Thursday, May 2, 2019

 

Thép Đen 3

 photo bia_thepden2_zpszk8a7qix.png

1. Giã Từ Hỏa Lò
2. Đường Lên Núi Rừng…
3. Cố Nhân Bất Đắc Dĩ
4. Người Xưa Mới Thật Là…Người Xưa
5. Một Mảnh Đời Tù
6. Sinh Hoạt Tổ, Toán
7. Ân Tình Chiến Hữu
8. Tình Người Trong Mớ Bòng Bong
9. Buổi Lao Động Ban Đầu
10. Những Ngày Đầu Trong Lán Thủ Công
11. Tiền Âm Phủ
12. Một Chiều Vấn Vương
13. Một Buổi Sinh Hoạt Cuối Tuần
14. Cái “Mánh”Của Tên Trực Trại
15. Một Buổi Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Ngày Chủ Nhật
16. Điệp Vụ C47
17. Phỉnh Phờ, Dụ Dỗ
18. Những Con Rận Phiêu Lưu
19. Nghệ Thuật Ăn “Hơi”
20. Những Kỷ Niệm Buổi Đầu Đời
21. Khám Trại
22. Tổng Kết Một Năm Tù
23. Nàng Xuân Đến Thăm Tù
24. Tiếng Khèn Đêm Trừ Tịch và Nỗi Sầu Tết Mậu Thân
25. Hung Thần Hoàng Thanh
26. Toán Boone Biệt Kích
27. Tuyệt Tác của Hoàng Thanh
28. Thầy Pháp và Âm Binh
29. Khách Yêu Hoa
30. Vụ Án Sông Gianh
31. Một Chuyện Tình Trong Chế Độ Ưu Việt
32. Một Vụ Vượt Thoát
33. Nhân Chi Sơ…Tính Bản Thiện
34. Phỉnh Phờ Phạm Nhân Làm Chó
35. Những Tượng Ảnh Làm Ô Uế CHÚA
36. Nghệ Thuật Tuyên Truyền Của Cộng Sản
37. Một Mảnh Đời Của Nữ Sĩ Thụy An
38. Đời Tù Cũng Có Cái Vui
39. Chiếc “hồ lô” Của Thân Lân
40. Một Trời Quan Tái Mấy Cho Say …
41. Ân Tình Của Chúa Sơn Lâm
42. Một Chiến Hữu Đồng Nghiệp…”Hang Một Lỗ”
43. “Đau Thương Này Thật Là Vô Kể!”
44. Chuyển Về Trại Chính
45. Một Căn Bệnh Thần Kỳ
46. Những Chiếc Trực Thăng Giấy
47. Một Chuyện Tình Hi Hữu
48. Ai Đã Cho Shihanouk Ăn… Cứt Gà Sáp?
49. Vinh Danh Người Nhái

 

1. Giã Từ Hỏa Lò

https://youtu.be/SEvq3IJ4wks
Mưa vẫn nhì nhẹt rả rích lê thê, gió Đông hàn từng làn tái tê, vẫn gầm rít vi vu, cả bầu trời xám xịt đìu hiu. Chiếc xe vẫn nặng nề, lầm lủi tiến ra ngoại thành, phía Bắc Hà Nội.

Từ nãy, tâm tư tôi đầp ắp bao nhiêu nỗi niềm đầy vơi trong nỗi chia cắt, mối yêu đầu của người con gái đất Hưng Yên nhiều màu mỡ và trong cảnh giã biệt Hỏa Lò, nơi sáu năm dài đằng đẵng, chồng chất bao nhiêu cuồng phong bão tố của đời tôi.

Những hình ảnh lúc chia ly ở cổng Hỏa Lò, đang bao trùm đè nặng tâm trí tôi. Mắt tôi mở nhưng như mơ, chẳng nhận rõ vật gì, thì đột nhiên một tiếng quát giật giọng “Đứng lại” của một tên công an vũ trang, làm tôi bàng hoàng như choàng tỉnh một cơn mê.

Chiếc xe ọp ẹp cũ kỹ đang từ từ ngừng lại. Nhanh như một con sóc, tên công an vũ trang vừa quát đã nhảy xuống đường. Tên cảnh sát ngồi ở trên chỗ tài xế cũng đã nhảy xuống theo. Hai tên đang hộc tốc đuổi theo một chiếc bóng con con chạy lủi vào một đám cây xanh, phía bên phải đường. Thì ra đây đã là con đường lên Hòa Bình, đã xa Hà Nội rồi.

“Đoàng!” Một tiếng súng nổ rổn rang vào mưa Đông, rồi hai tiếng súng nữa liền nhau. Một tiếng hét rống lên như con dê bị thọc tiết, trải dài vào mưa gió nghe thật thê lương thảm thiết. Trong xe ồn ào, nhiều đứa trẻ nhấp nhổm nhớn nhác. Tên công an vũ trang còn lại trên xe vật ngang khẩu CKC, lách cách lên đạn quát:

– Tất cả chúng mày ngồi im, đứa nào lộn xộn tao xử lý!

Lúc này tôi mới để ý toàn bộ trong xe; ngoài gần hai chục đứa nhừng nhừng nhỡ nhỡ lại có sáu, bảy đứa con gái, trong đó có hai đứa lớn, mười lăm, mười sáu tuổi. Tôi nhớ lại lúc ở cổng Hỏa Lò, khi lên xe vì tay tôi bị khóa thằng Trung Lý Thu đã quát con Thanh Móm:

“hãy ôm gói đồ cho chú Bình”.

Thế mà tâm hồn tôi đã bị người Hưng Yên cuốn hút hết, đến bây giờ con Thanh Móm ôm gói đồ quần áo của tôi, ngồi ngay bên cạnh mà tôi đâu có để ý.

Tôi lướt mắt nhìn thằng Trung Lý Thu, thằng Tiến Ga, con Tuyết Còi và con Thanh Móm, những đứa lớn nhất và có vẻ tinh nhanh nhất, đứa nào cũng ngồi yên phăng phắc, mắt đều lấm lét nhìn qua làn mưa giăng về phía những tiếng nổ và tiếng thét khi nãy.

Kia rồi, trong màn mưa bay dầy hạt, từ phía một cái hủng đất cây lá rậm xì, một bên là tên công an vũ trang, một bên là tên cảnh sát ở Hỏa Lò đang xách hai tay của một đứa nhỏ, chừng mười bốn mười lăm tuổi. Người nó ốm nhom như con chão chàng. Một bên mắt sưng tím gồ lên như một quả ổi, máu đang rỉ ra theo nước mưa chảy xuống đỏ cả mặt. Chiếc chân phải đã gãy lìa từ dưới đầu gối, lủng lẳng trong ống quần, cũng đã bị rách còn dính một tí. Chiếc ống quần đỏ lòm lẫn với bùn đất của nó, đang dật dờ nhấp nhô theo chỗ đất cao thấp mà hai tên công an đang kéo lê đi.

Mấy tiếng ồn ào thốt ra từ lũ trẻ đang ngồi:

”thằng Hoàng Sún chợ Mơ”.

Đã về đến xe, mắt thằng Hoàng nhắm nghiền, mồm dề ra méo xẹo, vẫn rên rỉ:

– Lạy các chú tha cho cháu, cháu xin chừa, cháu muốn về với mẹ cháu!

Từ ở trong mấy đường hẻm, hai bên đường đã có năm sáu tên du kích đeo súng ống nhớn nhác chạy tới. Những cặp mắt mở to băn khoăn, háo hức muốn biết là chuyện gì. Một chiếc xe Commanca bộ đội chạy ngược chiều, đến đó cũng dừng lại. Ba bốn tên đeo quân hàm trung úy, thiếu úy chạy bổ sang ngơ ngác. Chúng nhìn toàn bộ suốt lượt trên xe, rồi nhìn thằng Hoàng Sún, bây giờ đã được xách bỏ lên phía cuối xe. Quần áo ướt át đầy bùn đất, lẫn với máu đang gào ư ử như con lợn bị cắt tiết đã ra gần hết máu, miệng nó vẫn thều thào hổn hển ngắt quãng:

– Lạy… các… chú… tha… cho… cháu!

Tên cảnh sát Hỏa Lò quay lại lạnh lùng nói với những tên bộ đội và du kích như muốn xua đuổi đi:

– Có gì đâu, trốn tù đấy mà!

Nhưng một tên trung úy bộ đội, chừng ba mươi tuổi nghiêm mặt, tay chỉ vào chiếc chân gẫy của thằng Hoàng Sún:

– Đồng chí phải đưa nó vào bệnh viện băng cho nó ngay. Máu ra và bùn đất thế kia thì nó chết mất!

Mấy tên công an tỏ vẻ rất bực bội, cuối cùng tên cảnh sát Hỏa Lò nhìn thẳng vào tên trung úy gằn giọng:

– Chúng tôi có công vụ đặc biệt, không phải đi chơi!

Nói rồi y ra hiệu tay cho tên công an vũ trang:

– Lên xe đi, muộn rồi!

Xe đã chuyển bánh. Những tên bộ đội và những tên du kích nét mặt người nào cũng trầm tư, vẫn đứng dưới mưa bay nhìn theo chiếc xe. Họ nghĩ gì, thì làm sao tôi biết được. Nhưng có một điều, dù họ có nghĩ gì chăng nữa cũng không thể rời khỏi cái nồi cơm, là chỗ họ đang đứng hiện nay trong xã hội này.

Tiếng máy xe già cũ kỹ vẫn rống lên trên con đường lồi lõm đầy ổ gà, cũng không làm át được tiếng rên đau đớn, quằn quại, nghe đến não nùng của thằng Hoàng Sún.

Nhìn bàn chân gãy đã xám đen trong bùn và máu; nhìn chỗ đầu gối nó một mảnh xương vỡ nhọn hoắt phủ mấy miếng thịt lầy nhầy đã xám ngoét, máu vẫn rỉ ra, người tôi nóng lên. Liếc nhanh hai tên công an, thằng Trung Lý Thu; rồi nhìn đôi tay trong khoen cùm, tôi mạnh bạo quay sang con Thanh Móm nói to:

– Cháu cởi bọc của chú ra lấy một cái quần trại đưa cho thằng Thu nó quấn buộc chặt phía trên đầu gối cho nó, đừng để máu chảy mãi!

Con Thanh hơi rụt rè, lấm lét nhìn tên vũ trang, nhưng rồi nó đứng dậy làm ngay. Thằng Thu lách ra khỏi chỗ, hăm hở buộc quấn cho thằng Hoàng Sún. Hai tên công an mặt vẫn lạnh lùng, không nói một lời. Chúng vờ quay đi nhìn cảnh vật hai bên đường. Thấy vậy, thằng Tiến Ga cởi ngay cái ruột áo bông nó đang mặc, đắp cho thằng Hoàng.

Bây giờ mặt thằng Hoàng đã xám đen lại; vết thương ở trên mắt nó không còn chảy máu nữa. Có mấy đứa thốt lên “nó chết rồi”, nhưng một tiếng rên ai oán như xé tim người nghe, rồi vẫn những tiếng thều thào, lảm nhảm không rõ:

Lạy… chú…!

Chúng tôi đều đưa mắt nhìn nhau, mặt rầu rầu. Con Thanh Móm và một đứa con gái nhỏ nước mắt đoanh tròng. Nhiều đứa khác, mắt cũng đỏ lên. Con Thanh gục hẳn vào vai tôi, vai nó cứ run lên thổn thức. Có lẽ nó cũng chạnh nỗi niềm cho cuộc đời lầm than gió bụi không nhà không cửa của nó chăng? Chính tôi, lòng cũng quặn thắt, rối bời.

Nhìn quê hương, dân tộc lầm than rên xiết, rồi nghĩ đến chính mình, tấm thân tù tội đang đi vào rừng sâu nước độc tăm tối nơi đâu. Nhìn những giọt nước mắt thơ ngây thổn thức vơi đầy của chúng, tôi có cảm nghĩ rằng đây cũng là nước mắt của tôi đang khóc cho quê hương, tuổi trẻ và cuộc đời.

Đột nhiên thằng Hoàng Sún thét rống lên một tiếng rồi giãy đành đạch. Mắt nó mở to trợn trắng dã, làm những đứa ngồi gần nó xô dúm lại với nhau. Mồm nó cứ nhóp nhép nói kêu cái gì đó nhưng không nghe thấy tiếng. Đôi tay và chân nó xuội dần rồi im bặt. Hai bên mép nó rỉ ra hai giòng máu tím xậm. Đôi mắt chỉ còn lòng trắng cứ tưởng như đang ngước lên nhìn tên công an vũ trang ngồi trên ghế, chếch phía đầu nó để xin chú tha cho.

Chiếc quần trại của tôi quấn buộc chỗ đùi nó, bây giờ ướt đẫm máu. Những đứa con gái bắt đầu kêu gào, khóc râm ran cả lên. Ngay nhiều đứa con trai cũng la hét om sòm. Bây giờ thì chính mắt của tôi cũng thấy cay cay, cồm cộm rồi.

Xe đỗ lại, tên chuẩn úy cảnh sát Hỏa Lò mở cửa xuống xe. Y tiến lại nhìn vào xác thằng Hoàng Sún lúc này đã nằm duỗi dài phía sát cuối thùng xe. Mồm tóm tém, mắt y quắc lên sắc lạnh:

– Chúng mày khóc cái gì? Im ngay! Đứa nào muốn trốn, trông gương đấy, tao sẽ bắn bỏ hết!

Tiếng quát của y đã làm tụi trẻ con im bặt, đưa những đôi mắt trắng dã lấm lét sợ sệt nhìn y. Hai tên công an vũ trang và y lùi ra bàn với nhau một lúc, trong khi tên tài xế chừng bốn mươi tuổi, cũng mặc bộ đồ vàng công an nhưng không đeo quân hàm, đi xuống cúi vào nhìn xác thằng Hoàng rồi lại lạnh lùng lên xe ngồi. Hẳn y đang cho đây cũng chỉ là một câu chuyện bình thường, y có lạ đâu.

Đã gần mười giờ, mưa bay đã tạnh, trời hừng sáng dần. Chúng trao đổi với nhau lâu lắm. Có lẽ chúng thấy để xác thằng Hoàng trên xe, không có cái gì che đậy mà đưa đến trại sẽ tác động đến tư tưởng của nhiều đứa khác, lại còn ảnh hưởng đến chính trị nữa. Cuối cùng tên chuẩn úy, một mình đi rẽ vào một đường giong về phía làng xóm bên trong.

Một tên công an vũ trang ra phía hông xe đem theo một cuộn dây thừng dài, hì hục buộc những mép bạt. Chỗ khi sáng thằng Hoàng đã lợi dụng lúc xe chậm chạp bò lên dốc, nhẩy xuống chạy trốn.

Khoảng nửa giờ sau, tên chuẩn úy Nhượng (Tiến Ga đã cho tôi biết tên, y mới đổi về Hỏa Lò) từ trong đường hẻm đi ra với một tên khoảng ngoài bốn mươi mặc áo bốn túi. Theo sau có hai tên thanh niên du kích cắp một chiếc chiếu rách. Chắc chúng đã trao đổi với nhau từ trước. Đến xe, sau khi tên mặc áo bốn túi ngó qua xác thằng Hoàng, y hất hàm ra hiệu cho hai tên du kích nhấc xác thằng Hoàng, bỏ vào chiếc chiếu đã trải sẵn dưới đường. Chúng quấn lại rồi mang vào một đường hẻm khác chỗ nhiều cây cối rậm xì. Tên mặc áo bốn túi còn đứng lại nói gì một lúc với tên Nhượng rồi mới đi theo về phía hai tên du kích.

Xe lại bắt đầu chuyển bánh. Tôi nghĩ đến chiếc quần của tôi sẽ theo thằng Hoàng về lòng đất lạnh, rồi tôi liên tưởng đến những tiếng kêu xin của thằng Hoàng trước khi chết. Bây giờ nó đã đạt được ý nguyện là các chú đã đồng ý thể hiện lòng nhân đạo của Đảng, tha cho nó về với mẹ!

Chuyện của thằng Hoàng cứ ám ảnh lòng tôi. Tôi cúi gầm, óc cứ miên man suy nghĩ về những cảnh đời, của những kiếp người thì có tiếng thì thào vào tai tôi:

– Bố mẹ nó ở chợ Mơ. Bố nó là bộ đội phục viên đấy chú ạ!

À thì ra thằng Trung Lý Thu. Trong lúc lộn xộn nó đã len lách ngồi bên cạnh tôi từ lúc nào. Tôi liếc nhìn tên công an, rồi quay lại cũng nói nhỏ:

– Cháu hãy nhớ lấy địa điểm này, khi nào được tha ra nhớ về báo cho bố mẹ nó biết.

Nó đặt một tay lên chiếc còng số 8 của tôi vừa mân mê vừa nói thì thầm:

– Chú yên trí, chẳng cháu thì nhiều đứa khác nó cũng về báo.

Trẻ con thì cũng thường dễ vô tâm. Mới lúc nãy, đứa thì khóc, đứa thì kêu, dúm dó sợ sệt, thế mà bây giờ đã lại trêu chọc nhau chuyện trò ầm ỷ, để tên công an vũ trang thỉnh thoảng, lại phải quay vào đe nẹt.

 

------------------------------------------------

 

21. Khám Trại



Hồn tôi còn đang chảy dài xuống hố sâu của thời gian thăm thẳm đã qua, thì mắt tôi thoáng thấy một đoàn cán bộ vừa công an vũ trang đeo súng dài và cán bộ quản giáo, đến gần hai chục tên đang từ phía cổng xồng xộc đi vào trại. Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì đã thấy nhiều đồng phạm nhớn nhác, vội vàng hấp tấp mang bát đĩa đi vào buồng. Đồng thời tiếng kẻng mất dạy lại rống lên từng tiếng một ở phía cổng. Đến giờ tập họp đi lao động như mọi khi. Thấy anh Đồng vơ vội túi bát đi vào buồng, tôi cũng chạy theo, chỉ kịp hớt hãi hỏi anh:

– Chuyện gì thế?

Anh Đồng vừa chạy vừa trả lời đứt quãng:

– Khám trại!

Trong buồng, sàn trên, sàn dưới; mọi người đang hùng hục lấy những chăn màn, quần áo, cuốn chiếu bụi mù. Ai ai cũng khẩn trương sớn sác. Mãi lúc này, một lũ cán bộ đã đứng trước cửa buồng, một tên cán bộ dõng dạc tuyên bố:

– Lệnh của ban giám thị, hôm nay sẽ làm tổng vệ sinh toàn trại. Mỗi anh, công, tư trang có cái gì phải khẩn trương mang hết ra sân. Thứ tự tổ nào vào toán ấy, do cán bộ chỉ định từng khu vực. Bất cứ cái gì còn lại trong buồng đều sẽ bị tịch thu.

Rõ ràng, bây giờ cán bộ mới tuyên bố khám trại, vậy mà các anh, các bác tỏ ra đã có kinh nghiệm. Ngay khi đoàn cán bộ mới vào tới cổng, các anh các bác đã rối rít vào buồng chuẩn bị rồi. Sau này tôi mới hiểu. Do những nhu cầu của cuộc sống tù, hàng ngày, hàng năm mỗi người đều phải lo toan cho mình những thứ tối thiểu: cái gô, cái cóng đun nước, cái lược, con dao con để xử dụng. Đôi khi mua, bán đổi chác lén lút được gói trà, nắm gạo v.v… Những thứ này đều vi phạm nội quy, cán bộ thấy sẽ tịch thu. Vì vậy ai cũng tớn tác lo cho mình làm sao giấu, đút qua mặt được cán bộ khi bị khám bất ngờ. Muốn vậy phải lanh lẹ chạy vào lo toan trước, chứ chậm, muộn thì còn làm sao giấu đút được nữa.

Tôi vừa vơ chăn màn, quần áo, rổ rá, đĩa và những đồ linh tinh, tôi vừa nghĩ: mình chả có cái quái gì cả. Có cái quan trọng nhất là chì mật thì ngay từ những tháng trước, tôi đã luồn chắn chắn vào gấu chiếc quần đùi cũ. Chiếc quần đùi này, tôi không mặc, vẫn để lẫn trong túi quần áo. Tôi vẫn tin tưởng rằng: dù cho cán bộ hay bất cứ ai có trông thấy cái mẩu chì này thì cũng chả hiểu được giá trị của nó. Vì vậy tôi vẫn yên tâm. Tôi theo Vân ôm đồ ra khỏi buồng.

Ngoài sân, la liệt khắp kín cả sân trại. Từ trên đầu nhà kỷ luật cho đến sát hàng rào giếng, phía cuối sân, đầy tù và chăn màn quần áo. Tổ nào toán nấy đều có 3 tên cán bộ áo vàng, nghiêm trang đứng đưa những đôi mắt cú vọ, soi mói quan sát mọi người.

Tôi khệ nệ ôm gói chăn màn, quần áo đến chỗ tổ vernie đã có Quý Cụt và Lê Sơn ở một góc phía đầu hội trường, thuộc về khu vực toán hai. Nhìn về buồng số II, bốn tên cán bộ vũ trang. Mỗi tên trên tay cầm một chiếc đèn pin đang lục lọi các ngóc ngách, sàn trên, sàn dưới. Một bác già vẫn làm vệ sinh trại, đem vào buồng một sọt lớn, đặt ở giữa nhà, để đựng những thứ tù bỏ sót lại hoặc các tên cán bộ đi khám, moi móc được những thứ tù cất, giấu.

Tôi để ý thấy tụi cán bộ lục soát thật kỹ càng. Từ trên mái nhà, dưới gầm sàn, chúng bới móc mọi nơi, mọi chỗ mà chúng khả nghi tù có thể giấu diếm những đồ nội quy, quốc cấm. Tôi còn đang liếc nhìn những ánh đèn pin le lói, loang loáng phía trong buồng thì một vật cưng cứng, đột nhiên chạm nhẹ vào phía sau lưng tôi, trong khi tên công an vũ trang đứng ngay trước mặt, chỉ cách tôi hơn một mét. Tên này cũng đang đưa mắt nhìn về phía một tên cán bộ ở chỗ toán 3 đương quát tháo:

– Tất cả các anh nghe đây: anh nào ngồi chỗ nào, ngồi yên chỗ ấy. Tuyệt đối không ai được di chuyển, đi lại lộn xộn. Anh nào đã được khám xong, ôm đồ đạc của mình vào trong hội trường gấp gáp.

Mồm y nói, mắt y quắc sáng, tay chỉ vào trong hội trường cũng đã có một tên cán bộ đứng coi. Tôi lẹ đưa tay về phía sau, thì ra là một chiếc lược nhôm mới, rất bóng của Lê Sơn luồn cho tôi. Tôi chợt nhớ đến con dao nhỏ làm bằng lưỡi cưa con, dài hơn một ngón tay của tôi. Tôi vẫn dùng trong những công việc vặt, sinh hoạt của đời tù. Chỉ một thoáng suy nghĩ, tôi đã tìm ra một phương thế hữu hiệu. Ngay trên chiếc chiếu con tôi đang để chăn màn quần áo của tôi. Tôi lựa, lách lưỡi dao vào kẽ những sợi cói. Dùng sức, tôi giúi ngập ngay xuồng nền đất của sân. Thế là ổn! Quý Cụt và Lê Sơn ngồi ngay bên cạnh tôi cũng không hề biết.

Bây giờ những tên cán chịu trách nhiệm từng toán bắt đầu lần lượt khám, lục xét vuốt nắn từng người và công tư trang của họ. Lắm anh có lẽ vì không cất dấu kịp nên bị tịch thu cũng nhiều. Nhìn chiếc sọt đựng đồ thu của mỗi toán. Tôi thấy nào ống bơ, lược, dao, nõ điếu nhôm, giấy má thư từ, hộp gỗ con v.v… vất lưng một sọt.

Lê Sơn bị tịch thu 2 chiếc lược nhôm kiểu con rồng, mới bóng và hai gói trà. Sau đó tôi được biết: sáng đó Lê Sơn có gần một chục cái lược và một tá gói trà, nhưng anh đã khôn khéo tẩu tán, gửi gấm, giấu diếm gần hết.

Đến lượt tôi, tên công an vuốt nách, vuốt tay chân, lục túi rồi giũ từng cái chăn, cái quần, cái áo. Chả có cái cóc khô gì cả. Chỉ có một cái lược sừng và một cái lược nhôm của Lê Sơn vừa đưa. Theo nội quy, mỗi người chỉ được dùng một cái lược, ngoài ra bị tịch thu hết. Tên công an cầm hai cái lược hỏi tôi:

– Cho anh tùy ý giữ lại một cái.

Lòng tôi đang có sự giằng co lựa chọn. Tuy cái lược nhôm thật đẹp, giá trị gấp mấy lần cái lược sừng nhỏ của tôi. Nhưng cái lược sừng này là vật duy nhất của tôi, từ ở trong Nam. Nó đã theo tôi suốt dài những năm tháng tái tê trong xà lim, Hỏa Lò. Dù cái lược nhôm, hay bất cứ cái lược gì khác có quý đến nhiều lần hơn thế, thì tôi vẫn chọn chiếc lược sừng nhỏ, tuy xấu, cũ đã gãy 1 răng, nhưng nó như là một người bạn thân thiết của tôi. Ngày trước, khi tôi tự tử ở buồng số 6, xà lim I, của hơn 4 năm trước tôi cũng đã rũ rượi xin chào từ giã nó. Nhưng cái lược nhôm lại là của Lê Sơn vừa gởi.

Anh đã đối xử với tôi đầy ân tình. Tôi nhớ đến một hành động cao đẹp của anh, chiếc đĩa nhôm mà tôi đang dùng và những suất sắn sáng anh đã giúp tôi một cách hào hiệp, lúc khó khăn buổi ban đầu mới lên trại của tôi. Hơn nữa Lê Sơn là một người có lý tưởng chống Cộng sâu sắc, kiên định. Tôi làm sao có thể để một người như thế, mất hay giảm lòng tin tôi. Tôi lúng túng đến nỗi mặt tôi nóng lên rần rật. Hết liếc nhìn Lê Sơn, rồi lại nhìn Quý Cụt ngay trước mặt tên cán bộ. Không thể có một cử chỉ, một nháy mắt ra hiệu được cho nhau.

Cuối cùng, đành vậy, tôi giơ tay ngập ngừng, rụt rè cầm chiếc lược nhôm, để chốc nữa trả lại cho Lê Sơn. Tôi đành để mất chiếc lược sừng kỷ niệm, thân thương từ đấy; tuy trong lòng không khỏi xót xa, luyến tiếc.

Mãi gần trưa mới khám xong toàn trại và được lệnh các toán mang chăn chiếu vào buồng! Lòng buồn rười rượi, tôi nhìn Phan Thanh Vân đang gấp lại quần áo bên cạnh. Mặt Vân cũng đanh đỏ gay, tôi khẽ hỏi:

– Có mất gì không?

Vân trả lời trong hiu hắt:

– Vài thứ lặt vặt không đáng kể, nhưng có mấy tấm ảnh của bà chị ở Pháp gửi cho đã lâu, họ cũng không cho giữ.

Ngừng một lúc rồi Vân lại nói lầu bầu:

– Tôi sẽ làm đơn ra ông Toán, vì chính ông đã mang thư và ảnh đó từ trại chính vào cho tôi cơ mà.

Tôi chưa biết nói sao, nên chỉ biết khích lệ và an ủi Vân:

– Đúng đấy, Vân phải làm đơn đi. Ảnh gia đình, thân nhân của người ta mà cũng thu.

Ngay sau khi tôi xếp chăn màn, quần áo của tôi tạm ổn. Trèo lên sàn trên chỗ Lê Sơn, tôi rút chiếc lược nhôm ở túi ra gửi lại anh. Lê Sơn nhìn tôi đăm đăm rồi cười, anh đẩy tay tôi lại:

– Tôi tặng anh để làm kỷ niệm đấy!

Biết rằng, không thể nói cho anh hiểu được, tôi còn quý cái lược sừng của tôi hơn nhiều lần cái lược nhôm này. Vì anh và tất cả người khác không thể tin được. Cũng chính vì điểm này, tôi càng không thể nhận chiếc lược của anh tặng. Bởi vậy, tôi nói với anh bằng thái độ dứt khoát:

– Không được. Tôi cảm ơn nhã ý của anh, nhưng tôi nhất quyết không lấy chiếc lược này đâu. Để mai kia ra lán, anh cho tôi ít nhôm rồi anh chỉ cho tôi cách nấu và pha chế. Tôi muốn, chính tay tôi sẽ làm lấy một cái lược để tôi dùng.

Nói rồi tôi đặt cái lược lên đùi anh và trèo xuống, về chỗ.

https://youtu.be/SEvq3IJ4wks

Buổi trưa, tôi đang nằm liu riu. Một mắt ngủ, một mắt thức thì thấy xôn xao, ồn ào ngoài sân. Trong buồng cũng có một số người ngồi dậy đi ra. Tôi cũng tung chăn bò dậy. Ra tới cửa buồng, gặp cậu Hoàng Mạnh Hùng, tôi hất hàm ra phía sân, hỏi khẽ:

– Cái gì thế em?

Hùng ghé vào tai tôi thì thào:

– Họ thả những anh em bị kỷ luật, cho ra ngoài ăn Tết.

Gợi trí tò mò, tôi nhẹ đập vào tay Hùng tỏ ý cùng ra đó xem sao. Ngay trên đầu nhà số III, đã có gần chục các anh và các bác đang đứng túm tụm trên đầu hè, nhìn về phía nhà kỷ luật. Tên Cẩn, cán bộ trực trại cũng đứng gần chỗ nhóm nứa trước nhà kỷ luật. Tay y cầm chùm chìa khóa cứ rung, lắc reng rẻng. Sát phía đầu hồi nhà kỷ luật, tên trật tự Tân đang kéo tay một anh nằm dài dưới đất, miệng y léo nhéo:

– Cố đứng dậy mà đi! Ban giám thị khoan hồng cho ra ăn Tết lại không mừng sao?

Phía trong, chỗ hiên sau nhà kỷ luật, lố nhố có gần chục người. Người thì đang vịn vách lò dò bước ra, người thì bò lết dưới nền đất. Nhìn cảnh đó mà lòng tôi đờ dại ra. Một nỗi xót xa của những kiếp con người dâng ngập lòng tôi. Người già, người trẻ, mắt ai cũng trắng dã; tay chân khẳng khiu, gầy guộc như những cái càng của con cua rốc. Hai thái dương và hai má đều lõm vào, thành ra nhìn ai mặt cũng gồ ghề, toàn xương.

Một mùi khăn khẳn, ngai ngái, tanh tanh từ những đám người kỷ luật phả ra chung quanh. Thỉnh thoảng, tên Cẩn lại quay mặt ra phía đầu gió, gần hàng rào trại, xì khô mũi của y mấy cái. Cái mùi làm cho tôi nhớ lại, cái mùi của những con chuột chù, ngày còn bé tôi thường bắt chơi, ngửi thấy.

Thoáng thấy bóng anh Khải, tôi đến ngỡ ngàng nên cứ nhìn anh mãi. Mới có hơn một tuần lễ, mà tôi đã không nhận được ra anh nữa. Ông Nguyễn Tứ Hải, cha anh, một tay ông ôm chiếc chăn ẩm, một tay ông đỡ nách anh Khải. Hai cha con chậm chạp, bước từng bước run rẩy về phía buồng số II. Mỗi người đều có những bạn bè dìu, nâng, đang lê từng bước về buồng.

Riêng có một anh chừng 35 tuổi, dáng đã nhỏ con, lại chỉ còn xương với da. Nếu không nhìn thấy mấy sợi tóc bạc và những nếp nhăn nheo trên trán anh, thì tôi lại tưởng là một đứa trẻ con. Anh mệt nhọc ôm chiếc chăn tã, nhiều chỗ toàn bụi đất. Anh cứ lê, bò đi vài thước, lại đặt cái chăn xuống nền sân đất, rồi gục đầu lên đó nằm yên một lúc, lại ngẩng đầu dậy bò tiếp. Nhìn anh, tôi liên tưởng đến cái ngày khốn khổ, tôi ở cachot, Hỏa Lò bò ra năm xưa. Ruột tôi vặn vò không yên được; khẽ động vào tay Hùng tôi nói như thúc hối:

– Em hãy ra giúp anh ta về buồng, dù có bị liên quan, em cũng cứ làm đi!

Chắc Hùng cũng đang xúc động, thấy mắt cậu đỏ lên. Hùng chỉ khẽ nói:

– Anh Hải Sơn toán 2 đấy!

Nói rồi, Hùng tiến ra đỡ anh Hải Sơn đứng dậy trước con mắt gườm gườm, lạnh lùng của tên Cẩn và những con mắt mở to của mọi người. Mấy hôm, sau ngày Tết, tôi được anh Đồng cho biết: anh Hải Sơn là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh ta bị bắt 11 năm rồi.

Khi về buồng, nghe mấy anh xì xèo bán tán với Nguyễn Huy Lân buồng trưởng tôi mới hiểu: trong nhà kỷ luật lúc ấy có tất cả 9 người, đều được thả cho ra ăn Tết. Duy có bác Lê Tài Chương thì không được ra, chẳng một ai hiểu vì sao?

Những người đi kỷ luật về, đều được về toán của mình nằm cho lại sức. Chưa ai rửa ráy, tắm giặt gì được. Chiều hôm ấy cũng chưa ai được ăn cơm, tất cả đều phải ăn cháo, vì sợ thủng dạ dầy. Ba người của toán 2 là Nguyễn Khải, Hải Sơn và một anh nữa là Trần Hiển. Khi ra lán thủ công lao động buổi chiều, Quý Cụt đã cho tôi biết: Trần Hiển là một tu sĩ công giáo. Án tập trung cải tạo 3 năm, nhưng đã ở tù thành 9 năm rồi.

Hôm nay là ngày giáp Tết. Buổi sáng nay là buổi lao động cuối cùng của một năm. Theo như chương trình nghỉ Tết và gọi là vui Xuân (?) của trại sẽ diễn tiến như sau:

Hai giờ chiều, toàn trại tập họp ra hội trường để nghe ban giám thị nói chuyện và tổng kết những thành tích lao động sản xuất một năm của trại. Tuyên bố kết quả những toán và những cá nhân xuất sắc sau khi ban giám thị đã duyệt xét. Cuối cùng sẽ tuyên bố chương trình vui Xuân của trại gồm có thi đấu bóng bàn và cờ tướng.

Về bóng bàn:

Giải nhất – 1 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá.

Giải nhì – 1 bánh chưng và ½ bao thuốc lá.

Thi đấu cờ tướng:

Giải nhất – 2 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá.

Giải nhì – 1 bánh chưng, 1 gói trà và ½ bao thuốc lá.

Phần vì tôi cũng biết chơi ít nhiều cờ tướng ngay từ khi còn nhỏ, sau này vào Nam, ở trại học sinh di cư Phú Thọ, tôi lại tiếp tục chơi những khi có điều kiện. Phần khác, sau nhiều năm ngồi tù đơn độc trong xà lim ở Hỏa Lò, tình cảm tâm tư bị nén buộc, tôi muốn nhân dịp này gặp gỡ được nhiều người ở những toán khác. Bởi vậy, tôi cũng ghi tên tranh giải cờ tướng của trại. Phan Thanh Vân dù chỉ nhìn đời bằng một con mắt, anh cũng ghi tên tranh giải bóng bàn.

Vì thời gian chỉ có hạn, chỉ trong vòng có hai ngày rưỡi nên ban tổ chức vui Xuân quyết định: sẽ đấu vòng loại ngay sau khi ban giám thị nói chuyện tổng kết ở hội trường. Riêng về cờ tướng, ngay khi hết hạn ghi danh lúc 5 giờ chiều hôm qua (ngày 29), tôi đã biết có 52 người ghi tên thi đấu của toàn phân trại.

Phải nói sáng hôm nay không khí của trại cũng khác thường, mặt anh nào cũng rạng rỡ hẳn ra. Như mỗi người đêm qua đều được uống một ly đường Cuba pha đậm vậy. Thực thế, rõ ràng mắt mọi người như mới được quét thêm cái mầu tình nghĩa và nụ cười đã trở lại ở trên môi nhiều người.

Khi cái toán xuất trại đi lao động, do sự chỉ định của cán bộ giáo dục: toán 2 phải để lại 4 người vẽ và làm lỗ cho bàn cờ tướng của trại.

Bàn gỗ bóng bàn, do nhóm kỹ thuật của Đinh Sơn đã làm xong từ gần một tuần trước. Hôm nay cũng được khênh về, lắp ráp ở trong cổng trại, chỗ gần bụi nứa cuối hội trường. Về cờ tướng, để thêm phần hào hứng cho mọi người tù, ban giáo dục cho vẽ bàn cờ lớn ngay ở sân chính của trại, trước nhà số I. Bàn cờ chiếm gần nửa cái sân. Quân cờ bằng những miếng gỗ hình chữ nhật, một bề 15 phân và một bề 20 phân, được sơn xanh và đỏ. Trên quân cờ viết chữ bằng sơn trắng để phân biệt quân của hai bên. Mỗi quân cờ được đóng vào một thanh gỗ, vuông 3 phân, dài chừng 70 phân để làm chân.

Vì thế, bàn cờ phải có lỗ để cắm quân. Những lỗ này chỉ cần cưa một đoạn đầu mặt của một ống nứa nhỏ, dài chừng 10 phân, rồi cứ việc đóng cho bằng xuống nền đất là thành một cái lỗ để cắm quân cờ.

Khoảng 10 giờ sáng, ngay khi toán còn ở ngoài lán thủ công lao động đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, từ nhà bếp cơ quan và nhà bếp của trại văng vẳng vọng ra. Tiếng lợn kêu, làm cho mắt ai cũng sáng lên long lanh. Anh nọ nhìn anh kia như có ý nói: đấy…nghe thấy không bạn ơi! Cho đến trưa, khi toán về đến trại thì nỗi vui mừng, niềm hân hoan trên mặt mọi người đều bị phì ra tứ tung. Từ lời chào hỏi, xen lẫn ánh mắt dịu dàng nhìn nhau, cho đến dáng đi, nước bước đều như được chứa chất nỗi hưng phấn, đong đưa của một kiếp người.

Một mùi ngòn ngọt, ngây ngất thơm tho từ trong nhà bếp xông bừa ra phủ kín cả trại E. Để, dù cho xuống giếng rửa ráy, tắm giặt hay vào buồng nằm nghỉ; đâu đâu ai cũng ngửi, cũng hít thấy cái mùi mê ly, say đắm đến xụi hồn ra ấy. Tác dụng của nó đã làm cho mọi người hôm nay đối xử với nhau đậm đà, cởi mở hơn, nhã nhặn dễ dãi hơn.

Tuy chẳng nói ra, nhưng ai cũng tự hiểu: bữa cơm trưa nay thì vẫn cơm ngô xay, muối rang như mọi ngày. Nhưng bữa chiều nay thì phải biết, phải tự mỗi người hãy suy nghĩ lấy… Có trời mà đoán được nó hạnh phúc như thế nào? Chính vì vậy, chính vì cái hạnh phúc đang đến thường thường lại hơn hẳn cái hạnh phúc đã đến rồi.

Một điều nữa, cũng chẳng ai nói ra nhưng ai cũng hiểu như nhau: bắt đầu từ lúc này, không phải gò lưng để kéo xẻ, không phải è cổ gánh phân, vác gỗ, không phải vẹo người đế quai búa tạ v.v… Được xả hơi thong dong, nhàn du, dài những 2 ngày rưỡi cơ mà; cho nên niềm vui, nguồn thanh thản, thênh thang càng được nâng cao rõ rệt.

19. Nghệ Thuật Ăn “Hơi”

Sáng hôm nay trời mưa thật lớn, chẳng biết mưa từ lúc nào đó trong đêm. Trận mưa như tắm rửa, giặt giũ, kỳ cọ những cảnh vật vào cuối Đông để chuẩn bị đón nàng Xuân sắp về. Mưa ào ào dữ dội như có một giòng sông lớn ở trên trời, mở đập ngăn để cho nước đổ xuống trần gian.

Kẻng báo thức đã lâu rồi, mà tên trực trại vẫn chưa vào điểm buồng. Những khung cửa sổ, sàn trên cũng như sàn dưới, nhiều anh khoác chăn ngồi nhìn mưa rơi. Một giọng ngâm khàn khàn của ai đó ở sàn trên dội xuống:

Em thương ơi!

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Thì em ơi, em cứ đợi

Anh của em lại về…..

Tiếng ngâm rè rè, khô khan không hay mấy, mà cũng làm cho nhiều bộ mặt tần ngần, mắt đăm chiêu dõi mãi ra mưa gió mịt mờ. Nghĩ mình cóc có ai đợi cả, tôi quay sang Vân, đang phì phèo điếu thuốc buổi sáng ở môi:

– Có lẽ hôm nay nghỉ lao động?

Vân đưa hai ngón tay lên kẹp điếu thuốc vẫn ở trên miệng, hít một hơi thật dài. Đầu điếu thuốc lá cuộn, đỏ sáng lên. Vân vừa lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, vừa nói trong làn khói hắt hiu, đang phả ra từng sợi ngoằn ngoèo lãng đãng:

– Mưa, bão. Trại nghỉ nhưng toán thủ công không bao giờ…..

Vân chưa nói hết câu, tôi còn đang tính toán, sắp xếp thời gian từng phút, vì hôm nay đến lượt tôi lấy sắn sáng, thì cửa đã lạch xạch và tiếng chùm chìa khóa rủng rẻng. Như tắt ngừng một cái máy, chỉ ba mười giây, âm thanh và mọi di động đều ngưng bặt. Khi cửa mở thì mọi người trong buồng đã ngồi ngay ngắn, thẳng hàng, im phăng phắc, như những tượng đá chùa Hương. “Hương Sơn đệ nhất động, hỏi rằng đây đó phải?”

Điểm xong, mặc mưa rơi, mặc gió thổi, áo tơi, áo lá, nhiều anh lao vào gió mưa, xuống bếp lấy sắn sáng về chia cho mâm mình. Hai buồng kia, cán bộ điểm xong, khóa cửa lại. Lúc ngồi nhai sắn ở hội trường, tôi hỏi anh Đồng mới hiểu: không đi lao động, thì không có ăn sáng. Gà không cục tác, thì gác mỏ. Nhưng “gác mỏ” mà đâu có được nằm yên, trong buồng lại phải đọc báo rồi sinh hoạt. Bởi vậy, với đại đa số người tù, mưa không đi lao động được, lại là một bất hạnh đối với họ. Sáng sáng, quen có mấy đoạn sắn vào dạ dầy, hôm nay đành nhịn teo, mà còn phải gò lưng ngồi sinh hoạt hay đọc báo nữa. Cho nên ai cũng muốn được đi làm, sướng hơn. Phải chọn giữa hai cái xấu, thì ai cũng sẽ chọn cái xấu ít.

Gần trưa thì mưa thưa hạt, rồi tạnh hẳn. Mặt trời lại vén bức màn mây xám xịt, thò mặt ra tươi cười chào mừng nhân thế. Núi rừng lại bừng sáng, lung linh. Hai con sáo to, mầu lông đen óng, hai chiếc mỏ đỏ như sơn Tầu. Chúng cứ khúc khích, nhún nhẩy trầm mình xuống vũng nước mưa ngoài chiếc sân con trước nhà vernie. Một con bọ ngựa mầu xanh lam, to như ngón tay cái, đứng nép dưới chiếc lá của cành muồng non phía chái hồi. Chiếc đầu hình tam giác tí hon, cứ nghiêng ngó nhìn cặp sáo đang vùng vẫy, nhởn nhơ trong hạnh phúc lứa đôi. Chẳng hiểu nó có chạnh lòng nghĩ đến cảnh đơn côi một chiếc của nó; hay nó cũng buông lơi tâm tư để hòa nhịp, hưởng ứng cái hạnh phúc của đời? Thân nó đứng không yên, cứ lắc lư như bà vãi lên đồng.

Tôi hơi bàng hoàng, khi thoáng nhìn thấy một bàn tay gầy nhăn nheo, đang từ phía sau gốc cây muồng cụt, thò ra chộp nghiến lấy chú bọ ngựa, làm rung rinh cành muồng còn đẫm nước. Ồ, bác Chánh, mắt bác vậy mà còn tinh gớm!

Hai con sáo bay vụt lên, đậu tít trên ngọn cây bằng lăng phía cổng khu thủ công. Chúng quay lại chí chóe nhìn bác Chánh đang mang con bọ ngựa về phía đống lửa đun nước, đang cháy hừng hực của toán. Chúng cứ chí chóe mãi, chẳng hiểu chúng trách oán ông Chánh đã phá bĩnh cuộc vui tắm mưa của chúng hay chúng mừng đã nhanh chân chạy thoát ông thần người?

Chỉ còn 5 ngày nữa là đã Tết. Sáng nay, nhân dịp mưa, anh Lân và Đinh Khắc Sản theo toán hai và ba ra lán, rồi được lệnh trở về họp ở trại.

Buổi chiều, anh Lân về phổ biến lại cho toàn buồng gồm cả toán hai và toán ba vì anh Lân là buồng trưởng, thi đua, trật tự, do ban giáo dục, cán bộ trực trại và cán bộ toán nhà bếp chủ tọa. Họp suốt gần ba tiếng đồng hồ, cuối cùng được công bố như sau:

1/ Trại viên sẽ chính thức được nghỉ hai ngày, mồng Một và mồng Hai. Ngày mồng Ba Tết, toàn trại sẽ ra quân, nỗ lực thi đua vượt mức kế hoạch vụ Đông Xuân, lấy thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng Lao Động vinh quang 3 tháng 2.

2/ Năm nay, do sự cố gắng lao động sản xuất, hăng say với khí thế một người làm việc bằng hai của toàn thể trại viên, nên đã vượt kế hoạch ấn định của trại. Ban giám thị quyết định, cho trại viên ăn Tết 4 bữa chính, cơm không độn. Một bữa chiều Ba Mươi Tết, sáng, chiều mồng Một và bữa cuối cùng vào sáng mồng Hai. Từ chiếu mồng Hai mọi sự trở lại bình thường.

3/ Hiện nay trại ta có nuôi được hai con lợn, một con 40 kg, một con 25 kg, ban giám thị quyết định cho giết cả để phục vụ trong bốn bữa Tết. Như vậy, kể cả nhân để gói bánh chưng, bình quân mỗi đầu người được hưởng 2 lạng 1 thịt lợn hơi (tính cả xương xẩu, lông lá, phèo lòng và phân của lợn nữa). Mỗi trại viên được một bánh chưng 2 lạng rưỡi gạo (luộc chín sẽ thành hơn 4 lạng). Đặc biệt, trại chính phân phối cho trại ta 50 kg, vừa cải bắp vừa chou-fleur (súp lơ), một tạ khoai tây.

4/ Toán hai, chịu trách nhiệm trang trí và vẽ khẩu hiệu trong toàn trại, và làm một bộ quân cờ lớn cho toàn trại viên vui Xuân.

5/ Về bình bầu thi đua giữa các toán, có 4 toán được là xuất sắc đó là:

Toán 1 nhà bếp.

Toán lâm sản.

Toán 2 mộc, thủ công.

Toán 3 xẻ, thủ công.

Đây là do trại bình bầu, còn quyết định tối hậu do ban giám thị điều nghiên, duyệt xét sẽ công bố sau.

Khi anh Lân phát biểu xong, toàn buồng vỗ tay râm ran, đôm đốp như pháo. Mặt ai cũng tươi roi rói; già, trẻ ai cũng vỗ tay thật nhiệt tình. Thấy mọi người vỗ, thì tôi cũng vỗ hết khả năng, mặc dù tôi cũng chưa hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa, đến nỗi vỗ xong, đau cả tay. Chờ cho Vân vỗ tay xong, tôi hỏi ngay:

– Buồng hôm nay vui thế?

Vân nói mà nỗi vui còn phè ra nét mặt:

– Gấp đôi năm ngoái, còn gì nữa mà không vui. Năm ngoái chỉ có hai bữa thôi, mà còn không có chou-fleur nữa.

Thấy bầu không khí trong buồng cứ vui như Tết, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: từ ngày tôi lên trại, hàng ngày mặt người nào cũng đăm đăm, mang nhiều u uất, nặng nề. Thế mà chỉ hai lạng thịt hơi, hãy còn trong hứa hẹn, đã làm tan biến cái màn u ám, đen tối, khổ đau; nhường chỗ cho những tiếng cười, tiếng nói thoải mái, không còn một chút ngập ngừng. Thế mới biết cái uy lực ghê gớm của vật chất, nếu biết dùng đúng chỗ và đúng lúc.

Hôm nay ngày 27 tháng củ mật (tháng Chạp), chỉ còn 3 ngày nữa là đã Tết rồi. Toán lâm sản chịu trách nhiệm lấy lá giong để gói bánh chưng, nên họ đã phân công 2 người vào rừng ngay từ sáng sớm hôm nay rồi. Ngoài ra, mỗi toán chọn lựa 2 người “đứng đắn” (có nghĩa là quá trình chưa bị những lem nhem, táy máy về ăn uống) xuống bếp gói bánh chưng và phụ với nhà bếp.

https://youtu.be/xbEEu_5uDyE

Mới có hai ngày từ lúc tuyên bố – chưa có bánh chưng, chưa có thịt và chưa có cả Tết nữa, mà buổi tối ở các tổ, các toán sinh hoạt. Đã có nhiều người tố cáo, phát hiện anh này định bán bánh chưng với giá 2 đồng. Anh kia đã đặt tiền mua suất thịt ngày mồng 1, mồng 2 hoặc cả bốn bữa ăn của người khác rồi. Lung tung liên quan đến rất nhiều người. Để tối nay, các toán trưởng được lệnh của ban giám thị tuyên bố trước.

Nếu trong ngày Tết, cán bộ biết hay bắt được anh nào mua bán đổi chác dưới bất cứ hình thức nào về ăn uống sẽ bị tịch thu. Cả người bán lẫn người mua đều bị đi kỷ luật và không được ăn Tết.

Tôi hiểu rằng: có những người cả năm không có một hơi hướng về miếng thịt, cũng thèm lắm chứ. Nhất là những người dân tộc, hoặc những anh đã kém khả năng xoay sở, lại không có gia đình tiếp tế. Họ cũng thèm ăn lắm; nhưng có thể nhiều thứ khác trong cuộc sống đối với họ còn cần thiết hơn. Như xà phòng, thuốc lào, tem giấy viết thư v.v…chẳng hạn. Họ đành nhịn, họ chỉ cần có cái ăn sao cho không chết, nên họ mới bán cái thứ quý báu mà hằng năm mới có này.

Ngay như tôi, nếu không sợ bị anh em tố giác, tôi cũng sẽ đổi chiếc bánh chưng hay 1 suất thịt để lấy miếng xà phòng con. Mỗi lần tắm về mùa Đông, nước quá lạnh tôi chỉ cần xát một tí lên đầu gội, hoặc để cọ xát cái bàn chải đánh răng mỗi buổi sáng một tí cho có bọt. Như thế chỉ hy sinh một suất thịt mà có thể dùng được 5 – 6 tháng. Hoặc nếu đổi thuốc lào, một chiếc bánh chưng trị giá những 2 đồng. Thuốc lào, giá chính thức ngoài xã hội là hai hào một gói. Nhưng giá trong trại là 5 hào, thì cũng được 4 gói. Hút dè cũng được 2 tháng rưỡi hay 3 tháng.

Chiều tối cũng như nhiều những buổi chiều khác. Nếu làm nhanh công việc riêng như ăn uống, rửa ráy thì thường thường ai cũng có khoảng 15 hay 20 phút thong dong trước khi kẻng vào buồng. 15 hay 20 phút này, vào những hôm trời không mưa, hoặc không quá lạnh. Chỗ tụ tập đông nhất ở ngoài sân là phía đầu nhà hội trường. Nơi có những cây sào nứa làm dàn để phơi quần áo.

Họ ra đây một phần là để cho thoáng khí, trao đổi những câu chuyện rông rài lúc lao động sản xuất của một ngày. Phần khác, mà có lẽ là phần chính yếu, họ ra đấy để thưởng thức những món ăn ngon lành mà đời họ không còn có được. Mấy hôm đầu thì tôi còn lạ, còn ngơ ngác, chứ bây giờ quen rồi. Bởi vậy, sau khi rửa bát xong khi Toàn nhắc tôi:

– Chốc nữa ra “ăn hơi” chứ anh Bình?

Tôi đã vừa cười vừa gật đầu đồng ý ngay. Của trời cho trại E, tại sao không hưởng? Cho hồn ngây ngất, cho lòng đê mê! Khi tôi và Toàn ra tới nơi, thì đã có hơn một chục người rồi. Chỉ không có toán nhà bếp thôi, chứ toán nào cũng có. Chỗ thì 2 người đứng nói chuyện nhỏ to ra vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Nhưng rất nhiều người chỉ đứng một mình thẩn thơ trầm ngâm. Mắt họ lơ đãng nhìn những ngọn nứa đang ngắc ngư phía bên ngoài bờ rào trại như những triết gia đang bận tâm tìm một lối thoát cho thế nhân đồng loại. Lại có người ngồi ghệ trên viên gạch, hay hòn đá con. Họ cũng cúi đầu đăm chiêu như đang để hết tâm hồn trên một hướng đi cho mình và cho dân tộc.

Có gì đâu, chỉ vì phía bên kia hàng rào là nhà bếp của cơ quan. Cứ đến cái giờ chết tiệt này là họ xào, họ nấu, họ nướng đủ thứ. Mùi hành, tỏi, mùi mỡ, mùi cá chiên, mùi thịt nướng theo gió, nó rót vào trại E. Có những buổi chiều, mũi nhiều anh đã phải cong lên, mặt đần ra, mắt lờ đờ chỉ vì những cái hương vị chết người đó, ở phía bên nhà bếp cơ quan bay sang. Bởi thế, nhiều người ra đây để tranh thủ 15 hay 20 phút. Có khi hẹn hò như tôi với Toàn, có khi không, nhưng cùng một chí lớn nên đều tụ về một điểm này để ăn…hơi. Mà khoa học thực nghiệm đã cho tôi biết: cái gì ăn tưởng tượng thường lại đẹp hơn cái mình đã có trong tay. Mà nhớ nó cũng thật lâu.

Sau này dù đi trại nào, hay ở đâu, tôi vẫn nhớ nhiều về trại E hơn, chỉ vì cái món ăn “hơi” tuyệt cú mèo này.

https://youtu.be/hwPjLZNhiLU

28. Thầy Pháp và Âm Binh

Trong những câu chuyện anh Bách kể cho tôi nghe, có một chuyện làm cho lòng tôi cũng thấy hơi hơi thích thú nên không thể quên được. Nhưng để ý nghĩa của câu chuyện đó thêm sáng tỏ, tôi phải trình bầy một vài sự việc có liên quan:

Ai cũng biết miền Bắc Việt Nam, hầu như đến 7 – 8 phần mười đất đai là núi và rừng, lưu cữu từ hàng bao nhiêu ngàn năm, nơi hợp lưu chất chứa, tích tụ và xuất phát của giòng giống Bách Việt. Ngày nay còn lại những nhánh, chỉ, riêng biệt bao gồm hàng 5 chục tộc như Mường, Mán, Mèo, Xạ Phang, Thái, Nùng v.v…mà mỗi tộc lại tin tưởng thờ cúng một số thần thánh, một số ma quỷ trong nơi rừng sâu hoang dã, hẻo lánh, đầy huyền bí man dại, cách biệt hẳn với thế giới văn minh của loài người; những âm binh, thiên tướng, ma trành, ma xó, thày mo, thày pháp, thư, ếm v.v… Còn nữa, nào là long mạch, quy mạch, mồ mả, thầy tướng, thầy số, thầy đồng, các cô, các cậu, tạo nên hàng ngàn, hàng chục ngàn những câu chuyện ma quái, thần thánh ở các địa phương cứ như thật, tưởng như ai cũng trông thấy hết, mà ai cũng hơn một lần nghe người khác kể lại.

Những sự việc đó, cứ thông truyền từ đời nay qua đời khác, từ thế hệ này thế hệ kia. Nó lan tràn chui sâu, luồn lách vào từng đường gân, thớ thịt trong tim, óc của mọi người. Thậm chí cho tới bây giờ, những thứ ma quỷ đó vẫn còn ngự trị ở trong lòng nhiều người, chưa biết đến đời nào mới hết? Lòng tin tưởng ấy đã gắn liền vào xương, vào thịt của họ. Đến nỗi tôi nghĩ rằng, đối với nhiều người thà họ bị giết chết, chứ không thể diệt được lòng tin của họ vào những điều dị đoan, mê tín. Điển hình, tôi xin tường thuật lại 2 câu chuyện thực tế đã xẩy ra trong một khoảng đời ấu thơ của tôi tại quê tôi.

Câu chuyện thứ nhất:

Nhà tôi ở ngay cạnh con đường chính của huyện. Ban ngày có nhiều người đi chợ qua lại. Vì không có điện nên cũng như nhiều những vùng quê khác, ban đêm thì tối đen như mực, dành cho thế giới huyền bí, ma quái, ghê gớm, không ai biết được. Cách nhà tôi khoảng hơn nửa cây số, có một cây đa thật to, gốc rễ chằng chịt chiếm hẳn một khoảng đất rộng. Nó to đến người ta đã làm ở trong gốc của nó một cái miếu lớn mà người ta có thể ra vào được. Trong miếu này và chung quanh gốc đa, người ta chất, người ta treo la liệt những ông bình vôi đủ kiểu, đủ loại. Cây đa có rất nhiều cành, nhiều ngọn um tùm, che rợp bóng hàng mẫu đất. Người ta nói cây đa này đã có từ hàng trăm năm, và ngọn của nó soi bóng sang mãi bên Tầu, vì Tầu nó để của và ếm thầy, bùa ngải để giữ của, giữ vàng. Cây đa này gọi là cây đa Hòa Lạc, vì nó nằm trên quãng đường huyện của làng Hòa Lạc.

Tôi đã được nghe hàng trăm câu truyện rùng rợn, kinh hoàng, dựng tóc gáy về cây đa này. Để rồi suốt thời gian ấu thơ của tôi, cây đa Hoà Lạc và cái đền hoang của bà chúa Đông Ngàn cũng gần đấy, đã làm tôi nhiều đêm không dám đi đái; trùm chăn kín đầu không dám cả thở mạnh, da gà nổi lên khắp tứ chi.

Một lần, một sự việc đã ghi hằn vào bộ óc non dại của tôi. Hôm ấy, huyện tôi có một đám rước lớn lắm. Đường làng, đường phố chỗ nào cũng đầy ắp những người. Trẻ con người lớn, ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Cờ, quạt, trống, kèn ầm vang cả xóm, ngõ. Hình như đó là ngày nào đám của các ông thần, bà chúa ở trong huyện, mỗi năm chỉ có một lần.

Tuy tôi ở thôn công giáo, nhưng trẻ con chúng tôi rủ nhau đi theo xem đám rước suốt ngày; hơn nữa, tôi cũng có nhiều thằng bạn ở những thôn bên lương. Đám rước thật dài, cứ một đoạn lại có một chiếc kiệu. Những chiếc kiệu sơn son, thiếp vàng nhiều kiểu, nhiều loại thật lộng lẫy uy nghi. Mỗi chiếc kiệu thường có 8 người thanh niên khỏe mạnh, mặc đồng phục khiêng, vác trên vai.

Lũ trẻ con chúng tôi thích và chú ý nhất một người mặc quần áo đỏ chóe, đội mũ cánh chuồn. Ông ta chừng 4 chục tuổi, dáng cao lêu nghêu. Ông ta bước từng bước dõng dạc, từ tốn giữa đám rước. Giữa má ông ta có một cái lình rất to, xuyên suốt từ má này má kia. Chiếc lình bằng đồng, trông như cái đại đao của Quan Vân Trường thu nhỏ, dài chừng 1 mét. Phía chuôi nhọn hoắt, to bằng ngón tay, chọc xuyên thủng qua 2 má. Một người mặc quần áo xanh, 2 tay 2 chiếc khăn đỏ, đỡ ngang một đầu lình. Ông này cũng trang nghiêm đi song song với ông áo đỏ. Một người nữa, 2 tay kính cẩn giương cao một chiếc lọng xanh áo to tướng, che trên đầu cho ông áo đỏ xuyên lình. Phía sau, có nhiều các bà mặc áo xanh, áo đỏ, tay lần hạt, miệng niệm kinh. Người ta nói rằng, ông áo đỏ đang thăng đồng, thánh đã nhập.

Chúng tôi mở to mắt, lạ lùng nhìn chằm chằm vào 2 miếng bìa mầu vàng, hình tròn to bằng quả ổi, dán vào 2 bên má, chỗ chiếc lình xuyên qua. Rõ ràng, không hề máu chảy. Như vậy, 2 cái lỗ ở má của ông xuyên lình phải to để cái lình xuyên qua chứ!

Quá trưa một tí, tự nhiên đám rước chùn ứ lại, rần rật, xôn xao cả lên. Chiếc kiệu của bà chúa Đông Ngàn và chiếc kiệu của ông thần Thành Hoàng của làng Tuần Lễ xoay ngang ra, chồm lên phía trước, rồi giật lại phía sau, cuối cùng xông bừa xuống ruộng, chạy vung cả nước lên. Hai chiếc kiệu cứ như say rượu, điên đảo ở giữa cánh đồng, lúa đã gặt rồi. Trên đường hầu hết đám rước, già, trẻ, lớn, bé đều quỳ mọp xuống đất, mặt đều hướng ra hai chiếc kiệu, lạy như tế sao, miệng khấn vái, cầu, kêu inh ỏi. Chúng tôi lúc đó cũng xanh cả mắt, sợ quá cũng phải quỳ xuống theo mọi người. Người ta bảo, ông thần, bà chúa đang tức giận dân làng.

Câu chuyện thứ hai:

Tôi nhớ rõ, lúc ấy khoảng năm 1947, tôi đã lên 9. Quê tôi vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh.

Vào một buổi đó, tôi cùng mấy đứa bạn trốn học theo người ta sang một xã bên cạnh, xem một trận thư hùng của hai con gà chọi nổi tiếng trong khu vực. Thật không may cho tôi, trong khi tôi đang hớn hở vỗ tay hoan hô một “pha” gay cấn của hai con gà thì bố tôi đi với bác tôi, chợt ghé vào nhìn thấy. Điếng hồn, tôi bỏ đám gà chọi, lủi lẹ; cho đến chiều hôm ấy tôi cũng không dám về nhà. Tôi hiểu rằng, chắc chắn tôi sẽ bị một trận đòn nên thân. Đợi mãi lúc trời đã cập quạng, tôi mới dám mò về phía hồi sau của nhà tôi.

Không ngờ, hôm đó nhà tôi lại có giỗ (tôi chưa biết giỗ ai). Trong nhà, họ hàng, chú bác đến đọc kinh râm ran đầy nhà. Phía sau nhà tôi có một bụi hóp rất rậm dọc theo chiều dài của ngôi nhà. Bụi hóp này là ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh. Một mình tôi cứ lủi thủi, tuy bụng vừa đói vừa sợ bị đòn nhưng vẫn tò mò theo dõi một đàn kiến nghệ đang chuyền đất lên làm tổ ở một cành hóp. Bất chợt, tôi nhìn thấy xác một con rắn to nằm dài, ghếch lên những cành hóp ở giữa bụi. Cái xác rắn dài đến 1 mét rưỡi, hãy con ướt nguyên. Chứng tỏ con rắn vừa mới lột xong. Khoái quá, nhẹ tay, khéo léo lần mò lấy được xác rắn, không hề rách một tí nào. Lòng hí hửng, tay mân mê cái xác rắn. Tôi chợt nghĩ đến bố tôi, có lần, nói chuyện với khách, ông đã ca ngợi xác rắn làm thuốc chữa được rất nhiều thứ bệnh. Vừa có ý nghĩ để cho bố ngạc nhiên, vừa nghĩ có thể thấy xác rắn to và mới lột như vậy bố sẽ vui; may ra sẽ giảm hay tha cho trận đòn không chừng.

Nghĩ xong, tôi mò đến gian buồng của bố tôi. Qua cửa sổ hé mở, nhìn vào, giường bố tôi nằm ngay sát cửa sổ, đã bỏ màn. Trong màn trống trơn, chắc bố tôi cùng họ hàng đang đọc kinh ở gian nhà khách. Tôi thò tay vào, khẽ kéo màn, đã dập dưới chiếu, cuốn tròn cái xác rắn, luồn đưa vào trong màn, rồi lại dập lại như cũ.

Khi đọc kinh xong, mùi xôi chè nồng lên, xông ra càng làm cho bụng tôi cồn cào. Chắc hẳn trong nhà đang chuẩn bị ăn. Không chịu được, tôi thập thò về phía nhà bếp, gặp ngay bà ngoại. Biết tôi đói, bà giúi cho tôi một nắm xôi và bảo: “hôm nay là ngày giỗ ông nội mày, cứ về bố mày không đánh đâu. Có gì tao xin cho!” Tin bà, nên tôi đã theo bà tôi vào trong nhà, ăn uống với đám trẻ con.

Bố tôi không thích ăn đồ ngọt và nếp, nên kiếu khách vào buồng nằm nghỉ. Bỗng từ trong buồng, bố tôi chạy giổ ra hớt hải kêu tướng: “rắn, rắn!” Vừa kêu, bố tôi vừa vội vàng ra lấy cái đèn to ở giữa nhà cùng một số đàn ông, xô vào trong buồng. Trong khi, bên ngoài trẻ con và đàn bà nhớn nhác, quýnh, dúm người lại. Dưới ánh đèn sáng trưng, trước mắt mọi người, bố tôi lôi từ trong màn ra một cái xác rắn to và dài thuỗn, hãy còn ướt. Để giữ muỗi, chân màn bố tôi đều dập chặt dưới chăn và chiếu, cửa màn đóng kín; mới một giờ trước đấy bố tôi ở trong màn ra gian nhà khách để đọc kinh. Vậy con rắn chui vào lối nào để lột? Và khi lột rồi thì con rắn cũng ra lối nào? Khắp chung quanh màn, chiếu vẫn còn dập y nguyên. Một sự lạ trước mắt mà không ai có thể hiểu được, không ai lý giải được. Trong đám khách họ hàng đọc kinh hôm ấy lại có một ông trùm và một ông thầy của nhà xứ.

Lại có một sự việc trùng hợp khá hòa nhịp nữa: bố tôi là một người có võ nghệ mà trong huyện có nhiều người biết. Gần một năm trời, do sự lôi kéo, phỉnh phờ của Việt Minh, bố tôi đã đi huấn luyện võ thuật cho du kích ở nhiều xã trong huyện. Điều này, các Cha và phía bên Công Giáo ở địa phương lúc ấy không thể chấp nhận được. Coi việc làm đó như là một hành động bỏ Chúa, phản giáo để đi theo lũ vô thần, quỷ dữ. Nhưng chẳng hiểu sao, do nguyên nhân nào, hơn một tháng trước, bố tôi bổng dưng từ bỏ không đi dậy võ cho du kích nữa. Chính vì thêm cái lắt léo này, cho nên ngay buổi tối hôm ấy, câu chuyện nghiễm nhiên trở thành một huyền thoại như sau: “hôm nay là ngày giỗ bố (ông nội tôi) hiển linh. Bố tôi đã bỏ đạo theo lũ vô thần nên tượng trưng là con rắn. Con rắn đã lột xác để trở về với Thiên Chúa ngay lành, tẩy trừ, gột rửa tội lỗi.”

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nhưng phép lạ thì còn đồn xa hơn nữa. Một đồn mười, mười đồn trăm, những ngày sau đó rất nhiều người đến xem tại chỗ sự lạ. Cái xác rắn bố tôi đã để trong một cái hộp kính, đặt ngay tại gian nhà giữa nhà khách, cạnh buồng của bố tôi. Bất cứ ai đến cũng được xem tỉ mĩ xác rắn, và vào tận giường bố tôi để quan sát. Có nhiều những ông già, bà cả ở những huyện xa cũng mò đến nơi để được nhìn tận mắt. Thậm chí ngay Cha Xứ cũng xuống xem, rồi rao giảng sự việc ở nhà thờ nữa. Câu chuyện chỉ tự nhiên được thêm một chi tiết: cái xác rắn dài thõng thượt ngay chính giữa chỗ bố tôi nằm, trong khi thực tế thì tôi đã cuộn lại.

Chỉ có tôi, thời gian ấy, đã vô cùng ngạc nhiên; ngạc nhiên đến độ sợ hãi vì câu chuyện đã trở thành nghiêm trọng quá nên tôi không còn dám nói với một ai. Lúc đầu, mục đích chỉ muốn làm quà cho bố tôi để nhẹ trận đòn. Sau thấy diễn tiến của sự việc được nhiều người chú ý thì chỉ thấy mừng vì ông bố đã quên béng buổi trốn học đi xem chọi gà của tôi. Chứ đâu tôi có ngờ, câu chuyện càng ngày, càng mở rộng ra khắp huyện như vậy.

Rồi thời gian trôi đi, năm 1950, tôi ra Hà Nội; rồi vào Nam cho tới khi lại trở ra Bắc và cho tới bây giò. Do những đẩy xô, lôi kéo của cuộc đời, tôi chưa có dịp nào để trình bầy lại sự thật của sự việc này cho những người của muôn năm cũ ấy. Ngày nay, bố tôi, mẹ tôi đã mất và cả ai còn, ai mất của những ngày ấy. Hẳn rằng, cho tới khi họ nhắm mắt lìa đời, lòng họ vẫn sắt đá tin rằng con rắn sau khi lột xong đã biến mất là một sự lạ hiển nhiên, trông thấy, nên họ vẫn tin, như tin có mặt trời vậy.

Thế mà, theo anh Bách, vào cuối năm 1956, sau khi cộng sản tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 10/1/01954 theo những thời gian đã ấn định của hội nghị đình chiến Genève. Hơn một năm trời cộng sản không hề đá động gì đến các tín ngưỡng của người dân, vì chúng còn bận lo nhiều chuyện khác lớn hơn, khi mới tiếp quản. Lúc này chúng đã nắm chắc mọi vấn đề chính rồi; cũng là lúc chúng đã theo dõi, moi móc, tìm tòi nắm chắc, xếp loại được mọi thành phần của người dân trong tay chúng. Bấy giờ chúng mới mở một chiến dịch rầm rộ đánh phá những cái mà chúng cho là dị đoan, mê tín v.v…trong quần chúng.

Chúng phát động một chiến dịch dài ngày trên khắp miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, nhất là những nơi hẻo lánh, hoang dã giữa rừng sâu.

Như trên đã trình bầy, chúng đã chọn, đã lọc ra những loại điển hình đầu sỏ của từng địa phương, từng bản làng.. Những thầy mo, thầy pháp tổ sư nổi danh nhất, đã dạy, đã đào tạo ra bao nhiêu học trò trở thành pháp sư làm ăn ở các địa phương khác. Những loại tổ pháp sư phải có dưới tay hàng chục ngàn âm binh, thiên tướng, khét tiếng linh thiêng, uy quyền như thần, như thánh. Từ thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, quan châu, quan phủ, không một ai dám động đến các thầy, sợ các thầy thư, các thầy ếm âm binh về phá gia cang v.v…Tùy theo từng tỉnh, huyện miền suôi, hay châu, phủ miền ngược. cộng sản chọn những nhân vật nổi tiếng nhất, điển hình nhất, xin mời tất cả các vị về thủ đô Hà Nội, gồm trên dưới 100 người. Những tay tổ nhất về các lãnh vực huyền bí đều không thiếu mặt. Thậm chí, ngay cả các dụng cụ đồ nghề như kiếm, đao, thương, xuyên lình, hình nhân các loại âm binh; cả các loại sách vở tướng số, bùa ngải v.v…đều được đem đi theo với các thầy về Hà Nội.

cộng sản để ngay các thầy tại phòng thông tin cũ (trước 1954) gần đền bà Kiệu, trông chéo ra cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm. Bên ngoài có công an vũ trang canh phòng cẩn mật. Hàng ngày có các cán bộ đến giảng dậy về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người phải ra sức nhiệt tình giúp chính phủ gột rửa được những tệ đoan, mê tín trong óc đám quần chúng ít học, ít hiểu biết. Nếu anh nào chị nào (ông già râu bạc, bà già móm mém khi bị bắt, cộng sản đều gọi là anh chị) thành khẩn, ăn năn, tự phơi bầy những mánh khóe bịp bợm, thủ đoạn, tâm lý v.v… từ đời này truyền qua đời khác, reo rắc những thần, thánh, ma quái bịp bợm mọi người ra sao, nhà nước sẽ cứu xét tha cho về, làm lại cuộc đời lương thiện với vợ con, bản làng. Ngược lại, anh chi nào ngoan cố, cứ khư khư giữ, giấu cái món bí truyền ấy thì cứ ở đấy mà suy nghĩ.

Thôi thì các cụ, đại đa số đã già lão, yếu đau, trước đây, một bước đều có kẻ hầu, người hạ, một cái giơ tay lắm kẻ nâng đỡ, bây giờ, bị giam ở đây, một mình khổ cực, trăm bề thiếu thốn sao chịu cho nổi. Hơn nữa, ai cũng thấy bây giờ đã đổi đời rồi, không còn thể bịp thiên hạ mà sống được nữa, không gì bằng, hãy thành khẩn thú thật hết mọi mánh khóe, thủ đoạn bịp bợm trước đây của mình.

Đến đây, có một chi tiết không thể không nói được, đó là khi nhà cầm quyền cộng sản đã nhốt các vị ấy rồi, ngoài những bài học tập, những lời giáo dục ra họ có tuyên bố: nếu ai trong các anh chị cần lấy bất cứ thứ gì ở nhà nơi địa phương, về dụng cụ, về chất liệu để hành nghề, họ sẽ đến lấy cho. Nghĩa là, sẵn sàng tạo giúp cho anh chị nào muốn sai âm binh, thiên tướng, hoặc độn thổ, thăng thiên ra ngoài được thì nhà nước sẽ tha cho. Còn ai không làm được, thì chịu khó ở đấy mà ra sức học tập.

Có lẽ, các quý vị tổ sư chẳng nỡ sai âm binh hại cộng sản. Các thầy địa lý, chẳng bỏ xóa long mạch của những tên lãnh tụ Hồ, Đồng, Khu, Giáp. Các ông thần, bà chúa chẳng thèm nói chuyện với cộng sản, cho nên các bậc tổ sư, từ đầu bao nhiêu người, thì cuối vẫn còn bấy nhiêu người. Chỉ trừ thiếu đi khi các vị không thể chịu được những cay đắng, lầm than trong ngục tù phải chui về lòng đất thì không kể.

Gần 2 tháng trời, chúng lựa chọn, lọc lõi những bài kiểm điểm, tự thú nói lên sự việc một cách điển hình. Chúng chọn 10 người điển hình nhất, tổ chức một cuộc mít tinh lớn, mời đồng bào các nơi về dự. Mười người điển hình này, lần lượt ra trình bầy mọi mánh khóe, thủ đoạn lừa bịp người khác về các mặt: thầy pháp, lên đồng, đánh đồng cốt, xuyên lình cổ, má; các loại ma xó, ma trành, bủa ngải, thư, ếm…..trong gần 1 tuần lễ trước quần chúng nhân dân.

Sau đó, chúng cho đại đa số các thầy về địa phương quản chế giáo dục tiếp. Ngược lại, còn một số ít, khoảng hơn hai chục người ngoan cố, tìm cách xuyên tạc, che dấu mà cộng sản cho là không thể giáo dục được. Thì bị chúng cho đi vào ấp để những người này có điều kiện luyện tiếp âm binh cho thành cao thủ. Riêng phân trại E này có 6 người, mấy năm trước chết mất 2, bây giờ còn 4 người là Quách Cẩm, 72 tuổi ở toán 4. Quác Mơi, 56 tuổi ở toán xẻ. Lồ Phá Chi, 70 tuổi ở toán 5 (toán rau). Đèo Sín Kha, 58 tuổi ở toán 6 nông nghiệp.

Theo anh Bách, trước đây, đôi khi anh em trong trại thường hay hỏi đùa các cụ: “sao các cụ không sai âm binh nó rỡ hàng rào trại, hoặc bóp cổ hết lũ giám thị, để chúng mình về với vợ con?” Thì các cụ chỉ móm mém cười buồn mà không trả lời. Hiện nay, có thể vì gần cuối đời rồi mà còn bị búa đời phang cho túi bụi, kết hợp với những tủi nhục, đắng cay của cảnh tù đầy đã làm cho cụ nào cũng đờ đẫn, lù khù. Riêng Quách Mơi còn tương đối minh mẫn. Họ Quách đối với dân tộc Mường là một trong 4 họ danh giá, thế phiệt nhất. Quách Mơi nổi tiếng trong trại là người duy nhất thích ăn thạch sùng (mối) sống. Nếu ai bắt được con mối còn sống, có thể đổi được ít thuốc lào với Quách Mơi. Nhiều người khi bắt được con mối, cũng muốn nướng ăn, nhưng lại muốn cho Quách Mơi để được nhìn cách Quách Mơi nuốt con mối. Anh Bách nói, Quách Mơi không phải là nuốt mối, mà ông ta đặt con mối chui đầu vào miệng, rồi bóp mạnh cái đuôi con mối, tự con mối chạy chui xuống dạ dầy của ông ta.

Nghe anh Bách nói đến đây, tôi nôn nóng hỏi ngay:

– Thế, có biết Quách Mơi nuốt thạch sùng sống để làm gì không? Hay chỉ vỉ thiếu chất protéin?

Một lúc lâu, mới nghe anh Bách trả lời:

– Cũng đã có rất nhiều anh em hỏi, nhưng chưa bao giờ Quách Mơi nói lý do. Vì vậy có người đoán, có lẽ âm binh hay ma trành, ma xó trong bụng của Quách Mơi cần ăn thạch sùng sống, hay Quách Mơi đang luyện một món “bí kíp” mới, ai mà biết được.

Đến dây, cũng chưa phải là câu chuyện anh Bách kể làm tôi thích thú, nên ghi mãi trong lòng. Cái chuyện làm tôi thích thú, chỉ vì con mối, tức con thạch sùng của Quách Mơi lại có liên quan đến một câu chuyện buồn cười trong một đoạn đời ấu thơ của tôi.

Ngày xưa xa lắm (cứ nói ngày xưa cho nó có vẻ truyện cổ tích) khi ấy tôi độ 5 – 6 tuổi, nhà bố mẹ tôi thì ở dưới phố huyện. Còn nhà bà nội tôi thì ở mãi trên nhà quê xa lắm, cách nhà bố mẹ tôi đến 6 -7 cây số. Chả biết ông nội tôi chết từ khi nào, tôi chỉ thấy một mình bà tôi sống ở một căn nhà 3 gian, chung quanh có vườn, trồng nhiều cây cối.

Cái làng của bà nội tôi thật là nhà quê. Hầu hết dân làng đi chân đất, đàn bà mặc váy mà sau này người ta gọi đùa là quần một ống. Ngay bà tôi cũng chỉ có một đôi guốc đẽo bằng gốc một cây tre già; nó cong cong và cao lênh khênh. Bà tôi chỉ dùng để rửa chăn trước khi đi ngủ. Có lẽ bà tôi ở một mình buồn, nên ngay từ khi tôi được 3 -4 tuổi, bà tôi đã bắt tôi về ở với bà. Bà tôi chiều tôi hết ý, nên có rất nhiều chuyện xẩy ra trong thời gian này, trong đó có một câu chuyện liên qua đến con thạch sùng.

Như tôi đã nói, tôi khoảng 5 – 6 tuổi, tuy suốt ngày mặc áo, nhưng vẫn cởi truồng. Tôi chỉ có 2 cái quần, một cái quần đùi và một cái quần dài. Tôi chỉ được mặc khi theo bà xuống dưới nhà bố mẹ tôi, hoặc vào những ngày giỗ, Tết. Chính vì tôi cứ ở truồng như vậy, nên la cà, chơi bời thế nào không biết, cứ lâu lâu chim lại bị sao đó, nó sưng, nó ngứa ghê lắm. Càng gãi, càng xoa nó lại càng sưng to, đỏ mọng lên. Mỗi lần tôi bị như thế, bà tôi thường bảo:

– Mày lại bị con “ma mò” nó cắn rồi!

Với đầu óc của tôi thời gian ấy, tôi tưởng tượng ra con “ma mò” nó ghê gớm lắm. Đêm đêm nó thò những cái vòi đỏ choét quấn chặt, rồi cắn tôi. Tôi chỉ biết khóc, năn nỉ bà tôi chữa cho.

Thế rồi bà tôi chuẩn bị chữa cho tôi. Cái khâu đầu tiên là bà tôi phải tìm, rình bắt cho được một con thạch sùng. Có khi bà tôi không tìm ra hay không bắt được, bà tôi phải sang nhà một ông trùm họ (công giáo) tên là Việt ở xóm bên cạnh, nhờ bắt giùm. Khi có con mối rồi, bà tôi vào buồng lấy một cái lọ sành vẫn đựng chừng 2 kg đậu đen để dành cho ngày Tết nấu xôi hay chè. Bà tôi đổ đậu ra một cái thúng con, lấy cái lọ không, rồi bỏ con mối vào trong. Theo bà tôi giải thích, chữa bệnh “ma mò” này chỉ được chữa vào buổi tối mới linh nghiệm. Chờ cho trời tối hẳn, một đống tro than rạ còn nóng hổi. Bà tôi lấy một đôi đũa cả, đút phía đầu nhọn của đôi đũa vào đống tro than nóng. Xong rồi, bà tô bắt tôi ngồi xổm, giơ chim ra. Một tay, bà tôi cằm cái lọ có con thạch sùng ở bên trong; một tay bà tôi dùng đôi đũa cả đã dúi, vùi trong tro nóng. Nhanh nhẹn, bà tôi cứ gắp, vuốt vào chim tôi từ trong ra ngoài, rồi bỏ vào cái lọ. Mỗi lần bà tôi gắp bỏ lọ, miệng bà tôi lại lẩm bẩm:

– Gắp “bống” bỏ lọ này!

Tôi chỉ thấy nóng rát. Nhưng rất kỳ lạ, chỉ “bỏ lọ” chừng vài lần là đỡ ngứa hẳn đi. Nghỉ khoảng một giờ sau, lại gắp bỏ lọ một đợt nữa là khỏi. Khi xong việc, thường thường trời đã tối mịt. Bà tôi còn phải ôm cái lọ, lần mò ra tận ngoài cổng để đổ “ma mò” đi. Theo bà tôi, con thạch sùng nó thích ăn “ma mò” lắm.

Sau này tôi lớn lên, đôi khi nhớ đến việc gắp “bống” bỏ lọ này, tôi thầm nghĩ: đây là một sự mê tín dị rất kỳ khôi! Có thể là do những con mò gà (một loại rận, mát của gà) do tôi lê la, nghịch ngợm, chơi bời; chim thì da non, lũ mát gà này chui vào cắn. Bà tôi dùng đũa cả nóng vuốt, các chú mát dúm người lại rời ra, hay bị chết nóng nên tôi đã khỏi. Chứ chả phải con thạch sùng thích ăn “ma mò”.

Đây mới là đoạn tôi thích thú và nhớ mãi những ngày kỷ luật này với anh Bách: tôi cứ tưởng câu chuyện “ma mò” chỉ có riêng tôi bị, và cũng chỉ ở riêng vùng quê tôi mới có mà thôi. Không ngờ, anh Bách sau khi nghe tôi kể lại, cũng nói: khi anh còn nhỏ ở vùng Bắc Ninh, quê anh. Anh cũng bị “ma mò” và cũng chữa tương tự như vậy. Chỉ có hơi khác, anh Bách là do mẹ anh ta chữa, và bà gắp lại bỏ vào một cái túi vải, cũng có con thạch sùng bên trong, và cũng phải đưa ra ngoài ngõ đổ.

Tôi và anh Bách thật không ngờ có một câu truyện cứ tưởng chỉ riêng mình có, hóa ra lại giống nhau. Tuy chân đang đau buốt rã rời, và bụng đói cào cấu, thế mà anh Bách và tôi đã có thể còn cười thành tiếng được, khi cùng tưởng tượng lại cái cảnh bị gắp “bống” bỏ lọ và bỏ túi ngày ấy.

Một điều thật bất ngờ đối với tôi. Khoảng 1 giờ trưa ngày thứ Năm, kể từ ngày tôi phải vào nhà kỷ luật, đột nhiên cửa nhà kỷ luật loạch xoạch chiếc khóa rồi mở toang. Bây giờ chưa phải là giờ cơm, kẻng xuất trại 1 giờ vừa xong. Bởi vậy tôi vội chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái bất ngờ, có thể đến với mình. Thoáng bóng tên Cẩn trực trại và tên Thái y tá. Tên Cẩn, mặt rất lạnh lùng, tiến đến trước cái cùm chân của tôi. Y ưỡn người, đứng nghiêm nói nhát gừng:

– Lệnh của ban giám thị, tôi tuyên bố tha cùm anh.

Trong khi tên Cẩn quầy quả trở ra bên ngoài cửa để rút chốt cùm, tôi bàng hoàng ngẩn hẳn người ra. So với những tội của những người đã đi kỷ luật, tôi đinh ninh, chuyến này ít ra cũng nửa tháng hay một tháng. Tên Thái, phụ tôi nhấc cái nửa cùm phía trên, để tôi rút chân ra. Mới chỉ là ngày thứ ba mà tôi đã đứng lên không được. Thái đã đỡ tôi ra hè ngồi đến 5 phút để xoa nắn bắp chân và đôi bàn chân, tôi mới cố gượng đứng lên được. Trong khi tên Cẩn đang khóa cửa nhà kỷ luật, tôi vịn tay tên Thái, quay lại phía trong nói to:

– Tạm biệt anh Bách, giữ gìn sức khỏe nhé!

Tên Cẩn đưa mắt lườm tôi, nhưng tôi lờ đi. Tôi đường hoàng vì nội quy của trại không có điều khoản nào cấm 2 người trao đổi tình người những lúc này. Chính vì thái độ mạnh dạn, không sợ tên Cẩn của tôi, nên tên Thái cũng tỏ vẻ muốn làm thân với tôi. Cụ thể, khi y dẫn tôi đển trước nhà số 3, tên Cẩn đang đi phía trước, tên Thái ghé vào tai tôi thì thào:

– Ông Cẩn định cùm anh lâu, nhưng Hoàng Thanh đã ra lệnh thả anh.

Về đến buồng, tôi vẫn nghĩ mãi, tại sao tên Thái lại có thể biết được tình tiết như vậy? Còn Hoàng Thanh? Dù tôi mới chỉ gặp y một lần, nhưng tôi cũng đã hiểu, y không phải là loại người thấp kém. Với con mắt tinh tế của y, tôi tin rằng y đã nhìn được tôi không phải là loại người mua bằng uy quyền và lợi lộc. Nếu mục đích y dùng ân huệ thả cùm này để mua tôi thì y đã có tài làm cho tôi nhìn sai lệch về y. Vậy y tha cùm tôi nằm trên ý đồ nào? Thời gian sẽ cho phép tôi hiểu rõ.

Việc tôi được tha cùm sớm như vậy, cũng làm cho anh em trong trại bàn tán không ít. Tên trật tự Tân và tên Thái y tá thấy rằng, sơn của chúng không ăn được mặt tôi nên chúng cũng không làm gì quá đáng để tôi phải khó xử cả. Cụ thể mấy lần, khi toán 2 về cổng trại, tên Tân khám nắn từng người. Lục soát những đồ nội quy cấm không được mang vào trại. Ba bốn cái đóm nứa trong người y cũng lôi ra. Bởi vì theo quy định, mỗi phạm nhân, mỗi ngày chỉ được đưa vào trại 1 cái đóm để hút thuốc lào đêm mà thôi. Nhưng khi y khám đến tôi, cả một bó đóm gần một chục cái, tôi dắt trong lưng áo. Y sờ thấy, y chỉ nhìn tôi một cái như ý nói: “tôi thấy rồi” mà không lấy bó đóm ra. Như vậy tôi cũng phải biết điều, không nên căng quá với y nữa.

Do tôi được thả cùm sớm, một số anh em chưa hoặc ít tiếp xúc với tôi, họ đều nhìn tôi bằng ánh mắt dè dặt, nghi ngờ. Ngược lại, những người mà tôi đã qua lại tiếp xúc nhiều, đã hiểu tôi, họ lại càng quý mến tôi hơn như Lê Sơn, Quý Cụt, Vân, Thú, nhóm Nông Quốc Hải, bác Lẫm v.v…

Một việc đã làm tôi rất xúc động. Tôi rất ngại ngần, giằng co không muốn viết ra nhưng suốt đời không thể quên được. Một buổi trưa, hơn một tuần lễ sau khi tôi được tha cùm. Lầu Phá Tra và Lồ Cao Chính, hai anh là người dân tộc, có thể họ đã theo dõi, để ý tôi từ trước mà tôi không biết. Họ kéo tay tôi, ra hiệu đi theo họ về phía sau của ngôi nhà số 3. Chỗ này có một bụi nứa che một góc khuất tương đối kín đáo với mọi hướng. Hai anh chẳng nói năng gì, vẻ mặt đầy xúc động, thành khẩn. Mỗi anh cầm một tay của tôi, cùng cuối xuống hôn rồi đặt tay tôi lên đầu của họ. Lầu Phá Tra nói chưa sõi tiếng kinh:

– Anh Bình, chúng tôi thích anh lắm! Sau này anh ở đâu, lúc nào anh gọi, chúng tôi sẽ đi theo anh suốt đời.

Thật bất ngờ, nên tôi bàng hoàng xúc động, không nói lên lời. Tôi đâu được xứng đáng để họ đặt lòng tin yêu như vậy? Dù vậy tôi cũng thân thiết cầm bàn tay họ và nhìn họ với mầu mắt của những người cùng đi một hướng. Tôi hiểu lòng họ thật chất phác, đầy ắp thủy chung, nhưng để phòng hờ tôi vẫn dặn họ không được nói sự việc này với những người khác. Những ngày tới, tôi sẽ nói chuyện tiếp với họ.

Khi về buồng cũng như đêm hôm ấy, tôi vẫn suy nghĩ về họ nhiều. Những người này, tôi chưa hề chuyện trò hay quan hệ nhiều với họ. Học chỉ nhìn tôi qua con người và những hành động, sinh hoạt hàng ngày, mà họ tin tôi như vậy. Tiền bạc, uy quyền có thể mua được nghĩa tình này đâu. Tuy sau đấy tôi còn nhiều vấn đề với các anh, nhưng việc làm này của các anh đã làm lòng tôi khắc khoải không thôi. Những nỗi niềm vơi đầy tràn ứa bao nét hổ lòng.

Trưa hôm qua, lại có điều kiện nói chuyện lâu với Vân ở hội trường. Vân tỏ ra rất tán đồng việc tôi đánh tên Tân. Theo Vân, nó sẽ bớt hống hách, áp bức những người tù kém tài, yếu thế. Vân cho tôi xem hơn một chục tấm ảnh gia đình của bà chị tên là Phan Thị Hồng Ngọc hay Diễm Ngọc ở Pháp gửi cho. Nhìn những tấm hình, dù chỉ là một góc cạnh của một gia đình, nhưng cũng ánh lên những cảnh đời tưng bừng, tươi sáng đầy sắc hương của tự do và tình người.

Qua những tấm hình này, tôi đã là người xưa của phương trời tự do bên ấy mà vẫn còn thấy man mác, bâng khuâng thì hỏi rằng những người mà suốt đời chưa hề nhìn thấy một chiếc ô tô, chưa nhìn thấy một chiếc cravate, họ sẽ suy nghĩ thế nào? Bởi thế, ngay khi Vân được nhận ảnh, ông Toán chánh giám thị đã căn dặn anh, không được cho nhiều người xem. Vân còn nói, thỉnh thoảng bà chị vẫn gửi cho mỗi lần 5 -6 trăm francs đến thẳng bộ công an. Nhưng do điều kiện ở trong tù, mỗi tháng chỉ cho tiêu vài chục francs. Vài chục này đổi ra tiền Việt cũng hơn một chục bạc chứ ít ỏi gì, cho nên hiện nay trong trại Vân là tay tư bản kếch xù nhất. Một tháng hoặc đôi ba tháng, trại thông báo bán bánh sắn và thuốc lào. Bánh làm bằng bột sắn, ở giữa có tí mật trộn với khoai lang làm nhân; bánh nướng rồi, mỗi chiếc cân nặng 1 lạng, giá mỗi chiếc 2 hào. Nhiều người chả bao giờ có tiền mua đã đành. Những người có tiền cũng chỉ mua 1 cái, 2 cái, cao nhất 5 cái là cùng, thế mà Vân mua cả 2 -3 chục cái. Đôi khi Vân thích ai, gọi vào cho họ một cái.

Phải nói trong trại E, Vân có một điều kiện riêng biệt duy nhất. Vân được như vậy, một phần do những điều kiện chủ quan. Phần khách quan hỗ trợ, theo Vân là ông Toán, thiếu tá giám thị trưởng của trại trung ương số I, ông ta cũng chột một mắt như Vân, trong chiến tranh 9 năm chống Pháp. Tuy khác nhau ở hai trận tuyến đối đầu, nhưng lại giống nhau ở chỗ cùng chột một mắt; nên ông ta có nhiều thiện cảm với Vân. Vả lại, Vân chỉ là một phi công đơn thuần, nên ông ta cũng không phải e ngại bị gán ghép là lệch lạc tư tưởng.

Một điều rất đặc biệt, có thể do nhiều ngày tâm sự, đổi trao nên Vân đã hiểu tôi. Hôm nay bất ngờ Vân cho tôi biết một việc tương đối nghiêm sâu. Hơn một tuần trước ngày tôi đến trại, Vân đã được cán bộ giáo dục gọi lên báo cho biết: mươi ngày nữa, sẽ có một người tù đến trại, tên này tư tưởng rất phức tạp, lại có kiến thức. Vân có trách nhiệm chuyện trò, tâm sự để tìm hiểu tư tưởng của tên tù đó là tôi. Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên, mà tôi đã được sắp xếp từ trước cho nằm cạnh Vân.

Nghe Vân chân thành thổ lộ, tôi đã mở mắt to chăm chăm nhìn Vân. Đây là một vấn đề thật rộng, thật nhiều nghĩa. Đành rằng, ngay từ ngày đầu tôi đến trại, thấy nằm canh Phan Thanh Vân, kết hợp với những điều tôi đã biết về Vân ở dưới Hỏa Lò. Tôi đã hiểu, nằm cạnh Phan Thanh Vân là có vấn đề. Nhưng quan điểm của tôi đã có từ trước, như một phương châm xử thế, một hành trang luôn luôn mang theo mình trên đường đi tới. Đó là, đường của mình đang tiến bước có ưu thế hơn hẳn kẻ thù là nhân bản, tự do và thắm đượm tình người. Mình đã có cái ưu thế thực tế tuyệt đối này, tôi lại tự tin ở khả năng biết vận dụng, phát huy cái tinh túy, cái bản chất của thực tế đó. Bởi vậy, đối với người bị hỏa mù, lệch lạc tư tưởng làm tay sai, làm lợi cho kẻ thù. Hoặc ngay với chính kẻ thù đi nữa, mà tôi phải hay được tiếp xúc, tôi tin tưởng mãnh liệt là họ sẽ phải ngả theo sự thật. Chỉ vì cứ riêng sự thật không thôi, bản thân nó đã có lôi cuốn, thuyết phục đáng kể rồi. Nếu biết vận dụng nó chính xác về thời gian, không gian và điều kiện thì không một ai cưỡng nổi. Sau này có nhiều chuyện thực tế minh chứng.

Không phải đơn giản để Vân nói thực với tôi. Điều chắc chắn Vân đã phải hiểu rằng, tôi đã hiểu điều kiện và cái thế của Vân, phải tỏ ra, phải đóng cái vai là người cải tạo tiến bộ. Tôi cũng hiểu nữa rằng, trong cái giai đoạn tối tăm, đầy lừa lọc, phản trắc ở trong tù lúc này; đối với hầu hết mọi người, Vân vẫn khăng khăng đứng ở vị trí của một người thích cộng sản. Vân không cần băn khoăn, họ sẽ nhìn về Vân như thế nào.

Chỉ gần 2 tháng trời tôi đến trại, tôi sống chân thành. Sự chân thành toát ra từ một sức mạnh tiềm ẩn trong ý chí; đủ uy lực làm tan hết những ngại ngần, dè dặt, băn khoăn trong lòng Vân. Vân cũng hiểu rằng, nếu tôi báo cáo với cộng sản là Vân đã thú thực với tôi là được cán bộ giao cho nhiệm vụ theo dõi tư tưởng của tôi, thì Vân sẽ thiệt hại như thế nào, khi Vân vẫn còn nằm trong bàn tay của chúng. Vậy chỉ cần còn một chút băn khoăn thôi, thì Vân cũng không dại gì nói thật điều đó với tôi. Hơn nữa, Vân lại không phải là một người không tinh tế.

Tóm lại, qua sự việc này, tôi cũng biết rõ thêm là cộng sản đã đánh giá tư tưởng của tôi còn phức tạp. Nghĩa là chúng chưa thể kết luận tư tưởng của tôi ở hướng này hay ở hướng kia, sau hơn 6 năm tôi đã nằm trong tay chúng.

Vân cũng hỏi ý kiến tôi, vì lúc này Vân đang lo lắng, không hiểu cộng sản có thả Vân ra đúng hạn kỳ, của tòa án hay không? Vân đã nhìn thấy hầu hết những tù nhân hiện nay đang ở trong trại: án tập trung 3 năm gọi là “án dây chun” thì không kể, ngay những người có án 5 năm, 7 hay 10 năm mà tòa án cộng sản đã xử công khai đàng hoàng, hết án lại bị chuyển sang lệnh tập trung cải tạo. Và những người bị tập trung cải tạo 3 năm, đã ở thành 2 lệnh, 2 lệnh. Thậm chí, nhiều người đã ở đến 4 lệnh rồi như anh Hàm, anh Hiển (tu sĩ), Phùng Văn Tại, Thành Xuân Yên (phản tuyên truyền) đang ở ngay toán 2, vẫn chưa được nói động gì đến, là tù nữa hay tha cả. Nghĩa là những người này tù từ khi bắt đầu có chính sách tập trung cải tạo. Đã nhiều lần trước, cứ gần đến ngày hết hạn 3 năm, có anh nào dũng cảm, dám hỏi cán bộ là hết hạn tập trung rồi, sao tôi chưa được về? Thì luôn luôn được cán bộ trả lời với nội dung: chính sách cải tạo của đảng và nhà nước là cải tạo một người có tư tưởng xấu, tư tưởng phản động, trụy lạc, bóc lột trở thành người tốt. Vậy anh đã tốt chưa? Đến đây, ai cũng hiểu tư tưởng thì vô hình, làm sao để biết được xấu hay tốt. Vả lại, một con người mà bị bới, tìm thì ai mà chẳng có cái không tốt? Tóm lại, đây chỉ là một cái “chốt” để cộng sản muốn giam hay thả là tùy theo họ, chứ không phải do người tù cải tạo tốt hay xấu.

Vậy thắc mắc hay hỏi cán bộ, đều không giải quyết được mà còn bị quy thêm cho cái tội: “tư tưởng còn ngoan cố, không tin đảng, dám thắc mắc với đảng.” Bởi thế, bây giờ ai cũng ngậm miệng dù hết án hay hết hạn tập trung. Vân đã nhìn thấy hết như vậy, cho nên làm sao mà yên lòng được!

Dù sự hiểu biết của tôi về sự nham hiểm dã man, đầy thủ đoạn của cộng sản trong lĩnh vực giam giữ và trị người chưa nhiều, hãy còn nhiều hạn chế, nhưng riêng trong trường hợp của Vân, tôi đã nhìn thấy một cách vững vàng: “chúng sẽ phải thả Vân ra đúng với hạn kỳ của án xử. Tôi đưa ra những yếu tố cụ thể với Vân:

– Vụ án của Vân đã được viết lại và xuất bản thành sách, có nhiều công luận biết đến.

– Trong bức màn sắt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỗ của chủ nghĩa cộng sản độc tài, khát máu đàn áp, tiêu diệt những gì phi cộng sản; bên ngoài, không ai biết hoặc chỉ biết mơ hồ. Những chuyện của Vân có người chị ruột ở Pháp, cộng sản đã cho liên lạc gửi tiền, thư. Chúng nó đang rất cần dư luận ở Pháp để tuyên truyền bịp bợm với thế giới.

– Vân chỉ là một phi công đơn thuần, không hề được đào tạo về nghiệp vụ tình báo.

– Gia đình không có nợ máu, đối kháng với cộng sản.

Xét kỹ, tha Vân đúng kỳ hạn, chúng sẽ có lợi hơn nhiều lần là giữ Vân. Do đấy, có thể trong điều kiện chiến tranh như hiện nay, chúng sẽ không thả ai dù hết án, nhưng chúng sẽ thả Vân. Tất nhiên, trong hoàn cảnh đất nước chia đôi. Chả bao giờ chúng lại thả Vân về miền Nam hay sang Pháp, mà chúng sẽ đặt một hình thức giam lỏng, ở một địa phương nào đó. Vả lại, với điều kiện quản lý người dân ở miền Bắc lúc này, tha Vân thì cũng như đem từ cái lồng nhỏ, bỏ ra cái lồng lớn mà thôi.

Vân ngồi nghe tôi trình bầy những ý kiến như thế, mặt sáng dần rồi tươi hẳn lên. Niềm lắng lo đang nặng trĩu trong lòng Vân, hình như được vơi hẳn. Tôi hiểu rằng, thông thường “việc người thì sáng, còn việc mình thì quáng”. Chẳng phải là Vân không nhìn thấy và hiểu như vậy, nhưng đôi khi sự việc của chính mình, lại không nhìn ra; trong khi người ngoài nhìn vào thì lại rất rõ.

Tôi ngồi nhìn Vân đang chúm môi thả một làn khói thuốc xám xịt, nhỏ tý, ngòng ngoèo, tan loãng dần vào ánh nắng Xuân đã ngả chiều. Mắt Vân đang lơ đãng nhìn vươn ra phía bên ngoài hàng rào nứa về một phương trời xa xôi. Hẳn rằng Vân đang vấn vít thả hồn về những cảnh đời ngày mai khi được thả ra ngoài trại giam. Hình ảnh ấy của Vân cũng làm cho lòng tôi bâng khuâng, chạnh nhớ đến cái đời riêng của mình còn đương mò mẫm trong con đường tăm tối dài lê thê biết đâu là cùng. Một tiếng thở dài được nén chặt trong lồng ngực đang rỉ dần ra.

Hồn tôi còn đang thả vào cõi bồng bềnh ngược xuôi, mắt tôi chợt nhìn xuống một bàn chân của Vân. Một ngón út bị cụt sát đến bàn chân, kéo theo một cái sẹo dài ngòng ngoèo trên mu bàn chân. Tôi liên tưởng đến câu chuyện còn bỏ dở lần trước, do đấy tôi lôi hồn Vân về thực tại:

– Ồ, ngón chân út của Vân bị cụt từ hồi nào thế?

Tôi vừa hỏi, vừa chỉ vào bàn chân có cái ngón cụt. Vân qua lại tôi cười, môi dưới hơi dề xuống nên cái miệng méo hẳn đi:

– Bị cụt ngay hôm máy bay rớt!

Rồi như một nỗi niềm đã chìm lắng trong đáy lòng được khơi dậy, Vân sôi nổi hẳn lên:

– Bình có biết không? Suốt từ ngày máy bay bị bắn rớt cho tới nay đã gần 7 năm rồi, mà tôi vẫn còn lạ lùng về cái ngón chân cụt này. Tôi ngạc nhiên vì không thể suy đoán được tại sao nó bị cụt? Tôi nhớ lại, hôm đó họ khênh tôi về, đặt trên một cái sân gạch của hợp tác xã thì phải. Rồi có lẽ thấy tôi bị thương tứ tung, máu ra nhiều quá, nên họ cho cáng tôi lên ngay nhà thương của tỉnh. Lúc này tôi đã hơi tỉnh, sau khi được băng bó tạm thời. Tôi được biết cả một tròng mắt của tôi bị lồi ra nên họ đã cắt rồi. Mặt, tay, mình mẩy nhiều vết thương. Riêng về chân tôi, theo bác sĩ và y tá ở đó, họ cũng ngạc nhiên. Bởi vì khi khênh tôi đến bệnh xá tỉnh thì 2 chân tôi vẫn đi giầy, đến đấy, họ chỉ chú trọng chữa, xức thuốc, buộc băng những vết thuơng ở mặt và tay thôi. Cho tới khi họ tháo đôi giầy ra thì một chân của tôi be bét những máu và ngón chân út đã bị đứt rời ra. Cái lạ là đôi giầy vẫn còn nguyên. Chính tôi, khi tỉnh hẳn vẫn còn được họ cho xem đôi giầy, trước khi đưa về phòng lưu trữ tài liệu, chứng cớ để ra tòa xử sau này. Vân tóm tắt cho tôi biết sơ lược như sau:

Khi máy bay bị bắn rơi đã bị đứt ra làm đôi, nửa đầu bị cắm ngập xuống một thửa ruộng cói. Còn nửa dưới thì nằm chổng kềnh cũng trên một thửa ruộng cói khác ở cách đấy hơn 300 thước. Xác chết, người bị thuơng, vật dụng văng vãi, rải rác tứ tung trong một đường kính hơn một cây số. Những người chết không kể, ai còn sống sót cũng đều bị thuơng. Thiếu úy Khánh bị thuơng nặng nhất, vì vậy cho tới ngày ra tòa, Khánh vẫn không thể ra được. Bởi thế, phiên tòa xử chỉ có Vân, Đinh Văn Khoa và Phạm Văn Đăng mà thôi.

Lắng nghe Phan Thanh Vân kể sự việc của anh, tôi thấy rõ anh là phi công trưởng, còn trung úy Thích là phụ. Ngược lại, trong cuốn “C47” điệp vụ xâm nhập miền Bắc mà cộng sản đã xuất bản thì trung úy Thích là phi công chính, Vân là phi công phụ. Điều thắc mắc này, tôi đem ra hỏi thì Vân hơi cúi đầu, trả lời hơi chút ngập ngừng:

– Đằng nào anh Thích cũng chết rồi. Tôi nghĩ khai như vậy, tôi sẽ nhẹ tội hơn.

Nghe Vân trả lời như vậy, tôi chưa thể thỏa mãn nên hỏi tiếp:

– Ồ, làm sao được! Chấp pháp hỏi cung có phải tay mơ đâu, còn các anh Khoa, Đăng nữa. Chúng là mộc hay sao mà chúng lại không biết khai thác những mâu thuẫn, riêng biệt từng người?

Vân nói nhỏ hẳn lại, khi thoáng thấy bóng một anh toán 5 đi qua:

– Thực ra vấn đề chính hay phụ không quan trọng lắm; vả lại, khi bàn giao nhiệm vụ này chỉ có anh Yên, anh Khánh, anh Thích và tôi. Anh Yên, anh Thích đã chết, anh Khánh lại còn không nói được nữa nên tôi mới qua mặt chúng được một chuyện nhỏ đó chứ tôi thừa nhận, chấp pháp họ tra hỏi, khai thác, không thể hoặc rất khó dấu diếm gì được họ.

Ngồi nghe Vân nói đến đây, tôi chợt nhớ lại Đinh Như Khoa, điệp viên bị kết án 15 năm. Đầu năm 1962, một buổi ra Cấp để phơi nắng với Hoàng Công An, tôi mở radio bắt đài miền Bắc nên đã nghe được buổi xử, vì vậy tôi hỏi Vân:

– Còn anh Đinh Như Khoa, hiện giờ Vân có biết ở trại giam nào không? Anh Đăng nữa?

Nghe tôi hỏi thế, Vân lắc đầu quầy quậy trả lời:

– Riêng về Đinh Như Khoa, sau ngày xử tôi không hề biết ở đâu. Trường hợp Phạm Văn Đăng, thợ máy bị kết án nhẹ nhất là 5 năm. Hai năm trước, một buổi tôi được gặp một ông cán bộ của bộ, từ Hà Nội lên đây để hỏi lại tôi một số việc. Để thăm dò về ngày hết án của tôi, tôi có hỏi về Đăng thì được biết: hơn 3 năm sau kể từ buổi xử án, Đăng vì quá yếu sức nên bị bệnh và đã chết rồi.

80. Phim “Thần Thoại”: Một Thủ Đoạn của Cộng Sản!…



Sáng hôm nay, trời không mưa nhưng rét thật ngọt. Cứ vào giờ bắt đầu làm việc (8 giờ), sân trại lại nhộn nhịp tấp nập đầy người. Quen lệ, khi ra tới chỗ bể rửa mặt, tôi vừa rửa vừa đưa mắt về phía cửa buồng số 8, buồng giam những tội phạm chính trị “nặng ký”.

Sự để ý chờ đợi của tôi, chẳng phải vì buồng ấy có nhiều người tội nặng (tôi có biết tội lỗi của họ ra làm sao đâu). Sự chú ý của tôi chính là, bao giờ cũng vậy, khi buồng ấy xếp hàng đợi đi ra cho cán bộ điểm, ở hàng cuối cùng, một hình ảnh quen thuộc luôn luôn lôi cuốn tâm trí tôi: một anh, chừng 30, 35 tuổi với chân phải cụt đến sát háng và tay phải, từ vai, chỉ nhô ra một đoạn chừng mười phân, nghĩa là cũng cụt từ phía trên khuỷu tay. Vì chân và tay đều cụt về một phía, cho nên đầu nạng chống vào nách của anh, phía bên tay cụt, phải có một cái quai bằng dây vải, đeo và buộc vào vai anh. Chỗ ngang bụng lại có một sợi dây nữa, quàng ra buộc chiếc nạng để giữ cho ép sát vào người. Cổ anh đeo một cái túi vải lủng lẳng trước ngực, trong có hai cái bát bằng hai nửa chiếc gáo dừa to và một ống “ghi-gô” nhôm. Thành ra, trông người anh quấn đầy dây nhợ. Chỉ có tay trái anh, trông thật rắn chắc, chống và điều khiển chiếc nạng một cách lẹ làng, nhuần nhuyễn. Dù vậy, dáng bước đi của anh cứ phải lệch về một bên. Mỗi một bước đi, gân cổ và gân trên bàn tay trái của anh nổi phồng lên như những con giun đất. Đặc biệt, da mặt và da tay của anh trắng trẻo, hồng hào. Có lẽ, cũng một suất cơm như vậy, chỉ phải nuôi có một nửa cơ thể. Anh có đôi mắt thật sắc, long lanh khác thường. Nét mặt lạnh lùng, tôi chưa bao giờ thấy anh cười. Tôi chẳng hiểu vì sao anh tàn tật như vậy, và anh đã gây lên tội gì để bây giờ phải vào tù?

Nếu chỉ có vậy, sự việc tôi bị lôi cuốn cũng chỉ ở chừng mực nào đó thôi. Ở đây, ngoài những dây nhợ buộc khắp người anh, còn một cái dây thừng nữa buộc vào vai trái anh, thòng ra phía sau buộc vào cổ tay trái của một anh khác, khoảng 40 tuổi, rất cao mà lại gầy, nên trông càng lênh khênh. Đôi mắt anh phía sau này, chắc đã lòa từ lâu, vì chúng thụt sâu vào thành hai lỗ đen ngòm, lờ mờ mấy đùm dĩ trắng đục. Tay phải của anh lòa cầm một chiếc gáo dừa, tay trái anh chống một chiếc gậy nhỏ, hai chân anh lần bước theo chiếc gậy, chiếc gậy lại theo hướng của sợi dây do anh cụt phía trước dẫn. Điều làm tôi thắc mắc là anh mù hầu như lúc nào cũng ngửa mặt “nhìn” lên trời. Nhiều lúc; tôi cứ tưởng anh nhìn cái gì cây bàng, hay đang theo dõi những tảng mây lững lờ trôi trên nền trời xanh xám, của mùa Đông.

Một điều nữa làm tôi thắc mắc không ít là, ngay chung quanh, kể cả trẻ con, người lớn trong buồng tôi, chả một ai quan tâm, để ý nhìn anh mù và anh què đó cả. Đã từ hàng nửa tháng nay rồi, tôi không chịu được nữa. Đến bên Phúc “Thồ”, tôi hướng về chỗ hai anh đang giúp nhau lúi húi rửa ráy ở mé bể nước phía bên kia, hỏi:

– Này, hai anh kia mù với què, còn làm gì nên tội mà bị bắt, cậu có biết không?

Phúc “Thổ” quay lại, nhìn tôi đăm đăm, với một chút rung rung ở đuôi mắt, như ngạc nhiên cho câu hỏi ngây thơ của tôi:

– Họ vẫn gây tội tốt ấy chứ anh! Lên trại trung ương, anh sẽ còn gặp khối người mù, người què.

Tôi nói, giọng đầy thắc mắc:

– Mù với què còn nhìn thấy gì, còn đi đâu được, mà gây nên tội?

– Anh mù, cũng như anh què, anh quên họ còn cái…mồm nữa là chi! Tội ở cái mồm ra đấy, anh ạ. Sau này, đi trại, tìm hiểu kỹ, anh sẽ thấy hầu hết bao nhiêu tội, bao nhiêu người bị bắt đều do cái miệng cả. Tụi Cộng Sản ghép chung cho cái tội là “phản tuyên truyền” đó mà.

– Sao không đưa họ đi trại, còn để họ ở đây?

– Em cũng không biết nữa. Anh mù kia kìa, trước đây ở buồng 11, nhưng chẳng có ai chịu dẫn cũng như lấy cơm cho. Sau, không hiểu sao, lại đưa sang số 8 với anh què này.

Cả buồng tôi đã trở vào rồi, một mình tôi ngồi ở cửa buồng, mắt vẫn nhìn về phía buồng số 8, anh mù và anh què đang dắt díu nhau lò dò, chậm chạp vào buồng. Chẳng biết các anh đang nghĩ gì, các anh cảm thấy cuộc đời ra sao, có bao giờ các anh buồn không? Các anh đã vào trong buồng rồi, mà hồn tôi vẫn còn bồng bềnh thương cảm, cho những kiếp người đầu thai nhầm…không gian.

Tôi vẫn ngồi đấy, vẫn mở to mắt nhìn ra sân; nhưng, hồn tôi đã cuốn chặt vào nỗi đầy vơi của kiếp người, nên chỉ nhìn loáng thoáng, lố nhố những hình người di động, chẳng còn trông rõ được ai. Tôi lơ mơ thấy như từ phía cổng phòng trực, có mấy người mang những cái gì trông giống như những cái sào tre thật dài. Ngạc nhiên, tôi lấy lại thị giác, định thần nhìn kỹ, thì ra thật dài. Ngạc nhiên, tôi lấy lại thị giác, định thần nhìn kỹ, thì ra thật vậy. Ba anh tù “trại thợ”, kẻ ôm những cái sào tre, người ôm những dây nhợ và một miếng vải trắng to?…

– Tối nay lại có chiếu bóng rồi!

Tiếng Thọ “Lột” ồm ồm phía sau lưng đã trả lời cho câu hỏi còn đang băn khoăn trong đầu tôi. Rồi, trong buồng ồn ào, nhao nhao lên như buổi “mít tinh” đến giờ giải tán. Thọ “Lột” chạy sang bàn một tên cán bộ ở trước cửa buồng 10 một lúc, trở về; thế là cả buồng đã biết tin, tối nay chiếu phim: “Nàng Công Chúa Tóc Vàng” của Tiệp Khắc. Tôi quay sang hỏi Thọ “Lột”:

– Thường thường bao lâu mới chiếu phim một lần, hở cậu?

– Cũng tùy, anh ạ. Nhưng thông thường thì hai tháng một lần.

– Thế lần trước, chiếu phim gì?

– “Lút Mi Na với tên Phù Thủy Râu Xanh”.

Tôi nhớ lại khoảng thời gian gần một tháng trời lang thang trên hè phố Hà Nội trước khi bị bắt, chợt thoáng thấy hiện lên trong đầu một vấn đề khác thường. Tôi hỏi Thọ “Lột”:

– Này, tại sao miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay chiếu phim thần thoại thế? Cậu có biết nguyên nhân vì sao không?

Mắt cậu ta mở to như lần đầu, mới được nghe ý tưởng lạ lùng này:

– Anh hỏi, em mới chợt thấy. Hầu như các phim nhập cảng từ các nước xã hội chủ nghĩa đa số đều là phim thần thoại! Em cũng chưa hiểu vì sao cả.

– Cậu có thấy chủ nghĩa Cộng Sản chủ trương “duy vật” nghĩa là, không những họ không tin chuyện thần thoại, mê tín; mà còn chống đối, bài trừ nữa không? Thế mà, ngược lại, phim ảnh lại đầy dẫy những phim hoang đường loại đó! Cậu biết vì sao lại có sự mâu thuẫn đó không?

Cả ông Khánh và Phúc “Thổ” cũng chạy ra ngồi nghe, thành ra cả ba người đều đờ đẫn cả mặt. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ gặp một người đặt ra câu hỏi này; mặc dù, sự việc từ lâu vẫn bầy ra trước mắt, nhưng mọi người vô tình, không để ý. Ông Khánh nói vẻ sốt sắng:

– Chính điều này, ngay khi còn ở ngoài, đã có lần tôi thấy hơi lạ; nhưng tôi chỉ cho là dân chúng thích xem phim thần thoại, nên họ hay quay, thế thôi!

– Như vậy, bác lại quên một điều: dưới chế độ Cộng Sản, văn nghệ phải được chỉ đạo! Văn nghệ “Cộng Sản” phải hướng con người chỉ nhìn và đi về một phía nhất định, do bọn đầu não đưa ra; và; không bao giờ văn chương, kịch nghệ, phim ảnh, v.v…được dùng để chiều theo thị hiếu, hay ý thích của quần chúng cả. Cứ đặt vấn đề như vậy, rồi xóa bỏ những mâu thuẫn đối lập; cuối cùng sẽ thấy được rõ câu trả lời. Tôi tin là, khi chưa đặt vấn đề thì không nói, chứ đã đặt ra, rồi bác và hai cậu sẽ trả lời được thỏa đáng thôi!…

Chiều nay, tụi trẻ trong buồng xốn xang, vui vẻ hẳn lên với những háo hức, chuẩn bị chốc nữa sẽ được xem chớp bóng. Chính ngay những người lớn, trong đó có tôi, khi thấy trời chuyển gió mạnh, cũng phập phồng sợ trời mưa, khiến buổi chiếu phim sẽ bị ngưng lại. Riêng với tôi, đã 6 năm, ngày đêm chỉ trông thấy 4 bức tường xà lim, nên bây giờ cũng muốn “cải thiện” con mắt một tí.

Gió thổi nhanh một hồi, rồi dịu lại, tuôn dài chất ngọt vào cái lạnh đêm Đông hanh. Chờ mãi rồi cũng đến giờ ra sân trại. Bảy giờ 30 phút. Buồng nào, do cán bộ buồng ấy chịu trách nhiệm điểm số, dẫn ra đến chỗ quy định của mỗi buồng.

Tối nay, sân trại được “tăng cường” thêm mấy bóng điện 60 watts nữa mỗi góc; nhưng cũng không đủ sáng cả sân. Bóng tối vẫn chiếm nhiều hơn ánh sáng. Quá mười mét là chả con nhìn rõ mặt người.

“Xem hát ngồi xa. Xi nê ma ngồi gần”, đó là hai nơi dành cho khách ít tiền, hoặc thấp cổ, bé vai, ở đâu cũng vậy. Cho nên, trật tự, buồng trưởng…được ngồi gần phía các hàng ghế cán bộ, nghĩa là mãi phía cuối, xa màn ảnh. (Tất nhiên, tù cũng có ghế là…nền sân trại).

Một đoàn cán bộ lục tục kéo vào. Ngoài mấy mụ Thơ, Hoa, cũng có vài người đàn bà nữa, chắc là vợ con của cán bộ. Tiếng the thé, ỏn ẻn của mấy mụ cũng lôi cuốn biết bao cái đầu, chìm sâu trong bóng tôi, đều nghiêng dần theo vài mái tóc dài, mãi cho đến khi họ tới chỗ những hàng ghế phía sau mới thôi.

Trong cái mờ tỏ, sáng tối ấy, bỗng thoáng một bóng hình làm trái tim tôi nhảy nhịp không đều. Cô Vân đang đi sau tên Lê, Thượng Úy. Hôm nay, cô Vân mặc chiếc áo bông màu hoa cà điểm những chiếc hoa trắng to tướng, lấp loáng từng mảnh trong ánh sáng đèn. Tôi biết rằng, sân trại với hàng ngàn người và ánh sáng lại mờ tối như thế này, chả bao giờ cô nhìn thấy tôi đâu. Phần tôi, cũng đã từ hàng tuần lễ nay chẳng còn gặp cô nữa. Từ buổi tối tôi đột ngột bỏ vào buồng cho tới hôm nay, cô cũng không vào cho thuốc nữa. Thôi, cái gì đã qua rồi, cho qua luôn. Tôi chẳng cần biết cô ngồi chỗ nào phía sau lưng. Tôi vẫn để mắt lên vuông vải trắng dùng làm màn ảnh, treo chơ vơ giữa cây bàng, đang lắc lư, đung đưa với gió.

Tám giờ, một số ngọn đèn được tắt đi cho đỡ sáng và phim bắt đầu chiếu. Phim thời sự, chiếu một cảnh trên đường phố Mỹ với dân chúng biểu tình, phản đối quân Mỹ vào chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Dần dần, cảnh phim đưa về Sài Gòn. Cảnh lính Mỹ, lính Triều Tiên ngồi trên xe “cam nhông”, mỗi anh một chai rượu ngất ngưỡng, đang buộc dây kéo lê hai em bé Việt Nam ở dưới đường, với những giọng cười hô hố, khi thấy máu chảy khắp người và tay chân các em.

Cảnh đường phố Sài Gòn làm cho tình thương, nỗi nhớ chất chồng từ bao lâu nay trong lòng tôi sôi sục, dâng lên như thác lũ. Ôi cảnh cũ thân thương của Thành Đô. Tôi chưa cần biết nội dung của cảnh phim, tâm hồn tôi đang tràn ngập với dáng cũ hình xưa, với bao nỗi niềm thương nhớ, nhớ thương tràn đầy. Từng cảnh đời xa xưa ấy thoáng ẩn, thoáng hiện trong óc tôi. Một cuốn phim đang quay trước mắt, và một cuốn phim nữa cũng đang chiếu trong lòng tôi. Lúc này, cuốn phim trong lòng đã lấn át cuốn phim trước mặt. Mãi tới khi những tiếng hò, gầm thét:”…dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!…” Cứ lặp đi lặp lại của cảnh phim trước mắt, đã làm cảnh phim trong lòng tôi tắt phụt lúc nào không hay. À, thì ra đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Từng đoàn, từng đoàn xe Honda 5, 6 chiếc một, dàn hàng ngang đang chạy chầm chậm từ phía đường Đồng Khánh, Chợ Lớn, tiến về Sài Gòn, trong một cuộc biểu tình của sinh viên học sinh, với những biểu ngữ phản đối chính phủ Thiệu vi phạm nhân quyền, dân chủ…Những người ngồi trên xe Honda, toàn là thanh niên trẻ tuổi, nam có, nữ có. Các cậu thanh niên đeo kính trắng, dáng dấp thư sinh hào hoa này; các cô thiếu nữ vẻ đài các trâm anh kia, tất cả, với những bầu máu nóng hổi của tuổi trẻ đang… hò hét tưởng đến vỡ đường phố:”dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!?…

Nhìn cảnh phim, trong thâm tâm tôi hiểu rằng, nếu sau này Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu các cậu, các cô sinh viên học sinh đang hô hào kia mới có túc từ, nghĩa là mới đủ nghĩa. Hiện nay, mới chỉ là gọi, giục đồng bào dậy mà đi; nhưng chưa biết… đi đâu, và đi đến đó để…làm gì? Vì là chuyện của ngày mai nên tôi chỉ giả thiết, không dám khẳng định; nhưng với cảnh sống của người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay, tôi có thể nghĩ tương tự như thế này:

– Dậy mà đi…về miền quê làm ruộng.

– Dậy mà đi…vào nhà tù Cộng Sản nằm dài.

– Dậy mà đi…về những nông trường, nhà máy lao động đến kiệt tàn sức khỏe.

– Dậy mà đi…làm thủy lợi, dân công.

– Dậy mà đi…còn cái gì đem đi bán, để mua tí gạo mà ăn, chứ nằm đấy thì sẽ chết đói đấy…

– …Hỡi đồng bào ơi!…

Đó, chỉ khi nào Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu đó mới có túc từ, chủ từ với cả những câu tương tự vừa nêu trên.

Tôi dám chắc mấy trăm người hào hoa phong nhã, mắt biếc môi hồng đang hò hét biểu tình kia không hề biết một ký gạo giá bao nhiêu tiền. Vì sao vậy? Chỉ vì thường ngày họ không phải nghĩ, làm sao kiếm được gạo để nấu cơm ăn đây. Trong khi những người cùng tuổi với họ đang ở miền Bắc này, suốt ngày đêm chỉ tính toán làm sao kiếm được gạo, cho đầy cái dạ dầy luôn luôn lép kẹp. Cả mấy trăm người đang phởn phơ biểu tình này, cũng đều không bao giờ biết được rằng: nếu không có những chiến sĩ đang đổ máu nơi chiến trường; và những người như chúng tôi đã bỏ phí cả tuổi thanh xuân, (mà lẽ ra cũng đang phây phây như các bạn bây giờ), hoặc đã về với đất mẹ, để chỉ còn lại những bộ xương khô. Hay còn biết bao người đang lầm than rên xiết với bao tủi nhục, uất hận trong tay kẻ thù; thì làm sao các bạn còn cảnh đài các trâm anh đó, để cắp sách đến trường, để tốt nghiệp thành ông này, bà nọ?…Không, 1000 người thì cả 1000 người, không có một ai nghĩ đến điều đó đâu.

Xét cho cùng, lỗi này không phải hoàn toàn do họ, mà do lũ sâu dân mọt nước lãnh đạo chế độ miền Nam. Ngay chỗ ngồi đang bình yên, chễm chệ trên đầu cổ mọi người của lũ này, cũng do bao nhiêu người đã phải đổ xương máu nơi chiến địa mới có, thế mà chúng còn chả bao giờ nghĩ tới vì đâu và vì sao chúng được ngồi như vậy, nữa là những người thanh niên trẻ tuổi kia.

Chúng tôi đang chết dần, chết mòn cho hạnh phúc của những thanh niên tuổi trẻ này đấy; thế mà giờ đây, họ đang đạp lên chúng tôi để hoan hô, ủng hộ, mời gọi, đón rước kẻ thù. Càng nhìn cảnh phim, trái tim tôi càng rỉ máu nhiều hơn. Tôi gục đầu xuống, đang lịm đi dần vào niềm tủi hận, chợt một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi:

– Anh ơi! Sao họ sướng thế, họ lại ngốc như vậy, hở anh! Họ đang đòi sống cảnh sống của chúng em như thế này, họ mời bằng lòng chăng?

Tiếng nói của Phúc “Thồ” như những cái kim châm thêm vào trái tim đang chảy máu của tôi. Tôi trả lời trong sượng sùng, héo hắt:

– Họ ngốc và có lỗi ư? Nhưng, những người ngốc và có lỗi nhất chính là những người lãnh đạo của chế độ miền Nam, cậu ạ!

Rồi óc tôi cứ chảy dài mãi vào cánh đồng tư tưởng mênh mông, đến nỗi đã vào phim lúc nào, tôi cũng không hay…

Cảnh phim đến đoạn nàng công chúa ngồi một mình trong đêm, bên cửa sổ và đang gửi hồn về nơi phương trời xa thẳm, nơi có người trai tuấn kiệt đã hơn

một lần làm tâm hồn nàng xao xuyến; thì ngay phía sau nàng, một con yêu cao lêu nghêu, với đôi mắt lồi như hai con ốc bưu, đỏ lòm, lấp ló trong mớ tóc bùm xum xõa phủ gần kín mặt, đang giơ đôi tay khẳng khiu với những chiếc móng nhọn hoắt, chậm chạp tiến đến gần nàng. Nhưng, nàng đâu có hay, đôi mắt mơ màng vẫn đắm chìm vào giấc mộng ngày hoa.

Bỗng, một tiếng rú ùng ục, nấc nghẹn, rồi mãi mới rống lên một hồi dài ngoáy sâu vào màn đêm, như tiếng con trâu đực bị chọc tiết rống lên chết dần vì hết máu.

Điện tắt phụt. Tối như đêm ba mươi. Xòe bàn tay trước mặt không nhìn thấy. Những tiếng ồn ào, những tiếng quát tháo, những tiếng còi lẫn với tiếng súng rền vang khắp mọi nơi. Người ta không sợ bom rơi, súng bắn từ máy bay Mỹ vào Hỏa Lò, bằng sợ mảnh đạn, do đạn ở dưới đất bắn lên nổ ở trên không, rơi như mưa rào ở trên trời cao lao xuống. Chẳng ai bảo được ai lúc này. Mạnh ai ấy chạy giạt vào các hàng hiên của các mái buồng chung quanh. Trong sân trại, có một số lỗ hầm trú ẩn dành cho cán bộ; nhưng bây giờ, giữa cái chết và cái sống, ai bảo đảm chỗ nào là của riêng cán bộ nữa?

Nếu tôi muốn chạy vào chỗ nấp, tôi phải là một trong những người đầu đến đích. Nhưng, chẳng hiểu sao, tôi vẫn rề rà chậm chạp. Có lẽ, tôi đã nhớ lại những đêm còn ở xà lim I, phải đứng mãi thấy được một góc, hay một mảnh con bầu trời Hà Nội. Lúc này, ở giữa sân trại, dù còn vướng vít mấy cây bàng và những nóc nhà; nhưng, cả một bầu trời đêm rộng mở trước mắt, tôi cứ lưỡng lự trước chạy đi nấp, hay ngồi lại đây.

Đột nhiên, một bàn tay ai đó nắm chặt lấy tay tôi. Tôi đang ngạc nhiên, mở to mắt để cố phân định, thì tôi đã ngửi thấy mùi ngầy ngậy ngọt lịm quen rồi ngày xưa ấy; và đồng thời, cũng là lúc tay tôi phản xạ tự nhiên nắm lấy bàn tay kia, Bàn tay lạ thật, mềm như có lót tơ. Tim tôi bóp nhẹ lại vì bất ngờ! Trong bóng đêm mịt mờ, tự động đôi tay tìm đến đôi tay. Tôi thoáng nghĩ, sao nàng bạo vậy? Làm sao biết tôi ngồi chỗ này? Giữa tiếng bom rơi, đạn nổ và những tiếng máy bay gầm rít như xé bầu trời. Tự nhiên bàn tay cô Vân nóng, rồi run lên! Chẳng hiểu vì cô sợ bom đạn, hay vì niềm xúc động trong lòng?

Lòng tôi xốn xang, đầy vơi hỗn tạp. Một luồng run rẩy nóng lên ở phía hông, rồi vai tôi nằng nặng. Cô Vân đã gục vào tay tôi, vẫn chẳng một lời. Tôi chẳng hiểu cô đang suy nghĩ gì? Tôi cảm thấy trời đất, không gian đều tan biến. Tôi cũng chẳng còn ý niệm về cảnh bom rơi, đạn nổ. Tôi chỉ thấy thích thú ngồi như thế này mãi mãi.

Giữa những tiếng lộp độp, một tiếng “choeng!” vang lên ngay cạnh đâu đây, làm cả hai tấm thân đều giật mình, vội ôm chặt lấy nhau. Vân co rút người lại

như cần sự che chở. Tôi thấy bừng lên niềm hãnh diện, như thể tấm thân tôi đang gồng lên, chống lại những mảnh đạn rơi loảng xoảng ấy. Tôi sung sướng cảm thấy mình vẫn còn khả năng để chở che, để làm chỗ ẩn núp cho…một người.

Bỗng, một tiếng thét như có lưỡi dao cứa họng ai ở một góc sân, kèm theo là một tiếng gọi hớt hãi, giật đùng đùng của tên Lê:

– Vân, Vân đâu?

Tiếng gọi như chọc vào tai mọi người nhiều lần. Như choàng tỉnh một giấc mơ, cô Vân run rẩy, bàng hoàng gở nhẹ tay tôi ra, rồi cô đứng dậy, lủi nhanh về phía tiếng gọi.

Cho đến khi tôi đã đứng nép vào đám đông dưới một mái hiên, tôi vẫn chưa hiểu tại sao, bằng cách nào tôi đã từ giữa sân vào đây nhanh như vậy. Phải chăng, đó là phản xạ tự nhiên của con người để bảo vệ sự sống, sau khi bừng tỉnh một giấc mơ ngày?

Những tiếng lộp độp, choeng choeng vẫn rải rác trên mái nhà, dưới sân, càng lúc càng mau. Bất chợt, một làn chớp xanh lè như làm cho bầu trời đêm rạn nứt ra, rồi một tiếng nổ inh tai, làm rung chuyển cả Hỏa Lò. Một làn hơi mạnh làm bay tốc áo quần, một tiếng gào thê thảm gần phía phải của tôi. Chẳng biết ai bị mảnh bom hay mảnh đạn?

Tôi vẫn say sưa ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời. Một tiếng rít vèo vèo, roàn roạt như điện giật vụt sát qua Hỏa Lò, làm những cành bàng khẳng khiu trơ trụi lá, rung lên động đất. Chẳng biết tiếng rít của máy bay hay tên lửa? Cả một bầu trời tím thẫm đầy những hoa khói và những làn tuyết rơi ngược đủ màu. Bỗng, từ phía Đông Hà Nội, hai chấm lửa mầu da cam đang chúc đầu bay thẳng xuống Hỏa Lò, càng lúc, càng to dần, cho đến khi trông rõ như hai cái thúng đỏ lừ, chói lòa làm tôi phải nhắm mắt lại. Nhiều bàn tay quờ mạnh vào tay tôi cùng giật sấp xuống, một làn chớp lóa mắt mọi người. Hai tiếng ùng ục làm đất dưới chân rung giật lên như vỡ ra; những viên ngói trên mái rơi rào rào xuống. Vài tiếng thét giật giọng. Một đám cháy ngay sát Hỏa Lò. Trời đang mùa Đông mà tôi cảm thấy nồng nực. Mùi lửa cháy, mùi bom đạn làm không khí dẻo queo lại, thở hít rít rìn rịt.

Hơn một tiếng đồng hồ, còi mới báo yên. Tiếng loa đang ra rả hoan nghênh tinh thần anh dũng chiến đấu của bộ đội, máy bay, tên lửa, phòng không và toàn dân, đã hạ thêm 6 máy bay Mỹ nữa, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên Bắc lên… “X” cái; bắt thêm 3 “giặc lái” (cái này không nói tổng số bao nhiêu). Trong khi đó, Hỏa Lò vẫn chưa có điện. Chẳng hiểu máy bay Mỹ đã đánh trúng

vào nhà máy điện, hay biến điện nào. Thật là ồn ào, hỗn tạp: tiếng gọi nhau í ới; tiếng quát tháo của cán bộ; tiếng rên rỉ của mấy người bị thuơng. Trong bóng tối đen, chỉ có những ánh đèn “pin” quệt ngang, chạy dọc của cán bộ điểm số tù đi vào từng buồng. Tuy rằng lộn xộn, nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ ổn, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì, muốn ra cổng Hỏa Lò, còn phải qua 3 lần cửa sắt nữa, và cửa nào cũng có bộ đội canh gác cẩn mật.

Sáng hôm sau, chỉ mới mở cửa ra sân được một lúc, đã có nguồn tin thật sớm. Hôm qua, ở Hỏa Lò, ba người tù bị mảnh đạn phòng không. Một xuống bệnh xá chết ngay từ đêm qua, vì mảnh đạn rơi gẫy xương vai, thọt xuống phổi; một anh bị sượt vào đùi; còn một anh mất hai ngón chân. Chỉ có anh mất hai ngón chân là tội chính trị; còn hai anh kia là hình sự.

 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...