Phân tích về khả năng của VNCH và Trung Cộng trong trường hợp Trung Cộng tấn công Trường Sa sau khi đã chiếm đoạt Hoàng Sa vào tháng 1-1974
Thềm Sơn Hà
Lời mở đầu: Ngày 30 tháng 1-1974 (10 ngày sau khi mất Hoàng Sa), Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã ra lịnh cho Hải quân VNCH mở cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48, trực chỉ Trường Sa, đổ quân chiếm đóng thêm 5 đảo (1). Để tiên liệu những diễn tiến có thể xảy ra sau khi VNCH công khai thách thức Trung Cộng ở Trường Sa, Hải quân Hoa Kỳ đã sửa soạn bài phân tích này.
1.- Lực lượng Hải Quân:
a. Trung Cộng:
Hạm đội Nam Hải của Trung Cộng (TC) đã được tăng cường một cách đáng kể từ sau cuộc đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Hạm đội này đã có thêm 3 khu trục hạm loại Riga, một số chiến đỉnh Osa và một số lượng quan trọng trang bị cần thiết dùng cho hỏa tiễn có hướng dẫn.
– Cho đến cuối tháng 3, Hạm đội Nam Hải gồm có một khu trục hạm loại Luta (hay Luda) có hỏa tiễn hướng dẫn, ba khu trục hạm loại Riga (nhỏ hơn loại Luta) có hỏa tiễn hướng dẫn và bốn khu trục hạm loại Kiangnan (tương đương loại Riga) không có trang bị hỏa tiễn. Thêm vào các lực lượng chiến đấu chánh yếu này còn có 12 tiềm thủy đỉnh, ít nhất 8 chiến đỉnh loại Osa cở lớn có hỏa tiễn hướng dẫn và các loại chiến hạm khác nhau có khả năng hoạt động trong quần đảo Trường Sa (TS).
Khu trục hạm Jiangnan 501
– Không cần tăng viện (có thể được tăng viện khi cần) Hạm đội Nam Hải có thể thi hành các hoạt động ở Trường Sa trong khi đó vẫn có khả năng duy trì trách nhiệm phòng thủ duyên hải ở mức độ trước khi xảy ra biến cố Hoàng Sa.
b. Việt Nam Cộng Hòa:
Khả năng của Hải quân VNCH rất yếu kém so với Trung Cộng.
– Lực lượng chiến đấu chính yếu của Hải quân/Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) gồm có 2 Khu trục hạm (DER) và 7 Tuần dương hạm (WHEC). Tất cả các chiến hạm này đều củ, chậm và trang bị vũ khí không hùng hậu bằng loại khu trục hạm Kiangnan của TC.
– Không chiến hạm nào của HQ/VNCH có trang bị hỏa tiển.
Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ5
c. Khuyết điểm:
Hoạt động trong quần đảo Trường Sa sẽ đưa đến những sự khó khăn đặc biệt cho cả hải quân TC lẫn VNCH.
– Vùng biển trong khu vực TS không được ghi chú rõ ràng trên hải đồ vì thế việc hải hành rất nguy hiểm.
– Hải quân TC chưa bao giờ tuần tiểu trong khu vực này.
– Hải quân VN chỉ có kinh nghiệm thực tiễn rất hạn chế khi hoạt động ngoài vùng duyên hải, mặc dù từ tháng 2, một trong hai khu trục hạm của họ, vài chiếc tuần dương hạm và một số chiến hạm nhỏ hơn đã hoạt động ở Trường Sa.
– Khoảng cách gần nhất của những đảo này nằm cách Sài Gòn 300.
Hải lý và cách 600 hải lý từ căn cứ hải quân quan trọng gần nhất của TC ở Chan Chiang. Do đó, chỉ có những chiến hạm ở trong tình trạng hoàn hảo của hai lực lượng hải quân chủ yếu là duyên hải và sông ngòi mới có khả năng hải hành và hoạt động trong vùng.
Tuy nhiên, TC có thể xử dụng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa với các cơ sở mà họ đã xây lên để dùng vào một số công tác tái tiếp tế cho hải quân.
Đảo Phú Lâm ở vào khoảng giữa căn cứ hải quân Chan Chiang và đảo gần nhất của quần đảo TS.
2.- Lực lượng Không quân.
a. Việt Nam Cộng Hòa:
Quần đảo TS có khoảng cách xa nhất độ 400 hải lý từ căn cứ không quân Biên Hòa ở hướng Bắc Sài Gòn, nằm trong phạm vi tác chiến của 40 phi cơ F-5A của VNCH, tuy nhiên loại F-5 có thể gặp những trở ngại nghiêm trọng trong khi hoạt động.
– Phần lớn các đảo nằm gần vòng đai ngoài cùng trong tầm tác chiến tối đa của loại F-5 khi được trang bị ít bom và mang thêm nhiên liệu. Do đó các phi cơ này chỉ có thời gian chiến đấu trong vòng vài phút trên mục tiêu thật chính xác đã được chỉ định trước trong khu vực trải rộng đến 10.000 sq.mi.
Hoạt động ngoài tầm đài radar trong đất liền và trên vùng biển rộng, ngoài ra còn phải đối đầu với những khó khăn trong lúc phi hành sẽ làm cản trở các phi công VNCH chưa từng quen thuộc với các chuyến bay dài trên vùng biển rộng và chưa bao giờ thực hiện bất cứ chuyến bay huấn luyện nào trong vùng Trường Sa. Tuy nhiên, họ có thể lấy được các dữ kiện về vị trí của lực lượng địch từ các chiến hạm hay các đơn vị bộ binh VNCH đồn trú trong vùng.
Chiến đấu cơ F-5A
– Trong khi loại F-5E sẽ bắt đầu hoạt động trong Không quân VNCH vào cuối năm nay, có tầm hoạt động xa hơn, nhưng sự hữu hiệu của loại phi cơ này cũng sẽ bị hạn chế bởi những sự khó khăn giống nhau trong lúc hoạt động như loại F-5A.
Ngoài loại phi cơ F-5, Trường Sa còn nằm trong phạm vi của loại khu trục cơ một máy, một cánh quạt A-1 và loại phi cơ AC-119 của Không quân VNCH. Tuy nhiên, cả hai loại này sẽ bị yếu thế trước các khẩu đại bác phòng không trang bị trên các chiến hạm TC, trong khi đó loại F-5 với vận tốc nhanh có thể tránh né hữu hiệu hơn. Vì thế, việc xử dụng phi cơ khu trục A-1 và AC-119 ở khoảng cách quá xa và không được yểm trợ sẽ rất mạo hiểm.
b. Trung Cộng.
Các đảo trong TS (cách căn cứ không quân gần nhất của TC ở tận cùng phía Nam đảo Hải Nam là Lingshui khoảng từ 480 đến 600 hải lý) nằm ngoài tầm hoạt động của tất cả các loại phi cơ chiến đấu của TC, nằm ở ngay tầm hoạt động xa nhất của loại oanh tạc cơ hạng nhẹ IL-28 nhưng nằm trong tầm của loại oanh tạc cơ TU-16.
Chiến đấu cơ Chengdu J-7 (Mig-21)
– Cất cánh từ Nam Trung Hoa (hiện tại không có các loại F-9, MIG-21 hay TU-16 trong khu vực này) không mang theo bom và mang theo nhiên liệu phụ trội, chiến đấu cơ MIG-21 và F-9 (TC chưa bao giờ dùng loại F-9 để nghinh cản) có thể bay xa đến các đảo gần nhất trong TS. Tuy nhiên, chúng sẽ không có khả năng nghinh chiến trên không và như vậy chúng không thể khiêu chiến phi cơ của VNCH bay trên vùng TS. Do vậy, chiến hạm TC sẽ phải hoạt động đơn phương không có sự yểm trợ của không quân như trong trường hợp ở Hoàng Sa.
– Không quân TC có khả năng giới hạn để thả bom hay thực hiện các chuyến bay do thám trong quần đảo TS. Tuy nhiên, mặc dù TC có di chuyển loại TU-16 đến các phi trường ở Nam Trung Hoa để chúng có thể hoạt động trên vùng TS, những hoạt động này vẫn gây khó khăn cho TC khi mà các phi công không được huấn luyện về những chuyến bay xa trên mặt biển, chưa từng bao giờ bay ngang qua TS và họ sẽ phải hoạt động ngoài tầm của các căn cứ radar trên đất liền.
– Nếu như TC có thiết lập căn cứ không quân trong Hoàng Sa (một cam kết lớn lao), khu vực nằm về phía bắc Trường Sa sẽ ở trong tầm tác chiến của loại chiến đấu cơ MIG-19 và trọn khu vực TS sẽ nằm trong tầm tác chiến của loại MIG-21 và loại F-9.
Trong khi phải đối đầu với các khó khăn giống nhau lúc hoạt động, phi cơ TC có thể thách thức phi cơ VNCH trong vùng TS, mặc dù TC không có loại phi cơ tương xứng với loại phi cơ F-5E tối tân hơn có trang bị hỏa tiễn không-không.
3.- Kết luận.
Khi hoạt động trong vùng TS, với sự kiện cả TC và VNCH, không ai quen thuộc với khu vực này, sẽ mang lại những khó khăn đặc biệt cho cả hai và sẽ vượt quá khả năng giới hạn của họ. Tuy nhiên, không chiến có thể xảy ra và TC sẽ có lợi thế hơn.
Lực lượng hải quân TC có thể phái ra TS rõ ràng trội hẳn hơn lực lượng hải quân VNCH đang sẵn có trong vùng hoặc có thể sẽ được gởi ra sau này. Trong khi phi cơ VNCH là mối đe dọa cho các chiến hạm TC, các phi cơ này phải tùy thuộc vào sự trợ giúp của các chiến hạm hay các đơn vị đồn trú trong vùng để xác định vị trí mục tiêu. Như vậy sự hữu hiệu của không quân VN sẽ đạt đến mức độ cao nhất trong những giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Dường như không chắc là lực lượng hải và không quân VN có thể ngăn chận hải quân TC đánh bật hải quân VN ra khỏi khu vực hay tấn công và cô lập các đơn vị đồn trú Việt Nam, mặc dù phi cơ VN sẽ hữu hiệu hơn trong nhiệm vụ bảo vệ các đồn lính này hơn là tấn công các chiến hạm Trung cộng.
Do các khó khăn đã trình bày khi hoạt động trong quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh có lẽ sẽ không gây ra cuộc xung đột ở Trường Sa nếu họ không có những sự chuẩn bị chu đáo.
Các hành động có thể bị phát hiện và có thể xem như là những sự chuẩn bị cho các cuộc hành quân tiến chiếm quần đảo Trường Sa gồm có:
– Tăng cường Hạm Đội Nam Hải (hoạt động này đã bị phát giác).
– Di chuyển loại phi cơ TU-16 đến các phi trường ở phía nam Trung Hoa.
– Mở các chuyến bay do thám trong vùng Trường Sa.
– Tập hợp thêm lực lượng hải quân thích ứng trong quần đảo Hoàng Sa (khu vực được dùng để mở cuộc tấn công).
– Chiến hạm hải quân TC mở các cuộc tuần tiểu ở khoảng cách xa về hướng nam quần đảo Hoàng Sa.)
***
Chú thích: không tìm thấy tài liệu này được phổ biến vào ngày nào. Tuy nhiên căn cứ vào những sự kiện đã viện dẫn cho đến cuối tháng 3-1974, có thể đi đến kết luận là bài này đã được soạn thảo vào khoảng tháng 4-1974.
(1)- Tài liệu tham chiếu: “Hành quân cũng cố chủ quyền Trường Sa 1974” – Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
No comments:
Post a Comment