Thursday, May 2, 2019

Thép Đen - Đặng Chí Bình

 

Truyện đọc

"Thép Đen"


- Đặng Chí Bình





Thép Đen 1


(Quyển 1/4)(Tập I gồm 42 chương)
https://hoiquanphidung.com/truyendoc/Thepden1/Thepden2.html


------------------------------------------------------------

 

Thép Đen 2


(Quyển 2/4)
https://hoiquanphidung.com/truyendoc/Thepden2/Thepden21.html


------------------------------------------------------------

 

Thép Đen 3


Truyện đọc "Thép Đen" - Đặng Chí Bình (Quyển 3/4)

Truyện đọc "Thép Đen" - Đặng Chí Bình (Quyển 3/4)



------------------------------------------------------------

 

Truyện đọc "Thép Đen" - Đặng Chí Bình (Quyển 4/4)

 

Thép Đen 4



https://hoiquanphidung.com/truyendoc/Thepden4/Thepden41.html

Truyện đọc "Thép Đen" - Đặng Chí Bình (Quyển 4/4)



------------------------------------------------------------

 

1. SÀIGÒN ƠI!
2. SAY ĐI EM!
3. MIẾNG NGỌC CỦA ĐỜI
4. MỘT GÓC HIỆP NGHỊ PARIS
5. CON ĐẺ CỦA NHÂN DÂN
6. PHƯƠNG TRỜI GẬP GHỀNH
7. HUNG THẦN TẰNG TOÉT
8. HY VỌNG TREO TRONG MƯA
9. NHẠC VÀNG QUÊ HƯƠNG
10. SẦU LẮNG MÊNH MÔNG
11. CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI
12. RA CHIẾC LỒNG TO
13. THỦY CHUNG – CHÍNH CHUYÊN
14. VÀO LỒNG NHỎ
15. GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
16. YÊU LẦM, CHỘT MỘT ĐỜI
17. TỰ THẮNG GIẢ HÙNG
18. CHIM VỀ TỔ
19. TRỞ VỀ THÀNH ĐÔ
20. 5 NĂM, MẤT QUYỀN CÔNG DÂN
21. NGHĨA BẠN BÈ
22. THĂM MỘ CỤ NGÔ
23. NGƯỜI ẤY ĐÃ SANG ĐÕ
24. GIĂNG LƯỚI BẮT TÔM
25. LOẠI NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN
26. THĂM MỘ EM TRAI
27. CÁI “CÕNG” CỦA QUẢN CHẾ
28. ĐÔI BẠN NGÀY NAY
29. RA KHƠI TÌM TỰ DO
30. CỐ GẮNG, CỐ GẮNG, CỐ GẮNG NỮA
31. NỖ LỰC ĐỂ SINH TỒN
32. LÀM ĐƠN XIN ĐẢNG VÀO TÙ
33. LÕNG MẸ
34. TÌM BẠN ĐỜI
35. MỘNG ĐỜI NỞ HOA
36. CÁI ÁO NHÂN DÂN
37. HỢP DUYÊN ĐỜI
38. CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY
39. TÌNH MẪU TỬ XOẮN VÕ
40. RA KHƠI LẦN THỨ HAI
41. ĐỊNH MỆNH CON NGƯỜI
42. HOA KẾT TRÁI
43. THẦY VỀ VỚI TỔ TIÊN
44. THĂM MỘ CỤ NGÔ LẦN HAI
45. RA KHƠI LẦN THỨ BA
46. RA KHƠI ĐẾN BỜ
47. ĐẤT NƯỚC VẠN DỪA
48. VÕNG LÕNG ĐU ĐƯA
49. SƯỚNG KHỔ, KHÔNG CÓ TIÊU CHUẨN
50. MẸ ĐÃ ĐI VỚI THẦY
51. ĐÀM ĐẠO, BẠN BÈ INDO
52. BẦU TRỜI TỰ DO
LỜI KẾT
wordpress analytics


1



2

 photo bia_thepden2_zpszk8a7qix.png

3

 photo bia_thepden2_zpszk8a7qix.png

4



....................................................................................................

THÉP ĐEN 4

1. SÀIGÒN ƠI!

Thép Đen #18 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya

https://youtu.be/DpyDIEJA26A





Thép Đen #19 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya

https://youtu.be/i5iTZRdrz8U











Thép Đen #19 - Hồi Ký của Đặng Chí Bình | Trò Chuyện Đêm Khuya































https://youtu.be/i5iTZRdrz8U



 

1. SÀI GÒN ƠI!


Sáng hôm nay, sau khi Ý, cán bộ trại vừa điểm buồng xong quay đi, tôi là một trong những người đầu tiên ra sân. Như mọi buổi sáng, tôi tranh thủ chạy ra sau nhà làm vài động tác tay chân, cố hít thở cái không khí ban mai của một ngày trong hai, ba phút.

Mấy đêm trước giấc ngủ của tôi không yên, tâm tư cứ khắc khoải vơi đầy, chỉ vì chiều hôm ấy cách đây ba ngày, ở dưới phòng y tế của anh Thái, do một sự tình cờ, một em tù hình sự vừa mới nhập trại, xuống xin thuốc hắc lào, đã nói đến cô y tá Hỏa Lò. Tôi đã vồ vập hỏi, nhưng em không hề biết gì hơn về người Hưng Yên. Em chỉ xác định là bốn tháng trước ở Hỏa Lò, em có xin thuốc hắc lào của cô Vân y tá, 1 lần.

Cô Vân ơi! Ngay đầu 1968, trong buổi giã từ não nuột dầm dề mưa rơi ấy ở Hoả Lò, đã hơn ba năm rồi, tôi vẫn lầm lũi quằn quại trong ngục tù tăm tối, nơi rừng núi biên cương. Tôi không hề biết một tin tức gì về cô cả, để rồi chỉ nghe thoáng đến tên cô, lòng tôi đã xáo trộn mấy đêm nay. Rất may đêm qua, tôi ngủ được một giấc đã đầy, bù lại.

Phía Đông đỏ rừng rực, rồi mặt trời mò lên; xa xa chéo phía Tây Nam, rặng Hoàng Liên Sơn (Fan-si-pan) mây trắng che phủ ngọn, cũng vàng ửng lên rực rỡ. Một đàn vạc trắng hình cánh cung, đang sải cánh bay về hướng Đông Bắc.

Nhìn mấy tảng mây trắng hồng từ hướng nam lững lờ bay đến, tôi có cảm tưởng chúng đang mang theo những hơi hướng ngọt bùi, ruột thịt, tha thiết của gia đình, bạn bè thân quen phương trời bên ấy. Tôi rướn người, kiễng chân lên để hít lấy cái hơi thương nhớ, vời vợi của 9 năm dài đằng đẵng. Từ nơi sâu thẳm của cõi hồn, một giọng hát nỉ non, tỉ tê nghe rõ mồn một: ” Hôm nay… Sài Gòn… bao nhiêu tà áo… khoe mầu phố vui… Riêng tôi một mình… tâm tư sầu lắng… đi trong bùi ngùi… Sài Gòn ơi…”

Bỗng tiếng Lầu Chí Chăn dội lên, từ cửa sổ phía sau nhà:

– Anh Bình không đặt bát để lấy sắn à?

Như choàng tỉnh một cơn mơ ngày, tôi vừa “ờ… ờ” vừa chạy ra sân trước. Nhìn các mâm đang ồn ào tíu tít chia sắn sáng, tôi chợt nhớ tối qua sinh hoạt toán, Nguyễn Huy Lân đã rành mạch tuyên bố:

Theo chỉ thị của ông Miễn cán bộ toán 2, ngôi nhà căn bản số 3, còn bảy cái cửa ra vào chưa lắp cánh xong. Vì thế năm người, được phân công làm trong trại gồm:

Lê Văn Kinh, Bùi Tâm Đồng, Lầu Chí Chăn, Nguyễn Thanh Đương và Đặng Chí Bình.

Tạm thời ĐCB làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm kỹ thuật. Vẫn xuất trại theo toán ra lán thủ công để lấy dụng cụ . Sau khi lấy dụng cụ, cán bộ toán 2 sẽ dẫn cả tổ trở vào trại. Gần cuối giờ, cán bộ toán lại vào trại đón tổ ra lán để cất dụng cụ, rồi cùng về trại trả số tù”.

Cùng những ngày tổ mộc lắp cửa, cũng có một tổ xây đang lợp ngói cho xong nóc nhà, mà đám công nhân xã hội còn làm dở. Một buổi trưa, tôi đang hì hục cắm cúi làm, thì Chăn đi vệ sinh về, ghé tai tôi nói nhỏ :

– Anh em lợp nhà ở trên nóc, nhìn sang sân khu nhà số hai thấy có nhiều người tụm năm, tụm ba cởi áo phơi nắng, bắt rận.

Gợi trí tò mò, xế trưa tôi trèo lên chỗ anh em lợp nhà. Đúng như rằng, ngoài sân khu nhà cơ bản số hai có chừng hơn hai chục người : người đứng, người ngồi, đi đi lại lại. Có nhiều bác tóc đã muối tiêu, và cũng gầy xanh như chúng tôi. Vì từ xa, nhìn thẳng, khoảng cách từ 60 đến 80 mét nên chỉ nhìn nhau. Thỉnh thoảng có anh giơ tay vẫy vẫy chào, nhưng không thể biết một tí gì về nhau cả. Khó khăn đẻ ra sáng kiến, tôi chợt nhớ tới cách liên lạc khi còn ở xà-lim I Hỏa Lò. Tôi trèo xuống chỗ làm, kiếm được tấm gỗ mỏng nhẹ để làm cửa, bề chừng 60, bề chừng 40 phân. Vì có chủ ý, tôi xách miếng gỗ, lại trèo lên chỗ đám lợp nhà.

Mất dăm phút ra hiệu tay, khua vẫy nhiều anh em ở sân bên ấy đổ xô đến, ngước mắt nhìn lên. Để an toàn, tôi nhờ một anh toán xây, để ý cán bộ dưới sân bên ngoài. Tôi giơ miếng gỗ quay lại, chậm chạp, dùng ngón tay trỏ, tôi viết từng chữ theo lối in, vào tấm gỗ: “ANH NHÌN THẤY KHÔNG?”

Lần đầu, họ đều tỏ ra lơ mơ và lắc đầu. Tôi thong thả làm lần nữa. Nhiều người khua tay mừng rỡ, đầu gật gật. Tôi bảo các anh, tìm cái gì viết lại cho tôi. Mấy người chạy vào nhà, rồi một người cầm ra một miếng gì, như cái nia con mầu nâu xám, đường kính khoảng 80-90 phân. Một anh cầm, một anh viết kiểu chữ in như tôi. Ở dưới sân nhà số hai an toàn hơn, họ chỉ cần để ý phía cổng khu của họ. Ngược lại, chúng tôi ở trên nóc nhà trống trải hơn, nhưng cũng có cái lợi, ở trên cao, quan sát ngay từ cổng trại, cán bộ ra vào chúng tôi đều trông thấy. Còn công an vũ trang ở các chòi gác thì quá xa, dù cho có nhìn cũng chả hiểu gì, chỉ coi như đám tù đang lao động mà thôi.

Hơn một giờ liên lạc, tôi vừa đoán vừa hiểu được: Bên ngoài mới có một cuộc đảo chính hụt giữa phe thân Liên Sô và phe thân Trung Cộng, khoảng cuối năm 1967. (Cũng là giai đoạn, cộng sản Hà-Nội đưa tôi ra tòa). Phe thân Trung Cộng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh đứng đầu, có chính quyền trong tay nên đã thắng thế; bất ngờ bao vây bắt nhiều người thuộc phe thân Liên Sô, do Võ Nguyên Giáp đứng đằng sau hậu thuẫn, và bị ghép tội là bọn xét lại hiện đại. Trong những người thân Liên Sô bị bắt có: Hoàng Minh Chính viện trưởng viện triết học, Vũ Đình Huỳnh trợ lý của HCM và Đặng Kim Giang thiếu tướng, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần. Phe này có nhiều người trong giới quân sự tham gia.

Phần tin tức về chúng tôi, tôi cũng cho họ biết sơ lược. Trong trại I này chúng tôi có chừng hơn 2 chục Biệt Kích từ trong Nam ra Bắc hoạt động chống cộng sản, thường đã tù từ 9, 10 năm rồi.

Do cách liên lạc không thuận tiện, nhưng phần chính là sợ trong đám tổ xây có antene, và cả khu nhà số hai bên ấy nữa, chúng tôi đã biết thế nào đâu. Vả lại thấy đã tạm đủ nên tôi và Chăn quyết định, không liên lạc tìm hiểu thêm nữa.

Chiều nay thứ Sáu, không khí trong trại nhộn nhịp khác thường. Nguồn tin từ các cán bộ toán cho biết khu A (chính trị) cũng như khu B (hình sự) sẽ lao động xã hội chủ nghĩa Chủ Nhật này (Một Chủ Nhật nghỉ, một CN Lao Động XHCN đã trở thành thông lệ ở các trại giam từ lâu). Chúng tôi sẽ móc bùn, vớt bèo, làm cỏ toàn bộ 3 chiếc ao lớn thả cá trước khu của ban giám thị trại. Cái điều làm cho khí thế của trại sôi nổi, là nguyên nhân có ban thi đua do cán bộ giáo dục Bùi Huy Tập làm trưởng ban, trực tiếp chấm điểm giữa 3 khu tù nhân của trại. Khu A trách nhiệm chiếc ao giữa, khu B trách nhiệm chiếc ao trước khu công an vũ trang, còn chiếc ao thứ 3, phía trái của khu ban giám thị do K2 (trại nữ) đảm trách.

Đây là điểm mấu chốt làm cho khu nào cũng xốn xang bàn tán, chuẩn bị. Điểm đặc biệt của lần LĐXHCN kỳ này là, do sự trù liệu công việc, ban giám thị trại quyết định :

– Tù nhân sẽ làm Lao động XHCN liên tục từ 8 giờ sáng đến 2 :30 chiều, chỉ trừ nghỉ 15 phút để tù giải lao ăn sắn bồi dưỡng lúc 10 giờ sáng, và 30 phút ăn trưa lúc 12 giờ. Thường LĐXHCN chỉ làm nửa ngày, tức 4 giờ.

Cứ nhìn khu A này, tôi đã hình dung ra cái cảnh rạo rực chuẩn bị sửa soạn quần áo, đầu tóc của mỗi người, nhất là những người còn trẻ, còn một chút nhựa xuân nào trong người ở 2 khu B và K2 kia.

Ngay từ trưa thứ Bảy, toán nhà bếp, có các anh tự giác của mỗi toán xuống phụ giúp gồm hơn hai chục anh: Họ được lệnh gồng gánh, cuốc xẻng, xe ba gác để đi đào sắn. Tiêu chuẩn bình quân đầu người LĐXHCN được hưởng 8 lạng sắn kể cả vỏ. Nhà bếp K1 phục vụ khu A và B, bếp K2 phục vụ K2. Không biết phía đàn bà con gái bên K2 có mong ngóng được nhìn thấy đàn ông, con trai bên K1 hay không, chứ bên K1 này thì từ rừng sâu, trong lán thủ công đến ngoài nương khoai, đồi sắn, vườn rau; đâu đâu nơi nào có tù lao động đều say sưa bàn tán rôm rả trong cái dịp ngàn năm một thuở này.

Đúng thế, trừ trường hợp cá biệt, còn thông thường, đàn ông, đàn bà chúng tôi hàng năm chả nhìn thấy bóng dáng của nhau. Thậm chí anh Nguyễn Văn Thú (Biệt Kích), tối qua ở trong buồng đã nói : Lâu ngày quá, anh đã quên cả đàn bà, con gái. Đến nỗi anh đã ngẩn ngơ cả đêm , mà vẫn không thể hình dung ra thế nào cả. Anh chỉ thấy họ tuyệt vời lắm! Họ là một thứ vưu vật, là lẽ sống của cuộc đời v.v…

Anh Thú cứ ông ổng ca tụng người đàn bà, con gái mãi. Rất nhiều người tán đồng phụ họa; nhưng cũng nhiều người phản đối. Anh Bùi Tâm Đồng đã đứng hẳn lên sàn dõng dạc :

– Vừa thôi, anh Thú ơi! Anh cứ làm như, nếu trên cõi đời này không có đàn bà con, gái thì chúng ta không sống được hay sao?

Hàng 4, 5 cái miệng đều rống lên:

– Đúng ! Đúng ! Không sống làm gì nữa!

Giọng một anh từ trong nhà cầu đi ra, gào lên:

– Nếu biết chắc trên đời này không có và không còn đàn bà, con gái, sáng sớm mai tôi sẽ cắn lưỡi, xin từ giã tất cả các quý bạn để về với Chúa ngay.

À… anh chàng Gôm! Tôi đã thấy hơi lạ, từ lúc trong buồng sôi nổi bàn chuyện đàn bà, con gái mà không thấy anh chàng này tham gia. Đang ồn ào náo nhiệt sục sôi cả căn buồng thì bỗng có tiếng báng súng đập vào vách nứa ầm ầm; giọng một tên công an vũ trang quát:

– Buồng này làm cái gì, ồn ào như cái chợ vậy?

Giọng khàn khàn của anh Thành Xuân Yên từ tốn:

– Thưa cán bộ, họ đang tranh luận, nếu trên đời này không có đàn bà, con gái thì họ sẽ tự tử hết!

Im lặng một lúc, rồi giọng tên vũ trang đã hạ xuống:

– Bậy bạ! Thì nói nhỏ vừa nghe thôi!

Thấy thế, trong buồng lại râm ran trở lại. Anh Lân buồng trưởng đã phải ra đứng giữa buồng khoắng tay :

– Toàn buồng trật tự yên lặng! Các anh bàn chuyện đàn bà, con gái thì nói cả đời không hết! Đây là chuyện thực của đời tôi. Từ ngày tôi bị bắt đã 8 năm rồi, có một điều tôi ân hận nuối tiếc lớn nhất, vẫn ngày đêm dằn vặt lòng tôi.

Rồi anh im bặt. Có nhiều tiếng hối thúc:

– Nói ra đi! Nói ra đi!

Cũng lại ầm cả lên. Tôi cũng tò mò, đến bên Lân cao giọng:

– Các anh đừng làm ồn, để anh Lân nói ra đã!

Rồi tôi quay lại anh Lân như thúc giục:

– Anh nuối tiếc ân hận điều gì thế, hãy cho chúng tôi biết đi!

Anh cười và tỏ vẻ thành khẩn:

– Hiện nay, tôi đã có 4 mặt con: 2 trai và 2 gái, vậy mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cái của vợ tôi nó như thế nào cả. Tôi ân hận sao lại không nhìn rõ một lần cho đã, để bây giờ khỏi hối tiếc!

Cả buồng réo lên:

– Không tin được ! Không tin được !Vô lý!….

Cuối cùng, anh Lân đã thong thả chậm chạp như tâm sự:

– Tôi xin thú thực với các anh em. Bởi vì chúng tôi ở nhà quê, chỉ khi nào đêm khuya, tin chắc cả nhà đều đã ngủ yên thì 2 vợ chồng mới… tò te mà thôi. Thường trời tối giơ bàn tay không nhìn thấy, thì nhìn làm sao được cái kia?

Câu chuyện này, cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn còn nhớ lại. Vừa đây, tháng 8-2003, tôi có dịp sang tiểu bang Philadelphia, do một sự tình cờ, tôi gặp lại anh Nguyễn Huy Lân, anh mới đi HO sang Mỹ 1994. Anh ở một town gần đấy, khi biết tôi sang, anh đã lái xe đến thăm. 23 năm mới gặp lại nhau, trong một bữa cơm có mấy anh Biệt Kích nữa, nhớ lại câu chuyện LĐXHCN ở trại Trung Ương Số I Phố Lu, Lào Cai, đầu năm 1972, tôi đã tươi mặt hỏi lại anh:

– Thế nào, Lân Mều! Từ ngày được tha về với gia đình, anh đã nhìn rõ cái “miếng ngọc” của anh chưa?

Cả bàn tiệc cười ngặt nghẽo như đê bị dò khi nước lụt.

Xin trở lại buổi LĐXHCN. Đêm hôm đó, khi nằm chưa ngủ được, đầu óc tôi miên man nghĩ đến anh chàng Lân Mều này. Tôi còn nhớ rõ 4 năm xưa (1968), khi ấy tôi từ dưới Hoả Lò mới lên trại Trung Ương Số I, rồi được chuyển vào phân trại E do Hoàng Thanh làm giám thị.

Tôi được phân bổ về toán 2 làm mộc, cũng do Nguyễn Huy Lân làm toán trưởng. Khi biết tôi cũng từ trong Nam ra Bắc, lại cùng ở trại định cư Nam Hà thuộc phường 6, quận Tân Bình, anh và tôi rất quý mến và thân nhau từ đấy. Mùa Đông, tôi thường sang chỗ anh nằm đắp chăn chung, chuyện trò tâm sự. Khi biết tôi còn thanh niên chưa vợ, có lần anh hỏi tôi:

– Tao hỏi thực mày, mày đã nhìn thấy cái “hến” của đàn bà chưa?

Sau khi Lân biết tôi chỉ nhìn thấy của các bé gái còn nhỏ 4,5 tuổi. Một buổi tối, Lân trêu tôi. Anh đứng ở giữa nhà nói to với cả buồng:

– Thằng Bình nó ngố lắm! Nó cứ tưởng cái “hến” của con gái khi lớn lên vẫn vậy. Nó không biết là khi đứa con gái bắt đầu 11-12 tuổi thì cái “hến” cứ xoay dần, để rồi đến 18 tuổi cho tới khi thành đàn bà thì nó nằm ngang hẳn ra.

Ngay khi ấy, tôi cũng không tin và hiểu là Lân mều muốn trêu tôi mà thôi. Tuy vậy, một hôm tôi đã hỏi Gôm. Gôm cười hềnh hệch và nói là cá biệt, có người nó còn ngược hẳn lên. Để rồi mấy tháng sau, nhân một lúc vui, tôi hỏi thẳng bác Lẫm. Bác cười bằng mắt bảo tôi:

– Yên tâm đi, sau này sẽ biết.

Sáng hôm sau chủ nhật, trời cũng chẳng chiều lòng người, sương mù kéo dầy đặc. Tới khi kẻng tập họp để chuẩn bị xuất trạo đi lao động XHCN mà sương khói vẫn còn mịt mù, chỉ nhìn rõ người và cảnh vật xa chừng ba chục mét. Xa hơn nữa, thì chỉ thấp thoáng bóng người mơ hồ trong sương đục. Để phòng ngừa, Ban Giám Thị cho lệnh phải tăng cường mỗi toán thêm một công an vũ trang nữa. Rặng Hoàng Liên Sơn hôm nay cũng biến vào mây trời mất tiêu, chỉ còn lại một mầu rêu già xám xịt phía chân trời.

8 giờ, tiếng trống thùng… thùng … của hai tay trống nhà bếp phía cổng trại làm rung rinh lòng mọi người. Hai chiếc biểu ngữ đỏ nẹt, chữ trắng, đã nhìn rõ dần. Một cái của khu A viết :”Vì Miền Nam ruột thịt, một người làm việc bằng hai”. Một cái của khu B . Từng toán, lần lượt ra khỏi cổng trại.

Khi toán 2 ra đến khu vực đã được phân công, đảm trách ở chiếc ao giữa. Nguyễn Huy Lân lấy ra một tờ giấy đã viết sẵn, anh cao giọng thong thả đọc từng tên. Một số người già yếu ở trên bờ làm cỏ, chan đất, đắp bờ. Còn hầu hết trai trẻ, đều phải xuống nước vớt bèo, móc bùn. Riêng tôi, vì có chút kỹ thuật, nên được ở trên bờ để san và đắp bờ.

Trời đã về cuối Xuân, nhưng nước vẫn còn lạnh căm căm. Cái chính là bụng đói, thì cật rét; cởi áo ra, người anh nào cũng chỉ còn xương sườn với da, tay chân khẳng khiu, khòng khèo. Mới sáng thứ Bẩy hôm qua, anh Lương Yên làm vệ sinh, cho biết bên khu B hình sự, có hai cậu được khênh xuống bệnh xá đều chết vì ăn quá nhiều vỏ sắn, bụng chương lên, không đi cầu được. Thế mà khí thế lao động vẫn hăng say. Tiếng trống, tiếng loa hô hào vẫn oang oang, thình thình như một đám hội của đình làng.


Khoảng gần 10 giờ, mặt trời đã ló ra nhìn cảnh núi rừng âm u trong sương đặc, nhưng gió lộng hơn nên vẫn lạnh. Trong toán 2, người ở dưới nước, người trên bờ, mặt anh nào cũng tái ngoét, răng đánh vào nhau cặp cặp. Mọi người đề nghị cho đốt lửa hút thuốc và cũng sắp đến giờ giải lao ăn sắn bồi dưỡng. Được lệnh của BGT, một số anh tự giác đem xe ba gác vào khu thủ công toán xẻ và toán mộc, lấy phoi bào và những đầu gỗ thừa. Chỉ nửa giờ sau mỗi ao đã có một đống lửa to, mọi người nhìn cho ấm mắt, và cũng ấm lòng thôi, chứ chưa ai được đến gần đâu.


Từ sớm tới giờ, tôi vừa làm vừa ngẩn ngơ suy nghĩ. Đói khổ, lầm than triền miên như vậy mà không khí lao động vẫn sôi nổi, không ngưng nghỉ. Tại sao như vậy? Càng ngẫm nghĩ, càng kính nể và bái phục cái tài khích lệ, phỉnh phờ, đe doạ ép buộc kết hợp với cái dạ dày để chỉ huy con người của cộng sản. Phải hàng chục thứ liên kết, mỗi cái một ít, từ ngoài xã hội đến trong gia đình, để có một sức ép tứ phía.


Rõ ràng mọi người không muốn làm, mà rồi vẫn phải làm, làm với một thái độ hăng say, nồng nhiệt. Suy kỹ đã thấy sáng tỏ: Nội dung không quan trọng bằng hình thức. Mà ngay từ xa xưa, ông cha chúng ta đã thấy:”Cách ăn không bằng ý ở”. So với sự cho tiền, cho ăn, cho vật dụng, cái cách đưa, cách cho, cách đối xử quan trọng hơn. Phương Tây cũng có câu:”Của cho không bằng cách cho”. Cái cách thể hiện câu nói, quan trọng hơn nội dung câu nói.


Ai cũng thấy, kể cả người cộng sản cũng thấy họ làm nhiều điều sai, nhiều điều thiệt hại đến người dân, với đất nước, nhưng họ chỉ cần nghiên cứu thấu đáo phương cách thực hiện. Muốn quán triệt, họ cần phải có nhiều bộ óc, cùng nghiên cứu mọi mặt của một vấn đề. Rõ ràng: bốn người trình độ như nhau, qủy quái tinh khôn như nhau; nếu ba người hợp lại để chống một người thì hầu như cái tất thắng là ở phía ba người.


Truyền thống từ nhiều đời, Đông cũng như Tây, ông cha đều đã dạy:”Ba cái đầu hơn một cái đầu”. Đông người mà cùng nhìn về một phía, cùng đem hết tâm hồn và trí lực để thực hiện một mục tiêu thì thành công.


Chứ đông mà “Ông chẳng, bà chuộc”, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, người nầy kích bác, chống phá người kia, kéo bè, kết cánh để gây mâu thuẫn, đả phá lẫn nhau, thì lại không bằng một người. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Napoléon: ”Một vị tướng tồi, còn hơn 2 vị tướng giỏi”. Việt Nam ta cũng có câu “Nhiều thầy, thối ma”.


Phương pháp của người cộng sản là: Trên cao nhất có bộ chính trị, sau đó là có một ủy ban trung ương, các cơ quan đoàn thể đều có đảng ủy: tỉnh, huyện, xã thôn đều có. Khâu nào cũng có tập thể cùng bàn bạc thảo luận nghiên cứu thấu đáo từng sự việc theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đấy suy ra: Thế Giới Tự Do của chúng ta đã phù hợp với lòng người; chúng ta không hề lừa lọc, bịp bợm người dân, nên có chính nghĩa. Vậy chỉ cần nghiên cứu về phương pháp thực hiện, đã thấy tính hơn hẳn của chúng ta đối với cộng sản rồi.


 

2. SAY ĐI EM!

Trời sáng dần, nhìn sang phía hai chiếc ao 1 và 3 đã thấy những bóng người trong sương trắng. Đầu óc tôi vẫn còn chìm nghĩm vào những dòng tư tưởng mênh mông; bỗng tiếng của anh chàng Gôm, trong đám vớt bèo ở dưới ao ré lên:

– Đỉa …! Đỉa…!

Rồi y chạy bổ lên bờ. Tiếp theo có nhiều tiếng gào giật đùng đùng:

– Đỉa ….! Đỉa ….! … Nhiều đỉa quá!

Một số người nhào vào bờ. Chàng Gôm mặt tái ngoét, hai tay thay nhau bấu, lôi một con đỉa hẹ như cái sơ mít đang bám phía trên đầu gối, chân nhẩy giẫy đành đạch. Gôm lính quýnh mãi không lấy được con đỉa ra, cứ dứt đầu này thì đầu kia nó lại bám vào da. Thương hại, tôi chạy lại bên Gôm, nhổ một bãi nước bọt vào tay, rồi xát vào đùi Gôm, chỗ con đỉa bám. Tôi lôi con đỉa ra một cách dễ ợt, rồi ném mạnh ra xa vào chỗ đống bùn, trước những con mắt mở to của Lê Văn Kính và thầy tu Nguyễn Thanh Đương. Kinh người miền Nam hỏi tôi một cách trầm trồ:

– Bình bạo thế! Làm sao lại phải dùng nước bọt?

Tôi cười thản nhiên:

– Ồ, còn nhỏ, tôi mò cua bắt ốc là thường. Còn nước bọt nó trơn, con đỉa không bám được vào da nữa. Người ta nói: “Dai như đỉa đói” là như thế!

Miễn, cán bộ toán và tên CAVT (công an vũ trang) cũng tươi mặt mỉm cười nhìn tôi. Phía cuối toán cũng có vài anh nữa ở dưới ao, đang ném những con đỉa ra mãi tít xa ngoài giữa ao. Một số anh nhanh nhẩu quát:

– Hãy ném đỉa lên bờ, ném xuống ao, nó trở lại cắn nữa!

Cả cái vòng tròn của cái ao to, nhiều toán cũng ném đỉa tứ tung. Xa xa hai chiếc ao hình sự và K2 cũng đang í-ới về đỉa. Bỗng có tiếng những cô gái hét lên, chạy xôn xao, nhưng xa quá nên tôi chỉ thấy thấp thoáng trong sương mờ. Có mấy anh ở dưới ao, hướng về tên CAVT cao giọng:

– Đề nghị cán bộ, cho mấy chúng tôi tình nguyện sang bắt đỉa cho phía phụ nữ đó ạ!

Tên vũ trang đứng gần phía đống lửa, mắt y long lanh nhìn sang phía K2, đầu lắc lắc, miệng y lại cười cười. Tôi có cảm giác tưởng như y muốn nói:

– Nếu tự nguyện sang bắt đỉa cho phụ nữ được thì tôi chả để đến phần các anh đâu!

Lẫn vào trong tiếng trống, tiếng loa hò hét; bỗng một hồi kẻng lanh lảnh phía cổng trại như ngoáy vào sương mù làm cho những tiếng loa, tiếng trống im bặt. Giờ hạnh phúc, giờ giải lao, giờ ăn sắn bồi dưỡng đã đến rồi; một đoàn người gánh gồng từ trong cổng trại đang tiến ra các bờ ao. Nguyễn Huy Lân và mấy anh tổ trưởng toán 2 đang lúi húi trải một tấm nylon xanh cũ, nhiều chỗ đã đen nhẻm xuống đất gần chỗ đống lửa, để cho anh nhà bếp đặt gánh sắn còn bốc hơi.

p>Mùi sắn thơm ngọ, phả vào trong màn sương đặc, nhưng chợt có một mùi thơm khác, mùi thơm lạ, mùi của mều, của protéin. Mùi thơm ngậy, luồn vào trong gió rồi lách vào mũi của mỗi người, làm cho nước miếng của tôi đã rỉ ra trong miệng. Tôi nhớn nhác nhìn về phía đống lửa: Bùi Tâm Đồng, Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Gôm và Lò Văn Lui, anh nào mồm cũng đang nhóp nhép nhai. Mặc, đám đông đang ríu rít chia sắn bồi dưỡng, tôi sà đến chỗ đống lửa . Miệng còn đang nhai, Lê Văn Kinh giơ cho tôi một miếng đen đen cháy, bằng ½ ngón tay út vồn vã:

– Còn một con cá bống cơm đây, phần Bình.

Nước bọt đã ứa ra miệng, tôi cầm lấy với ánh mắt biết ơn. Của quý mà anh em dành cho; miệng nhai, mũi ngửi nó vừa thơm vừa bùi lại ngầy ngậy, mắt sáng ra háo hức:

– Cá bống cơm ao bèo bồng, sao mà ngon thế hở trời!

Tôi chợt thắc mắc:

– Sao cá bống mà lại không có xương sống?

Cả 4 người đều cười như nắc nẻ:

– Đỉa đấy ông bạn ơi! Làm gì ra có cá bống!

Nghe thế, tôi cũng thấy hơi nhờn nhợn, lợm giọng nhưng kệ nó, vì ngon quá! Hơn nữa, cả 4 người họ đang đi lùng sục bới trong những đống bùn. Từ sớm tới giờ mọi người vất đỉa lung tung, bây giờ lại đi tìm. Anh nào chưa nếm mùi “cá bống cơm” thì còn lửng lơ, chỉ nhìn quan sát tò mò. Anh nào đã nếm mùi thì đều đôn đáo, tay cầm sắn, mồm nhai, nhưng mắt vẫn nhớn nhác nhìn đây đó để tìm “cá bống cơm”. Thậm chí có mấy người còn lội hẳn xuống ao, chân tay khua động nước, rồi đứng yên chờ cho đỉa đến cắn, bắt đem lên nướng. Thành ra giờ đây lại đi tìm đỉa, chứ không còn sợ đỉa nữa.

Câu chuyện “cá bống cơm” này đã hơn 30 năm, bây giờ Lê Văn Kinh (người nhái) đang ở Florida đôi khi trên phone tôi và Kinh vẫn còn nhắc lại để rồi hai ông già còn cười, cùng nhớ lại “Đàn cá bống cơm ao bèo” của muôn năm cũ.

Gần nửa đêm hôm qua, tôi giật mình thức giấc vì tiếng báo cáo đi cầu của anh Lồ Cao Diu ngay sàn trên, đối diện với tôi. Tôi cứ nằm nghe tiến gió rừng rì rào lẫn với những tiếng gáy cò cử của một số người trong buồng: bỗng hai tiếng sấm đoành… đoành ở phía Tây, làm rung rinh cả căn buồng. Rồi nhu có một chiếc xe lửa nhiều toa gầm ghì chạy ngang dọc trên bầu trời. Những lằn chớp nháy, có lúc xanh lè ngoài cửa sổ, một trận mưa như đổ nước xuống từ trên trời.

Mưa rào rào xối xả vào mái nứa, vào phên tre, gió càng mạnh thốc vào cửa sổ. Đã có nhiều người dậy hút thuốc lào, đi vào nhà cầu, nên không ai còn phải báo cáo nữa. Thực ra cái khâu tù đi ỉa, đi đái đêm phải báo cáo này, đã từ lâu không còn nghiêm ngặt áp dụng nữa, như tôi đã trình bày 2 năm trước đây, ở phân trại E; cho nên giờ đây các buồng đi cầu đêm, rất ít người báo cáo. Có chăng chỉ còn một số người, đa số là dân tộc hãy còn do thói quen, tính mộc mạc ngoan ngoãn chấp hành.

Nằm mãi nghe sấm chớp, gió mưa gào thét tôi chợt nhớ tới giọng ca rên rỉ khàn khàn, đùng đục, dài lòng thòng của ca sĩ Thanh Thúy trong bài “Mưa Rừng” thủa nào:

Mưa rừng ơi… Mưa rừng.. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì lòng người…. Mưa sầu vì tình đời … Lá vàng rơi lìa cành … gợi ta nỗi niềm riêng….. Ôi! Ta mong ước xa xôi, nhưng đêm mãi cô đơn. .. gửi tâm tư về đâu?… Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?….Mưa rơi như nhắc nhở, mưa rơi trong lòng tôi… Mưa rừng ơi! Mưa rừng…. Tìm đâu hỡi ơi… bóng ngày xưa?……

Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn lúc nào không hay.

Sáng hôm nay, trời trong xanh không một vẩn mây, cảnh vật núi đồi như được lau chùi cọ rửa sạch sẽ đêm qua. Ngồi xếp hàng đôi, bên cạnh Đinh Sơn BK, tổ trưởng tổ kỹ thuật, chờ cán bộ Ý trực gọi đến toán 2 xuất trại như mọi khi, Sơn ghé sang tôi hỏi nhỏ:

– Bình có biết máy bay của Lâm Bưu trên đường chạy trốn, bị tên lửa bắn rơi tan xác ở Tân Cương do chính Mao trực tiếp ra lệnh không?

Tôi lắc đầu, ngạc nhiên vồ vập:

– Tin ở đâu, có chắc không?

Sơn càng nói nhỏ hơn nữa:

– Do tự giác, ngoài dân họ đồn ầm lên! Họ nói do đài BBC đưa tin.

Phần vì thấy sự việc còn mãi ở bên Tàu xa xôi, không trực tiếp giải quyết gì đến cảnh đời của mình; phần khác tâm trí tôi còn bao nhiêu thấp thỏm với ngôi nhà xây số 3. Đêm qua, khoảng 2 giờ tôi nghe nhiều tiếng xon xao và tiếng chân của một số đông người, đi từ cổng trại đi vào. Thấy bác Tiến đã dậy rồi, tôi ghé sang mùng bác nói nhỏ:

– Bác ơi! Không biết tù ở đâu đến, mà lại đến khuya thế?

Bác thì thào:

– Bác cũng không đoán ra!

Rồi bác nhấc màn chui ra, đi vào nhà cầu.

Mới sáng sớm, khi cán bộ điểm xong, tôi phải phiên trực mâm lấy sắn sáng. Tôi chạy hộc tốc như các mâm khác, xuống bếp để lĩnh soong sắn. Vì có giao tình riêng với anh Khuê toán trưởng nhà bếp, tôi đã lủi vào buồng anh thăm hỏi, tù nào ở đâu chuyển đến đêm qua? Do những liên hệ phục vụ cơm nước, nên anh đã cho biết: có 52 Biệt Kích thuộc trại Phong Quang Yên Bái chuyển đến ngôi nhà số 3 đêm qua.

Lúc đầu, chắc chưa phân bổ tổ, toán để lao động nên không thấy có ăn sáng. Hàng ngày, cứ khi nào xuất trại xong 9, 10 giờ sáng, nhà bếp mới khênh cơm nước lên, đi thẳng vào trong cổng khu nhà số 3.

Hầu hết anh em BK (Biệt Kích) ở trại 1, đều băn khoăn nghe ngóng tìm hiểu xem có những ai quen biết, thậm chí có cùng toán BK của mình chăng? Mới hơn một tuần, Gôm ở dưới buồng của anh Thái y tá về cho biết: sáng nay có một anh BK từ ngôi nhà số 3, được khênh xuống bệnh xá, hơn một giờ sau đã chết rồi. Nguyễn Văn Thú, Chăn và tôi định kín đáo chiều nay đi làm về, sẽ ghé xuống xem BK đó là ai? Vì sao chết để cùng chia sẻ gọi là một chút nghĩa tình của anh em. Nhưng cho tới lúc chúng tôi đi làm về, thì anh Thái lén lúc cho biết: Đã đem đi chôn lúc 2 giờ trưa rồi. Anh Thái ghé vào tai tôi như nói riêng:

– Do may mắn nên Thái biết được tên người chết là Vũ Khắc Hải, chết do bệnh lao, suy nhược, vì không có thuốc. (Mãi gần một năm sau, khi Hiệp Định Paris 27-1-1973 sắp ký, tôi mới biết rõ anh VKH thuộc toán Roméo gồm 10 người, ra Bắc từ 19 tháng 11-1965)

Thật là bất ngờ, tối hôm qua, sau khi cán bộ trực Ý vừa điểm buồng xong chừng 40 phút; anh em vừa họp tổ sinh hoạt hàng tuần, lại có tiếng chìa khoá rủng rẻng ở cửa buồng, rồi cửa mở. Cán bộ Ý bước vào buồng, bên ngoài còn lố nhố một số CAVT. Hắn đứng giữa nhà dõng dạc:

– Những anh có tên sau đây, chuẩn bị công, tư trang quần áo khi gọi đến tên trong vòng 10 phút, phải ra khỏi buồng để chuyển trại.

Ai cũng mắt mở to, thao láo nín thở lắng nghe; lần lượt 19 anh, hầu hết là BK của toán 2 và 3. Tôi tập trung tinh thần lắng nghe, đợi gọi tên mình, óc lướt nhanh những gì còn mắc mứu với những người trong buồng, cũng như buồng khác. Trong buồng của toán 2 (mộc) và 3 (xẻ) gồm 97 người. Có chừng 20 BK gián điệp; còn lại là những người dân tộc và chính trị địa phương. Tôi bàng hoàng không hiểu ra sao; có những toán chia đôi, xẻ 3 không theo một cái khuôn thước nào, có toán đi hết:

Toán Strata:

Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Như Ánh đi

Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng ở lai

Toán Người Nhái Cancer:

Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau ở lại.

Dương Long Sang,Voòng Hợp Văn đi.

Ngay đêm ấy, nhà bếp đã được lệnh bí mật chuẩn bị cơm nước đi đường. Cho đến sáng hôm sau, cả 3 Biệt Kích ở toán rau cũng phải đi, bao gồm 22 người. Còn lại 6 người ở lại trại I là:

– Lầu Chí Chăn

– Lý Giòng Slau

– Lê Văn Bưởi

– Đặng Chí Bình

– Trương Nàm Tráng

– Trần Quốc Quang.

Đặc biệt, trong những người đi,có cậu Hoàng Mạnh Hùng. Ngay từ đầu năm 1968, tôi ở dưới Hoả Lò lên vào phân trại E gặp cậu, tôi và cậu đã mến nhau coi như anh em. Tôi đã trèo lên sàn trên để giúp Hùng, buộc gói chăn màn. Hùng là dân tộc Nùng, thuộc toàn Samson BK, ra Bắc ngày 5-10-1966. Tôi xin sơ lược vài nét về toán Samson:

Toán gồm có 8 người. Địa bàn hoạt động tại Điện Biên Lai Châu vùng ngã ba Trung Quốc, VN và Lào. Ngày 5-10-1966 từ Long Thành đi trên hai chiếc trực thăng ghé qua Thái rồi qua Lào đến địa bàn hoạt động.

1. Vương Văn Can, toán trưởng bị chết trận (3-12-1966)

2. Nông Quốc Hải, toán phó (đã chết ở trại Quyết Tiến)

3. Shè Khừu Sáng, truyền tin (hiện ở Atlanta – Mỹ)

4. Hoàng Mạnh Hùng, toán phó (hiện ở New York – Mỹ)

5. La Văn Thịnh, toán viên

6. Nguyễn Văn Châu, năm 1977 được cho ra công nhân (đểu) Hồng Thắng rồi mất tích. Cho tới nay không biết.

7. Lưu Văn Y, chết trận ngày 3-12-1966

8. Văn Tế Xương, toán viên. Vì một chiếc đồng hồ đeo tay, bị giết ở biên giới Miên Việt (1987)

Toán được tiếp tế lần thứ nhất: 5 kiện hàng có 3 máy truyền tin (13-10-1966)

Lần thứ hai: 10 kiện hàng (28-11-1966)

Rồi bị lộ, chiến đấu chống trả. Toán bị 2 chết và 1 bị thương là Sáng, gãy một chân và lòi một mắt. Toàn toán bị bắt ngày 3-12-1966. Một chuyện như giai thoại, theo Hoàng Mạnh Hùng mới kể lại (2004):

Trước ngày đi công tác, trong khi đo giầy cho Sáng, Sáng lấy một chiếc giầy vẽ một con mắt to tướng. Khi ra Bắc chiến đấu, Sáng bị bắn lòi một con mắt, như vậy phải chăng là một cái “điềm”?

Chúng tôi cũng nhiều dọ dẫm, nhưng tù nhân không một ai biết số BK ở trại 1 đã chuyển đi đâu? Một sự chuyển đổi có dụng ý: Đêm ngày hôm sau, đúng là ngày 3 tháng 2 (ngày thành lập đảng Lao Động VN) thì 71 người BK từ trên trại Quyết Tiến, Cổng Trời, Hà Giang chuyển về ngôi nhà xây số 1. Từ đấy liên hệ nhớ ngày BK ở trại 1 chuyển đi là 2-2-1972. Chúng tôi đoán tình hình bên ngoài có chuyển biến; ngày đầu tháng 2-1972 tù trại 1 chuyển đến, chuyển đi xoành xoạch làm xáo trộn toàn bộ trại, tù nhân cũng như cán bộ. Tiếp theo lại có mấy đợt tha tù chính trị miền Bắc như tu sĩ, phản tuyên truyền, phản cách mạng và tù dân tộc thiểu số nữa (Sau này, chúng tôi mới hiểu cộng sản chuẩn bị để ký hiệp định Paris)

Riêng về toán 2 mộc, sau khi cả Nguyễn Huy Lân (Toán trưởng) và Đinh Sơn (tổ trưởng tổ kỹ thuật) chuyển đi; anh Nguyễn Trọng Tiềm tù chính trị miền Bắc lên làm toán trưởng. Tôi là tổ trưởng tổ kỹ thuật (thay Đinh Sơn), chuyên đóng những hàng kỹ, gỗ quý, thường làm cho các cán bộ đặt là chính.

Trước đây lực lượng Biệt Kích hầu như đảm nhận những sản phẩm chính yếu của toán mộc. Giờ đây do những anh em tù chính trị miền Bắc là nồng cốt. Khá tay nghề chỉ còn tôi và Lầu Chí Chăn đều trở về tổ kỹ thuật, để làm hàng đặt của cán bộ các phân trại. Cán bộ toán 2 vẫn do ông Lê Trí Miễn phụ trách, hàng ngày chúng tôi vẫn đi lao động trong lán thủ công phía trái của trại. Do những xáo trộn như tôi đã trình bầy, bây giờ ngay đầu lán mộc, cạnh tổ kỹ thuật của tôi lại có một tổ làm guốc (mặt hàng mới) gồm 4- 5 người, do anh Phạm Phú Lục làm tổ trưởng.

Qua trao đổi tâm tình, được biết anh Lục là người Bình Định, cán bộ huyện tập kết, Anh bị bắt vì có tư tưởng chống đối đường lối lãnh đạo độc tài của đảng Lao Động, đã bị bắt 6 năm rồi. Khi còn ngoài xã hội, anh đã từng phục vụ trong một cơ sở thủ công về dép, guốc phụ nữ ở Hải Phòng. Sáng nay anh ghé sang tôi, đứng nhìn Chăn và tôi đang thao tác một cái tủ lệch, kiểu Đức bằng gỗ lát cho ông Toán, chánh giám thị trại. Lúc chỉ còn mình tôi Lục đến sát tôi nói nhỏ :

– Bình có biết Kissinger sang Trung Quốc chuẩn bị cho Nixon sẽ sang gặp Mao đấy?

Tôi vừa lắp cái bản lề cánh tủ, vừa hỏi lại Lục :

– Tin ở đâu mà đặc biệt thế?

Lục nheo nheo cặp mắt, miệng nói như vội vàng :

– Cứ biết thế, đừng hỏi!

Rồi Lục bước vội sang tổ guốc, cùng lúc ấy Chăn và Phùng Văn Tại lặc lè, khênh một tấm ván gỗ mỡ về. Tại cùng tổ của tôi, anh là một chủng sinh, cũng cái tội không chịu bỏ tu để về nhà lấy vợ; tôi cũng nói sơ qua sự việc đó với Chăn và Tại.

Mấy ngày nay, nhìn sang toán xẻ, tôi thấy có nhiều tù lạ. Chăn đã cho biết, đó là những Biệt Kích ở trại Quyết Tiến trong khu nhà xây số 1. Trong khi thao tác, tôi nhìn sang, thấy dáng dấp mấy anh em quen quen. Lợi dụng sự đi lại trong giờ giải lao, tôi lỉnh sang. Đúng như rằng, tôi vừa ghé sang đến toán 3, thì một anh còn trẻ từ một góc trong chạy vội ra mừng rỡ, vồ vập:

– Anh Bình! Anh lại ở đây à?

Tôi cũng vui ra mặt, ôm chầm lấy, đó là Lưu Nghĩa Lương. Từ ngày ở xà- lim 1 Hoả Lò tôi ra trại chung (cuối 1967) 5 năm bất ngờ gặp lại. Mừng rỡ như chị gặp em, tíu tít bao nhiêu chuyện, Lương ríu rít :

– Nguyễn Phương, Hoàng Cung, Trịnh văn Truyện, Hoàng Trọng cũng có ở đây anh ạ!

Tôi choáng người, vừa nhìn dáo dác vừa hỏi ngay:

– Đâu? Đâu?…

Lương đã dẫn tôi ra sân sau, của toán 3. Tôi choáng vì mấy người đó là thủy thủ trên con thuyền định mệnh, đã đưa tôi ra Bắc 10 năm xưa. Tôi mới bước chân tới sân sau, một việc tuy nhỏ bé, nhưng đã khắc ghi vào lòng tôi cho đến bây giờ. Vì nó nói lên sự thủy chung, tư cách ứng xử truyền thống nho phong của một con người. Tôi bước vào, có 5- 6 anh đang cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại, chắc vừa cưa xẻ, ngồi nghỉ mệt : Anh Nguyễn Phương (chuyến đi của tôi anh là Tarzan thợ máy dễ mến), các anh Cung, Truyện thoáng thấy tôi, vội vàng với tay lấy cái áo đang treo ở cột khoác vào, rồi đều quay lại, hơi thấp đầu nói nhỏ:

– Chào ông!

Tôi quá cảm động cũng không nói lên lời, thành ra lí nhí:

– Cám ơn các anh!

Có thể trong một phút bất ngờ, phản xạ tự nhiên? Các anh quên mất các anh là tù và tôi cũng là tù.

Tuần trước, tôi và Lầu Chí Chăn lên gian vernie, do Quý cụt làm tổ trưởng. Ngồi nói chuyện với Quý, tôi và Chăn đều ngửi thấy mùi “cồn” nồng nặc. Chỉ ngửi mùi cồn, mà người cũng thấy lâng lâng, hồn muốn bay la đà nhấp nhổm. Thế là Chăn và tôi đã lén lút thì thầm:

Nếu vernie này, lọc qua một cục bông gòn thì có thể uống được.

Đời bây giờ tăm tối mịt mù, hãy thử cho say một bữa, cho lòng đê mê, cho hồn bay bổng lên cuộc đời một lần, cho sướng. Bàn tính, chuẩn bị, theo dõi mọi tình huống.

Quý cụt được cán bộ toán tin cẩn, giao chìa khóa kho, nhưng chúng tôi đã dạm thử nhiều lần, thấy không kết quả. Còn Phạm Phú Lục tổ guốc là phụ tá cho Quý (Quý cụt tay không thể mang vác), thường xuyên ra vào kho. Sau khi tôi dạm ý, anh ta đã đồng ý ở mức độ : coi như không hề biết dù có trông thấy.

Đành phải trù liệu một kế hoạch nhỏ. Bắt buộc phải cho bác Lương Yên người Lào, gốc Việt, làm vệ sinh của toán tham gia. Bác có điều kiện gác tên công an võ trang ở chòi gác, cách lán chừng 5 chục mét và coi cán bộ, bất chợt đi ra thì làm hiệu tay.

Tôi sẽ nói chuyện với Quý cụt, để giữ nó mươi phút. Chăn ở một cái ngách, luồn trèo lên mái nhà kho. Khéo léo cắt, tháo lạt buộc những tấm phên nứa trên mái, rồi chui xuống; đã chuẩn bị một ống nứa chứa chừng một lít. Sau khi xong, trèo lên, buộc lại trong vòng 10 phút. Sau những chuẩn bị táo bạo, kết quả: Lầu Chí Chăn đã dũng cảm thi hành công tác, một cách mỹ mãn: chiều hôm đó đã có một ống nứa đầy vernie, nút kín, dung tích gần một lít, giấu trong cầu bào của tôi.

Cái khâu lọc vernie không thể thực hiện được, vì cái mùi cồn nồng nặc. Đã từ những tháng trước, tôi có giao tình “hẩu” với anh trật tự mới của trại là Shi-ha Nam (người Campuchia). Tên Việt anh ta là Nam, nhưng chúng tôi gọi đùa là Shi-ha-Nam (Campuchia khi đó có ông vua Shihanouk) rồi thành tên, cả trại đều gọi. Nghe nói anh ta mang tội buôn lậu thuốc phiện, tù bên phía hình sự. Cho nên tôi chịu trách nhiệm đưa vernie vào trại. Tôi đã chuẩn bị, nếu bị lộ tẩy thì nói là đem vernie về đánh lại mấy cái hòm (rương) đã quá cũ v.v… của chúng tôi.

Với nhiều những ứng biến khéo léo, buổi chiều thu quân hôm ấy, tôi đã đưa lọt vernie vào buồng giấu kỹ. Cái khâu lọc vernie làm cho tôi nát óc; ngay sau khi cơm nước xong, tôi chạy sang gặp anh Hiệp ở buồng số 1 bên cạnh (Hiệp đã đánh cờ với tôi ở phân trại E), không ngờ quá dễ dàng giải quyết cái khâu này. Vernie gồm có cồn và cánh kiến hoà tan, bây giờ chỉ cần đổ một ít nước lạnh vào, cánh kiến sẽ nổi lên, vớt hết đi, nước còn lại có mầu sữa loãng, lại đỡ mùi hăng của cồn xông lên.

Quan điểm của tôi và Chăn là khi mình có một món ăn ngon, muốn cho mọi người thân quen được thưởng thức. Bạn bè thân quen thì hàng chục, tôi hiểu rằng hễ nhiều người biết thì sẽ lộ. Khâu đổ nước vớt cánh kiến, lúc đầu chúng tôi định giải quyết ở trong nhà cầu, nhưng thấy thường xuyên có người ra vào, nên quyết định làm ở trong mùng. Tôi, Chăn và anh Lương Yên đều nằm sàn dưới, không tiện; Phạm Phú Lục nằm sàn trên, nhưng Lục e ngại vì anh có trách nhiệm trong kho vernie.

May quá, anh Hưng, một dân chơi Hà-Nội như Nguyễn Văn Gôm (Gôm không hẩu rượu nên không để tham gia). Hưng thuộc toán 3 nằm cùng buồng với toán 2. Do một sự tình cờ, Hưng chui vào gầm sàn để tìm chiếc dép râu, mà anh cho là một người bạn nào đó đã trêu anh, vì thế anh đã nhìn thấy ống nứa đựng vernie. Tôi phải dàn xếp, sau khi biết nội vụ, Hưng rất hân hoan, nồng nhiệt xin tham gia. Hưng đã háo hức thì thào vào tai tôi:

– Anh Bình có biết không? Ngày xưa còn đi học ở Hà-nội, em là con sâu rượu. Bị bắt hơn 4 năm nay em thèm, em nhớ hơn cả người yêu; xin anh cho em tham gia, với lòng tự trọng, em xin giữ bí mật, dù có bị thiệt hại.

Thấy Hưng khẳng khái và nhiệt tình tôi và Chăn đều để Hưng cùng thưởng thức. Hưng lại ở sàn trên, nên tối hôm đó, sau khi cán bộ điểm xong, Hưng bỏ mùng sớm. Hưng lấy lý do thấy người khó chịu, Chăn chui vào mùng, 2 người làm việc. Tôi chịu trách nhiệm “ghếch” quan sát, phòng hờ mọi tình huống. Vả lại, thông thường, khi điểm xong nếu không sinh hoạt tổ, toán thì tùy theo, tụm 5, tụm 3 chuyện trò tán gẫu. Nhiều người đi nằm vì muốn yên tĩnh hoặc mệt mỏi v.v…

Để giảm bớt nguy cơ bị phát hiện, tôi bàn với Chăn : chơi theo lối cá lẻ, nghĩa là mỗi người 1 ly (ống nứa con) vào mùng của mình thận trọng mà hưởng. Ba người kia biết tôi và Chăn, còn 3 người ấy không hề biết cùng uống tối hôm đó. Sau khi sắp xếp ổn, mỗi người đều có 1 ly riêng vào mùng tự thưởng thức.

Phần tôi, chao ôi! Sao mà đê mê thế hỡi trời! Đúng là : Chiến đấu càng gian nan, chiến thắng càng vinh quang. Tôi trang trọng nói rằng : Không phải ai cũng được hưởng cái thú Lưu Linh tuyệt vời như chúng tôi. Giữa cái nghiêm khắc ngặt nghèo; cái khổ đau tràn lối, bị o-ép tứ bề của nhà tù cộng sản mà được hưởng cái ngất ngưởng đê mê và cũng tê tái cuộc đời, thì mới cảm nhận đến cái đáy cùng bủn rủn, ngất ngây của kiếp người. Tôi xin cảm tạ ông thần Lưu Linh!

Khoảng hơn 9 giờ, tai tôi nghe rõ vừa kẻng cấm xong, chừng mươi phút; bỗng anh chàng Hưng ở sàn trên ông ổng rời rạc, rên rỉ bài thơ “Say Đi Em” của Vũ Hoàng Chương :

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ Chưa cuối xứ Mê Ly…. Chưa cùng trời Phóng Đãng… Say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn. Say không còn biết chi đời… Đất trời nghiêng ngửa. Mà trước mắt thành sầu… chưa sụp đổ. Thành sầu, không sụp đổ… Em ơi!

Không thể được, tôi bò dậy, trèo vội lên và chui vào mùng của Hưng. Hưng đang nằm ngửa, chân giạng ra, hai tay chới với giơ lên phía đình màn, miệng vẫn gầm gừ như con chó đang tranh ăn, tôi đập khẽ vào ngực Hưng :

– Làm cái gì vậy Hưng ?

Hưng gạt tay tôi ra, mồm còn lảm nhảm :

Trời say ta cũng lăn quay.

Ở đời được mấy lần say mà già.

Tôi bịt miệng Hưng và ghé sát vào tai :

– Muốn cả lũ vào kỷ luật, cùm ư?

Hưng im bặt và như tỉnh ra. Tôi lại ghé sát vào tai Hưng nói tiếp:

– Bản lĩnh của người con trai, lý trí vững mạnh của Hưng đâu ? Hãy uống một ngụm nước rồi nằm im.

Nói rồi, tôi với tay lấy chai nước ở phía đầu giường, mở nút đưa cho Hưng. Như có một sức mạnh tiềm ẩn, Hưng ừng ực uống hai ngụm, còn nói khẽ:

– Xin lỗi anh Bình!

Rồi Hưng nằm xuống trong thái độ tỉnh táo; ngồi thêm chừng 2 phút, tôi mò xuống chỗ Lương Yên. Anh nằm như chết và đang kéo gỗ. Tôi lại trèo lên mùng Phạm Phú Lục, anh ta cũng nằm ngủ rồi. Tôi lại lỉnh xuống mùng của Chăn. Thấy nằm yên ắng, tôi cầm tay, Chăn nói như bình thường:

– Yên trí, không sao đâu!

Buột miệng tôi nói khe khẽ với vẻ tự hào và hơi ích kỷ:

– Thế mới xứng đáng là Người Nhái chứ!

Tôi vào đi tiểu, rồi mò về mùng chui vô, lòng vừa buồn vừa vui. Vui vì xem ra sự việc đã ổn, buồn vì tiếc, cả 10 năm trường, được cái may mắn diện kiến với cụ Lưu Linh, nhưng không được hàn huyên, tâm sự.

Đêm nay nằm trằn trọc mãi không ngủ được; tôi chợt nhớ đến lúc sinh hoạt của toán buổi tối hôm qua. Nghĩ đến bộ mặt ngơ ngác, nhớn nhác của anh chàng Phạm Phú Lục, bụng tôi còn cười rung lên. Đã trở thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi độ Hè về tù lại phải tắm “khô” nghĩa là, tắm không cần nước.

Tuy vừa hết Xuân mới chạm đến Hè mà trời đã nóng chảy mỡ, nhất là ngồi trong một cái buồng chật chội hàng trăm người. Tuy hầu hết anh em đều cởi trần, nhưng ngồi sinh hoạt mồ hôi lúc nào cũng nhơm nhớp. Nhiều anh cái tay tẩn mẩn cứ vân vê lưng, tay, cổ của mình; hàng 5- 6 ngày không có điều kiện tắm rửa nên nó ra hàng cục ghét. Cái tay buồn cứ vò mãi, vê mãi, ghét thành từng cục, có khi bằng hột đậu xanh, cá biệt có khi bằng hạt đậu đen rồi búng đi tứ tung trong buồng.

Vì thế có anh đang ngồi bị “độp” một cái vào mặt, có khi vào tai, vào cổ v.v… Lúc đầu người nào chưa hiểu thì giật mình ngơ ngác, nhìn khắp chung quanh xem có ai trêu ném mình, có khi nhìn lên mái nhà, suy đoán là con mối hay con gián ỉa?

Tối hôm qua, anh chàng Lục đang phồng mang, trợn mắt phát biểu ý kiến xây dựng phê bình anh Lê Văn Bưởi, không chịu lao động tích cực, mà chỉ làm cầm chừng. Đột nhiên, một cục ghét bắn ngay vào mắt anh, Lục giật mình nhìn khắp mọi người tưởng ai ném anh ta, nhưng họ đều ngồi yên, không ai nhìn, anh đành cúi xuống giụi mắt. Chỉ có người búng viên ghét ấy, thì cười rung bụng và cứ mỗi lần nghĩ tới, bụng tôi lại rung lên bần bật (kể cả lúc bây giờ ngồi viết lại).

4. MỘT GÓC HIỆP NGHỊ PARIS

Một buổi sáng, vừa ăn sáng xong chúng tôi đang chờ kẻng tập họp để đi lao động như mọi khi, thì tên cán bộ Ý trực trại, hộc tốc từ ngoài cổng khu A đi vào buồng số 2. Đến cửa, hắn vẫy tay gọi anh Tiềm- toán trưởng toán 2- tới, rồi y rút trong người ra một cuốn sổ, dõng dạc:

– Những anh có tên sau đây, mang hết công tư trang theo tôi: Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng, Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau, Đặng Chí Bình, Lê Văn Bưởi.

Thật là bất ngờ, tôi hấp tấp, tíu tít thu dọn chăn màn, quần áo. Một số anh em còn ngoài sân, chạy xô vào buồng. Trước mặt tên Ý, tôi không nói từ giã được với bất cứ ai, kể cả anh Tiềm toán trưởng, đứng ngay đấy. Khi đi theo tên Ý ra sân, tôi chỉ kịp nhìn khắp một lượt anh em như chào giã biệt. Ngay lúc tôi lúi húi vơ xếp chăn mền, trong đầu thoáng nghĩ : mới sáng sớm, không biết họ chuyển chúng tôi đi trại nào, thuộc tỉnh nào….?

Vừa ra khỏi cổng khu, nhìn ra sân trại tôi đã nhìn thấy một dẫy tù chừng 7-8 chục người. Họ xếp hàng đôi ôm đồm chăn màn, hòm xiểng như chúng tôi, ngay sát phía cổng trại. Mấy cán bộ lạ cùng mấy cán bộ trại I đi lại lăng xăng. Đặc biệt, tôi nhìn thoáng thấy ông Toán chánh giám thị ở phía trong cổng trại. Tên Ý dẫn 6 chúng tôi đến phía cuối của dẫy tù đó, cao giọng:

– Các anh xếp hàng đôi nối theo đây!

Tôi cũng đã nhìn thấy Lưu Nghĩa Lương, anh Tarzan và một số anh thủy thủ, tôi đã gặp mấy ngày trước ở toán 3. Như vậy họ là tù Biệt Kích ở trại QT chuyển về khu nhà xây trước đây, nhà số 1. Tôi hỏi mấy anh ở hàng cuối xem họ có biết sẽ chuyển đi trại nào không, nhưng họ đều ngơ ngác không biết như chúng tôi. Đoàn tù 73 Biệt Kích của trại Quyết Tiến và 6 chúng tôi ở trại I gồm 79 Biệt Kích. Đi áp tải có 4 công an võ trang, một tên cán bộ lạ, Bùi Huy Tập cán bộ giáo dục và tên Cao Văn Thục huấn luyện viên võ thuật của cán bộ trại I. Tên Tập đi đầu dẫn đoàn tù đi về phía trái, như thế là đoàn tù đi bộ. Tên Thục đi gần chúng tôi nhìn Chăn và Slau (Người Nhái) y nói như đùa:

– Trông đoàn đi cứ như là “Lính thủy đánh bộ” ấy!

Y nói rồi cười, nhưng chả có ai hưởng ứng, có lẽ vì mệt phải ôm, vác. Khi nãy, tôi đã hỏi lão Tập, chúng tôi chuyển đi đâu? Nhưng y đã lạnh lùng, cộc lốc:

– Cứ đi sẽ biết!

Thấy tên Thục có vẻ vui, tôi hỏi ngay:

– Thưa cán bộ, chúng tôi được chuyển về đâu mà đi bộ thế này?

Y nói cũng cộc lốc:

– K3.

Đi chừng hơn 2 cây số, thấy mọi người mang vác mỏi mệt, nên cán bộ cho nghỉ 10 phút. Giữa hai bên là triền rừng khuất gió nên thật là oi ả, dù mới cuối tháng 3 sắp bắt đầu vào Hè. Thấy một anh Quyết Tiến cứ nhìn tôi như thiện cảm, tôi cười làm quen: Được biết anh là Nông Văn Hính, sắc tộc Tầy, án của anh chung thân (hiện nay ở Cali), thuộc toán SWAN gồm sáu người:

1. Nông Công Định toán trưởng, chiến đấu, chết trận, ngay ngày đầu đổ bộ.

2. Đàm Văn Ngô phụ tá truyền tin, còn ở VN.

3. Đàm Văn Tôn (Tầy) tử trận ngay hôm đổ bộ.

4. Lý A Nhì toán viên, hiện ở Texas Mỹ.

5. Nguyễn Văn Ban Tử hình, trong một vụ vượt ngục.

Toán Swan hầu hết là người dân tộc Tầy. Ra Bắc ngày 4 tháng 9-1963. Địa bàn hoạt động thuộc Bắc Cạn. Lại nhìn thấy một anh ngồi cạnh đấy, mặt mũi trắng trẻo, nhưng có nét trầm ngâm, tôi nhìn anh rồi cười như chào; không ngờ anh lại vồn vã nói chuyện. Được biết anh là Nguyễn Phước trong toán Buffalo, nhẩy ở Quảng Bình ngày 9/6/1964.

Toán anh gồm 9 người, hiện nay ở đây chỉ có anh, rồi liếc mắt chỉ tay một người, đang đứng nói chuyện với tên cán bộ lạ, tên anh ta là Trương Bá Ngữ, cùng toán.

Sau này tôi được biết, những anh trong toán Buffalo gồm có :

1. Võ Khôn toán trưởng, được tha về chết (ở VN?)

2. Trương Bá Ngữ (hiện ở California)

3. Lê Chất (không rõ) từ 12/72.

4. Nguyễn Hóa Đều (chết ở trại Quyết Tiến cổng trời do bị cùm)

5. Nguyễn Khôi (chết trong nhà kỷ luật)

6. Nguyễn Huy (không rõ) từ 12/72

7. Nguyễn Phước (không rõ) từ 12/72

8. Lê Trang (không rõ) từ 12/72

9. Trần Hiệu (không rõ) từ 12/72

Tuy buổi đầu gặp anh, nhưng tôi đã thấy thái độ của anh, toát ra là không ưa Trương Bá Ngữ, cùng một toán Buffalo với anh. Gần trưa thì đoàn tù đến phân trại K3, một cái trại vừa phải (xấp xỉ phân trại E), chung quanh là 2 lượt nứa cả cây, chôn dựng đứng làm hàng rào của trại. Bên trong có 6, 7 ngôi lán dài cũng bằng tre, nứa và gỗ như nhà chúng tôi đã ở ngoài trại xây.

Sau khi vào trại, vào buồng, chúng tôi mới biết : trại chia làm hai khu, chính trị và hình sự. Khu chính trị lại chia làm 3 là F1, F2, và F3. Chúng tôi được dồn vào một cái nhà gọi là F3, gồm gần 100 người. Mấy ngày sau F3 được chia làm 2 đội. Đội mộc hơn 3 chục người trong đó có Lê Văn Bưởi, Lầu Chí Chăn và tôi, do Trương Bá Ngữ làm đội trưởng. Tên Dương Đình Thắng, là cán bộ ở Quyết Tiến về phụ trách. Còn lại gần 6 chục người là đội xẻ, may và công việc linh tinh. Woòng A Cầu là đội trưởng, Nguyễn Xuân Sang đội phó.

Phân trại K3 trước đây chỉ dành cho hình sự, do tên đại úy Nguyễn Thành Cửu làm giám thị. Bây giờ có thêm tù chính trị, nhưng toàn là Biệt Kích, Gián Điệp, từ trong Nam ra Bắc hoạt động, bị bắt, vẫn do tên Cửu làm giám thị. Đội mộc hàng ngày ra lao động tại một cái lán con, trên dốc đồi cheo chéo phía trái, trước ban giám thị.

Có thể do những cảm nhận sẽ có nhiều chuyển biến của tình hình, nên khí thế lao động của toán mộc và xẻ ở K3 không còn nỗ lực, hăng say như trước đây nữa. Ngược lại, tên cán bộ Thắng ở QT về, lại tỏ ra rất nghiêm khắc trong sinh hoạt. Y người bé choắt, chỉ có cái lon trung sĩ, lúc nào mặt y cũng cau có; gần một tháng trời, tôi chưa hề nhìn thấy một nụ cười nào của y. Không biết y được chỉ thị thế nào, trước toàn buồng F3 gồm mộc, xẻ, may, y tuyên bố:

– Hai người nói chuyện với nhau mà không có người thứ ba nghe thấy, là phạm nội quy, sẽ bị kỷ luật!

Tối nào cũng sinh hoạt rồi đọc báo 1 giờ cho tới khuya. Không khí ngột ngạt ngày đêm ép đè, không ai dám ngồi tâm sự chuyện trò với ai. Một hôm tôi nghỉ bệnh, đang ngồi nói chuyện với hai anh Đoàn Phượng và Lò Văn Cươm cũng nghỉ ốm ở sàn dưới. Bỗng thoáng nhìn thấy máu chảy từng giọt xuống, từ sàn trên, chéo phía chân tôi ngồi chừng 2 mét. Tôi trèo vội lên, thấy Lưu Nghĩa Lương (hiện nay ở California) đang nằm sấp xuống sàn. Tôi vội vàng kéo tay Lương, hốt hoảng hỏi:

– Sao vậy em? Em làm sao vậy!

Cũng là lúc tôi đã nhìn thấy một vệt cắt dài ở tay Lương, trong khi đôi mắt Lương nhắm nghiền. Chạy vội ra phòng y tá, thấy có một người, tôi hổn hển nói ngay:

– Ở F3 có người tự tử!

Tên y tá theo tôi về F3, đã có 5, 6 người đang nhớn nhác trèo lên sàn trên ngấp ngó Lương. Sau khi tên y tá (sau này tôi biết tên y là Đại) trèo lên, y lại trèo xuống, rồi ra thẳng cơ quan chỗ giám thị. Mười phút sau, tên Đại y tá, một thượng sĩ lạ và tên Thắng vào trại, đến nhà F3. Phượng, Cươm và mọi người đã về chỗ nằm của mình. Tên Đại về buồng y tá mang đến cuộn băng, cái kéo và một lọ thuốc rồi cùng tên Thắng trèo lên sàn trên.

Tuy tôi vờ nhắm mắt nằm, nhưng cũng không thể nghe được chuyện gì trên sàn Lương. Chừng 15 phút sau, cả ba tên đều đi ra về phía phòng y tá, như cái máy, tôi phóng lên, thấy Lương nằm đắp chăn, tôi đặt tay lên vai, khẽ hỏi:

– Em có sao không?

Lương mệt nhọc, chậm chạp trả lời tôi:

– Em không sao đâu!

Liếc nhìn phía phòng y tá thấy bọn chúng trở ra, tôi lẹ làng về chỗ nằm. Cả 3 tên lại tiến vào F3; đứng ở cửa, tên Đại nói đủ nghe trong buồng:

– Lệnh ông cán bộ, tất cả những người ốm bịnh đều ra sân tập họp.

Đoàn Phượng, Cươm tôi và 3 người nữa đều lục đục kéo ra sân. Tên Đại, cho đi gọi cả anh làm vệ sinh của trại; tất cả 7 người ngồi ở sân. Tên Thắng nghiêm mặt nói rõ ràng:

– Câu chuyện của anh Lương hôm nay, tuyệt đối khi trại về không được nói cho một ai biết. Nếu ai không kín miệng, sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Nói rồi y vẩy tay:

– Các anh về chỗ!

Vào buồng một lúc, thấy chúng đã ra khỏi cổng trại, tôi trèo vội lên, lật chăn Lương, nhưng Lương đã nhắm mắt im lìm như ngủ say. Trèo xuống chỗ nằm đã thấy các anh Cươm và Phượng đang loay hoay hút thuốc lào. Tôi cũng sà đến làm một điếu!

Trong cảnh sống ngột ngạt, nghiêm ngặt ấy, mỗi người đều tự hiểu, tốt nhất là hãy “đậy” cái miệng của mình lại. Bởi vì nhiều lần, ai cũng thấy, khi có một tin tức gì lộ ra; có một tên antenne báo với cán bộ giáo dục, là ai nói tin đó. Cán bộ sẽ gọi người ấy lên hỏi, truy, cuối cùng sẽ đến gốc là ai. Vậy, phải tự hiểu để khỏi hậu hoạ lôi thôi, cứ im lặng là vô lo. Tôi, Phượng và Cươm thăm hỏi nhau chuyện khác : ngồi 3 người rất hợp pháp. Hôm ấy, tôi được biết sơ về anh Lò Văn Cươm : Anh thuộc toán Dauphine gồm 5 người là các anh:

1. Triệu Trung, toán trưởng (tử hình);

2. Nông Đức Vũ truyền tin (tử hình);

3. Hoàng Tồn, toán phó (hiện ở Iowa);

4. Lò văn Cươm, toán viên (hiện ở VN);

5. Đèo Văn Bạch, toán viên (hiện ở MA).

Toán này ra Bắc ngày 4/6/1963 địa bàn hoạt động tại Hà Giang.

Còn về anh Đoàn Phượng thuộc toán TELLUS gồm 4 người là các anh :

1. Nguyễn Văn Ngô, toán trưởng (hiện ở San José);

2. Nguyễn Cuông, toán viên (ở Mỹ);

3. Đoàn Phượng, truyền tin trưởng (chết, vượt biên 1982);

4. Đỗ Văn Tương, toán viên (hiện ở Mỹ).

Toán này ra Bắc 7/6/1963 địa bàn hoạt động tại Ninh Bình.

Cho đến trưa và chiều hôm ấy các toán của trại đi lao động về, không một ai biết, hay bàn tán gì về chuyện Lưu Nghĩa Lương tự tử.

Lợi dụng trong lúc vào nhà cầu, tôi chỉ nói nhỏ với Lầu Chí Chăn biết và cũng phải dặn kỹ, không nói cho người thứ 2 biết. Đến cả tuần sau, trong trại coi như không hề có sự việc Lương tự tử. Những khi chưa ngủ, nằm miên man suy nghĩ, tôi phải rùng mình kinh sợ, cho cái uy lực nhiều chiều ngang dọc của cộng sản o-ép con ngươi. Khoảng hơn 10 ngày, khi vào K3, tôi biết trong khu F1, F2 có hơn 50 Biệt Kích, từ trại trung ương số 2 Phong Quang, Yên Bái chuyển về K1 (Khu nhà xây số 3).

Rồi đã tách làm 2 khi chuyển vào K3 thành F1, F2 trước chúng tôi 3 ngày. Do đấy K3 có khoảng 150 Biệt Kích và chừng 350 hình sự lưu manh, tất cả trại trên 500 người.

Trong một cái trại hơn 500 người tù, như một cái xã hội thu nhỏ. Trước đây ở các trại giam khác, cuộc sống lao tù thật đơn điệu, ngoài những chuyện đục, cưa, bào, xẻ, tắm rửa, ăn uống con cá, lá rau. Mà cũng không có con cá lá rau mà bàn, cho nên khi có một chuyện gì đặc biệt một chút, cứ ghé tai truyền miệng nhau, trong một ngày là cả trại đều biết. Cái tâm lý khao khát, tò mò, muốn biết chuyện lạ trong một nơi cùng khổ, nó đòi hỏi ghê gớm lắm.

Thế mà cái chuyện tự tử của Lưu Nghĩa Lương, cắt tay máu chảy có dòng xuống sàn dưới, cứ im thin thít như thịt nấu đông. Càng suy nghĩ, càng thấy cái sức ép ngầm của cộng sản, khủng khiếp thật.Tôi thấy cuộc sống như thế thì sống làm gì, tôi không chịu được nữa.

Tôi bàn riêng với Chăn, mình phải chịu trận trước, rồi sao cũng được! Thế là ngày thứ Bảy cuối tháng 5, Chăn và tôi đường hoàng ở trong sân khu F3, hai người đứng riêng ra một góc sân, đi đi, lại lại, tâm tình nhỏ to chuyện trò. Ngay buổi chiều hôm ấy Trương Bá Ngữ và Vòng A Cầu được gọi ra khu giám thị về, yêu cầu F3 (mộc, xẻ) sinh hoạt có cán bộ Dương Đình Thắng chủ trì, để truy bức 2 người, Lầu Chí Chăn và Đặng Chí Bình chống phá và vi phạm nội quy.

Rất nhiều anh em thân quen lo cho chúng tôi, thế nào cũng phải đi kỷ luật và hạ mức ăn. Như trên tôi đã trình bày, nếu có phải đi kỷ luật, chúng tôi đồng ý chấp nhận. Khoảng 4 giờ chiều tên Thắng vào hội trường khu F3, gọi cả người ốm, bệnh ra hội trường sinh hoạt. Sau khi gần 100 người tụ tập đông đủ ở hội trường, tên Thắng mặt lạnh như tiền ngồi chủ tọa, có Nguyễn Xuân Sang toán phó (mộc) ngồi ghế bên cạnh ghi biên bản.

Để cho một phút mọi người im lặng trong không khí nặng nề, tên Thắng gằn giọng nhìn tôi và Chăn.

– Anh Bình và anh Chăn hãy đứng dậy!

Tôi và Chăn đều đứng lên một cách miễn cưỡng, xa nhau 5, 6 người; tên Thắng cũng đứng lên và cao giọng :

– Sáng nay, những ai đã trông thấy hai anh Chăn và Bình nói chuyện riêng ngoài sân?

Có hơn chục cánh tay chậm chạp đưa lên. Y quay lại Chăn và tôi vẻ hằn học:

– Hai anh ngang nhiên chống phá và vi phạm nội quy một cách trầm trọng; hôm nay tôi cho phép tổ, toán hãy mổ xẻ, phân tích phê bình giúp đỡ để hai anh, thấy được mức độ sai trái của các anh.

Một anh tôi chưa quen đầu cắt cao, mặt hơi tròn, giơ tay xin nói. Còn 2, 3 người nữa cũng giơ tay xin phát biểu, qua nét mặt và thái độ, tôi thấy còn mấy anh nữa cũng còn muốn giơ tay. Tên Thắng chỉ tay cho anh mặt hơi tròn, đầu cắt cao phát biểu trước. Giọng anh hơi khàn, nhưng thái độ thật mạnh bạo:

– Thưa cán bộ, ngay trước mặt mọi người anh Chăn và anh Bình, đường hoàng rủ nhau ra một chỗ vắng, để nói chuyện riêng. Như vậy là các anh đã coi thường nội quy của trại và đã bỏ ngoài tai, lời cán bộ mới nhắc nhở nửa tháng trước đây.

Tên Thắng gật gật gật đầu, có vẻ thoải mái, y chỉ tiếp một anh khác đã giơ tay. Anh này người nhỏ bé, mặt hơi gầy gầy, tôi cũng chưa biết tên. Giọng anh nhỏ nhẻ, từ tốn:

– Thưa cán bộ, sáng nay tôi thấy hai anh thì thầm, to nhỏ ở chái hội trường, trong khi toàn buồng không một ai nói chuyện với nhau mà không có từ 3, 4 người trở lên. Tôi nghĩ rằng anh Bình và anh Chăn là thợ giỏi, thường đóng hàng cho cán bộ, mới dám ngang nhiên như thế. Tôi đề nghị các anh phải hoàn toàn chấp hành, nội quy của trại.

Thấy còn một số anh em nữa định phát biểu, tôi thấy không có gì khác hơn, nên tôi giơ tay xin nói. Tên Thắng và một số anh em có vẻ hơi ngạc nhiên, cuối cùng tên Thắng vẫy tay đồng ý cho tôi nói. Tôi nghĩ rằng cứ thong thả mềm dịu là tốt nhất, tôi nói với một thái độ nhã nhặn:

– Thưa cán bộ và toàn thể anh em trong buồng F3. Trước hết tôi phải cám ơn cán bộ và các anh em đã có buổi họp này, để giúp đỡ chúng tôi. Tôi thấy rằng không gì bằng là tôi xin trình bầy hết những suy nghĩ trong lòng tôi. Ở bất cứ tập thể nào đều cũng có nội quy, nhất là ở trong trại giam. Vì ý thức như thế, nên tôi đã có 10 năm ở trại giam rồi, tôi chưa hề vi phạm hoặc khi nào chống đối nội quy, từ ở Hỏa Lò, phân trại E rồi K1, cho tới K3 này.

Từ khi cán bộ ra chỉ thị: “Hai người nói chuyện, không có người thứ 3 nghe thấy, là phạm nội quy”. Từ ngày ấy hơn một nửa tháng nay, khí thế lao động, hăng say sản xuất của F3 đã giảm thấy rõ ràng (vì lý do khác, nhưng tôi cứ níu kéo vào đây để bảo vệ, để tăng cường cho ý kiến của mình) đã gây ra một không khí căng thẳng và anh em rất khó thực hiện được chỉ thị của cán bộ trong lao động .

Bây giờ một cặp xẻ, mỗi khi phải bàn nhau một điều gì khi gặp trở ngại về nghề nghiệp, lại phải gọi một người thứ 3 đến chứng kiến hay sao? Một cặp quai bễ lò rèn cũng vậy. Tôi và anh Chăn đang đóng một cái giường đôi đặt, cho ông Cửu (Giám thị K 3) chúng tôi đang gặp khó khăn nghề nghiệp, nên anh Chăn và tôi rất băn khoăn, ăn ngủ không yên (điều này tôi đã nói với Chăn trước). Chúng tôi sáng nay đang thảo luận với nhau sao để thứ Hai này, chúng tôi giải quyết cái giường ấy cho ổn.

Vả lại, 10 năm ở trại giam, tôi chỉ học thuộc và thi hành 4 tiêu chuẩn cải tạo, và 6 điều nếp sống văn hóa mới, mà thôi. Tôi chưa thấy cái nội quy nào như trên cả.

Trong khi tôi nói đến chỗ bàn nhau đóng giường, anh Chăn cũng giơ tay thừa nhận, tôi nói là đúng sự thật.

Tên Thắng sạm mặt xuống, trong khi anh em mặt lại tươi lên, mắt các anh sáng lên nhìn tôi. Tên Thắng đứng lên định nói gì đó… Thì cũng là lúc tiếng kẻng giờ lấy cơm, nên tên Thắng xua tay nghỉ buổi họp. Đặc biệt, không phải đọc lại biên bản sinh hoạt buổi họp như mọi khi. Anh chàng Vòng A Cầu của toán xẻ và may cứ nhìn tôi cười. Ngay buổi tối hôm đó, cái anh người nho nhỏ, mặt gầy đã đến nói chuyện với tôi và Chăn, tỏ vẻ hãy thông cảm. Tôi đã bắt tay anh và vồn vã thăm hỏi anh, được biết anh là Thân Văn Kính, án chung thân. Toán của anh là PEGASUS gồm 6 người. Ra Bắc 20/2/1963. Địa bàn hoạt động thuộc Lạng Sơn. Toán gồm có:

1. Thân Văn Kính, Toán Trưởng;

2. Hứa Viết Cóc, Toán Phó (Tử trận, trong chiến đấu ngay khi đổ bộ);

3. Lương Văn Phổ, Truyền Tin, không rõ từ 12/72;

4. Bành Viết Kim Toán viên, chết ở trại QT;

5. Hà Văn Thưởng Toán viên, bị tử hình trong một vụ trốn tù ở Yên Thọ;

6. Hoàng Văn Vân, chung thân, hiện ở Atlanta.

Sau đó, cái mặt anh hơi tròn, đầu húi cao cũng đến nói chuyện với chúng tôi, ý nói anh phải tỏ ra tiến bộ nên phát biểu vậy. Tôi nói là rất hiểu, không sao đâu. Và tôi thăm hỏi về toán của anh. Được biết anh là Bùi Văn Ân thuộc toán Bart. Gồm 5 người, ra Bắc 4/6/1963, địa bàn hoạt động thuộc tỉnh Nghệ An. Toán của anh gồm có:

1. Bùi Văn Ân toán trưởng, hiện ở Oregon;

2. Đinh Văn Chúc, chết ở Gia Kiệm, Sài Gòn (về nhà chết);

3. Nguyễn Khắc Định, chết ở Rạch Giá (được tha về chết);

4. Nguyễn Văn Tập chết ở Gia Kiệm (tha về mới chết);

5. Trần Văn Thành chết ở trong tù.

Khoảng cuối tháng 5/72, hơi chéo phía trước trại giam K3 đã dựng rất nhanh 4 cái nhà con, do nhóm làm nhà của Vòng A Cầu làm. Mỗi cái chiều rộng chừng 3m, chiều dài khoảng 4m; đề những con số to 1, 2, 3 và 4 mầu đen, phía ngoài vách nứa. Chúng tôi trong trại nhìn ra, cũng như khi đi làm qua, không hiểu chủ trương 4 căn nhà đó để làm gì? Chừng vài ngày sau, khi đi làm ở lán thủ công, lại nhìn thấy ở sân ban giám thị K3, có một chiếc xe bus rất to và dài. Có nhiều người mặc thường phục, ra vào mấy cái nhà to, của khu giám thị.

Ngày hôm sau, khu F3 tập họp đi lao động, cán bộ trực trại gọi 4 người ở lại để gặp cán bộ là

– Đặng Công Trình, – Thân Văn Kính, – Lê Văn Bưởi, – Lý Văn Chung tức Ngô Quốc Chung.

Chúng tôi đi làm, ai cũng băn khoăn không hiểu thế nào? Mãi trưa hôm ấy đi lao động về, tôi tìm mọi cách để hỏi thăm các anh. Anh Ngô Quốc Chung, rất kín đáo, ngại ngần. Anh nói cán bộ dặn tuyệt đối về trại, không được nói với bất kỳ ai, buổi gặp cán bộ hôm nay : không nói một điều gì với bất cứ ai đến thăm hỏi, nếu không anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cuối cùng tôi không hề biết một tí gì. Những ngày sau đó, tôi tìm hiểu được biết sơ lược về anh.

Anh bị mất một mắt ở điểm nhẩy ngày 4/7/1963, anh là toán trưởng toán PACHER. Địa bàn hoạt động thuộc Lào Cai. Toán anh gồm 5 người:

1. Lê Văn Can, hiện nay không biết;
2. Phạm Quang Cảnh, ở lại miền Bắc;
3. Vàng Văn Chương, không rõ từ 12/72;
4. Đỗ Văn Thảo, không rõ từ 12/ 72;
5. Riêng anh Ngô Quốc Chung, sau này do giấy tờ lằng nhằng, ghép chuyện vợ con nên phái đoàn Mỹ từ chối, không thể đi HO. Hiện nay anh vẫn ở VN, không rõ sống hay chết. (Mới đây, đầu 2004, tôi được biết anh Chung đã được đến Mỹ, nhưng tôi chưa có dịp nói chuyện với anh).

Tôi thăm hỏi với anh Thân Văn Kính cũng nhã nhặn từ chối (anh Kính chết 3/5/2000 do bệnh ung thư ở Atlanta). Mãi tới hôm đó tôi mới gặp được anh Đặng Công Trình, anh đã hiểu tôi nên anh tin, mới cho tôi biết:

– Họ có vẻ là cán bộ của bộ, rất hòa nhã, lịch sự, mời thuốc lá uống trà; đàm đạo như bạn bè. Cán bộ chỉ hỏi thăm sơ về toán ra Bắc bao giờ, nhẩy ở đâu v.v… Đặc biệt họ rất quan tâm : ở những trại nào? Bị cùm kẹp ra sao? Có cán bộ nào ức hiếp? Hiện giờ có khỏe không? Có bệnh tật gì không v.v…

Anh Trình có cảm tưởng cán bộ đó là người của phía bên mình, tức là của chính quyền miền Nam.

Sơ lược tôi biết về toán anh Trình: tên toán SCORPION. Toán của anh gồm 7 người:

1. Nguyễn Xuân Phương, toán trưởng không rõ từ 12/72;

2. Nguyễn Văn Chỉnh, toán viên hiện ở TX Hoa Kỳ;

3. Nguyễn Văn Khải, toán viên không rõ từ 12/ 72;

4. Vũ Đình Nghị, toán viên chết ở trong tù trại QT;

5. Nguyễn Văn Thưởng, toán viên, hiện ở TX Hoa Kỳ;

6. Đinh Quý Mùi, anh này không về K3 phố Lu, Lào Cai.

7. Đặng Công Trình, toán phó, án chung thân. Anh đã chết ngày 21/8/1996 lúc 11 :30 AM tại Cali, do bị tai biến mạch máu não. Toán anh ra Bắc ngày 17/6/1964, địa bàn hoạt động thuộc Yên Bái.

Còn anh Lê Văn Bưởi, cũng nói như anh Đặng Công Trình, anh Bưởi là người đi lẻ (điệp viên) như tôi. Tôi đã trình bày chi tiết về anh ở tập 3 Thép Đen. Một điều đau lòng là, anh Bưởi đã chết ở NY (Hoa Kỳ) ngày 27/10/1995, sau khi anh sang Mỹ diện HO được 3 năm. Tôi đã đến thăm mộ anh ở NY năm 1999. Anh Lê Văn Bưởi chết vì bệnh ung thư màng óc. Vợ con anh còn ở Đà Nẵng, Việt Nam.

Cuộc đời đã thể hiện như Cụ Nguyễn Công Trứ hiểu: Rút cục lại mỗi người, riêng mỗi kiếp!

Rồi từ đấy, buổi sáng, buổi trưa, mỗi ngày 2 lần, họ lần lượt gọi các anh ở F3; cũng có khi gọi F1, F2 có cán bộ vũ trang đi kèm sát ra tới các buồng con. Mục đích họ không cho F1, F2, có thể liên lạc được với F3 phía bên ngoài.

Một buổi chiều chủ nhật, chúng tôi đang ngồi tụm ba, tụm năm, ở hội trường, vừa hóng thở một chút không khí trong lành, vừa chờ kẻng cơm chiều. Bỗng nghe thoáng mấy tiếng gào thét, phía căn nhà số 3 bên khu hình sự. Nhiều người chúng tôi, đều tiến ra cổng khu F3 nhìn sang. Cửa nhà số 3 vẫn khóa, bên ngoài cửa, ngay ở dưới sân có 2 em hình sự chừng 18, 20 tuổi bị trói giặt 2 tay ra sau lưng, đang lăn lộn khóc, rên la. Hai tên công an thỉnh thoảng lại đá rồi đạp cả hai em hình sự nằm dưới sân, các em kêu gào thảm thiết. Trong khi còn một tên CA nữa đang cầm một đoạn gỗ như cái cán xẻng, thẳng tay giáng xuống 2 cái tay, thò ra ngoài chấn song của cánh cửa, bị khóa cái còng số 8. Tiếng hét ré lên:

– Gẫy, đứt tay của con rồi! Con lậy ông cán bộ!

Những tháng trước đây, nhiều ngày, tôi cũng có nghe thấy những tiếng la thét phía bên hình sự, đêm cũng như ngày, nhưng tâm trạng của tôi khi ấy : chính mình cũng chưa biết khi nào về lòng đất, huống chi chuyện thiên hạ, chuyện của đời, xin mặc cho đời; tôi không còn quan tâm. Nhưng hôm nay, đứng nhìn cảnh này, dạ tôi xót xa đầy vơi, tâm tư triền miên trong niềm sầu tê tái. Tôi chợt nhìn thấy mầu đỏ ối ở đôi tay bị khóa ở cửa, mầu đỏ loang lổ cả dưới đất. Ba tên công an VC tụm lại nói gì với nhau, rồi cùng hè nhau đá, đạp túi bụi vào hai em đang nằm dưới sân, một giọng khàn khàn rên rỉ thốt ra ngay trong đám anh em:

– Đừng đánh nữa! Người ta chết mất!

Rồi một người nữa, nói như than van trong nghẹn ngào:

– Cùng đồng bào, sao mà ác nghiệt thế!

Tôi quay lại, ra bác Dâng, mặt bác mếu xệu như khóc. Trong khi một tên CA, hung hãn một chân đứng trên ngực, một chân gi gi trên mặt một em nằm dưới đất : Không còn tiếng rên la, tôi đã thấy mầu đỏ, chảy ra loang lổ. Một tên CA quầy quả vào phía trong, rồi y cùng với tên Đại y tá trở lại, khênh cả hai em khuất về bệnh xá. Hai tên CA còn lại, mở cửa buồng, mở khóa tay, em hình sự cũng đã bị ngất xỉu, chúng khênh em ra để ở sân. Một tên khóa cửa buồng, rồi cùng đi theo, khi chúng khênh em bị xỉu dưới sân, khuất vào phía trong.

Tất cả chúng tôi, mặt người nào cũng buồn rười rượi, tôi kéo tay anh Bưởi đi vào buồng. Cả đêm hôm ấy, tôi cứ thao thức mãi về một cảnh đời thương đau, tôi chứng kiến. Chỉ hai ngày sau, F3 chúng tôi được tập họp lại, bốn, năm tên cán bộ của Bộ vào tuyên bố : Từ nay chúng tôi được ăn chế độ bồi dưỡng, riêng về gạo tất cả đều ăn mức 18 kg. Từ đấy sáng cũng như chiều, ngày nào bữa cơm cũng có đủ thịt cá. Lại còn được tuyên bố : cứ 5 ngày lại có một bữa liên hoan, có kẹo bánh, thịt cá ê hề.

Từ buổi chúng tôi chứng kiến cảnh CA đánh các em hình sự (không biết vì lý do gì), mấy ngày sau, tôi tìm cách đến thăm hỏi chuyện bác Dâng. Không ngờ đây là nhóm thủy thủ Hải Thuyền đầu tiên bị bắt ở miền Bắc. Nhóm của bác gồm 10 người bị bắt ngày 14/1/1962. Như thế nhóm của bác đã bị bắt trước tôi 5 tháng, khi ấy tôi còn ở Sài Gòn. Tôi tò mò để hỏi những người trong nhóm là đưa ai (điệp viên) đi, nhưng các bác chỉ nói một người chừng 4 chục tuổi. Tôi hiểu và thông cảm, làm sao các bác biết được tên tuổi người mà các bác đưa đi, cũng như tôi. Nhóm thủy thủ này gồm 10 người:

1. Bác Vy Văn Dâng, thuyền trưởng, đã đến Mỹ, chết ở Sacramento.
2. Trần Văn Cương, Hiện nay (16-03-2004) ở San José.
3. Nguyễn Xuân Đình ở Los Angeles.
4. Lê Văn Đức, không rõ từ 12/ 72.
5. Nguyễn Xuân Hạ, chết ở Cali tháng 12/ 1995.
6. Trần Văn Nhung ở Sacramento.
7. Hoàng văn Sỏi ở Sacramento.
8. Đỗ xuân Thành ở Sacramento.
9. Nguyễn Văn Trình, không rõ từ 12/ 72.
10. Nguyễn Quốc Tuấn , không rõ từ 12/ 72.

Sau nhiều hiện tượng, thái độ của các cán bộ của Bộ, của trại và trao đổi một số anh em Biệt Kích, đã nhiều lần được gặp cán bộ của Bộ; rồi chính bản thân tôi đã phải gặp họ 2 lần, tôi đã dự đoán được ý đồ và chủ trương của họ. Vì chưa đủ yếu tố để khẳng định, cho nên tôi phải dùng từ “Có Thể”: có thể họ đang chuẩn bị để rồi sẽ ký hiệp định Paris đã dằng dai mấy năm rồi, nên họ dành quyền chủ động trước.

– Những đám BK gián điệp này họ không hề muốn trao đổi, hay trao trả cho phía Mỹ và VNCH. Như thế có khác gì thả hổ về rừng, để rồi phải lo hậu họa? Với những điều khoản của Hiệp nghị, có thể họ không thể lắt léo, chuyển đổi lập lờ, đánh lừa nhiều khâu theo bản tính của họ (cộng sản) được. Vạn bất đắc dĩ phải trao trả những Biệt Kích gián điệp này, cộng sản phải nghiên cứu sao, để coi như đã cắt gân chân hết. Chúng có được về rừng, thì cũng chả còn làm gì được phiền toái, cho họ sau này.

Nguyên tắc bản chất của cộng sản là : bất kể kẻ thù nào, nếu ai hiểu được những hiểm độc, lật lọng, tráo trở của chúng, hiểu đến chừng mực nào; cộng sản nham hiểm, quỷ quyệt là 10. A hiểu cái đó đến 4, B hiểu đến 3, C hiểu đến 7.Tùy theo để chúng có kế sách đối xử với từng loại. cộng sản kỵ nhất là ai hiểu hết cái tẩy đen của chúng.

Tướng, tá, chính khách, hay học giả uyên bác mà chưa hiểu hết tẩy của cộng sản. Không những chúng coi thường, mà còn tìm cách lợi dụng những điều chưa hiểu chúng. Nhưng một anh địa phương quân, một ông cha, một ông sư, hay một người bình thường dân dã, mà lại hiểu hết tim độc của cộng sản, thì chúng thấy nguy hiểm hơn, chúng kỵ nhất. Nó sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt, hoặc hóa giải. Nếu không được thì chúng tìm cách hạ uy tín, hoặc mượn tay của kẻ khác giải quyết v.v… cộng sản có trăm phương ngàn kế cuối cùng sao cho, ai chúng kỵ, cũng trở thành vô hiệu hóa.

Những người bộ gọi lên, bộ hành xử mỗi Biệt Kích mỗi kiểu, mỗi cách, mức độ khác nhau. Cá nào thì mồi nấy. Cán bộ hết sức nhã nhặn, bắt tay, vỗ vai coi như anh em một nhà, người cùng một nước. Nhẹ nhàng, khoét sâu những nhược điểm của Biệt Kích, gián điệp, của xã hội miền Nam, của Mỹ (xã hội nào, cá nhân nào chả có nhược điểm, chỉ ít nhiều và loại nhược điểm khác nhau).

– Anh bị cùm kẹp, tù đày bao nhiêu năm? Như thế thật tội nghiệp cho anh!

– Anh mất hết cả tuổi trẻ, tuổi hoa mộng! Anh thật may mắn, được sống sót đến ngày nay.

Y hỏi với thái độ và đôi mắt thật thương cảm; rồi y nhấn mạnh:

– Người đau khổ hơn cả là cha mẹ anh, vợ con anh v.v… Có khi nào, anh suy ngẫm, truy nguyên là do đâu không? Anh có biết hiện nay, những tên đã dạy anh, cấp chỉ huy của anh, chúng nó bây giờ ra sao không? Không những họ đã quên các anh rồi ! Họ đào tạo xong một người, đẩy sang khỏi vĩ tuyến là lĩnh thưởng, lĩnh lương, hết trách nhiệm!

Trong khi Mỹ vẫn đài thọ lương năm, lương tháng của các anh, nhưng chúng đã lắt léo, tìm cách ăn chặn hết. Bố mẹ, vợ con của các anh vẫn khổ cực, lầm than. Vẫn phải chạy chọt cuộc sống, miếng ăn hàng ngày kết hợp với niềm thương nhớ, cùng với bao nhiêu nước mắt vì anh. Nói đến đây, thì hẳn anh đã nhận ra, cái nguyên nhân rồi?

Nếu chính quyền miền Nam, cán bộ miền Nam không hề ăn chặn lương của Biệt Kích gián điệp. Sự khêu gợi này đã làm cho chúng tôi phải suy nghĩ nhiều rồi. Huống chi, trong muôn một lại có hiện tượng, một số cán bộ ở Long Thành hoặc ở khâu khác, tìm cách ăn chận. Thậm chí còn lường gạt những người vợ trẻ, khi đi lĩnh lương của chồng là Biệt Kích, mới cưới bị bắt ngoài Bắc. Đem vợ con của người ta đi hết khách sạn này đến khách sạn khác. (Sự việc này có thật, người thực, việc thực, tôi chưa muốn nêu tên) .v.v… Sự khích lệ này càng càng hữu hiệu thần kỳ. Chúng biết chỗ mạnh của chế độ tư bản, tự do; chúng cũng biết và biết rất rõ những cái nhược của chúng ta.

Cái nhược điểm nội tại, nghĩa là có cái chế độ dân chủ tự do dân quyền, là có cái nhược điểm đó rồi. Nhất là tính giác ngộ về dân chủ, của người Việt chúng ta chưa cao đầy đủ như dân các nước, đã văn minh. Tính kèn cựa, bè phái, cá nhân, đố kỵ. Cái tôi to tướng, trâu buộc ghét trâu ăn, cục bộ, mầu cờ sắc áo, tín ngưỡng v.v. . . Đám BK gián điệp này, bất đắc dĩ bất khả kháng, chúng phải để họ về miền Nam. Họ không quậy phá, trở thành cái nạn kiêu binh, mới là lạ.

Chưa hết, cộng sản còn phòng hờ nhiều tầng, nhiều khâu. Gần về cuối, những tên cán bộ của bộ, còn có cái trò:

– Anh đã thấy được cái tồi tệ của những kẻ tay sai cho đế quốc, thực dân mới. Vậy anh phải có trách nhiệm với dân tộc Việt Nam, với cách mạng. Nó tìm một vài cái ưu của mình để lôi mình vào cái thế không đồng ý, không gật đầu không được. Khi ấy cán bộ của bộ, mới đi vào chi tiết:

– Như anh đã đồng ý (nó coi như mình đã thỏa thuận), khi anh về với gia đình, về tới miền Nam; anh phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ cách mạng. Vậy bất cứ sau này (không kể thời gian nào) có một người đến với anh thì anh phải giúp đỡ? (Tất nhiên, lúc ấy anh nào cũng phải đồng ý).

Bấy giờ cán bộ mới nói:

– Làm sao khi ấy, để người cán bộ đó biết anh và để anh biết người cán bộ đó là người của nhân dân, của cách mạng? (đến đây, ai chẳng ngắc ngư, lúng túng).

Lúc đó y mới nói, cứ như vừa tìm ra một cách:

– Anh hãy viết vào một mảnh giấy này bất cứ điều gì, rồi anh ký tên. Sau này, bất cứ ai cầm mảnh giấy này đến gặp anh, thì đó là người của cách mạng. (lại lúng túng, không biết viết gì).

Cán bộ lại gợi ý như:

– Chẳng hạn anh viết: Hẹn anh ngày 20, hoặc tôi vẫn nhớ đến anh v.v. . . Rồi anh ký vào. Mục đích sau này, anh vẫn nhận ra đó là mảnh giấy, của chính tay anh đã viết.

Tôi hiểu, cộng sản cũng hiểu, với đám BK gián điệp này không phải ai cũng tin, cũng mắc. Dù rằng cộng sản đã lấy cứu cánh là phương pháp ngăn cách ra, hỗ trợ:

– Tuyệt đối anh không được nói với ai, chỉ có anh và tôi, nếu sau này không đúng, anh sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. (Khi còn trong tay chúng, thì 5 cái từ này có uy lực ghê gớm).

Nhưng “Nó lú lại có chú nó khôn”, phòng hờ có những tên biết rõ âm mưu của chúng đi nữa. Nhưng qua thăm dò (do những tên chó săn) đã thấy hữu hiệu, khi BK còn trong đang nhà tù. Thực thế, nó úp úp, mở mở, anh nào cũng lên gặp riêng cán bộ, có người nó đưa cho cả bao thuốc lá, gói trà thơm v.v. . . Thậm chí cả tiền: 5, 3 đồng bạc, nó gây ra ngay trong anh em BK gián điệp đã nghi ngờ lẫn nhau. Còn ở trong trại giam đã thế huống chi, khi về miền Nam tha hồ tố khổ nhau v.v. . . Những gián điệp biệt kích, khi đó quay ra chống nhau, làm rối loạn, phá ung thối xã hội miền Nam.

Nhất cử lưỡng tiện, không những không phải lo chúng thu tập những kinh nghiệm đã có với lòng căm thù cao hơn gấp bội, so với ngày chúng ra Bắc trước đây (ý này của Lê nin) một kẻ thù sau khi bị bắt xổng ra, nó sẽ căm thù ta, lên nhiều lần hơn.

Mới chỉ hơn một tháng bồi dưỡng ăn uống, tuy không nói là đầy đủ, nhưng không còn đói nữa. Hằng ngày, nhìn nhau anh nào cũng lên cân, lại sức trông thấy. Cũng như một cái cây, lâu ngày cằn cỗi vì thiếu nước, giờ đây tưới bón đầy đủ thì nó lớn trông thấy. Hơn nữa, cái tinh thần mới quan trọng, mỗi người biết bao nhiêu hy vọng, huy hoàng mơ mộng, xây đắp mộng ngày mai, cho nên trông ai cũng mắt sáng long lanh, da dẻ hồng hào trở lại. Cụ thể nhất là Lầu Chí Chăn (Người Nhái) hay Đèo văn Bạch anh nào cũng to lớn khác thường.

Qua phương cách bí mật liên lạc với trong F1 và F2 chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng có phần khác với F3, chúng tôi được biết, trong F1 và F2 mỗi người được phát một cái khăn mặt, một bàn chải và một tuýp thuốc đánh răng. Trong khu lại có lược, kéo, dao cạo, tông đơ để cắt tóc cho nhau. Bên F3 hoàn toàn không có những thứ đó. (Hẳn ai cũng biết vì sao rồi).

Chiều hôm qua Chăn gọi tôi ra hội trường F3 nói chuyện, tâm sự (hai người chuyện trò, không còn ai để ý nữa). Từ cái buổi sinh hoạt toàn buồng để tố Chăn và tôi. Cũng có thể là do đúng lúc tuyên bố chế độ bồi dưỡng, nên mới cởi mở thế chăng? Chăn và tôi đang nói chuyện, Nông văn Hính cũng kéo đến rồi cả Lưu Nghĩa Lương nữa. Chúng tôi pha trà để câu chuyện thêm ấm cúng, Lầu Chí Chăn hỏi nhỏ:

– Tại sao F1, F2, lại có chế độ bồi dưỡng khác chúng ta? Anh có đoán ra không?

Đắn đo một lúc rồi tôi cũng nói:

– Chăn hỏi thế thì tôi cũng tịt thôi, nhưng tôi cứ dự đoán, chả biết có đúng hay không?

Chăn, Hính, Lương đều khích lệ:

– Cứ nói đi! chả đúng cũng không sao?

Thấy anh em ủng hộ, khích lệ tôi cũng nói đại :

– Đã gần một tuần nay, tôi cứ suy nghĩ về điều này mãi, lối nào cũng có mâu thuẫn, nên lại phải gạt đi. Chỉ còn hướng này có khả dĩ tạm thời chấp nhận. Hầu hết anh em Biệt Kích ở F1, F2 so với chúng ta đều là người mới.

Họ ra Bắc từ 1965 trở đi, thậm chí có toán mới năm 1967 vừa đây. Như chúng ta đã biết mánh khoé cộng sản : “cá nào, mồi nấy”. Những người ra sau, mới tù ít, chưa hiểu hết cái đểu giả, độc hiểm, trắng trợn, muôn mầu đổi thay của cộng sản, như chúng ta nên họ mua kiểu khác. Người nào hay loại nào đã hiểu hết cái độc hiểm của chúng, thì chúng không cần mua nữa, chỉ có thủ tiêu hay giết.

Cả ba người đều gật gật đầu, Hính nói :

– Anh Bình nói có lý đấy! Nhưng tại sao nhiều người cứ bị lừa mãi?

Nói về sự nham hiểm, lừa lọc của người cộng sản; tôi nhớ đến lời của Đức Khổng Phu Tử xưa có nói với học trò: “Lý luận mà không giản đơn, hoặc phải lấy thí dụ cho người khác hiểu, thì chính người đó không có khả năng”.

Vậy tôi xin trình bày thế này:

– Nói về cái tài lừa lọc gây chia rẽ, chọc vào những huyệt mâu thuẫn, của từng loại người thì không ai bằng Việt cộng. Nó nguy hiểm ở chỗ; người bị mắc lừa ở mức độ, khác nhau mà vẫn không biết.

Tôi xin thí dụ:

Ngay cá nhân với cá nhân, giữa anh A và B, do mồm mép, tâm lý thu phục tình cảm. Nghĩa là do cái tài che giấu của anh A đã làm cho anh B thương cảm, tin tưởng để rồi A đã làm một cú lừa ngoạn mục đối với B. Như vậy sau này, đừng hòng bao giờ dùng miệng lưỡi, dùng phương pháp này nọ mà anh A lừa anh B lần thứ hai.

Thế mà, xin các anh hãy nhìn bằng sự thật, việc thật, hãy nhìn ngay vào quê hương đau khổ, mộc mạc của chúng ta:

Từ cái thời Sô Viết Nghệ Tĩnh 1930, thời mặt trận Bình Dân, với tờ báo Le Travail ở Hà-Nội, ta cũng không bàn đến vì xa quá. Hãy nói từ cái gọi là Cách Mạng Tháng Tám 1945, chính phủ liên hiệp với bao nhiêu thành phần quốc gia. cộng sản gây mâu thuẫn xúc xiểm giữa những thành phần quốc gia với nhau. Phần khác, chúng bí mật thủ tiêu, nhưng nó lập lờ đánh lạc, để rồi những đảng phái, đoàn thể nghi ngờ lẫn nhau. Cuối cùng cộng sản đã lừa được biết bao nhiêu người. Rồi diễn tiến cho tới hội nghị Genève 20-7-54. Một nửa nước bị lừa, điển hình là ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ, đương kim thị trưởng thành phố Hà Nội. (xin xem TĐ 3, tôi đã trình bày).

Rồi qua trình diễn tiến đến hiệp nghị Paris 27-1-1973, cho tới khi mất nước, thì lại cả nước bị lừa. Đến bây giờ đây (tháng 10-2004) ở hải ngoại,

(mỗi lần lừa để có lý do mới, nào là những thành phần bảo thủ đã chết hết rồi. Ngày nay có nhiều thành phần trẻ, tiến bộ v.v…) hẳn quý vị đã thẩm nhận, ở mức độ khác nhau như thế nào rồi?

Như thế mà nhiều người vẫn coi thường cái tài lừa lọc, khích động, chia rẽ, gây mâu thuẫn, mua chuộc ở mọi thành phần của cS. Không thấy: về lọc lừa, nham hiểm, sắt máu thì cộng sản là sư tổ. Hơn nữa, thế giới tự do của chúng ta lại có quá nhiều cái nhược điểm nội tại.

(Cũng đã nhiều lần tôi đặt dấu hỏi: Mỹ, Pháp bị cho ăn mắm ngoé vì tiểu nhân với quân tử nên thường bị thiệt đã đành. Tại sao, cũng là người Việt mà chúng ta bị VC lừa nhiều thế, mà vẫn cứ bị lừa? Suy nghĩ mãi, chỉ có tạm thời chấp nhận: Thiên tính tự nhiên của người Việt dễ tha thứ, dễ quên hận thù, truyền thống “dĩ hoà vi quý”. Nhưng VC mang ý thức hệ cộng sản sắt và máu, ràng buồng trong một cái tập thể, chỉ có máu và máu, không có tình người).


 


1




2


3




4




Thép Đen 1



1. Cuộc Họp Đầu Tiên

2. Cuốn Sổ Tay Tai Hại…

3. Vào Ngành Tình Báo…

4. Nghiệp Dĩ…

5. Huấn Luyện Tình Báo…
6. Công Tác “Columbus”…
7. Những Chuyện Tình Báo…
8. Những “Vỏ Bọc”…
9. Thăm Giòng Bến Hải…
10. Chọn Điểm Đổ Bộ…
11. Sửa Soạn Lên Đường …
12. Bão Tố Ngoài Khơi…
13. Chuẩn Bị Chuyến Sau…
14. Chuyến Đi Định Mệnh…
15. Vào Đất Địch…
16. Đường Ra Hà Nội …
17. Gặp Z-5…
18. Linh Mục “A”, Nhà Thờ “X”
19. “Đuôi!!!”…
20. Kiếp Người, Kiếp Vật!…
21. Tài Liệu “M”, Đối Tượng Là Ai?
22. Lẩn Tránh…
23. Phó Mặc…
24. Lọt Vào Tay Địch …
25. Chấp Pháp Tại Hoả Lò…
26. Vẫn Trò Cân Não Trong Sự Sống Chết Tù Đày…
27. Cố Gắng Để Sống…
28. Những Vấn Đề … Mới
29. Trở Lại Địa Điểm Đổ Bộ…
30. Nguời Mong Không Gặp Người Gặp Không Mong
31. Nghĩa “Bình Xuyên”…
32. Phùng Văn Trí, đòn phép “phản gián”?…
33. Thủ Tiêu Trong Đêm…
34. Đổi Xà Lim, Bạn Tù Mới…
35. Người Nữ Tù Xà Lim II …
36. “Đòn Thù” Của Chấp Pháp và Những Cay Đắng Của Đời Tù
37. Chết… Hụt
38. Cái Giá Phải Trả của “Người Hùng Điện Biên”…
39. Mùa Đông Thứ Hai…
40. “…Thắng Lợi Bất Ngờ Của Việt Cộng” Miền Nam Đảo Chánh
41. Cái Chết Ám Ảnh Người Tù Trong Xà Lim “Án Chém”…
42. Chạm Mặt Tử Thần



BLACK STEEL

Author Dang Chi Binh

Translation by Robert C. Trando

Preface

Robert Trando translation of “Black Steel” of Dang Chi Binh has been rendered all the more timely by recent new stories concerning treatment of Muslim prisoners by American troops.

Black Steel shines a light on the manner in which the North Vietnamese Communists treated their prisoners of war from South Vietnam. It is a horrifying testimonial to men’s humanity.

Although “the story” is in non-fiction, there is no back, plot, or suspense. Once started, the reader will want to find out just how the gripping report winds up.

Bob Trando has done all us a great service. He has taken us behind a dark curtain that would otherwise remain impenetrable. It contains a bit of macabre humor that serves that serves to vouch for its authencity.

Let us hope that the American military will purchase few copies for those in charge of prisoners to whatever stripe. No one wants to mollycoddle enemy prisoners. Even so, there is no justification for treating fellow human beings like animals.

Neill A. Gardner

Introduction

In the cell of the Hoa Lo prison of the communist, the prisoner has his two legs locked on a cement platform 65 centimeters wide. The iron lock made of thick cold steel forged solidly to press down tightly on the person’s ankles. The two wrists are locked in the back forcing the prisoner to lie on his side. He has to slowly slide to the edge of the platform for his excretion needs, urine and feces splattered all around a pot on the floor.

Day in day out his two legs paralyzed, he lives in the fetid and moldy environment like an animal. He still has some freedom left for his mouth to swear, sob, scream or insult at will. Then, a monstrous tool, the symbol of the utmost communist democracy, the mouth lock is put to use. It is a steel apparatus having spring and bolts to close up the mouth of the victim so that he cannot anymore badmouth the regime, the leadership or screaming obscenities at Ho Chi Minh with the hope to be executed, ending an inhumane half dead half alive life. The Vietnamese communists are not in such a hurry that is why they have invented the mouth lock.

There is nothing “more precious than independence and freedom.” What a sensitive and miserable slogan!

* * *

Among the rows of cells, the prisoner has the visit of a tiny mouse as small as the small finger. In the cold cell, out of stone and steel, and the sweat and blackened dry blood on the cement floor, what else can attract that mouse? The mouse still slips in, and if caught he would jiggle free and still come back because out there in the freedom of animals he is hungry. In here, he still has the hope to get a few grains of rice from the chained and paralyzed prisoner. Each day the prisoner saves a few grains of rice for the four legs friend. It is his self-liberation, one bit of love for that unfortunate creature, showing that he is still living. The tiny mouse is guilty and the foot of the jail warden crushed him to death. In here, the prisoner does not expect any liberation, except by befriending a tiny mouse whose teeth he pulled off.

There is nothing “more precious than independence and freedom.” Is there any more vicious and terrible slogan?

* * *

Also in the Hoa Lo prison he has known a world famous prisoner who some years ago was the hero leading his company to plant the flag of victory on top of the commanding fortress of de Castries. He has infamously ended his life in Hoa Lo like any political prisoners. His crime was to have mistaken for truth what the communist say. It is not yet a crime. His crime is to have questioned that truth. This patriotic soldier from a bourgeois stock is typical fro may others whose dream is like a bubble bust and were found stitch in between what the party professes and what it does. They ended up crushed to bits without any echo. In Hoa Lo, the scariest thing is silence, silence in life and silence in death. The veil and the smell of a cemetery shrouded everything. The difference between life and death is sometimes the subdue breathing in cell number 7, unbeknown to anyone. How can you hear death when all those living devils surrounded you?

Though no one had recounted it, through the marks which are still vaguely imprinted on the stone surface, the prisoner know that in here sometimes Mr.s. Thuy An was locked. She was a famous writer, well known for the infamous death of the revolutionary Do Dinh Dao, who naively thought he was the patriot building up the regime. Many still have the same wrong beliefs. They are cadres, party members, the intellectuals, the common people, and the typical images under the magnifying lens of the microscope. They were all wrong.

* * *

The author does not err on the foundation of the system He had emigrated South after the Geneva accord. The Counter Intelligence Department, during the era of President Ngo Dinh Diem trained and sent him up North. He was a spy, one of those shadow fighters who had found the way to Ha Noi on a still unclassified secret mission. As soon as he had completed his work, they arrested him. It was in 1962, during which time in the South we are still very hazy on the real things up North, his eighteen years in jail gave him an unprecedented experience. He has lived and witnessed things with a very meticulous vision. The sites and spectacles that could have occurred in the mindset of an abnormal person, a terrifying movie that was set up and produced by a sick director, the whole and entire Vietnamese communist system, and at the real bottom of Hoa Lo, the jail life and the end result of the most scary inventions.

If the truth encompasses our imagination because we have wrongly estimated the value of the communist regime, wrongly valuate their madness and crazy disease. It is worthy to say that author Dang Chi Binh, be it his real or pen name, is not engaged in a terrifying race, it means that his not trying to create all the most dreadful details. The normal truth would be enough to scare the shit out of us. Author Dang Chi Bing is not a writer. He has never used a pen to write literary prose. And as he avowed clearly,” In any instances I am only a dumb, a defeated. I have nothing worthy to relate to others.” He is only intent to write a living testament for those who are still dragging their life in the Viet communist jails. He has to write to remind everyone that under the bright sunlight there is still a world of darkness, which is the inhumane Viet communist society. He wants to carry a small candle to bring light to the vicious devil territory, to close eyelids to the fallen ones and to massage the chest of those who are still bleeding in the lock-ups of the communist.

He does not want to write a literary piece, he only does it from his memory like pulling gradually the thread from a spool, from start to ending. It then makes things so scary to all of us. All the words he uses. His way of saying and seeing, and even the manner by which he makes the mockery of himself, all his writing reflects only one thing. He put down on paper what he remembers and thinks. Something in there makes you shaking at the way he recounted things so shockingly natural and real. More then twenty years have evolved. He calmly unthread the pool of his prison life…The scream, the noises of men torturing men, the sound of iron chain scraping the stone floor, and all the thunderous silence are still echoing at times, regularly with the pulled out thread of the dark days and months of a deadly place. He does not produce a literary piece but his literal expressions make us quiver.

* * *

Nevertheless, the most worthy thing to remember is not entirely the meticulous description of the devils’ country. Things that makes us astounded are not life in the darkness of death. The constant struggle of the man makes us all tremble. The most worthy to mention, and it is the most wonderful aspect of this memoir, is the resurrection of human innate nature within the world of devils. Even in Hoa Lo, the prisoners still realize at night there is still somebody trying to discretely help them. At times, it was only a brief inquiry or a compassionate sigh, or a bit of tobacco slipped through the door crack as blood coagulant… only the jail warden can move back and forth outside. Who was that person? The prisoner does not know, but he is aware that among them, there are still somebody keeping some bit of humane behavior and silently acting like as a human being. Just discretely, acting otherwise they would be fast changing position from the free outside to the silent environment of a prison cell. The Viet commies want to change humans into animals. The Ha Noi Hoa Lo is the best place for them to succeed. Nevertheless, in there the author has lived and witnessed the victory of humankind. “The communist is unable to taint red the souls of everybody.” That is his conclusion. He is right to the point. Because he can finish his job if only up North there are still people who keep struggling since the years 1960. There are those certain priest, a medical doctor, a young girl in her khaki pants and brown shirt…, and so many other unknown heroes who are still fighting secretly. Even the plain peasants who are the first victims of the system, they live and exist through the complete darkness and, still display enlightened acts of humaneness.
The fact that Dang Chi Binh, after spending all his youthful days in the world of animals, is back among us, wholesome, describing to us in his mocking but sincere words his own mistakes, along with his generous and appeased remarks on the bad behavior of mankind, is that not an wonderful feature? He returned from the grave. The liveliest thing in his memoir is that he feared of losing the human substance that he had seen lost at some other instances. That is why BLACK STEEL is a monumental masterpiece. It is not only big with the content, the details. It is so in the meaning humaneness of the author. Let us say our thanks to Dang Chi Binh who had struggled to survive, to evade and record for us the victory of humankind over the devils.

The above is the preface written by Dong Tien Publisher

Foreword

It never occurred to me that some day I would write the story of my life. In the context of my country, following the ebb and flow of life, I undertook the mission penetrating the enemy territory and I was caught. Therefore, in any instance I am dumb, a loser, having nothing worthy to tell. Moreover, a number of close friends always advised me against writing: “You better take care of your life first, you have suffered so much. If you strive writing it, your piece will share the same fate of others, those who wrote on their lives in the re-education camps. People would feel as banal without any urge to read. In this country, the young have to go to school and the adults are struggling with daily living. No one would care about your country of origin and its people. You’d better look for some other job, and that is the most useful thing for you.”

Actually thinking of my refugee status, I have to recognize the value of the advice they gave me. I rushed head on out to earn my living. During several sleepless nights, my heavy conscience tied knots to my entrails. I cannot find an inner peace with my country and my life, so many contradictory reflections on the birthplace and existence. All those things kept disturbing my inner self. The sounds of the jail gong ringing still haunt me like some invisible clamp squeezing me:

Hearing the phone ringing,
I feel jumpy as if it was the morning jail gong.


The image of the living skeletons moving about in the jail, the cold desolated tombs amid the jungles; the echo of the lengthy sighs interspersed with the mute screams in a never-ending dark night …; and the imploring eyes when I bid farewell to freedom, all is still haunting me. I have the conscientious thought that they all are screaming and supplicating me to write their living testimony.

I know that even though I am not that strong and talented. I am still much luckier than the unfortunates who are still in prison. That is why I bear the responsibility, the duty—if I might say—to close the eyelids of the fallen for the grand duty, the people and freedom; I must massage the chest of the ones who are clenching their teeth. Their bloody and confused lives were still in the chains and locks of the communist of Ha Noi.

I hope that this memoir will be a small candle among the other big ones illuminating the darkness of the inhumane system of the Viet communists. If I can lighten my small candle I would feel very happy to have somewhat fulfilled my responsibility toward the promised living testament.

As my last words, I only intend to loosen my pool of thread from start to end. For security reason I must change names and places regarding five or seven people. Otherwise, everything is real, real occurrences, real names still living in the country or overseas. For the sake of truth, please forgive me. Dang Chi Binh

One

The first meeting

On a late spring evening in 1959, there was so much wind. The rows of tamarind trees on street 16 swayed back and forth at each gust of wind. I watched clumps of dry leaves quivering in succession on the street like swarms of humming golden bees.

It was a weekday evening. The area around the Tan Sa Chau church next to the tomb of Bishop d’Adran is empty. From afar on Truong Minh Ky Street the flickering lights showed through, giving a hazy sight of a half shadowy half-glittering place. Looking from across the church, I saw in a dark corner some people like me expecting a certain person. Then at 8:16 pm, a civilian Jeep came from down street 16 to pull slowly to a stop under the shade of a tamarind tree farther from the church. The shadow of a man stepped down and moved toward the church. Not saying a word, we all understood that he was the person we were expecting. In the darkness, we saw that he was wearing a grey jacket and a soft woolen hat and he walked slowly to Father Khue’s office at the end of the church.

About 10 minutes later a small altar boy came out urging us to enter. After he asked Father Khue the permission to use one of the classrooms upstairs, the man turned to us, and with a thick Hue accent said,” Please go up.” In complete silence, we just orderly followed him. In the room, there were eight persons, including my uncle. Now I did not understand why my uncle was here. Most of us were young; my uncle was an exception not only due to his age but also due to his status like a politician. His presence seemed causing some uneasiness to the Hue man who watched him, half-quizzical and half-hesitant. I was sure that my uncle was aware of the situation and I saw him follow the Hue man to the balcony for some talk. After that, my uncle left.

I remembered clearly that more than a week ago my young brother came home interjecting: “Uncle Thuong needs to see you for some urgent thing.” Uncle Thuong is a respectable man not only for his high rank in the family but also for his knowledge and his extensive social relationship. After a few minutes inquiring about my schoolwork, through his bright eyes he suddenly said,” At present, the presidency office is setting up a special training class for about ten persons vouched by VIP’s. If that interests you I can introduce you as a candidate.” The months and years toiling in classrooms added to the practical view of real existence had molded in me a certain concept of life and the world: A boy was born in this life, grows up, gets married, has children, becomes old, sick and … he dies. Therefore, starting as nothing, he ends up as nothing, just clothes rack and a pot refilled with rice every day. The grandiose and fiery ideals of Nguyen Cong Tru attracted and impregnated my budding soul vibrating with the adventurous mind of a juvenile. I jumped at the opportunity offered by my uncle.

The next day he introduced me to Father Khue. The Father asked many questions on my family, my life and several other things regarding my conception of the society, the country and the people. He seemed very interested when my uncle indicated that since childhood I had practiced martial arts for many years. He nodded while watching me and said:” We have here a total young man with intelligence and strong body. I blushed at his remarks. On my way home, I asked my uncle whether he knew anything about the special class. In reality he is just a close friend of the Father having the opportunity to exchange with him ideas on politics, the present events, but as for this class he would not know any more than what I had heard from the Father.

The man from Hue came back, looked at me with sympathy, while opening his black briefcase he raised his eyes looking at us with solemnity and clearly stated. “You have been referred to this special training class. I feel very pleased and confident. As a start you are required to fill your personal dossier.” Handing out a stack of papers, he explained the contents and showed how to fill in the blank spaces. It is no different from any other personal file document. Out of the personal information, there were two additional things:

- input your thinking and expectation,

- Give the names of your three best friends, clearly indicate their age and address.

Nearly one hour later when we had finished our personal file he very carefully emphasized. (1) Back home you must tell your family and friends that you are ready to go to the training class of the Republican Youth. (2) You must be on standby, I will get in touch with each individual at the indicated address on file, and in any case, if you need to go somewhere you must let your family know of your whereabouts and the time of your return. (3) An intermediary referred you to us. I formally forbid you to say the result of your acceptance. If the intermediary asks, tell him only that you are still waiting.

It was 10:30 pm when we left. My uncle had also left. Father Khue came back to his room for prayers. I saluted the Hue man who walked to me saying,” Binh follow me to my car and we shall talk.” I was a little surprised but I realized at once that, might be my uncle or Father Khue had given some recommendations in my favor. When we reached street 16, he walked slowly at my side, intimately put his hand on my shoulder and inquired about my life, my class works, etc. Finally, he said,” I like you very much and feel very comfortable with you. Therefore I want you to introduce a close friend having the same ideal.” As a very enthusiastic young man, I felt very proud hearing that. I thought right away of Nguyen Vinh Ly, a very close friend, a Chasseloup Laubat School student. He just got his Baccalaureate certificate and nurtured the same expectation and dream. After writing down Ly’s address, he again put his hand on my shoulder and said with a very warm and sincere tone,” I’ll get in touch with Ly. Good bye, see you next time.”

On my way home and before going to bed I kept thinking of the scenario that evening in the church of Tan Sa Chau. Though not knowing a thing yet on the training class, all I have seen and heard during the previous evening plunged me deep in the expectation of a tomorrow. The next morning I rushed to Ly’s home in the Dakao area of Bong Bridge. I recounted to Ly all events of the evening and said that I had referred him to the man. Ly was very happy and asked a series of questions to which I did not have the answer, what is this class, where is the class, what do you study, how long does it last, what will you do after that? Ly was all joy. Because he trusted me, he just awaited for the Hue man to come. I added,” You deal with him and try to dig further so that you may know better.”

About ten days later Ly informed me of the meeting and that, he had completed his dossier. Ly had inquired on the man’s name but the man just told to call him Huong (it may be a false name). Ly did not know any more than what I was aware of.

We had to wait for more than a month, maybe the time to get the class ready for the training. In addition, they could have sent agents to investigate secretly each one of us. One day Ly rushed to my house very excited, telling me that Mr. Huong asked me to stay at his place tonight. The next morning (April 28), he will pick us up to class and we must bring along clothes for one-week stay. We were all very tense, speculating at length but still having not a single clue of the situation. We slept next to each other in a tight upstairs room: we talk, talk, and finally sank into a sleep awash with dreams on the future.

Two

A risky notebook…

The next day it was so beautiful. A few clouds hung leisurely on a perfect light blue sky. At exactly eight am Mr., Huong parked his car at the street corner and walked towards us (that was his normal cautious way). Each of us, one bag in hands, moved towards the car. A simple handshake, a faint smile, we quietly boarded the car. The car headed towards Bach Dang Quay, turned on Truong Minh Giang Street, on to the Jasmine Garden to pick up two more boys. With Mr. Huong we were five in total, the car was fully loaded. As the car swiftly headed for Cho Lon, no one would have a clear idea of where we were going. When we reached National Highway 4 to My Tho, one of us showing his cunning knowledge muttered. “We must be going to the Cay Mai School.” As I was ignorant of what they were teaching in Cay Mai, I glanced at him and he explained in low voice “the training for Police Intelligence.”

In reality, things did not work out that way. After reaching the Phu Lam crossing the car slowed down, turned into a closed steel gate with number 365 on it. Somebody waiting behind the gate, dressed in the traditional brown “ba-ba” garb rushed to open it. We went straight to a big building, got out of the car and followed Mr. Huong upstairs. There were already nine others there, among them I focused on a man about thirty five to forty years old while people in our group were only of the twenty to twenty five. In the big house, there was a large room, maybe the living room, with 14 military beds fully equipped with orderly arranged mosquito nets, blankets and pillows.

One man about thirty years old, wearing glasses, dressed in a light color pajama, came up. Mr. Huong introduced him as Mr. Lam, the supervisor who will be here full time with the group and ready to help in any eventuality. Smiling, Mr. Huong shook hands with all of us, and Lam too, was a Central Viet Nam man. Afterwards three more men also dressed in brown uniforms went up and they introduced them to us as the team in charge of the kitchen. They all talked with the Central accent. According to Huong and Lam, this is a group class needing a set of internal rules to ensure stable and smooth functioning. As a start, we must select a nickname for each of us. I will be J. or John, Ly K. or Karl, and we must address each other accordingly. There is strict limitation to go out. If someone asks, you only say that you are a group of students in economics and politics compelled to understand the doctrine of personalism. We borrowed this villa to study during the few months of summer vacation.

The villa is a two story sturdy construction with several rooms, surrounded by a brick wall, with barbed wire. According to people in the vicinity, it used to be the French Second Bureau and is now under the Presidency Office. Mr. Huong suggested selecting a group leader. Being all strangers (Mr. Huong certainly knew it and would have some purpose in the back of his head), how could we know the character and ability of each other? At the end, we picked the oldest among us. He was Dao. At meals and in the fridge there were always enough soft drinks, beer, lemons and sugar for us to enjoy at our discretion. We felt confident of a hopeful tomorrow. That night I went down to see the supervisor as instructed. He seemed quite impressed about me. As time went by, through the exchanges of thoughts, he treated me like his young brother. His name is Cao Dinh Tieu, he was a defrocked priest and had volunteered for the Army. I started to have some clearer information about the training class.

The next morning all fourteen of us boarded a fully covered Dodge 4 truck going to Saigon to no precise direction. We arrived at a colossal castle like building having two huge side gates without guards. In the courtyard, there were some geese noisily quacking on a lawn, amid flowers, as peaceful and tranquil as in a private residence? It is villa no 2 Jean Jacques Rousseau which I later knew was the house of former General Nguyen Van Hinh, the Chief of Staff of the National Armed Forces of the years prior to 1954. They guided us to a room on the right in where there were already Mr. Huong and a few other well-dressed persons. They got busy setting up table, chairs, and flags. The walls and the doors were sound proofed by thick leather cushioning. On one wall were displayed a big national flag and the framed photo of President Ngo above an urn burning incense exhaling aromatic smokes. All fourteen of us were sitting at the bottom row.

At exactly 9 o’clock, one person came in. We stood up at attention while the person went up the platform. After the traditional flag ceremony, the national anthem and the minute of silence, he watched the audience with bright sparkling eyes through his thick pair of glasses. With a heavy and thick Hue accent, he gave advice, at time with very compassionate nuance and at other times delivered orders with a stiff voice. “You are to become the future foundation of the country. You must do your utmost to study and perform, to be worthy of the love and confidence of the President. The President is tied up in a special inspection tour and is unable to be here today to witness the start of this special training class.” 30 minutes later, he left.

That afternoon, the assistant director Minh taught the doctrine of personalism. Then it was Mr. Huong’s turn to talk on communism. For the first time we saw two big photos 40x60 of Engels and Karl Marx. He quickly brushed the main traits of the communist doctrine going from the First International through the Fifth with Tito of Yugoslavia (of course from the standpoint of the free world). The chief of office of commerce, Mr. Tao taught Economics and Social Studies, and then Mr. Duc disserted on freedom and individuals…It was just a rough sketch of the program. Nevertheless, we have to write essays on topics like

- Men and society
- Communism and men
- Centralized economy versus free enterprise, etc.

We were free to consult all available publications. I must say that we first wondered why we had to study such subject matters. It took me more than a month to comprehend.

Every day we went to class in a fully covered truck. It came to my attention that the several sedan cars in and out of the place had their license plates covered. The people in those cars were mostly foreigners and they seemed very fast and discreet.

During break times, we wandered in the courtyard. However, when we were close to the gate the instructors waived us in, telling us that we could not go out “because they might take your photos.” Those things aroused our curiosity. I guessed this might be the place for international spies coming in and out. I wanted to know the real names of the instructors because they could have used false ones. For example, the teacher of personalism, Mr. Minh wears a belt having the initial K. During break times, Mr. Minh often called Duc as Thai. I wanted to know their real names and true jobs. Besides, I jotted down the license numbers of all cars going in or out of this No 2 address. I thought that if I came across with those vehicles anywhere in Saigon, the riders and the places could certainly suggest some spy activity. My weakness was that I recorded all those things on a small notebook that I carried all the time.

In class as well as for my homework very often they commended my pertinent thoughts. Director Huong showed his appreciation. Every week they permitted us to go home, from Saturday noon until Sunday night. Through daily conversations and activities, I knew that among the 14 young friends many got certificates of Baccalaureate 1 or 2. The majority was children of prominent persons, province chiefs or bureau chiefs. That is why Ly and I felt fully confident for our future. After about a month, I lost my small notebook. I looked for it everywhere and even asked Ly about it. May be, on the bumpy rides of a crowded truck, I had dropped it somewhere. Then I quickly forgot about it.

One evening, after doing away with my homework, I suddenly remembered about the notebook. I opened my suitcase, shuffling through the whole thing; I found a pack of Dai Quang fireworks stuffed in it. It is a special firework pulverizing into tiny scale like bits when exploded. I bought it at Tet and intended to save it until next Tet. Being a stubborn and rousing person, I picked out one piece. In front of Ly and the whole group, and with a lighted up cigarette dangling on my lips, I ignited it, still holding it in my fingers, I watch it slowly burning and exploding to show off my cool and stamina. They all thought that I was just kidding and no one tried to interfere. The explosion was so loud that everyone, including me was all white. The three cooks rushed up from down stairs, bewildered. They all helped us clean up the place. It was 10 pm and the supervisor was out. Glancing down to the street at the Phu Lam corner, I saw one MP and two police officers looking up and one of them took off North on his motorbike. I implored the three kitchen men not to report what had happened to the management.

Everyone went back to bed. I was fully disturbed, thinking that it would not be that simple. I reached out to Ly, whispering that I had the feeling that the situation could bear from the top down. Ly tried to calm me telling me to go back to sleep. I worried so much but very quickly sank into a profound slumber. Suddenly somebody shook me up. It was Cao Dinh Tieu, haggard, no glasses, hair unkempt, saying with his broken voice that I had to get dressed quickly and go down to see Mr. Huong. It was terrible! I jumped up at once. When I was half way downstairs I saw Mr. Huong and Lam, all ruffled, looking like just out of bed. It was 2 am. I looked at them with apprehension. What made me so sorry and shameful was that up to now the whole management and supervisory team always thought high of me. I bowed my head. It is certain Mr. Huong had inquired in detail with the cooks. Mr. Tieu did not know a thing, being absent that night. His first question was “Binh, do you know what date it is today?” I thought that his question was to get me aware of my serious mistake, and I just bowed my head, sitting quiet. May be as a 45 years old man he could have sympathized with the senseless impelling of a young man. He went on,” today is the 15th of May, the birthday of Karl Marx (that was why I saw the presence of one MP and two policemen out there). He went on,” Binh, do you know that you surprised so many places, including the Presidential Palace?”

As it was Karl Marx’s birthday, they had increased security to prevent potential increase of communist activities. If it were at any other location the police would have come in to investigate, and seeing that it was only fireworks, they would have written a ticket for a $20 fine. Here, the explosion came from # 365, which the MP as well as the police was aware that it was a government property. They would not dare enter to search. As the occurrence was under their jurisdiction, they must report to higher and higher echelon and it finally went back down to the school director. The faces of Huong, Minh and Tieu looked like the wrinkled hand of an old woman. I felt that my face was elongated more than half size. Mr. Huong slowly said,” I cannot use my prerogative to hide it, drawing suspicion from others. Tomorrow the police will be here to write report. We shall tell them that we have a group of student of personalism during their summer vacation. One of them had fun making a paper balloon and crushed it in a big pop which gave out such a loud noise in the building.” Mr. Huong asked Mr. Tieu to make the paper balloon and I had to crush it flat. The noise was loud but how could it sound like a real firework?

Now I wondered why Mr. Huong did not tell the truth. How can the police believe him? May be he was trying to protect me and he was doing his best for his own sake (how had he selected a student with such an erratic behavior?).Next morning, a police jeep with three persons including the police chief came in. They displayed a very polite attitude and showed that it was just a routine matter. They would not believe the whole story but they had to write a full report accordingly on the duty book. Afterwards Mr. Tieu scolded me so much. He had two mistakes, to have let things happen, and he was out of his post. He also frowned saying that as this location became uncovered we might have to move to another address. The stormy time was over; things became calm again! We went on with our class. Anyhow, I felt shameful and avoided to see Mr. Huong and Minh altogether.

More than one week later, at 6 pm, the cook asked me to go down to see the supervisor. When I entered his office, I saw on his desk a bottle of liquor. His face was all red and he seemed very sad. He nodded toward a chair and casually talked:

– Binh, did you have a small notebook?

My heart squeezed, I nodded yes looking at him with apprehension.

– Binh, do you know where it is now?

I cautiously said I had lost it more than half month ago and was unable to find it.

He suddenly turned back and stared straight in my eyes, his voice sounded firm,

“Now, it is at the President Office.!”

– Ha! Why did so many things happen to me! I was disoriented and scared. He added,” Who had introduced and vouched for you to be admitted to this class?”

– Father Mai Ngoc Khue.

He looked so sad and opened himself up:

“I have no young brothers. Since I know you, I like you so much and treat you like my young brother. I was in a more than two hours meeting. I used several arguments in your favor but there were limits to my prerogatives. They already decided on your fate. They will send you to Military Security. They will work you out and may be torture you. Now go to see Father Khue, may be he can use his reputation to save you.” He also asked whether I have some cash for a taxicab ride. Then he gave me $50 from his wallet. I had the feeling of sitting on a hot fire. I thanked him profusely saying that I had some cash on hand. When I was about to go, he pulled my arm asking,” Why have you recorded those more than ten license plate numbers, and the real names and titles of all the teachers?”

I displayed a long regretful face telling the truth that it was merely due to my curiosity. He rushed me to go and tell the whole truth to the Father. I thought about Dao, our team leader. They put him there to check on our mind. Thinking furthermore about it, I just said how idiot I was for blaming Dao because it was his job. In the following months and years, I realized that in life, one cannot avoid good or bad luck, but I must recognize that “one’s basic character is the foundation of one’s life.” For some hyperactive one, not being afraid of dangers, liking kick and box, hammer and knife, smuggling or politics and revolutions, in general his life would mean above normal difficulties. On the contrary, those who are afraid of dangers, and hesitant in front of new situations, generally would have an uneventful and calm existence. That is why having such a character I must expect a causal result, without complaining!

I saw Father Khue. He used to be so affable, all smiling with me. Now he becomes aloof his trait cold and distant. He said only a few short words “So you did that!” I felt shameful and gloomy. I would not come to see him again unless in real urgency. I returned, all worrisome to #2 Jean Jacques Rousseau again. At the end of the month, we went to class and they told us to wait. We took turn to enter next room for quite a while. I inquired with those who got out first and they all shook their head without saying a word. When Ly was through I asked him and got only a brief answer “get your pay, sign the paper, being told not to say a word to any other persons.” I was the last one to go in. I was not at ease in front of Mr. Huong but he pretended not noticing it. I signed a paper, got the $2,500 for the month (You go to class, they feed you well and you are paid). I signed a typed form, emphasizing that you cannot tell anyone, even your family of the training class. You will bear total responsibility if you violate the agreement. Then I can go home and wait until somebody will pick me up to school.

I went home thinking that the mishap was over but it was not that way. At times, I went to see Ly for information. That day when I came, they told me in the morning somebody picked Ly up. Did they drop me out? To know the truth, I must venture out riding my bike straight to villa #365. It was noon, very quiet. I went upstairs and saw Ly with nine other boys still sleeping. I shook Ly up and we moved down. Ly said, very concerned, that “when Mr. Huong came I had to leave with him at once, having no time to write you any note.” Having inquired about you, I got only a cold answer,” Just think about your own sake.” Seeing that Ly would not know any better, I told him that we would talk during next weekend. I entered Tieu’s office and he told me “you are eliminated and the class now has only ten students.” Then I understood clearly that the month was just for fully assessing and selecting students. Out of team leader Dao who had a special assignment, they eliminated three of us. I felt hopeless! Seeing my sadness Tieu put his hand on my shoulder and gave a few words of consolation: “In spite of the situation, I still want you to be connected on a man to man basis, but do not come here any more.” He gave me his personal address and promised to see me during weekends.

On my way home, I my heart sank when I thought of what had Tieu told me. “The whole team of directors commended me highly on my resourcefulness, alertness, etc., but.” In reality, the strange words but and if at times make you so happy, it could in other instances give you misery and pain with blood and tears, and even ruin your whole life.

Three

The intelligence work …

Back home I felt distressed during the many rainy and foggy days. I listened to the raindrops on the rooftop, reverberating like mocking laughter. Anyhow, sometimes it sounded like ovation urging the young man to stand up instead of lying down negatively and face the difficult problems ahead. Then I sat up and my sorrow evaporated like clouds disappearing in the faraway horizon.

A few days later, the Joint General Staff issued a communiqué for candidates to the Reserve Officers Class 11. I applied, attaching the certificate of Superior Military Training with the rank of “aspirant” (during that time undergrad high school students must go through that military training). According to what I knew, besides Can Tho and Hue, they already had more than 1,000 applicants. Owing to the special political situation, this Thu Duc class 11 will admit 800. I must review all my books and I felt fully confident.

One day during my visit to Tieu, he asked whether I was interested in intelligence work. “With your ability, if you like it, I can refer you to the foreign department where I have some friends.” As they had exposed me to some of that thing lately, I accepted the offer. I gave Tieu my address, expecting to meet my contact. Through exchanges of ideas with Cao Dinh Tieu, I understood clearly that it was intelligence work done in North Viet Nam. I had then a simplistic view of things. Fundamentally, I am not afraid of dangers and had always nurtured the intention to do something useful in this life even though I was not quite sure of what it would be. My anti communism was still dormant, and I did not comprehend why a young Viet must go to the North communist area to fight them. The Southern leadership lacked strength to provide good teaching to young school kids on the problems of communism.

The Thu Duc entrance examination came. I did well due to the two math problems, geometry and algebra which I had done before while with teacher Phu at Hung Dao School. As for the Viet essay, I felt quite comfortable because I always got high grades at school. While waiting for the result, I still had to be concerned with other matters. About ten days later one man, thirty-five years old, came to see me. He was a man from central Vietnam! Why there were so many Central men up there? He was in civilian dress and introduced himself as Ngoc Can, referred by Lam (the false name of Cao Dinh Tieu). “This is my first contact with you and we shall exchange our views.” The discussions were about points of view, expectation, responsibilities of a young man towards the people and the country. After about two hours, Ngoc Can said he would be back another time.

He came two or three more times and brought an identification paper for me to fill up. Compared to the paper at Father Khue Church this time there were a few more details. Additionally, I must give the names of five close friends. Upon leaving, he looked at me with compassion saying,” While waiting for the decision from higher authority, as I will have some free time, let us go out together.” I agreed and we went sitting at the riverbank or having drinks in some places. One day he came on his Lambretta scooter and took me on the back seat to a few central places of Saigon. He talked of different subjects. One time, while going, he suddenly said. “I forgot, I have some business in the Khanh Hoi area.” When we were there, he went into a narrow alley with many left and right crossways. He entered a house for about 5 minutes. On our way back to Saigon, we stopped by Thanh The for a drink. While both of us were talking with glasses in hands, his hat suddenly slid down to the floor. He watched me and I did the same, still holding our glasses. I went on speaking, leisurely extinguished my cigarette and picked up his hat. His hat was already on the floor, there was no need to rush and I just calmly did what I was doing.

I was not aware that he was testing my cool. The second time I fully knew it. While we were eating, he poured some beer and inadvertently, put his half-full bottle on the edge of his towel. Suddenly he picked up the towel and the beer bottle flipped over. I quickly grabbed it. Another occasion while we sat at Hoa Hung, he suddenly remembered something and told me. “Binh, I need some help. I stay here and please take my scooter to the Cong Hoa swimming pool to buy for me five packs of Pall Mall and one pack of Capstan. They sell it behind the entrance gate.” I thought it illogical. From Hoa Hung on to Ong Ta market there were so many stores, why do you have to go to the Cong Hoa swimming pool? However, I did what he told me.

When I came back, he looked preoccupied and he asked me “Binh, will you be free tomorrow?” I watched him cautiously and said,” I do not know yet but if you need something, just tell me.” He pulled from his pocket a sealed envelope which was left blank, handed it to me, saying expressly “Binh, take your Solex and deliver this envelope to the place at the Cau Cong market where we had been the other day.” More than half month went by; no one would pay attention anymore to it. However, thanks to my good memory I remembered it. That morning I saw Mr. Can go into the house. Thinking that Mr. Can is with intelligence, that house must have some connection with it. At least its owner could be very close to his private life and that is why I remembered it. I did the errand without any difficulty. To sum it up, I was tested several times and I remembered only 4 instances, (1) my cool, (2) my strict execution of instructions, (3) my good memory, (4) my fast and accurate reflex in action. As for buying cigarette, if he wanted to check on it, all he would do is inquiring with the vendor at the swimming pool.

A few checks were not enough to judge the abilities of a person. There will be many more proofs during the training and confirmation. Every few other days, Can came and took me out. Until one day, he very friendly told me,” I shall be very busy, so please stay home waiting.”

Four

My fate

I lay down and waited at home. Each day I got my books out to study so that this year, at all cost, I will get my Baccalaureate one. I had failed twice due to my immaturity, my lack determination and patience. I paid the price. I remembered that the partition of the country and the necessity of life had interrupted my school when I emigrated south.

I was a good jeweler when I lived on Silver Street in Hanoi. Down here, with the help of my family and relatives I opened jewelry store Bao Tin in Cay Diep market in 1956. My customers were soldiers of the Quang Trung Training Center and the inhabitants of neighboring villages. After about a year, business flourished though the young owner was only nineteen (my parents and siblings lived under the same roof). Money was so easy. From time to time, some friends from Saigon stopped by and talked of school, teachers and social life. Through my very young head, I looked at life very simplistically. Then I fell into the common mistake of looking down on what you have to aim up to what you do not yet have. It means that it gradually led me to ponder the role of men in society. My thoughts were so raw. Society and men were continually progressing. Therefore as a young man living in the period, you must have certain knowledge to understand, at least superficially, all fields of your time.

Let us use education as a measurement tool. During the 50’s the level of junior high would be enough. In the 60’s one must get a Baccalaureate degree because senior high would be out of touch with the general progress of the society at large. For the 70’s if one could not meet those requirements, you would be unable to understand what happened around you. Therefore, what does money mean to me while my mind always churned about the country and the world? Moreover, you have to know some famous sights of the world. Would I have to live such a humble eventless life? From those crazy and naive thoughts, I decided to close my business. My parents and relatives lavishly praised me. They now put all the blame on me. I naively thought that being a young man I have to focus on school first and then go traveling to know the world. Wait until you will be 30 or 40 to open that jewelry store. Life is not so simple like what was in the mind of a just grown up young man. Then I went to the student refugee’s camp of Phu Tho in Cho Lon (Camp Pavie la Mothe) and pursued my study. (So many souvenirs and friends in that camp, after thirty years I do not know now the fate of so many of them).

I studied hard at home. I had waited for Mr. Can for three or four months and lost my interest in foreign intelligence. I thought that if Thu Duc came first, I would go to the military service. At the end of 1960, I received the call of Thu Duc and went to Cong Hoa hospital for my physical. They admitted me and I spent more than one week there with new people and new life of a military career. All at a sudden, the commanding office summoned me. I worried, but right after stepping into the office, the sight of Mr. Can in a chair staring at me gave me a big surprise. Can was in military uniform with the rank of Captain. Perhaps he made special arrangements and took me to another room. As soon as he sat down, he frowned at me and with a sarcastic voice he said: “Why you went to Thu Duc? It’s impossible!” He repeated it over and over “it is impossible!” I felt uneasy and answered,” I awaited for you too long. Besides I thought that going to Thu Duc is also for the service of the people and the country.” He frenetically waived his hand and spoke at length,” It is not possible! You cannot act that childish! Many people can go to Thu Duc, but for this business, they did not select everyone! Do you know that for more than four months so many persons were involved in it? They made the whole plan, secured the location, and everything was ready. The Presidency had given orders to take you back at all cost.”

I was very distressed, not knowing how to answer correctly. Personally, I also like the military career. Finally, I said “Let me stay here, it would be all the same.” His eyes wide opened, he watched me surprised by my refusal, showing his dissatisfaction and annoyance. Then his eyes mellowed and with an open mind, he said,” So. You want ranks; you will get it in Saigon, it will be like in the Army.” I believed that if he softened his attitude it was because he was afraid to foul up the plan and to lose face with his superior. I did not know how he managed, I had to follow him back right away to Saigon. I bid farewell to all new friends lying that I had to go home immediately “for a dying father.” Afterwards, through many months and years of sufferance’s and pains, it came to my mind that, if (that horrible if) I had been determined to stay at Thu Duc, I would have been changed my life completely different! That was my destiny.

Five

Intelligence training

That evening back to the Capital City, all the city colors, filled my heart with a quasi emptiness, I vaguely thought of so many turns in life. While I let my mind wander in bewilderment, the car stopped at a corner of Vo Tanh Street. Can you give me a set of keys? He said that this is the key to room 8 on the third floor, Nguyen Van Trang Street. Before leaving, he insisted that I refrain from going home and he would come in the morning for some talk. After some moment, I found the room there was a transistor radio and some foreign and local publications. The next day Can came. Roughly, he emphasized that I would play the role of a student of Letters of a well off family emigrating from north to central Viet Nam and presently in Saigon for school. That was vis-à-vis anyone, including the building manager. He advised me to go home only once or twice a month. I should tell them that they discovered my heart problem and transferred me to social work training for a certain time. I should seldom go down town, except for meals. There would be weekend breaks for Saturdays and Sundays.

I will be paid $2,500 a month during training (the same as when I was into Jean Jacques Rousseau). At first, Can bring in books and documents to train me. He explained on the secret organizations, their leadership by an individual, a team or a nation. He stressed the definition of friends and foes. Friends are those belonging to the same organization. Otherwise, everybody should be enemies, even your parents, spouse and children, your siblings, friends and other organizations such as police, security, Military security, etc. I wondered about that. He can explain that there are so many twists in intelligence work. In war or peace, there is antagonism between two countries or two groups of countries. Each side employs many agents and assigns them everywhere and in any fields. They could even sometimes penetrate the central government Their roles are diverse in nature but, in general their common goals are to search and listen to discover in advance the purpose, aims and deceits of one country against the other, take advantage of or liquidate as necessary. Thus, it is very important for an intelligence agent to know the other side agents and specially the secret ones.

The free world opposed the communist system. Can gave the example of an agent trained to secretly go into the enemy’s territory in a special mission, the sabotage of a weapons production plant for example. He is a happy married man. They trained him not to say anything to anyone, even to his wife. As he often left home for days or nights, his wife became suspicious. He told her all kinds of lies. Thinking that he was changing heart, she made his life miserable. As they are married a long time, he thinks that knowing the truth she would not harm him. Besides, she is not a communist agent, is she not? He decides to tell her everything stressing that it is top-secret she must keep her mouth shut. His wife pays a visit to her mother. The old woman is very concerned with her son-in-law’s strange behavior. She said,” You had better watch, he might have an affair. The daughter thinks that mom would not harm them and she could not be communist. Then one day she tells her the truth. She did not forget to say,” Mommy, it is a top secret, don’t tell any body.” The mother has a best friend who one day inquired about her son-in-law. She feels so proud, boasting with her friend that her son-in-law is working in some project at the presidential office. And so on, some day or at some place the counter spy would have smelled things and found out the work and activity of that not so discreet agent. If the latter moves to the other side territory, he would end up in either being killed or jailed for a long time…

Therefore, the failure started with the wife. We judged the results regardless of the reasons. Whether it was the efficient counter action of the enemy or the weakness of our agent who failed to do it, it would not matter. The result is it was a fiasco. Through the preceding example, your wife is like your enemy. I remembered having watched movies on espionage during World War I and II in which famous agents like Z-28, etc, trained in the outstanding school of espionage like the Japanese Black Dragon, the German Gestapo, the CIA or the Russian KGB. They were fast draws, rode speedy horses, piloted airplanes or zipped in fast cars with top-notch skill. I was so childish! With the principle of secrecy and compartmentalization, there is no public school training spies. The real things are not like in novels or movies,

Back to Ngoc Can, he explained to me the various types of personnel. We have security guards, middle agents, liaison men, public or semi public agents, the double agents, etc …He was with me daily for about four months. One day, fate April 1960, he came with another person. The man was tall, big and full of stamina. Can look at the big man and me. He half-introduced and half-recommended. “I will be busy with other things. Mr. Phan here is also from the directorate and he will take over to take care of you.” I shook Phan’s hand and watched him. Right from the beginning and through our conversations I found in him a likeable and open person. He is a Southerner.

Just Phan and I now, through his eyes and the expressions on his face he seemed to sympathize with me. As from my initial observations, he was a pleasant and broad-minded individual. I had the feeling of having known him for quite a while. He walked to my bookcase, looked at a few items and said: “From today on I will mold and train you Binh.” Then he sat down facing me, his voice was so intimate and considerate: “Don’t you know Binh that I have heard at the directorate that you are a new recruit with plenty of potential. I had tried to look at your file but it was not possible. They had better give you another assignment because it would be too much waste in this job. (I had to say that at the time, I did not fully understand the meaning of his statement and I had to wait until I was up north to get it). I shall discuss it with Binh later. Now, you have to study, do research, but it would not be suitable to be in this location too long. Tomorrow, I shall take you to Ky Dong.”

In the new place, I continued learning the secret messages, the methods of writing those messages, the secret codes, the personal security and missions, the leaving in dead messages boxes, the covers, propaganda and counter propaganda, how to gather and dig information, principle of compartmentalization, valuation of information. We became closer to each other as days went by. We called each other by first names and opened up our own selves. I knew that Phan had 15 years of experiences and had worked in many years for the French Second Bureau. A communist agent attempted to kill him in Can Tho in 1952. He fired at him from 25 meters pointing to his heart; Phan showed me the scar under a pricey cigarettes box in his shirt pocket that saved him. They arrested the man, but Phan saved him from jail and converted him by his magnanimity into a fully devoted and efficient help. In principle, Phan could not have told me those things and specially let me know his private life. Being a Southerner, he is more communicative than people from Central Vietnam or the Northerner.

One day at the start of October 1960 Phan told me that now the communist are setting up a front towards the formation of a provisional government. I will make you into a student discontented with the Ngo Dinh Diem regime. You will continue going to classes, stirring up some demonstration to connect with the real communist within the students. Then the authority will surround and hunt them and you will break to the resistance zone. Phan wanted my input. I know that it would not be as dangerous as going North. I was not concerned with the level of danger. Then, I asked myself whether it would be as exciting. Therefore, I would leave it to higher authority. Perhaps I did not give a clear-cut response, or there had been changes from the directorate, Phan dropped the subject once for all.

Every day Phan still helped my study and we moved to Ong Tho building. I still reviewed my books for my Baccalaureate 1 to which Phan highly encouraged me. One day he introduced two Americans Brown and Dale to train me in additional matters. Both were dressed in civilian garb, Brown had prescription glasses. They were often together. From now on I had three persons taking turn to teach me the communication equipment, how to follow and to foil being followed, the recruitment and training of personnel, weapons and land mines, survival method at sea and in jungles, psycho-analysis and determination of ability of each type in the society, the technique of a secret action network. I had a hard time. Phan often did the translation because I could write or read English a bit but talking was a big problem as there were so many technical words.

The communists always tried to con overseas graduates to go home for the rebuilding of the country. Therefore, the directorate would give me a scholarship to study electricity or chemistry in Hong Kong or Singapore. Upon graduation, communist agents would contact me. I would follow them back to North Viet Nam as fitting and start working for Saigon. Seeing that it would be too long may be about ten or twelve years I was not so enthusiastic. I did not even think of the opportunity to go overseas and get a diploma. Phan saw my indifference and dropped it off all together.


Six

Operation “Columbus”

Time flies, we were already in August, the very sunny month of Saigon. I moved to 62 Tran Hung Dao blvd. It was a large apartment with two rooms having all amenities for foreigners to rent. Time is ready for us to go to Hanoi.

My mission in Hanoi:
Mission code name: COLUMBUS
My code name: X20
Duration: short, 25 days

Main goals:
Deliver document X to Z5 (Hoang Dinh Tho)
Deliver document M to a person (according to convention)
Deliver three blood letters of Father Hoang Quynh to Fathers A, B and C.
Recruiting and training agents

Auxiliary goals:
Follow up with your maximum ability and condition on the following,
6 Cau Go Street, 1 Citadel Street and 28 Sugar Street.
Mig’s 15, 19,
Politics, cultural, economics and the military, etc. Assess the general thinking of the people, the cadres and the military.

The covers:
Tenth grade student of Vinh Linh going to Hanoi for heart problem,
Black market man,
Carrying letter for Nun Dam Huong of Phuoc Hai Pagoda about TC to Tham Hoang Tin,
Documenting Capital Division 308 under the command of Brigadier Vuong Thua Vu.

The preparation:
A yearlong period up to April 1962 of minute preparations inventing all imaginable eventualities.
Have practice sessions, with Brown, Dale and Phan. We always tried to work it out along the motto “the more you study and practice during the preparatory time, the smoother and wider the road into enemy’s territory.

Details of the whole plan:
Since I worked for the directorate, they assigned to me code name X20. For operation COLUMBUS, I still keep that code name.

My main job was to deliver document X to Z-5 Hoang Dinh Tho. They gave me a 4x6 photo of Hoang Dinh Tho for viewing in a week so that I was fully familiar with his face and had it recorded in my mind. Hoang Dinh Tho was then Doctor in internal medicine at Phu Doan Hospital, which changed to Viet-German Hospital. When in Hanoi they gave me a reference paper for heart test and I had to seek the opportunity to give document X to Dr. Tho. The code words will be,” Doctor, please treat my heart at a beat of one hundred twenty,” exactly 12 words. His answer should be,” I only treat your heart beat at one hundred thirty,” only ten words. Document X: wrapped under waterproof-black nylon, 2 mm thick, 4 cm long and 2 cm wide. They did not authorize me to know the content. If Hoang Dinh Tho does not work there any more, I had to destroy the document.

Document M delivered according to preset conventions.
Day and time: from 8 to 10 am, on the 16th or the 18th as occurred.
Location: On the The Huc wood bridge of Ngoc Son Temple, Hoan Kiem Lake.
I will wear blue trousers, white shirt with sleeves rolled up, a pair of Thai sandals and the blue worker hat. I will hold in my hands a People Army newspaper.

The counterpart will wear grey khaki pants, brown shirt, Binh Tri Thien sandals holding three notebooks. Upon seeing whomever on the specified day and time on the The Huc Bridge, I have to make sure that he/she sees me and then from my newspaper folded once I must fold it again twice into eight parts. The counterpart will answer by changing the three notebooks from one hand to the other (always be at a distance of at least 10 meters). Then I will keep moving to a convenient spot in a public garden for example, to a public bench at a certain distance (about 50 m) so that he/she can easily watch me. I shall sit down leisurely on the bench, open the newspaper on my lap to read and then, wait until he/she sees me scratch my elbow with one finger pointed at the drop spot. Scratching means that you had dropped the document off. The drop spot would be a crack or a corner that normal eyes would not see but is still convenient for the counterpart to retrieve.

Document M: sealed under waterproof brown nylon, thick 3 mm, long 4 cm and 3 cm wide I have to repeat it repeatedly, practice at length the conventions and the code words to the extent that after 25 years I still remember it.

I used to go out with Phan (according to the regulation they do not want to see me with him but being new in the organization, how can I really know it. It was Phan’s mistake). Phan told me that there were two groups in the organization:

Group (a) with the director and the majority had the view of intelligence work in the conservatively rigid method. Take an example, you want to send somebody out to buy one kilo of apples. You instruct him to use his bike, go carefully on the right side, pay attention at cross roads, use arm to signal turning. There you lock your bike, go in to select what kind of apples, how much to pay, etc…
Group (b) under the deputy and a few other persons including Phan, conceived that intelligence work should be lively and encouraging the agents to be creative and flexible in all situations. Using the same example of apples, you just tell him to buy good fruit and be careful on the street. Use his head to buy the best apples at a good price.

According to me, each method has its cons and pros. Therefore, you should pick up the best in the mix to use regardless of where they come from. That was my opinion and I did not dare to share it with Phan. I asked which one of two methods proved best, Phan answered,” The end justifies the means.” During his training Phan had been quite superficial and I often had to seek further explanation. On the contrary, with Can and later on, with Hoang Cong An we went into too many boring details. With Brown and Dale, being CIA men but due to my English limitation I was not quite clear. Through my observations of their behavior and attitude, I saw that they were right on many things. With situations needing details, they would dig into minute things and would become quite sketchy on unnecessary situations. During the preparation, they provided me with a small transistor radio with earplugs. They authorized me to listen to Hanoi broadcast. They gave me all kinds of publications from North Viet Nam so that I would be fully used to the life and the language up there. Around mid September 1961 Phan introduced a spectacled man named Hoang Cong An who will take over, as Phan must be from Saigon in a special assignment. An was a central man. The training and my experiences at No. 2 Jean Jacques Rousseau showed me that it was not good to be curious on what did not concern you. I did not even bother knowing about the real names of the instructors and their jobs during their two years with me. Even their moving around was no concern to me.

To deliver Father Hoang Quynh’s letters is a very important and complex mission. It had a primordial impact on the northern Christianity. That is why they brought in Hoang Cong An, who had been a defrocked priest. I had to deliver the letters to Father A at church X in Hanoi, Father B at church Y in Hanoi and to Father C, at church Y in Hanoi. They showed me three typed documents on the three Fathers, their characters, including their 4x6 photos.

Father A was graduated Ph D in France. He was a resourceful, determined person having a clear-cut anti communist ideal. Having good reputation with his followers, bound by a past promise with Father Quynh, he now also assumed responsibility at Phuc Xa Thuong and Phuc Xa Ha. The instructions were clear. If after reading Father Quynh’s letter, he agrees to cooperate with the free world it would be a total success. Then I shall lie low in a secured area of the Church at the Father’s discretion. Every day I shall conduct his basic intelligence training and should be able to assess his spirit, ability and his condition, give him the code word and code object which was half of a one north Vietnam bill while the other half will be taken back home. Afterwards if some one gives the right code word and shows the code object to the Father, that one will be the real Saigon man providing him necessary things and instructions for his next assignment.

If the Father, though still anti-communist, would not agree to directly work for Saigon, then seek his introduction to a most confident person having initiative and idealism. Then I will be directly involved with the man and give training as the conditions and situation dictated. In case it would not be suitable, I lie low and have the Father assistance to conduct recruiting and training for ten days. There were no limitations on age and sex of the recruits. If they worked in the enemy’s administration, it would be the best. Know their situation, their family relationship, and their living conditions; assess precise circumstances before giving them two following liaison addresses: In France, Paul Lang, 14 Rue du Four, Paris Sixieme, France. Give them the full details, Paul Lang is 42, mixed blood, wife is also mixed blood and named Marie Nguyen, prior to 1954 lived in Saigon, returned to France aboard the Esperance, presently owner of a big Laundromat at the same address. Second address is in Cambodia, Peck Kim San in Maternity Sokkha at 105 Monivong Street, Phnom Penh. Peck Kim San now 28, work for the Maternity. His wife is Vietnamese with Cambodian citizenship and they have one 4 years old boy. They must have good reason, like social or family relationship to send letters now and then. Sometime later, they could insert questions of security character such as: (1) to the question “how are you today?” If the reply is “we are OK,” it means they watched us. In case the answer is we do not feel good then every thing is OK. (2) “Do you like Pham Duy music” “yes” means they watched and “no” stands for clear. (3) “Do you wish to have enough money to buy a new bicycle?” “No” means clear. (4) “do you like chicken?” “Yes” means that we are being watched and “no” is for clear. (5) “do you feel at ease with life in the socialist system?” “Easy” means watched and “no” is clear.

Besides there are two conventions for letters to the precedent addresses to let Saigon know if the security forced you to write it. (1) If at the heading when you write the date write “day 20 Oct. 1963” it shows they forced you. Just “20 Oct. 1960” is a free writing. (2) In any case, if the year does not show any stop point, they watched you and in case you use a stop point then things are clear. You must make sure that the recruits know by heart the conventions; logical is for being watched and illogical is clear. There are so many unknown conventions and tricks that one must master and avoid confusion.
Father B is a quiet man, hard working and always trying to finish his task even in case of difficulty. He has management ability and is more with religion than social affairs. The Directorate says that Father B is still at church Y. Father C, still at church Y, is rather old but still has high spirit. The Christians of Hanoi and the Vietnamese clergy respected him. According to the directorate, Father A should be our main target. If he is not at church X anymore, or for any reason he refuses to cooperate then go to Father B. Otherwise, go to Father C. According to Hoang Cong An, just like Father Hoang Quynh they are all good priests in the service of God and the believers. They also were very close to the Father and have made vows with him when he went South with his flock. Anyhow, it had been 8 years under the communist rule; no one would know how his or her morale is. Besides their health is also a concern.

I was thinking and rethinking very intensively. Seeing that this is a big and important task requiring a much more capable person, I told An about it. He said,” The organization had thought about it very fully, especially from the standpoint of religion. No one could be given this mission which, if failed would give the communists reasons to squeeze more and more on Christians and the clergy. Moreover, several sides of the situation were involved, especially when the scene of action was in the communist capital of Hanoi. “Be confident, Binh,” the directorate had weighed and searched thoroughly and finally decided on you. I still think to myself that capable men would not dare to go since there were plenty of dangers ahead. They had to pick me among the pack of daredevils. However, I was “on the tiger’s back.” I had to kick him on, whatever the outcome!

One day Hoang Cong An told me that Father Hoang Quynh wanted to see me before he wrote the letters. As we had the approval from higher headquarters, we shall go together in the morning at 9am to Binh An in the Binh Xuyen side. I remembered that long ago, when I was a little boy I used to go with the Father who was the leader of the Dinh Bo Linh Group to many places for martial arts exhibition under his direction. Now that I had grown up, for sure he would not recognize me. We went together to Binh An and waited in the guest room. After a short while, the Father came. He had changed so much after 10 years, his face all wrinkled, his hair now with white strands. However, his is still as agile as before. He smiled and shook our hands. He asked me so many questions on my school and family. I refrained from talking of Dinh Bo Linh Group though I almost could not refrain from doing so.

During more than one hour talking, he often looked at me saying,” How brave you are!” When he went with us to the door, he said. “I admire you. Before you go, I would like to have lunch with you to show my admiration when bidding farewell to a knight in the spirit of Pham Hong Thai?” I did not answer him right away and glanced at An who said,” I acknowledge your words. I shall consult with my superior and call you right away.” On the way home An told me that it is not certain the headquarters would agree to it because you still have so many things to do. I knew that the Father’s reputation was outstanding. He had, at one time, made Ho Chu Minh lose face when he was vice-chairman of the Inter Faith anti-Communist Front chaired by Monk Tue Chieu, when tricky Ho kneeled down in front of Bishop Le Huu Tu for baptism.

About recruiting and training, if due to their enthusiasm and national ideal they would agree, I will conduct their training. Otherwise, I will ask them to introduce reliable persons for me to recruit and train. It would not be too difficult. At first, I shall teach the basics of the job. The hard stuff was to find out the character and abilities of each and uncover their strength and weakness. Though Dale, Brown and An trained me for nearly two years, they still stressed that the human character is very complex and diverse. In general, you can have three types: (a) the shallow ones showing right away their feeling, fun or sadness. You do not have to be concerned much about this type. (b) As for the quiet, introvert who never showed their opinion, you must be careful, always be on your guard and ready to react defensively. Still this group is not as dangerous as the last one. (c) They always smile showing friendliness and ready to share or help in case. As soon as they get your confidence, they could give a surprise stab to your heart. They make you subjective and harm you. In conclusion, you must have keen and fast observations. Regardless of what they say and how they appear, you must recognize the real person behind that façade. The recruiter must know the extent of their ability, how wrong or right they are.

Seven

Intelligence stories

I had to apply my total ability and energy to the mission. Besides, I must pay attention to the following events while moving around in Hanoi. Houses number 6 Cau Go Street, number 1 Citadel and number 27 Sugar Street where they train spies and send them to South Viet Nam. While I was being trained in the South, the directorate informed me of two typical cases as lessons to draw experiences from

Case 1. Around 1957 through information from the people, the South intelligence had set up traps and caught a top agent of the North. After the yearlong work on him using all the technical capability, we surrendered to his stubbornness. If the case were with Northern security, the person would be in jail regardless of what he said, for a long time until he becomes old and rejoin his ancestors. However, we had a different policy. We can incarcerate him only for a duration according to the law. (That was the cases of Nguyen Huu Tho and Nguyen Thi Binh). The man kept maintaining his innocence. We had used all means available, threats, torture, cons, incentives, etc., but to no avail. It was a very difficult problem for the directorate. Finally, the boss offered a plan of execution under his total responsibility. One night of late winter, it rained so hard and it was cold in Hue. A military convoy went out of the central prison led by a Dodge 4 truck having on the front seat the driver, a first lieutenant and one sergeant. The intelligence director was the sergeant. The back seat had four handcuffed prisoners and two armed escorts. The following truck had a half well armed platoon with two second-lieutenants. The convoy was traveling gingerly South when at about 11 PM machine guns cracked and ahead on the highway was a felled tree blocking it. The soldiers jumped down, guns pointed out in a firefight. The enemy already had surrounded them. Their commander ordered everyone down, took all dossiers, disarmed them and got the key to open the handcuffs for the four prisoners. He harangued,” You are with the wrong side, cooperating with the imperialist Americans against the people. I am not going to kill you all. The generosity of the party dictates me to reeducate you and free you so that you will repent and serve the people. The two officers having blood-debts with the people will be taken to our area for judgment.” All of a sudden, the stubborn communist spy stood up, taking out from the seam of his shirt and showed to the commander a 4 cm square piece of red cloth displaying two yellow stars under a white stripe. He said,” CoMr.ades, I am the chief of K-10 Saigon of Block R; you had an unexpected successful operation with such a miraculous result. Tie the hands of that sergeant who is the director of intelligence.” The men were all happy. Their commander ordered anyone to board the vehicles heading back to the city of the Perfume River.

Case 2. Things happened in 1959 at house number 126 0r 128, Phan Dinh Phung Street, Saigon. The house had a seldom-opened iron gate. The owner was a widow about 60 having a brother living with her until after graduation he went to work in the presidential office. No one knew what kind of job he had but he was very close to Ngo Dinh Nhu. They gave him a villa on Cong Ly Street conveniently close to the Palace. So the house became quieter and more desolate. Mr.s. Han had only a servant who was also a relative. Everybody around knew perfectly her situation, that she was a good mannered woman eating a meatless diet, going regularly to the pagodas and doing charity. Her husband and she were from a well off family in Hue. They had only a little son when the big changes came in 1945 and the Viet Minh took control. Being fully aware that the Viet Minh was a group of hoodlums intolerant with the other nationalististic parties her husband refused to join the alliance government of the tricky Ho Chi Minh. They liquidated him. During the troubled period with the Japanese, Chinese, French, English and Viet Minh, the population was uprooted and disseminated to all corners. After losing her son who was her unique consolation, she went to Saigon with her brother.

She was still very wealthy but lacked the homeliness of a family. She spent all the money searching the son to no avail. For 14 years, her sorrow kept building up in the depth of her heart and the communist was aware of it, thinking that she would be a perfect case to penetrate the Southern Government. They found and trained a fitting young man into a perfect person to play the role of her lost son with the same voice and feature. At the front of Mr.s. Han’s always closed door, on the side walk a poor woman set up her bench to sell bananas, candies and teas to the rickshaw drivers. The spy was a good-looking young man 19-20 years of age, poorly dressed, healthy but always displaying on his face hints of nostalgic sadness. Every day after hard work with his cycle, he always stopped at the stall eating a banana or sipping a cup of tea, all quiet and thoughtful. The woman seemed compassionate for a young hardworking man and sometimes asked him a few questions, At first it was vague inquiries on his daily income, the weather, his where about, his lateness to come, etc,.. Then gradually she asked about his origin, parents and so forth. He did not want to talk of his family and unfortunate life. Nevertheless, seeing that she was a warm-hearted woman he gradually opened up. He did not know who his parents were. A family adopted him when he was 4-5 years old. At age 9-10, he became servant for many families. Then he drifted to work strenuously in the rubber plantations and finally found his way to Saigon driving rickshaws to make his living. The vendor woman knowing the story of the owner was suspicious and asked further. “Would you remember how your parents were?” His vague reply,” seemingly, I was very happy, well dressed and remembered sitting with my dad on a rickshaw pulled by somebody.” She wanted to ask some more and the young man looking sad, paid her and moved off.

When she saw the owner of the house, she related to her the story of the young rickshaw driver. Mr.s. Han was all disturbed wishing to meet the man at the earliest and told the woman to bring him in as soon as she saw him. The next day and several other days, he did not show up making the woman and Mr.s. Han all upset and agitated. More than one week later, on a rainy afternoon the young man dropped by all wet. The woman excitingly asked why he did not come lately, poured him a hot cup of tea and rushed to push the doorbell. Five minutes later, she hastily told the young man,” Please enter for a short while.” He shook his head. The woman warmly urged,” Just come in for a short moment, as it is still raining, Mr.s. Han would want to say a few words to you.” She finally had to hold his hand, almost dragging him in. Upon seeing the young man, the eyes of Mr.s. Han displayed all signs of love even though there was nothing yet to show that he is the lost son. Then as for dampening her feelings, she asked with emotion,” Do you have any close relative at present?” He only shook his head. She went on,” do you know how your family was?” Looking very pensive, he said nothing. She again asked, choking her rising emotion,” do you remember riding the rickshaw with your father?” He nodded and she pressed on,” try to remember when you were a young boy, what did you do, what kind of toy did you play?” He waited until Mr.s. Han repeated the question. Then looking out of the window like going back in time to a faraway past he said,” I do not remember things clearly now but it seems to me that my father gave me a top with a very long tip. Mr.s. Han’s eyes sparkled and she hastily rushed,” any other things?” His reply was,” my father gave me a color book with the picture of a turtle which I colored with a red pencil.” The man bent down his head; the room atmosphere seemed tense and expectant. Then he slowly raised his left thumb with a small scar,” one time in the kitchen I played with a knife and cut my thumb making my mother cry.”

Not holding it in anymore, she rushed to wrap her arms around the man sobbing and tearful face,” Oh my boy!” The man cried and even the tea-vending woman had tears circling her eyelids. Breathless and about to pass out Mr.s. Han could not hold her emotion anymore. She pulls him at her saying “I still keep your top and color book in the drawer of my bed as the only souvenirs from you.” She right away called the brother who, in the joyful family reunion made plan for the future of the nephew. He will help him with his education and teach him to drive so that he could take his mother to the pagodas. The whole house became so lively. Northern intelligence had instructed the spy to cultivate relationship with Miss Ngan, the waitress at a coffee joint in Nga Bay. In case the mother and uncle pressed him to have a family, he then would ask the hands of Ngan who also belongs to the Hanoi spy network in Saigon.

Then things did not stay so smooth when the actor had not played his role very well. believing that the cyclist was her own son Mr.s. Han gave him a deep affection. Initially he played his role superbly. Anyhow, in the end he slackened and became cool and detached while the mother felt desperate and she talked to her brother. It alerted the Saigon counter espionage and they used the uncle as a screen to investigate and dig further. Nearly one year later they arrested the whole spy organization.

Dale and Brown brought two models of Mig-15 and Mig-19, about 20cm long, very precisely constructed with insignia and markings. They clearly explained the characteristics and abilities of the planes, emphasizing that during my time in Hanoi if I see them in the sky I should report immediately. They also briefed on the insignias and ranks emblems of all branches of the Armed Forces from marshals down to privates, inclusive of the winter uniforms of Red China and North Korea. Besides, while in Hanoi I must watch closely the street scenes, the media and the small units in training. I had to get in touch with all classes of people to evaluate the hearsay on political, economical, cultural, military, social and the general common views of the populace, the cadres and the military.

Eight

The covers

Cover (1). I will be a junior high student in Vinh Linh under the name of Le Viet Hung with the following story. Due to the famine and problems of 1945, my parents had to move from Nam Dinh and settle in hamlet Vinh Quang of Vinh Linh. My father is Le Van Thong and my mother Vu Thi Sang. There are three of you, one sister Le thi Thu and a young brother Le Tuan. I had to memorize the names of Vinh Linh high school principal, the chief and assistant chief of Vinh Linh district and those of Vinh Quang hamlet. I was member of the youth organization and remembered the names of the leader and assistant leader. Besides, I must be aware of a few important events in Vinh Linh and in my hamlet.

I must act logically and naturally based on the above. I am Le Viet Hung having signs of a gradually deteriorating heart problem and obtained the district permit to go to Hanoi for treatment during summer break. I carry all the necessary documents, reference to the hospital, student certificate, military certificate, youth organization paper and the month pass signed by the chief of security of Vinh Linh. I had to study and know by heart this cover so that I will think and act as a real Le Viet Hung. To practice it I will meet for three or four times one man acting as a tough communist authority, at time at Catinat Hotel and some other time at Majestic Hotel. He screamed at me, asked tortuous and tricky questions to ascertain that I give the appropriate and logical answers. I remembered during one last session, while talking leisurely, he introduced himself as Dang living and working for the communist side for many years, (I know that he is now with espionage directorate). He said,” To say the truth, the main thing is not to arouse suspicion. Once they mistrust and squeeze you, you would dig out your father tomb for them if they told you so.” I thought he should not have said that way because it would disturb the morale of an agent ready to venture into the enemy’s territory. The more I think about it the more I realize that our trainers lack finesse, sense of responsibility and the real idealistic motive.

Cover (2). The communist caught and detained you. They did not believe and had proved that you carried faked papers and you were not Le Viet Hung of Vinh Linh, then you shall tell your story as follows. My parents were very poor. I failed several times my examination, felt tired of it but having a daring character and not concerned with dangers, a friend introduced me to Mr. Lan who helped me in my smuggling and black market business. As Lan was an imaginary person, to prevent from being harassed by security, I must remember all details of the person to stay consistent. I took a real person for it. He was my uncle, a big and fat man, the owner of an import business in Saigon. Mr. Lan met me at a coffee stall. After several meetings to determine my intention, he went straight into the subject matter. There was a rarity of high quality high priced medicines in the North. To make plenty of money I had to take risks, cross Ben Hai bringing samples to buy and resell to the influential merchants in Hanoi. He gives an advance of $10,000 cash and pay for all expenses. He will split the profit 50/50. One day Dale introduced Doctor Harry. He is about 40-50. Dr. Harry brought 20 or so bottles of medicine, explaining their uses and characteristics. Until my departure, Dr. Harry will also take care of my health needs and requirements.

Cover (3). The communists would not buy your story or they had proof of your lies and misrepresentations. They proceeded to tortures. When you could not stand it anymore, you will use cover #3 that is still not political in nature yet. All things stay the same, your origin; the features of cover #2, your boring with unsuccessful examinations, your adventurous character are the realities. Here is the difference: Due to social relationship, a friend introduced you to Nun Dam Huong of Phuoc Hai Pagoda, Vuon Chuoi area of Phan Dinh Phung, Saigon. During the French domination in 1945, Nun Dam Huong and Reverend Tue Chieu were students-patriots having the common feeling of disgrace and hate against the French. They set up among the students community in Hanoi secret movements of discontents compelling the images of past revolutionaries Phan Boi Chau, Phan Chu Trinh, Nguyen Thai Hoc, etc, and were in the most wanted list of the French secret service. Moved by the same ideals they fell in love with each other and became married. To avoid French detection they shaved their heads and went into hiding in pagodas, as Monk Tue Chieu in Quan Thanh Temple and Nun Dam Huong in some pagoda and finally in Phuoc Hai Temple in Saigon.

After the Viet Minh takeover in 1945, they started liquidating religious activities. Behind the front of “religious alliance” against the French, they took advantage of the differences between religions to instigate divisions and dissentions, providing fuel to fire up conflicts. Reverend Tue Chieu with Nun Dam Huong secretly connected with the Christians. They found the Alliance Front of Religions against Communism under his Chairmanship and co-chaired by Father Hoang Quynh. Politically the organization was the headache problem for the Viet Minh seeing it as even more dangerous than French Colonialism. They set up traps to lure and catch Monk Tue Chieu and Father Hoang Quynh along with other high-ranking persons of the Front. As Buddhism was not a cohesive organization, they cold bloodedly assassinated Tue Chieu while under pressure from a unified catholic church they did not dare to kill Father Hoang Quynh. As they still needed the support or at least the non-opposition of the Christians, they put the Father under surveillance at Church Lac Dao and let the believers see and feed him.

For Nun Dam Huong, when she got the tragic news of her husband’s death, she got his body and buried it hurriedly in secrecy at the Hop Thien Cemetery. She emigrated South with her son after the partition of the country in 1954. She still stayed very active in her speaking tours encouraging the people to struggle against the communist enemy of the nation. Besides, she nurtured the deep wish to build a dignified tomb for her lover and heroic co Mr. ade who sacrificed his life to the country and now had departed to another faraway world amid clouds and winds. That is why when she saw me and knew my expectations she was happy and helped me to get false documents to cross into the enemy territory. She will pay me $100,000 after the mission and give me an advance payment of $10,000 to help my parents. I shall cross the Ben Hai River, deliver a message to Mr. Tham Hoang Tin, the owner of a pharmacy and the mayor of Hanoi in 1954. The letter will remind Mr. Tin of their friendship and seek his help to build a proper tomb for Monk Tue Chieu. Hoang Cong An took me to see Nun Dam Huong several times at Phuoc Hai Pagoda to familiarize me with activities in that temple and see the personality of the nun. I also met the son who was 19 and ready to pass his Baccalaureate II.

Cover (4). At the real end, I shall say that my mission is political. Then I use cover (4) which is the last one and stay with it even if they chop my head off or give me a bullet. In this period, I will be tortured, locked up and investigated extensively. They would have concrete proofs of my false testimonies. Then if I cannot any more bear the atrocious tortures, I should use cover (4). I was with the Intelligence Company of Division 7. Being a man inclined to difficult works and fearless of things that most people abhorred, I made friend with Lieutenant Xuong of Military Security. He introduced me to Intelligence and they transferred me to Saigon for training in a rented house in Hamlet Cau Cong of Khanh Hoi (if it was in a hotel or a building the communist would focus on those localities, giving problems to future training classes). Just disclose the logical classes, their duration and sketchy training method so that the enemy would wrongly valuate the ability of our intelligence. Tell them only of a sole trainer which I had to memorize exactly. In all cases, do not mention about Americans because at the time there were not many Americans in Saigon. The training was especially on military matters. I must monitor the movement of Division 308 of Hanoi under General Vuong Thua Vu, research names and ages of the commanding officers down to company level. I have to know the weapons in use, locations of artillery and tanks, transportation equipment, garrisons’ installation with the surrounding terrain and access, activities of training and indoctrination of the soldiers and officers. Their fighting capabilities and morale are also my interest. To get the information I have to make friends with soldiers in the streets of Hanoi. To sum it up I can tell them everything except the real mission.

Nine

A visit to the Ben Hai River

For the COLUMBUS operation, I am required to learn and practice the proper ways to deal with the priests. In the communist ruthless regime, the population is under very tight control. However, the priests were anti communist. They have been through bloody experiences and become very cautious to avoid engaging hastily into dangerous situations. Therefore, as an intelligence agent of Saigon I am required to be composed and impassible, having all abilities to change with the situation as needed. As the priests have social standing and are well educated it is important that I possess good knowledge of several social facets and display a dignified conduct. As I feel lacking the necessary qualities, I am worrisome. I practiced dealing with a few persons acting like the northern priests. Phan, An and those actors finally said,” Binh, you are ready to do it.”

I requested to meet somebody who just returned from the North but the directorate did not satisfy my desire. The directorate arranged for me to see the four latest turncoats now in the Gia Dinh Center for Reception of the Ben Hai crossers. I was with An and we pretended to be from the press office of the presidency and gave to the Major in charge an introductory letter. I was there twice, each time I met two persons, each one at a different time. The first day I saw a military man and a Thang Long School senior high teacher. On the second day, it was an interview with a bus driver and a junior high teacher of Thanh Hoa. No one, even the camp commander was aware of our purpose. To distract, we asked simple vague questions and inserted the necessary fitting ones. It gave me good useful understanding for my trip up North.

On a big military map of assembled thick and shiny 40X60 pieces covering the whole wall under the direction of Dale and Brown, I studied for days National Highway I from Vinh Linh to Hanoi, the DMZ and Hanoi city with all minute details, DMZ North and the district of Vinh Linh. As a precaution, if in case of mishap, they cannot retrieve me, and I must go back on foot, I went to the Ben Hai south bank to watch closely the focal points at the other side with my pair of binoculars. One thing I could not forget is, one time when An and I landed at Phu Bai the person who met us was Huong. We looked at each other astounded. An also wondered why I knew Huong. Since they discharged me from the class, I heard from Ly that Huong lost his director position due to some financial mistakes. When he shook hand with me he only said,” You still look like before, just gaining weight, but still as handsome.” He never reminisced on the old stories at #2 J. J. Rousseau. He took us to a Hue Hotel. During our stay here, I was under guard day and night. From then on to almost the end of my life, I always have guards, and it is funny!

Huong drove us to the DMZ. Among the trees in the south side, I saw a few guards dressed in brown garbs displaying a two fingers wide piece of red cloth on the chest at their sentry post. They might have guns under their shirt. From their look and attitude, I understood that Huong is responsible for the body of guards this side of demarcation. I watched the river that is the testimony of our painful history. The water flows leisurely towards Hien Luong Bridge with here and there some bamboo fishing boats working at both side of the river. They could not be laypeople because according to the Geneva accord, the border between the two sides is the middle of the river and the Hien Luong Bridge. For willful reasons or not if they stray to the other side, the guards will arrest them. I walked along the South bank and saw that at some place the river is about 20-30 meters wide. I witnessed busy girls in brown shirts and black pants watering the patches of vegetables and when they saw me, they waived at me smiling from ear to ear. I directed my eyes to the far away North, my heart racing with emotion. Huong told me that the communist forced every one living in the DMZ area to move out and they brought in secret security agents to live and farm like the natives. If you use your binoculars to watch, you will see moving things under the forest and sentinels on top of trees. Moving my slanting view, I saw farther the all mossy Hai Cu Church totally covered by vegetations. I realized the dark life of the Christians wilting in that atheistic society. Huong told me that further in, during dry seasons at some places one could roll up his pants and cross the river. How could such a narrow and shallow waterway separate a nation for so long while our traditional way calls for goodwill and love?

Back to Saigon, I was very close to my departure and I had several urgent things to do. I had to learn the use of a number of travesty products, the infrared light, etc…When in enemy territory I’d come across with thousands of things I had never known before. One day, about in a couple of months, Phan gave me a silver ring engraved with the traditional “tho” character. The difference is that inside there was the number 48 stamped bas-relief. Phan urged me to be used to it and to get it inscribed in my head. He also gave me a 6X9 photo of the one-column-temple in Hanoi having on the back the number 1618 penciled at its corner. I remembered the number 1618 as the days I shall deliver document M. One week later Phan took them back and asked whether I had remembered all the features. He said that in the future, at any place and time if somebody shows me that photo, that one would carry the instructions from Saigon to me. One day Dale and Brown came and trained me on the use of the secret pencil, which was the latest intelligence tool unknown to the enemy. It is about 2/3 the size of the graphite of the normal pencil, 6-7 cm long, dark grey and having neither odor nor taste. One end has slanted point looking like a nylon thread and it is very useful for spies going into enemy territory. According to Brown and Dale, the communist would pay a million for it. I practiced its use for many days so that its writing would not leave any faint mark on the paper that would then look as smooth and fine as originally. When I was up North, I knew that the thing was still unknown to them. I had hidden it and only destroyed it when the South capitulated in 1975. This is the most convenient and simple to use tool.


Đặng Chí Bình. 1



Ông đã từng là một người lính VNCH, ông ở trong một đơn vị chiến đấu thầm lặng cho tự do, hạnh phúc của người dân Miền Nam. Hơn 18 năm trong tù, ông vẫn âm thầm chiến đấu với chính bản thân để không chịu khuất phục trước đòn thù, thủ đoạn của cộng sản. Hơn 18 năm ấy, ông cũng vẫn là một người lính chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản độc tài. Sau khi đến được bến bờ tự do, ông vẫn là một người chiến sĩ chống cộng. Ông là ai? Ông là tác giả của thiên hồi ký ngục tù “Thép Đen”

Chuyện người lính chiến đấu chống cộng sản, phải chịu tù đầy, phải vượt bao hiểm nguy, tiếp tục chiến đấu nơi quê hương thứ hai là chuyện bình thường của không ít người lính VNCH. Nhưng ông có chút đặc biệt, bởi ông chiến đấu trong ngành tình báo, rất thầm lặng và chịu nhiều thiệt thòi. Ông cũng đặc biệt bởi ông đã khắc họa lại được một cách chân thật cuộc đời tù qua tác phẩm nổi tiếng “Thép Đen”, ông là Đặng Chí Bình.

Ông cũng là một người đặc biệt đối với tôi, bởi vì xúc động trước hồi ký của ông. Cảm khái trước quãng đời chiến đấu của ông, mà người viết đã lấy tên mình để ghép với tên ông bằng tấm lòng kính mến, ngưỡng mộ. Suốt một quãng đường dài từ khi ở Việt Nam, ở tù Thái Lan và cho đến bây giờ, tên ông đã là một phần cái tên của tôi. Ông là một người lính và vẫn là tấm gương soi sáng cho cá nhân người viết và cả những người đang dấn thân cho quê hương dân tộc Việt Nam…

Cả một đời của ông, ông vẫn chưa bao giờ là quên mình là người lính cả. Dù ông có thể chiến đấu thật sự, hoặc đương đầu với thử thách trong tù, đương đầu với những con sóng dữ ở Biển Đông, hoặc đối mặt với bao thử thách khi mới đặt chân lên đất khách quê người thì ông vẫn là người một người lính. Đã có lúc ông nói với tôi qua phone Tao hơn 83 tuổi mà vẫn còn làm việc , còn chiến đấu cho quê hương Việt Nam, còn khỏe mạnh nói chuyện với mày đây là nhờ Thiên Chúa, nhờ Mẹ tao đã cho tao sức lực từ thuở thiếu thời, nhờ tao luyện võ và cả ý chí của một người lính…”. Tôi hiểu những gì ông nói là hết sức chân tình và sự thật bởi vì nếu không có những nghị lực ấy, ông chẳng thể nào vượt qua được tất cả khó khăn của 18 năm tù, của một ông lão hơn 83 tuổi để tiếp tục con đường mà ông đang theo đuổi cả cuộc đời – con đường đấu tranh dân chủ và tự do cho Việt Nam.

Tôi còn nhớ, trong cuốn “Thép Đen” mà tôi đã đọc ngấu nghiến, không biết chán 4 lần, hình ảnh đọng lại tôi mãi đó là hình ảnh khi ông Đặng Chí Bình trở về từ nhà tù nhỏ, ông gặp mẹ ông nhưng mắt cụ đã nhòa vì những năm tháng ngóng tin ông trong những trại tù ở Miền Bắc. Ông ôm mẹ ông và khóc…Lúc đó, tôi cũng khóc và bây giờ, khi đang viết những dòng này, tôi cũng vẫn rớm lệ.

Ông nói với tôi, ông sẽ sang thăm tôi và bàn với tôi đã dịch cuốn Thép Đen sang tiếng Anh. Tôi muốn mời ông qua Canada, ông cũng muốn thăm tôi, tiện dịp ngày 23/07 sẽ có một buổi gây quỹ của đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi tại Toronto. Rất nhiều người khi biết tin này đã mừng vui vì sẽ được gặp tác giả của cuốn Thép Đen làm say đắm lòng người. Nhưng…hôm qua, Thím đã gọi cho tôi, ông cả tháng nay liên tục phải cấp cứu, hôm qua ông lại phải vào viện cấp cứu. Trong khi Thím nói chuyện với tôi, thì Chú cố gắng nói vọng vào xin lỗi không qua được, giọng ông không còn sang sảng như mọi khi mà nói không được rõ. Ông vẫn cố gắng lo cho tôi, thương tôi như một người cha đối với con dù ông đang nằm trên giường bệnh…

Hôm nay, viết những dòng này bởi vì ngày 19/06 đã sắp đến. Ngày đó là ngày sinh của một quân đội đã bị bức tử bởi những toan tính chính trị của đồng minh, cũng như số phận hẩm hiu của dân tộc, cộng với sự ác độc của bạo quyền cộng sản. Những người lính ngày đó, trong đó có ông Đặng Chí Bình ngày hôm nay đã già. Có người đã về với tổ tiên, có người đã rơi vào bệnh tật, có người đã bước vào tuổi xế chiều. Nhưng tôi muốn vinh danh họ mãi mãi bởi những người lính VNCH đó vẫn ngày đêm chiến đấu bằng đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện để trả nghĩa đối với quê hương, dân tộc Việt Nam. Họ là những anh hùng!

Quân lực VNCH không chỉ có Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Đình Bảo, Ngụy Văn Thà hi sinh anh dũng vv… mà còn có những Nguyễn Hữu Cầu, Đặng Chí Bình, Lê Minh Đảo vv…chiến đấu anh hùng trong cuộc đời tù ngục của mình. Họ đáng được vinh danh, đáng được tôn kính.

Người điệp viên bất khuất Đặng Chí Bình gửi cho tôi tấm hình ông ngồi bên bờ biển, ngắm nhìn về xa xăm. Bên kia bờ đại dương ấy đang có quê hương Việt Nam của ông vẫn đang ngày càng rên xiết trong ngục tù cộng sản. Ông nói với tôi rằng ông hy vọng rằng sẽ được nhìn quê hương Việt Nam thay đổi khi ông còn sống. Tôi chỉ biết thầm ghi nhớ và làm tất cả những gì cho quê hương Việt Nam trong khả năng có thể để góp phần thắp lại giấc mơ của Ông…

Cầu mong cho Ông mau khỏe, cầu mong cho ước mơ được thấy quê hương Viêt Nam thoát cộng sản của Ông thành hiện thực.

Đặng Chí Hùng

09/06/2016 http://dangchibinh.blogspot.com/2016/06/viet-cho-mot-nguoi-linh.html

--------------------------------------------------

LỜI KẾT

Thoảng nghe “phôn” réo bên tai,
Giật mình tưởng kẻng sớm mai nhà tù

Hình ảnh những bộ xương còn di động trên chốn lao trường, những nấm mồ hoang lạnh giữa rừng sâu, dư âm những tiếng thở dài lê thê xen lẫn những tiếng rên siết quằn quại trong đêm dài tăm tối… và những cặp mắt khát khao nhắn nhủ ngày tôi chia tay, vẫn lảng vảng vấn vít trong hồn; tất cả như đang khẩn nài, gào thét, đòi hỏi tôi phải thực hiện “Bản di chúc sống của họ“.

Đó là mấy dòng trích đoạn LỜI TÂM SỰ khi tôi bắt đầu viết và in Thép Đen I. Bây giờ tôi đã viết xong tập IV, coi như kết thúc cuộc hành trình gian khổ, chiếm trọn giai đoạn thanh xuân nhất của đời tôi. Từ khi bắt đầu viết Thép Đen I, đến hết Thép Đen IV, thời gian là 20 năm. Có giai đoạn hàng chục năm, tôi cầm bút lên rồi lại hạ bút xuống, làm hết quyết tâm này đến quyết tâm khác, hết bạn bè thúc đẩy cho đến giao kèo với con cái…

Bây giờ tôi như cất được một gánh nặng cuộc đời, gánh nặng trách nhiệm đối với quê hương, với bạn bè mà phần lớn đã nằm xuống lòng đất lạnh, chìm dần trong quên lãng. Tôi cũng thấy trang trải được món nợ với các thế hệ con cháu, ghi lại cho chúng về một giai đoạn, một hệ quả thương đau đến tận cùng nhân tính và nhân phẩm do chủ nghĩa Cộng Sản gây ra.

Tuy vậy, giữa đống xương khô, sình lầy máu mủ đó, tôi đã nhặt ra một viên ngọc quý.

Trong cuộc sống, mỗi khi tôi gặp khó khăn trở ngại, buồn nản, tưởng không thể vượt qua, nghĩ lại 6 năm dài cơ cực, quằn quại đói rét, cùm khóa ở xà lim Hoả Lò Hà Nội, như có một nguồn sinh lực thần kỳ đã nâng cao ý chí chịu đựng của tôi, nỗ lực vượt lên. Tôi lại lạc quan yêu thương đời như mọi người.

Quả vậy, ngay trong sinh hoạt bình thường, tôi nằm, tôi muốn để chân ở đâu thì để, đâu có phải đút chân vào cái cùm hộp sắt, trở mình cũng đau buốt khó khăn. Đầu tôi, đâu có phải chui vào cái túi vải, khâu bằng giẻ chùi của các bà cán bộ trong nhà cầu, mỗi đêm để chống muỗi? Ngứa chỗ nào, tự do gãi chỗ ấy, muốn đi tiểu, đi tiêu , tôi bò nhổm dậy vào nhà xí, đâu phải vặn vẹo người, nghiến răng buốt nhói, ngồi trên cái “bô” rỉ, đưa lên sàn “ciment” mình nằm?

Hơn nữa, nỗi buồn, niềm đau cay chua nghiệt ngã lại là chất men, nước mầu rắc tưới cho cuộc sống, như cánh sen ngát hương thơm trong chiếc ao đời.

Sau hết, tập hồi ký Thép Đen đã quấn cuộn hết cuộc đời, ngấm thẩm cả hồn tôi, vào từng trang sách.

Đặng Chí Bình

...........................................

Bài Viết Của Phan Thanh Vân

Hôm nay đã là 29 tháng chạp, chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi. Tết năm nay là Tết Tân Hợi (1971) và đúng là cái Tết thứ 10 mà mình sống bơ vơ, xa gia đình, xa quê hương xứ sở.

Chiều hôm nay, sau khi hoàn thành xong chiếc giường đôi rẻ quạt, gã chính ủy (ủy viên chính trị) quản lý hợp tác xã mộc Đồng Tiến ở thị xã Ba Vì, tỉnh Sơn Tây gọi tôi lên văn phòng và nói:

- Anh nghỉ việc sáng hôm nay, về lán thu xếp để chuẩn bị ngày mai về Hà Nội.

Tôi thắc mắc:

- Dạ, báo cáo cán bộ, tôi về Hà Nội có chuyện gì và về bao lâu?

Gã lạnh như tiền:

- Anh đừng thắc mắc, đó là lệnh trên của Trung Uơng, tôi cũng không biết lý do. Anh cứ chuẩn bị sẵn sàng đi, và có lẽ anh sẽ không trở về đây đâu.

Ra khỏi văn phòng cán bộ, tôi trở về lán thu xếp đồ nghề mà trong lòng nghĩ ngợi miên man; lại cái gì đây?Được đưa về đây sống quản thúc ở hợp tác xã mộc này đã gần hai năm nay, ngày ngày tháng tháng lòng mình lúc nào cũng thấp thỏm lo âu với cái tội nặng nề thầm kín mang trong người là “giặc lái Mỹ ngụy”.

Năm 1961, sau khi lãnh cái án tù 7 năm, là từ Hỏa Lò Hà Nội đến trại này trại kia, cuối cùng là trại E Phố Lu (Lào Cai), tôi đã “ngoan ngoãn” cải tạo tư tưởng để trở thành “thành phần tiến bộ”, để sau khi hết án bảy năm tù, được hường thêm hai năm “tự giác” ở lại trại giam. Và cuối cùng cho đến năm 1969, tôi đã thở phào nhẹ nhõm người khi được nhân dân, Đảng và nhà nước trả tự do, đưa về đây quản thúc với nghề thợ mộc, “ngày động tối điểm” (ban ngày lao động: cưa xè, đóng bàn, đóng giường, tối điểm danh trước khi đi ngủ).

Tối hôm nay trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được, lo nghĩ lại chuyện gì sẽ đến với mình đây, tại sao lại bị đưa về Hà Nội, tại sao… tại sao… nằm mãi không ngủ được thôi thì dậy, phì phèo vài điếu thuốc lào.

Ngoài lán các “đồng chí” đang quây quần bên đống lửa to, canh nồi bánh chưng. Nghĩ lại nếu không có cái lệnh đi Hà nội thì giờ này mình cũng ngồi ngoài đó vì ban sáng mình đã được phân công canh nấu bánh chưng tối nay.

Sáng rồi, chưa tới 9 giờ thì thấy đã có một chiếc xe Molotova loại nhỏ như xe Jeep của Mỹ, đậu sẵn ở trong sân của Hợp Tác Xã. Tôi cũng đã sẵn sàng khi đồng chí cán bộ quản lý xuống kêu lên văn phòng gặp cán bộ trung ương.

Vào đến văn phòng là tôi khựng lại, nghĩ thầm trong lòng: Lại cái ông Toán này nữa, cái ông cán bộ công an đã săn sóc mình trong mấy năm qua, từ khi mình được trở thành ngườI tự do!

Sau khi anh quản lý bảo tôi ngồi xuồng rồi đi ra, ông Toán mới chậm rãi:

- Anh có được khỏe không? Hôm nay tôi lên gặp anh để đưa anh về Hà Nội và sau đó đưa anh ra sân bay để anh đi Pháp đoàn tụ với gia đình. Đảng và nhà nước đã rất khoan hồng đối với anh và đã chấp thuận lời xin của gia đình người chị của anh ở bên Pháp, cho anh về Pháp sum họp gia đình.

Nghe đến đây tôi như tắt thở, mừng đến nỗi nhịp tim đập mạnh như muốn nhảy ra ngoài, tuy nhiên vẫn cố lấy bình tĩnh để nghe tiếp những lời lải nhải của đĩa hát cũ đã rè, lập đi lập lại, nào là anh phải biết ơn nhân dân, biết ơn Đảng và nhà nước, nào là anh phải tiếp tục cải tạo tư tưởng để thành người tiến bộ, trở về phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và nhà nước v… và v…

Ông Toán nói tiếp:

- Đây là giấy thông hành tạm cấp cho anh để anh dùng đi đường ra nước ngoài, còn đây là giấy máy bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ Hà Nội đến Paris. Giấy máy bay này do người chị của anh mua và gởi sang cho chúng tôi để nhờ đưa lại cho anh dùng. Thôi chúng ta chuẩn bị lên đường kẻo trễ, anh còn có ý kiến, còn muốn phát biểu gì không?

Tôi lập bập:

- Dạ báo cáo cán bộ, dạ dạ thưa không!

Đứng dậy ra xe chân mình bủn rủn, đi hết muốn vững. Đâu có ngờ!

Ra đến xe thấy cán bộ quản lý chạy lại:

- Anh cầm lấy túi bánh chưng này, đây là quà Tết của hợp tác xã tặng anh, cầm theo mà ăn đi đường.

Xe lăn bánh rời Ba Vì, bon bon trên đường hướng về Hà Nội. Ngồi trên xe mà lòng tôi lâng lâng, nửa tỉnh nửa mơ, mừng lo lẫn lộn, vì chưa hẳn dám tin đó là chuyện thật, hai bên đường cây cối trơ trụi, bụi đường tung tóe theo lằn bánh xe lăn, nhưng sao mình thấy cái gì cũng vui tươi, cái gì cũng đẹp sáng, tưng bừng như… Tết!

Mải triền miên với trăm nghìn ý nghĩ trong đầu, tôi không để ý đã băng qua Hà Nội lúc nào và đang trên đường tiến vể sân bay Bạch Mai

Xe đến cổng phi trường thì chạy chậm lại, tài xế lái xe vào đậu ở gần nhà ga hành khách, ông Toán bước xuống quay lại bảo tôi xuống xe theo ông vào trong làm thủ tục giấy tờ.

Tôi liếc nhanh quanh sân bay, ngoài bãi đậu xa hai ba chiếc máy bay rải rác đậu, một chiếc máy bay kiểu Illou chine 14 của Nga (loại máy bay vận tải chở hành khách loại nhỏ đang chuẩn bị, năm ba người nhân công chạy chung quanh, người đổ xăng, người đi vòng phi cơ kiểm tra.

Tôi nghĩ bụng mình sẽ đi với chiếc phi cơ này. Sau khi theo ông Toán vào quầy hành khách để trình giấy tờ, giấy thông hành, giấy máy bay… làm xong thủ tục, ông Toán nói:

- Thôi đến giờ rồi, anh theo ra máy bay đi, anh đi mạnh giỏi và hãy nhớ những gì anh đã tiếp thu được mà cố gắng trở thành người tốt.

- Dạ báo cáo cán bộ, dạ tôi xin cám ơn!

Mình lập bập, hối hả theo sau độ năm mười người nữa ra hướng máy bay đậu. Nhìn những hành khách khác, không biết là Việt hay Tàu, người nào cũng áo bốn túi, cổ Mao, chắc toàn là cán bộ đi công tác, còn mình thì chả giống ai với bộ bà ba nâu, chân đi dép cao su Bình Trị Thiên, tay quẩy túi bánh chưng bây giờ mới để ý thấy có bốn cái, mình lững thững bước lên vào tìm chổ ngồi trong phi cơ. Nhìn anh phi công cao lớn, da đỏ có lẽ là người Nga, mặc đồ phi hành dân sự, đi giữa hai hàng ghế hành khách để lên buồng lái, tôi ngẩn ngơ nhớ lại… ngày nào!

Chiếc vận tải cơ Illou chine 14 của hãng hàng không Nga từ từ chuyển bánh ra phi đạo, ngừng lại chỗ thử máy và sau đó cất cánh nhẹ nhàng.

Toàn thân tôi rung mạnh theo đà máy bay lăn trên phi đạo rồi từ từ rời đất liền và theo chiều cao bay lên, bỗng dưng hai mắt tôi nhắm nghiền lại, người tôi tự nhiên thấy ớn lạnh khi chợt nghĩ đến… một chuyến bay!!!

Rồi những kinh hoàng, hãi hùng của những giây phút rùng rợn gần 10 năm xưa dần dần tiếp diễn qua tâm trí tôi như một cuốn phim:

Tôi nhớ rõ chiếc máy C47 trắng ngần do tôi lái khi vượt qua vĩ tuyến 17, bay là sát mặt biển xâm nhập vào bầu trời của miền Bắc, dù còn ở ngoài khơi của biển Đông, cả bảy người trong phòng lái chúng tôi đều bắt đầu thấy thần kinh căng thẳng; người này lo lắng liếc mắt nhìn người kia, không ai nói với ai một lời. Khi máy bay vào sâu nội địa, tôi còn nhớ lúc ấy khoảng hơn 1 giờ đêm, đột nhiên tôi thấy nhoáng lên như ánh chớp màu da cam ngay trước mặt tôi trong bầu trời như bức màn đen, máy bay tự nhiên rung giật mạnh, không hề nghe một tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì, hai tay tôi ôm cứng lấy tay lái, cố giữ thăng bằng cho chiếc máy bay, mắt tôi còn thoáng thấy anh Mậu điều hành viên và anh Thích phi công phụ ôm chầm lấy nhau, rồi… tôi không còn biết gì nữa!

Không biết mãi bao lâu sau, khi thấy lạnh run, tôi cố mở mắt nhìn trong đêm tối đen kịt, người tôi như vỡ nát ra trăm mảnh, tôi không cử động được tay chân, đau đớn tận cùng hồn tôi lửng lơ, tôi tưởng như tôi đã chết rồi, hay đang… chết. Sau đó dần dần một lúc, tôi mới cảm thấy đau nhừ khắp cả người, chỗ nào cũng đau, tôi không nhìn thấy gì cả, cố thu hết tàn lực đưa tay quờ quạng hốt ít nước bùn lầy đưa lên mặt để rửa. Nước bùn nhầy nhụa hòa với một thứ nước mằn mặn trên gương mặt loang lổ của tôi, “máu” mặt tôi đày máu, tôi cố mở mắt nhiều lần nhưng vẫn không thấy gì, đầu tôi như có ai cầm chiếc gậy đập đều đều, tôi lại mê man, tâm trí như có một khoảng trống rỗng, chẳng còn ý niệm gì về thời gian, không gian.

Tôi cũng chẳng biết là cho đến bao lâu nữa, mãi khi tai tôi chợt nghe văng vẳng trong gió lao xao của đêm khuya:

– Chết tôi rồi, chết tôi rồi, nóng quá, nóng quá, chết… tôi rồi!

Tiếng kêu thảm thiết của những người đang chết cháy! Tôi không nhúc nhích gì được, cả một nửa người của tôi đã ngập sâu dưới bùn lầy, tôi cố mở mắt to: xa xa cách chỗ tôi “đứng” độ vài trăm thước, một đám cháy to, lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt và những tiếng thét kinh hoàng mà tôi nghe từ đó vọng ra, tôi như nửa tỉnh nửa mê, chợt lờ mờ có ý niệm rằng chiếc C47 do tôi lái đã bị bắn rơi xuống đây và đang bốc cháy!

Tôi lại mê man bất tỉnh cho đến khi mở choàng mắt ra, lúc này đã nhìn được lơ mơ thấy khung cảnh đồng ruộng sình lầy, đầu tôi đau nhức như có người lấy dao nạo vào óc, rồi tôi nghe rõ tiếng người hò hét xa xa, tiếng léo nhéo, quát tháo vẳng trong gió đêm.

Một ý thức bừng dậy thành phản xạ của sự sống còn ập đến như một đòn bẩy, tôi cố vùng vẫy, nhô người lên khỏi đám sình lầy, nhưng tôi quá yếu, bất lực!

Tiếng quát tháo lẫn lộn của đàn ông lẫn đàn bà càng lúc càng gần cùng với những ngọn đuốc lập lòe di động đốt sáng cả một góc trời, phần vì khắp người đau như dần với bao nhiêu thương tích, phần vì quá khiếp sợ, đầu óc tôi tê đi, cho đến lúc họ đã quát tháo ầm ầm bên tai tôi mà tôi vẫn đứng im như một xác chết. Họ hò nhau túm lấy tay chân tôi, kéo tôi ra khỏi sình lầy.

Lúc này trời đã sáng tỏ, tôi lờ mờ thấy không biết bao nhiêu người, đàn ông, đàn bà lố nhố vây quanh tôi, súng ống gậy gộc, họ hầm hè như muốn nhai xương, nuốt sống, ăn thịt tôi tôi đau đớn sức tàn, tôi sợ quá, nhắm mắt lại, rồi lịm đi, văng vẳng nghe tiếng quát, tiếng chửi rủa ập ngoáy vào tai tôi:

– Coi chừng, coi chừng, nó hãy còn sống, đập chết nó đi, đập chết nó đi, nó là Biệt Kích ác ôn của Mỹ Diệm!

Cuốn phim đến đây tự nhiên tắt ngay, tôi giựt mình bừng tỉnh dậy. Tôi đang ngả người trên chiếc ghế nhung của hành khách, máy bay đang bay êm, tiếng máy đều đều… trong máy bay gió lạnh nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, ướt thấm cả bộ quần áo nâu tôi đang mặc, tôi cảm thấy lạnh, lạnh ớn xương sống… với giấc chiêm bao vừa qua!

Với tay với cái mền đắp lên người mới nhớ ra các giấy tờ mang theo trong người, lần mò móc ra xem, ngoài tờ giấy thông hành tạm, đóng dấu đỏ của Bộ Công An Hà Nội là giấy máy bay của hãng hàng không Pháp Air France, trong đó ghi chặng đường đi: Hà nội, Canton, Hồng Kông. Paris.

Tôi nghĩ thầm trong bụng: Tại sao ghé qua Quảng Đông (Canton) đó là đất đai của Trung cộng, nếu mà lôi thôi trở ngại biết làm sao?

Mãi loay hoay với ngàn ý nghĩ lo lắng, tôi không để ý đến đèn báo hiệu buộc dây an toàn bật cháy, cho đến khi người chiêu đãi viên đến nhắc tôi vì máy bay chuẩn bị đáp. Phi trường Quảng Đông vắng tanh, lạnh ngắt, không thấy một sinh hoạt nhộn nhịp nào như các phi trường dân sự khác, không thấy một chiếc máy bay nào khác đậu ở sân bay, ngoài chiếc máy bay tôi đang đi, từ từ vào bến đậu, ngay trước nhà ga hành khách. Tôi được mời xuống máy bay theo sau lẻ tẻ hai ba người hành khách khác, đi vào trạm nhà ga.

Vì đã quen với cách thức đi lại của các phi trường quốc tế, tôi tìm ngay đến quầy tiếp khách đại diện của Air France. Sau khi trình giấy tờ, giấy máy bay của tôi cho người nhân viên, một người Tầu, bập bẹ nói tiếng Pháp, anh ta xem xong rồi nói:

– Hiện tại chúng tôi không có đường bay nối tiếp (connection) giữa Canton và Hồng Kông, theo lộ trình đã được chỉ định và trả tiền trước, chúng tôi sẽ lo liệu cho anh đi Hongkong bằng đường xe lửa, và khi đến Hong Kong anh sẽ tiếp tục lấy máy bay đi Paris, anh chuẩn bị theo tôi ra xe để tôi đưa anh ra nhà ga xe lửa cho kịp giờ.

Ngồi trên xe theo người nhân viên Air France từ phi trường ra ga xe lửa, quang cảnh hai bên đường xe chạy lạ hoắc, nhưng tôi đâu còn tâm trí nào để nhận xét! Nhà ga xe lửa Quảng đông thật nhộn nhịp ồn ào khác thường, đặc nghẹt hành khách và hành lý. Người nhân viên Tầu dắt tôi len lỏi qua đám người, chen chúc đến quầy lấy vé và đưa tôi lên một toa giữa con tầu để tìm chỗ ngồi, may mắn tìm được một chỗ trống gần cửa sổ, anh ta chỉ cho tôi ngồi xuống và đưa tay bắt tay tôi chúc may mắn (bonne chance).

Khi xe lửa bắt đầu lệnh khệnh lăn bánh, một kiểu xe lửa từ thời chiến tranh 1914-18, cũng là khi tôi thấy đói lả, mệt nhừ! Chợt nhớ túi bánh chưng xách tòn ten theo từ khi rời Hà Nội, tôi mở ra lấy một cái, bóc lá, nhỏm nhẻm ăn ngon lành, thả hồn thưởng thức hương vị của bánh chưng Tết, mặc kệ cho quang cảnh ồn ào chung quanh, tiếng cười, tiếng nói “xí xí ngộ cỏn” của các hành khách nông thôn Tầu đù loại, đang chen chúc nhau trong toa tàu chật hẹp.

Trời đã xế chiều, tôi không có ý niệm chính xác về thời gian, đoán chừng là đã 4, 5 giờ chiều thì xe lửa từ từ dừng lại vì đã tới trạm ranh giới giữa Quảng Đông và Hồng Kông. Sau khi xe lửa ngừng hẳn, giữa cảnh ồn ào nhốn nháo của hành khách, tôi thấy hai người mặc quân phục, một người Anh và một người Tầu, tôi đoán là nhân viên của Sở Di Trú (Immigration) lên toa xe để kiểm soát giấy tờ.

Khi họ đến chỗ tôi ngồi và sau khi xem xét giấy thông hành tôi trình ra, nhân viên người Anh lật qua lật lại tờ giấy của tôi, xem xong rồi chậm rãi nói:

– Với giấy thông hành này của Việt cộng/ cộng sản Hà Nội cấp cho anh đi đường, vì không phải là sổ thông hành chính thức, chúng tôi chỉ chấp nhận cho anh đi qua (transit) đất Hông Kông 24 tiếng đồng hồ mà thôi, sau thời gian đó, anh phải đi ra khỏi Hong Kong, nếu không chúng tôi sẽ bắt giữ anh và trục xuất anh về Hà Nội, anh có hiểu rõ lời tôi nói không?

Tôi xanh mặt, lẩm bẩm trả lời:

– Yes, yes Sir!

Tay run run cầm tờ giấy thông hành người nhân viên Anh đưa trả lại, bụng nghĩ thầm:

– Chết cha thằng nhỏ rồi, rồi đây biết lo liệu làm sao?

Xe lửa ngừng hẳn ở nhà ga Hong Kong, hành khách chen chúc nhau đi xuống, tôi đặt chân xuống nền gạch sạch mát của nhà ga, lòng tự nhiên thấy hả hê, vui lây với quang cảnh sinh hoạt của thế giới tự do! Tôi nhìn đồng hồ nhà ga, đã hơn 6 giờ chiều, tôi vội vã len lòi ra khỏi nhà ga, tìm đường mò về phi trường Kaitak vì biết chắc đó là phi trường quốc tế của Hongkong

“Thả cọp về rừng”, may là đường xá ở Hong Kong đâu có xa lạ gì với tôi khi tôi còn lái cho Air Vietnam và đã từng ghé qua ăn cơm bữa ở đây. Cất bước như vừa đi vừa chạy, băng ngang qua các phố xá đông nghịt người vui nhộn như cảnh Tết, nhưng tôi đâu có dám dừng chân để thưởng thức gì, vừa mệt vừa lo sao cho kịp đến phi trường Kaitak để bắt cho kịp chuyến máy bay Air France đi Paris.

Vào đến phi trường là lúc phố xá đã lên đèn, người tôi mệt nhoài, tôi hổn hển tìm đến quầy vé hãng Air France, trình giấy máy bay đề đi cho kịp chuyến AF 1002, cất cánh lúc 20 giờ đi từ Hong kong sang Paris theo như trên bảng khởi hành (departure) mà tôi đã nhanh mắt nhìn qua.

Người nhân viên hãng Air France sau khi ghi nhận và xem xét giấy thông hành của tôi, anh ta nói:

– Đây nhé, chúng tôi rất tiếc là không thể nhận cho anh đi trên chuyến bay này vì anh mang trong mình giấy tờ của cộng sản bắc Việt và máy bay của chúng tôi phải làm transit ở Bangkok, tôi e ngại rằng nhà cầm quyền Thái Lan sẽ làm khó dễ cho anh, tôi khuyên anh nên nhẫn nại chờ chuyến sau, hoặc bay thẳng, hoặc ghé nơi nào có thuận lợi cho anh hơn thì anh hãy đi.

Cầm giấy tờ người nhân viên đưa trả lại mà tôi “hỡi ơi, sao lại gặp rắc rối quá trời như thế này”. Chân đi không vững, tôi lần mò ra ghế băng ngồi nghỉ đợi, trong lòng “trống đánh thùng thùng”, lo âu cứ nghĩ đến giờ sẽ bị trục xuất! Chợt có ai đằng sau vỗ vai tôi và một giọng phụ nữ vui vẻ nói bằng tiếng Pháp:

– Ê có khỏe không? Anh có phải là anh Vân, Captain Air Vietnam? Đi đâu mà ăn mặc kỳ cục không giống ai hết vậy?

Tôi ngỡ ngàng quay lại, một người đẹp trong bộ y phục Chiêu Đãi Viên Hàng Không tươi cười đưa tay cho tôi bắt:

– Anh quên tôi rồi sao? Tôi là Francoise, hôtesse Lufthansa nè!

Tôi ngạc nhiên, sượng sùng nhìn người thiếu phụ quen quen không nói được một lời, chị ta tiếp tục huyên thuyên kể lể...

À! Thì té ra là Francoise Dupuis, nữ Chiêu Đãi Viên bay cho hãng Hàng Không Đức, người mà thời xưa, lúc tôi còn lái cho Air Vietnam, đã từng được tôi mời mọc, ăn uống mỗi khi gặp nhau ở các escale Hong kong hay Tokyo…

Tự nhiên tôi thấy thoải mái, mừng lây với cái vui mừng vồn vã, hồn nhiên của người xưa, nay gặp lại nhau, tự nhiên tôi thấy có can đảm để “bốc” với nàng, đem “nghề của chàng” kể lể cuộc đời đã qua với hoàn cảnh hiện giờ của tôi cho nàng nghe. Nghe xong nàng vui vẻ:

– Anh đừng lo, tôi sẽ cố gắng thu xếp giúp anh. Anh đưa vé máy bay của anh cho tôi, tôi sẽ lo liệu cho anh trên chuyến máy bay Lufthansa của tôi, cất cánh đi Francfort lúc 10 giờ đêm, có ghé qua Paris, có điều là tôi dặn anh phải nhớ, khi đáp xuống Bangkok để tiếp tế xăng và lấy thêm hành khách, anh phải giả bệnh nằm lại trên phi cơ, tôi sẽ tìm cách thu xếp ổn thỏa cho anh tránh khỏi qua sự kiểm soát của Thái Lan, anh nhớ nhé. Thôi anh đi theo tôi làm thủ tục cho kịp.

Tôi vui mừng vô cùng, lững thững đi theo người đẹp mà trong lòng thầm nghĩ -- sao lại còn may mắn gặp được cảnh “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”!

Sau bao nhiêu gian truân trắc trở, lo lắng trên đoạn đường đời của một người “từ cõi chết tìm về tự do”, cuối cùng tôi đặt chân xuống phi trường Orly (Pháp) ngày 7 tháng 2 năm 1971.

Cò Trắng - Phan Thanh Vân

Xuân 2002

~~~~~~~~~~~~.........................~~~~~~~~~~~~.........................~~~~~~~~~~~~.........................

16. Điệp Vụ C47

THÉP DEN III

Buổi trưa nay, sau khi cơm nước xong, tuy không mưa nhưng vẫn không có mặt trời. Vẫn thỉnh thoảng có những đợt gió mạnh rào rào chui vào trong trại nên đã có nhiều người đi nằm đắp chăn. Hàng tuần lễ nay có gió mùa Đông Bắc nên tôi không tắm được, thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tôi rủ Toàn xách gầu xuống dưới giếng, dù không tắm được thì cũng phải lau người.

Hai anh em dùng chiếc khăn vải nhúng nước, rồi cứ mặc quần áo, cho khăn ướt vào lau trong người. Thế mà hàm răng anh nào cũng đập vào nhau cành cạch. Còn quần áo, tuy cũng thấy dơ bẩn nhưng xin cho miễn, đợi có dịp nào cũng vào ngày Chủ Nhật mà trời lại nắng hãy hay. Hơn nữa, tôi với Vân đã có hẹn nhau trong lúc lao động xã hội chủ nghĩa, chiều nay sẽ ra hội trường nói chuyện. Khi tôi trở về đến buồng, tuy mới khoảng 2 giờ chiều nhưng nhiều người hãy còn nằm im trong chăn. Thấy Vân vẫn ngồi khoác chăn cuộn thuốc lá, tôi nói như đùa:

– Sao, Vân không tắm à?

Ngửng lên, ánh mắt của Vân như cười, nhỏ nhẻ:

– Tháng trước mình vừa tắm rồi!

16. Điệp Vụ C47

Buổi trưa nay, sau khi cơm nước xong, tuy không mưa nhưng vẫn không có mặt trời. Vẫn thỉnh thoảng có những đợt gió mạnh rào rào chui vào trong trại nên đã có nhiều người đi nằm đắp chăn. Hàng tuần lễ nay có gió mùa Đông Bắc nên tôi không tắm được, thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tôi rủ Toàn xách gầu xuống dưới giếng, dù không tắm được thì cũng phải lau người.

Hai anh em dùng chiếc khăn vải nhúng nước, rồi cứ mặc quần áo, cho khăn ướt vào lau trong người. Thế mà hàm răng anh nào cũng đập vào nhau cành cạch. Còn quần áo, tuy cũng thấy dơ bẩn nhưng xin cho miễn, đợi có dịp nào cũng vào ngày Chủ Nhật mà trời lại nắng hãy hay. Hơn nữa, tôi với Vân đã có hẹn nhau trong lúc lao động xã hội chủ nghĩa, chiều nay sẽ ra hội trường nói chuyện. Khi tôi trở về đến buồng, tuy mới khoảng 2 giờ chiều nhưng nhiều người hãy còn nằm im trong chăn. Thấy Vân vẫn ngồi khoác chăn cuộn thuốc lá, tôi nói như đùa:

– Sao, Vân không tắm à?

Ngửng lên, ánh mắt của Vân như cười, nhỏ nhẻ:

– Tháng trước mình vừa tắm rồi!

Nói xong, Vân vừa đưa tôi điếu thuốc vừa hỏi lại:

– Bây giờ Bình có ngủ không? Mình ra hội trường nói chuyện cho thoải mái he?

Tuy tôi chỉ gật đầu, nhưng Vân cũng hiểu là tôi gật đầu cho ý sau, chứ không phải ý trước trong câu hỏi của Vân. Vì thế, Vân vội thu dọn lỉnh kỉnh những đồ nghề ra tiếp tục cuộn thuốc, vừa ngập ngừng, dè dặt hỏi tôi:

– Bình là công giáo à?

Nhìn Vân đăm đăm, tôi khẽ gật đầu nhưng mắt tôi như muốn hỏi lại “có sao không”? Nhưng Vân vẫn không có thái độ gì khác, vẫn cắm cúi cuộn thuốc. Sau vài câu chuyện không đâu, Vân nhìn tôi, ra dáng băn khoăn:

– Bình biết về tôi ra sao, và vì sao Bình lại biết?

Dù rằng đã trao đổi, chuyện trò với Vân trong mấy ngày qua chưa nhiều, chưa đủ. Rồi lại qua lời Toàn dặn dò phải coi chừng Phan Thanh Vân. Nhưng qua từng điệu bộ, dáng đi, cách nhìn, cách nói của Vân thể hiện trong khi chuyện trò, tôi vẫn cảm thấy Vân là người chân thành, dù anh vẫn còn ít nhiều dè dặt. Vả lại quan điểm của tôi: mình muốn người ta đối xử với mình ra sao thì mình hãy đối xử với người ta thế vậy, trước đã… Vì vậy tôi đã chân thành nói thật hết, nội dung:

Từ một ngày Chủ Nhật 24/6/1962, tôi bị bắt vào Hỏa Lò, nhìn thấy Vân ngồi ở gốc cây bàng. Rồi khi còn ở trong Nam, một buổi nghe đài miền Bắc ở Cấp (Vũng Tầu) cho tới khi ra Hà Nội mua và đọc cuốn C47. Cũng như thời gian ở xà lim II, một buổi tối nghe Vân đọc lời kêu gọi anh em trong binh chủng Không Quân hãy lái máy bay vào vùng giải phóng v. v… Tóm lại, tôi đã nói hết những sự việc tôi đã biết về Vân.

Khi nghe tôi kể chuyện lại, ánh mắt của Vân đã giảm hẳn sự dè dặt, dọ dẫm, nhường cho sự gần gũi, thân mật, tin tưởng hơn. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng, sự thật bao giờ cũng có hồn, sẽ có sức truyền cảm mạnh đến người nghe. Cứ cần sự thật dủ cách nói của mình có kém, có lúng túng không diễn đạt hết được ý, nhưng rồi người nghe cũng tin mình.

Vân rất ngạc nhiên và băn khoăn không biết được rằng điệp vụ C47 của anh, Việt cộng đã xuất bản thành sách. Băn khoăn vì Vân không biết Việt cộng đã nói những gì về anh. Thấy Vân nóng nảy muốn biết một vài khía cạnh nói về Vân trong nội dung tập sách, nhất là khi Vân nghe tôi nói: hầu như cuốn sách đã tường thuật lại đầy đủ về phiên tòa và nội dung vụ án mà còn có nhiều tấm ảnh tài liệu. Thậm chí chúng chụp cả bản khai cung của từng người như Vân, Phạm Văn Đăng (thợ máy), Đinh Như Khoa (gián điệp) v.v…

Một phần, cả tập sách điệp vụ C47 dầy gần 300 trang với bao nhiêu sự việc, lại nằm trong mục đích tuyên truyền, làm sao tôi nhớ và kể hết được. Phần khác, trong lòng tôi cũng nôn nóng. Tôi đã nghe đài cộng sản Việt Nam nói về Vân. Tôi cũng đã đọc sách của Việt cộng nói về điệp vụ C47 của Phan Thanh Vân. Bây giờ do điều kiện và hoàn cảnh đặt, đưa tôi lại gặp Phan Thanh Vân. Vậy tôi muốn biết những tình tiết thực tế của sự việc, để so với những điều tôi đã đọc trên sách.

Vì vậy tôi đề nghị Vân: hãy kể lại sơ lược sự việc từ đầu, diễn tiến ra sao. Tùy theo đấy tôi sẽ có những câu hỏi, hoặc cho Vân biết là trong sách đã có sự khác biệt, khi cùng nói về một sự việc. Tay Vân đang quấn thuốc, như ngập ngừng, rời rạc. Mắt Vân lắng đọng đăm chiêu. Hẳn là Vân đang lần giở lại những trang đời nhiều mây gió, chồng chất những dáng hình, sự kiện trong hố sâu ngóc ngách của tâm tưởng. Anh hơi ngửng đầu lên. Mắt anh rõi nhìn về những ngọn nứa già đang lắc lư phía bên ngoài trại. Giọng anh chậm rãi đều đều với nội dung:

– Ngay từ hồi niên thiếu cắp sách tới trường, đôi khi tôi đã say mê đờ đẫn, nhìn theo những chiếc máy bay ì ầm, vi vút trên nền trời quê hương. Tôi đã có những ước mơ như một hoài bão: sau này tôi sẽ tập trung mọi nỗ lực để thực hiện một mục đích, là trở thành một phi công cho thỏa chí ngao du hồ hải.

Cuối cùng sau bao nhiêu những cố gắng miệt mài, tôi đã được tuyển mộ đi học lớp phi công ở Marrakech. Tôi tốt nghiệp, trở về nước với những lời ngợi khen là một phi công ưu tú của các huấn luyện viên người Pháp trong trường. Lúc này, thực sự tôi chẳng hề có một chính kiến, dù chỉ là khái niệm về chính trị, đối với quê hương dân tộc. Ngoài những giờ bay nhiệm vụ, cũng như tập tành, huấn luyện, tôi vẫn buông lỏng tâm hồn, đắm chìm vào những thú rong chơi; lả lướt với những hương sắc của cuộc đời. Thậm chí, với những bối cảnh đẩy đưa cho mãi tới khi tình nguyện nhận lái chuyến bay định mệnh này, tôi vẫn chưa ý thức được đầy đủ về cộng sản, cũng như mức độ hiểm nguy thực sự của chuyến bay. Một chuyến bay, một công tác nguy hiểm, đầy cam go, có thể một đi rồi sẽ… không trở về.

Tâm tư tôi bảng lảng, lơ là nhìn chuyến đi như nhìn một khẩu hiệu, một tấm bảng ghi một chỗ; “nguy hiểm chết người”. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy đôi phút ớn lạnh, rùng rợn như đang nhìn thấy một người giết một người. Lòng vẫn mơ hồ lăng đăng, người bị giết đó không phải là mình. Rồi cứ tiến bước trên con đường mình đã chọn. Tuy vậy, khi chuyến bay vượt qua vĩ tuyến 17, bắt đầu xâm nhập vào bầu trời của miền Bắc, dù còn ở ngoài khơi biển Đông, cả chín người chúng tôi trên chuyến bay đều bắt đầu căng thẳng thần kinh. Thỉnh thoảng người này liếc đôi mắt lắng lo nhìn người kia, chứ không ai nói với ai một lời. Đôi lúc thân chiếc C47 rung giật lên. Dù đó chỉ là hiện tượng bình thường của những chuyến bay đêm, cũng làm cho bầu không khí ngột ngạt, nặng nề thêm. Tôi nhìn nết mặt đăm chiêu của anh Tiêu Huỳnh Yên, điều hành viên, đang ngồi giữa tôi và anh Thích, phi công phụ. Rồi tôi ngoái lại, nhìn Đăng, cơ khí viên cũng đang ngồi trên đống bao lô dụng cụ quân trang. Tay anh đang chống cằm dáng mỏi mệt, dựa lưng vào thành chiếc cửa thông lên buồng máy. Đăng cũng đang chầm chập nhìn tôi thì anh Yên cao giọng nhắc nhở:

– “Đã sắp đến điểm chuẩn, quẹo trái, chếch 40 độ vào hướng đất liền”. Tôi nhớ rõ. Khi máy bay vào sâu nội địa, ở độ cao ba ngàn thước, chỉ chừng 20 phút thôi. Bầu trời như bức màn đen, không một mảnh trăng sao, lúc đó khoảng một giờ 20 đêm. Đột nhiên tôi thấy nháng lên như ánh chớp mầu da cam, ngay trước mặt. Máy bay rung mạnh, không hề nghe thấy một tiếng nổ bay bất cứ một âm thanh gì, mắt tôi còn thoáng thấy anh Yên và anh Thích ôm chầm lấy nhau. Rồi tôi không còn biết gì nữa.

Mãi khi thấy lạnh run, tôi mở mắt ra, nhưng vẫn đen kịt. Người tưởng như vỡ nát ra, tôi không cử động được chân tay nữa. Hồn lãng đãng lửng lơ, tôi tưởng tôi đã chết rồi hay đang… chết. Sau đó, một lúc, tôi mới thấy đau nhừ khắp cả người, chỗ nào cũng đau. Tay chân tôi vẫn chưa hề cử động được. Tôi đã mở mắt ra nhiều lần, nhưng vẫn không nhìn thấy gì. Đầu tôi như có ai đang cầm chiếc gậy cứ đập cứ đập vào đều đều.

Nói tới đây thì Vân ngừng lại. Tôi nghĩ là Vân muốn lấy hơi, vì nói đã hơi dài. Nhưng khi tôi nhìn con mắt của Vân trắng bạch ra lơ láo như hãy còn toát ra nỗi kinh hoàng, hãi hùng của giây phút rùng rợn gần bảy năm xưa. Tôi không dám lên tiếng, tôn trọng cái phút xuất hồn của Vân. Tôi vẫn im lặng, đưa mắt nhìn mấy bông bách hợp đang đong đưa, chờ Vân tiếp tục.

Một lúc, rồi anh lại thẫn thờ nói tiếp, giọng nao nao, da diết:

– Tôi mê man, trong đầu như có một khoảng rỗng im lìm. Chẳng còn một ý niệm gì về thời gian, không gian, rồi tôi lại không biết gì nữa.

Tôi cũng chẳng biết là cho đến bao lâu. Mãi khi tai tôi chợt nghe văng vẳng trong gió lao xao, loáng thoáng có tiếng người. Chợt lờ mờ có ý niệm về chiếc C47 tôi đang lái đã bị bắn và tôi đã rơi xuống đất. Tôi lại mờ choàng mắt ra, lúc này đã nhìn lơ mơ thấy khung cảnh đồng ruộng. Đầu đau nhức như có người lấy dao nạo vào óc tôi. Tai tôi đã nghe rõ tiếng người hò hét xa xa. Một ý thức bừng dậy thành phản xạ của sự sống còn, ập đến như một đòn bẩy giúp tôi đã nhấc được đôi tay. Mắt tôi đã nhìn thấy mờ mờ mầu đỏ loang lổ của máu nhầy nhụa lẫn vào đất bùn. Cả một nửa người tôi đã ngập sâu dưới bùn. Tai vẫn nghe tiếng léo nhéo, quát tháo vẳng vào trong gió. Cố vùng vẫy, kéo người lên khỏi đám xình lầy, nhưng tôi bất lực. Tôi tưởng phải nằm chịu trận, phó mặc cho cuộc đời. Nhưng rồi, đột nhiên như có một nguồn sức mạnh ở đâu đến trợ giúp, tôi đã ngoi và rút cả người lên mặt ruộng. Mắt tôi đã nhìn thấy những đám cói lưa thưa và tôi đã hiểu đây là một cánh đồng cói. Những tiếng quát càng lúc càng gần, lẫn lộn của đàn ông, phụ nữ:

– Chỗ này có một cánh tay!

– Chỗ này có một chiếc giầy!

– Có đứa còn sống. Các đồng chí cẩn thận!

Tôi run người lên, nhìn về phía trái có một đám cói rậm, mọc cao cách xa tôi chừng hơn 10 mét. Tôi cố nhoài, cố lê, rồi tôi cũng chui được vào đám cói rậm ấy. Những tiếng người hò hét như đã gần bên tôi. Phần vì khắp người đau như dần; phần khác, quá khiếp sợ, óc tôi tê đi. Vả lại, còn bao nhiêu sức cuối cùng vì sự sống còn tôi đã dùng hết để bò vào tới đây. Cho nên khi đã nghe thấy cả những bước chân lội bì bõm, tôi cũng đành nằm im, bất động; không còn một hơi sức nào để tự bảo vệ nữa. Cho đến lúc họ đã quát tháo ầm ầm ngay bên tai mà tôi vẫn nằm như một xác chết. Họ hò nhau, túm lấy chân tôi, kéo ra khỏi lùm cói rậm.

Lúc này, trời đã sáng rõ. Bao nhiêu là người, đàn ông, đàn bà lố nhố vây quanh tôi. Súng ống, gậy gộc. Họ hầm hè như muốn nhai xương, ăn thịt tôi. Đau đớn, sức tàn, sợ hãi, tôi lại nhắm mắt lại. Những tiếng quát, tiếng chửi vẫn ập, ngoáy vào tai tôi:

– Nó hãy còn sống!

– Đập chết nó đi!

– Nó là Biệt Kích của Mỹ Diệm!

Có một tiếng quát to, dõng dạc như ra lệnh:

– Không ai được đánh chết nó. Hãy lấy cáng khênh nó về cơ quan!

Nghe Vân kể đến đây, mặt Vân vừa tỏ ra mệt, vừa buồn rười rượi. Hơn nữa, trời cũng đã chiều gần tàn, sắp đến giờ cơm, nên tôi khẽ đặt tay vào vai Vân, nói nhè nhẹ:

– Xin cảm ơn Vân, lòng tôi cũng xúc động, cảm thông với những giây phút kinh hoàng gần bảy năm xưa Vân đã trải qua. Còn một điều tôi muốn nói nữa: có lẽ đó là những hình ảnh hãi hùng, khiếp đảm lớn nhất, đã hằn sâu nét vào tâm hồn, nên Vân vẫn còn nhớ đầy đủ những chi tiết tỉ mĩ đáng ngưỡng mộ.

Vân nhìn tôi đầy thiện cảm, ánh lên mầu tin tưởng, tuy mắt Vân vẩn còn vướng vít một nỗi buồn mênh mông. Vân nhếch môi cười gượng gạo, nói nhát gừng:

– Những phút đầu và những ngày đầu thì vẫn cứ như in trong óc, nhưng những ngày tháng sau này thì tôi chẳng còn nhớ gì cả, ngoài những sự việc chính.

Phía buồng II, đã có một số các anh, các bác đem cân và bát, đĩa ra hè. Quay lại, tôi bảo Vân:

– Chắc cũng sắp kẻng cơm rồi! Ăn cơm xong, tối nay mình sẽ nói chuyện tiếp.

– Không được! Không tiện, để dịp khác, còn nhiều ngày.

Vân vừa lắc đầu, vừa nói, vừa đứng dậy mang túi thuốc lá về buồng. Tối nay, sau khi điểm xong, cửa buồng đã khóa, tiếng loa lại léo nhéo, rì rầm nhỏ to như mọi khi. Tôi đã hiểu, một tuần chỉ có mỗi ngày Chủ Nhật là không sinh hoạt buổi tối mà thôi. Tôi có ý định chờ cán bộ trực trại vào điểm xong sẽ hỏi tiếp Vân một số điều. Câu chuyện lúc chiều với Vân còn đang dang dở, nhưng đã thấy Vân chuẩn bị chăn đi nằm. Có thể câu chuyện lúc chiều đã gợi lại cho Vân nhiều nỗi niềm ngược xuôi, vơi đầy của cuộc đời. Vả lại, tôi chợt nhớ, ngay buổi chiều, khi còn ở hội trường Vân đã nói trước, không muốn nói những chuyện như vậy ở trong buồng.

https://thepden.wordpress.com/2013/01/12/16-diep-vu-c47/

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
*********************

 photo map-of-us-positions-in-vietnam-5edc98d0884f0b742dce45510d2462b4-vietnam-map-vietnam-travel_zps3q0raw4a.jpg

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhoxrJhHIJXQpwKWvVw1jkHibxJXEFR40Yh9-AtBx-gIpJtjA9K8KoIe_VSflSD_L2BtK_RHHR4__SQhnllzFsKh8oJFurI8no5qZKJ88ade7OwsRzJVLO0aCtDADdSXnLXpw9SxjxuPRA/s400/%C4%90%E1%BA%B7ng+Ch%C3%AD+B%C3%ACnh.jpg



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~



 




 
Bài Viết Của Phan Thanh Vân
 

Hôm nay đã là 29 tháng chạp, chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi. Tết năm nay là Tết Tân Hợi (1971) và đúng là cái Tết thứ 10 mà mình sống bơ vơ, xa gia đình, xa quê hương xứ sở. ...

Chiều hôm nay, sau khi hoàn thành xong chiếc giường đôi rẻ quạt, gã chính ủy (ủy viên chính trị) quản lý hợp tác xã mộc Đồng Tiến ở thị xã Ba Vì, tỉnh Sơn Tây gọi tôi lên văn phòng và nói:

- Anh nghỉ việc sáng hôm nay, về lán thu xếp để chuẩn bị ngày mai về Hà Nội.

Tôi thắc mắc:

- Dạ, báo cáo cán bộ, tôi về Hà Nội có chuyện gì và về bao lâu?

Anh Gã lạnh như tiền:

- Anh đừng thắc mắc, đó là lệnh trên của Trung Uơng, tôi cũng không biết lý do. Anh cứ chuẩn bị sẵn sàng đi, và có lẽ anh sẽ không trở về đây đâu.

Không chịu được áp lực, anh bị stress nặng.



THÉP ĐEN III - Điệp Vụ C47
Bài Viết Của Phan Thanh Vân


Ra khỏi văn phòng cán bộ, tôi trở về lán thu xếp đồ nghề mà trong lòng nghĩ ngợi miên man; lại cái gì đây? Được đưa về đây sống quản thúc ở hợp tác xã mộc này đã gần hai năm nay, ngày ngày tháng tháng lòng mình lúc nào cũng thấp thỏm lo âu với cái tội nặng nề thầm kín mang trong người là“giặc lái Mỹ ngụy.

Năm 1961, sau khi lãnh cái án tù 7 năm,là từ Hỏa Lò Hà Nội đến trại này trại kia, cuối cùng là trại E Phố Lu (Lào Cai), tôi đã“ngoan ngoãn”cải tạo tư tưởng để trở thành“thành phần tiến bộ, để sau khi hết án bảy năm tù, được hường thêm hai năm“tự giác”ở lại trại giam. Và cuối cùng cho đến năm 1969,tôi đã thở phào nhẹ nhõm người khi được nhân dân, Đảng và nhà nước trả tự do, đưa về đây quản thúc với nghề thợ mộc,“ngày động tối điểm”(ban ngày lao động: cưa xè, đóng bàn, đóng giường, tối điểm danh trước khi đi ngủ).

Tối hôm nay trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được, lo nghĩ lại chuyện gì sẽ đến với mình đây, tại sao lại bị đưa về Hà Nội, tại sao… tại sao… nằm mãi không ngủ được thôi thì dậy, phì phèo vài điếu thuốc lào.

Ngoài lán các “đồng chí” đang quây quần bên đống lửa to, canh nồi bánh chưng. Nghĩ lại nếu không có cái lệnh đi Hà nội thì giờ này mình cũng ngồi ngoài đó vì ban sáng mình đã được phân công canh nấu bánh chưng tối nay.

Sáng rồi, chưa tới 9 giờ thì thấy đã có một chiếc xe Molotova loại nhỏ như xe Jeep của Mỹ, đậu sẵn ở trong sân của Hợp Tác Xã. Tôi cũng đã sẵn sàng khi đồng chí cán bộ quản lý xuống kêu lên văn phòng gặp cán bộ trung ương.

Sau khi anh quản lý bảo tôi ngồi xuồng rồi đi ra, ông Toán mới chậm rãi:

“Cú sốc này quá lớn, quá sức chịu đựng, khiến họ bị tâm thần”, bác sĩ Dũng nói.

- Anh có được khỏe không? Hôm nay tôi lên gặp anh để đưa anh về Hà Nội và sau đó đưa anh ra sân bay để anh đi Pháp đoàn tụ với gia đình. Đảng và nhà nước đã rất khoan hồng đối với anh và đã chấp thuận lời xin của gia đình người chị của anh ở bên Pháp, cho anh về Pháp sum họp gia đình.

Nghe đến đây tôi như tắt thở, mừng đến nỗi nhịp tim đập mạnh như muốn nhảy ra ngoài, tuy nhiên vẫn cố lấy bình tĩnh để nghe tiếp những lời lải nhải của đĩa hát cũ đã rè, lập đi lập lại, nào là anh phải biết ơn nhân dân, biết ơn Đảng và nhà nước, nào là anh phải tiếp tục cải tạo tư tưởng để thành người tiến bộ, trở về phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và nhà nước v… và v…

Ông Toán nói tiếp:

- Đây là giấy thông hành tạm cấp cho anh để anh dùng đi đường ra nước ngoài, còn đây là giấy máy bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ Hà Nội đến Paris. Giấy máy bay này do người chị của anh mua và gởi sang cho chúng tôi để nhờ đưa lại cho anh dùng. Thôi chúng ta chuẩn bị lên đường kẻo trễ, anh còn có ý kiến, còn muốn phát biểu gì không?

ôi lập bập:

- Dạ báo cáo cán bộ, dạ dạ thưa không!

Đứng dậy ra xe chân mình bủn rủn, đi hết muốn vững. Đâu có ngờ!

Ra đến xe thấy cán bộ quản lý chạy lại:

- Anh cầm lấy túi bánh chưng này, đây là quà Tết của hợp tác xã tặng anh, cầm theo mà ăn đi đường.

Xe lăn bánh rời Ba Vì, bon bon trên đường hướng về Hà Nội. Ngồi trên xe mà lòng tôi lâng lâng, nửa tỉnh nửa mơ, mừng lo lẫn lộn, vì chưa hẳn dám tin đó là chuyện thật, hai bên đường cây cối trơ trụi, bụi đường tung tóe theo lằn bánh xe lăn, nhưng sao mình thấy cái gì cũng vui tươi, cái gì cũng đẹp sáng, tưng bừng như… Tết!

Mải triền miên với trăm nghìn ý nghĩ trong đầu, tôi không để ý đã băng qua Hà Nội lúc nào và đang trên đường tiến vể sân bay Bạch Mai. ”.

“Họ sợ anh ta bỏ trốn, chạy nợ nên lúc nào cũng có người canh ở cửa” Xe đến cổng phi trường thì chạy chậm lại, tài xế lái xe vào đậu ở gần nhà ga hành khách, ông Toán bước xuống quay lại bảo tôi xuống xe theo ông vào trong làm thủ tục giấy tờ.

Tôi liếc nhanh quanh sân bay, ngoài bãi đậu xa hai ba chiếc máy bay rải rác đậu, một chiếc máy bay kiểu Illou chine 14 của Nga (loại máy bay vận tải chở hành khách loại nhỏ đang chuẩn bị, năm ba người nhân công chạy chung quanh, người đổ xăng, người đi vòng phi cơ kiểm tra.

Tôi nghĩ bụng mình sẽ đi với chiếc phi cơ này. Sau khi theo ông Toán vào quầy hành khách để trình giấy tờ, giấy thông hành, giấy máy bay… làm xong thủ tục, ông Toán nói: ……

THÉP ĐEN III - Điệp Vụ C47
Bài Viết Của Phan Thanh Vân


 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...