Tuesday, January 5, 2021

Từ và Chữ

 



Từ và Chữ
Chữ hay Từ?

Trần C. Trí

Nhiều lần trong những cuộc chuyện trò với bạn bè hay người quen, tôi thường nghe họ phàn nàn:

– “Dạo này ở hải ngoại tôi thấy có nhiều người dùng những từ trong nước nghe khó chịu quá!”

Những lúc ấy, tôi cười đáp lại:

– “Trong câu nói của anh/chị cũng có một chữ “trong nước”, đó là chữ “từ”!”

Thật vậy, cũng như những người ấy, tôi rất lấy làm khó chịu về những chữ “nhập cảng” từ bên Việt Nam qua. Tuy nhiên, chữ làm tôi khó chịu nhất chính là chữ “từ”.
Lâu nay, tôi vẫn suy nghĩ, tìm tòi trong kho tiếng Việt truyền thống của chúng ta xem có khi nào hay ở đâu chúng ta dùng chữ “từ” hay không. Hay là từ lúc những Việt cộng vào chiếm miền Nam, chúng ta mới bắt đầu nghe (và sau đó là dùng) chữ ấy.

Hai chữ “từ” và “chữ” đều là tiếng Hán-Việt. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ tiếng Hán để xem ngọn ngành ra sao đã. Xin phép cho tôi được “dài dòng văn tự” một chút khi tìm về đầu mối của hai chữ này.

Trước hết, chữ “từ” là phiên âm của chữ Hán 詞. Trước khi xét đến cách dịch trong tiếng Việt, chúng cũng nên xem qua cách dịch qua tiếng Anh của chữ này ra sao.

Tôi đã tra cứu một số từ điển Anh-Hoa và Hoa-Anh thì thấy họ dịch qua dịch lại một cách lòng vòng, lẩn quẩn. Tra từ điển Hoa-Anh, tôi thấy chữ 詞 có hai nghĩa chính trong tiếng Anh là ‘word’ và ‘phrase’. Nhưng nếu tra ngược dùng từ điển Anh-Hoa, tôi lại thấy chữ ‘word’ tương đương với chữ 字 (tự) trong tiếng Hán. Khi tra từ điển Hán-Việt, ta sẽ thấy 字 (tự) có nghĩa là ‘chữ’ hay ‘chữ cái’, trong khi 詞 lại là ‘nhóm chữ’!

Ngoài việc tra cứu trong sách vở, tôi còn tìm thêm cách khác qua thực tế. Cách đây không lâu, trong một lớp tiếng Tây Ban Nha của tôi có cô học trò người Hoa. Trong giờ nghỉ ngơi, tôi hỏi cô ta về hai chữ 詞 và 字.
Tôi viết lên bảng chữ Tây Ban Nha ‘mesa’ (có nghĩa là ‘cái bàn’) và nhóm chữ ‘en la mesa’ (có nghĩa là ‘trên bàn’).
Đoạn tôi hỏi cô ta gọi danh từ: ‘mesa’ và câu: ‘en la mesa’ bằng những tên văn phạm gì trong tiếng Quan Thoại.

Tôi thấy cô ta cũng khá lúng túng.
Suy nghĩ một hồi, cô bảo:

– Đối với ‘chữ viết’ (‘written word’) thì cô dùng chữ 字 (cũng như chúng ta thường nghe những người Hoa nói tiếng Quảng Đông nói ‘xẻ chì’ 寫 字, có nghĩa là ‘viết chữ’).

Còn nói đến ‘chữ nói’ (‘spoken word’) thì cô dùng cả hai chữ 詞 và 字!

Tuy nhiên, đối với câu (‘phrase’) ‘en la mesa’ (mà ở Việt Nam gọi là ‘cụm từ’! thật ra là "câu"), cô bảo chỉ có một cách gọi là 詞 mà thôi.

Chú ý:
‘cụm từ’! thật ra là "câu". Thí dụ:
Việt Nam hai 'câu nói' sau cùng khi lìa đời.

chứ Phạm Duy không viết:

Việt Nam hai "cụm từ" sau cùng khi lìa đời.

Tổng hợp lại những gì đã tra cứu qua từ điển và lời giải thích của cô học trò người Hoa, tạm thời tôi ghi nhận những nghĩa chính của hai chữ 字 và 詞 như sau:

Chữ Hán

Âm Hán-Việt

Âm Việt

Nghĩa tiếng Anh

Nghĩa tiếng Việt



từ

từ

word; phrase

chữ; nhóm chữ



tự

chữ

word; character; letter

chữ; chữ cái

Thật là rắc rối! Tại sao hai 'chữ Hán' này lại vừa đồng nghĩa vừa khác nghĩa như vậy?

■ Tiếng Hán dùng loại văn tự gọi là tượng hình (‘pictographic’ hay ‘logographic’) và tượng ý (‘ideographic’),

■ Khác với tiếng Việt chúng ta ngày nay dùng hệ thống chữ cái (‘alphabetic’).


Trong khi:
•→ một chữ tiếng Việt (‘word’) được phân tích ra thành nhiều chữ cái (‘letter’).

Thì,
•→ một chữ của tiếng Hán (trong tiếng Anh vừa gọi là ‘word’ = 詞, mà cũng gọi là ‘character’ = 字) được phân tích ra thành nhiều nét (筆 ‘stroke’).

Chính từ hai khái niệm khác nhau của hai loại văn tự trong tiếng Hán và tiếng Việt mà nảy sinh ra sự mơ hồ về ý nghĩa của hai chữ 詞 và tự 字, khi du nhập vào tiếng Việt.

Nói cách khác, hai chữ này có thể đồng nghĩa trong tiếng Hán, nhưng khi vào tiếng Việt, thì hai chữ này chúng có thể vừa là đồng nghĩa, vừa có nghĩa tương phản!

► Người Tàu không có khái niệm “chữ” (có nghĩa là ‘letter’), mà chỉ có khái niệm “nét” (‘stroke’).

► Trong khi đó, người Việt chúng ta có khái niệm giống như người nói tiếng Anh hay tiếng Pháp về “chữ” (‘word’/‘mot’) và “chữ cái” (‘letter’/‘lettre’) vì cùng dùng chung bảng mẫu tự La-tinh.

Trong kho ngữ vựng của tôi (và của rất nhiều người khác) không có chữ “từ”. Tuy vậy, trong câu vừa rồi tôi lại có dùng chữ “từ vựng” lại có chứa chữ “từ”! Xin được giải thích điều này.

Chú ý:
* Trước 1975 gọi là ngữ vựng =vocabulary), chứ không gọi là "từ vựng" và
* Trước 1975, gọi là tĩnh từ (tĩnh dấu ngã).
chứ không gọi là "tính từ" (tính dấu sắc).
Tĩnh từ đối ngược với động từ để các em bậc tiểu học dễ phân biệt và dễ hiểu.

Chữ “từ” trong tiếng Việt truyền thống không dùng riêng lẻ mà chỉ dùng trong những chữ kép.

Một số ví dụ khác ngoài chữ ‘từ vựng’ (chính ra chữ ‘từ vựng’ là chữ "ngữ vựng", sau 1975 bị Việt cộng 'cải cách') là ‘danh từ, động từ, phép tu từ, từ ngữ’, vân vân và vân vân.

Có người nói: Việt cộng mà "cải cách" cái gì thì cái đó sẽ "chết", sẽ mât mạng, và khi Việt cộng"trùng tu" cái gì thì cái đó sẽ "biến thể" hoặc Việt cộng "xây dựng", hay "phát triển" cái gì thì cái đó thành "lụn bại";. nhìn mọi việc sau khi họ cai quản đất nước thì thấy được.

Trong nhiều cuốn từ điển nổi tiếng, chữ ‘từ’ không được liệt kê riêng mà chỉ nằm chung với một số chữ khác như đã nêu trên dưới dạng chữ kép, hoặc có liệt kê riêng nhưng không có nghĩa là ‘chữ / word’. Điển hình là những cuốn từ điển sau đây:

§ Từ Điển Hán-Việt – Đào Duy Anh, Huế, 1932:

Từ 詞 Lời văn – Một thể văn Tàu – Loại chữ cũng gọi là từ (trang 333).

§ Hán Việt Từ Điển – Thiều Chửu, Hà Nội, 1942:

詞 từ:
1- lời văn

2- một lối văn để hát, như từ khúc 詞曲

3- các chữ dùng để giúp lời văn đều gọi là từ, như những chữ 兮, 只, v.v. (trang 616).

§ Việt-Anh Anh-Việt Từ Điển Thông Dụng – Nguyễn văn Khôn, Sài Gòn, 1967:
từ = Danh từ: Noun.
Động từ: Verb.
Diễn từ: Speech (trang 819).

Ngược lại, cũng trong cùng một từ điển của Nguyễn Văn Khôn đã dẫn ở trên, tác giả đã giải thích chữ “chữ” với nghĩa đầu tiên như sau:

'Chữ': một letter, word, character. Hay
'chữ': lettered, literate, well-read (trang 203).

Trong ấn bản bỏ túi Từ Điển Anh-Việt – English-Vietnamese Dictionary (1967, do nhà xuất bản Khai Trí in lần thứ tư), tác giả Nguyễn Văn Khôn đã giải thích chữ ‘word’ trong tiếng Anh là “chữ” chứ không phải là “từ” trong tiếng Việt:

Word = n. một tiếng, chữ, lời. Word for word translation: sự dịch từng chữ một. He doesn’t know a word of Latin: Nó không biết một chữ La-tin nào cả (trang 1727).

Trong năm nghĩa còn lại của chữ “word” ở trên, tuyệt nhiên không có nghĩa nào là “từ” cả.

Trong khi đó, trong cuốn Tự Điển Việt-Anh của Bùi Phụng do trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội xuất bản, (in lần thứ nhất vào năm 1977 và lần thứ hai vào năm 1986) ở miền bắc cộng sản, chữ “từ” đã nghiễm nhiên nằm riêng thành một mục, có ý nghĩa riêng, không cần phải kết hợp với chữ nào khác:

từ = word; vocabulary term; anh ấy biết ít từ his vocabulary was sparse; những từ kính trọng honorific words (trang 909).

Gần như cùng thời điểm đó ở Sài Gòn, cuốn Tân Đại Tự Điển Việt-Anh của giáo sư Nguyễn Văn Tạo được dự định phát hành vào tháng 5/1975 nhưng không thành. Tuy nhiên, bản thảo đã may mắn đem được ra nước ngoài và được nhà xuất bản Tân Văn in và phát hành vào năm 1986. Trong cuốn từ điển này, chữ “từ” hoàn toàn không được tác giả để riêng với ý nghĩa là ‘word’. Ông chỉ kể đến nó trong các chữ kép, bắt đầu từ trang 2095, như:
■ ‘từ nghĩa’ semantics,

■ ‘từ nguyên’ etymology,

■ ‘từ nhân’ man of letters, v.v.

Trong lúc chưa có đầy đủ tài liệu cho thấy chữ “từ” đã thâm nhập vào ngữ vựng của người miền Bắc một cách chính xác vào thời điểm nào trong giai đoạn chế độ cộng sản thành hình sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954, ta có thể chứng minh được rằng chữ “từ” chưa bao giờ được dùng bởi những cây bút miền Bắc trong Tự Lực Văn Đoàn.

Chúng ta hãy xem cuộc đối thoại của một người chồng nói với vợ dưới đây, trích trong tiểu thuyết “Gia Đình” (1936) của Khái Hưng (1896-1947):

… Viết cười:

– Nói dễ nghe nhỉ! Cứ một chữ “cũng tốt” mà người ta bỏ đi cho chữ “cũng”, cũng đủ khá, cũng đủ thăng!

Rồi chàng nói lảng, để xa hẳn câu chuyện người đàn bà:

– Mợ ạ, cụ tuần này lạ quá, đến hay có cái thói quen dùng chữ “cũng” - cũng tốt, cũng chăm, cũng thông minh. Có lẽ cụ không thạo tiếng An Nam, và cũng không hiểu cái tai hại của chữ “cũng” cụ dùng sai, cụ dùng không phải chỗ (trang 155).

Văn chương miền Bắc thời tiền chiến không đụng đến chữ “từ”. Văn chương miền Nam tự do lại càng không bao giờ có chữ “từ” lạ lẫm đó.
Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005), một nhà văn “trẻ” trong thập niên 60-70, là một trong những ví dụ điển hình qua truyện ngắn “Thư về Đường Sơn Cúc” (1972):

…Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi… thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.

Sau khi miền Bắc Việt cộng thôn tính miền Nam tự do vào tháng 4 năm 1975, dòng văn học tự do, nhân bản của miền Nam Việt Nam bắt đầu trải dài qua hải ngoại. Dòng văn học Việt Nam này bao gồm những cây bút đã thành danh từ trong nước và những cây bút mới. Trong số những người viết mới, có một người “không mới” trong giới khoa bảng ở miền Nam. Đó là Nguyễn Đức Lập (1945-2016), vốn là một luật sư ở Sài Gòn.

Qua đến Hoa Kỳ, ông mới bắt đầu cầm bút và trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học Việt hải ngoại. Câu hỏi đặt ra ở đây là nhà văn Nguyễn Đức Lập có bao giờ dùng đến chữ “từ” trong văn chương của ông không. Xin đọc một trích đoạn trong bài viết Tìm Nhân Tìm Ngãi của ông, đăng trong tạp chí Làng Văn số 102, tháng 9 năm 1993, dưới đây:

… Tìm vàng tìm bạc dễ tìm,
Tìm câu nhân ngãi khó tìm lắm anh.


Bạn thắc mắc rằng, tại sao trong câu hát không nói là “nhân nghĩa” mà lại nói là “nhân ngãi”?
Nói cho bạn nghe, đất nầy, hồi trước thuộc về xứ Đàng Trong. Trong số chín vị chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong, từ chúa Tiên Đoan quận công Nguyễn Hoàng tới Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, có một vị là chúa Nghĩa Hoằng quốc công Nguyễn Phúc Trăn. Bởi vậy, để kiêng tên Chúa, dân xứ Đàng Trong phải đọc trại chữ “nghĩa” thành chữ “ngãi”. Và cũng bởi vậy, Quảng Nghĩa mới thành Quảng Ngãi (trang 53).

Bài này tôi viết không nhằm đưa ra một quan điểm cá nhân, vì tôi tin chắc rằng có rất nhiều, rất nhiều người Việt khác cũng cùng quan điểm như tôi. Quan điểm này không phải là chủ quan mà có. Nó dựa vào cách sử dụng tiếng Việt truyền thống bắt nguồn từ xa xưa, từ lúc chữ Nôm bắt đầu được dùng để thay thế chữ Nho, cho đến thời chữ Quốc ngữ được lưu hành cho đến ngày nay. Quan điểm này cũng dựa vào nền giáo dục Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến tận những ngày cuối cùng của nền giáo dục đầy nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh đó, quan điểm này cũng được thành hình từ nền báo chí, văn chương, thi ca và âm nhạc Việt Nam suốt từ thời tiền chiến đến lúc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, và kéo dài ra đến hải ngoại ngày nay.

Để nói rõ hơn, quan điểm đó là như thế này:

– “Từ” (tương đương với tiếng Anh là ‘word’) chỉ dùng trong những chữ kép (danh từ, động từ, từ ngữ, từ vựng, v.v.)

– “Chữ” (tương đương với tiếng Anh cũng là ‘word’) có thể dùng độc lập. Ví dụ: “Chữ này nghĩa là gì?”, hay “Cô ấy rất thích chơi chữ!” (Tôi không tin rằng ngay cả những người thích dùng chữ “từ” lại có thể nói “Cô ấy rất thích chơi từ!”).

– “Chữ cái” (tương đương với tiếng Anh là ‘letter’) tất nhiên là các chữ a, b, c, v.v... trong bảng mẫu tự tiếng Việt. Nhiều khi chỉ nói là “chữ”.

Những người có quan điểm này, khi nói chuyện hằng ngày, có thể dùng chữ “chữ” cho cả hai nghĩa ‘word’ và ‘letter’ mà không sợ bị nhầm lẫn vì đã có văn cảnh xác định được ý nghĩa của nó. Thay vì phải nói dài dòng là “chữ cái a, chữ cái b, chữ cái c, v.v...” chúng ta chỉ cần nói “chữ a, chữ b, chữ c” là đã có thể hiểu được. Mặt khác, khi đặt câu hỏi “Chữ này nghĩa là gì?”, tất nhiên chữ “chữ” phải có nghĩa là ‘word’, chứ ‘letter’ thì làm sao có nghĩa được?

Những ai đã có dịp mài đũng quần trên ghế nhà trường thời Việt Nam Cộng Hòa chắc chưa bao giờ hỏi thầy cô câu này:

– “Thưa thầy/cô, ‘từ’này có nghĩa là gì ạ?”

Trong gia đình tôi (và rất nhiều gia đình nói tiếng Việt truyền thống) dứt khoát là không có chuyện nói những câu đại loại như “Tại sao con lại dùng ‘từ’ đó?” hay “Em không thích ‘từ’ này”.

Như vậy, cách dùng chữ “từ” riêng lẻ bắt nguồn từ ở đâu và vào lúc nào?

Không khó gì để tìm ra điều này. Nhìn vào sách báo, tự điển miền Bắc, từ thời đất nước còn chia đôi cho tới tận bây giờ (và cả miền Nam sau khi bị Việt cộng cưỡng chiếm), ta có thể thấy chữ “từ” nghiễm nhiên trở thành một chữ riêng. Chữ này, cùng với cơ man nào là những chữ Hán-Việt mới khác, đã ồ ạt du nhập kho từ vựng tiếng Việt từ cửa miệng của những cán bộ Trung cộng, hay do những người Việt con ông cháu cha du học hoặc đi công tác bên Tàu mang về.

Có lẽ phải làm riêng một cuốn tự điển Hán-Việt mới, dành cho những tiếng mới du nhập khi hai nhà nước cộng sản Hoa-Việt kề vai sát cánh với nhau suốt nhiều thập niên như:

“núi liền núi, sông liền sông.”
Mới đủ nói lên hiện trạng này.

Kể sơ qua một số chữ Hán-Việt mới ở trong nước thay thế chữ Hán-Việt truyền thống như:

• ‘đại sứ quán’ (thay vì ‘tòa đại sứ’),

• ‘hộ chiếu’ (thay vì ‘sổ thông hành’),

• ‘tác nghiệp’ (thay vì ‘hành nghề’),

• ‘doanh nhân’ (thay vì ‘thương gia’),

• ‘thương lái’ (thay vì ‘lái buôn’),

• ‘công nghiệp’ (thay vì ‘kỹ nghệ’),

• ‘công nghệ’ (thay vì ‘kỹ thuật’),

• ‘chức năng’ (thay vì ‘công dụng’),

• ‘đăng ký’ (thay vì ‘ghi danh’),

• ‘động viên’ (thay vì ‘khích lệ’ ‘khuyến khích’, ‘cổ võ’),

• ‘bức xúc’ (thay vì ‘uất ức’, ‘ấm ức’,‘tức giận’),

• ‘động cơ’ (thay vì ‘động lực’),

• ‘tham quan’ (thay vì ‘thăm viếng’),

• ‘cơ trưởng’ (thay vì ‘phi công trưởng’)…

Ôi thôi! Rõ ràng là phải cần tới một cuốn từ điển mới liệt kê cho xuể những chữ mới này. Độc đáo nữa là cách dùng chữ “từ” trong nhóm chữ “đài từ” trong giới điện ảnh và chuyển âm ở Việt Nam. “Đài từ” có nghĩa là kỹ thuật (hay nghệ thuật) đối thoại mà các diễn viên sử dụng trong khi đóng phim hoặc chuyển âm (mà trong nước gọi là ‘lồng tiếng’!).

Nói cho rõ hơn, chữ “từ” chưa bao giờ được chấp nhận trong tiếng Việt truyền thống. Điều này có thể chứng minh một cách rạch ròi qua lịch sử ngôn ngữ, văn hóa, văn học và nghệ thuật của chúng ta cho đến ngày phần còn lại của đất nước rơi vào tay những người cộng sản.

Từ thời xa xưa đến cuối thế kỷ thứ XIV, khi tiếng Việt chưa có văn tự riêng, chuyện tranh cãi giữa “từ” và “chữ” không thành vấn đề. Lý do đơn giản là trong thời kỳ đó người Việt dùng chữ Nho, nên chuyện muốn gọi chữ của người Tàu là “từ” hay “chữ” cũng không phải là chuyện của mình.

Sang đến thế kỷ thứ XV, chữ Nôm bắt đầu được giới thiệu với người Việt. Nội cái tên “Chữ Nôm” cũng đủ nói lên khái niệm “chữ” đối với người Việt là như thế nào. Chữ Nôm dựa vào chữ Hán, mỗi đơn vị viết là một “chữ”, tương đương với tiếng Anh là ‘character’ hay ‘word’. Như vậy, mỗi chữ Nôm là một “chữ”, có nghĩa là ‘word’ chứ không phải là ‘letter’.

Nếu mỗi chữ Nôm gọi là một “từ” thì tên gọi của văn tự này phải là “từ Nôm”! Ví dụ như chữ Nôm 頭 (đọc là ‘đầu’) phải là một “chữ” trong hệ thống chữ Nôm, không phải là một “từ”, như chính những học giả sáng tạo ra hệ thống chữ viết này đã ấn định như vậy.

Trong văn học cổ điển Việt Nam, Kim Vân Kiều (thế kỷ XIX) là một trong những tác phẩm đầu tiên dùng chữ Nôm. Trong đại tác phẩm này, chúng ta có thể tìm ra hàng chục câu thơ có chứa chữ “chữ”, tất nhiên là với nghĩa ‘word’ chứ không thể nào là ‘letter’, vì vào thời đó, khi chữ Quốc ngữ vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chắc cụ Nguyễn Du (1765-1820) chưa biết chữ a, b, c là cái chi chi. Chẳng hạn như với câu:

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Tại sao Cụ lại không viết:
“Từ tâm kia mới bằng ba từ tài”?

Nghe tức cười và ngây ngô quá!

Đây cũng là một ví dụ để chúng ta suy nghĩ.

Chữ “từ” khi đi với một chữ khác (nhưng không phải là trong một chữ kép (hay ghép), rất nhiều khi gây ra hiểu lầm.
‘Từ tâm’ nghĩa là ‘chữ tâm’, ‘từ trong tim mà ra’ hay là ‘tốt bụng’?

‘Từ đó’ có nghĩa là ‘that word’ hay ‘ever since’?

Cao Bá Quát (1809-1855) là một thi sĩ nổi tiếng trong văn học sử, làm thơ bằng cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Ông cũng là một người kiêu ngạo có một không hai. Tương truyền rằng có lần ông tuyên bố như sau:

“Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi giữ hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn bồ phân phát cho thiên hạ.” Trong thời của Cao Bá Quát, tuy chữ Quốc Ngữ đã được hình thành, phải đến gần cả thập niên sau khi ông mất mới được chính quyền thực dân khuyến khích sử dụng. Vì thế, ta có thể nói rằng Cao Bá Quát dùng chữ “chữ” không với nghĩa là a, b, c vì ông chưa dùng tới chữ Quốc ngữ. Vả lại nếu “chữ” có nghĩa là a, b, c thì đâu cần tới bốn cái bồ chỉ để đựng 29 chữ cái trong tiếng Việt?

Sau này, khi chữ Quốc Ngữ đã khá phổ thông, có một bài thơ ái quốc theo thể loại song thất lục bát nổi tiếng của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), viết bằng chữ Quốc Ngữ vào năm 1926, với tựa đề là “Hai Chữ Nước Nhà”.
Thi sĩ là một nhà Nho học, sống trong buổi giao thời Hán học và tây học, tại sao ông không dùng chữ Hán-Việt để đặt tựa đề cho bài thơ là:
“Hai từ nước nhà”?

Trong khi đó, văn học dân gian hay ngôn ngữ bình dân cũng đầy rẫy nhưng câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ có chữ “chữ”, mà hầu như không có câu nào có chữ “từ”, như một số ví dụ đan cử dưới đây:

§ Tục ngữ:

– Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. (Chứ không phải “dốt hay nói từ”!)

– Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. (Chứ không phải “một từ cũng là thầy”!)

– Một kho vàng không bằng một nang chữ. (Chứ không phải “một nang từ”!)

§ Ca dao:

– Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
(Chứ không phải “muốn con hay từ”!)

– … Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. (Chứ không phải “anh về học lấy từ nhu”!)

§ Thành ngữ:

– Một chữ bẻ đôi cũng không biết.
(Chứ không phải “một từ bẻ đôi”!)

– Mấy ai học được chữ ngờ.
(Chứ không phải “mấy ai học được từ ngờ”!)

– Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá.
(Chứ không phải “từ tác đánh từ tộ”!)

Trong âm nhạc, tuy muốn kiếm một bài hát có dùng chữ ‘chữ’ khá khó khăn, ta cũng thấy được ít nhất một bài như vậy. Trong bài “Tình Thư Của Lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005), chữ ‘chữ’ được dùng hai lần, một lần với nghĩa là ‘letter’ và một lần với nghĩa là ‘word’. Ở giữa bài hát có câu:

“Thư của lính, ba-lô làm bàn nên nét chữ không ngay”.

Qua câu này, ta hiểu ý nhạc sĩ muốn nói từng chữ cái viết không được đẹp vì phải kê trên ba-lô mà viết. Câu cuối cùng trong bài như sau:

“Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ ‘hôn em’”.

Rõ ràng là ở đây, ‘chữ’ có nghĩa là ‘word’. Xin cám ơn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nếu ông viết “sau khi đề thêm hai từ hôn em” chắc không em gái hậu phương nào dám nhận một nụ hôn sống sượng như thế!

Trong thơ ca, bài “Đây Thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), được sáng tác vào khoảng năm 1938, cũng có thể được dùng để làm một dẫn chứng cho bài viết này. Trong bốn câu đầu, thi sĩ viết:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.


“mặt từ điền”
Đọc đến đây, chắc chúng ta nghĩ giá nhà thơ viết “Lá trúc che ngang ‘mặt từ điền’” thì nét mặt được miêu tả trong cảnh tương phùng của hai nhân vật trong bài thơ sẽ… chẳng giống con giáp nào cả. Mà cảnh vườn Thôn Vỹ cũng chẳng còn chi là thơ mộng nữa.

Trong bài thơ “Lá thư ngày trước” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976), trong tập thơ “Mây”, 1943, ông dùng chữ “chữ” với hai nghĩa khác nhau. Lần thứ nhất, ông dùng “chữ” với nghĩa ‘letter’:

Trong mạch máu, chút gì nghe vướng rối,
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa…
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa,
Hỡi năm tháng, hãy đưa đường giấc điệp!

Lần thứ nhì, ông dùng “chữ” với nghĩa “word”:

Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh,
Lòng tự thú giữa khi tìm chốn nấp.
Mươi hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập!
E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ!

Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu tác giả viết ‘Mươi hàng từ đơn sơ, ồ ngượng ngập! E dè sao mươi hàng từ đơn sơ!’ thì không những âm điệu của đoạn này bị lạc so với luật bằng trắc (hay luật phối thanh), mà tứ thơ cũng chẳng còn gì là lãng mạn nữa!

Chuyện lớn nào cũng bắt đầu từ chuyện nhỏ. Theo thiển ý của tôi, muốn loại bỏ những từ ngữ phản truyền thống trong nước đang lan tràn khắp nơi ở hải ngoại, từ người sử dụng tiếng Việt hằng ngày đến các cơ quan truyền thông, báo chí, việc đầu tiên là không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Có phải tôi là người cực đoan hay không? Xin thưa rằng không, nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng việc giữ gìn tiếng Việt truyền thống là chuyện nên làm.

Đành rằng ngôn ngữ nào cũng phát triển, thay đổi theo thời gian, nhưng việc mở cửa kho tàng ngôn ngữ của chúng ta để cho những từ ngữ lạ tai từ một nước láng giềng cộng sản xâm nhập vì mục đích chính trị và mưu đồ đồng hoá dân tộc chúng ta thì không thể nào làm ngơ được. Bài viết này chú trọng vào cách dùng chữ “từ”, thoạt nhìn thì có vẻ như chuyện vạch lá tìm sâu, tủn mủn, nhỏ nhặt. Tuy nhiên, nếu con sâu có thể làm rầu nồi canh thì chắc cũng nên diệt con sâu ấy để trừ hậu họa.

Môi trường ngôn ngữ chung quanh lúc nào cũng có một tác động mạnh mẽ đến chúng ta là những người sử dụng tiếng Việt. Cho dù có một thái độ rõ ràng với việc gìn giữ tiếng Việt truyền thống, chắc cũng có đôi lần, đâu đó, chúng ta “lỡ miệng” dùng những chữ mà thường ngày chúng ta vẫn không thích dùng. Đó cũng là vì những từ ngữ “phản truyền thống” đã len lỏi vào nhiều ngõ ngách trong cộng đồng hải ngoại của chúng ta, nó đi từ từ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Những từ ngữ đó bây giờ nhan nhản trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, và không thiếu gì người trong cộng đồng chúng ta sử dụng. Những từ ngữ ấy cũng đang dần dần len lỏi vào các lớp dạy tiếng Việt, từ những lớp Việt Ngữ cuối tuần, đến các lớp tiếng Việt ở một số trường trung học, cao đẳng và đại học Mỹ.

Nếu muốn “chống lại” làn sóng những từ ngữ 'phản truyền thống' trong cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay, điều thiết thực nhất là chúng ta nên bắt đầu từ chuyện nhỏ, và bắt đầu từ việc nhắc nhở nhau không dùng chữ “từ” nữa.

Trần C. Trí

......................

Bài đã đăng của Trần c. Trí
bờ dốc - kịch bốn màn năm cảnh - 26.11.2020
mùa chưa xanh lá - 23.10.2020
những sáng kiến tuổi thơ: trả lời phỏng vấn cho chuyên đề văn chương thiếu nhi/thiếu niên - 08.10.2020
tìm lại thiếu nhi trên đất mỹ - 08.10.2020
phân cảnh - 29.06.2020
năm truyện chớp tiếng tây ban nha - 25.05.2020
vi khuẩn trong vườn địa đàng - 30.03.2020
như cánh mai vàng - 21.01.2020
hai người loay hoay xếp dọn - 10.10.2019
trần c. trí: trả lời phỏng vấn chuyên đề kịch da màu - 09.10.2019
khi đàn bướm về - 23.05.2019
màu - 19.03.2019
khoảng cách - 27.02.2019
đối xứng - 07.01.2019
lũ vườn xuân - 10.12.2018
từ và chữ - 15.11.2018
FacebookTwitterEmail

phần góp ý/bình luận

Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiện lên. Xin chân thành cám ơn.

 

=======================================



“Cải cách tiếng Việt” theo hiện đại của Việt cộng sau 1975.

Việc “Cải cách tiếng Việt” của Việt cộng, cần rút kinh nghiệm người Trung Hoa:
Dân chúng Trung Hoa đã không tỉnh táo khi Mao cho sửa lại chữ viết của họ, bảo là để giản tiện hơn khi viết. Thoạt đầu thì “đại thành công” vì con nít học kiểu chữ mới rất nhanh. Nhưng cho đến khoảng những năm '90 thì có chuyện cười ra nước mắt:

Chuyện là như thế này:
Một giáo sư Hán học người Việt nọ được đi du lịch Trung Quốc. Vì là du lịch rẻ tiền nên ông được đưa đi thăm thú ở làng quê Trung Hoa nhiều hơn là ở thành thị. Thế là ông giáo sư này gặp may.
Sau gần nửa thế kỷ dùng chữ mới, những người đọc được chữ cũ càng ngày càng ít đi, ở thôn quê lại càng thậm tệ vì các nông dân vốn đã mù chữ từ trước, chỉ còn đám trẻ được đi học nhưng lại học chữ mới. Cha hỏi con rồi con hỏi cha mỗi khi họ giở các cuốn gia phả hoặc giấy tờ kinh sách cũ của các đình, chùa, miếu, am... ra xem mà chả hiểu gì mấy. Đó là cách tách thế hệ cũ và mới ra thành hai khối xa lạ như Bách Việt và Hoa Nam (Nam Việt) giữa lưỡng quảng người Quảng Đông và người Việt Nam.

Thấy ông giáo sư người Việt ung dung đứng trước cổng một ngôi chùa, thưởng thức ngâm nga các câu đối, các bài thơ khắc trên tường trên cột đã rêu phong mốc thếch, họ như bắt được vàng, và nghĩ ngay đến chuyện nhờ ông ta giải thích hộ những chữ quái gở trong gia phả hay ngay trong nhà họ. Thế là họ tranh nhau, những người Trung Hoa ấy mời ông Việt Nam về nhà, về chùa, đãi đằng đủ thứ, dọn chỗ cho ở, cung cấp người hầu hạ, để ông ngoại quốc này được tự nhiên và thân thiện đọc giùm họ chữ của họ và ghi lại bằng thứ chữ “cải cách” để họ giữ gìn. Chả hiểu ông giáo sư nọ ở lại ngôi làng đó bao lâu và giúp được bao nhiêu người có gia phả ở thôn đó, chỉ biết là -- một khi văn hóa bị “lãnh đạo” thì hậu quả của nó không xảy ra ngay đâu, nhưng khi đã xảy ra rồi thì tai hại của nó khôn lường.
Còn những kẻ lãnh đạo Trung Hoa hiện nay thì không dám lên tiếng, vì thế nên, thế giới sẽ chẳng bao giờ biết văn hóa và văn minh xứ này đã gốc gác và hiện tại đi lạc đến đâu.
Đoạn trích từ bài "Tên Mẫu Tự - Tiếng Việt"

Hồng Đức
Ngày 13 tháng 11 năm 2007
California, USA

 

 


PHỤC HƯNG CHỮ VIỆT




Muốn nói PHỤC HƯNG cho Việt Nam, thì trước hết phải PHỤC HƯNG CHỮ VIỆT, văn chương, âm nhạc của người Việt Nam.

VNCH là thời đại hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam, thì chúng ta phải PHỤC HƯNG Việt Nam trở lại thời kỳ đó, rồi mới nói đến tiếp bước phát triển.

Trước tiên là PHỤC HƯNG QUỐC NGỮ.

 

 


DÙNG CHỮ TRONG THƠ

VÀI KHÁI NIỆM VỀ VIỆC DÙNG CHỮ TRONG THƠ

- NGUYÊN LẠC



1. Theo Nguyễn Anh Khiêm (Ký Ức Sơ Sài) thì tiến trình ngôn ngữ như sau:
Đủ chữ/ đủ ý: Thoại  –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn  –> ít chữ/ nhiều ý: Thơ.

Do vậy trong thơ càng ít chữ mà càng nhiều nghĩa thì thơ càng hay; không cần phải ầu ơ ví dầu, “hoa lá cành” cho dài ra, làm bài thơ loãng, dễ chán.

 

2. Trong văn chương, dùng chữ bình thường, bình dị mà đủ nghĩa tốt hơn dùng chữ hoa mỹ mà vô nghĩa, sáo rỗng. Tuyệt nhất là dùng chữ bình thường mà tạo được nghĩa bất thường.

Đây là ý kiến của Nguyễn Thị Thảo An

[...Dùng những chữ đời thường đôi khi nghe ngô nghê, tưởng chừng như không thể là ngôn ngữ thơ, nó là ngôn ngữ trẻ con, của vỉa hè, nhưng nếu biết đặt đúng vị trí nó sẽ trở thành những "viên ngọc" sáng lóng lánh, làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ.

Ví dụ : “Đem thân làm gã tù lưu xứ/ Xí xóa đời ta với đất trời”.
Chữ “xí xóa” là chữ của trẻ con, thế mà đặt ở câu thơ này thật tuyệt.  

 

3. Trong văn, văn phạm phải rõ ràng và chữ thường có một nghĩa chính xác. Ngược lại trong thơ, sự chính xác văn phạm đôi khi không cần thiết lắm; chữ càng nhiều nghĩa càng tốt, để người đọc suy đoán theo kinh nghiệm riêng mình. Thơ phải mở ra để độc giả dự phần vào - thơ mở - thì mới hay.

4. “Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động… Từ ái tính chất xao xuyến, chơi vơi đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy xuống nước mò trăng”.
(Võ Kỳ Điền – Vài nét lạ trong thơ Lưu Nguyễn)


5. Một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: Vần, nhạc và họa.

Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc diệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này, thơ mới dễ đi vào hồn người; thiếu một trong ba thì không thể là thơ hay được.

6. Theo tôi, một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho mình, thấy có cuộc đời riêng của mình trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào. Nó bây giờ không phải của riêng tác giả nữa, mà là của chung, hoặc nói theo cách khác, của riêng người đọc, người đồng cảm. Cùng cái HỒN THƠ đồng cảm này, người đọc có quyền nghĩ theo, dịch theo - nếu thơ tiền nhân - kinh nghiệm đặc thù riêng mình, có quyền diễn đạt theo ngôn ngữ, chữ nghĩa hiện đại riêng mình. Nếu tất cả đã được nói ra hết rồi thì độc giả bây giờ chỉ là người bàng quan và nghĩ thơ viết cho ai chứ đâu phải cho mình, do đó sẽ giảm bớt cái hay.

Xin ghi ra những điều tôi tâm đắc về thơ từ Nguyễn Hưng Quốc:


"Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Thi sĩ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người.

Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại
"Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình San".
Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình. [
Nguyễn Hưng Quốc]

7. Thơ Việt, thi sĩ thường thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ. Người thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho thơ.

8. Xin lại được ghi ra đây những câu bàn về thơ hay mà tôi tâm đắc của ông Lê Hữu:

[... Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng… chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.

Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phùảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.

Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.

-- Ý tưởng

Câu thơ đẹp thường có mang theo ý thơ đẹp. Ý tưởng mờ nhạt, có mới mà không hay, hoặc có hay mà không mới, thường kém sức hấp dẫn. Ý tưởng cần sáng tạo hơn là vay mượn.

Biệt ly dù ở ga nào,

cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên    
(Hôm nay, Nguyễn Tất Nhiên)

-- Hình ảnh

Hình ảnh tô đậm thêm những tình ý trong thơ. Ý tưởng đẹp, minh họa bằng hình ảnh đẹp, thường đọng lại về lâu về dài trong tâm tưởng người yêu thơ.

Người lên ngựa, kẻ chia bào  

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san    
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

-- Âm điệu: Thơ, nhạc và tranh

- Thơ, nhạc và tranh nhiều lúc vượt ra ngoài biên giới của ngôn ngữ. Cái làm cho thơ “không biên giới” là ý tưởng và hình ảnh (đôi lúc chữ nghĩa) hơn là âm điệu - vần điệu, nhịp điệu hay nhạc điệu. Đọc một bài thơ hay của ngoại quốc, ta thấy nhiều phần cái hay là hay về ý tưởng hoặc hình ảnh...]

[Lê Hữu: Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn] [2]

9. Theo tôi: "Cảm nhận đưa tới cảm xúc -tức cảnh sinh tình- rồi cuối cùng đưa tới thơ", do đó điều quan trọng nhất ở thơ là cảm xúc - "cảm xúc thật" của lòng. Những bài thơ sắp xếp chữ do lý trí do kinh nghiệm có thể hay, nhưng chắc chắn sẽ không có HỒN, nghĩa là sẽ không tồn tại lâu trong tâm tưởng con người.

 

VỀ VIỆC PHÂN TÍCH VÀ DÙNG CHỮ

 

Để minh họa những điều nói trên, chúng ta hãy xét sự dùng vài chữ trong các câu thơ sau đây:

Cố hương mất dấu, đoài phương ấy,

Vẫn mãi trong tôi bóng nguyệt đầy!

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

 

Tôi ở nơi này thương nhớ lắm,

Xứ đoài bóng nguyệt vẫn rạng, hay?

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Trong các câu thơ này, tôi sẽ lần lượt phân tích năm chữ: đoài, nguyệt, bóng, đầy và chữ "hay" mà tác giả dùng với chủ ý.

-- Nhận xét đầu tiên: Trong các câu thơ trên, có "đoài" mà có cả vầng trăng (nguyệt) chứng nhân. Đoài là hướng tây (giải thích sau).Tây là chữ địa dư giữa bai bờ Đai Dương. Tây còn là phương thương nhớ, vùng ký ức... và còn là cõi về của Người - "về cõi Tây phương" khi chết.

Giờ tôi giải thích trọn nghĩa cách xử dụng các chữ trên:

-- Chữ "đoài": Trong "Hậu thiên bát quái" của Kinh Dịch, quẻ Đoài nằm vị trí hướng tây (Chấn hướng đông), các nhà Nho -  trí thức xưa ai cũng phải nằm lòng để đi thi, nên trong văn chương, nhắc tới đoài là người ta muốn nói tới hướng tây. Hướng tây là hướng mặt trời lặn, tượng trưng cho buồn bã, thương nhớ, nhớ về... cũng là hướng của nước Việt Nam nếu nhìn từ Mỹ. Do đó trong câu thơ nó cũng có thể được nghĩ là phương thương nhớ, vùng ký ức, là cõi về đối với người sống ở Mỹ như đã nhận xét trên.

Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn - "thương nhớ đoài đoạn".

Đoài ở đây có nhiều nghĩa như vậy với điều kiện:  Viết thường - danh từ chung, chứ không viết hoa -  danh từ riêng như trong bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây" của Quang Dũng.

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,

(Đôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng)

(Chữ Đoài, viết hoa danh từ riêng - ở đây chỉ nhớ người (tên Đoài) hay nhớ quê (tên Đoài) thôi).

Tôi sẽ giải thích rõ điều này sau, ở phần "Viết Hoa Hay Viết Thường"

-- Chữ "nguyệt": Chữ nguyệt - viết thường, danh từ chung - tượng trưng cho trăng, chứng nhân hoặc khuông mặt, người con gái, và xa hơn nữa là khoảng trời xưa cũ, niềm nhưng nhớ.v.v... và xứ sở, quê hương.

Chữ Nguyệt - viết hoa, danh từ riêng - ít nghĩa hơn, chỉ là tên người con gái (Nguyệt), hoặc tượng trưng cho bóng dáng thân yêu. Có một số người ngộ nhận viết hoa thì Nguyệt mạnh nghĩa hơn, gây "ấn tượng" hơn; cái gì cũng muốn viết hoa vô tình làm giảm nghĩa. Như đã nói, sẽ giải thích rõ ở phần dưới.

-- Chữ "bóng": Ở vị trí này trong câu thơ trên, đồng nghĩa với nó là chữ "ánh" hoặc chữ "dáng". Tại sao tác giả chỉ chọn chữ "bóng"?

Lý do:

. Chữ "ánh" có thể là rực rỡ, vui tươi... Các câu thơ này là câu "thơ buồn", nên chọn nó thì không hợp

. Chữ "dáng": Nếu dùng chữ này - dáng nguyệt - thường được hiểu chỉ là người con gái, ít nghĩa không đúng với điều tác giả muốn nói. Lại nữa dáng là "trung tính" buồn vui không rõ, cảm xúc không hàm ẩn.

. Chữ "bóng": Đây là chữ mà tác giả nhắm vào, lựa chọn để gởi gắm tâm sự, vì nó chứa nhiều nghĩa và đầy cảm xúc. Bóng nguyệt - nguyệt viết thường - là bóng dáng người con gái, bóng dáng kỷ niệm, bóng dáng quê hương như đã giải thích trên về chữ nguyệt. Bóng thường mờ ảo, buồn. Lại nữa nó liên hệ đến "bong bóng nước", dễ vỡ nếu không cẩn trong, nâng niu. Chữ đầy cảm xúc đúng theo tác giả mong muốn.

-- Chữ "đầy": Ở vị trí này của câu thơ cũng có một chữ tương nghĩa là "gầy" - nguyệt gầy - tại sao tác giả không chọn?

Giải thích:

. Chữ "gầy": "Nguyệt gầy" chỉ tượng trưng cho người con gái. Chữ "gầy" làm ít nghĩa câu thơ.

. Chữ "đầy": Hợp với chữ nguyệt và tạo nhiều nghĩa hơn: "Nguyệt đầy" nghĩa người con gái, niềm thương nhớ, chứng nhân, xứ sở, quê hương... vẫn tròn đầy, rực sáng trong tâm.

Đó là lý do tác giả chọn chữ "đầy".

 

VỀ NHẠC ĐIỆU
THƠ MỞ

 

Sẵn đây tôi liên hệ thêm về nhạc điệu, thơ mở.

--  Về nhạc điệu

thử xét các câu:

Ai rồi. như áng mây trôi

Trong tôi vẫn mãi. một thời đã xa.

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Chú ý: chữ "mây trôi". Gần giống với nó là chủ "mây trời".

- "mây trôi" tượng trưng cho người con gái, cuộc đời... bị đưa đẩy trôi đi, nhưng nó vẫn còn tồn tại.

- "mây trời" nhiều nghĩa hơn: - Nó bao gồm cả mây trôi đi, nhưng cũng có thể mây tan, không còn hiện hữu nữa... Lại nữa, "mây trời" lại có nhiều màu, tùy theo tâm trạng người đọc, do đó ẩn tàng nhiều nghĩa hơn.

- Giữa hai câu nầy còn có nhạc điệu: Ta chú ý thấy "mây trời" hai chữ khác thanh nên nhạc trầm bổng hơn "mây trôi" cùng thanh. Phải liên hệ đến những chữ đứng trước và sau nó, để chọn chữ nào cho nhạc điệu trầm bổng.

Và cũng nên nhớ cái nghĩa của chữ so với ý, tứ bài thơ.

Ở bài này tôi chọn "mây trôi", ít nghĩa hơn, nhưng vì bóng hình người con gái chỉ xa khuất, vẫn tồn tại; trong khi "mây trời" nhiều nghĩa hơn nhưng không hợp, kể cả nhạc điệu khi liên hệ với những chữ trước sau nó

-- Về thơ mở:

- Chữ "hay?" trong câu thơ trên tác giả để mở, mở ngõ,  mời độc giả dự phần đoán: Vẫn rạng hay hết rạng.

- Để minh họa rõ thêm về "thơ mở ngõ", mời các bạn xét trường hợp sau:

Đây là 4 câu thơ:

Bất chợt nhớ một câu thơ cũ

Người ngày xưa giờ ở phương nào?

Thương đến thế đôi mình cách mặt

Lòng vẫn đầy mãi chẳng bên nhau!

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

 

Ở câu cuối, ngay vị trí chữ "mãi", ta cũng có thể dùng chữ "sao". Thử xét cách dùng hai chữ này:

-- Chữ “mãi”: Tác giả muốn diễn tả nỗi đau, nỗi xót xa kéo dài không ngừng, khắc khoải không nguôi. Câu thơ xác định, xem như sự đã rồi, độc giả chỉ bàng quan: Đâu có viết cho tôi!

Có chắc là mãi không trong cuộc đời này? Biết đâu, trong khoảng thời gian tương lai nào đó, một "hạnh ngộ" nào đó thì chữ "mãi" nầy mất bóng. Lại nữa chữ "mãi" nầy trung tính hay nói đúng ra chỉ có chút cảm xúc, vì nó là câu khẳng định.

-- Chữ "sao":  Khi thay thế chữ "sao" vào vị trí chữ "mãi", câu thơ bây giờ là một câu hỏi (?). Câu hỏi này, nỗi đau này, sự xót xa này sẽ kéo dài mãi cho cuối đời người. Nghĩa là chữ "mãi" không dài và nhói đau bằng chữ "sao".

Câu thơ gợi ra câu hỏi, như mời độc giả dự phần vào, đưa tâm trạng của chính mình vào và tự trả lời theo tâm tư riêng mình.
Độc giả bây giờ không còn là người bàng quan và sẽ nghĩ rằng thơ viết cho mình, nên rất thích thú, thấy bài thơ hay thêm.

Lại nữa, câu thơ là câu hỏi, là niềm bâng khuâng, day dứt nên chữ "sao" đầy cảm xúc.

Do những điều này, tác giả chọn chữ "sao", câu thơ bây giờ như sau:

Lòng vẫn đầy, sao chẳng bên nhau?

"Thơ mở" ý là vậy!

thử thời

thử vận

thử xem

số xui tận mạng lấm lem cả đời

từ ngày em bỏ cuộc chơi

(thử - Trần Phù Thế)

 

 

VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG?

 

1.

Để minh họa về phần này, tôi xin được ghi ra đây trích đoạn từ bài viết "VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG" đã đăng trên Web

 

[...Hãy xét bài ca dao 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Công Cha Nghĩa Mẹ)

Theo tôi, hai chữ "thái sơn" phải viết thường. Thái Sơn (viết hoa) là sai.

Các bạn chắc sẽ hỏi tại sao?

 

Giải thích:

Vì nếu hai chữ thái sơn viết hoa, chúng ta sẽ đem hữu hạn thế cho vô hạn! Này nhé:

- "thái sơn" (viết thường, danh từ chung) là núi rất lớn, vô hạn (thái= rất bự, rất lớn; sơn = núi). Còn "THÁI SƠN" (viết hoa, danh từ riêng) là một ngọn núi bên Tàu, chỉ cao khoảng  1450 m (đo được, hữu hạn). Vậy nếu viết hoa: THÁI SƠN thì không phải là hữu hạn thay cho vô hạn sao?

- Nghĩa mẹ = "nguồn nước chảy ra vô tận, không dứt", đối với "THÁI SƠN" (viết hoa: danh từ riêng) đo được chỉ vài trăm hoặc ngàn mét. So sánh ra thì công cha như số không! Sao BỘI BẠC VỚI CHA quá thế!

- Còn nếu viết "thái sơn (viết thường: danh từ chung) = lớn, bự vô hạn", công cha sẽ gần như bằng công mẹ.

Do điều này, ta phải dùng thái sơn danh từ chung (viết thường). Hai câu đó tôi nghĩ như vầy

Công cha như núi, thái sơn (to vô cùng)

Nghĩa mẹ như nước, trong nguồn chảy ra (luôn không dừng).

- Xin nói thêm: thái sơn, sơn hà (viết thường, danh từ chung) tượng trưng đất nước, tổ quốc; nếu chúng viết hoa (trở thành danh từ riêng) thì sẽ không còn nghĩa này nữa, mà thành tên ngọn núi Tàu, tên riêng vùng nào đó...] (VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG - Nguyen Lac)

 

2.

Thử áp dụng những điều bàn trên vào các câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn X. xem sao?

Câu thơ Nguyễn X (tên hư cấu) viết như vầy:

Trưa chín HÈ, PHƯỢNG đỏ thật thương

Tiếng ve nấc nỗi niềm vương rất lạ

(Ví dụ minh họa)

Nhà thơ Nguyễn X cố tình viết chữ HÈ và PHƯỢNG hoa, chắc anh cho là nó "ấn tượng" hơn!

Theo tôi, chữ "phượng" viết thường hay hơn và nhiều nghĩa hơn. Lý do?

Giải thích:

- PHƯỢNG viết hoa là danh từ riêng chỉ chính xác một nghĩa: người con gái - tên người con gái. Viết hoa chữ PHƯỢNG, sẽ làm nó trở thành "nội gián" phá hỏng ý bài thơ. Rõ ràng là bài thơ nói về mùa hè buồn hoa phượng nở đỏ. Nếu viết hoa chữ PHƯỢNG, thành ra cô gái PHƯỢNG "đỏ mặt" - hoa phượng mất dấu ở đây - thì cón thể thống gì nữa mà liên hệ đến ve sầu câu dưới? Chữ phượng viết thường, danh từ chung bao gồm cả hoa phượng, mùa phượng, mùa bãi trường và người con gái...

Tương tợ như vậy về chữ - viết hoa - cũng khiến người ta nghĩ đến một anh chàng tên HÈ nào đó.

Rất mong nhà thơ Nguyễn X, nói rộng ra các nhà thơ trẻ chú ý đến điều này. Hãy mở lòng lắng nghe tha nhân góp ý, ai tự thỏa mãn sẽ bị dừng lại, hay đúng ra sẽ lùi so với sự tiến bộ của người khác

 

LỜI KẾT

 

Chữ Việt chúng ta khác lắm, đừng "ngộ nhận" nó kém so với chữ nước ngoài.

Nên nhớ rằng: Trong các "nghề chơi", chơi văn chương chữ nghĩa là cao sang nhất, nhờ nó ta mới phân biệt được người thấp người cao, ai sang ai hèn, chứ không phải ở giàu nghèo.

Chơi cho lịch mới là chơi,

Chơi cho đài các, cho người biết tay.

(Cầm Kỳ Thi Tửu - Nguyễn Công Trứ)

Đọc một bài văn, bài thơ mà giống như ăn "mì ăn liền", chỉ ăn cho no; không cần biết hương vị thơm tho của bát mì, công phu nghệ thuật của người nấu ra nó thì chỉ là "phàm phu tục tử".

 

Nguyên Lạc

---------------

Ghi chú:

[1] Tôi đồng ý với Trần C. Trí không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Xin xem:

"từ và chữ" - Trần C. Trí

https://damau.org/archives/51321

[2] "Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn" - Lê Hữu

http://t-van.net/?p=35489



 

......... ......................................................

 

Đọc thêm:

Nỗi Buồn Tiếng Việt Thời Cộng Sản
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/noi-buon-tieng-viet-thoi-cs12082015vi.html

 

Việt cộng và Chữ Việt sau 1975
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/viet-cong-va-chu-viet-sau-1975-viec-sua.html

 

Chữ Nghĩa Việt Cộng
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/chu-nghia-viet-cong.html

 

Tiếng Việt và Tiếng Vẹm
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/tieng-viet-va-tieng-vem-tieng-viet-va.html

 

Từ và Chữ
https://vuonlenmai.blogspot.com/2021/01/tu-va-chu-tran-c.html

 

◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙

 



►► Bỏ Dấu Tiếng Việt -- Trước và Sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2021/01/bo-dau-tieng-viet-truoc-va-sau-1975.html


►► Âm và Chữ --- Trong Tiếng Việt (Trước và Sau 1975)
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/06/am-va-chu-trong-tieng-viet-truoc-va-sau.html




►► Tên Mẫu Tự - Tiếng Việt (Trước và Sau 1975)
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/04/tieng-viet-ten-mau-tu-xin-ke-hau-qui-vi.html
>

►► Đánh Vần Tiếng Việt - Trước và sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2019/06/tieng-viet-vo-long-anh-van-aug-8-09.html


►► I và Y / i Ngắn và y Dài - Trước và Sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/06/tieng-viet-i-va-y-hong-uc-ngay-sau-ngay.html


 

No comments:

Post a Comment

"Saigonaises" Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn

Du khách ngoại quốc và dân "Saigonaises" còn gọi là Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh. 1 Vì sao? Tro...