Thép Đen 2
................
43. Chưa dứt… nghiệp!…
44. Đường dây tài liệu “M”… bị lộ?
45. Chuyển biến tinh thần…
46. Mài sắt… nên kim!
47. Những giây phút… mộng mơ…
48. Một tổ chức tình báo từ trước 1954…
49. Vượt Ngục…!
50. Thành sự… tại thiên…!
51. Cát-xô, chiếc….”quan tài” đá của Hỏa Lò Hà Nội…!
52. Cái Chết Của Một Người Tù… Linh Mục!
53. Những Tấm Lòng….Tù!
54. Tìm Được Cố Vật… Không Gặp Cố Nhân!
55. Tin tức, hay tuyên truyền bịp bợm!…
56. Những sai lầm của thế giới tự do…
57. Những giọt nước mắt… kịch!
58. Một người tù… Mỹ!
59. Hà Nội ăn bom.. Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ ra sao?
60. Của “chuột”, và… “người”!
61. Nằm… đếm mùa Thu qua…
62. Thăm tù… Người lạ mặt là ai?
63. Người nữ gián điệp của Sài Gòn!
64. Một phương pháp liên lạc thần kỳ!
65. Đời hoạt động của người nữ gián điệp.. bất hạnh!
66. Hai cái áo sơ-mi thay đổi một cuộc đời!…
67. Bản di chúc “sống” của Đào Thị Bắc…
68. Bí mật về nữ sĩ Thụy An! Đào Thị Bắc rời Hỏa Lò!
69. Những hành động bẩn thỉu của bọn quản giáo với nữ tù
70. Ta quen nhau mùa… Đông…
71. “Tình riêng chỉ có…chút này mà thôi!…”
72. Người bạn tù … “Lôi Hổ”
73. Ân tình qua cửa … xà-lim
74. Trại chung: “Xã hội chủ nghĩa thu hẹp”…
75. Những Vấn Đề … Mới!
76. Tình Người … Hưng Yên
77. Lại thêm sự thật…đau lòng… của “thiên đường Cộng Sản!”…
78. Vụ án Đặng Chí Bình sắp “được”…xử! Một vụ vượt ngục “kỳ lạ” ở trại chung!
79. Cuộc “so tài” của dân anh chị miền Bắc trong Hỏa Lò!
80. Phim “Thần Thoại”: Một Thủ Đoạn của Cộng Sản!…
81. “Bản Án” Việt Cộng Dành Cho Đặng Chí Bình!
82. Trời Mùa Đông Hà Nội… Suốt Đời Làm…Chia Ly!…
....................................
>
THÉP ĐEN Đặng Chí Bình
63. Người nữ gián điệp của Sài Gòn!
Buổi trưa hôm nay, gió bỗng nổi nhiều hơn, trời đã lành lạnh, xà lim mới cho mượn chăn. Vì thế sau khi ăn cơm sáng, buổi trưa tôi đã nằm đắp chăn cho ấm, rồi lim dim đi vào giấc ngủ ngày lúc nào cũng không hay.
Một lúc, tôi chợt giật mình tỉnh dậy, vẫn nằm im trong chăn, tôi lắng nghe: Ngoài tiếng gió rung những lá bàng ở ngoài sân, tôi đinh ninh không lầm là có nghe thấy, không những bằng tai mà còn bằng cảm giác, một tiếng động lịch kịch phía sàn bên kia… tường. Nghĩa là bên buồng số 6. Chỗ sàn tôi nằm ở sát buồng số 6. Lạ, số 6 từ nửa tháng nay không có người mà! Nói chung, xà lim dạo này tương đối vắng, có tới 3, 4 buồng không có người. Chính vì thế, khi nghe thấy tiếng động vào sàn, tôi ngạc nhiên. Nhưng vẫn nằm yên lặng, tôi cố vểnh tai chờ nghe có tiếng động nào khác không?
“Chả lẽ trong khi tôi đánh một giấc ngủ trưa, có người vào buồng số 6 mà tôi không biết? Tại sao mải không vào, lại… đợi đến khi tôi ngủ mới vào?”, tôi tự nhủ. Rồi lại nghĩ cũng có thể vì mới thức giấc, thần kinh còn đang chơi vơi nên tưởng lầm như vậy chăng?
Cục kịch! Lần này thì rõ ràng rồi! Rõ ràng tiếng động của ai đó nằm bên kia tường giở mình. Phải rồi, một người bạn, một đồng loại, một sinh vật cũng nằm song song với mình, chỉ cách một bức tường dày 20 phân. (Tường ngăn giữa hai buồng dày 20 phân; còn tường trước và sau dày 50 phân).
Để tìm một nguồn an ủi, trong cái vắng lặng heo hút, lẻ loi; tôi rút tay ra khỏi chăn, gõ nhè nhẹ vào tường hai cái: Cạch! Cạch!
Im ắng như tờ. Vẫn chỉ có tiếng gió lướt thướt rì rào chui luồn qua mái ngói. Tôi lại gõ thêm hai tiếng nữa như chào, như gọi người bạn mới, nằm cạnh nhau… Cũng vẫn không có một âm thanh nào đáp lại!
Tôi suy nghĩ: có lẽ, người bạn mới bị bắt vào, tâm hồn còn đang giao động, hoang mang; cho nên ai gõ, mặc ai, lòng đang đảo lộn đất trời, cuộc đời tan tác, vào tù rồi, còn thiết cái quái gì nữa!
Tôi thông cảm với người bạn mới, tâm trạng nghiêng ngả ngược xuôi khi cuộc đời rơi xuống hố, cho nên, tôi lại gõ nữa, như lời thăm hỏi an ủi của một người. Tôi vểnh tai lên nghe ngóng một lúc. Vẫn yên lặng như không có người. Tôi băn khoăn, thấp thỏm, chả lẽ tôi mơ? Hay, buồng bên ấy có… ma!… Nghĩ như vậy thôi, chứ ngay ban ngày, ban mặt…
Tôi thấy mỏi người, liền xoay lại thế nằm quay sang phía khác, không hướng mặt vào tường nữa. Một lúc sau, hai mắt lim dim thả hồn lơ mơ vào giấc tỉnh say. Thình lình, một âm thanh vang lên như tiếng xiết, trượt mạnh vào tường của một vật gì bằng gỗ? Không nằm mơ! Tôi xoay hẳn thế nằm lại, và giơ tay gõ nhè nhẹ vào tường “cạch, cạch!”. Bây giờ thì có hai tiếng gõ đáp lại, rất nhẹ, và thưa. Chính lúc này, tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ nghe hai tiếng gõ mà lòng mình thấy vui hẳn lên. Với tay lấy cái lược sừng ở đầu sàn, tôi khua canh cách rốt rít vào tường như reo vui, như vỗ tay chào đón người bạn mới. Bên kia im lặng. Chừng nửa tiếng sau, tôi lại khe khẽ gõ hai tiếng nữa. Cũng có hai tiếng đáp lại, như hiểu ý định tôi nói gì.
Tới bữa cơm chiều. Sau khi lấy cơm vào rồi, tôi cố chờ không ăn vội, lắng nghe. Khi cán bộ mở buồng số 6, lấy cơm xong, cửa đóng; tôi nghe rõ tiếng bát đặt lên cái cùm như tôi bên này. Tôi liền gõ tường liên tục 5, 6 tiếng nhẹ, như ý mời anh bạn xơi cơm. Anh cũng ríu rít gõ đáp lại. Chỉ là những tiếng động thay lời, mà tôi thấy lòng mình hân hoan, ấm áp hẳn lên. Khi ăn xong, tôi cũng gõ, và cũng có tiếng vồn vã trả lời. Rồi trả bát, vào buồng, lại đi nằm. Cứ thỉnh thoảng, tôi lại nhè nhẹ gõ hai tiếng vào tường như muốn hỏi anh bạn buồng bên đã ngủ chưa? Hay có buồn không?… Anh cũng luôn sốt sắng gõ đáp trả lời tôi. Dần dần rồi tôi đi vào giấc ngủ đêm thâu.
Ngủ được một giấc khá dài, tôi chợt choàng thức dậy. Đêm đã khuya, nhớ đến anh bạn nằm sát bên cạnh, tôi lại “cành cạch” hai tiếng thật nhẹ, để nếu đã ngủ, anh bạn cũng không vì thế mà mất giấc. Vẫn thấy hai tiếng trả lời. Rồi, tôi lại thiếp đi; được một chốc, lại tỉnh. Lại gõ, vẫn có tiếng trả lời. Tôi ngạc nhiên. Như vậy là anh bạn bên ấy không ngủ ư? Suốt đêm, cứ lúc nào chợt tỉnh, tôi gõ, cũng đều thấy tiếng gõ trả lời!?…Gần về sáng, tôi thấy thương người bạn cả đêm sầu héo không ngủ được, nên tôi lấy cái lược gõ liên tục 7, 8 cái liền. Vừa như trách anh sao không ngủ, vừa như an ủi đừng buồn nữa. Anh bạn cũng đáp ứng vồn vã như hiểu ý tôi.
Chính vì chẳng nói thành lời, nhất là trong cảnh heo hút, vắng lặng thế này, lòng tôi càng bị lôi cuốn.
Ngày hôm sau, tôi muốn chờ nghe tiếng nói của anh bạn với cán bộ để có chút ý niệm về anh. Nhưng, đến buồng anh, lúc đổ bô, cũng như khi lấy cơm, trả bát, tôi không hề nghe thấy một âm thanh gì khác, ngoài tiếng những bước chân xèn xẹt đi qua lại trước buồng tôi. Vì lòng háo hức, muốn biết về người bạn nằm cạnh buồng, nên chiều hôm đó, đợi khi mở buồng số 6 ra lấy cơm, tôi ghé đầu sát đất, để nhìn qua khe hở, rộng chừng độ nửa phân, giữa mép dưới cánh cửa và nền nhà. Hai đôi bàn chân mờ mờ bước qua trước cửa buồng tôi, một đôi bàn chân dép râu đen đen của tên cán bộ Dư; còn đôi bành chân kia đi dép Thái Lan, quai đỏ. Đôi bàn chân rất trắng và nhỏ…như của phụ nữ làm tôi
giật mình. Phải chăng người nằm phía bên kia, chỉ cách nhau một bức tường dày 20 phân, vẫn đêm ngày gõ chuyện trò với tôi là một người… phụ nữ?
Vẫn như trước, tôi gõ mời xơi cơm. Ăn xong, lại gõ như chào đã ăn cơm cong. Bây giờ, bất cứ lúc nào tôi gõ là bên ấy lại gõ trả lời ngay.
Đêm hôm ấy, vào lúc nửa khuya, tôi chợt giật mình thức dậy, và tai nghe tiếng nức nở, nỉ non văng vẳng, lẫn vào tiếng gió rít của đêm thâu, nghe thật não nùng. Tiếng khóc, rõ ràng là âm thanh của một người nữ. Thổn thức, nấc lên từng cơn nghẹn ngào như cầu cứu, như van xin sự giúp đỡ của cuộc đời!
Tôi ngồi bật dậy, xác định hướng của tiếng khóc. Đúng là bên buồng số 6. Tôi vội vàng gõ mạnh mấy cái vào tường như hỏi tại sao lại khóc? Hãy nín đi thôi! Không có tiếng trả lời và tiếng khóc cũng ngừng bặt. Để động viên và an ủi, tôi gõ dồn dập thêm mấy cái. Có tiếng gõ trả lời, và đặc biệt là không còn khóc nữa, như hiểu ý.
Tôi suy nghĩ một cách chủ quan rằng, có thể trong khi tôi ngủ, người bạn tù nữ ở buồng bên đã gõ gọi, mà tôi không biết; rồi người bạn tù tự dưng cảm thấy tủi thân, giữa đêm khuya vắng lặng không ngủ được, nghĩ đến thân gái sa chân vào chốn ngục tù. Chung quanh im lìm, heo hút như nghĩa địa tha ma, chỉ thấy bốn bức tường lạnh lẽo và hai cái cùm to đen xì nằm im ỉm. Một nỗi cô đơn dâng lên, chỉ còn biết khóc.
Chợt một ý nghĩ đến với tôi: Người nữ này tội gì? Chính trị hay hình sự? Ở Hỏa Lò đã gần 4 năm, tôi chưa thấy người phụ nữ nào bị giam một mình ở xà lim cả. Phải nói, xà lim lúc ban ngày đã vậy, huống chi ban đêm, nhất là những đêm mưa dầm gió bấc không ngủ được, cứ trằn trọc một mình một bóng trong căn buồng hẹp vắng vẻ, cô liêu, chỉ nghe những tiếng rên la, hoặc tiếng hét trong cơn mê sảng của các buồng khác; ngay đàn ông cũng ít người chịu đựng được nổi, huống hồ là đàn bà. Do đó, thường chúng phải giam hai người để dựa vào nhau những lúc tối lửa tắt đèn; hoặc giả để không vì chán nản và tuyệt vọng quá mức mà nảy ra ý định tự tử. Thế mà bây giờ lại chỉ có mỗi một phụ nữ trong buồng số 6? Buồng này, tôi đã từng ở, và cũng là nơi tôi đã có kỷ niệm trốn tù bất thành. Buồng đó ở đúng chỗ gẫy khúc của xà lim, nên rộng hơn các buồng khác một chút. Vì vậy, nỗi hoang vắng lại càng lớn thêm ra. Một mình, cứ ngồi đấy suốt đêm, ngày, chỉ có thối ruột ra thôi.
Nhận thấy tiếng gõ của mình làm cho buồng số 6 ngưng tiếng khóc, tôi nảy ra ý định phải tìm cách liên lạc được với buồng số 6, để an ủi và hiểu rõ về người bạn tù “láng giềng” này. Nếu liều lên tiếng hỏi, dù có theo dõi được sự ra vào của cán bộ để không sợ bị bắt; nhưng, kinh nghiệm đã qua cho biết, trong xà lim không phải là không có những loại người của Cộng Sản cho vào nằm cùng
buồng, dùng khổ nhục kế, để moi tin, để khai thác cũng như điều tra một người nào đó, hoặc qua những lời đối thoại hỏi han nhau giữa các buồng… Như vậy, che dấu được cán bộ xà lim, nhưng chấp pháp vẫn biết tôi có liên lạc với buồng số 6. Phần khác, buồng số 6 là phụ nữ, các buồng khác họ cũng muốn nói chuyện với buồng số 6, nhưng số 6 không chịu trả lời; vậy càng bất tiện nếu tôi lên tiếng. Tôi nằm nghĩ ngợi, suy tính. Cuối cùng, tôi nghĩ thử đánh kiểu “morse” xem sao, có thể số 6 hiểu lối đánh này. Vì lối này khá thông dụng, ngay trong Hướng Đạo cũng có dạy. Nghĩ thế, tôi lồm cồm bò dậy. Bằng sống chiếc lược sừng nhỏ, với khuỷu đốt ngón tay, tôi hỏi: “Ai đấy?”, im lặng một lúc, rôi tôi nghe tiếng bàn tay xoa xoa lên tường, như trả lời không hiểu.
Vậy là số 6 không biết lối đánh “morse”, tôi hơi nản lòng. Nhưng, chợt nảy ra một phương pháp khác…
Trước hết, tôi gõ nói về ngày bị bắt của tôi. Nếu số 6 thông mình, hiểu được, sẽ trả lời tôi ngày bị bắt của số 6. Đêm khuya, hơi lành lạnh, tôi lấy cái chăn khoác lên người. Rồi bắt đầu, tôi gõ hai tiếng:”Cạch, cạch!”. Sau khi số 6 cũng gõ hai tiếng trả lời như mọi khi, cũng có nghĩa là lúc này số 6 đang lắng tai nghe. Tôi lại lấy sống chiếc lược sừng để gõ, vì tay gõ mãi cũng thấy đau đau. Tôi bắt đầu gõ:”Cạch cạch…24 lần, ngừng lại; gõ tiếp 6 lần, ngừng lại; 1 lần, ngừng; 9 lần, ngừng, 6 lần, ngừng; 2 lần, ngừng. Tôi chờ đợi, nghe bên kia tường có âm thanh rê đi rê lại, hình như của một cái cán quạt thì phải, như có ý nói là không hiểu, chưa hiểu!
Tôi lập lại một lượt như trên. Vẫn tiếng rê ở trên tường. Tôi hiểu “vạn sự khởi đầu nan” là chuyện thường tình; vậy cần phải kiên trì, đừng nản lòng. Từ suy nghĩ này, tôi lại gõ đúng như trên một lượt nữa. Im lặng. Tôi ngồi bên này tường, hình dung ở bên kia, số 6 đôi mắt đang tuy mở, nhưng sẽ chẳng nhìn thấy một cái gì rõ, chỉ vì óc đang bận suy tính về những tiếng gõ của tôi ở trên tường. Chợt, tiếng cán quạt đập rối rít vào tường một lúc, rồi ngừng lại. Và bắt đầu gõ: 24-6-1962. Mắt tôi lúc này hẳn sáng lên, tay tôi cũng cuống quít đập cả lược, cả tay vào tường (dĩ nhiên tôi cũng kềm chế để âm thanh tiếng đập cũng như tiếng gõ không quá lớn đến độ các buồng khác cũng nghe thấy rõ). Vừa mừng vì số 6 đã hiểu; lại vừa thích thú vì số 6 tỏ ra thông minh. Sau đó, số 6 gõ hai tiếng:”Cạch cạch”. Tuy không quy định, nhưng tự nhiên hai tiếng gõ bây giờ như thay cho hai tiếng gọi nói chuyện. Tôi đáp lại hai tiếng như trả lời: “Sẵn sàng”! Rồi, số 6 gõ “25 (ngừng” 9 (ngừng) 1965. Tôi đập chiếc lược lia lịa vào tường mừng rỡ. Như vậy, số 6 đã bị bắt hơn một tháng rồi. Hôm nay, 18-10-1965. Và, cũng có nghĩa là số 6 đã hiểu tôi bị bắt đến nay đã 3 năm rưỡi rồi.
Tôi gõ tiếp: Ngày, tháng, năm sinh của tôi. Tôi được trả lời: Ngày, tháng, năm sinh của số 6. Số 6 năm nay đã 37 tuổi. Hơn tôi những 10 tuổi.
Điều buồn là đến đây, cách nói chuyện kiểu này gặp trở ngại. Tôi muốn hỏi tên số 6, và bị bắt về tội gì, v.v… nhưng đành chịu. Thật là tức, suốt đêm ngày ngồi không, mà chẳng nói chuyện với nhau được.
Bần thần nghĩ ngợi một lúc, chợt trong đầu tôi lóe lên một tia sáng. Phương pháp này tuy hơi mất công lúc đầu; nhưng khi quen, cũng tạm được. Ngay “morse” khi mới tập, cũng nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng, cứ dùng mãi, đánh mãi, sẽ quen và trở thành gần như nói chuyện bình thường vậy. Muốn nói chuyện tạm được với nhau, cách gì cũng phải qua vần a, b, c…Ở đây, hãy dùng vần chữ Việt, 23 chữ cái: A, B, C, v.v… Vậy A: 1, B: 2, C: 3, v.v… cho tới Y: 24. Để giản đơn và ngắn gọn hơn cứ 10 là một tiếng “thình” của gót bàn tay đập vào tường. Thí dụ: Chữ “Y” là thình thình, cạch, cạch, cạch, cạch. Chữ “K” là thình; chữ “N” là thình, cạch, cạch, cạch, v.v…
Sau khi nhẩm tính xong, vấn đề kế tiếp là làm sao để số 6 cũng biết như mình. Tôi hiểu số 6 cũng đang tức bực, không biết cách gì để hỏi và nói chuyện với tôi.
Bắt đầu, tôi gõ “cạch, cạch” là tiếng gọi “nói nhé?”; và sau khi số 6 đáp trả hai tiếng “sẵn sàng!”, tôi gõ “cạch”, rồi nói to:”A…À…À…”; “cạch, cạch” lại hô “Bê…ề…ề…”; “cạch, cạch, cạch” lại hô “xê…ề…ề…”. Tôi ngừng, lắng nghe, âm thanh cái cán quạt bên số 6 rê đi rê lại trên tường một cách chậm chạp. Tôi lại làm như trên một lần nữa. Một lúc, một lúc, bỗng tiếng cán quạt đập liên hồi vào tường. Rồi số 6 gõ lại:”Cạch (ngừng); cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch, cạch (ngừng).
Tôi cũng đập rối rít; thậm chí cả gót chân của tôi cũng rung rung, đập đập xuống sàn cho số 6 thấy nỗi vui mừng của tôi. Sau đó, tôi gõ: 5 cạch, 1 cạch, 1 thình 1 cạch, 7 cạch; rồi lấy cái sống lược kéo một cái trên tường nghĩa là sang chữ khác: 3 cạch, 8 cạch, 9 cạch, 1 thình 3 cạch, 8 cạch, kéo lược. Ngừng một lát, bên số 6 cứ xoa xoa tường, ra vẻ không hiểu. Tôi lập lại lần nữa. Số 6 rối rít gõ lại cho tôi…
Tôi được biết tên số 6 là: Đào Thị Bắc, Bằng phương pháp cổ lỗ sĩ ấy, tôi và chị Bắc say mê nói chuyện với nhau đêm ngày; trừ lúc ăn cơm hay đi đổ bô thôi. Đêm nào cũng thức khuya để nói…chuyện. Một điều tôi không tưởng tượng được chị Bắc lại là…gián điệp của Sài Gòn.
Bốn, năm ngày đầu còn chậm chạp, khó khăn để hiểu nhau; nhưng sau đó, nghe gõ là đã biết ngay chữ gì. Hơn nữa, có nhiều chữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện, chúng tôi gõ “tắt”, nên càng nhanh hơn. Thí dụ: Chữ “Bình”, chỉ cần gõ chữ “B”, và “Ba”; là “Bắc”; hoặc “CP” là “chấp pháp”, v.v…
Sau khi biết được chị Bắc là điệp viên của Sài Gòn và cũng là điệp viên của miền Bắc nữa, tôi càng ngạc nhiên. Như thế, chị Bắc là loại gián điệp “hai mang” ư? (Agent double). Tôi hỏi, chị lại bảo là không phải. Rất nhiều điều tôi muốn biết rõ về chị; nhưng phương pháp liên lạc này không cho phép hỏi được nhiều, nhất là chờ thời gian, nghĩa là hỏi dần dần, vì dạo này, chị thường phải đi cung luôn.
Những lúc chỉ đi cung, tôi nằm trong buồng lại thấy buồn. Kể cũng kỳ, trước đây, cứ một mình lùi lủi mấy năm trời có sao đâu; thế mà những lúc chị đi cung, tôi thấy như thiếu vắng một người bạn tâm tình đồng chí. Tôi nghĩ đến buồng số 4. Một điều vui mừng là anh chàng này cũng tỏ ra rất thông minh. Tôi chỉ giải thích vài lần, anh và tôi đã nói chuyện được rồi. Tên anh là: Nguyễn Lân, ở Quảng Bình, anh cũng cùng tuổi với tôi. Bố anh là liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Anh là sinh viên du học ở Roumanie. Anh mới bị bắt, và bị đưa vào Hỏa Lò ngay.
Về phần tôi, vì sự việc dài giòng, phức tạp, cho nên tôi chỉ nói với anh tôi là giáo viên Cấp II ở Phủ Lý. Chỉ có tên tuổi là tôi nói thật thôi. Ngay cả với số 6, tuy tôi đã biết chị là đồng chí, đồng nghiệp, nhưng tôi cần tìm hiểu thêm nhiều về chị Bắc đã; bây giờ cũng cứ tạm nói là giáo viên. Rồi dần sau tôi sẽ nói thực.
Tự dưng, tôi nôn nao muốn nhìn thấy con người thực của chị Bắc ra làm sao. Đến ngày Chủ Nhật đó, tên Bằng trực. Tôi chỉ theo dõi một lúc, đã nắm được hướng đi nước bước của y. Cứ mở cửa một buồng xong, y lại trở ra bàn ngồi; trong 5, 10 giây sau, người tù trong buồng mới ôm bô đi ra. Có khi y đã ra tới gần bàn, trong này người tù mới ra khỏi buồng. Có thể, y muốn ra ngay để khỏi phải đi cạnh một anh tù hôi hám, lại ôm cái bô thối hoang. Vả lại, y vừa ra tới bàn đã đứng quay lại nhìn tù ôm bô ra rồi. Có thể y nghĩ là như vậy thì tù làm sao có thể liên lạc với nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó được.
Vì nắm được như thế, cộng thêm sự háo hức muốn nhìn mặt của số 6, và lại không muốn báo trước cho số 6 biết; cho nên, khi tên Bằng mở buồng số 6, tôi đã chuẩn bị trước, trèo đeo ngay lên khung cửa sổ lớn phía trên cửa ra vào. Mặt tôi giô lên, lộ ra ở chiếc khung có lưới thép. Trèo lên đứng kiểu này không phải dễ; phải có một cánh tay và một cái chân khỏe mạnh đủ để có thể chịu đựng sức nặng của cả cơ thể.
Số 6 ôm bô ra đi; tôi phải công nhận “trường” mắt của số 6 tương đối bén nhạy. Mặt tôi cao hơn số 6 đến 1m2, 1m3; thế mà số 6 đã ngửng lên trong khi ôm bô đi ra. Bốn mắt nhìn nhau, chả dám nói một câu. Bỗng số 6 cúi ngay xuống, có thể tên Bằng đã từ ngoài nhìn vào, tôi vụt tụt xuống. Lòng bâng khuâng nghĩ ngợi về con người của chị Bắc.
Mặt chị hơi dài, da trắng, môi dưới hơi thưỡn ra. Trên đầu chị, phía trước bên trái có một chùm tóc bạc giữa những lọn tóc đen buông xõa phía sau vai. Chị mặc một chiếc áo trắng, quần đen, như người nửa tỉnh, nửa quê. Nhưng, tôi cũng hiểu, quần áo đây chỉ là cách trang bị cho một “vỏ bọc” sống ở môi trường miền Bắc mà thôi.
Có một điều tôi hơi băn khoăn, là, khi bất chợt chị nhìn thấy tôi, đôi mắt chị sáng lên, tỏ ra một sự vui mừng như lâu ngày mới gặp lại người thân; nhưng ngay sau đó, một nỗi buồn như chiếc màn đen bỏ xụp xuống khuôn mặt của chị. Vì sao thế? Tôi chả hiểu được. Vì vậy, khi chị từ nhà tắm về, tôi im lặng không gõ nữa; và chị… cũng im luôn.
Chẳng hiểu vì lý do gì, làm như là thi gan với nhau, không ai chịu gõ gọi nhau nữa. Cho đến suốt bữa cơm chiều, tôi ăn xong, trả bát, sang gõ hỏi anh Lân mấy câu, rồi chào đi nằm ngủ… Mãi tới khoảng 10 tối, thoáng nghe có tiếng người khóc nức nở, trước nhỏ, sau to dần, tôi bò dậy lắng nghe. Thì ra tiếng khóc của chị Bắc. Đã từ nửa tháng nay chị không khóc; bây giờ tại sao lại thổn thức trong đêm khuya? Nếu là một người có lập trường ý thức chính trị rõ rệt, thì ngay gặp một người phụ nữ bình thường trong cảnh này, tôi cũng phải tìm mọi cách, tùy theo điều kiện, để an ủi, giúp đỡ; huống chi đây là một đồng chí, một chiến hữu, vừa là một đồng nghiệp của mình. Vì vậy, tôi không nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Tôi gõ cành cạch hai tiếng để gọi. Im lặng. Một lúc, tôi lại gõ hai tiếng. Lần này, chị Bắc đã trả lời, mặc dù rất nhẹ và rời rạc.
Tôi hỏi: “Tại sao chị khóc?”. Chị trả lời: “Buồn, nên khóc”. Tôi chỉ biết khuyên chị hãy nhìn cảnh tôi, để mà vui. Tôi đã bị bắt từ hơn 3 năm rồi, mà vẫn còn nằm ở buồng tối đây này. Vả lại, buồn có giải quyết được vấn đề tha sớm hay muộn đâu. Do cách gõ, cho nên tôi chỉ nói được vài ý, mà cũng nói không hết, thường người nghe phải cố suy đoán thêm.
Nói chung, sau đó chị hết khóc. Và những ngày sau, tôi và chị tiếp tục gõ thăm hỏi nhau đêm, cũng như ngày.
https://thepden.wordpress.com/2013/01/11/27-cai-cong-cua-quan-che/
72. Người bạn tù … “Lôi Hổ”
Chiều hôm đó, sau khi cơm nước, trả bát xong, trời đang nắng tự nhiên tối sầm lại. Mới 4 giờ chiều mà tưởng như trời sắp tối. Có những tiếng ầm ầm, ì ì như cối xay lúa ở xa xa, càng lúc càng rõ dần. Bây giờ như có mấy xe lửa đang chạy trên trời, suốt từ Đông sang Tây, rồi từ Nam lên Bắc. Trời đang chuẩn bị mưa lớn.
Bỗng một làn chớp xanh lè, rồi một tiếng nổ xé tai làm rung chuyển cả Hỏa Lò. Trên mái, đã nghe thấy những tiếng lộp độp của những hạt mưa thưa. Càng lúc, tiếng lộp độp cành mau hơn. Thỉnh thoảng vẫn có những làn chớp lóa mắt, kèm theo những tiếng nổ lúc xa, lúc gần. Bỗng, tôi chợt nghe lẫn trong mưa gió tiếng gì… đầu tiên như tiếng sáo diều, rồi mỗi lúc một to dần, để cuối cùng thành tiếng… còi hụ báo động!
Tôi như choàng tỉnh khỏi một cơn mơ, khi những tiếng nổ rền như bắp rang của súng đạn: những tiếng “pọp, pọp, pọp…” của trung pháo, tiếng “cùng, cùng, cùng…” của đại liên, tiếng “ùng ục, ùng ục…” của đại pháo… Tiếng trung pháo nghe ngọt nhất. Lúc đầu, tôi còn phân biệt rõ được từng loại pháo; nhưng sau thì lộn tùng phèo! Tiếng sấm, tiếng sét, tiếng bom, tiếng súng, tiếng tên lửa, tiếng mưa rơi…rối rít tít mù! Tôi chả còn biết đường nào mà rờ nữa. Tôi đứng thẳng lên trên sàn, dựa vào cửa sổ lớn nhìn ra sân xà lim, vừa nhìn mưa rơi, vừa nghe súng nổ.
Thế này là, các anh phi công đã lợi dụng những đám mây đen, lợi dụng trời mưa gió, sấm chớp để vào Hà Nội. Phải nói, trận này các anh đánh thật đẹp. Nhưng, như tôi đã trình bầy, các anh đánh để có công tác vậy thôi, chứ các anh có đánh gấp đôi như vậy, cũng đừng hòng Cộng Sản thay đổi thái độ, hoặc theo ý các anh. Đánh miền Bắc! Không sử dụng quân bộ thì không có cách thứ hai để giải quyết đâu!
Sau gần một tiếng đồng hồ, trận không tập mới dứt. Cùng lúc đó, trận mưa của đất trời cũng tạnh. Sau cơn mưa, trời lại sáng; nhưng sau cơn bom, chắc bên ngoài Hà Nội đang có nhiều chỗ có tiếng than khóc, xen lẫn tiếng rên la. Trong chiến đấu, tất nhiên là phải có máu chảy thịt rơi rồi.
Không khí sau trận mưa dìu dịu mát. Tôi vẫn bần thần dựa đầu vào lưới thép cửa sổ, dõi mắt nhìn những chiếc gương to, nhỏ nhiều hình thù khác nhau để ngửa, rải rác khắp đó đây trên mặt sân. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua làm những tấm gương nhăn mặt, như cáu giận nàng gió lả lơi cợt đùa.
Đứng mãi một thế, mỏi chân. Tôi vừa quay người lại, định chuyển thế đứng thì mắt tôi nhìn thoáng qua khung cửa sổ buồng số 5. Một bộ mặt tai tái, với đôi
mắt sáng lên vẻ mừng rỡ khi nhìn thấy tôi. Tôi mỉm cười và giơ tay làm hiệu chào người bạn xóm giềng, chứ lúc này lòng tôi đang ngổn ngang nhiều nỗi, chả còn thiết trò chuyện linh tinh. Tôi làm hiệu chào, định không nói chuyện, nhưng rồi tôi lại đổi ý. Tôi ra hiệu tay cho anh biết cách thức, rồi viết cho anh như kiểu tôi thường “nói chuyện” với chị Bắc trước đây. Tôi hỏi:
– Bị bắt lâu chưa?
Anh cũng viết trả lời:
– Bị bắt 4 tháng rồi.
Tôi hỏi tiếp:
– Mới về đây hơn nửa tháng, vậy mấy tháng trước giam ở đâu?
– Xà lim, ở trại giam Thanh Trì, Hà Nội.
Như thế, Hà Nội lại còn một trại giam nữa ở Thanh Trì, tôi nghĩ thầm, rồi tiếp:
– Trước ở đâu?
– Ở Sài Gòn, bên Chợ Lớn!
Tôi giật mình, hỏi tiếp:
– Tội gì?
– Lực lượng Biệt Kích “Lôi Hổ”!
Chà! Lại một đồng chí, một chiến hữu nữa! Tôi mừng rỡ, hết hẳn vẻ mỏi mệt hỏi tiếp:
– Nhảy ở đâu?
– Vùng giải phóng, chiến khu “D” (tức miền Nam).
————————————-
Sau cuộc nói chuyện, tôi biết sơ lược về anh như sau:
Anh tên là Lưu Nghĩa Lương, 24 tuổi, người Việt gốc Trung Hoa, ở số 276 đường Bà Hạt, Chợ Lớn. Anh đi một toán gồm 6, 7 người, trong đó có một người Mỹ làm cố vấn. Nhảy trực thăng vào một vùng trong chiến khu “D” để tìm dấu vết địch. Anh đã nhảy nhiều lần. Lần này, không may rơi vào ổ phục kích Cộng Sản. Trong lúc bất ngờ tán loạn, mỗi người chạy thoát thân mỗi nơi. Riêng anh, sau 2, 3 ngày lang thang trong rừng, cuối cùng bị chúng vồ được và giong anh ra miền Bắc…
Khi đã biết Lương là người của Sài Gòn, tôi cũng không giấu và cho Lương biết sơ lược sự thật về tôi. Lương rất mừng rỡ, xưng em và coi tôi như một người anh. Vì Lương vẫn còn phải thỉnh thoảng đi cung, nên với những kinh nghiệm sẵn có, tôi góp ý cho Lương một số vấn đề để khắc phục bớt những nhược điểm của mình, cũng như nhìn rõ một số yếu điểm của đối phương, tức là chấp pháp. Tôi cũng kể lại cho Lương nghe sơ qua về trường hợp rất đáng thương của chị Bắc. Mãi gần về cuối cuộc nói chuyện, Lương có vẻ ngập ngừng viết:
– Cô y tá Vân “mết” anh lắm rồi!
Tim tôi bị bóp nhẹ, vội vàng tôi hỏi ngay:
– Lương thấy thế nào, lại nhận định như vậy?
Lương nói là đã mấy lần trèo lên cửa sổ, nhìn phía sau lưng cô ấy, khi cô ấy đi vào nói chuyện với tôi.
Thật không ngờ. Tôi cũng tiếc, nếu biết Lương là người của mình, tôi đã nói chuyện với Lương ngày từ đầu rồi. Chắc chắn, Cộng Sản không hể biết được phương pháp liên lạc “viết” này. Nếu chúng biết, chả khi nào chúng lại giam Lương và tôi đối diện với nhau.
Tôi cũng nói thật những suy nghĩ của mình về cô Vân: về một mặt nào đó, cô Vân cũng chỉ dưới mắt mình thôi, chúng ta coi khinh. Khinh ở đây là giữa địch và ta, giữa hai luồng tư tưởng hoàn toàn đối nghịch nhau. Nhưng, trong trường hợp này, phải nói, cô ta chẳng bao giờ thèm để ý đến những người như chúng ta. Chúng ta đã thất bại, rơi vào tay chúng rồi, hãy cam phận là một tên tù, đừng chơi vơi mà mang nhiều tủi hận.
Ngược lại, tôi không hiểu Lương căn cứ vào đâu lại dám có ý kiến khác hẳn. Nào là, theo Lương thấy, cô Vân rất hách dịch, đã cùm bao nhiêu người rồi; ngay cả số 4 cạnh buồng Lương, anh chàng có vẻ học thức thế mà cô ta cũng tố cáo với Dư, để anh chàng phải cho chân vào “cạm”. Nhưng riêng với tôi, cô ta lại đối xử khác hẳn. Vả lại, nhiều buổi trưa, cô ta vào đứng nói chuyện với tôi. Nào là, Lương bảo đảm cô Vân đã để ý nhiều đến tôi. Lương đề nghị là trong hoàn cảnh tù đầy như thế này, tôi hãy cứ tiến tới, lợi dụng để cho đỡ buồn cảnh sống, trong xà lim hoang vắng âm u.
“Nói” chuyện với Lương, tôi thấy lòng len lén dâng lên một thứ tình cảm thân thuộc ấm cúng. Vừa là đồng chí, vừa như tình anh em. Tôi hỏi Lương có hút thuốc lá không? Mắt Lương sáng lên như ngọn đèn mờ sắp tắt, lại được đổ thêm dầu. Lương nói là từ ngày bị bắt đến hôm nay, thèm một điếu thuốc kinh khủng mà chưa hề có một hơi thuốc lá nào cả, chứ đừng nói là một điếu.
Buổi tối hôm ấy, sau khi xác định là không có cán bộ, tôi liền làm theo cách thức đưa kim cho chị Bắc trước đây. Lần này, tôi nối lại thành hai dây do bốn sợi chỉ chăn, mỗi sợi dài khoảng hai mét. Tôi cột một mẩu cuống chổi vào một đầu chỉ, rồi búng mạnh sang sát cửa buồng của Lương. Lương lấy một cọng chổi thanh hao có móc ngoéo ở đầu, luồn ra qua khe cửa, móc kều sợi chỉ vào. Đầu bên này, tôi đã buộc sẵn những điếu thuốc lá, diêm và 3, 4 cái kẹo. Tôi và Lương chỉ việc lựa, lần tay kéo về. Làm kiểu này, chúng tôi tha hồ chuyển cho nhau những vật theo ý mình.
Trong lúc chuyển kéo dây, tôi chợt nhớ đến chị Bắc. Một nỗi buồn thương cảm dâng đầy, nặng trĩu trong lòng. Nếu bây giờ chị còn ở đây, bao nhiêu kẹo bánh, tôi sẽ chuyển sang cho chị bồi dưỡng hết. Tôi chỉ ăn mỗi thứ một cái thôi, để gọi là biết mùi, còn thì hút thuốc lá.
Lương cảm ơn tôi rối rít và càng giục tôi tiến tới, để anh em có kẹo, có thuốc hút. Thấy Lương nghĩ và nói như vậy, tôi cho là Lương chủ quan, nghĩ chuyện đời quá đơn giản. Chứ theo tôi, sự việc chẳng phải dễ dàng. “Người ta” có lập trường giai cấp của “người ta” chứ!… Tuy nhiên, những lúc nằm không, tôi cũng đã vẩn vơ suy nghĩ: hơn 5 năm trời ở xà lim, đã mấy lần tôi tưởng không còn thể sống được nữa; khi tấm thân tôi phù thũng, khi thì người như con cá khô, chỉ còn da bọc xương; chả khi nào nghe thấy ai nói chuyện “bồi dưỡng”; vậy mà bây giờ tự nhiên lại có chuyện như ở trên trời rơi xuống đất thế này! Nhất là dạo này, sau gần hai tháng ăn thêm được một phần cơm của chị Bắc, người tôi lại có xương, có thịt nhất kể từ khi vào tù. Rồi, đôi mắt cô Vân tại sao lại nhìn tôi thế? Tại sao, buổi trưa cô hay vào mở cửa sổ nhỏ buồng tôi nói chuyện? Với bao nhiêu câu hỏi tại sao, chẳng câu nào tôi trả lời rõ ràng được.
Buổi tối nay, không biết là rằm hay 16 của tháng cuối Hạ, đầu Thu, mà trăng thật sáng? Mảnh trăng tròn vành vạnh như thách đố, với những đám mây đen nặng chịch, đang bò lổm ngổm như những con sâu róm từ hướng Đông về hướng Tây Nam trên nền trời tím xậm.
Tôi đang đứng ngắm trăng để hồn say sưa, dập dờn bay đây đó, chợt cổng xà lim mở rộng. Tôi thụt ngay người xuống, nhưng mắt vẫn còn thoáng nhìn thấy một mái tóc xõa tung, buông dài, với cánh tay trần cắp chiếc thau men. Cô Vân tối nay lại vào tắm. Chẳng hiểu sao, tôi thấy tim mình đập mạnh và nhanh hơn.
Tôi ngồi xuống sàn, không dám đứng lên nữa. Nghe tiếng mở cửa nhà tắm, rồi tiếng nước chảy, người tôi tự nhiên nóng dần lên như vừa nhắp một chú rượu đời. Lạ thật! Tôi thật là lẩm cẩm. Tại sao mình lại như vậy? Tôi chẳng còn hiểu nổi ngay chính mình nữa! Lý trí đã hiện rõ hai chữ “không được”, vậy tại sao còn lẩm cẩm hão huyền?
Tôi nằm xuống, chuẩn bị những đồ chống muỗi, đi ngủ. Tôi muốn đi vào giấc ngủ ngay, nhưng trong khi tôi nằm nhắm mắt, tiếng nước chảy, tiếng động của chiếc thau men xát xuống mặt nền xi măng cứ như cào vào đầu, làm người tôi rần rận nóng lên, thì làm sao tôi ngủ cho nổi. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ không cho ai vào xà lim tắm nữa.
Dù tôi không muốn, nhưng tôi vẫn biết cô Vân đã tắm xong. Thậm chí, tôi còn nghe thấy cả tiếng động nhẹ của chiếc thau men để lên bàn trực nữa. Im ắng, không có tiếng bước chân ra cổng xà lim. Tôi vẫn nằm lì, nhắm mắt, cố dỗ vào giấc ngủ. Mồm bịt kín trong chiếc khăn che muỗi, tôi vẫn lẩm bẩm nói với lòng: “Đừng chơi vơi nữa thuyền ơi!”
Đột nhiên, một tiếng quát giật giọng của cô Vân từ phía ngoài sân xà lim:
– Anh kia, đứng lên làm gì?
Rồi tiếng bước chân vội vã, xền xệt từ ngoài sân đi vào. Tiếng cửa sổ nhỏ buồng 14 nghe “xoạch”:
– Anh nào vừa đứng lên?
Tiếng một thanh niên:
– Xin cô bỏ qua cho, tôi thấy trời sáng trăng đẹp, nên vừa đứng lên.
Tiếng chỏng lỏn, rấm rẳn:
– Mai anh sẽ nói như thế với cán bộ trực ở đây này!
Tiếng cửa sổ nhỏ đóng mạnh, tiếng bước chân đi ra, rồi lại im ắng. Như thế, hẳn cô Vân đang đứng ở sân. Tôi đã buộc người để đi ngủ; tôi đã cưỡng lại với lòng mình; đến nỗi bỏ cả một buổi trăng tròn cuối Hạ. Thế nhưng, tôi vẫn không ngăn được dòng tư tường của mình: cô này “hắc” thật, con gái gì mà dữ thế! Được! Để tôi thử khả năng quan sát của cô, xem cô nó bắt được tôi không? Đặt giả thuyết, nếu cô ta bắt được, cũng đành một tuần bị cùm để dứt chuyện “chơi vơi”.
Nghĩ vậy, tôi liền ngồi bật dậy, tụt đầu, tụt tay, tụt chân ra khỏi đồ nghề chống muỗi. Vuốt lại đầu tóc một tí, rồi tôi lựa thế, ngửa hẳn mặt lên trần, và từ từ nâng mặt lên sát mép cửa sổ.
Ngoài sân là một bức tranh tuyệt vời. Dưới ánh trăng huyền ảo của đêm Hè là một thiếu nữ đang độ xuân thì, căng đầy nhựa sống. Da cô đã trắng, cô lại mặc chiếc quần đen ống nhỏ bó sát, làm lẳn lên đôi chân thuôn dài. Chiếc áo lót mùa Hè cũng màu đen làm nổi bật đôi cánh tay trần và chiếc cổ dài lấp loáng trong làn tóc mây. Hai cánh tay như hai thỏi sáp thỉnh thoảng lại uốn éo, hất, hong mái tóc huyền trong gió dưới trời trăng. Mấy cành bàng nhỏ trĩu lá xanh lắc lư theo gió, nhiều lần sà xuống như muốn vuốt ve, chiêm ngưỡng một tuyệt tác thiên nhiên. Dăm chiếc lá bàng khô mãi từ góc sân đàng xa đang rủ nhau mượn gió lăn dần về phía bóng giai nhân. Một mùi nồng, ngậy, ngòn ngọt của thịt da quyện vào mùi ngai ngái của lá hô, của rêu mốc làm cho trong mũi tôi ngứa lên như có rận bò. Tôi tiếc rằng lúc này phải chi mình là một nhà thơ, một họa sĩ, hay một nhà văn để tôi tả, tôi vẽ được đủ nét bức tranh “trăng tròn đêm Hè” này.
Thỉnh thoảng, cô Vân vẫn nghiêng nghiêng cái đầu, nghênh ngó đưa mắt nhìn suốt lượt các cửa sổ lớn của xà lim trông ra ngoài sân, vậy mà cô chả nhìn thấy tôi. Điều này, càng chứng tỏ phương pháp của tôi là hữu hiệu, an toàn (có thể sau này sẽ có lúc cần thiết tôi phải dùng đến). Tự nhiên, một ý tưởng ngông cuồng thoáng đến trong óc tôi:
“Cứ đứng thẳng người lên, nhìn đường hoàng, cho cô nàng thấy, xem thử thái độ của cô ra sao?”.
Chẳng hiểu do từ nguồn thúc đẩy nào làm tôi “dũng cảm” thế! Tôi nhô đầu lên, tựa trán vào lưới thép, nhìn cô.
Đôi tay của cô vẫn trải dài, buông lơi để hong những lọn tơ huyền, tôi hơi hồi hộp, đợi chờ. Kìa, cô đã ngửng lên. Mặt cô hướng về cửa sổ buồng tôi. Tôi chờ…một tiếng quát để cắt đứt “mối tơ vương” không nhằm chỗ của mình. Nhưng không, cô mở to mắt nhìn tôi, hai cánh tay cô ôm chặt vào ngực, cứ tưởng như không mặc áo. Đôi môi cô mấp máy, rồi nở thành một nụ cười! Rồi, cả cặp mắt của cô như cũng cười theo nữa!
Dưới ánh trăng, xà lim càng vắng lặng, bốn mắt cứ nhìn nhau, im lặng. Một cơn gió thoảng qua, những chiếc lá bàng run rẩy đập vào nhau gây lên những âm thanh rì rào, xào xạc. Tay cô vẫn ôm ngực. Tôi lúc này, người cũng đờ ra như tượng gỗ. Hình như có một sức hút ngấm ngầm nhưng rất mạnh đâu đây, đã từ từ kéo cô từ sát tường phía bên kia tiến dần, tiến dần đến phía dưới cửa sổ buồng tôi! Bây giờ, cô và tôi chỉ còn cách nhau chừng hơn một mét. Một đám mây đen kéo đển che lấp mặt chị Hằng. Cả người cô Vân đổi thành màu xám xậm; nhưng đôi mắt của cô lại ánh lên như hai vì sao nhỏ long lanh. Một tay cô bỗng giơ vào quãng không về phía tôi. Môi trên của cô cong rướn lên, người cô như muốn xiêu đổ về phía cửa sổ tôi đang đứng. Bàn tay tôi cũng tự dưng chậm chạp đưa lên, run rẩy, quờ quạng xoa lên tấm lưới thép.
Phút này thật là nguy hiểm. Nếu có một cán bộ từ ngoài cổng xà lim đi vào, ăn làm sao, nói làm sao bây giờ đây? Chẳng biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Có lẽ Vân cũng chợt cảm thấy như vậy. Có thể dăm phút vừa qua, hai linh hồn đã thoát xác bay bổng, bây giờ mới gọi nhau trở về nhập vào hai tấm thân. Cô bàng hoàng như sực tỉnh một giấc mơ, quay vào bàn trực lấy cái thau, rồi từ từ đi ra cổng. Đến cổng, cô còn ngoái lại, đứng nhìn tôi một lúc, rồi mới khép cánh cổng, ra về.
Tôi quay vào, đứng lên sàn, nhìn sang buồng số 5. Lương viết nói với tôi:
– Khi nãy cô Vân quát, em tưởng cô ấy quát anh em lo quá chừng. Sau, biết là số 14, em mới an tâm. Có thế chứ! Hôm nào anh cứ thử đứng lên nhìn cô ở ngoài sân xem sao?
Tôi chả muốn cho Lương biết chuyện vừa rồi, vì lại phải dài dòng kể lể nên tôi chỉ gật đầu nói là để xem sao. Lương động viên, khích lệ tôi. Đang nói chuyện với Lương, tai tôi thoáng nghe có tiếng dép đi nhẹ ngoài sân, liền vẫy tay ra hiệu cho Lương ngồi xuống. Một lúc sau, qua cách mở cửa và tiếng “đằng hắng”, tôi biết là tên cán bộ Kế, chuẩn úy người miền Nam, đi kiểm tra nhận ca trực đêm. Vậy cũng đã 9 rưỡi, 10 giờ rồi, tôi lại chuẩn bị các “thủ tục” chống muỗi để đi ngủ.
Tôi nằm nhắm mắt, nhưng đầu óc vẫn cứ vương vấn với những hình ảnh vừa qua. Chuyện này cũng thật gay go đây. Nhưng, như vậy thì lại càng hấp dẫn, lôi cuốn. Tôi và cô cứ phải giữ thế của mỗi người, phải lựa ý nhau, nay một tí, mai một tí, từ từ. Cô Vân có cái tự ái của một cán bộ, không phải một lúc mà cô có thể xé bỏ ngay được. Còn tôi, tôi cũng có lòng tự trọng của mình, không thể nài xin, và lại càng không được quyền tiến trước, như một chuyện tình cảm bình thường, mà phải đóng vai thụ động.
Có một điều khiến tôi cứ băn khoăn mãi không giải thích nổi. Đó là, không nói gì ở ngoài Hỏa Lò, hay trong ngành công an; mà ngay trong Hỏa Lò này, gần 200 công an vũ trang toàn loại thanh niên trẻ, thiếu gì người coi được, tại sao cô Vân lại để ý đến một tên tù trọng phạm? Về mặt lý trí, cô thừa hiểu, tôi có thể chết, không chết trẻ, cũng chết già trong nhà tù; tôi lại còn phải chìm nổi đọa đầy nơi rừng sâu, hay biên cương hẻo lánh… Vậy, cô còn “lắc lư” làm gì cho tím thẫm cả hai cõi lòng? Phải chăng, cô cũng không thoát ra được khỏi, cái chung của người đời là chỉ thích những chuyện…không bình thường?
Tôi cứ trằn trọc mãi, rồi thiếp đi trong giấc ngủ mờ màng. Bỗng tai tôi nghe có tiếng gọi rất nhẹ, nhưng thật rõ:
– Anh Bình ơi! Anh Bình!
Tôi bật nhỏm dậy, rút đầu ra khỏi bao, nhìn về phía cửa sổ nhỏ. Một chiếc mũi ghé, thò hẳn vào giữa hai cái song sắt của cửa sổ. Hai con mắt đen láy nhìn tôi đầy thương cảm. Tôi rút vội hai tay ra khỏi “bao tay”, tôi tiến tới sát cửa sổ. Hai mặt thật gần nhau, một làn hương ngầy ngậy phả ra làm ngây ngất hồn tôi. Cô Vân nhìn tôi một lúc, rồi nói trống không:
– Mãi không ngủ được!
Tôi chỉ yên lặng nhìn cô, và ngúc ngắc cái đầu, ý bảo cô đừng nói nữa, đừng lên tiếng nữa.Chẳng hiểu sao, bỗng hơi thở cô dồn dập, tay cô run run đưa cho tôi một gói thuốc lào, loại hai hào và một gói thuốc là Điện Biên. Cô nói thật nhẹ, thật khẽ vậy mà tôi vẫn cảm thấy làn hơi thở của cô thơm nồng, quyện trên mặt tôi:
– Anh hút ít thuốc lào thôi đấy nhé!
Lòng tôi đang xốn xang, hồi hộp nên chỉ gật đầu mà không thể nói lên lời. Tuy vậy, khi một ý định từ nãy chợt trở về óc tôi, tôi nói luôn:
– Mai đừng báo cáo ông Dư về buồng 14 nữa!
– Em không muốn các buồng họ nhìn. Nếu không thế, họ làm loạn xà lim lên ấy!
Trong thâm tâm, tôi thừa nhận ý kiến của Vân là đúng. Dù vậy, tôi vẫn nhắc lại một lần nữa:
– Ngày mai đừng báo cáo ông Dư về buồng 14!
Có lẽ vừa rồi, tôi đưa ý kiến một cách bất chợt, cô chưa phản xạ kịp nên xưng “em” một cách rất tự nhiên. Nhưng ngay sau đó, cô cũng thấy hơi ngượng ngùng, nên cô lại nói trống không. Khung cửa sổ nhỏ có 6 khoảng trống tạo bởi 5 song sắt. Ở hai khoảng trống chính giữa, hai đầu ngón tay trỏ và giữa của cô Vân vịn vào, như thể đỡ cả người cô đang cúi đầu sát cửa sổ. Tôi cũng để hai ngón tay trỏ và giữa của mình ở hai khoảng trống bên cạnh, mặt cúi sát gần mặt cô. Tôi hỏi cô một câu, cũng trống không:
– Mấy giờ rồi?
– 12 giờ rồi!
Cô cũng trả lời không có chủ từ, túc từ như trước. Chợt, cô nhấc hai ngón tay của cô lên, rồi vô tình, để lên hai ngón tay của tôi. Như có ma lực, tự nhiên hai ngón tay của tôi, cứ xoắn xuýt lấy hai ngón tay của cô.
Đêm khuya vắng lặng, không hẹn, cô với tôi cùng thở dài. Rồi cuối cùng, chả biết tự lúc nào, tay phải của tôi, đưa ngón tay trỏ ra bên ngoài để tay trái của cô cấm lấy; và tay phải của cô cũng đưa ngón trỏ vào để tay trái của tôi giữ. Cứ như vậy, chúng tôi “nắm” tay nhau. Bốn mắt nhìn nhau, chả nói một câu nào nữa.
Tôi và cô lúc này lại thả hồn lửng lơ bay khắp bốn phương trời. Không gian, thời gian, thế giới và cả xà lim đều tan biến. Cho đến khi có tiếng động bên ngoài cánh cổng xà lim, cô và tôi đều bàng hoàng bỏ tay nhau ra. Cô đóng lẹ cửa sổ rồi nhanh chân đi vào nhà tắm.
Cũng vừa lúc ấy, có tiếng chùm chìa khóa ném lên bàn trực nghe cái “xoảng”. Một bóng người đi “tua” hết lượt qua các buồng. Cũng là lúc cô Vân trong nhà tắm đi ra. Có tiếng cô Vân:
– Chú Đại trực ca này à?
Giọng khàn khàn của ngan đực:
– Phải, cô còn thức khuya thế!
Không có tiếng trả lời. Tiếng bước chân cô Vân đã tới cổng xà lim rồi.
Hôm sau, Lương lại có nửa bao thuốc lá Điện Biên hút. Tôi cũng nói cho Lương biết là đã nói với cô Vân cho buồng 14. Ngày sau đó, khi Dư vào, rồi suốt cả ngày, chúng tôi cùng nghe ngóng xem thái độ của Dư với buồng 14 ra sao. Nhưng, vẫn im lìm, không có chuyện gì cả. Như thế, lời nói của tôi với cô Vân đã có tác dụng. Chắc hai anh ở số 14 cũng băn khoăn thấp thỏm không ít. Riêng anh bạn trẻ nào đó sẽ ngẩn ngơ, chẳng hiểu vì sao lại không bị cùm. Có thể anh sẽ nghĩ, biết đâu cô y tá đã đối xử đặc biệt với anh! Để rồi anh sẽ có những giấc mơ… hồng từng đêm.
Như thế, ta có thể nhận định (sau tháng 4/1975). Nếu, Cộng Sản chưa hỏi tội đến những người đã từng cộng tác với “Địch” dù chỉ một ngày, là vì chúng còn muốn lợi dụng, hoặc vì chưa ổn định những công việc khác lớn hơn. Vì tình thế, điều kiện chưa cho phép, sợ hoang mang lòng dân, trong khi chưa ổn định xã hội, chưa nắm được chặt những tầng, loại người chúng nghi ngờ. Chứ trước sau, sớm muộn gì chúng cũng sẽ hỏi tội. Lúc đó chúng có đầy rẫy lý do hợp lý: Nào là Hạm Đội 7 tập trung về biển Đông, Trung Quốc chuyển quân, Thái Lan động đậy, v.v… và v.v…
No comments:
Post a Comment