Thursday, March 28, 2019

Những chuyện tình cảm -- miền nam trước 1975

Những chuyện tình cảm -- miền nam trước 1975

https://youtu.be/eFkTg37-c5s

Truyện ngắn Nuối Tiếc - Tô Pa | Thanh Phương diễn đọc | Vietlove



Tác giả: Khuyết danh
Diễn đọc: Quốc Việt và Thy Lan




https://archive.org/download/quen-di-ngay-thang-cu-khuyet-danh/quen-di-ngay-thang-cu-khuyet-danh.jpg






..................................................................................


Trôi Theo Dòng Đời

Vi Vân

(Kính dâng anh linh Thiếu tá Th)

Người sư nữ đang ngồi trước mặt tôi đưa đôi mắt vô hồn nhìn ra ngoài song cửa. Nắng chiều nhạt nhòa xuyên qua bức màn xanh phản chiếu lên khuôn mặt ni cô trông xanh xao tiều tụy như người con gái trong truyện liêu trai, như trong mộng mị, thật mơ hồ… Giọng của người sư nữ- ni cô Diệu Đức- thật nhỏ nhưng tôi nghe rất rõ:

– Anh ấy chết rồi, chết trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Anh chết thật rồi sao Thụy? Tôi không bao giờ muốn nghe tin nầy dù đây là sự thật. Tôi thấy đau nhói trong tim, trước mắt tôi là một vùng trời dày đặc sương mù với những cơn gió phủ phàng lạnh buốt tim gan làm nát tan, đổ vỡ hy vọng mong manh còn sót lại. Những kỷ niệm xa xưa chợt quay về trong xót xa, ray rứt, hình ảnh người anh kết nghĩa ngày đó hiện lên rõ rệt trong tâm trí tôi, những ngày anh ngồi lặng lẽ sửa lại cho tôi mấy bài thơ, những chiều anh ôm đàn nghêu ngao hát tình ca…

Tôi biết anh từ lúc tôi còn trẻ lắm, khoảng 15 hay 16 tuổi gì đó. Nhà anh và nhà tôi rất gần nhau, anh lại là bạn cùng lớp với anh tôi, tính tình chúng tôi rất hợp nhau vì thế anh đã nhận tôi làm em kết nghĩa.

Gia đình anh ở dưới quận Châu Thành, ba anh là chủ một nhà máy xay lúa lớn, ông đã mua một căn nhà trên tỉnh Cần Thơ cho anh và em gái anh ở để đi học. Anh là một thanh niên tuấn tú, dáng dấp vừa vặn, có nụ cười dễ mến, mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ, làm thơ hay, lại thích đàn hát nên được nhiều bạn gái cùng lớp cảm mến. Khi anh đang học năm cuối cùng ở Trung học, sắp sửa thi Tú Tài 2 thì một sự việc quan trọng xảy ra làm tan nát mộng ước và tương lai của anh. Ba anh cho biết là ông đã hứa hôn cho anh và con gái của một người bạn là một thương gia ở Bạc Liêu. Ngày xưa khi gia đình anh làm ăn thất bại, người bạn của ba anh đã giúp vốn cho ông gầy dựng lại sự nghiệp, đó là cái nhà máy xay lúa mà gia đình anh đang có. Vì cảm kích tình bạn cao cả, ba anh đã hứa cưới con gái của bạn mình cho anh dù cô ta hơn anh hai tuổi. Ba anh cố giấu anh mãi đến lúc nầy ông mới cho anh biết. Anh bàng hoàng sửng sốt trước sự đặt để của cha mình, anh phản đối, anh cự tuyệt nhưng mẹ anh đã dùng nước mắt và sinh mạng ra làm áp lực với anh nếu anh từ chối. Anh khổ sở rất nhiều về sự việc đó. Chiều hôm ấy anh đến nhà tôi với gương mặt buồn bã, lầm lì, khó hiểu. Anh ôm đàn và đàn mãi, hết bản nầy sang bản khác nhưng anh không hề hát một câu nào. Tôi biết anh có tâm sự nên đến gần gợi chuyện:

– Anh có gì không vui sao?

Anh nhìn tôi một hồi lâu rồi thở dài:

– Anh nói riêng điều nầy cho em nghe. Sau khi thi xong chắc anh sẽ đi xa, không phải lên Sài Gòn để vào Đại Học mà anh sẽ đi lính. Nhưng trước khi đi ba anh bắt anh phải làm lễ đính hôn với một cô gái không yêu thương.

– Em cũng có nghe loáng thoáng chuyện ấy. Nếu anh đi lính thì chị ấy làm sao? Anh có muốn cưới chị ấy không?

Anh tỏ vẻ đau khổ:

– Anh cũng không biết nữa. Anh không yêu cô ta thì làm sao thành vợ chồng được. Anh muốn tránh khỏi nơi đây một thời gian dài để xem sự thể ra sao.

Tôi không hài lòng về cách đối xử của anh với chị kia dù chưa quen biết:

– Em còn nhỏ không dám có ý kiến nhiều, nhưng nếu anh chưa có người yêu thì… đừng nên làm như vậy, tội nghiệp cho người con gái.

Anh nhìn vào mắt tôi:

– Sao em biết anh chưa có người yêu? Để hôm nào có dịp anh dẫn em đến gặp cô ta cho biết mặt. Anh đã yêu cô gái đó gần một năm rồi nhưng nàng còn quá trẻ, anh để cho cô ta chuyên tâm học hành nên chưa tính toán gì cả.

Thì ra anh đã có người trong mộng rồi nên anh buồn bã, đau khổ trước sự áp đặt của cha mẹ anh, nhưng rồi tôi cũng chưa có dịp nào để biết mặt người yêu của anh cả.

Mùa hè năm ấy anh phải làm lễ đính hôn với chị Hồng Loan, rồi anh lên Sài gòn học và cuối năm thì tôi nghe tin anh đã vào trường Võ Bị Đà Lạt.

Những buổi chiều không còn ai ôm đàn hát tình ca nữa, xóm tôi vắng tiếng hát của anh từ dạo ấy. Tôi cảm thấy như thiếu mất một cái gì đó rất thân quen, tôi bỗng trở nên trầm lặng, u buồn và chợt thấy mình đã trưởng thành không còn là cô bé ngây thơ, hồn nhiên nữa.

Thỉnh thoảng tôi nhận được thư của anh, những lá thư viết từ KBC 4027. Trong thư ngoài vấn đề quan tâm đến sự học hành của tôi anh thường kể chuyện về anh cho tôi nghe. Những đêm dã chiến, những lần thực tập lội đèo băng suối, những ngày gian lao huấn nhục ở quân trường, những ngày cuối tuần đi ra phố lẻ loi, cô độc vì thiếu người thân, không có người yêu, và khi đi xem lễ ở nhà thờ anh thường ngồi lặng lẽ ở bàn cuối, cầu nguyện âm thầm. Anh kể về Đà Lạt với sương mù che kín đỉnh Lâm Viên, về đồi thông thơ mộng, về hồ Than Thở với câu chuyện tình huyền thoại đau thương, về Vũ Đình Trường trong những buổi lễ mãn khóa của các bậc đàn anh… và còn rất nhiều, nhiều nữa. Tự nhiên tôi đâm ra say mê vùng trời xa xôi đó, vùng trời có anh đang hiện diện. Tôi mê cả màu áo Võ Bị với cầu vai Alfa đỏ thắm tươi như trong hình của anh, và tôi rất nể phục những chàng trai mang chí cả kiêu hùng, quyết tâm ra đi giữ gìn sông núi. Các anh đã gắn bó với quân trường, với màu Alfa đỏ, với lời thề “Tự Thắng Để Chỉ Huy”, để bảo an dân quốc dù tâm tư không thể nhạt phai một hình bóng nào đó ở hậu phương:

Ta bỏ lại đời sinh viên mộng mị,
Nhìn đỉnh Lâm Viên nghiêng bóng Quân Trường.
Alfa ơi! Màu đỏ đẹp vô cùng,
Chiều doanh trại nhớ về em bất tận…
(Quốc Nam - K22)

Suốt những năm tháng dài tôi mãi mong chờ ngày anh trở lại quê nhà. Một điều may mắn bất ngờ xảy ra cho anh là việc vị hôn thê của anh bỗng nhiên đem lòng yêu thương kẻ khác và xin được từ hôn với anh. Đó cũng là một việc dễ giải quyết cho ba anh vì chính ông cũng biết rằng con trai mình phải đau khổ khi chiều ý ba mẹ.

Năm ấy anh trở về trong kỳ phép đầu tiên sau khi ra trường. Tôi và gia đình anh đón anh trong niềm hân hoan tột đỉnh. Anh đưa tôi ra phố trong bộ Jaspé của Trường Võ Bị oai phong, ai cũng nhìn vào chúng tôi trầm trồ và có lẽ họ cho rằng đó là một cặp tình nhân. Anh cho tôi biết đây là lần sau cùng anh mặc bộ đồ nầy vì mai đây khi anh ra đơn vị anh sẽ phải mặc bộ treillis tác chiến, anh đã được bổ nhiệm về một đơn vị ở tận miền Trung rồi.

Anh đưa tôi vào một nhà hàng bên bờ sông Ninh Kiều. Ngồi ở một bàn gần cửa sổ, tôi đưa mắt nhìn con sông chạy dài thăm thẳm, ngút ngàn. Vài chiếc tàu Hải Quân nằm im lìm như đang say ngủ, xa xa thấp thoáng những chiếc thuyền con nhấp nhô trên sóng nước, những cánh chim hải âu xoải cánh bay lạc loài trên sông, chúng sẽ bay về đâu? về phương trời nào hay cứ mặc cho cơn gió cuốn đi không định hướng? Cũng như anh, từ đây anh sẽ trôi đi, trôi mãi theo dòng đời mênh mông, theo dòng cuồng lưu của chiến chinh, máu lửa.

Mắt anh chợt nhìn ra ngoài xa buồn bã, anh nói:

– Không biết bây giờ Ngự Chiêu ra sao? Anh đã có lỗi với nàng nhiều quá.

Tôi nghi ngờ:

- Tên người anh yêu là Ngự Chiêu à? Sao giống tên bạn em quá vậy? Có phải nhà cô ta ở cư xá Lữ Gia không?

Thụy giật mình, mở to mắt nhìn tôi:

– Đúng rồi, cô ta là bạn của em sao?

– Dạ phải. Em nghe bạn bè nói Ngự Chiêu buồn tình anh chàng nào đó nên sau khi đậu Tú Tài 2 nó không vào Đại Học mà đã xin đi làm ở Tín- Nghĩa ngân hàng rồi. Nó vẫn chưa lấy chồng, anh có muốn gặp lại nó không? Biết đâu nó còn thương và chờ anh thì sao?

Anh cúi đầu trầm ngâm thật lâu rồi anh ngẩng lên hỏi tôi:

– Theo em thì anh nên làm sao? Có nên gặp Ngự Chiêu không? Thú thật anh vẫn còn yêu và nhớ cô ấy lắm.

Tôi kéo anh đứng lên:

– Vậy thì anh còn suy nghĩ, chần chờ gì nữa. Em dẫn anh đến đó xem sao. Hôm nay là Chúa Nhật nó ở nhà, nếu hai người còn thương yêu nhau thì tại sao phải lánh mặt?

Chúng tôi rời quán ăn đi ngược hướng bến Ninh Kiều, dọc theo đường Lê Văn Duyệt và rẽ vào cư xá Lữ Gia. Con đường đi vào cư xá thật yên tỉnh, những căn nhà hai bên đường đều trồng nhiều hoa, kiểng trông rất đẹp. Trước nhà Chiêu là một giàn hoa giấy màu tím che rợp cả lối đi và mấy băng ghế đá. Hoa ti-gôn màu hồng leo dày đặc hàng rào, trong sân còn nhiều chậu hoa, kiểng đủ sắc màu. Tôi bấm chuông, Ngự Chiêu ra mở cổng và mừng rỡ khi nhận ra tôi:

- Trời ơi! Vân Anh, ngọn gió nào thổi mi đến đây vậy? Dạ mời anh…

Ngự Chiêu giật bắn người khi nhận ra Thụy, cô lắp bắp:

– Anh… Thụy, anh là…

Tôi ngắt lời:

– Là anh của tao. Thôi vào nhà nói chuyện đi.

Khi vào nhà Chiêu vẫn chưa hết thắc mắc:

– Thụy là anh của mầy sao? Tao chưa từng nghe mầy nhắc đến tên anh ấy.

– Anh Thụy là anh kết nghĩa thôi nhưng ảnh thương tao hơn em ruột nữa. Tôi nhỏ giọng, ảnh kể cho tao nghe chuyện của mầy rồi.

Ngự Chiêu vào trong mang hai ly nước ra cho tôi và anh, cô nhìn Thụy với ánh mắt đầy xúc động xen lẫn một chút xót xa, buồn bã:

– Lâu quá không có tin tức gì của anh, nghe nói anh đã vào lính, anh vẫn khỏe chứ? Anh lập gia đình lâu chắc cũng có cháu rồi phải không?

Anh nhìn Chiêu rồi lắc đầu không nói lời nào, tôi đỡ cho anh:

– Vẫn còn độc thân vì người ta chê nên từ hôn rồi, anh ấy đang muốn tìm về… quá khứ đó.

Biết tôi chọc anh, Thụy ngăn lại:

– Đừng đùa nữa Vân Anh. Chiêu à, sự thật là vậy. Anh đã có lỗi với em rất nhiều vì lẫn tránh em, không biết em có tha thứ cho anh không?

Thấy mắt Chiêu rướm lệ tôi vội nói:

- Thôi để mình ra ngoài sân xem mấy chậu hoa của Chiêu, thấy chúng đẹp quá.

Tôi bước ra sân và ngồi trên một băng ghế dưới giàn hoa giấy tím. Gió thổi lồng lộng làm những cánh hoa rơi bay tản mạn trên mặt sân, đâu đây mùi thơm của hoa sứ thoang thoảng, màu nắng làm ửng hồng khóm hoa thược dược… tôi bỗng thấy trời hôm nay đẹp quá, đẹp như tình yêu của anh vừa tìm lại được. Tôi cố ngồi ngoài sân thật lâu, tôi miên man suy nghĩ vẩn vơ, tôi muốn dành thời gian cho hai người để họ kể lể cho nhau nghe bao nỗi ưu tư, uẩn khúc, nhung nhớ, giận hờn.

Mãi một lúc sau tôi nghe anh Thụy gọi:

– Vân Anh ơi, vào nhà đi em. Làm gì ở ngoài đó lâu vậy?

Tôi lườm anh:

– Chứ không phải anh muốn vậy sao còn làm bộ nữa. Hai người đã nói chuyện đủ chưa, xong chưa?

Ngự Chiêu bẻn lẻn:

– Đâu có nói gì nhiều. Mình đã hiểu chuyện của anh Thụy rồi, mình sẽ bỏ qua tất cả, coi như là một thử thách của hai đứa, mình không giận anh Thụy nữa đâu.

- Thế thì hay quá! Tôi reo lên- vậy chiều nay phải đãi một chầu Phong Dinh Lầu đó nghe.

Như vậy là anh và Chiêu đã tìm lại được hương yêu của những ngày xưa thân ái, xây đắp lại cuộc tình đẹp như mộng như mơ tưởng đã vỡ tan.

Rồi anh trở ra đơn vị xa xôi tận miền Trung, họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ. Tôi đã trở thành kẻ bị lãng quên khi anh có người yêu thương, nhung nhớ. Mấy năm sau tôi lập gia đình và theo chồng bôn ba xứ lạ. Chồng tôi cũng là một quân nhân, phục vụ cho Sư Đoàn 7 BB đóng ở Kiến Hòa, thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của Chiêu kể về Thụy và dự tính tương lai của hai người cho tôi nghe. Một mối tình tuyệt vời qua những lá thư đầy ấp yêu thương của chàng trai Võ Bị kiêu hùng và cô gái miền sông Hậu ngoan hiền. Chiêu trích những câu thơ mà anh viết về từ tiền tuyến cho tôi đọc, những vần thơ lãng mạn, thiết tha:

Yêu em anh gửi tình thơ mộng,
Theo gió chiều Thu bay bốn phương.
Dưới ánh hỏa châu và đạn pháo,
Có bóng hình em giữa chiến trường.

Vào những năm 1973, 1974 tình hình chiến trường miền Trung thật sôi động, Thụy đi hành quân đánh giặc liên miên nên chưa về phép để thành hôn với người yêu được. Tôi thật sự khâm phục sự kiên tâm chờ đợi, chịu đựng, hy sinh và lòng chung thủy của Chiêu, Chiêu đã chịu đựng bao năm tháng dài đăng đẳng, có lẽ cũng gần mười năm rồi. Lá thư cuối cùng Thụy hứa với Chiêu rằng mùa hè nầy sẽ xin cưới Chiêu. Cô ta mừng vui hớn hở viết thư báo tin cho tôi biết, tôi thầm cầu nguyện cho hai người sớm được toại ước nguyền bên nhau. Nhưng rồi mùa hè mơ ước của hai người chưa kịp đến thì phong ba nổi dậy, đất nước tan tành vì ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã hủy diệt tất cả: tổ quốc, gia đình, tình yêu.

Chồng tôi bị bắt vào lao tù ở tận miền rừng sâu núi thẳm như bao nhiêu sĩ quan QLVNCH khác. Tôi ôm đứa con vừa tròn ba tuổi trở về quê nhà với tâm tư rã rời, tan nát. Đau đớn, xót xa hơn khi gặp lại Ngự Chiêu và được biết anh Thụy đã mất tích ở miền Trung, anh không về nữa. Chiêu vật vả khóc than và quyết tâm chờ đợi, chờ đợi một phép nhiệm mầu nào đó bất ngờ đem Thụy về cho nàng.

Sau gần mười năm chồng tôi được trở về từ lao tù Cộng Sản, chúng tôi đã vượt biển bỏ nước ra đi và may mắn đến được bến bờ tự do an toàn. Từ đó tôi quay cuồng với cuộc sống nơi xứ người để lo sinh kế nên quên mất thời gian thoáng qua rất nhanh. Có lần tôi trở lại quê hương, tìm kiếm bạn bè ngày xưa và Ngự Chiêu nhưng không ai biết Chiêu đã đi đâu cả. Căn nhà Chiêu đã bị nhà cầm quyền cộng sản lấy cho cán bộ của họ ở. Tôi đi lang thang qua những con đường cũ, đi qua từng khu phố, những ngõ ngách thân quen cố tìm lại chút dư hương xưa, tìm lại những hình ảnh thân mến của một thuở nào… nhưng tất cả đã xa lạ, đã đổi thay. Căn nhà tôi không còn, nhà anh cũng mất, Ngự Chiêu thì không biết trôi dạt về đâu, ôi thật buồn! Những kỷ niệm ngày ấy cứ chập chờn làm tê buốt tim tôi, và tôi trở lại nước Mỹ với tâm trạng ngập tràn ưu tư, phiền muộn.

Rồi một lần nữa tôi trở về quê hương, lần nầy thật may mắn cho tôi, khi tôi đang lang thang trên đường phố Sài gòn thì gặp được Ngọc Hạnh người bạn cùng lớp ngày nào. Hạnh cho tôi biết tin tức về Ngự Chiêu, Chiêu đã trở thành một ni cô hơn hai mươi năm nay, hiện đang ở trong một ngôi chùa ngoài Long Hải. Tôi điện thoại liên lạc được với Chiêu và mong gặp Chiêu ở Sài gòn. Được tin tôi, Chiêu vội vã về Sài gòn và đã ở lại với tôi mấy hôm liền.

Hôm đầu tiên gặp Chiêu tôi đã ôm chầm lấy Chiêu khóc òa như trẻ con. Trước mắt tôi cô không còn là một Ngự Chiêu với tóc dài óng ả, với nụ cười e ấp thơ ngây duyên dáng; da trắng, môi hồng ngày xưa đã nhạt phai, tàn tạ, giờ đây nàng chỉ còn lại một dáng dấp khắc khổ, gầy gò, với đôi mắt thờ thẩn vô hồn có lẽ đã khô rồi nước mắt. Tôi nắm tay Chiêu ngập ngừng:

– Bây giờ phải xưng hô thế nào đây? Kêu bằng… sư cô hay mầy, tao như thuở trước?

Ngự Chiêu nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Cứ như xưa đi. Có như không, không như có. Tất cả chẳng có gì quan trọng. Pháp danh mình là Diệu Đức nhưng Vân Anh cứ xưng mầy, tao như trước được rồi, mình vẫn là bạn mà.

Tôi hỏi Chiêu:

– Mầy đã lập gia đình chưa? Tại sao mầy đi tu?

Đôi mắt Chiêu thờ thẩn nhìn vào khoảng hư không như đang ngược về quá khứ, như muốn khơi lại đống tro tàn đã nằm sâu dưới lớp bụi thời gian. Giọng cô trầm xuống:

– Sau ngày 30 tháng 4- 1975 tao được tin anh Thụy mất tích, tao đau đớn tột cùng nhưng vẫn kiên tâm chờ đợi ảnh. Việt Cộng đuổi tao ra khỏi nhà, tao về Mỹ Tho sống với bên ngoại. Tao đi buôn bán khắp nơi cố ý dò thăm tin tức của Thụy nhưng vẫn bặt vô âm tín. Tao không thể lập gia đình với ai vì tim tao chỉ có Thụy. Tao chờ đợi hơn mười năm, tao đã sống vật vờ như một cánh bèo trôi trên sông mặc cho sóng trường giang lôi cuốn, tao trôi nổi theo dòng đời như thủy triều khi xuống khi lên, cứ thế và cứ thế…

Đến một ngày kia tao gặp một anh Thương Phế Binh, tao giúp đỡ anh ta và cũng nhờ vậy tao được biết anh ta cùng đơn vị với anh Thụy. Anh cho biết Thụy đã thật sự chết rồi, chết trong lần đụng độ cuối cùng với địch quân trên đường triệt thoái về Nam, chết trước ngày 30 tháng 4 - 1975, trước khi ông “tướng lớn” ra lịnh đầu hàng. Tao cố sống vì còn hy vọng ngày Thụy trở lại nhưng khi biết ra sự thật tao đã không còn ý chí để sống sót nữa. Tao tìm cái chết qua hai lần tự tử nhưng số mệnh tao chưa dứt nợ trần nên cả hai lần đều được cứu sống. Sau đó tao quyết định đi tu, còn gì lưu luyến cuộc đời nữa chứ! Tao đi tu không phải muốn thành Tiên thành Phật gì đâu, tao chỉ mong cho mau chóng hết kiếp nầy, tao muốn xác thân nầy được mau hủy diệt, mong kiếp sau…

- Mầy mong kiếp sau sẽ gặp lại anh Thụy chăng?

- Không, tao mong kiếp sau đừng làm con người nữa, tao muốn được làm cây cỏ vô tư không vướng những phiền lụy, bi ai của trần thế.

Đôi mắt Ngự Chiêu vẫn như nhìn vào một cõi mông lung nào đó, thẩn thờ, u mê, khờ khạo. Bao nhiêu năm tu hành mà nàng chưa giác ngộ và thấm nhuần giáo lý Phật pháp sao? Chưa dứt bỏ được trần duyên sao? Thật khó tin được. Tôi nhìn sâu vào mắt Chiêu, ôi còn đâu một người con gái trẻ đẹp tràn đầy nhựa sống, ôm ấp nhiều ước vọng yêu đương… không còn là Ngự Chiêu nữa, thật sự không còn. Ngự Chiêu ơi! Mai nầy mầy sẽ ra sao? Cuộc đời vẫn hờ hững, lạnh lùng với tâm tình của người con gái cô đơn, bất hạnh. Có lẽ rồi đây, dòng đời sẽ đưa mầy trôi về một cõi xa xăm, mầy sẽ được nghỉ ngơi, sẽ được thanh thản, bình yên trên một vùng thảo nguyên mênh mông nào đó, nhưng nó không thuộc về thế giới bên nầy.

Tất cả cũng vì cái hận ngày 30 tháng 4 năm 1975 đen tối kia. Nó đã làm cho tôi mất hết mọi thứ: mất một giang sơn gấm vóc, mất một mái gia đình êm ấm, mất một người anh ruột thân yêu, mất anh Thụy, mất cả Ngự Chiêu của ngày nào… Không biết bao giờ tôi mới tìm lại được những mất mát đó để lòng khỏi xót xa, trăn trở với những đêm dài nơi tha phương đất khách? Dòng đời cứ trôi đi, trôi mãi, biết đến bao giờ sẽ quay trở lại như những ngày xưa? Biết đến bao giờ…

Vi Vân

Cali tháng 4/ 2015.

Nguồn:
https://hoiquanphidung.com/showthread.php?18882-Tr%C3%B4i-theo-d%C3%B2ng-%C4%91%E1%BB%9Di

Posted on July 10, 2018

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...