Monday, February 22, 2021

Đường Về Gia Nghĩa

 







Đường Về Gia Nghĩa



Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi. Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.



Gặp mặt đồng đội mới…

Sau chiến thắng Pleime 1974, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi được thưởng ba ngày nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ. Hậu cứ của tiểu đoàn nằm ngay cổng vào Phi Trường Dân Sự Pleiku. Trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 9 năm 1974 này, từ ông đại úy tiểu đoàn phó trở xuống đều được phép rong chơi trong phố, tới chiều thì về tập họp, rồi được phân phối từng toán năm, bảy người, lên xe, đi dự tiệc do các hội đoàn Dân Chính hay Doanh Gia tư nhân của Thành phố Pleiku khoản đãi.

Riêng cá nhân tôi, Thiếu tá Vương Mộng Long, Tiểu đoàn trưởng, lại bận rộn đầu tắt, mặt tối, liên miên, suốt ngày.

Ngoài công việc thăm thương binh, thăm gia đình tử sĩ, ký phúc trình tổn thất, ký đề nghị thăng thưởng, tôi còn một công việc cấp thiết phải làm là “thẩm vấn” những quân nhân vừa được bổ sung.

Theo thông lệ, mỗi khi có quân nhân mới đáo nhậm đơn vị, tôi phải đích thân tiếp chuyện quân nhân đó vài ba phút, để biết anh ta là người như thế nào, rồi sắp xếp cho anh ta vào vị trí thích hợp.

Kỳ này tiểu đoàn tôi được bổ sung 150 quân nhân, gồm có hai sĩ quan, hai hạ sĩ quan, số còn lại là tân binh quân dịch từ Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn chuyển tiếp cho Biệt Ðộng Quân.

Nếu chỉ bỏ ra năm phút để tiếp xúc với một người, thì tôi cũng phải tốn ba buổi sáng, mỗi buổi bốn tiếng đồng hồ mới gặp đủ 150 ông Biệt Ðộng Quân mới tới.

Ngày đầu tôi nói chuyện với những quân nhân này là 16 tháng 9 năm 1974. Ðây cũng là ngày đã ghi lại vài kỷ niệm mà suốt đời tôi còn nhớ.

Hình:

Người thứ nhất bước vào văn phòng là một thiếu úy từ Vùng 3 ra, anh ta tên Ðặng Thành Học, quê quán Long-An. Anh thiếu úy này trông đẹp trai như tài tử Anthony Perkins thời còn trẻ.

– Vì lý do gì chú bị đưa ra Vùng 2?

Nhìn Học, tôi từ tốn hỏi.

– Dạ! Thưa Thiếu tá tui trình diện trễ sau khi mãn khóa Rừng Núi Sình Lầy.

Học vừa cười hì hì vừa trả lời tôi.

Nếu không thích ở đây thì chú viết đơn khiếu nại, tôi sẽ chuyển tiếp và cho chú về liên đoàn, chờ quyết định của cấp trên. Ai không muốn làm việc với tôi, tôi sẵn sàng ký sự vụ lệnh hoàn trả, không lưu giữ. Ðặc biệt là sĩ quan, tôi tuyệt đối dễ dãi, cho đi ngay!

Thiếu tá cho tui ở đây với Thiếu tá.

Mắt nhìn ngay mặt tôi, miệng Học vẫn cười.

Tôi bắt tay Thiếu úy Học:

– Tôi biết chú đã từng làm đại đội trưởng, vậy thì ngay chiều nay chú thay Thiếu úy Lê Ðình Khay chỉ huy Ðại Ðội 1. Ông Khay mới được gọi đi học khóa Rừng Núi Sình Lầy, Dục-Mỹ.

Từ ấy, Thiếu úy Ðặng Thành Học trở thành một trong những đàn em thân thiết của tôi; Học đã cùng tôi chiến đấu quên mình trong suốt những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến Việt-Nam.

Người thứ nhì giáp mặt tôi sáng hôm đó là Trung Úy Võ Hữu Danh. Trung úy Danh là đàn em khóa 25 Võ-Bị của tôi. Chú Danh đã nghe biết tên tôi từ trước ngày chú ấy nhận lệnh thuyên chuyển về đơn vị này. Do đó thời gian tiếp xúc với Danh không dài. Tôi cho chú Danh coi Ðại Ðội 2 thay thế Trung úy Nguyễn Hữu Anh. Ông Anh vừa nộp đơn xin về phục vụ đơn vị địa phương nơi nguyên quán của ông ta.

Tiếp theo là hai hạ sĩ quan, một Trung sĩ người Quảng và một Trung sĩ người Thượng.

Anh Trung sĩ người Thượng vào trình diện trước. Anh này nước da đen đủi, nhỏ con nhưng dáng bộ rất lanh lẹ:

– Trung sĩ Y Thon Nier trình diện ông Thiếu tá.

– Ngồi xuống ghế đi! Trung sĩ từ đâu tới?

– Thưa ông Thiếu tá! Tui từ Tiểu Ðoàn 22 tới.

– Lý do thuyên chuyển?

– Tui xin ông Ðại tá! Ông Ðại tá cho tui về ở với ông Thiếu tá!

– Tại sao Trung sĩ lại muốn về ở với Thiếu tá?

– Tui là lính của ông Thiếu tá mà! Tui thương ông Thiếu tá tui mới xin về 82.

– Trung sĩ là lính của Thiếu tá hồi nào? Thiếu tá không biết Trung sĩ là ai cả!

– Thì năm 1971 tui là Binh nhất, lính của ông Thiếu tá ở Tiểu Ðoàn 4 Mike Force. đó!

Tôi ngẩn người:

– Vậy chứ mi ở đại đội nào?

Anh trung sĩ người dân tộc Ra Ðê chợt đứng dậy, bước tới trước bàn giấy của tôi; anh giơ hai bàn tay cháy nắng, sần sùi, vừa nắm, vừa bóp nhè nhẹ bàn tay trái của tôi đang đặt trên bàn, rồi cúi mặt, sụt sịt khóc:

– Hồi đó ông thầy là Ðại úy Tiểu đoàn trưởng của tui! Tui là lính tải đạn đại liên cho khẩu M60 của Ðại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ. Ông thầy quên tui rồi sao?

Tôi bóp trán hồi tưởng lại chuyện bốn năm về trước. Lính của tôi thời đó, chín mươi phần trăm là dân thiểu số với đủ thứ dân khác nhau, nào là người Ra Ðê, người Ja Rai, người Stieng, người Ba Na, người Hời, người Nùng, người Thái, người Miên, anh nào trông cũng giống anh nào, khó mà phân biệt.

Mặt của hai ông sĩ quan người Thượng Ra Ðê và ông hạ sĩ quan thường vụ tiểu đoàn người Chàm mà tôi còn không nhớ, thì làm sao tôi nhận ra anh binh nhứt vác đạn đại liên?

Nhưng nhìn vào bộ dạng chân chất, mộc mạc, vô tư của người lính Ra Ðê này, tôi không đang tâm nói thật với anh ta rằng tôi không nhận ra anh ta là ai.

Tôi đành dối lòng, nghiêng đầu, gật gù, rồi dịu dàng nói với anh ta:

– Mi là thằng Thon tải đạn! Ðúng rồi! Thiếu tá nhớ ra rồi! Thôi! Nín đi Thon!

Nghe được những lời này, mặt Y Thon Nier rạng rỡ hẳn lên, nó toét miệng, nhe răng ra cười, hàm răng của nó bị cà, chỉ còn một nửa chiều cao.

Tôi đứng dậy, nhìn vào khuôn mặt đen đủi, nhạt nhòa nước mắt của người đàn em mà lòng chợt thấy lâng lâng một cảm giác êm đềm pha lẫn chút ngậm ngùi.

Chắc thằng Thon cảm động lắm khi tôi gọi nó là “Thon” mà không gọi nó là “Y” hay “Nier” chỉ vì trong thời gian chỉ huy Tiểu Ðoàn 4 Mike Force tôi đã học được chút ít về lịch sử các sắc tộc thiểu số ở Cao Nguyên.

Người Ra Ðê đa phần mang họ Nier, con trai thì có chữ lót là Y giống như dân người Kinh có chữ lót là Văn còn con gái có chữ lót là H’ hay Hờ, đồng nghĩa với chữ Thị của dân Kinh.

Ngày Tiểu Ðoàn 4 Mike Force giải tán, tôi trở về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 2.

Tôi ra đi rồi, thì quân số của ba Ðại Ðội 1, 2, 3 trực thuộc Tiểu Ðoàn 4 Mike Force được xé lẻ, bổ sung cho các Tiểu Ðoàn 11, 22, 23 Biệt Ðộng Quân. Riêng Ðại Ðội 4 của Trung úy Thuận được sát nhập vào Ðại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ của Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Thời gian sau, tôi được thông báo rằng một ông cựu đại đội trưởng là Thiếu úy Ngọc tức Y Ngok Nier đã đào ngũ ngay sau khi trình diện Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Ba ông khác là Trung úy Ðức tức Y Dok Nier, Trung úy Thuận và Trung úy Trình đã theo nhau đền nợ nước.

Ba năm đi qua, thuộc cấp cũ của tôi ở Tiểu Ðoàn 4 Mike Force đã chết nhiều lắm rồi; không ngờ anh lính tải đạn đại liên vẫn còn sống; nay anh ta lại tìm tới đơn vị này để được ở với tôi.

Thế là từ đây, với người lính Thượng này, không cần huấn luyện, không cần thử lòng, bên cạnh tôi đương nhiên có thêm một đồ đệ có thể tin tưởng được, có thể trông cậy được mỗi khi gặp cảnh hiểm nghèo.

Tôi dang tay vỗ nhè nhẹ lên vai Thon rồi ôn tồn:

– Xuống tìm gặp Thiếu úy Lý Ngọc Châu, bổ sung cho tiểu đội cận vệ!

Suốt thời gian mười năm chỉ huy đơn vị, tôi chưa từng đem một người lính nào về làm việc nhà. Nhưng đi hành quân thì vây quanh tôi có nhiều người lắm!

Hiện thời, tháng 9 năm 1974, những người này được đặt dưới quyền chỉ huy của một ông chuẩn úy, sau là thiếu úy, tên ông ấy là Lý Ngọc Châu. Ông Châu bằng tuổi tôi; ông là một thầy giáo ở Nam-Vang, Cao-Miên. Thời người Việt bị “cáp duồn” ông đem gia đình bỏ chạy về Sài-Gòn. Về nước ông Châu bị gọi nhập ngũ vào Trường Thủ-Ðức học một khóa quân sự để làm chuẩn úy. Mãn khóa ông bị “Cọp liếm” phải ra đơn vị Biệt Ðộng Quân. (Cọp liếm: Tiếng lóng, có ý nói gia nhập binh chủng Biệt Ðộng Quân)

Qua một trận đánh, tôi thấy ông chuẩn úy này quờ quạng quá, nếu để ông ta ở vị trí tác chiến thì không sớm thì chầy, ông ta cũng đền nợ nước, nên tôi cho ông ấy đảm nhận chức vụ Sĩ quan Phòng thủ của tiểu đoàn.

Dưới quyền ông Châu có 11 ông lính, lo công tác canh gác đêm, ngày, lo cả công tác lều võng và cơm nước cho tôi.

Nay tôi tăng cường thêm anh Trung sĩ Y Thon Nier, xạ thủ súng M 79, thế là ông Châu có 12 thuộc hạ.

Người trình diện kế tiếp là một trung sĩ người Kinh gốc Quảng-Nam. Anh trung sĩ này mặt mày sáng sủa và trắng trẻo như một thư sinh, tôi thấy mặt anh ta có vẻ quen quen.

– Trung sĩ Nguyễn Minh trình diện Thiếu tá!

– Ngồi xuống ghế đi Minh! Hình như tôi có gặp anh ở đâu đó rồi?

– Năm 1972 Thiếu tá còn là Ðại úy Trưởng Phòng 2, em là hạ sĩ quan mật mã của Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2. Ngày nào em cũng gặp Thiếu tá trong Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy.

– Lý do gì cậu bị xuất ngành Truyền Tin phải ra tác chiến?

– Dạ! Em cũng chẳng biết vì răng mà em bị cho xuất ngành. Em có mẹ già và ba đứa em nhỏ ở Nghi-Xuân. Em đã làm đơn xin về phục vụ Tiểu Khu Quảng-Ðức nhưng chưa biết kết quả.

– Vậy cậu về Ðại Ðội Công Vụ ở tạm với Thiếu úy Hoàng, anh sẽ sắp xếp lại sau.

Trung sĩ Minh vừa khuất bóng thì Trung sĩ Ðốc, Hạ sĩ quan quân số rời bàn làm việc bước tới, trình cho tôi một văn thư mật. Trên văn thư có ghi rõ ràng lý lịch của Trung sĩ Minh: Anh này vốn là một hạ sĩ quan mật mã của Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2. Anh ta có thân nhân đi tập kết năm 1954.

Lý do thuyên chuyển: Vì nghi ngờ có dính dáng tới những tiết lộ đặc lệnh truyền tin trong thời gian gần đây nên An-Ninh Quân-Ðội đề nghị đưa Trung sĩ Minh ra đơn vị tác chiến.

Trung sĩ Minh ở Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân được hai tháng thì tiếp tục bị chuyển tiếp tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.

Tiếp đó, tôi phải tạm ngừng công tác tiếp xúc những quân nhân vừa đáo nhậm để tiếp chuyện hai người đàn bà, thân mẫu của hai Biệt Ðộng Quân trong đơn vị.

Bà thứ nhất là phu nhân của Thiếu Tá Lê Văn Ky, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu Khu Quảng-Ðức. Bà cụ nghe tin tiểu đoàn của con bà vừa trải qua một trận chiến thập tử nhất sinh, nên vội vàng bay từ Sài-Gòn ra Pleiku để năn nỉ tôi cho phép con bà khỏi tác chiến vì anh ta là đứa con trai độc nhất của ông bà.

Con trai của vợ chồng Thiếu tá Lê Văn Ky là Chuẩn úy Lê Văn Phước, Trung đội trưởng Trung Ðội 2, Ðại Ðội 2, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Bà thứ nhì là một láng giềng của gia đình tôi ở Ban Mê Thuột. Bà cụ mới theo chuyến xe đò sớm nhất sáng nay từ Ban Mê Thuột tới đây.

Nước mắt ngắn dài, bà cụ vừa khóc vừa kể lể rằng chồng bà đã qua đời, bà chỉ có hai mẹ con, nếu con bà cứ tiếp tục ra trận mà có mệnh hệ nào, chắc bà sẽ không còn muốn sống nữa.

Con bà cụ này là Trung sĩ Lê Văn Bình đang giữ chức tiểu đội trưởng trực thuộc Ðại Ðội 3, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Nhìn những giọt nước mắt theo nhau lăn trên gò má nhăn nheo của hai bà cụ, tôi hồi tưởng lại, ngày xưa, năm 1966, khi tôi còn là một thiếu úy vừa ra trường, mẹ tôi cũng lo lắng mất ăn, mất ngủ nhiều ngày, sau khi tôi thoát chết trong trận Tháp Bằng-An, Vĩnh- Ðiện, Quảng-Nam.

Và tôi cũng biết rằng trong thời gian 33 ngày đêm giao tranh diễn ra ở Pleime hồi tháng 8 vừa qua, chắc mẹ tôi cũng lo lắng không thua gì hai bà mẹ đang ngồi trước mặt tôi đây.

Thời buổi chiến tranh, mẹ của chú Phước, mẹ của chú Bình, cũng như mẹ tôi, và những bà mẹ của các chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa khác, đã phải sống với nỗi phập phồng, lo âu, ngày này, qua ngày khác, suốt tháng, quanh năm. Nước mắt chảy xuôi. Trên cõi đời này, không ai thương con bằng mẹ!

Trước khi tiễn chân mẹ chú Phước và mẹ chú Bình ra khỏi phòng, tôi đã hứa,

Cháu không đủ quyền hạn để cho hai em làm công việc không tác chiến được. Nhưng cháu hứa rằng, cháu sẽ cho hai em làm việc ở bộ chỉ huy tiểu đoàn, dưới quyền trực tiếp của cháu.

Từ ngày đó Chuẩn úy Lê Văn Phước được giữ chức Phụ tá Ban 3 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, dưới quyền Trung úy Trần Dân Chủ; Trung sĩ Lê Văn Bình được giao nhiệm vụ phụ tá khẩu đội trưởng súng cối 81 ly của Thượng sĩ Nguyễn Văn Năng.

Ăn cơm trưa xong, tôi trở lại công tác “thẩm vấn” lý lịch những đồng đội mới.

Theo thứ tự A, B, C thì anh tân binh có tên Nguyễn Văn Bính là người lính đầu tiên được ông Trung sĩ Nguyễn Phượng Hoàng đưa vào phòng.

– Em là Binh nhì Nguyễn Văn Bính, trình diện Thiếu tá ạ!

– Chào anh Bính! Ngồi xuống ghế đi! Tôi ra lệnh.

– Dạ! Vâng ạ! Em xin phép ạ! Bính lễ phép, khép nép ngồi xuống ghế.

Vừa nghe tiếng anh tân binh này đối đáp vài câu, tôi bỗng giật mình, lạnh gáy. Giọng nói Bắc Kỳ của anh Bính này khác hẳn giọng nói của dân Bắc Di Cư năm 1954. Tôi cũng là dân Bắc Di Cư, nên tôi nhận ra ngay, anh tân binh này không phải là người xuất xứ từ Hố-Nai, Gia-Kiệm, Cái Sắn hay Blao.

Tôi đã từng là một sĩ quan Tình Báo đảm trách rất nhiều cuộc thẩm vấn tù binh ngoài mặt trận; tôi chắc chắn rằng anh tân binh trước mặt tôi chính là một cán binh Cộng-Sản mới từ Miền Bắc xâm nhập vào. Không biết vì nguyên do nào mà anh ta lại trở thành một anh lính Việt-Nam Cộng-Hòa?

Thời đó dân Tình Báo Chiến Trường chúng tôi thường gọi giọng nói của các cán bộ Trường-Sơn là “Tiếng Bắc Xâm Nhập”.

Sau năm 1975, thì dân chúng Miền Nam gọi thứ tiếng nói này là “Tiếng Bắc 75”.

Tôi bước vội ra cửa hất hàm cho Hạ sĩ Nguyễn Ba; chú Ba nhanh nhẹn kẹp khẩu M 16 trấn giữ sát cửa văn phòng ngay.

Nhìn mặt anh tân binh vừa hiện ra nét lo lắng, trong trí tôi chợt nảy ra một diệu kế. Tôi liền chụp cái gạt tàn thuốc lá bằng sứ giơ lên cao khỏi đầu rồi đập mạnh xuống mặt bàn.

Sau tiếng “Chát!” chói tai. Tôi quát lớn:

– Anh ở Ðoàn Xâm Nhập nào? Vào Nam ngày nào? Khai ra mau!

Không ngờ đòn đánh phủ đầu bất ngờ của tôi có hiệu quả ngay!
Nghe tiếng hét của tôi, tân binh Nguyễn Văn Bính bỗng co rúm người trên ghế, hai đầu gối run run đập vào nhau lia lịa:

– Trình “Thủ trưởng” em là chiến sĩ Ðặc Công vừa ra trường được đưa vào bổ sung cho Ðội Ðặc Công Nội Thành Thành phố Sài-Gòn!

Ngay lúc này, Hạ sĩ Ba và Binh Nhứt Bích đã nhanh chân chạy vào đứng thủ thế hai bên bàn giấy, ghìm súng sẵn sàng.

Mặt anh tân binh bắt đầu ướt đẫm mồ hôi. Anh ta run lập cập:

– Trình “Thủ trưởng” em đi lạc, bị lính bắt vào trại huấn luyện rồi đưa lên đây!

Thấy Bính có vẻ không có gì là nguy hiểm, tôi ra lệnh:

– Thằng Ba và thằng Bích ra cửa gác được rồi! Còn chú Bính thì cứ bình tĩnh, anh không làm gì để chú phải lo sợ. Chú cứ từ từ kể cho anh hay, vì sao chú lại có mặt ở đây?

Nghe tôi ôn tồn dịu giọng, anh tân binh đã bớt run. Anh ta xoa hai tay vào nhau liên tục, rồi bắt đầu kể cho tôi nghe.

Nguyễn Văn Bính sinh năm 1956 tại huyện Gia-Lộc, tỉnh Hải-Hưng, vào bộ đội năm 17 tuổi. Theo học Trường đào tạo chiến sĩ Ðặc-Công ở Sơn-Tây. Mãn khóa học, Bính được lệnh đi B tạm dừng tại Binh Trạm T9, rồi được tách ra, phân phối cho Biệt Ðội Ðặc-Công Nội Thành ở Sài-Gòn.

Tháng 4 năm 1974 trong khi theo chân một nữ cán bộ giao liên trên đường từ Tân-Cảng tới Chợ Lớn thì y bị lạc. Bính lang thang suốt đêm trong khu Phạm Ngũ Lão và Ga Sài Gòn tìm dấu người đưa đường nhưng vô vọng. Bốn giờ sáng thì y bị Tuần Cảnh Hỗn-Hợp Ðô-Thành bắt gặp. Sau khi khai tên tuổi, hôm sau y bị chuyển sang Trung Tâm Quản Trị Trung Ương, rồi đưa ra máy bay chở lên Dục-Mỹ vào học lớp tân binh trong Trung Tâm Huấn Luyện Lam-Sơn.

Sau trận Pleime, vì nhu cầu quân số, Binh nhì Nguyễn Văn Bính đã được bổ sung cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.

Chuyện nghe tưởng như đùa! Nhưng đây là chuyện trăm phần thật!

Sau khi nghe hiểu hết nguồn cơn, tôi đổi giọng, thật nghiêm nghị, nói với Bính:

– Chuyện đã rõ ràng như thế thì tôi chỉ có thể chuyển anh sang An-Ninh Quân-Ðội, từ đó anh sẽ được đưa vào trại giam Tù Phiến Cộng, sống chung với các đồng ngũ của anh đã bị chúng tôi bắt trước đây.

Bính nhìn tôi khẩn khoản:

– “Thủ trưởng” có thể giúp em, bỏ qua chuyện lý lịch, cho em ở với “Thủ trưởng” được không?

Trước yêu cầu của anh cán binh Cộng-Sản Nguyễn Văn Bính, tôi ngạc nhiên:

– Anh muốn ở lại với chúng tôi sao?

– Vâng! Em muốn lắm ạ!

Tôi đổi giọng ôn tồn trở lại:

– Trong thời gian mấy tháng vừa qua, sống dưới chế độ Cộng-Hòa, chú thấy thế nào?

– Dạ! Em thấy ở trong Nam sướng hơn ở ngoài Bắc.

– Ðược rồi! Tôi sẽ cho chú làm đơn xin “Cải danh Hồi Chánh” Chú sẽ được tiếp tục sống dưới chế độ Cộng-Hòa.

Khi nào chú được chấp thuận là Hồi Chánh Viên, chú xin gia nhập Biệt Ðộng Quân, anh sẽ tiếp nhận chú về tiểu đoàn này.

Từ chiều 16 tháng 9 năm 1974, sau khi cho xe giải giao Nguyễn Văn Bính cho Ty An-Ninh Quân-Ðội Pleiku, tôi không còn biết tương lai của anh ta ra sao.

o O o

Giã biệt Pleiku…



Th/tá Vương Mộng Long, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân với kế hoạch tái chiếm đồi 631: Chuyện mất tiền đồn (1974), chuyện cứu được bảy ông Biệt Ðộng Quân thất lạc đã được giấu nhẹm, chỉ có mấy vị chỉ huy Biệt Ðộng Quân biết với nhau thôi!

Ngày 19 tháng 9 năm 1974 hết hạn nghỉ dưỡng quân, tôi được lệnh dẫn đơn vị vào vùng Tây Pleiku tăng phái cho Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân của Trung tá Hoàng Thọ Nhu.

Tôi và Trung tá Nhu quen biết nhau từ năm 1971, khi ông Nhu còn mang lon Thiếu tá từ Sài-Gòn ra Pleiku thay thế ông Thiếu tá Vũ Quốc Khánh để giữ chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2. Thời gian này tôi cũng vừa nhận chức Trưởng Phòng 2.

Tôi và ông Nhu đã làm việc chung trong một thời gian khá dài.

Tôi biết, nhờ sự giúp đỡ của Ðại tá Lê Khắc Lý, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 thời gian đó, mà cuối năm 1971 ông Nhu được vinh thăng trung tá.

Ông Nhu coi tôi như em, chúng tôi nói năng chẳng cần giữ gìn, câu nệ.

Tính nết của tôi ngổ ngáo, ương ngạnh thế nào, ông Nhu đã biết.

Năm 1972 tôi và Trung tá Hoàng Thọ Nhu đều có dịp thuyên chuyển khỏi Vùng 2; ông Nhu đi làm Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân, còn tôi cũng từ giã Pleiku, lên đường về Sài-Gòn theo học Khóa 3/72 Bộ Binh Cao Cấp.

Nhưng run rủi làm sao, chúng tôi ra đi một thời gian ngắn, lại tái ngộ, lại cùng làm việc với nhau thêm một thời gian nữa ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 dưới quyền Ðại tá Phạm Duy Tất.

Ngày ông Nhu ra nhận chức Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân, sau này cải danh thành Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân, ông cũng rủ tôi đi theo, nhưng tôi chối từ.

Tới khi Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân được thành lập, thì tôi vào Pleime giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trực thuộc Liên Ðoàn 24.

Ðã có mấy lần ông Nhu nài nỉ Ðại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 bắt tôi hoán chuyển nhiệm vụ với Ðại úy Nguyễn Lạn để tôi về làm việc với ông, nhưng tôi không đồng ý.

Trưa 19 tháng 9 năm 1974 đoàn xe Quân Vận chở chúng tôi tới vùng hành quân của Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân.

Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân tọa lạc trên một bãi đất trống cách Ðồi 37 Pháo Binh không xa. Vị trí này được một đại đội Biệt Ðộng Quân và một chi đội chiến xa M 41 bảo vệ.

Vừa xuống xe, tôi đã bị Trung tá Nhu kéo tay dẫn vào hầm riêng của ông ấy:

– Anh xin chú tăng cường cho anh mấy ngày, trong thời gian đó tiểu đoàn của chú sẽ thay thế Thằng 11 giữ núi Chi Kara. Thằng 11 sẽ thế chỗ cho Tiểu Ðoàn 1/ 41 để tiểu đoàn này trở về với Sư Ðoàn 22 Bộ Binh. (Thằng 11: Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân)

Trên phóng đồ hành quân, khu vực trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ là một vùng có chiều ngang 3 cây số, chiều dài 10 cây số, kéo dài từ vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 23 cho tới làng Plei De Chi ở hướng Tây.

Tôi thấy những vị trí mà tôi có nhiệm vụ kiểm soát chỉ nằm loanh quanh dưới chân núi Chi Kara, chứ không có điểm chốt giữ nào trong khu vực bình nguyên bao la trước mặt.

Thì ra thời gian này các đơn vị phòng thủ chỉ co cụm phòng thủ các cao điểm cố định, ai ở đâu cứ ở yên nơi đó chờ địch tới thì đánh.

Tôi thở ra nhẹ nhàng, vì thấy nhiệm vụ của mình thật là khỏe re!

Ngồi chơi trong hầm của Trung tá Nhu vài phút, tôi từ giã ông, rồi đi vào phòng hành quân liên đoàn để bắt tay những anh em đang làm việc ở đây. Trước năm 1970 tôi đã từng là một sĩ quan tham mưu của liên đoàn này.

Khi lui ra để chuẩn bị di chuyển, tôi lấy làm lạ là ông liên đoàn trưởng cứ theo sát bên tôi như bóng với hình, nên thắc mắc:

– Sao Trung tá cứ đi theo tôi hoài? Ông có gì cần nói không?

Ông Nhu khẽ liếc mắt cho tôi đi theo ra cổng căn cứ. Ông hất cằm về hướng Bắc để tôi nhướng mắt nhìn theo.

Trung tá Nhu nói nhỏ:

– Trước mặt chú là đồi 631. Thằng Lạn đánh mất ngọn đồi này đã năm ngày rồi, nhưng anh chưa báo cáo với quân đoàn! Anh nhờ chú lấy nó lại có được không? (Thằng Lạn: Ðại úy Nguyễn Lạn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân)

Tôi vừa ngạc nhiên vừa phẫn nộ:

– Ông nói cái gì lạ thế? Mất một cái tiền đồn đã năm ngày mà không tái chiếm, không báo cáo, vậy ông còn chờ cái gì nữa?

Trung tá Nhu đưa tay lên che miệng tôi, không cho tôi to tiếng để tránh cho người khác nghe:

– Tao còn phải chờ xem mấy thằng lính đóng chốt trên đó có còn sống không rồi mới báo cáo. Báo cáo sớm thì thằng Lạn lại bị phạt. Bị phạt mãi thì làm sao nó cất đầu lên được?

Tôi bình tâm trở lại, thấy lời ông Nhu cũng có lý. Ðại úy Nguyễn Lạn là bạn cùng khóa của tôi, chật vật bao năm mà anh ấy vẫn còn đeo cái lon đại úy.

Tướng Tư Lệnh Quân Khu 2 Nguyễn Văn Toàn mà biết chuyện mất tiền đồn, lính giữ đồn mất tích, thì hình phạt của ông ấy chắc chắn sẽ không nhẹ hơn 40 Trọng Cấm.

Nếu không có chiến công, cứ chờ thăng thưởng thường niên thì người mang trên vai 40 Trọng Cấm sẽ chẳng bao giờ có hy vọng.

Nghĩ lại, tôi thấy thương hại anh Nguyễn Lạn, tôi cũng thông cảm cho nỗi khó xử của Trung Tá Nhu.

Trung tá Nhu cho tôi biết rằng, hôm qua, trên đường từ Pleiku vào Thanh-An trực thăng của Ðại tá Phạm Duy Tất Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đã phát hiện ra một toán lính Biệt Ðộng Quân làm dấu cấp cứu trong vùng rừng thưa cách núi Hàm Rồng khoảng gần mười cây số về hướng Tây Bắc.

Ông đại tá đã đáp xuống cứu được bảy ông Biệt Ðộng Quân sắp chết đói, đang lang thang tìm đường về Pleiku.

Bảy ông lính này là quân nhân của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đóng chốt trên Tiền đồn 631.

Các ông lính này khai rằng -- giữa đêm 15 tháng 9 năm 1974 họ bị một đơn vị cấp đại đội Việt-Cộng tấn công, tràn ngập vị trí, phải rủ nhau bỏ chốt tìm đường thoát thân.

Chuyện mất tiền đồn, chuyện cứu được bảy ông Biệt Ðộng Quân thất lạc đã được giấu nhẹm, chỉ có mấy vị chỉ huy Biệt Ðộng Quân biết với nhau thôi!

Th/tá Vương Mộng Long và con gái Tiên Giao – Hình chụp tại Đà Lạt, tháng 10 năm 1974

Trung tá Nhu cầm tay tôi năn nỉ:

– Chú mày giúp anh một lần này thôi, mình là anh em mà!

Nhìn bộ dạng thảm hại của ông anh, tôi cầm lòng không đậu:

– Ðược rồi, chiều nay tôi trả lời.

Tôi dẫn quân đi đã xa mà ông Nhu còn đứng nhìn theo.

Việc chuyển quân, thay chốt, diễn ra không lâu hơn hai tiếng đồng hồ.

Tôi chẳng lạ gì địa thế Pleiku, do đó công tác thiết trí phòng thủ, yểm trợ hoàn tất rất nhanh.

Ðứng trên một mỏm đá cao, với cái ống nhòm, tôi quan sát ngọn đồi trước mặt. Ðồi này có cao độ 631 mét nên được đặt tên là Tiền đồn 631. Ðồi 631 nằm sát lằn ranh Bắc của khu vực mà tôi chịu trách nhiệm.

Tiền đồn này cách Tỉnh Lộ 565 đúng ba cây số về hướng Bắc. Muốn tới đó ta cứ đi thẳng hướng 360 độ, theo con đường xe be, vượt hai cái bình nguyên cỏ tranh và hai con suối nhỏ là tới mục tiêu.

Sau khi quan sát kỹ, tôi thấy đỉnh đồi đã bị khai quang trọc lóc, rất dễ bị lộ, địch không thể đặt súng phòng không để khống chế không phận Tây Nam Pleiku.

Theo tôi, về mặt chiến thuật, vị trí này chỉ có giá trị một đài quan sát.

Tôi đoan chắc rằng, lực lượng địch đóng trên tiền đồn này nhiều lắm là một tiểu đội là cùng.

Ba giờ chiều, tôi ra lệnh cho toán Viễn Thám 822 của Hạ sĩ Nguyễn Ba chuẩn bị một ngày ăn rồi cùng tôi và một toán cận vệ xuống núi.

Tôi vào tới hầm trú ẩn của ông Liên Đoàn Trưởng thì Trung tá Nhu đã chờ sẵn.

Kế hoạch tái chiếm đồi 631 của tôi thật là giản dị.

Ngay khi trời sập tối, toán Viễn Thám 822 sẽ mở đường, dẫn theo một trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Tới chân đồi thì trung đội của Tiểu Ðoàn 11 dừng lại, ém quân chờ. Toán 822 tiếp tục tiến theo kỹ thuật trinh sát. Chiếm lĩnh xong mục tiêu, sáng hôm sau Toán 822 sẽ bàn giao cao điểm này cho trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Mười phút sau khi có lệnh của ông Liên Đoàn Trưởng, một trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân được gửi tới. Trung đội trưởng trung đội này là Thượng sĩ Phan Thành, người Huế.

Thay vì đứng nghiêm trình diện tôi, Thượng sĩ Thành lại chạy tới ôm tôi thật chặt, miệng anh ta rối rít:

– Ông thầy! Ông thầy cho em về 82 với ông thầy đi! Ông thầy ơi!

Tôi vừa cười hì hì, vừa lắc đầu:

– Ông Vua Xóc Dĩa ơi! Tôi đem ông về 82 để ông bán hết sản nghiệp của tiểu đoàn rồi đem đặt vào chiếu bạc thì chúng tôi chết hết mất!

Trung tá Nhu trố mắt đứng nhìn. Ông chẳng hiểu vì sao mà một tay cứng đầu, sừng sỏ, mặt lạnh như tiền là tôi mà lại thân thiện, vui vẻ, bá vai, bá cổ một anh thượng sĩ cắc ké tên là Phan Thành của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Ông Nhu có biết đâu tôi và chú Thành đã trải qua nhiều năm chia ngọt, sẻ bùi, chung sống với nhau.

Từ tháng 2 năm 1966 tôi đã có mặt ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Tới năm 1969 thì tôi là sĩ quan kỳ cựu nhất của đơn vị này.

Trong thời gian tôi chỉ huy Ðại Ðội 3/ 11 rồi chỉ huy Ðại Ðội 1/11 thì anh Phan Thành là lính của Ðại Ðội 2/11.

Thành đánh giặc thật gan lỳ, nhưng lại mắc cái tật ham mê cờ bạc. Trong trại gia binh, anh ta là tay chuyên môn cầm cái cho các sòng xóc dĩa.

Tôi khoái cái phong cách gan lì trong chiến trận của Thành, nhưng không thể chấp nhận những hình ảnh bê tha trên chiếu bạc của chú ấy; vì thế, đã nhiều lần Thành xin về làm việc với tôi, tôi đều thẳng thừng từ chối.

Sau khi giới thiệu Hạ sĩ Nguyễn Ba với Thượng sĩ Phan Thành, tôi đứng giảng giải cặn kẽ nhiệm vụ hành quân đêm nay của hai người rồi hỏi:

– Có gì thắc mắc không?

– Dạ! Thưa không!

Hai thuộc cấp của tôi vừa trả lời xong, thì tôi quay qua nói với Thành:

– Bao giờ chú mi bỏ được cái tật đỏ đen, anh sẽ cho chú mi theo anh.

Thành gãi đầu:

– Trình Thái Sơn, em đã thử nhiều lần lắm rồi mà chưa bỏ được. Kỳ này gặp lại ông thầy, nghe ông thầy khuyên bảo, em sẽ cố gắng thêm! Chắc chắn em sẽ làm được!

Trong khi ngồi chờ giờ xuất phát, tôi hỏi thăm Thành về gia đình chú ấy.

– Thế nào? Cô vợ 16 tuổi người Blao của chú bây giờ ra sao?

Bất ngờ bị tôi nói trúng tim đen, Phan Thành trố mắt,

– Ít ai biết vợ em lấy em khi mới 16 tuổi. Làm sao Thái Sơn lại biết chuyện này?

– Năm 1968 ở Blao, trên cái giấy cho phép con gái vị thành niên lấy chồng của ông bố vợ chú có chữ ký của người làm chứng là Trung úy Vương Mộng Long! Bố vợ chú là bác Phát làm nghề hái trà ở Tân-Hóa. Vợ chú là bạn thân của cô Sen, con gái bác Tần!

Nghe tôi trả lời, Thành ngẩn người ra một phút rồi cầm tay tôi lắc lắc mấy cái:

– Vậy mà em không biết chuyện này! Phải công nhận rằng không có việc gì xảy ra ở Tiểu Ðoàn 11 mà qua được đôi mắt của Thái Sơn.

Một phút sau, Thành cúi mặt, rầu rầu:

– Tụi em đã có hai đứa con, một trai, một gái. Cháu lớn lên ba, cháu nhỏ mới thôi nôi. Ông cụ thân sinh của vợ em vừa qua đời năm ngoái.

Nghe Thành nói, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ tới ông bạn già làm nghề hái trà ở Tân-Hóa. Mỗi lần tôi đi qua trước cửa, ông đều niềm nở mời tôi vào nhà uống trà và nói chuyện thời sự cho vui. Ông già góa vợ, có ba cô con gái, không có con trai. Vợ của chú Thành là người con lớn nhất.

Trước giờ toán Viễn Thám 822 và trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân xuất phát, tôi cho lệnh Ðại Ðội 3/82 của Thiếu Úy Hổ xuống núi, đóng quân trong vòng rào kẽm gai của Liên Ðoàn 23. Nếu tình hình biến chuyển không êm xuôi, quân tiền phương chạm địch nặng, thì tôi sẽ cùng Ðại Ðội 3/82 và chi đội chiến xa M-41 lên tiếp cứu.

Tối đó tôi và Trung tá Nhu ngồi hút thuốc chờ tin bên hai cái máy vô tuyến trong hầm trú riêng của ông.

Khoảng chín giờ đêm có tiếng ì ầm của lựu đạn nổ từ hướng đồi 631. Hai phút sau, một hỏa châu cầm tay được phóng lên trời, đây là dấu hiệu của 822 báo đã chiếm xong mục tiêu.

Suốt đêm, Toán 822 đã tắt máy để tránh bị lộ, nhưng tôi yên chí rằng toán này không bị thiệt hại gì.

6 giờ sáng ngày 20 tháng 9 tất cả các đài vô tuyến của các đơn vị tham chiến đều lên máy. Một giờ sau thì trung đội của Tiểu Đoàn 11 Biệt Ðộng Quân hoàn tất công tác trải quân phòng thủ Tiền đồn 631.

Chưa tới 8 giờ sáng ngày 20 tháng 9, Toán 822 về tới chân núi Chi Kara, tôi và Ðại Ðội 3/ 82 đang chờ ở đây.

Trưa 20 tháng 9 Trung tá Hoàng Thọ Nhu gọi máy cho tôi để thông báo rằng ông sẽ gửi cho Hạ sĩ Nguyễn Ba và hai anh Viễn Thám viên của Toán 822 mỗi người 5 nghìn đồng và một Bằng Tưởng Lục Cấp Trung Ðoàn.

Ngày hôm đó Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được tin báo rằng -- trong đêm 19 tháng 9 Tiền Đồn 631 đã bị một đại đội địch tấn công, quân trú phòng đã anh dũng đẩy lui quân địch, địch phải rút lui và để lại… nhiều vũng máu.

Chiều hôm đó tôi xuống núi, ghé thăm Trung tá Nhu. Ông Nhu úp mở:

– Anh có lệnh trả chú lại cho ông Vấn. Hình như chú sắp nhận lệnh đi xa. Chắc đi khỏi đây rồi, chú sẽ nhớ Pleiku lắm nhỉ?

Nói xong câu này ông Nhu nhìn tôi, cười hóm hỉnh.

Tôi không rõ ông niên trưởng này có ý gì, nên uống hết ly trà, tôi đứng lên cáo từ.

Ðêm 20 tháng 9 năm 1974, khuya lắm rồi, mà tôi vẫn còn ngồi trên mỏm đá cao, bên sườn núi Chi Kara nhìn về Pleiku. Ðèn Pleiku rực sáng một vùng trời.

Tôi đã là cư dân của Pleiku một thời gian gần mười năm dài. Tôi đâu biết rằng hai ngày nữa tôi sẽ phải đem quân xa rời nơi ấy. Tôi cũng không ngờ, xa Pleiku lần này, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ chẳng bao giờ quay trở lại…

Vợ chồng cựu Th/tá Vương Mộng Long và vợ chồng cựu Đ/tá Từ Vấn (Hình)

o O o

Chiến trường

réo gọi…

Chiều 21 tháng 9 tôi được lệnh rút về Pleiku. Hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân cũng vừa được triệu tập về đây một ngày trước đó.

Tối 21 tháng 9 Ðại tá Từ Vấn, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân gọi điện thoại báo cho tôi biết: có lệnh cho liên đoàn chuẩn bị đi khai thông Liên Tỉnh Lộ 8B để giải tỏa áp lực địch trên đoạn đường từ Ðức-Lập tới Gia-Nghĩa.

Chúng tôi có trọn ngày 22 tháng 9 để tái trang bị và tiếp tế, sáng 23 tháng 9 năm 1974 chúng tôi lên đường.

Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đi trên những chiếc xe dẫn đầu của đoàn công voa.

Vì Quốc Lộ 14 bị Việt-Cộng quấy rối vùng Bắc Ðèo Tử Sĩ nên chúng tôi phải rẽ vào Liên Tỉnh Lộ 7 B rồi quẹo phải, đi qua Thuần-Mẫn, tiến tới Buôn Blech rồi nhập vào Quốc Lộ 14. Vì thế, chúng tôi tốn nhiều thời gian hơn là đi thẳng từ Phú-Nhơn.

Chiều ngày 23 tháng 9 năm 1974 chiếc xe cuối cùng của chúng tôi có mặt ở Ban Mê Thuột. Toàn thể quân nhân của liên đoàn và đoàn xe chuyên chở chúng tôi đều tập trung trong khuôn viên doanh trại của Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân.

Sau khi sắp xếp nơi ăn ngủ cho anh em, tôi lên xe về nhà. Nhà tôi nằm trên đường Hàm Nghi, cách hậu cứ Liên Ðoàn 21 chừng một cây số.

Trời sắp tối xe của tôi mới ngừng trước cổng.

Vợ tôi ít khi đi ra ngoài, nên nàng không biết Liên Ðoàn 24 đã vào thành phố từ lúc ban trưa.

Từ tháng 4 tới nay, đã gần nửa năm, sau khi tham dự hai trận đánh ác liệt nhất năm 1974 của Vùng 2, tôi mới có dịp ghé thăm nhà.

Cũng như bao lần trước, mỗi khi tôi từ mặt trận trở về, vợ tôi đều vòng tay ôm tôi, mặt nàng úp vào ngực tôi, những ngón tay nàng liên tục nhịp nhịp nhè nhẹ sau lưng tôi, miệng nàng không ngừng thì thầm: “Mình ơi! Mình ơi! Mình ơi!”

Ôm hôn vợ xong, tôi quay sang bồng đứa con gái nhỏ nhất. Bé Tiên Giao của tôi sinh ra đúng ngày Căn Cứ 711 do Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân và Chi Ðoàn 3/19 trấn giữ đã bị Sư Ðoàn 320A của Cộng-Sản tấn công và tràn ngập.

Hôm đó tôi đã trải qua một trận đánh xáp lá cà. Vừa thoát ra khỏi vòng vây, tôi được Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đang bay trên trời thông báo rằng:

“Ông già vợ của chú vừa báo cho ta hay, vợ chú vừa đẻ đứa con gái thứ ba!”

Tiếp đó là trận Pleime 33 ngày đêm dầm mưa, đội pháo.

Mãi tới giờ này, tôi mới có dịp ôm trong tay đứa con bé bỏng của tôi.

Vợ tôi ôm vai tôi, rồi đưa tay vỗ nhè nhẹ vào mông em bé,

– Bé Tiên Giao hay khóc giữa đêm, em phải lấy cái áo mayor của mình đắp cho con, con hết khóc.

Vợ tôi thường nghe các cụ nói rằng, khi em bé đi ngủ, thì lấy áo của bố nó đắp cho nó, nó sẽ ngủ yên.

Tin lời các cụ, nên vợ tôi vẫn làm như thế…

Võng đong đưa, sợ con trẻ giựt mình,

Em ủ cho con hơi ấm áo anh…

(Thơ Vương M Long)

Không biết có phải cái tình phụ tử vô hình đã báo cho con tôi biết rằng bố nó đang ôm nó hay không, mà con bé cứ quơ quơ hai bàn tay tí hon, mũm mĩm của nó sờ sờ, vuốt vuốt, mặt bố nó.

Ðôi mắt con bé tròn xoe, mở lớn, miệng nó cứ, “bi bô, bi bô”, ra chiều đang vui thích lắm.

Hai đứa chị nó, một đứa ba tuổi, một đứa lên hai, cũng cố lấn vào ôm chân bố, chờ bố chúng nó cúi xuống vỗ về…

Tính nhẩm lại, tôi được gần vợ, gần con chỉ vài giờ đồng hồ, vì chưa tới 4 giờ sáng hôm sau tôi đã phải thức dậy, thay quần áo rồi vào trại kiểm quân, chuẩn bị lên đường.

Tôi lên xe, các con tôi còn say ngủ. Sau lưng tôi, chỉ có đôi mắt của người vợ trẻ dõi trông theo…

Ðời chiến binh, hạnh phúc gia đình của chúng tôi được tính từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây…

Ðêm hôm đó, trên trời Ban Mê Thuột, sương mù đã che khuất mảnh trăng non.

Ðoàn quân xa đi ngang qua thị xã,

Áo trận hoa rừng phủ đầy đất đỏ,

Ta ghé thăm Em và Bé mới ra đời.

Em cười, giọt nước mắt trên môi lăn vội.

Ta chỉ biết nói lời xin lỗi!

Ðã để cho Em một mình đi biển mồ côi…

Ta ôm con vào lòng, bé bỏng con tôi!

Ta chỉ bên Em, bên con, vài giờ ngắn ngủi.

Chiến trường sục sôi, chiến trường réo gọi…

Ðoàn quân xa lại vội vã lên đường,

Ðể lại Bé, để lại Em và thành phố sau lưng…

Tuổi trẻ, một thời để yêu

Tuổi trẻ, một thời để chết

Mùa Xuân ra đi biền biệt…

Ngày xanh, tuổi trẻ của ta…

Ta đã cho quê hương tất cả!

(Thơ Vương M Long)

8 giờ sáng ngày 24 tháng 9 năm 1974, đoàn công voa chuyển quân khởi hành, dẫn đường là hai chiếc xe V100 của Tiểu Khu Darlac (Darlac là tên trước 1975, sau 1975 là Dak Lak) kế đó là chiếc Jeep của tôi.

Thời gian này gia đình binh sĩ của Liên Ðoàn 24 còn ở Pleiku, nên hai bên đường chúng tôi đi qua, không có ai vẫy tay chào tạm biệt.

oOo

Vào vùng…

Trưa 24 tháng 9 đoàn xe chuyển quân tạm dừng trước cổng Chi Khu Ðức- Lập vài chục phút đồng hồ để các sĩ quan chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân vào quận đường nhận lệnh hành quân từ ông Ðại tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu Khu Quảng-Ðức.

Trong thời gian chúng tôi họp ở hội trường của Quận Lỵ Ðức-Lập thì anh em binh sĩ tản vào các quán xá hai bên đường nghỉ mệt.

“Tổng thống ra lệnh, trong vòng hai tuần lễ, chúng ta phải khai thông Liên Tỉnh Lộ 8B để tiếp tế cho Quảng-Ðức và Phước-Long. Tôi cho Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân thời gian ba ngày để chuẩn bị, sau đó phải hoàn tất công tác này trong mười ngày!”

Sau khi lớn tiếng kết thúc buổi họp hành quân, ông tỉnh trưởng vội vã cất bước ra đi, mà chẳng thèm bắt tay giã từ ai.

Ngay sau đó, Ðại tá Từ Vấn đứng dậy giơ hai tay lên trời,

– Ông liên đoàn phó và ba ông tiểu đoàn trưởng ngồi lại đây bàn chuyện, các sĩ quan khác giải tán.

Hai phút sau khi ông Ðại tá Nghìn khuất dạng, trong hội trường chỉ còn lại năm sĩ quan của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân là Ðại tá Từ Vấn, Liên Đoàn trưởng, Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn phó, Thiếu tá Trần Ðình Ðàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân, Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân, và tôi, Thiếu tá Vương Mộng Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Chúng tôi chưa kịp ngồi xuống ghế thì Ðại tá Vấn đã lớn tiếng phân công:

Kỳ này Tiểu Ðoàn 63 sẽ đảm nhận vai trò nỗ lực chính, dồn sức bứng các chốt chặn hướng Tây tỉnh lộ; Tiểu Ðoàn 81 có nhiệm vụ thám sát mặt lộ, rà mìn và đặt các trạm an ninh; Tiểu Ðoàn 82 vừa đánh Pleime xong, có nhiều tân binh mới được bổ sung, chưa quen chiến trận, sẽ đi sau bộ chỉ huy liên đoàn và là thành phần trừ bị.

Lệnh hành quân sẽ được đánh máy và gửi cho các đơn vị ngay chiều nay.

Sau đây, tôi nhờ trung tá liên đoàn phó trông coi liên đoàn giùm tôi, tôi có việc phải bay về Sài-Gòn, ba ngày nữa tôi sẽ ra chỉ huy. Thôi! Giải tán!

Sau đó bộ chỉ huy liên đoàn và hai tiểu đoàn bạn xuống xe, tạm trú trong vòng đai Quận Ðức-Lập.

Riêng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, vì là thành phần trừ bị, nên tiếp tục hành trình, để chiếm lĩnh đầu cầu, đồng thời cũng là tuyến xuất phát.

Ðiểm tới của đơn vị tôi sẽ là Căn Cứ Hỏa Lực Ðạo-Trung

Tới ngã ba Dak Son tôi dừng xe để hỏi thăm tin tức của đơn vị giữ đường.

Ông chỉ huy đơn vị khai lộ đang nằm trên cái võng tòn ten dưới bóng cây, nghe biết tôi đang tìm ông ta thì ông ta vội vã chạy ra đường:

– Chào niên trưởng, niên trưởng có khỏe không?

Thì ra đơn vị giữ đường ngày hôm đó là Tiểu Ðoàn 3/53 Bộ Binh của Thiếu tá Cao Mạnh Nhẫn, Nhẫn là Võ-Bị Khóa 21, đàn em của tôi.

– Ðường từ đây vào Ðạo-Trung có yên không chú? Tôi hỏi Nhẫn.

– Bảo đảm trăm phần trăm! Em giữ đường! Niên trưởng yên chí!

Thiếu tá Nhẫn nhìn tôi, rồi vừa cười vừa nói.

– Trong trận Pleime 33 ngày đêm hồi tháng 7 và 8 vừa qua, đơn vị của chú Nhẫn là một trong hai tiểu đoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh vào giải vây cho tôi.

Tiểu Ðoàn 1/53 bị thiệt hại nặng, Tiểu Đoàn Trưởng là Ðại úy Nguyễn Dương Lâm, Khóa 19 Võ-Bị tử trận.

Tiểu Ðoàn 3/53 của Thiếu Tá Cao Mạnh Nhẫn cũng phải bỏ chạy cùng với Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh do Trung Tá Trần Nguyên Khoa, Khóa 18 Võ-Bị chỉ huy.

Ngồi chơi với chú Nhẫn vài phút, tôi cho lệnh tiếp tục.

Còn cách Căn cứ Ðạo-Trung gần một cây số tôi cho xe ngừng lại, mọi người xuống đi bộ; đoàn xe trống trở đầu, quay về Ðức-Lập.

Căn cứ Hỏa lực Ðạo-Trung nằm trên một ngọn đồi trọc, ngay một khúc quanh của Liên Tỉnh Lộ 8 B.

Hiện thời căn cứ này có bốn khẩu 105 ly và do một tiểu đoàn Ðịa Phương Quân giữ an ninh. Vị tiểu đoàn trưởng Ðịa Phương Quân này là Thiếu tá Bùi Ngọc Long chuyển ngành từ Lực Lượng Ðặc Biệt. Tôi chỉ nhớ mang máng rằng ông thiếu tá này tốt nghiệp Khóa 5 hay Khóa 6 Thủ-Ðức.

Thiếu tá Bùi Ngọc Long cũng là dân Bắc Di Cư, lớn hơn tôi cả chục tuổi. Ông khuyên tôi nên cẩn thận khi di chuyển hay đứng trên các mô đất cao, vì ở đây ngày nào cũng bị địch bắn tỉa.

Ðịch ở cách ta chỉ một con suối và một cái thung lũng cạn. Bên kia thung lũng trên mặt đường xe be, sát bìa rừng còn vài cái xác của chiến sĩ bộ binh bị bỏ lại, trong đó có một chuẩn úy.

Tôi chọn vị trí đóng quân cho hai Ðại Ðội 1/82 và 3/82 cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 82 là một ngọn đồi nhỏ và hẹp nằm bên hướng Tây của Liên Tỉnh Lộ 8 B và cách vị trí pháo binh ba trăm mét về hướng Bắc.

Ngọn đồi này có lợi thế ngụy trang vì có cây cao che khuất tầm nhìn từ xa của địch.

Bên trái ngọn đồi này là một thông thủy tuy không sâu lắm, nhưng dốc hơi đứng, rất khó xung phong.

Chỉ còn một hướng chính Bắc là cần chốt chặn nơi ngã ba giao tiếp Liên Tỉnh Lộ và con đường xe be. Ông đại úy tiểu đoàn phó cùng với hai Ðại Ðội 2/82 và 4/82 sẽ trấn thủ cái ngã ba này.

Bố trí quân xong, tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven đường chuẩn bị mồi một điếu thuốc lá thì một quân nhân tới đứng nghiêm chào xin trình diện. Người này chính là anh Trung sĩ Nguyễn Minh, mới được bổ sung.

Minh vừa xoa hai bàn tay vào nhau, vừa cười cầu tài, rồi năn nỉ tôi:

– Nhà em ở Nghi-Xuân, sau chuyến hành quân này Thái Sơn du di cho em nghỉ vài ngày thăm nhà.

Tôi gật đầu:

– Nơi này cách Nghi-Xuân hơn mười cây số thôi, nhưng đường lại bị Việt-Cộng đóng chốt. Chờ hôm nào bứng xong mấy cái chốt, trên đường về Gia-Nghĩa anh sẽ thả chú xuống, cho chú ghé thăm gia đình vài bữa.

– Cám ơn Thái Sơn!

Minh lí nhí, chào tôi rồi lui về khu trú quân của đơn vị anh ta.

Hai phút sau Trung sĩ Minh quay trở lại, anh ta có vẻ như muốn nói với tôi chuyện gì đó.

Tôi mở lời:

– Gì đó Minh?

Minh gãi đầu, cúi gằm mặt xuống, miệng lí nhí:

– Dạ! Em muốn trình bày với Thái Sơn một chuyện.

Có gì cứ nói đi!

Tôi từ tốn.

Minh rụt rè nhìn tôi rồi ấp úng:

– Trình Thái Sơn! Em không phải là nội tuyến đâu, Em bị nghi oan!

Tôi lấy làm lạ, tại sao Trung Sĩ Minh lại tự ý tới gặp tôi để nói chuyện này, vì tôi có để lộ cho anh ta biết rằng tôi đã đọc biết lý lịch của anh ta đâu?

– Nội tuyến cái gì? Ai nói chú là nội tuyến mà chú phải phân trần với anh?

– Dạ! Em nghe mấy anh bạn trong ban Truyền Tin của Liên Ðoàn 23 nói rằng em bị xuất ngành vì bị tình nghi làm nội tuyến.

– Chắc tụi nó đồn bậy đó! Ðừng có lo nghĩ gì cho mệt xác! Ở đây có anh! Anh tin rằng chú không làm bậy là được rồi!

– Em cám ơn Thái Sơn!

Miệng trả lời tôi mà đầu Minh vẫn cúi nhìn xuống đất. Vài phút sau anh trung sĩ ngửng mặt lên, tôi thấy hai dòng nước mắt đang lăn xuống má anh ta.

Tôi chợt thấy lòng xót xa. Người đứng trước mặt tôi không thể là một tay giỏi đóng kịch. Những giọt nước mắt kia chắc chắn là kết quả của những ưu tư, lo sợ, muộn phiền và uất ức tạo nên.

Tôi chỉ tay xuống bãi cỏ trước mặt:

– Chú ngồi xuống đây anh có chuyện cần hỏi.

Minh từ từ ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu con người trước mặt với câu:

– Trước khi đi lính, chú có gia nhập đảng phái hay đoàn thể nào không?

– Dạ không! Em học xong chương trình Ðệ Nhất Cấp thì đi làm thợ hàn để giúp đỡ mẹ em. Tới năm 1971 em xin được cái Chứng Chỉ Ðệ Nhị rồi tình nguyện theo học khóa Hạ sĩ quan của trường Ðồng-Ðế. Ra trường, em được chọn về Biệt Ðộng Quân, rồi bị đưa đi Vũng-Tàu, thụ huấn lớp Hạ sĩ quan Truyền Tin. Mãn khóa học, em được phân phối về Ðại Ðội Truyền Tin của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, dưới quyền Ðại úy Táo. Ngày đó Thái Sơn còn là Ðại úy Trưởng Phòng 2.

Cựu Th/tá Trần Đình Đàng và cựu Th/tá Vương Mộng Long – 2004 USA (Hình)

Tôi đổi đề tài:

– Thân nhân của chú có ai đi tập kết không?

– Trình Thái Sơn! Bố em đi tập kết năm em vừa lên bốn. Em còn hai đứa em, một đứa em trai sinh năm 1952, một đứa em gái sinh năm 1953. Em không nhớ bố tên gì. Em đã nhiều lần thắc mắc với mẹ nhưng mẹ cứ trả lời rằng mẹ đã quên rồi! Trên giấy tờ thì mẹ khai tụi em có cha vô danh nên tụi em mang họ mẹ. Hiện thời mẹ em và hai em của em sinh sống ở Nghi-Xuân. Gia đình em vào đó từ thời cụ Diệm thành lập các khu Dinh Ðiền.

Tôi hỏi tiếp:

– Ở Ðại Ðội 2 Truyền Tin chú giữ công việc gì?

– Em là hạ sĩ quan mật mã, mỗi ngày em mã hóa các công điện gửi đi, giải mã các công điện mật từ nơi khác chuyển về.

– Chú có vào máy chuyển công điện hằng đêm, hằng ngày hay không?

– Dạ không! Từ tháng Giêng 1972 cho tới ngày có lệnh ra Liên Ðoàn 23. Ban ngày em chỉ làm công tác chuyên môn, ban đêm em phải trực gác pháo đài hay cổng chính của đại đội.

Tôi vỗ vai Minh ôn tồn:

– Ðược rồi! Anh sẽ giải oan cho chú! Chú về lều đi! Ðừng lo nghĩ gì nữa!

Sở dĩ tôi quả quyết người hạ sĩ quan này không phải là kẻ gian chỉ vì ngay từ đầu, tôi chưa cật vấn, anh ta đã thành tâm, tự ý cho tôi biết gia phả của anh ta.

Anh ta không phải là người trực tiếp chuyển công điện; nếu anh ta muốn chuyển tin cho địch bằng phương cách khác thì cũng vài ba ngày sau, tin mới tới tay người nhận.

Trong khi đó thì, hằng đêm, các đài kiểm thính của ta đều báo cáo rằng Việt-Cộng có trong tay toàn bộ điểm đóng quân đêm của các đơn vị Biệt Ðộng Quân Vùng 2, chỉ vài giờ sau khi Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân / Quân Khu 2 gửi bản tổng kết lên Quân Ðoàn II.

Trước đây, mỗi lần về Pleiku, tôi thường vào gặp Ðại Tá Tất để lưu ý ông chuyện này. Ông Tất đã ra lệnh cho Phòng An-Ninh của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân / Quân Khu 2 mở những cuộc điều tra theo dõi những kẻ tình nghi.

Ðã xảy ra nhiều chuyện thay đổi nhân sự ở các phòng, ban liên quan tới đặc lệnh truyền tin hay khóa mật mã.

Trung sĩ Nguyễn Minh và một vài nhân viên văn phòng khác đã bị xuất ngành và thuyên chuyển lâu rồi, mà tình trạng tin tức bị tiết lộ vẫn còn tiếp tục thì nhất định người chuyển tin cho địch vẫn chưa bị phát giác.

Tôi có cảm tưởng rằng, tên nội tuyến ấy vẫn còn sống phây phây đâu đó ngay trong Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 ở Pleiku chứ không đâu xa.

Bốn mươi năm sau chiến tranh, ở Mỹ, qua điện thoại, ông Cựu Chuẩn tướng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 than phiền với tôi rằng -- ông không ngờ viên Ðại úy Ðại đội trưởng Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân / Quân Khu 2 lại là một thượng úy nội tuyến của Việt-Cộng!

Trong hai ngày 25 và 26 tháng 9 có ít nhất năm, sáu vụ bắn tỉa nhắm vào Căn Cứ Ðạo-Trung. Về phía Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân không có đe dọa gì. Có thể vì chúng tôi tới đây bằng chân, không có xe cộ rầm rộ, nên địch chưa phát giác ra vị trí trú quân của tôi. Lý do thứ nhì là anh em chỉ nấu nướng một lần vào lúc chạng vạng tối, sương mù che khói lửa, địch không nhìn ra.

Trưa ngày 27 tháng 9 năm 1974 Ðại tá Từ Vấn đáp xuống mặt tỉnh lộ, cách lều của tôi vài chục thước.

Sau ba ngày nghỉ phép đặc biệt ở Sài-Gòn, ông Vấn đã bay ra Nhơn-Cơ bằng Air Việt-Nam rồi nhờ trực thăng của Ðại tá Nghìn để tới đây.

Máy bay vừa trở đầu cất cánh thì phòng không Việt-Cộng đã “Choang choác!” từ khe suối bên hướng Tây bắn sang.

Ông đại tá chạy vội vào lều của tôi rồi lấy máy truyền tin của tôi để ban lệnh cho các đơn vị thuộc quyền.

Nửa giờ sau, bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn Ðịa Phương Quân của Thiếu tá Bùi Ngọc Long phải di chuyển sang trú quân trên một ngọn đồi ở hướng Ðông liên tỉnh lộ để nhường chỗ cho Biệt Ðộng Quân thiết lập Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 24.

Trong khi các quân nhân Biệt Ðộng Quân đang căng võng đào hầm, thì đạn đại bác của Cộng-Quân từ hướng Tây ào ào bay tới. Gần hai chục viên 105 ly đã rơi trên mặt Liên Tỉnh Lộ 8B, may mắn là không có ai bị thương.

Chiều 27 tháng 9 năm 1974 tôi được lệnh sang Căn Cứ Ðạo-Trung để họp hành quân.

Cựu Th/tá Vương Mộng Long và cựu Tr/tá Hoàng Kim Thanh – USA 2007 (Hình)

Trong phòng họp chỉ có năm người cầm đầu liên đoàn. Ðại tá liên đoàn trưởng mở đầu buổi họp với giọng thật là nhỏ nhẹ,

– “Tông Tông” bắt tụi mình phải khai thông con đường này trước ngày lễ thành lập Quân Ðoàn II để ổng ra thăm Pleiku và Quảng-Ðức, rồi gắn huy chương cho các chiến sĩ hữu công. Ông Nghìn cho mình 10 ngày, nhưng tôi thấy, nếu cố gắng, mình có thể hoàn tất công việc này trong vòng một tuần. (Tông Tông: Tổng Thống)

Nghe ông liên đoàn trưởng ban lệnh, tôi nhớ lại, trong buổi họp hành quân cách đây ba ngày thì, Tiểu Ðoàn 63 sẽ là nỗ lực chính, còn Tiểu Ðoàn 82 là thành phần trừ bị, tôi bèn giơ tay vỗ nhẹ lên vai Thiếu Tá Trần Ðình Ðàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân, để an ủi:

– Ông tổng thống ra lệnh hoàn thành công tác trong vòng hai tuần lễ, tức là 14 ngày, ông tỉnh trưởng rút xuống còn 10 ngày, ông liên đoàn trưởng trả giá thấp chút nữa thành… 7 ngày! Thế thì kỳ này niên trưởng Ðàng của tôi hơi mệt đó!

Tôi kêu Thiếu tá Trần Ðình Ðàng là “niên trưởng” chỉ vì ông thiếu tá này xuất thân từ Khóa 15 Ðà-Lạt, ngang vai với các ông thầy dạy tôi trong trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.

Nào ngờ tôi vừa dứt lời, Ðại tá Từ Vấn đã giơ tay, quơ quơ trước mặt:

– Khoan! Khoan! Các ông im lặng nghe tôi nói đây! Lệnh hành quân bây giờ đổi lại là, Tiểu Ðoàn 82 sẽ đảm nhận vai trò nỗ lực chính, dồn sức bứng các chốt chặn hướng Tây tỉnh lộ; Tiểu Ðoàn 81 có nhiệm vụ thám sát mặt lộ, rà mìn và đặt các trạm an ninh; Tiểu Ðoàn 63 vì có ông tiểu đoàn trưởng mới từ Vùng 3 thuyên chuyển ra, chưa quen địa thế Vùng 2 nên được đi sau bộ chỉ huy liên đoàn và là thành phần trừ bị!

Tôi sững người ngồi im không phản ứng ngay được. Sao lại có chuyện kỳ vậy nè? Rõ ràng ba ngày trước ông Vấn nói, vì chúng tôi mới bị vây lâu ngày, có nhiều người chết và nhiều người bị thương chưa xuất viện, nhiều tân binh vừa bổ sung chưa quen trận mạc, nên ông ta cho 82 làm trừ bị, nay chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà đột nhiên ông ta đổi ý bắt 82 làm nỗ lực chính?

Tôi đứng dậy, trợn mắt nhìn Ðại tá Vấn, rồi lớn tiếng,

– Ba ngày trước Ðại tá cho tôi làm trừ bị, ba ngày sau ông lại bắt tôi “húc” ông làm cái gì mà kỳ vậy?

Thấy tôi nổi dóa, Ðại tá Từ Vấn bèn ra dấu cho hai vị tiểu đoàn trưởng kia lui ra rồi đấu dịu,

– Không phải trận này anh cố ý ép Long. Chỉ vì anh biết khả năng hai ông tiểu đoàn trưởng kia không thể hoàn thành công tác đúng thời hạn mà tổng thống giao, rồi cuối cùng chú vẫn phải vào trận. Chi bằng anh giao việc này cho chú ngay từ đầu.

Tôi vùng vằng bước ra khỏi phòng họp, cúi đầu đi về lều, không thèm đôi co thêm tiếng nào.

Lúc đó mặt tôi nóng bừng bừng, hai tay run lên vì giận. Rõ ràng ông Vấn là một cấp chỉ huy không công bằng! Trận Pleime tiểu đoàn tôi chịu trận hơn một tháng trời, bị chết chóc, thương tật cả trăm người, Tiểu Ðoàn 81 đánh nhau vừa đúng một ngày thì tan hàng, bỏ chạy, Tiểu Ðoàn 63 từ ấy tới nay không phải bắn một phát súng nào vì cứ núp ở đàng sau xa.

Nay thấy lệnh của tổng thống ban ra, các ông chỉ huy sợ không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị khiển trách nên bắt Tiểu Ðoàn 82 “húc” tiếp!

Tới sẩm tối, thằng Bích vào báo cho tôi hay trung tá liên đoàn phó đang đứng dưới đường chờ vào gặp tôi có việc cần. Tôi bảo nó,

– Mi xuống nói với ông trung tá rằng thiếu tá mệt, đi ngủ rồi!

Vừa lúc đó Trung tá Hoàng Kim Thanh đã chui vào lều, ngồi nơi đầu võng của tôi, vừa cười vừa nói:

– Bớt nóng đi chú em! Anh sang nói chuyện với chú vài phút, nghe xong, chắc chú sẽ hết giận ngay thôi!

Tôi miễn cưỡng ngồi dậy:

– Anh có gì cần thì nói đi! Tôi bực cái ông Vấn này quá! Tiền hậu bất nhất!

Trung tá Thanh ra dấu cho Binh 1 Nguyễn Bích đi ra ngoài, rồi hạ giọng:

– Trưa nay anh và ông Hai Lẻ Chín có họp riêng với Ðại Tá Nghìn. Ông Nghìn cho biết nếu không khai thông được con đường này đúng thời hạn thì ông ta sẽ mất việc, nên ông ta cứ nài nỉ ông Vấn cố gắng lên. (Hai Lẻ Chín hay 209, là danh xưng truyền tin của Ðại tá Từ Vấn).

Tôi cự nự:

– Bộ cứ sợ ông Nghìn bị mất việc là các ông bắt tiểu đoàn tôi phải đâm đầu vào chỗ chết hay sao?

– Không phải thế đâu! Anh với ông Vấn sợ Thằng 63 vào trận, chưa chi đã chạy thì quân ta sẽ mất tinh thần. Việc này sẽ ảnh hưởng tâm lý tới các tiểu đoàn khác. Cuối cùng cũng phải nhờ tới chú. Chi bằng cho chú đánh từ đầu, chắc chắn sẽ xong việc thôi!

– Thế còn Thằng 81?

Anh Thanh lắc đầu:

– Sau khi thằng Lân (Tiểu Đoàn trưởng 81) bị Việt-Cộng chặt đầu, thằng Ngọc (Tiểu đoàn phó 81) mất tích, thì tinh thần binh sĩ của Tiểu Ðoàn 81 sa sút trầm trọng lắm! Không còn ngon lành như trước đây nữa đâu! Chúng nó đang chờ ngày đi tái huấn luyện dưới Dục-Mỹ.

Nghe ông liên đoàn phó phân tích sự việc, tôi cũng phát lo. Tiểu đoàn tôi giờ đây chỉ còn một mình Thiếu úy Phạm Văn Thủy là đại đội trưởng cũ, hai ông Thiếu Úy Ðặng Thành Học và Trung Úy Võ Hữu Danh vừa từ nơi khác tới, ông Thiếu Úy Nguyễn Văn Hổ cũng mới lên chỉ huy đại đội chưa đầy hai tháng, kinh nghiệm chẳng nhiều. Thêm vào đấy, một phần ba quân số của tôi cũng là tân binh, nếu phải đi tiếp viện cho đơn vị khác, thấy người ta chạy, chắc chắn các ông tân binh của tôi cũng chạy theo mất thôi!

Tôi ôm đầu suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Trung tá về nghỉ đi! Mai tôi trả lời.

Anh Thanh giơ tay, bắt tay tôi nhưng miệng anh vẫn khẩn khoản:

– Chú suy nghĩ lại, rồi cho anh biết ý kiến càng sớm càng tốt!

o O o

Yếu tố tinh thần trong chiến trận

Ðêm 27 tháng 9 năm 1974 tôi trằn trọc, suy nghĩ liên miên.

Tôi thấy hai ông chỉ huy của tôi là Ðại tá Từ Vấn và Trung tá Hoàng Kim Thanh rất có lý khi phân tích tình trạng tâm lý các quân nhân dưới quyền.

Tôi có người bạn cùng khóa Võ Bị là Ðại Úy Lê Thanh Phong. Mùa Hè năm 1972 Ðại Úy Lê Thanh Phong chỉ huy Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân và đã ghi được nhiều chiến công trong chiến dịch giải vây Kontum.

Vậy mà chỉ ít lâu sau, đầu tháng 12 năm 1972, anh Phong đã bị Cộng-Quân bắt tại trận ở Ðức-Cơ.

Trước đó, tháng 8 năm 1972 Ðức-Cơ đã bị bao vây, tôi được lệnh xuống chỉ huy căn cứ này.

Tôi đã giải tỏa xong áp lực địch chỉ với một Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Tháng 10 năm 1972, tình hình yên tĩnh trở lại, tôi đã bàn giao Ðức-Cơ cho ông Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn.

Tôi đi khỏi Ðức-Cơ thì trại này được tăng cường thêm hai tiểu đoàn nữa để phòng thủ, đó là Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân của Ðại Úy Lê Thanh Phong và Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân của Thiếu Tá Nguyễn Công Thông.

Người chỉ huy ba tiểu đoàn này là Trung Tá Lê Chữ. Ông Chữ vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân, mới được thăng cấp trung tá sau lần tử thủ, giữ được Căn cứ Biên Phòng Bạch-Hổ (Ben Het).

Ngày đó yểm trợ cho Ðức-Cơ, chúng ta có hàng chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly sẵn sàng từ Thanh-An và Thanh-Giáo; ta còn hàng chục máy bay oanh tạc chất đầy bom đạn nằm chờ ở phi trường Cù Hanh, Pleiku, chưa kể tới những pháo đài bay B 52 sẽ có mặt trên vùng chỉ sau vài giờ chờ đợi.

Với ba tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân phòng thủ, và được yểm trợ mạnh như vậy mà Ðức-Cơ vẫn mất, mất là vì sao?

Cựu Th/tá Vương Mộng Long, cựu Đ/úy Lê Thanh Phong, cựu Th/tá Phan Văn Hải (ngồi)

Mãi tới tháng 7 năm 1974 gặp lại anh bạn Lê Thanh Phong sau khi bạn tôi được trao đổi tù binh, tôi mới nhận được câu trả lời thích đáng.

Bạn Phong ấm ức phân trần với tôi:

– “Mẹ nó! Ngày đó ở Ðức-Cơ không có tiếng súng nào! Vậy mà cha Mẫn và cha Chữ cứ cắm đầu chạy! Vạ lây cho tui! Người ta chạy, làm cho lính dưới quyền tui cũng chạy theo! Chuyện thực khôi hài, nhưng tức muốn chết!”

Thì ra, qua một đêm chịu pháo, 5 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 1972, các ông chỉ huy căn cứ Ðức-Cơ là Trung tá Lê Chữ và Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn đã bỏ đồn, hớt hải chạy ra cổng, tới tá túc với đơn vị của Ðại Úy Lê Thanh Phong nơi đầu phi trường.

Theo chân hai ông chỉ huy là một tốp lính của Tiểu Ðoàn 81, sau lưng toán lính này là một toán Việt-Cộng hò reo đuổi theo. Không có tiếng súng nào, chỉ có tiếng la “Hàng sống! Chống chết!”

Ðịch không bắn, có thể là vì trời còn tối, chúng không nhìn thấy quân ta, cũng có thể là chúng sợ quân ta đông hơn nên không dám bắn.

Ðâu ngờ những tiếng hô “Hàng sống! Chống chết!” đã khiến hai ông Mẫn và Chữ hoảng hồn dẫn quân đạp lên lều võng của Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân rồi bỏ phi trường phóng đi luôn.

Bộ chỉ huy của Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân đóng gần đó, nên nhìn thấy ông Trung tá Lê Chữ đang vắt giò lên cổ, ông Thiếu tá Nguyễn Công Thông chẳng biết ất giáp gì, cũng lao theo chân ông Lê Chữ!

Thấy quan và quân của đơn vị bạn chạy tán loạn, những người lính nhát gan của Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân cũng ùn ùn chạy theo.

Phút chốc, trên sân bay chỉ còn lại ông Ðại úy Lê Thanh Phong, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân và vài chục anh lính.

Ba ngày sau, Ðại Úy Lê Thanh Phong bị địch bắt sống ở trong rừng.

Trước Hòa Ðàm Paris mà đã có những chuyện chưa đánh đã chạy như thế, thì sau Hòa Ðàm Paris phải chiến đấu trong tình trạng thắt lưng buộc bụng, thiếu thốn trăm bề, chắc chắn tinh thần chiến đấu của quân ta cũng bị suy sụp đi nhiều.

Chưa nghe anh Phong tâm sự, tôi đã biết, yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng, nó quyết định vận mạng của cả một chiến trường.

Bằng cớ là, nếu không có cái quyết tâm thà chết không đầu hàng, không bỏ chạy của những chiến sĩ trong Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân dưới quyền tôi, thì tôi đã bị địch bắt sống hay giết chết trong trận Pleime 1974 rồi.

Tôi nghĩ rằng, nếu đánh nhau với địch, địch mạnh hơn mình, mình yếu thế hơn phải rút lui thì không nói làm gì. Chứ mình đi sau người ta, chưa đánh nhau mà người ta đã chạy, làm cho lính của mình thấy thế cũng hoảng sợ, rồi rủ nhau cắm đầu, cắm cổ chạy theo người ta, bỏ mình ở lại, thì mình chỉ còn cách tự đấm ngực mà chết mất thôi!

Lại nữa, tôi thấy đơn vị nào đã thua một trận, sẽ mắc cái “huông” rồi cứ thế được trớn, thua luôn! Trở thành lỳ đòn, trơ mặt, không biết xấu hổ là gì!

Dưới quyền Thái Sơn Vương Mộng Long, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là một đơn vị chưa hề chiến bại.

Giữa đêm khuya, tôi chợt buột miệng hét to:

“Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ không bao giờ chiến bại!”

Hai anh lính Viễn Thám gác đôi gần đó, nghe tiếng tôi la, bèn chạy vội vào cửa lều, lớn tiếng hỏi:

– Thái Sơn gọi tụi em hả!

Tôi bật cười:

– Ừ! Mai thầy trò mình đi nhảy toán!

Tôi cầm cái ống liên hợp máy PRC 25 gọi cho Trung tá Hoàng Kim Thanh:

Cựu Th/tá Vương Mộng Long & cựu Th/úy Lý Ngọc Châu – USA 2007

o O o

Trinh sát dạ hành…

Suốt ngày 28 tháng 9 với cái ống nhòm và tấm bản đồ trên tay, tôi kín đáo núp sau những gốc cây bên sườn đồi, quan sát cái thung lũng dưới chân tôi và ngọn đồi sừng sững hướng Tây.

Từ những năm 1968, 1969 khi còn giữ chức đại đội trưởng ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, tôi đã nhiều lần nhận nhiệm vụ mở đường và giữ đường từ Ðức-Lập tới Nghi-Xuân, do đó địa thế vùng này không phải là xa lạ đối với tôi.

Khắp khu vực Nam Ðức-Lập và Bắc Gia-Nghĩa toàn là đồi có cao độ từ 800 tới 900 mét sàn sàn nhau.

Nếu nhìn trên bản đồ, ta chỉ thấy những vùng loang lổ mầu trắng xen với màu xanh lá cây. Màu trắng là khu vực cỏ tranh cao cỡ đầu gối, màu xanh lá cây là những cụm rừng số 3, cây không cao lắm.

Vùng này suối không sâu và cạn kiệt vào mùa khô. Thời gian này đang là mùa khô.

Thiếu tá Bùi Ngọc Long đã chỉ cho tôi biết vị trí những cây súng cộng đồng của địch đều tập trung dọc theo con đường xe be cắt ngang đỉnh ngọn đồi có cao độ 898 mét. Chắc chắn hiện thời địch đang có mặt trên đồi này, chúng ngang nhiên đốt lửa giữa ban ngày, nơi bìa rừng từng lọn khói đen cứ lừng lững vươn lên cao rồi tan đi thật bình yên vô tư.

Ngọn đồi này nằm cách chỗ tôi đóng quân đúng 2 cây số về hướng Tây Nam. Xe cộ đi ngang qua đoạn đường yên ngựa hướng chính Nam của Căn Cứ Ðạo-Trung thường là mục tiêu cho các loại súng cộng đồng đặt trên đồi 898 nhắm bắn. Ðiểm chiến thuật thứ hai là ngọn đồi có cao độ 880 mét nằm ngay trên Liên Tỉnh Lộ 8 B, cách lều của tôi đúng một cây số rưỡi. Nếu địch gài được một cái chốt cấp đại đội trên đỉnh đồi này thì cái cua chữ “C” hướng Nam Căn cứ Ðạo-Trung biến thành tử địa.

Cũng từ ngọn đồi này, hằng ngày các tay bắn tỉa của Việt-Cộng liên tục nã súng vào các pháo thủ đóng trong căn cứ.

Muốn giải tỏa áp lực địch trên Liên Tỉnh Lộ 8 B bắt buộc phải chiếm cho kỳ được đồi 898 và đồi 880.

Ðồi 898 sẽ là Mục Tiêu 1, đồi 880 sẽ là Mục Tiêu 2.

Tôi dự trù sẽ bứng Mục Tiêu 1 trước, kế đó mới là Mục Tiêu 2.

Thoạt nhìn vào bản đồ thì bất cứ cấp chỉ huy nào cũng chọn con đường xe be từ Liên Tỉnh Lộ 8B rồi theo hướng Tây Nam để làm trục tiến tới Mục Tiêu 1.

Nếu có chiến xa tăng phái, chắc chắn tôi sẽ dùng trục lộ này. Nhưng ngặt nghèo là thời gian này các đơn vị thiết giáp của ta còn kẹt ở mặt trận Pleiku, có làm đơn xin cũng còn lâu mới được thỏa mãn.

Tôi đã được Thiếu tá Bùi Ngọc Long kể lại, trước khi chúng tôi được lệnh vào vùng thì một đơn vị bộ binh đã dùng trục tiến này để đánh địch nhưng thất bại. Quân bạn đã phải bỏ xác người chết trên đường lui vì không kéo ra được.

Tôi thấy lý do thất bại của đơn vị bạn rất dễ nhìn ra. Chỉ vì đoạn đường từ khu tập trung tới mục tiêu quá xa, nếu ta dùng đội hình hàng dọc thì không đủ quân xung phong ở chạm tuyến; nếu sử dụng đội hình hàng ngang thì quân ta sẽ chết rất nhiều trước khi tới tuyến xung phong. Vậy là trục tiến này không thể dùng được, tôi phải bày kế khác.

Mười phút sau khi 821 và 824 xuất phát, trong máy PRC 25 của tôi có hai tiếng “Xẹc! Xẹc!” đó là dấu hiệu quân trinh sát của tôi đã tới sát bìa rừng.

Cũng mười phút sau nữa, tôi nghe tiếp ba tiếng “Xẹc! Xẹc! Xẹc” đó là dấu hiệu báo rằng 824 ngừng lại vì thấy địch, còn 821 vẫn tiếp tục tiến lên.

Bẵng đi hai mươi phút sau, tôi mới nghe được bốn tiếng “Xẹc!Xẹc!Xẹc!Xẹc!” đó là tín hiệu của Mom Sol báo rằng 821 đã đi qua hết tuyến dàn quân của địch.

Tôi với tay cầm ống liên hợp, bóp ba cái, “Xẹc!Xẹc!Xẹc!” sau đó ba giây đồng hồ, tôi lại bóp tiếp ba tiếng nữa, “Xẹc!Xẹc!Xẹc!”

Tín hiệu này là lệnh rút lui ban ra cho 821 và 824.

Sau đó, tôi bò lên dốc, đưa tay vỗ nhẹ một cái lên vai chú Phước, Phước tiếp tục vỗ lên lưng người bên cạnh, cứ thế người được báo tin cuối cùng là Trung sĩ Thon. Như vậy, tất cả anh em trong tiểu đội cận vệ đều đã được thông báo tránh ngộ nhận. Chúng tôi chuẩn bị đón quân bạn tụt xuống đồi bất cứ lúc nào.

Tôi hồi hộp, bồn chồn.

Từng giây đi qua, từng phút trôi qua, trăng lên đã cao, dưới thung lũng vẫn chỉ có tiếng dế kêu, xen lẫn tiếng gió lùa.

Rồi từ hướng Nam của con thông thủy vọng lại tiếng “Xoẹt! Xoẹt! Xoẹt!”

Ðó là âm thanh tạo thành bởi những vật nặng vừa lao từ trên đồi xuống, chạm phải bụi cỏ lau dưới thung lũng.

Toán 824 của Binh 1 Yang đã về! Ba ông Viễn Thám này xuống đồi bằng cách nằm ngửa, chong súng lên trời, xuống đồi bằng lưng!

Xuống dốc bằng lưng nhanh gấp mười lần xuống dốc bằng bụng! Ngày xưa, tôi học được kỹ thuật này của Việt-Cộng! Trong một lần tiếp viện cho quân bạn, tôi đứng bên này suối, thấy Việt-Cộng “chém vè” bằng cách nằm ngửa, ôm súng tụt xuống dốc, vừa nhanh lại vừa an toàn.

Về hậu cứ, tôi đem quân ra Biển Hồ tập thử, thì thấy cách xuống núi này quả thực là hay, nhất là cho các ông Viễn Thám. Ông lính Viễn Thám nào dưới quyền tôi cũng rành cách xuống núi thoát hiểm này.

Gần 2 giờ sáng ngày 29 tháng 9 tôi mới có tin tức của 821. Khi bóng trăng đã xế, toán 821 của Hạ sĩ 1 Mom Sol mới về tới ngã ba thông thủy, đầu nguồn suối Dak Boun Bring.

Tôi ra lệnh đạp lau sậy xuống để đánh dấu điểm chạm suối của Binh 1 Yang và điểm chạm suối của Hạ sĩ 1 Mom Sol.

Khoảng cách của hai dấu mốc này sẽ là tuyến dàn quân của tôi ngày tiến công.

Tình hình địch trên Mục Tiêu 1 đã được Mom Sol mô tả một cách thật chính xác như sau:

Sau khi rời vị trí của toán 824, thì 821 tiếp tục men theo bìa rừng, đi về hướng Ðông Nam.

Ðịch rải quân thành một tuyến dài, trong bụi, đằng sau lề đường.

Tuyến dàn quân này dài khoảng gần hai trăm thước. Mom Sol không biết chiều sâu của trận địa ra sao. Nhưng điều chắc chắn là trên đỉnh đồi không có địch.

Ðịch canh gác rất ơ hờ, có nhiều tên còn đốt lửa sưởi ấm và cất tiếng ca hát giữa đêm khuya.

Mom Sol cũng ngửi được cả mùi khói bùi nhùi bay ra từ các hố cá nhân. Ðịch đốt bùi nhùi để chống muỗi rừng.

Sáng sớm ngày 29 tháng 9 tôi cùng tiểu đội cận vệ đi cùng Ðại Ðội 1/82 của Thiếu Úy Ðặng Thành Học, len lỏi trong rừng theo bờ Ðông của con thông thủy lên chiếm ngọn đồi có hình hạt đậu hướng Nam.

Ngọn đồi này nằm bên bờ Ðông con suối, đối diện với đồi 898 và cách Mục Tiêu 2 chừng tám trăm mét.

Ðồi này có nhiều cây thân mộc, khá cao, từ đây với cái ống nhòm, tôi nhìn rõ mồn một từng hố cá nhân, từng tấm vải nhựa che mưa của địch trên Mục Tiêu 2.

Tôi đưa cái ống nhòm cho Học:

– Chú nhìn cho rõ nhé! Theo anh thì chỉ cần một trung đội hàng ngang tiến thật nhanh rồi đánh bằng lựu đạn là tụi nó chạy có cờ!

Trưa ngày 29 tháng 9 tôi đã có trong tay bản ghi chép chi tiết tình hình địch và kế hoạch tiến quân.

Chiều 29 tháng 9 tôi đang ngủ say trên võng thì Ðại tá Vấn tới lều, dựng tôi dậy.

Giọng nói của ông liên đoàn trưởng rất nhẹ nhàng, nhưng có vẻ không vui:

– Sắp hết thời hạn rồi mà sao anh không thấy chú có động tĩnh gì cả? Chú bị bịnh hay sao mà ngủ giữa ban ngày?

Tôi ngáp một cái rồi dụi mắt:

– Niên trưởng để tôi ngủ chút đi! Còn tới bốn ngày nữa mới hết kỳ hạn, tôi đã hứa là tôi sẽ hoàn thành công tác trước bảy ngày, hôm nay mới là ngày thứ ba.

Nói xong, tôi nằm xuống võng ngủ tiếp.

Ðại tá Vấn ra chiều thất vọng. Tôi nghe ông thở dài, rồi chui ra khỏi lều, lững thững xuống đồi.

Kế đó tôi nghe dưới đường có tiếng léo nhéo:

– Hai ngày nay tôi thấy thằng Thái Sơn cứ ngủ li bì. Chắc nó sợ không dám đánh rồi! Hay mình cho thằng Chí Tôn vào trận đi!

Người vừa nói là Ðại tá Vấn.

(Chí Tôn: là danh hiệu truyền tin của Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân)

– Thì cứ chờ xem! Tôi biết tính thằng Long, nó đã hứa thì thế nào nó cũng giữ lời!

Ðó là tiếng Trung Tá Hoàng Kim Thanh.

Ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt xong, tôi ôm tấm bản đồ đi sang khu pháo binh để gặp mặt Ðại tá Vấn.

Tôi cho ông đại tá hay rằng: đêm mai, 30 tháng 9 tôi sẽ bắt đầu khai hỏa.

Tôi hứa rằng sau hai ngày, tôi sẽ hoàn tất nhiệm vụ.

Tôi nhờ ông liên đoàn trưởng, trong ngày 30 tháng 9 gắng xin cho tôi hai phi tuần tiền oanh kích; sau đó là 100 viên đại bác 105 ly trực xạ từ Ðạo-Trung đánh trên Mục Tiêu 1.

Ông đại tá vui mừng ra mặt, chấp thuận tất cả những gì mà tôi yêu cầu.

Trước khi về lều, tôi khẩn khoản đề nghị với Ðại tá Vấn rằng xin ông giữ kín kế hoạch điều binh của tôi, đừng cho thượng cấp biết vội, vì tôi e rằng hệ thống truyền tin mà bị tiết lộ thì quân của tôi sẽ bị nguy to.

oOo

Tiến chiếm mục tiêu

Về tới lều, tôi gọi ông Ðại úy Tiểu Đoàn phó cùng ba ông Ðại Đội Trưởng 2, 3, và 4/82 tới họp bàn.

Kế hoạch hành quân đề ra là:

Chiều 30 tháng 9 tôi sẽ xin không quân tiền oanh kích Mục Tiêu 1, tiếp theo là 100 trái đại bác 105 ly sẽ dội trên bìa rừng của đồi 898.

Cùng giờ đó, Ðại úy Tiểu đoàn phó sẽ dẫn hai Ðại Ðội 2 /82 và 4/82 len lỏi trong rừng, tới ém quân trong vùng hai cây số hướng chính Tây vị trí hiện tại của các đơn vị này.

Chờ đêm xuống, hai đại đội này sẽ leo lên trải quân án ngữ con đường xe be, cũng là đường rút của địch.

Chắc chắn những tên Việt-Cộng đang chạy về khu hướng Tây sẽ bị cánh quân của ông tiểu đoàn phó tóm hết.

Sau trận Pleime thì hai Ðại Ðội 1/82 và 4/82 chịu ít tổn thất hơn hai đại đội còn lại.

Kỳ này Ðại Ðội 1/82 của Thiếu úy Học được tôi cho đi đơn độc.

Còn Ðại Ðội 4/82 của Thiếu úy Thủy sẽ đi kèm Ðại Ðội 2/82 của Trung úy Danh.

Tôi dặn dò ông tiểu đoàn phó phải ưu tiên cho Ðại Ðội 2/82 đi phía sau.

Ðại Ðội 3/ 82 có một nửa quân số là tân binh, nên tôi sẽ cho đơn vị này nằm dưới quyền trực tiếp chỉ huy của tôi.

Ðúng tám giờ tối ngày mai tôi sẽ dẫn quân xuống núi.

Trong thời gian tôi dàn quân ở chạm tuyến, thì khẩu cối 81 ly của Thượng sĩ Năng và Trung sĩ Minh sẽ liên tục bắn 100 trái trên Mục Tiêu 1.

Sơ đồ tiến quân đêm 30/9/1974 của TĐ 82 BĐQ tại Đạo Trung, Quảng Đức.

Ngày 30 tháng 9 năm 1974 trời nắng ráo. Mười giờ sáng, tôi đang ngồi uống cà phê thì từ hướng Tây có tiếng “ì ầm!” của đại bác bắn đi. Vài giây sau thì “Vèo! Vèo! Xè! Xè! Oành! Oành!” những viên trái phá 105 ly theo nhau bay qua đầu tôi, rơi trên mặt Liên Tỉnh Lộ 8B và khu rừng thưa bên kia đường. Bụi khói bắt đầu bốc cao. Không ai bảo ai, mọi người đều lao xuống hố cá nhân.

Tôi còn đứng trên đồi, miệng tôi la lớn:

– Anh em Ðại Ðội 3 và Viễn Thám nhớ mở mắt cho to, thấy thằng Việt-Cộng nào xung phong thì phải bắn ngay!

Nhìn qua căn cứ hỏa lực, tôi không thấy bóng dáng ông lính nào trên mặt đất, không thấy ai chuẩn bị phản pháo cả.

Hai phút sau khi pháo địch ngừng, tôi nghe ông Ðại tá Vấn gọi:

– Thái Sơn đây Hai Lẻ Chín! Vừa rồi tụi nó chọi đá có trúng đầu con cái của Thái Sơn không? Chú có bị thiệt hại gì không?

Tôi ra dấu cho anh hiệu thính viên không trả lời Ðại tá Vấn. Vì nếu tôi trả lời thì địch sẽ nghe được, và sẽ truy ra vị trí đóng quân của tôi; trong tương lai chúng sẽ không còn bắn trật nữa.

Tôi cất bước đi quanh ngọn đồi, những anh lính cũ thấy tôi thì toét miệng ra cười, những anh lính mới thấy thế cũng nhe răng cười theo. Tôi hỏi một tân binh:

Chú em có sợ không!

– Dạ! Lúc đầu em cũng run, nhưng thấy Thiếu tá còn đứng trên đồi, kêu tụi em coi chừng địch xung phong thì bắn ngay, em không còn sợ nữa!

Sau cơn mưa pháo chừng mười phút, cây đàn guitar Vọng Cổ của anh nhạc sĩ cận thị Lao Công Ðào Binh tên là Phan Thành Hoàng đã bắt đầu “Tửng! Từng! Tưng!” trở lại. Ði hành quân, các ông Lao Công Ðào Binh là sướng nhất, không canh gác, không xung phong, không súng ống, chỉ loanh quanh bên hầm khẩu 81 ly, nằm giữa bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Hai giờ chiều 30 tháng 9 trên trời có chiếc thám thính cơ L19.

Tôi vào tần số Không Lục, có tiếng ông Thiếu úy Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu đang bay trên trời:



Thám Thính Cơ L19

– Thái Sơn cho tọa độ, chúng tôi đánh ngay!

Lúc này tôi và Ðại tá Vấn đang đứng bên ụ súng 105 ly; ông Ðại tá vội cầm máy:

– Yêu cầu chú đánh ngay trái khói của pháo binh. Ðánh cho ngọn đồi đó tan hoang thành bình địa cho tôi!

Tôi liền ghé tai ông Vấn:

– Ðánh sát các bìa rừng, không đánh trên đỉnh. Ðịch không đóng trên đỉnh!

Ông Ðại tá vội lớn tiếng:

– Ðiều chỉnh lại, yêu cầu đánh sát bìa rừng, không đánh trên đỉnh! Nghe rõ không trả lời!

Một trái khói từ khẩu 105 được bắn đi. Ðạn nổ vừa xong, chiếc L19 cũng chúc xuống bắn thêm một trái khói nữa.

Phút sau, hai chiếc A 37 sà xuống trút bom. Hôm đó tôi không nghe tiếng phòng không của địch.

Hai chiếc A 37 thả bom thật là chậm rãi, từng trái một, nhìn như đang thực tập.

Cây cối gãy đổ, cành lá đua nhau bay lên trời, đồng cỏ tranh bắt đầu bốc cháy.

Cạn bom rồi, hai con tàu còn bay vần vũ trên trời một hồi lâu, rồi mới bay đi.

Ông Ðại tá quay qua tôi:

– Hết không yểm rồi! Mình xin hai phi tuần, bốn phi xuất, nhưng họ chỉ cho một phi tuần thôi!

Vị sĩ quan pháo đội trưởng chui ra khỏi lều hỏi tôi:

– Tới giờ mình “chơi” chưa Thiếu tá?

Tôi nói:

– Mình chờ chừng năm phút nữa, đợi tụi nó chui ra khỏi hầm mình đánh tiếp.

Năm phút sau, bốn khẩu 105 ly đua nhau giựt cò, cứ một viên chạm nổ, tiếp theo là một viên nổ cao, đồi 898 hóa thành một cột bụi ngùn ngụt dâng cao.

Trời nóng quá, tôi cởi cái áo ngoài ra vắt trên nóc hầm. Thấy thế, Ðại tá Vấn cũng theo tôi, cởi áo ngoài, vắt trên nóc hầm.

Lúc này một ông Thiếu tá và một ông Ðại tá mặc áo thun trắng, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, cứ chạy đi, chạy lại, giúp các ông xạ thủ vác đạn, giựt cò.

Dưới giao thông hào, ông liên đoàn phó giơ máy ảnh lên chụp lia chụp lịa. Năm 2009 ở Mỹ, ông cựu liên đoàn phó có cho tôi biết rằng ông ấy mới tìm ra cuộn phim có cái ảnh ngày đó tôi và ông Vấn mặc áo may-ô trắng, đứng trong đám khói bụi mịt mù giữa bốn khẩu pháo. Ông nói sẽ sang tấm ảnh kỷ niệm ấy ra, rồi gửi cho tôi, nhưng tôi chờ hoài mà không thấy thư của ông.

Trong lúc pháo binh đang bắn thì Ðại úy Nguyễn Hữu Tài báo cáo rằng cánh quân chặn địch của ông ta đã bắt đầu di chuyển. Từ đó qua đêm, tới sáng 1 tháng 10 tôi không nghe được đài nào của cánh quân này.

Nhá nhem tối 30 tháng 9 tôi cho lệnh xuống đồi, Viễn Thám 821 dẫn đường, rồi tới Ðại Ðội 3/ 82.

Tới chân dốc tôi ngạc nhiên ngừng lại, vì thấy Thiếu úy Hổ đang bạt tai một tân binh, miệng la:

– Ðù mạ! Mi định trốn hả! Ði lên! Mau lên!

Tôi hỏi:

– Gì đó Hổ?

– Dạ! Trình Thiếu tá! Thằng này cứ lủi lủi lại đàng sau tính trốn!

Tôi vỗ vai Hổ:

– Chú cứ đi lên chỉ huy đại đội. Ðể thằng này lại cho anh.

Nghe lệnh tôi, Thiếu úy Hổ lừ lừ nhìn anh tân binh rồi quày quả bước đi.

Tôi gặng hỏi anh lính đang đứng trước mặt:

– Em sợ lắm hả?

– Dạ! Trình Thiếu tá em sợ lắm!

Trước mắt tôi giờ đó, không phải là một anh lính Biệt Ðộng Quân kiêu hùng, mà là một cậu bé rất đáng thương. Thằng bé rõ ràng đang sợ hãi lắm! Hai vai nó run run như đang lên cơn sốt rét.

Tôi ra lệnh:

– Thiếu úy Phước đem nó về bộ chỉ huy, giao cho Thượng sĩ Năng!

Thiếu úy Phước hằm hè kéo cổ áo anh tân binh lôi đi.

Chúng tôi an toàn tiến sát tới cọc mốc xa nhứt mà 821 đã đánh dấu đêm hôm trước.

Thật nhanh chóng, 18 Viễn Thám viên và tiểu đội cận vệ vào đội hình hàng ngang.

Trong lúc tôi và Thiếu Úy Hổ lo trải quân cho Ðại Ðội 3 /82 thì Thiếu úy Trần Văn Phước quay trở lại, sau lưng Phước là anh chàng Trung sĩ Nguyễn Minh của khẩu đội 81 ly.

Tới sát bên tôi, Phước nói nhỏ:

– Em giao thằng lính chết nhát cho ông Năng rồi, còn ông Minh này cứ kèo nài xin đi theo Thiếu tá.

Tôi nói:

– Cho nó theo nhóm cận vệ luôn!



Thanh toán Mục Tiêu 1 làm chủ ngọn đồi 898

Trong thời gian 100 quả đạn cối 81 ly của Thượng sĩ Năng theo nhau rơi trên mục tiêu, tôi dàn quân và bắt đầu leo dốc.

Sau trận oanh tạc và pháo kích chiều nay, cánh đồng tranh đã cháy thành bãi đất đen.

Tôi đi sau lưng trung đội Viễn Thám, Thiếu úy Phước đi sau tiểu đội cận vệ.

Không lâu sau chúng tôi đã tới con đường xe be, bên kia đường là cánh rừng tả tơi vì bom đạn.

Gió đang thổi từ Ðông qua Tây, thật là thuận lợi cho chúng tôi vô cùng.

Tôi chỉ đem theo một khẩu Colt, không có súng dài, trận này trên dây ba chạc của tôi treo tòn ten bốn quả lựu đạn lân tinh.

Tôi rút chốt quả lựu đạn sáng, ném thẳng tay qua hàng cây. Trái lựu đạn rơi trên triền đồi.

“Bóc!” một chùm sáng chói lòa phụt lên!

Tiếp đó là những tiếng “Ùm! Ùm! Ùm!” của lựu đạn M26 đua nhau nổ rền.

Trái sáng của tôi chính là hiệu lệnh khai hỏa.

Ðợt tiến công phủ đầu là lựu đạn M 26. Nhờ có trái lựu đạn lân tinh mà chúng tôi đang ở ngoài sáng mà hóa ra ở chỗ tối. Ðịch bị ánh sáng lựu đạn làm chói mắt nên không nhìn thấy gì cả. Quả lựu đạn chiếu sáng thứ hai vừa bùng lên thì quân của tôi đã nằm sát bìa rừng. Theo đúng quy định, một khẩu súng chĩa về phải, còn khẩu kia chĩa về trái cứ thế mà bóp cò. Bắn đã năm phút mà không nghe phát đạn nào của địch đáp lại, tôi cho lệnh ngưng.

Lúc này Ðại Ðội 3/82 đã tiến tới đường xe be. Tôi cho Ðại Ðội 3/82 tràn vào lập thêm một hàng rào thứ hai.

Sau đó, tôi cho Trung đội Viễn Thám và tiểu đội cận vệ quay mặt ngược lại 180 độ, hướng về con đường xe be để giữ lưng cho Ðại Ðội 3/82.

Từ ấy, dưới ánh hỏa châu của pháo binh, Ðại Ðội 3/82 chậm rãi thanh toán từng hầm cá nhân của địch.

Mỗi cái hầm của Việt-Cộng lãnh một trái lựu đạn M 26.

Ðến khi trăng lên tới đỉnh đầu thì chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ ngọn đồi 898.

Làm chủ Mục Tiêu 1 xong, tôi gọi cho Ðại úy Tiểu đoàn phó, ra lệnh cho ông ta đưa quân lên chặn đường, hốt gọn những tên địch vừa thoát chạy từ đây ra. Tôi gọi hoài mà không có đài nào của cánh quân thứ nhì trả lời.

Cùng lúc này Thiếu Úy Ðặng Thành Học báo cho tôi hay, trên Mục Tiêu 2 có ánh đèn pin nhấp nháy. Tôi bước ra mặt đường xe be thì thấy trên đồi 880 có một ánh đèn pin chớp rồi tắt như đang tìm cách truyền tín hiệu với đồng bọn trên đồi 898.

Tôi nghĩ, chắc tụi này đã thấy đồi 898 bị đánh phá tơi bời, nên chúng dùng tín hiệu đèn để xin lệnh chăng?

Nhân cơ hội này mà mình tấn công chớp nhoáng, chắc chắn sẽ thắng ngay. Ngặt một điều là cho Ðại Ðội 1/82 tham chiến thì tôi không còn đơn vị nào trừ bị.

Nếu dùng hỏa lực mà đuổi được chúng nó thì công việc ngày mai của Ðại Ðội 1/82 sẽ nhẹ đi nhiều.

Nghĩ thế, tôi liền gọi máy cho liên đoàn xin thỏa mãn gấp 100 quả đạn 105 ly trên Mục Tiêu 2.

Hứng chịu 100 quả đạn đại bác chắc bọn Việt-Cộng đóng chốt trên đồi 880 cũng táng đởm, kinh hồn!

Một tiếng đồng hồ sau, trên mặt đường xe be từ hướng Nam có nhiều tiếng chân rầm rập, cùng với tiếng la:

– “Các đồng chí đừng bắn! Bạn đây!”

Hóa ra bọn này là đơn vị Việt-Cộng vừa thoát chạy từ Mục Tiêu 2!

Phút chốc, toán người này đã tới tuyến phòng ngự của tiểu đội cận vệ.

– “Bạn đây! Bạn đây!”

“Ðùng! Ðùng! Ðùng! Rẹt! Rẹt! Rẹt! Cành! Cành! Cành!…”

Trong bóng đêm, bỗng có hai người bên cạnh đưa tay đè vai tôi xuống, rồi nhoài mình ra phía trước.

Hình như hai người lính này cố ý lấy thân mình để che chắn và bảo vệ người chỉ huy của họ.

Trước mặt tôi, hai anh này quỳ gối sát cánh nhau, tác xạ liên tục, một người sử dụng súng M79 bắn đạn chài, người kia sử dụng súng M16.

Súng nổ liên thanh cùng với những thân người ngã xuống.

– “Ối! Ối! Ðừng bắn! Bạn đây! Chết tôi! Ối! Ối!…”

Cách tôi chỉ vài thước, trên mặt đường, có mấy cán binh Cộng-Sản đè lên nhau, quằn quại trên mặt đất.

Cũng có những tên địch nhanh chân phóng mất hút trong rừng đêm.

Bất ngờ từ mặt lộ, một tên Việt-Cộng đã bị thương bỗng ngồi dậy.

Một băng AK 47 nổ giòn. Tôi nghe tiếng đạn bay sát mang tai.

Hai Biệt Ðộng Quân che trước mặt tôi bị trúng đạn, chỉ kịp la lên hai tiếng “Ối! Ối!” rồi nằm vật sang bên.

Quân ta lại bắn tiếp, thằng Việt-Cộng bị thương lại gục xuống. Kỳ này thì y chết luôn!

Tiếng súng ngừng, dưới ánh hỏa châu, tôi thấy trước mặt mình có hai người chết.

Một người là Trung sĩ Y Thon Nier, người kia là Trung sĩ Nguyễn Minh!

Sáng 1 tháng 10 sau khi gọi mãi mà không nghe ông tiểu đoàn phó cùng hai Ðại Ðội 2/82 và 4/82 lên tiếng, tôi liền ra lệnh cho khẩu 81 ly bắn một trái đạn khói trên khu đồng cỏ tranh nằm cách vị trí đóng quân cũ của ông Tài chừng nửa cây số về hướng Tây.

Tôi bắn trái khói này cốt ý để hù dọa ông Tài, nếu ông ta có đem quân đi trốn thì cũng phải lòi mặt ra vì sợ tôi nã pháo vào đầu!

Quả đúng như tôi dự liệu, tôi chưa thấy khói bốc lên cao, ba cái máy chính của cánh quân này đã la lên oai oái:

– Xin ngưng tác xạ! Xin ngưng tác xạ! Các anh đã bắn vào đầu chúng tôi rồi!

Giận quá, tôi vội cầm ống liên hợp lên quát lớn:

– Rút ra đường! Kỳ này tụi mày sẽ ra tòa, đi tù hết!

Sau đó, tôi cho Thiếu Úy Hổ tung quân ra lục soát toàn thể Mục Tiêu 1.

Triền Tây Nam của đồi 898 là vị trí chỉ huy của một tiểu đoàn Việt-Cộng, với hệ thống giao thông hào hình cánh cung. Có nhiều hầm hố đã bị bom và pháo binh đánh sập với nhiều vũng máu chưa khô. Chúng tôi thu được 17 khẩu AK 47, một bàn tiếp hậu cối 82 ly, một nòng đại bác 57 ly còn tốt, cùng gần chục khẩu AK và B40 gãy nát.

Thêm vào đó là vài chục viên đạn 57 ly cùng hàng trăm thủ pháo và bộc phá ném tay, chất đầy một căn hầm.

Trên tử thi của địch để lại, tôi tìm được một tờ giấy thấm máu, ghi tên đơn vị Việt-Cộng này, nhưng đọc không rõ là Tiểu Ðoàn D 407 hay D 401 Ðặc Công?

Sau khi kiểm soát toàn bộ diện tích đồi 898 và khu vực xung quanh, tôi cho Toán Viễn Thám 823 và 825 men theo con đường xe be dẫn về Tây Bắc. Từ đồi 898 tới điểm mà tôi đã ra lệnh cho hai Ðại Ðội 2 và 4/82 chặn nút có chiều dài gần hai cây số. Viễn Thám báo cáo rằng có nhiều dấu máu tươi trải dài trên mặt đường, cùng nhiều bông băng rơi rớt. Nếu cánh quân thứ hai của tôi đã thi hành đúng kế hoạch thì những tên địch rút chạy kia hết đường thoát.

Vì đêm trước tôi đã chứng kiến bọn Việt-Cộng đóng chốt trên Mục Tiêu 2 bỏ chạy rồi, nên chiều 1 tháng 10 tôi xin pháo binh bắn thêm 100 trái đạn nữa lên đồi 880, sau đó Ðại Ðội 1/82 tiến lên chiếm ngọn đồi này.

Nửa giờ sau Ðại Ðội 1/ 82 đã làm chủ Mục Tiêu 2. Trên mặt đất chỉ còn ba cái xác cán binh Việt- Cộng chết không toàn thây, ba khẩu AK gãy nát cùng mấy cái nón cối thủng.

Tám giờ sáng ngày 2 tháng 10 Thiếu Úy Ðặng Thành Học bàn giao đồi 880 cho tiền quân của Tiểu Ðoàn 81.

Mặt trận Tây Quảng Đức tháng 10 năm 1974.

Ðoạn đường còn lại từ đồi 880 tới Nghi-Xuân tuy dài, nhưng không còn bóng dáng tên Việt-Cộng nào, do đó chưa tới 4 giờ chiều ngày 2 tháng 10 quân ta đã tới cổng Ấp Chiến Lược Nghi-Xuân.

Xế chiều ngày 2 tháng 10, một chiếc trực thăng đáp xuống mặt đường xe be, bên cạnh đống lửa của thày trò tôi.

Trung tá Hoàng Kim Thanh Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 thả xuống cho tôi một két La Ve Con Cọp và một cây nước đá. Trung tá Thanh hét lên, át cả tiếng của động cơ máy bay:

– Ông Nghìn (Tỉnh trưởng) gửi cho chú món quà này!

Tôi có cái tật khác người, thích uống bia cổ cao có hình Con Cọp hơn là uống Bia 33 hay các thứ rượu Martell hoặc Hennessy.

Nhưng tối 2 tháng 10 năm 1974, tôi đã không đụng tới những chai bia này, chỉ vì giờ đó cách chỗ tôi ngồi không đầy mười thước là hai cái poncho gói xác hai thằng em, một đứa người Kinh tên là Nguyễn Minh, đứa kia người Thượng tên là Y Thon Nier.

Nhìn cái poncho gói xác thằng Y Thon Nier, tôi nhớ lại khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt của nó ngày thầy trò tái ngộ.

Có lẽ những giọt nước mắt đó chưa khô mà nó đã vội vã bỏ tôi mà ra đi rồi!

Bên cạnh nó là hình ảnh thằng em gốc Quảng-Nam, vừa cười cầu tài, vừa năn nỉ tôi cách đây không lâu:

– Nhà em ở Nghi-Xuân, sau chuyến hành quân này Thái Sơn du di cho em nghỉ vài ngày thăm nhà.

Tôi đã gật đầu và hứa với nó:

– Nơi này cách Nghi-Xuân hơn mười cây số thôi, nhưng đường lại bị Việt-Cộng đóng chốt. Chờ hôm nào bứng xong mấy cái chốt, trên đường về Gia-Nghĩa anh sẽ thả chú xuống, cho chú ghé thăm gia đình mấy bữa.

Hôm nay Liên Tỉnh Lộ 8B đã khai thông, ngày mai, hoặc ngày kia, chắc chắn thằng em tôi sẽ được về gặp mẹ nó và các em nó. Nhưng nó sẽ trở về với cái áo quan bằng gỗ, có lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ bên trên, và có cả một Tiểu Ðội Chung Sự của Tiểu Khu Quảng-Ðức với kèn trống đưa chân nó tới tận bàn thờ gia tiên.

Bao năm sau chiến tranh, tôi vẫn thường tự hỏi, có phải ngày đó ông Trời đã sai khiến hai thằng em Y Thon Nier và Nguyễn Minh về trình diện Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân chỉ với sứ mạng là chết thay cho ông thầy của chúng nó hay không?

Hai cái poncho gói xác hai thằng em, một đứa người Kinh tên là Nguyễn Minh, đứa kia người Thượng tên là Y Thon Nier. (Hình ảnh chỉ mang tính cách tượng trưng)

Sáng 3 tháng 10 năm 1974 tôi rút quân về vị trí cũ của tiểu đoàn nằm bên cạnh tỉnh lộ, rồi cho gọi ba ông sĩ quan của cánh quân hướng Bắc về trình diện.

Vừa chào kính xong, Trung úy Võ Hữu Danh đã lớn tiếng tố cáo:

– Trình Thái Sơn, em và anh Thủy chỉ nghe lệnh ông Ðại Úy Tài, ổng bảo gì, tụi em làm vậy. Tụi em không tự ý tắt máy rồi đi trốn đâu!

Thiếu Úy Phạm Văn Thủy chỉ cúi mặt nhìn xuống đất, không mở miệng nói gì.

Còn ông tiểu đoàn phó thì mặt mày tái mét lấm lét nhìn tôi ra chiều lo âu lắm.

Tôi ra lệnh:

– Ðại Úy Tài ở lại đây gặp tôi, Trung Úy Danh và Thiếu Úy Thủy đi về đơn vị!

Chờ cho hai anh đại đội trưởng đi khỏi, tôi mới nhìn vào mặt ông tiểu đoàn phó rồi gằn từng tiếng:

– Tôi sẽ đưa đại úy ra Tòa Án Binh vì tội “Vi phạm huấn lệnh quân sự”.

Ðại úy Nguyễn Hữu Tài vội rối rít van xin:

– Xin Thái Sơn tha cho lần này! Chỉ vì tôi thấy cánh quân của tôi có nhiều lính mới quá, sợ vừa nổ súng chúng nó đã chạy, nên tôi đành cho tụi nó chui vào bụi trốn, chờ khi nào yên mới chui ra.

Không chờ tôi cật vấn nhiều lời, ông tiểu đoàn phó kể rằng -- lúc nghe tiếng súng của Ðại Ðội 3/82 và Viễn Thám bắn nhau với địch quân, có vài anh lính mới vì sợ quá, nên rủ nhau bỏ vị trí, rồi ôm súng, tìm đường chạy ra liên tỉnh lộ. Vì thế mà ông ta đành cho lệnh hai đại đội dưới quyền tắt máy truyền tin, trốn mất tăm, mất tích.

Câu trả lời thật lòng của ông tiểu đoàn phó làm tôi nhớ lại hình ảnh anh tân binh run rẩy cách nay vài ngày.

Cơn giận của tôi chợt nguôi ngoai, tôi giơ tay phất một cái ra lệnh:

– Ði đi!

Nghe thế, ông Tài vội lụp chụp đứng nghiêm, vừa chào tôi xong là chạy biến đi ngay.

Sáng 4 tháng 10 năm 1974 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được lệnh lên xe để về vùng hành quân mới.

Dọc đường từ Nghi-Xuân, qua Gia-Nghĩa tới Kiến-Ðức chúng tôi đã chứng kiến cảnh dân chúng vui mừng đổ xô ra mặt lộ, vẫy tay reo mừng, chào đón các chiến sĩ vừa khai thông xong Liên Tỉnh Lộ 8 B. Con đường Liên Tỉnh 8 B này chính là mạch sống của toàn thể cư dân Quảng-Ðức.

o O o

Bên suối Dak Blao…

Trưa ngày 4 tháng 10 chúng tôi tới chân đồi Kiến-Ðức. Ðoàn xe chở quân ngừng lại trên mặt Tỉnh Lộ 344, dưới chân một ngọn đồi có cái cây khô cao sừng sững.

Phong cảnh ở đây buồn quá, khiến cho tôi nhớ lại lời nói của ông Trung tá Nhu trước ngày tôi dẫn quân rời Pleiku:

Chắc đi khỏi đây rồi, chú sẽ nhớ Pleiku lắm nhỉ?”

Nhẩm tính lại, nếu không bị cản đường, chỉ cần một ngày di chuyển bằng xe chúng tôi đã có thể đi từ Pleiku tới Gia-Nghĩa. Vậy mà trải qua nửa tháng trời vất vả chúng tôi mới có mặt ở chốn này.

Tại đây chúng tôi sẽ thay thế hai tiểu đoàn trực thuộc Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân giữ nhiệm vụ phòng thủ Chi Khu Kiến-Ðức và khu vực phụ cận.

Hướng Bắc vùng này do Tiểu Ðoàn 96 Biệt Ðộng Quân bàn giao. Tôi cho Bộ chỉ huy nhẹ của Ðại úy Tiểu đoàn phó và Ðại Ðội 4/82 trấn giữ khu vực này. Ðại Ðội 4/82 chiếm giữ ngọn đồi có cao độ 700 mét nhìn xuống con suối lớn có tên là Dak Blao.

Hướng Nam là khu vực do Tiểu Ðoàn 72 Biệt Ðộng Quân bàn giao.

Nơi đây có ba ngọn đồi nằm giữa Ngã Ba Kiến-Ðức. Tôi cho các đại đội còn lại phòng thủ ba ngọn đồi này.

Bộ chỉ huy tiểu đoàn nằm với Ðại Ðội 3/82 trên đồi chính, cũng là khu có bốn khẩu pháo 105 ly tăng cường.

Khi bàn giao, Trung tá Nguyễn Lang, biệt danh là “Lang Trọc” Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân nói với tôi rằng vùng này yên tĩnh lắm, quân ta và quân địch nằm cách nhau chỉ một con suối, uống chung giòng nước Dak Blao mà không hề bắn nhau.

Nghe chuyện này tôi vô cùng ngạc nhiên. Kể từ khi Việt-Cộng vi phạm nghiêm trọng hiệp định ngưng bắn Paris, xua quân đánh chiếm Lệ Minh, và Bù Bông năm 1973, thì cái vụ hòa hợp hòa giải này đã hết hiệu lực từ lâu.

Chắc chắn ông Lang đã biết tôi vừa thoát chết ở Pleime, ông Thiếu tá Nguyễn Ngọc Di mất xác ở Dak Pek, Thiếu tá Hà Văn Lầu tử trận ở Thượng-Ðức?

Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà ông Lang dám cho lính dưới quyền ông ta sinh hoạt chung với địch mà không sợ bị địch trở mặt bất ngờ, và ông ta cũng không sợ bị thượng cấp trách phạt hay sao?

Tôi và Trung tá Nguyễn Lang là đôi bạn vong niên, chúng tôi gặp nhau thời gian Ðại tá Lê Khắc Lý là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2.

Thời gian này tôi là Trưởng Phòng 2, còn Thiếu tá Lang là Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị.

Sau đó ông Lang ra thay ông Thiếu Tá Quang giữ chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Mùa Hè năm 1972 Thiếu tá Lương Văn Ngọ bị Tướng Trần Văn Hai truất quyền chỉ huy Chiến Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân thay thế bằng Thiếu tá Nguyễn Lang.

Dưới quyền Thiếu tá Nguyễn Lang, Chiến Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân đã có công giải tỏa Quốc Lộ 14 tiếp cứu Kontum nên ông Lang được vinh thăng cấp trung tá.

Sau một thời gian, có lẽ đã hơn một năm rồi, tôi và ông Trung tá Lang mới gặp lại nhau.

Tôi nghĩ rằng chắc có ẩn tình gì đó, nên ông Lang đã giấu giếm không cho tôi biết nguyên nhân vì sao ông ta dám cho quân lính dưới quyền bắt tay giao du với giặc.

Tôi chưa kịp tìm hiểu tình hình thực sự của vùng này như thế nào thì sáng sớm hôm sau, 5 tháng 10 năm 1974 tôi đã nghe Thiếu úy Thủy mật báo rằng đêm qua đại úy tiểu đoàn phó đã ngồi nhậu cả giờ đồng hồ với một tên cán bộ Việt-Cộng trong căn lều tranh “Hòa Hợp, Hòa Giải” trên bờ Nam suối Dak Blao dưới chân đồi 700. Căn lều này đã được Tiểu Ðoàn 96 bàn giao lại!

Lập tức tôi cho Thiếu úy Phước xuống đồi gọi ông Tài lên trình diện.

Vài phút sau, trước mặt tôi, ông tiểu đoàn phó của tôi đã phân bua với tôi một cách thật ngây thơ,

Tôi được Thiếu tá Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 96 Biệt Ðộng Quân bàn giao rằng trong vùng này, quân hai bên sẽ sống chung hòa bình, không bên nào xâm phạm bên nào. Tối qua tôi có nói chuyện với thằng chỉ huy Việt-Cộng, y ta đã đồng ý không tấn công mình trước. Tôi chưa kịp báo cáo với Thái Sơn chuyện này thì ông đã biết rồi!

Tôi nhìn mặt ông phó của tôi mà chỉ biết lắc đầu chán nản,

– Thôi! Ông khăn gói về nằm với thằng Danh trên ngọn đồi Tây. Tôi cấm ông bén mảng tới bờ suối! Cãi lệnh, tôi xử tử đó!

Ngay trưa hôm ấy tôi cho Ðại Ðội 3/82 tràn xuống chiếm cái làng Thượng có tên Bu M’Bré đã bỏ hoang, nằm bên hướng Tây Quốc Lộ 14, đối diện với đồi 700.

Hai ông Ðại đội trưởng 3/82 và 4/82 được mật lệnh tắt máy từ chiều hôm đó cho tới khi kế hoạch hoàn thành.

Kế hoạch đề ra là, đúng 10 giờ đêm 5 tháng 10 pháo binh sẽ bắn 200 trái đạn 105 ly trên một tuyến dài theo hướng Ðông Tây vùng Bắc suối Dak Blao.

Tới lúc pháo binh ngưng tác xạ, sẽ có những trái đạn 81 ly chiếu sáng soi đường cho Trung đội Viễn Thám vượt suối làm đầu cầu. Tiếp đó, Ðại Ðội 4/82 sẽ men theo cây cầu gãy, tiến chiếm cái làng Thượng đã bỏ hoang nằm trên khúc quanh của Quốc Lộ 14 cách suối Dak Blao hai trăm thước.

Ðại Ðội 3/82 sẽ làm trừ bị, sẵn sàng tiếp cứu Ðại Ðội 4/82 khi cần.

Trong khi quân ta tiến chiếm mục tiêu thì khẩu cối 106 ly của tiểu đoàn cứ thủng thỉnh rót từng viên đạn nổ trên khúc đường Quốc Lộ 14 nằm dưới chân núi Bù Row để tiêu diệt và áp đảo tinh thần những tên địch chạy khỏi vùng.

Tôi đã nghe ông Trung tá Lang cảnh cáo rằng, nếu ta bắn 1 viên đạn pháo hay cối vào vùng địch, ta sẽ bị địch đáp trả từ 10 tới 20 lần hơn.

Nhưng hình như đêm 5 tháng 10 Việt-Cộng đã bị hoàn toàn bất ngờ trước vụ tấn kích của tôi.

Tôi không nghe tiếng súng lớn nhỏ nào của địch cả.

Tuy vậy sáng ra, chúng tôi cũng chỉ phát giác được năm cái xác Việt-Cộng chết trong một chòi gác bên suối.

Ta thu được vỏn vẹn ba cây AK 47 và một khẩu súng B40.

Chẳng lẽ lâu nay trong vùng này chỉ có một cái tiền đồn với 5 tên Việt-Cộng mà ta đã phải huy động tới hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân để trấn giữ hay sao?

Trời sáng rõ, tôi tiếp tục xua quân lên tiến chiếm cao điểm Bù Row có cao độ 750 mét, nằm về hướng Tây, sát mép Quốc Lộ 14.

Ðồi Bù Row là một cái đồn cũ từ thời Pháp, có ba cái lô cốt và hàng rào mìn xung quanh.

Tuy vậy, sau hơn một năm làm chủ khu vực này, Việt-Cộng đã gỡ hết mìn bẫy trong vùng.

Xung quanh Bù Row giờ đây là những vạt vườn trồng khoai mì rộng mênh mông. Vùng này đã trở thành khu vực canh tác sản xuất của Trung Ðoàn 271 Cộng-Sản.

Trưa 6 tháng 10 năm 1974 tôi đang ngồi ôm cái ống nhòm, theo dõi hai đại đội tiền phương tiến quân, thì có một chiếc xe Dodge 4×4 từ Nhơn-Cơ chạy tới.

Tới chân đồi Kiến-Ðức, có vài người bước xuống. Một lúc sau, Trung úy Trần Dân Chủ chạy ra khu pháo binh báo cho tôi biết có một ông trung tá của tiểu khu muốn gặp mặt tôi.

Tôi ra lệnh cho ông Chủ xuống đường, dẫn ông trung tá lên đây nói chuyện, vì tôi đang bận điều quân.

Ông Trung tá Chỉ huy phó Tiểu Khu Quảng-Ðức bắt tay tôi, rồi dịu dàng,

– Anh Long có khỏe không?

Tôi hớn hở khoe:

– Tôi khỏe như vâm! Tụi tôi đang đuổi bọn Việt-Cộng chạy như vịt! Tôi tái chiếm đồi Bù Row rồi! Nếu tiểu khu yểm trợ pháo cho tôi, và cho tôi một tiểu đoàn trừ bị, tôi lấy lại đồn Bu Bông trong vòng 24 giờ!

(Đồn Bù Bông nằm về hướng Bắc Quận Lỵ Kiến-Đức khoảng 20 cây số, do Địa Phương Quân phòng thủ. Đồn này đã bị Cộng-Quân chiếm giữ từ cuối năm 1973)

Ông tiểu khu phó lắc đầu thở dài,

– Ông Nghìn sai tôi ra đây để nói với anh rằng, ngừng cái hành động lấn đất dành dân ngay đi! Ông ấy sợ Sài-Gòn mà nghe biết tình hình vùng này đột nhiên mất an ninh, họ sẽ khiển trách ông tỉnh trưởng đấy!

Nghe ông tiểu khu phó nói, tự nhiên tôi thấy cụt hứng, bao nhiêu hào khí phút chốc tan như hơi sương.

Nhưng tôi vẫn cương quyết,

– Nhờ Trung tá về nói với Ðại tá Nghìn rằng, tôi đã lấn tới Bù Row. Vì từ đỉnh Bù Row địch có thể đặt cối và súng không giựt bắn vào Kiến-Ðức, nếu các ông mà bắt tôi trả Bù Row cho Việt-Cộng thì tôi sẽ xin đem quân đi chỗ khác, không trấn đóng vùng Tây Quảng- Ðức nữa!

Ông trung tá già nhìn tôi buồn rầu:

– Em là một sĩ quan lý tưởng của quân đội, tiếc rằng thời buổi này người ta không ưa những con người như em!

Rồi ông bắt tay tôi, từ giã.

Từ ấy cho tới ngày tàn chiến tranh, tôi không còn dịp nào gặp mặt ông nữa. Hình như sau đó ít lâu ông trung tá này đã thuyên chuyển đi nơi khác.

o O o

Ðêm 6 tháng 10 từ trong rừng hướng Bắc suối Dak Blao có tiếng loa của Việt-Cộng oang oang:

– Ðả đảo Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân Ngụy đã vi phạm cam kết hòa hợp hòa giải! Ðả đảo tên Tiểu đoàn trưởng 82 Biệt Ðộng Quân khát máu!

Chỉ mười phút sau, tiếng loa tắt phụt sau một loạt đạn M16 nổ giòn.

Sáng ngày 7 tháng 10 toán Viễn Thám 823 của Trung sĩ Nguyễn Chi tiến vào rừng khai thác kết quả, chỉ thấy một thằng giặc nằm chết cong queo bên chiếc loa tay.

Từ đêm 7 tháng 10 trở đi không còn cái loa nào léo nhéo nữa….

Sáng 8 tháng 10 tôi đưa cho Ðại úy Nguyễn Hữu Tài cái sự vụ lệnh hoàn trả ông ta về liên đoàn, với lý do kém khả năng. Tôi không còn kiên nhẫn để ông đại úy này tiếp tục làm việc dưới quyền mình nữa.

Ðại úy Nguyễn Hữu Tài là người đầu tiên từ giã Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân mà không có tiệc tiễn đưa.

Trước giờ Ðại úy Tài vào chào tôi để giã từ, tôi đã tự tay xé cái giấy phạt 15 Trọng Cấm xin gia tăng tối đa mà tôi đã phạt ông Tài với tội danh “Bắt tay với địch quân”

Tôi làm chuyện này, vì tôi vừa hồi tâm, nhớ lại những lời ông trung tá già, Tiểu khu phó Tiểu Khu Quảng-Ðức: “Ông Nghìn sai tôi ra đây để nói với anh rằng, ngừng cái hành động lấn đất dành dân ngay đi! Ông ấy sợ Sài-Gòn mà nghe biết tình hình vùng này đột nhiên mất an ninh, họ sẽ khiển trách ông tỉnh trưởng đấy!”

Tôi không biết hành động sống chung hòa bình với kẻ thù của Trung tá Lang đã có sự đồng tình của ông tỉnh trưởng hay không? Tôi không biết ông Nghìn đã làm ngơ, hay ông Nghìn đã ngầm ra lệnh cho ông Lang bắt tay với địch để cho Sài-Gòn yên trí rằng: “Mặt Trận Miền Tây Quảng-Ðức vẫn bình yên” (?)

Tôi cũng không biết, nếu ngày đó người nhận bàn giao vùng Bắc Kiến-Ðức không phải là tôi, mà là Thiếu tá Mẫn hay Thiếu tá Ðàng thì quân ta và quân địch có tiếp tục chung sống hòa bình, uống chung một giòng nước suối Dak Blao hay không?

Mãi lâu lắm, sau này, tôi mới nghe biết Trung tá Nguyễn Lang đã bị Tư Lệnh Quân Ðoàn II phạt 40 ngày Trọng Cấm vì đã bắt tay với địch, nên bị buộc tội “Vi Phạm Huấn Lệnh Quân Sự”.

Sau khi bị phạt, ông Trung tá Nguyễn Lang đã bị giải ngũ, loại ra khỏi quân đội.

Còn Thiếu tá Huỳnh Công Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 96 Biệt Ðộng Quân cũng bị phạt nặng không kém gì ông Trung tá Lang, nhưng không bị giải ngũ.

Mãi tới năm 1979 tôi và ông Nguyễn Lang mới gặp lại nhau trong Trại tù Cải tạo Nam Hà A, ngoài Bắc Việt. Trong lúc ngồi ôn chuyện xưa ở Kiến-Ðức, ông Lang không phiền trách chuyện tôi đã xua quân qua suối Dak Blao phá vỡ hiệp ước bất tương xâm mà ông Lang và Việt-Cộng đã giao ước với nhau. Ông Lang chỉ bặm môi, chửi thề:

“Ðù má thằng Nghìn! Chơi xấu! Chạy tội! Ðổ lỗi lên đầu moa!”

Nghe ông Lang nói thế, tôi cũng chẳng thèm tìm hiểu thêm xem, ngày đó ông Lang và ông Nghìn đã có gì vướng víu, khúc mắc với nhau không? Có phải chính ông Nghìn đã làm ngơ trước lỗi lầm của Thiếu tá Hiển và Trung tá Lang không? Có phải tới khi chuyện xấu vỡ lở, ông ta lại phủi tay, chạy tội hay không?

Về phần tôi, hiển nhiên, ngày đó tôi đã bị ông Nghìn khóa tay, không cho đánh nhau nữa.

o O o

Đời lính, vui và buồn…

Ngày 9 tháng 10 năm 1974 tôi và ba quân nhân khác đại diện Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được trực thăng chở về hậu cứ Pleiku chuẩn bị tham dự ngày lễ thành lập Quân Ðoàn II.

Trong ba ngày 9,10 và 11 tháng 10 Trung tá Hoàng Kim Thanh thay thế tôi chỉ huy Ngã Ba Kiến-Ðức.

Buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân Ðoàn II đã diễn ra thật đơn giản.

Tổng thống đã không có mặt, các tỉnh trưởng trực thuộc Quân Khu 2 cũng không có ai.

Trên khán đài chỉ có hai ông tướng, là Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Ðoàn II, và Thiếu tướng Phan Ðình Niệm, Tư lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh.

Trong khi Tướng Toàn đang bận gắn cái huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu lên hiệu kỳ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, thì Tướng Niệm nài nỉ Tướng Toàn,

– Biệt Ðộng Quân không dùng Thiếu tá Long thì Trung tướng cho anh Long về làm việc với tôi đi!

Ông Toàn có vẻ bực mình, càu nhàu:

– Ông thích nó thì nói với nó, duyên cớ gì mà phải năn nỉ tui?

Nghe ông Toàn cự nự, Tướng Niệm bèn bước tới bắt tay tôi,

– Chúc mừng Tiểu Ðoàn 82 vừa được tuyên dương công trạng trước quân đội! Chúc mừng Thiếu tá Long!

Sau đó ông Tư lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh hạ giọng, vừa đủ cho tôi và mấy người đứng bên tôi nghe được.



Còn tiếp kỳ 9

VƯƠNG MỘNG LONG

https://baotreonline.com/van-hoc/hoi-ky-k20/duong-ve-gia-nghia-ky-7.baotre





 




Niên Trưởng
Trương Quang Ân

https://youtu.be/Q2hQ8JKRjqk



 

 

Niên trưởng Trương Quang Ân


Là lực lượng trừ bị cơ hữu của Vùng 2 nên Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân, cứ sáng có mặt ở Kontum, chiều đã về Phú-Bổn, nay Lâm-Đồng, mai Quảng-Đức. Tháng trước chúng tôi bị đặt dưới quyền chỉ huy của Biệt Khu 24, tháng sau chúng tôi đã nằm dưới quyền chỉ huy của Task Force South, cứ xoay vần như thế suốt năm 1968.Trong thời gian tăng phái hành quân cho Task Force South tôi đã có dịp được phục vụ dưới quyền một niên trưởng thật tuyệt vời.



(Biệt Động Quân Task Force WordPress.com)

Ðà-Lạt tháng Năm…

Một buổi trưa, Ðại Ðội 1/11 Biệt Ðộng Quân của tôi đang giữ nhiệm vụ bảo vệ căn cứ pháo binh Hoa-Kỳ tại phi trường Cam-Ly thì được lệnh cấp tốc lên đường cứu viện cho cánh quân của đại úy tiểu đoàn trưởng. Cánh quân này, gồm Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân cùng hai Ðại Ðội 2/11 và 3/11, đang bị một tiểu đoàn Việt-Cộng bao vây tấn công rất dữ dội trong vùng rừng rậm cách Ðà-Lạt năm cây số về hướng Tây Nam. Ðại úy Hồ Khắc Ðàm, Khóa 16 Võ Bị, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đã bị thương.

Chúng tôi đi như chạy, chỉ mấy phút sau đã đứng trên đỉnh đồi 1632.

Qua một yên ngựa, tôi chuyển đội hình thành tam giác mũi trước, khẩu đại liên 30 làm mũi, Trung Ðội 1 của Thượng sĩ Ngọ bên phải, Trung Ðội 3 của Chuẩn úy Biện bên trái.


Hình chụp (1968) sĩ quan chỉ huy và cố vấn Hoa Kỳ của TĐ11BĐQ tại Pleiku.
Từ trái qua: Th/úy Trần Lũy, Tr/úy Nguyễn Lạn,Tr/sĩ Attaya,Tr/úy Vương Mộng Long, Đ/úy Hester, Đ/úy Hồ Khắc Đàm,Tr/úy Nguyễn Văn Đa, Th/úy Phan Ngọc Quí.

Tiền quân vừa di chuyển tới con dốc cuối yên ngựa thì súng nổ. Ðề lô của tôi hôm đó là hai người Mỹ. Hai anh này là người của đơn vị pháo binh Mỹ mà tôi đang bảo vệ. Mười sáu khẩu 105 ly chỉ nằm cách chúng tôi chừng hai cây số phía sau lưng.

“Hai chục tràng hiệu quả!”

Ðạn vừa nổ xong, lại tiếp:

“Hai chục tràng hiệu quả!”

Cứ thế, tôi dùng đạn đại bác mở đường, rồi thận trọng tiến lên. Thời buổi đó đạn dược quá dồi dào, bắn không hạn chế.

Trước mặt tôi, địch trải quân rất thưa, chủ đích của chúng là cầm chân chúng tôi, trong khi lực lượng chính của chúng đang nỗ lực dứt điểm cánh quân của Ðại úy Ðàm.

Rừng thông không rậm lắm, nhưng có rất nhiều ổ mối. Mỗi ổ mối có thể là một ụ súng của địch.

Khi nghe được những tiếng súng bắn tay từ vùng giao tranh phía trước, tôi bắt đầu xin Không Quân đánh tiếp cận ngay trước mặt để tiến lên.

Tôi đã sử dụng hai phi xuất AD6 Sky Raider thả liên tiếp bốn trái Napalm xuống cái khe núi ngăn cách chúng tôi và ngọn đồi cao nhìn xuống trận địa của Ðại úy Ðàm.

Tới đỉnh ngọn đồi đối diện với mục tiêu, tôi phân vân không biết sẽ tiến chiếm ngọn đồi bên kia bằng cách đâm thẳng xuống suối, hay bằng cách đi vòng về bên phải, theo hướng Tây. Con đường vòng thì an toàn, nhưng hơi xa, mà tình trạng của anh Ðàm lại đang nguy khốn. Cuối cùng tôi chọn con đường ngắn. Tôi dàn quân hàng ngang, vừa đi vừa bắn.

Tới nửa dốc, anh đề lô Mỹ báo cho tôi hay rằng, máy bay quan sát L.19 trên trời bị phòng không của Việt-Cộng bắn trúng, viên phi công bị thương, phải rời vùng. Chiếc L.19 mới lên thay chưa biết đâu là bạn, đâu là địch, nên phi công đòi chúng tôi đánh dấu vị trí quân bạn bằng khói vàng cho anh ta nhận diện. Tôi liền cho đánh hai trái khói vàng, một bên phải, một bên trái trục tiến.

Một phút sau, tôi nghe anh phi công và anh quan sát viên tiền tuyến thay nhau cự nự rằng tại sao họ thấy ở dưới đất có tới bốn, năm vị trí khói vàng, trong khi chúng tôi báo cáo rằng chỉ có hai?

Họ yêu cầu chúng tôi đánh dấu lại bằng khói đỏ. Tôi vội vàng thỏa mãn yêu cầu của họ ngay lập tức.

Nhưng cũng chỉ một phút sau, phi công lại khiếu nại, vì thấy dưới đất xuất hiện tới bốn, năm cột khói đỏ!

Như vậy là địch đã nghe được những lời đàm thoại của quân ta, và chúng đã làm cho L.19 không biết đâu là bạn đâu là địch!

Tôi chưa biết phải xử trí ra làm sao trước tình trạng éo le này thì, “Xoẹt!” một trái rocket từ phi cơ L.19 đã phóng xuống cách tôi chừng mười mét.

Anh đề lô Mỹ vừa kéo tay tôi chạy về bên trái vừa hét vào ống nói truyền tin: “Check air! Check air!” (Ngừng không yểm!Ngừng không yểm!)

Ngay lúc đó, trước mặt tôi, cách tôi chừng hai chục mét, dưới khe, có nhiều họng súng của Việt-Cộng, cá nhân có, cộng đồng có, đua nhau bắn lên trời.

Một chiếc khu trục cơ chúc đầu xuống theo trục Ðông Tây; tôi và anh đề lô Mỹ nắm tay nhau dẫn đầu đoàn quân chạy thục mạng theo hướng ngược lại.

“Ùm!” một quả bom nổ dưới suối, sau lưng. Anh Mỹ mang máy truyền tin té sấp mặt xuống đất. Tôi đỡ anh ta dậy, may quá! Không sao! Nhưng một mảnh bom bay sượt qua, đã bứng đi mất một nửa cái máy PRC 25 của anh.

Chiếc AD6 thứ nhì lao xuống, ngóc lên:“Ùm!”

Ðất đá bay rào rào, khói đen cuồn cuộn khét lẹt. Chúng tôi cắm đầu chạy về hướng Ðông. Hai chiếc máy bay vẫn tiếp tục chúc đầu xuống, ngóc đầu lên,

“Cạch! Cạch!… Cạch!Cạch!…” đại liên trên cánh chim sắt bắt đầu khạc đạn.

Chạy được một đoạn đường rừng khá xa, tôi kéo quân lên một bình nguyên cỏ tranh, lập lại đội hình.

Anh đề lô mượn tôi một cái máy truyền tin. Anh ta đang loay hoay chưa vào được tần số không lục thì chiếc L.19 quái quỷ đã theo kịp.

Thiếu úy Duyên, Ðại đội phó 1/11 leo lên một mô mối, giơ cái bản đồ vẫy vẫy anh phi công.

Ðâu ngờ, lại “Xoẹt!”

Phi công đáp trả cái vẫy tay thân thiện của Thiếu úy Duyên bằng một quả khói cắm ngay giữa đội hình của Ðại Ðội 1/11! Ông Duyên vội vàng vứt tấm bản đồ, co giò tẩu thoát.

Cứ cái trò chạy nước rút từng chặng như thế này, chắc chẳng bao lâu tụi tôi đứt ruột mà chết!

Tôi không có cách nào bắt Không Quân ngừng truy đuổi được. Quân ta và quân địch gần nhau quá! Nếu chúng tôi ngừng lại để thanh toán tụi Việt-Cộng đang bám đuôi thì chúng tôi sẽ chết vì bom của Mỹ ngay.

Khóc dở, mếu dở, vừa chạy, vừa thở, chợt nhớ ra một điều, tôi níu vai thằng Ty vặn cái chốt đổi tần số truyền tin sang địa chỉ của liên đoàn.

Trung tá Hồ Hữu Dõng, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân đang theo dõi tình hình trên máy; ông can thiệp ngay, nên chỉ vài phút sau, chiếc quan sát cơ đã vội vã quẹo ngược về hướng Tây.

Trung tá Dõng ra lệnh cho tôi giữ liên lạc với liên đoàn để ông có thể trực tiếp yểm trợ cho tôi trong thời gian này. Ông nói, vì phải chia quân ra ngăn cản đoàn viện binh của tôi, nên áp lực của Việt-Cộng trên cánh quân của Ðại úy Ðàm cũng giảm bớt, nhờ vậy, lực lượng bạn đã giữ vững được vị trí. Ông cho tôi hay, cũng nhờ không quân Hoa-Kỳ can thiệp hữu hiệu, chứ không thì hai đại đội bạn đã bị địch tràn ngập rồi.

Tới lúc này, tần số của tiểu đoàn đã hết nhiễu loạn, các cánh quân đã gọi được nhau.

Tôi ngóng cổ gióng hướng. Hóa ra tôi chỉ còn cách Quốc lộ 20 chừng hơn cây số!

Từ đỉnh đồi bên này, tôi nhìn thấy xa xa, trên sườn một ngọn đồi hướng Nam, có một đoàn quân đang di chuyển về hướng Tây, nhiều người trong đoàn quân đó che mưa bằng những tấm nhựa trắng dùng để bọc đầu đạn pháo binh. Thì ra đó là Ðại Ðội 4/11!

Ðại Ðội 4/11 cứ phoong phoong theo đường xe be, chẳng đụng chạm gì cả, nên họ bắt tay được Ðại úy Ðàm lúc xế chiều. Còn tôi, phải băng qua hai cái khe và một ngọn đồi, nên tối mịt mới tới được nơi xảy ra giao tranh. Tiếng súng đã im từ lâu.

Ngày hôm đó tiếng máy bay và tiếng đại bác vang dội núi đồi suốt từ trưa cho tới tối mịt, khiến dân chúng Ðà-Lạt phải trải qua một bữa hoảng hồn. Sau lần hành quân này mỗi quân nhân tham chiến của đại đội tôi đều được bồi hoàn đặc biệt một đôi giày mới, và một bộ rằn ri mới.

oOo

Lâm-Ðồng tháng Tám…

Ðại Ðội 1/11 bị tách riêng ra khỏi tiểu đoàn, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn. Lúc này Trung tá Bùi Văn Sâm đã thay thế Trung Tá Hồ Hữu Dõng giữ chức Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Chúng tôi được trực thăng vận vào Gia-Bắc, một bản Thượng bỏ hoang, nằm trên Liên tỉnh lộ 8B nối liền Di-Linh (Lâm-Ðồng) với Thiện-Giáo (Phan-Thiết).

Nhiệm vụ của tôi là -- thiết lập một căn cứ hỏa lực dã chiến cho một pháo đội Hoa-Kỳ. Ðây cũng là nơi Trung tá Sâm đặt bản doanh bộ chỉ huy hành quân của ông. Pháo đội này của Mỹ sẽ yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân đang truy lùng địch vùng liên ranh Cao Nguyên và Duyên Hải.

Sau khi lập xong vòng đai an ninh căn cứ, tôi tung các toán tuần tiễu xa, rồi ngồi chờ pháo binh Hoa-Kỳ chuyển vận súng vào vị trí.

Trực thăng Chinook rần rộ theo nhau đáp. Chưa đầy hai giờ sau, mười sáu khẩu đại bác 105 ly đã sẵn sàng tác xạ.

Tới chiều, ông thượng sĩ trưởng toán liên lạc truyền tin của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh chạy ra tìm tôi, báo tin:

– “Anh Ðào” đang trên đường đến thăm.

“Anh Ðào” là danh hiệu truyền tin của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân (Khóa 7 Võ-Bị), Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Task Force South.

Tôi đã đón Tư Lệnh tại bãi trực thăng, thuyết trình cho ông về quân số lực lượng phòng vệ, về các toán tuần tra dã ngoại, và kế hoạch phản ứng khi bị địch tấn công hay pháo kích. Tôi dẫn Tư Lệnh duyệt một vòng vị trí phòng thủ của đơn vị trước khi đưa ông vào hầm chỉ huy của liên đoàn để nghe trung tá liên đoàn trưởng tường trình diễn tiến hoạt động của Biệt Ðộng Quân trong lần hành quân này.

Vài tháng trước, sau khi đại đội tôi tịch thu được một kho gạo của địch trong Mật Khu Tứ-Quý, Lâm Ðồng, tôi đã giáp mặt Chuẩn tướng Tư Lệnh Task Force South một lần, và đã được ông gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc. Dịp đó, trong hàng quân, tôi chỉ được ông Tướng bắt tay một cái, nghe ông khen một câu “Tốt lắm!” rồi thôi. Lần này tôi có cơ hội tiếp xúc với ông lâu hơn, nghe ông nói nhiều hơn và nhìn mặt ông rõ hơn.

Sau khi đưa Tư Lệnh tới bộ chỉ huy nhẹ liên đoàn, tôi trở về lều của mình, leo lên võng nằm nghỉ. Rồi tôi chợp mắt ngủ quên. Ngoài lều, đám “tà lọt” của tôi ngồi đấu láo.

Tôi đang mơ màng thì giật mình vì tiếng ông Thượng sĩ Nguyễn Lược, trung đội phó, Trung Ðội 3:

– Vào hàng! Phắc!

Tôi ngồi dậy, nhoài người, thò đầu ra khỏi lều quan sát.

Chuẩn tướng Tư Lệnh đang bắt tay từng quân nhân đang hiện diện trên bãi cỏ gần lều của tôi.

Ông ân cần hỏi han từng người, về tình trạng lương thực, về việc uống thuốc ngừa bệnh sốt rét rừng, về vấn đề thư từ liên lạc với gia đình, về chuyện bồi hoàn quân trang sau mỗi đợt hành quân dài ngày…

Tuyệt đối, tôi không nghe vị Tư Lệnh này “quay” thuộc cấp với những câu hỏi liên quan đến xẻng, cuốc, bi đông, nón sắt, dây ba chạc, tiêu lệnh khi gác giặc, hay cấp số đạn mang trên lưng…

Trò chuyện cùng thuộc cấp một hồi, Tư Lệnh mới thong thả quay lưng, đi về hướng chiếc trực thăng đang chờ trên bãi. Ông dừng lại giữa đường, giơ tay ra dấu cho đoàn tùy tùng. Ðoàn tùy tùng của ông Tư Lệnh đang ghé thăm toán Liên Lạc Truyền Tin của Sư Ðoàn 23. Có một nữ quân nhân trong đoàn tùy tùng. Người nữ quân nhân này chính là phu nhân của ông Tướng. Bà đang cùng ông Thiếu tá Thịnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn Truyền Tin Sư Ðoàn 23 thăm hỏi những người lính bộ binh.

Tôi nghe tiếng Trung sĩ Nguyên, cựu Thiếu Sinh Quân, đang vòi vĩnh bà vợ ông Tư Lệnh:

– Chị cho em vài trăm đi chị! Em cạn túi rồi, thèm thuốc lá quá, mà chưa tới ngày lãnh lương…

“Chị Dâu của Thiếu Sinh Quân” lục túi xách tìm tòi một phút, rồi nhỏ nhẹ, như phân bua.

– Chị vét túi, chỉ còn năm chục, em cầm tiêu đỡ. Anh chị cũng… chưa tới ngày lãnh lương.

Sương trắng từ khe núi bắt đầu dâng lên. Chiếc trực thăng cất cánh, rồi chui vào tầng mây thấp. Tiếng động cơ “Bạch!bạch!bạch! …” loãng trong gió, xa dần.

“Niên trưởng” và “Chị” đi rồi. Nhưng hình như, tình huynh đệ chi binh còn vương đâu đây, trong tim chúng tôi…

Ðêm xuống, trời trở gió, rồi mưa to. Nửa đêm, xảy ra một chuyện bất thường.

Từ thung lũng đen ngòm dưới kia, bỗng vang lên những âm thanh ầm ầm như động đất. Chấn động tràn lên đồi, khiến căn lều của tôi cũng rung rinh như muốn sập.

“Ðộng đất! Ðộng đất! Bà con ơi!” Thượng sĩ Lạc, thường vụ đại đội, vừa gõ kẻng báo động vừa lớn tiếng la liên tục.

Thế rồi, nhanh như cơn lốc, hàng trăm con voi rừng ào ào vượt dốc xông lên. Cây rừng bị voi đè gãy đổ kêu răng rắc. Khi đàn voi tới cách lều của tôi chừng hai chục thước thì con đầu đàn giẫm phải đống lửa còn nghi ngút khói sau cơn mưa của ông Lạc. Than củi bay lên tung tóe làm nó hoảng hồn, vội quẹo sang bên phải. Thế là cả đàn voi ùn ùn theo nhau dạt về hướng Tây, khu đặt pháo của Hoa Kỳ. Quân Mỹ la chí choé.

Ðợi đàn voi đi qua, tôi cho quân báo động, dàn quanh khu pháo binh để những xạ thủ Mỹ kiểm tra tình trạng súng ống xem có thiệt hại gì không?

Dưới ánh đèn pha, tôi thấy năm, sáu khẩu đại bác 105 ly bị voi ủi gãy gọng, chổng càng.

Chừng nửa giờ sau, công việc kiểm tra tình trạng khả dụng của pháo binh chấm dứt, tôi cho lệnh thu quân, người nào về vị trí của người nấy.

Tôi cùng Thượng sĩ Lạc đi một vòng tuần tra các vọng gác, rồi quay về lều. Tôi vừa ngồi trên võng, chưa kịp cởi giầy thì, một đại úy Hoa Kỳ có hai binh sĩ Mỹ hộ tống đã hăm hở tiến tới đòi gặp mặt.

Ông đại úy này là sĩ quan an ninh phòng thủ của pháo đội Mỹ. Ông ta nghi rằng Việt-Cộng lùa voi đi trước, sau đó chúng sẽ theo chân voi, tấn công ta.Ông ta đã tới từng lều ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền tôi trở lại tuyến phòng thủ ngoài rào kẽm gai của pháo đội. Chưa có lệnh của tôi, anh em Biệt Ðộng Quân chưa nhúc nhích. Do đó, ông ta phải đi tìm tôi để điều đình.

Ông ta yêu cầu tôi cho quân ra vị trí phòng thủ, và duy trì tình trạng báo động cho tới khi trời sáng. Tôi từ chối yêu cầu này.

Thấy vậy, ông ta liền nổi giận la hét om sòm và dọa sẽ tường trình việc này lên Bộ Tư Lệnh Task Force South để thượng cấp khiển phạt tôi. Tôi ôn tồn giải thích cho ông Mỹ này biết rằng, đường đàn voi vừa đi qua là một con dốc trơn trượt sau cơn mưa. Ngay đầu dốc tôi cũng vừa đặt thêm một vọng gác. Nếu Việt-Cộng tiến quân theo đường đó sẽ bị lính gác phát hiện ngay, và chúng ta có dư thời gian để vào vị trí chống trả. Vả lại, đêm nay thời tiết quá lạnh, nếu bắt binh sĩ dưới quyền phải ngâm mình dưới hố cá nhân đầy nước từ nửa đêm tới khi trời sáng sẽ khiến họ nhiễm bịnh. Ngoài ra, có dấu hiệu gì báo cho ta biết chắc chắn rằng địch sẽ tới đâu? Tôi quả quyết với ông đại úy Mỹ rằng, chẳng có thằng Việt-Cộng nào đi theo đàn voi này. Vì đây là một đàn voi rừng, voi dại, không phải voi nhà.

Tôi móc túi lấy gói thuốc lá Lucky, mời ông đại úy; ông ta gạt tay từ chối. Sau khi tự mồi cho mình một điếu, tôi thân mật vỗ vai ông sĩ quan Ðồng Minh, nhỏ nhẹ,

– Này ông bạn ơi! Nhiệm kỳ phục vụ tại Việt-Nam của bạn chỉ kéo dài sáu tháng là cùng. Nếu bạn có thức trắng vài ba đêm cũng chẳng ảnh hưởng gì. Còn chúng tôi thì khác. Chúng tôi đã chiến đấu mười năm, và sẽ còn phải chiến đấu thêm mười, hai mươi năm nữa.Vì thế, tôi phải tiết kiệm mồ hôi, xương máu, sức khỏe của binh sĩ dưới quyền tôi. Thôi bạn về ngủ đi! Chúc bạn ngủ ngon! Hẹn gặp lại.

Nào ngờ, cử chỉ thân thiện của tôi chỉ làm ông sĩ quan Mỹ giận dữ thêm, ông ta quát vào mặt tôi:

– Người Mỹ đang ngâm mình trong hố nước, các anh cũng phải làm như vậy! Tôi muốn các anh phải ra vị trí ngay bây giờ!

Trước thái độ hống hách xấc xược của ông bạn Ðồng Minh, tôi không thể dằn nổi cơn thịnh nộ. Tôi đưa ngón tay trỏ chỉ ngay mặt anh ta rồi hét lớn:

– Câm mồm! Tôi là người chỉ huy phòng thủ căn cứ hỏa lực này. Còn anh chỉ là người được tôi bảo vệ! Tuyệt đối anh không có quyền hành gì đối với đơn vị tôi cả! Anh muốn báo cáo việc này với ai thì báo! Tôi không bận tâm! Cút khỏi đây ngay!

Sau đó, không thèm nhìn anh ta, tôi quay gót vào lều.

Không biết làm gì hơn, ông sĩ quan an ninh Mỹ đành hậm hực dẫn lính bỏ đi.

Có lẽ do yêu cầu của bên pháo đội Mỹ, nên hai trực thăng vũ trang đã bay vòng vòng, rọi đèn pha quanh căn cứ từ nửa đêm cho tới sáng.

Rồi cũng qua một đêm ồn ào, mất ngủ vì tiếng động cơ máy bay.

Trưa hôm sau Tướng Ân và một đại tá Hoa-Kỳ xuống kiểm tra tình hình tổn thất của pháo binh, đồng thời nghe tường trình chi tiết vụ việc lủng củng giữa tôi và ông đại úy sĩ quan an ninh của pháo đội. Một phái đoàn báo chí Việt Mỹ cũng chiếm một trực thăng tháp tùng ông Tư Lệnh.

Trong căn lều vải, chỉ có hai chiếc ghế dành cho Tư Lệnh và Ðại tá Cố Vấn Sư đoàn. Những người khác kể cả Trung tá liên đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân và sĩ quan pháo đội trưởng Mỹ đều phải đứng chen vai nhau. Các phóng viên bấm máy ảnh “tí tách!” liên tục.

Ông pháo đội trưởng tổng kết tình hình cho biết, bốn khẩu đại bác 105 ly bị hư hại cần thay thế, hai binh sĩ bị voi giẫm gãy xương đã được tản thương trong đêm.

Sau đó, viên đại úy an ninh Mỹ lên bục trình bày.

Anh ta khiếu nại rằng, sau khi đàn voi đi qua, Biệt Ðộng Quân Việt-Nam đã không chịu duy trì tình trạng báo động cho tới sáng, pháo đội Mỹ đã không được bộ binh bảo vệ nếu địch theo chân voi, ào lên tấn công…

Rồi tới phiên tôi,

– Thưa Chuẩn tướng, xin Chuẩn tướng cho lệnh, tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?

– Trung úy xuất thân từ quân trường nào?

– Thưa Chuẩn tướng tôi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị.

– Nếu Trung úy không nói được tiếng Anh thì Trung úy nhờ ông Trung sĩ thông dịch viên của sư đoàn giúp đỡ cho.

Tôi nóng mặt,

– Như vậy thì tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh. Nhờ Trung sĩ thông dịch viên dịch lại bằng tiếng Việt cho các phóng viên báo Việt.

Cái sơ đồ phòng thủ không tỷ lệ được hai Biệt Ðộng Quân cầm giữ để tôi thuyết trình. Tôi sơ lược sự kiện xảy ra đêm qua. Tôi lý giải quyết định không duy trì báo động của tôi vì đàn voi di chuyển đêm qua là voi rừng, không phải voi nhà. Tôi tin chắc địch không đủ khả năng bắt ép một đàn voi rừng làm theo lệnh được. Với tôi, việc bắt binh sĩ ngâm mình trong hố cá nhân đầy nước dưới thời tiết lạnh giá, trong thời gian năm sáu tiếng đồng hồ là một hành động ngu ngốc. Tôi là một cấp chỉ huy không ngu ngốc, nên tôi không nghe theo yêu cầu ngu ngốc của bất cứ ai.

Nghe tôi nhấn mạnh tiếng “stupid” (ngu ngốc) tới hai lần, ông Ðại tá Mỹ hơi cau mặt, liếc nhìn anh sĩ quan an ninh Hoa Kỳ. Anh ta cúi mặt, gí gí hai mũi giày trên đất.

Buổi họp chấm dứt, Tướng Ân đứng lên, vỗ vai tôi, ôn tồn,

Khá lắm! Anh khen chú! Khá lắm!

Ông Ðại tá Mỹ cũng vồn vã,

You’re excellent! (Anh thật là xuất sắc!)

Ông siết tay tôi thật chặt trước lúc từ giã.

Chinook cẩu đại bác

o O o

Hai ngày sau cuộc hành quân chấm dứt.

Hôm đó lại có chuyện bất thường xảy ra!

Ðại bác đã được năm chiếc Chinook bốc đi hết.

Chiếc trực thăng chuyển quân cuối cùng cũng vừa cất cánh sau khi hốt toán đề lô pháo binh của tôi.

Bây giờ trên bãi chỉ còn lại sáu người gồm có tôi, Binh nhứt Trần Ty mang máy PRC 25, cùng hai hộ tống viên là Binh nhứt Phạm Công Cường, và Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng. Phía Mỹ có một Ðại úy da đen, nhưng trên bảng tên thì họ của ông ta lại là White (Trắng) cùng một anh binh nhì da trắng mang máy truyền tin cho ông. Hai người Mỹ này là toán liên lạc điều không của ngày hôm đó.

Tôi lấy làm lạ về cách làm việc cứng ngắc của người Mỹ. Người Mỹ đánh giặc bằng sách vở, việc ai nấy làm, nhiều lúc thấy mắc cười.

Hai chiếc tàu cứu cấp và chỉ huy cứ khơi khơi trên trời, cùng hai gunships, bay vào, bay ra, theo đuôi đoàn trực thăng chở quân. Nếu họ sử dụng một trong hai chiếc tàu trống đó mà bốc chúng tôi thì đâu cần điều động hai gunships và một slick quay trở lại đây lần nữa?

Bỗng đâu, sương mù dâng lên cuồn cuộn.

Sương đêm như từ dưới đất phun lên, từ gốc cây tuôn ra, từ tàn lá trên cao tỏa xuống, quánh lại như mây, và trắng như sữa. Phút chốc cả vùng đồng cỏ ngập chìm trong biển sương dày đặc. Ông đại úy da đen đứng cách tôi chưa tới sải tay mà tôi cũng không nhìn rõ mặt ông ta.

Nguy rồi! Cứ cái đà này thì tối nay chúng tôi phải ngủ lại đây mất thôi!

Vài phút sau, chúng tôi được yêu cầu sẵn sàng trên bãi để hai gunships và một slick bay vào đón.

Rõ ràng là chiếc H.U.1D đang bay ngay trên đầu, nhưng tôi không trông thấy đèn pha của tàu. Anh phi công nói, dưới bụng anh ta chỉ là mây trắng, anh ta không dám sà xuống tìm chúng tôi, vì sợ cánh quạt chặt phải tàn cây thì chết!

Trực thăng tiếp tục vòng vòng bao vùng cả giờ, nhưng vô vọng.

Trời tối dần, trực thăng hết xăng, phải về Blao tiếp nhiên liệu.

Rồi trời tối hẳn.

Sau khi liên lạc với ban chỉ huy không vận, Ðại úy White báo cho tôi biết rằng, ngày mai, nếu thời tiết tốt, chúng tôi mới được bốc ra khỏi đây.Ông ta đề nghị tôi nghỉ qua đêm ngay trên bãi đáp. Tôi không đồng ý với White về việc này. Kinh nghiệm cho tôi biết, mỗi khi quân ta rời vị trí một căn cứ hỏa lực, thì không lâu sau đó, du kích địa phương sẽ tới dò la, nhặt nhạnh những vật dụng chúng ta vô tình bỏ lại. Nếu đêm nay ở lại chỗ này, chúng tôi có thể sẽ chạm mặt với du kích, phần bất lợi chắc chắn nghiêng về phía ta.

Thế là hai bên giằng co, người đòi ở lại, kẻ đòi di chuyển. Cuối cùng, khi nghe tôi dọa sẽ kéo nhau đi, bỏ thây kệ thầy trò anh ta ở lại, anh ta mới đành hậm hực vác ba lô lên vai.

Tôi ra lệnh cho chú Cường gài lại hai trái M26 ở hai đầu đường dẫn tới nơi đống lửa cao nghệu mà chúng tôi vừa đốt. Sau đó chúng tôi nối đuôi nhau tụt thẳng xuống dốc núi bên lề Bắc của Tỉnh lộ 8 B.

Chúng tôi vuợt qua con suối nhỏ dưới dốc, rồi leo lên lưng chừng vách đá, ngừng lại nhóm lửa, ngả lưng. Cây cối rậm rạp, sương mù dày đặc, rừng tối thui, cho dù ai đó có đứng cách chúng tôi năm ba mét chưa chắc đã nhìn thấy bếp lửa của chúng tôi. Chỉ cần một người ngồi canh và tiếp củi cho đống lửa cháy đều, năm người còn lại yên chí ngủ.

Chừng một giờ sau, bên hướng căn cứ hỏa lực có tiếng lựu đạn nổ “Ùm!”

Ðại Úy White ghé tai tôi hỏi nhỏ,

– Cái gì thế?

Tôi trả lời bừa,

– Không biết, có thể là du kích, có thể là một con nai…

Anh đại úy Mỹ móc túi lấy ra gói thuốc lá,

– Ông hút một điếu đi! Lạnh quá!

Tôi ngăn tay anh ta lại,

– Ðừng làm điều này! Nguy hiểm lắm! Tai và mắt của du kích không biết chúng ta đang ở đâu. Nhưng mũi của chúng có thể tìm được chúng ta đó! Bây giờ đang gió Bắc. Người nào đứng bên Tỉnh lộ 8B chắc chắn sẽ ngửi được khói thuốc của chúng ta ngay. Gắng đợi tới sáng mai, lên tàu rồi, thì tha hồ mà hút.

White gật đầu tỏ ý hiểu chuyện. Vừa lúc đó bên kia bờ nổ thêm một tiếng “Ùm!” thứ hai, theo sau là một tràng AK bắn bâng quơ.

White giựt tay tôi, lắc mấy cái thật mạnh, rồi bất ngờ dang hai tay ôm tôi vào ngực anh, siết tôi một cái thật chặt, rồi buông ra,

My commander! You’re a great commander! (Người chỉ huy của tôi! Ông là một cấp chỉ huy tuyệt vời!”

Ðêm ấy anh chàng da đen này còn ôm máy nói chuyện với thượng cấp của anh ta khá lâu. Trước khi thiếp đi, tôi còn loáng thoáng nghe anh ta nhắc đi, nhắc lại vài lần tiếng “Vietnamese Ranger…” gì đó.

Hừng đông, sương mù tan nhanh dưới nắng.

Chưa tới mười giờ sáng, một slick với hai gunships hộ tống đã có mặt trên vùng. Không lâu sau, chúng tôi đạp chân trên Sân Vận Ðộng Di-Linh.



Chuẩn tướng Trương Quang Ân

Tại đây, Thiếu úy Duyên và Tướng Ân đang đứng chờ.

Tướng Ân bắt tay tôi và Ðại úy White,

Mission completed! You’re the best! (Nhiệm vụ hoàn tất! Các anh giỏi lắm!)

Khi White và người mang máy truyền tin của anh ta đã quay lại trực thăng để trở về đơn vị của họ, Tướng Ân mới vỗ vai tôi, ôn tồn,

– Anh rất hài lòng! Tuần tới anh sẽ giao cho chú một nhiệm vụ.
Tôi đứng nghiêm,

– Vâng, bất cứ nhiệm vụ gì Chuẩn tướng giao phó, tôi sẽ cố gắng hoàn thành.

Thiếu úy Duyên cũng xen vào:

– Tối qua, khi nghe nói trực thăng không vào đón anh nữa, tôi bực quá, gọi máy lên sư đoàn cự nự lung tung. Ai đời, dư máy bay lại dùng để hộ tống, trong khi người thì bỏ lại. Nếu ảnh (Duyên giơ tay chỉ vào ngực ông Tướng) mà không vào máy “stop” tôi lại, tôi còn làm tùm lum. Muốn phạt thì cứ phạt, cóc có ngán!

Quay qua Tướng Ân, Duyên nói,

– Anh thấy chưa? Họ dùng một slick trống, bay theo đoàn tầu chuyển quân để làm gì? Trong khi đại đội trưởng của em bị bỏ lại giữa rừng. Làm ăn gì mà bê bối quá vậy?

Tướng Ân xua tay,

– Thôi chuyện qua rồi! Anh sẽ bàn lại với họ về sự việc này để rút kinh nghiệm.

Thiếu úy Duyên là một Cựu Thiếu Sinh Quân, Chuẩn tướng Ân cũng là một Cựu Thiếu Sinh Quân lớp đàn anh của Duyên. Họ là anh em, nên cách cư xử, xưng hô, có khác so với người ngoài.

Tướng Ân nắm tay tôi tản bộ quanh sân vận động. Vừa đi, ông vừa nói,

Trong quân đội, hôm nay anh là chuẩn tướng, chú là trung úy, cấp bậc tuy có cách biệt nhau đấy, nhưng biết đâu? Có một ngày nào đó chú đuổi kịp anh, không chừng chú còn qua mặt anh nữa! Duy chỉ có cấp bậc “Niên Trưởng” là suốt đời, chú đuổi anh không kịp. Có một điều anh muốn nhắc nhở chú là, phải sống sao cho không hổ danh Võ-Bị. Ðối với anh em cùng trường, phải thương yêu, nâng đỡ, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Phải sống thế nào cho anh ra anh, em ra em. Từ nay, anh cho phép chú, nếu gặp anh, không phải là giữa hàng quân, chú cứ gọi anh là niên trưởng.

– Vâng! Tôi tuân lệnh của niên trưởng!

Trong thời gian tăng phái cho Task Force South, tôi còn nhiều dịp giáp mặt Anh Ðào. Tôi không biết vì lý do riêng tư nào mà vị niên trưởng này lại đặc biệt lưu ý tới tôi. Mỗi khi đơn vị tôi về đóng quân tại Cam-Ly hay Liên-Khương, ông đều tạt xuống thăm tôi vài phút.

Ông thường nhắc nhở tôi rằng:

“Sự tồn vong của một đơn vị bộ binh không nằm ở trang bị tối tân, hỏa lực hùng hậu, mà nằm ở sự gắn bó giữa thượng cấp và thuộc cấp. Cấp chỉ huy phải lưu ý chăm sóc tới cuộc sống của từng người lính. Vì họ là lớp người được hưởng ít quyền lợi nhất. Nhưng nhiệm vụ của họ lại nặng nề nhất. Mạng sống của họ thật là mong manh. Hãy thương yêu thuộc cấp như thương yêu em út trong gia đình. Có như thế, thuộc cấp mới hết lòng với mình. Khi hữu sự, họ sẽ không bỏ mình.”

Tôi rất cảm kích trước những lời chỉ dạy chân tình và quý báu của người đàn anh đáng kính này.

Vài ngày sau, tôi nhận một công điện trao tay, từ Văn Phòng Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 gởi theo trực thăng xuống Di-Linh. Tư Lệnh chỉ thị cho tôi phải giám sát một đại úy thuộc Sư Ðoàn 23 được gửi tới, theo chân Ðại Ðội 1 Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân hành quân trong thời gian một tháng. Ông đại úy sẽ tháp tùng tôi để quan sát, học hỏi kỹ thuật chỉ huy tác chiến của tôi trong suốt thời gian quy định.

Chiều hôm đó trực thăng Hoa-Kỳ thả ông đại úy xuống chỗ đóng quân của tôi. Ông đại úy đi một mình, không tùy tùng. Ông đội nón đi rừng, mặc áo “Sô Dù” và trang bị một Colt 45. Trong ba lô của ông có mười ca gạo, và một cái võng, chẳng có poncho, chăn mền, nồi niêu, xoong chảo, chén bát, muỗng nĩa gì cả.

Tôi không hỏi ông đại úy lý do tại sao ông ta bị đưa tới đây, nhưng ông ta tự ý tâm sự với tôi rằng, ông ta đang bị phạt.

Ðúng lý ra, tôi không bận tâm về việc ăn uống của ông đại úy, nhưng thấy hoàn cảnh của một sĩ quan gặp lúc khó khăn, tôi ra lệnh cho Chuẩn úy Ðinh Quang Biện, trung đội trưởng Trung Ðội 3 cấp cho ông ta một người lính lo việc cơm nước. Binh nhì Triệu Cheng, anh lính nấu cơm của ông Biện được giao nhiệm vụ này.

Trong thời gian một tháng, chúng tôi liên tục nhảy diều hâu vào vùng Ða-Dung, La-Ngà, Ma – Nôi… không có vụ đụng độ nào đáng kể.

Rồi ông đại úy đáo hạn thọ phạt, từ giã, ra đi. Triệu Cheng cũng bị trả lại Trung Ðội 3, tiếp tục nấu cơm cho Chuẩn úy Biện. Chuyện tưởng chừng như đã quên.

Cho tới một chiều nắng phai…

Bốn sĩ quan Ðại Ðội 1/11 ngồi trên xe Jeep lượn quanh hồ Bảo-Lộc.

Một bóng hồng giơ tay chận xe tôi. Người đẹp nhoẻn miệng cười tươi, hàm răng tuyệt đẹp,

– Xin lỗi Trung úy, em muốn hỏi thăm Thiếu úy Chân ở Ðại Ðội 1 Tiểu đoàn 11.

Bốn chàng sĩ quan nhìn nhau,

– Cô có lầm không? Tất cả bốn đứa sĩ quan Ðại Ðội 1 đều ngồi trên xe này. Không có đứa nào tên là Chân cả.

Cô gái tần ngần:

– Anh Chân, cao cao, trăng trắng, tóc bồng bềnh, mang kiếng mát Ray-Ban, thường đi cùng ông đại úy mặc áo “Sô Dù” đại đội trưởng. Hai anh ấy hay ghé nhà em mỗi khi về phố…

Ngồi trên ghế tài xế, Thiếu úy Duyên bỗng nhảy nhổm, vỗ đùi,

– Ðúng rồi! Thiếu úy Chân Ðại Ðội 1. Ðúng rồi! Ðể chúng tôi đi kiếm giùm cho cô ngay bây giờ. Chào cô, chúng tôi đi nghe!

Cô bé lại nhoẻn miệng cười, lí nhí tiếng cám ơn, rồi lui lên lề, nhường đường cho xe chúng tôi đi.

Tôi chẳng hiểu nếp, tẻ, mô, tê gì cả, nhưng không tiện hỏi.

Khi đã ngồi yên chỗ bên bàn ăn trong Quán Ngọc-Lan, Duyên mới nói nhỏ cho tụi tôi vừa đủ nghe,

– Có mấy lần về phố nhận tiếp tế, tui bắt gặp thằng Cheng và “cha nội đại úy học nghề” thậm thụt khu xóm Chùa. Hình như nhà cô bé này cũng ở gần đâu đó. Ðể chiều nay về, tôi khảo thằng Cheng là rõ ngay.

Sáng ngày kế đó, lúc xách nước cho tôi rửa mặt, Hạ sĩ Nguyễn Lác cười hì hì,

– Thằng Cheng nó đổi tên là Chân, lên làm thiếu úy đại đội phó cho ông đại úy đại đội trưởng Ðại Ðội 1 cả tháng nay. Tất cả bà con trong xóm Bàn Ðèn Thuốc Phiện sau chùa Phật Giáo, ai cũng biết. Chỉ có các ông thầy Ðại Ðội 1 là không rõ đó thôi!

Tôi chợt vỡ lẽ ra, hiểu chuyện, bật cười.

Binh nhì Triệu Cheng, anh em thường gọi đùa là “Triệu Ðại Gia” vốn là cháu đích tôn của ông chủ hãng nhôm Triệu-Ðà trong Chợ-Lớn.

Trung úy Long và Trung sĩ Tánh (1968 tại Đức Trọng, Đà-Lạt)

Vào một đêm mưa buồn giăng giăng, sau Tết Mậu – Thân, điếu thuốc gắn trên môi, “Triệu Công Tử” đang lang thang trên phố vắng không đèn thì bị Tuần Cảnh Biệt-Khu Thủ-Ðô chận đường. Cheng bị tóm cổ, thảy lên xe, đưa về Trung-Tâm Quản-Trị Trung-Ương. Binh nhì Triệu Cheng có mặt ở Ðại Ðội 1/11 trước ngày tôi xuất viện trở về chỉ huy đơn vị.

Mấy ngày sau, Ðại Ðội 1 phải di chuyển bộ từ cầu Trắng lên sân vận động, chờ trực thăng vào vùng. Vì có lệnh di chuyển gấp, Triệu Cheng không kịp đút cái nồi nấu cơm của anh vào trong bao cát. Cái nồi nấu cơm của thầy trò anh được móc vội trên ba lô. Cái nồi đen đong đưa theo bước chân Cheng…

Ðoàn quân đi qua xóm Chùa, dân chúng túa ra đường vẫy tay.

Xe Jeep của đại đội dừng lại trước Cà Phê Duyên. Tôi bước xuống đứng bên đường, chờ tài xế Châu Minh Ðạt chạy đi mua mấy ổ bánh mì.

Tôi nghe nhiều tiếng gọi,

– Anh Chân ơi! Anh Chân ơi!

– Thiếu úy Chân! Thiếu úy Chân! Vào nhà bác nghỉ mệt một lúc rồi đi tiếp.

Ði trong hàng quân, Triệu Cheng nhe răng cười. Anh đưa tay khoát khoát, chối từ những lời mời chào.

Anh giở nón sắt ra, cầm tay. Cặp kiếng mát Ray-Ban thật xứng với khuôn mặt thư sinh trắng trẻo hồng hào. Trong bộ tác chiến rằn ri, trông anh đẹp trai như một nam siêu sao trong phim cao bồi màn bạc Mỹ.

Những em bé đứng bên đường, có lẽ quen anh, trầm trồ kháo nhau,

– Ông thiếu úy mà cũng vác nồi đi hành quân. Ông thiếu úy bình dân quá, chịu chơi quá tụi mày ơi!

Khẩu M16 đeo vai, ba lô trên vai, Triệu Cheng vẫn bước khoan thai. Cái nồi nhôm đen, đeo bên hông ba lô, đung đưa theo nhịp bước anh đi.

Tôi nghĩ, trong số những bàn tay vẫy vẫy tiễn đưa đoàn hùng binh ra trận ngày hôm ấy, thế nào cũng có bàn tay của cô bé xóm Chùa, cô bé có hàm răng tuyệt đẹp.

Cũng từ hôm ấy, gia tài đại đội tôi có thêm giai thoại “Ông Thiếu úy Bình Dân”

o O o

Mùa Thu trên Cao Nguyên…

Mỗi lần Ðại Ðội 1/11 về Liên-Khương thì cái lều vải của tôi lại được căng trước sân tư gia của ông chủ xưởng cưa Ðức-Trọng.

Lần nào cũng vậy, vừa thấy mặt tôi, cô cháu gái của ông chủ đã mừng rỡ,

– Chào Trung úy mới “dìa”! Bác Ba ơi! Ông Trung úy Bắc Kỳ “dìa gồi” nè!

Giọng nói đặc sệt Hậu-Giang của cô bé, tôi không nghe quen, nên thấy ngộ.

Bà vợ ông chủ xưởng cưa kể chuyện lai lịch cái tên Thu Bình của cháu bà cũng hàm ý lịch sử. Mùa Thu năm 1954 Hiệp Ðịnh Paris được ký kết, chiến tranh Pháp Việt chấm dứt, Việt-Nam hòa bình. Cháu bà sinh ra vào cuối mùa Thu đất nước thanh bình, nên được đặt tên là Thu Bình.

Như vậy, phải hai, ba tháng nữa Thu Bình mới đủ mười bốn tuổi. Ấy thế mà anh thiếu úy đại đội phó cứ cắp đôi cô bé này cho tôi. Cái anh Ðặng Hữu Duyên này thực là vô duyên hết chỗ nói!

Anh ta còn lấy tên “Thu Bình” làm danh hiệu cho khẩu đội đại liên M60 của đại đội.
Trước đó, khẩu đội súng cối 60 ly của Binh nhứt Lê Văn Ngẫu đã bị anh Duyên khoác cho cái tên “Kim Cương”, vì ở Pleiku có một cô nữ sinh diễm kiều nhảy đầm rất giỏi tên là Kim Cương. Kim Cương và hai chị gái của cô đều thích Biệt Ðộng Quân. Sau này Kim Cương kết duyên với anh Hoàng Kinh Ngữ, Biệt Ðộng Quân thuộc Tiểu Ðoàn 23.

“Tình báo gia binh” sao mà thính tai đến thế! Chúng tôi chưa tổ chức hầm hố xong, bầu đoàn thê tử của Ðại Ðội 1/11 đã từ Ðà-Lạt ào xuống một xe cam nhông, đầy đàn bà và con nít. Các bà vợ lính đem con từ Pleiku xuống chờ chồng lĩnh lương.

Tôi nói với các ông trung đội trưởng tìm cách “du di” cho những quân nhân có gia đình đôi chút thời giờ để họ có thể chăm sóc vợ con.

Ông chủ xưởng cưa cho phép thân nhân của đơn vị tôi được sử dụng dãy nhà chứa ván, vỏ, làm nơi tạm trú.

Ðời Biệt Ðộng, sống nay, chết mai. Hạnh phúc của những gia đình Biệt Ðộng là cái hạnh phúc “được phút nào, hay phút nấy!” Có lẽ vì thế mà bất cứ hành quân nơi nào, dù xa hậu cứ Pleiku cách mấy, chỉ cần dừng lại đôi ngày gần nơi thị tứ, có đường xe đò, là vợ con binh sĩ tìm tới ngay.

Thân nhân binh sĩ trong đơn vị nhìn ông đại đội trưởng như người anh cả. Khi gia đình gặp cảnh khó khăn, họ không ngại ngùng đến nhờ tôi giúp đỡ. Anh chàng nào lạng quạng, có bồ, có bịch, hay cờ bạc, bê tha, bỏ thí vợ con là biết tay tôi ngay.

Các chị cũng hay áy náy về chuyện vợ con của ông đại đội trưởng.

Mỗi lần thấy bóng tôi đi ngang qua khu gia binh, các chị thường ân cần: “Trung úy cưới vợ cho có người tiếp tế lúc đi hành quân xa đi Trung úy ơi! Trung úy cứ kén chọn hoài! Tụi em chờ mãi chưa thấy Trung úy mời ăn xôi gấc!”

Những lúc đó, tôi chỉ cười trừ. Chẳng biết trả lời các chị ấy sao cả. Vì lấy vợ đâu phải là chuyện dễ? Lấy vợ mà giản dị như xung phong chiếm một ngọn đồi thì tôi đâu có còn độc thân cho tới hôm nay?

Nhà ông chủ xưởng cưa có cái máy lạnh chạy bằng đèn dầu lửa. Binh nhứt Trung thường gửi bia lạnh của tôi trong tủ lạnh này. Tôi và ông chủ xưởng cưa thường ngồi đối ẩm nói chuyện đời vào những chiều sương rơi.

Bãi cỏ bên kia Quốc lộ 20 là sân bốc của trực thăng.

Chúng tôi tập trung bên này đường, đội ngũ chỉnh tề. Càng trực thăng vừa chạm đất, chúng tôi đã ào sang, sẵn sàng leo lên. Cứ tám người một con tàu. Cứ bốn mươi người, một cánh quân. Có khi cánh quân của tôi bị thảy xuống cách cánh quân của Thiếu úy Duyên hàng chục cây số.

Chúng tôi vào vùng, rồi chuyển vùng xoành xoạch.

Mưa theo chân chúng tôi từ bãi đáp này, sang bãi đáp khác. Rừng già Cao Nguyên lạnh quanh năm. Ði rừng vào mùa mưa còn thêm nhiều nỗi khổ. Ðường trơn như tráng mỡ. Muỗi vắt đông vô kể.

Một sáng, đơn vị đang di chuyển trên đường voi thồ trên núi Voi thì tao ngộ chiến.

Hai bên mới bắn nhau vài băng AK, và M16, lính Trung Ðội 1 của Thượng sĩ Ngọ đã đè lên nhau, chạy thục mạng về phía sau. Thiếu úy Duyên đi đầu cùng Trung Ðội 1 cũng chạy bán sống bán chết.

Tới chỗ tôi, anh hổn hển,

– Thái Sơn! Chạy mau! Chạy mau!

Tôi dang hai tay, chặn đường, níu áo Duyên,

– Dừng lại! Dừng lại! Làm gì kỳ vậy?

Duyên giựt áo khỏi tay tôi, mặt tái mét, lắp bắp,

– O… o… ong!… Ong vò vẽ! Chạy mau! Chạy mau!

Duyên xô tôi một cái, rồi phóng đi, nhanh như bay.

Tôi và hai anh cố vấn Mỹ tụt lại sau cùng.

“Vo!… o… o… Vo!… o… o… Vo!..o… o…”

Cha mẹ ơi! Ðàn ong như một đám mây đen đặc đang ào ào kéo tới.

Những con ong hung hãn lao “vèo!… vèo!” như mưa rào xuống đầu ba đứa chúng tôi.

Run! run! run!… (Chạy! chạy! chạy!…)

Vừa la lên bằng tiếng Anh, tôi vừa co giò.

Hai tay tôi có găng da đi rừng, tôi xòe hai tay che cổ và mặt.

Những tiếng “đốp!…đốp!…đốp!” “độp!…độp!…độp!” liên tiếp nổ trên cái mũ đi rừng, làm tôi thót tim từng chặp. Tụi ong vò vẽ này đánh tàn bạo thiệt!

Tôi chợt nhớ ra hai quả khói đeo trên dây ba chạc, ngay ngực. Tôi cúi người xuống, dùng răng rút đại một cái chốt an toàn. Quả khói vàng bung mỏ vịt. Tôi chạy tới đâu khói vàng mịt mù tới đó. Tôi phải nín thở, nếu không, tôi có thể chết ngộp chứ không phải chơi.

Tôi chạy tới khi quả lựu đạn khói vàng hết xịt khói thì dừng lại. Ðàn ong cũng không còn truy kích nữa.

Tôi la lớn,

– Anh Duyên ơi! Bác Ngọ ơi! Cho đại đội dừng lại. Bố trí kiểm quân!

Ðại đội nhanh chóng vào đội hình. Trong đội hình đó, tôi nổi bật lên, sáng choang. Từ đầu chí chân, toàn thân tôi nhuộm khói vàng. Ði trong rừng mà ngụy trang kiểu này thì thằng địch, dù bị thong manh, cũng tác xạ trúng mình cái tróc!

Kiểm quân xong, chỉ thiếu có một anh Trung sĩ cố vấn Mỹ da đen. Chuyến hành quân này, toán cố vấn Mỹ chỉ có một hạ sĩ quan và một binh sĩ truyền tin, không có sĩ quan đi theo đơn vị tôi.

Có ba anh lính của đại đội chậm chân, bị ong đánh cho khờ khạo, phải đi cà lết. Anh Mỹ trắng chạy sau lưng tôi cũng bị ong “chơi” cho năm bảy mũi. Cũng may, anh ta có cặp chân dài, vừa phóng lên, anh ta đã bỏ tôi lại đằng sau. Cái ba lô của anh, đựng chiếc PRC 25 bị ghim đầy xác ong. Ong chích xong, là chết bỏ xác. Loài ong này thiệt là anh hùng!

Tôi cũng bị ong đánh một phát trúng gáy. Chỉ một phát thôi cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xương sống gây gây như muốn lên cơn sốt.

Tôi ra lệnh cho đại đội dò dẫm trở lại trận địa. Lựu đạn khói đi trước, quân ta tiến theo sau.

Anh Trung sĩ cố vấn Mỹ da đen, to như một con bò, nằm một đống giữa đường. Anh chàng vừa rên hừ hừ vừa co giựt chân tay. Anh cố vấn đang lên cơn sốt. Anh đau đớn, lăn lộn, vật vã. Tôi gọi y tá đại đội lên “lụi” cho anh ta một mũi Peniciline.

Chúng tôi tiến tới vị trí chạm súng. Một cái nón cối vỡ nằm trỏng trơ trong vũng máu giữa đường. Những con ong đen đang chui rúc trong bãi óc và máu trên thi thể tên Việt-Cộng. Hắn bị trúng nhiều vết đạn trên người.

Trên mặt đường voi đi, hai khẩu AK nằm cách nhau không xa, có vài vỏ đạn AK vương vãi đây đó.

Hạ sĩ Nghết, người khinh binh đi đầu đơn vị nói,

– Vừa tới khúc quanh, tui nghe tiếng người nói chuyện phiá trước, tui đưa súng lên, bóp cò liền. Tụi nó có bắn lại. Tụi nó bắn lên trời.

Ông Nghết hạ được một tên tại trận. Tên thứ nhì vứt súng, nhào vào bụi. Nó đạp sập một ổ ong vò vẽ. Vò vẽ phản công, đuổi Ðại Ðội 1/11 chạy vắt giò lên cổ.

Tôi cho một trung đội lục soát quanh triền đồi. Tên Việt-Cộng thứ nhì nằm chết cách ổ ong chừng hai chục mét về hướng suối. Hắn bị thương ở ngực và đã chết trên đường thoát thân.

Tôi cho người võng anh Trung sĩ Mỹ đen đi theo đại đội. Chúng tôi tìm hướng chui ra một bãi cỏ tranh.

Tôi gọi tiểu đoàn cho trực thăng tản thương. Ba anh lính Biệt Ðộng Quân Việt-Nam và hai anh cố vấn Mỹ mặt mày sưng vù, miệng rên ư ử, run lập cập, theo nhau leo lên tàu về Ðà-Lạt.

'

Sau lần hành quân này, tiểu đoàn được cho nghỉ dưỡng quân vài ngày trong thị xã Ðà-Lạt.

Ðại đội tôi đóng quân trên ngọn đồi nơi đầu đường dẫn vào thành phố.

Chỉ cần một buổi là xong việc tái tiếp tế, tái trang bị. Bốn chàng sĩ quan của Ðại Ðội 1/11 lại leo lên lưng con tuấn mã mang số 103472, rồ ga.

Chiếc Jeep mui trần nhong nhong khắp nơi, từ Phở Ðắc-Tín, qua Cà Phê Tùng, tới Phở Bằng, lên Rạp Ngọc-Lan, xuống Rạp Diên-Hồng, vào cư xá sinh viên đại học, rồi cuối cùng, về “diễn binh” quanh khu Chợ Hòa-Bình.

Những cánh phượng vỹ cuối mùa phủ đầy con đường thơ mộng bên bờ hồ Xuân Hương. Ðó đây, từng cặp, dập dìu, nam thanh, nữ tú. Những bước chân vô tình đạp trên xác hoa. Tôi thấy trong số những anh kép đang cặp tay người đẹp, đi loanh quanh, hết lên đồi, xuống dốc, lại xuống dốc, lên đồi, có vài ba anh rằn ri, nón nâu…

Hình như sau Tết Mậu-Thân, dân chúng Ðà-Lạt hết ghét bỏ Biệt Ðộng Quân rồi? Xe qua phố nào, tôi cũng thấy những bàn tay vẫy, những nụ cười.

Xe tấp vào lề, đậu bên tam cấp dẫn xuống chợ. Thiếu úy Duyên trao tay lái cho tài xế. Bốn chúng tôi tà tà lượn một vòng quanh bùng binh, ngắm những bóng hồng từ Sài Gòn lên. Chợ hoa rực rỡ muôn mầu. Bên đường, nhiều xe du lịch đậu nối đuôi nhau.

Tôi vừa định kéo ba ông bạn chui vào Cà Phê Tùng, thì một ông rằn ri già đứng bên đường la oang oang,

– Các cha nội về đơn vị đi hành quân gấp! Các cha nội ơi!

Người vừa kêu réo chúng tôi bỏ thành phố để vào rừng là ông Ðại úy Voòng Lập Dzếnh, tiểu đoàn phó.

Hôm ấy là Chủ Nhựt, Chủ Nhựt mà cũng không được nghỉ. Ðời Biệt Ðộng, suốt tuần lễ, ngày nào cũng là…Thứ Hai.

Chúng tôi trở lại chỗ đậu xe. Xe đi đâu mất rồi?

Bà già bán chuối chiên bên đường nói với tôi,

– Xe của Trung úy bị Quân Cảnh kéo về Quân Trấn rồi!

Bà có thấy chú tài xế đâu không?

– Cậu ấy bỏ xe đi mua cái gì đó, lúc quay trở lại thì xe đã bị kéo mất. Cậu ta sợ quá nhờ một anh đi xe gắn máy chở đi tìm xe rồi.

Một chiếc Jeep Biệt Ðộng Quân xuất hiện; tôi nhờ quá giang lên Văn Phòng Quân Trấn.

Quân Trấn Ðà -Lạt nằm trong một khách sạn nhìn ra Hồ Xuân Hương. Chuẩn tướng Tư Lệnh Task Force South hiện nay kiêm nhiệm luôn chức vụ Quân Trấn Trưởng Ðà-Lạt.

Một ông Trung úy Quân Cảnh đã tiếp tôi tại phòng trực nơi tầng dưới cùng.

Tôi hỏi ông trung úy rằng, Quân Cảnh có giam chiếc Jeep 103472 Biệt Ðộng Quân của tôi không?

Ông ta chỉ tay về phía bãi đậu xe, cả chục chiếc Jeep đậu sát nhau. Chiếc 103472 mui trần của tôi nằm phía ngoài cùng.Trên xe còn khẩu M 16 của tài xế cùng cái máy PRC25.

– Xe của Trung úy chở máy móc, vũ khí mà đậu khơi khơi giữa chợ, không có người canh gác, nên chúng tôi kéo về giam ở đây.

– Trung úy cho tôi biết thủ tục nhận lại xe ra làm sao được không?

– Thường thì những xe bị kéo về đây chỉ được trả về đơn vị sau một tuần lễ. Chủ xe bị ký củ, tài xế bị nhốt trong phòng kỷ luật, chỉ được tha vào ngày xe được thả ra. Thiếu tướng Quân Trấn Trưởng ra lệnh, cứ xe nào đậu trong phố không có tài xế, hoặc xe chở đàn bà trên ghế trưởng xa là tóm ngay. Chiếc Jeep đậu kế xe của Trung úy là xe của Trung tá Ry, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Tuyên Ðức đó! Xe của Trung tá Ry bị bắt lúc đang chở bà Ry đi chợ; bà Ry ngồi trên ghế trưởng xa.

Ông Ry thì tôi biết, vì ông ấy là thầy tôi. Năm tôi còn học trong trường thì ông Ry là Thiếu tá Trưởng Khoa Công Binh. Thiếu tá Ry đã dạy Khóa 20 chúng tôi kỹ thuật bắc cầu phao, lái xuồng đổ bộ, cách gài bẫy, gài mìn, tháo mìn, phá cống, phá cầu, chế tạo liều thuốc lõm chống chiến xa, phá lô cốt, hạ cây rừng, phá nòng đại bác…

Tôi nhủ lòng, để hôm nào rảnh, hành quân về nghỉ, tôi sẽ ghé thăm ông.

Tôi hỏi,

– Thằng tài xế của tôi đã tới đây, nó có gặp Trung úy không vậy?

– Anh ta đang bị nhốt trong phòng kỷ luật.

– Tôi muốn gặp nó. Anh cho tôi gặp nó đi.

Viên Trung úy dẫn tôi sang phòng bên. Phòng này là cái kho cũ dùng để chứa hàng và có cửa bằng song sắt. Khoảng mười cậu tài xế đang bị cấm túc ở đây. Giày của họ bị rút hết dây. Quân Cảnh sợ họ quẫn trí, dùng dây giày thắt cổ tự tử, nên bắt họ đi giày không dây. Thằng đồ đệ ruột Châu Minh Ðạt của tôi đang ngồi trò chuyện vui vẻ cùng những anh bạn “giày không dây” mới quen của nó. Thấy tôi, Ðạt vội chõ mồm qua song sắt:

– Ông thầy ơi! Em vừa vào tiệm mua được hai bao Lucky cho ông thầy, quay ra thì xe đã bị tụi nó kéo đi mất rồi. Tụi nó tống em vào đây để chờ ông thầy tới lãnh mới thả ra. Mấy thằng Quân Cảnh Ðà-Lạt này phách lối quá, để hôm nào tụi em lừa lừa, lụi cho tụi nó vài dao, cho biết đời.

Tôi nạt:

– Im đi!

Rồi quay sang anh Trung úy Quân Cảnh tôi nói:

– Anh trả dây giày cho nó. Tôi lãnh nó ra.

– Không có lệnh của Thiếu tướng, tôi không thả anh ta ra được.

– Anh dẫn tôi lên gặp Chuẩn tướng.

Hình như lúc đó mặt tôi “ngầu” lắm hay sao mà khiến anh Quân Cảnh cuống quít:

– Ðể tôi lên trình.

Anh ta chạy nhanh lên lầu rồi xuống ngay:

– Thiếu tướng nói, lính gì thì lính, vi phạm kỷ luật thì thọ phạt đủ ngày mới thả.

– Vậy thì anh lên trình với Chuẩn tướng rằng nếu không thả xe, thả người, ngày mai tôi sẽ không đi hành quân nữa. Tôi sẽ dẫn đại đội tới đây, vào phòng kỷ luật ngồi cho đủ một tuần lễ mới ra.

Trên lầu có tiếng người vọng xuống:

– Dưới đó có chuyện gì mà ồn ào thế?

– Thưa Thiếu tướng! Có một anh Trung úy Biệt Ðộng Quân đang làm loạn ở dưới này. Anh ta cứ đòi gặp mặt Thiếu tướng, cứ đòi lãnh tài xế và xe ra.

– Cho nó lên đây!

Tôi vừa dợm chân định chạy lên gác, thì anh Quân Cảnh níu tay:

– Anh để lại khẩu Colt trên giá súng kia, đi lên người không. Có lệnh cấm mang vũ khí vào phòng Tư Lệnh.

Tôi vứt cái dây ba chạc xuống đầu cầu thang rồi phóng lên lầu.

Vừa ló đầu vào phòng tôi đã nghe “Niên Trưởng” cười hì hì:

– Pháp bất vị thân! Ngày mai chú mi tới Quân Trấn thọ phạt một tuần. Hết một tuần mới được tha.

Tôi tưởng niên trưởng nói thật, nên cũng lễ phép trả lời:

– Tuân lệnh!

Rồi tôi nhìn ông, thắc mắc:

– Mai đến phiên tôi nhảy đầu. Nếu không có tôi thì ai thay tôi chỉ huy hai Ðại Ðội 1 và 3?

– Ngồi xuống đi!

Tôi ngồi xuống cái ghế đặt trước bàn của niên trưởng Ân.

Niên trưởng của tôi chìa cho tôi xem một tờ giấy đánh máy, một bản viết bằng Anh Ngữ. Ðó là danh sách đề nghị ân thưởng huy chương Hoa-Kỳ cho những chiến sĩ hữu công trong chiến dịch, trên đó, tên tôi đứng đầu.

Niên trưởng của tôi gõ gõ cán bút xuống mặt bàn, rồi nhìn tôi, thật ôn tồn:

Sĩ Quan Võ-Bị, cũng như Thiếu Sinh Quân, là những người đã chấp nhận một đời theo nghề lính. Ðã là một người lính nhà nghề, thì trước hết phải yêu nghề. Ðã là một sĩ quan thì đương nhiên là một cấp chỉ huy. Một cấp chỉ huy hoàn hảo phải hội đủ những đức tính cần thiết của một người chỉ huy đó là: Can trường, thao lược, liêm khiết, và nhân ái. Những đức tính can trường, thao lược, và liêm khiết là tự mình, do mình. Còn đức nhân ái lại liên hệ tới người khác, nhất là với thuộc cấp. Nhớ đừng bao giờ bỏ rơi thuộc cấp. Ðừng bao giờ bỏ rơi anh em. Nếu thuộc cấp phạm lỗi, hãy tha thứ cho họ, một lần, hai lần, thế nào họ cũng đổi thay. Quân đội là một tập thể quy tụ hàng trăm thành phần. Do đó, có lúc mình phải duy trì kỷ cương bằng kỷ luật và mệnh lệnh. Nhưng cũng có lúc chúng ta phải chỉ huy bằng tình thương từ trái tim. Cái khó là làm sao biết được, lúc nào nên chỉ huy bằng khối óc, lúc nào nên chỉ huy bằng trái tim. Ông liên đoàn trưởng của chú đã kể cho anh nghe đầy đủ về lý lịch và thành tích của chú. Rồi qua những lần tiếp xúc, anh cũng biết tính khí và khả năng của chú rồi. Ðừng nản lòng, hãy cố gắng lên, vàng ròng không ngại lửa. Chú có hiểu ý anh không?

– Vâng! Tôi hiểu ý niên trưởng rồi. Cám ơn niên trưởng về những lời khuyên vừa rồi.

Thì ra ông niên trưởng này đã được báo biết chuyện tôi bị lao đao như thế nào sau Vụ Phật Giáo Miền Trung năm 1966. Ông đã biết chuyện tôi bị bóc lon, bị giáng cấp xuống trung sĩ, rồi được phục hồi, nhưng vẫn bị treo lon vì tội đi theo Tướng Nguyễn Chánh Thi làm đảo chánh…

Hôm đó tôi còn được ngồi nghe ông kể vài chuyện liên quan tới đời lính của ông. Kỷ niệm thời Thiếu Sinh Quân, kỷ niệm thời Nhảy Dù, mỗi chuyện ông kể, là một bài học cho tôi nhớ mà áp dụng sau này.

Chiều đó, anh Trung úy Quân Cảnh trố mắt, ngạc nhiên khi thấy ông Tướng Quân Trấn Trưởng đích thân tiễn chân một Trung úy cắc ké của Biệt Ðộng Quân ra tận xe. Rồi ông Tướng còn đứng lặng nhìn theo bóng chiếc xe mang số 103472 càng lúc càng xa dần.

Ngày hôm sau…

Chúng tôi chạm địch trong rừng thông cách thác Prenn tám cây số về hướng Tây. Ðịch hai chết, ta một bị thương là Binh nhứt Nguyễn Văn Phong thuộc Trung Ðội 3.

Sương mù dày quá, trực thăng không tìm ra đám khói vàng đánh dấu bãi đáp để bốc thương binh. Chúng tôi đành leo lên cao điểm 1710 để qua đêm.

Người lính bị thương nằm trên võng, bên đống lửa. Viên đạn súng trường bá đỏ bắn trúng đùi, nằm trong bắp thịt vừa chạm xương. Một ống quần của anh đã bị quân y xẻ dọc để tiện băng bó. Y tá đại đội đã làm “ga-rô” nơi phía trên của vết thương. Tôi thấy đùi anh như đang sưng tấy lên.

Tôi nhẹ lay đầu võng của Phong,

– Chú thấy trong người ra sao?

– Em khỏe mà! Thái Sơn đừng lo.

– Chú cố gắng chịu đau qua đêm. Sáng mai anh xin trực thăng đưa chú về Ðà-Lạt.

– Khuya rồi! Ông thầy đi ngủ đi! Lấy sức. Mai ông thầy còn phải lội nữa mà!

Tôi đưa ca cà phê nóng cho Phong:

– Chú uống cho khỏe.

– Cám ơn Thái Sơn!

Sau một hớp cà phê, Phong bắt đầu tâm sự:

– Ngày Mùng Một Tết, Trung úy bị thương nặng, tụi em lo quá! Tụi em chưa kịp vào nhà thương thăm trung úy, thì đại đội đã bị đưa lên Ðà-Lạt đánh nhau. Tụi em chờ mãi không thấy trung úy trở về. Có người còn đưa tin rằng trung úy đã ra loại 2, không trở lại đơn vị tác chiến nữa. Tới khi ông Trung úy Lương về chỉ huy đại đội thì tụi em tin chắc là trung úy đã đi luôn rồi. Tụi em buồn quá, bàn nhau sẽ leo xe đò về Sài-Gòn đào ngũ.

Hôm tiểu đoàn chấm dứt hành quân vùng Ðơn Dương rút về nghỉ trong đồn điền Michelin, em với thằng Ðạt đã thay “civil”, chui lên núp dưới sàn xe be chở cây. Dự trù tới Phương-Lâm thì nhảy xuống, chuyển sang xe Lamb về Hố Nai. Nhà bác em ở Hố-Nai. Ðâu ngờ, lúc xe be đi ngang cổng trường Nông Lâm Súc, Blao, em thấy trung úy đang đứng nói chuyện với đại úy tiểu đoàn trưởng, em nghĩ trung úy đã xuất viện, về lại đại đội, nên em và Ðạt nhảy xuống xe, bỏ ý đào ngũ.

Phong chợt cười khì:

– Nếu hôm đó em không nhìn thấy trung úy thì bây giờ em đã ở nhà, lấy tên cũ, khai sinh cũ, đi học lại lâu rồi, đâu có bị thương gãy chân nằm đây!

Phong bóp bóp bàn tay tôi mấy cái, rồi nghẹn ngào:

– Trung úy có nhớ ngày đại đội mình leo Ngô-Sơn không? Ngày đó trung úy giúp em, vác thùng đạn đại liên 30 và khẩu Garant lên núi…

– Ừ! Nhớ!

Ngày đó…

Có một chú bé mặc rằn ri ngồi khóc bên tảng đá lớn nơi triền núi.

Ngọn núi vừa cao, vừa dốc.

Ông đại đội trưởng leo tới chỗ cậu bé:

– Sao ngồi khóc đây?

– Trình trung úy em mệt lắm “gồi”! Thùng đạn nặng quá, em vác “hổng” nổi.

– Rồi! Ðưa cây Garant đây! Ðưa thùng đạn đây! Chút nữa lên tới đỉnh, nhớ đến ban chỉ huy đại đội để nhận lại.

Khẩu Garant cao gần bằng thằng bé. Còn thùng đạn này là một trong bốn thùng đạn tăng cường cho khẩu đội đại liên, được giao cho trung đội trực, đang di chuyển cùng ban chỉ huy đại đội.

Tôi đã quàng vai khẩu Garant M1, xách thêm thùng đạn đại liên leo lên núi. Chú bé giờ đó chỉ còn cái ba lô nhẹ tênh trên vai. Nhưng chú vẫn vừa đi, vừa khóc rấm rứt không thôi.

Khi cậu bé tới nhận lại súng đạn, tôi hỏi:

– Này nhỏ! Tên gì? Mấy tuổi rồi?

– Trình Trung úy, em là Nguyễn Ðăng Phong, em mười sáu. Em lấy khai sanh giả, mang tên Nguyễn Văn Phong, tăng hai tuổi, tình nguyện đăng lính Biệt Ðộng Quân.

Tôi biết và nhớ tên của nhỏ này từ ngày đó. Bây giờ nó đã cao lớn, mập mạnh hơn nhiều, so với ngày nó mới về đơn vị. Nó đã lên binh nhứt và có vẻ chững chạc lắm. Khi nói chuyện, nó cũng bỏ bớt những tiếng “gồi”, “hổng”, mà thay vào đó là “rồi”, “không”…

Tôi vỗ nhẹ lên vai Phong, mồi cho anh một điếu thuốc, rồi lên võng.

Nửa đêm, nghe tiếng rên, tôi lại chui vào lều y tá Ðức:

– Gì đó Ðức?

– Trình Trung úy. Vết thương làm độc. Thằng Phong đang lên cơn. Nó bị sốt mê man, ngất đi hoài.

Nghe tiếng tôi, Phong giơ tay:

– Trung úy cho em nhờ chút!

Tôi nhích lại đầu võng của Phong.

Phong đưa cho tôi cái bóp của anh:

– Ðây là giấy tờ và lá thư em mới viết hôm qua. Nếu em chết trước khi trực thăng tới. Em nhờ Trung úy gửi giùm cho tía má em.

– Ðừng nói gở! Gắng chút nữa trời sáng, có máy bay, vài phút là về tới Ðà-Lạt.

Phong ngước mặt nhìn tôi, dưới ánh lửa, tôi thấy nước mắt nó giàn giụa:

– Trung úy! Em thấy ngực nặng như chì, khó thở lắm rồi. Em không biết nói gì để tỏ lòng yêu quý của em đối với Trung úy. Trung úy… đừng quên em nhé!

– Ừ! Không quên! Anh không quên chú đâu…

Bên bếp lửa chập chùng, tôi ngồi bó gối nơi đầu võng của người thương binh đàn em. Ðêm dài như không muốn sáng. Lúc tỉnh, lúc mê, khi gà rừng eo óc gáy, Binh nhứt Nguyễn Văn Phong không tỉnh lại nữa.

Tôi cầm tay thằng em, tay nó đã lạnh giá.

Tôi vuốt mái tóc cho thằng em:

– Ừ! Không quên! Anh không quên chú đâu…

o O o

Đám tang Chuẩn Tướng Trương Quang Ân và Phu Nhân

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2019/05/nien-truong-truong-quang-an5_damtang.jpg

Tháng Chín ngậm ngùi…

Lại một cuộc hành quân chấm dứt, chúng tôi rời Ban Mê-Thuộc vào buổi chiều.

Pháo binh Hoa-Kỳ được cơ giới vận chuyển, còn đại đội tôi phải đi bằng chân. Tối mò chúng tôi mới tới làng Klong A bên Quốc lộ 20. Vì sân nhà nào cũng đầy phân trâu, phân bò, nên tôi đành đóng quân qua đêm trên một gò đất bên đường. Mười giờ sáng hôm sau bốn chiếc GMC tới đón chúng tôi về phi trường Liên-Khương, nằm ứng chiến.

Chiều hôm ấy Trung tá Sâm ghé thăm và báo cho tôi một tin không vui:

– “Vợ chồng Anh Ðào vừa tử nạn trực thăng ở Ðức-Lập!”

Nghe tin này, tôi lặng người đi vài phút.

Tôi thấy hình như đôi mắt ông Sâm ướt lệ.

– “Tội nghiệp anh Ân!”

Giọng ông hơi run.

Tôi biết ông Sâm và ông Ân có mối quan hệ gì đó với nhau. Bề ngoài họ là thượng cấp, thuộc cấp. Nhưng bên trong, họ là bạn cùng trang lứa, thân thiết lắm. Trung tá Sâm là một cấp chỉ huy rất đặc biệt, mười người dưới quyền thì chín người sợ ông và ghét ông. Tôi là người ngoại lệ, lúc nào cũng được ông mến thương và thân thiết, chẳng biết vì sao?

Bốn mươi năm sau chiến tranh, có lần trò chuyện bằng điện thoại với Trung tá Chung Thanh Tòng, người từng làm phụ tá cho Trung tá Sâm một thời, tôi nghe anh Tòng cười hì hì:

– Ông Sâm khó thấy mồ! Làm phó cho ông ấy mà tôi cũng sợ ổng chết luôn. Ông Sâm chỉ nể có mình chú, thương có mình chú. Có lẽ tại chú vừa giỏi, vừa đứng đắn.

Có lẽ Trung tá Sâm đã giới thiệu tôi với Tướng Ân, nên tôi được ông Tướng này để ý tới cũng nên?

Trong thời gian hành quân dưới quyền Task Force South, vài anh bạn cùng khóa của tôi vừa thấy bóng dáng Anh Ðào đàng xa đã lo tìm đường lủi. Có anh đang lái xe lạng lạng quanh Hồ Xuân Hương, ngửng mặt lên, phát giác ra có cái đầu húi cua trên hiên lầu hai của Quân Trấn Ðà-Lạt thì lo mau mau vặn tay lái quẹo lên hướng Nha Ðịa Dư ngay. Có bạn đang hiên ngang, mũ giắt cầu vai, khoác tay đào dạo phố, bỗng thấy xe Quân Cảnh Sư Ðoàn 23 chạy trước, theo sau là chiếc Jeep với cái bảng đỏ một sao trắng, bèn giả đò cúi xuống cột lại dây giầy để giấu mặt.

Với Tướng Ân, rất có thể, sự ưu ái của ông dành cho tôi là một ngoại lệ. Còn với tôi thì, Tướng Trương Quang Ân mãi mãi là một người anh tuyệt vời.

Chính vì thế mà ngày đó, khi nghe tin Anh Ðào tử nạn đã có hai người khóc, đó là Trung Tá Sâm và tôi.

VML - K20
Seattle tháng Tư năm 2017

(nguồn: Trẻ Magazine)

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...