Monday, July 22, 2019

Những người Lính Dù bị lãng quên

VNCH-Ngọc Trương




Barry R. Mccaffrey đại tướng (4 sao) lục quân Hoa Kỳ. Khi còn là sĩ quan trẻ, đã phục vụ tại Việt Nam năm 1966-1967 với tư cách sĩ quan cố vấn trong binh chủng Nhảy Dù VNCH. Năm 1968-1969 ông được chuyển qua Sư Đoàn 1 không kỵ (kỵ binh không vận) làm đại úy đại đội trưởng xung kích thuộc Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 7 kỵ binh không vận. Khi về hưu, ông tham gia chính phủ Tổng thống Clinton, và là bình luận viên an ninh quốc gia cho NBC News.
Bài viết đăng trên báo The NewYork times ngày 8 tháng 8 năm 2017, nói lên cảm tưởng của ông về những chiến sĩ Nhảy Dù của Quân Lực VNCH.


Đại úy Mccaffrey tham chiến tại Việt Nam và Đại tướng Mccaffrey
Tôi đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1966, qua năm sau đổi sang sư đoàn Nhảy Dù VNCH với tư cách là sĩ quan cố vấn. Đó là năm cuối cùng chúng tôi nghĩ chúng tôi đã chiến thắng. Cũng là năm cuối chúng tôi có thể định nghĩa thế nào là chiến thắng. Một năm đầy lạc quan, quân đội Hoa Kỳ gia tăng sức mạnh và tham chiến nhiều hơn người Việt, đồng thời cũng bị thiệt hai nhiều hơn.
Cuối năm 1967, có 486,000 quân Mỹ trong trận chiến. Số lính Mỹ tử trận tăng gấp đôi năm 1966. Trong mọi chuyện, sự hy sinh, can trường và tận tụy của quân đội Nam Việt Nam hầu như không được nói đến ở chính trường Hoa Kỳ, cũng biến mất khỏi sự hiểu biết của báo chí và truyền thông.
Sư Đoàn Nhảy Dù của Nam Việt Nam là đơn vị tinh nhuệ, ưu tú, tôi tham chiến với vai trò phụ tá cho cố vấn trưởng của tiểu đoàn. Vào năm 1967 binh chủng Nhảy Dù với đồng phục ngụy trang và chiếc beret màu đỏ nổi bật, quân số tăng lên 13,000 người, tất cả đều tình nguyện.
Những ai trong bọn tôi được vinh hạnh chiến đấu bên họ, phải kinh ngạc vì họ can đảm và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật. Các sĩ quan cao cấp và hạ sĩ quan đều có năng lực và được rèn luyện ở chiến trường. Người ta quên rằng những quân nhân nầy từng tham chiến từ 1951, trong khi chiến trường Việt Nam còn mới mẻ đối với người Mỹ.
Là sĩ quan cố vấn, bọn tôi vừa là sĩ quan tham mưu, vừa là sĩ quan liên lạc từ cấp tiểu đoàn lên đến cấp lữ đoàn. Một năm trời chuẩn bị ở California, bao gồm 16 giờ mỗi ngày học về văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam tại Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng. Sau cùng, tuy không lưu loát, tôi nói được tiếng Việt đàm thoại. Tại Fort Bragg, N.C., chúng tôi phải học chiến thuật chống nổi dậy và được huấn luyện các loại võ khí thời kỳ thế chiến II, quân đội Việt Nam đang dùng.


Huy hiệu binh chủng Nhảy Dù: Trên nón, vai áo, túi áo.
Vai trò chúng tôi trải rộng từ phối hợp pháo binh và không yểm (gọi phi cơ yểm trợ), sắp xếp các chuyến trực thăng vận và không vận tản thương, cung cấp tin tình báo cũng như yểm trợ tiếp vận. Chúng tôi không ra lệnh, và cũng không cần làm thế. Bọn tôi ngưỡng mộ các sĩ quan Việt Nam ngang cấp, họ rất vui khi người Mỹ và hỏa lực mạnh mẽ của Mỹ bên cạnh. Chúng tôi ăn chung và nói cùng một ngôn ngữ với họ.
Bọn tôi hoàn toàn tin tưởng vào người Việt. Tôi thường có một lính dù cận vệ cũng là hiệu thính viên truyền tin. Thông thường, nhóm cố vấn cấp tiểu đoàn gồm một đại úy bộ binh Hoa Kỳ, một trung úy và một hạ sĩ quan cao cấp, thường là trung sĩ. Các trung sĩ là thành phần nòng cốt. Trong khi sĩ quan luân chuyển ra vào, nhiều anh trung sĩ ở lại với các đơn vị Việt Nam được giao phó đến khi chiến tranh kết thúc, hoặc đến khi họ tử trận, hay bị loại ra khỏi cuộc chiến.
Tôi biết Việt Nam qua kinh nghiệm đẫm máu. Các tàu xung kích Hải Quân và trực thăng của Lục quân Mỹ rải quân chúng tôi vào châu thổ đầm lầy phía Nam Sàigòn. Cuộc chiến không vinh quang, chiến đấu và chết chìm trong trong dòng nước mặn dơ bẩn. Không phải là cuộc phiêu lưu tôi nghĩ đến khi còn trong trường Biệt Động Quân. Đại úy (xếp của tôi), sĩ quan cố vấn thâm niên, một quân nhân nhà nghề và đầy khả năng đã tử trận. Khi trở về căn cứ, tôi giúp mang thi hài ông ra khỏi trực thăng. Chỉ mới bắt đầu.


Bốn tháng bên cạnh lính dù, tôi tham gia trận đánh lớn đẫm máu, yểm trợ các đơn vị TQLC Hoa Kỳ Bắc Đông Hà, gần duyên hải phía Bắc của Nam Việt Nam. Hai tiểu đoàn trong số bốn tiểu đoàn của tôi được trực thăng vận vào vùng Phi quân sự, mục tiêu để kiểm soát lực lượng đáng kể của Bắc Việt đang xâm nhập miền Nam.
Ba ngày chiến đấu dữ dội và đẫm máu, cố vấn cao cấp của tôi tử trận. Thượng sĩ Rudy Ortiz bị đạn bắn lỗ chỗ từ đầu tới chân, anh là hạ sĩ quan có can đảm phi thường. Anh kêu tôi nạp đạn vào cây M16, rồi để trên ngực hầu anh cùng mọi người "chiến đấu cho đến chết" (anh may mắn sống sót sau đó). Tổn thất lên số hàng trăm và chúng tôi hầu như bị cộng quân tràn ngập. Nhưng lính dù Việt Nam vẫn bền chí chiến đấu.
Vào thời điểm nghiêm trọng, chúng tôi đã phản công với yểm trợ của Không Quân và hải pháo (pháo binh từ tàu bắn vào). Vị tiểu đoàn phó người Việt đứng thẳng lưng, băng qua lằn đạn súng máy đang bắn dữ dội, tới hố cá nhân của tôi nói:
- Trung úy, giờ chết đã điểm rồi.
Tôi thấy ớn lạnh khi nhớ những lời nói đó. Trong chiến đấu, lính Việt Nam không chấp nhận bỏ lại đồng đội ngoài chiến trường dù chết hay bị thương, cũng không bỏ mất vũ khí.
Trong một trận khác, Tommy Kerns bạn học cùng lớp ở West Point (trường Võ Bị của Hoa Kỳ tương tự như Võ Bị Đà Lạt của VNCH), anh là cầu thủ khổng lồ của đội football (bóng bầu dục) Lục Quân, bị thương nặng và kẹt trong chiến hào, trong khi tiểu đoàn dù của anh đang cố gắng phá vòng vây đông đảo của quân Bắc Việt.
Những người lính dù chung quanh Tommy đều nhỏ con, không kéo nổi anh ra khỏi chiến hào chật hẹp. Thay vì rút lui và bỏ Tommy lại, họ bám chặt vị trí, giao chiến quyết liệt và đánh bại quân Bắc Việt. Tommy sống sót nhờ những người lính can trường.


Lính Dù tại mặt trận Khe Sanh.
Sư Đoàn Dù và các cố vấn Mỹ đóng căn cứ trong Sàigòn hoặc hoặc vùng ngoại biên. Chúng tôi thích năng lực và niềm vui của thành phố, yêu thích văn hóa, ngôn ngữ và người dân Việt. Bọn tôi rất hãnh diện về vai trò bên cạnh các Mũ Đỏ.
Chắc chắn cả thế giới đang khao khát được công tác như bọn tôi - chúng tôi cùng chiến đấu với đội quân ưu tú của nước Việt. Xem ra tụi tôi có rất nhiều tiền nhờ tiền lương lính dù và tác chiến. Được sống trong khu nhà có máy điều hoà không khí. Đám sĩ quan trẻ rất ngông cuồng và hiếu thắng.
Các đại tá và trung tá điều khiển sĩ quan cố vấn, lớn tuổi hơn, trầm tĩnh hơn và chai sạn trên chiến trường, họ là lính dù đã trải qua những trận đánh ác liệt hơn hồi đại chiến thứ II và chiến tranh ở Đại Hàn.
Cuộc sống của sĩ quan cố vấn Sư Đoàn Dù khó đoán trước. Sư Đoàn Dù là đơn vị trừ bị chiến lược, sẽ được tung vào chiến trường khi các chỉ huy trưởng thấy cần. Giữa đêm khuya cả tiểu đoàn hoặc có khi nguyên Lữ Đoàn Dù được báo động hành quân khẩn cấp. Chúng tôi ngồi chật ních trong lòng phi cơ vận tải của Hoa Kỳ, hay của Không Quân Việt Nam với động cơ nổ ầm ỹ, đậu nối đuôi hàng dài trên phi đạo Tân Sơn Nhất, gần Sàigòn. Cấp số đạn được giao cho từng người, đôi khi cấp cả dù đeo lưng. Kế hoạch tác chiến được vội vàng thông báo.
Và sau đó là trận chiến dữ dội, các tiểu đoàn được chuyển tới bất cứ nơi nào cần. Nhảy Dù đi bất cứ đâu trên lãnh thổ quốc gia, và nhảy xuống giữa lòng hỏa lực địch. Sau những lần hành quân như vậy, trong đơn vị tôi, nhiều cố vấn Mỹ và hàng trăm lính Dù ra đi không trở lại.
Tôi thấy khuôn mặt trẻ của: Đại úy Gary Brux. Đại Úy Bill Deuel, Trung úy Chuck Hemmingway, Trung úy Carl Arvin, hiệu thính viên truyền tin rất trẻ Binh nhì Michael Randall. Tất cả đều chết. Can đảm. Kiêu hùng.


Việt Nam không phải là chiến trận đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp West Point, tôi gia nhập Sư Đoàn 82 Dù, can thiệp vào Cộng Hoà Dominican năm 1965. Chúng tôi chuyển quân lên đảo quốc và dẹp tan cuộc nổi dậy kiểu Cộng Sản bắt chước theo Cuba, sau đó ở lại trong vai trò lực lượng gìn giữ hoà bình của tổ chức Các quốc gia Mỹ châu (Organization of American States).
Cứ tưởng như vậy là chiến đấu, lúc trở lại Fort Bragg, bọn tôi hăng hái xin đi Việt Nam. Một số thiếu úy cùng tiểu đoàn bộ binh với tôi, chạy xe đến tận Bộ Tư Lịnh Lục Quân ở Washington, tình nguyện chiến đấu tại Việt Nam. Họ e bỏ lỡ cuộc chiến.
Giờ đây mọi người đều biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Hai triệu người Việt đã chết. Hoa Kỳ tổn thất 58,000 và 303,000 người bị thương. Nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến chính trị rối loạn, cay đắng. Khi ấy, chúng tôi không hay biết gì về chuyện này. Tôi rất hãnh diện đã được chọn để phục vụ đơn vị Nhảy Dù Việt Nam.
Người vợ mới, xinh đẹp, người tôi yêu mến, biết tôi phải ra đi. Cha tôi, một tướng lãnh Lục Quân sẽ lấy làm danh dự nếu tôi tử trận. Mọi chuyện đã hơn 50 năm trước đây. Những người Lính Dù Việt Nam sống sót sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam đã trốn thoát qua Campuchia, hoặc trải qua một thập niên trong các “trại cải tạo” rất tàn bạo. Sau rốt hầu hết cũng tới được Hoa Kỳ.
Hiệp hội các cố vấn và chiến hữu Việt Nam được thành lập. Bia tưởng niệm về những nỗ lực của chúng tôi đặt tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Hàng năm, bọn tôi quy tụ về đây tưởng nhớ lại lúc đã từng chiến đấu bên nhau. Chúng tôi đội những chiếc mũ beret đỏ. Cười vang chuyện xưa, nhưng cũng buồn sâu sắc vì quá nhiều mất mát, cuối cùng không còn lại gì.


Bia đánh dấu tại nghĩa trang Arlington dành cho chiến sĩ Nhảy Dù VNCH và các cố vấn đã hy sinh.
Dòng chữ trên bia tưởng niệm: "Dedicated to the memory of the paratroopers (Mũ Đỏ) of the Vietnamese Airborne Division (Sư Đoàn Nhảy Dù) and their advisors (Cố Vấn), The Red hats and Red markers of Advisory Team 162, Military Assistance Command Vietnam (MAC-V) who fought for freedom and democracy in Vietnam 1960-1975
"Airborne all the way"
"Nhảy Dù cố gắng"
Nhiều người hay hỏi tôi học bài học gì ở Việt Nam. Ai đã từng chiến đấu bên cạnh Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam không bao giờ hỏi như vậy. Mọi điều chúng tôi nhớ và biết là sự can đảm bền bỉ và quyết tâm của những chiến sĩ có cấp bậc khiêm nhường nhất của Nhảy Dù Việt Nam, luôn xông lên phía trước ở chiến trường. Không có đền kỷ niệm nào dành riêng cho họ ngoại trừ trong tâm tưởng của chúng tôi.
**
Phụ lục:
Vài hình ảnh có liên quan đến binh chủng Nhảy Dù VNCH.


Nữ y tá học nhảy dù 1952.


Trung tá Nhảy Dù (sau là Trung tướng) Ngô quang Trưởng và Thiếu tá cố vấn Nhảy Dù Norman Schwarzkopf (sau là Đại tướng)


Tượng Thương tiếc do nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu thực hiện bằng đồng đặt tại cổng Nghĩa trang Quân đội. Người lính ngồi làm mẫu là chiến sĩ Nhảy Dù VNCH.
2018.01.18
VNCH-Ngọc Trương (Danlambao)

Tham khảo:

https://www.nytimes.com/2017/08/08/opinion/south-vietnam-airborne.html
http://www.dailymail.co.uk/news/article-2254000/Norman-Schwarzkopf-dies-General-led-US-troops-Saddam-Gulf-War-passes-away-pneumonia.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Norman_Schwarzkopf_Jr.#Vietnam_War
https://lloydmarken.wordpress.com/2016/05/27/south-vietnamese-general-ngo-quang-truongs-war/
http://self.gutenberg.org/articles/eng/Republic_of_Vietnam_Airborne_Division?View=embedded
http://nhayduwdc.org/st/sdnd/ndwdc_st_tssdndqlvnch_2011JAN10.htm
http://www.historynet.com/assault-company-commander-2.htm
http://vnafmamn.com/Angels_In_RedHats.html
https://www.hmdb.org/marker.asp?marker=12047



--------------------

Hà Việt Hùng



Đầu năm 1974, tôi đóng đồn ngay con lộ đá dẫn vào Ba kè (cách đó chừng 2 cây số), Vĩnh Long. Đồn nằm sát mặt lộ, chung quanh là cây dừa nước và sình lầy. Đó có thể là một ưu ái của ông Đại Đội Trưởng hay Tiểu Đoàn Trưởng, nhưng tôi lờ mờ không biết. Đồn được làm bằng thân dừa và những bao cát của Quân đội Mỹ được xếp chồng chất lên nhau, rất sơ sài và mong manh. Có khi tôi đã nghĩ chỉ cần một trái B.40 chính xác là “thầy trò” 7, 8 người rủ nhau đi “tầu suốt”, không hẹn ngày trở lại.

Nhiệm vụ trong ngày của Trung Đội chúng tôi là sáng hôm sau phải dậy sớm, rà mìn từ ngã ba Ba Kè vào đồn thứ hai cách đó khoảng một cây số, sau đó bàn giao và đi “lội nước” quanh vùng để giữ an ninh cùng với Đại Đội.

Đại đa số lính VNCH thường nghe Chương Trình Dạ Lan (1) mỗi đêm. Tôi cũng vậy. Đêm đêm, tôi và anh Hạ Sĩ (tên Tường) trực máy truyền tin PRC-25 nằm cạnh nhau trên chiếc giường tre, giữa là cái máy radio nhỏ. Gần như đêm nào chúng tôi cũng đợi nghe Chương Trình Dạ Lan cho vơi bớt nỗi buồn xa nhà từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Bên cạnh tiếng kêu “rè rè” của máy truyền tin, chúng tôi chờ nghe bản tin chiến sự và tiếng hát của các “em gái hậu phương”.

Sau tiếng nhạc hiệu, chương trình bắt đầu. “Đây Chương Trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương, nói chuyện với các anh trai tiền tuyến.” Tiếp theo là tiếng hát của Ca Sĩ Thái Thanh trong bản 10 thương của Phạm Đình Chương. “Một thương tóc xõa mơ màng… Hai thương em ăn nói dịu dàng mà lại có duyên… Ba thương má lúm đồng tiền… Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…”

Sau đó là đủ thứ mục tùm lum. Nào là tin tức thời sự, chiến sự khắp bốn vùng chiến thuật, bình luận, thư của anh trai, thư của em gái, xen vào là những bản nhạc phần lớn mang giai điệu Boléro (2). Đời lính thường giản dị, đơn sơ như sông nước, núi rừng, ruộng lúa phì nhiêu, có khi như máu chẩy, xương rơi, xông pha ngày đêm bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc.

Người lính không thích ngồi suy nghĩ vu vơ, lẩm cẩm, nên điệu Boléro rất thích hợp. Tôi thích nhất bản Đom đóm của Phượng Linh. Dù đang ngồi trên vọng gác, tai mắt đang theo dõi giặc, vẫn không thể bỏ qua những cung bậc ngọt ngào, day dứt “Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều. Tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác…”

Rồi Chương Trình cứ diễn ra, các bản nhạc được các ca sĩ trình bầy. Đại khái như Chuyến đò vĩ tuyến (Lam Phương), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh), Hai mươi bốn giờ phép (Trúc Phương), những bản tình ca nói về lính của Nguyễn Văn Đông, của Duy Khánh, của Trần Thiện Thanh, vân vân.

Boléro không sang cả, quý phái như Tango, không dìu dặt như Valse, không quá chậm rãi và gợi tình như Slow và không suồng sã như một số điệu “giật” mới… nhưng Boléro có thể làm chết lòng người nghe một cách êm ái, du dương.

Boléro như một dòng suối hiền lành, trong mát. Tôi thấy ấm áp khi nghe Boléro, như muốn gục đầu trong lòng mẹ ngủ một giấc đầy mộng mị. Điệu Boléro đã đến giản dị như thế và cũng không đòi hỏi, cần đền bù. Boléro không cần tiền hô, hậu ủng mà vẫn uy nghiêm, khí thế.

Những nơi nào không phải giữ “bí mật”, lại có anh lính VNCH hát vu vơ một bản Boléro dễ dãi, rồi chốc chốc dừng chân chờ bè bạn đi tới. Boléro đi tới đâu, anh lính VNCH đi tới đó, dù gian khổ. Hay nói ngược lại, anh lính đi tới đâu, Boléro xuất hiện ở đó, dù trong rừng già, đồi cao, suối khe hay thung lũng.

Không phải chỉ có những anh lính VNCH mới mở nghe chương trình Dạ Lan, ngay cả đến hàng vạn những bà vợ lính, gia đình lính cũng say sưa với chương trình này. Đài Phát Thanh Quân Đội đã thành công. Tôi có cảm tưởng khắp miền Nam đều nghe Dạ Lan, chờ đợi cô, dù không biết cô là ai, trong khi ở miền Bắc, các thanh niên phải bỏ cha mẹ, anh em, người yêu, lên đường “diệt Mỹ-Ngụy” hoặc “sinh Bắc, tử Nam” không có ngày về. Tình cảm bị bó chặt, bị kìm kẹp trong “Tiếng chầy trên sóc Bombo”, “Cô gái vót chông” hay “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn…” Chán nhỉ?

Chương trình Dạ Lan đã đến với các anh chiến sĩ miền Nam như thế. Có người đi hành quân ở vùng không cần giữ “bí mật tuyệt đối”, miệng còn có thể lẩm bẩm một bản nhạc vừa nghe được, hay suy nghĩ phải viết gì thêm trong thư gởi em gái hậu phương
Có thể nói ai ai cũng biết và có cảm tình với chương trình này.

Sau 1954, nhất là sau 1975, điệu Boléro chẳng những không chết, “nó” còn tươi mát trong lòng mọi người hơn bao giờ. Các ca sĩ miền Bắc nổi tiếng nhờ điệu Boléro, các chương trình âm nhạc mượn danh Boléro để có khách, Boléro nhờ vậy cũng tiến triển không ngừng, không những ở trong nước, mà còn ở ngoài nước nữa. Nhạc Vàng, Nhạc Sến, Nhạc Lính… dù được gọi là gì đi nữa, “nó” đều mang dấu tích của một thời.

Hà Việt Hùng

(1) Chương trình này do Đại tá Trần Ngọc Huyến thành lập tại Đài Phát thanh Quân đội năm 1964 -1975, và tùy giai đoạn, có sự đóng góp của một số các vị khác, để khuyến khích và nâng cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH các cấp.

(2) Điệu Boléro: Một điệu nhạc phát xuất từ các quốc gia Châu Mỹ Latin (Latin America) tới VNCH từ năm 1950. Mỹ Latin gồm các vùng phía Nam của Hoa Kỳ.

--------------------

Vương Mộng Long

Một năm sau khi Miền Nam thất thủ, hàng ngàn sĩ quan QLVNCH đã bị lưu đày lao động khổ sai nơi Làng Đá, Cẩm-Nhân, đầu nguồn hồ Thác-Bà, Yên-Bái, Hoàng-Liên-Sơn. Sau đây là một truyện kể về đời tù nơi ấy năm 1977…

Tháng Năm, trời không còn lạnh lắm, hoa đậu phọng đã rụng, râu bắp đã teo, nhưng mùa màng chưa thu hoạch. Đối với những người tù cải tạo trong trại T4 Cẩm-Nhân, thì mùa này ngày dài hơn, cơn đói cũng kéo dài hơn…

Nơi khúc quanh con lộ đá, sát mé nước hồ Thác-Bà, có một bãi tăng gia sản xuất “cải thiện” đời sống của bộ đội thuộc Đoàn 776 Cộng-Sản. Vườn bắp nơi đây tốt giống, tốt nước, nên trái nào, trái nấy no tròn, mập mạp thấy phát thèm…

Một ngày, giờ đứng bóng, có một anh tù đứng bên một đống lửa đang cháy lớn trên triền đồi; anh ta đang nướng bắp non. Bắp anh đang nướng là bắp ăn trộm từ cái rẫy bên hồ của cán bộ. Những bạn tù khác vác củi đi ngang qua khúc quanh, đều được anh ném tặng một, hai cái bắp nướng, nóng hổi, thơm ngon, ngọt lịm.



Tác giả, thiếu úy Vương Mộng Long - 1966


Không ai nhìn rõ mặt anh tù vô kỷ luật đó, vì anh ta đội nón sụp tới mắt; mặt và cổ anh lại quấn một vuông khăn đen, mặc dù trời không lạnh. Anh ta khôn lanh đứng giữa khoảng trống, có thể quan sát tới khúc quanh rẽ vào Trại 4, đồng thời nhìn rõ cả những bóng người di chuyển nơi cổng Trại 9 bờ bên kia. Sau lưng anh là rừng già. Bìa rừng già có một nhà sư ẩn mình canh gác cho anh. Nhiều người biết nhà sư này là cựu Đại Úy Lê Thái Bình, Tuyên-Úy Phật-Giáo của Tiểu-Khu Phú-Bổn.

Những người tù vác củi về sớm không được phép nhập trại, họ phải tập trung nơi chuồng lợn, cách trại chừng hai trăm mét chờ tới hết giờ lao động. Không rõ có anh “ăng-ten” nào lẻn về báo cáo gì với cán bộ trại hay không, nhưng gần một chục tay súng AK đã hộc tốc, vội vã chạy ra bờ hồ truy lùng anh tù “phá hoại”.

Họ uổng công thôi! Tìm anh ta không được đâu! Anh “phá hoại” nhanh như cheo. Chẳng thế mà, Trung Tá Nguyễn Công Luận (K12 VB) ở tù chung Lán 11 với anh ta, đã gán cho anh ta cái biệt danh “Con Beo Trại 4″.

Hôm đó, toán vệ binh chỉ nhìn thấy trên triền đồi, một bếp lửa lớn đang cháy hừng hực và một đống bắp chưa kịp nướng. Dưới chân đồi, bên con đường mòn, nằm trơ hai trái bắp nướng, vỏ còn bốc hơi. Hai trái bắp này được ném cho anh tù cải tạo tên là Nguyễn Hữu Sủng cựu Đại Úy An-Ninh Quân-Đội.
Anh Sủng không dám lượm bắp ăn, vì anh là một tín đồ Thiên-Chúa rất ngoan đạo. Cho dù lúc đó bụng đói muốn chết, anh vẫn sợ phạm tội với Chúa.

Toán bộ đội hăm hở lùng sục “phạm trường”. Ngón nghề của người trộm bắp quả thực là quá khéo tay. Cả trăm trái bắp non bị hái mang đi không dấu vết. Anh trung úy cán bộ quản giáo tên Thu giận quá, nghiến răng trèo trẹo,“Đúng là quân phá hoại! Ông mà tóm được mấy thằng này, ông ‘dần’ cho hộc máu!”

Toán vệ binh đứng bên đống bắp cao nghệu bên đường, tiếc ngẩn ngơ. Trên không, có đám mây ngàn hững hờ chứng kiến. Bên hồ, vài con trâu trầm mình trong bùn, vẫy đuôi đuổi ruồi, mắt lừ đừ… Biết hỏi ai để tìm ra kẻ “phá hoại” bây giờ?

Mười phút sau, toán bộ đội đành rút lui về trại. Buổi chiều, đoàn tù vác củi theo chân nhau vào cổng dưới đôi mắt soi mói của anh trung úy quản giáo Thu. Quản giáo Thu lục túi từng người kiếm cái khăn đen. Chẳng ai có cái tang vật màu đen ấy cả. Tối đó, cựu Đại Úy An-Ninh Quân-Đội Nguyễn Hữu Sủng lẻn vào Lán 4, ngồi cầu nguyện bên chân linh mục Khổng Tiến Giác, cựu Tuyên-Úy của Cụ Diệm. Cha Giác cũng bị giam ở trại này. Anh Sủng hỏi cha,

– “Cha ơi! Con đói quá! Nếu con ăn trộm một trái bắp của trại ăn cho đỡ đói thì con có phạm tội không cha?”

Cha Giác ôn tồn,

– “Con ơi! Con là con của Chúa. Bắp cũng là của Chúa. Con ăn bắp của Chúa để cứu cái thân con của Chúa thì con có tội tình gì đâu!”

Những ngày sau đó, trong hàng ngũ những kẻ phá hoại vườn sắn, khoai lang, rau đậu của cán bộ, có thêm hai hung thần nữa, đó là cựu Đại Úy Nguyễn Hữu Sủng và người bạn tù nằm kế bên anh, cựu Đại Úy Tuyên-Úy Tin-Lành Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Mục-Sư Võ Ngọc Thiên Lộc.

Một năm sau (1978), tay ăn trộm bắp trốn trại lần thứ hai, lại thất bại, lại bị cùm, lại bị chuyển trại. Tới trại Phú-Sơn 4, Thái-Nguyên, bạn bè cũ gặp lại nhau, có người hỏi anh ấy rằng ngày đó cái khăn đen anh giấu đâu?

Anh ta (BĐQ Vương Mộng Long) cười hì hì, tiết lộ rằng anh đã dắt cái khăn đen dưới mái chuồng trâu nhà một người dân Tày, dưới chân dốc Ngàn, ngoài cổng trại. Anh chỉ lấy khăn ra khi hành nghề ăn trộm, cứu giúp bạn tù đang đói. Xong việc, anh lại giấu cái khăn vào nơi cũ.

Khi đi trốn trại lần thứ hai, vội quá, anh không kịp đem cái khăn theo. Không rõ mấy chục năm qua, cái khăn đen có còn nằm dưới mái chuồng trâu nhà Tày nơi cuối dốc Ngàn hay không? Nhưng chắc chắn cái khăn đen đó vẫn chưa quên người, vì người vẫn còn nhớ khăn…

Vương Mộng Long
Seattle, WA- USA




No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...