Thursday, May 2, 2019

 

Thép Đen 4







1. SÀIGÒN ƠI!
2. SAY ĐI EM!
3. MIẾNG NGỌC CỦA ĐỜI
4. MỘT GÓC HIỆP NGHỊ PARIS
5. CON ĐẺ CỦA NHÂN DÂN
6. PHƯƠNG TRỜI GẬP GHỀNH
7. HUNG THẦN TẰNG TOÉT
8. HY VỌNG TREO TRONG MƯA
9. NHẠC VÀNG QUÊ HƯƠNG
10. SẦU LẮNG MÊNH MÔNG
11. CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI
12. RA CHIẾC LỒNG TO
13. THỦY CHUNG – CHÍNH CHUYÊN
14. VÀO LỒNG NHỎ
15. GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
16. YÊU LẦM, CHỘT MỘT ĐỜI
17. TỰ THẮNG GIẢ HÙNG
18. CHIM VỀ TỔ
19. TRỞ VỀ THÀNH ĐÔ
20. 5 NĂM, MẤT QUYỀN CÔNG DÂN
21. NGHĨA BẠN BÈ
22. THĂM MỘ CỤ NGÔ
23. NGƯỜI ẤY ĐÃ SANG ĐÕ
24. GIĂNG LƯỚI BẮT TÔM
25. LOẠI NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN
26. THĂM MỘ EM TRAI
27. CÁI “CÕNG” CỦA QUẢN CHẾ
28. ĐÔI BẠN NGÀY NAY
29. RA KHƠI TÌM TỰ DO
30. CỐ GẮNG, CỐ GẮNG, CỐ GẮNG NỮA
31. NỖ LỰC ĐỂ SINH TỒN
32. LÀM ĐƠN XIN ĐẢNG VÀO TÙ
33. LÕNG MẸ
34. TÌM BẠN ĐỜI
35. MỘNG ĐỜI NỞ HOA
36. CÁI ÁO NHÂN DÂN
37. HỢP DUYÊN ĐỜI
38. CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY
39. TÌNH MẪU TỬ XOẮN VÕ
40. RA KHƠI LẦN THỨ HAI
41. ĐỊNH MỆNH CON NGƯỜI
42. HOA KẾT TRÁI
43. THẦY VỀ VỚI TỔ TIÊN
44. THĂM MỘ CỤ NGÔ LẦN HAI
45. RA KHƠI LẦN THỨ BA
46. RA KHƠI ĐẾN BỜ
47. ĐẤT NƯỚC VẠN DỪA
48. VÕNG LÕNG ĐU ĐƯA
49. SƯỚNG KHỔ, KHÔNG CÓ TIÊU CHUẨN
50. MẸ ĐÃ ĐI VỚI THẦY
51. ĐÀM ĐẠO, BẠN BÈ INDO
52. BẦU TRỜI TỰ DO
LỜI KẾT
wordpress analytics


https://thepden.wordpress.com/





 photo bia_thepden2_zpszk8a7qix.png>





....................................................................................................

THÉP ĐEN 4

1. SÀIGÒN ƠI!

Thép Đen #18 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya

https://youtu.be/DpyDIEJA26A





Thép Đen #19 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya

https://youtu.be/i5iTZRdrz8U











Thép Đen #19 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya































https://youtu.be/i5iTZRdrz8U





 



1. SÀIGÒN ƠI!


Sáng hôm nay, sau khi Ý, cán bộ trại vừa điểm buồng xong quay đi, tôi là một trong những người đầu tiên ra sân. Như mọi buổi sáng, tôi tranh thủ chạy ra sau nhà làm vài động tác tay chân, cố hít thở cái không khí ban mai của một ngày trong hai, ba phút.

Mấy đêm trước giấc ngủ của tôi không yên, tâm tư cứ khắc khoải vơi đầy, chỉ vì chiều hôm ấy cách đây ba ngày, ở dưới phòng y tế của anh Thái, do một sự tình cờ, một em tù hình sự vừa mới nhập trại, xuống xin thuốc hắc lào, đã nói đến cô y tá Hỏa Lò. Tôi đã vồ vập hỏi, nhưng em không hề biết gì hơn về người Hưng Yên. Em chỉ xác định là bốn tháng trước ở Hỏa Lò, em có xin thuốc hắc lào của cô Vân y tá, 1 lần.

Cô Vân ơi! Ngay đầu 1968, trong buổi giã từ não nuột dầm dề mưa rơi ấy ở Hoả Lò, đã hơn ba năm rồi, tôi vẫn lầm lũi quằn quại trong ngục tù tăm tối, nơi rừng núi biên cương. Tôi không hề biết một tin tức gì về cô cả, để rồi chỉ nghe thoáng đến tên cô, lòng tôi đã xáo trộn mấy đêm nay. Rất may đêm qua, tôi ngủ được một giấc đã đầy, bù lại.

Phía Đông đỏ rừng rực, rồi mặt trời mò lên; xa xa chéo phía Tây Nam, rặng Hoàng Liên Sơn (Fan-si-pan) mây trắng che phủ ngọn, cũng vàng ửng lên rực rỡ. Một đàn vạc trắng hình cánh cung, đang sải cánh bay về hướng Đông Bắc.

Nhìn mấy tảng mây trắng hồng từ hướng nam lững lờ bay đến, tôi có cảm tưởng chúng đang mang theo những hơi hướng ngọt bùi, ruột thịt, tha thiết của gia đình, bạn bè thân quen phương trời bên ấy. Tôi rướn người, kiễng chân lên để hít lấy cái hơi thương nhớ, vời vợi của 9 năm dài đằng đẵng. Từ nơi sâu thẳm của cõi hồn, một giọng hát nỉ non, tỉ tê nghe rõ mồn một: ” Hôm nay… Sàigòn… bao nhiêu tà áo… khoe mầu phố vui… Riêng tôi một mình… tâm tư sầu lắng… đi trong bùi ngùi… Sàigon ơi…”

Bỗng tiếng Lầu Chí Chăn dội lên, từ cửa sổ phía sau nhà :

– Anh Bình không đặt bát để lấy sắn à?

Như choàng tỉnh một cơn mơ ngày, tôi vừa “ờ… ờ” vừa chạy ra sân trước. Nhìn các mâm đang ồn ào tíu tít chia sắn sáng, tôi chợt nhớ tối qua sinh hoạt toán, Nguyễn Huy Lân đã rành mạch tuyên bố:

Theo chỉ thị của ông Miễn cán bộ toán 2, ngôi nhà cơ bản số 3, còn bảy cái cửa ra vào chưa lắp cánh xong. Vì thế năm người, được phân công làm trong trại gồm :

Lê Văn Kinh, Bùi Tâm Đồng, Lầu Chí Chăn, Nguyễn Thanh Đương và Đặng Chí Bình.

Tạm thời ĐCB làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm kỹ thuật. Vẫn xuất trại theo toán ra lán thủ công để lấy dụng cụ. Sau khi lấy dụng cụ, cán bộ toán 2 sẽ dẫn cả tổ trở vào trại. Gần cuối giờ, cán bộ toán lại vào trại đón tổ ra lán để cất dụng cụ, rồi cùng về trại trả số tù”.

Cùng những ngày tổ mộc lắp cửa, cũng có một tổ xây đang lợp ngói cho xong nóc nhà, mà đám công nhân xã hội còn làm dở. Một buổi trưa, tôi đang hì hục cắm cúi làm, thì Chăn đi vệ sinh về, ghé tai tôi nói nhỏ:

– Anh em lợp nhà ở trên nóc, nhìn sang sân khu nhà số hai thấy có nhiều người tụm năm, tụm ba cởi áo phơi nắng, bắt rận.

Gợi trí tò mò, xế trưa tôi trèo lên chỗ anh em lợp nhà. Đúng như rằng, ngoài sân khu nhà cơ bản số hai có chừng hơn hai chục người: người đứng, người ngồi, đi đi lại lại. Có nhiều bác tóc đã muối tiêu, và cũng gầy xanh như chúng tôi. Vì từ xa, nhìn thẳng, khoảng cách từ 60 đến 80 mét nên chỉ nhìn nhau. Thỉnh thoảng có anh giơ tay vẫy vẫy chào, nhưng không thể biết một tí gì về nhau cả. Khó khăn đẻ ra sáng kiến, tôi chợt nhớ tới cách liên lạc khi còn ở xà-lim I Hỏa Lò. Tôi trèo xuống chỗ làm, kiếm được tấm gỗ mỏng nhẹ để làm cửa, bề chừng 60, bề chừng 40 phân. Vì có chủ ý, tôi xách miếng gỗ, lại trèo lên chỗ đám lợp nhà.

Mất dăm phút ra hiệu tay, khua vẫy nhiều anh em ở sân bên ấy đổ xô đến, ngước mắt nhìn lên. Để an toàn, tôi nhờ một anh toán xây, để ý cán bộ dưới sân bên ngoài. Tôi giơ miếng gỗ quay lại, chậm chạp, dùng ngón tay trỏ, tôi viết từng chữ theo lối in, vào tấm gỗ: “ANH NHÌN THẤY KHÔNG ?”

Lần đầu, họ đều tỏ ra lơ mơ và lắc đầu. Tôi thong thả làm lần nữa. Nhiều người khua tay mừng rỡ, đầu gật gật. Tôi bảo các anh, tìm cái gì viết lại cho tôi. Mấy người chạy vào nhà, rồi một người cầm ra một miếng gì, như cái nia con mầu nâu xám, đường kính khoảng 80-90 phân. Một anh cầm, một anh viết kiểu chữ in như tôi. Ở dưới sân nhà số hai an toàn hơn, họ chỉ cần để ý phía cổng khu của họ. Ngược lại, chúng tôi ở trên nóc nhà trống trải hơn, nhưng cũng có cái lợi, ở trên cao, quan sát ngay từ cổng trại, cán bộ ra vào chúng tôi đều trông thấy. Còn công an vũ trang ở các chòi gác thì quá xa, dù cho có nhìn cũng chả hiểu gì, chỉ coi như đám tù đang lao động mà thôi.

Hơn một giờ liên lạc, tôi vừa đoán vừa hiểu được: Bên ngoài mới có một cuộc đảo chính hụt giữa phe thân Liên Sô và phe thân Trung Cộng, khoảng cuối năm 1967. (Cũng là giai đoạn, cộng sản Hà-Nội đưa tôi ra tòa). Phe thân Trung Cộng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh đứng đầu, có chính quyền trong tay nên đã thắng thế; bất ngờ bao vây bắt nhiều người thuộc phe thân Liên Sô, do Võ Nguyên Giáp đứng đằng sau hậu thuẫn, và bị ghép tội là bọn xét lại hiện đại. Trong những người thân Liên Sô bị bắt có: Hoàng Minh Chính viện trưởng viện triết học, Vũ Đình Huỳnh trợ lý của HCM và Đặng Kim Giang thiếu tướng, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần. Phe này có nhiều người trong giới quân sự tham gia.

Phần tin tức về chúng tôi, tôi cũng cho họ biết sơ lược. Trong trại I này chúng tôi có chừng hơn hai chục Biệt Kích từ trong Nam ra Bắc hoạt động chống cộng sản, thường đã tù từ 9, 10 năm rồi.

Do cách liên lạc không thuận tiện, nhưng phần chính là sợ trong đám tổ xây có antene, và cả khu nhà số hai bên ấy nữa, chúng tôi đã biết thế nào đâu. Vả lại thấy đã tạm đủ nên tôi và Chăn quyết định, không liên lạc tìm hiểu thêm nữa.

Chiều nay thứ Sáu, không khí trong trại nhộn nhịp khác thường. Nguồn tin từ các cán bộ toán cho biết khu A (chính trị) cũng như khu B (hình sự) sẽ lao động xã hội chủ nghĩa Chủ Nhật này (Một Chủ Nhật nghỉ, một CN Lao Động XHCN đã trở thành thông lệ ở các trại giam từ lâu). Chúng tôi sẽ móc bùn, vớt bèo, làm cỏ toàn bộ ba chiếc ao lớn thả cá trước khu của ban giám thị trại. Cái điều làm cho khí thế của trại sôi nổi, là nguyên nhân có ban thi đua do cán bộ giáo dục Bùi Huy Tập làm trưởng ban, trực tiếp chấm điểm giữa ba khu tù nhân của trại. Khu A trách nhiệm chiếc ao giữa, khu B trách nhiệm chiếc ao trước khu công an vũ trang, còn chiếc ao thứ ba, phía trái của khu ban giám thị do K2 (trại nữ) đảm trách.

Đây là điểm mấu chốt làm cho khu nào cũng xốn xang bàn tán, chuẩn bị. Điểm đặc biệt của lần LĐXHCN kỳ này là, do sự trù liệu công việc, ban giám thị trại quyết định :

– Tù nhân sẽ làm Lao động XHCN liên tục từ 8 giờ sáng đến 2:30 chiều, chỉ trừ nghỉ 15 phút để tù giải lao ăn sắn bồi dưỡng lúc 10 giờ sáng, và 30 phút ăn trưa lúc 12 giờ. Thường LĐXHCN chỉ làm nửa ngày, tức 4 giờ.

Cứ nhìn khu A này, tôi đã hình dung ra cái cảnh rạo rực chuẩn bị sửa soạn quần áo, đầu tóc của mỗi người, nhất là những người còn trẻ, còn một chút nhựa xuân nào trong người ở hai khu B và K2 kia.

Ngay từ trưa thứ Bảy, toán nhà bếp, có các anh tự giác của mỗi toán xuống phụ giúp gồm hơn hai chục anh: Họ được lệnh gồng gánh, cuốc xẻng, xe ba gác để đi đào sắn. Tiêu chuẩn bình quân đầu người LĐXHCN được hưởng 8 lạng sắn kể cả vỏ. Nhà bếp K1 phục vụ khu A và B, bếp K2 phục vụ K2. Không biết phía đàn bà con gái bên K2 có mong ngóng được nhìn thấy đàn ông, con trai bên K1 hay không, chứ bên K1 này thì từ rừng sâu, trong lán thủ công đến ngoài nương khoai, đồi sắn, vườn rau; đâu đâu nơi nào có tù lao động đều say sưa bàn tán rôm rả trong cái dịp ngàn năm một thuở này.

Đúng thế, trừ trường hợp cá biệt, còn thông thường, đàn ông, đàn bà chúng tôi hàng năm chả nhìn thấy bóng dáng của nhau. Thậm chí anh Nguyễn Văn Thú (Biệt Kích), tối qua ở trong buồng đã nói: Lâu ngày quá, anh đã quên cả đàn bà, con gái. Đến nỗi anh đã ngẩn ngơ cả đêm, mà vẫn không thể hình dung ra thế nào cả. Anh chỉ thấy họ tuyệt vời lắm! Họ là một thứ vưu vật, là lẽ sống của cuộc đời v.v…

Anh Thú cứ ông ổng ca tụng người đàn bà, con gái mãi. Rất nhiều người tán đồng phụ họa; nhưng cũng nhiều người phản đối. Anh Bùi Tâm Đồng đã đứng hẳn lên sàn dõng dạc:

– Vừa thôi, anh Thú ơi! Anh cứ làm như, nếu trên cõi đời này không có đàn bà con, gái thì chúng ta không sống được hay sao?

Hàng 4, 5 cái miệng đều rống lên:

– Đúng! Đúng! Không sống làm gì nữa!

Giọng một anh từ trong nhà cầu đi ra, gào lên:

– Nếu biết chắc trên đời này không có và không còn đàn bà, con gái, sáng sớm mai tôi sẽ cắn lưỡi, xin từ giã tất cả các quý bạn để về với Chúa ngay.

À… anh chàng Gôm! Tôi đã thấy hơi lạ, từ lúc trong buồng sôi nổi bàn chuyện đàn bà, con gái mà không thấy anh chàng này tham gia. Đang ồn ào náo nhiệt sục sôi cả căn buồng thì bỗng có tiếng báng súng đập vào vách nứa ầm ầm; giọng một tên công an vũ trang quát:

– Buồng này làm cái gì, ồn ào như cái chợ vậy?

Giọng khàn khàn của anh Thành Xuân Yên từ tốn:

– Thưa cán bộ, họ đang tranh luận, nếu trên đời này không có đàn bà, con gái thì họ sẽ tự tử hết!

Im lặng một lúc, rồi giọng tên vũ trang đã hạ xuống:

– Bậy bạ! Thì nói nhỏ vừa nghe thôi!

Thấy thế, trong buồng lại râm ran trở lại. Anh Lân buồng trưởng đã phải ra đứng giữa buồng khoắng tay:

– Toàn buồng trật tự yên lặng! Các anh bàn chuyện đàn bà, con gái thì nói cả đời không hết! Đây là chuyện thực của đời tôi. Từ ngày tôi bị bắt đã 8 năm rồi, có một điều tôi ân hận nuối tiếc lớn nhất, vẫn ngày đêm dằn vặt lòng tôi.

Rồi anh im bặt. Có nhiều tiếng hối thúc :

– Nói ra đi! Nói ra đi!

Cũng lại ầm cả lên. Tôi cũng tò mò, đến bên Lân cao giọng:

– Các anh đừng làm ồn, để anh Lân nói ra đã!

Rồi tôi quay lại anh Lân như thúc giục:

– Anh nuối tiếc ân hận điều gì thế, hãy cho chúng tôi biết đi!

Anh cười và tỏ vẻ thành khẩn:

– Hiện nay, tôi đã có bốn mặt con: hai trai và hai gái, vậy mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cái của vợ tôi nó như thế nào cả. Tôi ân hận sao lại không nhìn rõ một lần cho đã, để bây giờ khỏi hối tiếc!

Cả buồng réo lên:

– Không tin được! Không tin được! Vô lý!….

Cuối cùng, anh Lân đã thong thả chậm chạp như tâm sự:

– Tôi xin thú thực với các anh em. Bởi vì chúng tôi ở nhà quê, chỉ khi nào đêm khuya, tin chắc cả nhà đều đã ngủ yên thì haivợ chồng mới… tò te mà thôi. Thường trời tối giơ bàn tay không nhìn thấy, thì nhìn làm sao được cái kia?

Câu chuyện này, cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn còn nhớ lại. Vừa đây, tháng 8-2003, tôi có dịp sang tiểu bang Philadelphia, do một sự tình cờ, tôi gặp lại anh Nguyễn Huy Lân, anh mới đi HO sang Mỹ 1994. Anh ở một town gần đấy, khi biết tôi sang, anh đã lái xe đến thăm. 23 năm mới gặp lại nhau, trong một bữa cơm có mấy anh Biệt Kích nữa, nhớ lại câu chuyện LĐXHCN ở trại Trung Ương Số I Phố Lu, Lào Cai, đầu năm 1972, tôi đã tươi mặt hỏi lại anh:

– Thế nào, Lân Mều! Từ ngày được tha về với gia đình, anh đã nhìn rõ cái “miếng ngọc” của anh chưa?

Cả bàn tiệc cười ngặt nghẽo như đê bị dò khi nước lụt.

Xin trở lại buổi LĐXHCN. Đêm hôm đó, khi nằm chưa ngủ được, đầu óc tôi miên man nghĩ đến anh chàng Lân Mều này. Tôi còn nhớ rõ bốn năm xưa (1968), khi ấy tôi từ dưới HỏaLò mới lên trại Trung Ương Số I, rồi được chuyển vào phân trại E do Hoàng Thanh làm giám thị.

Tôi được phân bổ về toán 2 làm mộc, cũng do Nguyễn Huy Lân làm toán trưởng. Khi biết tôi cũng từ trong Nam ra Bắc, lại cùng ở trại định cư Nam Hà thuộc phường 6, quận Tân Bình, anh và tôi rất quý mến và thân nhau từ đấy. Mùa Đông, tôi thường sang chỗ anh nằm đắp chăn chung, chuyện trò tâm sự. Khi biết tôi còn thanh niên chưa vợ, có lần anh hỏi tôi:

– Tao hỏi thực mày, mày đã nhìn thấy cái “hến” của đàn bà chưa?

Sau khi Lân biết tôi chỉ nhìn thấy của các bé gái còn nhỏ 4, 5 tuổi. Một buổi tối, Lân trêu tôi. Anh đứng ở giữa nhà nói to với cả buồng:

– Thằng Bình nó ngố lắm! Nó cứ tưởng cái “hến” của con gái khi lớn lên vẫn vậy. Nó không biết là khi đứa con gái bắt đầu 11-12 tuổi thì cái “hến” cứ xoay dần, để rồi đến 18 tuổi cho tới khi thành đàn bà thì nó nằm ngang hẳn ra.

Ngay khi ấy, tôi cũng không tin và hiểu là Lân mều muốn trêu tôi mà thôi. Tuy vậy, một hôm tôi đã hỏi Gôm. Gôm cười hềnh hệch và nói là cá biệt, có người nó còn ngược hẳn lên. Để rồi mấy tháng sau, nhân một lúc vui, tôi hỏi thẳng bác Lẫm. Bác cười bằng mắt bảo tôi:

– Yên tâm đi, sau này sẽ biết.

Sáng hôm sau chủ nhật, trời cũng chẳng chiều lòng người, sương mù kéo dầy đặc. Tới khi kẻng tập họp để chuẩn bị xuất trạo đi lao động XHCN mà sương khói vẫn còn mịt mù, chỉ nhìn rõ người và cảnh vật xa chừng ba chục mét. Xa hơn nữa, thì chỉ thấp thoáng bóng người mơ hồ trong sương đục. Để phòng ngừa, Ban Giám Thị cho lệnh phải tăng cường mỗi toán thêm một công an vũ trang nữa. Rặng Hoàng Liên Sơn hôm nay cũng biến vào mây trời mất tiêu, chỉ còn lại một mầu rêu già xám xịt phía chân trời.

8 giờ, tiếng trống thùng… thùng… của hai tay trống nhà bếp phía cổng trại làm rung rinh lòng mọi người. Hai chiếc biểu ngữ đỏ nẹt, chữ trắng, đã nhìn rõ dần. Một cái của khu A viết: “Vì Miền Nam ruột thịt, một người làm việc bằng hai”. Một cái của khu B. Từng toán, lần lượt ra khỏi cổng trại.

Khi toán 2 ra đến khu vực đã được phân công, đảm trách ở chiếc ao giữa. Nguyễn Huy Lân lấy ra một tờ giấy đã viết sẵn, anh cao giọng thong thả đọc từng tên. Một số người già yếu ở trên bờ làm cỏ, chan đất, đắp bờ. Còn hầu hết trai trẻ, đều phải xuống nước vớt bèo, móc bùn. Riêng tôi, vì có chút kỹ thuật, nên được ở trên bờ để san và đắp bờ.

Trời đã về cuối Xuân, nhưng nước vẫn còn lạnh căm căm. Cái chính là bụng đói, thì cật rét; cởi áo ra, người anh nào cũng chỉ còn xương sườn với da, tay chân khẳng khiu, khòng khèo. Mới sáng thứ Bẩy hôm qua, anh Lương Yên làm vệ sinh, cho biết bên khu B hình sự, có hai cậu được khênh xuống bệnh xá đều chết vì ăn quá nhiều vỏ sắn, bụng chương lên, không đi cầu được. Thế mà khí thế lao động vẫn hăng say. Tiếng trống, tiếng loa hô hào vẫn oang oang, thình thình như một đám hội của đình làng.


Khoảng gần 10 giờ, mặt trời đã ló ra nhìn cảnh núi rừng âm u trong sương đặc, nhưng gió lộng hơn nên vẫn lạnh. Trong toán 2, người ở dưới nước, người trên bờ, mặt anh nào cũng tái ngoét, răng đánh vào nhau cặp cặp. Mọi người đề nghị cho đốt lửa hút thuốc và cũng sắp đến giờ giải lao ăn sắn bồi dưỡng. Được lệnh của BGT, một số anh tự giác đem xe ba gác vào khu thủ công toán xẻ và toán mộc, lấy phoi bào và những đầu gỗ thừa. Chỉ nửa giờ sau mỗi ao đã có một đống lửa to, mọi người nhìn cho ấm mắt, và cũng ấm lòng thôi, chứ chưa ai được đến gần đâu.


Từ sớm tới giờ, tôi vừa làm vừa ngẩn ngơ suy nghĩ. Đói khổ, lầm than triền miên như vậy mà không khí lao động vẫn sôi nổi, không ngưng nghỉ. Tại sao như vậy? Càng ngẫm nghĩ, càng kính nể và bái phục cái tài khích lệ, phỉnh phờ, đe dọa ép buộc kết hợp với cái dạ dày để chỉ huy con người của cộng sản. Phải hàng chục thứ liên kết, mỗi cái một ít, từ ngoài xã hội đến trong gia đình, để có một sức ép tứ phía.


Rõ ràng mọi người không muốn làm, mà rồi vẫn phải làm, làm với một thái độ hăng say, nồng nhiệt. Suy kỹ đã thấy sáng tỏ: Nội dung không quan trọng bằng hình thức. Mà ngay từ xa xưa, ông cha chúng ta đã thấy: “Cách ăn không bằng ý ở”. So với sự cho tiền, cho ăn, cho vật dụng, cái cách đưa, cách cho, cách đối xử quan trọng hơn. Phương Tây cũng có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Cái cách thể hiện câu nói, quan trọng hơn nội dung câu nói.


Ai cũng thấy, kể cả người cộng sản cũng thấy họ làm nhiều điều sai, nhiều điều thiệt hại đến người dân, với đất nước, nhưng họ chỉ cần nghiên cứu thấu đáo phương cách thực hiện. Muốn quán triệt, họ cần phải có nhiều bộ óc, cùng nghiên cứu mọi mặt của một vấn đề. Rõ ràng: bốn người trình độ như nhau, quỷ quái tinh khôn như nhau; nếu ba người hợp lại để chống một người thì hầu như cái tất thắng là ở phía ba người.


Truyền thống từ nhiều đời, Đông cũng như Tây, ông cha đều đã dạy: “Ba cái đầu hơn một cái đầu”. Đông người mà cùng nhìn về một phía, cùng đem hết tâm hồn và trí lực để thực hiện một mục tiêu thì thành công.


Chứ đông mà “Ông chẳng, bà chuộc”, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, người nầy kích bác, chống phá người kia, kéo bè, kết cánh để gây mâu thuẫn, đả phá lẫn nhau, thì lại không bằng một người. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Napoléon: “Một vị tướng tồi, còn hơn hai vị tướng giỏi”. Việt Nam ta cũng có câu “Nhiều thầy, thối ma”.


Phương pháp của người cộng sản là: Trên cao nhất có bộ chính trị, sau đó là có một ủy ban trung ương, các cơ quan đoàn thể đều có đảng ủy: tỉnh, huyện, xã thôn đều có. Khâu nào cũng có tập thể cùng bàn bạc thảo luận nghiên cứu thấu đáo từng sự việc theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đấy suy ra: Thế Giới Tự Do của chúng ta đã phù hợp với lòng người; chúng ta không hề lừa lọc, bịp bợm người dân, nên có chính nghĩa. Vậy chỉ cần nghiên cứu về phương pháp thực hiện, đã thấy tính hơn hẳn của chúng ta đối với cộng sản rồi.


 

2. SAY ĐI EM!

Trời sáng dần, nhìn sang phía hai chiếc ao 1 và 3 đã thấy những bóng người trong sương trắng. Đầu óc tôi vẫn còn chìm nghĩm vào những dòng tư tưởng mênh mông; bỗng tiếng của anh chàng Gôm, trong đám vớt bèo ở dưới ao ré lên:

– Đỉa! Đỉa…

Rồi y chạy bổ lên bờ. Tiếp theo có nhiều tiếng gào giật đùng đùng:

– Đỉa….! Đỉa… Nhiều đỉa quá!

Một số người nhào vào bờ. Chàng Gôm mặt tái ngoét, hai tay thay nhau bấu, lôi một con đỉa hẹ như cái sơ mít đang bám phía trên đầu gối, chân nhẩy giẫy đành đạch. Gôm lính quýnh mãi không lấy được con đỉa ra, cứ dứt đầu này thì đầu kia nó lại bám vào da. Thương hại, tôi chạy lại bên Gôm, nhổ một bãi nước bọt vào tay, rồi xát vào đùi Gôm, chỗ con đỉa bám. Tôi lôi con đỉa ra một cách dễ ợt, rồi ném mạnh ra xa vào chỗ đống bùn, trước những con mắt mở to của Lê Văn Kính và thầy tu Nguyễn Thanh Đương. Kinh người miền Nam hỏi tôi một cách trầm trồ:

– Bình bạo thế! Làm sao lại phải dùng nước bọt?

Tôi cười thản nhiên:

– Ồ, còn nhỏ, tôi mò cua bắt ốc là thường. Còn nước bọt nó trơn, con đỉa không bám được vào da nữa. Người ta nói: “Dai như đỉa đói” là như thế!

Miễn, cán bộ toán và tên CAVT (công an vũ trang) cũng tươi mặt mỉm cười nhìn tôi. Phía cuối toán cũng có vài anh nữa ở dưới ao, đang ném những con đỉa ra mãi tít xa ngoài giữa ao. Một số anh nhanh nhẩu quát:

– Hãy ném đỉa lên bờ, ném xuống ao, nó trở lại cắn nữa!

Cả cái vòng tròn của cái ao to, nhiều toán cũng ném đỉa tứ tung. Xa xa hai chiếc ao hình sự và K2 cũng đang í-ới về đỉa. Bỗng có tiếng những cô gái hét lên, chạy xôn xao, nhưng xa quá nên tôi chỉ thấy thấp thoáng trong sương mờ. Có mấy anh ở dưới ao, hướng về tên CAVT cao giọng:

– Đề nghị cán bộ, cho mấy chúng tôi tình nguyện sang bắt đỉa cho phía phụ nữ đó ạ!

Tên vũ trang đứng gần phía đống lửa, mắt y long lanh nhìn sang phía K2, đầu lắc lắc, miệng y lại cười cười. Tôi có cảm giác tưởng như y muốn nói:

– Nếu tự nguyện sang bắt đỉa cho phụ nữ được thì tôi chả để đến phần các anh đâu!

Lẫn vào trong tiếng trống, tiếng loa hò hét; bỗng một hồi kẻng lanh lảnh phía cổng trại như ngoáy vào sương mù làm cho những tiếng loa, tiếng trống im bặt. Giờ hạnh phúc, giờ giải lao, giờ ăn sắn bồi dưỡng đã đến rồi; một đoàn người gánh gồng từ trong cổng trại đang tiến ra các bờ ao. Nguyễn Huy Lân và mấy anh tổ trưởng toán 2 đang lúi húi trải một tấm nylon xanh cũ, nhiều chỗ đã đen nhẻm xuống đất gần chỗ đống lửa, để cho anh nhà bếp đặt gánh sắn còn bốc hơi.

p>Mùi sắn thơm ngọ, phả vào trong màn sương đặc, nhưng chợt có một mùi thơm khác, mùi thơm lạ, mùi của mều, của protéin. Mùi thơm ngậy, luồn vào trong gió rồi lách vào mũi của mỗi người, làm cho nước miếng của tôi đã rỉ ra trong miệng. Tôi nhớn nhác nhìn về phía đống lửa: Bùi Tâm Đồng, Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Gôm và Lò Văn Lui, anh nào mồm cũng đang nhóp nhép nhai. Mặc, đám đông đang ríu rít chia sắn bồi dưỡng, tôi sà đến chỗ đống lửa. Miệng còn đang nhai, Lê Văn Kinh giơ cho tôi một miếng đen đen cháy, bằng ½ ngón tay út vồn vã:

– Còn một con cá bống cơm đây, phần Bình.

Nước bọt đã ứa ra miệng, tôi cầm lấy với ánh mắt biết ơn. Của quý mà anh em dành cho; miệng nhai, mũi ngửi nó vừa thơm vừa bùi lại ngầy ngậy, mắt sáng ra háo hức:

– Cá bống cơm ao bèo bồng, sao mà ngon thế hở trời!

Tôi chợt thắc mắc:

– Sao cá bống mà lại không có xương sống?

Cả bốn người đều cười như nắc nẻ:

– Đỉa đấy ông bạn ơi! Làm gì ra có cá bống!

Nghe thế, tôi cũng thấy hơi nhờn nhợn, lợm giọng nhưng kệ nó, vì ngon quá! Hơn nữa, cả bốn người họ đang đi lùng sục bới trong những đống bùn. Từ sớm tới giờ mọi người vất đỉa lung tung, bây giờ lại đi tìm. Anh nào chưa nếm mùi “cá bống cơm” thì còn lửng lơ, chỉ nhìn quan sát tò mò. Anh nào đã nếm mùi thì đều đôn đáo, tay cầm sắn, mồm nhai, nhưng mắt vẫn nhớn nhác nhìn đây đó để tìm “cá bống cơm”. Thậm chí có mấy người còn lội hẳn xuống ao, chân tay khua động nước, rồi đứng yên chờ cho đỉa đến cắn, bắt đem lên nướng. Thành ra giờ đây lại đi tìm đỉa, chứ không còn sợ đỉa nữa.

Câu chuyện “cá bống cơm” này đã hơn 30 năm, bây giờ Lê Văn Kinh (người nhái) đang ở Florida đôi khi trên phone tôi và Kinh vẫn còn nhắc lại để rồi hai ông già còn cười, cùng nhớ lại “Đàn cá bống cơm ao bèo” của muôn năm cũ.

Gần nửa đêm hôm qua, tôi giật mình thức giấc vì tiếng báo cáo đi cầu của anh Lồ Cao Diu ngay sàn trên, đối diện với tôi. Tôi cứ nằm nghe tiếng gió rừng rì rào lẫn với những tiếng gáy cò cử của một số người trong buồng: bỗng hai tiếng sấm đoành… đoành ở phía Tây, làm rung rinh cả căn buồng. Rồi như có một chiếc xe lửa nhiều toa gầm ghì chạy ngang dọc trên bầu trời. Những lằn chớp nháy, có lúc xanh lè ngoài cửa sổ, một trận mưa như đổ nước xuống từ trên trời.

Mưa rào rào xối xả vào mái nứa, vào phên tre, gió càng mạnh thốc vào cửa sổ. Đã có nhiều người dậy hút thuốc lào, đi vào nhà cầu, nên không ai còn phải báo cáo nữa. Thực ra cái khâu tù đi ỉa, đi đái đêm phải báo cáo này, đã từ lâu không còn nghiêm ngặt áp dụng nữa, như tôi đã trình bày hai năm trước đây, ở phân trại E; cho nên giờ đây các buồng đi cầu đêm, rất ít người báo cáo. Có chăng chỉ còn một số người, đa số là dân tộc hãy còn do thói quen, tính mộc mạc ngoan ngoãn chấp hành.

Nằm mãi nghe sấm chớp, gió mưa gào thét tôi chợt nhớ tới giọng ca rên rỉ khàn khàn, đùng đục, dài lòng thòng của ca sĩ Thanh Thúy trong bài “Mưa Rừng” thủa nào:

Mưa rừng ơi… Mưa rừng.. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì lòng người…. Mưa sầu vì tình đời… Lá vàng rơi lìa cành… gợi ta nỗi niềm riêng….. Ôi! Ta mong ước xa xôi, nhưng đêm mãi cô đơn... gửi tâm tư về đâu?… Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?…. Mưa rơi như nức nở, mưa rơi trong lòng tôi… Mưa rừng ơi! Mưa rừng…. Tìm đâu hỡi ơi… bóng ngày xưa?……

Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn lúc nào không hay.

Sáng hôm nay, trời trong xanh không một vẩn mây, cảnh vật núi đồi như được lau chùi cọ rửa sạch sẽ đêm qua. Ngồi xếp hàng đôi, bên cạnh Đinh Sơn BK, tổ trưởng tổ kỹ thuật, chờ cán bộ Ý trực gọi đến toán 2 xuất trại như mọi khi, Sơn ghé sang tôi hỏi nhỏ:

– Bình có biết máy bay của Lâm Bưu trên đường chạy trốn, bị tên lửa bắn rơi tan xác ở Tân Cương do chính Mao trực tiếp ra lệnh không?

Tôi lắc đầu, ngạc nhiên vồ vập:

– Tin ở đâu, có chắc không?

Sơn càng nói nhỏ hơn nữa:

– Do tự giác, ngoài dân họ đồn ầm lên! Họ nói do đài BBC đưa tin.

Phần vì thấy sự việc còn mãi ở bên Tàu xa xôi, không trực tiếp giải quyết gì đến cảnh đời của mình; phần khác tâm trí tôi còn bao nhiêu thấp thỏm với ngôi nhà xây số 3. Đêm qua, khoảng 2 giờ tôi nghe nhiều tiếng xon xao và tiếng chân của một số đông người, đi từ cổng trại đi vào. Thấy bác Tiến đã dậy rồi, tôi ghé sang mùng bác nói nhỏ:

– Bác ơi! Không biết tù ở đâu đến, mà lại đến khuya thế?

Bác thì thào:

– Bác cũng không đoán ra!

Rồi bác nhấc màn chui ra, đi vào nhà cầu.

Mới sáng sớm, khi cán bộ điểm xong, tôi phải phiên trực mâm lấy sắn sáng. Tôi chạy hộc tốc như các mâm khác, xuống bếp để lĩnh soong sắn. Vì có giao tình riêng với anh Khuê toán trưởng nhà bếp, tôi đã lủi vào buồng anh thăm hỏi, tù nào ở đâu chuyển đến đêm qua? Do những liên hệ phục vụ cơm nước, nên anh đã cho biết: có 52 Biệt Kích thuộc trại Phong Quang Yên Bái chuyển đến ngôi nhà số 3 đêm qua.

Lúc đầu, chắc chưa phân bổ tổ, toán để lao động nên không thấy có ăn sáng. Hàng ngày, cứ khi nào xuất trại xong 9, 10 giờ sáng, nhà bếp mới khênh cơm nước lên, đi thẳng vào trong cổng khu nhà số 3.

Hầu hết anh em BK (Biệt Kích) ở trại 1, đều băn khoăn nghe ngóng tìm hiểu xem có những ai quen biết, thậm chí có cùng toán BK của mình chăng? Mới hơn một tuần, Gôm ở dưới buồng của anh Thái y tá về cho biết: sáng nay có một anh BK từ ngôi nhà số 3, được khênh xuống bệnh xá, hơn một giờ sau đã chết rồi. Nguyễn Văn Thú, Chăn và tôi định kín đáo chiều nay đi làm về, sẽ ghé xuống xem BK đó là ai? Vì sao chết để cùng chia sẻ gọi là một chút nghĩa tình của anh em. Nhưng cho tới lúc chúng tôi đi làm về, thì anh Thái lén lúc cho biết: Đã đem đi chôn lúc 2 giờ trưa rồi. Anh Thái ghé vào tai tôi như nói riêng:

– Do may mắn nên Thái biết được tên người chết là Vũ Khắc Hải, chết do bệnh lao, suy nhược, vì không có thuốc. (Mãi gần một năm sau, khi Hiệp Định Paris 27-1-1973 sắp ký, tôi mới biết rõ anh VKH thuộc toán Roméo gồm 10 người, ra Bắc từ 19 tháng 11-1965)

Thật là bất ngờ, tối hôm qua, sau khi cán bộ trực Ý vừa điểm buồng xong chừng 40 phút; anh em vừa họp tổ sinh hoạt hàng tuần, lại có tiếng chìa khóa rủng rẻng ở cửa buồng, rồi cửa mở. Cán bộ Ý bước vào buồng, bên ngoài còn lố nhố một số CAVT. Hắn đứng giữa nhà dõng dạc:

– Những anh có tên sau đây, chuẩn bị công, tư trang quần áo khi gọi đến tên trong vòng 10 phút, phải ra khỏi buồng để chuyển trại.

Ai cũng mắt mở to, thao láo nín thở lắng nghe; lần lượt 19 anh, hầu hết là BK của toán 2 và 3. Tôi tập trung tinh thần lắng nghe, đợi gọi tên mình, óc lướt nhanh những gì còn mắc mứu với những người trong buồng, cũng như buồng khác. Trong buồng của toán 2 (mộc) và 3 (xẻ) gồm 97 người. Có chừng 20 BK gián điệp; còn lại là những người dân tộc và chính trị địa phương. Tôi bàng hoàng không hiểu ra sao; có những toán chia đôi, xẻ 3 không theo một cái khuôn thước nào, có toán đi hết:

Toán Strata:

Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Như Ánh đi

Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng ở lai

Toán Người Nhái Cancer:

Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau ở lại.

Dương Long Sang,Voòng Hợp Văn đi.

Ngay đêm ấy, nhà bếp đã được lệnh bí mật chuẩn bị cơm nước đi đường. Cho đến sáng hôm sau, cả ba Biệt Kích ở toán rau cũng phải đi, bao gồm 22 người. Còn lại 6 người ở lại trại I là:

– Lầu Chí Chăn

– Lý Giòng Slau

– Lê Văn Bưởi

– Đặng Chí Bình

– Trương Nàm Tráng

– Trần Quốc Quang.

Đặc biệt, trong những người đi,có cậu Hoàng Mạnh Hùng. Ngay từ đầu năm 1968, tôi ở dưới Hỏa Lò lên vào phân trại E gặp cậu, tôi và cậu đã mến nhau coi như anh em. Tôi đã trèo lên sàn trên để giúp Hùng, buộc gói chăn màn. Hùng là dân tộc Nùng, thuộc toàn Samson Biệt Kích, ra Bắc ngày 5-10-1966. Tôi xin sơ lược vài nét về toán Samson:

Toán gồm có 8 người. Địa bàn hoạt động tại Điện Biên Lai Châu vùng ngã ba Trung Quốc, Việt namvà Lào. Ngày 5-10-1966 từ Long Thành đi trên hai chiếc trực thăng ghé qua Thái rồi qua Lào đến địa bàn hoạt động.

1. Vương Văn Can, toán trưởng bị chết trận (3-12-1966)

2. Nông Quốc Hải, toán phó (đã chết ở trại Quyết Tiến)

3. Shè Khừu Sáng, truyền tin (hiện ở Atlanta – Mỹ)

4. Hoàng Mạnh Hùng, toán phó (hiện ở New York – Mỹ)

5. La Văn Thịnh, toán viên

6. Nguyễn Văn Châu, năm 1977 được cho ra công nhân (đểu) Hồng Thắng rồi mất tích. Cho tới nay không biết.

7. Lưu Văn Y, chết trận ngày 3-12-1966

8. Văn Tế Xương, toán viên. Vì một chiếc đồng hồ đeo tay, bị giết ở biên giới Miên Việt (1987)

Toán được tiếp tế lần thứ nhất: 5 kiện hàng có 3 máy truyền tin (13-10-1966)

Lần thứ hai: 10 kiện hàng (28-11-1966)

Rồi bị lộ, chiến đấu chống trả. Toán bị 2 chết và 1 bị thương là Sáng, gãy một chân và lòi một mắt. Toàn toán bị bắt ngày 3-12-1966. Một chuyện như giai thoại, theo Hoàng Mạnh Hùng mới kể lại (2004):

Trước ngày đi công tác, trong khi đo giầy cho Sáng, Sáng lấy một chiếc giầy vẽ một con mắt to tướng. Khi ra Bắc chiến đấu, Sáng bị bắn lòi một con mắt, như vậy phải chăng là một cái “điềm”?

Chúng tôi cũng nhiều dọ dẫm, nhưng tù nhân không một ai biết số BK ở trại 1 đã chuyển đi đâu? Một sự chuyển đổi có dụng ý: Đêm ngày hôm sau, đúng là ngày 3 tháng 2 (ngày thành lập đảng Lao Động Việt Nam) thì 71 người Biệt Kích từ trên trại Quyết Tiến, Cổng Trời, Hà Giang chuyển về ngôi nhà xây số 1. Từ đấy liên hệ nhớ ngày Biệt Kích ở trại 1 chuyển đi là 2-2-1972. Chúng tôi đoán tình hình bên ngoài có chuyển biến; ngày đầu tháng 2-1972 tù trại 1 chuyển đến, chuyển đi xoành xoạch làm xáo trộn toàn bộ trại, tù nhân cũng như cán bộ. Tiếp theo lại có mấy đợt tha tù chính trị miền Bắc như tu sĩ, phản tuyên truyền, phản cách mạng và tù dân tộc thiểu số nữa (Sau này, chúng tôi mới hiểu -- Việt cộng chuẩn bị để ký Hiệp Đđịnh Paris)

Riêng về toán 2 mộc, sau khi cả Nguyễn Huy Lân (Toán trưởng) và Đinh Sơn (tổ trưởng tổ kỹ thuật) chuyển đi; anh Nguyễn Trọng Tiềm tù chính trị miền Bắc lên làm toán trưởng. Tôi là tổ trưởng tổ kỹ thuật (thay Đinh Sơn), chuyên đóng những hàng kỹ, gỗ quý, thường làm cho các cán bộ đặt là chính.

Trước đây lực lượng Biệt Kích hầu như đảm nhận những sản phẩm chính yếu của toán mộc. Giờ đây do những anh em tù chính trị miền Bắc là nồng cốt. Khá tay nghề chỉ còn tôi và Lầu Chí Chăn đều trở về tổ kỹ thuật, để làm hàng đặt của cán bộ các phân trại. Cán bộ toán 2 vẫn do ông Lê Trí Miễn phụ trách, hàng ngày chúng tôi vẫn đi lao động trong lán thủ công phía trái của trại. Do những xáo trộn như tôi đã trình bầy, bây giờ ngay đầu lán mộc, cạnh tổ kỹ thuật của tôi lại có một tổ làm guốc (mặt hàng mới) gồm 4- 5 người, do anh Phạm Phú Lục làm tổ trưởng.

Qua trao đổi tâm tình, được biết anh Lục là người Bình Định, cán bộ huyện tập kết, Anh bị bắt vì có tư tưởng chống đối đường lối lãnh đạo độc tài của đảng Lao Động, đã bị bắt sáu năm rồi. Khi còn ngoài xã hội, anh đã từng phục vụ trong một cơ sở thủ công về dép, guốc phụ nữ ở Hải Phòng. Sáng nay anh ghé sang tôi, đứng nhìn Chăn và tôi đang thao tác một cái tủ lệch, kiểu Đức bằng gỗ lát cho ông Toán, chánh giám thị trại. Lúc chỉ còn mình tôi Lục đến sát tôi nói nhỏ:

– Bình có biết Kissinger sang Trung Quốc chuẩn bị cho Nixon sẽ sang gặp Mao đấy?

Tôi vừa lắp cái bản lề cánh tủ, vừa hỏi lại Lục:

– Tin ở đâu mà đặc biệt thế?

Lục nheo nheo cặp mắt, miệng nói như vội vàng:

– Cứ biết thế, đừng hỏi!

Rồi Lục bước vội sang tổ guốc, cùng lúc ấy Chăn và Phùng Văn Tại lặc lè, khênh một tấm ván gỗ mỡ về. Tại cùng tổ của tôi, anh là một chủng sinh, cũng cái tội không chịu bỏ tu để về nhà lấy vợ; tôi cũng nói sơ qua sự việc đó với Chăn và Tại.

Mấy ngày nay, nhìn sang toán xẻ, tôi thấy có nhiều tù lạ. Chăn đã cho biết, đó là những Biệt Kích ở trại Quyết Tiến trong khu nhà xây số 1. Trong khi thao tác, tôi nhìn sang, thấy dáng dấp mấy anh em quen quen. Lợi dụng sự đi lại trong giờ giải lao, tôi lỉnh sang. Đúng như rằng, tôi vừa ghé sang đến toán 3, thì một anh còn trẻ từ một góc trong chạy vội ra mừng rỡ, vồ vập :

– Anh Bình! Anh lại ở đây à?

Tôi cũng vui ra mặt, ôm chầm lấy, đó là Lưu Nghĩa Lương. Từ ngày ở xà- lim 1 Hoả Lò tôi ra trại chung (cuối 1967) 5 năm bất ngờ gặp lại. Mừng rỡ như chị gặp em, tíu tít bao nhiêu chuyện, Lương ríu rít :

– Nguyễn Phương, Hoàng Cung, Trịnh Văn Truyện, Hoàng Trọng cũng có ở đây anh ạ!

Tôi choáng người, vừa nhìn dáo dác vừa hỏi ngay:

– Đâu? Đâu?…

Lương đã dẫn tôi ra sân sau, của toán 3. Tôi choáng vì mấy người đó là thủy thủ trên con thuyền định mệnh, đã đưa tôi ra Bắc 10 năm xưa. Tôi mới bước chân tới sân sau, một việc tuy nhỏ bé, nhưng đã khắc ghi vào lòng tôi cho đến bây giờ. Vì nó nói lên sự thủy chung, tư cách ứng xử truyền thống nho phong của một con người. Tôi bước vào, có 5- 6 anh đang cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại, chắc vừa cưa xẻ, ngồi nghỉ mệt: Anh Nguyễn Phương (chuyến đi của tôi anh là Tarzan thợ máy dễ mến), các anh Cung, Truyện thoáng thấy tôi, vội vàng với tay lấy cái áo đang treo ở cột khoác vào, rồi đều quay lại, hơi thấp đầu nói nhỏ:

– Chào ông!

Tôi quá cảm động cũng không nói lên lời, thành ra lí nhí:

– Cám ơn các anh!

Có thể trong một phút bất ngờ, phản xạ tự nhiên? Các anh quên mất các anh là tù và tôi cũng là tù.

Tuần trước, tôi và Lầu Chí Chăn lên gian vernie, do Quý cụt làm tổ trưởng. Ngồi nói chuyện với Quý, tôi và Chăn đều ngửi thấy mùi “cồn” nồng nặc. Chỉ ngửi mùi cồn, mà người cũng thấy lâng lâng, hồn muốn bay la đà nhấp nhổm. Thế là Chăn và tôi đã lén lút thì thầm:

Nếu vernie này, lọc qua một cục bông gòn thì có thể uống được.

Đời bây giờ tăm tối mịt mù, hãy thử cho say một bữa, cho lòng đê mê, cho hồn bay bổng lên cuộc đời một lần, cho sướng. Bàn tính, chuẩn bị, theo dõi mọi tình huống.

Quý cụt được cán bộ toán tin cẩn, giao chìa khóa kho, nhưng chúng tôi đã dạm thử nhiều lần, thấy không kết quả. Còn Phạm Phú Lục tổ guốc là phụ tá cho Quý (Quý cụt tay không thể mang vác), thường xuyên ra vào kho. Sau khi tôi dạm ý, anh ta đã đồng ý ở mức độ: coi như không hề biết dù có trông thấy.

Đành phải trù liệu một kế hoạch nhỏ. Bắt buộc phải cho bác Lương Yên người Lào, gốc Việt, làm vệ sinh của toán tham gia. Bác có điều kiện gác tên công an võ trang ở chòi gác, cách lán chừng 5 chục mét và coi cán bộ, bất chợt đi ra thì làm hiệu tay.

Tôi sẽ nói chuyện với Quý cụt, để giữ nó mươi phút. Chăn ở một cái ngách, luồn trèo lên mái nhà kho. Khéo léo cắt, tháo lạt buộc những tấm phên nứa trên mái, rồi chui xuống; đã chuẩn bị một ống nứa chứa chừng một lít. Sau khi xong, trèo lên, buộc lại trong vòng 10 phút. Sau những chuẩn bị táo bạo, kết quả : Lầu Chí Chăn đã dũng cảm thi hành công tác, một cách mỹ mãn : chiều hôm đó đã có một ống nứa đầy vernie, nút kín, dung tích gần một lít, giấu trong cầu bào của tôi.

Cái khâu lọc vernie không thể thực hiện được, vì cái mùi cồn nồng nặc. Đã từ những tháng trước, tôi có giao tình “hẩu” với anh trật tự mới của trại là Shi-ha Nam (người Campuchia). Tên Việt anh ta là Nam, nhưng chúng tôi gọi đùa là Shi-ha-Nam (Campuchia khi đó có ông vua Shihanouk) rồi thành tên, cả trại đều gọi. Nghe nói anh ta mang tội buôn lậu thuốc phiện, tù bên phía hình sự. Cho nên tôi chịu trách nhiệm đưa vernie vào trại. Tôi đã chuẩn bị, nếu bị lộ tẩy thì nói là đem vernie về đánh lại mấy cái hòm (rương) đã quá cũ v.v… của chúng tôi.

Với nhiều những ứng biến khéo léo, buổi chiều thu quân hôm ấy, tôi đã đưa lọt vernie vào buồng giấu kỹ. Cái khâu lọc vernie làm cho tôi nát óc; ngay sau khi cơm nước xong, tôi chạy sang gặp anh Hiệp ở buồng số 1 bên cạnh (Hiệp đã đánh cờ với tôi ở phân trại E), không ngờ quá dễ dàng giải quyết cái khâu này. Vernie gồm có cồn và cánh kiến hòa tan, bây giờ chỉ cần đổ một ít nước lạnh vào, cánh kiến sẽ nổi lên, vớt hết đi, nước còn lại có mầu sữa loãng, lại đỡ mùi hăng của cồn xông lên.

Quan điểm của tôi và Chăn là khi mình có một món ăn ngon, muốn cho mọi người thân quen được thưởng thức. Bạn bè thân quen thì hàng chục, tôi hiểu rằng hễ nhiều người biết thì sẽ lộ. Khâu đổ nước vớt cánh kiến, lúc đầu chúng tôi định giải quyết ở trong nhà cầu, nhưng thấy thường xuyên có người ra vào, nên quyết định làm ở trong mùng. Tôi, Chăn và anh Lương Yên đều nằm sàn dưới, không tiện; Phạm Phú Lục nằm sàn trên, nhưng Lục e ngại vì anh có trách nhiệm trong kho vernie.

May quá, anh Hưng, một dân chơi Hà-Nội như Nguyễn Văn Gôm (Gôm không hẩu rượu nên không để tham gia). Hưng thuộc toán 3 nằm cùng buồng với toán 2. Do một sự tình cờ, Hưng chui vào gầm sàn để tìm chiếc dép râu, mà anh cho là một người bạn nào đó đã trêu anh, vì thế anh đã nhìn thấy ống nứa đựng vernie. Tôi phải dàn xếp, sau khi biết nội vụ, Hưng rất hân hoan, nồng nhiệt xin tham gia. Hưng đã háo hức thì thào vào tai tôi:

– Anh Bình có biết không? Ngày xưa còn đi học ở Hà-nội, em là con sâu rượu. Bị bắt hơn bốn năm nay em thèm, em nhớ hơn cả người yêu; xin anh cho em tham gia, với lòng tự trọng, em xin giữ bí mật, dù có bị thiệt hại.

Thấy Hưng khẳng khái và nhiệt tình tôi và Chăn đều để Hưng cùng thưởng thức. Hưng lại ở sàn trên, nên tối hôm đó, sau khi cán bộ điểm xong, Hưng bỏ mùng sớm. Hưng lấy lý do thấy người khó chịu, Chăn chui vào mùng, hai người làm việc. Tôi chịu trách nhiệm “ghếch” quan sát, phòng hờ mọi tình huống. Vả lại, thông thường, khi điểm xong nếu không sinh hoạt tổ, toán thì tùy theo, tụm 5, tụm 3 chuyện trò tán gẫu. Nhiều người đi nằm vì muốn yên tĩnh hoặc mệt mỏi v.v…

Để giảm bớt nguy cơ bị phát hiện, tôi bàn với Chăn: chơi theo lối cá lẻ, nghĩa là mỗi người 1 ly (ống nứa con) vào mùng của mình thận trọng mà hưởng. Ba người kia biết tôi và Chăn, còn ba người ấy không hề biết cùng uống tối hôm đó. Sau khi sắp xếp ổn, mỗi người đều có một ly riêng vào mùng tự thưởng thức.

Phần tôi, chao ôi! Sao mà đê mê thế hỡi trời! Đúng là: Chiến đấu càng gian nan, chiến thắng càng vinh quang. Tôi trang trọng nói rằng: Không phải ai cũng được hưởng cái thú Lưu Linh tuyệt vời như chúng tôi. Giữa cái nghiêm khắc ngặt nghèo; cái khổ đau tràn lối, bị o-ép tứ bề của nhà tù cộng sản mà được hưởng cái ngất ngưởng đê mê và cũng tê tái cuộc đời, thì mới cảm nhận đến cái đáy cùng bủn rủn, ngất ngây của kiếp người. Tôi xin cảm tạ ông thần Lưu Linh!

Khoảng hơn 9 giờ, tai tôi nghe rõ vừa kẻng cấm xong, chừng mươi phút; bỗng anh chàng Hưng ở sàn trên ông ổng rời rạc, rên rỉ bài thơ “Say Đi Em” của Vũ Hoàng Chương :

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ Chưa cuối xứ Mê Ly…. Chưa cùng trời Phóng Đãng… Say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn. Say không còn biết chi đời… Đất trời nghiêng ngửa. Mà trước mắt thành sầu… chưa sụp đổ. Thành sầu, không sụp đổ… Em ơi!

Không thể được, tôi bò dậy, trèo vội lên và chui vào mùng của Hưng. Hưng đang nằm ngửa, chân dạng ra, hai tay chới với giơ lên phía đình màn, miệng vẫn gầm gừ như con chó đang tranh ăn, tôi đập khẽ vào ngực Hưng:

– Làm cái gì vậy Hưng ?

Hưng gạt tay tôi ra, mồm còn lảm nhảm:

Trời say ta cũng lăn quay.

Ở đời được mấy lần say mà già.

Tôi bịt miệng Hưng và ghé sát vào tai:

– Muốn cả lũ vào kỷ luật, cùm ư?

Hưng im bặt và như tỉnh ra. Tôi lại ghé sát vào tai Hưng nói tiếp:

– Bản lĩnh của người con trai, lý trí vững mạnh của Hưng đâu? Hãy uống một ngụm nước rồi nằm im.

Nói rồi, tôi với tay lấy chai nước ở phía đầu giường, mở nút đưa cho Hưng. Như có một sức mạnh tiềm ẩn, Hưng ừng ực uống hai ngụm, còn nói khẽ:

– Xin lỗi anh Bình!

Rồi Hưng nằm xuống trong thái độ tỉnh táo; ngồi thêm chừng 2 phút, tôi mò xuống chỗ Lương Yên. Anh nằm như chết và đang kéo gỗ. Tôi lại trèo lên mùng Phạm Phú Lục, anh ta cũng nằm ngủ rồi. Tôi lại lỉnh xuống mùng của Chăn. Thấy nằm yên ắng, tôi cầm tay, Chăn nói như bình thường:

– Yên trí, không sao đâu!

Buột miệng tôi nói khe khẽ với vẻ tự hào và hơi ích kỷ:

– Thế mới xứng đáng là Người Nhái chứ!

Tôi vào đi tiểu, rồi mò về mùng chui vô, lòng vừa buồn vừa vui. Vui vì xem ra sự việc đã ổn, buồn vì tiếc, cả 10 năm trường, được cái may mắn diện kiến với cụ Lưu Linh, nhưng không được hàn huyên, tâm sự.

Đêm nay nằm trằn trọc mãi không ngủ được; tôi chợt nhớ đến lúc sinh hoạt của toán buổi tối hôm qua. Nghĩ đến bộ mặt ngơ ngác, nhớn nhác của anh chàng Phạm Phú Lục, bụng tôi còn cười rung lên. Đã trở thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi độ Hè về tù lại phải tắm “khô” nghĩa là, tắm không cần nước.

Tuy vừa hết Xuân mới chạm đến Hè mà trời đã nóng chảy mỡ, nhất là ngồi trong một cái buồng chật chội hàng trăm người. Tuy hầu hết anh em đều cởi trần, nhưng ngồi sinh hoạt mồ hôi lúc nào cũng nhơm nhớp. Nhiều anh cái tay tẩn mẩn cứ vân vê lưng, tay, cổ của mình; hàng 5- 6 ngày không có điều kiện tắm rửa nên nó ra hàng cục ghét. Cái tay buồn cứ vò mãi, vê mãi, ghét thành từng cục, có khi bằng hột đậu xanh, cá biệt có khi bằng hạt đậu đen rồi búng đi tứ tung trong buồng.

Vì thế có anh đang ngồi bị “độp” một cái vào mặt, có khi vào tai, vào cổ v.v… Lúc đầu người nào chưa hiểu thì giật mình ngơ ngác, nhìn khắp chung quanh xem có ai trêu ném mình, có khi nhìn lên mái nhà, suy đoán là con mối hay con gián ỉa?

Tối hôm qua, anh chàng Lục đang phồng mang, trợn mắt phát biểu ý kiến xây dựng phê bình anh Lê Văn Bưởi, không chịu lao động tích cực, mà chỉ làm cầm chừng. Đột nhiên, một cục ghét bắn ngay vào mắt anh, Lục giật mình nhìn khắp mọi người tưởng ai ném anh ta, nhưng họ đều ngồi yên, không ai nhìn, anh đành cúi xuống dụi mắt. Chỉ có người búng viên ghét ấy, thì cười rung bụng và cứ mỗi lần nghĩ tới, bụng tôi lại rung lên bần bật (kể cả lúc bây giờ ngồi viết lại).

4. MỘT GÓC HIỆP NGHỊ PARIS

Một buổi sáng, vừa ăn sáng xong chúng tôi đang chờ kẻng tập họp để đi lao động như mọi khi, thì tên cán bộ Ý trực trại, hộc tốc từ ngoài cổng khu A đi vào buồng số 2. Đến cửa, hắn vẫy tay gọi anh Tiềm- toán trưởng toán 2- tới, rồi y rút trong người ra một cuốn sổ, dõng dạc:

– Những anh có tên sau đây, mang hết công tư trang theo tôi: Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng, Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau, Đặng Chí Bình, Lê Văn Bưởi.

Thật là bất ngờ, tôi hấp tấp, tíu tít thu dọn chăn màn, quần áo. Một số anh em còn ngoài sân, chạy xô vào buồng. Trước mặt tên Ý, tôi không nói từ giã được với bất cứ ai, kể cả anh Tiềm toán trưởng, đứng ngay đấy. Khi đi theo tên Ý ra sân, tôi chỉ kịp nhìn khắp một lượt anh em như chào giã biệt. Ngay lúc tôi lúi húi vơ xếp chăn mền, trong đầu thoáng nghĩ: mới sáng sớm, không biết họ chuyển chúng tôi đi trại nào, thuộc tỉnh nào….?

Vừa ra khỏi cổng khu, nhìn ra sân trại tôi đã nhìn thấy một dẫy tù chừng 7-8 chục người. Họ xếp hàng đôi ôm đồm chăn màn, hòm xiểng như chúng tôi, ngay sát phía cổng trại. Mấy cán bộ lạ cùng mấy cán bộ trại I đi lại lăng xăng. Đặc biệt, tôi nhìn thoáng thấy ông Toán chánh giám thị ở phía trong cổng trại. Tên Ý dẫn 6 chúng tôi đến phía cuối của dẫy tù đó, cao giọng:

– Các anh xếp hàng đôi nối theo đây!

Tôi cũng đã nhìn thấy Lưu Nghĩa Lương, anh Tarzan và một số anh thủy thủ, tôi đã gặp mấy ngày trước ở toán 3. Như vậy họ là tù Biệt Kích ở trại Quyết Tiến chuyển về khu nhà xây trước đây, nhà số 1. Tôi hỏi mấy anh ở hàng cuối xem họ có biết sẽ chuyển đi trại nào không, nhưng họ đều ngơ ngác không biết như chúng tôi. Đoàn tù 73 Biệt Kích của trại Quyết Tiến và 6 chúng tôi ở trại I gồm 79 Biệt Kích. Đi áp tải có bốn công an võ trang, một tên cán bộ lạ, Bùi Huy Tập cán bộ giáo dục và tên Cao Văn Thục huấn luyện viên võ thuật của cán bộ trại I. Tên Tập đi đầu dẫn đoàn tù đi về phía trái, như thế là đoàn tù đi bộ. Tên Thục đi gần chúng tôi nhìn Chăn và Slau (Người Nhái) y nói như đùa:

– Trông đoàn đi cứ như là “Lính thủy đánh bộ” ấy!

Y nói rồi cười, nhưng chả có ai hưởng ứng, có lẽ vì mệt phải ôm, vác. Khi nãy, tôi đã hỏi lão Tập, chúng tôi chuyển đi đâu? Nhưng y đã lạnh lùng, cộc lốc:

– Cứ đi sẽ biết!

Thấy tên Thục có vẻ vui, tôi hỏi ngay:

– Thưa cán bộ, chúng tôi được chuyển về đâu mà đi bộ thế này?

Y nói cũng cộc lốc:

– K3.

Đi chừng hơn 2 cây số, thấy mọi người mang vác mỏi mệt, nên cán bộ cho nghỉ 10 phút. Giữa hai bên là triền rừng khuất gió nên thật là oi ả, dù mới cuối tháng 3 sắp bắt đầu vào Hè. Thấy một anh Quyết Tiến cứ nhìn tôi như thiện cảm, tôi cười làm quen: Được biết anh là Nông Văn Hính, dân tộc Tầy, án của anh chung thân (hiện nay ở Cali), thuộc toán SWAN gồm 6 người:

1. Nông Công Định toán trưởng, chiến đấu, chết trận, ngay ngày đầu đổ bộ.

2. Đàm Văn Ngô phụ tá truyền tin, còn ở VN.

3. Đàm Văn Tôn (Tầy) tử trận ngay hôm đổ bộ.

4. Lý A Nhì toán viên, hiện ở Texas Mỹ.

5. Nguyễn Văn Ban Tử hình, trong một vụ vượt ngục.

Toán Swan hầu hết là người dân tộc Tầy. Ra Bắc ngày 4 tháng 9-1963. Địa bàn hoạt động thuộc Bắc Cạn. Lại nhìn thấy một anh ngồi cạnh đấy, mặt mũi trắng trẻo, nhưng có nét trầm ngâm, tôi nhìn anh rồi cười như chào; không ngờ anh lại vồn vã nói chuyện. Được biết anh là Nguyễn Phước trong toán Buffalo, nhẩy ở Quảng Bình ngày 9/6/1964.

Toán anh gồm 9 người, hiện nay ở đây chỉ có anh, rồi liếc mắt chỉ tay một người, đang đứng nói chuyện với tên cán bộ lạ, tên anh ta là Trương Bá Ngữ, cùng toán.

Sau này tôi được biết, những anh trong toán Buffalo gồm có:

1. Võ Khôn toán trưởng, được tha về chết (ở VN?)

2. Trương Bá Ngữ (hiện ở California)

3. Lê Chất (không rõ) từ 12/72.

4. Nguyễn Hóa Đều (chết ở trại Quyết Tiến cổng trời do bị cùm)

5. Nguyễn Khôi (chết trong nhà kỷ luật)

6. Nguyễn Huy (không rõ) từ 12/72

7. Nguyễn Phước (không rõ) từ 12/72

8. Lê Trang (không rõ) từ 12/72

9. Trần Hiệu (không rõ) từ 12/72

Tuy buổi đầu gặp anh, nhưng tôi đã thấy thái độ của anh, toát ra là không ưa Trương Bá Ngữ, cùng một toán Buffalo với anh. Gần trưa thì đoàn tù đến phân trại K3, một cái trại vừa phải (xấp xỉ phân trại E), chung quanh là 2 lượt nứa cả cây, chôn dựng đứng làm hàng rào của trại. Bên trong có 6, 7 ngôi lán dài cũng bằng tre, nứa và gỗ như nhà chúng tôi đã ở ngoài trại xây.

Sau khi vào trại, vào buồng, chúng tôi mới biết: trại chia làm hai khu, chính trị và hình sự. Khu chính trị lại chia làm 3 là F1, F2, và F3. Chúng tôi được dồn vào một cái nhà gọi là F3, gồm gần 100 người. Mấy ngày sau F3 được chia làm 2 đội. Đội mộc hơn 3 chục người trong đó có Lê Văn Bưởi, Lầu Chí Chăn và tôi, do Trương Bá Ngữ làm đội trưởng. Tên Dương Đình Thắng, là cán bộ ở Quyết Tiến về phụ trách. Còn lại gần 6 chục người là đội xẻ, may và công việc linh tinh. Woòng A Cầu là đội trưởng, Nguyễn Xuân Sang đội phó.

Phân trại K3 trước đây chỉ dành cho hình sự, do tên đại úy Nguyễn Thành Cửu làm giám thị. Bây giờ có thêm tù chính trị, nhưng toàn là Biệt Kích, Gián Điệp, từ trong Nam ra Bắc hoạt động, bị bắt, vẫn do tên Cửu làm giám thị. Đội mộc hàng ngày ra lao động tại một cái lán con, trên dốc đồi cheo chéo phía trái, trước ban giám thị.

Có thể do những cảm nhận sẽ có nhiều chuyển biến của tình hình, nên khí thế lao động của toán mộc và xẻ ở K3 không còn nỗ lực, hăng say như trước đây nữa. Ngược lại, tên cán bộ Thắng ở Quyết Tiến về, lại tỏ ra rất nghiêm khắc trong sinh hoạt. Y người bé choắt, chỉ có cái lon trung sĩ, lúc nào mặt y cũng cau có; gần một tháng trời, tôi chưa hề nhìn thấy một nụ cười nào của y. Không biết y được chỉ thị thế nào, trước toàn buồng F3 gồm mộc, xẻ, may, y tuyên bố:

– Hai người nói chuyện với nhau mà không có người thứ ba nghe thấy, là phạm nội quy, sẽ bị kỷ luật!

Tối nào cũng sinh hoạt rồi đọc báo 1 giờ cho tới khuya. Không khí ngột ngạt ngày đêm ép đè, không ai dám ngồi tâm sự chuyện trò với ai. Một hôm tôi nghỉ bệnh, đang ngồi nói chuyện với hai anh Đoàn Phượng và Lò Văn Cươm cũng nghỉ ốm ở sàn dưới. Bỗng thoáng nhìn thấy máu chảy từng giọt xuống, từ sàn trên, chéo phía chân tôi ngồi chừng 2 mét. Tôi trèo vội lên, thấy Lưu Nghĩa Lương (hiện nay ở California) đang nằm sấp xuống sàn. Tôi vội vàng kéo tay Lương, hốt hoảng hỏi:

– Sao vậy em? Em làm sao vậy!

Cũng là lúc tôi đã nhìn thấy một vệt cắt dài ở tay Lương, trong khi đôi mắt Lương nhắm nghiền. Chạy vội ra phòng y tá, thấy có một người, tôi hổn hển nói ngay:

– Ở F3 có người tự tử!

Tên y tá theo tôi về F3, đã có 5, 6 người đang nhớn nhác trèo lên sàn trên ngấp ngó Lương. Sau khi tên y tá (sau này tôi biết tên y là Đại) trèo lên, y lại trèo xuống, rồi ra thẳng cơ quan chỗ giám thị. Mười phút sau, tên Đại y tá, một thượng sĩ lạ và tên Thắng vào trại, đến nhà F3. Phượng, Cươm và mọi người đã về chỗ nằm của mình. Tên Đại về buồng y tá mang đến cuộn băng, cái kéo và một lọ thuốc rồi cùng tên Thắng trèo lên sàn trên.

Tuy tôi vờ nhắm mắt nằm, nhưng cũng không thể nghe được chuyện gì trên sàn Lương. Chừng 15 phút sau, cả ba tên đều đi ra về phía phòng y tá, như cái máy, tôi phóng lên, thấy Lương nằm đắp chăn, tôi đặt tay lên vai, khẽ hỏi:

– Em có sao không?

Lương mệt nhọc, chậm chạp trả lời tôi:

– Em không sao đâu!

Liếc nhìn phía phòng y tá thấy bọn chúng trở ra, tôi lẹ làng về chỗ nằm. Cả ba tên lại tiến vào F3; đứng ở cửa, tên Đại nói đủ nghe trong buồng:

– Lệnh ông cán bộ, tất cả những người ốm bịnh đều ra sân tập họp.

Đoàn Phượng, Cươm tôi và ba người nữa đều lục đục kéo ra sân. Tên Đại, cho đi gọi cả anh làm vệ sinh của trại; tất cả 7 người ngồi ở sân. Tên Thắng nghiêm mặt nói rõ ràng:

– Câu chuyện của anh Lương hôm nay, tuyệt đối khi trại về không được nói cho một ai biết. Nếu ai không kín miệng, sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Nói rồi y vẩy tay:

– Các anh về chỗ!

Vào buồng một lúc, thấy chúng đã ra khỏi cổng trại, tôi trèo vội lên, lật chăn Lương, nhưng Lương đã nhắm mắt im lìm như ngủ say. Trèo xuống chỗ nằm đã thấy các anh Cươm và Phượng đang loay hoay hút thuốc lào. Tôi cũng sà đến làm một điếu!

Trong cảnh sống ngột ngạt, nghiêm ngặt ấy, mỗi người đều tự hiểu, tốt nhất là hãy “đậy” cái miệng của mình lại. Bởi vì nhiều lần, ai cũng thấy, khi có một tin tức gì lộ ra; có một tên antenne báo với cán bộ giáo dục, là ai nói tin đó. Cán bộ sẽ gọi người ấy lên hỏi, truy, cuối cùng sẽ đến gốc là ai. Vậy, phải tự hiểu để khỏi hậu họa lôi thôi, cứ im lặng là vô lo. Tôi, Phượng và Cươm thăm hỏi nhau chuyện khác : ngồi 3 người rất hợp pháp. Hôm ấy, tôi được biết sơ về anh Lò Văn Cươm: Anh thuộc toán Dauphine gồm 5 người là các anh:

1. Triệu Trung, toán trưởng (tử hình);

2. Nông Đức Vũ truyền tin (tử hình);

3. Hoàng Tồn, toán phó (hiện ở Iowa);

4. Lò văn Cươm, toán viên (hiện ở VN);

5. Đèo Văn Bạch, toán viên (hiện ở MA).

Toán này ra Bắc ngày 4/6/1963 địa bàn hoạt động tại Hà Giang.

Còn về anh Đoàn Phượng thuộc toán TELLUS gồm bốn người là các anh:

1. Nguyễn Văn Ngô, toán trưởng (hiện ở San José);

2. Nguyễn Cuông, toán viên (ở Mỹ);

3. Đoàn Phượng, truyền tin trưởng (chết, vượt biên 1982);

4. Đỗ Văn Tương, toán viên (hiện ở Mỹ).

Toán này ra Bắc 7/6/1963 địa bàn hoạt động tại Ninh Bình.

Cho đến trưa và chiều hôm ấy các toán của trại đi lao động về, không một ai biết, hay bàn tán gì về chuyện Lưu Nghĩa Lương tự tử.

Lợi dụng trong lúc vào nhà cầu, tôi chỉ nói nhỏ với Lầu Chí Chăn biết và cũng phải dặn kỹ, không nói cho người thứ hai biết. Đến cả tuần sau, trong trại coi như không hề có sự việc Lương tự tử. Những khi chưa ngủ, nằm miên man suy nghĩ, tôi phải rùng mình kinh sợ, cho cái uy lực nhiều chiều ngang dọc của cộng sản o-ép con ngươi. Khoảng hơn 10 ngày, khi vào K3, tôi biết trong khu F1, F2 có hơn 50 Biệt Kích, từ trại trung ương số 2 Phong Quang, Yên Bái chuyển về K1 (Khu nhà xây số 3).

Rồi đã tách làm 2 khi chuyển vào K3 thành F1, F2 trước chúng tôi 3 ngày. Do đấy K3 có khoảng 150 Biệt Kích và chừng 350 hình sự lưu manh, tất cả trại trên 500 người.

Trong một cái trại hơn 500 người tù, như một cái xã hội thu nhỏ. Trước đây ở các trại giam khác, cuộc sống lao tù thật đơn điệu, ngoài những chuyện đục, cưa, bào, xẻ, tắm rửa, ăn uống con cá, lá rau. Mà cũng không có con cá lá rau mà bàn, cho nên khi có một chuyện gì đặc biệt một chút, cứ ghé tai truyền miệng nhau, trong một ngày là cả trại đều biết. Cái tâm lý khao khát, tò mò, muốn biết chuyện lạ trong một nơi cùng khổ, nó đòi hỏi ghê gớm lắm.

Thế mà cái chuyện tự tử của Lưu Nghĩa Lương, cắt tay máu chảy có dòng xuống sàn dưới, cứ im thin thít như thịt nấu đông. Càng suy nghĩ, càng thấy cái sức ép ngầm của cộng sản, khủng khiếp thật.Tôi thấy cuộc sống như thế thì sống làm gì, tôi không chịu được nữa.

Tôi bàn riêng với Chăn, mình phải chịu trận trước, rồi sao cũng được! Thế là ngày thứ Bảy cuối tháng 5, Chăn và tôi đường hoàng ở trong sân khu F3, hai người đứng riêng ra một góc sân, đi đi, lại lại, tâm tình nhỏ to chuyện trò. Ngay buổi chiều hôm ấy Trương Bá Ngữ và Vòng A Cầu được gọi ra khu giám thị về, yêu cầu F3 (mộc, xẻ) sinh hoạt có cán bộ Dương Đình Thắng chủ trì, để truy bức 2 người, Lầu Chí Chăn và Đặng Chí Bình chống phá và vi phạm nội quy.

Rất nhiều anh em thân quen lo cho chúng tôi, thế nào cũng phải đi kỷ luật và hạ mức ăn. Như trên tôi đã trình bày, nếu có phải đi kỷ luật, chúng tôi đồng ý chấp nhận. Khoảng 4 giờ chiều tên Thắng vào hội trường khu F3, gọi cả người ốm, bệnh ra hội trường sinh hoạt. Sau khi gần 100 người tụ tập đông đủ ở hội trường, tên Thắng mặt lạnh như tiền ngồi chủ tọa, có Nguyễn Xuân Sang toán phó (mộc) ngồi ghế bên cạnh ghi biên bản.

Để cho một phút mọi người im lặng trong không khí nặng nề, tên Thắng gằn giọng nhìn tôi và Chăn.

– Anh Bình và anh Chăn hãy đứng dậy!

Tôi và Chăn đều đứng lên một cách miễn cưỡng, xa nhau 5, 6 người; tên Thắng cũng đứng lên và cao giọng:

– Sáng nay, những ai đã trông thấy hai anh Chăn và Bình nói chuyện riêng ngoài sân?

Có hơn chục cánh tay chậm chạp đưa lên. Y quay lại Chăn và tôi vẻ hằn học:

– Hai anh ngang nhiên chống phá và vi phạm nội quy một cách trầm trọng; hôm nay tôi cho phép tổ, toán hãy mổ xẻ, phân tích phê bình giúp đỡ để hai anh, thấy được mức độ sai trái của các anh.

Một anh tôi chưa quen đầu cắt cao, mặt hơi tròn, giơ tay xin nói. Còn 2, 3 người nữa cũng giơ tay xin phát biểu, qua nét mặt và thái độ, tôi thấy còn mấy anh nữa cũng còn muốn giơ tay. Tên Thắng chỉ tay cho anh mặt hơi tròn, đầu cắt cao phát biểu trước. Giọng anh hơi khàn, nhưng thái độ thật mạnh bạo:

– Thưa cán bộ, ngay trước mặt mọi người anh Chăn và anh Bình, đường hoàng rủ nhau ra một chỗ vắng, để nói chuyện riêng. Như vậy là các anh đã coi thường nội quy của trại và đã bỏ ngoài tai, lời cán bộ mới nhắc nhở nửa tháng trước đây.

Tên Thắng gật gật gật đầu, có vẻ thoải mái, y chỉ tiếp một anh khác đã giơ tay. Anh này người nhỏ bé, mặt hơi gầy gầy, tôi cũng chưa biết tên. Giọng anh nhỏ nhẻ, từ tốn:

– Thưa cán bộ, sáng nay tôi thấy hai anh thì thầm, to nhỏ ở chái hội trường, trong khi toàn buồng không một ai nói chuyện với nhau mà không có từ 3, 4 người trở lên. Tôi nghĩ rằng anh Bình và anh Chăn là thợ giỏi, thường đóng hàng cho cán bộ, mới dám ngang nhiên như thế. Tôi đề nghị các anh phải hoàn toàn chấp hành, nội quy của trại.

Thấy còn một số anh em nữa định phát biểu, tôi thấy không có gì khác hơn, nên tôi giơ tay xin nói. Tên Thắng và một số anh em có vẻ hơi ngạc nhiên, cuối cùng tên Thắng vẫy tay đồng ý cho tôi nói. Tôi nghĩ rằng cứ thong thả mềm dịu là tốt nhất, tôi nói với một thái độ nhã nhặn:

– Thưa cán bộ và toàn thể anh em trong buồng F3. Trước hết tôi phải cám ơn cán bộ và các anh em đã có buổi họp này, để giúp đỡ chúng tôi. Tôi thấy rằng không gì bằng là tôi xin trình bày hết những suy nghĩ trong lòng tôi. Ở bất cứ tập thể nào đều cũng có nội quy, nhất là ở trong trại giam. Vì ý thức như thế, nên tôi đã có 10 năm ở trại giam rồi, tôi chưa hề vi phạm hoặc khi nào chống đối nội quy, từ ở Hỏa Lò, phân trại E rồi K1, cho tới K3 này.

Từ khi cán bộ ra chỉ thị: “Hai người nói chuyện, không có người thứ ba nghe thấy, là phạm nội quy”. Từ ngày ấy hơn một nửa tháng nay, khí thế lao động, hăng say sản xuất của F3 đã giảm thấy rõ ràng (vì lý do khác, nhưng tôi cứ níu kéo vào đây để bảo vệ, để tăng cường cho ý kiến của mình) đã gây ra một không khí căng thẳng và anh em rất khó thực hiện được chỉ thị của cán bộ trong lao động.

Bây giờ một cặp xẻ, mỗi khi phải bàn nhau một điều gì khi gặp trở ngại về nghề nghiệp, lại phải gọi một người thứ ba đến chứng kiến hay sao? Một cặp quai bễ lò rèn cũng vậy. Tôi và anh Chăn đang đóng một cái giường đôi đặt, cho ông Cửu (Giám thị K 3) chúng tôi đang gặp khó khăn nghề nghiệp, nên anh Chăn và tôi rất băn khoăn, ăn ngủ không yên (điều này tôi đã nói với Chăn trước). Chúng tôi sáng nay đang thảo luận với nhau sao để thứ Hai này, chúng tôi giải quyết cái giường ấy cho ổn.

Vả lại, 10 năm ở trại giam, tôi chỉ học thuộc và thi hành bốn tiêu chuẩn cải tạo, và sáu điều nếp sống văn hóa mới, mà thôi. Tôi chưa thấy cái nội quy nào như trên cả.

Trong khi tôi nói đến chỗ bàn nhau đóng giường, anh Chăn cũng giơ tay thừa nhận, tôi nói là đúng sự thật.

Tên Thắng sầm mặt xuống, trong khi anh em mặt lại tươi lên, mắt các anh sáng lên nhìn tôi. Tên Thắng đứng lên định nói gì đó… Thì cũng là lúc tiếng kẻng giờ lấy cơm, nên tên Thắng xua tay nghỉ buổi họp. Đặc biệt, không phải đọc lại biên bản sinh hoạt buổi họp như mọi khi. Anh chàng Vòng A Cầu của toán xẻ và may cứ nhìn tôi cười. Ngay buổi tối hôm đó, cái anh người nho nhỏ, mặt gầy đã đến nói chuyện với tôi và Chăn, tỏ vẻ hãy thông cảm. Tôi đã bắt tay anh và vồn vã thăm hỏi anh, được biết anh là Thân Văn Kính, án chung thân. Toán của anh là PEGASUS gồm sáu người. Ra Bắc 20/2/1963. Địa bàn hoạt động thuộc Lạng Sơn. Toán gồm có:

1. Thân Văn Kính, Toán Trưởng;

2. Hứa Viết Cóc, Toán Phó (Tử trận, trong chiến đấu ngay khi đổ bộ);

3. Lương Văn Phổ, Truyền Tin, không rõ từ 12/72;

4. Bành Viết Kim Toán viên, chết ở trại QT;

5. Hà Văn Thưởng Toán viên, bị tử hình trong một vụ trốn tù ở Yên Thọ;

6. Hoàng Văn Vân, chung thân, hiện ở Atlanta.

Sau đó, cái mặt anh hơi tròn, đầu húi cao cũng đến nói chuyện với chúng tôi, ý nói anh phải tỏ ra tiến bộ nên phát biểu vậy. Tôi nói là rất hiểu, không sao đâu. Và tôi thăm hỏi về toán của anh. Được biết anh là Bùi Văn Ân thuộc toán Bart. Gồm 5 người, ra Bắc 4/6/1963, địa bàn hoạt động thuộc tỉnh Nghệ An. Toán của anh gồm có

1. Bùi Văn Ân toán trưởng, hiện ở Oregon;

2. Đinh Văn Chúc, chết ở Gia Kiệm, Sài Gòn (về nhà chết);

3. Nguyễn Khắc Định, chết ở Rạch Giá (được tha về chết);

4. Nguyễn Văn Tập chết ở Gia Kiệm (tha về mới chết);

5. Trần Văn Thành chết ở trong tù.

Khoảng cuối tháng 5/72, hơi chéo phía trước trại giam K3 đã dựng rất nhanh bốn cái nhà con, do nhóm làm nhà của Vòng A Cầu làm. Mỗi cái chiều rộng chừng 3m, chiều dài khoảng 4m; đề những con số to 1, 2, 3 và 4 mầu đen, phía ngoài vách nứa. Chúng tôi trong trại nhìn ra, cũng như khi đi làm qua, không hiểu chủ trương bốn căn nhà đó để làm gì? Chừng vài ngày sau, khi đi làm ở lán thủ công, lại nhìn thấy ở sân ban giám thị K3, có một chiếc xe bus rất to và dài. Có nhiều người mặc thường phục, ra vào mấy cái nhà to, của khu giám thị.

Ngày hôm sau, khu F3 tập họp đi lao động, cán bộ trực trại gọi bốn người ở lại để gặp cán bộ là

– Đặng Công Trình, – Thân Văn Kính, – Lê Văn Bưởi, – Lý Văn Chung tức Ngô Quốc Chung.

Chúng tôi đi làm, ai cũng băn khoăn không hiểu thế nào? Mãi trưa hôm ấy đi lao động về, tôi tìm mọi cách để hỏi thăm các anh. Anh Ngô Quốc Chung, rất kín đáo, ngại ngần. Anh nói cán bộ dặn tuyệt đối về trại, không được nói với bất kỳ ai, buổi gặp cán bộ hôm nay: không nói một điều gì với bất cứ ai đến thăm hỏi, nếu không anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cuối cùng tôi không hề biết một tí gì. Những ngày sau đó, tôi tìm hiểu được biết sơ lược về anh.

Anh bị mất một mắt ở điểm nhẩy ngày 4/7/1963, anh là toán trưởng toán PACHER. Địa bàn hoạt động thuộc Lào Cai. Toán anh gồm 5 người:

1. Lê Văn Can, hiện nay không biết;
2. Phạm Quang Cảnh, ở lại miền Bắc;
3. Vàng Văn Chương, không rõ từ 12/72;
4. Đỗ Văn Thảo, không rõ từ 12/ 72;
5. Riêng anh Ngô Quốc Chung, sau này do giấy tờ lằng nhằng, ghép chuyện vợ con nên phái đoàn Mỹ từ chối, không thể đi HO. Hiện nay anh vẫn ở VN, không rõ sống hay chết. (Mới đây, đầu 2004, tôi được biết anh Chung đã được đến Mỹ, nhưng tôi chưa có dịp nói chuyện với anh).

Tôi thăm hỏi với anh Thân Văn Kính cũng nhã nhặn từ chối (anh Kính chết 3/5/2000 do bệnh ung thư ở Atlanta). Mãi tới hôm đó tôi mới gặp được anh Đặng Công Trình, anh đã hiểu tôi nên anh tin, mới cho tôi biết:

– Họ có vẻ là cán bộ của bộ, rất hòa nhã, lịch sự, mời thuốc lá uống trà; đàm đạo như bạn bè. Cán bộ chỉ hỏi thăm sơ về toán ra Bắc bao giờ, nhẩy ở đâu v.v… Đặc biệt họ rất quan tâm: ở những trại nào? Bị cùm kẹp ra sao? Có cán bộ nào ức hiếp? Hiện giờ có khỏe không? Có bệnh tật gì không v.v…

Anh Trình có cảm tưởng cán bộ đó là người của phía bên mình, tức là của chính quyền miền Nam.

Sơ lược tôi biết về toán anh Trình: tên toán SCORPION. Toán của anh gồm bả người:

1. Nguyễn Xuân Phương, toán trưởng không rõ từ 12/72;

2. Nguyễn Văn Chỉnh, toán viên hiện ở TX Hoa Kỳ;

3. Nguyễn Văn Khải, toán viên không rõ từ 12/ 72;

4. Vũ Đình Nghị, toán viên chết ở trong tù trại QT;

5. Nguyễn Văn Thưởng, toán viên, hiện ở TX Hoa Kỳ;

6. Đinh Quý Mùi, anh này không về K3 phố Lu, Lào Cai.

7. Đặng Công Trình, toán phó, án chung thân. Anh đã chết ngày 21/8/1996 lúc 11:30 AM tại Cali, do bị tai biến mạch máu não. Toán anh ra Bắc ngày 17/6/1964, địa bàn hoạt động thuộc Yên Bái.

Còn anh Lê Văn Bưởi, cũng nói như anh Đặng Công Trình, anh Bưởi là người đi lẻ (điệp viên) như tôi. Tôi đã trình bày chi tiết về anh ở tập ba Thép Đen. Một điều đau lòng là, anh Bưởi đã chết ở New York (Hoa Kỳ) ngày 27/10/1995, sau khi anh sang Mỹ diện HO được ba năm. Tôi đã đến thăm mộ anh ở NY năm 1999. Anh Lê Văn Bưởi chết vì bệnh ung thư màng óc. Vợ con anh còn ở Đà Nẵng, Việt Nam.

Cuộc đời đã thể hiện như Cụ Nguyễn Công Trứ hiểu: Rút cục lại mỗi người, riêng mỗi kiếp!

Rồi từ đấy, buổi sáng, buổi trưa, mỗi ngày hai lần, họ lần lượt gọi các anh ở F3; cũng có khi gọi F1, F2 có cán bộ vũ trang đi kèm sát ra tới các buồng con. Mục đích họ không cho F1, F2, có thể liên lạc được với F3 phía bên ngoài.

Một buổi chiều chủ nhật, chúng tôi đang ngồi tụm ba, tụm năm, ở hội trường, vừa hóng thở một chút không khí trong lành, vừa chờ kẻng cơm chiều. Bỗng nghe thoáng mấy tiếng gào thét, phía căn nhà số ba bên khu hình sự. Nhiều người chúng tôi, đều tiến ra cổng khu F3 nhìn sang. Cửa nhà số ba vẫn khóa, bên ngoài cửa, ngay ở dưới sân có hai em hình sự chừng 18, 20 tuổi bị trói giặt hai tay ra sau lưng, đang lăn lộn khóc, rên la. Hai tên công an thỉnh thoảng lại đá rồi đạp cả hai em hình sự nằm dưới sân, các em kêu gào thảm thiết. Trong khi còn một tên CA nữa đang cầm một đoạn gỗ như cái cán xẻng, thẳng tay giáng xuống hai cái tay, thò ra ngoài chấn song của cánh cửa, bị khóa cái còng số 8. Tiếng hét ré lên:

– Gẫy, đứt tay của con rồi! Con lậy ông cán bộ!

Những tháng trước đây, nhiều ngày, tôi cũng có nghe thấy những tiếng la thét phía bên hình sự, đêm cũng như ngày, nhưng tâm trạng của tôi khi ấy: chính mình cũng chưa biết khi nào về lòng đất, huống chi chuyện thiên hạ, chuyện của đời, xin mặc cho đời; tôi không còn quan tâm. Nhưng hôm nay, đứng nhìn cảnh này, dạ tôi xót xa đầy vơi, tâm tư triền miên trong niềm sầu tê tái. Tôi chợt nhìn thấy mầu đỏ ối ở đôi tay bị khóa ở cửa, mầu đỏ loang lổ cả dưới đất. Ba tên công an Việt cộng tụm lại nói gì với nhau, rồi cùng hè nhau đá, đạp túi bụi vào hai em đang nằm dưới sân, một giọng khàn khàn rên rỉ thốt ra ngay trong đám anh em:

– Đừng đánh nữa! Người ta chết mất!

Rồi một người nữa, nói như than van trong nghẹn ngào:

– Cùng đồng bào, sao mà ác nghiệt thế!

Tôi quay lại, ra bác Dâng, mặt bác mếu xệu như khóc. Trong khi một tên CA, hung hãn một chân đứng trên ngực, một chân gi gi trên mặt một em nằm dưới đất: Không còn tiếng rên la, tôi đã thấy mầu đỏ, chảy ra loang lổ. Một tên CA quầy quả vào phía trong, rồi y cùng với tên Đại y tá trở lại, khênh cả hai em khuất về bệnh xá. Hai tên CA còn lại, mở cửa buồng, mở khóa tay, em hình sự cũng đã bị ngất xỉu, chúng khênh em ra để ở sân. Một tên khóa cửa buồng, rồi cùng đi theo, khi chúng khênh em bị xỉu dưới sân, khuất vào phía trong.

Tất cả chúng tôi, mặt người nào cũng buồn rười rượi, tôi kéo tay anh Bưởi đi vào buồng. Cả đêm hôm ấy, tôi cứ thao thức mãi về một cảnh đời thương đau, tôi chứng kiến. Chỉ hai ngày sau, F3 chúng tôi được tập họp lại, bốn, năm tên cán bộ của Bộ vào tuyên bố: Từ nay chúng tôi được ăn chế độ bồi dưỡng, riêng về gạo tất cả đều ăn mức 18 kg. Từ đấy sáng cũng như chiều, ngày nào bữa cơm cũng có đủ thịt cá. Lại còn được tuyên bố: cứ 5 ngày lại có một bữa liên hoan, có kẹo bánh, thịt cá ê hề.

Từ buổi chúng tôi chứng kiến cảnh CA đánh các em hình sự (không biết vì lý do gì), mấy ngày sau, tôi tìm cách đến thăm hỏi chuyện bác Dâng. Không ngờ đây là nhóm thủy thủ Hải Thuyền đầu tiên bị bắt ở miền Bắc. Nhóm của bác gồm 10 người bị bắt ngày 14/1/1962. Như thế nhóm của bác đã bị bắt trước tôi 5 tháng, khi ấy tôi còn ở Sài Gòn. Tôi tò mò để hỏi những người trong nhóm là đưa ai (điệp viên) đi, nhưng các bác chỉ nói một người chừng bốn chục tuổi. Tôi hiểu và thông cảm, làm sao các bác biết được tên tuổi người mà các bác đưa đi, cũng như tôi. Nhóm thủy thủ này gồm 10 người:

1. Bác Vy Văn Dâng, thuyền trưởng, đã đến Mỹ, chết ở Sacramento.
2. Trần Văn Cương, Hiện nay (16-03-2004) ở San José.
3. Nguyễn Xuân Đình ở Los Angeles.
4. Lê Văn Đức, không rõ từ 12/ 72.
5. Nguyễn Xuân Hạ, chết ở Cali tháng 12/ 1995.
6. Trần Văn Nhung ở Sacramento.
7. Hoàng văn Sỏi ở Sacramento.
8. Đỗ xuân Thành ở Sacramento.
9. Nguyễn Văn Trình, không rõ từ 12/ 72.
10. Nguyễn Quốc Tuấn, không rõ từ 12/ 72.

Sau nhiều hiện tượng, thái độ của các cán bộ của Bộ, của trại và trao đổi một số anh em Biệt Kích, đã nhiều lần được gặp cán bộ của Bộ; rồi chính bản thân tôi đã phải gặp họ hai lần, tôi đã dự đoán được ý đồ và chủ trương của họ. Vì chưa đủ yếu tố để khẳng định, cho nên tôi phải dùng từ “Có Thể”: có thể họ đang chuẩn bị để rồi sẽ ký Hiệp Định Paris đã dằng dai mấy năm rồi, nên họ giành quyền chủ động trước.

– Những đám Biệt Kích gián điệp này họ không hề muốn trao đổi, hay trao trả cho phía Mỹ và VNCH. Như thế có khác gì thả hổ về rừng, để rồi phải lo hậu họa? Với những điều khoản của Hiệp Nghị, có thể họ không thể lắt léo, chuyển đổi lập lờ, đánh lừa nhiều khâu theo bản tính của họ (cộng sản) được. Vạn bất đắc dĩ phải trao trả những Biệt Kích gián điệp này, cộng sản phải nghiên cứu sao, để coi như đã cắt gân chân hết. Chúng có được về rừng, thì cũng chả còn làm gì được phiền toái, cho họ sau này.

Nguyên tắc bản chất của cộng sản là: bất kể kẻ thù nào, nếu ai hiểu được những hiểm độc, lật lọng, tráo trở của chúng, hiểu đến chừng mực nào; cộng sản nham hiểm, quỷ quyệt là 10. A hiểu cái đó đến 4, B hiểu đến 3, C hiểu đến 7. Tùy theo để chúng có kế sách đối xử với từng loại. Việt cộng kỵ nhất là ai hiểu hết cái tẩy đen của chúng.

Tướng, tá, chính khách, hay học giả uyên bác mà chưa hiểu hết tẩy của cộng sản. Không những chúng coi thường, mà còn tìm cách lợi dụng những điều chưa hiểu chúng. Nhưng một anh địa phương quân, một ông cha, một ông sư, hay một người bình thường dân dã, mà lại hiểu hết tim độc của cộng sản, thì chúng thấy nguy hiểm hơn, chúng kỵ nhất. Nó sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt, hoặc hóa giải. Nếu không được thì chúng tìm cách hạ uy tín, hoặc mượn tay của kẻ khác giải quyết v.v… cộng sản có trăm phương ngàn kế cuối cùng sao cho, ai chúng kỵ, cũng trở thành vô hiệu hóa.

Những người bộ gọi lên, bộ hành xử mỗi Biệt Kích mỗi kiểu, mỗi cách, mức độ khác nhau. Cá nào thì mồi nấy. Cán bộ hết sức nhã nhặn, bắt tay, vỗ vai coi như anh em một nhà, người cùng một nước. Nhẹ nhàng, khoét sâu những nhược điểm của Biệt Kích, gián điệp, của xã hội miền Nam, của Mỹ (xã hội nào, cá nhân nào chả có nhược điểm, chỉ ít nhiều và loại nhược điểm khác nhau).

– Anh bị cùm kẹp, tù đày bao nhiêu năm? Như thế thật tội nghiệp cho anh!

– Anh mất hết cả tuổi trẻ, tuổi hoa mộng! Anh thật may mắn, được sống sót đến ngày nay.

Y hỏi với thái độ và đôi mắt thật thương cảm; rồi y nhấn mạnh:

– Người đau khổ hơn cả là cha mẹ anh, vợ con anh v.v… Có khi nào, anh suy ngẫm, truy nguyên là do đâu không? Anh có biết hiện nay, những tên đã dạy anh, cấp chỉ huy của anh, chúng nó bây giờ ra sao không? Không những họ đã quên các anh rồi! Họ đào tạo xong một người, đẩy sang khỏi vĩ tuyến là lĩnh thưởng, lĩnh lương, hết trách nhiệm!

Trong khi Mỹ vẫn đài thọ lương năm, lương tháng của các anh, nhưng chúng đã lắt léo, tìm cách ăn chặn hết. Bố mẹ, vợ con của các anh vẫn khổ cực, lầm than. Vẫn phải chạy chọt cuộc sống, miếng ăn hàng ngày kết hợp với niềm thương nhớ, cùng với bao nhiêu nước mắt vì anh. Nói đến đây, thì hẳn anh đã nhận ra, cái nguyên nhân rồi?

Nếu chính quyền miền Nam, cán bộ miền Nam không hề ăn chặn lương của Biệt Kích gián điệp. Sự khêu gợi này đã làm cho chúng tôi phải suy nghĩ nhiều rồi. Huống chi, trong muôn một lại có hiện tượng, một số cán bộ ở Long Thành hoặc ở khâu khác, tìm cách ăn chận. Thậm chí còn lường gạt những người vợ trẻ, khi đi lĩnh lương của chồng là Biệt Kích, mới cưới bị bắt ngoài Bắc. Đem vợ con của người ta đi hết khách sạn này đến khách sạn khác. (Sự việc này có thật, người thực, việc thực, tôi chưa muốn nêu tên) .v.v… Sự khích lệ này càng càng hữu hiệu thần kỳ. Chúng biết chỗ mạnh của chế độ tư bản, tự do; chúng cũng biết và biết rất rõ những cái nhược của chúng ta.

Cái nhược điểm nội tại, nghĩa là có cái chế độ dân chủ tự do dân quyền, là có cái nhược điểm đó rồi. Nhất là tính giác ngộ về dân chủ, của người Việt chúng ta chưa cao đầy đủ như dân các nước, đã văn minh. Tính kèn cựa, bè phái, cá nhân, đố kỵ. Cái tôi to tướng, trâu buộc ghét trâu ăn, cục bộ, mầu cờ sắc áo, tín ngưỡng v. v... Đám Biệt Kích gián điệp này, bất đắc dĩ bất khả kháng, chúng phải để họ về miền Nam. Họ không quậy phá, trở thành cái nạn kiêu binh, mới là lạ.

Chưa hết, cộng sản còn phòng hờ nhiều tầng, nhiều khâu. Gần về cuối, những tên cán bộ của bộ, còn có cái trò:

– Anh đã thấy được cái tồi tệ của những kẻ tay sai cho đế quốc, thực dân mới. Vậy anh phải có trách nhiệm với dân tộc Việt Nam, với cách mạng. Nó tìm một vài cái ưu của mình để lôi mình vào cái thế không đồng ý, không gật đầu không được. Khi ấy cán bộ của bộ, mới đi vào chi tiết:

– Như anh đã đồng ý (nó coi như mình đã thỏa thuận), khi anh về với gia đình, về tới miền Nam; anh phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ cách mạng. Vậy bất cứ sau này (không kể thời gian nào) có một người đến với anh thì anh phải giúp đỡ? (Tất nhiên, lúc ấy anh nào cũng phải đồng ý).

Bấy giờ cán bộ mới nói:

– Làm sao khi ấy, để người cán bộ đó biết anh và để anh biết người cán bộ đó là người của nhân dân, của cách mạng? (đến đây, ai chẳng ngắc ngư, lúng túng).

Lúc đó y mới nói, cứ như vừa tìm ra một cách:

– Anh hãy viết vào một mảnh giấy này bất cứ điều gì, rồi anh ký tên. Sau này, bất cứ ai cầm mảnh giấy này đến gặp anh, thì đó là người của cách mạng. (lại lúng túng, không biết viết gì).

Cán bộ lại gợi ý như:

– Chẳng hạn anh viết: Hẹn anh ngày 20, hoặc tôi vẫn nhớ đến anh v.v... Rồi anh ký vào. Mục đích sau này, anh vẫn nhận ra đó là mảnh giấy, của chính tay anh đã viết.

Tôi hiểu, cộng sản cũng hiểu, với đám Biệt Kích gián điệp này không phải ai cũng tin, cũng mắc. Dù rằng cộng sản đã lấy cứu cánh là phương pháp ngăn cách ra, hỗ trợ:

– Tuyệt đối anh không được nói với ai, chỉ có anh và tôi, nếu sau này không đúng, anh sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. (Khi còn trong tay chúng, thì 5 cái chữ này có uy lực ghê gớm).

Nhưng “Nó lú lại có chú nó khôn”, phòng hờ có những tên biết rõ âm mưu của chúng đi nữa. Nhưng qua thăm dò (do những tên chó săn) đã thấy hữu hiệu, khi Biệt Kích còn trong đang nhà tù. Thực thế, nó úp úp, mở mở, anh nào cũng lên gặp riêng cán bộ, có người nó đưa cho cả bao thuốc lá, gói trà thơm v.v... Thậm chí cả tiền: 5, 3 đồng bạc, nó gây ra ngay trong anh em Biệt Kích gián điệp đã nghi ngờ lẫn nhau. Còn ở trong trại giam đã thế huống chi, khi về miền Nam tha hồ tố khổ nhau v.v... Những gián điệp biệt kích, khi đó quay ra chống nhau, làm rối loạn, phá ung thối xã hội miền Nam.

Nhất cử lưỡng tiện, không những không phải lo chúng thu tập những kinh nghiệm đã có với lòng căm thù cao hơn gấp bội, so với ngày chúng ra Bắc trước đây (ý này của Lê nin) một kẻ thù sau khi bị bắt xổng ra, nó sẽ căm thù ta, lên nhiều lần hơn.

Mới chỉ hơn một tháng bồi dưỡng ăn uống, tuy không nói là đầy đủ, nhưng không còn đói nữa. Hằng ngày, nhìn nhau anh nào cũng lên cân, lại sức trông thấy. Cũng như một cái cây, lâu ngày cằn cỗi vì thiếu nước, giờ đây tưới bón đầy đủ thì nó lớn trông thấy. Hơn nữa, cái tinh thần mới quan trọng, mỗi người biết bao nhiêu hy vọng, huy hoàng mơ mộng, xây đắp mộng ngày mai, cho nên trông ai cũng mắt sáng long lanh, da dẻ hồng hào trở lại. Cụ thể nhất là Lầu Chí Chăn (Người Nhái) hay Đèo văn Bạch anh nào cũng to lớn khác thường.

Qua phương cách bí mật liên lạc với trong F1 và F2 chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng có phần khác với F3, chúng tôi được biết, trong F1 và F2 mỗi người được phát một cái khăn mặt, một bàn chải và một tuýt thuốc đánh răng. Trong khu lại có lược, kéo, dao cạo, tông đơ để cắt tóc cho nhau. Bên F3 hoàn toàn không có những thứ đó. (Hẳn ai cũng biết vì sao rồi).

Chiều hôm qua Chăn gọi tôi ra hội trường F3 nói chuyện, tâm sự (hai người chuyện trò, không còn ai để ý nữa). Từ cái buổi sinh hoạt toàn buồng để tố Chăn và tôi. Cũng có thể là do đúng lúc tuyên bố chế độ bồi dưỡng, nên mới cởi mở thế chăng? Chăn và tôi đang nói chuyện, Nông văn Hính cũng kéo đến rồi cả Lưu Nghĩa Lương nữa. Chúng tôi pha trà để câu chuyện thêm ấm cúng, Lầu Chí Chăn hỏi nhỏ:

– Tại sao F1, F2, lại có chế độ bồi dưỡng khác chúng ta? Anh có đoán ra không?

Đắn đo một lúc rồi tôi cũng nói:

– Chăn hỏi thế thì tôi cũng tịt thôi, nhưng tôi cứ dự đoán, chả biết có đúng hay không?

Chăn, Hính, Lương đều khích lệ:

– Cứ nói đi! chả đúng cũng không sao?

Thấy anh em ủng hộ, khích lệ tôi cũng nói đại:

– Đã gần một tuần nay, tôi cứ suy nghĩ về điều này mãi, lối nào cũng có mâu thuẫn, nên lại phải gạt đi. Chỉ còn hướng này có khả dĩ tạm thời chấp nhận. Hầu hết anh em Biệt Kích ở F1, F2 so với chúng ta đều là người mới.

Họ ra Bắc từ 1965 trở đi, thậm chí có toán mới năm 1967 vừa đây. Như chúng ta đã biết mánh khóe cộng sản: “cá nào, mồi nấy”. Những người ra sau, mới tù ít, chưa hiểu hết cái đểu giả, độc hiểm, trắng trợn, muôn mầu đổi thay của cộng sản, như chúng ta nên họ mua kiểu khác. Người nào hay loại nào đã hiểu hết cái độc hiểm của chúng, thì chúng không cần mua nữa, chỉ có thủ tiêu hay giết.

Cả ba người đều gật gật đầu, Hính nói:

– Anh Bình nói có lý đấy! Nhưng tại sao nhiều người cứ bị lừa mãi?

Nói về sự nham hiểm, lừa lọc của người cộng sản; tôi nhớ đến lời của Đức Khổng Phu Tử xưa có nói với học trò: “Lý luận mà không giản đơn, hoặc phải lấy thí dụ cho người khác hiểu, thì chính người đó không có khả năng”.

Vậy tôi xin trình bày thế này:

– Nói về cái tài lừa lọc gây chia rẽ, chọc vào những huyệt mâu thuẫn, của từng loại người thì không ai bằng Việt cộng. Nó nguy hiểm ở chỗ; người bị mắc lừa ở mức độ, khác nhau mà vẫn không biết.

Tôi xin thí dụ :

Ngay cá nhân với cá nhân, giữa anh A và B, do mồm mép, tâm lý thu phục tình cảm. Nghĩa là do cái tài che giấu của anh A đã làm cho anh B thương cảm, tin tưởng để rồi A đã làm một cú lừa ngoạn mục đối với B. Như vậy sau này, đừng hòng bao giờ dùng miệng lưỡi, dùng phương pháp này nọ mà anh A lừa anh B lần thứ hai.

Thế mà, xin các anh hãy nhìn bằng sự thật, việc thật, hãy nhìn ngay vào quê hương đau khổ, mộc mạc của chúng ta:

Từ cái thời Sô Viết Nghệ Tĩnh 1930, thời mặt trận Bình Dân, với tờ báo Le Travail ở Hà-Nội, ta cũng không bàn đến vì xa quá. Hãy nói từ cái gọi là Cách Mạng Tháng Tám 1945, chính phủ liên hiệp với bao nhiêu thành phần quốc gia. cộng sản gây mâu thuẫn xúc xiểm giữa những thành phần quốc gia với nhau. Phần khác, chúng bí mật thủ tiêu, nhưng nó lập lờ đánh lạc, để rồi những đảng phái, đoàn thể nghi ngờ lẫn nhau. Cuối cùng cộng sản đã lừa được biết bao nhiêu người. Rồi diễn tiến cho tới hội nghị Genève 20-7-54. Một nửa nước bị lừa, điển hình là ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ, đương kim thị trưởng thành phố Hà Nội. (xin xem TĐ 3, tôi đã trình bày).

Rồi qua trình diễn tiến đến Hiệp Nghị Paris 27-1-1973, cho tới khi mất nước, thì lại cả nước bị lừa. Đến bây giờ đây (tháng 10-2004) ở hải ngoại,vẫn còn.

(mỗi lần lừa để có lý do mới, nào là những thành phần bảo thủ đã chết hết rồi. Ngày nay có nhiều thành phần trẻ, tiến bộ v.v…) hẳn quý vị đã thẩm nhận, ở mức độ khác nhau như thế nào rồi?

Như thế mà nhiều người vẫn coi thường cái tài lừa lọc, khích động, chia rẽ, gây mâu thuẫn, mua chuộc ở mọi thành phần của cộng sản, mà Không thấy ra: về lọc lừa, nham hiểm, sắt máu thì cộng sản là sư tổ. Hơn nữa, thế giới tự do của chúng ta lại có quá nhiều cái nhược điểm nội tại.

(Cũng đã nhiều lần tôi đặt dấu hỏi: Mỹ, Pháp bị cho ăn mắm ngóe vì tiểu nhân với quân tử nên thường bị thiệt đã đành. Tại sao, cũng là người Việt mà chúng ta bị Việt cộng lừa nhiều thế, mà vẫn cứ bị lừa? Suy nghĩ mãi, chỉ có tạm thời chấp nhận: Thiên tính tự nhiên của người Việt dễ tha thứ, dễ quên hận thù, truyền thống “dĩ hòa vi quý”. Nhưng Việt cộng mang ý thức hệ (tư tưởng) cộng sản sắt và máu, ràng buồng trong một cái tập thể, chỉ có máu và máu, không có tình người).


 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...