Monday, June 10, 2019

Trời Mưa Nhớ Bạn

 

Trời Mưa Nhớ Bạn

– Song Vũ

Song Vũ

(Để tưởng niệm các đồng đội đã nằm xuống trên quê hương).

Cac chien si qlvnch vuot song trong mot cuoc hanh quan .jpg

Một

Liên tiếp ba ngày nay mưa bão tới tấp đổ vào đây. Nơi tôi đang sinh sống là một thành phố nhỏ đã có từ rất lâu, có lẽ cả hơn trăm năm nay. Tôi đành phải bỏ ba buổi sáng cuốc bộ thể dục. Thường thì mỗi ngày khi tôi thức dậy, làm vệ sinh cá nhân xong là tôi khoác chiếc áo lạnh và mở cửa bước ra khỏi nhà. Từ đường Sobrato, qua đường Budd rồi băng qua đại lộ San Tomas là tới công viên Morgan. Tới đó, tôi sẽ gặp hai người bạn già từ khu chung cư Rincon, dành riêng cho người cao niên lợi tức thấp, ra cùng đi. Cả ba sau đó đi một vòng tròn lớn, theo đường Rincon qua Winchester rồi trở về lại đường Budd. Thời gian tròn một tiếng. Thói quen này chúng tôi có từ cả chục năm nay. Hôm nào mưa gió hoặc cảm cúm không đi được thì trong người thấy bứt rứt khó chịu.

Như hôm nay đây, qua khung cửa nhìn ra đường, những hạt mưa theo gió tạt rào rào lên mái, hơi nước phủ mờ khung kính, thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy qua hắt nước tung lên hè. Mưa lớn quá, nước chảy vào hệ thống cống không kịp rút. Tivi thông báo có lụt ở vài nơi. Đã thật lâu, tôi mới lại thấy được một cơn mưa lớn như thế này. Thả hồn trôi theo dòng thời gian và cùng với những hạt mưa kia, tôi trở về những hình ảnh quen thuộc cũ, từ lâu nằm ủ sâu trong tiềm thức.

Thói quen đi bộ thực ra chẳng phải do tôi thích làm mà đúng hơn là do lời khuyên của bác sĩ Phan khi phát hiện tôi bị bịnh thấp khớp và cao máu. Phan, trước ngày mất nước, là một bác sĩ của tiểu đoàn quân y ở vùng 4 chiến thuật. Sau 3 năm tù “cải tạo”, trở về nhà được hơn một năm thì anh cùng gia đình vượt biên sang Hoa kỳ. Tại đây, hai vợ chồng vừa đi làm vừa đi học lại và lấy được bằng hành nghề của tiểu bang. Lúc tôi gặp Phan là năm 1993, khi đó tôi cũng qua đây định cư được gần một năm. Tuổi tác tôi nằm ngay đúng ranh giới của sự dở ông dở thằng. Bằng cấp chuyên môn ngoài nghề cầm súng là hai bàn tay trắng, một cơ thể đủ các loại bịnh do hậu quả của những năm tù đầy trong các trại tù từ Nam ra Bắc.

Năm 93 cũng là năm kinh tế Hoa kỳ trong giai đoạn suy trầm nên xin công việc làm thật khó. Từ việc assembler với lương tối thiểu $4.25/ giờ mà nạp đơn xong cũng phải chờ cả vài tuần mới có nơi gọi phỏng vấn. Nhìn đám người xếp hàng dài chờ đợi tới phiên mình mà chán ngán! Quả đúng như lời của một người bạn sang trước bảo “Lứa tuổi mình thì chỉ có đi hành nghề tự do là thích hợp thôi.” Đó là lý do tôi đi theo một anh bạn cùng đơn vị ngày trước để làm nghề cắt cỏ. Huỳnh qua trước tôi gần ba năm theo diện HO. Nhờ đứa con út còn vị thành niên nên hắn được chính phủ cho đi học nghề, hắn đã chọn lấy cái nghề ít cần chữ nghĩa này. Dĩ nhiên tôi chỉ là phụ tá, một tay lái phụ cho chiếc máy cắt cỏ và công việc chính là sử dụng chiếc máy thổi bụi và lá cây -chúng tôi gọi là cây chổi quyét- để vun rác thành đống và sau đó hốt vào bao đựng rác tống lên xe truck rồi đem đi đổ. Những ngày mới vào nghề khá vất vả, nhưng bù lại tối về nhà mệt nhừ tử, nằm ngay cán cuốc đánh một giấc cho tới sáng. Lương ăn chia theo thoả thuận theo số việc có trong ngày, vì thực ra khi còn chung đơn vị, chúng tôi coi nhau như anh em nên giờ đây cũng là dịp bầy tỏ tình nghĩa huynh đệ chi binh vậy thôi. Huỳnh người miền Nam, vùng Cái Vồn nên khi phát âm chữ r thành chữ g nghe cũng vui vui.

Hai

Năm đó là năm 1964. Tôi ra trường đã hơn một năm, là đại đội trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 3/11. Cả tiểu đoàn đang tham dự một cuộc hành quân săn diệt địch. Khu vực hành quân nằm về hướng đông bắc chi khu Cai Lậy, trong vùng Hưng Thạnh Mỹ. Một khu vực chằng chịt kinh rạch. Đơn vị chúng tôi được trực thăng vận từ ngã ba Cái Bè, xuống vùng Kinh Cái Đôi, từ đó lục soát dọc theo Kinh Tổng Đốc Lộc về hướng đông, qua Kinh Một, Kinh Hai…

Cả tiểu đoàn dừng lại giữa cánh đồng ngâp nước mênh mông. Tháp Mười lúc này vào mùa mưa. Bốn bề nước trắng xóa chói cả mắt. Xa xa là những hàng cây so đũa chạy dọc theo các mương đào. Xa hơn nữa là những xóm nhà nằm cặp theo bờ kinh. Tất cả phủ mờ dưới cơn mưa buổi chiều. Hành quân vùng Đồng Tháp trong mùa này luôn đòi hỏi những đại đội trưởng đi đầu có khả năng đọc bản đồ giỏi, nếu không, khi đụng trận kêu hoả lực pháo yểm là mang họa. Lộc là đại đội trưởng kỳ cựu nhất trong tiểu đoàn và đặc biệt anh có khả năng chấm tọa độ số một, nên không lạ, mỗi khi hành quân vùng này, đại đội anh luôn tiên phong. Tiếng đại úy Cao tiểu đoàn trưởng gọi cho Lộc.

– Còn cách mục tiêu bao xa nữa Sàigòn?

– Chừng cây rưỡi nữa thôi, thẩm quyền

– Có thấy động tĩnh gì không?

– Trời mưa như trút thế này làm sao mà thấy? Thẩm quyền cho thằng Sao Mai đánh vài vòng xem sao, chứ tôi có cảm giác là lạ sao ấy. Sao Mai là danh hiệu truyền tin của máy bay quan sát.

– Sao Mai về rồi, nó bảo khi nào ngớt mưa mới lên đưọc.

– OK, thôi thẩm quyền cho tôi một trái khói điểu chỉnh ngay giữa mục tiêu xem sao trước khi vào. – OK, nói với thằng em đi chung làm đi. Thằng em đi chung đây chính là toán tiền sát viên pháo binh đi theo đại đội của Lộc.

Đoàn quân dừng giữa đồng, từ đây tới bìa Xóm Ông Bốc cũng còn cả cây số. Nhưng cứ lùi lũi tiến vào mục tiêu như kiểu này, nếu tụi nó nằm phục trong đó mà bắn ra thì chết chắc. Đại úy Cao, tiểu đoàn trưởng tự nhủ như thế và cho mời đại úy Hiền tiểu đoàn phó trở lại phía sau hội ý.

Đại úy Hiền trở về đại đội tôi rồi kêu Lộc qua cùng bàn bạc. Hiền hỏi chúng tôi,

– Hai chú có nhìn thấy cây liễu cao nằm ở phía tay phải kia không?

– Đó có lẽ là cái đình, đại úy ạ. Lộc nhanh miệng

– Sao chú mày biết?

– Kinh nghiệm bản thân của tôi mà đại úy. Đại úy nhìn xem trên bẩn đồ đây này. Chúng ta đang đứng ở đây, nhìn xéo qua hướng hai giờ là cây liễu đó, cũng chính là ký hiệu cái đình miếu gì đó trên bản đồ đây này.

Tôi gật đầu tán thành. Kinh nghiệm bản thân tôi cũng thấy thế. Trong khuôn viên các miếu đình hoặc chùa trong vùng chúng tôi đi qua luôn luôn có một loại cây gì đó không đa thì phong hoặc thông hoặc liễu. Hình như trồng loại cây tán cao là một chỉ dấu để cho bà con dễ nhận biết khi đi tìm những địa điểm này.

Đại úy Hiền chỉ về hướng một rặng trâm bầu nằm nhô trên mặt nước quay qua bảo tôi:

– “Vũ cho tắp đại đội vào dọc theo rặng cây đó bố trí yểm trợ cho Lộc vào mục tiêu. Còn Lộc tiến tới cách mục tiêu chừng 800 thước thì dừng lại. Cho tiểu đội quân báo mò vào trước xem sao rồi mới tính nghe chưa?”

Lộc gật đầu nhận lệnh. Quả pháo khói được yêu cầu từ trước bây giờ mới nghe tiếng nổ. Tiếng đạn rít khi bay qua ngang đầu rồi rớt vào trong làng, một cuôn khói trắng bay lên cao.

Đại đội tôi dàn hàng ngang tiến dần đến rặng cây nằm nhô lên giữa cánh đồng, còn đơn vị của Lộc tách qua hướng tay trái tôi, sau đó bì bõm lội nước di chuyển. Cơn mưa như ngày càng nặng hạt hơn, nước trên đồng lăn tăn gợn những đợt sóng nhỏ. Vào gần bìa làng, mực nước có vẻ đỡ hơn đôi chút, giữa đồng nước lội trên đầu gối, có chỗ ngang lưng, bây giờ chỉ còn giữa bắp chân một chút. Nước từ trên trời, nước ngập dưới chân, chúng tôi như đang đi giữa một không gian đẫm nước. Có lẽ không một hình ảnh nào ảm đạm hơn hình ảnh những ngưòi lính trùm kín poncho, đi dưới trời mưa mù mịt, lặng lẽ như chúng tôi trong giờ phút này…

Chuẩn úy Huỳnh khi tới bờ cây gọi máy báo cho tôi biết đã tới vị trí. Tôi cho lệnh ngừng và dàn hàng ngang bố trí hướng về phía kinh sẵn sàng yểm trợ cho cánh quân Đại Đội 1 của Lộc ở phía trái.

Tiểu đội tiền sát của Lộc cách bìa làng chừng gần trăm mét thì súng từ bìa làng bắt đầu khai hỏa. Trời mưa vẫn ầm ầm trút nước, tiếng đạn bay vèo vèo trong mưa, những tia chớp lòe sáng nhấp nháy, tiếng người kêu tản thương, tiếng lội nước bì bõm, Tiểu đoàn may mắn nằm ngoài tầm đạn súng nhỏ, ngoại trừ đại đội của Lộc, và một trung đội của tôi. Tiếng pháo binh bắn chặn, tiếng la hét tuyệt vọng của những người lính ngã xuống nước vì trúng đạn. Tất cả nhòa đi trong mưa. Tôi bất động, không thể làm gì được trong tình thế này. Biển nước mênh mông chạy tới sát ven làng không cho phép chúng tôi dàn quân mở một cuộc xung phong sinh tử. Chúng tôi đứng giữa hai biển nước, từ trên trời dội xuống và một biển nước phèn chua nằm dưới chân.

Lệnh của tiểu đoàn cho Lộc và tôi rút về phía sau hai trăm mét ra ngoài tầm hỏa lực của địch. Vẫn không chỗ núp, vẫn đứng dưới mưa.

Nửa giờ sau, hai chiếc phi cơ quan sát lên lại bầu trời, cơn mưa thưa hạt dần. Trời về chiều. Bốn chiếc khu trục được gọi đến bay trên mục tiêu, giờ đây pháo binh đã ngưng. Phi cơ lao xuống thả bom dọc theo kinh. Có tiếng đại liên phòng không bắn lên phi cơ. Đạn phòng không toả những vòng khói nhỏ nổ lụp bụp trên trời. Ven làng từng cột nước dâng cao trộn lẫn những đám khói và quầng lửa vụt lên mỗi khi có trái bom được thả xuống. Khi máy bay làm xong nhiệm vụ, pháo binh lại tiếp tục. Cả mục tiêu trở thành một vùng khói phủ. Tiếng súng bắn trả thưa thớt dần. Bốn chiếc khu trục khác lại vào cuộc, vần vũ bắn phá mục tiêu…

Ba

Năm 1995, tôi được nhận vào làm việc cho một hàng lắp ráp điện tử. Công việc của tôi là kiểm soát lại toàn bộ những component đã được gắn trên board xem có thừa thiếu gì không hoặc có bị chập mạch nào không, sau đó đánh dấu và chuyển qua cho bộ phận touch-up sửa chữa điều chỉnh. Nói chung công việc cũng nhàn hơn thời đi cắt cỏ, bỏ báo. Xếp của tôi là một anh chàng Mỹ gốc Jamaica có tên là Jason. Hôm mới vào nhận việc, Jason hỏi tôi đủ mọi thứ chuyện, sau khi nghe tôi kể tôi từng là một sĩ quan quân lực VNCH, hoạt động hành quân khu vực Mỹ Tho, Kiến Phong, Kiến tường. Jason cho biết cũng từng là hạ sĩ quan mang máy truyền tin cho một đơn vị thuộc Sư Đoàn 9 Hoa Kỳ đóng quân tại căn cứ Đồng Tâm Mỹ Tho. Jason bảo hồi tết Mậu Thân hắn bị thương trong cuộc hành quân giải tỏa khu bến xe thị xã. Hắn được đưa ra Hạm Đội 7 điều trị và sau đó được đưa về Mỹ giải ngũ vì đáo hạn phục vụ 2 năm đã ký trước đó. Jason nghe tôi kể về những ngày tù đầy gian khổ trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, hắn thực sự cảm thông và chia xẻ. Hắn bảo: “Đất nước you nếu không có chiến tranh thì dễ thương biết mấy.”

Tôi gật gù đồng tình. Jason bảo từ nay you chịu khó overtime kiếm thêm chút đỉnh mà xài, vì theo hắn nghĩ chắc hãng này cũng không kéo dài được lâu. Từ đó tôi cặm cụi làm thêm giờ, mỗi ngày thêm 2 tiếng, lợi tức nhờ vậy cũng khá hơn. Đám công nhân trẻ ham vui ít ai chịu làm thêm ngoại trừ được manager yêu cầu khi có công việc bất ngờ cần hoàn tất. Cùng làm chung phòng còn có một ngưòi Việt khác tên là Bách. Bách xưa kia là một chuẩn úy bộ binh thuộc Sư Đoàn 2 đóng tại Quảng Ngãi. Bách đi tù 4 năm rưỡi tại Quảng Nam thì được thả, sau đó vào Nam vưọt biên mấy lần, bị bắt lên bắt xuống mới tới được Nam Dương và đến năm 1983 mới vào được Hoa kỳ. Từ ngày qua đây, Bách cũng làm đủ mọi ngành nghề nhưng không thành công vì hắn bịnh tật triền miên. Bách bảo hồi còn trong tù «cải tạo», đói quá đang sức trai nên ăn uống xô bồ linh tinh đủ mọi thứ cây củ rễ lá, cào cào châu chấu ếch nhái nên khi qua đây theo hắn nói, bộ đồ lòng kể như phế thải. Bao tử thì lúc đau lúc không, ruột già ruột non gì cũng thế. Đồ ăn thì dị ứng đủ thứ, ăn thịt bò thì nổi mề đay, ăn trứng thì ói, ăn cá thì ngứa gãi rách da, tóm gọn lại chỉ có món thịt gà là tạm ổn. Vì thế Bách giống như một ông già khó tính, lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu, đôi lúc bẳn gắt hắn còn cà khịa với cả Jason xá chi là ai. Được cái Jason cũng từng là một quân nhân nên tốt tính, hắn thông cảm với những người vừa ra khỏi cuộc chiến đầy gian nan và bất hạnh nên thường bỏ đi những lúc khó xử như thế.

Bốn

Trời về chiều.Mưa đã ngớt dần. Một đoàn trực thăng chở thêm Tiểu Đoàn 32 BĐQ trừ bị đổ vào phía nam khu Xóm Ông Bốc phía bên kia bờ kinh cách chỗ chúng tôi chừng hai cây số. Những đợt bắn dọn bãi đáp của toán trực thăng võ trang và sau đó là các loạt pháo binh từ quận Cai Lậy và Long Định phủ trùm lên mục tiêu trước khi các toán quân được đưa vào trận địa. Đại úy Cao lại kêu Đại úy Hiền trở về Bộ chỉ huy để bàn bạc. Đồng hồ bây giờ chỉ 5 giờ 40. Đại úy Hiền kêu tôi và Lộc căng đội hình hàng ngang, mở hoả lực tiến chiếm bờ kinh. Sáu giờ, dàn xong đội hình, chúng tôi bắt đầu vừa di động vừa khai hỏa. Nước mênh mang bốn bề. Dưới những hạt mưa đan chéo, chúng tôi lầm lũi bưóc. Từng bước bìa làng hiện ra ngày càng rõ hơn và trong cái mù mịt của khói súng, mùi thuốc đạn, mùi rơm rạ cháy, còn thêm mùi tanh tanh của máu và mùi khét của thịt da. Có vài loạt đạn bắn ra từ một căn nhà xập vách. Không ai bảo ai, tất cả đều ùa chạy vào mục tiêu. Tiếng đạn rít man rợ trên đầu, tiếng người la, tiếng thét gào, tiếng hét thất thanh của ai đó trúng đạn, tiếng chửi thề… những âm thanh hỗn độn ấy làm cho không khí chung quanh ngột ngạt khủng khiếp. Sau cùng thì đại đội tôi và Lộc cũng bám được vào bìa làng. Cuộc lùng giết nhau bắt đầu…

Tiếng của Huỳnh gào lên trong máy “Có cây trung liên trong lùm tre trước mặt đó!“ Rồi những tiếng nổ nghe nhức cả tai, tiếng súng phóng lựu M79, tiếng lựu đạn, tiếng hét «Bắt lấy nó!» không phân biệt được của ai…

Đạn bay vèo vèo trên đầu. Tiếng rít của đạn xuyên trong không trung nghe rờn rợn vì nó cảnh báo người lính sự chết chóc đang diễn ra là có thật. Súng đạn vô tình, chẳng e dè hoặc nể mặt bất kỳ ai, đúng đường đi của nó là mất mạng vậy thôi. Trúng đạn hay không chẳng cần tài giỏi gì, lại càng không thể cố tình mà tránh đưọc. Có những tiếng đạn đi nghe nhè nhẹ mượt mà khi xuyên qua thịt da, cũng có những tiếng nghe khô khốc cục mịch khó chịu. Nhất là những tiếng đạn phang vào các gốc cây, tường nhà, vào các chướng ngại bằng kim khí, tiếng mảnh văng ngư ợc lại nghe chát chúa không chịu nổi.

Đang bám theo trung đội hai của chuẩn úy Trí bước vào căn nhà bìa xóm đầu tiên thì tôi kịp nhận ra một cú đẩy mạnh vào ngực và ngã ngửa ra phía sau không thể gượng lại được. Tôi nghi ngờ mình đã bị thương. Tôi nhủ thầm, không sao cả, còn biết đưọc mình trúng đạn nghĩa là mình còn sống. Phải bình tĩnh, không có gì phải hốt hỏang cả. Có tiếng thét thất thanh của Cầu -người lính mang máy truyền tin của đại đội- Trung úy bị thương rồi… Cầu vực tôi dậy, dìu tôi ngồi dựa vào một gốc rạ cháy xém một bên nằm cạnh căn nhà. Tiếng Cầu kêu y tá đại đội. Tôi mê man không thấy gì nữa.

Lúc tỉnh lại, có lẽ đã quá nửa đêm, trời lạnh và mưa đã tạnh hẳn. Tôi thấy nhói đau vùng ngực phải. Khát nước quá, nhưng không sao nói ra lời, chân tay nặng như đeo chì, không thể nhúc nhích nổi, thậm chí cả một tiếng rên nhỏ cũng không có sức mà phát ra. Tôi nghĩ là tôi sẽ chết. Số phần của một người lính là thế. Kể từ sau khi ra trường giáp mặt với cái chết hàng ngày mỗi khi nhận được lệnh hành quân thì cái chết không còn ám ảnh khiến tôi phải sợ hãi. Vả lại chính mắt tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cái chết và cách chết của đồng đội, của địch quân, lâu dần thành quen.

Tôi nhớ tới lời của Võ Thừa Tự một thằng bạn cùng khóa, cùng đơn vị, Tự bảo ”Mỗi con ngưòi có một cái số. Sợ cũng thế mà không sợ cũng vậy. Chỉ có điều cái sợ làm cho mình hèn đớn, và khi chết là cái chết lãng xẹt”. Đôi lúc nhậu nhẹt sau một lần hành quân dài ngày hoặc sau những lần đụng độ lớn hắn còn triết lý ”Trong chiến tranh có rất ít anh hùng còn sống sót. Những người còn lại sau chiến tranh đa phần là những người may mắn thoát chết…”. Tự lớn hơn tôi 2 tuổi. Hắn tuổi con cọp. Xuất thân là một học sinh Cao Thắng nên Tự rất khéo tay và rành rẽ kỹ thuật. Sửa xe, sửa súng là cái thú vui của hắn. Lúc tôi về tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đại đội trưởng đại đội 2 cũng là lúc Tự bàn giao chức vụ đại đội trưỏng đại đội chỉ huy tiểu đoàn lại cho Minh, một sĩ quan đàn anh trước tôi một khóa. Tự là sĩ quan thâm niên trong các đại đội trưởng của tiểu đoàn này, Minh và tôi cũng từng là đại đội trưởng nhưng lại từ các tiểu đoàn khác trong cùng trung đoàn, sau khi học xong khóa đại đội trưởng từ Thủ Đức trở về thì được bổ sung sang đây.

Mặt trời vừa hừng lên, Tự đã đến thăm tôi. Tôi mơ màng không nhìn rõ mặt người mà chỉ còn phân biệt được tiếng nói. Tiếng Tự chửi thề “Mẹ kiếp” sau khi nghe máy liên lạc từ Bộ chỉ huy hành quân cho biết phải chờ một tiếng nữa mới có trực thăng tản thương. Có tiếng nói nhỏ bên tai tôi, ”Yên chí, tao đã xin tản thương cho mày rồi, yên tâm, không sao đâu”. Đầu óc tôi mù mờ những hình ảnh không rõ nét. Tôi nghĩ đến mẹ tôi. Tôi bỗng thấy hình ảnh bà nhạt nhòa nước mắt…

Năm

Bách tâm sự từ hồi mới qua đây, lúc đầu em đi bỏ báo, nghề này đơn giản không cần học hành gì, ngòai sự chú tâm luyện tập cách quăng sao cho chính xác vào địa chỉ mình muốn giao là đủ, vì thế nghề còn có tên là nghề quăng chữ!! Nhưng sau khi làm đưọc vài tháng thì chịu không nổi, vì công việc đòi hỏi phải thức rất sớm bảo đảm cho khách hàng có báo đọc trước giờ đi làm nên những ngày mùa hè thì không mấy trở ngại. Nhưng về mùa đông, sương mù dầy đặc lái xe chạy vào các con lộ nhỏ quăng báo cho những căn nhà trên núi thì vô cùng vất vả khó khăn. Hắn đành phải bỏ nghề và nhường giây bỏ báo lại cho một nguời khác. Sau đó thì hắn đi bán chợ trời.

Chợ trời ở đây gồm có hai nơi, một trên đường Beryessa còn gọi là chợ trời Lớn, một nhỏ hơn trên đường Snell gọi là chợ trời Nhỏ. Cũng do một bạn đồng hương khác giới thiệu, hắn phụ cho gia đình người Campuchia có một nông trại nhỏ tại Gilroy chuyên trồng các loại rau cải và rau thơm. Hàng tuần Bách phụ thu hoạch và phụ đứng bán, mỗi tuần 4 ngày từ thứ 5 đến chủ nhật. Mổi ngày chủ bao ăn và trả cho 50 tiền mặt, vị chi được 200 một tuần cũng tạm sống qua ngày. Ở những ngày rảnh khác thì hắn đi phụ bếp, bưng phở, dọn vệ sinh linh tinh đủ thứ…

Ấy vậy mà hàng năm Bách cũng dành dụm gởi về cho gia đình bà chị ruột ở trong nước cả ngàn đồng. Làm được gần hai năm thì Bách bỏ chợ, lý do đơn giản, Bách bảo, sống kiểu này chỉ hơn mấy người homeless một bước chân. Thành ra hắn cũng giống tôi đi học điện tử cho nó ra một cái nghề! Khi nói chuyện về gia đình, Bách thổ lộ, hắn mới cưới vợ đưọc chưa đầy năm thì mất nước, trong thời gian đi tù cô vợ trẻ bỏ đi cặp bồ một cán bộ tập kết trở về làm chủ tịch xã. Khi đưọc tha, Bách không dám trở về làng mà đi ra tá túc nhà bà chị hai tại Hội An. Một thời gian sau đó Bách vào sống lang thang tại Sàigòn theo một người bà con buôn bán thuốc tây, quần áo cũ tại chợ trời. Có lần tâm sự, Bách bảo tôi, ngày xưa các cụ bảo nước mất nhà tan là đúng thiệt anh nhỉ. Rồi hắn nóí người ta bảo ông Thiệu nói câu nổi tiếng “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy coi những gì cộng sản làm”. Riêng em thì em lại thích câu này hơn “Đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả!“. Tôi bảo câu nào cũng đúng hết. Chỉ có điều nghe rồi chẳng ai tin nên mới ra nông nỗi này thôi.

Sáu

Năm 1965. Tôi bị thương lần thứ hai trong cuộc hành quân truy đuổi tiểu đoàn 516 tại vùng Thạnh Phú Kiến Hòa. Lần này thì nhẹ hơn. Viên đạn xuyên qua đùi phải khi tôi dẫn đại đội tiến quân vào làng. Viên đạn đi ngọt quá, đến nỗi khi phát hiện ra ống quần có vết máu và nhìn thấy một lỗ thủng nhỏ trên đùi tôi mới hay. Cũng may là chúng tôi đã tràn ngập mục tiêu và tôi đang theo dõi các binh sĩ dưới quyền lục soát thu dọn chiến trường. Buổi chiều tôi và một số đồng đội được trực thăng chuyển về bịnh viện dã chiến tại Mỹ Tho. Sau gần hai tháng vừa chữa thương vừa dưỡng thương tôi nhận sự vụ lệnh trở về lại trung đoàn. Trung tá Thanh trung đoàn trưởng, hỏi tôi “Sao sức khỏe chú mày thế nào?” Tôi cười trả lời “Cũng bình thường thôi, trung tá”. “Thời gian nghỉ vừa qua đã lại sức chưa?” “Cũng tàm tạm.” Trung tá Thanh nguyên là vị sĩ quan huấn luyện chúng tôi khi tôi còn là sinh viên sĩ quan. Ông tốt nghiệp khóa 1 Nam Định. Tướng ông cao lớn khôi ngô, tính tình cởi mở. Ông bảo tôi, “Tớ biết chú mày còn mệt, nhưng tình hình cán bộ giờ này kẹt quá. Chắc chú mày có nghe vụ thằng 2 (Tiểu Đoàn 2) mới vừa đụng một trận nặng tại Cái Nứa, hiện đang trở về Vĩnh Kim nằm dưỡng quân và nghỉ ngơi. Ngày mai chú mày về trình điện đại úy Rỡ nhận đại đội, giúp hắn nghe”. Tôi gật đầu đồng ý.

Có điều rất lạ, khi đi tác chiến lâu, những người lính như chúng tôi đã trở nên quen thuộc với nếp sống đánh đu với tử thần này rồi. Sau những giờ phút hiểm nguy là sự thoải mái thống khoái. Chẳng lo ai tranh giành đoạt ghế! Mỗi lần trở về thành phố nghỉ chừng ít ngày lại thấy nhớ thấy thương bạn hữu đồng đội, nhớ đơn vị. Nơi đó tình cảm và thái độ cư xử giữa con người luôn được thử thách, sàng lọc. Vì phải đối mặt với cái chết thường trực nên chân thành đùm bọc nhau hơn. Những lọc lừa giả mạo được nhận diện chỉ mặt rất nhanh, chỉ cần sau một lần đụng độ là biết đá biết vàng. Khi súng nổ lên, tên bay đạn réo, những phét lác huyênh hoang trốn mất, chỉ còn con người trần trụi thực sự hiện mặt. Đó có lẽ là lý do chính khiến cho những ai từng ở những đơn vị tác chiến lâu năm luôn cảm thấy lạc loài cô đơn khi được đưa trở về các đơn vị yểm trợ hậu phương. Hiểm nguy dễ kết bạn, phú qúy lắm kẻ thù, cổ nhân dậy thế.

Đời lính chiến là cuộc hành trình vòng tròn: Trại lính- Mặt trận-Nhà thương. Cái chết đối với lính có khi là một cách giải thoát. Sự khốc liệt của chiến tranh, sự bế tắc không thể vượt qua nổi cái phi lý và bất công của hiện thực luôn phơi bầy ra trước mắt. Khi không có con đường nào để đi ra khỏi cái địa ngục trần gian ấy thì cái chết cũng là một cách để nghỉ ngơi. Đã có lúc tôi suy nghiệm như thế. Lâu dần, tôi thấy mình chai lỳ đi, mất dần cảm xúc. Những hoạt động hàng ngày hoặc trong chiến đấu trở thành một thứ phản xạ mang tính bản năng. Lần bị thương đầu năm 1964 trong cuộc hành quân phía đông bắc Cai Lậy khu vực Kinh 1 thước, Xóm Ông Bốc, lần ấy đại đội của tôi chạm mặt với trung đòan Đồng Tháp 1.

Nằm tại Quân y viện Cộng Hoà gần hai tháng. Ngửi mùi thuốc, nhìn cảnh chăm sóc thay băng, chích thuốc hàng ngày… tự dưng tôi đâm ngang chán đời! Một anh chàng thiếu úy BĐQ tên Du nằm ngay cạnh giường, hai ba ngày đầu tiên cứ nằm thiu thỉu ngủ chừng một lát lại hô xung phong! Viên đạn đại liên lấy đi mất hơn nửa cánh tay, về tới quân y viện đành cho đi nốt phần xương vỡ vụn còn lại! Du bảo tôi, “Lần này thì chắc em đựoc giải ngũ thôi anh nhỉ?“ Tôi cười buồn “Thì cũng tốt cho cậu thôi”. Rồi những ngày về Sàigòn nghỉ dưỡng thương, nhìn cảnh nhốn nháo biểu tình, xuống đường. Những lần chính biến nối tiếp nhau làm tôi không còn hứng thú gì với cái hậu phương luôn luôn hỗn loạn ấy nữa. Tôi nhớ và thương các đồng đội và đơn vị của mình. Giờ đây chắc hẳn họ đang di chuyển trên các vùng hiểm nguy truy tìm địch hoặc đang nằm nghỉ ngơi trong các làng xóm ven quốc lộ trong khi chờ đợi một lệnh hành quân mới. Hôm chia tay mẹ để trở về đơn vị, mẹ tôi còn dặn đi dặn lại “Kỳ này con nhớ xin với ông chỉ huy cho về làm văn phòng nghe con!”. Tôi gật đầu cho mẹ vui lòng.

Tôi đón xe đò đi ngã ba Trung Lương rôì đi xe lam về lại trung đoàn vào buổi sáng. Buổi chiều, Vĩnh – sĩ quan ban 1 của trung đoàn, rủ tôi ra một quán nhậu ven kinh Long Định uống rượu. Bộ chỉ huy trung đoàn 11 nằm ngay bên cạnh Kinh Sáng, tọa lạc trong một căn nhà hai tầng lầu. Con kinh nối liền từ sông Mỹ Tho đi ngược lên hướng bắc mở ra hướng vận chuyển đưòng thủy vào khu vực Mỹ Phước Tây và Tháp Mười. Nước kinh trong veo, mặt kinh rộng hơn hai mươi thước, cư dân trong những vùng bắc của kinh về sống tập trung gần quận Long Định để có an ninh hơn.

Xị rượu đế gần hết, Vĩnh muốn kêu thêm một xị khác thì tôi cản lại.

– Nhức đầu thấy mẹ, thôi không uống nữa.

Đĩa lòng heo cũng gần hết, mỗi đứa ăn một tô cháo, xong thì chúng tôi ra về. Vĩnh hỏi ngày mai có muốn về Sài gòn chơi một hai bữa trước khi đi Vĩnh Kim không? Tôi bảo thôi, tháng qua ở nhà chán rồi, bây giờ có về cũng vậy thôi.

Tôi đón xe lam đi ngã ba Vĩnh Kim vào buổi sáng hôm sau. Đầu còn váng vất vì chai rượu đế uống với Vĩnh chiều hôm trước. Chiếc xe cũ chạy trên hương lộ gập ghềnh làm tôi tỉnh táo dần. Đến gần khu chợ, gặp lại Chương, một sĩ quan khóa đàn em cùng dân Võ Bị đang ngồi trong một quán cóc bên đường. Tôi xuống xe khoác ba lô đi dọc theo lộ. Chương nhìn ra kêu “Niên trưởng, niên trưởng…” Anh em gặp lại nhau mừng rỡ. Chương bảo “Anh về thế anh Lê Ba phải không?” Tôi gật đầu. Ba, bị tử thương trong trận đánh mấy hôm trước, Liên đại đội phó bị thương nhẹ hiện đang nằm quân y viện.

Nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số được đúng một tuần thì đại úy Rỡ về Bộ chỉ Huy Trung đoàn nhận lệnh hành quân. Tiểu đoàn tập trung di chuyển bằng xe tới Ba Dừa rồi lội bộ vào tới ngã ba Long Trung. Từ đó, 8 giờ sáng hôm sau sẽ tiến về hướng tây tới mục tiêu là xã Xuân Sơn Cẩm Sơn. Nơi đây nổi tiếng là khu hang ổ cố thủ cuả các trung đoàn Đồng Tháp thay phiên nhau trú đóng để thực hiện các cuộc tấn công phá hoại và phục kích trên quốc lộ 4. Cuộc hành quân được tổ chức quy mô với sự tham dự cuả nhiều đơn vị, binh chủng. Chúng tôi đi men theo sông Mỹ Tho trong khi một tiểu đoàn TQLC và một tiểu đoàn BĐQ tiến quân từ ngoài quốc lộ 4 đi vào. Ngoài ra còn có thiết vận xa thuộc Thiết Đoàn 6 và các đơn vị địa phương quân thuộc tiểu khu Định Tường phối hợp.

Cuộc chạm súng lẻ tẻ bắt đầu từ 10 giờ sáng từ các hướng tiến quân khác. Cùng thời gian đó, chúng tôi vẫn đang lặng lẽ di chuyển. Cho tới gần trưa đại đội tôi mới chạm địch khi còn cách mục tiêu chính cả gần cây số, khu Xóm Ông Khâm. Tôi nhận định đây chỉ là các toán tiền tiêu canh chừng và hứa hẹn sẽ có một cuộc nổ lớn tiếp theo.

Bám theo từ những xóm nhỏ trên đồng dần dần chúng tôi áp sát bìa làng. Trên bản đồ hành quân, khu chúng tôi lục soát nằm gọn bên này kinh, một nhánh ăn thông vào sông Mỹ Tho. Cả khu vực là một bệt xanh đậm toàn là dừa và dừa nước.

Cuộc chạm súng thực sự nổ lớn lúc gần một giờ. Súng đủ loại bắn ra từ bìa làng ghìm chân đơn vị chúng tôi lại. Nhờ địa thế ở đây là ruộng khô và bờ thửa nhiều nên chúng tôi có chổ núp tránh dễ dàng hơn. Đại úy Rỡ cho lệnh xin pháo binh tác xạ yểm trợ, một chi đoàn thiết vận xa thuộc Thiết Đoàn 6 có một đại đội ĐPQ tùng thiết cũng được điều tới hỗ trợ chúng tôi. Lại một màn luân vũ mới với súng đạn và người chết.

Đơn vị địch bỏ vị trí rút sang bên kia kinh bằng những chiếc ghe ba lá nhỏ, lúc trời chạng vạng tối. Dấu vết máu và bông băng kéo lê bê bết trên cỏ và vài xác người nằm vùi trong các hầm cá nhân chữ A đã bị đạn pháo và bom đánh sập. Tám giờ, tiểu đoàn mới kiểm soát được mục tiêu nhưng trời đổ tối rất mau nên không lục soát kỹ được. Tổn thất của đơn vị chúng tôi cũng chưa được kiểm kê chính xác. Đại úy Rỡ ra lệnh cho bố trí phòng thủ tạm thời trong khu vực. Đại đội tôi được phân công bố trí quay về hướng bắc. Đại đội của Chương tổn thất nặng hơn lui về nằm chung với tiểu đoàn. Phía ngoài bìa làng giao lại cho chi đoàn thiết quân vận. Bên kia kinh có tiếng chân người chạy lào xào. Tôi xin bắn chiếu sáng, có tiếng người hét nằm xuống. Chúng tôi khai hỏa. Địch đang rút quân. Những lằn đạn chiếu sáng vạch những vệt xanh đỏ chen nhau găm vào các lùm bụi bên kia bờ kinh. Lại có tiếng người la í ới kêu gọi nhau, những tiếng chân chạy bì bõm trong nước…

Chín giờ đêm. Chiến trường chìm trong im lặng. Cả tiếng côn trùng cũng không nghe. Cái lặng lẽ của chết chóc và kinh hoàng. Tôi nằm sau một thân cây dừa nhìn qua bên kia bờ kinh. Bên ấy giờ đây cũng lặng im không tiếng động.

Nhìn lên bầu trời mây phủ không một vì sao. Chiếc phi cơ thả trái sáng bay vần vũ, tiếng động cơ ù ù nghe buồn nẫu ruột. Lâu lâu một chiếc phi cơ bay ngang rất cao, chỉ có đèn tín hiệu màu đỏ nhấp nháy ở phía đuôi là còn thấy rõ. Cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào đây? Vài tháng trước, mấy ông tướng còn thay nhau làm đảo chánh, chỉnh lý. Sinh viên học sinh nay xuống đường biểu tình, mai xuống đường tranh đấu… Không biết những người đó có bao giờ nghĩ tới những ngưòi lính quần áo ướt sũng bùn nước, đang nằm giữa cái chết rình rập? Từ tiền tuyến nhìn về một hậu phương luôn nhốn nháo xáo trộn. Rất buồn.

Lũ bạn cùng học chung lớp thời trung học, đại học nay cũng tản ra tứ hướng. Đứa vào lính, đứa trốn lính vào bưng, đứa dọt ra nước ngoài… chẳng đứa nào yên phận. Đất nưóc tôi điêu linh quá, oan nghiệt quá, cứ chém giết hoài như thế này bao giờ mới ngưng tay? Nhớ tới bức thư cô bạn gái mới nhận đụơc hai hôm trước, đánh tiếng gia đình muốn có cuộc gặp mặt chính thức của hai bên. Mới đó mà cũng hai năm rồi từ ngày gặp nhau. Đời người con gái có thì, đâu có thể cứ chờ đợi viễn vông không rõ đích đến sẽ như thế nào. Tôi định bụng sau cuộc hành quân này về sẽ viết trả lời rõ ràng khuyên cô ta hãy tìm một người khác có cuộc sống bớt hiểm nguy hơn. Thực ra cũng đã có lần tôi viết bóng gió như thế nhưng không biết cô ấy có nhận ra không, hay nhận ra mà làm như không hay biết! Khóa sĩ quan cuả tôi ra trường hồi cuối tháng 3 năm 63, mới hơn hai năm mà đã hơn hai chục mạng trong tổng số 180 thiếu úy ra trường giã từ cuộc chơi. Cuộc chiến ngày càng hung dữ hơn, tính mạng con người ngày càng rẻ rúng hơn. Đất ăn thịt người, đồng ruộng hoang hóa, dân tình xơ xác, tản lạc, biết bao nhiêu là điều buồn đau.

Bảy

Làm cho hãng Sequel được hai năm thì hãng bán lại cho tập đoàn Solectron lớn hơn. Trước hôm chia tay, Jason bảo hãy giữ liên lạc xem khi nào có thể giúp đụơc gì hắn sẽ giúp. Còn Bách thì bảo tạm thời hắn nghỉ làm, lãnh lương thất nghiệp một thời gian rồi tính tiếp. Tôi bảo tuổi cậu còn trẻ sao không vào college học lấy một nghề chính thức mà sống cho có tương lai. Bách cười bảo tôi cũng đã thử rồi, đầu tôi trống rỗng, bụng da muốn đau lúc nào thì đau, lúc nào cũng ngồi đứng không yên, chẳng làm gì ra hồn. Cuộc chiến tranh đã cướp đi của tôi mọi thứ. Ba tôi, từ khi tôi và ông anh rể đi tù, đâm chứng bất mãn chửi tứ tung, chính quyền địa phương bắt ông đi tù cho tới lúc nhìn ra ông bị chứng tâm thần gần hai năm sau mới thả ông về thì ông cũng không sống nổi quá một tháng. Mẹ tôi bị trầm cảm, cả ngày chẳng nói một lời với bất cứ ai. Khi tôi ra tù về bà có nguôi ngoai chút ít và lúc tỉnh táo nhất là lúc bà vào Hội An thăm tôi rồi khuyên tôi phải bỏ xứ mà đi tìm đường sống. Bà bảo “Đất nưóc này không có dung chứa con đâu“. Tôi từ giã mẹ khóc sưng cả mắt. Chị hai tôi bán nhà của ba má ruột, rút về bên nhà chồng ngoài Hội An sống với 5 đứa con sau khi ba má tôi mất. Ông anh rể là đại úy tiểu đoàn trưởng điạ phương quân bị đưa đi Bắc năm 1977 thì bị bịnh kiết lị chết chẳng biết chôn ở đâu.

-Con vợ tôi cưới chưa đầy năm bỏ đi lấy làm bé thằng chủ tịch xã, ông thấy có tức không? Thà rằng nó lấy ai cũng được đằng này lại đi lấy ngay một thằng hại cả gia đình mình.

Tôi lặng im nghe Bách kể mà bùi ngùi. Tôi bảo cô ta lấy hắn chắc cũng vì cuộc sống mà thôi trách làm gì.

-Cậu phải biết là khi tụi mình đi tù, chỉ có đám cán bộ mới có khả năng kiếm ra đồ ăn mà chu cấp cho người khác. Đừng trách cô ấy, cô ta còn quá trẻ mà. Vả lại, chính cậu đâu có tin rằng khi đi tù rồi sẽ có một ngày cậu trở về, phải không?

Bách nghe tôi nói, ngồi lặng im không lên tiếng nữa, tôi chẳng biết hắn nghe lời tôi nói là có lý, hay cho rằng những lời khuyên đó chỉ là lời nhảm nhí cũng nên.

Tám

Sáng hôm sau, Tiểu Đoàn 41 BĐQ phía bên kia kinh lục soát tiến quân lên ngang với chúng tôi. Tiếng Thông, thằng bạn cùng khóa hỏi vọng sang “Tiểu đoàn mấy đấy?” Một người lính trong đại đội trả lời Tiểu Đoàn 2/11. “Có trung úy Vũ đó không?” Tôi nhận ra Thông. Hắn đưa tay vẫy, hỏi vọng sang “Mày khỏe không? Có gì lạ không? Vợ con gì chưa? ..” Tôi cười lớn “Không có gì mới, cũng vẫn vậy thôi”. Hồi trên Võ Bị, hai đứa chúng tôi cùng chung đại đội F. Thông người Huế tính hiền lành dễ thương, ít nói. Thỉnh thoảng hai đứa về gặp mặt nhau tại Mỹ Tho thường rủ nhau đi nhậu tại các quán bên sông. Tôi hỏi “Có thấy dấu vết gì không?” Thông bảo vết máu me tùm lum với vài cái xác và mấy tên ngắc ngoải nằm lại còn tụi nó chạy về hướng Bắc hết rồi.

Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh gom những thương binh về một địa điểm để di tản, riêng nhửng người chết thì được chở sau. Sau đó, đơn vị được lệnh bọc theo kinh đi ngược ra quốc lộ 4 trở về quận Cai Lậy. Chúng tôi nhận lệnh đêm nay sẽ tạm trú quân theo xóm ven quận để làm trừ bị cho tiểu đoàn TQLC và 2 tiểu đoàn bộ binh khác của Trung Đoàn 12 tiếp tục truy kích địch đang đào tẩu về hướng Đồng Tháp. Trên đường đi ra quốc lộ, tôi bắt gặp từng đoàn ghe xuồng nhỏ nối đuôi nhau quay trở về khu vực giao tranh hôm qua. Bà con dân làng trở về xem nhà cửa của mình ra sao. Cuộc chiến tranh này thật tức cười, giống như một trò chơi. Tôi thầm nghĩ khi nhìn thấy những dân làng đang trên đường trở về nhà nơi cuộc giao chiến chưa bay hết mùi thuốc súng. Họ sẽ vun quén thu dọn lại đống tro tàn đổ nát lợm mùi tanh của máu và mùi khét của thịt da người và súc vật chết, để rồi một ngày nào sau đó khi những đơn vị cộng sản trở lại. Lại có một cuộc giao tranh mới! Rồi chạy tiếp, làm hoài. Không biết những người dân vô tội đó đang suy nghĩ gì?

Cuộc chiến này đã làm mọi người dửng dưng với sự đau thương mất mát, với cái tàn bạo vô nhân rồi. Tất cả chỉ một trò chơi trốn tìm. Cuộc chơi có súng đạn thật và người chết thật, chỉ có những lời tuyên bố của các chính trị gia hàng ngày trên báo chí đài phát thanh là giả dối thôi. Cay đắng là cả người tìm, lẫn người trốn đều không muốn gặp mặt nhau, bởi vì, cứ mỗi lần gặp mặt như thế, biết bao oan khiên tang tóc lại đổ ập đến. Tối hôm ấy, năm đứa chúng tôi, Nguyễn Thông- Tiểu đoàn 41 -BĐQ, Trịnh văn Huệ, và Nguyễn ngọc Điệp -TQLC, Vĩnh Nhi-Tiểu đoàn 3/12, và tôi kiếm một quán nhỏ góc chợ ngồi uống bia. Lâu lắm kể từ ngày ra trường, đã gần 2 năm bây giờ mới có dịp gặp nhau đông như vậy. Chúng tôi ngồi kể nhau nghe những bạn cùng khóa đã ra đi, ôn lại những kỷ niệm trong sáng hồn nhiên lúc còn ở trường, những giờ học văn hóa, những buổi tập quân sự… Gần nửa đêm, Nhi đứng dậy nói với Huệ và Thông “Thôi tụi bây về nghỉ đi ngày mai phải đi sớm rồi đó nha!” Chia tay nhau ai về đơn vị nấy mà thấy trong lòng nao nao. Có lẽ bởi vì cuộc chơi trốn tìm này lại tiếp tục khởi đầu ở một vùng địa thế khác. Biết đâu cuộc hội ngộ đêm nay cũng là cuộc vĩnh biệt của một đứa nào đó trong bọn vào ngày hôm sau!

Rốt cục, cuộc chơi nửa nước đi tìm nửa kia đi trốn cũng đã chấm dứt gần 10 năm sau bữa nhậu của chúng tôi đêm ấy. Ba trong năm đứa cũng không còn. Giờ đây chỉ còn lại Thông, và tôi. Ngày 30 tháng 4 năm 75, hai bên trốn và tìm đã giáp mặt nhau. Mọi che dấu được phơi bày. Dân tộc tôi lê lết ra khỏi cuộc chiến tranh với thương tích đầy mình và một tâm thần hoảng loạn hoang mang tột độ. Và cũng từ buổi sáng tháng tư năm ấy cả dân tộc lại dắt tay nhau bước vào một cuộc trốn tìm mới. Lần này thay đổi thành phần tham dự, đảng cầm quyền truy đuổi, cả dân tộc tôi đi trốn! Dân tộc tôi ơi, biết đến bao giờ mới được sống bình yên? Trời đã bớt mưa hơn những tuần trước đó. Một hai ngày nắng ráo xen kẽ trong tuần lạnh cóng cả người. Buổi chiều ngày Lễ Tạ Ơn trời lất phất mưa. Lái xe đi qua những khu nhà sang trọng đèn kết thành chùm lấp lánh chiếu sáng. Bỗng dưng tôi nhìn thấy hình ảnh những ngày mưa của vùng Đồng Tháp ngày nào trong quá khứ trên quê hương. Nhớ tới những đồng đội của tôi đã nằm xuống trên khắp vùng đất nước. Thương những người dân quê chân chất trên những vùng đất xa xôi hẻo lánh với những cái tên hết sức bình dị mộc mạc: Xóm Ông Bốc, Xóm Ông Đùm, gẫy Cờ Đen, Cờ đỏ, Cổ Cò, Cái Quao, Cái Mơn, Sông Trăng, Mỏ Vẹt, Hốt Hoả, Cầu Ngang, Cầu Kè, Ô Lắc, Bà Om, Sóc Ruộng…

Những nơi ấy tôi đã đi qua. Máu của chúng tôi đã đổ xuống, một số đồng đội chiến hữu của tôi đã nằm lại. Chúng tôi, những người lính chiến đã từ trong không gian đan dầy dấu đạn, bước trên những nẻo đường chằng chịt bom mìn, đã hít thở cái không khí nặc nồng trí trá, và phản bội để ra khỏi cuộc chiến, trong nỗi cô đơn và khổ đau tận cùng của kiếp nhân sinh. Một cảm giác rất mạnh như bỗng dưng có ai chặn ngang cổ. Tôi cho xe dừng sát bên lề đường. Mắt tôi mờ đi không biết vì cơn mưa ngoài kia hay bởi một cơn mưa khác đang đổ xuống ngay trong chính lòng mình.

Nguồn: https://hoiquanphidung.com/showthread.php?27739-Tr%E1%BB%9Di-M%C6%B0a-Nh%E1%BB%9B-B%E1%BA%A1n





 



No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...