Tuesday, May 28, 2019

Chuyện “Du Đãng Sài Gòn”

GIANG HỒ SÀI GÒN

Hình: Đại Cathay và vợ. Sài Gòn 1960.

Chuyện “Du Đãng Sài Gòn”



Theo trí nhớ của tôi, lên nhật báo và đến trong ngôn ngữ người Sài Gòn năm 1960. Năm này – 1960 – là năm tình hình Sài Gòn và toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa lên đỉnh cao an ninh nhất.


Hai anh Lâm Thợ Điện và Hùng Mặt Mụn, được gọi là “du đãng,” là hai anh bạn khá thân nhau. Lâm Thợ Điện khỏe hơn, thường bắt nạt và đánh Hùng Mặt Mụn. Hôm ấy Hùng Mặt Mụn bị Lâm Thợ Điện đánh, chạy vào một hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật. Lâm Thợ Điện theo vào hẻm. Hẻm cụt, không còn đường chạy, Hùng Mặt Mụn cùng đường, rút dao đâm chết Lâm Thợ Điện. Hùng bị bắt. Kẻ viết những dòng chữ này không nhớ Hùng bị án tù bao nhiêu năm.


Là hội viên Hội Cơm Nhà Quà Vợ thuần thành, sống theo pháp luật, những năm 1960, 1965 tôi có nghe nói đến những tay du đãng Sơn Đảo, Đại Ca Thay, Huỳnh Tỳ v.v... và v.v... nhưng tôi mù tịt về những anh này. Những gì tôi biết về du đãng Sài Gòn chỉ là những chuyện tôi nghe nói. Những năm 1980, 1981 đọc trên báo Việt Cộng, tôi thấy vài tin về một số tay du đãng Sài Gòn chạy sang Mỹ bị cảnh sát Mỹ bắt, trong số có anh Tài Chém. Tôi được gặp Tài Chém ở Sài Gòn. Ký giả Hồng Dương giới thiệu tôi với Tài Chém ở Café Tự Do. Năm 1995 khi gặp lại Hồng Dương ở Cali, tôi hỏi thăm Tài Chém. Hồng Dương cho biết:


“Tôi có gặp nó. Nó sống yên lành rồi. Hồi mới sang cũng có phá phách quen như ở Sài Gòn nhưng nó nói bị cảnh sát Mỹ bắt tống vào phòng giam với Mỹ Đen, bị nó hiếp. Đau lắm. Sợ. Không dám làm bậy nữa.”

Những năm 2000, tôi đọc trên Internet một số bài viết trên Tuần Báo Công An của bọn Công An Thành Hồ, tuần báo Tuổi Trẻ, về một số tay du đãng của Sài Gòn trước năm 1975. Những bài gọi là phóng sự — hồi ký này thường thổi phồng hành động, tác phong của bọn du đãng Sài Gòn Xưa và đánh hạ giá những sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đọc mà thấy khó chịu. Tháng Tư 2014 tôi thấy trên Internet bài viết về Du Đãng Đại Ca Thay. Tác giả là ông “Trúc Giang. Viết ở Minnesota Ngày 19 – 12, 2011.”

Cựu Tù cải tạo Thiếu Úy Trần Tử Thanh TQLC khi đang trong bộ đồ Tù cải tạo cựu quân nhân QLVNCH khi Việt cộng chiếm miền nam.

Tôi nghĩ:

“Ông này là anh em ta. Viết ở Mỹ. Chắc không có giọng đề cao, hạ thấp như những anh viết ở Sài Gòn. Đọc xem sao.”

Tôi đọc và đăng lại bài viết về Đại Cathay của ông Trúc Giang.

Trúc Giang: Với chức vụ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan quyết tâm bài trừ du đãng. Trung Tâm Bài Trừ Du Đãng đặt ở bên kia cầu Bình Triệu, Tướng Loan cho thành lập Biệt Đội Hình Cảnh và chỉ định Đại Úy Trần Kim Chi chỉ huy.

Theo lịnh của Tướng Loan, Biệt Đội Hình Cảnh (BĐHC) được quyền bắn hạ tại chỗ bất cứ tên du đãng nào gây án trên đường phố và chống lại cảnh sát hành sự. Sau một thời gian hoạt động, BĐHC chỉ tóm được những tên du đãng tép riêu. Đối tượng mà cảnh sát nhắm tới là Đại Cathay thì vẫn nhởn nhơ, thách thức.

Trần Đại không cướp giật, không bị ai tố cáo nên không có đủ bằng chứng để hốt vào tù. Đóng tiền bảo kê là những người làm ăn phi pháp nên cũng không có ai thưa kiện gì cả. Giang hồ có luật lệ riêng của nó, những ai phản bội thì bị trừng phạt, từ việc lấy thẹo cảnh cáo đến thủ tiêu, cho nên không ai dám bán rẻ anh em, vì thế nhà chức trách rất khó làm việc.

Phụ tá Tướng Loan là Trung Tá Mã Sanh Nhơn đưa thư mời Trần Đại đến trình diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Đại đến. Tướng Nguyễn Ngọc Loan ra lịnh:

– Anh phải giải tán băng đảng. Không được lộng hành.

Trần Đại đồng ý với một điều kiện, là cho bọn đàn em được toàn quyền làm ăn hợp pháp trong việc khai thác các dịch vụ ở các kho, bến tàu bên Khánh Hội, khu vực Cầu Muối, hai bên bờ sông Tẻ, dưới hình thức một nghiệp đoàn bốc vác.

Một đề nghị thật là xấc láo, chơi gác chính quyền, là đòi hợp pháp hóa băng đảng dưới quyền điều khiển của tên trùm xã hội đen. Đúng là tuổi trẻ ngông cuồng không đọ sức mình cũng như châu chấu đá xe, đem trứng chọi đá vậy. Tướng Loan tức giận nói:

– Tôi ra lịnh cho anh phải giải tán hết. Anh không có quyền điều đình, mặc cả ở đây. Ngày nào tôi còn ngồi ở chiếc ghế nầy, thì ngày đó, cái đám giang hồ cắc ké của mấy anh không còn đất sống.

Trần Đại trả lời:

– Giang hồ không có vua, tôi làm sao có quyền ra lịnh cho các băng đảng được.

Cuộc đối thoại kết thúc. Kể như Đại Cathay tuyên chiến với cảnh sát. Trần Đại không nể mặt chính quyền, tiếng tăm lại nổi lên như cồn trong giới giang hồ, và Đại Cathay không biết được thái độ đó đã đẩy hắn đến gần ngày về chầu Diêm chúa.

Tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy Cảnh Sát Quốc Gia trên cả nước, kiêm Chỉ huy trưởng Cục An Ninh Quân Đội và Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Đụng với Tướng Loan như vuốt râu hùm, không thể tránh bị cọp vồ, xé xác.


Một buổi tối, Đại và cả chục anh em y kéo đến vũ trường Olympia trên đường Lê Lợi cạnh bệnh viện Sài Gòn, gồm có Lâm 9 ngón, Lành Cầu Muối đến quậy vũ trường nầy. Trong lúc đang vui đùa thì Biệt Đội Hình Cảnh do Thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy đến bao vây, bắt cả bọn. Một trận đấu súng kinh hồn xảy ra, cả vũ trường kinh hoàng. Thiếu úy Trần Tử Thanh là tay thiện xạ, đã bắn què giò Đại Cathay. Nhờ quản lý vũ trường cúp điện, nên bọn đàn em đưa Đại chạy thoát.


Tiếp theo đó, Ban Bài Trừ Du Đãng hốt từng tên đàn em của Đại.


Bị nao núng, Đại tìm cách mua chuộc và hoãn binh. Một buổi tối, hắn bao nguyên nhà hàng Paramount, mở tiệc mời Đại úy Trần Kim Chi, Trưởng Ban Bài Trừ Du Đảng đến nhậu. Sau một tuần rượu, Đại lên tiếng :


– Nếu Đại Úy chịu thả đàn em của tôi ra, thì tôi sẽ đền ơn xứng đáng.


Viên Đội trưởng Biệt Đội Hình Cảnh thẳng thừng trả lời:


– Ăn nhậu là ăn nhậu. Bắt là bắt. Nếu anh mời tôi đến đây để mua chuộc, mặc cả, thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu.


Trần Đại nhũn nhặn:


– Ồ, không không, nếu Đại Úy không thuận thì thôi. Còn hôm nay tôi mời Đại úy đến đây là để cho anh em vui vẻ. Mời Đại úy tự nhiên.

Sau bữa tiệc chừng nửa tháng, một chiếc xe be chở 5, 6 thân cây to lớn, nặng nề, không rõ xuất xứ, đã bò qua, cán dẹp lép chiếc xe con cóc Citroen hai ngựa, làm cho tài xế và Đại úy Chi chết tại chỗ trên xa lộ. Chiếc xe be chạy mất, không nhìn được bảng số.

Giang hồ lại bàn tán, chính Đại Cathay là đạo diễn tấm thảm kịch đó. Dư luận đó không chỉ làm nổi danh Đại Cathay, mà còn đưa số phận của tên trùm du đảng, càng đến gần ngày xóa tên trong danh sách của Nam Tào Bắc Đẩu, để cho Ngọc Hoàng giũ sổ.

Tháng 8 năm 1966, Đại Úy Nguyễn Văn Thọ được cử về chỉ huy Biệt Đội Hình Cảnh, thay chỗ của Đ/U Chi vừa qua đời. BĐHC được dời về Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia.

Đ/U Thọ xin Sự Vụ Lịnh hành quân, rồi đích thân mở chiến dịch lớn, đem xe cây đến tận hang ổ, xúc từng tên và quét sạch bọn đàn em, đồng thời cũng túm cổ Đại Cathay, bác sĩ Nghiệp, Lâm 9 ngón, Hạnh Sún.

20 ngày sau, bọn Đại bị tống lên phi cơ vận tải C-47 đưa ra giam ở Trung Tâm Hướng Nghiệp, đảo Phú Quốc. Ở đó, Đại Cathay đổi tên Trung Tâm Hướng Nghiệp thành Trại Cửu Sừng, bằng cách bốc đại một con mạt chược, trúng con nào thì lấy tên con đó. Cửu Sừng là điểm đến của những tên sa lưới pháp luật bởi những hành vi phạm pháp.

Vợ của Đại và người anh tên Cảnh Alain vung tiền ra cứu Đại. Khi biết được người vợ tìm cách chạy chọt, lo lót cho Đại vượt ngục, thì tương kế tựu kế, cảnh sát Quốc Gia giương ra cái bẩy, cố ý cho bọn du đãng vượt trại để có cơ hội trừ khử.

Vợ của Đại Cathay là một trong nhóm người thăm nuôi đầu tiên được ra Phú Quốc để gặp thân nhân. Các vị chỉ huy trại được chỉ thị làm lơ cho bọn Trần Đại tổ chức cuộc trốn trại. Trong cái áo lạnh mà vợ Đại mang ra đảo, có 62 cây vàng để Đại lo lót cho vụ trốn trại.

Vợ Đại cho Đại biết:

– Đám lính gác sẽ làm ngơ cho bọn Đai thoát ra được ngoài trại.

– Một chiếc xuồng máy chờ sẵn ở bờ biển đưa bọn Đại ra khơi.

– Một tàu hải quân được bố trí để đưa bọn Đại về đất liền.

12 giờ đêm ngày 7/1/1967, Đại cầm đầu bọn đàn em thoát ra ngoài trại tù. Theo kế hoạch, đám tù chia làm hai nhóm.

Nhóm 1.
– 5 người đi trước làm nghi binh. Nhóm tù này chờ đợi bị bắt lại.

Nhóm 2.
– Đại và Hải Sún chạy ra hướng biển.

Bất ngờ. Khi hai nhóm vừa ra khỏi hàng rào thì còi báo động vang lên inh ỏi. Nhóm 1 có Xì Kíp và Hùng Mỏ Chuột bị tóm cổ ngay. Đại và Hải Sún bèn thay đổi kế hoạch, thay vì chạy ra biển, thì chạy ngược về phía Núi Tượng, nơi đó có Vi-Xi ẩn núp.

Đến đây, không ai tận mắt trông thấy Đại Cathay và Hải Sún mất tích như thế nào cả.

Sau đó, nguồn tin có thẩm quyền tiết lộ, khi biết Đại chạy vào Núi Tượng, thì một tiểu đội Biệt Kích do Thiếu Úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được chở từ Sài Gòn ra Phú Quốc chờ sẵn để truy kích với lệnh là bắn hạ bọn tù vượt trại tại chỗ. Toán Biệt Kích ngụy trang trong những bộ bà ba, đội mũ tai bèo, mang dép râu, dùng AK-47.

Tiêu diệt xong, chôn, đắp mộ dựng bia đàng hoàng tử tế để dễ nhận dấu và làm bằng chứng dư luận. Thiếu Úy Trần Tử Thanh sau đó xác nhận, chính đương sự đã nổ súng hạ gục Đại Cathay ở đảo Phú Quốc.

Trần Đại tuổi trẻ kiêu căng, ngạo mạn, khinh thường pháp luật, giỡn mặt chính quyền lại còn cả gan vuốt râu hùm, là tự ký tên vào bản án tử hình của hắn.

Tướng Nguyễn Ngọc Loan dẹp loạn miền Trung còn được, huống hồ gì cái đám cắc ké dao búa, đâm thuê chém mướn không biết trời cao đất rộng là gì, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Đại Cathay đã sống trọn một kiếp giang hồ và cũng đã chết bởi luật giang hồ. Sanh nghề tử nghiệp là thế đấy.

CTHĐ: Sao Y Bản Chính.

Tôi thấy tác giả Trúc Giang cũng viết những chuyện quá đáng, như chuyên “Trung Tá Mã Sanh Nhơn đưa thư mời Đại Cathay đến Tổng Nha Cảnh Sát, Tướng Nguyễn Ngọc Loan tiếp Đại Cathay v.v...Đội truy kích bọn Đại Cathay trốn trại ở đảo Phú Quốc giả làm bọn lính VC (Việt cộng)..v.v..”

Đọc chuyện xưa tôi théc méc: Du đãng Sài Gòn những năm 1960, 1970 đa số trong tuổi quân dịch, đa số trốn lính, bọn du đãng hung hãn, hung hăng với nhau, đe dọa dân lành, trông thấy cảnh sát là lủi mất. Cảnh sát tóm những tên này có gì khó; không cần có án mới bị bắt, Luật cho phép cảnh sát bắt giam những kẻ bị coi là “thành tích bất hảo.”

Tôi chú ý đến bài viết của tác giả Trúc Giang không phải vì tò mò chuyện Đại Cathay mà vì bài báo viết đến nhân vật Trần Tử Thanh. Năm 1988 tôi nằm phơi rốn cùng ông Tù Trần Tử Thanh trong Phòng 10 Khu ED Nhà Tù Chí Hòa. Năm 1995 tôi gặp lại ông Trần Tử Thanh ở Hoa Kỳ Đất Trích. Ông sống ở Virginia. Tôi đăng bài này để:

“Kính thưa ông Cựu Sĩ Quan kiêm Cựu Tù Chí Hòa Trần Tử Thanh. Có phải ông là ông Thiếu Úy Trần Tử Thanh, người bắn chết Du Đãng Đại Cathay ở đảo Phú Quốc năm xưa không?”

Tôi mời quí vị đọc một bài bọn Sài Gòn Cờ Máu viết về Sơn Đảo. Quí vị đọc chơi. Đọc qua rồi bỏ. Bài này là một trong những bài viết đề cao du đãng và bôi bác chính quyền VNCH. Một bài viết tầm bậy.

"... Sơn “Đảo” tên thật là Vũ Đình Khánh vốn là một du đãng từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn từ trước những năm 1960. Ngay từ nhỏ hắn đã thể hiện sự ngang tàng của mình qua những vụ đánh lộn và cướp bóc. Sau khi Tướng “râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chức vụ lãnh đạo Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, ông chủ trương “bài trừ du đãng” và lập ra đội quân “đặc quyền” chuyên hoạt động trong lĩnh vực này. Sơn bị bắt trong một lần quỵt tiền taxi tại Quận 1 và bị đưa ra tòa xét xử tuyên án 5 năm tù tại Côn Đảo.

Những tưởng bản án này “cải tạo” được Sơn nhưng không ngờ tại đây, hắn đã trở thành “đại bàng”, gây dựng thanh thế trong giới tội phạm. Và cũng giống như Đại Cathay, Sơn cũng được gắn tên vùng đất thành danh của mình là Sơn “Đảo” từ ngày đó. Sau khi về Sài Gòn, bằng những mánh khóe học được trong tù Sơn len lỏi làm thân với một vài sĩ quan Sư Đoàn Dù “quý tộc” của quân đội. Hắn tập thể hình khiến cho cơ thể phần trên rất bệ vệ, ngực nở phồng to tướng khiến hai tay như không thể khép sát vào nách, tuy nhiên hai chân thì bé tí tẹo. Khi về Sài Gòn, hắn mở sòng bạc tại Tân Bình và nghiễm nhiên trở thành ông trùm trong giới đỏ đen. Sơn thường xuyên sử dụng xe hai bánh phân khối lớn và kè kè bên mình lúc nào cũng có Trung Tá Đường của Sư Đoàn Dù.

Thời điểm bấy giờ, họ hàng quan chức của các tướng lĩnh Sài Gòn ra sức cấu kết với các băng nhóm giang hồ để làm giàu. Chúng xây các tòa nhà cho các băng đảng giang hồ thuê để mở vũ trường, sàn nhảy thoát y, sòng bạc và kể cả việc buôn bán ma túy. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có một người em vợ được giới giang hồ gọi là “Cậu Mười”. Dựa hơi anh rể là tổng thống, chị gái là “đệ nhất phu nhân” của Việt Nam Cộng Hòa, cậu Mười bất chấp pháp luật, cậu giao du với đám giang hồ. Các “đại ca” lúc bấy giờ được làm ăn với cậu cũng là vinh dự và an toàn bởi đã có cái “dù” rất lớn che chở. Khoảng cuối năm 1973, cậu Mười xây dựng một tòa nhà năm tầng trên đường Trương Minh Ký để cho các đại ca giang hồ thuê mở sòng bạc, vũ trường.

Vào một buổi sáng, Y “cà lết” tức là Phạm Bá Y — một tay giang hồ bị thọt chân đi cà nhắc chuyên “thâm canh” ma túy tại khu vực sau Bệnh viện Từ Dũ, chở trên xe hơi một cô gái tên Trang — vũ nữ của vũ trường Barcaras (Trang là vợ tay giang hồ Lộc điên, lúc này Lộc đang thụ án tù vì buôn ma túy) đến gặp cậu Mười để hỏi thuê một tầng lầu làm điểm kinh doanh. Duy chỉ còn có lầu 3 còn trống nên cậu Mười đồng ý cho Y thuê tầng này. Khi Y và Trang chuẩn bị ra về thì một chiếc xe phân khối lớn lao đến, trên xe không ai khác đó là Sơn “đảo” và chở sau lưng là Thiếu Tá Đường. Khi thấy Sơn, Trang liền vồ tới ôm Sơn, gọi liên tiếp anh Sơn (Trang cũng là bồ nhí của Sơn). Sơn vừa ôm Trang vừa gọi cậu Mười xuống hỏi thuê phòng làm điểm kinh doanh sòng bạc.

Vốn không ưa gì Sơn nên cậu Mười nói chỉ còn lầu 3 trống nhưng em nói muộn quá nên qua vừa cho thằng Y “cà lết” mướn rồi. Sơn đảo mắt xung quanh thì thấy Y đang ngồi trong xe hơi, Sơn hỏi Trang:

— “Em đi với thằng đó à?”

Trang gật đầu. Sơn đến lôi Y ra khỏi xe, đánh Y hai tát vào mặt làm Y rơi kiếng xuống đất. Y ngước lên hỏi:

— “Tại sao anh đánh tôi?”

Sơn hỏi lại:

— “Mày biết tao là ai không?”,

Y trả lời:

— “biết”. Sơn lại hỏi:

— “Biết sao không xuống xe chào tao? Tao đánh mày vì tội mày biết tao mà không chào tao.”

Y gằn giọng:

— “Chào hay không là quyền của tao, nhưng mày nên nhớ cái tát này.”

Nói dứt lời, Y gọi Trang rồi khoát tay chào mọi người, cả hai lên xe biến mất. Tưởng rằng sự việc bình thường nhưng Y đã rắp tâm trả thù. Sau vụ việc hôm đó, Y không thuê sòng bài nữa mà dẫn theo một số đàn em thân tín lên Đà Lạt. Hắn yêu cầu chủ khách sạn cho Y mướn phòng ba tháng. Dù không ở nhưng hắn vẫn trả tiền đủ và yêu cầu chủ khách sạn ghi tên lưu trú của hắn tại đây suốt ba tháng trời. Sau đó Y âm thầm quay lại Sài Gòn tìm cách giết Sơn trả thù.

Vào một ngày cuối tháng 1-1975, Y phát hiện Sơn cùng đám sĩ quan Dù đang ăn chơi nhảy múa tại vũ trường Crystal trên đường Lê Lợi. Y “cà lết” bố trí đàn em chở mình bằng xe máy với khẩu Colt 45 thủ trong người. Hậu thuẫn phía sau cho hắn là chiếc xe hơi chở bọn đàn em thiện chiến được trang bị hỏa lực mạnh, phòng xa nếu lính Dù ra tay can thiệp thì phải có sự yểm trợ khi rút lui. Sau khi nắm rõ tình hình, Y thuê một đứa trẻ đánh giày ngay trước cửa vũ trường với giá 10 đồng để xì hơi bánh xe của Sơn đang để trước cửa, sau đó hắn nép vào gốc cây bên đường nơi có điểm vá xe phục sẵn. Trong ánh đèn leo lét trên đường Lê Lợi lúc nửa đêm, Sơn “đảo” cùng thiếu tá Đường vãn cuộc rượu loạng choạng ra về nhưng phát hiện bánh bị hết hơi nên dắt sang điểm vá xe bên kia đường kiểm tra.

Đúng như kế hoạch của Y, khi Sơn cúi xuống nhìn bánh xe thì ngay lập tức từ phía sau hốc cây phát ra một tiếng quát:

— “Sơn Đảo!”

Sơn ngước nhìn lên, bất ngờ một tiếng súng nổ. Mùi thuốc súng khét lẹt, viên đạn găm vào vai khiến Sơn ngã xuống. Y “cà lết” gằn giọng:

— “Mày có biết tại sao tao giết mày không, Sơn?”

Sơn bị thương rất nặng nhưng vẫn nhận ra người hỏi là Y “cà lết”. Sơn thều thào:

— “Không lẽ vì chuyện nhỏ vậy mà mày bắn tao hả Y?

Y “cà lết” lạnh lùng:

— “Tao nói trước với mày rồi, vì cái tát đó nên mày phải chết.”

Nói dứt lời, Y nã hai phát đạn vào bụng Sơn rồi lên xe máy đàn em chờ sẵn rú ga chạy. Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến Thiếu Tá Đường mặc dù có súng lăm lăm bên người nhưng không dám rút ra mà bỏ chạy mất. Sơn “đảo” được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng chết sau đó hai tiếng đồng hồ. Thời điểm bấy giờ có giả thiết cho rằng -- nguyên nhân vụ án mạng trên là do Sơn lấn lãnh địa vào Cây Da Xà của Bảy Diệm nên bị trùm giang hồ này giết. Về phần Y “cà lết” sau 30 tháng Tư '75, đã bị kết án tử hình vì phạm tội cướp của giết người trong nhiều vụ án khác. Trước khi ra pháp trường, Phạm Bá Y đã thừa nhận Sơn “đảo” do chính y bắn chết để trả thù cho cái tát trước nhà cậu Mười trên đường Trương Minh Ký năm xưa.

CTHĐ: Sao Y Bản Chính.

Tôi nhắc lại: Quí vị đọc chơi rồi quên.







Thiếu Úy Trần Tử Thanh - TQLC





No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...