

Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi. Tôi trả lời,

— "Sẵn sàng trăm phần trăm. Đợi!"

— "Target số một! Zu lu!"

— "Nhận Hoàng Mai 5!"

Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh. Tôi gọi cho Trung úy Quí (ĐĐT 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi. Tôi dặn anh nhớ bám sát. Mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước. Tiến theo hướng bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng tây đông. Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1. Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về tây.

Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc. Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ. Một toán dò tin tức được gởi đi. Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương. Tôi cho qua chuyện này.

Đêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc. Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục. Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc. Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung. Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang. Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt. Đi trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu. Đi được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai. Tiếng người lần này giọng Bắc. Trung đội đi đầu của Thiếu úy Đinh Quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay. Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác. Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che giấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ. Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm. Hai cán binh vừa bị hạ thuộc C 17 Trinh Sát của E 24 Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn).

Sáng N+1, chúng tôi tiếp tục đổ dốc. Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng tây đông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ. Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa. Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che giấu sự chết chóc. Đại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi. Đường bắt đầu ẩm ướt. Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước. Vậy mà nước rì rào, róc rách. Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù. Một lối mòn vắt ngang đường voi đi. Lối mòn chạy song song với con thông thủy. Lối mòn cũng theo hướng bắc nam. Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới.

Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn Văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong. Trung Đội 2 của anh chuẩn úy lính mới tò te lần đầu vào trận vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16. Kế đó, Trung Đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy. Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh Sát E 24/B3. Trong balô có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò có kẻ ô, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ có cạnh cắt răng cưa. Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ. Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên. Nước ảnh còn sáng. Màu giấy thư chưa vàng. Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa.

Chúng tôi tiến rất chậm. Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn. Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau. Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng đông Lệ-Chí đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến. Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11/BĐQ cũng có con lộ cắt ngang. Một cán binh VC đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi. Cả ông tiểu đoàn trưởng BĐQ và tên VC đều giật mình phát hoảng. Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng BĐQ không mang súng dài. Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng. Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao. Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng BĐQ vụt vụt loạn xạ cây gậy tre trước mặt thằng VC. Miệng ông hét lớn, "Á!… Á!… Á!…" Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng VC đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân. Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang. Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy. Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông. Nó tính bắn vào đầu ông! Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng VC. Mắt nó liếc tránh ra hướng khác. Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng. Rồi ngón tay đó siết vào cò. Ông hoa hai mắt. "Choác! Choác! Choác!" Ông ù hai tai. Đạn tém sát thái dương ông đại úy. Đạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu. Có lẽ thằng VC run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy.

Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng VC quay đầu chạy bán sống bán chết. Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn. Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng VC đã khuất dạng. Lúc đó những BĐQ cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường. Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe "choác! choác!" tiếng AK liên thanh? Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch, "Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!" Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là xếp của họ đã đi đoong! Gỡ sĩ diện, họ reo hò, "Biệt Động! Sát!" "Biệt Động! Sát! Tiến lên!" Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía. Đạn M16 ròn rã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên VC đã "chạy mẹ nó mất rồi!"

Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước. Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Đàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến. Đoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống. Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Đàm cười hí hí, "Hôm nay ta hơi quýnh một chút. Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng VC này rồi đó! Nó gầy tong teo à!" Tôi cũng phụ hoạ theo, "Đúng là thằng VC này còn hên! Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!" Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn. Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia. "Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn! Ta nói có sai đâu?" Lần nào cũng thế, "có ăn" là anh Đàm lại dài dòng kể lể công lao "phát minh" ra chiến thuật "chặn nút". Hôm nay nút chặn của tôi "có ăn" thế nào anh Đàm cũng vui lắm. Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Đàm thuyết giảng chiến thuật.

Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật. Đất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan. Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước. Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn. Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính. Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ. Đặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng. Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây. Đã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung. Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy.

Đường bắt đầu đi lên. Bi đông chàng nào cũng đầy nước. Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai. Hai bên yên ngựa là vực sâu. Gió hú ù ù. Trời lạnh lắm. Càng lên cao càng lạnh. Mục tiêu 1 ở trên kia. Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu. Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần, chân, triền và đỉnh. Anh Đàm có lẽ đã tới con thông thủy. Tôi nghe anh ra lệnh, "Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?" "Nhận 5!" Tôi tự nhủ: "Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước. Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!"

Đêm đó hai Đại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1. Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều. Quí là sĩ quan khóa đặc biệt. Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm. Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững. Hai đứa tôi khá thân. Đêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm-Lịch anh ta sẽ cưới vợ. Vị hôn thê của Quí đang học Đệ Nhị Trung học Bồ-Đề, Pleiku. Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường. Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn. Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy (ĐĐT 2/11) sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22/BĐQ. Còn anh đại đội trưởng Đại đội 4/11 Nguyễn-Lạn thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Đà-Lạt. Sắp Tết rồi! Đám cưới! Vui quá đi thôi! Tha hồ mà nhậu! Thời buổi được mùa! Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11/BĐQ đắt đào ghê! Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai mới không vận được một cô sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Đà-Lạt về cư xá sĩ quan TĐ11/BĐQ làm áp trại phu nhân. Nay đến phiên ba ông đại đội trưởng, Kỳ-Sơn (ĐĐT2/11), Trường -Sơn (ĐĐT3/11) và Lam-Sơn (ĐĐT4/11) sắp giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire). Như vậy là sau Tết này, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ mình tôi (Thái Sơn) còn lênh đênh như con thuyền vô duyên của nhạc sĩ Đặng thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện "nớ" thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều. Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi, "Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu. Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!" Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào "thị trường" của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này. Nhưng mỗi khi chạm mặt "đối phương tóc dài" thì tôi lại lờ quờ. Đôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do "thời thế" mà ra.

Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Đại đội 3/TĐ11/ BĐQ ở Đà-Nẵng; vài bà bạn Bắc- Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng "siết chặt dây thân ái" (VB Hành Khúc) với mẹ tôi, hi vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Đại úy Nguyễn thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng, dẫn quân theo ông Nguyễn chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn cao Kỳ. Thời gian này Tiểu đoàn 11/BĐQ chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Đà-Nẵng), riêng Đại đội 2/11 của Trung úy Tôn thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn. Đảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt. Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ. Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát. Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ. Kết cuộc, Tiểu đoàn 11/BĐQ bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21/BĐQ từ Pleiku, được chuyển ra Đà-Nẵng. Tôi bị quất tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm. Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon. Đời tôi đi vào khúc quanh "lắc lư con tầu đi". Thời gian này mẹ tôi buồn lắm. Những bà bạn của mẹ tôi, thì không ngần ngại cắt đứt ngay sợi "dây thân ái" với mẹ tôi.

Ở Liên đoàn 2 Biệt Động Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn đức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm văn Toán liên đoàn phó, Đại úy Nguyễn văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ khắc Đàm ban 2. Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp. Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món "kén vợ". Anh Huân giảng giải, "Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết! Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về. Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó 'nhong! nhong!' Rồi nó đẻ cho chú một bầy con. Nó đánh mắng con chú. Đến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú. Ba đời nhà chú nằm trong tay nó. Hết đường cục cựa!" Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ. Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình. Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên. Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói. Tôi chỉ toét miệng cười. Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng. Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ "Je t'aime" là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè. Các cô chờ tôi. Tôi cứ đánh trống lảng. Hai nhân vật ngồi nhìn nhau. Nhìn nhau mãi bắt chán! Thời gian qua đi vèo vèo. Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi "mà lòng thì chưa hề yêu ai" (T.T.Thanh) Trong lều, đôi bạn tâm sự. Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn. Đêm đông, trong núi, lạnh kinh hồn.

Sáng N+2, sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A. Đường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi. Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới. Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Địch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn. Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên VC, tịch thu một AK báng xếp. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa! Từ khi Thiếu úy Đặng hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Đinh quang Biện (khóa 25 TĐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi. Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi "sô lô" một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku.

Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận. Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay. Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận. Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần. Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng. Tên VC này là trung úy thủ trưởng của C17 Trinh Sát/E 24. Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Đại đội C17 Trinh Sát/ E 24 để phòng 2 quân đoàn cho người xuống lấy. Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên VC bị Đại đội 1/11 BĐQ loại ra ngoài vòng chiến. Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng.

Mộng Long 2

Ngày N+3, tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3. Mục tiêu 3 nằm về hướng bắc của chúng tôi. Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét. Tên ngọn núi này là Chư Pa. Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ. Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương. Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo. Đường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao. Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi. Ngọn đồi nào cũng vĩ đại. Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời. Địa thế hoàn toàn không đúng với bản đồ. Địa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ. Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ. Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu. Đại đội tôi đi đơn độc. Đại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước. Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng tây nam. Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn. Tôi xin anh Đàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm. Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối. Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao. Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ.

Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh. Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh. Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét. Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế. Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây:TA LÀ VUA (dòng đầu), Trung Úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì), ĐĐT/ĐĐ1/TĐ11/BĐQ (dòng chót). Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ "nhìn" những con chiên dễ thương của Chúa đi dự lễ sáng Chủ Nhật. Trong sân nhà thờ có bức tượng Chúa Kitô với dòng chữ "TA LÀ VUA" dưới chân ông. Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc "TA LÀ VUA" ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi "VƯƠNG MỘNG LONG". Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên. Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới, tôi chinh phục được nó, tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi! Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này. Đầu năm 1971 tôi đã đổ bộ TĐ 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa. Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng). Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm năm ngày trên vị trí này để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của binh nhất Mok (Viễn Thám/ Phòng 2/BCH/BĐQ/ QK2). Những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó.

BĐQ Vương Mộng Long.



*****************************************



Comment

1.

Levan November 7, 2018 at 9:23 PM
Bài viết hay cảm động, thiếu uý mang con rắn là sĩ quan trợ y? Năm 1963 chưa có cấp số sĩ quan trợ y trong các Tiểu đoàn, sau năm 1968 bộ TTM mới trưng tập các cán sự y tế vào trường quân y huấn luyện ngắn hạn một năm chuyên môn 4 tuân hành chánh quân y và 5 tuân huấn luyện quân sự, bổ xung cho các đơn vị tác chiến và bệnh viện dã chiến, ngày đó Anh Long học y khoa thì biết đâu hôm nay tà tà đếm Tiền trên Đất Mỹ, thật ra sinh viên y khoa nam thứ 4 mới được miễn dịch, còn không vẫn bị động viên không biết thời gian đó như thế nào? Chứ sau nầy qua Trường Quân y hết.

Anh viết Văn hay lắm cố thu thập in thành sách. Anh không đi tu và làm bác sĩ được, cặp chân mày anh là Tướng, nhưng không sát Quân, nếu còn chiến tranh hôm nay anh cũng có hai sao trên ve áo ./

Reply

o

LV November 10, 2018 at 2:45 PM

Tôi tốt nghiệp K20 Võ Bị cuối năm 1965.
Tháng 1 năm 1966 tôi trình diện TĐ11 BĐQ thì đơn vị này đã có một ông Sĩ quan Trợ y, đó là Thiếu Úy Nguyễn Văn Lẹ.

VML

Reply

2.

Levan November 10, 2018 at 8:01 PM

Tôi có hỏi bác sỉ Trần xuân Dũng Trưong khối huấn luyện trường Quân y năm 1974 hiện đang ở Úc thì ông ta nói Sỉ quan trợ y được hình thành trong năm 1968, trước đó thì ông không biết vì lúc đó ông đang ở TQLC, mà thôi khi đọc bài viết anh viết có ông Thiếu úy đeo con rắn nên tôi viết lại thôi, vì trong ngành quân y chúng tôi có hai con rắn Rắn vàng là Chuyên môn rắn Trắng là Hành chánh, nhưng sau này rắn đen thui, rắn ngụy trang, cám ơn anh dành thời gian trả lời

Reply

o

LV November 11, 2018 at 3:40 PM

Cám ơn Bác sĩ Vanle,
Nếu Bác sĩ Trần xuân Dũng nói Sĩ quan trợ y được hình thành trong năm 1968 thì thắc mắc của Bác sĩ Vanle là rất đúng.
Như vậy năm 1966, ông Thiếu úy Lẹ ở TĐ11 BĐQ là Sĩ quan Trưởng ban Quân y Tiểu Đoàn 11 BĐQ chứ không phải trợ y.

Hồi đó tôi ở dưới đại đội tác chiến còn ông Th/úy Lẹ ở trên tiểu đoàn, chưa có dịp tiếp xúc với nhau, nên tôi không biết ông ấy đeo con rắn vàng hay con rắn trắng.
Ít lâu sau thì ông Lẹ và ông tiểu đoàn trưởng đi theo Đại tá Nguyễn Ngọc Loan về Cảnh Sát khi xảy ra vụ “Phật Giáo Miền Trung”.

Còn tôi đi theo “Phản loạn” nên bị tù, bóc lon, giáng cấp xuống trung sĩ một thời gian.
Mãi tới năm 1973 tôi mới ngoi lên được thiếu tá.
Khi tôi làm tới chức tiểu đoàn trưởng (1971) thì các tiểu đoàn tôi chỉ huy đều có sĩ quan trợ y. Truyện xảy ra đã 50, 60 năm trước, nên nhiều khi kể lại không hoàn toàn chính xác, có ý kiến bổ sung của người đọc tôi mừng và rất cám ơn.
Vả lại, truyện của tôi chỉ là “Truyện cổ tích” của Thế Kỷ thứ 20, có người chịu khó theo dõi và cho ý kiến là tôi vui lắm rồi!
Cám ơn anh và chúc anh vui vẻ, an khang.
VML

Reply
3.

Levan November 11, 2018 at 8:57 PM

Ok anh Long thế là anh biết rõ vể vụ Thiếu uý Trần Đại Thức bị Mỹ bắn Chết? Vụ biến đọng Miền trung Ông Liên thành viết vu không nhiều quá. sau nầy tôi đọc Trí quang tự truyện mới biết đây là vụ dàn dựng do ông Kỳ tạo ra để dứt điểm mấy ông Tướng thân Ấn quang, kể cả Đài phát thanh giả danh của cộng sản đặt trong căn cứ Mỹ, và Mỹ đem phi cơ chở TQLC ra dẹp loạn. Anh cũng gan cùng mình, may là anh được trả lon lại.

Tôi đọc không sót bài viết nào của anh rất mến anh, bọn mình già rồi kỷ niệm nào cũng tốt, viết lại cho con cháu nó đọc, tôi không có khiếu viết như anh vì chuyện bịnh viện chỉ có máu và mùi tẩy trùng, không oanh liệt như các anh, cố gắng thu thập lại và in sách. Tôi ủng hộ Anh, bỏ không in uổng lắm, Anh long. Chúc anh và gia đinh vạn sự như ý.

Reply
o
LV November 12, 2018 at 12:41 AM

Bác sĩ Levan ơi,
Vụ Trần Đại Thức xảy ra ngoài Huế, tôi không thấy tận mắt nên không có ý kiến.
Tại Đà Nẵng thì tôi bị dính vào từ ngày đầu tới ngày chấm dứt.
Tôi là người đã bắn 6 quả đạn súng cối 81 ly vào phi trường Đà Nẵng, bắn lật nhào chiếc xe Jeep của Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/ QLVNCH và đã ra lệnh cho hàng trăm khẩu súng Biệt Động Quân bắn lên hai chiếc Skyraider của Không Quân khi hai chiếc máy bay này oanh kích vào lực lượng Phật Tử ở Ngã Ba Cây Lan, Đà Nẵng.

Hậu trường chính trị có nhiều điều xấu lắm BS Levan ơi!
Nhưng khi kể lại cho lớp hậu sinh, mình phải nói thật, không che giấu, để từ đó con cháu chúng ta biết vì sao chúng ta mất nước, chúng ta thành người lưu vong.

Những sự kiện lịch sử khi viết lại phải do người đã chính mắt nhìn thấy mới tin được.
Nếu viết mà chỉ dựa vào tin đồn, dựa vào chuyện truyền miệng thì lịch sử sẽ bị sai lạc ngay.

Hy vọng khi thuận tiện, tôi sẽ nhờ Báo “Trẻ” báo cáo lại tường tận cho đồng bào hay từng ngày vai trò của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân ở Đà Nẵng trong suốt thời gian xáo trộn này. Thân ái, VML

Reply

4.

Levan November 12, 2018 at 9:09 PM

Kool anh Long xin anh vì lớp trẻ mà viết lên sự thật , nhiều bài viết bôi nhọ vu khống của những người viết không có công tâm đứng về một phía không suy nghĩ tràn lan, trên mạng con tôi nó đọc nó đau đầu không biết đâu là sự thật, nó đang làm luận án về những năm cuối cùng về VNCH vì nó theo môn sử học Đông Nam Á, vào thư viện nó tìm sách đem về đối chiếu Anh Việt, các cuốn Trí Quang thiên tài hay tội đồ của dân tộc, bài của Liên Thành đọc xong tôi bị tẩu hỏa nhập ma, tôi khuyên con nên chú ý đến các tác giả ngoại quốc nhưng rồi cũng chẳng tin được, hàng chục cuốn sách của các ông Lâm Lễ Trinh. Nguyễn Văn Chức, Bùi Anh Trinh, Nguyễn Văn Lục... viết lộn tùng phèo, nhất là ông Liên Thành với cuốn Biến Động Miền Trung, còn Lê Xuân Nhuận với cuốn Biến Loạn Miền Trung viết, tin được có đảng chứng tại liệu không biết hoang đường, anh cố gắng viết lại vụ nầy tại Đà Nẵng đi Anh. Chúc anh, gia đình an khang.

Reply

5.

Levan November 12, 2018 at 9:33 PM

Đúng rồi mấy ông Tướng tranh quyền, họ kêu gọi dân chúng đoàn kết sau lưng họ, nhưng họ không muốn tổ chức bầu cử để có một chánh quyền Dân Sự lên cầm quyền đương đầu với cộng sản. Và người Mỹ thì cho Phật giáo chống Mỹ, nhưng họ không hiểu ‘chống Mỹ’ và ‘bài Mỹ’ khác nhau. Chống Mỹ là chống những sai trái của chính sách của Mỹ; còn bài Mỹ là không thích người Mỹ, kỳ thị Mỹ. Chính vì vậy người Mỹ họ mới ủng hộ ông Kỳ đem TQLC và cảnh Sát Dã Chiến ra Đà Nẵng để triệt các anh BĐQ và bắt ông Trí Quang về giam lỏng.

Tóm lại. anh rất can đảm chơi cối 81 vào phi trường trúng xe ông chỉ huy trưởng BĐQ Quân Khu 1, may mà họ không đưa anh ra tòa án Mặt Trận, có nhiều quân nhân chạy theo Việt cộng sau vụ nầy đúng không anh? Hậu trường chánh trị nước nào cũng vậy kể cả Mỹ, tôi cứ tìm bài của anh đọc vui, khi biết anh có biệt danh là Vọi mà mấy con Ma nữ trong lớp anh trêu chọc, bỗng nhớ về thời trung học. Tôi cũng có biệt hiệu vì to đen và là dân Phan Thiết khi vào Sài Gòn học tôi rất ngờ nghệch như Vọi trong Trống Mái của Khái Hưng, bị trêu chọc còn hơn anh, đến nỗi tôi bỏ học về lại Phan Thiết học hết trung học.
Mong đọc thêm bài của anh, thân chúc gia đình anh an khang ./

Nguồn: http://baotreonline.com/duong-len-hien-len-giang/



No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...